Thursday, April 30, 2015

Những người đổ máu cuối cùng của trung đoàn tôi bên dinh Độc Lập



Đêm 29/4/75 sau một ngày chiến đấu ác liệt trung đoàn tôi tiến vào thành phố qua ngả Hóc Môn. Lúc này sư đoàn 10 trở thành mũi tấn công chính còn E64 đi làm dự bị để luồn sâu. Đêm ấy cả trung đoàn dừng quân tại xã Tân Thới Nhì. Mệt mỏi sau trận đánh ác liệt ở Cầu Bông Tân Phú Trung nhưng ai cũng phấn chấn. Hầu như cả đêm ấy không ngủ chỉ phấp phỏng đợi lệnh xuất kích. Vào lúc 5 giờ sáng anh nuôi đang tổ chức nấu cơm thì có lệnh. Tôi nhớ cái lệnh mồm mà cán bộ tiểu đoàn nói với chúng tôi thế này : Tất cả các đơn vị bằng mọi cách bằng mọi phương tiện nhanh chóng tiến vào Sài gòn mục tiêu là Dinh Độc Lập.



Thế là không cơm cháo gì nữa tất cả xuất phát. Tiểu đội trinh sát của tôi lao ra đường chặn được một cái xe lam chở mấy bà đi chợ hay đi đâu đó có cả rổ rá thúng mủng. Tôi nói : Bà con xuống hết cho bộ đội trưng dụng xe làm nhiệm vụ cách mạng. Người lái xe không kịp phản ứng gì. Ngay lập tức 5 trinh sát lên cứng cả xe lam. Tôi nói rành rọt : anh chở chúng tôi vào dinh Độc lập. Đến lúc này thì mặt người lái xe tái đi. Thưa các ông tôi không biết đường. Tôi cầm bản đồ trên tay nói rõ to: Tôi chỉ đường. Nói rồi trèo lên ngồi bên cạnh. Tôi không cho để ba lô lên nóc xe vì sợ phơi mục tiêu mà nhồi hết vào xe . Xe lao ra đường, những ụ chướng ngại vật làm bằng thùng phuy cứ vài trăm mét lại có một ụ. Xe luôn phải luôn lách. Tôi hét luôn mồm chạy nhanh lên . Người lái xe vô cùng căng thẳng im không nói nhời nào. Tới gần ngã tư Bẩy Hiền không lên được nữa. Sư 10 và xe tăng ta đánh dồn dập ở phía ấy.Phải hơn tiếng sau bộ binh đơn vị tôi mới lên . Lúc này thương binh tử sĩ của đơn vị bạn đang chuyển ra. Tiểu đoàn 8 của tôi được lệnh rẽ ngang theo đường Võ Tánh ra Lăng Cha Cả còn D9 D7 theo đường Lê Van Duyệt thọc vào trung tâm. Ở hướng Lê Văn Duyệt D9 chạm địch ngay từ cửa viện Vì Dân. Thiết giáp và xe tăng ta tiến lên dập những hỏa lực DK của địch gần trưa mới tiến đến phía sau dinh Độc lập. Những lô cốt đắp bằng bao cát được bố trí hỏa lực mạnh và lính dù bảo vệ dinh đánh điên cuồng trước khi chúng bỏ chạy. Gần tới dinh độc lập C10 bị DK nã trúng đội hình. Hai người thương vong. Đó là Đào Nguyên Hùng và Chu Minh Yên. Hùng là lính Lào cai bổ sung vào đơn vị tháng 12/74 còn Chu Minh Yên là người mèo Quản bạ . May mắn hơn Hùng, Chu Minh Yên bị thiến mất một nửa của quí còn Hùng thì hi sinh lúc ấy là 10 giờ sáng 30/4/75




Cuối năm 2014 tôi lên thăm Yên. Nhà Yên nhìn sang núi đôi tuyệt đẹp ở Cổng Trời. Còn Hùng, tờ giấy báo tử thật là trớ trêu phần ghi nơi hi sinh là : Dinh Độc Lập

Tuesday, April 28, 2015

14/4/75 ở Lộc Tấn-Tôi được kết nạp vào Đảng


40 năm nay tôi chưa hề một một lần quay lại Lộc Tấn mặc dù cái tên này với tôi thân thương trân trọng. Sự mưu sinh ở đời nhiều khi lấn át cả những gì ta cần nhớ cần tìm cần trả ơn. Chỉ đến khi có khoảng lặng của một đời mới ân hận áy náy và day dứt. Lộc Tấn với tôi là như thế.

Sáng 14/4 /75 chúng tôi về tới Lộc Tấn. Cứ tưởng xe trinh sát mình đi trước hóa ra nhiều đơn vị cũng đã đến đây rồi. Dừng xe lúc 5 giờ sáng ở một cánh rừng Cao su ngút ngát xanh. Tháng tư rồi nên những cánh rừng mầm xanh bắt đầu lên, những cánh rừng miền đông đang xanh trở lại sau những tháng mùa khô ngẹt thở. Bao nhiêu là xe pháo, bao nhiêu là sắc lính. Tôi gặp cả người làng tôi trong đội hình xe tăng, tôi gặp thằng Hoàng Tuấn lớp tôi đưa quân bổ sung vào đầu năm và ở lại chiến đấu. Chúng tôi khoe nhau những lá thư, khoe nhau những bao thuốc có những cái tên kì lạ , khoe nhau cuốn sách nhặt ở dọc đường. Và cuối cùng bao giờ cũng là chuyện cũ ở quê. Sáng tháng tư ngồi trong cánh rừng bạt ngàn lính , chộn rộn xe , nhìn ai cũng thấy thân thương , tiếng ve trên vòm lá bùng lên như vui như reo như làm người bối rối thêm giữa một mùa chiến dịch. Cái chiến dịch mà ai cũng hi vọng.

