Saturday, January 28, 2017

CHUYỆN TẾT Ở CHIẾN TRƯỜNG


( bạn đọc đừng hỏi : sao bao nhiêu tết thời đi làm ngành thép không nhớ mà nhớ tết đâu đâu? 
Xin thưa, những cái tết lo cuồng lên vì lương vì thưởng lo ngân hàng , thuế , công an lại lo biếu sếp. Không biếu sếp khốn nạn lắm< Những cái tết ấy muốn chôn vùi đi nhớ làm mẹ gì cho chóng chết. NHớ những cái tết chiến trường cho đời nó đẹp lại hơn)

++++++++++++++++++
Tôi nhớ đêm ấy 7/2/1975.
Hôm ấy nhằm 27 tết Ất Mão.
Khuya lắm có tiếng súng nổ ngay trong vùng trú quân của đơn vị. Cả đại đội choàng lên. Liên lạc chạy dậm dịch. Đại trưởng Kế người Cẩm Khê huy động mỗi trung đội một tổ 5 người do Trung đội trưởng TRần Đông Chấn người Ninh Bình chỉ huy truy kích .

Mới đến khu vực này được 2 ngày và biết rằng ra đường 14 chỉ còn vài ba cây số. Tết đến nơi rồi và cũng biết đánh nhau đến nơi rồi nên tết vui tết buồn cứ trộn lẫn. Ngày nào cũng như ngày nào ăn cơm canh ruốc khô thả vào nước chua lá bứa. Món mặn là muối giềng . Cứ thế ăn nhiều nên đi kiết. Mấy thằng lính Phú Thọ mới vào khóc, anh ơi em lòi rom. Đào hầm, đào giao thông hào nối trung đội với nhau cứ như tác chiến tại đây luôn. Cầy cáo hươu nai chim chóc nhiều mà không dám bắn. LÍnh ta sốt. Thằng nào sốt cho nằm riêng một cái hầm rộng có y tá chăm nom. Cán bộ sợ vào chiến dịch đến nơi rồi hao hụt quân số. 
Đêm ấy thằng Thuận Đông Lao Hoài Đức sốt cao quá. Nó hô Đứng lại !tao bắn chết mày! Xung phong!. 
Cả đại đội lăn nhào xuống hầm. Rừng im như tờ. Đại trưởng lao xuống chỗ hầm sốt rét. Thằng Thuận ướt đầm mồ hôi. Rên khe khẽ. Soi đèn pin thấy môi nó đỏ lựng như môi hoa hậu bây giờ.
Rừng lại im ắng một lúc. Trời xanh đen. Những khu rừng già Dak lak lấm tấm lân tinh như sao trời. Hai phát súng nổ tiếng nổ lịm ngay vào đêm. Tổ của Trần Đông Chấn đi gần đến sáng thì ì ạch khiêng về con lợn rừng chừng hơn tạ. 
Chấn báo cáo Đại trưởng, không biết thằng nào bắn lợn rừng ngay trong khu quân ta . Chúng tôi truy kích một đoạn rồi mới quay về khiêng nó về đây. 
Đại trưởng càu nhàu, băn khoăn. Chả nhẽ báo cáo lên cấp trên rồi lại phải nộp con lợn lên theo. Ra lệnh , Mổ chia đều các trung đội. Giao cho B trưởng Chấn chỉ huy ngay. Đại trưởng gọi Chấn ra thì thầm. Gói cho Tiểu đoàn bộ chừng một yến cho liên lạc mang lên . Im lặng nhé. 
Cả đời tôi chưa bao giờ được bữa ngon thế. Đến bây giờ tôi chả thấy thịt lợn rừng có mùi vị như vậy. Chúng tôi chỉ kho thịt với giềng. Ăn thịt còn nước cho muối mặn vào rồi rót vào can nhựa mang theo ăn dần.

Chiến dịch Tây nguyên miên man những trận đánh, rồi kéo nhau vào Sài gòn, thằng sống thằng chết thằng ngắc ngoải nằm lại dọc đường thế mà vẫn nhớ bữa thịt lợn rừng cái đêm giáp tết giáp đường 14. Nhớ là vì nín thở sợ mình đã bị lộ, sợ khéo mà ăn bom pháo, nhớ là vì thịt ngon quá, nhớ là vì hôm ấy đã là 27 tết Ất Mão.
Hơn tháng sau, ngày 24/3/75 chúng tôi đánh trận tiêu diệt xe tăng trên đường số 7. TRận ấy đại đội tôi bắn cháy 4 cái M48. Tiểu đoàn bắn cháy 12 cái bắt sống hơn chục cái nhưng hi sinh cũng vài chục người. Tối ấy nằm bên bờ sông Ba thịt một con chó ngồi ăn đêm trong vườn chuối. Chấn bảo với tôi, mày có biết thằng nào bắn lợn rừng ở kiềng mình hôm áp tết không? Tôi bảo, tao đoán là mày. Nó cười , thế mà tao chạy về kịp để chỉ huy chúng mày truy kích thằng nổ súng đấy. Giỏi không? He he.
Tôi về bắc ngay cuối năm ấy. TRần Đông Chấn không được về học lại cao đẳng Giao thông Vĩnh Yên vì đã là sĩ quan. Chả biết bây giờ Chấn còn sống không. Nếu sống cũng gần 70 tuổi rồi.
Tấm ảnh này cách chỗ chúng tôi mổ chó đêm 24/3/75 chỉ 2000 mét

Bạn Lính

Sáng 20 tháng chạp Bính Thân ( 20 tết) . ở chân cầu Mới chúng tôi gặp nhau.
Từ trái sang
- Vũ Công Chiến tác giả cuốn HỒI ỨC LÍNH. nổi tiếng ra mắt dịp 30/4/2016
- Nguyễn Quang Vinh một người làm khoa học đang định cư ở Đức - Tác giả hồi ức về những trận đánh nơi Thành Cổ Quảng Trị 1972
Một sự trùng lặp ý nghĩa với tôi về hai người bạn này
- Vũ Công Chiến là lính E9 trong đội hình F320 suốt chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Người lính trong một mũi cửa mở Đồng Dù mà ít người biết về mũi ác liệt này vào sáng 29/4/75
- NGuyễn Quang Vinh là lính E48 đánh Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.
Ai am hiểu về thành cổ QT năm 1972 thì sự bi hùng tột cùng sẽ ở Trung đoàn này . Trung đoàn 48 F320B chốt trong lòng Thành cổ suốt 81 ngày đêm
Ngồi với nhau chả nói gì về hiện tại với bao bộn bề nhiễu nhương. Chúng tôi nói về đồng đội nói về ngày tháng cả 3 chúng tôi chưa là Kĩ sư, chưa từng viết trang sách nào như bây giờ. Chúng tôi gọi nhau là anh em , tao mày trong một ngày áp tết. Chúng tôi đều ngoài sáu mươi tuổi.
Treo lại bài viết của Vũ Công Chiến về bài thơ cũ của tôi. Chiến viết từ năm 2012
17/1/2017( 21/ chạp Bính Thân)
*****
*****
CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ ĐÊM CUỐI CÙNG MẸ RU CON của NGuyễn Trọng Luân "
Viết để nhớ về ngày 30/4 lịch sử
****
ĐÊM CUỐI CÙNG MẸ RU CON
(Viết tặng mẹ đồng đội tôi liệt sĩ Phí văn Măng)
Biền biệt mấy chục năm mẹ đón con về
Đồng đã gặt rồi , đón con rơm vàng xóm ngõ
Tám mươi tuổi mẹ lại bồng con , vườn nhà nức nở
Nức nở ...à ơi
Đêm nay nhà mình đèn lại sáng choang
Nước mắt tưởng khô mấy chục năm không khô nổi
Thức cùng con đêm nay
Mai con lại đi rồi
Mẹ bồng con à ơi
Hài cốt quấn vuông vải mới
Có tã lót nào đau xé lòng đến thế ?
Me ru con quằn quại tiếng trống kèn
Cái tên Cửa ngõ Sài gòn
Ba mươi ba năm mẹ nằm mơ đêm nào cũng thấy
Ngày một ngày rằm thắp hương bánh Cáy
Ngày thường rau tập tàng cua ốc ...à ơi ..
Mai lại đưa con đi với đồng đội con rồi
Nghĩa trang heo heo gió tím
À ...ơi ..
Ngủ đi con
Đêm nay mẹ ru con lần cuối ..
À ...ơi...
Đêm đang nằm trong bệnh viện
- HN tháng 11/2008

