Saturday, August 29, 2015

THÁNG CHÍN MÙA MƯA




Mưa dầm dề, mưa hàng tháng trời không dứt. Ngớt mưa, chỉ hai ba tiếng sau lại mưa. Cỏ, cây, lá dính vào nhau chưa kịp khô nước để tách rời nhau thì lại dính mưa, thế là lại gục mặt vào nhau ủ rũ. Cỏ cây đã thế, con người cũng chẳng khá hơn. Cán bộ B và C đi bám địch về ướt và bùn đằm như lợn rừng.

Nói, mưa thế nó cứ ngồi trong hầm thỉnh thoảng ra thả quả cối, bắn vài tràng đại liên rồi lại thôi, mọi con đường chúng giăng đầy mìn mo và US. Phía Pờ Lây Ku, Hàm Rồng, cứ một tiếng đồng hồ là pháo giã sang chúng tôi. Nó cứ bắn mươi lăm quả, rồi thôi chừng 20 phút lại bắn nữa. Lính ta gọi là pháo đĩ. Lại còn thứ pháo khác hơn ấy là khi pháo Hàm Rồng bắn là tiếp theo sau pháo Thanh An cũng bắn, rồi tiếp nữa là pháo đồn Tầm và Mỹ Thạch ùa theo. Mẹ cha nó! nó gọi là pháo dàn, pháo giao hưởng Tân Tây Lan. Một thằng bắn vào đâu là các trận địa pháo của nó bắn hùa vào kiểu như đánh hội đồng. Chả biết từ bao giờ, lính ta gọi loại bắn hội đồng là dàn Tân Tây Lan. Tân Tây Lan là gì, lính chả thằng nào biết. Nó cứ bắn một tiếng rồi lại tạnh. Rồi lại một thằng bắn vào tọa độ nào đó thì tất cả thằng khác a dua bắn theo. Đủ loại đùng đoành, thì thùng, bong bong, kùng kùng. Những lúc ấy tôi hay nghĩ tới đi đêm trong xóm, hễ một con chó sủa là y như chó cả xóm sủa theo điếc tai. Cứ như vậy, mưa nhưng nhức buồn, pháo dấm dớ tưng tức. Mùa mưa kéo dài ấm ức vô cùng.
Kiềng chúng tôi nằm xa suối, cheo lưng lửng giữa rừng. Đường 19 ở phía Nam cách chừng cây số. Lúc trước chưa có đường tăng xuyên qua thì kiềng ở gần suối, bây giờ con đường tăng lồ lộ loe loét đất đỏ, kiềng phải dịch xa hơn. Thế mà pháo địch cứ tẩm quất suốt đêm, ngày vào cái con đường dù chả thấy cái xe tăng nào chạy qua. Bọn lính bộ binh thì biết mấy thằng xe tăng ở đâu, nó nằm kín như hũ ở một cánh rừng già nhiều cây cổ thụ cách chúng tôi 5 cây số. Không có cây cổ thụ thì xe tăng phơi ểnh ra. Ở Tây Nguyên, xe tăng cứ một năm có độ vài trận đánh. Trận nào có xe tăng là khủng lắm, lính ta lên tinh thần rõ dệt. Nhưng thường là bọn nó nằm chờ. Gọi là cơm ăn ba bữa chờ thời xuất kích. Chỉ có bọn bộ binh chúng tôi là vầy vò cái đời thằng mục. Có hôm mò mẫm ra đó xin tí xăng , xin tí thuốc lào. Bọn lính xe tăng nhìn bộ binh ốm đói chúng tôi ra chiều thương hại. Này thì cho thuốc, này thì cho lọ xăng đựng bằng cái lọ thuốc chống muỗi dặn với theo về đổ ra cái gì đó không thì nó chảy nhũn cái lọ nhựa nhé. Rồi chúng nó lại chúi đầu vào Tu lơ khơ, Tiến lên . Chúng tôi ra về qua cái bếp Hoàng Cầm của bọn xe tăng, thấy anh nuôi đục thịt hộp sào với măng le thơm điếc mũi. Nuốt nước bọt, mẹ kiếp cũng là đời thằng lính !
Tháng chín mùa mưa. Mà sao cái tháng chín ấy nó nhiều thứ kỉ niệm với tôi đến thế. Thà cứ quên mẹ nó đi lại đỡ buồn, đằng này cứ nhớ cứ thút thít một mình cho thêm khổ. Tháng chín năm trước nữa, chúng nó đi bộ đội vãn trường học. Bọn đi đợt ấy vào Quảng Trị ngay từ đầu tháng 1 /72, rồi tháng chín năm sau lại đến bọn mình. Mà năm nào tháng chín cũng ngập lụt. Nước cứ dập dềnh mặt cầu Đuống khi chúng tôi qua sông. Lại nhớ mùa hè năm ngoai, nước sông Hồng thì to mà máy bay Mỹ thì gầm rú suốt ngày. Chúng tôi lại ra đi vào tháng chín. Mưa tơi tả trên ba lô người lính. Lâu rồi thành quen, chân đi bùn đất đỏ bết lên khoeo lấy dao găm cạo đi rồi đợi khô sỏ bít tất vào mà ngủ. Hầm chật nằm theo kiểu J Q K bít tất thằng này dúi mõm thằng kia . Mồ hôi thì còn nhận ra mùi thằng nào, chứ tất thối thì chịu, thối giống nhau, thối cùng mùi chuột chết. Hầm tôi có thằng Nhớn, nó bảo bây giờ ngạt mũi là sướng nhất. He he, tôi bảo thì mày cũng không ngửi thấy mùi bữa ăn, sướng gì ? Nó lườm, bữa ăn có cái đéo gì có mùi thơm mà ngửi. Ngoài cửa hầm mưa rỏ lõm mép be bùn đất đỏ, có con cuốn chiếu co tròn như đồng xu lăn trong nước. C trưởng lép nhép ngó ngoài hầm, này ! B này cho bộ phận dông ra ngoài cảnh giới thám báo nó hay lợi dụng mưa mà mò vào lắm đấy. B trưởng gọi thằng Nhớn và tôi đi.
Mùa mưa, ăn toàn mắm kem với lá sắn. Khỏi nói vì đây là đặc sản. Lá sắn làm rau thì mọi người biết, còn mắm kem thì tôi đồ rằng khối người chưa biết. Nước mắm thì đun tinh lọc từ cá ngâm. Mắm cua cũng ngâm cua rồi đun cô lắng nước ngâm cua ấy mà thành. Mắm kem là ngâm lá sắn tươi rồi đun với muối, đun mãi cô đặc lại thành bánh như Sô Cô La gói giấy ni lông gửi xuống đợn vị hòa nước sôi ra mà ăn. Mặt trận Tây Nguyên phân tích trong đó có rất nhiều thành phần bổ dưỡng, ngày ấy chúng tôi nghe ù tai về công dụng mắm kem B3. Khiếp cứ như là nhân sâm. Chúng tôi ăn cái thứ mắm này miệt mài cho tới hết chiến dịch Ban Mê thuột 3/1975 .
Đời tôi vì ham thích đàn hát nên sau này có vô khối đợt hội diễn văn nghệ của trung đoan, sư đoàn cũng được tham gia. Có lúc thì chỉ chạy vạy phông màn cho người diễn, cũng có lúc được làm người diễn. Nhưng đa phần là long toong. Nhưng tự hào thì có. Có phải ai cũng được đi hội diễn đâu. Nhưng hội diễn trong rừng đang đánh nhau vào mùa mưa năm 1973 là tôi nhớ nhất, nói thực tôi yêu nhất cho tới bây giờ. Hội diễn năm ấy là của mặt trận đường 19 kéo dài. Gồm cả sư đoàn 320, cả E25 độc lập dưới Đak Lak lên, cả trung đoàn pháo 675 ở tận ngoài Pô Ko vào , ở kề với bọn tôi là E cao xạ 593, lại thêm cả tiểu đoàn độc lập 631 và bộ đội du kích huyện 4, huyện 5. Cuộc thi thố này diễn ra ở Đức Cơ. Chúng tôi gọi là kiềng làng Bò hay lính phía trước hay gọi là rừng Xoài. Từ phía trước về Đức Cơ, chúng tôi đi một ngày. Khổ cho bọn E25, chúng nó đi mười mấy ngày, vừa đi vừa tập cho xong tiết mục. Bọn 675 mới từ hậu phương bổ xung lính từ trường nghệ thuật QK4 nên oách nhất về chương trình. Mưa vẫn rầm rĩ. Ba lô vũ khí “diễn viên” ẩm sì sì. Trông diễn viên mặt mũi thảm hại áo quần mốc meo bẩn thỉu. Bọn e 25 đến nơi trong sự hân hoan của thủ trưởng Sư Đoàn. Ông Kim Tuấn ôm lấy anh Hữu đội trưởng văn nghệ e25 mà ngân ngấn nước mắt. Thì ra trên đường lên Gia Lai hội diễn đội văn nghệ gặp thám báo quây, họ bỏ đàn nhị, ba lô xuống, dưới sự chỉ huy anh Hữu đánh một trận tao ngộ diệt 4 thằng thám báo, giữ nguyên đội hình không sứt mẻ. E 25 gọi lên F320, Ông Kim Tuấn và ông Bùi Huy Bổng bần thần như kiến đốt liền cho một trung đội đi đón, thương thế. Khi đến nơi hội diễn ruột tượng gạo của đoàn e25 chỉ còn vừa một bữa. Hai ngày hội diễn là hai ngày mưa. Cái hội trường chìm xuống đất một nửa chứa được ba bốn trăm người. Micoro là cái đài O
Rion Ton . Chúng tôi hát say sưa,vừa hát vừa khóc. Lạ thế chứ, chả biết độ hay đến thế nào nhưng lính diễn cho nhau xem hát cho nhau nghe mà xúc động quá. Mãi mãi về sau, xem ở đâu, nghe ở đâu chương trình nào, tôi cũng không có xúc động như thế. Pháo địch cứ ì ùng bắn về phía Chư Pông, phía Pơ Lay Me, ở đây vẫn hát. Tấu hài của E25, tổ khúc Trận Địa Pháo bên dòng Pô Kô của 675 và đàn tính của 320, tôi nhớ tới bây giờ. Nhớ màu trời hôm ấy, nhớ nước mắt của các ông chỉ huy hôm ấy. Ông Phí Triệu Hàm, ông Bùi Huy Bổng ông Kim Tuấn … đều khóc vì thương lính, vì tự hào với lính của mình .
Năm sau tháng chín chúng tôi về Nam đường 19. Mùa mưa địch nống ra đường 5B 5A, phía đồn Tầm, Bàu Cạn, địch tổ chức hành quân, phía làng Dịt, địch lấn chiếm, thế là mùa mưa cứ dấm dứt đánh nhau. Lại bao nhiêu đồng đội chết vào mùa mưa. Khiêng nhau về đến phía sau đã hơn ngày, người hi sinh trương nứt lên tấm tăng cái võng bó cho họ đầy bùn đỏ. Đắp mộ rồi mưa tong tỏng nước róc rách chảy trên lùm mộ mới. Nước mắt và nước mưa mằn mặn trên mép lính. Mùa mưa đi chậm dề dề .
Tháng chín năm sau nữa, mưa sầm sập mỗi ngày một trận buổi chiều trên mái tôn Đồng Dù Củ Chi. Mưa sủi bong bóng ngoài hiên, nhớ như mưa ở quê mình sắp gọi nhau đi bắt cá rô rạch. Những cơn mưa vội đến vội đi làm sạch bong không khí Gia Định Sài Gòn.

