Tuesday, October 27, 2015

CÓ ĐIỀU NÀY…


Lê Trung Nguyệt

Gửi Nguyễn Trọng Luân

Cuộc chiến đã 40 năm trôi qua
Anh vẫn nhìn đời bằng đôi mắt ấm
Trong như thể chưa bao giờ ám khói
Chưa bao giờ có lửa đạn chiến tranh

Câu thơ nào anh cũng gởi lời ru
Ru đồng đội ngủ êm trong lá cỏ
Ru bạn bè tươi như hoa nở
Tất cả đớn đau thành lửa ấm
Cuộc đời êm ái giữa mênh mang

Anh gạn lọc qua tim mình hết thảy
Bao lạnh lùng băng giá tan ngay
Trong cặn lắng có hạt mầm đang nở
Đôi mắt xanh non mãi nhìn đời

Anh đi qua chiến tranh
Trở về với đôi giày mòn vẹt
Chiếc ba lô lép kẹp
Quyển nhật ký nhàu, cháy xém góc trang
Dòng chữ viết vội vàng , nhòe nhoẹt nước
Nước mắt, nước mưa, bùn và máu
Và còn lại trong những dòng chữ đó
Là tình yêu anh để cho đời
Còn lại giọt cuối cùng trong suốt ấy
Sương trời tươi mãi những cánh hoa

Những bài thơ mang về từ mặt trận
Cho tôi hiểu được điều đơn giản nhất
Chiến tranh không chừa lại một ai
Trong tất cả những gì không may mắn
Vẫn còn nhiều may mắn cho tôi
Còn sống sót qua đạn bom khốc liệt
Tôi biết cách nhìn thẳng vào đau đớn
Cây gãy ngọn rồi, tán lá vẫn xum xuê

Trong mất mát được còn muôn thuở ấy
Không thể mang tự do đánh đổi hòa bình
Lời nhắc nhở “ con người hãy cảnh giác “
Trò ảo thuật luôn luôn đánh tráo
Chim bồ câu có thể bay ra từ trong tay áo
Nên hòa bình bị lầm lẫn với tự do
Chỉ có dòng thơ bết máu và bùn
Cho tôi may mắn hiểu:
Trên con đường ta đã đi qua
Mọi oán hờn dằn dỗi là điều u ám nhất
Máu xương ơi, Tự Do là vô giá
Chỉ Hòa Bình là có mặc cả thôi

Ai có thực nỗi đau mới hiểu đau là không mất
Giữa cuộc đời này ta có thể  « trắng tay »
Nhưng đời đấy, thơ vẫn thơ da diết thế
Đi qua chiến tranh với đôi giày mòn vẹt
Vẫn đôi mắt xanh non mãi mãi nhìn đời

13/8/2015



Gặp trung tướng Khuất Duy Tiến trong ngày cuối thu Hà Nội

Như trong bài viết về lần trở lại cao điểm 1015 ( Charlie) ở Kon Tum tháng 4 năm nay. Tâm nguyện của tôi là đề đạt với Ban Liên Lạc (BLL)bạn chiến đấu sư đoàn 320 xây một bia tưởng niệm hơn 300 liệt sĩ hi sinh trên cao điểm 1015 ( Charlie) trong trận đánh diễn ra từ 12 đến 15/4/1972.
Cho đến nay còn nhiều người chưa biết về trận đánh lẫm liệt này của E64 F320 nhằm phá toang phòng tuyến Tây sông Pô Kô của quân lực Việt Nam Cộng Hoà  để quân ta tiến đánh Dak To Tân Cảnh Kon Tum . Về phía bên kia đã có nhiều bài viết về trận đánh này”Mùa hè đỏ lửa “ của Phan Nhật Nam hay "Máu lửa Charlie" của Đoàn Phương Hải và còn nhiều bài viết khác. Có cả một bài hát “ Người ở lại Charlie” của Trần Thiện Thanh về Đại tá Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Bảo tử trận trên cao điểm ấy…

