Thursday, July 30, 2015

Lên thăm Hiện ở Cẩm Khê



Hôm nay mới lên thăm Hiện Cẩm Khê


Biết là mưa, nhưng mình quyết phải đi. Không phải lên để liên hoan nhà mới với Hiện mà lên để cảm ơn lãnh đạo xã đặc biệt là Chủ tịch xã Phượng Vĩ. Còn sẽ một lần lên cám ơn Chủ tịch Huyện , vì nếu không có các anh thì lòng tốt cũng mãi chỉ đứng bên ngoài cuộc sống khốn khổ của người CCB Nguyễn Xước Hiện này. Hôm nay đứng trước ngôi nhà mới, Hiện nói vui đến sững sờ anh ạ. Một năm trước đây vào những ngày này em đâu có nghĩ ngày hôm nay. 

Hiện ơi, mày mất cũng nhiều rồi, trời chả lấy đi hết đâu. Bây giờ cố sống vui sống tốt với gia đình và hàng xóm là chúng tao vui lắm. 

Lần đầu tiên tôi đến nhà Chủ tịch Xã. Nghe tôi gọi điện hôm qua, vợ chủ tịch đã ở nhà chuẩn bị cơm . Chị ấy chặt ngọn măng ngoài vườn mổ con gà và rang lạc. Ngoài trời mưa rả rích chúng tôi uống rượu với nhau, anh Chủ tịch mới cũng đợi chúng tôi từ sáng. Tôi bảo với đồng đội Nguyễn Xước Hiện:
- Hiện ơi , không có nhiều địa phương tốt và chân tình với người khốn khó như xã này đâu. Liệu mà ăn ở bạn nhé.

28/7/2015

NGƯỜI ĐỒNG ĐỘI NGUYỄN XƯỚC HIỆN

(Bài viết bất chợt ở nhà Hiện trên điện thoại )
**
Ở lều mãi giờ hóa thành người thấp bé
Vào cúi vợ chồng va ngược va xuôi
Ra cũng cúi trâu ghé sân lốc cốc
Vại nước hiền rêu mọc gáo dừa rơi



Bao chứng nhận huân chương chiến công dũng sĩ
Cất đi cùng những giấy khai sinh
Những đứa con chưa kịp đến trường đã chết
Vui nỗi gì mà khen tặng nữa mày ơi


Bạn tôi đứng gầy xơ gốc chuối
Có một chiều tôi đến hái rau lang
Có một ngày chúng tôi ngồi trên đất
Nó tìm quanh manh chiếu rách nhà mình


Đừng kể nữa mày ơi thời chiến trận
Xa tít rồi trôi theo những mùa mưa
Ừ thì kể một chút thôi để nhớ
Những thằng chết cho mình sống đến bây giờ


Nghèo đến nỗi hồn trong như nước lã
Vẫn thương thằng sống tận Thủ Đô
Rau chả sạch thịt càng không sạch nữa
Về với tao đi câu cá ở khe hồ


Về với tao tha hồ ăn rau sắn
Ở đây chẳng có tiền nhiều để phun thuốc sâu
Rừng vẫn thế, ruộng nương vẫn thế
Tao cũng vẫn là tao không vay mượn đứa nào


Ôi thằng bạn sinh ra đời để khổ
Vợ bỏ theo trai khi còn ở chiến trường
7 đứa con thì 6 con chết yểu
Cuối đời rồi nhà vách vẫn liêu xiêu


Cười móm mém tao cứ như cô Tấm
Một sáng mai mùi quả thị thơm lừng
Căn nhà sáng góc rừng thành lạ lẫm
Vợ chùi bùn trước cửa đứng rưng rưng


Có một chỗ muôn đời làm nương tựa
Là quê hương là dân vũ xóm giềng
Là tấm lòng của những người cùng khổ
Hột thóc đồng làng là cội rễ tình thương


Đã chục hôm nay vợ chồng mày mất ngủ
Vườn sắn lại xanh lên , rau cỏ cũng thầm thì
Nước mắt chẩy một chiều mưa rừng cọ
Bạn tôi ngồi nhớ súng nổ ngày xưa


Trưa 29/7/2015 Cẩm Khê Phú Thọ

Monday, July 27, 2015

NỢ VỚI CHA ÔNG

Sau khi bài thơ MỘT CON ĐƯỜNG ĐI KHÔNG TRỞ LẠI treo lên có một cái còm thật gây xúc động . Đây là Bài thơ viết theo cháu Minh Tuyên Nguyễn. Cháu ấy còm như dưới đây và Tôi viết lại thành bài NỢ VỚI CHA ÔNG ...
.......
" Minh Tuyên Nguyễn: Thế hệ chúng cháu sẽ không bao giờ được đi con đường ấy. Nhưng con đường ấy sẽ khắc sâu trong tâm trí, cùng món nợ với các thế hệ cha anh. Chúng cháu nợ những tuổi 20 của thế hệ các bác, chúng cháu nợ những ước mơ giang dở trên giảng đường, nợ những nấm mồ giữa rừng đã hóa vào đất thịt xương, nợ những tấm bia "vô danh" trong nghĩa trang liệt sĩ. Nợ những cánh chân, cánh tay, con mắt, nợ những đứa con lành lặn. Biểu tượng cảm xúc frown

Nợ những giấc mơ chập chờn tiếng bom giữa thời bình, nợ những mảng ký ức nhập nhoằng tiếng pháo. Nợ những khắc khoải của những người lính già tìm nhau giữa hối hả cuộc sống. Biểu tượng cảm xúc frown
Những thế hệ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình sẽ không bao giờ quên món nợ với các bậc tiền nhân, không bao giờ quên công ơn của những người hy sinh tuổi trẻ, ước mơ, sinh mạng để giành lại độc lập, thống nhất, hòa bình ngày hôm nay!"

Cám ơn cháu Minh Tuyên Nguyễn.
***
NỢ VỚI CHA ÔNG

Chúng con gửi về Trường Sơn có con đường cha ông đi mà không thể nào trở lại.
Món nợ chúng con biết bao giờ trả nổi,
Chúng con trả bằng trí tuệ, tuổi xuân đắp xây gìn giữ tổ quốc thanh bình

Nợ tuổi hai mươi, nợ ước mơ giang dở,
Nợ luống cầy vắng những người trai.
Nợ tiếng ầu ơ mẹ thao thức đêm dài
Nợ thời đất nước đói ăn gửi gạo, gửi khoai ra tiền tuyến

Nợ những nấm mồ giữa rừng sâu cô quạnh,
Nợ mẹ già đến lúc chết vẫn đợi con.
Các con mẹ không về, nợ chống gậy đưa tang.
Những đoàn người đưa tang mẹ cha đi ra từ Trường Sơn lầm lũi

Đất nợ các người trai thịt xương bón cho cây, cho hoa, cho trái,
Núi nợ cha ông tôi khúc hát quân hành,
Sông nợ những nụ cười lanh lảnh đêm trăng
Nợ tiếng súng, nợ tiếng bom, nợ những cơn sốt rét.
Nợ những cánh tay, bàn chân trai làng treo vòm lá biếc
Trường Sơn ơi, nợ những ngọt mát các chị cười

Món nợ Trường Sơn nợ đến biết bao đời,
Cha mẹ đi rồi, cháu con vẫn không quên đi tìm người đã khuất.
Và nợ đến đời thứ ba thứ bốn, đến đời nào mới hết nợ được các anh ơi.
Nợ những hoàng hôn, những bếp lửa trong hang,
Nợ róc rách, suối nghiêng bên cánh võng.
Nợ cả tiếng con chim rừng thảm thiết
Nợ khản khô đêm ác tính tiếng tắc kè,
Nợ nấm mồ dọc những suối khe, những nấm mồ trai tân, hồn tạc vào cây vào đá.

