Wednesday, December 30, 2015

SUỐI

Chảy từ đâu suối ơi 
Dòng sữa muôn đời của biển

Về đâu nơi xa xôi
Người tình muôn đời của sông

Suối ơi chảy mấy dòng
Mà mùa đầy mùa vơi
Vẫn trọn vẹn một lòng
Không bao giờ suối cạn

Suối ơi bao nhiêu tuổi
Cùng đá bạc mái đầu
Vẫn trọn vẹn trước sau
Một dòng xanh chung thuỷ

Chiều nay nghe suối hát
Bản tình ca muôn đời của rừng xanh
Mà nghe như dào dạt
Sóng biển tràn mông mênh

Mùa khô 1973 Nam đường 19 Gia Lai

Ngược gió


Những chuyến đi ngược gió
Ta như mình đang vươn về phía trước
Những con đường ngược gió 
Cát bụi lùi về phía sau

Dấu chân trên cát
Gió khoả lấp thời gian
Dấu thời gian trên tóc
Gió lật bới tung mọi nỗi niềm

Đừng cố tìm chiều gió xuôi
Bởi ta không là ta nữa
Bước đời mộng mị
Gió chảy thế giới ảo chập chờn

Ai có nỗi nhớ nào ngược gió không?
Giống ta
Lẩn thẩn
Ngược gió tìm khoảng lặng bình yên
29/12/2015

Monday, December 28, 2015

GỌI ANH LÀ ANH NUÔI


Chúng tôi đánh đấm có mùa 
Còn anh lặm lụi những là cơm canh
Chúng tôi mắng , anh lặng thinh
Gùi cơm lên chốt , gùi canh lên đồi

Điếu thuốc lào anh vê đôi
Lá thư của vợ anh cười cả đêm
Bao lần khóc bởi thừa cơm
Bao lần bóng đổ bếp đêm Hoàng Cầm

Mặc ai kể chuyện chiến công
Riêng anh tủm tỉm sau lưng bạn mình
Bao mùa chiến dịch có anh
Ngày mừng công , vẫn cơm canh bộn bề

Mỗi lần di chuyển thương ghê
Cũng ngần ấy cũng ba lô của mình
Nồi xoong gạo muối linh tinh
Con dao cái thớt gồng mình mang theo

Cũng chèo suối cũng băng đèo
Dừng chân là thấy bếp reo lửa rồi
Chúng tôi mắc võng thảnh thơi
Thuơng anh những giọt mồ hôi vắn dài

Cái tên hiền thế anh ơi
Chẳng ai dám gọi “ thằng nuôi “ bao giờ

Mùa mưa 1974 Gia Lai

Sunday, December 27, 2015

Trăng tháng chạp


Sương lạnh tan vào trăng
Ta uống men nhớ nhung …tháng chạp
Mái tóc nửa đen nửa bạc
Có người ngắm trăng đêm nay?

Những đêm trăng cuối năm thêm nhớ
Buồn vui pha tan như sương
Tháng chạp trăng nghiêng ngoảnh lại
Cột thời gian thêm một quãng đường

Ta pha trăng sương vào chén rượu cuối năm
Soi thấy bao gương mặt bè bạn
Thấy ngày xa về mơ mộng nhẹ như mây
Cả những kẻ thù đã bị ta bắn hạ
Cuốn đi cùng trăng dưới chén rượu cuối năm này

27/12/2015

Wednesday, December 23, 2015

ĐỈNH CAO HOANG VẮNG

Trở lại 1015( Charlie) sau hơn 40 năm là diễm phúc của một đời người lính như tôi. 
Còn bao nhiêu các anh nằm lại đó và bao nhiêu các anh đã về với ruộng đồng đau yếu tật bệnh chẳng bao giờ được như tôi.

