Wednesday, November 30, 2016

MƯA MIỀN TRUNG.




Anh biết mưa miền trung buồn lắm
Ngoài ni lạnh buốt bấc về
Trong nớ dầm dề mưa tưới
Hoành sơn nửa ướt nửa khô

Cuối đèo hoa sim còn tím
Bãi cồn nhem nhép chợ trưa
Mờ mịt cửa Tùng cửa Việt
Người xưa người có nhớ mưa?

Nhớ chứ nhớ em chân trắng
Bợt cơn mưa gánh sóng về
Gánh cả mùi tanh biển động
“Anh đi anh nỏ nhớ mô “

Anh biết miền trung mưa buồn
Biết lạnh mịt mùng cửa bể
Biết là thị thành trắng trơn
Biết yêu miền trung đến thế

Miền trung gầy miền trung mưa
Mưa bập bùng mờ rừng xanh núi đỏ
chập chùng mưa ngoài bể
Có nàng gò lưng gió
Ngược triền hoa muống biển tìm nhau

2012 Cửa Tùng.

Sunday, November 27, 2016

HOANG


Bỗng dưng hôm nay lòng hoang dại
Bỗng dưng hôm nay ngày dài hơn
Bỗng dưng mùa đông về sớm
Hoang dại mình hoang dại mùa xa

Cô đơn hoang dại cả nỗi niềm rất xưa
Cả miền quê mẹ cả mồ mả ông cha
Trong hoang dại ta yêu mình đến thế
Dư âm miền hoang làm mới ngày đã qua
Ngày thì chậm đêm nhanh con tàu dĩ vãng
Hoang dại ta vẩn đục thành trong veo
Nỗi nhớ không định hướng
Nỗi nhớ người về miền hoang

Con tàu gió bấc
Ngọn gió nồm nam
Chân lí xoay như kim chỉ điạ bàn
Ngày ta đi đánh trận
Bỗng có tiếng cười người đàn đàn bà cười như sách cổ
Thế giới nằm nghiêng anh ơi !

Hoang dại là nơi bắt đầu
Hoang dại là nơi tìm về khi đã có đủ đầy viên mãn
Còn ta về với ngày em còn thiếu nữ
Mắt con gái ngây thơ
Dậy cho thế giới đủ điều

 28/11/16

GỌI THU

 
(gửi miền ấm nắng)
Thu đã ở cuối trời em nhỉ
Thu mang mắt anh tới phía em rồi
Vạt nắng nơi em hanh bùn lên hoa súng
Ở nơi này thu sót lại sương rơi

Như chiều muộn em vừa ra khỏi ngõ
Gọi dấu yêu thảng thốt tóc ai cười
Đông chạng vạng đâu đây mùi thu cũ
mùa thu ơi mùa thu xa xôi

Cúc họa mi nhỏ như nàng chân đất
Chạy lên đê chạy ở phía heo may
Hớn hở như màu tinh khiết trắng
Chạy vào đông ngủ đợ cõi yêu này

Gọi thu gọi em Ô môi leo lét lửa
Lũ không về mặn chéo vạt bà ba
Có một chiều ở vòng cung châu thổ
Em thấy đàn chim tránh rét ngang qua

27/11/2016

Saturday, November 26, 2016

Đêm sương Meò Vạc


Có một đêm cao nguyên
Em bảo đừng làm nhau hóa đá
Đá không làm ấm ngực anh 
Em sợ con tim bầm máu khi chúng mình ghì núi vào nhau

Rượu tam giác mạch ngấm rất sâu
Bầu núi và suối râm rỉ cháy
Anh nướng đêm thành ngô thơm bỏng rẫy
Chập chờn như sương
Tiếng đêm vần vũ Mã Pì Lèng

Có một đêm ta nối nắng chiều qua đèo về Mèo Vạc
Hoa đào nở sớm ngoài cổng ủy ban
Chuyến xe về xuôi non nỉ hát
Ơi à Khâu Vai này, váy em lúc lắc chân anh
Em bảo Mèo Vạc thơm thế
Sương đêm dâng từ Nho quế đá mềm
Em bảo đừng làm em hóa đá
Muốn làm ấm anh mãi mãi thôi

