Tuesday, September 27, 2016

Tháng mười


Còn một nửa cơn nắng như hiền lại
Ta về quê đồng khoe rạ se bùn
Em đập đất tra ngô trên bãi 
Sông cạn dòng vắng ắng đò sang

Ngước lên giời thương đàn chim di trú
Buông tiếng kêu thảm thiết gọi bầy đàn
Heo may cả bờ ao cá quẫy
Heo may áo em úa cả mùa màng

Ta đứng dưới chân đồi ngôi trường cũ
Lắng nghe tìm trong sáng tháng mười
Tiếng đọc bài ê a không còn nữa
Quê thì nghèo quán Nét cũng liêu xiêu

Tìm tháng mười chớp chấm đàn chim ngói
Tìm dấu sân kho mái ngói sân đình
Tháng mười tít xa như cổ tích
Quê chỉ còn nửa em nửa anh .

28/9/2016

Sunday, September 25, 2016

NHỚ NHÂN NGÀY TRỞ LẠI SÀI GÒN


Trời đã vào thu rồi Nhân ơi
Quê chúng mình Sen sắp tàn đầm lại vắng
Những cơn nắng mùa hè khoác áo vàng ngày xưa
Vội vàng vội vàng đi cùng dĩ vãng

Tôi đi lại những con đường
Đất sỏi liếm mòn gót đời lam lũ
Bờ đê cỏ vẫn xanh rờn
Mùa thu về trông hoa râm hơn

Tôi trở lại mái trường
Nhà lá tường vôi bở lở
Dấu vết đã qua yêu thương
In chân chúng mình tháng năm còn đó

Tháng năm cánh đồng mưa gió
Đời chúng mình nghèo yêu kiếp chăn trâu
Đời chúng mình nghèo yêu thương cho nhau
Đời chúng mình nghèo ước mơ nho nhỏ

Trời nào xanh như trời quê ta
Trời rộng hơn tầm tay với chúng ta
Anh đi súng nặng vai đêm lẻ
Tôi đi buồn vương gieo theo xa

Để lại có ngày tôi gặp anh
Kiếp lính lênh đênh tình sao buồn tênh
Ôm nhau nhớ khoảng đời nắng gió
Súng nổ tàn canh trời cao nguyên mông mênh

Khoác nắng mùa hè trời Sài Gòn mây trôi nhanh
Ước mơ trở về súng nổ lúc bình minh
Tôi òa khóc trên đường hoa phượng nở 
Gọi anh nức nở đô thành

Tôi gói cho Nhân tròn mộ
Tình yêu mơ ước cuộc đời
Hớ nhau gọi mùa nắng đỏ
Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi

Trở về đi lại đường xưa
Bước chân dẫm lên mây mơ
Còn đây lạnh lùng hoa trắng
Tình xưa bàng hoàng trong thơ

1976



Người đi theo mưa


Cơn mưa chạy về cuối làng
Mùa thu xôn xao mát
Có người đàn ông đi theo cơn mưa
chừng như chân đang muốn mỏi
mà vẫn không theo kịp

Cơn mưa đi qua
Lũ chim chìa vôi xà xuống uống những giọt nước
trên liếp cỏ hoa râm

Mưa chạy trước
Những dấu chân trẻ con hiện ra
như những nụ cười rơi trên đất
Con đường về phía ngôi trường rất thơm mùi ổi chín

Mưa đã về cuối cánh đồng
người đàn ông vẫn không theo kịp
có một người con gái đi ra từ trong mưa
áo thơm mùi mùa thu ướt

tháng 9/2016 

Friday, September 23, 2016

Trí Trọng Trí đọc lời Bình luận ( Nguyễn Trọng Luân ) -GỬI CHÚT HƯƠNG MIỀN TÂY ( Võ thị ánh Tuyết )

Lời bình ( Nguyễn Trọng Luân ) về bài thơ " Gửi chút hương miền Tây " ( Võ Thị Ánh Tuyết )

Nguyễn Trọng‎ đến Vo Thi Anh Tuyet
· 
Đời tôi có những lúc vinh lúc hiển giông như mọi người. Vào lúc tôi vui có nhiều bạn vui cùng, tôi vui gấp bội. Lúc tôi buồn có bạn chia sẻ đứng kề bên tôi như thấy mình sống lại những niềm vui. 
Có một ngày tôi nhận được bài thơ một người bạn xa lắc, bạn gửi tặng tôi hoa điên điển. Tôi biết là quê bạn ở tây Nam bộ. Vùng quê bạn cũng có Sen có Súng, có nhiều loài hoa mà nay trồng được cả 4 mùa giống như Đà Lạt. Bạn tặng tôi thứ hoa lam lũ với người dân Nam Bộ, thứ hoa gắn bó lũ lụt đói mềm người, đời này qua đời khác. Bạn cho tôi màu, cho tôi vị, cho tôi mùi hương. Bạn cho tôi tình người trong loài hoa ấy.
…Vàng mùa rất riêng 
Chẳng nhầm lẫn với mùa nào khác được đâu
Mùa thu vàng. Ngày sinh tôi ươm với những cánh hoa vàng. Tôi từng yêu màu vàng đớn đau Dã Quì Tây Nguyên, màu mông lung trong trào lưu chuộng ngoại , màu của tranh Levitan, người đời mang bao nhiêu tấm ảnh tìm đâu đó trên Google . Còn bạn,bạn đưa tôi về với sông nước miền Nam. Cái màu vàng chả nhầm lẫn được đâu. Lời tuyên ngôn cho màu vàng quê bạn thật hiền hậu, dễ thương.
Bạn là người nhân hậu đến nỗi 
“…Em muốn gửi mênh mông sắc tím 
Tím sóng dồn bạo liệt đến vô cùng 
Hoa thì thầm khe khẽ
“Anh chỉ thích dịu dàng “ nên lại thôi !”..
Cũng chỉ là qua trang thơ, qua những tâm sự bạn bè mà bạn đã hiểu, đã bóc lớp suy nghĩ của tôi, bạn từng hiểu và cũng như bạn hiểu chính mình một thời khốn khó trên miền Bắc gian nan, vừa dựng xây, vừa đánh giặc. 
Bạn bảo tôi:
“ Mong lực bút trẻ khoẻ tuổi đôi mươi
….
Khi tưng tửng lại nồng nàn đến thế
Khi tếu táo giễu cợt cũng nhẹ tênh lặng lẽ
Yêu cuộc đời da diết thế anh ơi…”
Cũng giống như bao lời bè bạn chúc mừng tôi, bạn muốn tôi khỏe và viết nhiều, viết về đồng đội, về mẹ, về quê hương. Nhưng bất ngờ bạn gửi cho tôi lời của người dân Việt
“Chẳng biết gửi gì cho anh, cứ rối bời
Tía Má đang đu xuồng theo con nước
Có một nhành ô môi bồng bềnh cùng trăng em vớt được
Là hoa đời những lam lũ, những ước mong”
Em vớt được nhánh hoa dưới trăng sông Tiền gửi cho tôi. Còn gì nặng tình hơn thế nữa cho đời người con trai. Em bảo .. Là hoa đời lam lũ, những ước mong” Bỗng dưng chợt nhớ những mộng mị phồn hoa hay những phú quí vinh hiển phỉnh phờ trở thành nhỏ bé chỉ một nhời người con gái miền quê . 
Tôi không nghĩ rằng em làm thơ, bởi em hiền và em chưa bao giờ là người thích nơi đông nhúc bon chen. Em chỉ nói điều em nghĩ em, yêu em thương và em mong đợi. Cái sự yêu thương chờ đợi rất quê kiểng, rất nam bộ, nó đẹp đến chừng nào.
Đọc đến khổ thơ cuối cùng thì tôi bàng hoàng. Đây không còn là lời chúc ngày sinh nhật tôi nữa, không còn là thơ có tình yêu mây gió, những thất vọng ê chề hóa thành men yêu nữa. Hoa điên điển vàng em tặng tôi được em khẳng định có tình có hồn có lực có niềm tự hào rất đằm trong gió trong nước trong mồ hôi của em của mẹ của cha.

