Monday, June 29, 2015

Ở bãi biển Thiên Cầm

Người đàn bà cỡ tuổi tôi tay túm cái bao vỏ cám CON CÒ đi dọc bãi biển.
Đêm xuống, biển thẫm lại rồi vụt sáng lên những ngọn đèn từ mấy con tàu ngoài xa. Lúc ấy, bờ kè trên bãi đèn nến sáng trưng. Các quán ăn hối hả chèo kéo khách du lịch. Tôi ngồi bên bờ kè đợi món ghẹ hấp bia nhìn ra phía ngọn núi có hang Thiên Cầm. Chịu không thể kiếm đâu ra cái âm thanh đàn trời như người ta từng ca ngợi. Chỉ thấy rộn rã thập thình tiếng nhạc và nườm nượp váy áo đẹp bên những bàn bia rượu và cặp mắt nào cũng sáng long lanh.
Người đàn bà ghé sát vào một đám đông đang dzô dzô quyết liệt, họ vứt lon bia xuống cát, họ quăng những lon nước ngọt ra mép nước rồi hứng chí lấy một cái lon bia trên cát làm mục tiêu, đố nhau chọi như chọi đáo. Thế là, lia lịa những lon bia tới tấp ném ra công cốc bùm bụp. Họ ném cả lon còn đầy bia, họ cười hơ hớ. Cuộc chọi bia chỉ bỗng ngừng lại khi người đàn bà lao ra nhặt những cái lon nhét vội vào bao. Cốc! một cái lon bia va lên lưng bà. Bà nhặt vội, ngoái lại, bà cười. Nụ cười người đàn bà hiền lành chịu đựng lại có vẻ biết ơn.  Bóng của bà khô gầy đổ trên cát nhấp nhóa. 
             -Bà Ánh ơi, để lát nữa bà vô lượm lon, 
             chừ bà vô bể chốc đó.
Chủ hàng nơi tôi ngồi gọi với xuống bãi. Người đàn bà ngẩng lên gật đầu rồi kéo cái bao cám CON CÒ đựng những vỏ bia vỏ hộp ra kè biển ngồi xuống. Sóng thủy triều lên dập vào thân kè tung bọt lân tinh nơi bà. Biển phả mùi tanh tanh lên tóc chúng tôi, đêm ở bãi biển lồng ngực như giãn ra tinh khiết                           
Chị chủ nhà hàng nơi chúng tôi ngồi vừa làm vừa kể. Câu chuyện của chị đủ để giữ khách uống thêm bia gọi thêm đồ biển.
..” Bà nớ người làng ni, tuổi Nhâm Thin đó mấy chú. Nhâm Thìn con gái sao khổ như ri chú à. Bà đi xung phong từ tuổi 16 cơ. Hết Hà tĩnh rồi vô Quảng Bình rồi đi lên cả Trường Sơn. “..
Tôi chợt nhớ những ngày hành quân qua Đồng Lộc, bom Mỹ đánh vào đội hình, đánh vào làng vào đường Tám. Những ngày hè nóng hừng hực, bộ đội chạy, xe chạy, bom rơi và tơi tả là áo quần con gái. Những người lính còn kịp nhận ra trong khói bom là tiếng gọi nhau í á của con gái. Những cái nón lá cài chùm lá Mua ngụy trang héo quắt ,rách toang còn vương cả cánh hoa mua tím ngoét.
..” Bà vô Quảng Bình làm xung phong đoạn từ đèo Ngang trở vô cả năm trời. Yêu một anh cũng xung phong quê trong nớ. Nghe bảo họ yêu nhau lắm đó. Cả hai ông bà đều chiến sĩ gì đó..” Tôi hiểu ra là chiến sĩ Thi Đua. Ừ cả hai là chiến sĩ thi đua.
Trong đầu tôi chợt nhớ chuyện tôi hành quân qua Quảng Bình vào một đêm cuối năm.
Đêm ấy chừng hơn 12 giờ đêm. Đoàn quân đã qua đèo Ngang  quãng một tiếng đồng hồ. Đường đầy những hố bom lở lói, đầy những cành cây tung tóe. Chúng tôi gà gật ngả nghiêng, còn xe vẫn nhấp nhổm rì rì trong đêm. Lúc nãy còn nhập nhòe mấy tàn pháo sáng máy bay địch thả, bây giờ thì đêm yên tĩnh hơn, qua đèo Ngang lúc lính ngủ chập chờn . Tôi vạch lá ngụy trang nhòm ra đường. Chỉ thấy vùn vụt lóang nhoáng những gốc cây đổ ,những ruộng bãi loe loét không một đốm lửa hay ánh đèn. Đêm khuya , ở hỏa tuyến cứ như người nằm thao thức lặng yên mà lúc nào cũng lo lắng không sao ngủ được. Cả đoàn xe gầm gừ bỗng chựng lại. Trung đội à lên như một tiếng thở dài. Đến rồi hả ? Rồi lại lặng im. Cả ngày hành quân hết đi bộ rồi lại đi xe, hết pháo biển lại máy bay gầm rú, người  mỏi cứ như giần. Đêm cuối năm lạnh. Ở cái vùng tuyến lửa này mùa đông như nấp sau chiến tranh. Chiến tranh chùm lên con người cái tấm áo mưa bức bối , lúc nào cũng nhơm nhớp mồ hôi và nước mắt lẫn máu. Xóm xa , chó sủa óc óc. Trong mịt mù đêm, bỗng nghe tiếng chó sủa thấy ấm lòng, thấy sự sống yên bình lạ. Xe lại chạy gầm gừ. Thì ra đoạn đường bom đánh, sửa chưa xong, có người gác yêu cầu xe đi thật chậm. Người gác là một đàn ông TNXP, tay cầm cái đèn pin, nhưng chỉ thấy khua khua mà không bật đèn. Chúng tôi tỉnh hẳn dậy vạch lá, nhìn ra đường cố căng mắt trong đêm để như đề phòng xe tụt xuống hố. Ngồi cạnh tôi là cậu Hoa,thợ lái xe ở mỏ Khánh Hòa thì thào : mình đạp phanh cứng cả bàn chân ông ạ. Cả xe cười hinh hích. Bàn chân Hoa đạp dúi  vào đít thằng ngồi trước .
Xe lắc lư bò. Anh TNXP bảo cứ yên trí theo cọc tiêu trắng mà đi. Chúng tôi nhìn trong đêm, hai bên xe là những vệt trắng đứt đoạn, những vệt trắng song song nối dài. Xe khựng lại, lái xe ngó ra bật vội đèn pin rồi tắt ngay. Ồ ! gần như chúng tôi bật kêu lên một lúc. Những người con gái nằm ngủ gối đầu lên cuốc sẻng , mặt đậy áo mưa và những tấm khăn đen. Chân quần họ sắn lên tận đùi.  Những bắp chân con gái trắng lấp lóa  dưới sương đêm. Thì ra những người nữ TNXP, tranh thủ nằm ngủ hai mép đường và sắn quần lấy cặp đùi mình duỗi dọc mép đường làm cọc tiêu .
Từ lúc ấy chúng tôi thao thức . Xe này nối tiếp xe kia hầu như lính không buồn ngủ nữa. Những  cọc tiêu nằm cứ nối dài hết đoạn đường bom đánh lúc chiều. Những cặp chân trần con gái trắng phau ám ảnh mãi . Những cọc tiêu đang nằm ngủ.
Tôi nhớ đêm ấy  là đêm chúng tôi qua Quảng Trạch Quảng Bình.

