Saturday, July 29, 2017

LÀNG ( trích đoạn )

Làng ( trích)
Nếu làng tôi là hình quả mít đóng nõ ( coc) thì khi bổ dọc quả mít ra cái cọc trong lòng quả mít chính là đường tàu hỏa xuyên qua

Tính theo dọc đường tàu về phía nhà ga phía nam có hai xóm. Đấy là xóm cầu Đất và xóm cầu Tây . Cái tên nó đã chỉ chính xác tình hình địa lí giao thông rồi. Xóm Cầu đất có cây cầu lát bằng thân cây cọ rồi đổ đất lên. Còn xóm cầu Tây là xóm ở gần cây cầu trên đường tàu hỏa. Cầu này Pháp xây dựng đường tàu hỏa mà có cầu. Đích thị là cái cầu thằng Tây làm.

Hai xóm tính tình khác nhau rõ rệt. Cầu đất dặt những nhà chuyên đơm đo đánh dậm. Mùa đông thì soi cá ngủ cá cóng. Mùa hè thì be bờ lại đơm đo. Chuyện đo đơm là cả một thú vui mà khoa học đáo để. Thời ấy những ruông sâu quê tôi chỉ cấy một vụ mùa. Từ tháng 6 dương trở đi bỏ trắng. Cá tôm nhiều lắm, đỉa cũng nhiều như cá . Cuối hè nắng oi ruộng rạ đã thối ai muốn be cái ruộng nào chỉ cắm cây nêu lên đó sí phầ. Sí phần rồi là không ai xâm chiếm nữa. Thường thì tháng năm vừa gặt xong còn ngập nước đã sí phần rồi. Đợi tháng 7, 8 bốc bùn be bờ cho cao rồi mở 4 cái chổ bốn góc chừng một mét . Rang thính bằng cám gạo cho thơm, chập tối trộn với đất khô ném xuống ruộng . Mà rắc thính cũng phải nhẹ nhàng đừng có ùm ùm cá bỏ đi hết không vào ruộng. THính thơm quện vào đất vụn chìm xuống nước. Thính mà nổi thì tí là hết. Cá không kịp ăn đã dạt theo chiều gió mà vào một góc ruộng. THế mới biết ngày nay đàn bà con gái họ nói “rắc thính”, nó khôn đến thế nào. Cá theo bốn cái cửa vào ăn rất nhiều . Nửa đêm bịt bốn cửa lại đặt cái đó ở đấy. Cá tôm muốn chuồn ra là chui vào đó . Đơm đó có cái thú vui là ngủ ngoài bờ ruộng mà trông đó. Đêm khuya ngủ quên rất dễ bị người khác đi đổ đó của họ tiện thể họ đổ luôn của mình. Hồi tôi mười một mười hai tuổi đã có ruộng đo đơm riêng rồi. Mẹ tôi không cho đi ngủ đêm trông đó. Nhưng tôi thích đi theo các anh lớn ngoài đầm Hà. Đêm, trải mấy tầu lá cọ trên bờ đầm tán phét nghe lõm tõm cá quẫy vui đáo để . Đi ngủ ngoài đồng trông đó chỉ để nghe các anh lớn nói chuyện đàn bà chuyện tiếu lâm, chuyện kiếm hiệp. Những đêm lặn lội đơm đo ngày xưa khối thứ trở thành vốn liếng chữ nghĩa cho tôi sau này. Có những chuyện nghe từ hồi ấy đến lớn mới hiểu . 

Người Xóm Cầu đất hiền hơn xóm Cầu Tây. Bố tôi bảo, xóm ấy ngụ cư . Họ dưới xuôi lên, quen chạ người nên họ khôn. Hỏi “chạ người” là thế nào bố tôi bảo là đông người. À thì ra phải va chạm nhiều mà va chạm nhiều thì phải chống chọi nhiều nên khôn. Sau này về ở Hà nội thấy đúng. Càng chạ người, người càng khôn. Giống như người hàng chợ mà nhất là chợ to như Bắc Qua Đồng Xuân họ khôn dã man. May mà mình ra Ha noi sống chứ nếu không đen đủi cóc cáy như thế này sao mà mở mặt ra được .
Hòa bình mới lập lại vài năm là được xem phim. Điện ảnh đi về vùng sâu vùng xa. Tôi nhớ lắm, lần đầu tiên tôi được xem chớp bóng là năm 1958. Bộ phim đầu tiên tôi xem là phim Liên xô . Ngọn lửa không bao giờ bị dập tắt. Từ vài hôm trước loa loa váng cả xóm làng . Tôi nhớ như in giọng anh chớp bóng đi phát thanh các làng …”A lô a lô . Thưa toàn thể đồng bào đội chiếu bóng lưu động số 20 chúng tôi về đây phục vụ đòng bào hai bộ phim. Bộ phim thứ nhất : ánh bình minh. Bộ phim thứ hai Ngọn lửa không bao giờ bị dập tắt . Phim chiến đấu của Liên xô . giá vé người lớn một hào , trẻ em năm xu . A lô a lô . “ Thế là hôm sau thanh niên làng cử người đi khiêng máy nổ. Chao ôi , nó chạy xình xịch phả khói khen khét thích thế . Mấy ngày đó làng xóm chộn rộn nôn nao chỉ mong chóng đến tối . Hôm chiếu phim các ngả đường làng trên xóm dưới người , gìa trẻ em tấp nập , họ đến sớm lắm trẻ con mang cả đuốc để lúc về soi đường . Người lớn mang cả chai nước cho con lại còn lôi cả tàu lá cọ kê đít ngồi . Nhà tôi giữa làng chả phải đi xa , nhìn lũ bạn xóm xa mình cũng thấy tự hào , tự hào vì nhà ở gần bãi chớp bóng. Khi Máy nổ xình xịch rồi đèn bật lóe sáng cùng với tiếng reo òa lên của dân làng . Họ căng dây khoanh bãi đễ soát vé. Một vé năm xu phải mất một giỏ cua bán ở chợ Đan Thượng mới có. Đứa nào không bắt cua thì một gánh củi. Dậm dịch kiếm tiền từ hôm trước. Tôi cứ nhớ cái ánh đèn điện ở cổng xé vé bãi chiếu bóng làng tôi thủa xưa. Nó như một cái sự khai phá những cái đầu u mê của làng mình, nó lung linh chói lọi khao khát, nó bắt đầu cho sự ước mơ thèm muốn ra đi của tôi và các em tôi. Thú thật nhờ có cái đội chớp bóng nên mới bé tôi đã thuộc những bài hát thuộc loại "đi cùng năm tháng.". Từ lúc chiều họ mở thật to những bài hát trên 2 cái loa to như cái thùng tôn treo trên lưng chừng một cây tre . Chiếc khăn Piêu, rồi Buổi sáng trên nông trường, lại cả Bên ven bờ Hiền lương . Mấy năm sau bài Tình ca của Hoàng Việt cả làng tôi thuộc . Mấy chị thanh nữ đi cấy ruộng đít chổng lên trời í ửn hát Tình trong lá thiếp , trông mấy chị nhấp nhổm theo nhịp hát nghe mà si mê .

Cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao quê mình có truyền thống hát Xoan mà mình chả biết tí Xoan ghẹo nào cả . Chả nhẽ Xoan nó chỉ đến Hưng Hóa là hết đường đi ngược? NHưng mười tuổi tôi đã biết hát chèo ( Ngạc nhiên chưa ?) . Chèo chả riêng cho một tỉnh nào, nó sống với lúa nước đồng bằng Bắc bộ lâu lắm rồi nên người quê tôi biết cũng là dễ hiểu. NHưng , cho tới năm 1962 khi có chủ trương đưa người vùng xuôi lên khai hoang miền ngược thì chèo mới rộ lên và thế là hát chèo như tự thân trong mỗi con người làm ruộng miền bắc phải có. Ngày ấy đồng bào Duy Tiên - Hà Nam lên quê tôi . Bồng bế đìu díu đến là thương. Nhưng sự khổ ải với họ không lâu, họ lao vào làm đồi rừng làm ruộng với quyết tâm phi thường. Dân quê tôi từ ngạc nhiên đến dần dần bị cuốn hút theo cái tính chịu khó của họ mà làm ăn. Dù khổ ải lam lũ đến mấy , tối tối các bác các chị Duy Tiên lại tập trung ra sân kho HTX để hát chèo , tập diễn những vở chèo cổ mang từ dưới xuôi lên . 

