Sunday, May 29, 2016

RỪNG ĐÓI 21


 Thằng Huấn trường Cơ Điện Hoàng Văn Thụ đổ sốt rồi. Cái thằng cao dễ đến một mét bẩy lăm, nặng như hộ pháp môi đỏ và trắng như con gái. Hồi ở ngoài Bắc ,thằng này có rất nhiều người đến thăm. Nhất là lũ con gái học cùng trường. Bây giờ nó nằm trên võng cong queo. Cái võng vặn vỏ đỗ thỉnh thoảng rung lên theo nhịp nó rên hù hù. Thằng Tiêu chạy sang gọi thằng Hoan. 
- Hoan ơi, thằng Huấn gọi mày.
Thằng Hoan cầm củ sắn gặm nham nhở ngồi bên võng, thằng Huấn nhìn đứa bạn mắt lõm sâu vào xương sọ và ngửi mùi võng khắm như ổ chuột vì mồ hôi sốt rét. Nhà hai đứa cũng gần nhau lại học cùng với nhau từ bé. Chúng nó nắm tay nhau. Thằng Huấn không nói được, còn thằng Hoan thì cứ hỏi, mày có gì nói với tao à? Rồi chợt nhớ ra, Hoan bảo :
- Mày đừng nói nữa. Mày không chết đâu. Thiếu ăn đấy thôi.
Thằng Hoan chạy vùng về tiểu đội, nó bảo với tôi:
- Luân ơi vào bản đi. Tôi hỏi:
- Không đi gùi sắn à? Hoan nhìn xung quanh rồi khẽ nói :
- Phải kiếm cái gì cho thằng Huấn trường tao. Nó xuống sức quá mày ạ. Thằng này không có tí chất vào người là ác tính đến nơi thôi.
Tôi băn khoăn.
Có cái gì đổi được lấy rau lấy sắn thì đã đổi trên đường Trường Sơn rồi. Vào đến đây dân cũng nghèo lắm mà đổi thì phải ra các bản ngoài Pô Cô, ngoài ấy đồng bào họ thương bộ đội người nhà mình hơn. Hoan thì thầm :
- Tao có cách rồi. Đổi Cooc xê. 
Tôi trố mắt nhìn thằng bạn đang là ủy viên Chấp Hành  Chi Đoàn. Sao hôm nay nó nghĩ ra cái trò đổi Cooc xê ? Tôi hỏi nó :
- Mày có Cooc xê à ?
- Không, tao chỉ còn vài cuộn chỉ thêu xanh đỏ để về bên Tây Nguyên mới dùng. Đến lúc này tôi mới nhớ ra, ừ nhỉ sao mình ngu thế! Lúc đi trên Trường Sơn thấy mấy thằng công nhân Gang thép Thái Nguyên mang Cooc xê mua từ ngoài Bắc đổi được cả lợn hai nắm. Thế mà bọn mình không biết mà tự sản tự tiêu món này.
Hoan ngồi xuống gốc cây cụt cạnh bếp tiểu đội lăn lóc mấy củ sắn nướng cháy lem nhem. Mặt nó dãn ra tay chân khua lên hồ hởi. 
- Này nhé, mày nhớ khai triển hình chóp chứ ? Cái vành mũ tai bèo ấy nó khai triển sẵn rồi. Một vành được ba quả chóp. Xé diềm chăn làm quai. Mày giữ , tao khâu cho. Chỉ buổi sáng là xong một Cooc. Đổi cooc là hời nhất. Đổi lấy con gà nấu cháo cho thằng Huấn kẻo nó chết đấy. 
Tôi nhìn thằng bạn học rất giỏi hình họa và rất thư sinh ngày nào. Trước đây chỉ thấy nó hiền lành dí dủm mà nay nó bỗng vụt lên cơ mưu đến thế. 
Đại đội đi gùi. Tôi và Hoan tụt lại sau rồi quay về kiềng. Thằng Lương Xuân Cảnh người Đức Thọ nằm rên ư ử thấy tôi và Hoan quay về ngó đầu ra võng
- Chúng mày lại sốt à ?
- Không, đ. sốt mà cũng phải sốt. Mày có kim chỉ không ? 
Cảnh níu tay vào mép võng ngồi lên, nó hỏi :
- Khâu cái gì ? Tôi bảo Cảnh :
- Chế tạo quang treo vú đàn bà. Thằng Cảnh đang sốt cũng cười nhềnh nhệch. Nó khen hay hay. Tao tham gia với. 
Cuộc chế tạo cái Cooc xê lần đầu tiên trong đời của chúng tôi diễn ra gần một buổi sáng trong rừng. Quan trọng nhất là hai quả núi nhọn và cứng như mo thì chỉ hai đường khâu là xong. Lằng nhằng nhất là cái dây quai và làm khuy áo. Cầm cái Cooc màu cỏ úa hai thằng tôi cười phá lên. Thằng Cảnh lúc này như người hết sốt nó huơ huơ cái cooc lên và nói rất ông đồ :
« Bom đạn không làm ta quên được, cái quang treo thịt mỡ quí nhất đời « …ha ha !
Trưa rồi. Ăn vài củ sắn và húp xong bát canh môn thục. Hoan bảo tôi :
- Mày ở kiềng thôi, để tao đi đổi gà với thằng Cảnh. Mày sang ngồi với thằng Huấn, nhớ để tay lên mũi nó kẻo nó chết lại không biết.
Chúng nó đi. Nhìn thằng Cảnh còm nhom, vừa ban sáng còn rên ư ử bây giờ lúp cúp sách khẩu AK theo sau thằng Hoan luồn vào cánh rừng hun hút. Trên giời e e tiếng L19 của địch nặng như chì. Rừng hôm nay có màu mắm tôm. 
Chiều tối hôm ấy thằng Huấn được bát cháo gà với thịt. Còn xương gà nấu cháo sắn cho cả tiểu đội. Thằng Huấn nhất định không ăn cháo thịt đòi trộn chung hai loại cháo vào với nhau để tất cả cùng húp. Thằng Hoan và thằng Cảnh thì quên húp cháo đang rúm vào nhau cười hinh hích. Chúng nó đang nghĩ đến chuyện cô gái đổi cooc hôm nay đứng thử Cooc bên bờ suối....

