Sunday, May 31, 2015

Nằm mơ làng

Đêm ta chẳng nằm mơ thấy phố
Ta chỉ nằm mơ thấy làng .
Giấc mơ con con như thế
Mà cũng muộn màng

Cánh chuồn bay mặt ruộng
Lá nhãn rơi mùa đông
Ô ăn quan ven đường
Đáo , quay, khăng băm lở sân đình
Sợi rơm khô từ chuồng trâu thơm vào ổ
Thơm rưng rưng đến tận bây giờ


Đêm chỉ nằm mơ thấy làng
-   Mấy chục năm sao không thấy ?
Chẳng phồn thực ở chốn phồn hoa vợ con nheo nhóc cái gì cũng xếp hàng
Chỉ có giấc mơ không cần xếp hàng thì lại rất xa
Ta ngủ đêm ở phố
Ta mơ thấy làng
Ta trở về thật là ta không hề mộng mị
Ta của ta ơi !

Cả đời ta chỉ cầm súng có vài năm
Còn bao nhiêu ta mang ra thi thố với phố và đồng chí
Bao nhiêu người xa ta bao nhiêu người lại gần ta
Chỉ có đêm súng nổ ở cao nguyên là lại thấy rất gần
Những cái tên về nức nở từ cõi âm
Gọi câu mày tao nhoáng rồi mất hút
Mở mắt ra thấy làng và đồng xanh ngút ngát
Bạn ta đi mất rồi

Ta gọi tên một thời những cái tên đổ ập xuống chiều hành quân màu lửa
Tên làng , tên những con sông
Những bia mộ dinh về làng đặt ở nghĩa trang
-   mờ mờ hương với khói
Nghĩa trang ở phố không thiêng như ở quê dù quê  làng vẫn đói
Chỉ có làng quê neo đậu với tận cùng

Ngày mai tôi đi họp ban liên lạc sư đoàn
Đêm nay lại nằm mơ thấy đồng đội và thấy  làng rất cũ

HN 13/9/2013 


Lời ru


Ngẫm đời chỉ một lời ru 
Ru con ngủ ru tình xa đợi chờ 
Ru hồn chinh phụ mịt mù
Ru người xưa nhớ con đò bến sông
Ru cho hung hãn mềm lòng 
Ru đừng mộng mị quên đường mưu sinh 
Ru từ tiếng trống sân đình 
Lời ru nước mắt cũng thành mồ hôi 

Khúc ru nào có trầu vôi 
Khúc nào của mẹ khúc người tri âm 
Lời ru có từ ngàn năm 
Mà nghe như chỉ thì thầm đâu đây 
Ru như tỉnh ru như ngây
Ru thời điện tử có say bao giờ  

Bao giờ lại đến ngày xưa 
Để nghe em gọi đi về xa xăm 
Tôi xa quê mấy chục năm 
Tiếng ru quanh quẩn tre làng nhà tôi 
Một thời súng đạn quanh người 
Lời ru vực bước một thời Trường Sơn 
Trường Sơn đá núi cũng mòn 
Thế mà tôi vẫn chưa tròn lời ru  

Gửi mưa




Phương Nam mưa nhiều thế 
Mà Hồ Tây còn mưa ?
Ai ? người xa Hà Nội 
Nhớ không ? Hồ Tây xưa 

Mang mưa về trong ấy !
Ướt dượt hương đầm sen 
Trưa nay đường Quảng Bá 
Thật lạ mà thật quen 

Mưa táp vào áo mỏng 
Bạn cười bắt tay nhau 
Ôi những người lính cũ 
Hai phương trời xa đâu ?

Con cá quẫy dưới hồ 
Li rượu nghiêng ngả sóng 
Lát bạn lên đường về 
Tạnh mưa rồi ...đường vắng 

Bao giờ được về Nam 
Nhớ đi tìm đồng đội 
Chiều Sài Gòn còn mưa ?
Hồ Tây còn gió nổi .


5/8/2014

Dép đúc


Ngày đầu tiên vào lính 
Chân lúng túng ngập ngừng 
Dép đúc cười tưng tửng 
Chào những chàng tân binh 

Nào chân chú lội bùn 
Móng vàng như cua ốc 
Nào bàn chân lên rừng 
Cựa căng từng dây dép 

Lũ học trò chân trắng 
Lủng lắng những vết lằn 
Rồi quen ngay tức khắc 
Dép đúc rất chóng thân 

Có bao điều lính dấu 
Có bao điều lính buồn 
Có bao điều trăn trở 
Dép đúc đều không quên 

Có những đêm ngập ngừng 
Kê dép ngồi tâm sự 
Đêm như là mầm trổ 
Dép đúc cũng bồi hồi 

Đêm hành quân mưa rơi 
Trật trồi chân lính trẻ 
Lính cũng thương dép thế 
Võng đu rừng chơi vơi 

Bao năm trong lửa đạn 
Dép dính liền với người 
Dép biết nhiều nước mắt 
Lính khóc vì nhau thôi 

Người lính ngày vào lính 
Là có dép ngay rồi 
Phút hi sinh còn dép 
Vẫn bên mình lính thôi 

Bây giờ ngày nhập ngũ 
Bao  kỉ niệm hội hè 
Họ hàng nhà dép đúc 
Sao thấy mình buồn ghê 

Saturday, May 30, 2015

Chuyển mùa

          
Đã cuối mùa mưa
Hoa cúc quì giật mình vàng lên những con đường cắt rừng
Suối óc ách
Chúng mình bám địch phía Thanh An
Pháo Hàm Rồng thì thùng gõ vào đêm con nai tác mẹ

Chuyển mùa rồi !
Trời cao hơn , những vì sao trên cao nguyên xanh hơn
Bộ đội hối hả
Năm nào cũng thế
Tháng mười gói bộc phá vào bâng khuâng

Tháng mười là sắp hành quân
Phía chúng mình đi tới là phía nhiều giặc
Hoa quì thì ở đâu cũng nhiều
Mộ bạn mình năm ngoái cũng đầy cỏ và hoa

Chuyển mùa ở Tây Nguyên rất lạ
Gai xấu hổ cong queo
Hoa xấu hổ he hé tím
Choàng những nấm mồ chết trẻ trên cao nguyên
Chúng tôi đi về phía Đông
Đồng đội nằm ở phía Tây hoa rưng rưng khóc

Chuyển mùa mưa sang khô
Sốt rét
Rấm rứt mồ hôi những đêm hành quân
Những trận sốt tụt dép
Những trận sốt mắt hoa lên pháo sáng lùng bùng

Chúng tôi đi về hướng Đông
Phía nhiều đạn, nhiều bom, nhiều những bông hoa chưa gặp
Chỉ thương những bạn tôi nằm lại những cánh rừng
Hoa cứ rưng rưng

HN - Tháng 10/2012


Tiếng còi tàu


Chỉ có con tàu xưa là không cũ 
Tiếng còi xưa là dĩ vãng mất rồi 
Mà dĩ vãng không mới lên được nữa 
Tôi nhìn làng cứ ngược lại xa xôi 

Con đê đã bao lần bị vỡ 
Làng bao lần chìm nước ngấu phù sa 
Trong eo óc than trời mùa lũ 
Tưởng rất gần mà đã thật là xa 

Đồng còng lưng gánh mùa màng thất bát 
Chân mẹ tôi mang bùn lấm về nhà 
Nay mộ mẹ con ốp từng phiến đá 
Khói hương nào xanh mặt ruộng ngày mưa ?

