Sunday, July 31, 2016

Trưa ở nhà quê nhớ Mẹ. Thơ : Nguyễn Trọng Luân. Ngâm: Trí Trọng Trí

Trưa ở nhà quê nhớ mẹ


Những vết ố rêu từ ngày vắng mẹ
In hằn lên bậu cửa buổi con về
Cau giữa hè cong lưng vàng ngoài ngõ
Tiếng gà trưa thổn thức tiếng ngày xưa


Trưa nay con nấu cơm canh mướp
Chan cả vào nước mắt chứa chan
Mẹ ơi về ăn cơm đi mẹ
Bỗng ngoài vườn điêu điếu hót ríu ran

Ngõ vắng sau mưa rào tháng bẩy
Con thấy như mẹ quảy gánh về nhà
Ôi đời mẹ những là rơm là rạ
Là lưng còng cấy mạ cánh đồng xa

Hương hồn của cây vườn hoa lá
Là mẹ cha ta hiền như thể ruộng vườn
Con bỗng thấy bao bon chen vật vã
Chả thiêng liêng gì dưới bóng mẹ của con

Trưa quê 31.7.16

BỜ SÔNG VỤNG DẠI


( Tặng những đứa bạn tôi đã học ở cấp 2 ĐAN THƯỢNG)

Em vụng dại hay là anh vụng dại
Triền ngôn non dấu bước tuổi thụt thò
Mỗi năm có môt mùa sông lũ
Ngẩn ngơ hoài đêm ấy trống hộ đê

Ngô thì non sông thì già lơ đãng
Chỉ tuổi thơ vương áo phấn ngô đồng
Rồi một mùa anh lên đường đánh giặc
Chợt thấy sông gầy, em gầy guộc bên sông

Vai nặng súng nhớ tênh tênh chân trắng
Em chạy ào trên bãi vắng chiều đông
Mùa nước cạn sông quê mình cũng vắng
Những người trai đi hút cuối cánh đồng

Em vụng dại hay là anh vụng dại
Chỉ con sông quê mới hiểu chúng mình
Đêm ấy gió Trường Sơn giận dỗi
Lá ngô chen khuy áo ngực phập phồng

Anh về lại quê mình mùa nước
Người ở đâu nhà cũ đã thành đồng
Có một ông già ngồi thăm thẳm
Triền ngô buồn xanh ngái ở bên sông
1/8/16 

Friday, July 29, 2016

GỬI BẠN NGÀY VỀ TRƯỜNG CŨ


( Viết ngày về hội trường C3A YB 1997)
Bạn có về Văn Phú nữa không
Sông vẫn trở bè xuôi đấy chứ
Hoàng hôn về bên kia Minh quân
hoa lau bạc đầu lâu đến thế

Ban có về Văn Tiến lần nào không
Rừng nứa còn xạc xào chiều gió
Con suối cạn vắt ngang đường nhắc nhở
Hòn cuội trắng tinh trong túi học trò

Có ai về Tuần Quán Bảo Lương xưa
Tìm trận địa đèn pha bắn tàu bay Mĩ
Những ngọn đồi cỏ may rậm rì hoa cỏ
Lối nào cỏ may quấn cả áo mình

Thị xã nằm nghiêng bên bờ sông Thao
Đầu gối lên bờ chân buông xuống bãi
Bọt ngầu dưới bến Âu Lâu uể oải
Lá đa đổ xuống dòng từ phía cổng đồn Cao

Chuyến tàu xuôi nhả khói bạc đầu
Chiều Bảo Hưng khói lam mềm mại thế
Con gái quê mình cười thơm hương quế
Để bâng khuâng theo đến tận bây giờ

Ngơ ngẩn đi tìm ngơ ngẩn đi thăm
Tên xóm tên làng đã thành tên phố
Cái gì cũng quen cái gì cũng lạ
Bỗng rưng rưng đường phố lên đèn

Thầy cũ gặp trò người nhớ người quên
Nhưng tình thương thì vẹn nguyên tất cả
Chúng mình đi xa thương các thầy vất vả
Hiền lành như cây khế ven đường

Ước chi ngày trở lại mái trường
Đưa những đứa con cùng về theo nhỉ
Chúng mình nhìn vào mắt trẻ
Để thấy mình ngày xưa

YB 1997

Lớp của tôi ở nơi sơ tán 1966

Thursday, July 28, 2016

Đằng sau tấm ảnh


Đằng sau những mái tóc bạc kia
Là một pho chuyện cười lính trẻ
Đằng sau những nếp nhăn kia 
Là một thời yêu thương cháy lửa

Đằng sau những nụ cười hiền lành
Là chiến công nơi thành cổ
Bạn tôi hiền thế
Như rừng hoa mua nơi khoác áo tân binh

Những người bạn tôi mang thư tình vượt sông Thạch Hãn
mang về lời nhắn nhủ chối chăng
Nụ cười đêm sang sông nhập nhòe pháo bầy pháo biển
Nụ cười ngày về mặn nước mắt gặp nhau

Một đời người mấy bận vào Đại học
Bao nhiêu kì thi dở dang
Bao nhiêu đồ án bạn tôi không về bảo vệ
Bao nấm mồ chẳng tên lớp tên trường

Chúng tôi đi từ mái trường
Nằm xuống không trường không lớp
Bốn mốt năm sau tìm nhau
Cười nhăn cả cánh hoa mua tím
29/7/2016

Wednesday, July 27, 2016

GỌI NHAU VỀ TRƯỜNG CŨ

Rồi mình đi về trường cũ
Rừng xưa nay đã không còn
Thì mình đi tìm lối nhỏ
Nay lên thành phố thành phường


Em có đi tìm cây khế
Cô đơn bờ suối ngày nào
Anh nhớ mùa ôn thi ấy
Có mùi hoa dẻ nôn nao

Anh nhặt cho em hòn cuội
Kì chân bên suối trắng ngần
Rồi đi nhặt mùa trám rụng
Kìa ai đôi lúm đồng tiền

Thầy cô đi từ ngày nào
Về xuôi có còn mạnh khỏe
Bạn bè ở đâu ở đâu?
Nhớ nhau nhớ thời đạn lửa

Nhớ mùa thi dưới hầm hào
Đợi hết tiếng bom đạn nổ
Lại bừng chí chóe trêu nhau
Áo em viết tên ai đó

Để lại đằng sau cơm áo
Để lại muộn phiền tháng năm
Mình về với ngôi trường cũ
Hoa râm thơm nức hoa rừng

28/7/2016

Lời của Liệt Sĩ trong ngày 27/7. Thơ : Nguyễn Trọng Luân. Ngâm : Trí Trọng Trí

Tuesday, July 26, 2016

Tri ân mẹ sao đây


Chết vì Tổ Quốc họ chẳng cần ghi danh
Nhưng Tổ Quốc không ghi danh thì là hổ thẹn
Tổ Quốc đâu mơ hồ? còn nhân dân thì hiển hiện
Là lòng dân là ước nguyện cháu con

Có đất nước nào như đất nước ta không ?
Nửa thế kỉ rồi mấy trăm ngàn nấm mồ không tên tuổi
Mấy chục năm rồi nước mắt không khô nổi
Cuộc kiếm tìm tang tóc tựa chiến tranh

Những vô cảm người đời sau những vui thú thanh bình
Những lâu đài những tập đoàn cháu con quan phụ mẫu
Nhang khói đắng rừng Trường Sơn Biên cương Hải đảo
Nước mắt thành cá sấu rồi sao ?