Con đường từ rừng ra biển-Nguyễn Trọng Luân ngâm

Friday, May 27, 2016

RỪNG ĐÓI -20


......Mấy hôm nay mưa sậm sựt. Sáng ra cứ như mùa hè, trưa thì oi, chiều là mưa như trút nước. Cứ chập tối là tạnh và lại có trăng lên. Hồi ở trường xúm nhau học hát bài A Sanh lái đò. “ Hỡi Pô Cô ơi… đôi bờ cây xanh biếc…anh lái đò tên gọi A Sanh.” Bao ngày nay ở bên Pô Cô chưa nhìn thấy con đò nào. Chiều nay gùi sắn ra sông rồi bó gối ngồi bên bờ Tây, nhìn về phía Gia Lai. Chúng nó rủ nhau đi dọc theo đường tuyến để gặp xe ô tô mà xin săng đánh bật lửa. Bỗng nhìn thấy bên kia sông sát vào vách đá có thuyền độc mộc. Nắng chiều hắt hình người chèo thuyền lưng trần đóng khố in vào vách đá trông như trong hồng hoang. Lại vài con thuyền nữa. Lại những đàn ông đóng khố chèo thuyền. Bộ đội hú. Mấy thuyền độc mộc cũng hú lại. Tiếng hú đập vào vách núi âm ư. Dòng sông bỗng rộng ra, tiếng hú lan trong thinh không hoang dại. Nghe anh Đường đại phó nói, đấy là lính đánh cá và săn bắn cho bệnh viện mặt trận đấy. Thằng Quyết quay sang anh Đường:
- Lính mà cũng đóng khố hả anh?
- Tao nghe nói họ ở đây đã gần mười năm rồi, đóng khố để lấy may khi đi đánh cá trên sông đấy thôi.