Mưa. Chúng tôi sắp về với quê hương cha mẹ.
Mưa. Lại nhớ bao thằng vùi thân trong đất đỏ dườn dượt nước và khói pháo trên Cao Nguyên.
Mưa lại nhớ những đêm đói tái người trong hầm ở phía tây Pơ Lay Ku.
Mưa lại nhớ giai đoạn cuối của chiến đánh vào thị xã Kon Tum bải hoải đói và lắm hi sinh.
Mưa lại nhớ bạn mình hát trong tầm đạn pháo, lại nhớ căn hầm đất đỏ thân thuộc có mùi giun chết.
Đã 4 mùa mưa. Mưa! chúng tôi sắp về
 30/8/2015

 

Friday, August 28, 2015

Mưa chập chiều



Mưa lạnh cả vào khói thuốc
Chiều vẫn thu ấy mà
Màn mưa loang loang như khói
Những mưa chiều rất xa

Dòng đời trôi bì bõm
Gió trôi về miền hư vô
Có cơn mưa rừng xanh thẳm
Dập dồn gõ vào già nua

Tháng bẩy mưa nhiều đến thế
Bầy quạ trốn đi tự bao giờ
Chuyện Ngưu Lang Chức Nữ
Đời không còn nhớ nữa đời đành nam mô!

Tàn theo vài điếu thuốc 

Là hồn lính ngày mơ
Tháng bẩy còn nhiều mưa lắm
Rừng già trai trẻ ngày xưa


29/8/2015


Thursday, August 27, 2015

THU HOA RÂM


Thu rớt hoa râm giọt nắng
Thu vấp bàn chân lá vàng
Phố thu se se ngõ vắng
Người đâu? xa ngái đường xưa


Chiều rơi xuống bên kia hồ
Bên này mắt nhau hối hả
Có một ai ngồi đếm gió
Hồ Tây có là hồ xưa


Có ai tặng ai quai nón
Chòng chành mùa thu rơi rơi
Sóng vẫn nghiêng bờ trúc bạch
Người mang tiếng guốc đi rồi


27/8/2015 

 

BÀI THƠ THÁNG BẨY


Tháng bẩy chả phải của riêng ai
Mưa ngâu đến lại buồn cho nhân thế
Dù cứ nghĩ cứ nhủ lòng như thế
Tháng bẩy về lại khóc đồng đội tôi


Việc gì phải chọn một ngày để nhớ
Tình yêu thương chúng tôi gánh suốt đời
Đâu cứ phải một ngày cho liệt sĩ?
365 ngày để tủi những hồn ai? 


Thắp nén hương vẫn đang còn cháy dở
Hoa lấp lên hoa người vội vã xa về
Con trẻ sáng ngời khăn với áo
Chụp ảnh bên tượng đài hương khói chửa bay đi 


Chỉ có lính già khóc cho nhau lập cập
Ngực chói nóng gói thuốc cao huyết áp
Hồn người chết dìu chúng tôi đi suốt hàng ngang hàng dọc
Gọi nhau, gọi suốt đời này 


Còn bao nhiêu người chẳng có mộ nơi đây
Còn bao người suốt đời vùi trong khe núi
Còn bao người ngâm xương dưới đáy đại dương lạnh lùng và tăm tối
Tháng bẩy sao cứ phải của riêng ai?


Tháng bẩy là của tất cả chúng tôi
Của tất cả những người đã một thời cầm súng
Của tất cả cha ông ta từ thủa chưa có súng
Của sự thẹn thùng cho cái gọi lương tri


Sao cứ đến tháng này mới nhớ những người mẹ mất con
Tôi ao ước dù biết rằng không thể
Ngày một ngày rằm thắp hương tiên tổ
Có mồng một nào thắp hương cho người giữ nước đã hi sinh 


Sao cứ chọn năm chẵn mới tri ân
Chúng tôi hiến thân mình đâu chọn ngày chọn tháng
Chúng tôi vào trận chẳng kể gì sự sống
Chỉ chọn cho mình vì Tổ quốc hiến dâng


Chúng tôi không phải những linh hồn vạ vật lang thang
Rằm tháng bẩy đừng cúng chúng tôi bằng cháo lá đa và muối
Chúng tôi đội ngũ điệp trùng những người có tên có tuổi
Dù nghĩa trang bạn tôi chửa kịp về 


Rồi sẽ đến một thời ngày giỗ vọng rất xa
Thành ngày “tết’’ có rất nhiều hoa trắng
Có đất nước nào suốt trăm năm chiến tranh dai dẳng
Mà nhớ sự hi sinh chỉ có một ngày?

Monday, August 24, 2015

Nhớ Mẹ

Đã mười hai năm chỗ này không có mẹ
Mười hai năm lửa cũng chẳng đượm hồng
Ấm nước đấy mà than chừng tàn lụi
Bếp lạnh lùng cả mùa hạ mùa đông


Chữ cháu viết ngày còn bà vẫn đó
Mà bà đâu, ai gọi cháu mỗi chiều
Muội than cứ vương vào thương nhớ
Mẹ vẫn về trong khói bụi gieo neo


24/8/2015
 

Sunday, August 23, 2015

Phá đình ( AN ) Phần 2


( tiếp theo)
Quẳng cái đòn sóc vừa gánh bó lá xoan về cân nhập ở sân kho, An bước vào trong nhà kho của đội sản xuất. Nhà của đội xây tường gạch lợp lá cọ có hai cái bàn to và 4 cái ghế băng quây xung quanh. Ông Túc đang hí hoáy ghi chép trên cuốn sổ dầy cộp ngẩng lên hỏi:
-  Hôm nay chi đoàn có được tấn phân xanh  không cháu?
-  Dạ tấn hai. Chiều nay đề nghị bác cho  băm luôn để ủ bùn kín với phân chuồng để mươi ngày nữa kịp hoai rồi tung ra ruộng... Mà cháu xin phép bác cho cháu nghỉ hai hôm cháu đi chợ. Ông Túc giật nẩy người  ngẩng lên
- Chợ là chợ thế nào, cần phải gấp cho kịp kế hoạch của trên xã. Không được, không được.
An nhìn thẳng vào ông đội trưởng, thấy ông nhìn mình  như giận lại như ái ngại.
- Cháu phải đi bán cân chè lấy tiền đong gạo.
- Chết chết , chè pheo đang cấm, thuế vụ họ làm dữ lắm, không đi được đâu. À mà giấy của xã chỉ có quyền cho mang 5 lạng thôi cháu ơi. Cháu không biết thành phần tiểu thương là cái thành phần … gì ấy nhỉ,à thành phần cách mạng nửa vời à? Mà có khi còn là phản cách mạng ấy chứ.
An bặm môi. Cháu không xin giấy, cháu chả tiểu thương đại thương gì hết, nhà cháu làm ra thì cháu bán, không cho mang thì cháu dấu thiếu gì cách hả bác. Chả nhẽ ngồi chết đói mà nghe theo lệnh xã à? Xã nào, chính quyền nào lại muốn dân chết đói?
Ông Túc nhìn con bé mười bẩy tuổi đầu mà nó bặm môi nói những nhời như cứa dao. Những nhời của nó ông cũng muốn nói mà không dám vì ông là đảng viên, là đội trưởng. An đứng dậy cầm cái nón phẩy phẩy bước ra ngoài.
       Nắng nhễ nhại, nắng hắt cái mùi hăng đến nhức đầu của đống phân xanh mới chất về ngoài sân kho phả vào. Ông Túc hắt hơi liền mấy cái. Ông lẩm bẩm, tí tuổi đầu mà đã lo đến miếng ăn cho cha mẹ, được của nó đấy chứ.

        Tối ấy, An lục đục gói ghém cân chè. Hết chia nhỏ lại gộp làm to. Bần thần một hồi, An bèn đổ chè vào cái khăn đen của mẹ, dúm lại rồi tụt quần ra, lấy cái thắt lưng hoa lí cũ của mẹ, buộc dúm chè vào bụng rồi chùm áo làm như người chửa. Không được, cô lẩm bẩm mặt mình non quá. Không qua được với cặp mắt mấy ông thuế vụ cửa ga. An chợt reo lên, lấy cái túi sách của anh Phiện hôm từ tỉnh về vẫn để ở nhà. An sẽ làm một cô học sinh chuyên nghiệp liếc mắt và tươi cười với mấy anh nhà thuế. Chỉ cần có thế lọt qua ga nhà mình về đến thị xã là lãi được hơn một đồng. Mua được dăm cân gạo chứ đâu phải chuyện đùa. Mãi gà gáy An mới ngủ được.  Vậy mà An lọt được thật. Chả hiểu An lúng liếng hay xin xỏ kiểu gì anh nhà thuế  lại còn nói với theo, cô em bao giờ về vào trạm anh chơi nhé! Sau đận ấy An cứ  vài tuần lễ lại làm một chuyến, chuyến nào cũng dôi ra mấy đồng. Mấy đồng một  chuyến chè búp mang xuôi nuôi được nhà An cả tháng, quần áo cũng từ lọt thuế mà  lành lặn tươm tất hơn. Cô An xinh đẹp thành bạn quen của cả các anh trưởng tàu  khách ngược xuôi lúc nào không hay.