Bài thơ này đã hai lần được in. Lần đầu được in trong Tạp chí VNQĐ tháng 11/2008, ngay sau khi tác giả viết xong bài thơ trong chỉ có một đêm, khi hay tin gia đình đã đưa được hài cốt của liệt sĩ về quê. Lần thứ hai là trong tập thơ "Mây trên trời Quảng Trị", xuất bản tháng 4/2012 với sự cổ vũ và góp công của nhiều thành viên trang mạng VMH.
Giữa hai khoảng thời gian đó, tôi đã được đọc bài thơ này vào tháng 1/2012, khi tác giả Nguyễn Trọng Luân gửi đăng trên trang VMH. Lúc đó tôi chưa biết và thân thiết với anh như bây giờ, dù chúng tôi cùng có thời gian là lính của sư đoàn 320A, chiến đấu trên chiến trường B3 Tây Nguyên những năm chống Mỹ. Những câu thơ như xé lòng của người lính chiến nặng nghĩa tình đồng đội Nguyễn Trọng Luân đã làm tôi không cầm được nước mắt. Dù đã cắn chặt răng mà nước mắt vẫn chảy giàn dụa.
Cuộc chiến tranh nào cũng tàn khốc và đem lại nhiều khổ đau mà gánh nặng nhất luôn đè lên người mẹ. Bởi người lính cầm súng tham chiến và ngã xuống trên chiến trường là con trai của Mẹ. Mang nặng đẻ đau và tần tảo nuôi con khôn lớn, để rồi cuối cùng lại phải tiễn con vào trận tuyến, để canh cánh chờ mong tin con trong nỗi nhớ khôn nguôi.
Năm xưa khi còn khoác áo lính, mỗi khi nghe bài hát "Rồi hai mươi năm sau" của Trầm Tử Thiêng - Tấn An do ca sĩ Hương Lan hát, lòng tôi luôn trĩu nặng nỗi buồn và suy tư. Những tiếng "à ơi…" lặp đi lặp lại trong câu hát của người mẹ hai mươi tuổi ru con trong giấc ngủ ban đầu, mong con lớn khôn, nhưng rồi lại cánh cánh nỗi lo về hai mươi năm sau sao mà day dứt lòng người. Chiến tranh điêu tàn, đứa con bé bỏng hồng hào thiu thiu ngủ trên tay mẹ ru hôm nay sẽ thế nào sau hai mươi năm? Người mẹ ru con, lời ru nặng tình mẫu tử chứa chan tình thương hôm nay, nhưng lại chứa đầy sự âu lo nếu hai mươi năm sau, con cũng hai mươi tuổi như mẹ hôm nay, nhưng lại là người trai phải cầm súng xông trận thì sao? Rời khỏi vòng tay mẹ rồi, liệu con có trở về không? Bởi con thì lúc nào cũng bé bỏng trong mắt người mẹ.
Những năm chiến tranh, khi hoàng hôn buông xuống trên chốt ở Cao nguyên, nhìn làn mây giăng mờ những đỉnh núi xa xa, trong sương chiều lành lạnh, tôi luôn nhớ về mẹ. Nhớ cái lúc mẹ tiễn chân đi, cái nắm tay vừa dùng dằng như níu kéo, còn cái buông tay thì cố dứt khoát để đứa con yên lòng lên đường. Nước mắt chảy vào trong, để mong có thể dành cho ngày gặp mặt. Chặng đường chiến chinh gian khổ, nếu con có khóc một thì mẹ khóc mười vì thương con. Nếu con không về thì sao? Người ra đi thanh thản lắm, nhưng người chờ đợi thì sao có thể ngăn được nỗi buồn? "Nếu con không về, chỉ xin mẹ đừng buồn", lời mong ấy của người đi xa sẽ chẳng bao giờ thực hiện được, vì tấm lòng người mẹ chẳng có thể nào đo được, làm sao có thể không buồn khi mất con?
Chiến tranh đi qua, có bao nhiêu người lính không trở về là có bấy nhiêu bà mẹ phải khóc thầm từng đêm vì mất con. Cuộc chiến tranh ba mươi năm giành độc lập của dân tộc ta quá dài, nên không thể đếm hết được có bao nhiêu người mẹ khổ đau như thế. Chút an ủi cuối cùng của mẹ là đưa được phần xương cốt của con về quê hương để còn tháng ngày hương khói. Năm tháng dần trôi, dù cả vài chục năm trôi qua vì những gian nan trắc trở, mẹ vẫn hy vọng đưa được "đón" con về.
Ba mươi ba năm sau ngày chiến thắng, khi đón được con về thì lưng mẹ đã còng xuống quá nhiều rồi. Chân đã run, mắt đã mờ, nhưng đứa con trong mắt người mẹ vẫn là đứa con bé bỏng.
Mẹ bồng con à ơi
Hài cốt quấn vuông vải mới
Có tã lót nào đau xé lòng đến thế ?
Me ru con quằn quại tiếng trống kèn
Tôi đã khóc chính vì đọc câu thơ đọc đau đến xé lòng này. Có ai bồng ru hài cốt không? Có ai nhìn tấm vải liệm con phủ lá quốc kỳ là tấm tã lót sơ sinh không? Chỉ có thể là Mẹ thôi. Mẹ vẫn nhìn ra hình bóng đứa con trong gói hài cốt vô tình. Không phải là hình hài của đứa con hai mươi tuổi ngày ra trận, mà chỉ là đứa con bé bỏng mẹ ru trong giấc ngủ ban đầu. Chỉ còn một đêm thôi, đêm cuối cùng và mãi mãi không bao giờ mẹ còn được ôm con trong lòng nữa, dù chỉ là gói hài cốt.
Hình ảnh người mẹ ôm "con" vừa ru vừa khóc trong ánh đèn leo lét, bập bùng sao mà đau xót thế. Mẹ đang ru con lần cuối, trút hết tình thương con lần cuối để con ra đi, hiểu tấm lòng mẹ và đừng trách mẹ. Đau lòng lắm, nhưng chiến tranh mà, có ai quyết định được số phận mình đâu?
Càng đọc, càng ngẫm câu thơ và càng không cầm được nước mắt. Tiếng "à…ơi…" của điệu ru như một điệp khúc trong bài thơ sao quá não lòng. Tôi biết bài thơ này đã lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu người khi đọc nó. Và cả Nguyễn Trong Luân nữa, bài thơ này anh viết trong một đêm, nhưng không thể viết liền một mạch, vì anh sẽ phải vừa viết ra, vừa khóc.
Cảm ơn nhà thơ đã nói hộ tấm lòng bao bà mẹ liệt sĩ, thêm một lần nữa tô vào bức tranh của "Tình mẹ thương con"./.
ChienC6