…”Ươn ướt ngang trời con sóng vỗ
Cọng nhớ cọng đau một thời lửa đỏ
Em gửi theo gió 
Thoang thoảng hương dịu nhẹ miền Tây này
Mừng anh sinh nhật hôm nay.”
Trên đời này,chưa thấy nhà thơ nào viết về hoa mà thấy hoa có cọng hoa. Chưa thấy ai tặng thơ mà chỉ nói về cọng hoa. Cũng chưa từng một nhà thơ nhà văn nào nói về cọng hoa là 
…CỌNG NHỚ, CỌNG ĐAU 
Thơ chỉ nói đến cánh hoa, đến màu hoa và nhị hoa thôi, nhưng người thơ lại không hiểu hoặc là không chịu hiểu cọng hoa mới là mấu chốt cuối cùng cho một thứ được ngợi ca chiêm ngưỡng. Chỉ có em, em bảo tôi rằng cọng hoa em gửi cho tôi là cọng nhớ cọng đau. Bạn đọc có thấy nỗi niềm thương tột cùng trong lời thơ đó không?
Chỉ có người gửi trong máu mình vào loài hoa quê hương nghèo khó ấy mới có được.
Nhưng trên hết, tôi tự hào vì tôi có một người bạn là em. Tôi yêu miền Tây Nam Bộ và mang nợ với quê hương em từ hôm nay.


Nguyễn Trọng Luân
23/9/2016

GỬI CHÚT HƯƠNG MIỀN TÂY
Mừng sinh nhật anh CCB Nguyễn Trọng Luân

Em muốn tặng anh bông điên điển miền Tây
Vàng tràn nước nổi dâng đầy
Vàng mùa rất riêng
Chẳng nhầm lẫn với mùa nào khác được đâu
Vàng tô canh chua nóng hôi hổi
Vàng cá Linh non vừa bỏ nồi quậy nhoi nhỏi
Lại ngại anh chê
“ Người chi mà thiệt đến là quê “
Thôi thì điên điển vàng buồn gọi tên anh...

Mùa lũ đến rồi thiệt nhanh
Bông Súng mang hương bùn cứ vươn cao theo sóng
Mỏng manh đến thế lại lung linh đến thế
Em muốn gửi mênh mông sắc tím
Tím sóng dồn bạo liệt đến vô cùng
Hoa thì thầm khe khẽ
“Anh chỉ thích dịu dàng “ nên lại thôi !

Có biết bao hoa hồng kiêu sa nghiêng rơi
Sẽ gửi đến anh trong ngày sinh nhật đấy
Những lời chúc ngọt ngào lấp láy
Mong cho anh hạnh phúc ở trên đời

Mong lực bút trẻ khoẻ tuổi đôi mươi
Mang hồn quê cùng hương hồn đồng đội
Khi một mình tự sự buồn con chữ hương khói
Ma lực ám người đau mãi không thôi
Khi tưng tửng lại nồng nàn đến thế
Khi tếu táo giễu cợt cũng nhẹ tênh lặng lẽ
Yêu cuộc đời da diết thế anh ơi…

Chẳng biết gửi gì cho anh, cứ rối bời
Tía Má đang đu xuồng theo con nước
Có một nhành ô môi bồng bềnh cùng trăng em vớt được
Là hoa đời những lam lũ, những ước mong
Cánh mịn màng phù sa miền châu thổ
Ươn ướt ngang trời con sóng vỗ
Cọng nhớ cọng đau một thời lửa đỏ
Em gửi theo gió
Thoang thoảng hương dịu nhẹ miền Tây này
Mừng anh sinh nhật hôm nay…

22/9/2016
Võ thị ánh Tuyết

Video :Nguyễn Trọng Luân viết về đồng đội- Văn hoá nghệ thuật Quân đội-Truyền hình QPVN 18/9/2016