Chỉ dĩ vãng  chẳng mới lên được nữa 
Mồ mả tổ tiên cơi nới biết mấy lần 
Con tàu vẫn mỗi ngày qua lầm lũi 
Tiếng còi tàu như con gọi mẹ ơi 

Lính già uống bia

Top of Form
Bottom of Form

Uống đi bạn ơi !
Già rồi thì đừng cấp tập 
Cứ điểm xạ như mình ngày xưa giữ chốt 
Trời hôm nay không mưa 
Nhưng mỗi già mỗi càng thêm lạnh 
Ngày mai ông táo lên chầu 

Quán bia lính chắc được khen đấy chứ 
Ta ngoảnh lại một năm dù mưa dù nắng 
dẫu vắng dẫu đông thứ bẩy vẫn đỏ đèn 
Đâu chỉ có cựu lính Sinh viên 
Ngôi nhà chúng mình là ngôi nhà của lính
Mười chín xê *là điểm đến 
Của những người lính thương nhau 
Dẫu đi đâu về đâu 
Cốc bia hơi nồng cay tình đồng đội 
Có lúc mày tao lúc anh tôi tớ cậu 
Vẫn chỉ một thứ tình lính chiến ngày xưa 
Chẳng có ai hơn chẳng có thiệt thua 
Nhìn nhau nhớ nước sôi Thạch Hãn 
Nhìn nhau nhớ chiều hành quân qua giới tuyến 
Ba lô còn tím ngắt cánh hoa mua 
Chẳng có dưới trên chảng có dạ thưa 
Ai thành danh cũng vẫn là đồng đội 
Dẫu nhà lầu xe hơi cũng chỉ là vay nợ 
Những bạn nằm đâu đó suốt Trường sơn 
Uống đi bạn ơi, già thì uống chậm thôi
Thương những đứa chẳng về suốt năm dài đói khát 
Đứa chìm dưới sông chưa một lần biết bia hơi dịu mát 
Đứa vùi trong thành cổ cơm chưa ăn 

Ta gói hết kỉ niệm của chiến tranh
Dệt nên màu tấm áo 
Ta mặc suốt đời màu áo ấy 
Mỗi khi nghĩ về nhau 
Ta nghĩ về nhau nghĩ về đồng đội 
Ở quán bia chẳng bao giờ trên dưới 
Chỉ là đồng đội của nhau thôi 


Năm cũ xắp qua năm mới xắp đến rồi 
Thương nhau nếp nhăn hằn ngang hằn dọc 
Thương nhau xoa đầu nhau rơi từng sợi bạc 
Kẽ bàn tay cánh lá cũng khẽ lùa 
Ta uống chút nữa rồi về đọc Máu và Hoa 
Ta lại gặp bạn bè bước ra từ lửa 
Ta gặp lại tuổi hai mươi Tích Tường Như Lệ 
Gặp bạn mình về từ chợ Sãi Triệu Phong  
Gặp những đứa chết vùi trên “một không mười lăm” 
Gặp những đứa xác cháy đen trong xe tăng “Dak to Tân cảnh” 
Chén rượu cuối năm này xin tặng 
Cho bạn tôi những đứa không về
 
Ngoài kia những con đường lấp lánh Thủ Đô
Có bao nhiêu chiến binh còn lam lũ
Tết này hoa đẹp không? Rượu bia có đủ 
Những bạn tôi ơi ở khắp mọi miền
Ta lại gặp những khuôn mặt lạ mà quen 
Bước ra từ nghĩa trang dằng dặc 
Chợt nhận ra mình chưa làm gì được
Cho sự yên lòng đồng đội đã ra đi
Dù bạn hi sinh chẳng đòi hỏi chúng ta gì
 
Ngày cuối năm này dẫu chẳng rượu chẳng bia 
Trời đổ lạnh ngồi sát nhau áo bạn truyền hơi ấm 
Chiều cuối năm nhìn mắt nhau lạ lắm 
Lửa ấm nồng trong mắt lính ngày xưa 