13/05/2012 - 16:25

Tết




Cố cũng chả nặn ra yêu với thương
Có hoa có nhớ mây và gió
Nào tính tình tang nước mắt buông 
Rồi tiếc rồi buồn, buồn lang bang

Sao người làm thơ yêu nhiều thế
Yêu đêm yêu sáng yêu thê lương
Một con chim chiều bay về tổ
Thơ lửng lơ để yêu lương vương

Mà mình thì rũ mãi không ra
Mùa khô thì rắm rối tiếng ve
Rồi mưa sốt rét âm u muỗi
Vần vũ máu người, giời với ta

Ngàn đời vẫn còn đây mùa tết
Mùa biếu mùa lo mùa nói cười
Bao nhiêu lễ giáo đi dần hết
Chỉ còn giời với hoa lá thôi

Vẩn vơ ngày sắp tết
18/1/2017

Tết Xưa tết Nay


Lúc bé đi học, lứa chúng tôi đều được dạy Mồng một tết Cha mồng hai tết mẹ mồng ba tết Thầy 
Lễ tết cứ tuần tự, bên nội bên ngoại, rồi thầy giáo, rồi đến những người thân thứ tự cứ thế mà làm không làm được thì cứ thế mà nhớ. Tôi có cô giáo tên là Hà thị Trịnh dậy cấp 3 thị xã Yên bái từ năm 1960. Cô là người cùng làng và cũng là người thầy đỡ đầu để xin cho anh em tôi vào học muộn ở trường cấp 3A thị xã Yên bái. Bố tôi bảo, không có cô giáo Trịnh con chả xin được về học ở cấp 3A YB. Đi học trường cũ qua sông qua đò con sẽ vất vả mà bố mẹ cũng vất vả hơn.

Tết năm 1966 sang 1967. Mồng ba tết anh em tôi đến lễ tết cô. Nhà cô gần đường sắt nên thường sơ tán máy bay. Tết ngừng bắn vài ngày cô lại về nhà cũ. Hai anh em tôi có một cầu bánh gai ( 5 chiếc) lúm thúm gói bằng lá chuối tươi hơ lửa mang biếu cô. Cô cười hiền. Hỏi, nhà Khánh( anh họ tôi) gói hay nhà Luân gói bánh gai thế? Anh Khánh tôi bảo nhà Luân. Tôi bảo nhà anh Khánh. Cô cười tươi hơn. Cô lấy bao thuốc lá Tam Đảo đưa cho tôi bảo, em mang về, cô biếu bố em, cô biết bố em nghiện thuốc. Rồi cô lấy riêng cho anh Khánh một miếng chè lam. Khen Khánh học kì một học giỏi nhất lớp.
Khỏi phaỉ kể 3 năm chúng tôi học và 3 cái tết anh em tôi đều đặn đến lễ tết đúng ngày mồng 3. Bố tôi cấm, việc đến tết Thày không thể đến trước tết cho xong việc.Càng không phải là việc bố mẹ. Mỗi cái tết thấy cô già thêm. Mỗi cái tết cô càng coi chúng tôi là người lớn thêm.
Anh tôi đi học Tiệp Khắc còn tôi đi học ĐH Cơ Điện. Những năm 69. 70, 71 trước khi tôi đi bộ đội chỉ mình tôi đến thăm cô. Cô vui vui lại buồn buồn. Cô bảo tôi là người lớn rồi nhỉ. Cố mà học em ạ, bố bầm nhà em khổ lắm đấy.
Tôi đi bộ đội về cuối năm 75, anh tôi cũng ở nước ngoài về làm ở Viện Khoa học VN. Cô lấy chồng ở xa quê. Tết nào chúng tôi cũng đến nhà cô chỉ có cụ già ngoài 80 tuổi mẹ cô lom khom nhận cầu bánh gai đồng bánh chưng anh em chúng tôi biếu đặt lên bàn thờ.

Cách nay vài năm anh em tôi về thị xã Yên bái thăm cô. Tóc cô bạc phơ người cô dúm dó. Chồng cô mất vì bạo bệnh. Các con cũng đứa gần đứa xa chả có ai làm ăn buôn bán ra tiền. Cô bảo anh em tôi, các em giúp được cha mẹ đỡ đần các em nên người cô vui lắm. Rồi cô tươi hẳn lên nói chuyện hai đứa học trò học giỏi nhất làng cô yêu mến từ xa xưa.
Cô đã hơn bẩy mươi còn anh em tôi cũng 60 mươi. Tết đến gần mà những cái tết xưa lại xa nhanh thế. Bây giờ người ta hay dặn dò nhau. Cái câu cũng từ xưa, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Bố mẹ học trò yêu bằng phong bì còn học trò đâu có biết câu chúc câu thăm hỏi thầy cô nữa đâu. Thế gian càng hiện đại thì giá trị cốt lõi con người càng dần dần tuột ra khỏi lệ ước nhân quần. Tôi cứ buồn buồn, con người là thứ động vật ngu xuẩn nhất càng tiến bộ bao nhiêu thì nó lại càng lệ thuộc chính vào những cái điều nó nghĩ ra về khoa học và bỏ mất những gì thân ái máu xương trên dưới thâm tình tự nghìn năm cũ

Ngày cúng ông Công ông Táo lên giời
19/1/2017
Cô giáo Hà Trịnh của tôi ngồi ôm hoa trong ngày gặp mặt học trò đều là người làng

Xuân Đỉnh ngày giáp Tết

Chiều nay loe nắng ở cuối chiều
Áo ấm em phanh chút lơi reo
Sắp tết người lên ngang cổng phủ
Sen tàn lau bạc mõ chùa rêu

Đường về Xuân Đỉnh đông như hội
Đào quất chen nhau nghẹt vỉa hè
Ơ chỗ mình ngồi ngày xưa nhỉ
Phừng phừng choe choét những hàng bia

Em bảo đến đầu làng ngồi nghỉ
Đầu làng thành phố với chung cư
Chiều nay sắp tết mà loe nắng
Có vợ chồng già đi ngẩn ngơ

23/1/2017

Em mang xuân về nhé




Em mang xuân về nhé 
Biển dù ở rất xa
Nắng ở đấy rất ấm
Cát vàng ươm quanh nhà

Em mang xuân về nhé
Trái cam ngọt núi cao
Trái dừa thơm cả sóng
Má người như hoa đào

Hà nội ngột ngạt lắm
Chỉ đến ngày mai thôi
Phố vắng mùi lam lũ
Đường vắng màu cần lao