Chương 2
                                    1
Đã hết mùa thu. Những rừng bạch đàn trên vùng trung du lá đã lấm tấm vàng. Chỉ vài hôm khi cánh lá chuyển sang vàng hươm hươm là nó rời cành rơi quay quay xuống cỏ. Những cái lá nhỏ dài như cái cặp ba lá của con gái con gái dải một tấm thảm màu nâu trên cỏ. Cả mặt đồi thơm như một thứ dầu   thơm sức trên tóc những bụi hoa sim lốm đốm màu tím. Ve cũng không còn kêu, đàn  bò cũng đã ngoe nguẩy cái đuôi đi xuống chân đồi, ở đó cỏ vẫn nhiều và lẫn những  bụi hoa lìu đìu tím như quả vối chín. Bò  mẹ bò con ngển cổ kéo những ngọn lá đùm đũm, có những núm gai như răng cưa mềm mềm  vị ngọt. Chỉ ở chân đồi đàn sáo bạc má mới lại gần trâu bò, chúng nhẩy trên  lưng trâu, lưng bò mà rỉa những con rận bám chắc ở vai, ở chân lông trâu, thỉnh  thoảng lại bay ré lên vì tiếng súng Ak từ trường bắn gần đó nổ bôm bốp vọng lại.
          Thường  bó gối ngồi chờ đến lượt mình vào bắn. Thế mà đã hai tháng trở thành người  lính. Mới hai tháng trước cứ sáng ra lại đi tìm sách vở để lên lớp. Vội vàng đến quên cả ăn sáng. Mà làm gì có mà ăn. Vậy mà bây giờ những bữa cơm ngô lúc trời  còn tối đất ăn vào vẫn thấy nhễnh nhãng như lúc còn ở trường nhịn ăn sáng quanh  năm. Ngón tay chai ở mặt trong ngón thứ ba vì cầm bút bây giờ thấy ngưa ngứa.Thì ra những mụn chai ấy nay đang mềm trở lại, nó mềm lại thì nó sinh ra ngứa.  Ngứa như mọc da non một vết sứt sẹo nào đó. Thường lấy búp sim kì sát lên chỗ ấy,nhựa sim thâm thâm lên ngón tay giống hệt như bàn tay người quê sao chè búp. Thế là đỡ ngứa. Hóa ra những thứ nhựa đắng chát lại có ích, càng chát càng đắng, nó càng làm dịu những cơn ngứa hoặc những chỗ nhiễm trùng trên thân thể động vật.Mặt trời lên, sương cũng đã tan hoảnh. Đứa thì rúc vào bụi sim đứa ngồi dựa gốc bạch đàn, sườn đồi trường bắn heo heo khói đạn màu lam và tan đi rất nhanh. Cả đại đội toàn những chú lính sinh viên mùa thu. Thường bật cười, chỉ một câu thơ trong lá thư tình của cô bạn trường Sư phạm nào đó viết ngoài phong bì : Gửi anh, lính mùa thu Phạm Thường thế mà phiên hiệu của đơn vị này thành cái tên nghe rất chi là văn học. Lính mùa thu.  Đang mải mê nghĩ ngợi thì B trưởng gọi tên mình. Thường bật dậy xách súng vào bệ.Trước mặt là màu rừng và hình đen thẫm của tấm bia như đang muốn chìm vào hoa cỏ.Anh đưa súng lên, bỗng như trước đầu ruồi mọi thứ sáng lên. Thường nhìn rõ sau tấm bia là một bụi sim rất nhiều chấm li ti tim tím. Màu tím nhập nhòe như vạt rừng mua trên bờ đầm nước quê anh hôm nào… Khẩu lệnh của cán bộ phát ra khô lạnh.  Ngón tay giữa đang ngứa của Thường cọ vào vòng cò khẩu tiểu liên. Thường cảm thấy  thật đỡ ngứa, thấy vết chai học trò biến mất ngay khi viên đạn vừa ra khỏi nòng.
Đời người đặt một dấu chấm than ở đúng cái lúc bóp  cò súng. Viên đạn bắn ra đầu tiên của Thường dù chỉ bắn vào hình nộm trong khoảng  không những hoa mua hoa sim cũng để người con trai xúc động. Đúng khi tiếng nổ  đoành xé tai cũng là lúc mắt Thường thấy màu hoa tím trên đồi rách toạc. Có một  con cò dưới đồng lúa bay lên hấp hoảng nó muốn sà xuống lúa xanh, mỗi lần sà xuống nó lại giật mình vút lên rồi  nó mải miết bay đi khuất. Khẩu lệnh tháo đạn đứng dậy rơi vào không trung. Anh  B trưởng tưởng Thường sợ quá nằm cứng người không dậy nổi bèn lại gần kéo Thường  đứng lên. Thường như mộng du đi về vị trí thu dung phía sau.
Bữa ăn hôm bắn đạn thật của đơn vị có tí chất tươi.  Sáu người một mâm hôm nay có thêm đĩa thịt lợn luộc. Cái đĩa sắt tráng men Hải Phòng dải những miếng thịt mỡ mỏng tang . Ngồi bên Thường, anh Ngoạn A phó cười và đọc câu thơ
“Lạng thịt mỡ thái được trăm miếng thịt
Gắp một thì thèm chịu nhục gắp năm .”
Ở cái đại đội toàn lính sinh viên đại học này lọt  vào mấy anh giáo viên cấp 2. Thảo nào Thường thấy các anh ấy già hơn và phát ngôn cũng tằn tiện hơn. Cứ nhìn vào độ nể của cán bộ trung đội đại đội thì biết.Anh Ngoạn cũng ba mươi tuổi. Anh quê Nam Định khỏe như lão nông. Anh bảo vớiThường, chúng mày là học trò yếu chả có gì đáng trách. Nhưng đã là sinh viên rồi mà không biết lịch sử nước mình thì đáng ghét. Những hôm ở thao trường, ngoài  lúc tập tành ra là thấy anh ghi ghi chép chép. Anh khoái nhất là nghe các bá các cô ở vùng Hà Bắc gọi bộ đội, chú chú trỗi mà ăn con củ. Lúc đầu lính ta ngơ ngác, sau thì mới biết là dân họ quí bộ đội họ gọi các chú, dậy mà ăn khoai lang luộc. Anh Ngoạn bảo với Thường về quê mình mà mời bố ơi ăn con củ này thì chắc dính đòn no.
Anh Ngoạn được cấp trên giao nhiệm vụ là A phó. Cánh lính sinh viên ngoại ngữ về tiểu đội của anh còn sinh viên Tổng hợp và Mỏ thì ở B khác. Ở vùng đất bán sơn địa này sao mà ruồi nhiều thế, nhà nào cũng như nhà nào rổ khoai luộc phải đậy điệm bằng cả cái nón lá lên chốc, ấy vậy mà khi mở cái nón ra ruồi lao vào như kẻ chết đói.
Chiều hôm ấy đi thao trường về thấy cô con gái nhà chủ vác cái gầu sòng để đầu trần, anh Ngoạn hỏi:
-  Nón của em đâu mà không đội thế hả Cún?
Cún cười:
- Em mất cái úp chốc rồi. Cún lại cười hí hí.
Thì ra cái nón của cô Cún đậy rổ khoai luộc phần cho tiểu đội Ngoạn khiến Cún đi làm không dám lấy cái nón ra mà đội. Tối ấy anh Ngoạn hí hoáy ghi chép. Thường lân la lại gần ngó vào, thấy anh viết :…” em à, dân ở đây gọi khoai lang là con củ,cũng giống như quê em gọi cụ già là bủ, nói một lát là một dơn. Mỗi vùng anh qua là một vùng mới mẻ mà nếu ta cứ ru rú ở một xó nhà thì đâu có biết đất nước mình phong phú đến thế…”. Ôi tiểu đội phó Ngoạn viết nhật kí như nhà văn vậy,Thường bắt đầu thấy A phó của mình đầy bí hiểm.
          Bây giờ thì ai cũng đã quen với tác phong bất di bất dịch của lính thời chiến. Thường cũng thấy chẳng đến nỗi như người ta kể, rèn quân đi B đến khô xác cả người. Bằng chứng là vào bộ đội hai tháng anh đã lên hai ki lô.Khi xưa ở nhà gánh hai thùng nước đã thở như trâu kéo gỗ thì nay mỗi tuần hành quân bộ 10 cây số, đeo hai mươi lăm ki lô gạch vẫn thấy bình thường. Chả có cái gì con người không thể làm được, chỉ có sợ quá mà không dám làm thôi. Chiến đấu cần những người dám đánh giặc chứ không cần những người đợi phải biết đánh giặc mới ra trận. Hay thật, ông chính trị viên người dân tộc mà nói hay thế
                                                                                                        ***
Thường nhận được thư của Ngũ. Ngũ nói đang đi thực tập công nghệ ở xưởng trường 4 tuần. Ngũ kể về làng quê đang lâm vào đói kém sau mùa lũ, kể những vui vui háo hức của đời sinh viên lần đâu tiên bước vào xưởng trường với đầy những máy móc thiết bị hiện đại. Chiều ăn cơm xong cả tiểu đội vội về nghỉ ngơi để tối nay sinh hoạt văn nghệ với trường cấp 2 của xã nhân ngày 20/11. Thường lững thững một mình đi lên đồi bạch đàn rìa làng. Anh vun một đống lá bạch đàn khô làm một cái nệm ngồi xuống nhìn ra tràn đồng cày vỡ những hàng cày xoắn vỏ đỗ đất nâu sám trong chiều chớm đông.Heo may! Thường bỗng nghĩ thầm là gió lạnh sắp về. Bỗng dưng buồn. Những hôm hành quân đêm, qua nơi trường cũ của mình sơ tán cũng thấy buồn như hôm nay, khi thấy bạn mình đang khấp khởi với ngưỡng cửa kỹ sư hiện ra. Còn mình, mình sắp đi đến một chỗ không xác định ngày về. Trong thư không thấy Ngũ kể về An, dù lúc ở nhà, Ngũ cũng đã biết Thường và An ríu rít với nhau. Lâu nay, phần do suốt ngày lăn lê bò toài, phần cũng tặc lưỡi thôi dấn vào yêu biết đâu làm khổ người ta khiến anh cũng muốn quên An đi. Nhưng hôm nay bỗng anh nhớ An thế, nhớ mùi mồ hôi người con gái quê mình dưới một đêm trăng. Anh tự hỏi, nếu không có chiến tranh liệu mình có lấy cô ấy không nhỉ? Thường đọc đâu đó những câu chuyện chính chuyên của con gái yêu bộ đội rồi, những anh bộ đội nặng thề với người yêu nơi quê nhà mà cũng vẫn không tự tin với mình. Sự yêu có khi người ta thấy không rõ ràng nhưng mùi của tình yêu thì rõ lắm. Thường biết, những chú lính mới như mình cũng nhiều người có tâm sự như mình nhưng chả ai nói ra, chiến tranh là cái cớ để trai gái vội vã yêu nhau, vội vã xa nhau chả có lỗi gì. Chiến tranh cũng lại là nguyên nhân nẩy sinh nhiều mối tình cao đẹp lung linh chói lọi trong sách trong báo. Mấy ông nhà văn có khi tình yêu của họ cũng be bét lắm nên các ông ấy hay mơ về một tình yêu đẹp, mà vì thế nhà văn tả tình yêu rất đẹp. Người ta viết nó đẹp đến nỗi người đọc cứ ước gì nhân vật trong truyện ấy là mình nhỉ, mặc dù cái nhân vật ấy sẽ chết. Dù sao thì cũng phải cám ơn các nhà văn, cái giá của cuộc sống, của tình yêu trắc trở, của nhà văn cũng quí hóa thật. Thường bật cười một mình, chả dại gì mà làm nhà văn rồi duỗi chân thẳng ra ngả mình nằm xuống cỏ.
Trời trung du xám dần vào tối khiến Thường nhìn thấy rõ hơn một ngôi sao mọc rất sớm phía chân trời.Chợt nghe tiếng bìm bịp ngoài bờ ao. Mùa đông tới rồi,chả biết mẹ có nhớ trước ngày đi, anh mua biếu mẹ miếng vải chéo go để mẹ may cái áo bông đã kịp may chưa. Thường ngửi mùi lá bạch đàn thơm ong ong chợt nghĩ nhớ tới cái mùi cỏ vòi voi hôm nằm nhìn trăng với An. Mới hai tháng thôi mà đã xa vời vợi.