Món nợ cả dân tộc ta phải trả ,
Là nợ mẹ, nợ cha,nợ vợ những chiến binh
Nợ đạo lí của nhân dân sống hạnh phúc thanh bình,
Nợ những nhân danh dựng xây mà quên máu người giữ nước

Chúng con lớn lên nợ nỗi buồn của cha anh một thời li biệt
Nợ vết thương đau khớp lúc trở giời,
Nợ tiếng cười đồng đội gặp lại nhau, tiếng cười lính nửa thế kỉ sau vẫn hiền như nương rẫy.
Nợ những điều tưởng như không hiểu nổi,
Chỉ có Trường Sơn mới hiểu được thôi.

Chúng con dẫu cao siêu khoa học hơn người,
Vẫn là lớp ăn vay những người đã chết
Vẫn là nợ những linh hồn bất diệt
Nợ Trường Sơn, nợ biên giới vùng cao.
Nợ những Gạc Ma, Phú Quốc , Hoàng Sa, nợ những cánh rừng Lào,
Nợ Biên giới Tây Nam, nợ xương cốt đồng bào,
Nợ một dải biển trời hồn hoang không chỗ trú.
Xin anh linh cha ông hãy về đây, về sống trong trái tim tuổi trẻ
Chúng con dâng cuộc đời này gánh món nợ Việt Nam ơi

27/7/2015

Saturday, July 25, 2015

Nghĩa trang làng



Tôi viết điều này ra, xin anh linh các anh liệt sĩ quê tôi lượng thứ. Tôi cũng hiểu “ Tốt phô ra, xấu xa đậy lại “ mà.

Có lẽ, hồn các anh cũng nghèo bởi vì khi chết đi chả ai có tài sản gì. Người ta về âm, bao nhiêu đồ tùy táng, bạn tôi về âm quần áo cũng chẳng còn, nói gì tài sản. Những đồng đội tôi khi về âm thường nhất là có lọ penexilin, cái bút cái gương nhỏ như con Tu-lơ-khơ và… tấm ảnh thôn nữ tóc dài hay tấm ảnh một phụ nữ và con nhỏ. Thế thôi, tài sản chỉ có thế. Nhưng linh thiêng! Vì họ mang theo mình hình ảnh gia đình vợ con. Thử hỏi các người bây giờ chiêm ngưỡng nhà mồ đại gia, thượng gia xem họ xây uy nghi thế, có ai chôn theo hình ảnh vợ mình, con mình không? Tôi cam đoan không có. Họ chôn theo vàng bạc, chôn theo đồ mã Ô sin, chôn luôn cả khuất tất một đời. Tôi đã vào những khu mộ nhà giàu và mộ chờ của nhà họ , xanh sạch đẹp và ngồi đó hút điếu thuốc cho vui, nhưng tôi lại đi thật khẽ, nói thật khẽ khi vào nghĩa trang liệt sĩ. Nghĩa trang cấp càng bé với tôi lại càng thiêng liêng. Bởi ở đó những cái chết lẫm liệt trận tiền lại luôn im lặng. 

Nghĩa trang làng tôi như thế.
Tôi đã lên Yên Kì, Thanh Tước. Tôi lại nhìn thấy những nấm mồ thường dân mang một đời chinh chiến về với dân. Người chiến sĩ chết ở trận tiền có ngày 27/7. Người chiến sĩ một đời đánh giặc trở về chết trong lòng dân thì nằm với dân, họ không cần ngày 27/7. Nhang khói dân, mùi vẫn thơm như nhang khói lính. Chỉ có người sống biết. Chỉ có chúng ta biết.
Chiều qua, tôi vào nghĩa trang quê tôi. 
Vắng lặng.
Ngọn đồi thật là đẹp, sao mà các cụ quê tôi phong thủy giỏi thế. Đầu gối vào núi cao, chân duỗi ra sông Hồng, nhìn về hướng Nam. Có tiếng tu tu, con tàu Lào Cai- Hà Nội chạy qua, bao giờ về tới chân đồi này nó lại rúc còi như thế. 
Nghĩa trang làng không nhiều hoa. Nghĩa trang làng những là chuối , dứa , mít . Những thứ mà trai quê tôi ai ra trận cũng nhớ. Dưới chân đồi, người thân của các anh đang mải cầy bừa cấy hái. Trưa nắng họ ngồi dưới bóng cây bên cạnh các anh, nhặt cọng cỏ, hút điếu thuốc lào tâm tình y như các anh vẫn đang còn sống với đồng làng.
 
Quê tôi bây giờ cũng tân tiến lắm chứ. Đã có các cháu đi làm phu hồ , làm ô sin dưới Hà Nội, nay về cưới nhau ở làng, cũng biết ra nghĩa trang thắp nhang, chụp ảnh. Nhìn tấm ảnh cưới, chả có thể ai đoán các cháu chỉ là anh công nhân bốc vác hay chỉ là cô làm giúp việc người ta. Có ai về quê nhìn những tấm ảnh cưới của cháu con mình, những đứa trẻ từng rất nghèo,  nhưng tâm hồn sáng trong sẽ vui biết chừng nào. Còn tôi, tôi cứ chảy nước mắt.

Ở quê tôi, dịp này con cháu vất vưởng đi làm nơi xa về quê, bao giờ cũng biết đến nghĩa trang liệt sĩ làng thắp nhang. 
Chả biết ở thành phố hay vùng quê khác thế nào. Quê tôi nghèo và thanh bình lắm.


26/7/2015

Nghĩa trang Hạ Hòa Phú Thọ quê tôi


Thursday, July 23, 2015

ĐỨNG ĐỢI MÙA ĐÔNG


( nhân đọc thơ Bùi Hoàng Tám)

Cái ngày em tiễn anh đi
Quê xiêu xiêu nắng đồng hoe hoe vàng
Mẹ thì đứng ở đầu làng
Ngoái trông lần nữa vội vàng anh đi

Em về vò võ đèn khuya
Mùa đông đến, mùa đông đi, lại về
Áo nâu thắt những tái tê
Chiến trường chẳng cánh thư về cho em

Mấy mươi năm vẫn biệt tăm
Mẹ đi em để khăn tang phần chồng
Chiều nay ở cuối cánh đồng
Có người đứng đợi mùa đông đang về


 2011

Tuesday, July 21, 2015

SÈN VẠN VẦN TRỞ LẠI TAY NGUYÊN ( Phần 4 )

Kí sự 


****

Thế là Sèn đã ở Tây Nguyên sang ngày thứ Tư. Bốn ngày đi, gặp lại đồng đội cũ ,gặp lại cảnh xưa, dẫm lên cây cỏ đất đá mà một thời mình đã từng dẫm lên đó bằng đôi dép cao su vương máu đồng đội. Bốn mươi mấy năm rồi, vạn vật thì đổi thay nhưng kỉ niệm trong thẳm sâu tâm hồn người lính già Nùng này thì vẫn còn sâu đậm lắm. 


Chiều nay chúng tôi lên đỉnh núi Hàm Rồng. Bây giờ đang là mùa mưa nên ngọn núi đầy hoa Quì này xanh ngắt. Những người lính Tây Nguyên, ai cũng yêu thích hoa Dã Quì thì đây là một cơ hội tiếc nuối. Giá mà vào tháng 12, được lên ngọn núi này, đi trong miên man màu vàng của loài hoa đã từng gắn bó với mình suốt những năm lửa đạn, cái màu vàng cứ rưng rưng trên những cánh rừng mà đồng đội tôi nằm lại. Chúng tôi ngắt những cành Dã Quì non mơn mởn đưa lên ngửi cái mùi hăng hắc quen thuộc ngày nào. Mùi cỏ cây hoa lá Tây Nguyên, mùi đất ba zan, mùi ẩm mốc của lùm hoa dại trên căn hầm chỉ huy của giặc trên điểm cao Chư Nghé … Chiều nay chúng tôi lại thấy nồng nàn trong gió Hàm Rồng.