Em mang xuân về nhé
Tuổi nào thì cũng yêu
24/1/2017

Gửi ông thông gia




Ông gửi cho con cá trắm
Chiều nay 27 tết rồi
Con ông thì đang vất lắm
Đứa khóc đứa đòi đi chơi

Bố chồng rung chân rót rượu
Nghĩ thương ông bà dưới nhà
Giá mà ta gần nhau nhỉ
Chiều nay gắp rót ha ha

Ông cho nhà tôi con gái
Tết về cho cả Trắm đen
Thương ông ruộng nhà chưa cấy
Bốn mùa bùn bết lấm lem

Con dâu hiền như hạt lúa
Đồng chiêm ruộng chũng một đời
Nay về nhà tôi bỡ ngỡ
Tôi gọi là con gái thôi

Ông lính tôi cũng là lính
Con ông cũng là con tôi
Chén rượu cuối năm ngon thế
Nhớ vợ chồng ông thông gia ơi

Chiều 24/1/2017

Về Quê ngày giáp tết


Phố phường vẫn ngủ say lắm
Con dậy sắm sửa túi tăng
Đường về quê sao mà thăm thẳm
Mẹ cha nằm trong thinh không

Tết xưa còn cha còn mẹ
Tàu đông náo nức bồn chồn
Gói ghém túi tiêu chuẩn tết
Nhà mình vui như không thể vui hơn

Mẹ nâng niu miếng bóng bì
Khen người dưới xuôi tài thế
Bao thuốc Tam đảo thơm lạ
Bố cười, để đánh tổ tôm

Xúm xít cả đêm luộc bánh
Chuyện xưa kể mãi không tàn
Bếp quê ngồi nghiêng nỗi nhớ
Những ngày đi học đói ăn

Run run nắm bàn tay mẹ
Ngoài kia vườn tược giao mùa
Khói hương gầy trong nhà nhỏ
Mứt gừng thơm đến bây giờ

Con lại về quê sáng nay
Cuối đường không còn cha mẹ
Trời sương lạnh quá
Khóe mắt rưng rưng

5 giờ sáng 25/1/17

HOA TẾT




Lúc bé ở nhà quê, chả biết hoa tết là gì. 
Tôi nhớ nhà có ba bông hoa giấy lá xanh hoa đỏ. Bây giờ nhớ lại không biết nó thuộc loại hoa gì chỉ nhớ lá nó người ta ngâm lá cây thật cho nát biểu bì còn lại xương lá như mạng nhện rồi nhuộm màu. Còn hoa là giấy nhuộm đỏ. Hết ba ngày tết bố tôi lại cuốn vào giấy báo cất đi để đến tết sang năm.
Lớn tí nữa ra vườn cắt cành mận cành mơ cài vào bức vách. Đêm giao thừa gió lùa cành hoa run run rét.

Lấy vợ Hà nội, cái tết đầu tiên thấy mẹ vợ ra chợ Bưởi mua Vi ô lét và Thược dược. Cụ cắm đến là khéo. Khen cụ, U cắm hoa dẹp thế. Cụ cười, gái Thụy Khuê không biết trồng hoa cắm hoa có mà ế chồng. Lọ hoa nhẹ nhàng thanh tao ngày tết in váo tôi từ ấy. Nhà vợ tôi không bao giờ chơi cả cây đào. Kể cả họ hàng trồng hoa trên Xuân Đỉnh Nhật Tân ối đào mang cho các cụ. Chỉ một cành đào nhỏ nhiều nụ cắm trên bàn thờ và giữa nhà là lọ hoa Vi ô lét đan vài bông Thược Dược. Ngồi ăn cơm tết thi thoảng cánh hoa tím bay rơi nhẹ xuống mâm cỗ như hương xuân rắc vào mình. 
Có một năm tôi mang về cây hoa hồng trà. Bố vợ gật gù đẹp đấy. Rồi cụ đặt lên bệ cửa sổ và hỏi. Anh biết gì về hoa này? Tôi chịu. Con thấy nhớ một năm ở chiến trường tết ấy con thấy cây chè rừng có vài bông hoa đỏ hệt như hoa này bẻ xuống cắm vào vách hầm. Cụ hỏi ở đâu mà có chè rừng. Ở Ban Mê Thuột bố ạ. Cụ ngồi trầm ngâm. Còn tôi thì nao nao nhớ cái tết 1975 ở vùng Buôn Hồ Dak lak năm ấy chúng tôi chuẩn bị đánh chiến dịch Tây Nguyên.

Bố mẹ đi đã gần chục năm. Tết năm nào vợ chồng tôi cũng đơn giản lọ Vi ô lét tím và những bông Thược dược đỏ tươi. Vợ tôi hoan hỉ lắm. Còn tôi lại bâng khuâng nhớ những cái tết xưa lăng lắc từ bao giờ.
26/1/2017

Viết ở quán bia chiều cuối năm




Ngoài kia phố rợp hoa đào
Gò đống người người tản bộ
Đất nước nhớ ông Nguyễn Huệ
Thằng giặc láo lắm ông ơi

Chiều nay áo ông gió nổi
Đăm chiêu nhìn ra phía đông
Chắc là người đang suy nghĩ
Trường sa có hoa đào không?

Đông quan thành như phế tích
Chỉ ông đứng đó lạnh lùng
Hồn vía kẻ thù phương bắc
Vật vờ phố Đặng Tiến Đông

Mai là ba mươi tết rồi ông
Nhớ ông hạ trại
Quân lính ăn tết đồng lòng
Dấu bếp của ông Bỉm sơn vẫn đó

Ông đứng ngoài sương gió
bia hơi thịt chó dửng dưng
Ước gì thấy ông
Lại về

chiều 29 tết.
26/1/2017

ĐÊM GIAO THỪA TRÊN TRƯỜNG SƠN.




Rồi sẽ nhớ mãi đêm nay
Hơi ấm dịu nồng từ cây nấm sáng
Rừng ngả xuống bóng đêm lai láng
Đêm giao thừa Trường Sơn

Đêm lặng lẽ
Nghe như vách núi vọng về
Tiếng Bác Hồ.
Đêm Trường Sơn bỗng xôn xao

Trời bổng lên cao
Bãi khách treo nghiêng rừng võng
Hương xuân về buông trên tóc
Chúng tôi lính tuổi hai mươi

Nhà tết Trường Sơn một khoảnh rừng thôi
Câu đối là những thân cây khắc tên chiến sĩ
Những tên người quê hương địa chỉ
Thành rừng câu đối mùa xuân

Cả núi rừng lắng nghe cô giao liên
Tiếng hát dài như suối
Đêm Trường sơn bổi hổi
Mai theo chiến sĩ hành quân

Tôi hái cây nấm sáng
Đặt bên đầu võng, nhớ mẹ tôi

Đêm 30 tết trạm 6 Trường Sơn
( Bài in tron tập thơ Trăng Tháng Chạp - NXB HNV 2009)

Giao thừa em ở đâu


Tôi ra ngõ giao thừa buông chậm lắm
Níu làm sao những gót bước của đời
Bè bạn cũng nhuốm bao màu xuân cũ
Giao thừa nào cũng vuốt tóc rơi


Chợt nghe thấy tiếng cười rất mỏng
Đường vành đai bỗng sáng những chân thon
Xuân vun vút cuối ánh đèn cuối phố
Ta thấy ta cũng thức giấc tâm hồn