Đang ngồi với bạn làng, đang thả hồn về làng quê nhà mình thì có người tìm đến gọi: Về nhanh lên, Chính trị viên goij đấy. Chia tay bạn chay về đơn vị. Tôi ngạc nhiên thấy các cán bộ ngồi chờ trên mấy thùng đạn. Hàng cây cao su được bẻ hết những cành khô thấp để thành một bãi quang loáng. Ở một thân cây cao su có một lá cờ bé như khổ giấy A4 ghim vào . Mọi người nhìn tôi , họ chỉ tôi đứng vào một vị trí mà 4 người đang đứng chờ, im lặng. Bốn đứa toàn là bạn quen , đều ở đại đội bộ binh của tôi cũ. Hóa ra tôi được gọi về kết nạp Đảng ở C bộ binh cũ trước khi tôi làm trinh sát.

Đến giờ tôi chả nhớ họ nói gì , tôi chỉ nhớ chúng tôi tuyên thệ trong lúc xe tăng xe ô tô gầm gừ và hàng đoàn lính gò lưng dưới lá ngụy trang đi qua. tôi chỉ nhớ sáng14/4 năm ấy nắng đẹp lắm, đông lắm, hàng vạn người lính chúng tôi đang đi về nút lửa đạn cuối cùng của một dân tộc bao nhiêu năm binh lửa. 
Lộc Tấn bây giờ ra sao? Tôi nghe thấy họ nói bây giờ đó là một thị trấn đẹp và giàu vì gần cửa khẩu. Tôi chỉ nhớ màu xanh rừng cao su, tôi chỉ nhớ đất rất đỏ, chỉ nhớ bạt ngàn người lính bên tôi hôm ấy. Tôi biết trong bạt ngàn nguời trai hôm ấy hôm nay nhiều người không về, nhiều người trở về không lành lặn và bây giờ cũng đã xa tôi. 
Tôi mới được chi bộ ở phường Ô Chợ Dừa thông báo tháng 5 tôi nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Tôi lại nhớ về Lộc Tấn một sáng hành quân vào chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ảnh của Luân Trọng Nguyễn.
14/4/2015

Những người lính vùng Mù Căng Chải

Ta ngược lên tận Mù Căng Chải
Sau lưng mình cờ hoa nhớ ngày xưa
Em gái Thái trên núi cười nhỏ nhẻn

Khi ta hỏi về ngày 30 tháng tư

" Em biết chứ , đó là ngày độc lập
Có bác em cũng từng đến Sài Gòn
Em biết chứ bao nhiêu là người từ thành phố Bác
Đã đến đây uống nước Suối Giàng"

Xe ta chạy qua những là dốc núi
Mây trắng trời Khau Phạ gió rung rinh
Những lá cờ trên lưng chừng mây khói
Cũng hướng về xa ngái bốn mươi năm

Ơi cờ đỏ từ Nam tới Bắc
Máu từ ngọn nguồn dân tộc đến hôm nay
Ơi ta hiểu có một ngày Độc lập
Bao nhớ thương mọc thành cỏ thành cây

Ta ngược lên bạt ngàn xanh Tây bắc
Vẫn ngước về phía bạn đã hi sinh
Những người lính vùng cao chót ngót
Vẫn nằm trong hương lúa miền Nam


28/4/2015

THƯ GỬI ĐỒNG ĐỘI SƯ ĐOÀN 320 QĐ3


Sáng 29/4/2014- Hà Nội

Các đồng đội sư đoàn 320A cùng thời của tôi thân mến

Hôm nay là 29/4/2014. Giờ này ba mươi chín năm về trước anh em chúng mình đang chìm trong lửa đạn trên cánh đồng Cầu Bông và cửa mở Đồng dù . Giờ này bao nhiêu đồng đội của chúng mình ngã xuống. Giờ này nắng bắt đầu lên, bình minh ở cửa ngõ Sài gòn với chúng mình xa lạ mà lại thân thương đến thế. Tôi gửi lá thư này tới tất cả đồng đội đang còn sống ở đâu đó, đang ở thị thành hay đang ở thôn dã lời người bạn cùng đội ngũ một thời, lời của người sống sót, sống sót qua gian lao bươn chải đến tận bây giờ. Đồng đội ơi ! hãy nhớ về 29/4/75 nhớ những người bạn mình ngã xuống ngày hôm ấy. Họ chết để mình còn sống trở về. Ba mươi chín năm sau, nắng hôm nay cũng giống hệt như ngày hôm ấy chỉ có chúng mình thì đã bạc đầu, gọi tên nhau trong tâm tưởng mà nước mắt thì không cầm nổi cứ ứa ra. Nước mắt càng ứa ra thì hình ảnh đồng đội lại càng hiện về trẻ trung phơi phới.
Chúng mình đã từng đi từ Mậu Thân Quảng Trị qua đường Chín nam Lào, qua 1015 đến thị xã Kon Tum đồi Tròn, xưởng cưa, ngã ba Trung tín, biệt khu 24 … Đã hai lần đánh 1049 đánh Kleng để rồi lật cánh về Gia lai. Mùa mưa 1972 vượt sông Pôko bao người lính bị thương lại bỏ xác dưới thác lũ. Đau xót nuốt vào trong để về đánh Đức Cơ, quyết ôm chặt đường 19 kéo dài mở vùng giải phóng. Địch đánh Đức Cơ ta đẩy lùi ra rồi trước cái đêm 27/1/73 Máu sư đoàn ta đổ để cắm lấy thêm từng tấc đất Cao nguyên. Tết năm ấy quà tết chia chẳng hết vì bao bạn không còn sống để mà nhận quà. Cái ngày 27/1 năm ấy vui mà cũng buồn đến thế. Anh em mình hi sinh nhiều quá, ranh giới sau ngày 27/1 là ranh giới ngăn bằng máu. Niềm vui hòa bình mong manh, mong manh như tính mạng anh em mình giữ chốt .