Anh Ngoạn hối hả từ xê bộ về, tay vẫn cầm cuốn sách VNQĐ. Nhào vào nhà gọi :
-  Thường ơi
Thường chạy ra :
-  Việc gì hả anh? Hành quân hay báo động?
-  Hành gì đâu, tối nay có liên hoan thịt lợn,ăn xong họp ngay. Mỗi Bê một hai bài hát, A mình mày phải hát thôi.
-   Sao lại thế?
-   22/12 mà. Hôm nay mới là 20 nhưng như thế có nghĩa là ngày 22 có vấn đề…
Thường nhẩm tính, ừ nhỉ còn ba ngày nữa là 22/12. Mấy hôm nay lính tráng cứ kháo nhau mong cho đến ngày đó để có liên hoan để được miếng thịt. Mỗi lần có sự vụ gì mà được mổ lợn Thường thấy như ăn tết ở nhà. Lính ta gọi những bữa có thịt là bữa ăn hạnh phúc. Bữa ăn hôm đó nhìn nhau đáng yêu hơn, từ lính đến sĩ quan sao mà vui hơn hớn, những lá thư đến vào ngày có thịt cũng thấy vui hơn.
Nghĩ vậy mà Thường lại chợt buồn ngay, sao cuộc sống bỗng dưng mong manh thô thiển đến thế nhỉ? Rồi rất nhanh chóng, anh quên ngay chuyện lí giải về miếng thịt và gọi thằng Chung, thằng Mát đi ăn cơm. Anh Ngoạn dẫn đầu tiểu đội áo quần chỉnh tề mang theo vũ khí đi hàng một xuống nhà ăn ở chân đồi. Các tiểu đội khác cũng xếp hàng, còi thổi toe toe bước chân rậm rịch. Đã gần tháng nay chả hiểu sao đơn vị không được ở trong nhà dân mà di chuyển ra rừng bạch đàn làm lán dã chiến để ở và tập luyện. Thôi thì đủ kiểu phỏng đoán, nào là sẽ đi đánh thành phố, nào là đây là nhiệm vụ luồn sâu vào tít tận Sài gòn. Nhiệm vụ đâu chả biết, chỉ biết mùa đông tới rồi, lán trại phong phanh, nước nôi khó khăn, lính đã khổ nay càng thêm khổ.
Chưa xuống tới nhà ăn, thấy cậu liên lạc chạy vội tới : A phó Ngoạn ơi, anh lên ngay C bộ có việc. Anh Ngoạn rúi vào tay Thường tờ đăng kí bài hát của A mình rồi chạy theo liên lạc,tay vẫn ngúc ngoắc cái bát B52.
Anh Ngoạn bước qua cái cửa liếp tre vào nhà chỉ huy, sững người lại. Vợ anh ngước lên nhìn anh, đôi mắt lăn ra hai giọt nước. Hai vợ chồng nhìn nhau như quên hết mọi người xung quanh,thay vì giơ tay nắm tay chồng thì chị lại nắm chặt chén nước gạo rang trên bàn.Bàn tay rung lên sóng sánh đổ ra bàn những giọt nước màu vàng thơm mùi cơmcháy.
- Mình lên đấy à, bu có khỏe không? Sao biết tôi ở đây mà lặn lội cho khổ thân mình.
Đến lúc này thì chị Năng bật khóc. Chỉ cách có một nhảng chân thôi mà chị không dám nhao lên ôm lấy chồng.Anh Ngoạn cũng thế, bỗng chốc bao nhiêu điều cần nói thì cứ bư bứ trong họng phải đợi đến lúc anh Đại đội phó nhắc khéo, thôi nào vợ lên mà không cho vợ ăn cơ à? Ngoạn mới chợt nhớ ra chắc vợ anh đói lắm rồi đi từ Nam Định lên mất cả một ngày trời thời buổi chiến tranh lấy gì mà ăn đường.
Đại đội phó bảo Ngoạn:
- Anh lấy cơm về lán A mình ăn cùng với vợ.Anh nhìn Ngoạn ái ngại, tối nay ngủ nghê dưới A tự bố trí thôi, đơn vị không có nhà tiếp khách vì sắp …hành quân. Anh hạ giọng… Phải chuẩn bị tinh thần đấy Ngoạn ạ, chiến tranh là chia li mà.
Khỏi phải nói cả tiểu đội mừng thế nào trong bữa ăn hôm ấy. Thằng Chung, thằng Mát thì lo bê cơm về cònThường chạy vội về dẹp cái sạp nứa gọn gàng để tiếp khách. Lúc anh Ngoạn đưa vợ về tiểu đội vừa bước vào lán vợ anh Ngoạn kêu lên:
-   Ôi chú Thường . Anh Ngoạn ơi, chú này người làng mình. Thường ngẩn người nhận ra chị Năng con ông Vang bên xóm Đầm. Tuy chị hơn tuổi và Thường cũng đi học xa nhà nhưng chị là người con gái đẹp nổi tiếng của làng nên ai cũng biết chị.
Anh Ngoạn sau phút ngạc nhiên rồi cười phá lên, thảo nào nó nói cái thang là cái đừng thế mà anh nghĩ ra là nó quê Phú thọ. Ha Ha! Trai Phú Thọ được đấy ha ha. Bữa cơm tối vui thế nhưng cũng không được lâu. Ngoài kia đại đội đang văn nghệ tại chỗ, riêng A anh Ngoạn được ưu tiên văn nghệ ở nhà.Chị Năng tíu tít kể chuyện về nhận được thư của An ở quê gửi xuống nói chuyện anh Thường bạn thân của em cũng đi bộ đội, chị bảo An kể bây giờ đi đâu nó cũng nhớ đến anh Thường. Thường ngồi ngây ngô bẽn lẽn, ngần ấy thời gian anh mới viết một lần thư cho cô ấy khi mới tập trung ở Mễ Trì. Còn từ bấy đến nay có hòm thư rồi anh cũng chả viết thêm lá thư nào, anh thấy mình tệ bạc quá. Chị Năng nói với chồng, chú này học giỏi lắm anh ạ, bố chú ấy làm ở Ban Chủ nhiệm hợp tác xã đấy. Có anh có em thế này em vui quá, em sẽbáo tin cho con cái An biết.
Ăn xong, thằng thì mang trả nhà bếp xoong nồi, thằng vào nhà dân xin ngủ nhờ cho vợ chồng anh Ngoạn.Nhìn vẻ mặt thẫn thờ của Ngoạn mọi người hiểu anh đang lo chỗ ngủ cho vợ đêmnay. Thằng Mát từ trong xóm về mặt buồn hiu, nó bảo dân ở đây người ta kiêng không cho vợ chồng trẻ ngủ nhờ trong nhà họ. Anh Ngoạn bảo không sao chỉ cần có chỗ cho chị Năng thôi. Cả Thường và thằng Mát cũng đồng thanh không nhất trí để chị Năng đêm nay ở một mình. Nhìn vợ mặt thẫn thờ nhìn xuống sạp nứa anh Ngoạn càng rối ruột. Bỗng có tiếng thằng Chung Ninh Bình chạy về nó reo lên :
-  Xong rồi xong rồi, buồn hạnh phúc tuyệt trần nhé. Chuyến này cứ gọi là đẻ con trai hí hí.
Mọi người rục rã nói đi, nhờ được nhà ai mà đã vui thế? Nó bảo :
- Thằng Mát, thằng Thường theo tao tháo cái rơmooc công nông ở kho HTX kéo về gần lán mình quây áo mưa và vỏ chăn lên hai anh chị chịu khó nằm co một tí cũng được nhá. He he. Mọi người ồ lên và chỉ sau ba mươi phút cái buồng hạnh phúc quái dị ấy đã xong xuôi. Nhìn anh Ngoạn ôm chăn màn và cái đèn pin sang phòng ngủ mọi người trong tiểu đội đều vui đến tràn trề. Đêm ấy đến phiên gác của Thường, sương buông lạnh, phía cái rơ mooc thì thầm, tiếng côn trùng, tiếng rung rinh mấy mảnh áo mưa sột soạt làm rơi nhữnggiọt sương đêm trên thảm lá bạch đàn khô. Thường ngồi nhìn về phía Tam Đảo những chòm sao mùa đông sáng lên vắt vẻo trên bầu trời khô khốc.