Em ở đâu lúc trời sang mùa mới
Giấc đừng già em nhé để yêu nhau
Xuân có mùa thôi còn yêu thì không tuổi
Có giọt sương rơi ướt má nhớ nhiều

Sau Giao thừa một giờ.
28/1/2017 ( Mùng 1 Tết Đinh Dậu )

Friday, January 13, 2017

Kí ức tháng1


( với các bạn ĐInh Ngọc, Hoan khuất, le Nguyên. Bùi Tom , Luong Xuan Canh. Vũ ĐìnhKhang. )

14/1 năm ấy cũng rét và mưa bụi. Chúng tôi ngồi túm tụm trên đồi sim gần ga Lương Sơn. Có cây ghi ta của Bùi Thái Hà khoa điện phập phừng. Phía thị xã Thái Nguyên tối om om . Nhà ga chỉ mấy ngọn đèn bão đỏ quành quạch. Cả một tiểu đoàn ngồi trên đồi chờ tàu để lên đường đi vào Nam. Không có quân cảnh , không có hàng rào biệt lập, đồi thì mênh mông mà đêm và sương lạnh cũng mênh mông . Chúng tôi hát, bài hát "Xuân chiến trường" của Nga, rồi hát "Cây Thùy Dương", "người cùng trung đoàn"… chúng tôi sít soa vì rét. Bên C4 bọn đại học Y khoa có rất nhiều bạn gái chia tay, bên C1 bọn đại học Sư phạm cũng nhiều bạn gái đang tức tưởi. Còn bên tôi mấy anh Cơ Điện Luyện kim thì chỉ đàn ông với nhau. Tôi nghe có cả tiếng cười tiếng khóc của con gái ở góc rừng C4. Tôi sờ trong túi. Lá thư bố tôi viết cho tôi mới nhận hôm qua . Bố tôi viết 8 trang giấy poluya, tám trang giấy là nước mắt và hi vọng của bố mẹ tôi. Tôi nhìn qua hướng Tam Đảo, phía ấy là quê mình. Phía ấy đêm tối mịt mùng .
Khuya, chúng tôi lên tàu.
. Con tàu già nua cũ kĩ chở đầy ắp tuổi xuân. Gần 600 người lính Sinh Viên trật tự như xếp hàng vào lớp. Nhẹ nhàng cẩn thận. Trời sáng suông, những tiếng gọi tên nhau bị dồn nén bật lên thành nức nở. Bạn gái khóc. Người đưa tiễn khóc. Nơi con tàu đưa chúng tôi đến là nơi hi sinh là chết chóc. Giờ phút chia lìa cũng là đây. Cái đèn nửa vàng nửa đỏ của nhà ga lúc lắc. Có tiếng còi tàu khàn khàn rúc lên. Tiếng còi tàu mãi mãi là tiếng chia xa .

Bốn mươi năm sau. Cái ga tàu cũ kĩ ấy vẫn thế, không cũ hơn được nữa . Một mùa hè tôi trở lại ga Lương Sơn gặp một cái đầu máy hơi nước tàn phế ở một khúc đường nhánh rẽ vào trạm sửa chữa. Tôi vụt sáng lên nỗi nhớ con tàu đưa chúng tôi đi chiến đấu ngày xưa và nhớ những người bạn ở ga sép này vào một đêm sương lạnh mấy chục năm trước
2012

Những cái tết chiến trường


Bốn ngày hành quân trong mưa. Người và ba lô ẩm ướt nặng như chì, mặt mũi và rừng cũng thum thủm màu khói. Hôm ấy là 29 tết.
 Đoàn quân rẽ vào một con đường nhỏ chìm dưới rừng cây toe toét đất đỏ và hố bom. Chúng tôi mệt bã bượi vì dép cao su bết đất đỏ. Có tiếng hú. Đồng chí ơi! Em ơi! Hú hú. Ở dưới vòm rừng heo héo cây đổ ngổn ngang có một cô gái thẫn thờ cầm mũ tai bèo vẫy vẫy. Người lính gái vừa cười vừa khóc nhìn chúng tôi hành quân. Chúng tôi đi những bước chân cuối ngày nặng nề. Đêm ấy trú quân ở một khu rừng rất nhiều áo quần của bộ đội treo lủng lẳng trên cây rừng, những căn nhà cháy nhom nhem như một xóm làng vừa qua cơn hủy diệt.
Tối ấy chúng tôi không nấu cơm mà chỉ ăn lương khô và nước suối. Đêm, nghe cán bộ phổ biến nơi chúng tôi ở là một khu kho hậu cần vừa bị B52 hủy diệt cách đây 5 ngày. Một tiểu đội nữ coi kho hi sinh 5 còn sống 2 vẫn đang trong cơn xúc động bấn loạn. Giấc ngủ dù mệt là thế mà cứ thao thức, thao thức nhớ khuôn mặt thất thần của cô gái ven rừng lại nhớ về những ngày này ở quê mẹ đã cọ lá dong chưa? Các em đứa nào năm nay có áo mới?
Mờ sáng 30 tết chúng tôi đun nước sôi rồi hành quân. Khi chúng tôi ra khỏi cánh rừng này cũng là lúc đủ sáng để nhìn những bộ quần áo rách tươm cháy nhom nhem vắt tứ tung trên cây rừng. Ở chỗ rẽ lên núi theo đường tuyến lại gặp cô gái hôm qua. Cô gái ôm con khỉ con nhìn chúng tôi đi vào. Lạ quá không có nét vui hay buồn ở khuôn mặt thanh xuân kia. Da tái, tóc rụng nhôm nhoam. Người lính gái ấy khẽ giơ tay vẫy vẫy. Rừng Trường Sơn ngày 30 tết hây hấy nửa ấm nửa lạnh. Những người bạn tôi gọi to:
- Anh đi nhé! Chào em! Chào đồng chí em nhé!
Cô gái cười như vô hồn rồi bất ngờ ôm mặt khóc và gọi to:
- Tết rồi các anh ơi ! Các anh đi…. nhé!
Chúng tôi leo lên dốc, có niềm thương của người con gái lan theo khiến bước chân nhanh hơn. Chúng tôi leo mãi cho tới cuối ngày trời bỗng hửng ra. Cán bộ bảo chúng ta đã lên đến độ cao nhất ngày mai sẽ tụt sang địa phận nước bạn Lào. Đêm ấy trên Trường Sơn chúng tôi được binh trạm phát cho một cái bánh chưng, 4 điếu thuốc và 2 cái kẹo Nuga. Đêm ấy chúng tôi mắc võng sít vào nhau. Chúng tôi hát trong đêm rất tối trên đỉnh Trường Sơn. Tôi nhớ tiểu đoàn sinh viên của tôi rất hay hát bài “Bài ca thanh niên sôi nổi”, bài “Chiều Hải cảng”, có bạn hát bài “Những ánh sao đêm”. Ở một lùm những gốc cây to nghe một anh chàng nào khóc gọi mẹ ơi.