Thôi những ngày này cờ quạt xôn xao
Chém gió đăng đàn toàn những người giàu có
Chút thơm thảo có từ máu xương cha anh đã đổ
Ta lấy ơn người ban phát lại người ta

Tôi trở về nghĩa trang quê nhà
Rêu và cỏ được trẻ em mấy hôm nay dọn dẹp
Tôi bỗng thấy bạn mình rất thật
Mẹ ngồi hiên nhà lòa mắt gọi tên con

Thế hệ chúng tôi tuổi trẻ gửi trường sơn
Đâu cần phải tô son bê tông ngoài nắng gió
Mẹ chúng tôi cả một đời đau khổ
Mít tinh nào vui lòng mẹ, mẹ ơi
26/7/16

Lời liệt sĩ trong ngày 27/7


Đừng để những người lợi ích nhóm vào nghĩa trang
Đội ngũ chúng tôi không có đồng đội nào như thế
Hãy để gia đình họ quây riêng nghĩa địa 
Cầu cho xanh sạch môi trường

Xin đời sau đừng có đặt tên đường
Cho quan to nào trong phường “lợi ích nhóm”
Đất nước lùi vì kẻ thù làm ung thư máu
Máu Lạc Hồng đỏ đã mấy ngàn năm

Ơi những suối sông những hài cốt âm thầm
Những cánh rừng chiến trinh hoa mọc lên hi vọng
Những chiến binh bỏ mình vì trận mạc
Đau đớn bội phần vì sâu mọt phá lòng dân

Cứ mỗi mùa 27/7 khói nhang
Chỉ mong đất này giàu lên tiền rừng bạc bể
Chúng tôi đau lòng quá thể
Trong khói hương nghe chuyện rút máu tổ quốc mình

Đừng cho họ vào nghĩa trang những chiến binh
Chúng tôi không thể chết thêm lần nữa
Khi đứng chung đội ngũ
Những kẻ mang tên “nhóm lợi ích” Người ơi

27/7/16

Thursday, July 21, 2016

QUÊ



Nàng bảo với chồng:
- Mẹ đã ngoài 90 leo lét như ngọn đèn mình về ở với mẹ được ngày nào vui cho mẹ ngày ấy vui cả cho đời mình anh ạ. 

Chồng nàng gật đầu:
- Nhà cứ về đi, tôi còn trăm thứ phải lo với con với cháu. Với lại huyết áp tôi thế này khí hậu nóng ẩm miền bắc đột quỵ lúc nào không hay đâu. 
Nàng ngậm ngùi về quê một mình
Ở làng chả mấy người còn nhận ra nàng nữa. Bạn thời học trò xa nhau đã hơn 40 năm. Họ cũng ra thành phố cũng phiêu bạt tứ tán ở những nơi đô hội giống như nàng. Quê hương chỉ còn là câu kể chuyện với con với cháu những lúc buồn buồn. Hôm nàng về đến làng, nàng loay hoay mất mươi phút mới nhớ ra ngõ về xóm mình. Đổi thay quá, làng quê lên thành phường. Loa truyền thanh khu phố treo đúng chỗ cây khế bờ suối ngày xưa đang eo eo hát bài Bốn Chữ lắm. Lúc ấy đã chiều chạng vạng. Có một ông già thọt chân dắt cháu qua cầu xi măng. Con suối ngày xưa to là thế bây giờ chỉ còn mươi mét. Ông cháu lão thọt đứng nép gốc khế già tránh bà khách đẩy va li qua cầu. 
Bỗng ông thọt cất nhời:
- Bà Tình. Phải là Tình không?
Đứa cháu giật mình nép vào ông. Nàng cũng giật mình. Lâu lắm mới có người gọi tên cũ của nàng. Cái tên Trần thị Tình xa nàng kể từ khi nàng ra thành phố rồi theo nàng đi tận trời nam. Ở làng con cháu trong họ cũng gọi nàng là Phương Nga. Bà Phương Nga dậy đại học tiếng nước ngoài. 
- Ồi anh Thọt à anh… Đồng. Bà nhận ra anh chỉ vì cái chân thọt. Trí nhớ bà vụt sáng láng nên nhớ ra tên người bạn chăn trâu tên là Đồng. 
Đêm ấy nằm bên mẹ, nàng sờ nắn các ngón tay của mẹ lục khục và thao thức nhớ ngày xưa.
Cùng làng có bạn cùng học tên Thành học khá và nhà cũng khá giả. Đồng thập thễnh đi đến lớp lúc nào cũng đi đằng sau nàng và Thành. Thành đi học rồi về làm tới chủ tịch thị xã còn nàng đi miết không về. Thành lấy vợ người Hà Nội. Thành theo đuổi nàng có một dạo rồi thôi, khi gặp cô gái Hà thành. Nàng theo chồng làm sĩ quan bộ đội đi miết đến bây giờ. Trong trí nhớ nàng bỗng hiện lên hôm nàng đi đại học ,Thọt đứng ở gốc khế bên bờ suối đưa cho nàng gói quả sim cuối hè. Trên chuyến tàu xuôi hôm ấy nàng nhớ là vừa ăn sim vừa kể chuyện vui về anh thọt chân đất với mấy đứa bạn cùng nhập trường.
Mẹ nàng kể lõm bõm, anh thọt vẫn sang nhà mình, anh thọt vẫn ngồi ở bậu cửa chẻ tăm chẻ lạt rồi kéo nước cho mẹ. Mẹ khen, cái thằng bố thọt quanh năm ruộng nương mà cháu con học giỏi mà ngoan ngoan là …

Hôm nàng bay về Sài Gòn túi đồ của nàng bị ách khi qua cửa soi kiểm tra. Nàng mở túi, một gói quả cọ đã ỏm chín tím sẫm. Chú an ninh còn trẻ nhìn nàng hỏi;

- Bác quê Phú Thọ à ? Nàng gật đầu. Nàng vụt nhớ lời thọt đêm qua khi chia tay nàng.
Thọt bảo :
- Quê là thế Tình ạ.

Wednesday, July 20, 2016

GỬI NGƯỜI QUÊ


Người ơi sao chẳng thấy về
Rừng hoa tím mắt người đi tím chiều
Người quê cắp nón trông theo
Mấy mươi năm nón lá nghèo người ơi

Bờ sông bông gạo lên giời
Cánh hoa xuống bãi đắp bồi nhớ nhung
Bao mùa giỗ Tổ đào măng
Em đi chầm chậm tìm trong hội hè

Đò đưa lở lói chiêm mùa
Đợi người tóc bạc sông quê cạn dòng
Ngẩn ngơ suối Ngọc đền Hùng
Mỗi mùa măng mỗi lạnh lùng người ơi

Thị thành Trám có còn tươi?
Mùa thu chim ngói lưới người ta giăng
Hoa râm mãi ở đầu làng
Hoa râm cả giấc mơ nàng mơ anh

Cõi xưa chày gõ Thậm Thình
Còn em chặt chuối đưa mình sang ngang
Có người về lại bờ sông
Hiền Lương bến vắng gọi không thấy đò

Sáng 21/7/2016

Ảnh đầm Ao Châu quê tôi

Monday, July 18, 2016

RÁNG CHIỀU TRÊN NHỮNG DÒNG SÔNG CHIẾN TRANH.


Quê tôi ở bên sông. Con sông Hồng bên lở bên bồi như bao dòng sông khác. Lớn lên nghe tiếng ầm ào mùa nước, nghe tiếng bồi băng xoàm xoạp trong cơn lũ rợn người. Nghe tiếng gọi đò đêm khuya năn nỉ day dứt. Nghe tiếng đàn trâu phì phọp lúc hoàng hôn, tiếng trẻ con nô đùa vùng vẫy, tiếng đập chiếu bôm bốp dội đi dội lại đôi bờ. Những con đò gác đầu nằm nghiêng lên bãi cát. Những mùa đông vắng người, con đa đa gật gù đi mon men cạnh những chiếc thuyền nan lười biếng. Những chiều tôi đứng trên đê nhìn sang dãy núi xám mờ bên kia sông. Dãy núi chạy dài lên Nghĩa Lộ, thấy những tàn lửa lập loà cứ tự hình dung ra một ngôi nhà cheo leo trên cao và những đứa trẻ cũng chân đất như tôi ngồi nướng sắn ...