24/11/2016

Thơ mùa đông


Người ta làm thơ mùa đông nhiều lắm
Rét nhớ nhau là ấm thêm mà
Anh nhớ mùa đông xa lắm
Chăn trâu rét nứt chân gà

Em cũng không có áo ấm
Anh cũng áo tơi quần đùi
Đốt lửa chia nhau đi hối (*)
Trâu thương ăn quanh quẩn mình thôi

Mùa đông chóng đói
Gom lửa nướng sắn ven đồi
rét thế mà môi em đỏ
nhọ nhem mình bếp chiều đông
bài tập ngày mai chưa xong
có hôm em khóc
Anh giải bài xuống đất
Mắt em long lanh
Tay anh tê cóng mà ấm trong lòng.

Mùa đông sắt se như con sáo sang sông
Em ở trời nam nắng ấm
Mùa đông thành kỉ niệm
Mùa đông anh mỗi tuổi nhọc nhằn

Người ta làm thơ mùa đông thơm khăn thầm thì phố vắng
Cà phê sực nức mùi đêm vụn về
Còn mùa đông chúng mình
một trời xưa nghèo tái tê

26/11/2016 2016

Sunday, November 20, 2016

Em và Anh

em nhuộm mùa khô cho nắng
ta đi tìm trong miên man
Cao nguyên uống mắt em vào đất 
còn ta bơi với áo vàng

21/11/2016

Trận địa Đức Cơ

44 năm rồi cỏ vẫn xưa
Mây trời vần vũ máu và hoa
Bạn tôi nằm đó giao thừa đến
Ôi Đức Cơ buồn tận bây giờ


3 rưỡi chiều trên trận địa Đức cơ
16/11/2016
Hình ảnh 

Bên cầu Cây Sung

Gió chạy ngào ngạt trên cánh rừng rất nhiều cây me
Chúng tôi bước những bước chân tuổi sáu bẩy mươi tìm bạn
Sông Ba mùa này nước cạn 
Nắng xanh cầu cũ Sông Bờ

Nhà tưởng niệm lặng im
Giấc ngủ các anh ngay chỗ ngày xưa chặn xe tăng địch
Vết chân trần tứa máu đến biển xanh
Những vạt rừng khóc suốt bây giờ
Nhang thắp dọc rừng dọc suối

Sáng nay tôi đến thắp nhang bên gốc cây cổ thụ đầu cầu cây Sung
tiếng ve nức nở khói nhang.

19/11/2016

Đêm Playku

Đêm Biển Hồ sao trời buông lên rẫy
Con mắt plây cu sóng sánh sương
Ai hứng đầy gió mùa khô hoang dại
Em xa. Xa mấy chục mùa nương

Chàng nhạc sĩ như con ngựa hoang
Em Ê Đê rũ áo lưng trần
Em uốn ngực cong vòi nước
Ai uống một phương ko nia thương thương

Chàng hỡi rồi đi về phía có Bác Hồ
Đừng nói chơi chơi em ngẩn ngơ
Em có nhiều mùa nương rồi đấy
Em thương bộ đội từ ngày xưa

Po lei cu đêm 19.11

Gửi về em ở Charlie


Anh về Hà nội rồi ơi em
Đêm vẫn ngủ mơ miền đầy nắng
Miền em là miền tuổi trẻ
Tai bèo xanh bụi đất đỏ đường

Ôi những cái tên gọi núi gọi làng
Cứ nhâm nhấp nằm nghiêng trong nhung nhớ
Em gái ngực nâu gùi những quả bầu lên vùng đạn lửa
Khiêng thương rưng rức khóc ở lều nương

Hoa quì ơi ! đắng đót lá điều chi ?
Lung lay suốt hàng thể kỉ
Ba zan ngàn năm ba zan đất đỏ
Ta với hoa Quì một chớp mắt ngàn xanh