Về phía bộ đội ta Trận đánh 1015 trở thành huyền thoại hay nói theo kiểu bây giờ nó là thương hiệu của trung đoàn tôi. Bây giờ mỗi khi có dịp trở lại Kon Tum tôi vẫn đến các nghĩa trang như Sa Thầy, nghĩa trang Dak To, nghĩa trang Thành Phố Kon Tum để thắp hương cho các đồng đội mình hi sinh hôm ấy. Trận đánh tiêu diệt gọn một tiểu đoàn dù 11 Lữ dù 2 Việt Nam Cộng Hoà , thiện chiến với 600 quân làm cánh cửa phía Tây Kon Tum từ ngã ba biên giới mở ra để các đơn vị tiến vào chiến dịch Dak to Tân cảnh năm ấy. Trận đánh ấy chỉ nằm trong trang sử của Trung đoàn và hơn ba trăm liệt sĩ thì lặng lẽ trong dĩ vãng.
Tôi thưa với Trung Tướng, Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang (AHLLVT ) Khuất Duy Tiến, người trung đoàn trưởng chỉ huy trận đánh ấy ý nguyện trên. Ông cảm động lau nước mắt. Tốt lắm . Khó khăn lắm đấy nhưng quyết làm đi Luân ơi. Tôi còn sống còn khoẻ chúng ta cố gắng làm được tấm bia để có chỗ thắp hương cho anh em mình trên đỉnh núi ấy. Nhưng tiền đâu? Anh em Cựu Chiến Binh (CCB) về hưu cũng khó khăn vô cùng. Tôi thưa, cuốn sách Truyện lính 40 năm sau kể lại ra mắt vào đầu tháng 11 năm nay em sẽ bán để ủng hộ Ban Liên Lạc. Phải có một cái ngòi nổ ấy để anh em CCB ta đóng góp. Em tin những người yêu mến bộ đội cụ Hồ sẽ ủng hộ. Chỉ mong năm nay sang năm Trung Tướng khoẻ để cùng chúng em ra vào Kon Tum thực hiện tâm nguyện. Trung tướng nắm tay tôi thật lâu. Ông nói, tớ sẽ góp nửa tháng lương. Tớ và cậu cùng các đồng chí BLL cùng giữ sức khoẻ để lên được 1015 Luân nhé.
28/10/2015

Đường lên Charlie cao 1015





Sunday, October 25, 2015

NHỮNG VẺ ĐẸP NGUYÊN KHỐI


Tuần này, trên báo VĂN NGHỆ sẽ đăng bài viết của nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ sau khi đọc cuốn " Bóng đổ nhà mồ " của tôi.
Treo bài này lên để ta thấy nhận xét của người trong nghề văn, một nhà văn Quân đội.
25/10/2015
NHỮNG VẺ ĐẸP NGUYÊN KHỐI

(Đọc Bóng đổ nhà mồ của Nguyễn Trọng Luân, NXB Hội Nhà văn 2014)

ĐỖ TIẾN THỤY
Nguyễn Trọng Luân là người đã có những tháng năm sống và chiến đấu ở Mặt trận B3, nơi đồng bào Tây Nguyên có văn hóa nhà mồ với những bức tượng độc đáo. Độc đáo bởi không phải ai cũng làm được loại tượng này. Và có học cũng không làm được. Người đẽo tượng nhà mồ vốn là những trai làng bình thường, sống và nếm trải mọi buồn vui trong cộng đồng. Đến một ngày nào đó, vào một khoảnh khắc nào đó, họ bỗng có cảm hứng xuất thần. Chỉ từ một súc gỗ rừng nguyên khối và một chiếc rìu đơn sơ, nhưng nhờ trạng thái thăng hoa, chỉ cần một vài nhát đẽo là họ đã cho ra đời một tác phẩm. Những bức tượng nhà mồ mang đủ sắc thái nhân sinh rất có hồn khiến các nhà điêu khắc chuyên nghiệp cũng phải trầm trồ thán phục.
Những câu chuyện trong tập sách của Nguyễn Trọng Luân cũng thế. Cái quá khứ chiến tranh thời trai trẻ của anh đã không thể ngủ yên, không thể nguôi quên. Trở về đời thường, trải qua mấy chục năm vật lộn mưu sinh, càng sống, càng hiểu lẽ đời thì những kí ức ấy càng cựa quậy, đòi hỏi được bung ra. Và chỉ cần một cái cớ...
Nhìn cây bàng trên phố anh nhớ đến rừng khộp thời chiến tranh (Lá khộp). Ngắm hai cây me tại chiến trường xưa nhớ lại cả một trận đánh khốc liệt với nhiều tính huống trên đường 7 tháng 3/1975 (Hai cây me vẫn xanh màu lá). Nhìn những đọt măng vầu bán trên đường phố Hà Nội nhớ những câu chuyện về măng lồ ô ở Tây Nguyên (Măng lồ ô). Thăm lại chiến trường xưa, những cuộc gặp gỡ chủ ý hoặc tình cờ, từ một lời hỏi thăm, một câu gợi nhắc… là những khuôn mặt bè bạn với những nét tính cách rất riêng thông qua những giai thoại thời chiến lập tức ùa về (Ba người bạn lính, Chiều cuối năm, Chuyện trong ngày họp mặt trung đoàn, Chuyện ở nhà thằng Sơn rồ C20, Trung úy Thúng, Quán Hai Bền, Trở về Củ Chi…)
Cả 31 truyện, Nguyễn Trọng Luân đều vừa là tác giả vừa là nhân vật tham gia chứng kiến sự việc nên những trang văn của anh tươi ròng chất sống. Nó là những biểu hiện rất đời của những người lính trong hoàn cảnh bom đạn khốc liệt ngày trước và cả những thử thách cam go của cuộc sống sau này. Dù nhân vật là người còn sống hay đã hi sinh, đã thành đạt hay còn nhọc nhằn vất vả, đều được Nguyễn Trọng Luân dành cho một tình cảm yêu thương nặng trĩu