Tôi đi học chân đất đến trường cho tận tới khi tốt nghiệp phổ thông. Ngày vào đại học, tôi đi xa nhà mang theo đôi dép cao su mà mẹ phải bán hai gánh sắn mới mua nổi. Rồi quê tôi bị bom Mỹ thả vào ga tàu hoả, vào ngôi trường mái lá bên sông .
Tôi đi bộ đội. Tôi không được ghé thăm nhà, đi thẳng vào chiến trường năm 1972. Ngôi làng nghèo bên sông ấy và hình bóng cha mẹ cứ chập chờn hiện về ở Trường Sơn đung đưa trên võng .
Một đêm cuối năm 1972, chúng tôi qua sông Mã. Cái cầu treo phía nam Hàm Rồng ập ình trong bóng đèn đỏ lòm từ cây đèn bão của người gác cầu. Cả tiểu đoàn vôi vã qua sông trong mưa phùn rét buốt. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên nghe con gái Thanh Hoá nói trong đêm với nhau: Bộ đội ở mô mà hiền chúng mày nhỉ ? Chúng tôi bì bõm trong đêm, con sông Mã oai hùng trong thơ ca, trong trí tưởng tượng của chúng tôi bỗng nhỏ nhoi hiền lành như những người con gái dẫn đường ở cây cầu phao đêm ấy.
Hai tuần sau, vào áp tết Nguyên Đán chúng tôi tới sông Gianh. Đêm ấy khuya rồi, chừng 12 giờ đêm chúng tôi xuống ca nô ở Quảng Thuận, Quảng Bình. Rét lắm. Mặt sông trắng như sữa bởi sương mù. Tôi không định hướng được mình đi thế nào bởi không trăng không sao lại mù sương. Bỗng nghe hò. Xin đừng ai bảo là tôi viết văn nhé. Tôi ám ảnh mãi đến bây giờ vì câu hò trong màn đêm sương dưới sông Gianh năm ấy . ...
“ ờ ...ơ hò Chừ Sông Gianh thì mãi chỉ mừ sông Gianh
Chừ... anh đi đánh giặc ...ờ ờ ơ dù có xa ...ờ ơ mãi chỉ là anh của ơ ớ mình ...” Câu hò ấy tôi nhớ đến tận giờ. Hiền thế, đong đưa thế ơi vùng đất đầy bom lửa với những người con gái Quảng bình thắt đáy lưng ong.
Đêm ấy chen chúc nhau trên ca nô chật cứng và ai cũng mỏi mệt đến nhão người nghe con thuyền nào trôi giữa sông có tiếng hò rất ấm trong một đêm rất lạnh. Bên tôi chật ních những người ra trận dựa vào nhau mệt mỏi không có lời hưởng ứng. Chiếc ca nô cứ ngược sông Gianh oàm oạp rồi rẽ sang sông Son óc ách . Nhưng tôi biết tất cả đều không ngủ và ai cũng lắng nghe tiếng hò trên sông đêm ấy.
Đêm sông Gianh là một đêm thổn thức .
Mờ sáng, cả đoàn quân leo lên bờ sông. Bờ bãi là lau sậy, con đường đất loe loét bùn, bọc chiều dài sông là một triền ngô non. Con đường lê bùn nhoét vào tận làng Cự nẫm. Ngôi làng nghe cái tên thật lạ lẫm với người học trò miền Bắc như tôi. Ở lại Cự Nẫm mấy ngày từ 22 tháng chạp tới 26 tết mới ra đi .
Chiều chiều ra bờ sông nhìn khói bếp len lỏi vườn cây, nhìn những đứa trẻ nướng khoai bên bờ sông lại nôn nao nhớ nhà. Cứ tự hỏi đã có biết bao người lính miền Bắc đã qua dòng sông này ? Mình là người thứ bao nhiêu và còn bao nhiêu người qua đây nữa? Chiều áp tết ngồi trên bờ sông Son nhớ nhà tê tái

Những ngày tiếp theo là chuỗi ngày hành quân trên Trường Sơn . Chúng tôi qua sông Sê Băng Hiêng, rồi sông Bạc. Những con sông ở Trường Sơn nhỏ thôi nhưng lởm chởm đá, kì bí hiểm trở . Có con sông chảy từ Đông sang Tây và lại có những con sông chảy từ phía Tây về hướng tổ quốc mình. Có điều lính vượt sông bao giờ cũng lúc còn đêm. Chỉ nghe óc ách và ầm ào của hàng trăm người lính lội dưới dòng . Vượt qua sông sợ nhất là có pháo sáng. Lúc ấy mặt sông trắng xoá ra nhìn rõ dép cao su của mình dưới nước . Chúng tôi sang bờ bên kia là cắm đầu chạy còn đội hình đang ở giữa sông thì dìm cả người xuống sông .
Tôi từng gặp một dòng sông đẹp mê man trên dường hành quân . Đó là con sông Xê Công ngay gần trạm 78. Chiều ấy, chiều thật vàng. Bãi khách là một khu rừng lá vàng trên bờ sông. Những con thuyền từ phía Miên bơi sang đổi thuốc lá, đổi những áo quần khăn mũ. Lần đầu tiên đổi cái mui soa được gói thuốc con gà. Chúng tôi nằm trên võng nghe tiếng con gái vọng dưới sông và tiếng cười của họ rơi lanh lảnh trên mặt nước. Hôm sau chúng tôi đi theo hướng mặt trời nhằm về Kon Tum .
... Chúng tôi vượt sông Pô Kô ( con sông hợp bởi ĐAPLA và KRONGPOKO ) đi về hướng Gia Lai. Lại một chiều trú quân ven sông. Cán bộ nhận quân, cấm không cho lính ra bờ sông. Mắc võng trong rừng Le nóng ngột ngạt ong ong trên đầu tiếng máy bay L19 . Tắt nắng, máy bay cũng chuồn từ lúc nào chúng tôi ra ngồi trên tảng đá nhìn sang sông trong nhập nhoạng tối có một con thuyền độc mộc trôi xuôi. Một người đàn ông đóng khố chèo thuyền như đang chui vào cổ tích. Con thuyền len lỏi qua từng vạt đá. Nó nhấp nhô lặng lẽ. Nửa đêm chúng tôi qua sông. Khúc sông cạn đầy ghềnh đá mà hiền lành. Người cán bộ nhận quân nói, mùa khô nó hiền thế thôi chứ mùa mưa thì khủng khiếp lắm. Tháng 6 năm nay đơn vị mình lật cánh từ Kon Tum về Gia Lai đưa cả thương binh nằm trên bè kéo qua, dây đứt bè chìm dưới thác mất cả thương binh, buồn quá. Chúng tôi im lặng không dám hỏi lại và người cán bộ cũng im lặng cho đến sáng. Con sông Pô Kô huyền thoại với lũ học trò lâu nay bây giờ lại càng thêm huyền thoại. Chúng tôi để lại sau lưng tiếng nước chảy vớí dòng sông tựa hồ những con thác trườn trên rừng đá lởm chởm để đi về phía súng nổ. Thân xác các anh thương binh giạt vào đâu trong cái con sông đầy ghềnh đá hang hốc ấy ?
Ba năm trời trong cánh rừng phía tây Pờ Lây Cu. Qua mùa mưa lại sang mùa khô, hết tác chiến lại tăng gia, hết lên nương lại giữ chốt. Nhiều khi nhớ nhà là lại thấy con sông quê mình hiện lên. Lại thấy hình ảnh bố mình cõng cái thuyền nan đêm đêm đi kiếm cá. Nhiều đêm lẫn trong tiếng pháo kích từ Thanh An, Hàm Rồng, Mỹ Thạch nghe lanh canh tiếng gõ thuyền của bố trong đầu. Lại có lúc bắt gặp một thiếu nữ Tây Nguyên ra suối gùi nước, bần thần nhớ những đứa bạn gái quê mình chân trần, cong lưng giặt áo ở bến sông.
Mùa xuân 1975 . Mùa tháng ba hoa cà phê trắng muốt rừng, hoa Dã Quì vàng miên man trên đồi, chúng tôi cùng đại quân ào ào đánh Ban Mê Thuột. Quân ta giải phóng cả dải Trị Thiên đến Tây Nguyên. Đã mấy năm ở rừng bây giờ được tiến vào phố xá , tiến vào những địa danh mà những cái tên từ lâu ao ước. Chúng tôi qua Pơ Lây Cu, Buôn Hồ, Cheo Reo rồi đuổi địch đang thất thần chạy nhào ra bể. Bàn chân chúng tôi tơ tướp vì hàng chục ngày đêm không ngủ. Chỉ có con mắt thì ráo hoảnh và ngập tràn hi vọng chiến thắng. Chúng tôi gặp nhau trên đường đánh địch , chúng tôi chỉ kịp gọi tên nhau trong khi mỗi người đều hối hả theo đội hình đuổi giặc của mình .
Tháng ba năm ấy tôi lại gặp sông .
Ngày 23/3/75. Trận đánh xe tăng bên bờ sông Ba ở thị trấn Củng Sơn diễn ra từ sáng đến trưa. Tiểu đoàn của tôi dồn một đội hình xe tăng lên một ngọn đồi mà phía sau là sông. Trong cái phút không còn gì để mất, xe tăng địch cụm nòng tập trung về chúng tôi . Sáng hôm ấy C6 , C5 đã hi sinh bốn chục người. Hơn ba chục xe tăng bị bắn cháy và bắt sống bên bờ sông Ba. Nắng, bốn bề lửa cháy. Khát, mồ hôi chảy kiệt thân người. Nhìn thấy sông Ba cả ta và địch nhao xuống vục nước vào mặt, uống ừng ực. Ôi con sông nào cũng ngọt .
Đêm ấy, cách trận địa đánh xe tăng chỉ chừng 3 cây số, hơn mười ngàn dân di tản cùng với hơn một ngàn lính cụm lại cánh rừng bờ sông chờ vượt sông chạy về phía Tuy Hoà. Sáng 24/3, trong nỗ lực ngăn dân lành không vượt sông, tiểu đoàn chúng tôi phải dùng hoả lực tấn công vào quân địch. Cuộc chiến đấu diễn ra ngay trên bờ sông lẫn cả dân thường, xe cộ và bạt ngàn vật dụng của người li hương. Hàng ngàn người chen lấn nhau qua sông trên cây cầu ngầm. Hàng trăm người ngã xuống sông trong tuyệt vọng . Con sông Ba rên lên tiếng khóc tiếng la, tiếng kêu gào át cả tiếng súng . Chiều đến trận đánh đã tàn .
Chúng tôi đã lội sang sông dìu những người không biết bơi trong khúc sông đầy người chết chìm. Chúng tôi bố trí đội hình trong một cánh rừng cách bờ sông 2 km. Tối hẳn, tôi và hai đồng đội quay lại bờ sông Ba. Màn đêm buông ai oán trên mặt nước. Trong những vạt rừng ven bờ, trên bãi cát, nương rẫy tiếng khóc, tiếng gào ,tiếng gọi cha gọi mẹ, tiếng nỉ non côn trùng như ở một thế giới xa lắc không giống cõi trần. Những nấm mồ vùi bằng cát lúc chiều, những nấm mồ đắp bằng cành cây lúc chập tối và những nén nhang lập loè rợn người. Cả chiều dài đoạn sông Ba, hàng ngàn hàng vạn đốm lửa rưng rưng đêm. Chúng tôi nấp trong bụi cây ven sông. Tôi bỗng thấy miệng mình mằn mặn, nước mắt tôi đã chảy từ lúc nào. Sông Ba với tôi là kỉ niệm vừa vui vừa buồn. mãi mãi ám ảnh về một dòng sông kí ức. Xin đừng bao giờ lặp lại trong tôi .
Cuối dòng sông này là con sông Đà Rằng. Ở bên bờ sông này tôi cùng đơn vị đánh trận 31/3 và 1/4 để giải phóng Tuy Hòa Phú Yên . Ngày 3/4/75 chúng tôi đi bên bờ Đà Rằng. Dòng sông rộng mênh mông ùa ra bể. Những thân xác con người khốn khổ tử nạn trên đường số 7 vật vờ theo sông Ba trôi về đây, rồi hoà vào bể. Đại dương cuốn chìm vào lòng mình những máu người và những tàn tích chiến tranh. Chúng tôi đi ngược kí ức để rồi tiến đến những trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam. Chúng tôi đi trong náo nức mà thương thắt lòng những mảnh đời bất hạnh dân lành. Cuộc chiến tranh nào cũng thế, chỉ những người dân lương thiện là thất bại .
Tôi trở về sau chiến tranh .
Mùa đông năm 1975 đi trên bờ sông Hồng quê hương. Mái trường cũ bom Mỹ tàn phá, nay dựng lại vẫn còn xác xơ. Xóm làng tôi giống như con người ,mặt thì bừng bừng vui sướng nhưng thân thể thì ốm yếu qua mười ngàn ngày đêm chiến tranh. Chiều mùa đông, tôi lại nghe tiếng gọi đò như từ xưa cũ, lại nghe thấy bãi mía khua những mũi mác lên trời lao xao khô khốc, lại gặp con đa đa run run đi trên bãi cát lạnh lùng. Bố tôi vẫn cong lưng cõng thuyền nan đi kiếm cá nuôi cả nhà qua cơn giáp hạt. Trước chiến tranh thế nào sau chiến tranh cuộc sống nhà tôi vẫn thế.