Em gái ngày xưa lụm bụm lều tranh
Nói thương con suối dưới chân Ngọc Rinh Rua nhiều lắm
Mỗi chiều cháu con làm rẫy
Lại mang về những chiếc bi đông
Lại mang về cúc áo với dép đúc mấy anh
Cúc áo thơm như mật
Ngực người xưa thầm thĩ tận mùa này

Tóc bạc phơ đầu cao nguyên gió lung lay
Bạn anh nằm dưới núi non bàng bạc
Ôi Charlie có một chiều núi khóc
Ở nương về em cõng cả ngày xưa

 21/11/16

Chiều Charlie




Ta đứng gọi lên núi
Chiều buông chiều nay buông
Suối Rờ cơi thong thả
Còn ta sao bồn chồn


Xe không lên được dốc
Chân ta thì đã già
Huyết áp lên vùn vụt
Charlie gần mà xa

Gọi vọng lên điểm cao
Bạn bè nào nghe thấy
Chúng mày giờ nằm đâu?
Trong miên man tê tái

Chiều buông chiều nay buông
Nhìn lên cao điểm cháy
Lũ trẻ lên nương về
Charlie buồn biết mấy
21/11/2016

Friday, November 18, 2016

Mai tôi về với Ajun Pa

Mai tôi về với Ajun Pa
Đêm nay bạn tôi mất ngủ
Bạn nằm ở đó
Hoa quì hơn bốn chục năm nhưng nhức vàng

Sông Ba nước nửa trong
Cạn khô chòng chành ong mật
Sông Bờ triền ngô xanh ngắt
Bâng lâng bến Mộng em về
Ơi người con gái Jarai
Sinh ra sau ngày trận mạc
Chúng tôi lạ hoắc
Bên bờ sông A jun

Ngày mai tôi về với em
Ơi phố cũ ngã ba cây Soài đơm gió
Tiếng súng xưa vụn vỡ
Em ngực cong về phía mặt trời
Dưới đất này có thì thầm tiếng bạn tôi

Đêm Play Ku  18.11.2016

Wednesday, November 9, 2016

Dã Quì


Tướng người quê nhưng ở Hà Nội. Con Tướng chả đứa nào thích cái tên quê mẹ có “Quốc ca” dô tá dô tà hay quê cha hát xoan ê a. Con Tướng sinh ra ở quê nhưng bắt đầu lê la học nói là ở Thủ đô. Chả đứa nào nói dấu ngã thành dấu hỏi như mẹ mà cũng chả đứa nào gọi cụ già là bà bủ như bố. 