Tôi nghe thấy trong gió, trong nắng, trong rừng thông và trong lau lách tiếng của người xưa, tiếng của lịch sử một thời đất nước loạn li, tiếng con suối mùa khô thở dài, tiếng ve rừng Kon Tum nức nở.
Tôi nghe trong mùi hương trầm, những ngọn khói từ những nén nhang bay là là mặt đất thấy như các anh níu kéo bước chân tôi, người đồng đội muộn mằn đến với các anh.
Tôi leo lên khó nhọc giữa nắng mùa khô Tây Nguyên nhìn về phía T,ây thấy dẫy núi Chư Mom Ray, nhìn về phía Đông thấy dòng Pô Cô vẫn màu xưa cũ. Chỉ có mờ xa là thị trấn Đak Tô , Tân Cảnh sáng lên, đông hơn và trù phú hơn.
Tôi không còn thấy rừng già, không còn thấy suối và lồ ô mướt mát nữa. Càng lên cao, không gian càng phơ phác bạc đầu. Núi bạc đầu, tiếng ve bạc đầu, những đỉnh cao bạc đầu hoang vắng. Đồng đội tôi nằm đấy.
Tôi đã lên đỉnh núi Ngọc Rinh Rua có những điểm cao 1015, 1020, 1049 mang những cái tên Charlie, An fa, Denta một thủa. Những đỉnh cao là máu và xương cốt trẻ trai, những dũng sĩ một thời chiến đấu để toàn vẹn lãnh thổ.
Những đỉnh cao ấy giờ hoang vắng.
Những đỉnh cao ấy ở trong lòng chúng tôi. 
Chúng tôi sẽ trở lại với các anh.

Tôi đang nghĩ về NHỮNG ĐỈNH CAO HOANG VẮNG

24/12/2015

Tuesday, December 22, 2015

Gặp nhau 22/12


Lại vẫn những tiếng cười ấy
Khề khà hơn xưa thôi
Răng lợi đứa nào cũng thiếu
Cười như hít gió hà hơi

Lại những khuôn mặt ấy
Tàn nhang nhúm nhó hơn thôi
Nhìn nhau thằng quê thằng phố
Kể toàn những chuyện xa xôi

Thế mà thấy như hôm qua
Nụ cười ngày xưa rõ tươi
Răng thì trắng má thì sữa
Hành quân đêm rúc rich cười

Lại như thể mới hôm nào
Ôm súng lao lên cửa mở
Khuôn mặt nào cũng như nhau
Chẳng kể thằng già thằng trẻ

Mỗi năm gặp nhau đôi bận
Toàn là nhớ cháu ở nhà
Thằng nào cũng là ông cả
Vẫn cứ tao mày ha ha!

22/12/2015

Sunday, December 13, 2015

Đã từng...với tháng 12


Từng bao nhiêu mùa gió lạnh, từng bao nhiêu tay vịn vai người, từng bao nhiêu mùa đạn xối, nay mùa đông buốt trên môi mùa đông buốt trên da mồi

Từng bao nhiêu là hờn giận , từng bao nhiêu là chia phôi, từng bao nhiêu là nước mắt, nước mắt khô, nước mắt ướt môi.

Từng bao nhiêu là hoan hỉ, từng bao nhiêu những phỉnh phờ, từng bao nhiêu là chụp giựt, cuộc đời cần tiền hơn cần thơ


Từng bao nhiêu đoạn đường vắng, từng bao nhiêu con đường dài, từng bao nhiêu là chuyến đi, từng bao nhiêu ngày xa vắng, rồi về những đêm thấy mình mồ côi


Từng đã mũ cao áo dài, từng bao nhiêu là hội họp,từng theo đời mà tay vỗ, từng tung hô cười nói khơi khơi, những chuỗi ngày chập chờn đi như ma trơi

Từng đi về chiến trường cũ, từng đi với những là TUA, tua nào cũng như đi ngựa, ngựa nào cũng như ngựa hoang, chiến trường ai nhớ ai quên,chỉ thấy mỗi chuyến đi toàn bụi đỏ.

Từng đã là mình một thời, có lúc không là mình nữa, từng bon chen ngược chen xuôi, từng nghe thấy đồng đội cười, lúc mình thua cuộc trong lòng thành phố

Từng qua bao nhiêu là tháng chạp, từng uống nước suối Trường Sơn, nhập nhoè bia hơi Hà Nội, thấy mình vui hơn và may mắn hơn

Thì thôi đừng nói đã từng, chỉ là từng yêu như thế, chỉ là hèn thì không thể, chỉ là người lính mà thôi, văn thơ bao nhiêu cho đủ, những ngày từng sống với đồng đội tôi.