Wednesday, September 21, 2016

Nhật kí trước lúc lên đường ra trận



…Đêm… Bắc Thái 
Ngày ra đi đã đến. Đơn vị không một ai được về phép thăm nhà vì chiến trường yêu cầu gấp lắm. Trời Bắc Thái trong những ngày này lạnh hơn, như vô tình thêm buồn cho những tấm lòng đã buồn. Đừng có nghĩ gì về cái sẽ tới không tốt đẹp ấy để những phút chót này cho nó đẹp hơn. Trước lúc chia tay tình cảm vụt trong sáng lên, chân thành đến cực độ, một sự quyết định, một câu nói, dự kiến sẽ soi sáng cho cả những gì ấp ủ bấy lâu nay trong lòng mình. Người lính xa quê nhớ mẹ, nhớ nhà,nhớ người yêu. Lúc nhận lấy một trong niềm vinh quang là đi đến chỗ chết hình như khiến mọi nỗi nhớ đều mơ hồ, mơ hồ để tránh một sự đổ vỡ.
Tôi không viết thư về nhà. Định giành cho một cuộc dừng chân trên đường hành quân làm việc ấy, Còn những ngày hôm nay, làm nốt cái phàn chuẩn bị …là sẽ viết nốt phần cuối bài thơ bỏ dở, gói lại cuốn nhật ký và gửi lại nhờ Khánh Vân đưa về nhà- cô nữ quân y sĩ cùng quê hứa sẽ làm chu đáo việc này- Điều này khiến tôi yên tâm và nghĩ rằng ngần ấy cũng đủ hơn lời dặn dò , từ biệt với những người thân.
Sáng mai sẽ hành quân.
Đêm nay cả tiểu đội không ngủ.
Tôi ra vào nhìn 4 chiếc ba lô căng đầy để trên giường. Ba người bạn trong tổ cũng bồi hồi không kém.
Chính ngồi tưa lưng vào tường hút thuốc, đốm lửa bùng lên rồi lại lịm đi. Người chiến sĩ dân tộc Tày này chân thật biết bao. Lúc chiều Chính bảo tôi :
- Con gái tao được 6 tháng. Khi tao về chắc tóc nó dài rồi. Nếu tao không về, tao chết cái hồn tao sẽ bay về ngọn suối ở bản tao. Tao làm con ma ở bản tao sẽ thấy con gái tao đẹp.
Ngày mai anh đi, tôi chắc sẽ có ngày anh trở về Chính ạ.Nỗi bất hạnh không chê một người nào trên đời này, nhưng có phải ai cũng phải chết, phải buồn phiền vì chết chóc đâu kia chứ. Con người anh là một khung trời một vùng núi trong tâm hồn. Nhưng anh đã có con mắt nhìn theo ngọn suối chảy đi xa. Anh ngạc nhiên khi nghe tiếng còi tàu nhưng anh nạp đạn bắn con thú không chút hồi hộp lo âu. Ngày mai sẽ là ngày cho tôi và anh trèo lên ngọn núi cao hơn để nhìn thấy trời rộng hơn, sẽ là ngày ta đi hết con suối ra sông cả. Bầu trời và ánh sáng- cuộc đời và thử thách đâu chỉ ở chỗ nhớ nhung tiếc nuối hở Chính. Biết vợ anh sẽ dằn vặt mong ngóng từng ngày qua khung cửa. Tiếng đứa trẻ tập nói chỉ quen gọi mẹ mà xa lạ với tiếng gọi cha…….
……
Khuya rồi, nhà bà chủ tôi hôm nay cũng trầm xuống. Không còn những câu chuyện quanh bếp lửa như mọi ngày có tiểu đôi tôi tán thưởng rúc rích. Bếp than còn đó nhưng cả nhà đã đi nằm. 
Tôi đứng giữa sân để mặc sương rơi trên vai trên áo lạnh lùng. Tôi đứng như thế cho tới lúc gà gáy lần thứ nhất , người ướt sương tôi mới vào bếp thổi lửa. Ánh lửa bừng lên tàn lửa li ti nhấp nháy. Lửa nhảy bập bùng trong mắt của người lính sắp đi xa….

1972 

Tuesday, September 20, 2016

Thơ cho mình anh thôi


Ngoảnh lại thu đi một nửa
Heo may hanh má se môi
Cuối trời mây mưa nặng chĩu
Tóc em úa má anh rồi


Mẹ bảo sinh anh mùa nước
Nhuận 2 tháng bẩy mất mùa
Biết thương răn reo vú mẹ
Thì…
mình ơi sinh nhật đã già

Biết bao nhiêu là tháng chín
Chỉ thương thôi chẳng có quà
Gian lao mừng môi mừng má
Bao mùa thu bao mùa qua

Gửi mây về miền trai trẻ
Để mưa với suối Tây Nguyên
Để đêm Sài Gòn lên nước
Triều lên tím cửa nhà em

Bài thơ tháng Chín
Cho mình anh thôi
Sáng nay đưa cháu đến lớp
Cháu ôm ông.
Ông ơi! Mai là sinh nhật ông rồi

Sáng 21/9/2016

Sunday, September 18, 2016

Bản chất


Đứa trẻ vừa lọt lòng nhìn giống ai biết ngay. Vài tháng sau nó bụ bẫm lên rồi vài năm sau nó thay đổi khuôn mặt ( các cụ bảo nó mụ nặn nó thế) . Lớn lên, định hình khuôn mặt trở lại đúng như lúc nó ra đời. Dù nó có sống ở thị thành hay rừng rú khổ sở nét mặt nó sinh ra và tính nó có thay đổi nhưng chất của nó sẽ được giữ nguyên. 
Có người sẽ nói, Bác Hồ dậy rằng: Ngủ thì ai cũng như lương thiện…
…….phần nhiều do giáo dục mà nên.
Nhưng chả ai giáo dục được máu chảy trong con người. Chả ai thay đổi bản năng di truyền trong một vài chục năm, trong một cuộc cách mạng. Bởi vậy cứ nôm na tôi hiểu, cái anh du côn từ trong máu, từ di truyền cha mẹ thì nó cứ du côn dù chả may nó được học hành đỗ đạt đến Tiến Sĩ, chả may nó làm đến TGĐ hay thứ bộ trưởng. Máu nó vẫn du côn.
Tôi kể chuyện tôi thế này.
Hồi đi học cấp 3 ở Yên Bái. Nhà nghèo dớt mồng tơi. Đi chân đất vì đôi dép cao su lúc ấy tốn nửa tạ sắn mới mua được. Hết lớp 8, 9 rồi lớp 10 tôi vẫn xòe năm cánh hoa đến trường. Thầy cô giáo ai cũng gọi tôi là LUÂN CHÂN ĐẤT.
Tôi đi đại học rồi biền biệt mấy mươi năm không gặp lại các thầy cô trường cũ. Tôi đã đi dép rồi đi giầy, lúc nào giầy cũng đánh si bóng kính coong. Gần ba mươi năm sau vào một dịp tết mấy đứa trò Cấp 3A yên Bái đến thăm thầy dậy Địa lí ở Yên Hòa . Lúc ấy tôi đang làm Giám đốc, tôi đã đi giầy mặc com ple. Năm thằng chúng tôi chào thấy. Thầy giáo già vui lắm và bắt tay từng người. Bốn bạn tôi thầy nói tên trúng phóc. Chỉ có tôi thầy bảo, chịu không nhận ra. Các bạn tôi nói, thưa thầy đấy là Nguyễn Trọng Luân. Thầy giật mình và rất nhanh thầy nhìn xuống chân tôi và thốt lên :
Luân chân đất hả? Luân đấy hả. 
Thầy cười nhăn nheo. Chúng tôi cũng cười . Giữa mùa xuân Hà nội tôi lại thấy mình đang sống ở một vùng rừng Yên bái trong những ngày chiến tranh bom đạn bên cạnh những thầy cô giáo rất yêu thương học trò.

19/9/2016


Số Khổ

Lúc còn đi làm ghét tiệc tùng nhậu nhẹt. Nếu phải tiếp khách kệ cho anh em họ lo. Vào nhà hàng thấy bí bách khó chịu. Gọi cà gọi măng ko có. Chán như con Gián.