Tôi ngó ra nhìn người đàn bà nhặt lon bia ngồi trên bãi biển. Trước màn đêm như nhung của biển đêm, bà lặng lẽ như cái chấm, gió lồng làm tóc bà rối bung, bà nhìn vào đêm và sau lưng bà là những cuộc hỉ hoan vui vầy của gia đình bạn bè, những người từ thành phố đi nghỉ mát. Người đàn bà kia liệu có là một trong những cô gái vén cao ống quần nằm ngủ ven đường hôm ấy?
Chị chủ quán thủng thẳng:
         -Đời chả biết thế nào mà nói trước các bác ạ. Bà ấy lại vào tận Trường Sơn. Nghe nói bà ấy suýt nữa cũng chôn vùi trong hang với tám cô người Thanh Hóa đó. Anh người yêu thì lại vào tận Tây Nguyên làm giao liên. May mắn hết chiến tranh về quê, mần mò tìm nhau rồi lấy nhau. À mà này các bác, sao làm xung phong vất vả mà chả có chế độ chi rứa? Mãi sau này mới có chút phụ cấp vài trăm chứ bà nớ nghèo như ri lại thêm ông chồng da cam chết sớm.
         - Bà ấy không có con hả chị? Tôi hỏi chủ quán.
       - Cha trời . Có mà chết rồi, rứa là còn may cho bà nớ. Nó khùng khoèo lồi mắt nằm đâu ỉa đó bà chả mần ăn chi chỉ ôm con mà khóc. Tội rứa! Từ ngày chồng chết, đứa con khùng khoèo chết, bà âm thầm sống bằng nghề mót khoai. Vài năm nay bãi biển ni đông khách thập phương, bà đi nhặt vỏ lon ngày cũng được đôi chục ngàn. Bà sống âm thầm rứa mà có đêm người ta nghe bà hát trong nhà. Bà ấy hát câu chi nghe lũ trẻ ka ra hay hát đó. À à …đi giữa trời khuya. Phải rồi bài hát Đi giữa trời khuya sao đêm nhấp nhánh…hì hì

Tôi lại chợt nhớ những ngày hành quân trên Trường Sơn, những cô gái thanh niên xung phong ngồi âm thầm đỉnh dốc trạm 5, nhìn chúng tôi hành quân qua. Các cô cười vẫy mãi đoàn quân và khi đoàn quân khuất rồi mới òa lên khóc. Bỗng dưng trong tôi chợt  hiện ra …

       Chúng tôi rời Cự Nẫm được 4 ngày. Bốn ngày ấy đi trong mưa. Mưa trường sơn cứ ri rỉ không ngớt. Ba lô nặng chịch càng chĩu xuống vì mệt mỏi. Quần áo ẩm xì xì. Đoàn quân chùm áo mưa cúi rạp người lên dốc. Đứng trên đỉnh núi nhìn quay lại trong cái dáng trời thum thủm màu mắm tôm, đội hình trông như một đàn gà Tây . Ngày thứ tư đi từ 5 giờ sáng tới 5 giờ chiều chưa được nghỉ vì không có chỗ trú quân . Uể oải , lo lắng.Thỉnh thoảng tôi ngửa mặt liếm những giọt nước mưa chảy tràn vào khóe miệng. Trời gần tối , đang lên dốc cán bộ bảo sắp tới chỗ nghỉ. Ai cũng thấy khỏe hẳn lên. Cả hàng quân râm ran trò chuyện. Bỗng  có tiếng cười lanh lảnh ngay trên đầu dốc. Trong mưa rì rầm, tiếng cười trong veo, hệt như tiếng cười trên cánh đồng làng mùa gặt cong eo những thôn nữ quê tôi. Chúng tôi ngước lên . Một cô gái . Một thím bộ đội ôm một chú khỉ con ngồi vẫy vẫy đoàn quân 

    -  Em ơi …
    - Thím bộ đội ơi … 
    - Đồng chí ơi …đồng chí gì ấy ….ơi
Tiếng gọi ùa vào nhau, tiếng cười ríu vào nhau. Bỗng chốc cái mệt đi đâu hết. Anh nào cũng cố gọi to hơn. Cô gái ngồi dưới mưa nhìn đoàn quân và chỉ cười, chỉ vẫy ,  vẫy rối rít cười líu ríu. Cô ướt run lên mà vẫn long lanh mắt. Trời xâm xẩm, chỉ có mắt cô và nụ cười thì vẫn sáng. Chúng tôi rẽ vào một khu rừng tan hoang bom B52 mới đánh. Đó là một khu vực kho hậu cần lớn của quân ta. Vương vãi đây đó những gạo mốc , nhà đổ , sung đạn văng đầy rừng, nồi niêu méo mó và áo quần mắc lủng lẳng trên cành cây . 
Đêm ấy chúng tôi ngủ lại đây. Chập chờn. Phấp phỏng. Mệt nhọc. Chính trị viên bảo , đơn vị trông kho có một tiểu đội nữ mới hi sinh mất ba người. Chúng tôi nặng nề qua một đêm râm rỉ mưa, tâm hồn người lính chưa giáp trận lung mung khó tả. Sáng hôm sau hành quân sớm. Ở chỗ ngã ba rẽ ra đường chính, lại có ba nữ bộ đội ngồi chờ sẵn. Ba khuôn mặt thẫn thờ nhìn chúng tôi đi về phía trước. Qua chỗ các em ngồi chúng tôi ai cũng xốc lại ba lô gọn gang, vươn thẳng người lên chào các em. Có anh còn bỏ mũ ra vẫy lại.  Những người con gái ngồi đấy với nụ cười méo mó để  chia tay. Suốt cuộc hành quân hôm ấy chúng tôi cứ nói chuyên với nhau về họ, về nước da xanh tái xám ngoét của họ, mà chúng tôi chưa từng được nhìn thấy nước da ấy khi còn ở miền Bắc.