Mới có bốn năm xa nhà tôi đã gặp bao nhiêu dòng sông, đã uống nước của những dòng sông ấy, đã vui buồn với những dòng sông ấy. Chiến tranh cứ in bóng dáng tanh tưởi của nó lên những con sông, còn những con sông thì vẫn vô tư trôi chảy. Không có con sông nào muốn in bóng của chiến tranh lên nó cả. Ngàn đời sông cứ bên lở bên bồi, cứ ngân ngấn phù sa cho bờ bãi cứ reo vui với mùa màng thanh bình xanh mê mải.

Tháng bẩy 2012

Sunday, July 17, 2016

Rừng Phách vàng


Bạn tôi đi hai ngàn cây số từ Nam ra Bắc. Gọi, mày đón tao với. Ừ đón chứ, bạn bè vào sinh ra tử với nhau cơ mà, nay gặp lại gặp là cả một trời nhung nhớ. Đón nó ở ga tàu bay. Trời gần trưa. Nắng rõ là đỏ và thơm mùi ngô non. Quanh sân bay những con đường dù là cao tốc hay trung bình tốc cũng những đụn cây ngô xanh đắp đống và những người đàn bà ngồi bán ngô luộc, ngô xanh cách đều nhau như cột mốc. Chúng tôi có nhau sau 40 năm bằng sự trưởng thành của một thằng con trai có thể làm đến chủ tịch tỉnh. Nó ùa ôm tôi. Hai thằng già nhàu nhĩ, ôm nhau chấn động lòng người, nhưng không có ai giơ điện thoại mà bấm phím giống như hàng trăm con cháu mình vô công rồi nghề, đi khóc lóc với thần tượng âm nhạc của chúng nó.
Chúng tôi thuê xe đi theo lời của bạn.