viết Trưa 2/2/13 Mỹ Đình 


Sunday, May 17, 2015

MUỘN MÀNG



Mưa phùn và rét. Con đường Phạm Hùng dọc TT Hội nghị Quốc Gia vẫn nườm nượp người xe. Tôi rẽ vào cổng QKTĐ, ở đây đã đông người lắm toàn là lão bộ đội. Hội trường hầu hết là áo lính và huân chương lấp lánh trên ngực. Người ngồi ghi danh sách đến dự và thu tiền ủng hộ là một đại tá ngoài tám mươi tuổi. Bác đại tá nhìn tôi hỏi mày cũng đi dự với 48 à ? Tôi bảo em có việc ghi chép hôm nay . Bác Trần Nam cười , coi như mày là phóng viên đi không phải đóng góp. Bác Nam là CCB trong tổ Nam Đồng với tôi nguyên là cán bộ trung đoàn 48 hồi vào nam năm 1967. Bác Nam cười bảo tôi mày vào đi đang hát đấy. 
Trong hội trường chừng có ngót hai trăm người đang say mê nghe lính già hát. Lính đến từ Hà Nam , từ Thanh Hóa , từ hải Dương Hải phòng và rất nhiều lính Vĩnh Phú. Họ đang say sưa độc tấu , hò vè và vừa hát vừa khóc. Tôi ghé vào hàng ghế cuối, người quay lại bắt tay tôi là Trịnh Xuân Lan . Lan đang nói chuyện với anh An bác sĩ . Anh An quay sang tôi, bọn mày viết truyện về lính chiến đ. bao giờ nhắc đến quân y bọn tao nhá, bao nhiêu thằng sống sót để được phong anh hùng là đều qua tay may vá của bọn tao đấy nhá, bao thằng về đời đi khắp nơi kể chuyện đì đòm cũng qua bọn tao tái tạo tân trang mặt mũi cho đấy nhá. Rồi anh cười , mày đến tao tao cho xem những cái tao ghi chép những điều chúng mày cứ đì đòm ngoài trận địa mà đ. biết đàng sau nó thương tâm thế nào. Chiến tranh có một nửa non là đánh nhau thôi nhá, già nửa đau thương chúng mày lại quên hoặc là đ. biết. Đó là cái đằng sau trận địa, đó là cái hậu phương đau đớn chịu đựng đợi chờ…
Anh An đã bẩy mươi lăm mà khỏe dã man, anh bóp tay mình đau điếng. Chợt nghĩ hôm xem truyền hình trực tiếp về đánh thành cổ Quảng trị anh đưa ra cuốn sổ ghi chép hơn một nghìn người vào hầm phẫu của anh bên bờ Thạch Hãn và các anh là người rút cuối cùng ngày 14/9/72.
Cũng như các chương trình mà các cuộc gặp mặt bạn chiến đấu khác, cũng công bố những việc nghĩa tình đã làm, thông báo ai còn ai mất, ai khó khăn, tìm được bao nhiêu mộ liệt sĩ rồi phát biểu chia sẻ nỗi niềm. Sau đó là mừng thọ. Tôi lắng nghe đến đoạn đọc danh sách trao tặng kỉ niệm chương Trung đoàn Thăng Long cho một số các liệt sĩ. Trong đầu tôi như có một tiếng nổ bùng lên. NHững người có tên đều hi sinh ở Cửa Việt 1,2/5/1968. Đều sinh ở 1935- 1940 đều là cán bộ tiểu đoàn trưởng và các đại đội trưởng của D3 E 48 . Tôi chợt nhớ đó là trận của D3/e48 và D6/e52 làm nên cái tên Thiên thần Cửa Việt diệt gọn một tiểu đoàn Mĩ và đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn bắn cháy 9 xe tăng ở Đình Tổ , xóm Soi, Đại Độ . Sao muôn màng thế ? với những con người anh hùng như vậy.
Tôi quay sang Trịnh Xuân Lan. Lan lặng lẽ. Tóc Lan nay đã hói lên nhiều nhưng trông vẫn trẻ và cường tráng. Anh Dật tác chiến sư đoàn nói, thằng này trong một năm nó lên đến mười cấp. Lan cười, ai mà biết nó diễn ra như thế hả bác. Lan là D trưởng D2 vào cuối năm 1978 rồi làm E trưởng 48 lúc 26 tuổi năm 1979. Lên tham mưu phó QK2 . Chiến công của Lan trong những ngày đánh quân pon pot ở K sư 320 ai mà chả nhớ. Cũng như cái tên Khuất Duy Hoan ở E64, cái tên Trịnh xuân Lan gắn với truyền thống sư đoàn trong những ngày cuối 78 đầu 79 trên mặt trận Tây nam. 
Sau nhiều năm hôm nay tôi gặp lại những người chỉ huy một thời ở chiến trường Tây nguyên. Họ vẫn khỏe và lại ồn ào oang oang như một thời đánh giặc ngày xưa. Anh Lê Quang Bình đầu hói lốc, bác Nguyễn Phú Vỵ , anh Lương văn Lai, anh Nguyễn hữu Dật, anh Nguyễn Hữu Mão …những người đã lên tướng đã làm sư đoàn trưởng sư đoàn phó các sư đoàn sau này trên các chiến trường .
Chả cứ gì sư đoàn tôi hay ở trung đoàn 48 . Mọi việc làm tri ân là để tưởng nhớ nhau cho tròn đạo nghĩa còn thì muộn màng hết cả. Mọi sự truy tặng nhắc nhở công ơn là để cho người còn sống mà thôi chứ người đã chết đâu màng danh lợi. Không tìm và viết về họ là có lỗi, những chiến công một thời nhắc lại thôi cũng đã thấy xót xa và thương nhớ người đã khuất.
Dẫu biết thế, dù muộn màng chúng ta cũng làm, cũng để nhắc nhở chính chúng ta còn sống thì cố mà làm tốt đạo lí đời người. Người thường làm việc ấy đã khó huống hồ đời lính, đời những người chỉ chịu hi sinh và mất mát.

Saturday, May 16, 2015

GIẤC MƠ TRƯA



Già rồi mà cũng mơ trưa
Thấy mình đang chạy tắm mưa quanh nhà
Ai khúc khích ai cười ta
Lẫn trong tiếng sấm vỡ òa tiếng em
Cơn mưa bỗng tạnh, nắng lên
Một mình ta đứng giữa vườn tiếng chim
Cầu vồng nổi phía nhà em
Ta ôm quần ướt nấp bên hàng rào

Đất thì thấp trời thì cao
Giấc mơ trưa dắt ai vào ngày xưa


Thursday, May 14, 2015

MƯA

Ai tung đại dương lên trời 
Làm mưa trên biển
Ta khỏa trần về quá khứ
Ta hồng hoang, như nhân loại cũng ấu thơ



Rần rật trời và sóng ,
Bến bờ hóa mông lung


Nỗi giận dữ nén dồn ra nước mắt
Những hạt nước chém ngang chém dọc
Chém vào cả những kí ức ngây ngô
Cái thứ chất keo để thời gian đúc con người thành đá chờ chồng
Cái thứ để thượng đế nhào nặn hư vô thành nhân loại
Mà sao rười rượi
Mưa


Ta tìm thích thú
Cùng lũ trẻ tắm mưa
Ta tìm ta mùa sấm chớp
Uẩn ức cứ hóa thành giọt mây xám
Thịnh nộ cũng hóa thành nước mát mà thôi
Người hét to, tiếng sấm ở trời ào ạt nước mắt tuôn
Mưa rào chóng tạnh
Người im thít, khổ đau rỉ ra âm thầm giọt chì không gian
Mưa Ngâu lê thê
Thượng đế bỏ quên ánh sáng khiến những cơn mưa mùa đông buốt dầm dề


Ta rút từ mớ hổ lốn trong kiến thức cọ sát đã đi qua
Có cơn mưa một thời ta cua ốc
Có cơn mưa một thời chiến hào ngang dọc
Ngang dọc những máu và bùn và mắt những người sắp hi sinh
Mưa mà vẫn khát - đồng đội tôi bảo thế !


Rồi một chiều mưa
Em chạy trốn ta trên bãi biển

Có một người đàn bà 
Ngồi ước mưa giống ngày xưa trên mặt vịnh
Từ hồng hoang đến bây giờ mưa cũng chỉ là nước mắt
Của trời đó thôi.