Từ trên cao nhìn về phía thung lũng Đức Cơ, nhìn về phía thung lũng I A Đrăng miên man là màu xanh của cao su, cà phê. Nhìn về dẫy núi giăng ngang phía Tây Pờ Lây Cu mờ như sương. Ở đó Sèn và tôi đã sống 4 năm đánh giặc. Ở đó là tuổi trẻ của chúng tôi, ở đó có một thời chúng tôi gian lao vất vả nhưng cũng đầy ước mơ. Trong cánh rừng kia, ngay trong bom trong đạn, tôi đã từng mơ được trở về và đi học để trở thành nhạc sĩ, để sẽ viết giao hưởng về cao nguyên này. Chiến tranh lấy của chúng tôi sức lực, lấy của chúng tôi thời trai trẻ, lấy đi nhiều cuộc đời của thanh niên thời tôi sống. Nhưng chiến tranh lại cho chúng tôi niềm tin mãnh liệt vào sự sống, sự tồn tại bằng chính máu xương mình. Chiến tranh làm cho chúng tôi biết yêu nhau hơn, biết quí tình cảm biết chân trọng quá khứ của mình. Chiến tranh làm cho bao cuộc đời chia li,  nhưng lại cũng mang hàng vạn cuộc đời gần lại với nhau. Sèn ở tận biên giới xa xôi , tôi ở miền xuôi mà sau gần nửa thế kỉ chúng tôi vẫn tìm về với nhau. Cái giá của cuộc chiến tranh đâu có tầm thường?
Một đời người hai lần đến với Tây Nguyên. Hai lần ở hai đầu của đời người còn đoạn giữa là sự chiêm nghiệm và gồng gánh gia đình. Hai lần ấy, chỉ bằng một phần rất nhỏ của cuộc sống, ấy thế mà chúng tôi thấy sâu nặng nhớ thương làm sao. Bốn ngày qua bao nhiêu là cảm xúc, bao nhiêu là hình ảnh tái hiện, những hình ảnh tái hiện vừa đắng buốt,, vừa ấm nồng. Sèn Vạn Vần và tôi cám ơn số phận cho mình trở lại với tuổi trẻ đời mình. Còn bao nhiêu mong muốn mà đâu dễ gì làm được, chúng tôi hiểu và chấp nhận như ngày nào chúng tôi nhẹ nhàng vào trận đánh. Bao nhiêu đồng đội của chúng tôi, chịu thiệt thòi sau cuộc chiến, vẫn sống gian nan đâu đó khắp đất nước này nhưng khi nhắc về ngày chiến đấu đã xa, ai cũng thấy mình tự hào và tin yêu vào cuộc sống. 



Dẫu chưa được dừng chân ăn một bữa cơm dưới chân một nhà sàn Tây Nnguyên ngày xưa, chưa được trở lại những cánh rừng có cây Pơ Lang mà ở đó chôn vội bạn mình, rồi lại lao về phía trước. Dẫu chả tìm thấy hình dáng những người dân hiền lành địu con trước bụng,  gùi dao sau lưng lên rẫy như ngày nào. Nhưng được nhìn thấy miên man là hồ tiêu, cà phê,  xanh ngút ngát cao nguyên này là thấy máu xương sức lực của mình và đồng đội không hề uổng phí. Gió cao nguyên tràn qua đầu, qua tóc chúng tôi, tràn qua đỉnh Hàm Rồng về phía những cánh rừng biên giới. Ở Tây Nguyên đến cái gió cũng xanh, cũng thơm mùi cà phê. Cái gió ,cái nắng cũng cong mơn man như bờ vai cô gái Ba Na mà chúng tôi đã quen từ gần nửa thế kỉ trước. Mai chúng tôi về miền Bắc. Tây Nguyên là tuổi trẻ của Sèn, của tôi, của đồng đội. Tuổi trẻ đã lùi lại phía sau rồi, Cao Nguyên của chúng tôi ơi. Rồi sẽ có những buổi chiều trên núi cao Xín Mần sám mầu núi đá, bạn Sèn của tôi quay nhìn về phía Nam mà gọi, mà nhớ, mà lẩm nhẩm hát bài "Em là hoa Pơ Lang" trong niềm thương nhớ cạn lòng.


Trở lại trận địa Chư Nghé
21/7/2015


BỮA TỐI CỦA SÈN VẠN VẦN Ở SƯ ĐOÀN 320


Người lính tận cuối đời mới một lần về đơn vị cũ
Bữa cơm chiều ở sở chỉ huy
Nhớ một thủa nắm cơm thiu trên chốt
Nước mắt chứa chan nhai đắng rừng chiều



Suốt một đời cơm không đủ giấc mơ con
Thương vợ lắm thèm bữa ăn có thịt
Chiều tối nay ở Sư đoàn người chỉ huy đơm đầy bát
Rưng rưng lại nhớ vợ ở nhà

Chỉ huy bây giờ trẻ và giỏi thế này a?
Ngập ngừng mãi chả biết món gì ưa thích
Ôi bữa cơm một thời đánh giặc
Xác bạn nằm bên cơm bạn chuyển cho mình

Mai ta về vợ chống dốc còng lưng
Bữa cơm tối lại rau rừng nước muối
Áo chàm nghiêng mâm nhìn nhau thầm hỏi
Mấy ngày xa nhau mình ăn uống có thứ gì?

Thương mẹ mày lắm lắm những ngày đi
Ta được mời cơm, mẹ mày ngồi chống đũa
Này đây có cà phê và kẹo nữa
Móm mém cười, lưng núi những hoàng hôn

Đến cuối đời ta lại được ghé thăm
Sư đoàn cũ và bữa cơm Chỉ huy mời ta đấy
Ta trở lại Xín Mần bếp nhà chiều thơm mùi rạ cháy
Mắt vợ hiền và bữa tối của ta ơi

Tối 21/7/15 Gia  Lai

SÈN VẠN VẦN VỀ LẠI TÂY NGUYÊN ( Phần 3)

Kí sự
***
Hôm nay điểm đến của chuyến hành trình này là nghĩa trang Chư Prông và Đức Cơ Đồn Tầm. Tối qua Chỉ huy Sư đoàn đã cử phó Chủ nhiệm Chính trị đi cùng đồng thời gọi điện cho Chủ tịch huyện biết chuyến đi này của chúng tôi. Trời lại mưa, con đường qua nông trường chè Bàu Cạn đẹp thế mà ngút ngát sầm sì như chiều mùa đông. Cách đây vài tháng, tôi đã qua con đường này, nương chè đẹp như mơ đầy bướm trắng. 

Nơi này khi còn chiến tranh trinh sát của Sư đoàn đã thường xuyên qua lại và đã có những người bạn tôi hi sinh vì địch mai phục. Đoạn đường hơn hai mươi cây số mưa tầm tã, ấy thế mà khi xe chúng tôi tới nghĩa trang thì mưa lại tạnh. Lãnh đạo huyện, phó chủ nhiệm chính trị sư đoàn đang đứng chờ. Trong gió, trong khói hương Sèn khóc. Bó nhang cháy rừng rực. Nghĩa trang vắng lặng rập rờn hàng vạn con bướm trắng trên cả ngàn ngôi mộ chiến sĩ sư đoàn tôi. Sèn Vạn Vần lom khom đi tìm bạn. Tôi chỉ cho Sèn những ngôi mộ của tiểu đoàn 9. Đấy là mộ Chử Lương Thanh, đây là mộ thằng Lương Lợi , mộ thằng Giám, thằng Ma Đình Thủy , thằng Huấn Phú Lương. Và thật bất ngờ chúng tôi thấy mộ anh Vũ Xuân Canh,người B trưởng của tôi và Khuất Duy Hoan ngày xưa. Anh Canh hiền và đánh giặc rất dũng cảm. Ngày ấy anh không biết chữ, tôi đã một lần viết câu chuyện” Lớp học mùa mưa năm ấy” kể về anh. Hồi ấy có một lần tôi được dậy lớp học một ngày. Thế mà anh Canh gọi tôi là Thầy giáo. Anh còn bảo, em là chiến sĩ nhưng là thầy dậy chữ cho anh thì anh phải gọi bằng thầy. Trò phải ra trò Thầy phải ra thầy chứ em. Ngồi bên mộ anh tôi gọi anh Canh ơi em về thăm anh này rồi bỗng hiện lên những trận đánh có anh ở Bắc đường 19 ngày xưa.