Năm sau. Những người bạn từng cùng hát với tôi đêm 30 tết năm trước trên Trường Sơn không còn đủ nữa. Nhiều người đã hi sinh trong những trận đánh trước đó. Tết này chúng tôi không còn đủ thời gian mà nghĩ về điều gì khác ngoài việc đuổi địch, ngoài việc quyết đánh đến giờ phút lịch sử cắm cờ giữ đất. Liên miên một tháng nay là những trận đánh. Sư đoàn tôi quên cả ăn cả ngủ quyết đẩy lùi kẻ thù càng ra xa càng tốt. Cấp trên bảo, phải quyết giành từng tấc đất của Tổ quốc về phía mình. Phải quyết tâm làm nên một mùa xuân chiến thắng. Máu tưới đến đâu đất của ta đến đó. Chúng tôi nghe mà xốn xang mà bàng hoàng. Chúng tôi biết giờ phút giao thừa là giờ phút sẵn sàng đổ máu. Đêm cuối năm tối như mực bám vào nhau mà hành quân chiếm lĩnh. Mùi rừng mùi mồ hôi mùi máu khô của những người bị thương nhẹ vẫn bám theo đơn vị. Có tiếng một người nào đó thì thầm ở nhà chắc đã xong cỗ chiều ba mươi rồi. Không biết năm nay hợp tác xã chia cho nhà tao mấy cân thịt. Tôi như bừng tỉnh và trong tôi hiện lên mẹ đang quấy nồi bánh tẻ và các em tôi háo hức hơ tay quanh bếp ngồi chờ. Pháo địch bất ngờ rót vào đội hình, đêm tan ra và lại có thương vong.
Sang canh năm ấy ở trên cao nguyên đường 19 Gia Lai đầy hoa dã quì. Anh nuôi mang cơm nắm lên mang quà tết từ hậu phương gửi vào lên trận địa. Người lính già làm anh nuôi là một thầy giáo cấp 3 ở Phú Thọ khóc hu hu khi thấy khẩu phần tết thừa nhiều quá. Anh ấy gục mặt bên bờ đất chiến hào nói trong nước mắt, giờ này cha mẹ chúng mình đang quây quần bên mâm cơm ngày tết đấy chúng mày ơi! Các em ơi dậy mà nhận quà tết này các em ơi. Bỗng thầy giáo anh nuôi ấy nói với đại đội trưởng. Đồng chí cho tôi ở lại đội hình chiến đấu. Đại đội trưởng nói khẽ giọng nghẹn nghẹn. Vâng thầy ở lại với chúng tôi, quân số còn ít quá…
Trong đêm, tôi ngửi thấy mùi tanh hắc ngai ngái của hoa dã quì, loài hoa lính yêu thích và rừng hoa cũng đang khóc.
Năm sau, năm sau nữa. Cứ mỗi tết bạn bè tôi lại vắng đi một ít. Chúng tôi bí mật hành quân từ Gia Lai về hướng Ban Mê Thuột. Chúng tôi được biết mùa xuân này sẽ đánh điểm A, sẽ tiến đến những trận đánh cuối cùng và tự hiểu rằng tết năm sau có thể sẽ được về với mẹ. Chúng tôi bí mật áp sát đường 14. Lệnh trên không được đốt lửa không phát ra tiếng nổ không được hò hát. Năm nay quà tết có vẻ rủng rỉnh hơn. Mỗi trung đội có một gói thuốc lào Độc Lập. Mỗi người 10 điếu thuốc lá Tam Thanh, mười cái kẹo. Gói thuốc lào do trung đội trưởng giữ. Đêm ba mươi tất cả trung đội ngồi dưới chiến hào, chiếc điếu cày truyền tay từng người một, quay hết một vòng đê mê hương vị miền Bắc trong tiết se lạnh giao thừa. Phía đối phương có tiếng súng nổ đón giao thừa trước một tiếng khiến chúng tôi thêm bồn chồn nao nức. Trời cao nguyên năm ấy đến là nhiều sao. Chưa bao giờ trong những cái tết ở chiến trường tôi thấy rõ màu trời đêm ba mươi như năm ấy. Nó xanh đen lóng lánh sao trời và không hề có gió. Linh thiêng. Chúng tôi bò đến từng hầm chúc tết nhau. Đại đội trưởng của tôi bảo, chúc tết xong tất cả các trung đội chuẩn bị hành quân. Cũng hệt như ở nhà, ngày đầu năm chúng tôi mặc bộ quân phục mới. Trong mờ sáng mùng một tết cả đơn vị hành quân vào trận. Lại bám vào nhau mà đi, bộn bề súng đạn và háo hức một trận đánh mới cho mùa xuân mới. Là người lính chúng tôi không hiểu hết sự quan trọng của những trận đánh phía trước từng mùa xuân. Chúng tôi vẫn đi về về phía trước nơi có nhiều giặc như những mùa xuân đã qua. Chúng tôi đi về phía nhiều những bông hoa sẽ gặp trong mùa xuân mà chưa hề biết tên, để lại sau lưng những nấm mồ đồng đội với hoa rừng. Thế là đã 4 cái tết, tết nào cũng là những trận đánh đáng nhớ, tết nào cũng là cái chia tay buồn đến nao lòng. Tết nào cũng là những cái tên chiến công mà sách sử truyền thống của đơn vị khắc ghi.
Đã qua gần nửa thế kỉ chiến chinh. Thế mà tết với người lính già chúng tôi vẫn nôn nao háo hức vẫn bồn chồn đợi phút sang canh. Bởi trong nỗi mừng vui cuộc sống đủ đầy cháu con phương trưởng chúng tôi đang nhớ về những người bạn tôi nằm lại đâu đó trên dải đất Tổ quốc mình khao khát mùa xuân.
 http://vannghethainguyen.vn/ctview/id/7674




Thơ thời @.




Sống phải cho hiện tại
Đừng dĩ vãng làm chi
Phía trước dù bão gió
Cũng là đường mình đi

Hiện tại thì nhiễu nhương
Tương lai thì tăm tối
Đâu có như ngày xưa
Biết tối rồi sẽ sáng

Thơ chỉ là nỗi lòng
Chả làm ai chết cả
Thế mà thơ chạnh lòng
Biết bao người đang sống

Bây giờ ra ngoài ngõ
Là thấy kẹt cứng đường
Đi chỉ vài cây số
Đã bao điều tai ương

Thơ không biết bon chen
Không cúi luồn đút lót
Lại càng không phe nhóm
Thơ chỉ là thơ thôi

Đừng chê nhau hồi ức
Chê nhau không thức thời
Những ngày tôi đang sống
Đẹp sao bằng thời tôi
11/1/2017

LỜI NGƯỜI Ở LẠI.