Tôi ngó người đàn bà ngồi gò lưng nhìn ra biển, cái bao cám Con Cò nằm kề bên nhàu nhẽo. Thủy triều đang lên, bà đang nhìn con sóng miên man dưới chân mình. Chả biết bà đang nghĩ gì còn chúng tôi trong ngàn ngạt những rượu bia du hí. Ngay bên cạnh tôi có người đồng đội đang ngồi kiên trì chờ chúng tôi vứt ra mấy vỏ lon để kiếm sống.Thực ra, lúc ấy tôi cũng chả nghĩ được như thế, mà tôi đang nghĩ liệu bà có là một trong số các cô gái tôi gặp không hôm ấy ở Trường Sơn không?

Khách ăn đã vãn, chúng tôi những lính già còn ngồi lại sau cùng.  Ngòai xa  đèn của thuyền câu mực giăng giăng. Người đàn bà lom khom buộc cái vỏ bao rồi vắt lên vai đi xuôi về cuối bãi cát. Bà đi xa thì cái bóng của bà càng co lại gầy guộc. Đến một lúc cái bóng người và cái vỏ bao cám Con Cò thu lại thành một cục xẫm đen, hun hút.

Đêm ở biển Thiên Cầm, tôi cố lắng nghe tiếng đàn trời khua trên núi mà không thấy. Chỉ thấy tiếng sóng miên man buồn buồn.

27/6/2015











Saturday, June 27, 2015

LỚN LÊN VỚI TRUNG ĐOÀN

Trích trường ca LỚN LÊN VỚI TRUNG ĐOÀN. 

….” Đâu tiếng thét xung phong đó là nơi kẻ thù giáp mặt
Ta lại gặp những chàng trai chân đất
Những anh hùng bốn mùa say đánh giặc
Không kể thời gian không tính tháng ngày
Một nắm rau khoai một đùm cơm vắt
Vẫn săn gân trong những chiều xuất kích
Mắt vẫn sáng trong đêm đuổi địch
Miệng vẫn cười trong ván ù mo*
Và hầm kèo còn đầy ắp tiếng thơ
… gan góc kiên cường trên 784
Như đồi 30 đêm nào rực lửa
Đường 19 bỗng thành giông tố
Cờ bay trên trận địa CHI BỒ*


Bàn chân ta đi trên cao nguyên bát ngát
Chiến sĩ vun trồng xanh ngát những đồi ngô
Lúa nương trổ trong tầm pháo kích
Hoa mướp khoe màu trên hố bom.


Cảm ơn Đảng dậy ta đứng bên hố bom không hề chóng mặt
Ngâm một câu Kiều không sợ hóa người xưa
Sức bật thân tre sức bật tàu dừa
Sức bật Việt nam từ trong lòng đất
đất nước ta máu và nước mắt
nên một vầng dương sáng hôm nay…."


• Ù mo là chơi tá lả


Friday, June 26, 2015

Phố cổ Đồng Văn chỉ một đêm ngủ lại

Phố cổ Đồng Văn chỉ một đêm ngủ lại
Gọi là cổ nhưng phố cổ Đồng Văn trẻ hơn nhiều so với phố cổ Hà nội hay Hội an. Tính đến nay nó mới vẻn vẹn hơn trăm tuổi. Tuy thế nó cổ hơn nhiều so với Hà nội vì nó lặng lẽ trầm mặc và những nét xưa cũ còn lại đây đó trên mái nhà trên màu mồ hóng trên những bậc đá và đặc biệt là chứng nhân là những ngọn núi đá thiên tuế vẫn đứng bên nó.

Chiều tối 29/10 tôi ở cột cờ về đây, phố tắt dần ánh sáng thiên nhiên và sương núi rơi tơi tả. Vẫn phình phịch tiếng xe máy nhưng thưa thớt. Chúng tôi không kịp rửa chân tay mà vội đi ra phố chụp ảnh phố cổ lúc hoàng hôn. 
Chợ phố cổ vắng heo heo. Con dốc từ trên núi xuống lững thững vài cô gái kinh phượt đi tìm chỗ ngủ. Phố cổ Đồng văn mà một thời bàn đèn một thời trú ngụ của các anh chị thổ phỉ nhiều tiền nay hiền như bà sơ cao tuổi. 
Chúng tôi ăn tối hôm ấy ở phố cổ. Chắc đói và hơi lạnh nên ăn ngon và uống cũng vào đô. Quanh tôi toàn người kinh từ yên bái , tuyên quang , Hà nội lên ngó cột cờ rồi ngủ lại để sáng mai lên đèo Mã pì lèng.
Đêm ấy, khuya tôi ra cửa nhà nghỉ nhìn lên phố cổ Đồng Văn. Lặng như tờ . Sương buông im lìm lên bậc đá cổ . Mấy con chó lững thững đi quanh đống rác chợ. ĐÈn điện ở đây xanh leo lét. Những ngọn núi đá bao quanh thung lũng Đồng Văn tối sẫm lù lù như muốn đổ ập xuống đầu


Thursday, June 25, 2015

Mây

Sáng ở nơi này mây xuống tắm
Phải đêm qua mây có ngủ hay không...


26/6/2015

Nhớ em

Trời xanh thế và biển thì xanh thế
Nỗi nhớ em cũng không thể xanh hơn
Thiên cầm có tiếng đàn chiều gió
Gõ xuống từ hoang hoải cô đơn


Cát cứ trắng từ ngàn xưa cát trắng
Sát muối vào ruột ốc xót u...u
Em xa vắng để biển thành vàng vọt
Để một chiều anh chẳng thấy hoàng hôn


25/6/2015

Wednesday, June 24, 2015

Cửa Lò chiều mưa

Ngoài kia mưa chừng to lắm
Ở đây vừa đủ nhớ người
Ở biển mà như rừng thẳm
Người ơi, người ơi, người ơi... 



Bồng bềnh, bồng bềnh, biển khơi
Bâng khuâng, bâng khuâng, mưa tưới
Thuyền cô đơn buộc vội
Neo mưa vào chiều cô đơn


24/6/2015


Saturday, June 20, 2015

Mồ côi Mẹ

...cây gạo bến sông cô đơn
Mồ côi suốt thời con trẻ
Nay về sông quê tìm mẹ
Con mồ côi tự bao giờ...