Các bạn của tôi ơi. Chúng mình từng sống những tháng năm ăn rau rừng, ăn môn thục và búng báng. Chúng mình chia nhau manh áo tấm quần mà xuất kích. Chúng mình cạo tinh nứa làm thuốc lào hút cười vang trong hầm chốt , chúng mình cả mùa mưa chỉ một cái quần đùi mà vẫn đánh thắng Lệ Ngọc Chư Nghé, làng Siêu. Thương lắm những bạn hi sinh còn gửi lại cái áo lành cho người còn sống. Di vật liệt sĩ Tây nguyên hầu như chỉ độ 1, 2 ki lô gam tài sản. Một cái võng dù, một cuốn nhật kí và vài lá thư của miền Bắc. Tất cả chỉ có thế. Tất cả đồng đội chúng mình khi chết đi đều chỉ còn có thế. Các bạn ạ, nghĩ lại vẫn thấy đau lòng.

Đã vài lần tôi đi trở lại con đường 19 từ Ngã ba Hàm Rồng ra cửa khẩu Đức cơ. Cao nguyên bạt ngàn xanh màu cà phê cao su và hồ tiêu. Dừng trên dốc đồn Tầm ngó lên chốt Mỹ, ngó về Chư Gara, Chư rông ràng. Hoa quì dại vẫn le lói bỗng chạnh lòng nhớ ngày đắp mộ bạn mình bằng chùm hoa cúc cháy dở. Đồng đội ơi, chè Bàu Cạn thơm ngon thế cà phê Thu Hà thơm thế màu hoa quì vàng thế …có máu của bạn mình trong đấy 
Lịch sử cho chúng ta được cái may mắn là một trong những đơn vị nổ súng sớm nhất trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên 1975. Các bạn làm sao có thể quên cái ngày 14/1/75 nhắm hướng Nam hành quân. Suốt cái tết 75 áp sát đường 14 nín thở rồi bùng ra đánh Thuần Mẫn Cẩm Ga. Đêm mùa khô hành quân về Đạt lí Buôn Hồ hoa cà phê thơm nưng nức. Kể từ ngày 5.3.75 Tất cả sư đoàn liên miên hành quân đánh địch và không ngủ. Chúng mình vội vã lao về Phú Bổn trong chiều 17/3 để cả đêm hôm ấy leo ngọn núi đá tai mèo sáng sớm 18/3 chạy suốt 8 cây số lao vào một đội quân đông gấp mười lần ở Cheo reo mà nổ súng. Chưa bao giờ chúng mình có một trận đánh xe tăng thiết giáp như hôm ấy. Chưa bao giờ chúng mình nuốt nước mắt vì những người dân lành bị tử nạn như ngày ấy. Đường số 7 kinh hoàng cho tới suốt đời chúng ta, những người trực tiếp truy kích và làm nên cái trận đánh có một không hai trong lịch sử đánh truy kích của quân đội mình. Bây giờ đường 7 thanh bình chạy theo dòng sông Ba nối Tuy Hòa lên Tây nguyên . Nương rấy xanh, màu nắng như rưng rức trong nó nỗi buồn li tán của hàng chục ngàn người di tản ngày xưa. Tôi trở về Cheo reo thắp hương cho hơn một trăm đồng đội mình hi sinh hôm đánh Cheo reo. Tôi ra đầu cầu cây Sung cái cầu gẫy hôm 18/3 mà hàng chục xe rơi xuống sông. Tôi thắp những nén hương ven đường, thắp hương dưới bờ suối như thấy lại hàng ngàn người bỏ mạng ngày hôm ấy nơi này. Ba mươi chín năm siêu thoát được không ?


Các bạn của tôi! Đời chúng ta đi chiến đấu không thể có một ước mơ kì vĩ đến nhanh như vậy. Chúng ta lên xe ngược về đường 14 để vượt qua Buôn Hồ, Ban Mê Thuột, Gia nghĩa, Lộc Ninh rồi đổ quân ở Chơn Thành sáng 15/4 . Chúng ta náo nức gạo đạn áo mới quần mới để 20/4 vượt sông Sài Gòn đoạn Bến Súc về nằm trên Bến Đình, Hố Bò Nhuận Đức. Đêm qua 28/4 Cả sư đoàn hành quân. Cả sư đoàn tiến về Đồng Dù và Cầu Bông. Các bạn ơi, đêm hành quân 28/4 /75 là đêm nhớ đời bởi hương bùn, hương lúa miền nam. Chúng mình bám gấu áo nhau mà đi, chúng mình biết là đây: trận cuối cùng. Trong đêm chiếm lĩnh ai cũng nhớ mẹ nhớ quê phải không các bạn? Cả đêm qua đã biết bao nhiêu câu chuyện bao nhiêu xuy nghĩ để rồi nổ bùng khi phát hỏa vào 5 giờ sáng nay – 29/4/75. Cả đời trận mạc đến người chỉ huy của mình cũng không thể ngờ, không thể hình dung lại có phút lẫm liệt thế của lính mình. Cửa mở Đồng Dù mãi là câu chuyện hào hùng mà đời sau ghi nhớ. Bao người ngã trên cửa mở, bao nhiêu con mắt của người bị thương nhìn theo đồng đội mình lao qua. Người lính xe tăng vừa khóc vừa nhấn ga xe lồng lên lao về phía giặc. Ôi ta quên sao ánh mắt bạn mình trọng thương trên cửa mở cầu khẩn chúng ta mà chúng ta không thể dừng lại, nước mắt mình rơi khi lao lên phía kẻ thù. Các anh ơi, tha lỗi cho chúng tôi. Chiến thắng của chúng mình cần có sự hi sinh là thế. Ba mươi chín năm sau tôi cúi đầu lậy tạ với người lính nằm trên bờ ruộng mà xung kích nhắm mắt lao qua …