Tôi sang ô mộ bên cạnh, mưa đong đầy nước trên những bát hương. Mùa mưa mọc rêu trơn tuột trên những lối đi. Có những con Kì Nhông bò lem lém trên những ngôi mộ hiền lành. Tôi giật mình, nhìn vào tấm bia Lưu Sỹ Hồng quê Đại Từ ở đại đội trinh sát 20. Ôi thằng Hồng đây , nó chết trên điểm cao Chi Kranh Râu. Tháng 4/74 mưa sớm, mà 5 ngày sau mới vào lấy xác nó. Bọn thằng Sơn toác Bắc Ninh sợ địch gài lựu đạn ở xác thằng Hồng bèn lấy dây võng buộc vào chân nó mà kéo ra được chục mét mới dám bó vào tăng khiêng về. Trong đống ròi nhung nhúc thi thể thằng Hồng rời mất cái đầu. Mấy thằng 20 bò lên tìm lấy lá chuối gói cái đầu thằng Hồng mang về. Hồng ơi dưới mộ này chắc mày còn đủ cả đầu phải không? Chúng tôi thắp hàng mấy trăm nén nhang, chúng tôi đốt chút tiền vàng, thuốc lá cho đồng đội . Đốt vàng xong trời đổ mưa tôi lên xe chạy về hướng ngọn Chư Pờ Rrông ra Đức Cơ. Trong mưa, bỗng có điện thoại. Nhìn tên Kiên c20 tôi giật mình. Nó oang oang , Mày ở đâu? Tao ở Tây Nguyên. Mày có vào Chư Pong không? Tôi có. Mày thấy mộ thằng Lưu Sỹ Hồng không? Tôi giật mình, chỉ mới 15 phút mà thằng Hồng đã báo cho mày biết à? Nó oang oang, nào ai báo cho tao mày đi Tây Nguyên mày có báo chúng tao đâu. Chúng tao vừa nhắc tới Hồng. Rồi cứ thế điện thoại truyền tay hỏi có cho nó điếu thuốc nào không? Mộ nó có sạch không? Tôi nghĩ tới điều tâm linh … tôi nghĩ chính thằng Lưu sỹ Hồng báo cho chúng bạn rằng tôi vào đây. Ôi đồng đội của tôi ơi!

Con đường vòng quay về đường 19 đưa chúng tôi qua Thánh Giáo Thanh Bình Đồn Tầm. Chả thể nào đến được Chư Rông Rang, Chư Gara, nơi có một thời chúng lăn lóc sống trong tầm pháo Hàm Rồng. Đứng bên đường dưới chân đồn Tầm ngó sang dẫy núi cao 800 mét mà nhớ một vùng đồng đội, một vùng lửa khói. Sèn cứ hỏi Làng Dịt ở đâu? Đồi Mắt Ngỗng chỗ nào? Rằng em ăn hai cái tết trên Chư Rông Rang đấy. Ừ ừ kia kìa nó đấy, bây giờ núi trọc lóc, bao nhiêu gỗ quí người ta chặt hết rồi. Ừ nhỉ, may ngày xưa có nhiều rừng, chứ trọc như bây giờ, bọn mình chết hết anh nhỉ?

Tối, Chỉ huy Sư đoàn mời cơm. Cả ban chỉ huy chỉ thiếu Đại tá Sư trưởng đi công tác Quảng Ngãi còn thì đủ cả. Sèn ngây người nhìn các chỉ huy mời rượu minh rồi nói: tôi chưa bao giờ được ngồi uống rượu với nhiều cấp to như thế này. Đại tá Chính ủy bảo, Bác ơi có các bác già yếu mà vẫn về thăm đơn vị, về thăm”nhà” mà yêu quí đơn vị mình, mà không quên những cái tên gắn liền với đơn vị, các bác gọi Sư đoàn là nhà thế là Sư đoàn ta “có phúc đấy bác ơi”.
Đã nhiều lần tôi đã cùng ăn cơm với các chỉ huy sư đoàn nhưng hôm nay tôi thấy họ trân trọng người lính già họ Sèn, hôm nay tôi đọc được ở trong mắt họ những chân tình yêu thương,kính trọng quá khứ của Sư đoàn mình, tôi nhìn thấy niềm tự hào của Sèn Vạn Vần ,thấy chiến công của chúng tôi không hề uổng phí.

21/7/2015



Đừng làm em hóa đá


Đừng làm em hóa đá
Đừng làm đau sương mù
Có một ngày em khóc
Hoa nép vào lau ngô
Có mùa tam giác mạch
Cũng sắp qua mất rồi
Bao giờ anh trở lại
Lên đèo gọi em ơi

Đừng làm em hóa đá
Để nép vào vai anh
Áo trường chinh gió bụi
Với hoa trời chênh vênh

Theo nhau  về phố cổ
Núi thở dài vào sương
Níu nhau dòng nho Quế
Chuyện tình mịt mù sương

Đừng làm em hóa đá
Để yêu cứ trập trùng
Đến mùa tam giác mạch
Em có về nữa không ?


ĐÊM Ở SÔNG KÌ CÙNG


Có một đêm ta với Kì Cùng
Nghe gà gáy ngay trong lòng thành phố
Thành phố có con sông gối đầu vào núi
Ta gối đầu vào một đêm rất lạnh lùng



Ta đếm từng nhịp núi thở canh khuya
Người trở giấc dòng sông cùng thức dậy
Ơi con phố Kì Lừa ngày xưa lên dốc
Nẻo ngõ nào phiên chợ có bà tôi


Tiếng gà khuya trách móc muộn mất rồi
Người xa phố, phố cũng quên trái hồng không hột
Nay trở lại núi và sông vẫn rét
Phía Đồng Đăng tàu khản khói biên thùy


Nay trở lại mía vẫn ngọt Tam Lung
Sông Kì Cùng nào ai còn thao thức
Đêm khuya lắm Phai Vệ lung linh sáng
Có một người thở khói thấm màu đêm


Có một người sợ đánh động giấc em
Sợ đánh động con sông cổ tích
Sao lại gọi là Kì Cùng tân hôn trời trở rét
Rét đến tận cùng xứ Lạng của ta ơi


Có một đêm sông chở trắng sương trời
Chở hoa râm tàu xuôi về phía biển
Ta qua cầu nơi bắt đầu thấy yêu mùa rét
Sông ơi sông ! Gà gáy ở Kì Cùng


(Viết ở Lạng Sơn)
10/7/2015

Saturday, July 18, 2015

SÈN VẠN VẦN VỀ LẠI TÂY NGUYÊN ( Phần 2)

Kí sự 

Đã chịu cái nóng ngột ngạt miền bắc nhiều ngày tháng, đêm qua trời Tây Nguyên mát dịu khiến cơn buồn ngủ đến sớm. Sáng ra mở cửa thấy mù mịt sương. Mùa mưa Tây Nguyên cứ lũm thũm cái màu mắm tôm từ phố vào rừng. Đêm qua thức giấc lúc nửa đêm thấy Sèn vật vã không ngủ. Tưởng hắn đói sang dậy hỏi, Sèn bảo ngửi thấy cái mùi mùa mưa ẩm mốc. Rồi hắn hỏi hôm nay có được đi về sư đoàn cũ không? Lúc nào về đó anh nhớ chỉ cho em nhà tưởng niệm liệt sĩ nhé. Ừ , ở đấy có danh sách mười bốn ngàn người đã chết đấy. Ôi chao đọc sao hết? Ai bảo mày phải đọc, lịch sử đọc nhân dân đọc cả rồi. Sèn thật thà, nếu em ngày xưa hi sinh thì cũng có tên ở đó hả anh. Tất nhiên rồi tên mày sẽ được viết thật to. Tôi cười còn Sèn thì bần thần nhìn ra trời mưa.

