Wednesday, August 31, 2016

Đức ơi !


Quê tôi ở cuối tỉnh Phú Thọ. Làng tôi nằm dọc sông Hồng và có đường sắt Hà Nội- Lào Cai chạy qua . Đường tàu hoả sẻ đôi cái xã tôi làm hai làng. Người ta cứ gọi là làng trong và làng ngoài. Xóm nhà tôi ở ven đường sắt. Tiếng còi tàu in vào tôi từ thủa lọt lòng . Đêm đêm tiếng tàu chạy qua xập xình, tiếng còi tàu tu tu cứ như ru giấc ngủ tôi . Nếu một hôm nào đó chuyến tàu đêm khuya mà bị chậm vì lí do nào đấy là ngày hôm sau ra đồng bà con hỏi nhau : đêm qua tàu ngược bị chậm các bủ ạ . 

Cái xóm nhà vùng quê heo hút như làng tôi thời Kháng chiến chống pháp vui lắm. Bố tôi bảo thế. Đã từng có đận hội nhà văn kháng chiến đến ở vài tháng rồi chuyển xuống Gia Điền, Xuân Áng. Bố tôi đã từng được học hát cùng các ông Hoàng Lê Vân , Bùi Công Kì. Sát đường tàu hoả giữa làng nơi con đường đất cắt ngang qua đường tàu là một thị tứ . Đủ hết, nào là bác thợ khâu giầy , bác hàng bạc kéo cái bễ ngọn lửa xanh lè tí xíu , bác thợ nhuộm hai bàn tay lúc nào cũng nâu nâu đỏ đỏ . Bác thợ may , thợ rèn . Rồi lại cả bà hàng nước mắm cá khô, ông hàng phở, bà bánh cuốn mùa nào thức ấy. Thuốc lá thì Thăng Long, Hoàn Kiếm, Bông Lúa . Khoái nhất là hàng rượu ( không hiểu sao hồi bé tôi đã thích hàng bán rượu ! ) giờ tôi nhớ lại vẫn thấy sướng. Mỗi chiều cầm tờ một hào - tiền 1958 – đi mua rựợu. Lũ chúng tôi cứ chiều đến là đi mua rượu cho ông hoặc cho bố. Chỉ mua một hào thôi và hôm sau lại một hào. Cái xóm nhỏ nhà tôi thời mới hoà bình bước vào đoạn gia nhập hợp tác xã sao mà thanh bình thế .
Tôi cứ nghĩ mà cám ơn cái sự khai phá văn minh của các người tản cư từ trong tề ra ấy. Tất cả họ chả có ai gốc gác ở quê tôi. Người quê tôi làm sao kham nổi công việc ấy chứ . Cứ ngang qua nhìn bác máy may Đình Bảng đạp xoành xoạch, hai bàn chân gật gù cả ngày không chán. Cứ đi qua hàng phở hít cái mùi thơm lan tỏa ra cũng thấy tự hào với mấy thằng làng khác, mặc dù cả đời tôi chưa bao giờ được vào ăn phở ở đó. Con cái họ , đứa nào trông cũng xinh xẻo hơn bọn quê gốc chúng tôi. Hay thế chứ lị . Cứ như hai giống người khác nhau vậy.
Nhưng tôi muốn kể chuyện nhà thợ rèn. Đó là bác Húc Hữu. Cái lò rèn làm ở một vùng toàn đồng rừng như quê tôi đương nhiên là đông khách. Hai bác hái ra tiền. Ba mẹ con chỉ phụ việc còn bác Húc thì xoay trần từ sáng tới đêm. Lúc nào lò bễ cũng rừng rực phì phọp. Nhiều tiền thì vợ con trơn lông đỏ da, còn bác chủ lò thì ngày càng hom hem vì khói than và lao lực. Một ngày kia, lò đóng cửa. Vẫn thấy bác Hữu và chị em con Dung, con Giang dắt thằng Đức bé tí sang hàng phở. Một đêm mùa đông làng xóm kêu thất thanh nhà lò rèn cháy ! Tôi chạy ra cổng ngồi thu lu ở gốc nhãn nhìn sang ngôi nhà cháy đùng đùng sáng rực cả góc trời . Dân làng dập được ngọn lửa thì cũng là lúc họ kéo xác bác thợ rèn co quắp ra khỏi đám khói . Bác Húc bị lao. Ngày ấy bệnh lao sợ lắm. Thời gian gần đây bệnh phát nặng hơn. Đêm đêm vợ con đi ngủ nhờ sợ lây bệnh. Trời rét bác Húc nằm một mình bên cái lò than. Thế là cháy . Người ta bảo bác tự tử. Người thì bảo bác phát hãn đạp chăn xuống lò than nên cháy. Chả ai tìm hiểu ra sao chỉ thấy ngày hôm sau đám ma bác thợ rèn quê gốc Đình Bảng lèo tèo vài người. Họ sợ lây bệnh Lao. Thương thế.

Đến thời máy bay đánh phá vào xóm tôi năm 1966 thì nhà bác Hữu lò rèn lại di vào trong gò ở cạnh nhà tôi. Hai quả đồi liền nhau, vẫn tối lửa tắt đèn có nhau. Rồi Con Dung lớn lên đi học làm công nhân đường sắt, con Giang ở nhà làm kế toán đội sản xuất. Thằng Đức con trai duy nhất được cưng chiều thì hát hò cả ngày. Bên nhà tôi suốt ngày nghe bà Hữu réo ối Đức ơi. 

Thằng Đức Dạ rõ to.
Bà Hữu gào lên, mày mang dạ về đây .
Lúc tôi ở chiến trường về thằng Đức nhà bà Hữu đã 18 tuổi . Nó lêu đêu như con cò hương trông hệt như bác Húc ngày xưa . Một chiều tối năm 1977 tôi về quê. Thấy nhà bà Hữu sáng chưng đèn đóm. Hỏi ra thì biết thằng Đức sáng mai tòng quân. Bên nhà vẫn đang liên hoan mà tôi lại thấy bà Nghĩa réo váng lên : Đức ơi , mày có về không ? cả nhà đợi đây này ...rồi lát sau lại thấy bà réo Ối Đức ơi là Đức !
Ra thằng Đức chạy đi đâu đó trong khi khách khứa đang chờ đầy nhà .
Từ ngày thằng Đức đi bộ đội. Bà Hữu không còn réo váng làng nước mỗi buổi chiều nữa. Bà Hữu cặm cụi vườn khoai nương sắn. Hai đứa con đi lấy chồng, bà không ở với đứa nào cứ ở trong ngôi nhà ấy đợi thằng Đức. Nhưng thằng Đức không về . Nó hi sinh ở tận Căm Pu Chia năm 80 , 81 gì đó. Làng tôi đợt ấy đi 2 đứa . Hai đứa đều chết ở Căm Pu chia . Chịu chả ai biết mộ phần chúng nó ở đâu ? Chị gái kiến giả nhất phận, còn mẹ già gần đất xa trời biết đâu mà lần. Biết làm sao mà kiếm tìm hài cốt thằng Đức.