Wednesday, May 13, 2015

XƯA CŨ


Chả còn ruộng sâu để tháng năm tì tõm
“ Gái Sơn Tây” mặc yếm cũng xưa rồi
Manh yếm thủng đâu còn ngăn được gió
Mà gió vẫn dừng ở gò ngực em tôi



Các bủ các bầm kiếm đâu thuốc nhuộm răng bền thế?
Nay đi tìm đồ ngoại tóc lổ loang
Chân váy sau trăm năm vẫn là cái “Mấn”
Khiến thời trang sành điệu biết quay về


Người Sơn Tây dựa lưng vào núi Tản
Lúa ruộng lầy bì bõm đổ mồ hôi
Thì đấy Thủy tinh và Sơn tinh vùng vẫy
Yếm rách ngày xưa nay đã lành rồi


Ta về lại triền đá ong thành cổ
Dưới gốc si già em cười trắng nắng trưa
Mây trắng thế xứ Đoài mây vẫn trắng
Giá có răng đen bền đến tận bây giờ?


Cửa sông Hát có ngàn ngàn mái tóc
Đen như mun và răng tăm tắp hạt na
Không chịu nhục với kẻ thù phương bắc
Kẻ nhòm thân con gái ngọc ngà
Dưới thẳm sâu mênh mông châu thổ
Những hài cốt người con gái răng đen
Không chịu để lũ bắc phương nhòm đến
Yếm rách người xưa để nước lớn khát thèm


Chả còn ruộng lầy nữa trưa hè tì tõm
Gái Sơn Tây câu chuyện cũ xưa rồi
Ôi ta muốn ngược về kí ức
Trưa xứ Đoài xanh lúa với mây trôi



*câu vè cũ “ con gái sơn tây yếm thủng tày dần/răng đen hạt nhót chân đi cù nèo…
ở quê tôi Dị bản trong đó có câu. “ nắng tháng 5 cô đi gặt ruộng sâu/ Hai cái vú tì tõm như hai con trâu sa lầy..”


Tuesday, May 12, 2015

CON TÀU ĐI VỀ MIỀN GIÓ BẤC ( phần 2)


Lân thập thò ngoài cửa phòng cô giáo toán tên Lương. Trong phòng ồn ào lời chúc mừng và rất nhiều những bông hoa hồng. Chiều nay Lân bỏ công lên đồi chọn lựa mãi được vài bông hoa sim mọc sớm. Nó không tím như lúc vào hè. Nó phơn phớt thèn thẹn như má con gái. Cả phòng các thầy cô giáo trẻ ngạc nhiên thấy anh học trò mặc áo lính bước vào với bó hoa rừng. Lân ngượng ngùng và cô giáo Lương còn ngượng ngùng hơn. Anh đứng im một lát trước sự im lặng của mọi người toàn những là giáo viên trẻ, mạch lạc nói :

- Tôi à …là em chúc sức khỏe các thầy và chúc mừng ngày tám tháng ba cô giáo Lương. Có một thanh niên ăn vận lịch sự nhìn Lân ngạc nhiên và dò xét, đuôi mắt bỗng nhíu xuống. Các thầy giáo đều vỗ tay hoan hô sau lời chúc của anh học trò Lân. Riêng một người không vỗ tay… Cô Lương đỡ những bông hoa rừng trên tay Lân có một cảm giác thật khác lạ, cảm giác không giống những lần cô được bạn tặng hoa ở nước ngoài.
Lân ra về ngay chỉ ít phút trong căn phòng của cô Lương. Con đường về lớp bập bềnh bóng bạch đàn và những ngôi sao rất xanh trên vùng đồi trung du.


Nhưng chuyện xẩy ra ngoài dự kiến của Lân và Lương.

Một năm sau ngày giải phóng miền Nam, trường được nghỉ ba ngày. Cô Lương nhờ Lân đưa đi Vĩnh Phúc đến nhà người lính trong thư. Suốt dọc đường đi Lương ngồi sau xe đạp của Lân qua phà Chèm rồi theo đê sông sông Hồng về quê anh lính. Lân cắm cúi đạp xe không hề hỏi cô giáo là đến nhà ai ở đâu, anh thầm nghĩ người con trai nào lại may mắn đến thế. Rồi anh ước ao có một ngày anh cũng có một cô giáo, chỉ là một cô giáo miền quê thôi đến tìm anh như cô Lương đây. Nắng nhễ nhại, nắng xanh ngằn ngặt trên đồng ngô. Thấp thoáng những người chăn bò ven sông lơ đễnh nhìn đôi trai gái đèo nhau đi trên đê. Họ đang cần tìm một bóng dáng đeo ba lô hối hả trở về chứ chả cần những mái đầu phi dê óng ả. Sau chiến tranh mọi thứ như dấm dứt bùng nổ. Sau chiến tranh mọi thứ như phơi bầy ra ánh sáng một cách thô thiển. Mọi ước lệ bây giờ không còn mấy linh thiêng. Chỉ một năm trước đây thôi cũng vào ngày 30/4 năm ngoái, Lân đang tiến vào Sài Gòn từ hướng Tây bắc. Hôm ấy bao nhiêu bạn anh nằm lại trên cánh đồng cầu Bông. Bao nhiêu đứa bạn cùng trường nằm lại không về, không còn tiếp tục những mùa thi đèn sách. Chỉ một năm thôi mà xa vời vợi. Thỉnh thoảng chợt lãng quên bài vở thì những ngôi mộ đắp vội trong rừng lại hiện ra… Đến một lối rẽ vào làng có cây Vông cổ thụ, Lương hỏi cô gái cắt cỏ đường vào nhà anh Lê Chiến. Lân giật thót mình. Cô gái cắt cỏ ven ruộng ngô thảng thốt nhìn hai người lạ rồi chỉ vào ngôi nhà trong vườn xoan. Lương hồi hộp còn Lân cũng thấy lạnh sau gáy. Hai người đi lặng lẽ, cái líp xe đạp nổ tanh tách tưởng chừng như cả hai đều đếm được những vòng quay bánh xe lăn. Sao Lương lại có bạn Lê Chiến? Mà sao cũng lại là quê Vĩnh Phúc? Chả nhẽ thằng “Chiến bật lửa” bạn mình quen cô giáo trời Tây này ư? 
Một người con gái chạy ra rồi sững lại nhìn cô Lương rồi nhìn sang Lân với bộ quân phục bạc màu. Người con gái nhà quê líu ríu mời khách vào nhà. Trên bàn thờ là hai tấm ảnh, một người mẹ quấn khăn và tấm ảnh một anh bộ đội. Cô gíao Lương khuỵu xuống còn Lân thì bàng hoàng đỡ cô trong khi mình cũng thấy chân tay bải hoải. Anh ấy đây ư? Lương thốt lên. Còn Lân thì cũng buột ra lời: Chiến ơi, ra là nhà mày đây ư? Lương xoay mặt nhìn vào Lân rồi đột nhiên cô ôm lấy anh. Lân bỗng ôm chặt lấy cô giáo, nước mắt rơi lên mái tóc uốn gọn gàng của người con gái. Tự dưng tay Lân vuốt lên mái tóc cô Lương, nghe rõ nhịp tim cô gái đập trên ngực mình. Phút chốc căn nhà như thinh không, hình ảnh người bạn cùng chiến đấu cùng trường hiện về. Cũng lúc ấy lá thư và cánh hoa sim khô miền Trung cũng hiện về. Không gian như co hẹp lại với mùi hương trên hai bát hương vẫn thâm trầm.