Khi xe chúng tôi vào cổng sư đoàn Sèn ngó ra nhìn nhà tưởng niệm lạnh tanh không nói gì. Đón chúng tôi có Sư đoàn phó Trọng, Chủ nhiệm chính trị Từ và các trợ lí tuyên huấn chính sách. Họ đều đã biết tôi còn Sèn thì mới nghe tên và thuộc thành tích chiến đấu của hắn. Ngồi trong phòng chỉ huy Sèn nhìn các chỉ huy cặp mắt nể phục. Các đại tá trẻ thế mà cứ một hai xưng em xưng cháu với Sèn. Đại tá Trọng chỉ lên hai tấm Bằng Anh hùng LLVT cửa sư đoàn chân thành nói, các bác nhìn kia để có danh hiệu hai lần anh hùng của Sư đoàn là công của bác Sèn Vạn Vần của các bác đây rất nhiều và có công lớn của mười bốn ngàn liệt sĩ sư đoàn nữa . Bỗng Sèn đứng dậy đi ra ngoài. Tôi chột dạ, cái anh Nùng này giống con heo nuôi thả trong rừng chả có tác phong quân kỉ gì cả. Mọi người chạy ra thấy Sèn đứng lau nước mắt. Mấy chú công vụ nép bên cửa nhìn Sèn như người hành tinh khác vừa xuống tổng hành dinh. Gửi lại nhờ trợ lí chính sách tra lại tìm giấy chứng thương rồi chúng tôi lên xe đưa người dũng sĩ họ Sèn đi Cheo Reo thăm lại nơi hơn bốn mươi năm trước Sèn bắn xe tăng. Trời vẫn mưa đường qua ngã ba Phú Mỹ be bét bùn đỏ. Tôi chỉ , đó đó con đường chạy vào Po Lây Me đó. Sèn vui hẳn lên, ôi em nhớ hồi kéo quân đi phối thuộc với E 48 quá. Nhớ cả Lệ Ngọc nữa nhớ cái trận em bắn cháy một xe chở lính đi giải tỏa đường 21 quá. Liệu em có được vào Lệ Ngọc không anh? Tôi ngó lom lom hỏi, muốn vào thung lũng Ia đrăng à? Nó "Vâng" , em tìm mộ thằng Chử Lương Thanh. Hôm lao lên cửa mở nó trúng đạn đại liên vào đầu cái mũ cối của nó bay thẳng lên giời. Tôi chợt nhìn sang tay nó vẫn ôm khư khư cái mũ cối trên xe. Cái mũ mà các cô nhà báo đã mua cho nó hôm ở Hà Nội. Cả xe lặng im. Con đường uốn lượn mờ mịt mưa giăng.
Xe đến đỉnh đèo Chư Sê bỗng trời hết mưa, xuống khỏi đèo trời nắng, cánh đồng A Jun Hạ sáng lên. Kíp truyền hình reo to, may quá rồi, thế là ta sẽ quay được trận địa cũ của Bác Vần rồi. Sèn cười như mếu, quay phim tôi chứ còn bao nhiêu anh em khác thì sao? Chả ai nói gì cả. Những ngôi nhà sàn vun vút chạy về phía sau. Sèn nhìn một đàn bò có cô gái cầm cành tre lùa đi ven đường nói một mình, khối tiền! Chú lái xe cười thật hiền. Nhiều tiền lắm đấy bác nhỉ. Dừng ở ngã ba Cây Soài mua bó nhang và mấy bó hoa. Sèn ôm khư khư những hương nhang và hoa hỏi có đốt vàng cho anh em mình không? Có chứ! Sèn nghiêng ngó nhìn đường phố Cheo Reo đầy những cây muỗm cổ thụ hiền lành. Sèn đang nôn nao đang hồi hộp lắm, Sèn đang nhớ cái ngày nắng rõ là to và lửa đạn tơi bời hầm hập tháng 3 năm ấy.

Có một nhà tưởng niệm trong một khuôn viên rộng đẹp và trang nghiêm ở thị xã này. Nhà tưởng niệm im lìm vắng vẻ, chỉ có mấy đứa trẻ chăn trâu đang ngồi trú nắng dưới cây muỗm già nhìn chúng tôi tò mò lặng lẽ. Trời trưa bỗng nắng lên gay gắt, lạ thế, cứ như chưa hề có trận mưa nào tới đây. Trong nắng trưa Sèn lần tay trên tấm bảng ghi tên hơn một trăm liệt sĩ mà gần hết là chiến sĩ trung đoàn tôi. Đến cái tên Quảng, Hội , Vang ,nó nấc lên và lúc này nó gọi đồng chí. Đồng chí Quảng ơi, tôi là Sèn Vạn Vần đây, hồi đánh mắt ngỗng đồng chí cõng tôi đi viện, tôi nhớ lắm mà. Đồng chí Hội đồng chí Vang ơi! Bó hương cháy ngùn ngụt, tai tôi cũng nhòe đi chả nghe rõ bạn mình nói gì, chỉ nghe gió vu vu tràn qua vòm lá cây muỗm xanh ngát, nghe từ phía sông Ba vọng về có tiếng chim gù ban trưa. Ngoài đường người và xe vẫn vô tình lướt qua chả ai chú ý gì đến một ông già tóc bạc phơ mặc quân phục chân mang dép đứng ngẩn ngơ khóc bạn.

Đi thêm một cây số nữa chúng tôi bước lên cầu sông Bờ. Con sông nhỏ chảy từ ngọn núi đá Chư Pa ra để hòa vào sông Ba giờ cạn khô khấc. Những nương ngô, nương mè nối tiếp nhau chạy ra bờ sông. Trong nắng, Sèn chỉ cho chúng tôi nơi anh bắn hai cái xe M48, anh chỉ cho chúng tôi chỗ tiểu đội anh đào hầm, anh bảo chỗ bờ sông kia anh đã bế đứa trẻ con chạy vào bụi tre để tránh đạn. Anh bảo chả biết nó còn sống không? Cô phóng viên hỏi anh, con của ai thế hở bác? Sèn bảo con của người lính VNCH chứ của ai. Nắng hâm hấp trên mặt cầu, nắng xanh chon chót trên vạt rừng đầy chuối tây và ngô khoai. Sèn đốt bó hương rừng rực vái bốn phía mà rằng, các đồng đội ơi các đồng đội ơi, các anh không được về còn tôi thì được về. Tôi xin lỗi đồng đội.
Ôi Sèn ơi ,chiến tranh là thế! Sèn đâu có lỗi cũng như tôi đâu có lỗi vì chúng ta không trở thành liệt sĩ? Nhưng cũng như Sèn tôi thấy mình cứ áy náy làm sao, cái áy náy của những con người từng nợ nhau qua lửa đạn. Nợ một việc làm tốt với đời cho dù chỉ là việc nhỏ. Sèn ơi chúng mình cố làm người tử tế, cố mà thanh thản trước mỗi lần ngang qua một nghĩa trang liệt sĩ nào đó, cho dù suốt cuộc đời này chúng ta vẫn là kẻ vay nợ những người bạn đã hi sinh


Chúng tôi lên xe để về Pờ Lây Cu lúc 3 giờ chiều. Xe rời cầu sông Bờ,  hai cây số trời lại sập mưa. Chúng tôi thật là may mắn, thật gọn gàng cho một cuộc viếng thăm đồng đội. Nhưng lên xe rồi nhìn khuôn mặt bạn mình như dãn ra thanh thản, tôi biết khi ở dưới cánh đồng trận địa cũ, anh đã khấn đồng đội mình, tôi còn nghe rõ lời anh…Tôi khấn lậy cả vong hồn những người đồng bào xấu số đã chết trong cái ngày bom rơi đạn lạc hôm ấy… tôi xin khấn tất cả …Sèn ơi chiến tranh qua rồi, chiến tranh in hằn lên măt đất này, mặt đất sẽ lại xóa đi. Nhưng chiến tranh thì lại thật khó xóa được trong lòng người, dù người ấy ở phía nào Sèn nhỉ .
Chập tối ngày mưa Pờ Lây Cu 18/7/15



Hình chụp ở cầu sông Bờ Cheo Reo chiều 18/7


Friday, July 17, 2015

Thạch Hãn-Thơ : Nguyễn Trọng Luân. Nghệ sĩ : Trọng Trí

Đàn Tính ngày 30 tháng 4- Thơ : Nguyễn Trọng Luân. Nghệ sĩ : Trọng Trí

SÈN VẠN VẦN VỀ TÂY NGUYÊN ( Phần 1 )

Kí sự 


Lâu lắm rồi tôi mới lại được ngồi xe UOAT. Con xe “ biển đỏ” của trung đoàn đặc công 198 đón ở sân bay Ban Mê Thuột. Người lái xe là thiếu úy còn trẻ măng nói: cháu chờ hơn tiếng rồi đấy ạ. Ban Mê trời đầy mây vần vũ oi nồng. Nghĩ con đường 200 ki lô mét chiều nay đi xe uoat sẽ thú vị đây. Ngó sang bạn Sèn của tôi bước thấp bước cao nhìn đăm đắm vào hàng cây Kơ Nia cổ thụ ngoài cổng sân bay. Tôi bảo Kow nia đấy, Sèn vẫn im. Xe chạy rồi Sèn bảo anh ơi giá mà mang được giống cây này về Xín Mần trồng nhỉ? Tôi bảo , mày thích Lộc Vừng cơ mà? Kơ Nia đâu có giá bằng Lộc Vừng. Trong tiếng gió vù vù Sèn nói một mình, Kơ Nia có hồn đồng đội anh Luân à.