Nguyễn Trọng Luân được xếp vào dạng nhà văn chống Mỹ “đánh nhau xong rồi mới viết”. Vốn tri thức của một sinh viên đại học giúp anh khi vào chiến trường có một nhãn quan khác người, một lối tư duy khác người. Hiện thực chiến tranh được anh lưu giữ mấy chục năm đã không uổng phí. Cái hay của sự viết muộn là thời gian đã làm phôi pha bớt những “tạp chất”, cái gì còn đọng lại trong kí ức hẳn là điều đáng kể. Tình đồng chí, nghĩa đồng bào, ái tình, lí tưởng, cái cao cả, cái đớn hèn…, tất cả đều được chắt lọc và tái hiện bằng một giọng văn khỏe khoắn mà trữ tình, khi tếu táo lúc ngậm ngùi xa xót của một cựu chiến binh tài hoa giàu hoài niệm, sinh động và chân thực đến nao lòng. 


Đọc Bóng đổ nhà mồ, dù là tập truyện ngắn, nhưng dễ nhận thấy Nguyễn Trọng Luân rất ít hư cấu. Bởi những câu chuyện tự thân nó đã mang đầy ý nghĩa, chả cần hư cấu đã đủ hay rồi. Như những bức tượng nhà mồ, dù thô phác nhưng lại có sức cuốn hút kì lạ. 

Đ.T.T

Trên Sáu dưới Tám


Mình nhớ cách nay hơn 40 năm ở chiến trường Tây Nguyên rúc trong hầm hay sau trận đánh làm thơ. Có những bài thơ viết dở rồi bỏ chạy khi bị tập kích. Cũng có bài thơ viết vào tờ truyền đơn của địch rồi cũng vứt ngay tại chỗ không dám mang theo. Nhưng ít khi viết bằng thơ lục bát. Bởi với mình lục bát khó làm hơn và cũng khó hay với chiến trận.
Có một chuyện nhớ mãi là viết bài thơ GƯƠNG MẶT CHIẾN SĨ, viết hôm 2/12/1974 sau một trận đánh. Mấy ngày sau rúc trong hầm, mình đọc cho mấy thằng nghe. 
Một thằng người Thái Bình tên là Đấu nói:
- Đ. phải thơ. Đ có trên 6 dưới 8 là “đéo hay”
Một thằng nữa tán thưởng. 
- Đéo hay
Bây giờ nghĩ lại. Mẹ kiếp, hồi ấy mà có thơ VI.T.L thì chúng mày chết tắc. Chúng mày chết hứ hự.
Bài thơ đọc hôm ấy đây.

GƯƠNG MẶT CHIẾN SĨ
Sau trận đánh về nhìn đồng đội thân yêu
Những gương mặt trẻ già riêng biệt
Khói đạn khói bom đất bùn bê bết
Nhưng mắt ai cũng sáng nụ cười

Trăm con người trăm quê muôn nơi
Trăm gương mặt khác nhau
Giọng nói nụ cười cũng thế
Vào trận đánh
Ừ sao lạ nhỉ
Khuôn mặt nào cũng sắt lại như nhau
Tiếng thét xung phong không phân biệt khu nào
Khu 4 khu 3 đều rành rọt
Những gương mặt khác nhau cũng trở về làm một

Chiến sĩ trẻ lầm lì tăng tuổi rõ nhanh
Chiến sĩ già vẫn bình tĩnh lặng thinh
Từng phát súng đàng hoàng như tuổi tác
Chỉ có lúc về là rõ ràng phân biệt 
Những nụ cười gương mặt của Xê tôi .


Chiều 2/12/74 sau trận đánh với k3E53F23