Người ta báo tử Lê Chiến chỉ sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng chừng 3 tháng. Mẹ Chiến đổ bệnh và cũng chỉ sau ba tháng là qua đời. Người em gái của Chiến lấy chồng làng bên nước mắt chưa khô, ngày ngày đi về thắp hương cho cha mẹ già và một người anh chết trẻ. Căn nhà lạnh lẽo, chỉ có tiếng chim ngoài vườn thì vẫn ríu ran. Sáng hôm ấy cả Lân và Lương nghe thấy tiếng Cuốc kêu ngoài bờ rậu. Lâu lắm rồi Lân mới nghe thấy tiếng chim Cuốc gọi hè. Tiếng Cuốc gọi hè nghe mà như nhìn thấy mầu vải chín, nghe mà như ngửi thấy cả mùi hăng hắc khi bẻ cành vải đầy những kiến đen. Tiếng Cuốc kêu ở sau hàng râm bụt có những bông hoa vòi đỏ chỉ cong xuống ruộng lúa ong óng vàng. Sau chiến tranh màu hoa đột nhiên đỏ thế?

Lượt trở về, chiếc xe đạp nặng như chì. Con đường lúc về mới thấy nhiều ổ gà. Lân và cô giáo Lương không ai nói nhời nào. Sông Hồng đang mùa nước, những bọt bồi băng đầu mùa sủi lên những tảng bọt như trái bưởi lẫn rều rác oàm oạp dưới đê. Đến gần Chèm, họ nghỉ lại bên một cái điếm canh. Lân ngắt hai chót lá chuối trải trên mép cỏ. Hai người ngồi nhìn sang sông. Cái cột điện Chèm lừng lững chọc lên trời có mấy cánh tay khẳng khiu muốn gục xuống vì mớ dây điện qua sông quá tải cũ mèm. Lân đăm đăm nhìn hàng dây điện ngang sông như một dấu bằng. Bất chợt anh nghĩ vùng quê bên này và vùng thành phố bên kia đẳng trị năng lượng. Cái dấu bằng mong manh quá. Chỉ cách một con sông thôi một bên là thành phố sáng đèn, một bên là nhà quê áo nâu chân đất. Lân nghe đâu đó có câu mọi đẳng trị chỉ là tạm thời còn bất đẳng trị mới là vĩnh viễn, có thế xã hội mới phát triển. Lương ngồi bên Lân, cô chợt nhớ tấm khăn dù hôm nào nhưng cô không muốn nhắc đến nó, cô sợ mất đi thứ mà mình rất áy náy, nếu không trả lại chủ nhân. Đột nhiên Lân nói như nói một mình, Chiến nó chết lúc đánh Tuy Hòa. Biển thì xanh ngời ngợi còn nó thì nằm lại ở cánh đồng lúa con gái. Cái bật lửa mà nó để dành cho mẹ nhóm bếp chả biết có ai đưa về được không? Không biết tự lúc nào, Lương đã nép vào vai Lân, cô đặt bàn tay mình lên ngực áo quân phục bạc màu của anh, bàn tay run run và môi cô áp vào môi người lính học trò. Đúng lúc ấy có một thằng bé đánh dậm đi từ ven đê lên, nó giật mình rồi trố mắt nhìn hai người lạ hôn nhau. Bỗng nhiên nó ù té chạy, cái dậm kéo lê trên cỏ khuất vào bụi tre làng.

Chuyện cô giáo toán tên Lương đi với anh học trò Lân bỗng thành tin rì rầm ở khu giáo viên. Chả ai nói quả quyết điều gì, cũng chả thể có ai chứng minh trai trên gái dưới gì nhưng người ta nói rằng con mắt Cô Lương tự thú hết thẩy. Trong lớp , trong khóa học với Lân chả một ai mảy may biết chuyện Lân đã đi với cô giáo về Vĩnh phúc tìm bạn hôm ấy. 

Ấy vậy mà một hôm anh Thụ tổ chức khoa xuống gặp Lân “bóng đèn”. Hai người ngồi chuyện trò lâu lắm ngoài phòng học. Anh Thụ cũng từng là bộ đội đánh bên Lào từ hồi Coong Le về học khoa Cơ khí rồi ở lại trường làm tổ chức. 
Anh Thụ:
- Lân à, biết là yêu thì không có tuổi và càng không có đẳng cấp. Nhưng tớ nghĩ cậu cũng đủ bản lĩnh để làm cái việc không ảnh hưởng cho khoa mình. Chỗ cùng là đảng viên mình nói thật …cậu có thể hiểu mình.
Lân ngước nhìn anh Thụ người mà Lân yêu quí từ hồi chưa đi vào bộ đội. 
- Anh yên tâm đi. Em biết là cô ấy yêu ai chứ anh.
Anh Thụ nắm tay Lân ra về lúc trời chạng vạng tối. Đêm ấy Lân ngồi trước bản vẽ Máy cắt Kim loại đến quá 1 giờ sáng. Những trục những ổ bi zoăng phớt nhảy múa chập chờn, những con tính xác định mô men hàng hàng lớp lớp như rào dây thép gai chồng đống. Mùi tóc cô giáo Lương thậtt lạ, con mắt Lương lúc nhìn Lân trên đê sông Hồng cũng thật lạ. Lân cảm giác mình là một người con trai nào đấy mà Lương đi tìm mơ hồ. Sau ngày hôm ấy, Lân hiểu Lê Chiến và Lương đã viết thư cho nhau. Cũng như Chiến, Lân từng nhận được lá thư của một cô gái nào đó. Nhưng Chiến thì sâu sắc còn Lân thì nông nổi, chuyện thư từ như một tập phim thoáng qua với anh. Nhưng cũng nhờ những lá thư ấy mà các anh đã sống quyết liệt trước đạn bom nhưng lại thấm đẫm yêu thương với người đời. Chỉ có các anh mới hiểu lấy mình còn người ngoài cuộc hiểu các anh thì khó.
Khuya lắm, lúc tiếng còi tàu ngoài ga phía Gang Thép tru lên, Lân bừng tỉnh. Anh biết, Lương đã thấy Lân chính là Chiến. Nụ hôn với Lân là nụ hôn mà Lương trao cho Chiến đó thôi. Lân rì rầm…Chiến ơi tao đã gặp cô ấy, tao đã hôn cô ấy, tao nhân danh mày để được người con gái xinh đẹp ấy ban tặng nụ hôn đầu đời. Tao cám ơn mày “Chiến bật lửa” ạ.