Qua thành phố vài cây số, thấy điện thoại của cô Biên Tập THQP đi xe sau gọi lên, bác ơi đến Đạt Lí dừng lại mua bánh và nước uống bác ạ. Giật mình sao cô nhà báo này nhắc nhở mình khéo thế. Đạt lý là điểm đánh của tiểu đoàn tôi 10/3 năm ấy. Cũng trong đêm 10/3 chúng tôi lại hành quân suốt đêm về đánh Buôn Hồ. Đạt Lí nay là phố là phường nườm nượp xe cộ. Chỉ chạy thêm mươi phút nữa là đến Cư Pao nơi có một trận địa pháo bỏ chạy ngày 12/3. Chúng tôi tới đèo Hà Lan, gió lành lạnh tôi chỉ cho Sèn và Tự ngọn đồi mà đêm 12/3 chúng tôi nằm ngủ trong sương buông mù mịt. Tôi lại nhớ thằng Hạnh người Phú Thọ viết thư cho mẹ đêm ấy, nó chỉ viết có một dòng rồi thôi. …” Mẹ ơi đêm nay lạnh quá..” Lá thư chả bao giờ về với mẹ nó. Bây giờ nó nằm ở nghĩa trang Cheo Reo. Tự nhiên tôi lại gọi Hạnh ơi!

Trời đổ mưa khi tôi vừa qua Buôn Hồ. Tôi cố hình dung ra vạt rừng Cà Phê mà đêm 14/3/75 tôi ngủ trong đó, nhớ cây đàn Ghi Ta lấy trong đồn BUÔN HỒ về bập bùng, nhớ mấy đứa anh nuôi đun bếp ven rừng vừa nấu cơm vừa nghe tôi và Mạnh Tiêu đàn hát. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi biết thế nào là “mì ăn liền” ở nơi này. Tôi cũng nhớ nơi này là lần đầu tiên tôi nhìn thấy con gái mặc áo Pun hở nách. Cái cảm giác nhồn nhột có kiến bò dọc sống lưng còn đến tận bây giờ.

Mưa.


Mưa gõ dào dạt trên bạt xe, mưa nhập nhòa kính chắn. Cái gạt nước kêu cong cóc. Những rừng cà phê đang xanh ngút ngát bỗng xỉn lại. Những nương tiêu thâm thẫm như hàng quân xếp hàng ngày xưa trên thao trường. Mưa Tây Nguyên đưa tôi về những mùa mưa hơn bốn mươi năm trước. Ngày ấy tăng võng là nhà, lính mắc võng trong rừng, đêm mưa nằm co ro ướt nhem nhép nghe pháo địch bắn dai như pháo đĩ. Nghe tiếng rên hư hử của thằng treo võng bên cạnh đang cơn sốt rét. Nghe tiếng kêu của côn trùng nẫu lòng. Nghe tiếng bụng réo vì cơn đói cồn cào. Nghe tiếng thì thầm của thằng gác cấu vào chân đến phiên mình đổi gác. Nhớ quá thể những thằng bạn chết vào mùa mưa, xác rất nhanh trương phình lên đen ngoét. Nhớ những nấm mồ mới chôn trong mưa tưới, những dòng nước đỏ ngầu ba zan từ trên lùm đất mả lính chảy dòng dòng. Nhớ những búp lá khộp to như ngón tay non mỡn và nhớ nhất là xuất kích đêm mưa ngã lên ngã xuống trong rừng.

Chúng tôi đi trong mưa suốt con đường từ Buôn Hồ đến Hàm rồng. Lúc lắc, cười. chuyện lúc to, lúc thì thào, lúc im bặt. Xe chạy rẽ mưa dàn dạt. Những người đồng đội của tôi chắc cũng đang nhớ về mưa của những mùa mưa rất xa. ( còn tiếp)
( 1 giờ sáng 18/7 – Pờ Lay Cu)
Ảnh của Nguyễn Trọng.

Thursday, July 16, 2015

Một sư đoàn hóa đá Vị Xuyên -Thơ : Nguyễn Trọng Luân. Nghệ sĩ : Trọng Trí

Mai anh về Tây nguyên


Mai anh trở lại Tây Nguyên
Đêm nay dễ lại mất ngủ
Pơ Lang mùa này không có
Dã Quì rừng cũng ngủ im


Mai anh trở về nơi ấy
Suối có còn thở dài không?
Em gái trần lưng trên rẫy
Ngực căng luống cuống phập phồng


Còn không mái nhà lợp lá ?
Còn không bóng nhẫy cầu thang ?
Pờ Lây bây giờ ai gọi?
Buôn xưa nay đã xã phường


Mặt trời vẫn như xưa cũ
Mà em đi tự bao giờ
Chỉ có vũng hồ lịm bóng
Rừng xưa tiếng chim ngẩn ngơ


Anh về tìm em ở đâu?
Hương rừng chẳng là rừng nữa
Po Lây Cu là thành phố
Kơ Nia nem nép bên đường


Ơi Tây Nguyên, ơi Tây Nguyên!
Giá mà tặng nhau chiếc khố
Giá mà quai gùi ngày đó
Anh về miền Bắc mang theo


Tìm đâu? Tìm đâu? ở đâu?
Tiếng con chim rừng “ chót, bóp”
Thôi thì mình như kiếp trước
Xa rồi giống thủa hồng hoang


Mai anh lại về Tây Nguyên
Đêm nay chừng như mất ngủ
Ngoài Hồ Tây đang trở gió
Ngồi thức đợi giờ anh đi.


16/7/2015


Monday, July 13, 2015

Gửi Xín Mần


Đợi đến bao giờ Tam Giác Mạch ơi
Ta về cứ ngoái lại đường lên núi
Lau ngược lên ngọn nguồn sông Chảy
Đá đuổi nhau hun hút ngọn rừng



Ruộng bậc thang như anh như em
Cõng mây mùa xuống mạ
Ơi con dốc lên bản Phùng nắng quá
Em gài cành thông trên quẩy tấu thẹn thùng


Ta nghiêng vào nhau phiên chợ Xín Mần
Củ cải nương trắng au đường xuống chợ
Lốc cốc mõ trâu bản Pố
Con ngựa chờ gõ móng quán Nậm Ti


Đêm Xín Mần gà gáy ở cuối khe
Người thành phố nửa đêm chừng mất ngủ
Đã vài chục năm tiếng gà sao vẫn trẻ
Ngỡ mình ta trở lại với rừng già


Ta với Cốc Pài uống rượu Nàn Ma
Sao trời treo lanh canh trên cửa Khẩu
Tam giác mạch ơi bao giờ trở lại
Ta với người ngồi cất rượu đến tàn đêm


Ơi Xín Mần ruộng anh ruộng em
Nước của trời lọt sàng xuống nia là thế
Ta ra về mà nhớ em quá thể
Xín Mần này ta nhớ đấy Xín Mần ơi


Đêm Xín mần 10/7/15

TRỞ LẠI XÍN MẦN



Thế là gần một năm sau tôi trở lại Xín Mần. Cám ơn số phận và nghĩa tình người lính neo buộc tôi vào đồng đội. Có bao nhiêu cụm từ theo thời gian nó mất đi chính nó nhưng cụm từ “đồng đội” thì tôi thấy ngày nó càng sáng lên, sáng lấp lánh, càng sáng càng hiền từ càng sâu thăm thẳm.