Thời gian trôi như chó chạy. Tướng cũng về hưu. Về hưu là hiền như con heo. Họ bảo con hổ bẻ gẫy hết nanh vuốt thì ra con heo bự mà thôi. Sớm ra tối vào tướng ông tướng bà đi bộ nom hiền và yếm thế hơn cả chị đẩy xe rác ven hồ. Tướng đọc báo thằng Tổng này tham ô thằng cán bộ trung ương kia tham nhũng mà tức. Tức cũng đến thế, ngu thì lao vào mà phấn đấu mà đi đầu mà liêm khiết. 
Nhà Tướng vài trăm mét đất mua từ hồi Tướng về Thủ đô làm cán bộ cục. Chiến tranh vừa bịt được đằng này nó lại phịt ra đằng kia. Tướng buồn lắm.
Bao nhiêu mồ mả đồng đội chưa tìm ra thì lại chôn tiếp bao nhiêu lứa lính tuổi con mình lên đó. Rừng xanh núi đỏ hang sâu suối nhỏ đâu đâu cũng có xương cốt lính mình. Cây xanh hoa trắng hoa đỏ hoa vàng, nơi nào cũng là máu chiến binh. Tướng nghĩ thế nên một ngày kia khi trở lại Tây Nguyên, Tướng bứng cả một lùm hoa Dã Quì lên xe quân sự mang về trồng ở vườn nhà. Cả nhà Tướng thích lắm vì lần đầu tiên họ thấy loài hoa này. Hoa to như cái bát con, vàng rỡ ràng vào mùa đông rồi lụi vào mùa xuân. Chỉ một hai năm cả nhà Tướng nhận ra điều chéo ngoe từ cái bụi hoa Dã Quì. Ai đời mùa xuân người ta cần hoa thì nó toàn lá. Mà lá khô giống này nó nhiều thế. Đen sỉn, rụng đầy đất. Lá tươi non thì hôi nhanh nhách cứ như thể đem làm phân vi sinh được. Vợ Tướng con Tướng phàn nàn. Tướng nuốt nước bọt ực cái và long lanh mắt nhìn cả nhà. Cả nhà im bặt. 
Một ngày kia Tướng đi đâu về buồn bực. Trong bữa ăn Tướng bảo, có ngân sách rót xuống là họ đập ngay nghĩa trang cũ cải tạo nâng cấp lên nghĩa trang mới. Đi qua nhìn bia mộ còn nguyên tên liệt sĩ lăn lóc đất bùn mà nghẹn lòng. Vợ con Tướng bảo, ồi dào đập đi xây mới mát mẻ vong hồn hơn còn gì mà kêu ca. Tướng gắt, đập thì đập nhưng phải hóa tan hết bia mộ tên tuổi vôi vữa rồi trộn vào mà làm bê tông rải nền cho nghĩa trang mới thì có tốt không? Ai lại vứt cả bia cả tên tuổi người ta ra bùn đất như phế thải? Làm như thế tội lắm. Phải làm sao để người đời hiểu các anh ấy hóa thân vào đất đai để cây cỏ tốt tươi. Con Tướng cười. Bố ơi, vứt bỏ cái cũ, vứt hết để xây cái mới. Nhiệm kì sau có ngân sách là họ lại đập tiếp và làm mới tiếp. Tướng ngồi im lặng trước bàn ăn giống như một cuộc biểu quyết đầy thức ăn mà Tướng là thiểu số.


Tướng mất rồi. Bụi hoa Dã Quì ở nhà Tướng cũng lụi rất nhanh. May mà vợ Tướng còn kịp nhớ lời người xưa, lúc sống ông ấy thích cái gì thì lúc chết cúng cho ông cái đó. Bà vợ Tướng bảo con cái đánh một nhánh Dã Quì trồng bên mộ ông. Dã Quì lớn vi vu và hoa rỡ ràng vàng thắm. Những ngày 22/12 hàng năm hoa càng rộ lên lung lay gió như vừa muốn nói lại vừa muốn khóc.

10/11/2016

Trong mưa biên ải


Ta với em con đường mù sương
Con đường rất cũ
Chỉ có cơn mưa thì mới 
Sương giăng sương giăng mờ biên cương

Em đi những bậc đá trơn
run run từ lồng ngực
Em từng nắm tay một đêm buông lạ hoắc
Bắp nướng thơm lúc khuya trễ nải
Nơi núi cao sao lại nhớ đến triều cường

Từ qui kêu thảng thốt phía đỉnh đèo
Mèo Vạc thở lên khói
Ta mang chùm phong lan về xuôi với chùm rêu đá núi
Dĩ vãng thở trắng mù quanh dốc
Ta nhớ người chuyến xe đi trong mưa

Mèo vạc cuối thu  9/11/2016 

Đêm Mộc châu


Đêm ở Mộc châu xanh hơn
Đêm ở Mộc châu lạnh hơn
Đêm ở Mộc châu tưởng già mà không già
Sương cũng mơ màng và mưa rất chóng qua

Ta thở vào môi má nhau
Khói cơm nếp bay nghiêng hương đồi
Ngả nghiêng cả rừng hoa mận trắng
Người tôi yêu đã đi về xuôi

Ơi đêm Mộc châu đêm Nông trường
Nông trường tít xa như núi mù sương
Người châu Mộc nói tiếng miền xuôi đấy lớ
Ai hát chèo trên vùng chè nuôi bò Cu ba

Đêm Mộc châu gọi về những ngày xa
Túi nóng rẫy ngô rang sáng mình đi học
Em đi mấy chục năm không về lại
Đêm nhỡ xe ôm túi dết ngồi đợi chợ Bờ
Cái hôn đầu tiên đã chìm dưới lòng hồ