Lần đầu tiên được ngồi xem Trương Chi, xem Lưu Bình Dương lễ xem Cây đa bến Cốc … nước mắt cứ dàn dụa ở sân kho HTX. Những chị những bà ban ngày làm cỏ lúa làm nương sắn hóa thân vào vai diễn cảm động đến thế . Lũ trẻ con chúng tôi bây giờ cũng hát : Gà rừng, hát Sẩm soan. Tụi con gái thì thích mấy điệu lới lơ, đào liễu , Xắp qua cầu … Lớn lên đi bộ đội trên đường Trường sơn cứ nghe hát chèo đêm khuya là nhớ quê đến nao lòng . Lúc ấy hình ảnh các chị áo cánh nâu ngực căng thấm mồ hôi mê mải diễn chèo trong lúc máy bay Mĩ gầm gào trên đầu. Quê mình thiêng liêng biết bao. Chuyện làng như một liều thuốc bổ cho người lính vượt Trường sơn đầy những bom và đạn .

Trường cấp 1 Đan Hà của tôi có từ năm 1957. Trước đó , lớp cha anh phải học tư thục Minh Đức hoặc phải về Ấm Thượng cách 10km . Ngọn đồi kề đường tàu hỏa rợp những cây xoan và cây nhội rất to. Tôi leo lên cái dốc đến là dài đầy sỏi, nhiều bụi về mùa hè và mùa đông thì đôi bàn chân đi đất đau thon thót vì những hòn sỏi ấy. THầy hiệu trưởng già nói tiếng Pháp sen lẫn tiếng Việt với đồng nghiệp mỗi lúc hứng thú một điều gì đấy . Mùa đông thầy mặc áo ba đơ xuy và mũ nồi. Cả nhà thầy đều là giáo học và con cái đều đi xa hết cả. Tiếng gõ thước kẻ lên bảng, tiếng học trò ê a đọc bài và tiếng trống tùng … tùng ra chơi sao mà nhớ lâu đến thế. Nỗi nhớ trống trường khác với bất kì thứ nhớ nhung nào. Nó vừa non tơ lại vừa già nua . Nó hiền lành gần gụi mà cũng rất xa xăm. Ngày ấy cứ mỗi lần ngồi trong lớp nhìn chuyến tàu ngược từ Hà Nội lên là xốn xang những ước muốn rồi một ngày nào đó mình sẽ đi xa. Suốt đời tôi đi học từ cấp 1 đến lúc đi đại học chưa bao giờ tôi được học trong căn nhà xây. Tôi chỉ biết đến lớp học lá cọ với những cái bàn lung lay rây đầy mực tím. 50 năm sau tôi vẫn nhớ những dòng chữ mà ai đó viết trên mặt bàn bằng thứ chữ cứng cáp mà tôi đoán là của các anh chị lớp 4 . Một bài thơ thế này :
Em là con gái Minh Sơn 

Bóng em thấp thoáng sớm hôm trên đồi 
Nhanh tay hát búp chè tươi 
Gió đưa thoang thoảng ngát mùi hương bay 
Nhựa chè đen nhuộm bàn tay 
Ửng hồng đôi má em say hương chè .

Những năm vừa mới hòa bình xã tôi được đổi thành xã Minh Sơn. Phải đến năm 1964 mới đổi lại là Đan Hà như thời xưa cũ. Không biết bài thơ ấy của ai? các anh chị lớn học từ ai ? chỉ biết đọc rồi thấy mình yêu làng mình quá . Yêu đến nỗi lấy cái đinh 5 phân vạch dưới bài thơ ấy tên mình Nguyễn Trọng Luân như kiểu đạo thơ bây giờ. Tôi ước ao một ngày nào đó cũng làm được một bài thơ về làng mình như vậy. Thế mà, ao ước ấy suốt đời đến bây giờ tôi vẫn không làm nổi.


29/7/2017

Wednesday, July 26, 2017

LỜI DÉP ĐÚC




Ngày đầu tiên vào lính 
Chân lúng túng ngập ngừng 
Dép đúc cười tưng tửng 
Chào những chàng tân binh

Nào chân chú lội bùn 
Móng vàng như cua ốc 
Nào bàn chân lên rừng 
Cựa căng từng dây dép

Lũ học trò chân trắng 
Lủng lắng những vết lằn 
Rồi quen ngay tức khắc 
Dép đúc rất chóng thân

Có bao điều lính dấu 
Có bao điều lính buồn 
Có bao điều trăn trở 
Dép đúc đều không quên

Có những đêm ngập ngừng 
Kê dép ngồi tâm sự 
Đêm như là mầm trổ 
Dép đúc cũng bồi hồi

Đêm hành quân mưa rơi 
Trật trồi chân lính trẻ 
Lính cũng thương dép thế 
Võng đu rừng chơi vơi

Bao năm trong lửa đạn 
Dép dính liền với người 
Dép biết nhiều nước mắt 
Lính khóc vì nhau thôi

Người lính ngày vào lính 
Là có dép ngay rồi 
Phút hi sinh còn dép 
Vẫn bên mình lính thôi

Bây giờ ngày nhập ngũ 
Ngày kỉ niệm hội hè 
Họ hàng nhà dép đúc 
Sao chạnh lòng mình ghê
6/9/2012

Dải Yếm


Về già bỗng lẩn thẩn nhớ hồi xưa bé bám theo bà đi ăn cỗ. Bà tôi đi trước tôi chạy theo sau. Mỗi khi tiếng súc soách của cái dây sà tích của bà nhỏ dần là tôi phải chạy. Chạy đến bám váy bà. Tiếng súc soách rộn rã. Lại chơi lại bắt chuồn chuồn ngó đông ngó tây. tiếng súc soách xa dần …