Ai đã từng đi lên Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ thấy độ hiểm nguy của vực sâu đèo đá, nhưng đi qua Hoàng Su Phì men theo dẫy Tây Côn Lĩnh vào Xín Mần thì mới thấy cái nỗi mệt mỏi của con đường 100 km không có lấy một đoạn đường thẳng dài tới 100m nó vần vò than thể người ta thế nào. Cảnh đẹp thì nhiều, núi non thì hùng vĩ, sông suối thì cô liêu hồng hoang thơ mộng. Ấy thế, những người đàn bà địu con gù lưng cấy lúa trên ruộng bậc thang khiến ta nao lòng. Bên ngoài những tám ảnh “ phượt” những tấm ảnh nên hương về vùng cao kia là những mảnh đời mà người chụp ảnh không vươn tới. BIên cương tổ quốc- mình gọi là bảo vệ chưa đủ, mà phải gọi là TRẤN ẢI. Người trấn ải là ai? Xưa nay vẫn phải là người biên cương. NHững người bạn tôi, những CCB như Sèn Vạn Vần, như Thèn Chín Quang, Vù Khuấy Sẩn … đang cùng cháu con trấn ải biên cương.

Con đường leo lên ngọn núi Gia Long phải qua Thèn Phàng, lên xã Xín Mần là đồn biên phòng mốc 5 những đá cuội đá hòn và lầm bụi đỏ. Giữa trưa, nắng đến mọc rôm trong người dù xe có máy lạnh. Tôi với Trung tướng Khuất Duy Tiến và Đại tá Khuất Duy Hoan ngồi con xe của một người lính 320 cầm lái. Ngược dốc , đến một mỏm cống bị sập anh bạn lái xe cười:
- Năm ngoái đến đoạn này ông Luân nhảy xuống xi nhan chụp ảnh. Tôi biết thừa ông sợ xe lăn xuống vực. He he ông ấy bảo tôi, mở cửa xe rồi hãy chạy qua
Cả xe cười. Dưới kia qua màn hoa lau bạc phếch là chập chùng ruộng bậc thang đang đổ nước đẹp như thủy mặc.
Phía trước cái U oát của huyện đội Xín Mần leo phăm phăm. Lớp bụi đỏ phà xuống dốc bám vào những lùm hoa mua ven đường, càng lên cao nhìn xuống thung lũng Cốc Pài thấy cây cầu treo bé như cái dây áo ngực phụ nữ căng ngang sông Chảy. Một năm sau tôi trở lại nhà Sèn Vạn Vần, giữa hai khoảng thời gian ấy là những ngày lao tâm khổ tứ. Kiếm tiền ư? ở đâu ra? Khi lương hưu mình 5 triệu. Xin từ thiện ư? Ngữ Tôi làm sao làm được việc ấy?.... Nghĩ mãi rồi gọi điện hứa với Vần.
- Vần ơi tao sẽ bán sách lấy tiền được bao nhiêu cho mày để mày đỡ khổ. Vần chả biết hiểu được bao nhiêu nhưng cũng sụt sùi
- Anh ơi anh giúp em , em không quên ơn anh
Mình hỏi mày không quên ơn tao à? Nó vâng. Tôi bảo tao còn nợ mày, nợ một bài ca hơn bốn mươi năm trước tao chưa viết được về mày . Bài hát Sèn Vạn Vần ấy mà. Nó bảo em nhớ và vẫn thuộc những bài thơ của anh. "Bài Chè Bàu Cạn" ấy, và cả bài "Lớn lên với trung đoàn". Rồi nó đọc …”đâu tiếng thét xung phong đó là nơi kẻ thù giáp mặt/ ta lại gặp những chàng trai chân đất/..”Những cuộc điện thoại của tôi và Vần bao giờ cũng là cười , sau cười là nước mắt.

Một năm qua là những cuộc đi lên đi xuống Phú Thọ để lo cho Nguyễn Xước Hiện. Là một khoảng thời gian đi bán sách và nhờ anh chị em trên” phây” bán và mua sách. Đến lúc công việc của thằng Hiện đã hòm hòm xong, đến lúc trong tài khoản có tiền cho thằng Vần mới dám báo cáo ban liên lạc để họ biết họ ủng hộ mình và đi cùng mình cho nó có tư cách Ban Bệ cho nó tăng cái phần cảm động của những người cựu chiến binh khốn khó.

Chiều nay, trong căn nhà tường đất thâm u của Sèn Vạn Vần có tới 3 đại tá và một trung tướng. Cửa nhà Sèn vạn Vần có 4 xe ô tô đứng chình ình. Cái xe biển đỏ mang tên Truyền hình QPVN khiêm nhường lùi lại đằng sau để giành phần cảm động cho Sèn Vạn Vần và thủ trưởng cũ. Ống kính truyền hình lặng lẽ làm việc khi những dòng nước mắt ngày gặp gỡ nơi đỉnh trời phía bắc nước Việt. Tôi cũng lùi lại đằng sau cho Trung Tướng cho Đại tá bắt tay người bạn lính của mình. Rồi chợt nhớ ra Vần quay tìm, anh Luân ơi ! Nó ôm nhào lấy tôi và bật khóc. Tôi cũng lau nước mắt. Bên canh Vần người đàn bà Nùng, vợ nó không nói được tiếng kinh cũng dùi dụi mắt, cái váy nùng súc sắc nép vào với chồng.
Tôi chả cần kể ban bệ là ai, cũng như truyền hình QPVN họ không quan tâm những điều mà BLL và chúng chúng tôi quan tâm. Không cần cấp trên cấp dưới không cần huyện có ai, xã có ai tỉnh có ai? Ống kính luôn hướng về Vần về ông tướng già về người đàn bà không quen biết nhưng đã từ lâu nay giành tâm trí cho việc của chúng tôi. Hình như đàn bà họ nhậy cảm giống nhau hay sao ấy, vợ Sèn Vạn Vần cứ cầm chén rượu đến bên Trần Lệ Nam mà kin lẩu mà cười mà khóc…Nắng cuối chiều dần khuất đuôi Tây Côn lĩnh trong căn nhà nhờ nhờ ánh điện đầy tiếng cười đầy nước mắt.
tôi gọi :
- Vần ơi! Cả căn nhà im lặng . Đây là chút quà tao bán sách và nhờ nhiều anh chị bán sách. Sách tao không hay nhưng vì ủng hộ mày mà họ mua, họ trao gửi vào tao niềm tin tưởng để tao lên với vợ chồng mày giúp mày đỡ khổ. Tôi trao cái phong bì của tôi. Tôi trao những phong bì của bạn bè tôi cho Vần. Chị Trần Lệ Nam trao những bọc quà bánh sách vở cho gia đình Vần và chính quyền địa phương. Vần khóc, Vần nhìn vợ nói câu gì bằng tiếng Nùng. Vợ Vần cũng khóc. Vần ôm tôi, mồ hôi tôi mồ hôi Vần lại giống như ngày xưa những người lính ôm nhau trong chiến hào Tây Nguyên. Vợ Vần thì cứ ôm lấy chị Nam, hai người đàn bà uống rượu có cả nước mắt và mồ hôi vì nhà ko có quạt
***
Một buổi chiều trên biên giới Xín Mần nắng sắp tàn. Tôi ngước lên dẫy núi sau nhà bạn tôi, chỉ non nửa tầm pháo kẻ thù là chúng bắn tới đây. Trên cao kia đồn biên phòng và những người lính Ngụ binh ư nông 314 đang hàng ngày làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương. Tôi nhìn về hướng nam, tôi nhớ và biết ơn bao nhiêu người bạn chưa hề biết mặt tôi đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ vì đồng đội này.
Tôi chợt thấy hiện ra gương mặt cháu Quang cận, anh Lê Trí Dũng, anh Nguyên Quóc Chinh, chị Võ Thị Ánh Tuyết, chị Nguyệt Thu Lâm, các anh chị miền nam nhiệt tình hỏi thăm mua sách.
Nhớ tới cháu Giang Đàm đi bán sách giúp tôi, nhớ cháu Khánh béo đến nhà tôi bê sách đi bán. Nhớ và cảm động những ngày các chị Tuyết và Lâm Thu Nguyệt đi giao sách vất vả thế nào. Nhớ chị Quỳnh Hợp đã viết bao nhiêu là bài hát về CCB sư đoàn tôi. Và đặc biệt bạn Trần Lệ Nam đã giành nhiều công sức thời gian cho việc nghĩa với đồng đội của tôi. Chị là người đồng hành trong những công việc đầy vất vả và tốn kém nhưng cũng đầy tự hào thầm lặng. Tôi nhớ và cám ơn hàng trăm người bạn vào đọc bài động viên và chia sẻ việc làm của tôi với anh Hiện anh Vần. Tôi biết ơn tất cả.