Tôi lại về quê. Trên cái nền nhà bà Hữu lợp lá cọ ngày nào bây giờ là một ngôi nhà tường xây nho nhỏ lợp Prô xi măng nóng như hun. Hoá ra là nhà tình nghĩa cho bà Hữu. Mà tình nghĩa gì cho cam. Anh con rể làm cái khung nhà còn xã ủng hộ tấm lợp pờ rô. Khiếp mái pờ rô nóng đến mọc rôm mọc sẩy. Ngày hè bà chống gậy còng lưng làm cỏ sắn, nghỉ trưa ngoài gốc mít. Tối nguội nắng mới chui vào nhà . Con cái bà đâu có để cho bà làm vất vả nhưng bà bảo bà ở đó bà đợi thằng Đức. Đêm khuya, mát mẻ hơn rồi bà phe phẩy cái quạt lá cọ ngồi giữa cửa bà gọi… Đức ơi .. Ới Đức ơi là Đức ơi . Bên nhà tôi nghe bà gọi con mà não ruột. Lâu rồi thành quen. Cứ đêm đêm thấy tiếng Đức ơi là mẹ tôi bảo bà ấy ăn cơm rồi. Nhưng có đêm không thấy bà Nghĩa gọi ời ời ..Đức ơi. ới Đức ơi thì mẹ tôi giật mình xách cái đèn bão đi sang . Khuya mẹ tôi về nói bà Nghĩa cảm mà không biết, may quá cho bà uống thuốc vã được mồ hôi rồi . 

Càng ngày lưng bà càng rạp xuống . Ngôi nhà nửa tình nghĩa hai anh con rể đã phải sửa lại đôi lần. Mẹ tôi đã mất. Về quê, đêm đêm nhìn đom đóm lập loè bên vườn nhà bà Nghĩa chẳng thấy tiếng gọi thằng Đức ời ợi . Chỉ có tiếng con chó dé nhà bà sủa ong óc mệt nhọc. Khổ thân ! con chó nó đói thì sủa to làm sao được.
Ngoài tám mươi tuổi rồi , bà Hữu vẫn sống một mình và đêm nào cũng gọi Đức ơi. Chỉ có điều tiếng gọi của bà bây giờ phải vào trong hiên nhà bà mới nghe tiếng
Sắp 27/7/2012 

Wednesday, August 24, 2016

PHÁCH NHỊP TRUNG DU


( trưa nay về quê dự hội giáo chức quê mình)

Biết rằng thời gian không trở lại
Đêm thị thành nên cứ vẩn vơ quê
Ngoài công viên nép mưa người tình tự
Nhớ nghẹn ngào mưa rừng cọ ngày xưa

Hạnh phúc đơn sơ chẳng câu chữ phỉnh phờ
Hạnh phúc trong veo như con chuồn trên mặt ruộng
Đêm len vào vào giấc mơ em
Thị thành như không có bao giờ

Quê đang lên mùa mưa lũ
Mộ mẹ cha chìm trong thăm thẳm nước đồng
Lúa và ngô và những vũng trâu đằm
Sót sa những là mộ chí

Bao xô bồ bon chen tước quyền bé tí
Trước nỗi niềm thương con ngõ chân trần
Bao nhiêu điều tưởng cao siêu những ta và đồng chí
Chỉ là áo tuồng ta trút bỏ hàng đêm

Về quê đi em về quê đi em
Anh chặt lá cọ trải trên đồi hoa cỏ gà ngày trước
Nhớ một thời vạch áo giết rôm trên ngực
Phách nhịp mình sào sạc cọ trung du

25/8/2016

Tuesday, August 23, 2016

CÓ MỘT CÁI NHÀ TÁNG RẤT TO.


( Bài đề nghị HS LTD và Thiết Phan cùng vẽ minh họa)

Tôi học cấp 2 những năm đầu thập kỉ sáu mươi. Lúc ấy cả miền bắc phơi phới đi lên XHCN. HTX Nông nghiệp quê tôi tiến lên HTX cấp cao trước mắt dân quê tôi là tươi vui là cổ động là mét tinh là hooin họp là sạch làng tốt ruộng là sóng Duyên Hải gió Đại Phong, cờ Ba Nhất trống trường Bắc Lí vân vân và vân vân

HTX tiến vù vù cảm thấy như không có gì ngăn cản được bước tiến đi lên XHCN. Các con đường làng bé tí nay thanh niên cạp thêm cho rộng ra. Thiếu nhi hàng chiều đi quét đường rồi vun lá khô đốt cho chết hết ruồi muỗi. Các cụ già gật gù. Giỏi giỏi. 
Thung lũng “”kẽm hem “ làng tôi xưa nay rậm um con suối nhỏ re re nước. Chủ tịch xã lệnh đắp con đập để lấy nước dềnh lên làm ao thả cá. Tính toán chỉ ba năm sau mỗi mùa tát được dăm tấn cá. Mỗi hộ dân được vài yến cá . Tết nhất ăn nhòe cá. Lại còn thả sen cho vui mắt nhìn hoa lại có hạt sen nấu cháo gà ăn đêm đánh tổ tôm hết ý. 
Thanh niên trai tráng lao vào đắp đập. Họ làm hăng lắm. Con đập đất đỏ loét to dần chắn ngang chỗ dạng chân của khe đồi KẼM HEM. 
Ông nội tôi năm ấy bẩy mươi tuổi chống tay vào hông phẩy phảy cái quạt lá cọ nhìn sang đập đất đỏ mà rằng
- Chúng nó vén tay áo xô đốt nhà táng giấy. Tôi đứng ngay sau ông nghe mà chả hiểu gì. 
Con đập xong. Mưa rầm rầm. Kẽm hem đầy ứ nước. Công điểm đắp đập mỗi hộ cũng đến trăm công cả xã đến vạn công. Nửa đêm trống gõ tùng tùng. Ông tôi nằm đập đập quạt lá đuổi muỗi:
- Bảo mà, vỡ ngay thôi. Đắp kiểu ấy chỉ chết tiền dân thôi mà.