Bài thơ về châu Mộc
Khấp khuỷu những là đá giăng
Trang sách ngày chúng mình thơm bắp nướng
Gái Mộc châu lúng liếng má hoa đào
Trai Mộc châu uống rượu nghiêng núi
Đêm khèn mờ Pha luông

Mộc châu là em
Là anh của mấy mươi năm trước
Mộc châu là thực
Đêm ta về vườn cũ thổn thức hoa
 7/11/16 

Sunday, November 6, 2016

VỀ CHÂU MỘC


Ngày ta trở lại miền châu mộc
Hanh nắng trắng triền hoa cải xanh
Em đã đi mà không trở lại
Để sáng ngày gió cũng buồn tênh

Anh đi tìm mãi ngoài chợ phủ
Chẳng thấy quả còn giống ngày xưa
Có người tung nhớ vương chỉ đỏ
Bâng khuâng mùa xuân đến tận giờ

Treo hoa mận trắng lên chênh vênh
Mùa có em thì lại vắng anh
Bây giờ con gái ngoài châu Mộc
Về xuôi mang áo váy thị thành

Chiều vắng anh về tìm dải yếm
Hoàng hôn lạnh cả thác ngày xưa
Anh thấy gái trai đi nhiều lắm
Và có một người đứng ngẩn ngơ

Châu Mộc 5.11.16

BÊN KIA ĐÈO THUNG


Bà Khánh Sơn đi Mộc Phủ. Bà không nói gì với con cháu mà lẳng lặng đi như những chuyến đi vào miền Nam trước đây. Bà chỉ dặn đứa cháu nội đang học cấp 3 là bà đi hai hôm rồi về.