14/12/2015

Saturday, December 12, 2015

THÁNG CHẠP QUÊ


Ngày trở lại em thì cười nhúm nhó
Anh dập dừng con đường cũ rạ rơm
Có một con chìa vôi gập đuôi te tở 
Mạ trên đồng loe loắt mùa đông
Rồi còng xuống vơ quào nắm cỏ 
Em dấu giọt mình mùi bùn nước ngày xưa
Anh đứng chôn chân bờ ruộng còn loe loét
Dấu mẹ cha mùi của chiêm mùa
Mùa đông tràn vết chân chim khăn mỏ quạ
Mẹ giờ xa em thì ở trên đồng
Ơi quá khứ là vui là buồn hay là văn thơ nhỉ
Quê là tôi tháng chạp dửng dưng buồn
Văn nhân cứ yêu quê ở xa nhìn ngó 
Chỉ mồ mả mẹ cha thì ở lại với đồng
Người ra phố yêu quê kiểu người hàng phố
Quê chẳng cần từ thiện chỉ chờ mong
13/12/2015

TRỞ LẠI CHARLIE ( PHẦN 3 )


Chiến tranh đã lùi xa như chưa hề có
7 giờ sáng 25/3, tôi đã tới thị trấn Sa Thầy. Dẫy Chư- Mom- Ray xanh mờ sương sớm. Mặt trời lên hồng phía Pô Cô, thị trấn khoác tấm áo bụi đỏ lẫn sương mai thật mềm. Tôi nhẹ nhàng bước vào nghĩa trang Sa Thầy. Sớm thế mà tôi đã thấy nhiều đoàn CCB từ Hà Nội đang lúi húi thắp nhang. Tôi tìm đến dẫy mộ cuối cùng, đứng trước mồ anh Đàm Vũ Hiệp, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tôi hi sinh ngày 12/4/72 trên 1015.
- Anh Hiệp ơi, hôm nay tôi lên 1015 đây. Xin anh phù hộ tôi lên được đến đỉnh cao điểm để thắp nén hương cho anh em mình. Xin anh chỉ đường cho tôi phù hộ tôi đi được an toàn…
Sau lưng tôi, đứng trước ngót trăm ngôi mộ liệt sĩ trung đoàn 64. Tôi đang đi ngược về tuổi trẻ, đi ngược về một vùng đồng đội. Nơi ấy có tuổi trẻ của tôi và các anh đang nằm đây. Nơi ấy để lại nỗi khiếp đảm cho lính mặt trời lên vượt đỉnh núi, ánh nắng rọi về phía Chư Mom ray rực rỡ. Khói nhang thơm tỏa cho một vùng nhẩy dù VNCH mà kẻ xấu số là tiểu đoàn 11 dù của trung tá Nguyễn Đình Bảo. Một mùa hè đỏ lửa Cao nguyên bắt đầu bằng những trận đánh 1015, 1049 Kleng, phá toang phòng tuyến Tây sông Pô Cô của quân lực VNCH. Cao điểm 1015 án ngữ toàn bộ đường vào Dak Tô, Tân Cảnh từ phía Tây. Địch lập phòng tuyến Tây sông Pô Cô, hòng chặn cứng con đường tiến đánh Kon Tum từ ngã ba biên giới. Từ cao điểm 1015 nhìn về phía Đông chỉ 12 cây số đường chim bay, thấy trọn vẹn thị trấn Dak Tô và con sông Pô Cô uốn lượn. Người dân Kon Tum hồi ấy kể lại, suốt một tuần lễ họ nhìn về phía Charlie, chỉ thấy một màu đỏ rực và khói bom đen quánh. Suốt những ngày tháng 4/1072, máy bay đông như chim quần thảo trên dẫy núi . Kẻ địch ở Đak Tô, Tân Cảnh sống trong lo âu sợ hãi. Họ theo dõi diễn biến trận đánh trên cao điểm ấy và hiểu rằng mất 1015 thì sẽ mất DAK TO, TAN CANH
Từ thị trấn Sa Thầy, đi thêm 5 km nữa dọc theo chân núi Chư Mom Ray, tôi đến làng Rờ Kơi. Suối Rờ Kơi thanh bình trong sáng sớm. Những người đàn bà dân tộc Ê Đê, giặt quần áo gò lưng soi trên những hòn cuội trắng. Những người đàn ông bình thản lùa bò lên nương. Nơi này là bàn đạp ,nơi bắt đầu để trung đoàn 64 vượt qua suối, vượt qua những vạt rừng thấp để vào chiếm lĩnh 1015 từ phía Tây Nam. Nơi chúng tôi đang đứng đây là nơi tọa độ của B52 rải thảm suốt những ngày đầu tháng Tư năm 72. Trước khi nổ sung, quân ta đã bị thương vong đáng kể vì bom B52 của kẻ thù. Chả còn dấu tích gì ngoài những vạt nương lồi lõm chập chùng, những hố bom ngày xưa ngô non uốn lượn. Con suối trong veo và nắng chan hòa trên nương ngô, đường lên Charlie sẻ vào tôi kí ức dằn vặt, dậy lên những hơi thở gấp gáp của đêm chiếm lĩnh đầy máu
Vượt qua chừng 2 km vùng đệm ngày xưa. Xe cài cầu leo lên dốc, dốc dựng đứng rồi lại tụt xuống suối, đất đỏ bụi ngầu lên vào mùa khô
, tôi lại gặp những bụi le khô rang và chập chùng là lau sậy với gai sấu hổ. Ngược lên cao những nương rẫy đang mùa trồng tỉa sừng sững là những cây Kow nia lá xanh ngát . Thật là bồi hồi đã hơn 40 năm, tôi lại nhìn thấy những cái lều giữa nương , ở đó có người con gái địu con lên nương nhìn chúng tôi lơ đễnh. Nơi này như chưa từng có chiến tranh. Kơ nia vẫn xanh ngằn ngặt, đứng hiền lành như một ông già đóng khố che chở cho dân làng. Người đàn bà cho con bú trên sườn dốc nơi ngày xưa trung đoàn tôi bám lưng nhau, chịu bom chịu pháo trong cái đêm tiếp cận lịch sử này