Hơn nửa thế kỉ trôi qua. Ông tôi thành người thiên cổ lâu rồi và tôi cũng đã già. Tôi lại nhớ nhời ông “chúng nó vén tay áo xô đốt nhà táng giấy” . Tôi chợt thấy suốt dọc đất nước mình hàng ngàn công trình hàng ngàn dự án có cả dự án ngàn tỉ rồi dự án tầm cỡ thế giới cũng đang đắp chiếu. Hoặc không đắp chiếu thì cũng sắp vỡ như đầm KẼM HEM quê tôi. Tôi rùng mình khi hình dung ra một cái nhà táng giấy rất to rất dài hình chữ ÉT.

24/8/2016

MỘT MÙA ĐÔNG ĐÃ XA ( 1 )


Mùa đông năm ấy rét dã man. Tôi đi với Giám đốc Công Ty ra Móng Cái. Vừa năm trước ta và Trung Quốc mới ngưng hẳn tiếng súng. Suốt dải sông Ca Long hoang tàn, thị xã Móng Cái chỉ còn đống gạch vụn nay lác đác xây nhà và san ủi đất để làm lại cơ ngơi đã bị tàn phá. 

Nhìn những xe chở song mây, chở trái dừa từ Nam ra đứng ùn ùn trên những bãi bùn trong gió mùa đông mà ngao ngán. Cả thị xã duy nhất có cái nhà xây to nhất là Bưu Điện Móng Cái và kề đấy là một cái khách sạn nhỏ cũng của ngành Bưu Điện. Chúng tôi sang Đông Hưng bằng thuyền nan. Lần đầu tiên tôi nhìn những lò gốm ven bờ sông hoang phế chợt nhớ ngày bé nghe người ta khen đồ sứ Móng Cái. Sông tấp nập và lộn xộn những thuyền mảng và rất nhiều loại người với những mầu quần áo khác nhau. Nhìn sắt cuộn Trung Quốc vận chuyển sang ta bằng mảng nứa hoặc thuyền gỗ. Cửu vạn cả người ta lẫn người Tàu vác vai hoặc kéo xe lên bờ. Cái sự xuất nhập khẩu rất giống chợ Gầm cầu Long Biên. Hay phết. 
Trong cái lạnh co ro những căn phòng trọ ở Thị xã Đông Hưng Trung Quốc, chúng tôi ngồi hút thuốc vặt với những cán bộ người miền Nam. Họ nói họ ở đây vài tuần rồi. Đi đòi nợ thương lái Trung Quốc mà ăn hết cả tiền mang theo nhưng vẫn chưa đòi được. Vài chủ tàu dừa nằm ở cảng Phòng Thành cũng về Đông Hưng ngủ trọ rên xình xịch. Mẹ nó, hợp đồng với bọn Tàu này chả có nghĩa lí gì. Dừa thúi hết trơn mà nó chưa thèm nhận hàng, tết đến nơi rồi. Chúng tôi ở cùng trong căn nhà trọ tường dán giấy lòe loẹt , sờ vào thấy dinh dính mùi khói thuốc và nước tiểu. Những người miền Nam rét run lập cập. Họ bảo chưa bao giờ họ biết cái lạnh thế này. 
Ngày thứ 3, có người đón chúng tôi đi. Đó là một Cty thép trên Bắc Hải. Xe đến, họ cùng môi giới vào Công an chừng mươi lăm phút rồi ra. Họ bảo chúng tôi về nghỉ đến chập tối thì đi. Chị Đào GĐ công ty quay về Móng Cái. Chị dặn tôi, sang đấy tùy theo tình hình mà quyết số lượng hàng em nhé. Trời mưa thùm thũm nhìn chị xuống đò chiều hôm ấy buồn thấu ruột.
Đêm Quảng Tây rét. Sương trắng như sữa. Càng khuya càng dầy đặc sương. Hôm ấy là 10/1/89 nhằm ngày 3 tháng chạp. Chị Lan Huê phó GĐ công ty Phụ tùng SG nói cứng, kệ cha nó, họ chịu được mình chịu được, Ta vào hang bắt cọp đấy mà. Con xe Lada mới của công ty thép Bắc Hải chở 4 chị em chúng tôi còn một con xe Gát 69 chở 3 người tàu. Chạy chừng 30 cây số xe dừng lại. Đến đây là vùng kiểm soát rất ngặt nghèo theo chế độ BIÊN MẬU của họ. 

Bốn người chúng tôi nép vào ven rừng im lặng đợi người nhà thép Bắc Hải đi đút lót trạm liên ngành. Dễ đến hơn một tiếng sau họ quay trở lại. Chúng tôi thở phào và lên xe. Lúc chui qua cái thanh chắn thấy thằng lái xe thò tay ra đưa cho thằng gác bao thuốc Malboro. Hồi lâu nó bảo, hai cây thuốc và 2000 tệ đấy. Chúng tôi im lặng. Khuya, núi đồi Quảng Tây như sữa ca cao. Chúng tôi đói.
( còn nữa)


23/8/2016
Chụp với chi Đào trước lúc sang Quảng Tây. Thị xã Móng cái là một vùng đất đang san ủi

Nhà thơ


Em bảo anh đừng làm thơ khó hiểu
Cứ như anh Duật* với chú Khoa* thôi anh ạ.
Đừng nói dối lòng mình
Nhà thơ nay nhiều ngoại ngữ
Sường sượng như khoai lang


Các nhà thơ không bao giờ viết thơ lên phây búc
Đông đúc người xem thơ họ hóa tầm thường
Nhà thơ là xuất bản ra chữ
Thiên hạ càng không hiểu càng hay
Thơ chỉ để cho nhà thơ chửi nhau
Còn chúng mình làm thơ vì yêu nhau anh nhỉ