Nhà hàng sang ở đâu chả biết nhưng ngồi ăn nhìn toàn thấy đít nhau, thấy ngực nhau mỗi khi bạn cúi xuống xịt xoạt. Ngượng bỏ mẹ.
Đi công tác cũng chỉ thích ăn dọc đường. Cứ trứng chiên mà gọi cho nó lành ăn kèm với chuối xanh nấu ốc. No lâu phết.
Nghỉ hưu rồi sáng sáng ra vỉa hè một bát bún chân giò 3 chục chén rượu 3 ngàn gặm chân giò ngắm người qua lại. Thoáng thấy bóng gái đẹp vút qua là đưa chén lên . Một tợp rượu. Tự nhiên không khà mà bật ra tiếng thở dài. Bố khỉ.



Thật chả giống ai. Vợ cằn nhằn rõ ông mang số khổ.
Thì ra là vợ chê mình không biết sướng. Buồn lắm . Buồn biết bao giờ nguôi.


18.9.16

Sốc ngược


Mình chả phải bác sĩ nên cứ nghe nói đến sốc là mình nghĩ ngay nó là tình trạng “ vận động “ từ dưới lên trên từ ngoài vào trong cơ thể. 

Mấy hồi này cư dân ta hay nói sự việc này gây “sốc”, chuyện ở tỉnh kia gây “ Sốc”.
Chuyện ông bí thư tỉnh Đá có đủ luôn hai họ nội ngoại trong dàn lãnh đạo tỉnh họ cũng bảo sốc. Chuyện bố làm trung ủy về hưu thì con vào quan đầu tỉnh con lên thứ trưởng …họ cũng bảo sốc. Nhưng thực ra những chuyện này ngày nay ở nước ta không sốc. Hoặc nếu cho là sốc thì cũng chỉ là sốc NGƯỢC. 
Nếu một hôm nghe bổ nhiệm một cán bộ mới to to ai cũng hỏi ; Nó là con ông nào? Khi biết được “ nó” là con ai rồi thì họ không sốc nữa, mà nói : Ừ thảo nào!

Những nay bỗng có một chú cán bộ nào không có bố có anh có họ hàng làm ông này ông nọ thì dân mình không tin nữa. Chuyện bổ nhiệm một con nhà dân thường lên lãnh đạo tỉnh huyện thì quả là Sốc . Lúc này gọi là sốc xuôi bà con ạ


18/9/2016

Thursday, September 15, 2016

Hồng không hột


Thằng Nhót ở gần nhà con Cún. Nhót hơn Cún những 5 tuổi nhưng bé lũn cũn. Năm thằng Nhót 13 tuổi đi học lớp 6 con Cún học lớp 1, tóc vàng như thổi lửa bị sém. Con Cún theo anh Nhót đi chăn trâu, nó cứ chạy cùn quằn theo sau anh Nhót. Thằng Nhót thì cưỡi trâu nghêu ngao hát điệu Con gà rừng.
Con gà rừng
Con gà rừng

Nó mới đâu trên nương/ nó mới đậu trên nương / kêu te te.
Con Cún gọi, anh ơi anh hát chầm chậm thôi em bắt chước. Nhót và Cún ngồi bẻ cọng lá sắn tết thành con gà chọi nhau. Con Cún thua khóc ti tỉ. Thằng Nhót dỗ dành. Cún đừng khóc để anh chui vào vườn nhà Khán Chí lấy hồng cho Cún. Con Cũn nín lặng, mắt nó long lanh. Anh Nhót ơi hồng nhà ông Khán là hồng không hột đấy. Mẹ em bảo thế.
Nhót bần thần. Ừ phải nhà ấy giàu có lắm. Hồng nhà ấy không có hột.
Con Cún ngước nhìn anh Nhót bảo, mẹ em bảo tiền không có một đồng lại còn đòi ăn hồng không hột là sao hả anh? Thằng Nhót im lặng.
Nhót chui vào vườn nhà ông Khán. Con Cún ngồi co rúm ngoài nương cọ. Nghe chó sủa rinh rom Cún lấy tàu lá cọ khô đắp lên người nằm khóc. Thằng Nhót chạy ra tay nó cầm hai quả hồng chín lựng, nó đưa cho Cún, con Cún hít hà. Ngon ơi là ngon anh Nhót ơi. Nó không có hột thật anh ạ. Ôi ra là hồng dấm anh ạ, không phải hồng ngâm.
Nhót ừ nếu là hồng ngâm mày ăn sao được. Cún ngước lên nhìn anh Nhót. Ôi giời ôi mồm anh toàn là máu kìa. Thằng Nhót nhai lá cỏ rác đắp vào mép. Ù ừ chó nhà ông Khán đuổi tao chui qua rào gai cọ nó cào rách mép. Cún bỏ không ăn hồng, nó đi hái những búp lá cỏ non cho anh Nhót nhai đắp thêm vào chỗ máu còn chảy.
Thằng Nhót đi bộ đội đúng vào cữ đói kém mất mùa năm Mậu Thân. Hôm tòng quân, con Cún cũng cùng cả lớp đánh trống cà rình đưa tiễn các anh đi bộ đội. Anh Nhót vẫy nó. Cún ơi ở nhà học cho giỏi Cún nhé. Anh Nhót cười, cái sẹo ở khóe miệng anh ấy kéo dài thật duyên.
Anh Nhót chết ở tận trong Tây Nguyên. Người ta báo tử anh ở sân kho hợp tác xã. Người ta úp cái thuyền đập lúa phủ vải lên làm mộ giả rồi truy điệu anh. Con Cún đang học cấp 3 đứng ôm cột nhà kho nước mắt cứ chảy theo thân cột.


Bốn mươi năm sau. Cún ở Hà Nội đi xe ô tô nhà về quê. Trời mùa thu, mùi rơm rạ thơm như cỏ mật. Con cháu ríu rít lạ lẫm quê ngoại với những đồi gò ao đầm nhôm nhoam xen kẽ. Bà Cún vào nghĩa trang xã nhà thắp hương. Bà đến mộ bia anh Nhót. Bà ngồi xuống và khóc. Anh ơi bao năm nay em không dám ăn hồng không hột dù em có rất nhiều tiền. Với anh với quê thì em vẫn là người ‘ tiền không có một đồng”
Bà ngồi mãi với anh Nhót. Gió sớm thật trong veo thật nhẹ. Bà nghe thấy tiếng hát …Bài hát ngày xưa
“ con gà rừng, con gà rừng, nó mới đậu trên nương, nó mới đậu trên nương. Kêu te te”

16/09/2016

Ngày này 37 năm trước


Nắng cũng lại vàng như mật
Mùa thu trời trong trời trong
Sáng nay cháu con đi cả
Vợ chồng già ngồi bâng khuâng