20/6/2015


Friday, June 19, 2015

KHOẢNG TRỜI VÀ MÁI TRƯỜNG

Có đêm nào như đêm nay
Sau trận đánh trên điểm cao tôi trăn trở
Dậy trong lòng bắt đầu một mái trường ngói đỏ
Đến những khoảng trời tổ quốc gọi tôi đi


Ở chiến trường xao xuyến thế một tiếng ve
Chiều cảnh giới cũng nhớ hàng phượng đỏ
Những ước mơ tôi từ đó
Mái trường ơi


Từ tấm bảng đen tôi thấy một khoảng trời
Giải một phương trình thấy đường dài khoa học
Nét phấn của thầy cứ nghiêng về phía trước
Chúng tôi mơ ước tương lai
Tình yêu bắt đầu từ bè bạn gái trai
Từ khuôn mặt học trò tinh nghịch
Viết lá thư trong lớp cười khúc khích
Truyền lên bàn trước bàn sau


Năm tháng qua đi như một con tàu
Chở khách đêm ngày miệt mài hối hả
Tiếng ve tiễn người đi tới những phương trời lạ
Từ một mái trường thân yêu
Từ một mái trường gần rồi xa nhau
Và mái trường mãi là nơi chờ đợi
Trò ra đi các thầy ở lại
Đều nhìn về mai sau
Bao mái đầu xanh chung ngọn đèn dầu
Thầy giáo dậy tôi biết yêu lịch sử
Tạm biệt trường giữa ngày đánh Mỹ
Sân trường bom rơi


Một khoảng trời đã rộng mở trong tôi
Giở trang sách thấy non sông thầm nhắc
Tôi tiễn người yêu đi vào đại học
Rồi đi về phía bom rơi
Đường hành quân cả gái cả trai
Lại gặp bao bạn bè trường cũ
Ánh mắt thân quen nụ cười hớn hở
Đều có từ mái trường xưa
Gặp nhau tình cờ
Mà cứ như hẹn nhau từ trước
Ở Trường Sơn giữa mùa nắng đẹp
Lá ngụy trang rung rinh, rung rinh


Có đứa là công binh
Có đứa là pháo thủ…
Nhưng mà vui hơn cả
Là gặp cô bạn gái văn công
Lớp mình vào đây đến đông
Mà ai cũng là dũng sĩ
Chuyện về một mái trường thủ thỉ
Chúng tôi nhìn về phương Bắc xa xôi


Trên đầu chúng tôi bát ngát khoảng trời
Tôi đã đến nơi tổ quốc gọi chúng tôi đi đến
Chúng tôi đã trở thành người lính chiến
Mái trường ơi


Những khoảng trời tổ quốc gọi tôi đi
Bắt đầu từ một mái trường ngói đỏ
Từ những khoảng trời xa đó
Ước mơ lại lớn thêm
Nhớ mái trường xưa nơi nhịp đập con tim
Giục chúng tôi đi nhanh về phía trước
Đêm nay trên điểm cao thao thức
Nhìn khoảng trời Cao Nguyên bát ngát mênh mông
Gửi về mái trường xưa tình yêu tha thiết
Của chúng tôi những học sinh lớp lớp trùng trùng.


Chiến trường Tây Nguyên mùa khô 1973

Đây là tấm ảnh tớ và Đinh Ngọc Sỹ (SV Y KHOA) ở chiến trường


Thursday, June 18, 2015

Sau cơn dông


Sau cơn dông mặt đất hiền như đất
Những chuyến xe vội vã trở về nhà
Chỉ có lòng đất và trời cao vẫn không nguôi bão tố
Những cơn dông bất chợt sẽ bùng lên


Ở hai đầu thành phố ngóng về em
Em bảo lúc nào cơn dông trong em cũng thường trực
Anh chả sợ bão và mưa trên trời đổ sập
Lo những dông những bão rất đàn bà


13/6/15

Wednesday, June 17, 2015

LẪN LỘN


( Viết gửi bạn lính của tôi)



Ông “Tài 6971” ơi. Hai hôm nay bị đau cái bả vai, đánh gió xì xụp mãi nên ở nhà giở quân sử ra ngoay ngoáy. Lại được ông tán vào nên kí ức về chợ Bưởi, kí ức những ngày nằm gầm chạn ùa về. Thế là viết tiếp chuyện chợ Bưởi với ông. Viết rồi thấy khoai khoái đọc lại. Đọc để nhớ cái dốc bụi mù ngày nắng, trơn tuột ngày mưa. Nhớ hàng kem mậu dịch, nhớ hàng chục các mẹ nạ dòng làm nghề phe tem phiếu ở gốc đề cổng chợ. Rồi nhớ đến cả cái thằng rồ Cổ Nhuế cao lêu nghêu mà tôi và ông cùng nhắc đến. Đọc cười một mình thì đúng lúc vợ bước vào. 
- Gớm cháu thì chả rửa ráy cho nó, buông bát là vi tính là tinh ví … 
Tôi bảo : này em, anh đọc cho mà nghe chuyện chợ Bưởi. Vợ tôi im phắt. Vì bà ấy là gái Bưởi. Nhắc đến cái tên thành hoàng ấy là thấy sáng mắt ra, quên phắt cái vụ ca cẩm chồng. Đọc đi xem nào, nhanh lên để còn đi tắm.


Tôi đọc lại cái chuyện Chợ Bưởi. Vợ tôi ôm mớ quần áo đứng cạnh nín thinh. Đọc hết câu cuối thấy Thị thở dài : hay thật, nhớ Bưởi quá anh ạ. À mà này, em đoán thằng này chắc nhà nó cũng phải ở gần chợ Bưởi.
Tôi bảo, nó ở Cổ Nhuế đấy chứ, em không nhớ nó cứ khoác cái bao tải cao lêu đêu ngoài gốc đề chỗ bán rau đó sao ?
Vợ tôi : Không ! em bảo cái thằng viết cái bài này ấy cơ mà còn thằng rồ thì ai mà chả biết là nó ở Cổ Nhuế.
Ôi thế ra là tôi và vợ tôi lẫn thằng VIẾT thành thằng RỒ và ngược lại. 
Tôi thỉu xuống: À à… thằng viết chuyện này nó cũng rồ rồi em ạ. Vợ tôi ôm mớ quần áo đi ra vừa đi vừa chép miệng. Khổ thân nó, thương quá nó viết hay thế mà lại rồ mất rồi, thương thật .
Tôi nhìn theo vợ buồn tê tái. Hà nội hôm nay vẫn rét quá bác Tài 6971 nhỉ .?