Tôi nhìn vợ
Và nhận ra mình không phải nhà thơ

23/8/2016

* Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa


Thursday, August 18, 2016

MẸ


Mẹ ốm mà con phải ra đi
Về nơi thị thành vì miếng cơm manh áo
Mấy ngày qua mẹ có đỡ ho không
Đêm có ngủ được không hở mẹ

Cây ngoài vườn đã trổ nhiều nõn lá
Đàn gà con đã nhú đuôi tôm
Hàng cau trồng đã nhỉnh cao hơn
Nắng lấp lóa sau hàng chè luống cọ

Mấy tháng trời mẹ nằm không thấy gió
Thấy nắng ngoài sân con cháu đi về
Những bạn già vẫn ghé sớm khuya
Ai cũng thương mẹ một đời vất vả

Xe về xuôi mà lòng con nức nở
Nhớ tay gầy mẹ nắm tay con
Con đi rồi mẹ sẽ buồn hơn
Đêm đêm vắng một đứa con bên mẹ

Bao nhọc nhằn đục mờ trong mắt mẹ
Nhiều khổ đau tay sạn tay sần
Lưng cứ còng theo tiếng chổi ngoài sân
Tóc cứ bạc theo gió lùa cửa bếp

Đời mẹ ngày xưa bơ vơ côi cút
Rút ruột thương con tần tảo tháng ngày
Rau tập tàng cua ốc sắn khoai
Chút cơm trắng mẹ dành cho con trẻ

Con chỉ thấy mẹ mặc toàn áo vá
Nứt nẻ bàn chân sương muối lội bùn
Nơi phố phường con đệm ấm chăn êm
Mẹ ở quê gió bấc lùa cửa bếp

Dẫu đói nghèo vẫn sống đời trong sạch
Phận làm dâu trên kính dưới nhường
Trong xóm ngoài làng trọng nghĩa lân bang
Chẳng nói xấu ai cũng chả để đời soi xét

Thời trẻ trai bố con đi biền biệt
Ruộng cạn đồng sâu con đống con đàn
Chẳng một nhời oán thán thở than
Mẹ lầm lũi để nhà êm cửa ấm

Nuôi chúng con từ khoai từ sắn
Dậy chúng con biết lễ phép thật thà
Đứa dại thương nhiều, nhớ đứa ở xa
Tình của mẹ sẻ san đều cho con cháu

Việc đạo việc đời vẹn tròn chu đáo
Tuổi đảng 50 con cháu tự hào
Nhìn mẹ gầy chòng mắt chũng sâu
Tương mẹ lòng con đau quặn thắt

Đêm nay ở phố phường con nhớ
Mẹ nằm đau ở tít tắp quê nhà
Giá mà chúng con biết thương mẹ từ nhỏ
Thì bây giờ lòng đỡ xót xa

Hà nội đêm 8/4/2004

Wednesday, August 17, 2016

Dải Yếm


Về già bỗng lẩn thẩn nhớ hồi xưa bé bám theo bà đi ăn cỗ. Bà tôi đi trước tôi chạy theo sau . Mỗi khi tiếng súc soách của cái dây sà tích của bà nhỏ dần là tôi phải chạy. Chạy đến bám váy bà tiếng súc soách rộn rã. Lại chơi lại bắt chuồn chuồn ngó đông ngó tây tiếng súc soách xa dần …

Nhớn tí nữa ngồi xem bà nội mài nâu nhuộm vải làm yếm. Thời ấy có vải vuông. Vuông vải như là những miếng vải nhỏ làm đơn chiếc không như vải súc sau này. Hỏi bà, sao bà làm nhiều miếng thế? Bà cười, nhiều yếm thì nhuộm nhiều. Ông bà nội tôi là người có của. Bà nội tôi một bước ra đường là áo tứ thân là thắt dây sà tích và cái bao của bà đến là dài. Bà vòng hai vòng rồi mới buông cái bao thõng sang bên phải. Có hôm bà mặc yếm nâu non, cũng có hôm bà mặc yếm nâu già và đặc biệt lắm bà cũng mặc yếm mầu trắng ngà ngà.
Bà tôi mất năm 1964. Khi ấy bà 64 tuổi. Sau ngày bà mất ít hôm máy bay Mĩ mới mang bom thả xuống Hồng Quảng. Từ ấy tôi không hề thấy trong họ hàng nhà tôi ai mặc yếm nữa. Sự tân tiến lan dần dần đến làng quê mang tên cooc xê.
NHớn lên đi học ra ngoài với đời. Vẻ tân thời của đàn bà luôn làm tôi nghĩ ngợi bần thần. Ngày còn học cấp 3 ở Yên bái thấy bạn gái cùng lớp thì thầm rồi com cóp tiền mua cooc xê thấy buồn cười. Nhớn tí nữa đi đại học nhìn bọn con gái thành phố hiên ngang mặc áo vải pha ni lon khoe cái cooc là nể gớm nể ghê. NHưng những lúc ấy luôn nhớ ngày bé và nhớ cái yếm. Nhưng sự canh cánh trong lòng thì đến luống tuổi mới tự mình lí giải với mình về cái chuyện con con buồn cười ấy. Sự con con ấy là cái ‘ dải yếm”
Ngày xưa đi theo bà đi làm cỏ lạc. Nắng nóng quá bà cởi áo ngoài chỉ còn cái yếm nâu dải yếm nâu buộc sau lưng trễ xuống. Bà thắt lại cho khít lên cao. Bà bảo, lúc còn con gái cái dải yếm thắt vào chỗ ong. THì ra , Lưng ong con gái nhờ cái dải yếm mà nó có điểm nhấn, cái dải buông dọc sống lưng chỗ gẫy võng của người con gái nó gây hiệu ứng dã man. Hai sợi dây một ngắn một dài nằm dọc võng lõm trắng ngần. Người ta nhìn cái dây vải có hồn có tiếng chứ không phải thịt da người con gái lên tiếng. 
Bây giờ tôi hay nghĩ đến câu người xưa nói “ Khâu trầu dải yếm”. ÔI giời đất ạ, miếng trầu dấu trong cái yếm để mà trao nhau lúc gặp gỡ nhập nhoạng tối thì làm sao mà không say chếnh say choáng cơ chứ. Ngày xưa các cụ ta giỏi “phê” nhau đến thế. Có lẽ trong tất cả các miếng trầu mời nhau không có miếng trầu nào linh thiêng đến thế. Nghĩ ngợi, dăm trăm năm qua chả thấy dân mình nói về cái mặt yếm bao giờ? Nơi mà từ xưa đến nay lớp vải mỏng bao phủ mơ hồ nhưng lại khoe lồ lộ cặp nhũ của người đàn bà. Càng về sau người ta càng thấy sự sexi của cái yếm Việt nam. NGười Việt ta khéo đến nỗi chỉ nói đến cái dải yếm thôi. Mà ngẫm ra các cụ chả phải lảng tránh điều gì, chính cái buông lõng thõng của dải rút quần hay dải yếm mới là gợi cảm rấm rứt con người.