Bà đi xe khách lên ngược. Đã vài năm nay, bây giờ bà mới đi ô tô. Lúc còn làm Hiệu trưởng một trường Cao Đẳng bà cũng rất hay phải đi xa. Những chuyến đi để trao đổi học tập với các trường bạn trong Nam ngoài Bắc. Duy chỉ có tỉnh S là bà luôn nhường cho cấp phó đi thay mình. Hai tỉnh chỉ cách nhau một con đèo với hơn trăm cây số mà trọn một đời bà không đến nơi. Hơn bốn mươi năm nay, chỉ cần vượt qua con đèo Thung là tới nhà người ấy. Cái tên con đèo cứ cứa âm thầm vào trí nhớ của bà, nó ám ảnh suốt một đời người đàn bà vừa đẹp vừa quyền thế ở một tỉnh miền núi. Vài chục năm nay bà luôn nhớ chợ Bờ. Cái địa danh chìm ỉm dưới lòng hồ rồi mới sinh ra co đường có ngọn đèo này. Người bạn của bà cũng đi biền biệt từ lúc suối Rút còn đông người lên Tây bắc và cái chợ rất cũ rưng rưng trong lịch sử đánh giặc Pháp ngày xưa.
Lên đỉnh đèo, nắng hanh hanh sớm. Khách xuống xe mua đồ rừng. Còn bà thì vẫn ngồi lặng lẽ. Bà giở cái gói túi ni lông buộc kín bằng một sợi len đỏ nay đã cũ sơ. Bà hít cái mùi mớ tóc rất lạ mà lại rất quen khiến lòng bàng hoàng. Mớ tóc người con gái từ rất xa vẫn như có mùi bồ kết. Sáng ấy trên đèo Thung bà bỗng thấy mình là con gái. Bà thì thầm, anh ơi kể từ ngày yêu anh, em luôn nghĩ là em đã là con dâu đất S rồi. Vậy mà sau gần nửa thế kỉ em mới bước chân đến ngõ nhà chồng.
Xe xuống đèo, bà nhìn thấy một đám thanh niên ném Còn bên bìa rừng. Quả Còn bay đi bay về qua một cái vòng không tròn mà là hình trái tim. Tiếng cười của lũ trẻ trong nắng sớm thơm như mùi rừng. Bà thấy hiện lên con suối La Hiên có nhiều bông hoa Dẻ thơm nao nao ngày xưa. Ngày xưa khi học nơi sơ tán, bà và người ấy hay ngồi bên suối hoa Dẻ mơ một đám cưới đón dâu qua chợ Bờ Đà Bắc …
Bà xuống xe ở chợ phủ Mộc. Bà gọi tắc xi đi vào đội Chín. Cái tên rất mơ hồ mấy chục năm nay bà nhớ. Thế mà tài xế Taxi cũng hiểu. Chú lái xe bảo, bác về thăm quê à? Nhà bác trong Nông trường à? Bà cười . Ừ quê chồng cháu ạ.
Miên man núi và những rừng mận. Hoa mận sớm lác đác trắng bên những vườn quýt qua chưa vào vụ chín. Người phủ Mộc giàu lắm. Họ để xe ô tô ven rừng và lên nương làm cỏ tỉa cành cho mận cho cam cho chè. Chỉ có con đường bê tông vẫn bụi mù và ven đường ngập tràn những rau tàu bay rau tòm phóp. Bà nhớ người ấy từng đi hái rau rớn rau tòm phốp vào những chủ nhật và hai người từng chia tay nhau lúc người ấy nhập ngũ cũng bằng một bữa cơm có canh rau tòm phóp với cà muối Phú Bình. Đêm chia tay mớ tóc dài nhất lớp của Khánh Sơn được chia làm hai. Bà Khánh Sơn cắt mớ tóc thổn thức. Người ấy giữ một nửa một nửa bà gói cẩn thận cất dưới đáy hòm gỗ sinh viên. Con tàu một đêm sương rất lạnh mang mớ tóc của bà vào chiến trường.
Hai năm sau , lúc bà sắp tốt nghiệp đại học thì có tin về người ấy hi sinh. Có người viết thư cho bà là biết chính xác người ấy chết ở Đức Cơ. Bà mơ hồ chuyện không lành vì kể từ ngày ra đi chỉ có một lá thư về ở Quảng Bình. Năm sau bà yêu một người lính bị thương từ chiến trường trở về. Ấy vậy mà khi bà sắp sinh đứa con đầu thì có tin người yêu của bà còn sống. Niềm vui nỗi buồn chìm vào bươn trải những ngày mới hòa bình.
Nhiều năm sau bà luôn hi vọng có một ngày người ấy sẽ qua đây để về quê và tìm gặp bà. Nhưng chờ mong ấy không thành. Con đường qua chợ Bờ chìm sâu trong lòng hồ thủy điện sông Đà . Cứ nghĩ đến ước mơ một ngày đám cưới dẫn dâu qua co đò ấy là bà lại rưng rưng muốn khóc. Người ấy về quê bằng con đường qua đèo Thung. Ở thị xã nơi bà nhìn lên đèo Thung xanh mờ như cổ tích.
Bà đi đến đội Chín. Bà cảm thấy mình đang ngửi thấy mùi bụi đất đỏ mà người ấy hay kể cho bà. Bà thấy những con suối con con bây giờ người ta làm cống bê tông vượt qua ở dọc những con suối ấy là rất nhiều rau dại mà bà đã nghe tên, Bà đứng bên một đồi chè có rất nhiều gái trai đưa nhau lên chụp ảnh. Bà nhớ ngày xưa người ấy cũng từng mang dấu diếm mấy cân chè buso về xuôi bán lấy tiền đi học. Bà luôn ngửi thấy trong sách vở của người yêu mình thoảng mùi chè châu Mộc.
Bà Khánh Sơn nói chú tài xế quay trở về. Tài xế Taxi ngạc nhiên hỏi, bác không về nhà ư?
Bà bảo, ông ấy đi rồi. Ông ấy không đợi tôi.
***
Châu Mộc lùi lại sau với nườm nượp người đi du lịch. Bà nghĩ bà không có lỗi với người ấy. Người ấy cũng chẳng hề có lỗi với bà. Kỉ niệm thì cũng cứ chìm sâu vào dĩ vãng và kỉ niệm thì chỉ đẹp với người trân trọng kỉ niệm mà thôi.
Nơi cái chợ và con suối nổi tiếng đến thế và cả cái xe tăng của người anh hùng váng tiếng trong sách vở Cù Chính Lan cũng chìm dưới nước đó thôi. Chiến tranh có lỗi với nhân loại và chiến tranh cũng lại thêu dệt bao nhiêu là mối tình đẹp ở đời.
Trở về lên đèo Thung. Bà Khánh Sơn nhìn về phía con đường ngày xưa người ấy hay đi qua. Một cái Thác nổi tiếng ngàn đời là thác Bờ. Bà thì thầm. Anh ơi dưới mặt hồ thủy điện mênh mông phẳng lặng kia có một con thác. Con thác ấy luôn sống mãi với chúng mình anh nhỉ.