***

Ngày nhận đồ án Công nghệ chế tạo Máy cũng là học kì thứ 9 ở trường. Đây là đồ án môn học quan trọng của Lân. Lân sững người khi thấy tên giáo viên hướng dẫn mình lại là người giáo viên anh đã gặp trong ngày 8/3 ở phòng cô Lương năm trước. Hôm ấy Lân nhớ, khi anh tặng hoa cô Lương tất cả vỗ tay chỉ có người giáo viên này ngồi lặng im. Đã một năm nay anh không hề nói chuyện với Lương tuy vẫn gặp cô lên lớp dậy năm thứ nhất. Những buổi tập trung toàn trường anh vẫn tìm bóng cô giáo ngồi ở khối giáo viên. Anh vẫn biết có cặp mắt cũng nhìn về phía khóa sắp ra trường bọn anh. Anh cũng biết có một thầy giáo không thích màu áo lính bạc phơ phếch như anh. Nhưng điều bất ngờ hơn là ngay ngày hôm sau bộ môn gọi Lân lên thông báo anh chuyển thầy hướng dẫn. Thầy hướng dẫn mới đã già gọi anh vào phòng và nói:

- Thày Hồng đổi anh sang cho tôi và có nhờ tôi quan tâm giúp đỡ anh vì anh ở chiến trường về. Anh yên tâm tôi sẽ làm việc với anh để cùng hoàn thành đồ án này.
Đêm ấy, lại lần nữa Lân nhớ tới cô Lương. Lại lần nữa nhớ tới đêm “Chiến bật lửa “hi sinh trên cửa biển Tuy Hòa. Thế mà đã hai năm rồi. Đột nhiên anh nghĩ chắc giờ xương thịt Chiến đã tan hết. Lân bước ra ngoài. Đêm trung du gió ngàn ngạt thổi trên những đồi cỏ úa và bạch đàn phơ phếch. Trời Việt Bắc đầy những ngôi sao li ti. Mà quái lạ đến bây giờ Lân mới nhận ra những ngôi sao trên trời trung du Việt bắc xanh hơn bất kì nơi nào khác.
Khi Lân làm Đồ án tốt nghiệp đại học ấy là lúc vợ chồng cô giáo Lương chuyển công tác vào miền Nam. Anh chỉ biết tin này khi gặp một cô giáo dậy Sức bền vật liệu cũng học ở Liên xô về báo tin và chuyển lời tạm biệt của Lương. 
Từ hôm ấy, sau mỗi bữa cơm chiều Lân lững thững đi trên đồi bạch đàn anh như thấy có Chiến về thủ thỉ với mình. Chiến hỏi về đồ án về dự tính tương lai rồi cuối cùng bao giờ Chiến cũng hỏi về Lương. Cũng từ ấy Lân lại càng thấy những ngôi sao trên trời Việt Bắc xanh hơn, thấy mùi hương rừng bạch đàn quyến rũ hệt như mùi tóc cô giáo Lương lần đầu tiên anh gặp trên chuyến tàu mùa đông.


Đời cứ có những chuyện càng rũ ra nó càng vận vào mình. Trời thì lồng lộng thế thôi chứ nó vo tròn lại ấy mà. Có người cực đoan thì bảo chuyện đời chuyện tình cũng giống hệt và tuân theo Vật lí vậy thôi. Mọi chuyện rồi nó sẽ lại trở về vị trí thế năng thấp nhất. Lân băn khoăn mỗi lần nghĩ ngợi điều người đời chém gió như thế.

Lân trở thành Phó tổng Giám đốc phụ trách Kĩ thuật kiêm cả an toàn lao động một Tổng Công Ty. Cương vị này khiến anh vào ra Nam Bắc thường xuyên. Ba mươi năm nay anh hầu như đã quên chuyện cô giáo Lương và thày giáo Hồng thì đời lại khiến anh gặp thầy Hồng cô Lương. Một lần có vụ tai nạn lao động chết người của công ty thành viên tại Sài gòn. Lân thay mặt Tổng công ty vào giải quyết vụ việc. Giám đốc công ty thành viên chính là thầyy giáo Hồng. Thầy nói:
- Tôi xin nhận khuyết điểm để xảy ra tai nạn này. Thưa đồng chí Phó tổng Giám đốc, tôi xin từ chức và đóng góp phần bồi thường cho công nhân bị nạn.
Ở cuộc họp ra, thầy giáo Hồng nắm tay Lân và nói:
- Tôi hiểu anh, biết là anh sẽ chiếu cố tôi. Nhưng anh Lân ạ, ta hiểu nhau từ ba mươi năm trước rồi. Tôi không hối hận đâu.
Trước khi về thầy Hồng nói với Lân: 
- Vợ tôi vẫn khỏe và cũng sắp nghỉ dậy ở ĐH Sư phạm thành phố rồi. Cô ấy vẫn nhắc tới các anh.

***
Một mùa đông bốn mươi năm sau ngày thống nhất hai miền. Bà Lương lại mới ra Việt Bắc. Lần này bà đi về dự lễ kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường đại học mà bà từng làm giáo viên những năm mới vào nghề. Con tàu không còn kót két hôi hám như ngày xưa. Nhưng bà thấy buồn, chồng bà đã mất cách nay vài năm vì bạo bệnh, còn các con đều học giỏi, rồi định cư ở nước ngoài. Bà đang trở lại vùng gió bấc mà bà đã từng tê tái, từng yêu cái rét thấu xương nhưng lại cứ làm má con gái ửng đỏ. Bà rút máy điện thoại gọi cho bà bạn từng là giáo viên Sức Bền Vật liệu đã nghỉ hưu. Bà dặn bà bạn nhớ mang cái gói khăn dù mà trước khi vào Nam bà cẩn thận gửi bạn giữ hộ. Bà biết ngày mai Lân cũng sẽ về hội trường. Bà sẽ trao lại cái khăn dù mà bốn mươi năm trước anh đã quàng lên cổ mình vào một đêm gió bấc.
Tháng 5/2015


CON TÀU ĐI VỀ MIỀN GIÓ BẤC ( phần 1)