Chả là văn nhân thi nhân
Mà sao hay tương tư thế
Gần bốn mươi năm đã qua
Ngày cưới sau rằm tháng 8

Vợ thì công nhân bậc ba
Chồng thì kĩ sư khởi điểm
Cưới nhau vào mùa bưởi chín
Đường lên Quảng Bá sen tàn

Nắng cứ ươm vào má trẻ
Cô dâu mồ hôi long lanh
Hà nội mùa này đẹp thế
Hồ Tây cào hến mùa thu

Mùa thu này rồi thu khác
Áo cơm vắt kiệt mồ hôi
Còn chút tương tư ở lại
Làm mồi nhậu đến cuối đời

Đừng giống văn nhân huyễn hoặc
Kiếp nhau cũng chỉ "thằng người"
Mùa thu thì muôn đời trẻ
Cưới mình ngày đẹp em ơi

HN 37 năm sau ngày 16/8 trăng treo
16/9/2016


Wednesday, September 14, 2016

SÂN GA MÙA THU


Có một mùa thu rất xa
Có một sân ga rất cũ
Ngày ấy chúng mình rất trẻ
Yêu như trái chín đầu mùa

Ga cũ con tàu cũng cũ
Còi khàn rúc nức sương đêm
Có một đêm sương rất nhẹ
Anh đi về phía đạn bom

Sân ga buồn như tiểu thuyết
Áo em ướt cả trăng sao
Những người Sinh viên ra trận
Mang theo thổn thức con tàu

Có một đêm sương rất nhẹ
Mùa thu với tiếng còi tàu
Tàu già mùa thu thì trẻ
Tu tu về đâu về đâu ?

Người đi mang theo nước mắt
Mang theo hương tóc giảng đường
Mang vào chiến chinh hơi thở
Mùi em mùi thương thương thương

Ai về lại sân ga ấy?
Để tìm mùa thu xa xôi
Áo cơm che chùm nhung nhớ
Để dối vờ bao lâu rồi

Có một con tàu rất cũ
Có một mùa thu rất xa
Và nỗi nhớ thì vẫn trẻ
Sương buông mềm cả tuổi già

2016 

Tuesday, September 13, 2016

Viết cho ngày sinh mình 2016. Thơ : Nguyễn Trọng Luân. Ngâm : Trí Trọng Trí

Trung thu hai mươi tuổi


Lúc còn bé, trung thu là niềm ước ao mong chờ đến mất ăn mất ngủ. Nhớ cái nắng từ lúc màu trắng rừng rực chuyển dần sang nắng vàng mầu mật, từ lúc cá chết nắng đến khi đồng làng ngoi lên loe hoe hoa súng và lũ vịt le ( sâm cầm) bay à à về đầm nước làng tôi. Cây bưởi đã lốm đốm những quả sém nâu hứng nắng phía tây và chim ngói lác đác bay trên đồng ấy là lúc trung thu tới. Chúng tôi chân đất chạy vù vù quanh gốc đa đốt những cây nến xâu bằng hạt bưởi phơi khô thơm ngầy ngậy. Chúng tôi xúm xít ở sân đình để anh phụ trách gọi đến tên giơ tay nhận quả chuối và quả hồng. Không có đèn ông sao, chúng tôi đốt đuốc đi quanh đầm nước hô to khẩu hiệu Bác Hồ muôn năm. Quê tôi hẻo lánh, quà trung thu là bố mẹ chúng tôi góp từ vườn nhà, thế mà đứa nào cũng nghĩ đó là Bác Hồ gửi quà lên từ Hà Nội. Trung thu man mác và vời vợi xa như sương đầu mùa.

Chưa kịp nhớ là mình nhớn lúc nào và chưa biết là có bạn gái nào thích mình hay không thì đã vào lính. Hai mươi tuổi tôi vào lính với toàn những thằng cũng hai mươi tuổi như tôi. Nhập ngũ sau mười ngày là trung thu. Chúng tôi súng sính áo tô châu, mũ mềm có sao năm cánh đi khắp đường thôn nơi trú quân vang tiếng trống cà rình. Trăng lên trên lũy tre. Phải nói là cái năm ấy trăng sáng thế. Các cụ bảo sau lụt trăng bao giờ cũng sáng.
Đại đôi tập trung hết ở sân kho hát múa tổ chức tết cho trẻ con nơi đóng quân. Sân khấu cắm bằng những cây tre ngoài bãi cỏ treo những cánh gà bằng võng bộ đội. Múa , hát , độc tấu và ngâm thơ. Tôi nhìn xuống từ trên sân khấu thấy vài chục trẻ con đứa có quần, đứa không có quần rạng tè he ngồi chăm chú nghe bộ đội hát. Quanh sân các ông, các bà các cô phe phẩy cái quạt lá cọ mắt ánh lên niềm vui. Có nhẽ tết trung thu, niềm vui người nhớn còn lớn hơn con trẻ bởi họ hạnh phúc vì chứng kiến cháu con mình đang hạnh phúc. Tôi ngó sang thấy thằng bạn Ngô Thịnh đang thì thầm gi đó với cô Tĩnh A trưởng anh nuôi. Thấy thằng Tiêu năm thứ tư khoa Cơ khí đang bần thần ngắm khuôn mặt cô A trưởng anh nuôi buồn thi thiu. Kịp ngắm cô lính mặc áo sơ mi trắng ngực căng như ngực chim gâu lúng liếng cười bên thằng Thịnh.
Trăng sáng quá , trăng đẹp quá. Đêm trung thu nào cũng có sương. Càng khuya càng thấy sương rơi. Rơi nhè nhẹ và lạnh cũng rất nhẹ. Lần đầu tiên trong đời tôi đứng giữa trời đêm trung thu mà ngắm trăng và hứng sương rơi như thế.
Khuya, cuộc vui tan. Xóm làng lặng lẽ và trăng đã lên trên đầu. Những chú lính thu dọn sân khấu dưới trăng sương. Tôi nhìn thằng bạn Ngô Thịnh trường tôi ,tình tang khiêng cái thang tre nặng 6 kg với cô A trưởng anh nuôi đi trả cho dân. Thằng Tiêu buồn rười rượi, gấp mấy cái ni lông rải nền sân khấu ôm đi về sau lũy tre thiu thiu ngủ.