Nhìn sang trung tướng Khuất Duy Tiến thấy cụ già khỏe khoắn tươi cười tôi trào lên niềm biết ơn các anh trong BLL đã bỏ công sức đi cùng tôi để chứng kiến nghĩa tình trong chuyến đi đầy vất vả này.

Đêm ở Xín Mần không giống như ở bất kì một nơi nào mà ta từng đi du lịch hay dong duổi đường trường. Lặng lẽ, ngào ngạt hương của rừng. Đêm ở đây màn đêm sự khiêm nhường giản dị. Tôi có cảm giác đến tiếng gà gáy khuya ở đây cũng hiền. Hương rừng không giằng xé thính giác khíu giác con người . Mùi nào ra mùi ấy cơn gió nào ra cơn gió ấy. 4 giờ sáng tôi ra đầu ban công khách sạn ngước nhìn lên đuôi dẫy Tây Côn Lĩnh. Môt màu sáng bàng bạc có những dải mây bay về phía Xi Ma Cai. Mùi mận Nàn Ma từ nhữn xe hàng dưới chân nhà tôi ở và tiếng cười của những cô gái La Chí đi chợ sớm lanh canh khua vào ban mai.
Chúng tôi trở về xuôi trước đoàn truyền hình QPVN. Họ còn ở trên núi kia họ còn theo Sèn Vạn Vần ra nương ra ruộng bậc thang, họ còn tiếp tục làm cái phim phóng sự về một ông già Nùng đầy chiến tích mà sống hoang hoải bấy lâu. Trên đường trở về tôi sẽ lên Vị Xuyên thắp hương cho những người đã hi sinh trên biên giới Vị Xuyên mấy chục năm trước. Cuộc chiến BGPB đâu chỉ có Vị Xuyên, nhưng Vị xuyên nhắc nhở ta một thời về sự tàn bào của kẻ bất nhân láng giềng. Những người đi cùng tôi thì vui vẻ về một chuyến đi thành công tốt đẹp còn tôi thì không giống họ, bởi trước mắt tôi còn nhiều việc tôi phải làm, tôi làm vì tâm hồn tôi chứ không nhân danh một tổ chức hay một ban liên lạc nào. Nhưng tôi biết ơn họ vì họ hiểu được việc làm của tôi. Cũng như tôi cám ơn các bạn đọc trên trang cá nhân của tôi mà ủng hộ mà yêu quí các nhân vật của tôi đã viết. Hạnh phúc của tôi là ở đấy. Hạnh phúc của tôi là ở chỗ chỉ vài ngày nữa thôi ngôi nhà của Nguyễn Xước Hiện sẽ được bàn giao cho gia đình anh ấy. Tôi không có mặt vì tôi lại phải đi Tây Nguyên đưa Sèn Vạn Vần về thăm lại nơi Vần đã từng diệt nhiều xe tăng và hàng mấy chục quân địch ngày xưa. Tôi sẽ còn tâm nguyện viết về đồi Chalie và ước mơ dựng tấm bia trên ngọn núi mà mấy trăm đồng đội tôi ngã xuống.

Tạm biệt Xín Mần tạm biệt ngọn núi Gia Long có tam giác mạch. Tạm biệt những người La Chí người Nùng goi tên tôi như người thân của đất này. Tôi tự hào vì Xín Mần đã nhớ tôi và yêu tôi

13/7/2015
Đường lên nhà Sèn Vạn Vần và cửa khẩu Xín Mần gần nhà Vần







Sunday, July 12, 2015

CHIỀU BÊN HANG LÀNG LÒ


Hun hút gió lùa
Cửa hang ba mươi năm lạnh lẽo
Chỉ còn cát sỏi và đá trong bóng tối
Hang làng Lò tháng 7 nào cũng nóng dần thêm
Tôi gò lưng theo bờ ruông đi lên
Rau Dớn kín cửa hang rung ngằn ngặt
Những dấu hỏi lặng im tím lịm núi rừng


Chỗ các anh nằm cát thở phập phồng
Đá thủ thỉ còn hồn trinh thì im lặng
Lập lòe nến và dơi bay chập choạng
Tôi dò tìm vách đá những dòng tên

Tôi mò tìm trong cát đá những manh quần
Giầy dép rách linh hồn lành quay quắt
Hang làng Lò gọi là hang quân y chứ đừng gọi hang người chết
Đồng đội tôi còn neo lại chốn biên thùy


Còn bao nhiêu đồng đội ở trên kia
772, 685 ….. mìn giăng im như đá
Bè bạn gọi xuống hang mà không thể
Gác ở lưng trời xương cốt lạnh lắm không?


Khói hương trên 468 bập bùng   
Vợ, con, chị, em gọi vọng lên 1509
Cha mẹ già từ miền xuôi lên cửa hang đứng đợi
Tóc bạc ngồi nghiêng suối Thanh Thủy cạn dòng


Tháng bẩy ơi, hương khói ngát mây trời
Thơm từ biên cường thơm về hải đảo
Ơi con sáo rừng hót trên cành mộc miên bên cửa khẩu
Có điều chi bâng khuâng thấm ướt chiều.


Quê những người góa phụ ở đâu
Hơn ba mươi năm khăn trên đầu vẫn trắng
Đứng tím cửa hang thăm thẳm
Mắt đàn bà đốt lửa cả hoàng hôn


Chiều nắng nóng ở hang Làng Lò 11/7/2015

Wednesday, July 8, 2015

NƯỚC MẮT TRÊN BỜ BIỂN


( Tặng Minh nhớ ngày đánh ra biển Tuy Hòa)

Đã bốn năm chưa nhìn thấy biển
Nay biển đây rồi cha mẹ ở đâu
Mùi của gió mùi ngái thơm cua cá
Sao giống quê mình thế mẹ ơi



Con trước biển thương đời cha vất vả
Cửa Lục, lán bè, còi tàu rúc bến Đoan
Con nhớ mẹ lấm bụi than trên tóc
Ngày tiễn con đi đứng khóc ở bến phà


Ơi phố cũ những cây bàng cổ thụ
Lá mang thu gieo xuống tóc thủy triều
Đêm đánh giặc má tiền tiêu sao rớt xuống
Con nhớ về mặt vịnh sáng đèn câu


Thư cha gửi từ Hạ Long thơm mùi biển
Chúng con đào hầm đêm đánh địch ở Gia Lai
Chúng con đuổi kẻ thù ra cửa bể
Đến biển rồi mà cha mẹ vẫn xa xôi


Ngoài kia gió xanh trời Đông Tác
Cánh buồm nào ăn gió ngược Hạ Long?
Cho con gửi về cửa sông vua Trần dìm thuyền giặc
Tiếng súng chúng con ở cửa Đà Rằng.


Mấy năm rồi biền biệt phía trời Nam
Lại một chiều con khóc trên bờ biển
Ôi đâu cũng màu nước con yêu mến
Hải âu nào cũng giống biển mình thôi


Chôn bạn bè ở cửa biển biển ơi
Quê bạn nơi nào cũng về đây hứng gió
Khoác súng lên lại vội đi, đi nữa
Con đứng nhìn, biển khóc, mẹ cha ơi!


Thương nhớ Minh sáng 9/7/2015