( còn tiếp)
Chương ba

Phá Đình ( AN). Phần 1

An                             


Chương 1
 1

Nước lụt đã rút hết ra khỏi làng. Hơn một tháng ngâm phù sa đỏ ong ỏng, bây giờ làng mạc như ruộng mạ bị trâu xéo ngang xéo dọc. Vườn tược rau cỏ lá cây, khoai dáy thối khinh khỉnh. Nắng chói chang như mùa hè, nắng chát lên những trái bưởi xót lại trong vườn một miếng nâu đỏ như má gái quê bôi son Hàn quốc. Một thiếu nữ sắn quần vác cái cuốc lội lép nhép, má ưng ửng mà cặp chân mẫm mạp nước phù sa thấm lên bám vào lông tơ màu hồng mươn mướt. Cái bụng chân trông bân bẩn khiến nó càng sexy. An đấy! An đi làm cỏ sắn một mình .
Tháng tám âm lịch sắn đã xuống củ. Chả cần làm cỏ sắn nữa nhưng ở nhà buồn lắm. Ruộng thì vừa rút nước xong chưa làm được gì. Ngồi nhà mà thở dài nhìn làng quê tan hoang với thủy tặc ư? Chịu đói chịu buồn mãi sao. An nhủ, buồn không chết, đói mới chết. Thế thì phải đi vào nương sắn, cái nương sắn này là cứu tinh cả nhà năm nay. Phải giữ lấy nó và phải làm cho nó khác nương nhà người.
Nhưng mới sới vài nhát cỏ mồ hôi dìn dịn, má dìn dịn, nách cũng dìn dịn, cái cảm giác nhồn nhột trong lần áo ngực khiến An buông cuốc. Nắng chấp chóe trên tán lá cọ lẫn tiếng líu chíu đàn chim Hít đậu trên những buồng quả cọ còn non. Một mình giữa nương sắn vắng, An lật cán cuốc nằm xuống đất rồi ngồi lên. Lá sắn xòe như những bàn tay trên đầu, nắng loang lổ má, loang lổ mớ tóc dài của An. Nhìn xoáy vào bụi hoa mua trên đồi mà hình như An chả nhìn thấy gì. Thế là anh Thường đi đã một tháng. Từ cái đêm trăng trên đồi cọ nhìn ra đồng ngập mênh mông nước đến nay, An như mộng du. Đồi cọ đêm ấy như một ốc đảo không có người, chỉ có trăng tưới miên man trên cỏ và lá rừng. Anh Thường phanh áo của An dưới trăng ngậm hạt đậu trên ngực, khiến rừng cọ bỗng lặng ngắt và trăng thì chới với. Đêm ấy khuya, lắm sương ướt cả tóc cả lưng anh Thường. An xoa hai bàn tay trên lưng anh nhìn ông trăng bơi uể oải.  Chưa bao giờ An nhìn rõ chú Cuội đến thế.
Trưa nắng gắt, áo đẫm mồ hôi. An lùa tay vào ngực lau những giọt nước ấm rực trên bầu ngực của mình. Anh Thường ở đâu bây giờ nhỉ? Anh ấy chả giống mấy đứa trong đội thủy lợi tí nào … sao mà cái đêm hôm ấy gió mát mà mình đổ mồ hôi khiếp thế? Nằm ngửa nhìn trăng rồi nhắm mắt lại thấy những giọt mồ hôi bò trên ngực rân rân buồn. Năm ngoái gặp An, anh Thường chỉ cười hỏi em còn đi học không? Anh chả nói chuyện hay để ý đến An. Thấy anh học dưới Hà Nội về, toàn đi chơi với các anh chị sinh viên về nghỉ hè, An chả dám bắt chuyện.Chỉ đến cái hôm vỡ đê, lúc ấy anh Thường cũng đi đắp đê trong mấy ngày mưa tầm tã, anh nhìn An trầm mình dưới nước kéo những bó bổi chèn vào chỗ nứt trên đê. Lúc ấy chả còn ai nghĩ đến áo quần rách toác đến tóc tai bùn đất cứ lăn vào cứu đê. Thân hình An dính chặt vào bộ áo quần như đang sắp bung ra. Ngực An phập phồng hí hóp môi tái lại mà mắt rõ long lanh. An biết anh Thường nhìn mình đăm đắm.Đêm hôm đê vỡ rồi, ai cũng mệt bã bượi, anh dắt An đi tắt mấy quả đồi cọ về xóm.Qua rừng cọ lớn, anh kéo sát An vào, mùi mồ hôi và nước mưa của cả hai đứa nồng nồng. An nhớ cái mùi ấy thế.
Mấy tháng rồi chả thấy thư anh Thường về. Sau hè, bạn anh ấy cũng đi hết. An vẫn đi làm thủy lợi xã vì nghỉ học đã một năm rồi. Nhìn mấy đứa cùng xóm gạo đùm chai tương đi học cấp 3 cũng nao nao. Nhưng nỗi buồn chả được lâu. An chán học. Bạn bè cùng tuổi tóc loe hoe ngực kèm kẹp lép mà An thì má cứ ửng lên như quả hồng dấm sắp chín. Ngực căng thây lẩy như quả bưởi tháng 5. Mỗi lần ngó vào vại nước thấy cặp vú rung rinh. An thích ngắm mình. Chỉ một mình An mới thấy sướng. Hễ cứ sờ tay lên bầu vú là bao giờ An cũng nhớ anh Thường.
Hôm nọ anh Phiện ở Yên Bái về chửi lầm lầm. Mày không thấy bọn thanh niên nó viết bậy ngoài sân kho à? An bảo thây kệ chúng nó, toàn lũ nứng cổ họng ấy mà. Anh Phiên nó giật mình, em gái của mình nanh nọc thế sao? Phiên đã thoát li ra khỏi làng mấy năm nay từ lúc con An còn 10 tuổi nay nó mới 16, nó chả giống những đứa trẻ 16 ở làng, nó nhanh nhẹn nó duyên dáng và mạnh bạo. Phiên bần thần thương em vất vả mà cũng lo cho em …
Có một trưa, đào đất khai mương đồng Chùa ì ọp. Sợ nắng,sợ đỉa lại sợ tàu bay đến thả bom. Thế mà An chả nghĩ đến điều gì trong đầu, chỉ nghĩ đến anh Thường . Mồ hôi thấm đen trên tấm áo gụ chỉ chừa cái hình áo coocxê. Trai làng và cả những ông trung niên mặt đỏ lên dưới nắng. Lúc nghỉ giải lao họ chui vào gốc nhãn ria xóm hút thuốc lào còn An ngồi bên bờ ruộng thả chân xuống nước kì cọ thật chậm. An thích thế . Cứ nhìn từng sợi lông tơ ở bụng chân trắng hồng nổi lên mặt nước, cảm giác mơn man chạy trên ngực trên lưng. Lại có lúc An rất thích nghe giọt mồ hôi lăn rất nhẹ trên bầu ngực mình. Bỗng máy bay ù ù tới, nó bay vút qua nhào xuống cắt bom phía Yên Bái. Mấy ông thợ cày nhảy ùm xuống mương đồng Chùa nấp vào bờ cỏ, ti hí mắt thở hổn hển. Có người gọi :
-  Kìa con An, An ơi xuống đây.
An thây kệ. An ngó lên giời, lọp đọp mấy chấm trắng pháo cao xạ bắn lên. Bom nổ ùng ùng xa lắm. Trống báo yên, mấy ông đàn ông leo lên bờ.
-  Mày muốn chết hả An? nhỡ nó thả bom ga mình thì sao ?
An cười, nó thả thì chắc gì đã trúng. Mấy anh nông dân quần đùi ướt dườn dượt dính bết vào đùi, bùn và bèo tấm in hằn lên bộ súng đàn ông của họ. Nước rỏ tong tong từ cái gấu quần đùi nhếch nhềnh nhệch. An chợt nhớ đêm trăng trong đầm Cả với anh Thường .
Anh Thường học năm thứ hai đại học ngoại ngữ. Nhà anh ấy với nhà An cách nhau một xóm. Ông ngoại An ở gần ngay nhà anh ấy khiến anh biết An từ lúc còn thò lò mũi. Hè rồi anh về, lúc ấy chưa vỡ đê, gặp anh An hỏi như ngày còn bé :
-   Anh có truyện tranh cho em mượn đi. Anh Thường bảo lớn như cái bồ còn xem truyện tranh?
An đi bên anh cười khúc khích :
-   Em chỉ xem có hình thật thôi, chữ nghĩa em kém lắm. Kiểu như giáo cụ trực quan mà thày giáo vẫn dậy í mà.
 Anh Thường nhìn lên cặp má hồng dưới nắng đầy lông tơ của An lẩm bẩm, quái sao con gái ở làng da nó hồng kiểu gì ấy nhỉ? chả giống bọn sinh viên lớp mình cứ trắng xanh tai tái.
Anh bảo với An mùi của em chỉ có về quê mới thấy. An lạ quá hỏi lại. Mùi gì ? anh Thường cấu vào má  An nói mùi này, mùi khói bếp. Đêm ấy lần đầu tiên An thấy mùi con trai. An giữ đầu anh chặt trên ngực. Thấy rõ anh đang ngậm núm vú từ bên ngoài lần áo. Mãi về sau An cứ nhớ anh Thường bảo ngực mình có mùi khói bếp.Mùi khói bếp mà anh thích. An ngúc ngắc cái đầu chịu không thể hiểu anh.
Hôm anh Thường lên trường, An bơi thuyền đưa anh dọc đường tàu hỏa xuôi về ga dưới. Con đường sắt như con đê chắn sông Hồng khúc vỡ khúc lành. Cứ chỗ nào đường sắt bị vỡ, nước xoáy ào vào đồng, nay lại òa òa xoáy đổ ra sông. Bao nhiêu nhà cửa súc vật cây cối trôi đi phập phều, nước loang loang màu gạch cua đỏ nhòa nhoẹt. Thuyền lướt trên những ngọn chuối, những bãi mía, chỉ giơ tay là hái được những trái bưởi vàng, có nhà ai đang đun bếp trên một tấm ván kê trên nóc nhà . Những người ngồi trên mái nhà nhìn hai đứa bơi thuyền đi xuôi như những kẻ lưu lạc khốn khổ. Anh đi rồi, An bơi quay về nặng nề, phần vì ngược nước, phần vì sợ mất anh, nước mắt và mồ hôi cay trong mắt. Lúc có anh, An cứ cười hơ hớ, cứ nhơn nhơn thế mà bây giờ An thấy mình yếu đuối. Mệt quá, An kéo thuyền buộc vào một cành nhãn đầy những quả và kiến đen bu kín. Cành nhãn đen kịt những kiến những ong trú ngụ. An phập phồng, nỗi buồn thân gái của mình cũng mỏng manh như con kiến mùa lũ bất chợt. Thế mà hôm ấy An vẫn không biết là anh vội về trường để nhập ngũ.