 Anh Đường nói khẽ, hình như anh nói cho một mình anh … -Biết bao giờ mà về được miền Bắc? Chiến tranh miết, rồi mình cũng lại đóng khố lên nương mất thôi. 
Chiều hôm ấy buồn thế.
Tối tạnh mưa. Trăng gầy lét trên ngọn cây. Ánh trăng ở rừng Tây Nguyên xanh xao như cũng đang sốt rét. Trăng rơi xuống, giống như lá cây đáp nhẹ xuống mặt tăng nghiêng nghiêng. Anh Đường và anh Hợp chính trị viên xuống chỗ chúng tôi. Tưởng cán bộ xuống quán triệt nhiệm vụ gì nên cả tiểu đội ngồi ngay đơ lễ phép. Anh Hợp chính trị viên bảo: 
- Các ông hát bài “A Sanh lái đò” đi cho bọn tớ nghe với. 
Thì ra, đại phó Đường kể với chính trị viên Hợp rằng chiều nay bên bờ sông Pô Cô bọn tôi đã hát bài này. A trưởng Lan khoa điện bảo tôi:
- Luân ơi mày hát đi. Cả tiểu đội nhao nhao, hát đi mày ơi, hát bài này đi Luân ơi. 
Trăng loang lổ trên vòm lá. Mùi lá mục dưới chân, mùi nồi cháo sắn chua nồng bên cạnh. Mùi tanh của trận vớt cá hôm qua với bọn C1, mùi của hoa rừng trong đêm tối…Tôi hát. Hát mà như thấy mình đang ở trường cũ. Hát như thấy mình nhảy xuống sông mò cá, như thấy hình lính mình cởi trần, khảm thân hình trẻ trai vào đá núi. Thực tình lúc này tôi cũng đang đói, tôi hát trong cơn đói, tiếng hát của lính trong một khu rừng đang rất đói. 
…” Ngày đêm anh lái đò trên sông, dù gian nguy vẫn vững tay chèo…đò anh đưa bao người đi kháng chiến…lời thề A Sanh… hời Pô Cô ơi..” 
Bài hát hết rồi. Chả thằng nào nói câu gì. Chả có thằng nào vỗ tay hoan hô. Rất lâu sau anh Đường và anh Hợp mới đứng dậy. Anh Hợp bảo với A trưởng Lan:
- Cố ngủ đi nhé cho lại sức. Sắp về oánh nhau rồi. Từ ngày vào bộ đội tớ chưa bao giờ được ở với những người lính như các cậu. Tớ chỉ mong nay mai về đơn vị chúng mình lại được chiến đấu cùng nhau.

Sunday, May 22, 2016

RỪNG ĐÓI 19


19
Bấy giờ đã sang tháng 5. Con đường gùi sắn ra sông Pô Cô đi qua một cánh rừng đầy những quả gùi. Quả Gùi chín vàng tỏa mùi thơm đến nỗi cả một đoạn đường rừng ngọt lịm trong nắng sớm.