Nhớn tí nữa ngồi xem bà nội mài nâu nhuộm vải làm yếm. Thời ấy có vải vuông. Vuông vải như là những miếng vải nhỏ làm đơn chiếc, không như vải súc sau này. Hỏi bà, sao bà làm nhiều miếng thế? Bà cười, nhiều yếm thì nhuộm nhiều.
Ông bà nội tôi là người có của. Cái đận cải cách suýt nữa bị qui thành phần. Ông tôi cổ cày vai bừa sơn tràng vác vã giỏi đến đâu thì tổ tôm cũng giỏi đến đấy. Bà nội tôi một bước ra đường là áo tứ thân là thắt dây sà tích và cái bao của bà đến là dài. Bà vòng hai vòng rồi mới buông cái bao thõng sang bên phải. Cũng có hôm bà buông thõng bao về đằng trước. Có hôm bà mặc yếm nâu non, cũng có hôm bà mặc yếm nâu già và đặc biệt lắm bà cũng mặc yếm mầu trắng ngà ngà.
Bà tôi mất năm 1964. Sau ngày bà mất ít hôm máy bay Mĩ mới mang bom thả xuống Hồng Quảng. Từ ấy tôi không hề thấy trong họ hàng nhà tôi ai mặc yếm nữa. Sự tân tiến lan dần dần đến làng quê mang tên cooc xê.
Nhớn lên đi học, rôi đi ra ngoài với đời. Vẻ tân thời của đàn bà luôn làm tôi để ý nghĩ ngợi bần thần ( bố khỉ!). Ngày còn học cấp 3 ở Thị xã Yên Bái thấy bạn gái cùng lớp thì thầm rồi com cóp tiền mua cooc xê thấy buồn cười. Nhớn tí nữa đi đại học nhìn bọn con gái thành phố hiên ngang mặc áo vải pha ni lon mỏng đáo để khoe cái cooc là nể gớm nể ghê. Nhưng những lúc ấy tôi luôn nhớ ngày bé và nhớ cái yếm của bà. Nhưng sự canh cánh trong lòng nghĩ về cái yếm thì đến luống tuổi mới tự mình lí giải với mình về cái chuyện con con buồn cười ấy. Sự con con ấy chính là cái ‘ dải yếm”
Ngày xưa đi theo bà đi làm cỏ lạc. Nắng nóng quá bà cởi áo ngoài chỉ còn cái yếm nâu dải yếm nâu buộc sau lưng trễ xuống. Bà thắt lại cho khít lên cao. Bà bảo, lúc còn con gái cái dải yếm thắt vào chỗ ong. Thì ra , Lưng ong con gái nhờ cái dải yếm mà nó có điểm nhấn, cái dải buông dọc sống lưng chỗ gẫy võng của người con gái nó gây hiệu ứng dã man. Nhờ cái dải yếm mà cái lưng con gái võng hẳn xuống. Hai sợi dây một ngắn một dài nằm dọc võng lõm trắng ngần. Người ta nhìn cái dây vải có hồn có tiếng chứ không phải thịt da người con gái lên tiếng. 
Bây giờ tôi hay nghĩ đến câu người xưa nói “ Khâu trầu dải yếm”. ÔI giời đất ạ, miếng trầu dấu trong cái yếm để mà trao nhau lúc gặp gỡ nhập nhoạng tối thì làm sao mà không say chếnh say choáng cơ chứ. Ngày xưa các cụ ta giỏi giỏi. Các cụ “phê” nhau đến thế. Có lẽ trong tất cả các miếng trầu mời nhau không có miếng trầu nào linh thiêng như miến trầu dải yếm. Lại nghĩ ngợị chả thấy các cụ nhà mình nói về cái mặt yếm bao giờ? Nơi mà từ xưa đến nay lớp vải mỏng bao phủ mơ hồ nhưng lại khoe lồ lộ cặp nhũ của người đàn bà. Chính ra ở cái mặt yếm mới thật là sex xy. Nhưng nó không lên tiếng như cái dải yếm. Nó mời gọi không nhời nhưng lộ liếu. Càng về sau người ta càng thấy sưc hút tinh thần của cái yếm Việt nam. NGười Việt ta khéo đến nỗi chỉ nói đến cái dải yếm thôi. Mà ngẫm ra các cụ chả phải lảng tránh điều gì, chính cái buông lõng thõng của dải rút quần hay dải yếm mới gợi cảm rấm rứt con người.

Kiếp sau đừng hóa ra người
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân

Tôi thì chả dám mãnh liệt như các cụ đã nói trên. Nhưng quả thật đến bây giờ nhìn con gái mặc quần buộc dải rút áo ngắn hở rốn nhìn cái dải rút hay hơn chứ chả ai thèm nhìn vào rốn đeo cả khuyên bạc vàng nhóng nhánh. Thế mới ngẫm ra cái dải yếm nó buộc hồn con người là phải.
Ca dao xưa kể:

Thuyền anh ngược thác lên đây
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền.
Ở gần mà chẳng sang chơi
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.
Mồng tơi chẳng bắc được đâu
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang

Cái cây cầu dải yếm thì đàn ông ai mà chả biết, nhưng niềm mong muốn đến nỗi muốn người đàn bà cởi dải yếm bắc cầu cho anh sang thì …thú thật các cụ ngày xưa về mặt tình ái quá giỏi .

Tôi chợt nghĩ có người đã lí giải thật tuyệt vời về cái khe ngực đàn bà. Với cái khe ngực đàn bà thì sự sâu xa của bản năng sinh học sinh tồn về cái đẹp con người biểu hiện lên thành hình ảnh rồi chuyển thành hành động nuốt nước bọt đánh ực.
Còn dải yếm thì lại không thế, nó làm cho con người bần thần miên man và nuốt nước bọt... cũng rất từ từ.


26/7/2017

Friday, July 21, 2017

ƯỚC VỚI MIỀN XA


Giá đừng trong nữa nước ơi
Để em giặt cái áo thời trẻ con
Giá đừng tuyết đổ băng tan 
Em ra trầm nước mưa cơn đầu mùa

Còn chuông treo trái mù u?
Em xa điên điển xa mùa nước lên
Xa xăm xa cả nỗi niềm 
Đưa nhau về với miệt vườn nhà em

Nhớ từ gió bắc hon hon
bàn chân nứt vết chân chim đến già
Thời em tóc tết đuôi gà 
Em ra sông cái hái hoa một mình

Thời anh đi với chiến chinh
Làm thơ khúc khích giảng đường bách khoa
Khóc đêm thương má thương ba
Ban ngày bài vở lời ca tiếng cười

Giá đừng đục nữa sông ơi
Ước chi áo nhuộm một đời như ba
Giá đừng trong vắt tuyết sa
Để em về với quê nhà của em

Ước gì đêm thật là đêm
Để em chìm với nỗi niềm khát khao

21/7/2017 

Thursday, July 20, 2017

THỜI TRAI TRẺ HÀO HOA.-Tôi và Khuất Duy Hoan- lính d76


Tôi và Khuất Duy Hoan- lính d76
Bây giờ già rồi nghĩ lại thấy bao nhiêu điều cần cám ơn số phận. Số phận cho mình vui buồn khổ ải và cũng có lúc vinh quang. Đời chả ai qua được chữ may mắn. Mình chả giỏi hơn được ai chỉ là nhờ may mắn mà còn đến bây giờ, còn lại nguyên là mình chứ bao đồng đội giỏi giang hơn mình họ lại chết trẻ quá. Tôi và Hoan là thế. Cũng như bạn bè còn lại ở lứa cùng nhập ngũ với nhau hồi d76 đều may mắn mà thôi.
Gặp nhau trưa nắng 15/9/1972 ở rừng cọ Phú Lương. Áo quần học trò thay ra khoác vào bộ quân phục thùng thình nhìn nhau cười. Nụ cười thằng nào cũng có nước mắt. Tôi nhìn thấy Hoan cao lêu nghêu da trắng môi đỏ và răng khểnh. Cảm tình đầu tiên là nó không gọi bạn bè là mày tao. Nó ăn nói rất chi mô phạm. Cái cười của nó rất hiền. Mỗi khi cười là như có điều muốn nói với mình. Tối hôm ấy về đại đội ở Thượng Đình Phú Bình hai thằng lại vào cùng trung đội. Từ ấy suốt 4 năm sau chúng tôi ở cùng nhau cho đến lúc tôi ra bắc nó còn ở lại quân đội và đi hết cuộc đời vẫn làm bộ đội.
THời chúng tôi, đời bộ đội thì chỉ có việc là đi đánh nhau. Ấy thế mà cũng có lúc chúng tôi làm VĂN NGHỆ. Sự văn nghệ của chúng tôi ai oán lắm. Quân đội ta tài thật đấy, họ động viên lính tráng giỏi ơi là giỏi. Ai chưa từng ở chiến trường thì không thể hiểu một bài hát, hay một vở chèo, một màn tấu vui ở rừng nó có tác dụng lớn lao với người lính sắp xuất kích đến cỡ nào. Ba mùa mưa ở Tây Nguyên là ba mùa chúng tôi cùng viết bài hát cùng dựng hoạt cảnh chèo để diễn cho nhau xem. Diễn xong ngày mai lại đi vào trận. Sau mùa mưa lại vài thằng chết lại nhặt thằng khác làm diễn viên. Diễn viên và khán giả toàn cùng đại đội tiểu đoàn với nhau, biết thừa tiếng súng của nhau nên đồng cảm lắm. Có một điều đặc biệt, thằng nào làm văn nghệ mà hèn nhát đồng đội nó không nghe, thằng nào lên hát trước anh em là phải là thằng phải tự tin về bản lĩnh chiến trận của mình. Tôi và Hoan chả bao giờ e ngại vì chúng tôi đều là A trưởng cứng ở đơn vị.
Khổ lắm, nghĩ lại thấy sự hẹp hòi từ xa xưa của loài người đã có rồi. Cứ đi văn nghệ một tháng về là mọi thứ làm lại từ đầu. Cảm tình đảng thì lại phấn đấu cảm tình lần nữa. Nhưng bản năng trong máu là lạc quan không sợ khổ thì nó lại cứ hiện lên. Bao nhiêu lần hành quân chiến dịch hay cả khi tăng gia làm nương tự túc ở Tây nguyên tôi viết bài hát cho Hoan hát . Tôi làm thơ Hoan thuộc trước rồi ngâm thơ tôi cho tôi nghe. Nằm ôm nhau dưới hầm nghe nó hát mà thấy mình cũng đáng sống.

