Friday, November 17, 2017

Laị một mùa hoa Dã quì




Trở lại Kon tum sau 44 năm tất cả chúng tôi đã già. Tất cả những dấu xưa không còn nữa chỉ có cái nắng cái gió thì vẫn như xưa. Chỉ có màu vàng của hoa Dã quì thì vẫn vàng. Vàng đến rưng rưng cả chiều Tây nguyên. 
Xe dừng lại ở Rờ kơi. Con suối nay yên bình trong nắng. Chúng tôi để lại các bà vợ đi theo ở đây, còn những ông chồng lính cũ 320 thì lên xe đi tiếp. Từ đây chú lái xe còn trẻ không được cầm lái. LÍnh già “Hải bọ” cười hơ hơ, đây mới là việc của lính vận tải 25, mời các chú “ cố đỉn ‘lên ba lô. Qua suối, chạy chừng 2 km lại lội con suối nước bùn rồi lên nương. Nắng hắt từ phía Chư Mom Ray nóng cả lưng. Đất đỏ ngầu bụi, lên cái nương có cây kow nia cô đơn lại vẫn thấy cái lều nương và một người đàn bà cho con bú trên nương. Càng lên cao đỉnh 1015 càng thấy bàng bạc. Mùa mưa làm những con đường lên núi sẻ thành nhiều cái rãnh sâu cả mét. Xe căn tránh những cái vạch phân thủy nặng nề lật xật. Chúng tôi ngồi trên xe căng cứng đầu óc. Chỉ một cú xa bánh xuống rãnh con xe nặng hơn hai tấn này sẽ thành buồng ngủ của chúng tôi đêm nay trên Ngọc Rinh Rua. Tôi bấm Nguyễn Duy Việt, xuống xe đi bộ ông ạ. Việt cười tươi. Chúng tôi xuống, chui qua những vòm cây đót bông khô trắng vạch những cành le chùm xuống đường. Xe còn lại Hải và Thế Tân sư trưởng 320 ì ạch leo lên. Đến bình độ 500 , Tân xuống nốt chỉ còn Hải quyết tâm cho con Langcruse 4.5 dốc ngược chui rúc qua những cành cây lên tiếp. Chỉ sợ xe lật, gọi Hải, Hải ơi thôi bỏ xe lại đi. Leo bộ. Hải ló cô ra cười, ăn thua gì ngày xưa. Tôi và Việt chụp ảnh con xe của Hải rồi kéo nhau leo dốc thở hí hóp. Đến bình độ 800 thì một cây gỗ chắn ngang đường to như cái nồi áp xuất. Hải bọ chửi, Mẹ cái loại cây chối tỉ. Đổ ra chỗ nào không đổ lại chắn ngang đường. 
Bỏ xe lại đó chúng tôi leo bộ tiếp chừng 500 mét. NHận thấy không thể lên bằng xe nữa cả mấy thằng đứng nhìn về Chu Mom ray dãy núi mờ như sương chìm vào nắng chiều. Việt bảo tôi, chả hiểu sao mà ngày xưa quân mình tiếp cận một đêm mà vào đến nơi nhỉ? Hải bọ mắt sáng lên khi chỉ tay về phía ngày xưa đã nằm trong bãi cỏ tranh bắn chặn bọn thám báo đang mò tìm kho A3 của quân mình. Hải la toáng lên, đó đó tôi đã nhìn thấy vị trí kho A3 rồi. Nguyên Sư trưởng Nguyễn Thế Tân đứng lặng le nhìn lên đỉnh 1015. Tân quay lại hỏi tôi, nhiều mỏm thế kia mỏm nào là sở chỉ huy của quân dù? Tôi chỉ cái mỏm tròn như cái bình vôi cao nhất đó. Tân lẩm bẩm, về mặt quân sự thì đây là căn cứ tuyệt vời chặn toàn bộ quân ta từ phía tây muốn tiến vào Dak To Tân Cảnh. 
Một đôi vợ chồng người Ê đê gùi sắn đi xuống. Ầy dà cái xe ô tô là không đi được đâu. Cái cán bộ đi về thôi , cái cán bộ không ngủ được trên Sạc li mà. Không có cái nước cái cơm đâu. 
CHúng tôi quay về, tôi và Nguyễn Duy Việt phải thỉnh thoảng nắm tay nhau những chôc xuống dốc quá. Có lúc túm ngọn cây rừng mà xuống. Con 4.5 sau một hồi xoay sở nát vài chục hốc mì cũng quay đầu lê xuống núi. Hoàng hôn buông sau ngonj Chư Mom ray. VIệt buồn buồn.
- không lên được đỉnh để mà cắm nén hương xuống mảnh đất mấy trăm đồng đội chết tháng tư năm ấy, buồn quá Luân ơi.
Bên cạnh tôi không phải là một ông chủ tịch tỉnh nữa. Nguyên si là một thằng lính đi tìm đồng đội. Năm 1974 Việt đã từng là một đại đội trưởng trong trận làng Siu. Đại đội của Việt đã tấn công diệt nhiều địch và thu một khẩu pháo 155 li kéo về cho Sư đoàn. Bây giờ khẩu pháo đó ở khu tưởng niệm Sư đoàn. Mọi người vẫn gọi khẩu pháo ông Việt. Bao năm chiến đấu , rồi bao năm lăn lộn với đời thường không lúc nào những người lính chúng tôi nguôi nhớ về đồng đội , nguôi nhớ về một thời chia nhau miếng sắn mà xuất kích một thời mà máu và sắn luộc trộn lẫn trong mùa hoa Dã quì vàng nức nở.
Việt gọi tôi, rồi chỉ sang vạt rừng phía cao điểm 1049
- Luân ơi hoa Quì đẹp thế mày nhỉ. 
Tôi nhìn theo tay Việt. Khoảng rừng vệt sáng vệt tối trong hoàng hôn le lói vàng. TRên dãy Ngọc Rinh rua này biết bao cái tên cao điểm mà gõ vào Google là ra ti tỉ bài viết về nó. Đó là Charlie, đó là Denta …và với chúng tôi đó là 1015, 1049 là phòng tuyến Pô Cô …
Nguyễn Duy Việt nói như nói một mình:
- Vậy là đã hơn bốn mươi mùa hoa mày nhỉ. 
Tôi lặng im bám vào tay Việt để tụt xuống dốc. Ừ phải mày ơi. THế mà những người bạn mình nằm lại đây chỉ có mỗi mùa hoa năm 1972 thôi. 
Lại một mùa hoa Dã quì nữa sau lần đi ấy. Tôi nghe điện thoại của bạn tôi, mày ơi sắp đến ngày chúng mình sẽ dựng bia trên 1015, trên Chư Bồ, Làng Siu rồi mày ạ. Tôi nghe thấy nhịp tim mình vui rộn rã. Lại nhớ cái hôm tôi và Nguyễn Duy Việt vừa leo núi vừa ước ao sẽ có ngày trở lại 1015 thăp nhang bên bia tưởng niệm đồng đội của mình.