Khi những cơn mưa đêm tạnh ngắt và mặt trời ló lên, lớp lá khô bốc khói dưới nắng thì mùi quả chín được dịp thăng hoa. Gùi càng chín thì ong bò vẽ về càng nhiều. Những con ong cong người bám lấy quả gùi to như quả ổi vàng hươm, chọc vòi hít lấy thứ nước ngọt dinh dính như đường mía. Mùa này cũng là mùa ong nhiều quân trong tổ. Lính ta trèo hái quả gùi luôn đề phòng ong. Ấy vậy mà cũng không thoát chuyện ong đốt. Một mồi ong bồ vẽ là đủ sốt hừ hừ. Thế mà thằng Lệ, khoa toán bị hẳn ba phát. Nó sốt quằn quại. May mà thằng Lân, Cơ Điện người Thanh Chương rất sành bắt ong hái quả tai chua đập dập vắt nước cho Lệ uống. Rồi lấy vỏ chua sát vào chỗ ong châm. Lệ ta được nghỉ hai hôm trên võng không phải đi gùi sắn. 
Một tuần nay không thấy bọn xê 1 mò sang xê tôi. Tưởng chúng nó chuyển chỗ nhưng hóa ra chúng nó mang tăng võng ra sông Pô Cô làm cầu tre gùi sắn qua sông. Gần đây C1 và C3 chỉ vận chuyển là chính, còn đi đào sắn là C2 và C4. Chúng nó chặt tre lồ ô làm thành những cái mảng gác lên mép đá rồi gùi sắn sang sông. Việc gùi sắn khô qua sông có vẻ đỡ khổ hơn bọn đi đào sắn nhưng suốt ngày lo máy bay ném bom. Chúng nó khôn phết, dìm mảng nứa xuống dưới mặt nước, không để lộ cây cầu gián đoạn bất thường này. Nhưng cũng khối thằng lội ra ngoài cầu lăn xuống song, khi gùi nặng bước bập bùng trên cây cầu này. 
Bọn đi vận chuyển sắn qua sông về Gia Lai có dịp bắn cá và đổi chác nên cũng tươm hơn.
Hai ngày sốt vì ong đốt nằm ở nhà buồn tê tái. Cứ ngửa mặt nhìn lên vòm lá xanh là Lệ ta nhớ mẹ. Nó bảo quê Phù Ninh nhà nó cũng chỉ ăn toàn sắn với rau tập tàng vào cữ giáp hạt này. Khi chưa đi đại học, nó cũng đơm đo đánh dậm móc cua đầm đìa. Làm lụng quá sức đến nỗi chả nhớn được. Lúc vào đại học có 39 cân. Chả đứa con gái cùng lớp nào thèm để ý. Sang ngày thứ 3 thằng Xiên học trung cấp Ngân hàng thì thầm với Lệ:
- Đi gùi thôi mày ơi, hôm nay bọn tao đánh bộc phá trên thác Pô Cô đấy. 
Lệ sáng mắt:
- Đừng có để lộ cho B trưởng biết đấy nhé. Thằng Xiên nháy mắt ra tuồng cứ yên tâm. 
Trên đường hành quân vào chiến trường mỗi thằng được phát súng đạn kèm thêm hai lựu đạn, hai thỏi thuốc nổ TNT hai lạng rưỡi. Thỉnh thoảng kiểm nghiệm vũ khí trung đội nào cũng lại thiếu đi một vài cục thuốc nổ. Phê bình, nhận khuyết điểm rồi lại đánh cá. Lại phê bình. 
Lệ ngất nga ngất ngưởng đeo gùi ra đi. Thằng Lịch cùng khoa toán người Định Hóa đi sau Lệ như thằng áp tải. Lịch trút nửa gùi sắn của Lệ sang gùi nó. Lịch bảo:
- Mày vừa sốt đi qua cầu cẩn thận đấy. Tao đi sau tao giữ gùi của mày. Nhớ là đừng nhìn xuống nước mà cứ nhìn vào một gốc cây phía bờ trước nhé. Mẹ nó, ngã xuống sông trôi ra thác là đứt phựt, là đéo về được đâu. Là anh với em như đường thẳng song song đấy. Nó cười hơ hơ! Còn Lệ thì thấy cây cối quay bung biêng muốn thả chân vào chỗ này thì nó lại ra chỗ khác.
Đại đội gùi sắn sang sông cứ đến bờ sông là dừng lại cởi quần. Giống hệt như cái hồi vượt sông Bạc. Tiểu đoàn trưởng cởi truồng đeo ba lô tay lăm lăm súng ngắn hô : khẩn trương khẩn trương. Bên cạnh tiểu đoàn trưởng thằng liên lạc không súng ngắn cũng vênh váo , thỉnh thoảng chợt nhớ ra lấy một tay bịt bộ hạ một tay bịt mồm cười ri rí. Cả đoàn quân lên bờ chạy lũng lẵng hàng cây số mới dừng lại mặc quần.
Những đoạn cầu lồ ô ken từng mảng mười cây sỏ ba thân ngang bập bềnh. Mấy thằng khoa Lý thì nhớn tiếng giải thích, không được đi đều, không được nhún chân vì như vậy sẽ tạo ra lực cộng hưởng, nguy hiểm đấy nhé! Còn mấy thằng trung cấp Ngân hàng thì làu bàu kệ mẹ nó, ngã chắc gì đã xuống thác mà xuống thác chắc gì đã chết. Thật ra cả tuần nay chả thằng nào ngã xuống thác cả. Nhưng ngày đầu tiên mặc quần dài đi cũng khó thật. Thế là chúng nó sáng kiến cởi quần gùi sắn sang sông. Thằng Lệ ngập ngừng chưa cởi quần thằng Lịch giục hối hả:
- Nhanh lên cởi ra. Chỉ có mấy con vượn trên ngọn cây kia nhìn thấy chúng mình thôi. Mà hình như lũ vượn cũng sợ, từ hôm đầu chúng nó chơi trò cởi truồng biến đi đâu hết cả chả thấy kêu “ hí hởn, hí hởn “ nữa mày ạ.
Thằng Lệ cởi truồng. Gói quần nhét vào gùi sắn. Bên kia sông có tiếng hú. Ấy là tín hiệu gọi bên này sang đi để cùng về. Cầu hẹp không thể tránh nhau được. Lệ nhìn sang sông, lính ta đứng ở mép sông tồng ngồng như hàng thuốc lào, quay nhìn bên cạnh mình thấy đủ cả khoa toán Lý, Hóa, Sinh và mấy trường Trung cấp cũng 50/50 mình nhộng lên đường. Thằng Lịch vượt lên kéo Lệ xuống sông. Nó bảo:
-Lệ ơi , mày có nhớ câu thơ mà bọn mình đọc ở Quảng Bình trên báo Quảng Bình không? Cái ông KQT nào đấy viết: “Cầu nghiêng cầu nghiêng con cá bồn chồn” không? Lệ cười ré lên:
- He he, cá sông Pô cô nổ mắt vì lính gùi sắn mày ạ
Cả hàng quân không quần cười he he. Có tiếng thét:
- Khẩn trương vượt sông . Có L19 đới .