3/12/12

CHUYỆN CHỢ BƯỞI ( tiếp theo)


Chợ Bưởi mùa đông năm ấy

Năm ấy 1983. Tôi nhớ rõ là vì tôi vừa ra trường đi làm. Tết đến, cả nước đói, súng nổ đì đùng ngoài biên giới cả phía nam và phía bắc. Ra chợ dặt những bộ áo đại cán nhuộm màu xám hoặc những bộ quân phục cũ trên những thân người có khuôn mặt vừa náo nức vừa lo âu. Năm ấy mưa và rét thế . U tôi đi về xuýt xoa, gớm thôi người ta về tết khuân bánh mì đến khiếp. Biết thế sáng nay lấy thêm trăm bánh nữa cũng hết. Rồi U tôi kể rét đến thế mà họ chịu khó vác những cành hoa đào đến to, toàn những là bộ đội là bộ đội. Ngồi im nghe mẹ vợ nói tôi biết đó là những chú lính từ biên giới về tết. May mà còn về được sớm đấy, chứ năm ngoái tôi chứng kiến đêm ba mươi vẫn còn la liệt lính ôm ba lô vác cành hoa đào ngồi chờ xe trong lúc giao thừa vắng teo teo. Tết đến trên đầu mà họ buồn rười rượi.
Chiều ba mươi năm nay, lại một năm vì con còn nhỏ và cũng kẹt tiền nên đành ăn tết Hà nội. Mà ăn tết ở Hà nội với tôi là cực hình. Vợ sai ra chợ mua mấy cành Violet về cắm lẫn mấy bông thược dược cho có tết. Mưa lép nhép. Chợ Bưởi bẩn phè phẹt những lá bánh và lá bắp cải già vương vãi. Người cầm bó lạt giang tước sẵn, người vài bông hoa thược dược, xấp bánh đa nem vài mảnh bóng bì xâu bằng cái lạt lủng lẳng. Mấy cô gái dưới Thụy ( làng Thụy Khuê ) vừa nhai bỏng ngô vừa ríu rít chuyện gẫu trên tay xách đôi guốc cao gót sơn mài. Mùa xuân đến trên tóc họ trắng như rắc muối những hạt mưa li ti .
Chợ vẫn còn người nhưng thưa thớt. Phiên 29 hôm qua thì ngàn ngạt những người là người. Hôm nay ai lo về nhà nấy để nền chợ rộng hẳn ra. Dưới gốc đề ngã ba mấy ông già cúp tóc đang chia nhau mấy cút rượu áng chừng nhờ vài mẹ “phe” mua hộ trong mậu dịch. Gió dào dạt, những lá đề lá sà cừ bay ào ạt xuống đường. Thằng “ rồ Cổ Nhuế “đứng co ro nhìn mấy chai rượu của mấy ông cúp tóc. Nó cũng nuốt nước bọt ừng ực !

Tôi ngược lên đầu dốc. Đường trơn lắm. Người ta phải xuống xe mà dắt bộ . Ở đấy có hai cái xe cam nhông quân đội đứng chình ình. Từ xa thấy xe GMC tôi đã thấy thân thuộc như hồi còn ở trong nam liền ghé lại. Hai chú lái xe áo K82 ngồi xổm hút thuốc. Bốn cô gái cũng mang quân phục đứng nép dưới cây sà cừ môi thâm bẳn. Mắt hoe hoe lo lắng. Tôi hỏi xe đi đâu hả các bạn ? 

Chúng em trên Lai Châu đơn vị cho cắt lá dong về bán lấy thêm tiền cải thiện cho đơn vị. Mấy cô gái lính trả lời nghèn ngẹn.Thì ra hai xe đầy ắp lá dong bán được non nửa. Hàng còn nhiều quá mà chiều ba mươi tết rồi ai người ta mua? Nước này đổ đi là chắc. Mấy cô gái nói như sắp khóc, không bán hết thì chết thôi, không hoàn thành nhiệm vụ, chở về cũng khổ vứt đi cũng chết với thủ trưởng, tết lại chẳng được về. Đêm nay chắc chúng em ăn tết ở dốc Cun Hòa bình rồi …
Gió lại ào ào rít. Lá vàng trên mấy cây sà cừ cổ thụ đầu dốc Bưởi vô tư sà xuống mấy xe lá dong mang nhãn hiệu nhà binh, vương cả trên mũ cối của mấy cô lính lấp ló cái cổ áo thun đỏ co ro vì lạnh. 
Tôi nhặt mấy cành hoa Violet của gánh hoa muộn rồi ra về. Hai cái xe lá dong vẫn đứng đấy. Mấy người lính ngồi tụm sau gốc cây. Chả biết họ trò chuyện gì, đã có cái gì bỏ vào bụng chưa? mưa rét là đói nhanh lắm. Đi rồi tôi chợt ngoái lại chỗ mấy người lính Lai châu bán lá dong thấy thằng rồ Cổ nhuế đứng dưới cái biển MDQD BA ĐÌNH- quầy Chợ Bưởi nhìn chăm chăm mấy người lính. Chiều ba mươi tết năm ấy rét thế. Thế mà thằng rồ không thấy rét 

CHỢ BƯỞI


Ra trường, về cơ quan công tác, tôi được phân ở khu tập thể. Ngày ấy mạn Bưởi kể từ dốc Bưởi về phía Tây, phía Bắc còn thưa thớt, lèo tèo, quê quê. Khu tập thể nằm trên con đường lổn nhổn, từ dốc Bưởi hút về phía Tây, đến viện E thì lượn lượn qua Cổ nhuế, Vẽ, Nông lâm, lên phà Chèm, về quê tôi. Căn phòng tôi ở nhìn xuống mặt con đường ấy. Bên kia đường là hợp tác xã dệt của làng Nghĩa Đô. 

Nhớ là nhớ thế này, nhớ chuyện nhỏ này, nhất là khi mấp mé đông về, se se lạnh, quết quết mấy hạt mưa như mấy hôm nay. Cứ tang tảng sáng, lại nghe tiếng hát ồ ồ, ề ề, chẳng ra bài ra điệu gì ở phía dưới đường, cứ trôi dần từ phía Cổ nhuế về phía dốc Bưởi. Đấy là giai điệu của "thằng Rồ", chẳng ra thơ, chẳng ra hò hát, cứ ồm ồm, nhảy cóc. Tôi đã hé qua cửa sổ, căng tai nghe nhưng không rõ được từ nào. Có vẻ như một bài Đồng giao - Nhưng là Đồng giao của người rồ. 

Sớm sớm "Thằng Rồ" đi làm từ tảng sáng. Nhà Rồ ở Cổ Nhuế, nghe nói thế, mà đi từ phía ấy thì chắc là đúng thế. Rồ quãng 18-22 tuổi (khó đoán tuổi ngừoi rồ lắm!). Dáng Rồ cao, nom như cầu thủ bóng rổ. Đông cũng như hè, Rồ chỉ vận chiếc quần đùi, đồng lạnh thì thêm tấm chăn dạ rách, quấn như người Hindu. Chố làm việc của Rồ là chợ Bưởi. Rồ cứ đi tha thẩn trong chợ, chứ cũng không làm giúp người này, người nọ như những người ngớ ngẩn khác. Mà trần trùng trục thế nom cũng hãi, ai dám nhờ. Cứ đi như đi tuần trong chợ, rồi người mua cho, người bán cũng cho, chủ yếu là hảo tâm (Hồi ấy tâm người hảo lắm). Chắc chiều tối Rồ lại theo lối cũ, về nhà, nhưng không biết có ngêu ngao Đồng giao như khi đi không, vì lúc ấy muộn, tôi cũng bận túi bụi nên không khi nào thấy.