*****
Mùa mưa năm 1974. Sau trận đánh đồi CỦ LẠC. Một hôm nó cho tôi xem chiến lợi phẩm. Một cái khăn quàng nữ móc bằng sơi chỉ và nhuôm tím bằng thuốc pháo sáng. Tôi nhớ lúc ấy nó nâng niu cái khăn và nói:
- Nếu ngày hòa bình còn sông mà được ra bắc, qua cầu Bến Hải người phụ nữ đầu tiên tao gặp sẽ là người tao tặng cái khăn này.
Cuộc chiến ác liệt suốt đến ngày hòa bình ba lô của Hoan không còn. Nhiều thứ kỉ niệm không còn nữa nhưng với tôi ánh mắt của nó và giọng nói chìm trong mưa hôm ấy thì còn mãi đến bây giờ. Người như nó không thể làm điều ác. Người như nó dũng cảm bao nhiêu thì cũng dễ khóc bấy nhiêu.
Đẹp trai hào hoa và chiến công đầy mình mà nó cứ bẽn lẽn như con gái khi tiến vào Sài Gòn. Đêm đầu tiên ở Sài Gòn nó ở gần tôi bên khu đại học Kiến Trúc. Bao nhiêu cô gái thích nó. Bao nhiêu của nả nó chả nhặt cái gì. Nó mang về Củ Chi tặng tôi một cái an bum nhấp nháy mặc dù tôi cũng có rồi.
NHững ngày sống ở Đồng Dù tôi với nó ngủ kề với nhau trên đội Tuyên văn Sư đoàn. Nhắc lại chuyện một mình nó đóng hai vai chèo nó lại khóc. Chiều chiều hai thằng ngồi ở chân cột cờ Tổng hành dinh sư đoàn 25 TIA CHỚP NHIỆT ĐỚI nhìn núi Bà Đen mơ ngày về miền bắc đi học tiếp. Tôi ra bắc cuối tháng 10 năm 1975. Nó ở lại đơn vị. Nó viết thư cho tôi
“ Mày lên xe rồi tao chạy về phòng đóng cửa và khóc một mình, tao khổ sở mỗi khi nhìn những dòng chữ viết của mày trên cánh cửa Luân ơi..”

Chúng tôi đổi võng cho nhau. Nó dùng võng tôi, tôi mang võng của nó ra bắc. Gần nửa thế kỉ rồi tôi vẫn nhớ ở góc võng nó viết bằng bút bi “ Duy Hoan”.
***
Cuộc chiến tranh bắt buộc đưa nó và bao đứa bạn tôi sang Thốt nốt. Từ tháng 10/1977 đến 6/1979 nó đánh nhau ngót trăm trận. Cuối năm 1979 nó về Hà nội tìm tôi. Nó là quyền Trung đoàn trưởng 64 f320. Cái xe dép đỏ ngầu bụi và nó cũng ngầu sương ngầu gió. Hai thằng ôm nhau và lại ngủ với nhau đêm Hà nội đói meo với cuộc sống học viên chính trị của tôi.
45 năm nay chúng tôi là bạn của nhau cũng như thằng Sỹ thằng Thịnh thằng Tiêu thằng Dương, chúng tôi vẫn mày tao và hiểu nhau tơ tóc. Nó làm Phó Tư lệnh quân đoàn thằng Sỹ làm Viện trưởng, thằng Tiêu làm Giám đốc Sở , thằng Thịnh làm phó ban TC đại học. Thằng Dương và tôi giám đốc Xí nghiệp bé bằng ngon tay, Ồn ào vẫn chỉ tao mày. Ở Hà nội chỉ độ 3 tuần không gặp nhau là thấy lâu lắm. Gặp nhau rồi uống bia nhậu bằng khuôn mặt nhau để thấy mình lại là mình. 
Chúng tôi là lính d76.