Bạn bảo, đi Tuyên Quang. Ừ thì Tuyên Quang. Thằng này chắc là thích câu “ Trà Thái gái Tuyên”. Bay từ Sài Gòn ra để đi xem gái Tuyên? Thế cũng đủ nể bạn rồi. Còn hơn khối thằng anh hùng bàn phím gõ choanh choách sào nấu tâm tư của người khác mà cũng thành danh.
Con xe KIA Moning chúng tôi thuê cũng là của một thằng lính Vị Xuyên. Thằng này từng làm pháo thủ ở Phong Quang những năm 84 , 85. Nó im như thóc. Gặng hỏi, nó nói chúng em lính phía Bắc đâu có thấm gì với các bác đánh Mĩ. Mày ơi, liệt sĩ nào chả là liệt sĩ. Chỉ có những thằng sống hay nhiêu khê, tị nạnh bon chen thôi chứ đánh Mĩ đánh Tàu đánh Miên phản động thì bằng nhau cả thôi. Nhà nước có phân ra liệt sĩ loại một liệt sĩ loại hai đâu hở mày? Nó gật gù không trả lời vì đang phải tránh đường cho con xe HỔ VỒ chở đất vượt lên. Nó nói nhỏ, bọn “hổ vồ” này toàn là xe của Công an Giao thông đóng “họ chết” đây. Va vào nó cả họ nhà mình lụn bại với chính quyền và pháp luật. Trong xe ba thằng đàn ông thở dài.
Đón chúng tôi ở cầu Chả là thằng bạn lính cắm cờ ở Thuần Mẫn trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Thằng này làm hiệu trưởng cấp 3 về hưu. Thôi! Đi luôn nhé, đi rồi tối về bù khú. Thế là đi tiếp Tân Trào Hồng Thái, đi để biết cái ngày xưa tiền bối xuất kích kiểu gì, đi để biết ngòi Thia sông Đáy suối Lê và lán lợp lá của ông Cụ thế nào.
Thằng bạn từ Sài Gòn ra im lặng. Nó nhìn sông Lô xanh và lác đác thuyền và bè nứa dửng dưng. Hỏi nó, mày không thấy sóng ngàn và bãi dài ngô lau à? Nó bảo chỉ thấy nhà mái lợp pờ rô và nhà hàng, chỗ nào cũng ghi “đặc sản phố núi” thôi. Rồi nó lẩm bẩm, mẹ cha cái thời buổi thứ gì cũng thành đặc sản, lòng tốt cũng là đặc sản hiếm có, gái mú thì non đặc sản non già đặc sản già.
Hỏi nó, vậy đi du hí thì thước đo là biết nhiều đặc sản chứ còn gì?
Nó xoe con mắt nhìn tôi. Đặc sản của tao tìm là khác. Tao éo cần cái thứ mà mấy thằng bàn phím chúng mày khoe khoang. Tao đi tìm cái mà ối thằng éo biết, mặc dù vài chục năm nay mồm ông ổng đọc “ Ve kêu rừng phách đổ vàng” . Nó nhướn lông mày có vài sợi bạc chùm xuống mí mắt nhìn thẳng vào tôi, mày có biết rừng phách là rừng gì không? Tại sao mà rừng phách lại vàng, lại nhiều ve kêu?
Thằng bạn cắm cờ Thuần Mẫn đăm chiêu nhìn qua kính xe lúc xe vượt ngã ba Sơn Dương. Nó nói như không hề có chuyện thách đố vừa rồi của hai thằng chúng tôi. Nó bảo, lối về Hà Nội rẽ tay phải qua đèo Khuôn Do sang đất Lập Thạch. Ở bên kia đèo có quán gà ngon lắm thằng Luân ăn chưa? Ừ nhỉ bây giờ thì nhớ ra cái quán dựa lưng vào rừng vầu chỉ có xôi nếp nương và canh gà nấu với nhiều gừng tươi.
Nó nói khe khẽ, mùa này phách vàng lắm mày ạ. Lá vàng của nó bay như hàng ngàn con bướm. Ngày xưa đi Trường Sơn rất nhiều bướm nhưng toàn bướm trắng chứ bướm vàng thì rất ít mày nhỉ? Bỗng dưng trí nhớ tôi với Trường Sơn ùa về, mà đúng thật tôi chưa bao giờ nhìn thấy cả một rừng bướm vàng ở Trường Sơn cả. Chỉ toàn là bướm trắng,trắng đến ngẩn ngơ trên những cung đường đầy chết chóc.
Ba giờ chiều, gửi xe ô tô 15 ngàn ven đường. Mua vé 10 ngàn ở một cô gái mặc đồ chàm và xinh như mộng trong cái chòi xây cất sạch sẽ. Chúng tôi đi lên lán Nà Lừa. Có một cây cầu cong cong và một ven hồ nước trước khi lên lán. Bên kia cầu rừng ngút ngàn. Tôi sững lại gọi Lệ ơi sao có thứ cây gì đẹp thế? Loang lổ vàng trên nền thăm thẳm xanh. Tôi ngước lên cánh rừng bên trái cũng thấp thoáng bóng cây lá vàng. Một cơn gió thổi , lá vàng như những đồng xu bay ào ạt xuống đường. Hàng vạn cánh vàng như đàn bướm xà xuống rồi lại bay lên khi gặp gió. Thằng bạn Nam Bộ đứng ngẩn ngơ. Nó khóc. Thằng Lệ bảo tôi, lá phách đấy mày ơi. Kia kìa! mày nhìn lên những cánh rừng kia mà xem những vạt lá vàng đó là cây phách. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn tấm áo Việt Bắc xanh mươn mướt và có những đốm hoa vàng. Gần một đời người tôi mới hiểu câu thơ của nhà thơ Tố Hữu.
“ Ve kêu rừng phách đổ vàng”
Nơi này vắng lặng. Khách du lịch loáng thoáng chỉ vào những dịp lễ hội 2/9 hay ngày kỉ niệm Cách Mạng Tháng Tám mà thôi. Mấy ai trở lại con sông Lô với Bình Ca với chiến thắng lẫy lừng thủa ban đầu kháng chiến. Có mấy ai hiểu cây đa Tân Trào và cây đa Hồng Thái khác nhau thế nào. Thôi thì chuyện chính trị chả bàn đến, bạn hữu ơi ai biết gài dao thắt lưng, ai biết chám bùi măng mai và rừng phách lá vàng ở nơi thủ đô Kháng chiến của nước VN ta. Biết được thế thôi cũng đủ ấm lòng cho cha ông một thời đánh giặc và dựng nước VNDCCH.

Cám ơn bạn của tôi
Bạn từ Nam Bộ ra, bạn đã đưa tôi về với chính quê hương tôi mà tôi vô tình quên lãng.


2012

VỀ THÔI TU HÚ


( sáng 17/7/2016)
Tháng bẩy này tu hú gọi không em?
Quê tràn bê tông vào ngõ
Vải lên đồi trang trại đại gia chín đỏ
Làng mình còn mịn cát bờ tre?


TU HÚ kêu ! tu hú gọi hè
Chim muông cứ làm những điều rất cũ
Người tưởng khôn mà ngu ngơ quá thể
Vườn vải ê hề tu hú chẳng về theo

Anh nhớ ngày đi mắt em nhìn theo
Mùa hè ấy bom rơi ngoài ga tàu hỏa
Tu hú kêu sau làn lửa đỏ
Quê cứ xanh như chim chóc gọi mùa

Bao nhiêu con đường anh qua
Bao nhiêu cánh rừng đẫm thương đẫm nhớ
Bao nhiêu chiều Trường Sơn, nghe chim chiều về tổ
Tiếng gọi mùa tu hú thả trong đêm

Tháng 7 này Tu hú gọi không em ?
Hoa quả nào cũng từ vườn tăng sản
Đất tổ mang bùn ngoại bang về tưới lên điệu hát Soan hát ghẹo
Tu hú kêu ! đau đớn những mùa hè

Em ơi về quê đi
Đừng mang hoa Hồng hoa Ly hoa Lay ơn trồng nhà kính
Mình hái hoa mua rừng tím
Ngồi bờ tre gọi tu hú quay về

Thursday, July 14, 2016

Hoa Mộc Miên. Thơ: Nguyễn Trọng Luân. Ngâm : Trí Trọng Trí

HOA MỘC MIÊN.




( Kính tặng các đồng đội tôi chiến đấu ở Hà Giang)

Những cánh rừng hoa đỏ Mộc Miên
Bông trắng bay ngọn nguồn đất Việt 
Gieo thành dòng sông hoa đỏ
Mộc Miên ơi cầu biên giới gửi lời gì?

Sông về xuôi xanh đến tận Hạc Trì
Ngã ba sông có những chùm hoa rất đỏ
Hoa mang tiếng người tiếng đá
Thở vào hồn châu thổ mấy ngàn năm

Núi im lìm và sông cứ rì rầm
Sóng ở cửa Ba Lạt có lời của núi
Có vồng ngực em lên rừng hái đùm sung chùm vả
Sương giăng Tây Côn Lĩnh xuôi về

Hoa Mộc Miên như máu cắt ăn thề
Giọt đỏ lan vào lòng người Việt
Máu loang sông để mây bông trắng mướt
Gieo tình vào áo miền xuôi

Ơi Mộc Miên biên ải xa xôi
Ai có qua cầu biên giới
Mùa xuân thắp đèn núi gọi
Ngọn sông hoa nhuộm máu dân mình

Mấy ngàn năm sông vẫn một dòng xanh
Mấy ngàn năm đá lên miền hoa đỏ
Hoa và núi máu cha ông mình đó
Bao đời đánh giặc bắc phương

Chúng tôi những người lính Hà Giang
Giữa trận đánh vẫn nâng cánh hoa dưới hai làn đan lửa
Mộc Miên ơi
Lửa và hoa đỏ
Thương thế màu quê màu tổ tiên mình.

Chúng tôi xung phong
Chúng tôi người người lớp lớp
Đá - núi - dẫu - thành- vôi
Ngọn nguồn con sông đất Việt
Nghiêng bên nào cũng thấy Mộc Miên

Ơi những ngọn rừng vách đá chưa đặt tên
Xin cứ để tên hoa trên dòng Lô mà gọi
Xin cứ lấy hồn Vị Xuyên chung cho hương hồn đồng đội
Một mùa hoa đánh giặc giữ biên cương

15/7/2016 NTL

Wednesday, July 6, 2016

NHỊP PHÁCH CỦA RỪNG


Tôi và nó lúc còn đánh nhau trong rừng chỉ biết nhau qua những bài hát nó viết lưu truyền từ trên B3.