Tiếng i i o o thằng L19 vọng từ rất xa. Mặt sông trở lại yên tĩnh. Những thằng lính đã kịp sang hết sông lao vào những bụi le đầy lá vàng nằm tô hô tán phét. Thằng Xiên, Ngân hàng tranh thủ khoáy thỏi TNT lắp kíp số 8. Nó lẩm bẩm, mẹ kiếp dây cháy chậm hôm nay cho dài ra để xuống đáy sông nó mới nổ chúng mày ạ.
Cả hàng quân không quần cười he he. Có tiếng thét:
- Khẩn trương vượt sông . Có L19 đới . Tất cả chạy hí hóp. May quá, cái thằng L19 nó quành đi đàng khác. Lính ta vào đến bến an toàn. Không kịp mặc quần, thằng nào thằng nấy đổ sắn vào kho ngay để rút về bờ bên kia. Kho là những tấm phên trải trong rừng le có mái ni lông đen quây kín. Một lính cũ ốm ho quần đùi nhuộm màu đất đỏ đứng nhìn đoàn quân khỏa thân trút những gùi sắn khô bụi mù ghi chép số lượng. Mặt người lính cũ nom không ra cười cũng không ra mếu. Tóc tai bù xù như ma trơi. 
- Nhanh lên sang bờ đi để còn đi “múc” !
Lính ta hiểu ngay là đi đánh cá. Thằng nào cũng hớn hở vượt sông trở về. 
Những khúc cầu dặt dẹo phùng phèo dưới mặt nước. Những bước chân hối hả. Cũng chả có thằng nào nặng quá 55 kí nên xem ra thứ cầu lồ ô này đảm đương được những bước chân vội vã liêu xiêu qua nó. Trời đã gần trưa. Oi oi, nồng nồng thứ mùi nước sông đục thỉnh thoảng có những đám lá rừng và đầy những quả sung quả vả trôi đập dờn. Vội đến nỗi chưa thằng nào kịp mặc quần. Mà mặc làm gì , tí nữa là xuống nước lặn hụp ngay thôi. Đội hình nửa quân phục sang hết bờ tây và đi ngược sông. Lính chui qua những rừng le sậm soẹt, lính vượt lên những khúc quanh đá lởm chởm như rùng chông ven bờ sông. Thằng Lịch Sư phạm thì thầm:
- Hôm nay để tao làm dây cháy chậm. Mấy hôm trước tao gặp vài thằng “ca ra vát” đít nói cái vực trên này nhiều cá mà không bắt được vì nước sâu. Vũng lặng dưới thác là nhiều cá lắm nhưng cũng nguy hiểm đấy nhá. 
Thằng Xiên Ngân hàng người ngắn, giọng nói bè bè :
- Sợ chó gì. Bon đánh cá cho BTL B3 cũng toàn đánh hai đầu thác đấy thôi. Cứ chọn chỗ sâu chỗ nước lặng mà oánh. Chuyện hụp lặn để tao lo. Thằng Lệ xiêu vẹo chạy theo chúng nó đến chỗ bỏ gùi xuống trên một tảng đá rộng. Lệ nằm thở. Nó nhìn mây bay trên giời mà như thấy rừng cây và núi non đang đổ sập xuống. Lệ nhắm mắt lại. Tíếng nước chảy trên thác dội xuống rầm rào. Lệ như có cảm giác mùi nước sông rất giống mùi nước sông Lô quê nó mùa tháng 8. Thằng Lệ mở mắt. Cả chục thằng lính cởi truồng đứng lom lom trên vực đá. Chỗ này nước trên thác dội về quẩn vào một cái vũng rộng bằng nửa sân kho HTX. Nước lặng và đục. Có lẽ bao nhiêu thứ tạp nham trôi về được lặng lại chỗ này. Có tiếng thằng Xiên:
- Lịch ơi cắt dây chưa? Chả thằng nào nói gì. Thằng Việt Anh khoa toán ghe tai Lệ. Mẹ nó cắt dây dài thế, cá nó chạy hết. Mẹ kiếp nó liên kết 2 thỏi thuốc nổ mày ạ
- Ném này. Thằng Lịch hô khẽ, đanh như nhát búa. Thằng nào cũng ngồi thụp xuống. Bọt nước tóe lên rồi im lặng …một giây hai giây rồi chừng năm giây …Ùm! nước trồi lên to như cái vó, bọt sôi èo èo. Chưa thằng nào nhảy xuống. Tât cả ngồi chồm hổm lũng lẵng trên bờ ngó lom lom xuống nước. Một thằng kêu … nổi rồi, nổi rồi. Lính ta lao xuống. Chúng nó hối hả. Những con cá lờ đờ mắt lồi ra nằm nghiêng nghiêng. Thằng Xiên hụp xuống. Bỗng nó ngoi lên hét to. Ối giời ôi! Chúng mày ôi. Nó không nói nên lời mồm ngáp ngáp đầy nước. Xiên cứ lấy tay chỉ xuống mặt nước. Thằng Lịch nhào lại. Xiên lúng búng, Giải…con Giải to lắm. Bốn thằng nắm tay nhau cùng hụp xuống. Trên bờ thằng nào cũng nín thở. Mặt nước sông sủi tăm ùng ục. Bốn cái đầu cùng nhô lên ngáp ngáp. Lính ta rú lên. Giời ơi chúng nó lôi con ba ba to như cái nồi 60 đã bung phần mai chỉ còn thịt bầy nhầy. Hôm nay cá cũng nhiều, lại được cả con ba ba nữa. Vui khôn xiết. Cả lũ nằm ngửa trên đá tranh nhau cười tranh nhau nói. Trưa hôm ấy oi thế. Đầu mùa mưa mà ít mây. Phía ngọn thác nước reo như hát. Một bữa no hiện ra trong mấy chục cặp mắt trai trẻ sinh viên. Bầu trời đùng đục hóa xanh hơn. Nước sông Pô Cô cũng thành xanh trong và rừng thơm nức những là hoa và đầy ong bay. Chúng nó quên đói.
Sau bữa tối hôm đó. Nằm bên bờ sông Pô Cô. Lính sinh viên C1 ôm lấy nhau mà hát. Đói cũng hát nỉ non mà no cũng hát ê a ề à. Con người chả khác chi động vật về mặt tình cảm là mấy. Bọn khoa Sinh nằm trên võng tranh luận về biểu hiện tình cảm của giống mèo. Chúng nó bảo, mèo chỉ có mỗi một tiếng kêu meo meo. Buồn cũng meo meo, vui cũng meo meo, ân ái cũng meo, đói no cũng meo meo tất. Thằng Lệ và Lịch cùng khoa Toán thì nằm gần nhau. Có tiếng chim gọi vịt kêu vít vít. Thằng Lịch thì thầm. Mẹ nó chim gọi vịt đi tìm nhau sớm thế? Lệ trở mình, hỏi :
- Lịch ơi ! Cái đêm nằm lại đợi tàu đi Bê ở ga Lương Sơn trên Bắc Thái vợ mày ra thăm…rồi thằng Lệ cười hì hì. Thằng Lịch càu nhàu:
- Chúng mày quá đáng. Tao và vợ tao đành chui vào bụi rậm ngoài bìa rừng mà chúng mày cũng phát hiện ra. Lịch nói khẽ, 
- … Đêm ấy tao thương vợ tao quá mày ạ. Rét cóng người … chả biết có thụ thai không? Mẹ kiếp lấy nhau rồi chỉ kịp ngủ với nhau có hai ba lần…lần thì trốn đơn vị về trong đêm gần sáng là chuồn. Lần thì ngủ với vợ mình trong bụi rậm. Mà mày biết không, lúc vợ chồng tao ôm nhau trong bụi sim ở Lương Sơn ấy tao vẫn nghe thấy chúng mày hát..." Miền nam kêu gọi ta vượt Trường Sơn bay vọng ra"...mày ạ
'''''''''''''''''