Cầu Bông, Tân Phú Trung đấy các bạn 64 ơi. Chỉ cách Sài gòn 28 km. Loạt đạn đầu tiên 6 khẩu DKZ đồng loạt làm sụp cái đồn cảnh sát và lô cốt đầu cầu. Ấp Chợ Tân phú Trung đánh từ sáng tới trưa. Đã gần bốn mươi tử sĩ nằm gục trên bờ ruộng rau, trong ngóc ngách chợ. Nắng ùa lên trời, nắng ùa xuống cánh đồng lúa và trên đường hàng mấy chục xe tăng thiết giáp chạy về. Cánh đồng gần Cầu Bông thành biển lửa của một trận thui xe tăng thiết giáp kẻ thù. Trưa hôm nay 29/4 trên cánh đồng Tân Phú Trung dàn dạt hoa bằng lăng tím và con đường số 1 đỏ rực những hoa phượng đầu hè. Lửa từ dưới đồng, lửa từ xe tăng cháy và khói khói như cả một cánh đồng đốt rạ ngày mùa . Trong màu đỏ của hoa, màu lửa của chiến trận, màu khói đốt đồng, chúng mình lao lên xe tiến vào Sài Gòn. Đạn đại bác vẫn rít qua đầu về hướng Tân Sơn nhất. Đoạn đường cuối cùng của cuộc chiến đời chúng mình thít dần ngắn lại đến nút cuối cùng.
Ngày mai. Chúng mình còn bao nhiêu kỉ niệm ở Sài Gòn. Kỉ niệm ngây ngô đáng yêu của người lính miền Bắc. Ngày mai ở giữa Đô thành rồi mà vẫn không tin nổi mình đang bước chân trên thành phố hòn ngọc Đông Dương. Cầm bút viết lá thư về cho mẹ còn ngập ngừng ..” Sài gòn ngày 1/5/75…


Chúng tôi được về miền bắc sau đó, còn các bạn lại ôm súng đi BGTN. Người lính sao mà khổ thế? Các bạn của tôi! chúng tôi những người được trở lại trường đại học tháng 10/năm 1975 biết ơn các bạn. Lần nữa các bạn lại hi sinh còn chúng tôi dù đi qua chiến tranh Chống Mĩ cũng không hiểu nổi cuộc chiến đấu nơi ấy, cũng như dân tộc họ cũng không hiểu nổi họ nữa là chúng ta. 

Bây giờ là 9 giờ 32 phút. 
Thôi tôi dừng ở đây các bạn, bởi đã đến lúc gay cấn nhất trên cửa mở Đồng Dù rồi. Tôi dừng để cùng các bạn cúi đầu mặc niệm và gửi nén nhang về các đồng đội của mình

Nguyễn Trọng Luân – chiến sĩ E 64 F320A Đồng Bằng


Tôi đã nghe bài hát Xa khơi giữa rừng…


Chủ nhật, 26/04/2015, 00:40 (GMT+7) 
http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2015/4/381970/

Trong lá thư của một cựu binh Tây Nguyên , tên Nguyễn Trọng Luân, gửi nhà văn Châu La Việt, con trai NSƯT Tân Nhân - người đầu tiên thể hiện ca khúc Xa khơi (nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ) -có đoạn viết:“Tôi gửi những dòng tâm sự này tặng anh, về một lần được nghe bài hát Xa khơi ở chiến trường”. Xin trích giới thiệu bức thư trên.


Mùa khô Tây Nguyên trời trong veo. Quái lạ, gọi là khô mà cái gì cũng tươi hơn hớn. Ngay cả mấy cô gái đeo gùi đi nương về cũng tươi cũng cười mặc dù vừa trải qua trận pháo từ Hàm Rồng. Tôi nhớ hôm ấy là 14-11-1973. Sau 21 ngày nằm viện, tôi được ra viện về đơn vị. Giấy tờ xuất viện ghi rõ: Cắt sốt 5 ngày. Tỉnh táo. Kết luận: Về đơn vị chiến đấu tốt.


Miếng giấy ra viện bé như tờ giấy gói thuốc lào Vĩnh Bảo và cũng có màu hệt như giấy gói thuốc lào. Ra khỏi viện, con đường 19 như vạch chì than giữa chập chùng đồi, loe loét những rừng gai xấu hổ. Cố mà đi về phía trung đoàn. Rẽ sang phía Bắc đường 19, từ đây cây cối rậm hơn, tôi bám vào một đường tăng cũ, vừa chống gậy vừa run. Mặt trời lên đỉnh đầu, nóng như cựa quậy trong lưng. Mồ hôi rin rỉn của kẻ vẫn còn rơi rớt sốt. Đói, run, đau đầu mắt hoa lên. Thế là bò. Phải bò về đơn vị thôi. Phía đơn vị là phía Đông, phía đang tác chiến. Gần năm nay chỉ có trung đoàn mình nằm ở đây. Đến một vạt rừng nhiều cây săng lẻ cao thì thấy có vết xe be bét. 