Vài tháng sau, chúng tôi rời vùng quê trung du này đi chiến đấu. Mấy cái trung thu trong rừng không đứa nào còn nhớ và nhận ra trung thu nữa. Gần nửa số chúng tôi có mặt đêm trung thu ngoài sân kho hát múa vỗ tay ấy không về. Đó là trung thu tuổi hai mươi của tôi. Tôi nhớ đêm trăng ấy sương rơi rất nhẹ và trăng rất mềm. Tôi lại nghĩ chả biết mấy chục thằng còn trở về như tôi có nhớ tới trung thu hơn bốn mươi năm trước ở lính không? Vì ngày mai đã lại trung thu rồi
13/9/2016 

Friday, September 9, 2016

Viết cho ngày sinh mình 2016


Rằng thu lại đến đấy thôi
Rằng mây vẫn trắng bời bời như xưa
Với ngày sinh đừng làm thơ
Nguyên si ta lại dại khờ ta thôi


Thi nhân lưng lửng ở trời
Nhân gian thiện ác ở đời đất sinh
Mùa thu đến gió cũng xanh
Tiếng chim quê cũng vàng hanh hanh vàng

Ta đi cóp nhặt mùa màng
Mầu thu giăng lưới tình tang gió trời
Mùa thu ngày mẹ sinh tôi
Gió reo với nắng ru hời vẫn đau

Tôi về đan nắng vườn cau
Nhặt màu vàng ở giàn trầu mẹ tôi

9/9/2016

Wednesday, September 7, 2016

MÙA MĂNG ĐẮNG


Xuống sân bay bà bác sĩ ngơ ngác. Mới có dăm năm mà nhà sân bay này như lột da, da non đang lên ưng ửng. Chú taxi vừa cười vừa nói vừa vội vã xếp đồ của bà:
- Bác ơi, bác lên xe đi cháu phải chạy ngay không thì bọn áo xanh sân bay nó chặt cho hết cả tháng.

Bà ngồi trên xe nhìn dòng chữ "nhà ga T1" đẹp tưng bừng mà lòng dạ xốn xang. 
- Bác đi mạn ngược hả ? Rõ là sớm mai đầu tháng bác ạ. Qua tháng trâu trắng này may ra có tiền để gom vào đi sửa cái môi sứt cho con gái cháu.
Câu nói của tài xế taxi như chạm nhói vào bản năng nghề nghiệp bà bác sĩ. 
- Chú nói sao, cháu nó hở môi bẩm sinh à?
- Vâng ạ, may phúc cho nhà cháu, chất độc da cam nó truyền từ đời ông sang cháu nội. Cũng còn là may nó đến có cái môi. Giờ con cháu đi học lớp mẫu giáo lớn rồi. Cháu gom tiền để cuối năm phẫu thuật cho nó. … giọng người bố nghẹn lại đúng lối rẽ lên cao tốc. …
- Ôi chết, hôm nay bọn áo vàng nó ra quân Quốc khánh, nó mà vồ thì con cháu hết cả khâu môi năm nay. Bà bác sĩ ngó ra cửa xe thấy dăm xe ô tô nép ven đường và mấy chú công an đang hất hàm chỉ chỏ
Xe vun vút chạy. Sáng mùa thu tinh tươm những là nắng mật và lá xanh. Bà chợt nghĩ bài học ngày xưa về mùa thu có tiếng chim hót. Bà đọc đâu đó có người viết văn bảo bây giờ cây cối xanh lại rồi nhưng chim chóc chưa về. Bà cũng đọc đâu đó có người bảo sự vận động không giới hạn, vận động không ngơi nghỉ cũng như con người càng về già càng muốn mình trẻ và ham muốn càng day dứt, nó bật ra những tiếng thở dài từ con tim mình…Thì ra mọi sự tiến bộ của thế giới, naỳ nó cứ khập khiễng, che chỗ này nó hở chỗ kia. Xã hội là cái nhà te tua những ke hở mà con người cứ che chắn hết thế kỉ này sang thế kỉ khác. Loài người tiến bộ bao nhiêu thì lại càng làm nô lệ cho sự tiến bộ ấy bấy nhiêu. Sự tiến bộ càng lớn thì sự chồng chéo nỗi buồn và niềm vui càng đan xen hiện hữu.