Hồi ấy mỗi khi có hội diễn Văn nghệ “Mặt trận đường 19 kéo dài” bao gồm Sư đoàn 320 và một loạt các trung đoàn pháo binh là nghe họ đồn có một thằng ở trung đoàn pháo binh 40 viết hay lắm mà thằng này lại còn hát hay và biết múa nữa. Nghe kinh. Không biết cái thằng ấy là ma hay người mà sáng tác giỏi lại hát hay lại đàn sáo nhị biết hết cả mà lại múa nữa. Tất nhiên nghề chính của nó là làm trinh sát pháo. Mà nghe đâu nó học dở lớp 10 ở quê đi bộ đội. 
Sau 30/4/75 chúng tôi về đóng ở Gia Định. Nó ở trên Bình Dương. Cuối tháng 6/75 Hội diễn Văn Nghệ Quân Đoàn lần đầu tiên ở Đồng Dù Củ Chi. Bài hát CHÚNG CON HÁT TÊN NGƯỜI TP HỒ CHÍ MINH được chọn mở màn. Hội diễn có tới hơn 40 đoàn. Diễn viên có tới hơn 600 người. Đông như kiến chả biết ai vào ai. Rồi bộn bề cờ hoa và chỉ canh cánh nỗi niềm về với mẹ với miền Bắc. Chuyện văn nghệ hò vè lùi lại với tôi từ đó. 
Gần ba mươi năm. Cuộc sống khốn khó gánh nặng cơm áo đè lên vai lên cổ chả bao giờ tôi nhớ lại những văn thơ hát hổng gì nữa thì chúng tôi mới gặp nhau. Một hôm Khuất Quang Thụy kêu tôi uống bia ở bò tùng sẻo. Nó ngồi nheo nheo mắt nhìn tôi, Thụy bảo đấy là thằng Luân đen đấy. Nó cười nhênh nhếch. Nghe tên anh từ tám hoánh nào mà bây giờ mới gặp. À mà gặp rồi chứ nhưng éo kịp lói chuyện. He he hồi ấy chỉ lo xin về quê …
Khuất Quang Thuỵ bảo với nó, bây giờ nó làm sắt thép chả còn thơ phú nhạc nhẽo tình tang gì đâu. Thôi mày hát cho nó nghe đi. Nó lại nhếch mép. Thực ra là miệng nó khi cười hơi meo méo. Uống đã , đồng bào gặp nhau là uống. Cách mạng là bằng nhau cả mà. Thế là uống. Nó uống dã man, Nghe đâu nó ở Tây Nguyên tận năm 95 mới ra Bắc đi học nhạc viện.Uống rồi nó bảo, anh Luân hát bài nghe đi. Mình hát bài của mình. Bài Chúng con hát tên người tp HCM. Hát xong nó thủng thẳng. Mẹ! hóa ra bài này của bác? Bài này mở màn Hội diễn Quân đoàn 3 lần thứ nhất đây. Ối giời ôi bác là nhân chứng lịch sử đây rồi. Xin bác đừng chết vội để chúng em còn ngắm bác. Giời ạ ! Nó nói nghe tức anh ách. Rồi nó hát nó gõ bằng đũa những bài về Tây Nguyên. Lâu lắm tôi lại nghe có thằng hát về Tây Nguyên hay đến thế.

Rồi cứ xa nhau vài tuần là nhớ. 22/12/ 2008 chúng tôi uống rượu ở sau hồ Giảng Võ. Nó bảo, hôm nay hát bài đang dự thi. Thế là hôm ấy cả lũ chìm vào bài hát của nó. NHỊP PHÁCH CỦA RỪNG. Tôi ít thấy có bài hát nào về BGPB hay như vậy. Tối ấy nó bung biêng đến khiếp. Tôi và Đinh Ngọc Sỹ phải kèm nó về nhà. Về nhà nó ngồi vào đàn kêu vợ mang tác phẩm tốt nghiệp “Giao hưởng Tháng Ba Cao Nguyên” ra đàn cho 2 thằng tôi nghe. Ôi cái thằng lính Tây Nguyên đáng yêu đến thế. Rồi nó bắt tôi hát những bài của tôi cho nó đàn, Chúng tôi quên là vợ con nó đang ngáp ngủ.
Đùng cái nó bị té xe máy. Nằm 108. Hôn mê hơn chục ngày thì tỉnh. Tỉnh rồi đơ đơ. Chân đi phát một, tay vẩy hai phát một. Dần dần hồi phục cứ gọi í ới. Các bác đến em kẻo em buồn. Tôi và Sỹ , Hoan , Khuất Quang Thụy thương nó hay đến nhà nó sợ lôi nó đi khổ thân nó. Lần nào cũng vậy, vợ nó lại thêm vất vả . Nhưng nhìn nó nhanh nhẹn hoạt bát lên, nó ôm đàn ghi ta hát được cả nhà mừng. Ở nhà nó về lần nào cũng buồn buồn. Vợ nó tai biến hơn chục năm trước nay trông xe đạp xe máy ở chung cư nhạc viện. Chó nó biết chỗ áo rách nó làm cái xe máy, thế là vay tiền ngân hàng đền cáo SH hai năm chưa giả hết cho ngân hàng. 

Thứ 7 tuần trước, 3 thằng đến tôi hát Nhịp Phách của rừng của nó, nó lặng người gật gật, bác hát cách của …nghệ sĩ…he he. Nhìn nó mấy thằng tôi cùng sướng. 
Sướng quá , lại hát …”Tôi già rồi em đâu còn trẻ nữa . Tìm lại thôi. Tìm lại thôi!”
Ba thằng gật gù, mịa ! mấy bà vợ cứ hay ghen hão chứ bọn mình bây giờ có gặp con mẹ nào thì cũng là vô hại rồi. Chả làm cái trò trống gì. Có chăng là Đi tìm phách nhịp của rừng thôi. 
Bạn đọc không tin nghe bài hát này ở đây nhé.



6/7/2016

Tháng bẩy


Tháng 7 va vào đâu cũng lên hương khói
Khói hương đắng ngắt cả mưa rào
Hoa tháng 7 hút hết miền quê nắng
Xác ve sầu rớt ở phía rừng sâu

Người gói ghém đồ đoàn vun chút tiền còm cõi
về phía hang đá Lèn Hà
Về phía truông Bồn, Đồng Lộc
Khói hương theo về tuổi trẻ ngày xa

Sao tháng 7 khói nhang cứ theo tuổi trẻ
Đất nước tôi canh cánh chiến trinh buồn
Sợi khói chả thể nào thơm hơn nữa
Tháng 7 nào cũng day dứt ở nghĩa trang

Ta lại thấy người đi về phía ấy
Đường hành quân viết vội lá thư nhà
Ta lại thấy bao mẹ già chống gậy
Vết tay cào trên bia mộ bạn ta

Nhang nào đốt tới hồn trinh chưa tìm thấy
Ân tình xô vào nhau bàn phím với lời thơ
Ơi tháng 7 đừng mưa nhiều hơn nữa
Lễ hội đỏ xanh thiêng liêng mấy cho vừa

Va vào đâu cũng lên màu hương khói
Tháng 7 ơi tôi về lại chiến trường
Chúng tôi nâng nắm đất ngày bạn tôi nằm xuống
Tìm cánh hoa rừng phủ xác bạn ngày xa

7/7/2016

Miền Nắng- Thơ và ngâm : Nguyễn Trọng Luân

Về với bình yên

Về thôi em
Về đi tìm con suối cũ
Con suối có tội gì đâu mà ngăn nước xây cầu
Về đi em ta đi tìm rừng măng đắng
đắng ngọt thì cũng có tội gì đâu?
Ta về với mồ mẹ cha bình dân học vụ
Mộ gió anh ta hài cốt ở chiến trường
Những cánh đồng xanh như màu của nắng
Những vạt rừng hiền đến tím sim mua
Bỏ lại đằng sau thành phố với chung cư
Chả lợi ích nào cho đời mình vào nhóm 
Màu của hôm nay ê hề ngoài cửa sổ
Ta đi về tìm lại dấu ngày yêu
Con sông Hồng có tội gì đâu?
Mà rao bán mà lăm le chặt khúc
Em ơi em nếu một ngày có thật 
Sông nhà mình hết nước để đò sang
Về đi em, còn tiên tổ ở cánh rừng
Nay lòe loẹt lên phường mà thiếu nước
Ta ra ngõ gặp tuổi ô ăn quan ngày trước
Nghe bạn cười ròn “ hết quan tàn dân’’
Dắt nhau đi tìm một khoảng rừng
Mùa thi cuối anh lên đường đánh giặc
Em ở lại cây khế già đứng khóc
Tiến nhau chiều tàu nức nở sân ga
Con suối con sông chả có tội bao giờ
Rừng quế quê mình cũng không hề gian dối
Thương lắm ngày về chúng mình thì có tuổi 
Rừng và sông hết tuổi mất rồi
4/7/2016