Kiếp sau đừng hóa ra người
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân

Tôi thì chả dám mãnh liệt như các cụ đã nói trên nhưng quả thật đến bây giờ nhìn con gái mặc quần buộc dải rút áo ngắn hở rốn nhìn cái dải rút hay hơn chứ chả ai thèm nhìn vào rốn. Thế mới ngẫm ra cái dải yếm nó buộc hồn con người là phải.
…..Thuyền anh ngược thác lên đây
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền.
Ở gần mà chẳng sang chơi
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.
Mồng tơi chẳng bắc được đâu
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang

Cái cây cầu dải yếm thì làm đàn ông ai mà chả biết nhưng niềm mong muốn đến nỗi muốn người đàn bà cởi dải yếm bắc cầu cho anh sang thì …thú thật các cụ ngày xưa về mặt tình ái giỏi đến thế .

Tôi chợt nghĩ có người đã lí giải thật tuyệt vời về cái khe ngực đàn bà. Sự xâu xa của sinh học sinh tồn và cái đẹp con người đến nỗi biểu hiện lên thành hình ảnh con người nuốt nước bọt đánh ực.
Còn dải yếm thì lại không thế, nó làm cho con người bần thần miên man và nuốt nước bọt... cũng rất từ từ.
15/8/2016

Tuesday, August 16, 2016

ÔNG ĐƯA CHÁU ĐI HỌC.


Ngoan đi nào cháu ơi
Đừng khóc.
Bố cháu ngày xưa cũng ông đưa đến lớp
Khóc vì đói nữa cơ

Nhà ta không ô tô
Cháu ngồi xe máy
Cái xe đạp cà tàng bố cháu ngồi ngày xưa
Là nửa năm lương kĩ sư của ông đấy

Chiều ông đón cháu về
Bố mẹ cháu trải bươn tiền này tiền nọ
Công chức gầy lo đút lót có chỗ làm
Ông cháu mình đến lớp học làm công dân
Nước Việt mình bốn ngàn năm cứ eo ẻo sống
Vật vờ bên bờ biển đông

Học đi rồi để thấy biển bạc rất viển vông
Nếu không có nhiều tàu biết khai thác biển
Học đi rồi cháu ơi rừng suối sông cạn kiệt
Thế hệ này không cần biết đến đời sau

Học đi cô giáo dậy cháu đừng nói dối
Bởi nhà ta ông cũng dối cháu đấy mà
Bảo cháu đi chơi
lại đưa cháu đến lớp
Đất nước mình nói dối nhiều lắm rồi cháu yêu

Mỗi buổi chiều về một hộp vi na miu
Nghe hàng xóm dậy con bằng tiếng Anh eo éo
cháu tôi thèm
chạy về nhà gọi
Ông ơi!
Bà ơi!
16/8/16

Gặp gỡ mùa thu



Bạn về Hà Nội đầu thu

Nắng như nuối tiếc cuối hè ran ran
Ve không còn khóc cuối đường
Người xưa ở tít đoạn trường xa xăm


Mày tao cả với nếp nhăn
Bàng rơi lá tím cổng trường ngaỳ xưa
Bao nhiêu là nhớ là chờ
Mấy mươi phút cũng kịp vừa thanh xuân


Rằng trai gái cũng phong trần
Cũng bươn trải cũng tảo tần đó thôi
Mùa thu ơi Hà nội ơi
Ta về tìm lại một thời của ta


13/8/2016

Monday, August 8, 2016

Chuyện sớm nay- Hội Giáo Chức xã nhà


Mới sáng ra mặt trời đã chói chang. Quán nước lôm nhôm người. Ai cũng kêu, khiếp bảnh mắt ra là nắng nóng rẫy lưng. Điện thoại reo . Đầu kia hỏi chú Luân đấy à ? Tôi là Thắng ở quê. Thắng nào nhỉ quê mình nhiều Thắng lắm. Hỏi lại. Anh là Thắng con nhà ai? Thì ra anh Thắng hơn mình một tuổi. Đi học Sư Phạm lúc mình đi đại học trên Thái Nguyên.

Máy ngập ngừng. Chú Luân ạ, tôi làm Chủ tịch hội “cựu Giáo Chức” xã nhà ta. Khi tôi nhận trách nhiệm này được biết chú đã có lần về quê và tham dự hội, đã từng ủng hộ, đóng hội phí với lí do bố chú trước kia là thầy giáo cấp 1 ở làng. Hội đồng ý vì ý kiến ấy. Nay mời chú ngày …x… về tham gia sinh hoạt ….ngày trao kỉ niệm chương…
Bỗng dưng tai mình ù đi, chả giống cái sự hân hoan khi thắng quả ngày xưa tí nào. Trong tôi hiện ra những lần họp hội Giáo Chức với các thầy cô ở làng. Tôi nhớ thầy dậy tôi lớp vỡ lòng gầy ho hen, cô giáo dậy tôi hồi lớp 4 cứ một câu bác bây giờ ở đâu? Bác làm gì ở dưới Hà nội mà có cả ô tô? Rồi chiều ấy tôi đi xuôi, các thầy cô đứng đợi ngoài đầu đình cũ cho tôi mướp cho trám và măng.
Bao nhiêu hội này hội nọ tôi tham gia nhưng chả có hội nào mà kiệm lời mà êm ả mà trân trọng nhau như hội Cựu GIÁO CHỨC. Cũng chả có cái hội nào nghèo như hội này. Chả có hội nào đến họp là ngồi yên lặng áo quần sạch sẽ tinh tươm và gọi nhau là thầy là cô như hội này. Họ gọi nhau là thầy cô là để gọi cho mình cho cuộc đời mình đã từng cống hiến. Họ trân trọng mình và trân trọng người lớp sau như một niêm luật.
Tôi đã từng gặp trong cuộc họp mặt ấy có anh học trò làm nhớn làm được nhiều tiền đến ủng hộ và chém gió. Bà giáo chủ nhiệm gầy gò ngồi lắng nghe anh học trò mình thao thao. Bỗng anh ta nhìn thấy bà. Anh dừng nói. Anh đi xuống, thưa cô giáo cô khỏe không? Bà giáo già ngẩng lên nước mắt long lanh. Nhìn thấy em một học trò cá biệt mà nay em nên cán bộ nên người được kính trong, cô khỏe lắm cô vui lắm…
Làng tôi nghèo. Thầy giáo cô giáo làng tôi cũng làm nông dân như cha mẹ tôi. Cái tên Giáo chức cũng có chỉ vài mươi năm đây thôi. Nhưng chữ nghĩa con em của làng lại bắt đầu từ người làng mà ra.
8/8/2016
Ảnh chụp ở đầm nước làng tôi