Tôi lại nhớ một lần, lần ấy thế này, nhớ mãi. Tôi và mấy người trong phòng ra chợ Bưởi mua chuối đi thăm người ốm. Mặc cả là do mấy bà, mấy thằng tôi giữ xe đạp hoặc ngồi chầu rìa chờ xách chuối. Nải ngon thì đắt, những 4-5 đồng, nải rẻ thì xấu. Ngon mà ít tiền thì lại là chuối rời, vài quả một. Đang vân vê, tính toán thì tôi thấy có ai vỗ vỗ sau vai. Ngước lại nhìn thì ra Rồ. Rồ xin quả chuối. Đã mua đâu mà cho được. Chưa kịp xử lý thì anh bạn cùng đi đã nhanh nhảu nhấc túm chuối 4-5 quả rõ ngon đưa cho Rồ. Tôi bất ngờ, bà chủ hàng chuối còn bất ngờ hơn. "Ơ cái nhà ông này, ...". Anh bạn tôi tưng tửng: "Nó rồ, không cho, nó đạp cho mấy cái thì hơn à? Làm phúc làm đức, ăn nên làm ra". Ức quá, bà ấy vứt phạch con dao cắt chuối xuống đất: "Rõ dở hơi, của người phúc ta".

Tôi đi lang thang chân trời góc bể, khi về chẳng thấy Rồ đâu. Bây giờ con đường lổn nhổn ngày xưa ấy thành phố Hoàng Quốc Việt khang trang. Bây giờ, từ nhà tôi ra chợ Bưởi có đến 4-5 cái chợ, chẳng phải ra mãi tận chợ Bưởi mua chuối nữa. Bấy giờ, bà bán chuối ngày ấy đã 40-50, phúc đức còn sống thì cũng phải cao tuổi lắm rồi, không biết còn bán chuối không?

Monday, June 15, 2015

Rồi về miền cao nguyên đá


( Chùm bài viết về Hà Giang.)

Rồi ngược về miền hoa đá
Tìm sương ướt đêm Đồng văn
Áo váy thơm mùi khô nướng
Mùi sông Nho Quế thở dài



Rồi sương mênh mang đỉnh núi
Khèn mèo rơi đêm vào nhau
Chợ phiên dưới chân phố cổ
Rượu tam giác mạch mệt nhoài


Rồi chờ sương tan trên núi
Chở nhau qua Mã pì lèng
Cuối đèo ngô non thấp thoáng
Ngựa gầy nhạc cứ bung biêng


Rồi đêm Mèo Vạc Yên Minh
Lúc lắc vòng hôn ngực trắng
Anh thở vào trong sương thẳm
Mùi cao nguyên đá mùi em


11/6/15

Wednesday, June 10, 2015

Ăn theo bạn già

Tháng Tư này ăn theo bạn già
Tháng Tư này là bốn mươi tháng Tư
Lính trận trẻ măng, giờ cóc kẹ
Chiều bia quán cóc, cười he he

4/2015

Lại một mùa nắng tháng Tư



Ngày mai, Nguyễn Khắc Nguyệt ( Anh Trang) đi với đại đội 4 anh hùng của anh hành trình về Dinh Độc Lập. Chả thể có nhời nào để ca ngợi thêm nữa với đại đội xe tăng nổi tiếng này bởi họ đã vốn in sâu trong trí nhớ đồng đội và của lịch sử rồi. Nguyệt đi rồi tôi cũng lại đi vì tháng Tư có nhiều địa chỉ để mà đi lắm. Chỉ thương nhớ Lê Minh thì chả thể đi đâu được nữa.

Tôi viết dòng này bởi ba chúng tôi cùng đứng tên trong tập sách mới của NXB QĐND ra tháng tư này. Cuốn “ 1975- Hồi ức lính trận”

Trưa qua ngồi bia Xã Đàn Nguyễn Khắc Nguyệt bảo tôi, chiều 23/4 có sách tôi và ông lên lấy sách về. Mỗi thằng lấy bằng nhuận bút được 35 cuốn. Nhìn nhau cười méo miệng. Chả đủ sách tặng đồng đội!
Kí ức lính trận rẻ thế. Mình chả sao, thương Lê Minh thôi. Tiến sĩ Vật lí, trinh sát F325 đa tài và tốt bụng lại đi sớm. Tôi và Nguyệt hai thằng bảo nhau, sách về rồi một hôm nào đó sau lễ Thống Nhất chúng mình xuống nghĩa trang Vạn Phúc hóa sách cho Lê Minh. 
Kí ức lại trở về một mùa nắng cuối tháng Tư 2012, tôi và Lê Minh lang thang khắp các nghĩa trang Quảng Trị. Mùa nắng có mầu nắng của bốn mươi năm trước Lê Minh nhỉ.

Lê Minh khóc trước nắm mồ tập thể của 3 chiến sĩ trinh sát F325 ở Nghĩa Trang Triệu Phong trưa 30/4/2012
21/4/2015


Monday, June 8, 2015

HÀ NỘI MỘT NGÀY MƯA RÉT



Sáng sớm, nghe điện thoại giật nảy người. Thằng con lớn đang nằm viện, cả nhà lo lắng. Nhìn trên máy thấy KQT thở phào. Hỏi, sớm thế đã gọi? Nó bảo tao đi Thái Bình mày cho tao số thằng Loạn ở Đông Hưng. Vợ tôi nháo nhào chạy vào ai gọi ? ai gọi thế? Tôi bảo anh Thụy. Vợ " à"  lên cái rồi đi ra.



Ngoài trời mưa và rét. Đã sang mùa đông, già rồi thấy nhiệt độ mùa đông cứ như dự báo sai. Rét thế mà vẫn 20, 22 độ. Cháu đi học thương thế, sao chúng nó bây giờ khổ thế . Áo đơn áo kép mà vẫn thương , mình ngày xưa không có giày tất áo mũ gì nhưng cái thời mình nó khác, mà sức chịu đựng mình ngày xưa nó khác . Ngày xưa không thấy khổ mấy, mà ngày xưa con người như mình sinh ra là để khổ nên cứ thấy nó tự nhiên. Còn bây giờ chúng nó khác …khác quá 



Gọi cho thằng Loạn Thái Bình. Chỉ mới hai hồi chuông nó đã gào lên. Tao đây, Thái Bình cũng đang mưa, tao mới đi Vũng Tàu với cháu nội vừa ra đây, ra để tổ chức gặp gỡ anh em 2013 đây. Mày về Thái Bình với bọn tao nhá ,nhá ! về nhá ! Ừ ừ tao về. Rồi nó liên hồi kì trận kể thằng này còn sống thằng kia đã chết, thằng ở Nam với con cháu thằng lên ngược xây dựng kinh tế mới. Nghe như cuốn phim tài liệu nhập nhòe, nhập nhòe toàn là những gương mặt quen mà xa, nhập nhòe toàn là những kí ức vụt lên rồi lại bị những kí ức khác chèn lấp mất. Kí ức cứ nhập nhòe toàn là bom với đạn với những khuôn mặt rất trẻ. Tôi hỏi, thằng Sính đánh trống chèo còn sống không? Nó bảo còn sống và khỏe nữa. Nó bây giờ giã giò làm hàng giò chả. Giã khỏe lắm khỏe lắm. Hỏi nó gần nhà mày không? Ôi gần lắm gần lắm có 6 cây số thôi. Hỏi nó có còn tham gia diễn chèo ở quê không? Ồi chèo leo gì nữa, một đàn cháu vừa nội vừa ngoại giã giò nuôi cháu học cấp 2 cấp 3 là giỏi rồi, ấy thế nhưng gặp mặt là nó lại hát chèo đấy . 