Châu Mộc ngày 6/11/16
Hà nội 7/11/16

Friday, November 4, 2016

Của Người


Dạo ấy, sau ngày thống nhất hòa bình vài tháng, lòng người say sưa lâng lâng đến khiếp. Cả nước là một bãi phế liệu, là một kho vật tư chiến tranh hiện đại nhất thế giới tính đến lúc ấy. Là anh lính trẻ tôi chỉ một nỗi duy nhất là mong ngay bây giờ về với quê hương. Ai là lính lúc ấy cũng thế. Chả ước mơ gì chả có suy tính thiệt hơn nữa, chỉ mơ ngày về với mẹ mà thôi.

Đóng quân trong Đồng Dù Củ Chi, rộng như một khu gang thép Thái Nguyên lúc mới xây dựng. ( 8 km2) chúng tôi khao khát sẽ có ngày rời xa cái căn cứ 15 lớp hàng rào kẽm gai này mà về Bắc. Hàng chiều tối hay chủ nhật chúng tôi mấy thằng lính sinh viên tụ tập ở nhà thằng Phan Duy Lân, sinh viên năm 4 trường tôi bên E48. Ở đó, thường trực có thằng Cận Cơ Điện, thằng Quyền SP Lý người Lạng Sơn. Ngay đầu tháng 5 /75, khi vừa về đóng lại khu gia binh này, thằng Cận quét nhà, nhặt được một cái ốp vòng tay trẻ em bằng vàng. Cả mấy thằng cùng im lặng chả đứa nào nói gì. Lính chiến đấu kị nhất là nhặt vàng. Rồi thằng Lân lấy  giấy cuộn chặt cái miếng vàng ấy, cài sau tấm gương treo trên tường . Chuyện ấy chúng nó quên đi. Tôi sang chơi với chúng nó hôm ấy thì tôi lại nhớ.
Bốn tháng ở lại Củ Chi sau ngày 30/4/75, bao nhiêu là chuyện vui, bao nhiêu là ước mơ, bao nhiêu là mong chờ. Ngày 20/10/75 có quyết định tụi sinh viên chúng tôi được về học đại học. Trời Sài Gòn – Gia Định xanh như mơ. Mây trắng và những cơn mưa chiều Sài Gòn ngọt ngào với trai Bắc đến thế.
Một tuần trước ngày ra Bắc, chúng tôi nhìn người SG và trời mây SG thân thương bịn rịn hẳn lên. Chúng tôi đến đây, đích đến của cả dân tộc mấy chục năm đổ máu rồi ra về không mảy may tìm kiếm cái gì cho thân mình ở nơi bộn bề là của cải vật chất ê hề. Tiền của rừng, của mỗi người lính là 16 đồng ( mới đổi ngày 22/9/1975) cũng phải khó khăn lắm mới xin ra cổng đến chợ thị trấn Củ Chi mua miếng vải đen cho mẹ và một cái áo len cho em trai là vừa hết. Thằng Hoan cho một an bum nhấp nháy, thằng Thuận cho cái đồng hồ Seiko 5 và thằng Minh cho cái túi phòng hóa của Mỹ làm túi sách đi học thế cũng là một gia tài. Riêng tôi, dấu được chục cuốn sách và cây đàn ghi ta mua ở chợ Củ Chi . Tôi nhớ đó là cuốn “ Mười khuôn mặt văn chương” của Tạ Tỵ. Cuốn Thi nhân tiền chiến. Cuốn Truyện ngắn Lâm Ngữ Đường và Tình sử Napoleon.