Con đường tăng mất hút vào tán lá và cỏ dại trùm kín ra đường. Người như hết hơi, tôi nằm ngửa mặt lên tán cây, cái ba lô lép kê cho mình êm êm, mây bay qua xoay vòm cây quay tít. Nhắm mắt lại, thấy mình rơi từ trên cao xuống, rơi hun hút y hệt như say rượu. Nghẹn trong cổ muốn kêu lên, muốn gọi đồng đội mà cô đơn một mình giữa rừng. Muốn gọi mẹ hay khóc một tiếng quá mà không bật ra được tiếng khóc. Chừng như sắp mê đi thì có ai đá vào chân:“Dậy đi! Mò đi đâu thế?”. Mở mắt ra, tôi thấy một chú lính đầu óc rối bù. Anh ta hỏi: “Ông đi đâu mà nằm đây?”.Tôi bảo về 64, đi viện về. Anh lính lại bảo: “Trông như sắp chết mà ra viện à? Hay trốn viện về?”. Tôi nói đói lắm và lại sốt. 

Thế là anh ta sốc tôi lên, dìu đi chừng năm chục mét thì thấy hai khẩu pháo 85 và một số anh em lính tráng bên cái hầm vuông. Một người ôm cái đài bán dẫn, hỏi: “Quân 64 hả, đói hả?”. Rồi anh ấy bảo người lính lúc nãy lấy cơm cho mình. Một ca cơm và thịt hộp. Ôi, chưa bao giờ thấy ca cơm ngon thế. Tự nhiên vạt rừng săng lẻ như mùi hương quê mình thế mà lâu nay mình không nhận thấy. 

Cái đài con con có tiếng hát cất lên. Đã một năm nay, tôi không nghe thấy tiếng hát trên đài, chúng tôi chỉ thấy tiếng bom tiếng pháo và tiếng của rừng của suối. Giữa chiến trường Tây Nguyên hôm nay, nghe bài hát Xa khơi. Rừng cây như rung rinh xanh mướt lên, những người lính pháo binh và cả tôi ngửa mặt nhìn trời. Tiếng ve mùa khô bỗng ngừng bặt, chỉ có tiếng nghệ sĩ Tân Nhân giữa rừng. Không gian ngưng lại vào một trưa mùa khô, nắng lọt qua kẽ lá rừng rớt lên những khuôn mặt tái xám lấm tấm mồ hôi sốt rừng của lính. Tôi cảm thấy tiếng hát lung linh đang rất thương người lính…

Tôi xốc cái ba lô nhẹ tênh và gật đầu chào những người lính pháo lúc bài hát kết thúc. Không ai nói với tôi câu nào, họ chỉ gật đầu nhìn tôi lên dốc đi về phía trước. Tôi bỏ đường mòn đi tắt lên đồi đầy những hoa xấu hổ bé tí hon, lội qua những vạt nương ngô lẫn mè và mướp của đồng bào. Tôi bỗng thấy mình khỏe như hôm nào hành quân ra trận, khi chúng tôi hành quân trong tiếng cười và tiếng hát của tuổi hai mươi. Tôi lại thấy những đêm trên Trường Sơn, chúng tôi hát những bài tình ca Nga và những bài hát yêu thương lứa đôi trên võng, có những đêm đốt lửa đọc cho nhau nghe thơ tình... Chiều tối hôm ấy, tôi về đến trận địa của đơn vị, bắt tay vào những cuộc chiến đấu mới…

Vài chục năm sau, tôi mới hiểu rằng người lính chúng tôi chiến đấu không phải chỉ có lý tưởng. Chúng tôi đi được ra chiến trường còn vì danh dự gia đình, vì tình thương cha mẹ và bạn bè. Chúng tôi chiến đấu dũng cảm vì có những cặp mắt người thương trông theo. Chúng tôi có những câu thơ câu hát mà vịn vào đấy mới có thể đi đến đích cuối cùng chiến thắng...

Với tôi, có một ngày như thế, tôi đã nghe bài hát Xa khơi giữa rừng








Monday, April 27, 2015

NHỚ TIỂU ĐỘI SÁNG 30/4


Giờ này tao nhớ quá
Tiến, Minh, Viên, Thịnh ơi
Cái xe lam len lỏi
Sắp tới Bẩy Hiền rồi



Khói mịt mù phía trước
Tiểu đoàn còn phía sau
Mấy thằng lính trinh sát
Chúng mình nhoi lên đầu


Pháo vẫn thì thùng nổ
Giót vào phía phi trường
Xe tăng mình thì cháy
Sư 10 đang khiêng thương


Chúng mình chen vượt lên
Rẽ ra Lăng Cha cả
Chỉ có đoạn ngắn thôi
Quân mình bị nhiều quá


Chen qua ba cái tăng
Cháy đùng đùng trên phố*
Người lái chiếc xe lam
Mặt xanh như tàu lá


Đạn bắn từ đâu đến
Nghe toang toác trên đầu
Mình vẫn chen qua cầu
Hoa phượng sao đỏ thế


….Bây giờ chúng mày đâu
Tao tìm mà chả thấy
Thằng Minh thì ốm đau
Thằng Dũng về Cẩm phả …


Ai cũng có kỉ niệm
Về đời lính của mình
Chúng mình thì nhớ mãi
Cưỡi xe lam vào Dinh


Hà nội 6g30 sáng 30/4/2013

* xe tăng của ta cháy trên đường Trương Minh Giảng( nay là Lê văn Sĩ)

Sunday, April 26, 2015

MỜI RƯỢU TRƯA Ở NGHĨA TRANG CỦ CHI


Thuốc lá và rượu đây ơi các bạn của tôi
Dưới sông lục bình trôi nhiều quá
Nắng cứ lóa mộ chí nhòa như khói
Hoa thì tươi như tuổi bạn tôi nằm



Tưới rượu ban trưa thấy bạn thì thầm
Đốt thuốc thấy cay sè nước mắt
Hoa giấy Củ chi rung ngằn ngặt
Ve kêu trời rang An Nhơn Tây