Bà bác sĩ về nhà lúc giữa trưa. Ngôi nhà cũ bây giờ đứa em trai út đang ở với mẹ già. Làng cũ của bà giờ lên thành phố. Bụi tre vườn mít đã đốn bớt để bán đất cho thiên hạ trong công cuộc đô thị hóa. Không còn cổng làng chỉ có cái biển đề Phường Tân Hùng. Mẹ của bà tay lần lần lên tóc con, thì thào… cha bố nhà chị, tóc phi dê bạc cả rồi này. Bà bác sĩ vẫn ngửi thấy mùi quết trầu ở tay mẹ. Bốn mươi năm sống ở thành phố xa, hút nhiều mùi vị bà đã quên nhưng mùi quết trầu thì bà không quên. Và cũng đã bốn mươi năm nơi đô thị phương nam, bà vẫn nhớ một thứ vị măng đắng, thứ măng mà chỉ ở quê bà mới có và người dân quê bà đều nghiện măng đắng. Bà nhớ hôm qua đây thôi bà viết trên phây búc của mình rằng “ chuyến đi về quê này là mẹ và anh” … Mẹ đây rồi, mẹ khỏe mẹ vui lắm. Còn anh?
***
Ngày ấy Bắc – tên bà bác sĩ- học lớp dưới còn Lợi, con ông thủ từ đình làng học lớp trên. Trường cấp 3 sơ tán về làng đóng ở trong rừng vầu măng đắng. Ba năm trời , Bắc lẽo đẽo đi sau Lợi lội qua con suối Thanh Hùng đến trường. Ngày ấy rét hơn bây giờ. Sương muối cũng nhiều hơn bây giờ. Sương muối nứt cổ chân bật máu những ngày hanh khô. Lũ học trò sáng đến trường, chiều lại chăn trâu kiếm củi. Đêm tối học cắm học cúi với đèn dầu tù mù. Nhiều hôm Bắc xách đèn chai ra đình làng học với anh Lợi. Đình không rộng nhưng yên tĩnh và mùi ẩm mốc của đình cứ ngai ngái cả trên tóc tận ngày hôm sau. 
Sau tết mưa phùn liên miên. Anh Lợi và Bắc đều đi chân đất đến trường. Hôm nào qua suối cũng rửa chân, gột bùn trên gấu quần rồi mới vào lớp. Nước suối lạnh tê tê. Cúi nhìn xuống nước thấy rõ anh Lợi đang ngắm mình bỗng dưng bắp chân trần của Bắc nổi gai ốc. Bắc cúi vục nước lên mặt đang lạnh nhìn rõ những hòn cuội và chú săn sắt chạy vụt vào kẽ đá, hắt lại cái đuôi xanh đỏ đỏm dáng. 
Năm sau anh Lợi học lớp 10. Đình làng bỗng dưng bị cháy. Ngôi nhà bé tí của anh vẫn là nơi Bắc hay sang chơi. Mẹ anh ấy mất lâu rồi nên nhà chỉ có hai bố con lạnh lẽo. Bắc thương cả cái hàng rau ngót ở cổng nhà anh ấy. Thương cái chum nước bé tin hin dựa vào gốc vầu. Ông thủ từ đình làng hiền như cổ tích vẫn hay ỏm quả cọ cho lũ bạn học của anh Lợi vào mùa đông.
Qua mùa đông lại sang xuân. Một hôm Bắc bảo Lợi, anh ơi chiều nay đi lấy mắng đắng anh nhé. Lợi ngần ngừ vì đang học ôn để tháng 5 là thi hết cấp. Nhưng nhìn khuôn mặt trắng tươi hơn hớn của Bắc và đôi mắt trong veo như suối của cô bạn khiến Lợi không nỡ từ chối. - Ừ đi nhưng về sớm em nhé, anh còn học phụ đạo buổi tối. 
Cánh rừng vầu miên man chạy dài hết đồi này sang đồi khác. Lợi bảo cứ tìm măng dưới đất tai hồng mà đào, đừng lấy măng tai xanh mà họ cười dân làng mình không biết đào măng. Bắc chạy theo anh chỉ để nhặt những ngọn măng anh đào lên, tai nó xòe như cánh sen đỏ ưng ửng, mùi thơm ngọt mát. Lợi bóc một ngọn măng cắt khúc trắng ngần như khẩu mía bầu, nhai ngâu ngấu. Bắc cũng nhai, nước măng mát rượi ngăm ngăm đắng tê tê đến sống lưng. Mùi đất, mùi hăng hăng của bẹ măng, mùi hoa trạc trìu quấn trên những bụi cây trong rừng vầu. Bắc thấy mùi măng đắng quê mình có mầu vàng xanh xanh. Biết vậy mà không thể nói ra được vì sao mùi vị măng đắng có màu. Bỗng Ối ! Bắc kêu thét lên. Lợi nhao lại, dưới chân Bắc một con rắn lao vút đi. Lợi chỉ kịp nhìn sống lưng nó đen ánh màu lá tre già. Lợi chạy cuống cuồng và anh tìm được bụi cây lồm lồm ngay gần đó. Lợi vơ nắm lá nhai nhai rồi đắp lên vết rắn cắn của Bắc. Lợi cõng Bắc trên vai ra khỏi rừng, lội qua suối phăm phăm chạy về. May mắn chỉ chưa đầy nửa tiếng hai đứa đã về đến nhà. Ông thủ từ đình làng bố của Lợi là người nổi tiếng chữa rắn cắn nhai một thứ hạt gì đó đắp lên và gật gù…may mà thằng Lợi nó tìm đúng lá lồm lồm đấy cháu ạ. Rồi ông khen …thằng này khá, thằng này khá. Mà cũng may con rắn này không phải là hổ mang…

Ba tháng sau Lợi thi tốt nghiệp cấp 3. Hàng ngày đi học Bắc đi một mình vì anh Lợi bận học thi. Mỗi lần qua suối Thanh Hùng Bắc ngồi kì chân soi mình xuống suối thấy ngực mình phập phồng. Bắc đỏ mặt nhớ lại lúc anh ấy vác mình trên vai thở hí hóp chạy từ rừng vầu về nhà. Bắc lẳng lặng. Biết trong mình yêu anh ấy. Bắc nhìn những chiếc lá vầu trôi veo veo trên dòng nước trong vắt quê mình.
Thế rồi vào mùa hè năm Bắc sắp lên lớp 10 thì Lợi lên đường nhập ngũ. Hôm cả làng đứng ở sân đình tiễn con em đi, Bắc khóc thật nhiều. Ông thủ từ lặng lẽ đưa cho con mình mo cơm với ít muối vừng. Bắc gọi, anh Lợi ơi anh đi rồi về với em…
Năm sau bắc vào đại học . Trên chuyến tàu ngược Đông Anh lên Thái Nguyên, Bắc lại nhớ thư anh Lợi viết, anh đi chiến đấu cũng trên chuyến tàu này nhưng theo chiều ngược lại. Miệt mài mấy năm Y khoa trên vùng sơ tán, Bắc phổng phao xinh đẹp. Những chiều ra suối La Hiên lũ sinh viên trường đại học Y khoa, nô đùa tắm suối còn Bắc ngồi nhìn những chiếc lá nứa trôi lờ lững nhớ con suối quê mình có những lá vầu trôi vun vút. Bắc nhớ anh Lợi. 
Đời trớ trêu chả phải con người trớ trêu mà là ông trời trớ trêu đó thôi. Lúc Bắc sắp ra trường thì anh Lợi trở về với thương binh 2/4. Anh vào học đại học Luật. Ngần ấy thời gian anh học là ngần ấy thời gian anh vượt qua bệnh tật. Bắc và anh gặp nhau trong nước mắt và nụ hôn yêu thương. Lợi là người chỉn chu nên anh đã xét nghiệm kĩ càng biết là mình sẽ không thể có con. Lợi buồn lắm nhưng Lợi cũng cho Bắc biết không dấu diêm. Bốn năm về công tác ở bệnh viện tỉnh nhà là bốn năm chờ đợi những tin buồn. Anh Lợi hiền nhưng quyết liệt. Anh yêu Bắc và anh cũng quyết liệt không lấy Bắc. Một ngày kia Bắc lên đường từ biệt quê hương vào Nam, nơi đấy một bệnh viện đón Bắc.
Luật sư Lợi về công tác ở một viện Kiểm sát. Mười năm sau anh lấy vợ. Người vợ cũng là người xét nghiệm vô sinh. Họ sống với nhau gá dựa vào nhau và xin một đứa con nuôi. Năm mươi tám tuổi anh xin về hưu. Đời đã cho anh một khoảng thời gian an nhàn và lấy đi của anh nhiều thứ. Anh đã từng làm công việc tìm lẽ công bằng cho dân thì lại càng thấy sự bất công bằng cho con người rõ nhất. Khi đứa con nuôi lớn khôn thì người vợ gá nghĩa cũng từ biệt bố con anh về nhà mẹ đẻ. Lợi đưa con về quê và anh lại làm thủ từ ngôi đình làng cũ. Ở đấy anh lại trồng thuốc theo cách bố anh dậy và ngôi đình vẫn là nơi đi về của những bạn học bạn lính khi xưa.