Đêm thật đen và lặng. Ga lưa thưa người. Sau chiến tranh chỉ thấy người ta đổ lên ngược mua sắn khoai với những bao tải và sọt tre, những anh bộ đội từ trong Nam trở về bụi đất đỏ lầm, có con búp bê mắt nhắm mắt mở thò bàn chân hồng hồng như nũm khoai sọ non trên nắp ba lô.
Lân vác ba lô lách lên tàu và chịu để cho người ta chen mình. Ba lô không có búp bê chỉ có hai bộ quân phục cũ gói vài cuốn sách, có cái mũ cối là mới được phát trước ngày ra Bắc, anh ôm vào bụng. Mãi rồi cũng vào được trong toa lờ mờ 2 ngọn đèn bão lúc lắc lổn nhổn người đứng, người ngồi. Năm năm đã xa miền Bắc, xa những chuyến chen chúc cách quãng leo tàu hỏa lên trường học, vậy mà bây giờ con tàu vẫn thế, hôi hám và khàn khàn còi vọng vào đêm. 
Có một cô gái tóc bím, hai bên vai cựa quậy mãi mới đứng dậy khỏi ghế. 
- Anh bộ đội ngồi xuống đây. Cô nép cong người sang một bên. Trong bóng đêm lờ mờ, Lân thấy cô gái dịu dàng đến lạ, mùi thơm cũng rất lạ, anh chưa thấy bao giờ. Anh ngượng nghịu
- Ấy chết cô cứ ngồi, bộ đội ai lại bắt đồng bào nhường chỗ. 
Có tiếng cười khúc khích của những người ngồi bên. Lân không hiểu sao họ lại cười. Cô gái lại ngồi xuống chỗ của mình.
- Thế thì anh đưa ba lô, em ôm cho anh đỡ mỏi. Họ cười anh gọi em là đồng bào đấy. 
Lân cũng cười, gỡ cái ba lô đưa nhờ cô đặt lên đùi còn mình thì lùi lại tay vịn lên thành ghế nhà tàu. Con tàu lắc lư. Chả thể nói con tàu trườn vào đêm hay là đêm trườn vào tàu. Tất cả lơ mơ như nhung đen, mùi khen khét của than đốt lò, mùi quang gánh, mùi tóc mùi mồ hôi nươm vào khoảng hẹp mập mờ nhưng Lân vẫn nhận rõ có mùi riêng của cô tóc bím. 
- Ba lô nhẹ tênh thế này sao? Anh cũng ở chiến trường ra đấy chứ?
- Vâng tôi vừa từ Tây Nguyên về. 
Tàu đến ga S. Tiếng khàn đục ngái ngủ của người đàn bà cầm cái loa sắt Tây đứng lùn tè giữa sân ga nhắc nhở hành khách xuống tàu. Tiếng loa ở sân ga mệt nhọc rồi chìm tũm vào đêm. Lân nghiêng người cố ngó ra cửa sổ, hàng cây bạch đàn nay đã cao lớn vụt qua, anh cố tìm một nét quen vô vọng. Hơi lạnh ùa vào toa tàu. Lân kéo cái khăn dù thở dài, nhớ một đêm mùa đông năm năm trước anh đã đi chiến đấu từ cái ga tàu hỏa này. Cô gái ngước nhìn anh trong bóng tối lờ mờ. Những thân người lắc lư trong tiếng rì rầm của người, tiếng ken két của bánh xe tàu hỏa. Họ xuống ga vào lúc gần sáng. Sương trắng trên mặt đường đá lổn nhổn lối ra đường quốc lộ. Cô gái hỏi:
- Anh về đâu?
- Tôi về trường đại học gần đây.
- À… thế thì …ta lại cùng đường. Cô xuýt xoa kéo cổ áo. Lân đưa cho cô gái cái khăn dù :
- Này cô choàng cái khăn này cho ấm, đừng chê lính hôi nó theo tôi nhiều đêm trinh sát bám địch đấy. 
Nếu không có câu nói này chắc chả đời nào cô gái chịu nhận tấm vải dù choàng lên ngực mình. Cô kéo cái khăn dù, cảm thấy có mùi khét thuốc lá và cũng như Lân cô thấy một mùi rất khác lạ với mình. Họ đi lẫn cùng nhiều người về cái trường Đại học trên một triền đồi. Lân không hỏi cô ở lớp nào hay là nhân viên phục vụ hoặc giả là con một gia đình nào trong trường. Cứ nghe líu ríu cô kể về trường đã có sân đá bóng ra gần quốc lộ, nào là trường này mấy năm nay thi vào khó lắm đấy. Nào là đói ơi là đói. Câu chuyện ríu ro như hai người đã thân quen nhau lắm còn Lân anh đang hít thở cái hương cỏ khô và hăng hắc lá bạch đàn mà nhiều năm nay anh xa nó. Cứ thế mải mê đến nỗi lúc chia tay anh vẫn đang mơ màng nhìn hút về phía lớp mình sơ tán ngày xưa sau dẫy đồi lờ mờ trong sáng sớm. 
Lân đi về phía cổng trường, sà vào mấy quán hàng dọn sớm mua hai khúc sắn luộc rồi ra một gốc cây vừa ăn vừa hút thuốc. Sương lạnh, anh chợt nhớ cái khăn dù. Thì ra lúc chia tay cả anh và cô gái đều quên. Lân mỉm cười, nghĩ đến khuôn mặt cô gái anh cũng chưa nom rõ rồi lại nhớ cái vải dù từng nắm cơm mang lên chốt, từng làm chăn đắp lên mặt những lúc ngủ rừng. Anh tự nghĩ an ủi cái khăn về với chủ mới chắc là ý trời.
***
Lân về học năm thứ 3. Anh không kịp nghỉ ngày nào mà lên lớp luôn. Chả bù mấy đứa về năm thứ hai, khối môn đã thi rồi nên được miễn tha hồ chơi dong nhan. Trường bây giờ rất nhiều bóng áo xanh bộ đội. Những buổi lên lớp nhìn những khuôn mặt sốt rét lẫn trong bao nhiêu khuôn mặt rạng ngời của các bạn trẻ cứ như một nồi xôi đỗ. 
Vừa ra khỏi chiến trường đã ôm ngay cái bài tập lớn về Nguyên Lí Máy. Đêm đêm chong đèn ngồi rút thước Logarits và cắm đầu vào vẽ. Một lần có cái bóng đèn 100 W chập nổ tưởng như lựu đạn địch ném vào, Lân chúi ngay đầu vào gầm bàn. Các bạn cùng phòng cười ré lên. Lân mang tên” Lân bóng đèn” từ ấy. Những người bạn học đâu có hiểu cái phản xạ của người lính chiến vừa ra khỏi chiến trường. Họ cười. Kệ họ. Lân nghĩ thế.
Vài tuần trôi qua, một chiều thấy một người con gái đi từ lớp năm thứ nhất qua cửa kí túc xá. Cô gái tóc bím? Lân ngờ ngợ nhưng không dám hỏi vì thấy cô cầm tập giáo trình lên lớp. Cô gái chợt nhìn thấy Lân, dường như cô nhận ra anh nhưng rồi lại bước đi. Cái bím tóc buông xõa bờ vai tròn lẳn trong tấm áo len của ngoại. Lân quay ra hỏi bạn cùng lớp. Họ bảo cô giáo dậy toán năm thứ nhất đấy. Học Tổng Hợp Khác- Cốp mới về. Thì ra Lân đã quen một cô giáo mà lại là cô giáo học ở Tây về. Anh đi vào phòng, xốn xang quá. Bản vẽ Nguyên Lí Máy nhập nhòe. Lân vỗ vỗ mấy cái vào mặt rồi cúi xuống tô những đường chì nhanh nhánh.