Cơn mơ tháng Ba


Những cơn mơ bao giờ cũng cũ 
Chả bao giờ ta mơ ta sướng ta đẹp hơn lên
Đêm đêm ta trung thực với ta nhất
Kề bên em cũng chả biết ta khóc hay cười

Tháng ba của đời tôi
Những cuộc hành quân của ta thấm gì với trẻ em và người già năm ấy
Mùa này là mùa khô 
Suối và sông cũng cạn 
Những con ong khốn khổ trong nắng vàng 
Những con chào mào leo heo trên những cây pơ lang sót vài bông hoa đỏ

Không có sấm
Tây Nguyên ầm ào tiếng súng
Không có nước 
Tây Nguyên rùng rùng khóc
Chân tôi trẻ trung úp mặt lên tơ tướp mặt đường
Chân lính vẽ những bước con tập đi trên đất

Mặt đất khóc tiếng khóc hồng hoang
Con sông và cỏ cây chim muông gào thét
Tôi và đồng đội vài chục năm sau còn thức
Những cơn mơ tháng ba

Hoa gạo ơi cánh đỏ rụng về màu máu
Lọn bông bay đi nõn tơ
Tiếng cồng chìm xa cánh rừng khát suối
Tháng ba còn lại cơn mơ

21/5/2016


Rừng đói 18


18
Một tuần nay sắn đào lên toàn củ to như đầu gối gập. Lõi trong veo như nõn chuối. Củ nào cũng õng nước. Nhạt hoét. Được cái mấy hôm nay tiểu đoàn được cấp gạo nương. Đại đội trưởng bảo đấy là gạo của huyện 5 Gia Lai ủng hộ. Rồi ông ấy đay :
- Dân Tây Nguyên đã đói, đã khổ đến cái khố cũng không có đeo mà vẫn nhường gạo cho bộ đội. Các đồng chí nhớ… mà ghi lòng …mà chiến đấu.
Lính ta chả thằng nào nói gì. Miếng cơm thơm nức cứ nghẹn ngang cổ.
Tối, rủ thằng Sỹ sang Xê 1. Đại đội này là quân đại học Sư phạm và đại học Nông nghiệp Việt bắc. Toàn những thằng láu cá và sát gái. Chúng nó khoe, về đường tán gái thì bọn Cơ Điện và Mỏ Địa chất chúng tôi gọi bọn nó là cụ. Hôm lên tàu đi “Bê” ở ga Lương Sơn lũ, con gái trường Sư phạm khóc tức tưởi. Gục vào nhau rưng rức. Chúng nó hét lên, chúng nó gọi tên nhau lúc tàu chạy. Bon tôi não cả lòng. Tàu chạy rồi lũ trường Kĩ thuật bọn tôi nhìn bọn Sư phạm đầm đìa xúc cảm thấy gai gai sống lưng. Thằng Dương Cao bằng nheo mắt:
- Mẹ! mấy cái quần lụa đi Bê. 
Bọn Sư phạm gườm gườm nhìn chúng tôi. 
Bây giờ thì tất cả là kỉ niệm. Mới có vài tháng mà những khuôn mặt bạn gái lùi xa như hàng chục năm. Ấy là nghe chúng nó văn vẻ thế. Thằng Sư phạm nào trong ba lô cũng rất nhiều ảnh bạn gái. Rất nhiều thằng có cả mớ tóc buộc bằng những sợi len đỏ ướp hoa Ngọc lan khô ngăng ngắc mà vẫn thơm. Bằng chứng là khi đi trên Trường Sơn, bọn nó hay đổi được rau được sắn rồi được cả mật ong của đồng bào người Lào. Bởi vì chúng nó rất nhiều ảnh con gái. Có thằng lính trường Sư phạm nói, nếu sống mà về thì tao sẽ đến nhà mấy đứa con gái cùng lớp giả lễ chúng nó. Nhờ chúng nó mà leo được Trường Sơn. Một lần nhìn thằng Lệ nghỉ giải lao trên đỉnh dốc ,ngồi quay mặt vào gốc cây, gục đầu xem ảnh con bé nào đó ở khoa toán. Mấy thằng xúm lại thật khẽ, quì sau lưng nó chắp tay khấn. Thằng Lệ quay lại. Nhìn mấy thằng đang nhắm mắt vẻ như đang mê mẩn. Lệ hét lên:
- Báo động di chuyển!
Cả bọn “diễn viên” đang lên cơn phê tình tang lao ngay về ba lô của mình chụp lấy súng. Thế là trận cười lan ra bay trên dốc núi Trường Sơn, những tiếng cười lính trẻ làm giật mình những con ong đang nhởn nhơ với hoa rừng.