Bà Bắc đứng ngoài cổng đình làng mới trùng tu oai nghiêm bề thế. Con suối cũ nay người ta kè thêm bờ bê tông khiến bà không thể lội xuống nhưng đứng trên bờ bà vẫn nhìn thấy những hòn cuội trắng. Bà lại nhìn thấy những chiếc lá trôi lững lờ nó không trôi nhanh vun vút như ngày xưa. Chiều hôm ấy bà đi lối đi vào rừng. May mắn làm sao ở một góc vườn nhà ai có một bụi cây lồm lồm lá xanh vàng như lá trầu không và chùm quả hạt đen như hạt đậu con. Những hạt đen ấy được gắn trên một đài hoa 5 cánh màu hồng nhỏ xíu. Bây giờ đang là mùa thu không phải mùa măng đắng. Ấy vậy mà bà bác sĩ lại ngửi thấy mùi măng đâu đây. Đúng là mùi măng đắng quê bà có màu. Màu vàng xanh xanh.

Hà Nội  2016 

Tuesday, September 6, 2016

Chuyện với con cháu mình ngày khai trường


Có một hôm nào đó cách nay độ một tuần đọc trên báo mạng thấy một nhà trường khốn khổ về clip của một phụ huynh quay cảnh học sinh lớp 4 kê bàn ghế. Thế rồi ông Hiệu trưởng cũng bị vác lên mặt báo, chị phụ huynh cũng đăng đàn kể lể. Tôi chả bênh hay chê ai chỉ nghĩ về mình và tự làm phép so sánh thân thể học trò xưa và thân thể học trò nay.

Ngày ấy, tôi học lớp 4. Trường làng có 8 lớp trên ngọn đồi thật là đẹp. khi tôi vào học thì trường đã có trước đó 4 năm. Cây cối vườn trường thau tháu lên bằng bắp đùi đều do các anh chị lớp trên trồng. Ngọn đồi vi vút gió và đầy những gai xấu hổ với cỏ may. Chúng tôi lại noi gương lớp trên mà trồng những là Xoan, là mỡ là hoa Tường vi. Có bạn mang cả cây quế ở nhà đến trồng. Con dốc lên trường có những cây xoan thật đẹp mà tôi nhớ tên từng cây. Tên cây nào chính là tên anh chị lớp trước trồng lên nó. Thế mới biết các thầy cô giáo xưa kia nghiêm khắc bao nhiêu thì tôn trọng trò bấy nhiêu.

Cây xoan chị Nhung. Cây mỡ anh Phú mèo. Cây hoa Tường Cư… tất cả những cái tên cây ấy đều ở xóm tôi. Tường Cư thì đã chết vì bệnh tật. Chị Nhung thì làm y sĩ trạm xá 35 năm rồi nghỉ hưu nay đã 70 tuổi vẫn làm vườn. Anh Phú mèo thì hi sinh ở tận nam bộ…con anh ấy cũng đã là cán bộ xã bây giờ. Nhiều …nhiều nữa những gốc cây những loài hoa vườn trường mang tên học trò mãi mãi vài chục năm sau lớp con cháu vẫn được nghe nhắc tới.
Năm ấy 1962 tôi và anh họ đều 10 tuổi. Hai anh em đi chăn trâu và ì ạch chặt hai cây sồi cau thẳng tắp mỗi cây dài hơn hai mét, nặng phết. Hai anh em kéo xuống ven đường nhờ xe quệt kéo về làm cột xà đơn cho lớp. Các thầy giáo chôn hộ cột. Bác phó mộc khoét hộ lỗ xà. Bố tôi chọn được cây hóp đực vót nhắn nhụi làm xà. Hai anh anh em tôi mỗi ngày gánh hai gánh cát . Mươi ngày sau là đủ cát cho hố xà. Từ ấy lớp tôi có cây xà đơn. Bạn bè gọi là xà đơn Luân Khánh. 
Nửa thế kỉ trôi qua. Cháu con bây giờ khỏe khoắn hơn cha ông xưa, thấy mà mừng. Sớm ra tối vào bịch sữa ngậm vòi hút chân tay múp míp mắt cận thòi lói những phì phọp tiếng anh, thấy mà vui. Sự dậy dỗ thể chất bây giờ xem ra lẩn thẩn đến kiệt quệ. Chả đứa trẻ nào biết tự gọt quả táo mà ăn. Nhìn con gà luộc và tưởng tượng đàn gà trong sân qua bài hát. Chủ điểm nông thôn, chủ điểm ông bà cha mẹ bây giờ khuất dần trong sách giáo khoa. Thôi thì chả trách các cháu. Bởi người làm sách giáo khoa có bệnh tật thì phải thông cảm. Bệnh của những nhà giáo dục là bệnh học nhiều mà tiêu hóa ít. Học toàn những thứ nói ra cả làng không hiểu. Hình như với họ nói mà thiên hạ càng không hiểu càng hay. Đến nỗi họ viết sách ra đọc mà thấy lạnh cả sống đít vì tính ngô nghê. Nhiều lắm, những đứa trẻ muốn cha mẹ mua quê cho nó để nó được về “NÔNG TRẠI “ như thầy cô nó dậy ở lớp. 
Lại quay về cái chuyện học sinh tự kê bàn ghế ( nên nhớ là bàn ghế học sinh bây giờ hai chỗ ngồi, gỗ công nghiệp thôi. nhẹ tòm) mà đã làm cả cư dân mạng choáng, nhà trường choáng, phụ huynh choáng váng, thế thì sự giáo dục đang ở chỗ lẩn thẩn ban đầu…
Tuần trước, tôi được về dự ngày gặp mặt hội GIÁO CHỨC quê tôi. Bốn mươi thầy cô hệt như bốn mươi người nông dân tóc bạc ngồi lặng nghe các học trò của mình phát biểu. Họ khóc vì thấy mấy anh Tiến sĩ ở Hà nội về thưa thầy thưa cô. Họ cười móm mém khi nghe mấy ông Giám đốc kể về những lần bị thầy cô phạt đứng nghiêm nhìn ra gò cọ cả giờ đồng hồ. Cũng là thầy cô giáo, cũng là học trò , nhưng bây giờ thấy sự học sự dậy nó nghiêm trọng hơn, hơn một cách khủng khiếp. Còn tôi tôi chả thấy nó hơn chỗ nào. Ông này bà nọ, lãnh đạo này lãnh đạo kia, thầy bà này nọ, đến thủ tướng đến TBT cũng là “ Thằng người “ cả thôi. Thằng người ngày xưa hay thằng người bây giờ và mãi mai sau cũng đều quí như nhau và cần được ăn uống bài tiết và dậy dỗ như nhau.

Tôi nói chuyện với con với cháu tôi rằng chả có thứ gì trên đời thiêng liêng bằng nhà mình cháu ạ. Không có cái gì là lí tưởng tuyệt đối, đặc biệt là đừng mơ hồ về chính trị và đừng lí tưởng chính trị .


5/9/2016