Viết thằng ngồi bên phải

VIết thằng ngồi bên phải
...........................
Tôi và nó giống nhau ở chỗ khi vào đại học thấy lũ con gái cùng lớp người thành phố phát triển sớm hơn mình là gọi chúng nó bằng chị. Lại nữa, hai thằng đều có bộ quần xanh áo trắng luôn gối ở đầu giường cho phẳng nếp mà không dám mặc. Lại nữa, tậm tọng ghi ta đàn hát lừng phừng và đá bóng. Nó hơn tôi ở đoạn đánh bóng chuyền, đến sau này vào bộ đội về đóng ở Củ Chi, nó là cây chuyền hai khá nhất đội bóng Sư đoàn. Cả hai thằng đều là dân mạn ngược. Khỏe nhanh nhẹn nhưng body khiêm tốn.
Hồi năm 1969 tôi có bạn ở lớp nó trên Y khoa VB. Lên chơi, tụ tập hát hò bóng banh thành quen nhau. Lên trường bạn bạn gửi sang nhà con trai ngủ nhờ. Ngủ nhờ nên chúng nó làm cái gì mình theo nấy. Sáng sớm chúng nó rủ nhau ra suối La Hiên tắm cũng đi tắm. Chúng nó chỉ cho chỗ nào tụi con gái hay tắm tiên cũng mon men nghé xem. Chúng nó quát, đừng manh động mà làm lộ …của chúng tao. Thằng Liêm YB lòng khòng, thằng Minh đen lườm lườm. Tôi nể chúng nó quá. 
Đùng cái hết năm thứ 3 đi bộ đội. Hôm nhập ngũ lại gặp chúng nó. Thằng Đôn, thằng Hà, thằng Minh đen có mặt cả. Trưa hè năm 72 ngồi dưới gốc cây thị trên Phú Lương, Thái nguyên đợi xe về đơn vị mấy đứa bạn gái sụt sịt. Lúc ấy mình là người thừa. Chúng nó nắm tay nhau chúng nó nhìn vào mắt nhau trong lúc ve sầu kêu nức nở. Tôi nhớ trưa ấy, nắng thật vàng và lũ sinh viên Y Khoa thật là …lãng mạn dưới gốc cây Thị thơm nức mùi cô Tấm.
Nhập ngũ ba ngày, một sáng tôi và thằng Hoan ra tập hợp ở sân kho để đi làm sân khấu liên hoan văn nghệ, thấy nó và thằng Đôn vác súng chạy. Từ chỗ đại đội nó lên chỗ tôi 2 cây số, chúng nó chạy khỏe đáo để. Mồm ngáp ngáp gọi, bọn mày làm gì thế? Những ngày ra thao trường về lại tụt tạt ngồi quán uống chè chén và hút thuốc. Nó bảo, quân Cơ Điện chúng mày toàn thằng sát gái. He he, chúng tôi chả có bạn gái đến thăm, còn chúng nó, các nữ sinh năm thứ 4 dập dìu các chiều thứ 7 mát cả đường làng.
Cuối năm ấy hành quân đi chiến trường. Lại ngồi hát với nhau lúc dừng lại ở Hưng Nguyên, lúc dừng ở gần đèo Ngang. Nó bảo bây giờ vẫn nhớ bài Cây Thùy dương hát ở Cự Nẫm mày ạ. Ừ nhỉr thằng này nhớ dai thế.
Trên Trường Sơn, có một đêm tụi Y khoa nằm gần chúng tôi. Rủ nhau hút thuốc, nó mọi đáy ba lô có gói thuốc rê mua từ ngày ở Thái Nguyên. Có một cái gói nhỏ buộc dây len rơi ra. Thằng Đôn túm lấy mở ra. Ôi là một mớ tóc con gái. Đôn đưa lên mũi, nhăn nhăn cười . Mùi hoa dẻ chúng mày ạ. Nó giằng lại gói cẩn thận cất đi. Đêm ấy Trường Sơn buồn xa xăm.
Chuyện đánh nhau chả kể ra làm gì nữa. Hôm đánh xong Tuy Hòa hành quân ngược lên đường 7 đợi xe đi chiến dịch Sài Gòn thì gặp nó. Nó ôm chầm lấy tôi giữa trưa nắng. Nó bỏ cái bồng xuống moi ra 3 gói thuốc Basto, 3 gói Ruby. Nước mắt rơm rớm, tao tưởng mày chết rồi , tao đi đếm số thương binh đưa về không thấy mày. Rồi nó đưa cho tôi thỏi cao. Nó bảo tiêu chuẩn Trung cấp, Xê tao có trách nhiệm phát cho cán bộ. Tao bớt tí cho mày. Có tiền Ngụy mua mà ngâm uống cho khỏe mà đi bò bám địch. Nó đi xa rồi tôi vẫn thấy cái mũ tai bèo nhấp nhô. Tôi biết hôm ấy mấy lần nó lau nước mắt. 
Ấy thế mà sau ngày giải phóng nó lại về miền Bắc trước tôi. Tháng 8/75 nó được về đi học đại học quân y. Cuộc đời chúng tôi gắn bó suốt nửa thế kỉ. Bây giờ già, phổi yếu quá lên Viện nó khám. Nó bảo phế quản mãn tính vì hút thuốc từ hồi chiến trường. 
Thằng Đôn về làm giám đốc bệnh viện Tiên Yên rồi chết vì gan. Thằng Hà thì chết ở Bàu Cạn. Thằng Minh đen tít bên châu phi. Tôi và nó với thằng Hoan thỉnh thoảng chiều ra bia hơi Mỹ Đình. ngồi uống nhìn nhau chả cần mồi. Mấy thằng tôi bây giờ nhậu bằng gương mặt của nhau. Gương mặt từ ngày sinh viên đi lính đến bây giờ vẫn ưa nhìn đến thế.

5/7/2016



Miền Trung


( Bài thơ viết mãi không được)
Mỏng chi mỏng rứa để eo 
Cằn chi cằn mãi những đèo những truông 
Người đi dọc đèo quay ngang 
Mảnh mai mà gánh tràng giang hỡi mình
Những là nhút muối vại sành 
Những chum cùng lọ những mành áo tơi 
Những là bọ mạ mình ơi
Mô tê răng rứa một hồi tôi qua
Lần đầu mình nói quê choa
Cười rung lúm má nắng nhòa khói bom
Hoa mua tím ngắt truông Bồn
Đò xuôi của Hội ví buồn dặm thương
Mình ơi trên ấy thơm tương
Thì đây khô mực gửi lên Nam Đàn
Xa xanh hò biếc dòng Lam 
Tiếng em ngọt bước quân sang đường vào
Người đi nhớ bọ làm sao
Ngày về hỏi mạ em đâu vắng nhà
Miền trung gần miền trung xa
Lời thương trôi miết sông La ngày nào
Về tìm trên sóng xôn xao
Người hò rãi cả trăng sao áo mình
Già rồi về lại đi anh
Về tìm nhau ở cỏ xanh đôi bờ
6/7/2016

Tuesday, July 5, 2016

Một con đường đi không trở lại- Thơ và ngâm : Nguyễn Trọng Luân

Về đi các anh ơi. Thơ : Nguyễn Trọng Luân. Ngâm : Trí Trọng Trí

Màu nắng-Thơ và ngâm: Nguyễn Trọng Luân

Màu nắng-Thơ: Nguyễn Trọng Luân-Ngâm : Trí Trọng Trí

LỜI CỦA NHỮNG LIỆT SĨ TRƯỜNG SƠN VỚI 9 ĐỒNG ĐỘI ĐƯA TIỄN HÔM NAY- Thơ : Nguyễn Trọng Luân . Ngâm: Trí Trọng Trí

Gửi mưa về sông Tiền-Thơ Nguyễn Trọng Luân. Ngâm : Trí Trọng Trí

Đêm ấy ở Tuy Hoà- Thơ và ngâm : Nguyễn Trọng Luân

Monday, July 4, 2016

Đường làng


Con đường ra khỏi làng chạy qua đầm nước vượt qua một dẫy tre xanh là đến bờ sông. Từ đấy đi vài trăm mét là chập vào ga tàu hỏa. Tiếng còi tàu tu tu cứ vận vào bao cuộc ra đi và những chuyến trở về.