Thursday, December 10, 2015

CHUYỆN TRONG NGÀY HỌP MẶT TRUNG ĐOÀN


Thành lệ , cứ cuối tháng 12 hàng năm là Trung đoàn 64 F320 A của chúng tôi họp mặt . Trung đoàn thành lập 22/1/1946 . Bây giờ đã 67 tuổi . Lần nào cũng thế, các CCB áo quần sùm sụp đi tàu xe về Thủ đô trong cái giá lạnh cắt da cắt thịt. Năm kia năm kìa, lúc thằng Minh bạn tôi chưa ốm nặng, nó đã cởi cái áo rét to sù sụ của nó cho một thằng bạn tít Hà Giang về. Hôm ấy họp ở BTL Lăng HCM, nhìn người đồng đội, người dân tộc cao có mét 6, mặc cái áo bông của thằng Minh đi vào lăng viếng Bác trước giờ khai mạc mà thấy thương. Thương thằng bạn Hà G,iang một thương thằng Minh hai. Nó bảo mình rét đến mấy cũng không bằng chúng nó trên cái vùng toàn hơi lạnh của đá . Mày không nhớ là nó ở c25 sao?, Toàn đi khiêng thương và tử sĩ, nó khiêng tao trận làng Dịt đấy, hì hì mẹ kiếp ! Nó chửi : Thằng lày ăn cái téo gì mà ló lặng téo chịu tược .

Năm nay thằng Minh nằm bẹp rồi chả đến được. Thằng Lù Hà Giang cũng không về, nhưng nó từ Yên Minh xuống Hàm Yên gửi thằng Bình bò cùng c25 một can rượu ngô về cho anh em. 200 người uống rượu Votka Hà Nội, chả mấy ai biết can rượu ngô rót lẫn vào bữa tiệc . Tôi biết, tôi ghé vào bàn mấy thằng Tuyên Quang. Chúng nó bảo lấy chai votka rót rượu của thằng Lù C25, mỗi thằng mang về một chai. Ngoài trời lạnh hun hút. Ngó qua cửa kính sang Trung tâm hội nghị Quốc gia bề thế, cứ nghĩ thằng Lù hôm nay mà có mặt nhỉ, nó sẽ mang cái ảnh chụp chung ở khuôn viên trên đường Phạm Hùng về bản nó. 
Lại nhớ thằng Minh nằm lạnh lẽo trong phòng chạy thận . Những cựu chiến binh chúng tôi ngày càng yếu dần , khuôn mặt mốc thếch mỗi mùa gió bấc về lại càng thêm nhăn nheo mốc thếch . 
Chiến tranh lùi xa , những người dấn thân vào binh lửa vẻ vang ngày xưa ấy rơi rụng dần . Thời của cuộc sống tốt đẹp càng gần bao nhiêu thì những người lính chiến càng đi xa bấy nhiêu .