Bọn xê 1 tối nay đang đào bếp Hoàng Cầm làm lò sấy sắn. Chúng nó ca cẩm, bếp Hoàng Cầm để nấu cơm đã khổ nay lại làm lò sấy sắn Hoàng Cầm. Khổ đời thằng “ mục” quá. Mà cũng chả biết cái tên thằng “ mục” mà các cán bộ cũ ra nhận quân hay nói truyền sang lính từ lúc nào. Mấy ông ấy nói cứ như thơ…”đời lính mục, ăn cơm cục, uống nước đục, bị cán bộ giục, không đi thì nhục, đi thì bị địch phục, đời thằng mục ….” Cứ thế đọc mãi không hết, cứ quanh đi quẩn lại cái vần ục. Thế rồi chúng nó đồng ca cái bài thằng “mục”. Hát một lúc thằng nào cũng tức cả lồng ngực rồi cười phá lên. He he chẳng khác gì bài ‘ Chim Ri là dì sáo sậu “ chúng mày ạ. Một lần thằng Dương Cao bằng hỏi đại đội trưởng, thằng mục là thằng nào hả anh? Anh Nhất nhìn nó nheo nheo. Rồi đột nhiên anh ấy bảo, là tao là mày, là những thằng lính đánh nhau ở chiến trường chứ ai nữa. Thằng Dương quay mặt đi chỗ khác lèm bèm. Mẹ kiếp, học mấy năm đại học nay đi vào rừng để mang tên thằng “mục”, đéo hiểu định luật này ở đâu ra. Cả tiểu đội lại cười he he.
Bếp Hoàng Cầm khói mù đến tức thở. Chúng nó giải thích. Tranh thủ đêm tối không có máy bay trinh sát làm động tác sắn hun khói. Sắn này ăn sẽ có mùi vị giống mồ hóng chữa bệnh sốt rét. Thế là lại cười tóe lên. Có một thằng đầu tóc bù xù trong góc bếp sấy sắn chui ra:
- Thằng nào là Luân. Lại đây tao chăm sóc. 
Hơn chục thằng lính im thít. Mẹ kiếp! mày là thằng nào mà bảnh choẹ thế? Thằng Sỹ nói to:
- Maỳ không biết thằng Luân thì mày đéo phải lính Sinh viên 3002. 
Thằng đầu xù bước đến trước tôi. 
- Nói cho oai thôi mày thì thằng nào chả biết. Đến mấy đứa con gái người Thổ trường tao còn biết độ đen tuyệt đối của mày nữa là lính 3002. 
Nó cười sèn sẹt. Cái kiểu cười rất ít gặp. Nó đưa ra một nhúm thuốc rê. Nó bảo thuốc trồng trong vườn nhà tao đấy. Thuốc Ỷ La Tuyên Quang. 
Bây giờ thì tôi nhận ra nó. Thằng Hiệp cùng tổ với bạn tôi tên Minh Hiền ở đại học Nông Nghiệp Việt bắc. Nó thì thầm:
- Hôm trước đi Bê, cái Hiền bạn mày có xuống đại đội tao chơi. Nó bảo nó có bạn ở Xê 2 Cơ Điện tên Luân thân lắm. Trước lúc chia tay nó nói nhỏ và tao thấy mắt nó có nước, Hiệp ơi nhờ bạn chăm sóc bạn Luân tớ nhé. Tao biết sau đó nó sang Xê mày đúng không? Nói rồi nó là cười sèn sẹt. Nó nói tiếp, Tao nhớ bạn mày ! Nhưng chưa biết chăm sóc mày bằng cách nào. Thôi thì có tí thuốc sợi để dành hôm nay gọi là chăm sóc mày nhé 
Cả trung đội chúng nó ré lên cười. Cười tôi thì ít mà cười vì có thuốc hút của thằng “Hiệp thổ” thì nhiều. Thằng Hiệp gục gặc cái đầu ra tuồng hoàn thành nhiệm vụ nặng nề. Nó vỗ vai tôi, giọng rất cán bộ:
- Tao bảo thật nhé. Gái khoa chăn nuôi người toàn là mùi ….phưn lợn thôi thằng “ mục “ ạ. 
Trong đêm, tiếng cười ồn ã quanh cái bếp Hoàng Cầm khói nhèm mắt và mùi sắn sấy khai khai, tôi thấy ánh mắt thằng Hiệp Tuyên Quang nhìn tôi nháy nháy.