19/7/2017 

THỜI TRAI TRẺ HÀO HOA-Anh hùng


Sáng sớm chưa dậy nổi vì cơn đau đêm qua khiến thao thức khuya lắm mới chợp mắt, lại thấy chuông điện thoại réo ầm ầm. Mở máy thấy “Thiện Phú Lương “ . 
Hỏi : Gọi anh có việc gì sớm thế? đầu kia nói lẫn cả tiếng còi xe ô tô Em Thiện đây ! Biết rồi anh nhận ra rồi. Nó nói vội, anh ơi anh đưa em lên nhà cụ Khuất Duy Tiến với, em lấy Kỉ niệm chương cho CCB 320 trên tỉnh em. Ôi sao mày đi sớm thế? Nó bảo Cụ Tiến 8 giờ phải đi họp, dặn phải đến trước 7 rưỡi. Thế là dù ốm cũng phải dậy nhìn đồng hồ 6 giờ. Ra đường mới 6 rưỡi ngồi lùa bát mì lòng lợn ngóng ra đường đợi nó đến.
Chợt nhớ lại ngày xưa lúc còn huấn luyện trên Thái nguyên cùng D76F304B. Nó là lính của huyện Phú Lương toàn dân tộc và học trò cấp 2 nhập ngũ bổ sung ghép vào tiểu đoàn lính Sinh Viên. Vào đơn vị tôi, rặt những sinh viên cứng tuổi, chúng nó rất quí nể mấy anh nhất là chuyện tán gái thì bọn nó bái cả hai tay. Ở C4 ngày ấy là SV trường Y Việt Bắc và mấy trường cao đẳng kĩ thuật. Vào Tây Nguyên lại về e64 cùng bọn tôi. Rong ruổi mấy năm đánh đấm đến ngày hòa bình E64 có hai anh hùng thì đều rơi vào C4 huấn luyện của D76. Thật là tự hào. Một đại đội tân binh đi chiến đấu có 2 thằng anh hùng. Hiếm có hiếm có ! ai cũng bảo thế. Trong hai thằng anh hùng đó có một thằng mà tôi đang ngồi chờ đây. Lại nhớ năm 2007 chúng tôi tổ chức gặp nhau nhân 35 năm ngày nhập ngũ. Nó nhận đăng cai tổ chức ở huyện Phú Lương. Lên đến nơi thấy huyện đội tỉnh đội chu đáo đón tiếp quá bèn hỏi, Có đặt tiền trước không mà họ nhiệt tình thế ? Thiện cười bí hiểm. Ở đây họ quí chú Thiện mà bác. Ra thế, cái thằng anh hùng ở địa phương nói cũng nặng cân hơn thằng không anh hùng. Tôi bảo Thiện ơi đời mày khổ, từ giờ đến lúc chết giữ được cái anh hùng mới khó, khổ nhất là suốt đời cứ phải anh hùng. Nó cười buồn, cũng khổ thật đấy anh ạ
Chuyện Trần Xuân Thiện và Nguyễn Vi Hợi ở D76 chúng tôi anh hùng thì thiên hạ còn lạ gì. Không biết thì gõ cái tên ấy lên cụ Gúc là rõ ngay. Nguyễn Vy Hợi thì bây giờ làm ông lang bốc thuốc trên quê Phú Thọ nhà tôi. Sống thanh tao với cây ghi ta trong một ngôi nhà hiền lành ở thành phố Vĩnh Yên. Còn thằng Thiện vẫn khỏe như beo con. Làm cũng khỏe, đi cũng khỏe, uống cũng khỏe. Được cái nó ham công tác đoàn thể nên vẫn trẻ và mỗi lần gặp bọn tôi lại hát rất say sưa bài hát “Đại đoàn Đồng Bằng trên đường chiến thắng”. Nó hát “ Lễ đâm trâu mừng chiến thắng “ mắt mơ màng nhớ Tây nguyên. Có lúc hứng chí còn hát cả Đôi bờ nhạc Nga. Giỏi thật .
Xong việc ở nhà cụ Khuất Duy Tiến hai anh em kéo nhau ra đường Trần Phú cho nó ăn sáng. Nó nài tôi uống chén rượu. Ừ thì uống. Trước mặt tôi là một anh hùng bắn cháy bốn xe tăng trong ngày 18/3/75 giải nguy cho sở chỉ huy trung đoàn. Một mình nó trói gần hai chục thằng tù binh làm một dây dẫn giải vào khe núi. Bọn tù binh rất ngạc nhiên mỗi lần ông giải phóng quát một tiếng là thấy chớp lóe vàng trong miệng. Đến bây giờ nó vẫn còn cái răng vàng ấy. Công nhận vàng thật thì nó sáng mãi mãi .
Ngồi nhìn nó ăn bát phở mà thấy ngon. NÓ ngước lên nhìn tôi mà rằng, bây giờ nhìn các anh thấy thân thiết thế. Ngày xưa cứ ngài ngại. Ô hay, chúng tao ngại mày thì có. Nó buồn buồn. Chả có nhiều chữ, từ Căm Pu Chia về huyện đội lên đến Đại úy là phục viên củng cố hậu phương. Giời thương có nhà cửa vợ con đề huề lại có sức khỏe. Thế là phúc bằng cái đình anh ạ. Chẳng dám lấn đất nương rẫy, chả dám đi buôn đánh quả săn bắn động vật quí hiếm. Hai vợ chồng đến bây giờ vẫn vắt mũi bỏ miệng. Con cái nó ngoan là tốt lắm rồi. Một bước đi cũng giữ, khổ lắm. 
Nó nói tiếp…Kể từ lúc được phong Anh hùng em thành thằng người sường sượng. Ra đường, lên nương, đi đâu họ cũng nhìn thằng Anh hùng… chỉ có nhõn vợ em thì nó không coi Anh hùng là gì. Mình cười phá lên, mày khổ không khác gì mấy con bé Hoa Hậu. Nó méo mó, được như hoa hậu thì đã tốt. Hoa hậu nó nhiều vốn liếng hơn bọn Anh hùng quân đội chúng em. 
Chợt nhớ cái chuyện đang hot trên mạng mấy ngày nay về người Thanh niên Trần Hữu Hiệp cởi áo phao nhường cho một người phụ nữ có thai trên vụ đắm tàu ngoài biển Cần Giờ. Tôi hỏi. Cái cháu Hiệp nó cởi áo nhường cho người khác vào lúc sắp chết đuối giữa mênh mông sóng gió ấy có Anh hùng không ? Có đấu tranh tư tưởng không ? có giống cái sự đấu tranh lúc mày xông ra bắn xe tăng không ? Thiện lặng ngắt. Ngoài đường xe máy toe toe, một con bé váy ngắn quá kéo ghế ngồi bên cạnh Thiện gióng lanh lảnh : bát tái gầu nhé. Nước hoa cô này xịn thế. Cánh mũi Thiện phập phồng. Già rồi mà khíu giác nó vẫn tốt thật. Bỗng nó ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi. Nói rất chậm và khẽ. Đấy chính là Anh hùng

Hai năm sau, vào một ngày mưa như trút tôi, thằng Hoan, thằng Tiêu, thằng Thịnh lên thăm nó vì nghe tin nó ngã xe máy gẫy chân. Gớm, con đường vào nhà nó đẹp như đi du lịch mạo hiểm. Có cái ngầm nước cuồn cuộn. Xe chúng tôi đợi nửa tiếng nước rút mới dò dẫm qua. Cái xã Phấn Mễ nhôm nhoam những gò đồi chỗ san ủi chỗ trồng cây. Nhà nó nép dưới cây muỗm to gộc. Đang bữa cơm lại mưa lại sấm chớp. Vùng này quặng sắt nhiều, sấm sét đánh loe lóe kinh người. Tâm sự như hét vào tai nhau. Cái chân bó bột của nó được ưu tiên gác lên đùi thằng Ngô Thịnh. Rượu ngon, cá ao nhà ngon, chám kho thơm và măng mai ngọt lừ. Nó bảo:
- Thôi các anh đừng gọi em là Anh hùng. Trở thành Anh hùng thì ai cũng có thể. Nhưng ai mà rắp tâm cố trở thành anh hùng thì dứt khoát không phải là anh hùng. Như anh Tiêu anh Thịnh anh Hoan đây, nhiều chiến công mang ra mà phân tích thì anh hùng quá đi chứ. Phải không anh Luân?
- Phải phải. Tôi gật gù tán thưởng
Mấy thằng lại nhắc tới thằng Nguyễn Vi Hợi trên Vĩnh Yên. Thằng Thiện nói như nói một mình. 
“ anh Hợi anh ấy bắn 6, 7 xe tăng một ngày rồi dắt tân binh thui cháy vài cái nữa, có bao giờ anh ấy nghĩ là làm vậy để lấy thành tích đâu?”
Tôi bảo;
- Tiểu đoàn 76 mình có hai thằng chúng mày là của quí của chúng tao Thiện ơi. 
Thiện quay sang vợ:
- Mẹ mày nhỉ, giữ được cái tên này khó lắm. Trở thành Anh hùng thì nhiều nhưng làm người anh hùng thì khó lắm. Kể cả tướng lĩnh phải không bà nó?
Người vợ gầy gò khắc khổ gật gật mái đầu tóc nửa bạc chống đũa nhìn chồng. Ngoài vườn mưa sối sả. Lùm hoa giấy nhà nó rung nghiêng rung ngả.

20/7/2017


VIẾT TRONG LÚC ĂN SÁNG TRÊN ĐƯỜNG HỒ MỄ TRÌ




Sao không quì xuống hả quan chức Việt nam
Trước những mẹ VNAH tai không còn nghe tiếng trống
Bề trên ư ? Nhân danh gì ban phát?
Quan chức nào giờ cũng chỉ kẻ ăn vay

Đất nước chiến tranh đâu chỉ có một ngày
Mà tri ân cứ chỉ chờ năm chẵn
Nào trống nào cờ nào phong bì áo ấm
Mẹ không đứng nổi lên để cúi gập cám ơn

Kẻ phải cám ơn đầu bụng béo tròn
Vỗ vỗ lưng gầy nhăn nhở cười vào ống kính
Ơi những đứa con một thời dũng mãnh
Mẹ của mình thương thương quá linh hồn ơi

Mẹ ơi mẹ ơi. Về nhà đi thôi
Ngồi đó mẹ đau chân không đi nổi
Mét tinh hết rồi cũng lại quên thôi vì còn nhiều chìm nổi
nhiệm kì còn dự án dở dang.