Vẫn thế , gặp nhau tay bắt mặt mừng thao thao ôn chuyện cũ , thằng này tìm thằng kia, hỏi han những thằng không đến , nhắc tới những đồng đội không về , báo tin cho nhau tìm được mộ của ai . Ban Liên lạc thông báo những chuyến đi tìm đồng đội nơi chiến trường xưa, rồi lệ phí rồi mừng thọ, thăm hỏi rồi sau cùng là liên hoan .
Khi Ban tổ chức giới thiệu thân nhân liệt sĩ từ xa về dự, tôi cố ngó lên phía trên có hai người đàn bà gầy gò nhỏ thó lọt trong cái ghế bọc nhung của hội trường Bộ Tư lệnh Quân Khu Thủ Đô. Mọi người sau mỗi lượt đại biểu phát biểu thì vỗ tay. Hai người đàn bà vẫn ngồi im. Có lẽ họ không quen vỗ tay bao giờ. Ngồi phía sau nên không nhìn thấy mặt họ, tôi chỉ thấy họ cúi đầu, thỉnh thoảng thấy xung quanh cười rộn thì mới ngẩng lên rồi lại cúi xuống .
Bữa liên hoan trưa hôm ấy thịnh soạn lắm. Mấy nhà tài trợ là lính cũ của trung đoàn đã góp tới dăm chục triệu, rồi tướng lĩnh cũng gửi quà, rồi anh em đóng góp. Cơm gần tết nên có không khí tết những là bánh chưng và dưa hành. Rượu nhiều nhưng CCB già hết rồi kham không hết rượu . 
Tôi cố tình tới ngồi với hai người phụ nữ thân nhân liệt sĩ. Thì ra họ từ Phú Thọ về, trông người con tiều tụy chả kém chi người mẹ. Tóc cả hai đều bạc, người con thì bạc ít hơn vì chị mới có 42 tuổi . Đó là vợ và con gái liệt sĩ Đinh Xuân Sắc ở Huyện Thanh Sơn . 
Tôi hỏi, chị ơi gia đình thấy mộ của anh chưa? 
Chị bảo nhờ ơn giời tôi đưa được cốt của anh về rồi, cả bác Su nữa .
Trời ơi thì ra hai anh em trai anh Sắc và Su đều là lính E64 và đều hi sinh năm 72 ở Gia Lai . Người con gái bảo, phúc nhà cháu còn lớn nên đưa được bố và bác cháu về. Năm 71 đánh xong Nam Lào, bố cháu về phép thì có cháu vào năm 72 . Cháu bị thần kinh và rồ mất mấy năm. Cháu đi lang thang ở Việt Trì người ta lại dắt về . 
Từ ngày đưa hài cốt bố cháu và bác cháu về tự nhiên cháu khỏi rồ. Bây giờ mẹ cháu ở với cháu và hai đứa cháu ngoại . Chồng cháu bỏ cháu khi cháu bị rồ đi lang thang, thế là ở nhà bà cháu rau cháo nuôi nhau. May mà bây giờ cháu khỏi bệnh

…Người mẹ bê cái bát mãi mà chả biết gắp thức ăn gì. Cái bàn ăn có cái mặt kính xoay cứ chập chờn những đồ ăn mà ở nhà chỉ thấy thoáng qua vào ba ngày tết . 
Chị lại ngước lên nhìn những người đồng đội của chồng mình đang ồn ào, phấn khởi nói cười cụng li dô dô hớn hở . Giọt nước mắt lăn khe khẽ trên góc mũi người nông dân thật chậm. 
Đột nhiên chị ngước lên nhìn tôi, nghe nói chú cũng người trên Phú Thọ ta? Chú biết anh Sắc nhà tôi chứ . Tôi nói dối , vâng em có biết , anh ấy tốt với chúng em lắm. Chị ừ ừ …à vâng , chồng tôi hiền lắm . .. cái đũa rớt xuống nền nhà . Người con cúi nhặt cái đũa cho mẹ, tranh thủ quệt ngang mắt .