LỜI NGƯỜI Ở LẠI.
( viết cho ngày gặp mặt CCB Sư Đoàn)

Chúng mày nằm ở xa lắm
Nhưng tên đất thì rất quen
Chúng tao về, mấy chục năm không trở lại
Già rồi lúc nhớ lúc quên

Họp mặt Sư đoàn thì nhớ
Nhớ trong ồn ào rượu bia
Chỉ có chúng mày thì khổ
Rừng khuya đếm tiếng tắc kè

Nào áo cài huy hiệu đỏ
Cũng là đỏ ngực đấy thôi
Chúng mày thì đã xanh cỏ
Cỏ úa bao nhiêu mùa rồi

Bao nhiêu cánh tay vỗ vỗ
Bao nhiêu bài hát bài thơ
Chúng mày nằm im dưới mộ
Mẹ cha thiếu mũ gậy ngày đi

Chúng tao những người ở lại
Quê hương đơn vị vẫn nhớ chúng mày
Cơm áo cuộc đời này khó lắm
Máu chúng mày đong làm tỉ phú hôm nay

Thôi thì nén nhang ngày giỗ
Thôi thì lời mặc niệm hôm nay
Xin tha lỗi cho người ở lại
Ngàn năm lịch sử vơi đầy
10/1/16

1.Lời người ở lại-2.Ăn sáng ở sau trung tâm Hội Nghị Quốc Gia. Thơ: nguyễn Trọng Luân.Ngâm: Trí Trọng Trí

Friday, January 6, 2017

ĂN SÁNG SAU TRUNG TÂM HỘI NGHỊ QUỐC GIA


Ngày ấy
Chúng mình có gì để ăn sáng đâu ?
Thế mà chúng mình có thứ để đời sau đấy chứ!
Cười vang nhe hàm răng hầm hố
Lại mím môi nhớ đứa không về

Sắp tết rồi lại hối hả về quê
Mồ mả tổ tiên họ hàng nội ngoại
Thương những đứa ngày xưa nằm lại
Cuối năm chỉ thấy tiếng tắc kè
Cuối năm mùa khô lá khộp trút đầm đìa
Tăng quấn đã không còn lành lặn nữa
Cái lọ "pê nê" thì không tan rữa
Lòng đất này hàng triệu lọ thủy tinh

Gọi nhau í ới nhắn tin dập dình
Cháu nội cũng biết các ông rủ nhau đi ăn sáng
Kể lại chuyện sáng hành quân mây quấn
Ba lô cõng thư tình và tóc bồng bềnh mây
Kể chuyện bữa đói bữa cười bờ suối có bướm bay
Già lại cứ nhớ toàn chuyện hồi trẻ
Chuyện thủ trưởng có con gái lớp mười cười nắc nẻ
Khối thằng mơ làm con rể chỉ huy Sư đoàn!

Chúng tôi ngồi ngay sau "Ga đần " ( The garden)
Rượu ê hề và gọi gì có nấy
Ăn sáng- nhìn nhau - mắt cười mà khóc đấy
Thôi! gác chuyện ngày xưa. Nào dễ quên đâu
Tháng chạp này nắng vẫn lao xao
Chuyện tham nhũng tham quan len vào từng bát cháo
Thương lắm lớp tuổi chúng tôi trút máu
Tưới rừng xưa tưới thắm đất hòa bình

Xin lỗi trời xanh
Xin lỗi những người đã khuất
Tưới chén rượu sáng nay mời bạn tôi về đọc sách
Chúng tôi viết về nhau sau nửa thế kỉ hẹn hò

7/1/2017

Tuesday, January 3, 2017

MẸ


( Đây không phải là thơ)

Khi mẹ còn trên đời, con tóc bạc vẫn bé thơ
Con chỉ lớn từ sau ngày mẹ mất
Lo hương khói và lo anh em cháu chắt
Mỗi ngày thêm vấp dại biết chừng nào

Khi mẹ còn, con vênh váo làm sao
Buồn thì lại về quê với mẹ
Mẹ bảo : cha bố mày làm to làm gì hả ?
Hết quan tàn dân, cũng đến thế thôi mà

Ngày con lên đường đánh giặc bom Mỹ thả làng ta 
Mẹ khóc sau vườn rồi ra ngõ 
Mẹ dặn con theo kịp anh em đồng chí
Mẹ bảo - tình thương là nơi đón con về

Bao nhiêu bạn của con mãi mãi không về
Ngày chiến thắng con về, mẹ nấu cơm không độn
Bát trắng thắp hương cho đồng đội
Của con mình nằm tít tắp trời Nam

Con lại đi mẹ lại mỏi mòn
Thời của những bo bo ngô răng ngựa
Mẹ ngồi ngóng con ngoài bậu cửa
Sau mỗi mùa thi lũ lụt thối đồng

Đã bao lần mẹ về thăm cháu mùa đông
Hà Nội rét làm sao như ở quê mình được
Mẹ thương đứa ở nhà thiếu manh chăn đắp
Đêm trở mình ướt miếng trầu khuya

Những lọ chai những manh vải thừa
Gom thành túi quà khư khư ra tàu hỏa
Mẹ về rồi con thấy thương quê quá
Quê là nơi mẹ đợi ngát khói chiều

Đảng dậy con đi dậy phấn đấu thật nhiều
Nhưng chả dậy con đường về quê mẹ
Chỉ có mẹ thôi, người nông dân ít chữ
Thì dậy con đường tiến với đường lùi

Mẹ nằm trên đồng thương lắm mẹ ơi
Chả có tượng đài quảng trường gì cả .
5/1/17

Báo Tết (Bài viết đầu tiên cho năm 2017)

Người viết thì ai cũng mong mình có bài trên báo tết. Nhưng khó phết. 
Càng những báo NHỚN thì tên tuổi trên báo tết càng phải “nhớn”. Cần cái tên của người viết thôi ( khổ cho người đọc, rất hay phải đọc bài của các cấp lãnh đạo ).
Quả thật báo tết ít bài hay lắm. Báo tết nó cứ nhàn nhạt giống như mâm cỗ ngày tết đâu cũng giống nhau và thừa thịt nhưng thiếu rau thiếu ớt. 
Vì thế báo tết chỉ đem bầy trong những hội Báo Xuân hoặc cho về miền quê xa xôi để được cái tiếng quà từ phố mà thôi. Dưng mà tết thì nhuận bút khá hơn. Khổ người nhà Báo, lo quýnh quáng cho số báo này vã mồ hôi. Vài năm nay nhìn các tờ báo nhóng nhánh xanh đỏ hoa đào hoa mai cộng với quảng cáo và lời chúc mừng công thức của quan này quan nọ thấy gai gai người rồi. Không biết sau bao nhiêu biến cố của 2016, báo tết có báo nào hay không đây? 
Sợ lắm, sợ đến nót bụng như người buồn tè trên chuyến xe giường nằm ngày tết nếu đọc được chuyện ông Hoàng Kiều và cô người đẹp cooc xê xi líp tết này lại lên báo Xuân. Cầu giời đừng có !