Tri ân tri ân nói lắm cũng nhàm
Mẹ chỉ thương linh hồn con linh hồn đồng chí
Chả quan chức nào mà muốn đặt mình vào vị trí
Của mẹ con mình đâu mẹ ơi!

18/07/2017 

THỜI TRAI TRẺ HOÀ HOA-Đỗ Tiến Thuỵ

Thời trai trẻ hào hoa

Bút ký. ĐỖ TIẾN THỤY
____________________  

Ba mươi lăm năm trước, ngày 15-9-1972, tại đồi Cây Thị, huyện Phú Lương, Bắc Thái, Tiểu đoàn 76-F304B đã làm lễ tuyên thệ chiến sĩ mới cho 500 chàng trai nguyên sinh viên các trường Đại học Y khoa Việt Bắc, Đại học Cơ điện Bắc Thái, Đại học Sư phạm Thái Nguyên...Chiến trường thúc giục, người người xung phong, nhiều người viết đơn bằng máu xin ra trận thì những chàng sinh viên khó có thể yên tâm ngồi trên ghế giảng đường. Chất hào hoa sinh viên được trui rèn qua lửa đạn nên những chàng trai ngày ấy bây giờ nhiều người thành đạt. Chuyện sẽ là bình thường nếu như không có một ngày, hai ông lính ngày xưa một là Đinh Ngọc Sỹ, giờ là Giáo sư tiến sĩ Giám đốc bệnh viện Lao Trung ương và một là Nguyễn Trọng Luân, giờ là Giám đốc xí nghiệp thép Công ty kim khí Hà Nội rủ nhau làm một chuyến vào Nam đến những nghĩa trang thắp hương cho những người bạn cũ. Bắt đầu từ nghĩa trang Hải Lăng, Quảng Trị, đến những nghĩa trang dọc các tỉnh nam Trung bộ, rồi cuối cùng dừng lại ở nghĩa trang huyện Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi nghĩa trang hai ông dừng lại một đêm. “Chúng tôi chẳng tài giỏi gì, chỉ là những người may mắn sống sót qua bom đạn. Chúng tôi vào đây cùng các bạn để ôn lại một thời trai trẻ!”. Khấn xong, hai ông mắc võng ngay trong nghĩa trang cạnh những ngôi mộ trò chuyện rầm rì. Những kỷ niệm buồn vui trong những cuộc hành quân, những trận đánh, những bữa ăn giấc ngủ…đã làm sống lại một quá khứ của một thế hệ sinh viên tòng quân cứu nước. Và thế là một câu hỏi bung ra sau những đêm nằm trong nghĩa trang hun hút gió lùa: Có bao nhiêu người trong Tiểu đoàn 76 đã nằm lại chiến trường và bao nhiêu người trở về? Câu hỏi đó đã thôi thúc một ý tưởng, và rồi một cuộc gặp mặt tại đồi Cây Thị đã được tổ chức.
Ba mươi hai năm trôi qua, cuộc sống xô đẩy mỗi người mỗi hướng, vậy mà chỉ cần một tín hiệu phát đi bằng tin nhắn, mấy chục con người rải rác từ Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Bắc Thái…đã bằng mọi cách tìm về. Thế mới biết, dẫu vật đổi sao dời nhưng tình cảm của những người đã cùng vào sinh ra tử không hề phai nhạt. Những mái đầu điểm bạc, những gương mặt phong sương còn hằn dấu ấn lo toan bất chợt sáng bừng bởi những giọt nước mắt trong veo tuôn trào cùng những nụ cười méo xẹo. Mấy chục ông già bỗng hóa thành trai trẻ. “Ôi thằng Dương! Mày còn nhớ tao không?”. “Nhớ chứ! Mày là cái thằng Luân ngày ở Tây Nguyên đã viết bài thơ đón huân chương của đơn vị chứ gì”. “Mày vẫn nhớ cơ à?”. “Tao không những nhớ mà còn thuộc nữa kia”. Nói rồi ông già hồn nhiên đọc ngay. Cả đoàn cựu chiến binh vỗ tay rào rào sau khi bài thơ kết thúc. Người đọc bài thơ kéo một người đến trước mặt Nguyễn Trọng Luân: “Mày có nhớ thằng này không? Thằng Nguyễn Văn Lệ đã cắm cờ ở căn cứ Đồng Dù và Củ Chi đấy. Còn thằng này là Trần Xuân Thiện, cái thằng đã bắn 3 phát B41 hạ 3 chiếc xe tăng trên đường 7 đây…
Qua những lời thoại hồ hởi, nghẹn ngào, cả một quá khứ được tái hiện.
Đây là anh chàng Hoàng Minh Dương sôi nổi đến nhiệt cuồng, trước ngày đi B đã “tự thưởng phép” để về thăm người yêu, khi làm bản kiểm điểm đã rất uyển ngữ, chỉ nhận mình là… “đi chơi quá thời gian qui định” chứ không phải đào ngũ! Và cũng chính Dương, khi vào mặt trận đã chiến đấu cực kỳ thông minh dũng cảm, trở thành dũng sĩ và được kết nạp Đảng đầu tiên trong bạn bè cùng lứa. Sau giải phóng, cấp trên muốn giữ Hoàng Minh Dương để phát triển cán bộ nguồn nhưng Dương đã khăng khăng đòi về: “Trước khi đi tôi đã hứa giải phóng xong miền Nam là về học tiếp. Tôi phải giữ lời hứa ấy”. Để thể hiện quyết tâm, Dương xung phong nhận…chăn một đàn bò, chờ ngày xuất ngũ! Và Dương đã toại nguyện, được trở về trường học tiếp, trở thành Giám đốc Nhà máy cơ khí Cao Bằng, rồi Phó Giám đốc Nhà máy Giày xuất khẩu Thái Nguyên. Giờ Hoàng Minh Dương đã nghỉ hưu nhưng tâm tính vẫn như những ngày đầu nhập ngũ. Với gương mặt phong trần có phần bụi bặm, ông luôn luôn phản biện lại tất cả những gì anh em đưa ra khiến cho người lần đầu tiếp xúc rất khó chịu. Nhưng ai đã từng sống với ông sẽ hiểu, bên trong vẻ bỗ bã ngang ngạnh của ông là một tấm lòng ấm nóng đôn hậu vô cùng. Cứ nhìn vào cặp mắt rân rấn nước của ông khi nghe nhắc đến bạn bè thì đủ biết.
Và kia là anh lính Đỗ Minh người Hà Nội, sinh viên y khoa nhưng say mê âm nhạc đến nỗi mất ăn mất ngủ, tự mầy mò đục đẽo để làm được một cây đàn guitar giữa chiến trường. Lính ta rất khoái chiếc đàn được làm bằng gỗ thùng đựng đạn và dây phanh xe đạp, có âm thanh “lừng phừng khác đời” ấy, nên cổ vũ rất mạnh. Chiếc đàn ấy chơi được tất cả các giai điệu, từ nhạc hành khúc, nhạc trữ tình cho đến cả…chèo! Không hiểu sao những chàng lính sinh viên ngày ấy lại mê chèo đến thế? Một thống kê bất chợt đã cho thấy rằng: Những tay trở thành dũng sĩ của đơn vị đa phần hát chèo rất hay. Mỗi mùa mưa đến, lính ta bắt đầu tập chèo để tham gia hội diễn. Tập rất công phu, mời “thầy chèo” xuống dạy đàng hoàng. “Thầy chèo” là một anh lính trẻ măng đeo quân hàm trung sĩ nhưng được rất nhiều người nể phục bởi đa tài, bởi ở chiến trường Tây Nguyên ngày ấy anh là một cái tên rất nổi, không chỉ về thơ, truyện, bút ký…mà còn nổi tiếng về dàn dựng các tiết mục sân khấu hội diễn. Người ấy chính là nhà văn Khuất Quang Thụy bây giờ. Bài chèo đầu tiên Khuất Quang Thụy dạy cánh lính sinh viên là điệu Đường trường thu không trong vở Trần Quốc Toản ra quân. Nào, ai còn nhớ thì hát lên! Một câu xướng bắt nhịp, mấy chục cựu chiến binh đồng  thanh hát theo: Bóng ơi, bóng ngả/ Tiếng trống đã thu không/ Ông nguyệt lặn/ Tiếng trống đã thu không/ Nghe hiu hiu gió thổi non bồng / Lâng lâng…