Ở làng có mấy anh hay chơi với nhau An đều biết. Anh Ngũ học ở Bách Khoa nhà gần hơn nhưng anh ấy hiền quá, it nói quá. Mùa hè nào về anh ấy cũng thổi sáo ngoài đình. Nghe bâng khuâng, An nghe như gọi An vậy. Ấy thế mà gặp anh Ngũ, An cứ ngài ngại. Anh Ngũ cũng ngại. Chả hiểu ra làm sao? Sau hôm anh Thường đi, tình cờ An gặp anh Ngũ. Anh Ngũ hỏi :-
-  Sáng qua đưa Thường đi à? An vâng !
 Ngũ nói khẽ :
-Thường đi bộ đội đợt này đấy. Đi đông lắm, anh thì vẫn không thấy gọi .
An tủi thân lắm .Thường không hề nói với An rằng anh ấy đi bộ đội. Đêm cuối cùng gặp nhau anh Thường và An lại bơi thuyền vào đầm Cả. Anh ôm An và cứ lặng im. Bỗng nghe có tiếng bìm bịp kêu, anh Thường bảo đi đường mà gặp bìm bịp chạy qua là rủi lắm. An cười cấu vào bụng anh và bảo :
-Thế thì ngày nào em cũng rủi. Quê mình bìm bịp đi qua đường bình thản như gà, chỉ khi có người đến gần nó mới bay. Khiếp, đi làm cỏ sắn toàn nghe bíp bìm bịp. Khiếp khiềm khiệp.
Anh Thường cười buồn buồn. An lần tay trên ngực anh,cắn lên vai trần của anh. Anh bảo An, vị thành niên mà đáo để. An hỏi sao em lại là vị thành niên? Anh Thường bảo em chưa là người lớn. An bĩu môi, em lớn hơn khối chị ở làng. Đây anh xem An kéo tay anh, bàn tay anh đặt lên ngực An nóng như lửa…trăng nhợt nhạt trôi trên rừng cọ đêm thẫm khuya.

Nước rút rồi mà lúa vẫn chưa hở ra. Kiểu này thì đói lắm đây. An thấy Ngũ hiền, thấy anh thật dễ thương, dễ gần nhưng anh ấy không giống anh Thường. Đêm đêm thanh niên làng ra ngồi ngoài đình, xung quanh là nước trắng phật phờ chưa rút hết sau trận vỡ đê. Ngồi bên Ngũ, An thèm cái bạo liệt ở Thường. Mai là ngày 2/9. Năm nay vỡ đê lụt cả làng nên xóm này đến xóm kia toàn là chèo thuyền và đẩy mảng nứa. Người người áo quần ướt rồi lại khô nồng khú lên. Thế mà vẫn trống cà rình inh om vẫn tiếng loa phát thanh của xã trên ngọn cây nhãn, trên gò Cao. Loa đọc bài xã luận của báo Nhân Dân, đọc bài của huyện yêu cầu nhân dân phải tập trung khắc phục lũ lụt, động viên con em tòng quân. An nghe tin chiến thắng ở trong miền Nam rộn rực lại nôn nao nhớ Thường. Hôm ấy anh Ngũ cũng cứ ngồi im bên An, anh không thổi sáo nữa, đêm ở quê nước vàng ánh lên, đồng làng mùa lũ còn sáng hơn cả ánh trăng. An thấy trăng hôm ấy nhợt nhạt, còn anh Ngũ cũng nhợt nhạt như lùm chuối nổi lên ở bãi sân đình. Những tàu lá chuối láng phù sa như cái bánh tráng chưa kịp khô.  Anh Thường ở tận đâu đâu rồi? An lẩm bẩm.                                    
                                                        2

          Sớm bửng mù tinh làng xóm đã ra đồng. Sau lũ lụt tràn ruộng nào cũng cao lên khiến bờ ruộng thì thấp xuống, nhoe nhoét bùn phù sa. Thương cho con người một thì thương cho lũ trâu mười. Bùn thụt đến gần bụng, mũi cầy răng bừa cứ ăn miết xuống khiến con trâu nào cũng lặc lè lê chân không nổi. Ông Chủ nhiệm hợp tác xã thì đi hết tràn này sang tràn khác, thúc hối xã viên khẩn trương để cấy vớt. Biết là đã sang tháng 7 âm lịch, cấy lúa cũng chả ăn thua gì nhưng huyện bảo thế thì cứ phải làm. Không làm là chống nhà nước, là không vì miền nam ruột thịt. Vừa nâng cái bừa lên cho con trâu nó đỡ nặng, bà Hiếu vừa nói rõ là to :
- Bây giờ thà gơ khoai lang và trồng rau, trồng ngô ba tháng lấy cái ăn cho qua đận đói còn hơn lao vào cấy lúa, có mà cấy lấy rơm cho trâu.
Ông Túc đội trưởng đang bừa lối sau nói với lên:
- Rõ cái nhà bà này, không nghe quán triệt của huyện, tỉnh hay sao? Bằng mọi giá phải cấy. Phải có lúa, phải tập trung sức người, sức của cho miền Nam, bà không biết hay sao? Rõ là nhà bà không có ai đi bộ đội nên không thấy thương người
Bà Hiếu điên lên :
- Này tôi nói cho nhà ông biết, tôi không có con đi vào miền Nam nhưng con tôi cũng sản xuất thuốc tiêm cho bộ đội đấy nhá, còn hơn nhà ôngm con trai đại học chả chịu đi bộ đội. Ông xem đấy anh Thường nhà ông Vượng cũng bỏ cả đại học mà đi đấy, còn cái anh Ngũ nhà ông, tôi vẫn thấy thổi sáo ve ve ngoài đình đấy thôi. Còn ông bảo nhà tôi không nghe huyện, nghe tỉnh, tôi hỏi ông có ông tỉnh,  ông huyện nào đói không hử? Rõ là …là
Lúc ấy An đang vạ bờ ruộng quay sang nói rõ là to:
-  Bầm có thôi đi không? Việc thiên hạ đâu đến lượt bầm mà vỡ nồi nhà mình. Bà Hiếu im. Ông Túc giật mình, ra cái con bé này nó quá là đáo để. Con gái phải thế mới làm dâu trưởng được. Ông nhìn nó, nó phổng lên nhanh quá, nó đầy những là sức lực, con mắt nó, giọng nói nó có tướng làm thủ lĩnh. Rồi ông lại nghĩ tới thằng Ngũ hiền lành, yếm thế nhà mình. Trong thâm tâm, ông cũng như bà Hiếu nhưng vì ông là đảng viên, là đội trưởng nên nín nhịn.Những cán bộ gần ngồi bệt như ông nín nhịn quen rồi.

Con đường tàu hỏa Hà Nội- Lào Cai sẻ vào giữa làng Hạ thành một đường kính, ở tâm đường kính là giữa làng. Giữa làng thì đương nhiên có sự khác biệt ria làng rồi. Hàng bán nước mắm cá khô ở đó. Hàng lò rèn, hàng nhuộm, hàng cúp tóc cũng ở đó và có một cái điếm để các nhà chức trách tuần phòng trị an. Tựa vào quả đồi có trường tiểu học là một cây đa và bãi cỏ rõ thật mịn làm nơi mít tinh. An nhớ xa xưa lắm, có một cái sân khấu cột gỗ mái lá để diễn tuồng, diễn chèo, là nơi thanh niên tập múa son mì ngày mồng hai tháng chín, ngày rằm trung thu. Thời ấy mới hòa bình vài năm. Những người tản cư từ dưới xuôi lên chưa mấy ai về, làng An còn đông vui lắm.Ông thợ giày cặm cụi ngồi ở gốc vông sửa những đôi giầy Giôn, những đôi Bát kết. Ông thợ bạc có cái đèn xì, ngọn lửa bé xíu xanh lè, chuyên kéo những cái vòng trẻ con. Khoái nhất là ông kẹo kéo. An và đám bạn túm đen túm đỏ quanh ông nuốt nước bọt nghe ông rao : ké…éo đê    
Cái xóm giữa làng này được gọi là xóm Làng. Đứng đầu là ông trưởng xóm. Nay hòa bình rồi, trưởng xóm thường là có chân chi bộ. Rồi lên hợp tác xã người ta biến trưởng xóm thành đội trưởng. Vào hợp tác xã cũng vui nhưng không vui bằng tổ đổi công. Ngày ấy tổ đổi công không có cấp trên dưới chỉ túm nhau vào quanh một ông tổ trưởng đổi ngày, làm giúp luân phiên từng nhà nên vui lắm. Bao nhiêu chuyện vui buồn trong nhà nay mang cả ra tổ đổi công mà chia sẻ. Con người mới đi lên phới phới. Hồi ấy chả cứ gì quê An, đâu đâu cũng văn nghệ, đâu đâu cũng làm sạch xóm làng, diệt muỗi, diệt chuột ăn chín uống sôi. Lũ trẻ nhỏ cứ mỗi tuần vào chiều thứ 6 đi cổ động. Đi cổ động là xếp hàng, đội ngũ chỉnh tề. Trống cà rình đi trước, người chỉ huy cầm cái loa bằng ống sắt tây mà hô to những câu khẩu hiệu. An nhớ lắm và thích thú những câu hô khẩu hiệu của anh Thêm Quỳnh Toét mắt. Anh cầm cái a lô giọng sang sảng :
- Tích cực diệt muỗi diệt chuột là thiết thực bảo vệ cuộc sống của nhân dân !
Cả đoàn hơn trăm đứa trẻ hô to : Tích cực tích cực.Anh Thêm Quỳnh lại hô:
-Toàn dân Thi đua làm sạch xóm làng! Lũ trẻ lại hô theo : Thi đua thi đua! Kết thúc bao giờ cũng phải có câu kết :
- Hồ Chủ tịch muôn năm. Muôn năm muôn năm
Rồi là trống cà rình gõ dồn dập cuối lời hô. Cứ thế, đoàn cổ động đi quanh co hết xóm trong xóm ngoài. Vui đáo để. An đi cổ động nhìn lũ trẻ cởi truồng chưa đến tuổi được đi cổ động cũng vênh váo ra trò. Anh Thêm Quỳnh toét mắt ngày ấy là thần tượng của An rồi. Cứ nhớ lại cái alô bằng sắt tây là nhớ đến một thời xóm giữa làng An, lại thấy nhớ anh Thường.Ngày ấy anh Thường chả ngó đến lũ bé như An. Còn An cứ nhìn anh Thêm Quỳnh toét mắt mà ao ước lớn lên mình sẽ làm người thật là nổi tiếng.
Ông Túc đuổi con trâu ngang qua đình đúng lúc An đang lấy cái cuốc nạo nạo mấy dòng chữ viết bậy trên tường đình. Thật ra thì An cũng thinh thích mấy dòng chữ này nhưng vì đang là đoàn viên thanh niên nên phải gương mẫu mà phải xóa nó đi. Ông đội trưởng ngển lên hỏi :
- Cháu nạo cái chữ gì đi thế hử?
- Dạ đứa nào nó viết bậy
Ông Túc bảo An dừng lại rồi cố đọc những dòng chữ loe loét:
“ Nhà ông Vang có bụi tre to
Có cô Năng lớn chả cho lấy chồng
Ai ai đến hỏi cũng không
Có anh đóng cối đến bằng lòng ngay”
Ông Túc bật cười. Mẹ cha cái con nhà nào … mà nó viết cũng đúng. Cô Năng  đi theo tay đóng cối dạo về đâu dưới Nam Định rồi. An lững thững vác cuốc về theo sau ông Túc, vừa đi vừa nghĩ tới chị Năng. Chị Năng đẹp gái phổng phao má cứ đỏ như má gà mái đến kì chịu sống. Đi làm chị hát chèo nghe chua loét mà lại hay hát. Lũ thanh niên làng chê chị ngực nặng quá đi không nhanh. Chị chửi cho. Chị bảo tao thèm vào cái lũ chúng mày, đít phệt gio bếp. Tao á, tao phải lấy chồng nhiều tiền, phải có xe đạp, đồng hồ. Thế mà cái anh đóng cối đến ở xóm mình mới mươi ngày chả thấy xe đạp, đồng hồ đâu mà chị đã đi với nó. Ra là đóng cối cũng kiếm khá tiền thì phải. An mơ một ngày nào đó An sẽ làm ra nhiều tiền chả phải xin thằng nàotrông vào thằng nào sẽ khối thằng theo mình. Chợt An lại nghĩ, rồi nay mai anh Thường về, anh sẽ làm giáo viên đại học, An sẽ làm nhiều tiền cho anh thấy An giỏi.An nhìn hút ra ga tàu hỏa, tiếng còi tàu vọng qua đồng tu tu. Đến lối rẽ vào cổng, ông Túc ngoái lại :
-  Này chi đoàn thanh niên đã họp bàn về làm phân xanh bón ruộng chưa hả cháu?
-  Dạ nghe đâu tối nay họp bác ạ.
Nói rồi An chào ông Túc đi về còn nghe ông nói với theo:
-  Các cô các cậu là khẩn trương lên đấynhá.