Sáng hôm lên đường tôi đeo ba lô sang e48. Bọn thằng Lân, thằng Cận ,thằng Quyền đeo ba lô lên vai rồi còn lấy chổi quét nhà. Tôi nhìn vào gương xem mình có đàng hoàng chưa và chợt nhớ miếng vàng hôm nào thằng Lân nhét sau tấm gương. Tôi sờ tay thấy cuộn giấy vẫn nguyên. Tôi sợ, nhưng vẫn cầm lấy miếng vàng ấy và nhét vào cóc ba lô thằng Cận mà im lặng không nói gì. Thằng Cận không hề biết.
Chúng tôi về. Xe chạy Củ Chi sang Bình Dương rồi lên Trảng Bom ngủ lại. Thằng Lân, thằng Quyền ở đoàn khác, chỉ tôi và Cận cùng đoàn với nhau. Ngày thứ 2 xe đến Phan Rang ngủ lại ngày nữa và ngày thứ 3 đến Đà nẵng. Lúc ấy là tháng 11/75. Bao giờ cũng vậy, cữ tháng 11 là mưa lũ miền trung. 7 ngày không đi được, bộ đội đông ùn lại hơn cả dân. Tôi ở Hòa Khánh đúng vào những ngày thi đại học lần đầu cho học sinh miền nam. Ăn đói , không có tiền, bộ đôi bán cả những thứ vặt vãnh như ni lông, tăng võng. Chúng tôi quyết không bán thứ gì. Lúc này tôi bảo thằng Cận. Cận ơi tao nhét miếng vàng ở cóc ba lô mày. Nó gầm lên, mày là đồ tồi. Của thiên đấy mày lấy làm gì? Tôi bảo, Tao tưởng chúng mày quên. Quên thế đéo nào được . Chúng tao bỏ lại đấy!
Tôi xấu hổ với nó. Nhưng trót rồi đành bảo thôi đem ra phố bán đi mày ạ. Hai thằng tôi đi qua ngã ba Huế, cứ đi đến một khu chợ có hàng vàng và bán được 41 đồng. Thằng Cận bảo quyết không mua cái gì bằng số tiền này mà sẽ ăn cho kì hết hôm nay. Tìm đến một con phố nhỏ có tên Tôn Thất Thuyết với một nhà hàng kính thưa các loại bánh mà chúng tôi chưa ăn bao giờ, chúng tôi gọi tất cả mỗi thứ một ít … Tôi không hề nhớ là mình đã ăn cái gì và mùi vị nó ra sao, chỉ biết là vài tiếng sau chúng tôi vẫn chưa hết tiền liền mua mấy bao thuốc lá cho hết.
Ba ngày sau chúng tôi lên xe trong một sáng mưa tầm tã. Lên đèo Hải Vân nhìn biển đục như nồi cơm sôi. Sang bên kia Lăng Cô trời lại sáng nhểnh ra. Có một xe đi trước bị tai nạn chết mất thằng Ánh Y khoa VB.

Chúng tôi về, trong chúng tôi không có tí gì của người ta nữa. Chúng tôi cặm cụi vào học và của cải mang về là kí ức một thời chiến trận mà thôi. Thằng Cận ra trường làm ở Thái Nguyên, vừa làm kĩ sư vừa đào ao thả cá và khai hoang đất rừng. Bây giờ nghe đâu cũng khá lắm, chỉ tội đẻ toàn con gái . Thằng Lân thì sống ở Hà Nội mới mất vài năm nay vì bệnh hiểm nghèo. Thằng Quyền về học Sư Phạm về Lạng Sơn dậy học nay là một doanh nhân khá phết. Thi thoảng gặp nhau cười he he , may mà chúng mình không lấy cái gì của người .
4/11/2016

Từ trái sang
Quyền LS Sinh viên SP Hóa - Cận sv Cơ Điện- Lân SV Cơ điện - một sv CĐ người Quảng Bình .
( ảnh Luân chụp tháng 6.1975 tại Đồng Dù Củ Chi)