Nửa thế kỉ trước người ra đi chỉ là thanh niên trai tráng. Mười người ra khỏi lũy tre xanh thì 9 người ra lính. Chỉ may có một người đi làm công nhân. Hàng trăm người ra lính thì có một người đi học này nọ. Làng tôi những đàn bà là đàn bà. Cầy ruộng cũng đàn bà, cấy hái cũng đàn bà. Đói no ỉ eo giấy bút cho con đàn bà lo hết. Con gà con lợn củ khoai củ dáy đều ở tay đàn bà. Ngày ấy đàn ông áo xanh đàn bà áo gụ, thấm thía hát chèo nỉ non dọc bờ mương bờ ruộng.


Cũng con đường ấy sau chiến tranh người làng ngong ngóng nhìn ra lũy tre. Những người trở về hanh hao hiền hậu thưa thớt. Chả có trống cà rình gõ tùng rinh đón họ như ngày tiễn họ ra đi. Chuyến tàu hỏa nào lên đến quê tôi cũng mệt mỏi già nua và tiếng còi tàu nửa thế kỉ sau cũng vãn thế khàn khàn uể oải.

Năm mươi năm sau, con đường đất nay là đường bê tông, còn cây cối cũng vẫn xanh vào xuân hè và nâu vàng vào thu đông. NGười làng tôi vẫn ra đi qua lũy tre đến đê rồi xuôi tàu. Bây giờ chả cứ trai tráng mà thanh nữ cũng ra đi. Con trai đi phu hồ, con gái đi làm Ô sin, làm tiếp viên nhà hàng, làm công nhân may dưới thành phố. Làng dặt những ông bà già và trẻ con. Những ông già vốn đã đi qua cổng làng kia vào lính nay mỗi chiều ngóng ra lũy tre đợi cháu con đi làm Ô sin trở về. Làng đổi thay lắm. Xe cộ hút sách tàng rạc lừa lẫm đỏ xanh cả làng. Trên con đường qua đầm ra bờ tre một nhà tưởng niệm liệt sĩ bề thế khang trang. Khói hương lúc nào cũng sẵn.

4/7/2016

CHÚ KHÁCH. ( Trích trong Chuyện Làng)


Người làng gọi ông ấy là “chú khách”. Hỏi bố sao lại là chú khách? Bố chịu. Bố bảo chả biết là sao. Các cụ gọi thế thì biết thế. Hỏi bố, bố có sợ chú khách ấy không? Bố bảo, trông kinh kinh là. Nửa sợ nửa muốn đánh cho ông ấy một trận. Đánh người là phạm pháp đấy bố a? Bố xoa đầu cười, ừ phải mà chú khách lại là người Tàu, người nước ngoài nên khó đánh được vì còn có chính phủ. Hỏi bố Chính phủ là ai? Bố lại chịu. Cái này khó nói hơn chú khách là ai. Mông lung lắm con ạ. Mông lung là gì hả bố? Là ….nó cứ như cái đầm Hà làng mình đầy bèo ong kia kìa. Ném hòn đá xuống đánh tõm bèo dạt ra rồi lại tụm vào. Mênh mang mông lung lắm…
Thế là đang băn khoăn thế nào là “ chú khách” ,nay lại là chính phủ “mông lung”. Tuổi thơ tôi ngây ngấy sốt.

Trở lại chuyện làng. Chú Khách làm nghề bán kẹo kéo. Nói lơ lớ: kéo đê! Kéo gioong gioong kéo ròn ròn đê. Ngổ báng it it tiềng thui à. Kéo đê ê….ê
Lũ chăn trâu chúng tôi túm quanh chú khách. Chú cười cười mắt một mí lúc hiền hiền lúc nhìn đểu. Chú Khách nói to ơi là to.Thằng Vân rúi đứng sau lưng nhay nháy mắt hít hít cái mùi thơm như kẹo ấy. Đang lúc chú khách cười tươi … Mu ti ( mua đi) kéo ròn ròn đê … Ngỏ là pán ít ít tìn thui à. Thằng Vân luồn tay nhón khúc kẹo chú khách vừa gõ gẫy cậc rơi xuống mẹt. Chú Khách chộp ngay lấy tay thằng Vân. Tịt mẹ mài. Mắt một mí long lên, chú vừa nói cái câu tịt mẹ mài rất khẽ mà nhoẻn miệng cười rất tươi. Chú bóp bóp tay thằng Vân …nói rõ to ….”Ầy dà, ngổ cho em cái kẹo này à. Học sênh ngoan à.” 
Chiều ấy đi chăn trâu, thằng Vân bảo:
- Tao sẽ đốt cái quán của thằng ‘Chú Khách “ này. Bọn tôi nhao nhao:
- Đừng đốt mày ơi, xã mà bắt được là kỉ luật không lên lớp được đâu.
Thằng Vượng thì bảo:
- Tao đã nhìn thấy buổi đêm lão ấy buộc dây quanh lều treo toàn vỏ ống bơ và vỏ con chai , lão ấy còn lấy nhựa hắc ín bôi tà vẹt đường sắt đun lên tưới ra ngoài cửa lều. Thôi đừng dại mày ơi

Từ ấy lũ chăn trâu chả túm tụm chỗ lão “ chú khách” nữa. Lão bần thần ngồi ở gốc vông mà rống lên “ kéo đê, kéo đê!” Ai cũng thấy lão buồn. Mấy ông cán bộ xã, ông công an, ông xã đội thỉnh thoảng đi ngang qua đút túi mấy thanh kẹo gói bằng lá giong giềng về cho con. Lần nào cũng thấy chú khách cười rõ to;
- Cái tồng chí về nha aaa. 
Chú khách thân với các đồng chí cán bộ địa phương lắm. Nghe bố bảo thế.

Một sáng bửng mù tinh, người làng ơi ới gọi nhau.
“ chú khách bỏ đi rồi. “
Cái lều trống toang hoang. Giữa nhà chú một bãi cứt to tướng. Ngoài cửa có lọ mực tím và cái cọng lá chuối vạt nghiêng làm bút, Trên tờ báo cũ có dòng chữ nguyệch ngoạc như chữ trẻ con lớp vỡ lòng. “ cám ơn tồng chí”. Mấy ông công an xóm bịt mũi chửi:
- Đ. mẹ thằng chú khách, nó đi nó ỉa một bãi vào chỗ đã nuôi nó. đồ chó ghẻ.
Bỗng có tiếng mẹ thằng Vân kêu từ phía giếng làng. 
Các ông các bà ơi , ra đây mà xem này , ối giời ơi cái giếng làng bị phá toang toành rồi này.
Công an xã cầm gậy chạy tới. Cái giếng làng có từ ngàn năm nay nước xanh trong xây bằng thứ gạch vồ to tướng bị cậy lên 3 viên sát mép nước. Các cụ bảo, nước giếng làng này không bao giờ cạn quá hàng gạch thứ 5 từ trên xuống và cũng không bao giờ đầy hơn cái hàng gach ấy.
Ba viên gạch vồ to tổ bố bị đập vỡ làm đôi trên thành giếng. Trong giữa mỗi nửa viên gạch đều có một cai hốc tròn to như cái niêu đất. 
Chú khách đi rồi, gốc vông vẫn lũ trẻ nô đùa. Không có tiếng người tàu “kéo đê kéo đê” và đôi mắt một mí lúc gian manh lúc hiền hậu nữa. 
Tôi nghe người làng thì thầm. mà chính là mồm mấy ông cán bộ xã nói với bố tôi. Cái thằng “ Chú Khách” ấy nó sang tìm vàng của tổ tiên nhà nó yểm ở đây từ thời Mã Viện đấy. Mẹ cha nó, thâm như tàu. 
Tôi đi bộ đội về làng thấy cái giếng làng vẫn còn đó. Tối tối lũ thanh niên ôm nhau như ếch trên bờ giếng. Chúng nó chả hề biết một thời cái “ chú khách” mắt một mí đã cậy lấy của trong cái mép nước trong xanh ngàn năm ướt át của làng mình.

Từ ấy tôi đâm sợ người mắt một mí.
Cái giếng ấy bây giờ gọi là Giếng Tang.
Chịu chả biết vì sao lại gọi là thế. Chả hỏi ai nữa vì bố tôi mất lâu rồi. Kệ nó thôi.



2/7/2016