Vẩn vơ


Khi những con đường ta đi biến mất
Ta chợt nhận ra chân bước chậm rồi
Trên con đường mới mở
Ta ngây thơ tìm câu thơ xưa


Nơi em đợi anh chiều tan tầm
Hàng sấu cổ thụ
Con sông Tô lịch hiền lành
Vành xe quay ngược gió
Ta đợi nhau góc đường có ông thợ vá xe áo tô châu rất cũ
Người lính chả già hơn ta bao nhiêu

Phố nhà em lợp ngói
Lá bàng rắc mùa thu lên xe điện leng keng
Những con đường láng giềng râm ran vòi nước
Hai dải đuôi sam vung vẩy về phía hai chiếc thùng
Chuyến tàu điện cuối lanh phanh về phía làng Đông

Nhà mới và những con đường mới
Lá vàng vắng cả mùa thu
Chúng mình chầm chậm
Chiều lên nhà cũ ngắm hồ

9/8/2016

Sunday, August 7, 2016

Lập thu


Lập thu rồi đấy mình ơi
Về nghe chim ngói say mồi tìm nhau
Bãi sông rỡ lạc làm rau
Sen tàn râm bụt đỏ au bờ hè
Mặt trời chầm chậm sang đê
Con cò lạc mẹ bay về bên sông
Có người rửa gánh khoai giong
Có người lẩn thẩn ngồi trông hết chiều
Bao nhiêu mùa mía lao xao
Bao lần hoa cải vàng vào trang thư
Mình ơi giời đã vào thu
Vào hoa râm cả đợi chờ nhớ mong

6/8/2016

Saturday, August 6, 2016

Thăm đồng đội -AHLLVT Trần Xuân Thiện

Trưa ở nhà thằng bạn
Nhậu toàn ớt với măng
Mưa Thái Nguyên rất cũ

Mà giọt rơi ấm lòng

5 thằng từng chia lửa
Tranh nhau mời rượu nhau
Như ngày nào pháo nổ 
Cười đạn bay qua đầu

Cháu con ngồi nghe chuyện
Cười trong cơn mưa rơi
Mấy thằng dấu nước mắt
Rượu thơm tràn lên môi

Tuổi gần bẩy mươi cả
Mà vẫn cứ tao mày
Trưa nay mưa đồng đội
Rượu bao giờ biết say


5/8/2016


Friday, August 5, 2016

ANH HÙNG


Sáng sớm chưa dậy nổi vì cơn đau đêm qua khiến thao thức, khuya lắm mới chợp mắt, lại thấy chuông điện thoại réo ầm ầm. Mở máy thấy “Thiện Phú Lương “ . 
Hỏi : Gọi anh có việc gì sớm thế? Đầu kia nói lẫn cả tiếng còi xe ô tô :
- Em Thiện đây ! 
-Biết rồi anh nhận ra rồi. 
Nó nói vội: 
-Anh ơi anh đưa em lên nhà cụ Tiến với, em lấy kỉ niệm chương cho CCB 320 trên tỉnh em. 
Tôi hơi bực:
- Sao đi sớm thế? 
Nó bảo:
- Cụ Tiến 8 giờ phải đi họp phải đến trước 7 rưỡi. 
Thế là dù ốm cũng phải dậy nhìn đồng hồ 6 giờ. Ra đường Khuất Duy Tiến mới 6 rưỡi ngồi lùa bát mì ngóng ra đường đợi nó đến.