2/1/2017

Monday, January 2, 2017

Mùa xuân này mình lên sông Thương đi em




Đã bao nhiêu là danh thắng. Danh thắng vốn tự nó cũng nhiều và danh thắng nay gắn tượng Phật tâm linh vào khiến nó sừng sững chắp tay cũng lắm. Với tôi để tự đưa tay lên chắp trên ngực có mỗi chỗ ở quê nơi ngô khoai phủ xanh mộ cha mẹ tôi thôi. Còn danh thắng là nó phải đẹp, nó phải hồn nó phải mây trời sông nước với những tinh túy văn hóa lâu đời của nó. Có một chỗ người ta biết cả đấy mà quên đó là sông THƯƠNG.
Chỉ nguyên cái tên sông thôi, cái dải nước trên đường lên biên ải mà cháu con đưa tiễn người thân ra trấn biên cương được qui định đến đấy là quay về. Người đi lên biên cương mịt mù sương giá ngoái nhìn vợ con đưa tiễn đứng bên sông. Hàng bao thế kỉ chứng kiến nỗi hào hùng của dân Việt và con sông ấy cứ trong xanh khiêm tốn dịu dàng như làn quan họ ấy mà người đời nỡ quên sao. 
Nếu ta làm một phép thống kê ta sẽ thấy bao nhiêu tác phẩm âm nhạc về sông Thương. Những ca khúc đã có gần thế kỉ hay những ca khúc gần đây nghe vẫn một dịu dàng nghe như lời chị lời em ta hát trong mùa màng trong cuộc sống bình yên. Ta nghe " Con thuyền không bến " của Đặng Thế Phong, hay Trường ca “ Con đường cái quan “ của Phạm Duy và trong cuộc chống giặc phương Bắc hiên đại, ta lại nghe “ Chiều Sông Thương” của An Thuyên và “ Một thời sông Thương” của Lưu Ba và còn nhiều nhiều nữa những bài thơ những ca dao về con sông lưu luyến này…
May mắn sao gần đây tôi được biết có một dự án không phải của nhóm chính trị nào mà là của những con người yêu nghệ thuật và trân trọng giá trị nghệ thuật dân tộc đích thực những cũng rất hiện đại đã và đang làm nên một quần thể văn hóa, một không gian nghệ thuật bên bờ sông Thương. Đó là một cái tên rất khiêm nhường “ Vườn nghệ Thuật sông Thương” nhưng nó không hề nhỏ và gầy guộc chút nào về khoảng không gian nghệ thuật đặc sắc trong vùng văn hóa kinh Bắc nói chung.

Tôi nghĩ mùa xuân này tôi và các bạn tôi sẽ lên sông Thương. Sẽ đến nơi này đến với vườn Nghệ thuật sông Thương. 
Tôi từng thấy một anh bạn tôi nói với bạn gái, mùa xuân này mình lên sông Thương đi em.
Các bạn hãy gõ vào chữ "Sông Thương Garden" để tìm hiểu về nơi này. Tôi nghĩ các bạn cũng sẽ thích như tôi

2/1/2017

Nói về thơ


Ngàn xưa đến giờ, chả cứ người nước Nam ta mà cả nhân loại trên quả đất này, lúc vui nhất, buồn nhất họ thốt lên, họ viết nên câu chữ về nỗi lòng mình. Dù bằng kí tự nào nỗi niềm ấy cũng rất riêng, rất dễ đọc, dễ nghe và dễ hiểu. Thứ kí tự ấy, mỗi dân tộc người khác nhau thì khác nhau nhưng tâm tình thì giống nhau cả thôi. Nỗi niềm ấy thành thơ. 
Thơ chả có gì cao siêu, chả có gì lòe loẹt, chả có gì xấu cũng như chả có gì phải tranh cãi học thuật gớm ghiếc. Là sinh vật Người thì cá thể nào cũng có cái khoảng thơ trong tâm hồn. Thằng ăn trộm cho đến ngài quan cấp trung ương vào tù cũng đều làm thơ. Mà lúc ấy thơ của ngài quan to với thằng ăn trộm rất giống nhau, ấy là …hướng thiện. 
Hãy đẩy mình vào chỗ nguy hiểm nhất của cuộc đời thì lúc ấy sẽ bật nên cảm thán. Cảm thán ấy ghi lại bằng cách nào đó thì … thành thơ. Bởi lúc ấy là lúc con người thành thật trong sáng nhất. Chí ít là trong sáng với chính mình. Lúc ấy con người không còn văn minh lí tưởng giả cầy. Con người trở về nguyên si là cái thằng người của chính bố mẹ đẻ ra chứ không có đảng phái học thức, chỗ đứng và của nả. Cho nên ta đọc những lời người xưa trước hiểm nguy, trước lúc lìa đời ta thấy xúc động thế ! Vì đấy là thơ. 
Sợ thứ nhất là người đang thích làm thơ lại rất thích xưng danh nhà thơ. Không đâu , đừng vội! Nhà thơ thật họ trong sáng lắm dù đời sống bon chen họ có vẻ ngu ngơ. Hàng triệu người làm thơ nước Nam này đạt tới Nhà Thơ được mấy mươi? Hãy để nhân quần họ gọi mình là nhà thơ nếu có thể được . Chứ đừng bầu bán trong nhóm này nhóm nọ.
Cái sợ thứ hai là người đời rất dễ gọi người hay làm thơ là nhà thơ. Vì rất hay gọi nên họ có ý xem thường danh xưng Nhà Thơ. Tôi cho rằng ai dễ dãi như thế là rất ngắn về văn hóa hoặc cửa mồm họ trơn tru rất dễ buông nhời khen. Nhà thơ không phải chỗ để họ cười cợt. Với tôi, nhà thơ họ rất biết khái quát thế giới vào vài câu chữ mà thôi, Còn chúng ta thì lăn lộn trằn trọc với tiền, với quyền mà chả hiểu ta đang làm gì. Và chúng ta đang đánh đồng nhà thơ vào rất nhiều đồng bào, đồng chí đang thích thơ, đang làm văn vần mặc dù họ chả có gì xấu.

Tôi biết bạn tôi có bà chị họ làm đến Thượng tá công an nhưng rất nghèo về văn hóa.( mà thông thường thì CA nghèo VH thật) Có thể ngành Công an họ ít dậy về Văn hóa chung mà mà nặng về VH tội phạm và luôn nhìn đời bằng kẻ cầm vũ khí chuyên chính chăng? Việc này họ kém xa quân đội là phải. Chị ấy vì là đàn bà nên rất ham hố đàn ông nhưng lại rất sợ người ta biết mình đọc sách, đọc thơ nên luôn sợ cái tên tuổi nhà thơ nhà văn. Thế là trong con người chị ta luôn mâu thuẫn,mâu thuẫn đến mức một sĩ quan đáng thương về tình dục
Sợ nữa là những người làm văn vần nhưng hủ hóa câu chữ. Loại này bây giờ nhiều lắm. Nhưng quái lạ là các tờ báo hay in thơ của họ. Tôi đồ rằng một là họ giỏi mà chúng tôi không hiểu được. Hai là báo nào cũng chả làm quảng cáo. Có giật tít hay cũng là thành công. Trao đi đổi lại cũng là thành công. Sì căng đan lại cũng là thành công.
Với bạn bè phây búc thì 100 bài thơ viết lên là 100 nỗi niềm thật đáng yêu. Nhưng để thành thơ thì chỉ độ dăm bài thôi. Chúng tôi đọc với nhau, vui với nhau, cười với nhau rồi bình với nhau cứ như đó chính là đời mình vậy. Ai bảo là VÔ CÔNG RỒI NGHỀ nào. Chúng tôi đang sống đời sống thật đấy chứ. 
Đừng buồn vì bây giờ nhiều người làm thơ. Ngày xưa nhiều hơn bây giờ nhưng không có mạng mẹo phây búc za lô blog …. Thơ văn lẩn vào dân để làm nên tục ngữ ca dao thành những bộ môn ca hát dân gian bây giờ đến anh UNESCO phải công nhận di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Còn vài trăm năm nữa, thứ thơ hủ hóa chữ nghĩa đầy ắp tình dục liệu có còn chút gì trong ca dao? May chăng trăm năm sau người nước Nam chỉ nhớ thơ Bút tre là cùng.
3/1/2017