Thấy mấy chú lính Phú Thọ ngồi mâm bên tôi vẫy sang giới thiệu với chị . Chị ơi đây toàn là lính Phú Thọ, đàn em của anh Sắc và anh Nhu đây. Chị tươi lên . Thế à , thế à. Bên chú năm nay lúa khá không ? Các cụ còn khỏe cả không? Tôi thưa : Chị ơi em biếu chị 2 trăm hai mẹ con đi xe về . Chị giẫy lên. Hội Cựu Chiến Binh xã cho tiền tàu xe rồi chú ạ . Thằng Trung, thằng Liên D8, mỗi đứa biếu một trăm cứ ấn vào túi cho chị. Thằng Tính điếc lôi thằng Trung ra ngoài thì thầm , ông cho tôi mượn một trăm về nhà tôi giả . Rồi nó bảo chị , có trăm đây chị mua thẻ nhang bông hoa thắp hương cho anh dùm em. Thế là hai người đàn bà oà khóc , mấy thằng lính già cũng khóc.
Tiếng nhạc du dương bài hát " Úp mặt vào sông quê "nghe câu được câu chăng . Phòng ăn la liệt chai bia và rượu và người ta bắt tay nhau lia lịa .


Chia tay mẹ con chị. Trong gió bấc tháng chạp, bóng hai mẹ con người đàn bà đều không còn chồng gầy gò xiêu xiêu ven đường đầy bụi. Tôi ngoái lại. Tiếng còi xe bel chở cát làm tôi giật bắn người .



Trong sổ liệt sĩ Trung đoàn ghi hai cái tên liền nhau :
- Đinh Xuân Sắc 1942- Yên lương Thanh sơn PT- H1 CS- 12/67- C18E64 - HS 6/11/72
- Đinh Văn Su 1937- Yên lương thanh sơn PT- H2 AP- 12/67- D8E64 - Hs 1/12/72

Người anh hi sinh sau người em 3 tuần lễ.

12/2012

Wednesday, December 9, 2015

EM ĐI NẮNG KHUẤT CUỐI CHIỀU ( Bản nhạc )


VÕNG ĐÔI




Chẳng thể à ơi chẳng thể đung đưa 
Võng tôi ngồi nơi trận địa cũ
Rừng Đức Cơ trưa nay yên ả thế
Tôi về đường 19 ngẩn ngơ

Chẳng còn suối còn rừng ngày đánh trận
Hồn bạn hoà vào bụi đỏ ba zan
Ai biết được bốn mươi năm về lại
Vợ chồng tôi ngồi lắng đợi gió ngàn

Thì bạn cũng vui cho chúng tôi bạn nhé
Biết đời này vay nợ trả không xong
Võng đôi treo cả nỗi niềm lính cũ
Gọi nhau trong thương nhớ khôn cùng

Gia Lai tháng 4/2008
Vợ chồng tôi trở lại chiến trường Tây Nguyên

 

Thu đi


Thu đã ở cuối trời em nhỉ
Và em cũng đi như nắng khuất chiều
Anh về lại phố vắng em nhặt lá
Tiếng guốc nào ngong ngóng gió xa xôi

Thu đi vắng một tóc dài ngoảnh lại
Phố bỗng dưng sáng miệng em cười
Lá sấu rụng chiều này nhiều thế
Ướt võ vàng hun hút áo sương rơi

Thu đã vắng em khiến mùa tít tắp
Bài hát dở dang hồ nước cũng bần thần
Con sóng nhỏ cứ xô về phía ấy
Em đi rồi thu vàng lại sau lưng

Friday, December 4, 2015

Chuyện xung quanh trận đánh 1015- Tấm ảnh còn lại một người


Đối với chúng tôi, những người lính chiến đấu ở E 64 khi xưa, cái tên 1015 cứ theo mãi và vừa tự hào, vừa thương tiếc bao đồng đội hi sinh trong một trận đánh khốc liệt . 