Chợt nhớ lại ngày xưa lúc còn huấn luyện trên Thái Nguyên cùng D76F304B. Nó là lính của huyện Phú Lương, toàn dân tộc và học trò cấp 2 nhập ngũ bổ sung ghép vào tiểu đoàn lính Sinh Viên. Vào đơn vị tôi rặt những sinh viên cứng tuổi, chúng nó rất quí nể mấy anh nhất là chuyện tán gái thì bái cả hai tay. Ở C4 ngày ấy là SV trường y và mấy trường cao đẳng kĩ thuật. Vào Tây Nguyên về e64 cùng tôi. Rong ruổi mấy năm đánh đấm đến ngày hòa bình. E64 có hai anh hùng thì đều rơi vào C4 huấn luyện của D76 chúng tôi. Thật là tự hào, một đại đội tân binh đi chiến đấu có 2 thằng anh hùng. Hiếm có hiếm có ! Ai cũng bảo thế. Trong hai thằng anh hùng đó có một thằng mà tôi đang ngồi chờ đây. Lại nhớ năm 2007 chúng tôi tổ chức gặp nhau nhân 35 năm ngày nhập ngũ. Nó nhận đăng cai tổ chức ở huyện Phú Lương . Lên đến nơi thấy huyện đội tỉnh đội chu đáo đón tiếp quá bèn hỏi:
- Có đặt tiền trước không mà họ nhiệt tình thế ? 
Thiện cười bí hiểm. ở đây họ quí chú Thiện mà bác. Ra thế, cái thằng anh hùng ở địa phương nói cũng nặng cân hơn không anh hùng. Tôi bảo Thiện:
i đời mày khổ, từ giờ đến lúc chết giữ được cái anh hùng mới khó, khổ nhất là suốt đời cứ phải anh hùng. 
Nó cười buồn:
-Cũng khổ thật đấy anh ạ
Chuyện Trần Xuân Thiện và Nguyễn Vi Hợi ở D76 chúng tôi anh hùng thì thiên hạ còn lạ gì. Không biết thì gõ cái tên ấy lên cụ Gúc là rõ ngay. Hợi thì bây giờ làm ông lang bốc thuốc trên quê Phú Thọ nhà tôi. Sống thanh tao ẩn dật pha chút nuối tiếc. Còn thằng Thiện vẫn khỏe như beo con. Làm cũng khỏe, đi cũng khỏe, uống cũng khỏe. Được cái nó ham công tác đoàn thể nên vẫn trẻ và mỗi lần gặp bọn tôi lại hát rất say sưa bài hát Đại đoàn Đồng Bằng trên đường chiến thắng. Có lúc hứng chí còn hát cả Đôi bờ nhạc Nga . Giỏi thật .
Xong việc ở nhà cụ Khuất Duy Tiến hai anh em kéo nhau ra đường Trần Phú cho nó ăn sáng. Nó nài tôi uống chén rượu. Ừ thì uống. Trước mặt tôi là một anh hùng bắn cháy bốn xe tăng trong ngày 18/3/75 giải nguy cho sở chỉ huy trung đoàn. Một mình nó trói gần hai chục thằng tù binh làm một dây dẫn giải vào khe núi. Bọn tù binh rất ngạc nhiên mỗi lần ông giải phóng quát một tiếng là thấy chớp lóe vàng trong miệng. Đến bây giờ nó vẫn còn cái răng vàng ấy. Công nhận vàng thật thì nó sáng mãi mãi .
Ngồi nhìn nó ăn bát phở mà thấy ngon. Nó ngước lên nhìn tôi mà rằng , bây giờ nhìn các anh thấy thân thiết thế. Ngày xưa cứ ngài ngại. Ô hay , chúng tao ngại mày thì có. Nó buồn buồn. Chả có chữ , từ Căm Pu Chia về huyện đội lên đến Đại úy là phục viên củng cố hậu phương. Giời thương có nhà cửa vợ con đề huề lại có sức khỏe. Thế là phúc bằng cái đình anh ạ . Chẳng dám lấn đất nương rẫy, chả dám đi buôn đánh quả, săn bắn động vật quí hiếm. Hai vợ chồng đến bây giờ vẫn vắt mũi bỏ miệng. Con cái nó ngoan là tốt lắm rồi. Một bước đi cũng giữ, khổ lắm. 
Nó nói tiếp…Kể từ lúc được phong anh hùng, em thành thằng người sường sượng. Ra đường, lên nương, đi đâu họ cũng nhìn thằng anh hùng… chỉ có nhõn vợ em thì nó không coi anh hùng là gì. Mình cười phá lên, mày khổ không khác gì mấy con bé Hoa Hậu. Nó méo mó, được như hoa hậu thì đã tốt. Hoa hậu nó nhiều vốn liếng hơn bọn anh hùng quân đội chúng em. 

Chợt nhớ cái chuyện đang hot trên mạng mấy ngày nay về người Thanh niên Trần Hữu Hiệp cởi áo phao nhường cho một người phụ nữ có thai trên vụ đắm tàu ngoài biển Cần Giờ. Tôi hỏi. Cái cháu Hiệp nó cởi áo nhường cho người khác vào lúc sắp chết đuối giữa mênh mông sóng gió ấy có anh hùng không ? Có đấu tranh tư tưởng không ? có giống cái sự đấu tranh lúc mày xông ra bắn xe tăng không ? Thiện lặng ngắt. Ngoài đường xe máy toe toe , một con bé váy ngắn quá kéo ghế ngồi bên cạnh Thiện gióng lanh lảnh : bát tái gầu nhé. Nước hoa cô này xịn thế. Cánh mũi Thiện phập phồng. Già rồi mà khíu giác nó vẫn tốt thật. 
Rồi nó ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi. Nói rất chậm và khẽ. Đấy mới là anh hùng


 11/8/2013

Thursday, August 4, 2016

Lượm lặt linh tinh


Tôi nghe được chuyện thế này nên chép ra đây.
......Bà cụ có nhiều con nhưng chỉ có một anh con trai út là học hành đến nơi đến chốn. Anh làm việc ngoài Hà Nội và lấy vợ ở đó. Thi thoảng hai vợ chồng dong nhan về quê vào những kì nghỉ lễ. Mỗi bận về cũng đồng quà tấm bánh cho mẹ, hương khói cho cha. Bà cụ chả giàu có gì nhưng vẫn đủ miếng ăn. Có một tết anh con trai bảo vợ:
- Có nhẽ lâu lắm mình chả mua cho mẹ tấm áo cái quần.
Cô vợ:
- Ôi dào mua vải cho mẹ, mẹ thích may kiểu gì mẹ may. Quần áo nhà quê mình không dành.
Tết ấy, trong khói hương chiều ba mươi anh con trai giở quà giữa nhà
- Mẹ ơi vợ chồng con cho mẹ 2 miếng vải đẹp lắm mẹ may mà mặc.
Người mẹ khẽ khàng :
- Mẹ xin
Vài năm sau mẹ mất. Vợ chồng con út từ Hà Nội vội vã về quê. Người con lao vào nhà đến bên quan tài mẹ. Anh nhìn gương mặt hiền từ của mẹ kêu lên:
- Mẹ ơi . Vợ anh cũng nhào vào :
- Mẹ ơi . Họ òa khóc nức nở.
Bỗng người con trai nín bặt hỏi to:
- Sao? không còn quần áo mới hay sao mà để mẹ mặc quần áo cũ? Quay sang bà chị cả anh hỏi:
- Thế vải chúng em mua về đâu mà không may?
Người chị lau nước mắt:
- Vải của cậu mợ để bên cạnh mẹ đấy. Rồi người chị buồn buồn khẽ nói :
- Mẹ buồn. Mẹ thích vải ấy lắm nhưng mẹ dặn khi nào chết thì để bên cạnh mẹ chứ mẹ không may. Giá ngày ấy chú nói Mẹ ơi con biếu mẹ miếng vải thì mẹ vui biết bao và bây giờ mẹ mặc áo mới mà đi. Mẹ bảo, cho và biếu khác nhau lắm các con ạ.
5/8/2016