Nhoáng cái đã sang năm mới. Các chàng bộ đội nay đã hòa nhập với không khí ồn ào như chợ vỡ ở cái khu kí túc xá mấy ngàn sinh viên này. Họ vẫn mặc quân phục lên lớp có lẽ do nó bền và lại phiếu vải chưa làm xong cho lính xuất ngũ. Hầu như số bộ đội về học đều đến tuổi lấy vợ mà chưa có vợ. Vài tháng ăn cơm trường đại học nước da bớt đen, môi bớt tái nên cái vẻ phong sương pha lẫn học trò trông anh nào cũng dễ gần. “Lân bóng đèn” được bầu làm lớp phó học tập. Mang tác phong quân đội về với sinh viên cũng không phải là dễ. Nhưng các chú học trò thấy đàn anh chăm chỉ học tập quá nên cũng bị cuốn theo. Lớp nào đông bộ đội là phong trào lên hẳn. Mồng tám tháng ba năm ấy, ở lớp Lân chỉ có hai cô gái vì thế thủ tục thăm hỏi chỉ nhoáng cái là xong. Hàng trăm chàng trai tận tình thăm hỏi một cô gái cứ xầm xập từ chiều đến tối. Lân nhớ tới cô giáo tóc bím. Cô giáo mà Lân chưa có dịp thăm hỏi kể từ mấy tháng trước.

Cô giáo Lương học ở Khác Cốp về mới lên lớp năm đầu tiên. Là học sinh Hà Nội đi du học năm 1969. Năm ấy cô Lương đi bằng tàu thủy từ Hải Phòng sang Liên Xô. Số cô rủi hóa may. Các bạn đi đợt đầu qua đất Trung Quốc, còn cô và các bạn đi sau không được đi theo con đường ấy nữa mà lại đi tàu thủy. Nửa tháng trời trên biển thật là kì thú. Đời người chắc chỉ một lần như vậy. 5 năm học toán ở một trường đại học danh tiếng, cô về nước giữa lúc cuộc chiến chống Mỹ vào hồi cuối cùng. Mang va li đến nhận việc ở một trường đại học miền núi, Lương buồn rười rượi. Chiều hôm đầu tiên đến trường cô nhìn rừng cây bạch đàn trên một vùng cỏ úa, nhìn sinh viên cầm bát đi ăn cơm ở một nhà ăn lợp lá có những cái chảo nước sôi lúc nào cũng ám khói. Cô muốn bỏ về Hà Nội đi tìm một nhiệm sở khác. Từ hôm gặp chàng sinh viên đi lính về, Lương lại bỗng nhớ về một người bạn mà cô chưa hề biết mặt. 
Hồi ấy có phong trào nữ sinh các trường đại học viết thư gửi ra chiến trường động viên bộ đội. Các lá thư từ hậu phương của các cô gái gửi ra tiền tuyến đều được đóng vào những bao gạo chuyển vào chiến trường. Bộ đội đi lấy gạo về tập hợp những lá thư và mỗi chiến sĩ được cấp trên phát cho một lá. Ai chưa nhận thì đợi đợt sau, kiểu như cơm không ăn gạo còn đó. Bao nhiêu tâm sự của các cô gái được người lính mang theo giữ gìn như tâm tình của người thân của mình. Họ cũng gửi những dòng chữ vội vàng đầy khói súng về cho các bạn gái mà chưa hề biết mặt. Lương có một lá thư của một người lính tên Chiến quê ở Mê Linh, anh kể anh vừa ở chiến dịch đường chín Nam Lào. Những Lá thư của anh thật hóm hỉnh và rất gọn gàng khúc triết.Lương biết anh cũng là sinh viên năm thứ 2, đi bộ đội chỉ có điều anh không bao giờ nói là anh học ở trường nào. Anh cứ bảo rồi ngày em về nước em sẽ biết về anh. Khi đơn vị anh rút ra Hà Tĩnh kết thúc chiến dịch đường Chín Nam Lào, thư anh kể anh sẽ còn đi vào sâu hơn nữa vì chiến trường đang vào hồi quyết liệt. Có một lá thư Lương nhận được trong ấy có một cánh hoa sim ép khô từ Kì Anh Hà Tĩnh …”Anh viết … em thân mến, có một hôm bọn anh lấy gạo trên sông Xebanghieng. Những bao gạo trôi trên sông dạt vào bờ, đơn vị nào vớt được bao nào thì mang về bao ấy. Trời run rủi cho tiểu đội anh vớt bao gạo sọc xanh trong đó có 5 lá thư. Anh may mắn có thư em. Em là học sinh Hà Nội, anh ở nhà quê Vĩnh Phúc. Chuyện cứ như tiểu thuyết em nhỉ, mong rồi có ngày ta gặp nhau lúc đất nước giải phóng và em về….Vài ngày nữa anh sẽ lại đi sâu vào chiến trường, gửi em bông hoa rừng nơi anh đóng quân trước ngày đi chiến đấu, về nơi xứ tuyết…”
Chuyện tình cảm mỗi con người cứ như từ trên trời rơi xuống. Muốn cũng chả được, rẫy ra thì nó cứ vận vào thật chặt. Lính chiến trường bỗng nhiên có chỗ bấu víu thiêng liêng. Cứ lúc nào mệt mỏi, lúc nào khó khăn lại mang lá thư của một cô gái nào đó ra đọc là thấy mình khỏe hơn lên. Lời động viên của người khác giới nó mạnh mẽ hơn nhiều lần lời hô hào chính trị tư tưởng. Lính ở trận tiền chỉ cần có thế, đơn giản vô cùng, đơn giản đến mức trong sáng cực đoan. 
( còn tiếp)