Những năm cuối của cuộc kháng chiến chông Mỹ, cái dư âm 1015 và Kon Tum tháng 5 /72 lúc nào cũng thường trực trong đội ngũ lính 64 F 320 A .
Có một tấm ảnh rất nổi tiếng của trung đoàn mà 3 nhân vật chính trong tấm ảnh đó chỉ còn có một người. Hai người kia đều chết trẻ và cả hai rất nổi tiếng ở đơn vị tôi.
Đó là Tiểu đoàn trưởng Đàm Vũ Hiệp và B trưởng Nguyễn Thọ Quyết
Anh Hiệp người huyện Phúc Thọ, Hà Tây nhập ngũ tháng 3/67 . Đây là lứa quân chuẩn bị cho Mậu Thân 68 . Hiệp đang học gần xong cấp 3 cùng lớp Khuất Quang Thuỵ ( KQT hiện là Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ . Hội Nhà Văn Việt Nam ). Cũng như nhiều học sinh cấp 3 ra trận thời đó hừng hực khí thế giải phóng miền Nam . Đánh Mậu Thân Quảng Trị ,Đàm Vũ Hiệp lên B trưởng rồi C phó. Đánh đường chín Nam Lào, Hiệp là đại đội trưởng rồi lên D phó. Cuối năm 71, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào sư đoàn có căn dặn lãnh đạo trung đoàn 64 : Các cậu chăm sóc và nuôi dưỡng tốt cậu Hiệp dấy nhé. Có một điều đặc biệt Đàm Vũ Hiệp rất tài văn thơ. Bài thơ áo trấn thủ của Hiệp rất được mọi người trong trung đoàn ưa thích. Đại tướng bảo Hiệp chép cho ông bài thơ này .
Trong trí nhớ của Khuất Quang Thuỵ thì Hiệp là người tài cả toán lẫn văn. Thuỵ bảo nếu Hiệp còn sống Hiệp chắc chắn là một nhà thơ có hạng. Đàm Vũ Hiệp hi sinh khi đã chiếm được một mỏm trên 1015. Cả sở chỉ huy tiểu đoàn dính bom mất D trưởng, chính trị viên trưởng, thông tin và một bộ phận trinh sát nữa. Lúc hi sinh, Hiệp sắp tròn 23 tuổi. Một đại uý một tiểu đoàn trưởng can trường. May mắn là sau chiến dịch Nam Lào , tháng 9 /71 Hiệp được về phép và anh đã kịp cưới vợ . Tháng 12/1971 khi hành quân đi B lần thứ 3, anh vẫn chưa biết mình sắp có con . Đứa con gái sinh ra năm 1972 nay đã là trung tá , con rể là thượng tá . Năm 2010 con gái anh Hiệp đã cùng Tướng Khuất Duy Tiến, Tư lệnh phó QĐ3 Khuất Duy Hoan, dẫn tìm được mộ và mang về Sơn Tây.
Khuất Quang Thuỵ làm bài thơ Đón Bạn về thật cảm động . trong đó có câu ;
....Hỡi chàng thi sĩ lãng du
Tình non nước nghĩa sông hồ trả xong
Thanh gươm gửi lại non sông
...
và câu kết : ... Công hầu khanh tướng mặc ai
Ta về mặc áo xứ Đoài ngàn năm ....
Nhân vật thứ hai : Nguyễn Thọ Quyết
Anh Quyết người Đông Anh, Hà Nội . Một chiến sĩ chiến đấu cực kì dũng cảm . Cái tạng lính Hà Nội là dũng cảm và ngang tàng nhưng lại rất hào hoa . (Lính Hà Nội thường thế ). Nhập ngũ 1968 và là người nổi tiếng trong chiến dịch đường chín Nam Lào . Có một điều nhiều người lầm lẫn , Bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ, lữ trưởng lữ dù 3 không phải là Phùng Quang Thanh mà là Thọ Quyết.
Nguyễn Thọ Quyết cùng ở c9 d9 E64 với anh Phùng Quang Thanh. Nhưng Phùng Quang Thanh thì lập công lớn khi đánh chiếm 435 và nhờ đó, mới có trận thắng cao điểm 456, bắt đại tá Nguyễn Văn Thọ . Người trưc tiếp bắt Thọ là Nguyễn Thọ Quyết .
Cũng đúng thôi ; Nguyễn Văn Thọ thì khắc tinh với Nguyễn Thọ Quyết
Ngoài chuyện bắt Nguyễn Văn Thọ , thành tích diệt địch của Nguyễn Thọ Quyết cũng rất lớn . Cái tên Thọ Quyết rất được trung đoàn nể ... và biết đâu nếu anh Quyết không hi sinh ngay khi vào Tây Nguyên ...!
Trận 1015 Nguyễn Thọ Quyết hi sinh với cương vị B trưởng. Hi sinh thật lẫm liệt .
Vậy là tấm ảnh Ba người là nhân vật chính thì 2 người chết trên đồi Charlie , một người còn sống đến bây giờ tóc đã bạc phơ, ngoài tám mươi tuổi ông vẫn khóc khi nhắc lại trận 1015, nhắc lại trận 1015( Charlie) với mấy trăm liệt sĩ không về. Người ấy là trung tướng Khuất Duy Tiến, trung đoàn trưởng của chúng tôi thời ấy
( Xin phép cháu Giang- nick Giang Đàm. Chú viết về bố cháu- thủ trưởng của chú - Tiểu đoàn trưởng Đàm Vũ Hiêp)
Từ trái sang
Một sĩ quan ở bộ tổng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp- tiểu đoàn trưởng D8 E64 Đàm Vũ Hiệp- trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến- trung đội phó Nguyễn Thọ Quyết . Sau chiến dịch đường 9 nam Lào 1971 về dự hội nghị tổng kết chiến dịch tại Hà Nội