                            3

Trong vòng năm năm mà làng Hạ chịu tới ba lần ngập lụt.Năm 66 vỡ đê toàn là phù sa ùa về. Năm 68 vỡ đê toàn là cát càng phủ kín ruộng đồng. Năm nay lại vỡ nữa, nước mênh mang cả một tháng trời, vườn khoai vườn rau thối nhung nhủng. Những rặng bưởi ổi ven đồi vàng ênh rồi rụng lá. Nước rút cạn ,đứng trong nhà nhìn ra đồng cứ như nồi canh cua, vang váng mỡ. Người người ngao ngán ngửa cổ nhìn giời lại lo nắng. Tháng tám âm lịch mà nắng như tháng sáu sờ vào những quả bưởi cành la bỏng như sờ vào tích nước chè. Nhà nhà đã ăn khoai nước. Ăn sắn non còn khoai sọ cố để tháng mười âm mới dỡ.
Bà Hiếu ngồi tước mớ ngó khoai nước để chiều lại nấu canh với quả dọc. Ngó khoai nước qua vụ lụt to mầm mẫm. Mấy hôm rồi chỉ có canh ngó khoai. Ngứa nhâm nhẩm trong họng. Bà Hiếu cứ khậm khoạc như muốn ho. Nhà có hai mẹ con, niêu cơm độn sắn và nồi canh đặt tròn trõn giữa mâm. Bữa cơm trưa, mồ hôi rỏ cả xuống bát, bà nhìn con gái má rừng rực đỏ loáng mồ hôi.
- Rau muống ở ruộng 5 phần trăm, con cắt hết đi lấy phân chuồng với gio bếp đổ xuống một lượt cho nó nẩy lên để lấy cái mà ăn.
- Vâng, con làm rồi mẹ không phải lo
Bà Hiếu lườm con gái.
-Tôi không nhắc, dễ chị biết đường mà làm,à mà ổ trứng mười hai quả sao còn có hai? Cô lấy bán đi à?
- Vâng con xin chục trứng mua áo.
Bà Hiếu vằng lên :
- Xin, nay xin mai xin lại cooc hả ? naycooc mai cooc. Bà nhìn vào bộ ngực thây lẩy của An ngưng giọng lại, nuốt đánh ực cục nước bọt đang ứ trên cổ. Hừ, bây giờ cứ cooc xê cooc sít, ra vẻ kín đáo giữ gìn mà quá là mời người ta xơi. Đàn bà con gái gì mà vú vê cứ vênh vênh lên,cooc xê nhọn hoắt cứ muốn chọc vào mắt ta, cứ chêu ngươi đàn ông.
An cười khinh khích. Không chêu thì ai nó lấy hả mẹ?Mà thời bây giờ nó khác thời ngày xưa. Không mặc thì đi cấy ruộng sâu cúi lên,cúi xuống nó cứ tì tõm ai mà chịu được. Bà Hiếu xùy xùy mấy con gà nhao vào tận mâm cơm, nguýt.
- Liệu đấy có thân thì giữ.

Nhìn đứa con gái đang kì phổng lên bà Hiếu lại nhớ ngày xưa bà cũng ở tuổi ấy bà làm lẽ ông lí Phi.Ông lí Phi hơn bà những hai chục tuổi, nhà giàu mà nghiêm khắc. Về làm dâu, bà hơn hớn thịt da, mặt mũi mà bị kìm hãm vì bà cả. Bà rừng rực, người như có lửa trong ngực, có lửa cháy lên tận cổ, bà xay lúa giật đứt cả giằng cối. Ông lí Phi phải làm cái nhà riêng cho mẹ con bà, bà mới chịu. Gần sáu mươi rồi thân hình sổn sề nhưng bà vẫn khỏe. Đám con chồng, lớn lên đi kháng, đi công tác thoát li hết, họ gọi bà là dì béo. Ông lí Phi từ chỗ làm phó lí, rồi làm kháng chiến, rồi làm phó bí thư chi bộ, chuyện hai vợ chả ảnh hưởng gì tới chi bộ. Tập trung cho kháng chiến, con người hóa ra gần nhau thân thiện với nhau hơn. Hòa bình vài năm ông nghỉ, ông nghỉ vì nhẽ hai vợ,  vì đã từng là phó lí. Hòa bình rồi bao nhiêu cái xấu, cái hủ hóa của con người được mang ra xem lại. Ông chả buồn làm mấy, người có chữ nho, có quốc ngữ từng chỉ huy cả du kích, dậy con đến nơi đến chốn ở làng này được mấy ai. Ông loanh quanh vườn sau, ao trước, thỉnh thoảng cầm cái quạt lá cọ chiều tối lên với bà. Bà âu yếm lắm với chồng, cút rượu con cá khô, đấu lạc lúc nào bà cũng để sẵn đợi ông lên.

Chập tối bà ngồi ngoài gốc mít dội nước ào ào bằng cái gáo ống tre nói với vào: 

- Mẹ quên mất. Con Năng nhà ông Vang nó về, nó nhắn mày sang nhà nó đấy.

Chập tối An sang nhà chị Năng, đứng ngoài ngõ gọi khe khẽ. Năng im thin thít đi ra, kéo tay An lên gò sơn. Năng trải cái áo mưa lên gò, hai chị em ngồi bên nhau nghe chó sủa ong óc dưới xóm nhà. An nghe mùi lá bưởi và bồ kết từ tóc Năng ngát sang cổ áo Năng vẫn ướt ngân ngấn có mồ hôi.
Năng kéo tay bảo An:
- Mày xem ngực chị có cứng không? An ngạc nhiên thấy bàn tay Năng kéo tay mình đặt lên bầu vú đã phanh trần từ lúc nào.
-  Eo ơi chị này.
-  Mày sờ xem nào, đấy nắn xem có cưng cứng không? An lần mần bóp lên ngực Năng, bầu vú ấm nóng như quả bưởi nướng có cục cưng cứng nơi đầu núm
-  Ờ ờ cứng, mà ti chị to khiếp lên được.
Năng bảo:
- Của quí nhất của chị em mình đấy mày ạ.Thằng đàn ông nào chả thích ngực to. Nhưng chúng nó sợ không cứng tức là nhẽo tức là bị nhiều người khác sờ mó. Đàn ông họ tinh lắm. Cẩn thận em ạ, họ mà chê thì tiếng lan ra ngoài khổ cho mình. Vừa nói chị Năng vừa mân mê đầu ti của An. Có dòng điện chạy giật lên gáy An ưỡn người lên:
- Khiếp nhà cái chị này. Năng cươi hí hí.Đời con gái ngắn lắm cô ơi, sáng nở tối tàn ấy mà chả ai thương mình cả đâu, mẹ già lại càng không thích nhìn con cái phởn phơ. Tự thương lấy mình thôi em nhá.
Lần đầu tiên An được nghe có người nói như vậy. An nể chị Năng quá. Chị mới đi có vài tháng mà khôn thế, chả trách các anh ấy đi học tận Hà Nội đã khôn lại khéo. An nhớ bàn tay Thường hôm nào trên ngực mình. Ngực An hôm ấy cũng cứng ngắc.
-  Chị gọi mày ra đây để nói với mày, ngày,mai chị về dưới xuôi ở với anh Ngoạn. Anh không đi đóng cối nữa đâu, anh đưa chị về mở hàng bán bánh rán cầu Vòi. Đừng hỏi chị, Cầu Vòi ở tận Nam Định cơ, nhớ nhé bao giờ xong xuôi chị gửi thư cho em. Tao nói nhỏ cho mày biết thôi, tao về quê anh ấy mới biết anh ấy dậy học cấp hai đấy.
- Ơ sao mà lại đi đóng cối?
- Anh ấy đang viết về phong tục tập quán dân miền sông Thao cho cái … công trình gì ấy nên mới đi đóng cối để vào trong dân mình cho dễ bề tìm hiểu.
- Chị không sợ họ nói chị theo trai à? An ngước lên nhìn Năng trong bóng loang lổ rừng sơn dưới trăng
- Đời con gái nào chả phải theo giai em ạ.Lấy chồng tức là theo giai đấy. Khi em lấy chồng là ngay tắp lự em mất tên mất quê. Mày chả biết gì. Thôi mà chị nói cho mà nghe, nhằm thằng nào nó có tiền hay là có khả năng làm ra tiền mà lấy em ạ. Mát mặt lúc nào hay lúc ấy, chứ ở quê mình cả đời theo đít trâu, cả đời ngâm chân xuống ruộng lầy, ăn măng ăn sắn rồi lại đẻ lũ con cũng lại đơm đo cua ốc. Ngừng một lát Năng nói khẽ vào tai An;
-  Mày là đứa phát dục sớm đấy, cẩn thận em ạ.Nhưng đánh thằng nào phải cho kì đổ nhé. Rồi chị Năng kéo An nằm ngửa ra, trời đầy những ngôi sao và ánh trăng lăn tăn trên lá rừng. Hơi thở chị Năng nóng thế, phả vào tai An. An bảo với chị Năng, khiếp! Đúng là một đàn bà bằng ba đống nhấm.