Rồi ngày mai ai trở lại nơi đây
Đọc tên người ôm cờ lên cửa mở
Nắng sớm ấy vẫn chưa hề cũ
Mà đã nắng từ bốn mươi năm


Mai tôi về rồi không kịp đợi ghé thăm
Hai chín tháng tư cứ lặng chìm trên đá
Chỉ có sông vẫn reo như một đêm vội vã
Bùn không thể khô trên bến Dược bến Đình


Củ Chi ơi ngan ngát mộ chiến binh
Câu thơ cũ cứ nhòe bên chợ Cũ
Em gái đứng chờ ai ở ngã ba cây Gõ
Li rượu một mình ai ghé chợ Phú Hòa Đông


Xe qua rồi con dốc Tân Phú trung
Em đi tự bao giờ má cũng không còn nữa
Ngơ ngẩn tìm trong tiếng ve nức nở
Mắt người xưa đi với lính lội bùn


Bốn chục năm hoa giấy bập bùng
Cây trồng ở nghĩa trang thành cổ thụ
Chả có cái bia nào cổ thụ hơn được nữa
Chỉ còn tôi về mời rượu bạn bè tôi


Tôi viết cho vần đấy đồng đội ơi
Thơ phú làm chi giữa hương giữa khói
Củ Chi đã là quê hương đồng đội
Tháng tư này sao đủ rượu bạn tôi say


Chiều 25/4/2015 An Nhơn Tây

Friday, April 24, 2015

Gửi bạn ở Nha Trang




Nha Trang mùa này đông người lắm
Biển cứ như thay áo từng giờ
Tôi nhìn biển gần mà lạ lắm
Chẳng như hồi đánh đến biển ngày xưa



Sư đoàn tôi ào xuống tự rừng xanh
Rưng rưng thấy gió căng lồng ngực
Biển phía trước mà bạn tôi đâu hết
Mình tôi nhìn - biển có đẹp được đâu ?


Xác bạn chôn ở những đường nào
Đèo Phượng Hoàng hoa lau giờ vẫn trắng
Bỏ lại sau lưng Phước An mùa nắng
Ta khoác bụi đường chiều đứng biển Nha Trang


Ai về đâu gò lưng nương rẫy mùa màng
Ai lặn lội đồng chiêm ruộng chũng
Ai cõng con tâm thần đi tìm thầy tìm thuốc
Tôi về đây trước biển nhớ ngày xưa


Sư đoàn tôi xa tôi nhớ đến bây giờ
Chúng tôi già tóc trắng như bọt biển
Nha Trang có điều chi bốn mươi năm sau tôi đến
Tôi ngửa đầu nhớ lính thủa Tây nguyên


Nha Trang 2014

Wednesday, April 22, 2015

VIẾT TRƯỚC HANG TÁM CÔ


Đi lại con đường xưa từng đi.
Anh trở lại tuổi đôi mươi trai trẻ,
Cánh rừng cũ chẳng bom đạn nữa,
Rập rờn lèn đá bướm bay.

Bước chân hành quân vẫn vọng đâu đây.
Suối vẫn hát lời người xưa rủ rỉ .
Trường Sơn bao bông hoa là bấy nhiêu linh hồn trẻ ,
Trở dậy đi trong sáng tháng tư này .

Linh hồn đồng đội anh ở hốc đá lùm cây.
Là tiếng thở đêm , đêm rừng trở giấc !
Tiếng tắc kè ở Trường Sơn khảm khắc.
Tiếng bạn anh nhớ Mẹ, nhớ làng .

Em không cùng anh về lại một góc rừng.
Nơi bướm trắng rập rờn cửa hang con gái .
Hương của Trường Sơn thơm cho lòng khắc khoải .
Nói được điều chi khi đến nơi này .

Ngắt cánh lá rừng hang Tám Cô sáng nay .
Tặng ai được bởi nỗi đau còn đó.
Cánh lá Trường Sơn xanh ngời gọi nhớ .
Một thời anh của em từng qua .

Mưa hồ Tây


Phương Nam mưa nhiều thế 
Mà Hồ Tây còn mưa ?
Ai ? người xa Hà Nội 
Nhớ không ? hồ Tây xưa 

Mang mưa về trong ấy !
Ướt dượt hương đầm sen 
Trưa nay đường Quảng Bá 
Thật lạ mà thật quen 

Mưa táp vào áo mỏng 
Bạn cười bắt tay nhau 
ôi những người lính cũ 
Hai phương trời xa đâu ?

Con cá quẫy dưới hồ 
Li rượu nghiêng ngả sóng 
Lát bạn lên đường về 
Tạnh mưa rồi ...đường vắng 

Bao giờ được về nam 
Nhớ đi tìm đồng đội 
Chiều Sài Gòn còn mưa ?
Hồ Tây còn gió nổi

Mưa chiều

Mưa ở Sài gòn có buồn không
Chiều mưa bong bóng có phập phồng
Em nép nơi nào trên phố vắng
Giọt nào rơi em nuốt vào lòng

Anh xa lắm rồi đâu còn nhớ
Những  mùa chiến dịch tắm mưa rơi 
Hoa phượng đỏ dưới trời  vần vũ
Có người 
con gái tuổi rong chơi 

Sao cứ cuối chiều mưa lại mưa
Em giờ thiếu phụ ở nơi xưa
Em nép vào đâu trên đường vắng
Nẻo đời trôi nào ai vẩn vơ

Mưa cả hai đầu nam với bắc
Gió mưa ,  biền biệt mãi không cùng
Thương thế những chiều mưa , áo mỏng
Em về , Ai đó gọi em không ?


Một Ngày tháng tư Quảng Trị


Hôm tôi lên đường về Quảng trị 
Con trai ra sân bay đi nước ngoài 
Hai bố con cùng ra khỏi cửa 
Hà nội ngủ say ?