Tuesday, August 2, 2016

NHÀ CŨ


Mỗi lần về quê cũ
Tôi lại ra bờ đầm
Nhìn hàng cau lại nhớ 
Thủa mười bốn mười lăm

Rừng xưa toàn những sắn
Đầm xưa toàn những sen
Bây giờ trong xanh thẳm
Chim chóc về véo von

Bố thả thuyền đánh cá
Chúng con đợi trên bờ
Bếp nhà vương vương khói
Mẹ réo mau mà về

Đường dốc trơn trơn lắm
Ngón bấm bùn trời mưa
Dấu chân trò vào lớp
Những là năm cánh hoa

Tôi đi xa từ ấy
Nhà dọn về làng ngoài
Cau vẫn vươn cho trái
Mít thơm còn trên cây

Tôi nghe mẹ kể lại
“Ngày con ở chiến trường
Có mấy cô Yên bái
Tìm nhà mình đến thương”

Chẳng còn nhà lợp lá
Khói vẫn buông đồi chè
Chẳng còn đường bùn nữa
Rừng cọ mưa buồn ghê

Lại có chiều lẩn thẩn
Nhớ mấy bạn gái thân
Bây giờ thành bà bủ
Nhớ nhà tôi nữa không

( ngôi nhà cũ tôi vẫn có mấy cây cau)
3/8/2016

Chuyện ở Làng Á


Tôi kể địa danh này chắc các bạn lính E64 và E48 cũng còn nhớ. Đó là làng Á ở Bắc đường 19. Thuộc tỉnh Gia Lai.
Cuối 72 và đầu 73, F320 hoạt động tưng bừng ở đấy. Từ đấy tiến lên Chư Rông Ràng, lùi ra huyện 4 cũng dễ. Vào giữa năm 72 quân ta sau nhiều trận đánh mới đẩy lùi địch ra khỏi nơi này. Dân ở đây, còn tăm tối lắm. Tôi nhớ là hồi đó E 64 vừa đánh giặc vừa phải giúp dân làm làng bản chống giặc, hướng dẫn đồng bào ăn ở vệ sinh. Khiếp ! Nói đến ăn ở thì làng Á ... khủng khiếp.
Ở Làng Á có một C huấn luyện cán bộ tiểu đội trưởng của Trung đoàn gọi là C28 . Lính cứ gọi là Sĩ Quan Làng Á cho tiện và oai. Đi học Sĩ quan Làng Á khổ gấp mấy lần Lục quân ( ấy là tôi nghe chúng nó đi học về nói lại ). Lí do : đào hầm thật, tấn công thật. Bắn tập toàn đạn thật. Bám địch toàn bám thật. Kết thúc lớp học là tổ chức trận đánh một cứ điểm nào đó và lấy đó làm bài tốt nghiệp cho học viên....duy nhất ăn vẫn ăn không thật. Đói lắm. Sĩ Quan làng Á cũng đói rã họng. Nói vậy nghĩa là trung đoàn sử dụng mầm non sĩ quan này vào những trận đánh ... toàn là chiến lệ thí dụ. Chúng nó kể chuyện làng Á nhiều lắm. Nhưng tôi mục đích sở thị có hai chuyện.

- Chuyện thứ nhất
Chừng tháng chín 73. D8 chốt Chư Rông Ràng. Hôm ấy có đội văn nghệ trung đoàn ( chủ yếu là lính C18 thông tin, chúng nó đông quân lại ở gần E bộ, thư thái hơn đôi chút lại nhiều thằng hát chèo thổi sáo ...) sang diễn cho Sĩ quan Làng Á xem. Lính D 8 bọn tôi thay chốt cũng được xem ké. Sân khấu trong rừng. Lính kéo vít ngọn lồ ô che kín một khoảng đất, đắp sân khấu. Bốn cái võng dù xanh làm 4 cánh gà . Cũng đánh phấn bôi môi. Phấn bằng tinh bột sắn trắng và mát lịm. Son bằng thuốc đỏ trộn bột sắn. Thế mà trông chúng nó đẹp mê hồn .
Khán giả đồng bào đến rõ sớm. Khán giả mẹ vú quặt ra sau lưng, khán giả con ngồi địu nhai vú mắt lim dim chán chường vì mẹ nó luôn tay đập muỗi . Khán giả bố vắt dải khố lên đùi vênh thuốc sâu kèn trên môi.
Trên sân khấu bọn C18 đang diễn hoạt cảnh chèo có con chim Chơ Rao bay về làng buôn mừng chiến thắng. Diễn viên Phạm Đức Oanh người Đông Vinh Đông Hưng, Thái Bình nghiêng người chỉ ra phía trước : Kìa con chim Chơ Rao đã bay về ! Lũ làng ơi . Ngay lập tức lũ làng ngoảnh cổ ra sau nhìn theo phía tay Oanh. Ngoài rừng tối mịt mùng, chả có con chim nào, chả thấy con nào bay về. Bỗng ồ lên ! đồng bào nói đồng thanh : bộ đội không tột, bồ đồi nói chơi chơi chớ, không có chim , không có chim ...

Vở diễn không dừng lại. Kệ cho đồng bào có vẻ không hài lòng.
Rồi đến đoạn chiến đấu ác liệt, bộ đội ta hi sinh. Một thằng ngã quay lơ trên sân khấu. Đồng bào á lên : ô ô thương bồ đồi, bồ đồi ...bồ đồi chệt rôi. Cả bãi đất người lặng im, có tiếng sut sịt. Cũng vừa lúc đó quân ta xung phong đánh tan đồn địch và vở diễn kết thúc. Chiến sĩ chết lúc nãy vùng đứng dậy. Ngay lập tức cả bãi đất người lại ồ lên 
:Chu cha bồ đồi giỏi hung ! bồ đội giỏi hung ... bồ đồi chết có bổ xung, ây dà ...chết có bổ xung.

Tan cuộc, đồng bào mò mẫm đi về trong đêm chúng tôi cũng mò mẫm về kiềng vẫn còn nghe thấy :
- Cách mạng giỏi hung, bồ đội giỏi hung. Bồ đồi chết có bổ xung. Có bổ xung