Chiều tối hôm sau, trong bữa cơm bà Hiếu bảo :
-  Cô Năng nhà ông Vang mang đồ đoàn đi ra tàu rồi.
An cắm cúi ăn không nói gì chỉ vâng với mẹ. Chị Năng đã hai mươi bốn tuổi lại xinh đẹp, An biết chị ấy không chịu lúi sùi ở mãi cái làng bán sơn địa này, ngước mắt lên thấy lá cọ, nhìn xuống thấy ruộng đầy săn sắt rô ron và đỉa , ngước đằng đông vướng gò,ngó đằng tây vướng sông. An thích con người chị Năng, cứ hừng hực yêu, cứ hừng hực sống mà lại rất khôn nữa là đằng khác. Thế mà người trong làng chả hiểu gì về chị, cứ bảo có hồi chị ấy đã là phó bí thư chi đoàn, chị ta phải sống gương mẫu. An đã từng nghe chị Năng bảo,gưỡng mẫu à? Ai sống thay đời của mình? Chã nhẽ chi đoàn hay chi bộ làm thay cái tên làm đàn bà, làm thay cái tên làm mẹ cho tao hay sao? Chi đoàn có làm chồngtao không? Nghe mà sợ, An chỉ thấy chị ấy đẹp, thấy thích chị ấy.
Cơm xong con gái đi họp chi đoàn, bà Hiếu một mìnhphẩy cái quạt lá cọ ra chum, cởi áo ngồi thụp xuống dội ào ào. Bà lấy cái cuống quạt kì kì sau lưng. Đã quá cả ngày, ngứa ngáy giờ mới phanh trần ra mà kì cọ.Bà nhớ ngày xưa cũng những đận mùa hè gặt hái lè phè rơm rạ mà ông lí Phi cứ chừng mười giờ đêm là ông lên nhà . Nửa đêm ông lại về đằng bà cả. Bà nằm một mình,trăng chui cả vào giường lõm bõm sáng, lõm bõm tối. Cái thời vừa mới hòa bình, bà mới thấy thêm khổ vì thân làm lẽ. Nếp sống mới là cái của nỡm gì mà làm bà khổ,bà chịu đựng, chuyện chồng vợ bà làm hại đến ai đâu mà bà phải khổ, bà thèm vào cái sự xấu hổ ở cái buổi sồn sồn. Ai cũng được dịp phê phán ông chồng bà đa thê. Đa thê thì hại đến xã, huyện à? Bà lẩn thẩn ngẫm ngợi bà chỉ thấy cái chịu đựng của người đàn bà là khổ. Bây giờt hì bà lại nghĩ cho con An, nay chi đoàn, mai xã đoàn, rồi có cái cọc nào mà neo lại đời con gái?  Bà chỉ mong nó yên hàn mà cũng đừng làm lẽ như bà mà thôi. Bà biết nó hồng nhan, nó còn đẹp hơn bà nhiều.

                                      4

Ở cuộc họp chi đoàn hôm ấy có cả ông đội trưởng và phó bí thư xã đoàn đến dự. Bí thư là anh Lại thọt chân. Anh Lại học hết lớp 7 thì nghỉ đi học chăn nuôi dưới huyện năm rưỡi, rồi về làng. Anh cũng xung phong đi bộ đội nhưng chả ai người ta cho đi. Họ bảo anh ấy làm ra vẻ đấy thôi chứ chân tươi, chân héo có mà đi làm của nợ cho bộ đội. Ở chỗ khám tuyển ra anh, thập thiễng chân, tay quyệt nước mắt. Anh buồn mất mất mấy ngày vì không được cho đi bộ đội. Ấy vậy anh vui ngay, Anh đi thiến lợn, thiến trâu cứ nhoay nhoáy. Trong xã ai cần thiến, anh đến ngay, chả phải mất tiền gì cả cứ bao thuốc Tam Đảo là xong. Anh Lại hay cười, vuốt mớ tóc gọng kính rồi rút điếu thuốc thơm phưng phức ngậm miệng. Anh không bao giờ châm thuốc ngay, cứ vừa ngậm thuốc vừa nói đến sốt ruột. Y hệt ông trưởng phòng nông nghiệp huyện mỗi lần về xã. Họ bảo ông trưởng phòng trên huyện là thần tượng của anh Lại.Nghe đâu ông trưởng phòng trên huyện cũng xuất thân thiến trâu thiến lợn .
Cuộc họp có hai vấn đề, một là phê phán chị Năng đi theo giai. Hai là tập trung chặt cây chó đẻ làm phân xanh. Nghe anh Lại nói chị Năng thế này thế kia, An thấy bứt rứt. An phát biểu, chị Năng đi lấy chồng đấy chứ, trai chưa vợ gái chưa chồng, có giấy xin đăng kí của địa phương anh Ngoạn hẳn hoi, mà anh Ngoạn đàng hoàng đến Ủy Ban Xã trình giấy tờ thưa bẩm rõ rệt đấy thôi. Chả nhẽ cứ phải lấy chồng ở quê mới khỏi tiếng theo giai à? Mọi người cười ồ. Anh Lại gắt :
- Nhưng đang lúc nước sôi lửa bỏng, chi đoàn đang nhiều việc bỏ đi lấy chồng là …là vô trách nhiệm. Mọi người cười ồ lên, to hơn. Có tiếng ai đó trong góc tối, chi đoàn có giải quyết được cơn ngứa không đới! Kháng chiến với Mỹ thì không được yêu không được đẻ nữa à…..à ha ha.

Ông Túc đội trưởng biết tay bí thư chi đoàn hay ngó vào ngực An thấy khó chịu. Trong tâm ông, ông muốn con bé này lấy thằng Ngũ con trai ông cơ. Vậy nên đứa nào thích cái An là ông không ưa. Ông cắt ngang ý kiến,ông nói về chuyện phải làm phân xanh, cải tạo ruộng đồng, ông tính đến chuyện khoán mỗi đoàn viên năm tạ phân xanh, ông gợi ý cánh đồng phân xanh chi đoàn. Rằng cánh đồng thanh niên chỉ dùng phân xanh do thanh niên làm nên phải do chính suy nghĩ và đầu óc họ, họ nghĩ sao họ làm như thế, không bắt ép. Ấy vậy ông lại nghĩ đến nghị quyết chi bộ có câu hướng dẫn theo sát việc làm cho chi đoàn thanh niên. Thanh niên họ bướng lắm, chứ đâu dễ bắt ép họ.
Họp chi đoàn xong ra về, An nghe anh Lại gọi chờ anh cùng về nhưng An cứ cun cút chạy. Vừa vào nhà bà Hiếu đã tru lên, bà kể lể đám dây khoai lang mới bằng cái chiếu đã bị đứa nào cắt trộm. An soi đèn ra vườn thấy nhựa khoai vẫn chảy. Sau lụt nhà ai cũng lo trồng khoai chống đói nên mới cơ sự này. An thấy buồn. Quê hương hiền lành thế nhưng cũng bé vanh vanh chả khá lên được. Trong đêm An mơ một ngày nào đó mình sẽ giàu có, sẽ đi ra khỏi làng. Đi khỏi cái xóm kin kít những tre hóp và đồng sâu ngăn cách những người ở xóm của An với xóm khác. An đặt cái đèn dầu xuống phản nói gọn chõn, người ta ăn cũng như nhà mình ăn. Bà Hiếu tru lên, ăn lẫn nhau à,  ăn thế mà đòi ăn sao, không giỏi ra mà ăn cắp của hợp tác xã kia kìa. Híc híc, bầm ơi ăn cắp của nhà khác mớ dây khoai thì chả tội gì chứ ăn cắp của hợp tác xã là tội lớn lắm đấy. Thôi quên đi bàm, con sẽ làm luống nữa cho nhà ta. Đúng lúc ấy ở ngọn cây nhãn trên đỉnh gò cọ lớn có tiếng loa
- Alô a lô. Thưa toàn thể đồng bào lắng nghe tin chiến thắng từ đường số chín Nam Lào. Thế là tiếng a lô lại đưa An nhớ đến anh Thường. An thấy nhấm nháy mồ hôi lăn trên ngực mình, thấy mình như lên cơn sốt. An chạy vào nhà lấy cái áo ra giếng kéo gầu nước lên tắm trần trong đêm.
Nước dội đến đâu người như dịu lại đến đấy. Ở làng nhà nào đàn bà chả tắm truồng vào đêm. Mà kì thật, cứ khi chủ nhà tắm là con chó ra ngồi bên bờ giếng canh chừng. Có hôm người nào đó đi ngòai ngõ thấy bóng nhấp nhóa trắng bên thành giếng, đứng lại nhòm là con chó sủa ngay. An cười, nghĩ bụng con vện nhà mình nó cũng biết là mình đẹp hay sao ấy nhỉ? Rồi vỗ vỗ lên thânmình, cô thấy người mình mát như cái chum nước lúc gần sáng.

(còn nữa)