Vợ tôi đóng cửa 
Ngôi nhà chìm vào lặng im 
Lác đác ngoài hồ người già đi bộ 
Bố đi về hướng nam con đi về hướng bắc 
Bốn mươi năm hiện về
 cũng một sớm mai ở sân trường đại học
Hà nội có ngái ngủ như hôm nay ?

Tôi trở lại tìm bạn tôi xác nằm đâu quanh thành cổ 
Phượng vẫn đỏ và hoa công viên rực rỡ 
Con trai đi du lịch trời Âu 
Nơi con đến tôi không thể biết 
Có nhiều hoa như Quảng trị những ngày này 

 Trưa tháng tư nắng trắng dòng Thạch hãn 
Nghe con gọi từ phương xa 
Bố ơi con yêu cuộc đời của bố 
 
... Trưa nay Quảng Trị mắt nhoà 


HN 28/4 /2012  

Mấy thằng trinh sát cũ ngồi bên Hồ Tây


Tặng chúng mình : Tíchtườngnhưlệ , Traliêntây, 6971, tânvinhprc25, nguyễn trọngluân ,Nguyễn huuluân,Le xuantuong,chienc3,tanloc555

Có mấy thằng trinh sát 
Đêm nay đến bên hồ
Đường Thanh niên hối hả 
Bỗng hồ tây đổ mưa 

Gặp nhau đêm Hà nội 
Nhìn lũ trẻ hôn nhau 
Mấy thằng cười dỏn dẻn 
Nếp nhăn lên tận đầu 

Chợt nhớ ngày ra trận 
Tiễn bạn sang trời Âu 
Có một chùm hoa sữa 
Dúi vội vào tay nhau 

Thế rồi , đêm Thạch Hãn 
Sông của Tuổi Hai Mươi 
Bao đứa không trở lại 
Để thư tình về đâu ?

Chẳng có khăn tang trắng 
Cho bạn tôi năm nào 
Chẳng có vòng hoa đỏ 
Tháng bẩy này hay sao ?

Sóng Hồ Tây vẫn thế 
Nước Hồ Tây vẫn đầy 
Có mấy thằng trinh sát 
Lâu rồi ... mới về đây . 

5/6/2012

Gửi Bài này trước khi Traliêntây lên máy bay về Nhật 

Lính 1972 gặp nhau đêm Hồ Tây


Lại có một đêm trở lại Hồ Tây
Sóng  vẫn cũ chỉ có hoa thì mới 
Có tên những loài hoa ta chưa hề biết tới
Khiến Hồ Tây đáng yêu hơn.

Từng có một chiều vừa ngớt khói bom.
Ngồi bên hồ để ngày mai ra trận
Chim Sâm Cầm thảng thốt .
Cá quẫy vòm lá sen.

Sâm Cầm giờ bay về đâu
Hoa sen trổ dưới nhà hàng.
Hồ Tây ngai ngái .
Hương Ngọc Lan đền Trấn Quốc   ngái xa.

Những bạn tôi đều đã già.
Hồ Tây đêm nay trẻ lại.
Chúng tôi đến bên hồ nhớ một thời lửa  khói .
Hồ Tây đêm nay ... lại mưa.

Hồ Tây 2/6/2012  

Đánh mất mình

                       

              Lâu rồi , từ ngày tôi rời trường học chính trị . Mà nói cho đúng là từ ngày nghỉ làm nhà nước về hưu thì ít được nghe những câu chữ mang tính triết học kinh tế học , tỉ như vấn đề này , phạm trù kia.  Hay là cái cụm từ tư tưởng quan điểm , quán triệt thống nhất , căn bản chính thống , cách mạng đổi mới ...v.v xa vời vợi tự tám hoánh nào .
Ít phải bắt gặp những qui kết , nâng quan điểm hay chỉ mặt chỉ tay đồng chí này đồng chí nọ . Vai diễn cuộc đời chấm dứt nhẹ như không . Sớm vào tối ra với vợ , với con , xô xát với thời tiết hò hét quát tháo với cháu thế là quên mất những từ ngữ mình hay dùng ngày nào . Bây giờ nói năng nhẹ nhàng hiền lành như con hổ già bị bẻ hết nanh hết vuốt . ít khi đóng đủ giầy tất nên bước chân cũng nện gót nhẹ hơn , ít là lượt complet nên kém đĩnh đạc hơn . Mình thấy mình khác trước .
   Trước còn đi làm , đúng 7 giờ là ăn sáng cùng lái xe ở một quán phở ngay gần nhà . Quán phở có kèm theo hàng nước chè thật ngon . Xong bát phở là nhấc đsit ghé sang làm chén trà đặc rồi khoan thai đến công ty . Ngày này qua ngày khác , năm này qua năm khác khiến khách quen chào hỏi nhau tươi cười mà bao năm nay cũng chả biết tên nhau . Vợ chồng chủ hàng nước thân với mình vì hai nhẽ . Một là sáng nào cũng ăn và uống ở đó . Hai là anh chồng bây giờ chạy xe ôm cũng là lính cũ quân đoàn 3 . Ngồi với nhau mỗi sáng một tí thôi là chuyện quân đoàn , mà bao năm nay chả hết chuyện . Chiều thứ bẩy nào anh đồng đội xe ôm cũng đưa tôi đến 19c Ngọc hà . Lần nào trên đường đi hắn cũng khen giỏi thật , nể các bác quá bao năm nay vẫn thấy các bác nghĩa tình với nhau , tài thật , đúng là lính mãi mãi cũng chẳng có bạn đâu bằng lính . Tôi thì vừa nở mũi vừa ậm ừ phía sau , à à ừ lính mà , mình cứ mãi là lính thôi có mất làm sao được cái chất lính . 
Mấy hôm nay Hà nội nóng oi lạ thường . Sau trận mưa khiến phố phường thành sông thì lại vần vũ những giở nắng giở mưa . Mình đi ăn sáng lệt bệt dép lê và quần sooc . Lúc sáng vơ cái sơ mi đẹp mặc hồi còn đi làm khoác vội lên người . Có nhẽ hai năm nay mới mặc cái áo này .Tự nhiên thấy ngượng nghịu . 
Chú đồng đội xe ôm nhìn chô chố . Ôi lâu lắm mới thấy bác mặc cái áo đẹp ...mà mà em phê bình bác không là không ủi cái áo cho nó phẳng phiu . Bác xem em đây có cả mặt vợ em đây , đã mặc sơ mi là em bao giờ cũng là ủi thật đẹp . Mình ngó sang nó , áo nó phẳng phiu thật . Ngó vội rồi mình buông câu , ôi về hưu rồi mà kệ nó sao gọn thì thôi . Cô vợ ngồi bán hàng bỗng ngước lên long lanh nhìn vào mình .               
    - Thế về hưu rồi thì mình đánh mất mình hả bác ? 
Tôi giật đánh thót . 
     Xưa nay người đàn bà nạ dòng này khiêm nhường ngồi bán li nước chè cái kẹo cao su , cái thẻ sim , nhặt từng đồng bạc cắc có cãi nhau , có nói to một nhời bao giờ đâu ? thế mà cô ấy nói một lời lảnh lói .  Nghe giống như bài của cán bộ cấp cao răn dậy mà cũng không phải cán bộ nào cũng nói được  làm được như vậy . Tôi nói khẽ không muốn người xung quanh nghe thấy :
    -  Cô chú nói đúng , hoá ra từ ngày anh nghỉ hưu anh đã đánh mất mình rồi sao ? 
Người chồng âu yếm nhìn tôi : 
   -   Chưa đâu bác ạ . Bác vẫn là người lính đấy mà 