Ôi thế kia à? Thằng Sính nhanh như sóc ở Kon Tum bị thương nằm gục trên cuộn dây hữu tuyến máu nhuốm keo lại cả khung dây thế mà vẫn giã giò được à? Đầu bên kia thằng Loạn lại cười hơ hớ. Vưỡn, nó vưỡn nhanh nhưng không nhanh như ngày ở Kon Tum mày ạ. Rồi nó đang cười bỗng ngưng phắt lại. Mày ạ thằng Sính bị thương ở 1015 tao cõng nó về đến phẫu thì tao chỉ còn mỗi một dép. Một cái văng đi đâu không biết lúc nào. Hôm sau tao lấy một cái của tử sĩ D8. Thế mà đôi dép ấy đi đến tận năm 75 về sài gòn mới thay đôi mới . 

Trời vẫn mưa, máy điện thoại sèn sẹt. Tôi ra ban công để nghe nó nói cho thoáng. Rét về, Hà nội xám ngoét. Phía tòa nhà Keangnam mưa như khói nhìn cao ốc như trong mây . 
THấy nó ngập ngừng, tôi hỏi sao thế mày? Nó lại bô bô. Năm 1977 ra quân, mãi mấy năm sau làm giấy tờ. Chạy lên chạy xuống được cái thương binh . Cứ 27/7 là nó gọi tao. Tôi hỏi nó gọi mày làm gì? Thằng Loạn lại ngập ngừng … Nó bảo hôm nay xã có tiêu chuẩn cân đường hộp sữa cho thương binh tao gọi mày chia mày một nửa . Sao lại chia cho mày một nửa? Thằng Loạn nói buồn buồn. Thằng Sính Nó bảo tao không được mày cõng về từ chân 1015 thì tao chết rồi chứ đâu còn mà mỗi năm được cân đường hộp sữa. Cứ có cái cân đường 27/7 là tao lại nhớ tới mày. Vợ tao bảo chia cho anh Loạn một nửa.

Cả tôi và thằng Loạn đều im lặng . 

Rồi bỗng nhiên nó lại cười phơ lớ. Thôi nhé mày về với bọn tao hôm 26/10 này nhé tao vừa mời được cụ Khuất Duy Tiến rồi, cả các anh em từ trên Hà Giang, Hòa Bình nữa . Mấy thằng Phú Thọ nhà mày cũng về đấy. Về đi với bọn tao, uống rượu với dế nướng ròn và nghe thằng Sính giã giò hát chèo, hát khiêng pháo lên Chư Mom Ray mày nhé . 
Ừ ừ tao về. Tao sẽ về . 
Nó lại hỏi, Hà nội mưa rét không ? rồi tắt máy


Sunday, June 7, 2015

Bài thơ viết vào ngày 8/3



Hôm nay, lệ thường ở VN là làm ăn hời hợt, chểnh mảng và rất nhiều sự vụ nhiêu khê. Phụ nữ thì đẹp và quí, ngày phụ nữ thì đáng yêu, nhưng ngày phụ nữ cũng làm giảm bao nhiêu là năng suất hiệu quả của xã hội. Chỉ được cái hôm nay ra đường số váy ngắn tăng vọt và mức tiêu thụ hoa cũng rất cao không kém gì ngày tết và vượt xa hôm rằm. Tôi có thói quen hay ngồi ngẫm lại ngày 8/3 năm trước mình làm gì. Ở đâu. Nhưng thói quen ấy phải chia tay thôi vì về hưu rồi níu kéo dĩ vãng là nặng tội cho mình. Đêm qua ngồi xem lại những cuốn sổ cũ rích. Bỗng lại thấy một bài thơ viết hồi chiến trường mà ghi là ngày 8/3/1974. Lẩn thẩn kiểm điểm mình, hóa ra ngày ấy mình không nghĩ đến 8/3 à ? Tệ quá. Mà bài thơ ấy cũng chả nhắc gì đến chuyện 8/3 hay 3/8 gì cả. Vậy là chắc chắn hồi ấy chúng tôi không có đầu óc đâu mà nghĩ đến cái ngày này.

Có người bạn tôi bảo : Mày là người lính nên không giống nhà thơ, nhưng khi mày làm thơ thì mày rất lính, vì thế mày không thể là nhà thơ



Chép lại bài thơ này để mọi người thấy bạn tôi nói đúng


Ba người và hầm chốt

Tổ chỉ có ba người
Ba nụ cười khác nhau

Rất trẻ


Trước hầm chốt một bụi lau
Bom chém rồi lại mọc

Anh thích ngâm thơ

Cài vách hầm một cây sáo trúc

Lại còn kia

Cạnh chiếc ba lô
Bức tranh hoa Pơ lang vẽ bằng thuốc đỏ
Hẳn anh này mơ làm họa sĩ


Có anh thật khéo tay
Nên cái rổ nan tròn nhẵn bóng

Đêm lại về cửa hầm soi sáng
Ba bóng người ba cặp mắt long lanh



Rá cơm bom hất rồi
Một nắm chia ba

Ba nụ cười lại nở


Đạn pháo nổ dồn
Vách hầm chao như võng

Đất đá rào rào

Bụi lau trước hầm
Lao xao

Đường 19, Gia Lai 8/3/1974

Ba thằng lính Tây Nguyên cùng Gấu nhà vào lại chiến trường.