Ông cựu  chiến  binh Đỗ Minh giờ không còn chiếc đàn guitar tự chế, nhưng tình yêu âm nhạc thì đã ngấm vào máu rồi nên ông vẫn đầu lắc lư, tay vỗ bàn đệm cho các bạn. Ngày trước ở chiến trường lính trong đơn vị kháo nhau: Giải phóng về thằng Minh sẽ đi học Nhạc viện, trở thành nhạc sĩ viết nhạc giao hưởng! Chính Đỗ Minh cũng nghĩ mình sẽ bỏ ngành y để theo đuổi ngành âm nhạc. Nhưng rồi anh đã trở về trường y học tiếp, để bây giờ trở thành Phó trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. Cái quyết tâm theo đuổi ngành y của anh lính Đỗ Minh có lẽ được củng cố từ cái buổi chiều cách đây ba mươi hai năm, lúc mà quân đội Việt Nam Cộng hòa bỏ cao nguyên Trung phần rút về duyên hải miền Trung tạo  nên một cuộc tháo chạy hỗn loạn trên đường số 7 kéo theo cảnh loạn ly tang thương của gia đình binh sỹ ngụy quân ngụy quyền. Vợ chồng con cái lạc nhau gào thét khản giọng trong tiếng súng tơi bời. Những người đàn bà bụng mang dạ chửa đã kiệt sức trong cơn binh lửa chỉ nằm chờ chết bên vệ đường đoạn Cheo Reo- Phú Bổn. Những đứa trẻ sơ sinh bị vùi lấp trong đống xác chết kinh người…Trên đường truy kích địch, những người lính giải phóng nhìn những cảnh ấy mà ứa nước mắt. Xếp súng sang một bên, những người lính vốn là sinh viên Đại học Y khoa xắn tay áo cứu người. Một nồi quân dụng to được dùng nấu nước. Những chiếc dao găm được mài sắc. Bông băng cá nhân được tập trung lại…Những người lính chiến thoắt trở thành những thầy thuốc. Hai bác sĩ Đỗ Minh và Đinh Ngọc Sỹ  bồi hồi nhớ lại cái cảm giác rất lạ khi các ông cùng đồng đội đỡ đẻ cho hơn chục ca sản phụ là vợ con binh sỹ ngụy. Trước mắt Đỗ Minh và Đinh Ngọc Sỹ lúc ấy chỉ còn là những cơn đau sản phụ và những sinh linh đang đòi được làm người. Bất chấp hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu thốn phương tiện y tế, bằng những kiến thức y khoa đã học ở trường, những người lính Bắc Việt đã trở thành những bà mụ mát tay cho những đứa trẻ chào đời ngay nơi ngổn ngang chết chóc. Cả đơn vị tíu tít xúm vào làm một thứ công việc ngòai dự kiến một cách tự nguyện. Chính trong buổi chiều ngày 18-3-1975 trên đường 7 mịt mù khói súng ấy, khi xuống suối múc nước về nấu phục vụ cho đồng đội đỡ đẻ, chàng lính sinh viên Nguyễn Văn Chới quê Chương Mỹ, Hà Tây nghe tiếng kêu cứu trong bụi rậm. Anh điếng người nhìn thấy một người mẹ ôm đứa con mới mấy tháng tuổi bị thương máu ướt đầm đìa. Anh cuống quít cởi áo nhúng nước lau máu cho cháu bé rồi ôm thốc về tuyến sau cấp cứu. Đứa bé đã được cứu sống nhưng Nguyễn Văn Chớc thì bây giờ không ai nghe tin tức. Chớc còn sống hay đã hy sinh?
Buổi gặp mặt không có chương trình nghị sự chính trị, chỉ có những câu chuỵên thời quá khứ với những chi tiết sinh động vô cùng, chỉ người lính chiến mới có, thách đố tất cả những tưởng tượng. Dọc đường hành quân gian nan có bao nhiêu hiểm nguy rình rập nhưng cũng có biết bao thú vị đón chờ. Trước đói khát và bệnh tật, những chàng lính sinh viên đã có những sáng tạo độc đáo đến không ngờ. Chuyện kể rằng, phụ nữ Tây Nguyên rất thích…cooc-xê! Họ sẵn sàng đổi một cái cooc-xê bằng những sản vật quí hiếm. Nhưng giữa rừng xanh núi đỏ thì đào đâu ra những thứ đồ xa xỉ ấy? Nhưng chả lẽ lính ta chịu đói trong khi các bộ ngực trần của phụ nữ Tây Nguyên đang khát khao với vật tri âm? Tình thế đã gợi ý, những chàng lính sinh viên tức thì trở thành những nhà thiết kế cooc-xê trác tuyệt. Chỉ với ít nguyên liệu là vải diềm vỏ chăn và diềm mũ tai bèo, những bàn tay vốn cầm bút cầm súng quay sang cầm kim khâu rất dẻo. Những cái cooc-xê xanh xanh màu sự sống được những chàng lính sinh viên mang vào làng “tiếp thị”. Những cô gái Tây Nguyên thật thà như đếm, họ hồn nhiên ướm thử và định giá tức thì những mẫu bộ đội chào hàng: “Ô, cái này to, đẹp, mình đổi cho một con gà hết lớn. Cái này bé quá, mình đổi cho một con gà bé bằng con quạ thôi!”. Nghe vậy, cả dân và lính cười vang một góc rừng…Ít ai nghĩ trong chiến tranh ác liệt lại có những khoảnh khắc thanh bình đến thế.
 Trong buổi gặp mặt này có một người được anh em rất kính nể. Đó là ông Vũ Xuân Diệu, nguyên Chính trị viên đầu tiên của một đại đội thuộc Tiểu đoàn 76. Trước cuộc gặp này, mọi người ráo riết tìm cho bằng được người cán bộ cũ của mình. Ông Diệu nghỉ hưu đã lâu, nhà ở cạnh Hồ Tây. Sợ ông tuổi cao sức yếu ngại đường xa, Hoàng Minh Dương điện thoại về khích tướng: “Bác lên đây, em và bác vật nhau như ngày xưa ở Trường Sơn!”. Nghe thế, ông già 70 tuổi nhưng lưng rất thẳng, mắt rất sáng cười vang: “Tôi còn khỏe chán, vật nhau sợ cậu thua thôi!”.
Ngày xưa ông Diệu đã rất phập phồng lo lắng khi lĩnh trách nhiệm quản lý “mấy ông tướng” sinh viên. Nhiều người nói, lính sinh viên có tri thức, có nhiều tài lẻ nên hay tự cao tự đại, cán bộ không “cứng” là họ bẻ lại ngay. Ông Diệu lắng nghe hết những thông tin ấy và chủ động hòa nhập tìm hiểu. Và cú “vấp” đầu tiên giữa cánh lính sinh viên với cán bộ đơn vị đã khiến ông Diệu suy nghĩ rất nhiều. Ở một chặng dừng chân trên đường Trường Sơn, một nhóm chiến sĩ đã rủ nhau ra suối dùng lựu đạn đánh cá. Không may một mảnh đá đã văng trúng mặt một người. Đơn vị lập tức tập hợp sinh hoạt kiểm điểm. Buổi sinh hoạt kéo dài cả đêm với những quan điểm được nâng lên tột cấp. Bây giờ, sau hơn ba mươi năm, ai cũng tránh nhắc đến những từ ngữ mà cán bộ chính trị đã nói hôm đó, nhưng ai cũng nhớ cái không khí lặng phắc ngột ngạt chứa đựng sự phản ứng ngầm khủng khiếp của những người giàu lòng tự trọng. Đối với những những người lính sinh viên, chỉ một lời nói nhẹ nhàng đã khiến họ day dứt khổ sở lắm rồi. Đằng này… Sau sự kiện đó, không khí toàn đơn vị như có một đám tang u ám.
Là một chính trị viên, ông Diệu có trách nhiệm phải tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của anh em. Sau một thời gian gần gũi, ông mới phát hiện ra rằng, bên trong lớp áo chiến binh của những chiến sĩ do ông quản lý là những tâm hồn cực kỳ phong phú và nhạy cảm. Họ cần được chia sẻ bằng sự đồng cảm thay vì những mệnh lệnh cứng nhắc khô khan. Hiểu được điều đó, ông bắt đầu thay đổi. Ông chủ động xóa bỏ khoảng cách bằng việc cùng họ đọc chung một cuốn sách, bình một bài thơ, cùng họ đi hái rau rừng…và khi nóng thì tất cả cùng ào xuống suối thực hiện bài “tắm tiên” vui vẻ. Ông trân trọng họ bởi dù trong hoàn cảnh chiến trường nhưng tình yêu chữ nghĩa của những người lính sinh viên không một phút nguôi quên. Họ tận dụng tất cả từ giấy gói lương khô, vỏ bao thuốc lá, giấy gói thuốc nổ…để viết. Bí quá thì họ chặt ống lồ ô, lột bỏ phần cật, còn lại phần trắng, xỏ một chiếc que qua ống thế là có một cuốn “vở xoay” cắm ngay chỗ ngủ dưới hầm. Tất cả những sáng tác thơ văn nhạc họa của họ đều được viết trên những cuốn “vở xoay” độc đáo như thế. Khi vào đến Tây Nguyên, ông Diệu bàn giao những chàng lính sinh viên cho đơn vị mới, và trong hành trang quay ra Bắc của ông có một tập hợp thơ của lính sinh viên viết các loại giấy được ông trân trọng lưu lại suốt ngàn dặm hành quân. Tập thơ ấy trở thành một sự kiện ở Quân khu và ông Diệu bỗng trở nên nổi tiếng. Tập thơ được những cán bộ tuyển quân và những tân binh đang rèn luyện chờ ngày đi B chuyền nhau đọc. Và có những bài thơ vẫn được mọi người thuộc đến bây giờ:

Ta lại gặp những chàng trai chân đất
Một nắm rau khoai, một đùm cơm vắt
vẫn săn gân trong những chiều xuất kích
mắt vẫn sáng trong đêm đuổi địch
miệng vẫn cười sau mỗi ván ù mo
và hầm kèo vẫn đầy ắp tiếng thơ...

“Ngày ấy các cậu cũng hoắng lắm!”, ông Diệu cười rung cả mái đầu bạc trắng của mình. “Tôi nhớ, đơn vị hành quân vào đến Binh trạm 46, một khu rừng thuộc tỉnh Quảng Nam thì gặp “Cây đại học”…
Nghe nhắc đến “Cây đại học”, mấy chục ông già đang sôi nổi bỗng chùng giọng gãi đầu bẽn lẽn. Số là trong một chặng dừng chân, có chiến sĩ bất chợt nhìn lên thân cổ thụ ven đường, trên vỏ cây sần sùi trăm năm, ai đó đã dùng dao găm khắc một dòng chữ đầy ngạo nghễ: “Nguyễn Văn T- sinh viên Đại học Kinh tế kế hoạch”. Không nói không rằng, chàng lính sinh viên của Tiểu đoàn 76 đứng lên rút dao găm khắc tiếp lên trên dòng chữ “Trần Khắc B - sinh viên Đại học Y khoa Việt Bắc”. Ô, ông khắc được còn tôi không biết khắc chắc? Thế là từng người, từng người công kênh nhau lên. Những dòng chữ nối tiếp nhau. “…Sinh viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên”, “…Sinh viên Đại học Cơ điện Bắc Thái”…và còn nhiều tên sinh viên của nhiều trường đại học nữa trên miền Bắc được tạc vào thân cổ thụ như một biểu tượng hào hoa trên dải Trường Sơn. Bây giờ ngẫm lại hành động hồn nhiên thời trai trẻ, ai cũng thấy ngượng ngùng. Nhưng nếu được trở lại thời ấy ắt hẳn mọi người vẫn sẽ hành động không thể khác.
Ba mươi lăm năm, những người lính trở về đúng nơi mình xuất phát. Họ đứng lặng ngắm đồi Cây Thị vẫn xanh tươi cây lá bằng một tâm thế suy ngẫm. Một tiểu đoàn sinh viên gần 500 người ra đi, giờ gặp lại chưa đủ một phần mười. Trong số người trở về có những người đã mang danh hiệu Anh hùng, hàng chục người trở thành giáo sư tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nhà văn, doanh nhân..., đáng tự hào lắm chứ! Thế nhưng ai cũng cố tránh nói về mình. Già cả rồi, về hưu cả rồi, công danh sự nghiệp còn ý nghĩa gì đâu. Cái đáng nói là thời trai trẻ hào hoa trong cuộc trường chinh cùng đất nước. Và cái đáng nhắc, đáng ghi nhớ là những người đã vĩnh viễn chẳng trở về. Con số đó là bao nhiêu? Câu hỏi này ong ong trong đầu mỗi người nhưng không ai muốn trả lời cụ thể. Đó là lí do vì sao bữa cơm thân mật mà Huyện đội Phú Lương dành chiêu đãi các cựu chiến binh đã trầm lắng hơn dự kiến. Trước mâm cỗ ê hề thịt cá, những người lính sinh viên năm xưa lại lén quay đi lau mắt. Thời gian khổ đói ăn thiếu mặc tưởng đã lùi vào dĩ vãng xa xăm ngờ đâu lại trở về trong khung cảnh này. “Nào, chúng ta cùng nâng ly tưởng nhớ những người không về!”. Sau tiếng cụng ly chộn rộn là cả một quãng lắng lê thê không tiếng động. “Có ai nhớ thằng Khoái không?”. Mấy chục cặp mắt vừa nghe nhắc đến cái tên ấy bỗng bất ngờ rấn nước. Và tất cả cùng buông đũa thở dài. Ba mươi mấy năm trước, chàng lính sinh viên tên Khoái sốt rét ở một khu rừng Hạ Lào. Trời mùa khô nhức nhối. Giặc vây bốn phía. Cạn lương, cạn thuốc. Anh cứ nằm đó vật vã với từng cơn nóng lạnh suốt mấy tuần liền thì kiệt sức. Vào cái ngày cuối cùng thê lương ấy, anh chợt tỉnh táo. Anh nói rằng anh thèm ăn một tô cháo thịt để rồi chết khỏi trở thành ma đói. Trước đề nghị cháy lòng của anh, đơn vị đã vét những hạt gạo cuối cùng ra nấu cháo. Một tổ được cử đi săn đã mang về một con nai khá lớn. Nhưng nồi cháo thịt vừa chín thì cũng là lúc anh tắt thở. Đơn vị đã cáng anh đi ròng rã nửa ngày mới tìm được một vạt rừng có nhiều cây môn thục. “Khoái ơi, chúng tao đặt mày nằm chỗ này có rau môn thục để mày ăn thay cơm, khỏi lo đói nữa!”. Đặt anh xuống huyệt, lấp đất rồi, những người lính sinh viên còn chặt rất nhiều hoa quì dại đắp lên mộ bạn. Ngôi mộ hoa quì vàng rực như nắng ánh lên giữa rừng chiều mùa khô rợn lạnh.
Ngày ấy cách đây ba mươi mấy năm rồi…



Đ.T.T