Tuesday, April 21, 2015

BÀI THƠ THÁNG TƯ


Tháng tư nắng
Tháng tư hoa đỏ phượng bùng lên lửa
Tháng tư hoa trắng loa kèn long dong thành phố
Tháng tư bụi lầm lên những con đường
Tháng tư mộc miên tàn biên cương
Tháng tư lúa xanh vào trời mây trắng
Tháng tư người đi theo hướng cũ đi vào
Tháng tư xôn xao cả phố phường gốc cây còn ứa nhựa
Tháng tư cháu con phờ phạc cuối học kì.

Tháng tư nào chúng tôi cũng đi
Những cuộc đi này chỉ còn đôi mươi năm nữa
Rồi tháng tư lại về bình dị
Bốn mùa xuân hạ thu đông
Tháng tư trời trong
Tơ tướp bàn chân chiến dịch
Tháng tư bầm bầm lửa và bụi đỏ
Hầm hập những nụ cười mồ hôi lẫn máu gọi nhau
Đâu chỉ có tuổi đôi mươi với người đang sống
Mẹ cha chữ nghĩa nghèo vần vũ danh hiệu nhân dân
Tìm tên con mình trên tờ báo hành quân
Gọi tên con xanh đồng xanh lúa

Chúng tôi có một tháng tư của riêng mình
Cuối con đường chúng tôi đi mang tên gọi
Thống nhất
Mấy chục năm một cây cầu đau đáu Bắc Nam
Bạn chúng tôi cùng đội ngũ hành quân
Tập kết từ ngày còn bé
Mắt tràn ánh lên cười ứa lệ
Quê tao sắp đến nơi rồi.
Ơi rừng dừa ơi biển mặn miền Nam ơi.

Tháng tư không kịp thấy nắng trên đầu
Không kịp gửi lá thư cho em yêu khi thấy dừa Tam quan uốn còng lưng xuống biển
Không kịp giận đối phương ùa ra tàu di tản
Tháng tư trời veo veo sáng vào mắt đồng bào

Những nén hương cong tháng tư đâu?
Suốt chặng đường tiến về Thành phố
Nhiều người không nhớ nữa
Chúng tôi nhớ từng mộ chí ven đường

Chúng tôi nhặt sách giáo khoa trên con đường đầy máu
Đọc lá thư kẻ mất người còn
Tháng tư mồ hôi anh mồ hôi em
Thơm thơm trên giấy
Tháng tư vùng ven tháng tư biên giới
Bồn chồn mưa chớm hạ trời Nam.

Tháng tư này tạm biệt vợ con
Mang nắng mới đi về miền của nắng
Hoa sáng nay dậy hương hè phố cổ
Bạc tóc xe những chuyến đường vào
Cứ xôn xao
Yêu như hồi xưa cũ
Cứ nôn nao
Gặp lại cái tôi tuổi trẻ

Tháng tư đừng buồn vì phố cũ đốn hạ cây
Ta đang đi về miền cây xanh lên mật ngọt
Rồi những gốc cây còn ủ nhựa
Chồi lại lên
Tháng tư lại qua Bến Hải quê em
Qua Thạch Hãn ngóng đò xuôi Cửa Việt
Qua Tây Nguyên rồi về Xuân Lộc
Sông Sài gòn nườm nượp lục bình trôi


Em gái Củ Chi ơi
Hoa Giấy chói chang đường Xuyên Á
Tiếng Dế kêu tháng tư trong trang sách cũ mèm
Lò bánh tráng lên hơi
Dọc tháng tư về thăm nhà của má
Người trẻ vô tư còn ta thì nhớ
Tháng tư như mực đổ trên bàn
Ta đứa học trò bâng khuâng
Giấy thấm bốn mươi năm chưa một lần khô vết mực.
22/4/2015