Tuesday, December 1, 2015

BÀI THƠ VỀ " THÁNG CHIẾN BINH"

( Lại sắp tới ngày 22/12)

Sao cứ mỗi tháng chạp về là nhớ
Mỗi tháng là thêm một kí ức bạn bè
Bạn thương binh ở quê dần đi cả
Bạn thị thành đi xe buýt lơ ngơ

Năm trước nữa gặp nhau ồn ã
Hỏi thăm nhau nước mắt trụt trồi
Những trận đánh những là lửa khói
Trận đánh nào cũng có nước mắt rơi

Nước mắt trẻ trong veo nước mắt già đùng đục
Tiếng nấc ở trong tim tiếng hừng hực thằng người
Những tiếng nấc mẹ cha không bao giờ thấy
Chỉ những thằng lính chiến biết nhau thôi

Sao ta nhớ tháng 12 đến thế
Miếng thịt 22 mong đến cháy cả lòng
Giờ ra ngõ đã ê hề thịt cá
Bạn ngã rồi cơm nắm kịp ăn không

Lại chúc tụng lại mít tinh tay vỗ vỗ
Tháng 12 này xe ai đến nghĩa trang?
Thôi thì yếu không còn ra ngoài gió
Ngồi giở lại những lá thư mờ nước mắt chiến trường

Đừng vội nói chúng tôi ăn mày dĩ vãng
Dĩ vãng của chúng tôi là máu đất nước này
Tôi dậy con mình trong mỗi ngày khó nhọc
Bố con mình cũng chỉ kẻ ăn vay

Thơ nhạc chứa làm sao cho đủ
Món nợ nào đủ trả “tháng chiến binh”
Ai ăn mày ở đâu tôi chả biết
Dĩ vãng là xương là máu tổ tiên mình

2/12/2015

Monday, November 30, 2015

Chiều đông

Em xa thế còn mùa đông gần thế
Gió bấc cứ cào xé ở sau lưng
Con bến vắng lạnh bờ dong giềng đỏ
Thắp ngọn nến buồn bãi lở chiều đông

Ta cứ ngược triền đê nứt nở
Những heo may bạc cả cánh đồng
Bỏ lại sau lưng trang thơ viết dở
Ta đi về tìm búp lửa bên sông

1/12/2015


Sunday, November 29, 2015

GỬI NỤ CƯỜI CHO ANH


"Em có khóc đâu
Là nụ cười tan ra đấy chứ"…st.

Thôi gửi lại nơi anh hoa với lá
Hoa chừng tươi và lá vẫn đang xanh
Rơi rơi những nụ cười nhân thế
Lên mắt nhau giọt ấm vai mình

Thôi gửi lại đêm nao màu của gió
Lùa mơn man tình thiên hạ sang nhau
Bao nhiêu ngọt anh em và anh nếm đủ 
Trước cuộc tình hoa cứ thấy mong manh


Em gửi lại với anh hoa lã tã 
Gió cũng rời đi nước mắt cũng xa rồi
Đừng thương hại vì em đâu có khóc
Chỉ nụ cười tan thành nước đấy thôi

30/11/2015