Ba thằng lính Tây Nguyên cùng Gấu nhà vào lại chiến trường. Hình chụp ở Buôn Hồ

Mùa mưa phùn năm Ngọ

Mưa phùn

Xin nếu mưa thì mưa to lên
Xin là sương thì sương trắng hơn
Xin nếu rét thì rét thêm tí nữa
Đừng mưa phùn buồn lắm cô đơn



Nếu không yêu thì đừng dĩ vãng
Đừng cố tìm, tìm trong lơ đãng
Mưa phùn mãi sao không ướt sũng
Chỉ lạnh bờ vai ướt bờ mi ai


Sao cứ mùa xuân mưa như là rây
Rây những tình tang rơi lây phây
Người ta đi chùa nam mô di đà phật
Người xa ở đâu mưa ở đây


Ngửa mặt tìm thánh thiện trên mây
Người chen bên người hương khói chắp tay
Thiện ác cứ đăng xinh thơm hương khói
Anh rẽ mưa phùn anh tìm ai


11/3/2014

Chính ủy Bổng

Trưa nay mình sẽ đi viếng đám tang chính ủy Bổng . Nghĩ về cụ nghĩ về thời gian làm lính của cụ, nghĩ về tháng ba Tây Nguyên và chả dám nghĩ nữa…

Vào cữ này 12/3/năm 75 cụ vẫn đang là phó chính ủy sư đoàn vài hôm nữa cụ lên chính ủy và cụ Bùi đình Hòe lên sư đoàn trưởng. Lúc này đang đánh ở bắc Ban Mê Thuột. 
Lính tráng mấy khi biết đến cán bộ sư đoàn, nhưng may mắn là những năm 73,74 mình viết lách lằng nhằng và các cụ biết. Thế nên có lần cụ xuống trung đoàn cụ hỏi chính ủy E " Thằng Luân hồi này đánh đấm thế nào? "Chỉ hỏi vậy thôi mà các ông trên E đâm quí mình. Giải phóng miền Nam ,đóng quân ở Đồng Dù ,Củ Chi, mình được lên ở ngay trong tổng hành dinh Lí Tòng Bá cũ gần cụ . Ở đấy để sáng tác bài hát và chép sử sư đoàn. Tháng 10/75 trong danh sách ra quân về học tiếp Đại Học không có mình, lí do là Quân Lực giữ lại để phục vụ sư đoàn. Mình lên kêu cụ Bùi Huy Bổng . Mình nói mình đã học năm thứ 3, chỉ ước ao hết chiến tranh là về đi học, không thích cái gì cả. Cụ quay sang nói với cụ Bùi Đình Hòe cho nó về . Cụ Hòe nhất trí . Bất ngờ chính ủy tháo dây lưng và nói tặng Luân về làm kỉ niệm . Thế là ngày 20/10 mình ra về cùng lũ sinh viên lính. Sáng hôm 20/10 hơn 100 lính sinh viên tập trung ở sân bay trong Đồng Dù. Chính ủy Bùi Huy Bổng ra tiễn đưa bọn mình. Chính ủy đứng sau lưng mình buộc lại túi cóc ba lô và nói rất nhẹ , về cố mà học Luân nhé, bọn anh rất quí lứa quân tụi em. Tôi lên xe, thấy chính ủy sư đoàn Bùi Huy Bổng, chính ủy trung đoàn cũ Đinh Thế Mỹ vẫy vẫy. 
Tôi về, dây lưng của cụ Bổng tôi vẫn dùng thường ngày. Năm 1978 lớp tôi có đợt nhập ngũ lên BGPB tôi tặng nó cho một cậu cùng lớp lên đường mà tôi yêu quí. Nhiều năm sau khi tôi làm ở dưới Trương Định, thiếu tướng Bổng đã nghỉ hưu, cụ đạp xe đến chơi với tôi. Một buổi trưa năm 1990 tôi và cụ ăn cơm bằng cái cạp lồng của tôi mang đi từ sáng. Mới cách đây vài tháng gặp cụ, cụ vẫn hỏi thăm đứa em trai tôi hồi này tiến bộ không ?

13/3/2014
Tấm ảnh ngày gặp mặt kỷ niệm thành lập sư đoàn. Chính ủy Bùi Huy Bổng đứng ngoài cùng bên phải

Ảnh của Nguyễn Trọng.

Bạn tôi Châu La Việt, con trai nghệ sĩ Tân Nhân


Bạn tôi một người lính như nhiều người lính khác nhưng ở anh ẩn chứa những nỗi niềm. Nhưng cái niềm yêu lính thì thật mạnh mẽ mạnh đến mức đầm đìa. Làm thơ viết văn, đi tìm mộ liệt sĩ, tận tâm giúp bạn bè khốn khó, cứ thế anh vẫn ồn ào với bạn và đau đáu với kí ức lính. Anh bảo với tôi, mày viết về quê tao Quảng Trị cứ như mày người Quảng Trị, mày đáng được ăn ớt QT quanh năm. Tôi bảo thừa hưởng gien bố mạ mày phải làm nhạc sĩ chứ ? hắn bảo thơ tao người ta viết thành bài hát còn tao thì làm lính, cười hơ hơ. Truyện hắn viết mới đây dịch sang tiếng Anh, hắn gửi cho mình bản tiếng Anh cứ nghĩ mình giỏi ngoại ngữ lắm. 

Một bài thơ của hắn thế này - Thật là người lính tài hoa ( theo tôi nghĩ )

Bộ đội


Khi đi ra chiến trường
Chúng tôi xếp hàng ngang
Không ai muốn lùi bước
Khi đi nhận lương thực
Chúng tôi xếp hàng dọc
Đồng chí khỏe đứng sau
Đồng chí yếu đứng trước
Đồng chí nào thương tật
Đề nghị xếp lên đầu.


Mặt trận lào 1971



Hắn là Châu La Việt con trai nghệ sĩ Tân Nhân

Sư đoàn Bạch Hổ Nam Hàn

Luân đi công tác rẽ vào thăm Hoan Khuất - Sư trưởng sư 31 Qui nhơn 2006. Không hiểu cái biểu tượng cũ này của sư đoàn Bạch Hổ Nam Hàn là ý nghĩa gì nhỉ? — cùng với Khuất Duy Hoan và Luân ở sở chỉ huy sư 31 Qui Nhơn



16/3/2014

Hôm nay 17/3


Hôm nay 17/3. Ngày này 39 năm trước trung đoàn mình tiến đánh Cheo reo . Chuyện về trận Cheo reo và đường 7 nhiều sách báo viết bao năm nay rồi . Càng lùi xa nhớ lại càng thương đồng bào chạy loạn. Nỗi đau buồn li loạn đường 7 đeo đẳng mãi trong tôi, bởi tôi là một trong các chiến sĩ tham gia đánh từ Cheo Reo, đánh suốt đường số 7 về tới tận Tuy Hòa . 
Mình được biết : Chiều nay vào lúc 17 giờ 15 trên kênh truyền hình QP có phóng sự về đường 7 , bạn nào có điều kiện mở xem nhé .


17/3/2014

Cầu cây sung , trận địa của c3 D7 và c7D8 trong 2 ngày 18/19/3 năm 75.

Cầu cây sung , trận địa của c3 D7 và c7D8 trong 2 ngày 18/19/3 năm 75. Hoan Khuất nhận ra ai không ?
— với Hoan Khuất.

17/3/2014