Giấu lạnh vào đông


Cỏ lụi xanh mùa vào đất
Tiếng chim giấu nhau vào sương
Hoa súng giấu vào mặt ruộng
Mùa đông ửng má môi hường

Con tàu mang niềm khắc khoải
Trôi về một phía hoang vu
Hoa tím như là cúc áo
Giấu nhau đi khỏi mùa thu

Có triền rau cải
Đem mùa đông về bên sông
Hoa vàng giấu không nổi gió
Lạnh nhiều nên cứ lung liêng

Mặt trời lăn về xa lắm
Giấu sao cho kín mùa đông
Em bảo giấu anh vào ngực
Để mùa nhau không lạnh lùng
30/10/2017

BIỆT PHỦ SỒI GAI


Năm ấy 14 tuổi nhưng thằng Tiến còi như cây sậy. Vào lớp 8 được vài ngày nhìn bạn bè nhớ tên lõm bõm. Lớp học dưới gốc cây Lụ cổ thụ và con suối mọc những cây lau to như cây mía, lá lau chém vào nhau mỗi cơn gió loạt soạt nghe ghê răng. Mỗi bàn có 4 người nhưng bàn thằng Tiến mới có 2 đứa. Cuối tuần ấy có thêm một đứa vào lớp. Thế là Tiến có thêm một bạn ngồi kế bên. Tiến nhớ lắm, hôm ấy có đứa con gái lạ hoắc phổng người ôm cái túi quần áo sách vở to như tay nải người đi sơn tràng ngồi ở gốc lụ. Cô chủ nhiệm dẫn nó bước qua hào giao thông vào lớp, cô chỉ cho nó ngồi bàn thằng Tiến. Chả có giới thiệu gì hết. Thời buổi kháng chiến nó vậy. Con bé mới đến lấy giấy bút cặm cụi ghi bài. Cái kiểu ghi chép của nó rụt rè ngược lại với dáng vẻ to con khỏe khoắn của nó. NHững đứa ngồi sau nhìn cái lưng dài và cái vệt cooc xê của nó phát nể. Tiến nể lắm.
Tan học nó ôm đồ đi về phía dốc sồi gai. 
Lại nói dốc sồi gai, nó là cái tên nghe đã choáng với lũ học trò. Đó là một ngọn đồi cao và rậm rạp. Vượt qua nó sang xóm Hùng Thanh. Leo dốc sồi gai mệt nhưng thú lắm. Nước róc rách chảy thành đường, con đường đầy những tảng đá trơn nhẵn không bao giờ có nắng nhưng rất nhiều hoa chuối rừng và nhiều cây bứa quả chín vàng. Đặc sản của sồi gai là vắt. Vắt nhổm lên từ những phiến lá dong ngó nghiêng về phía có mùi người rồi thoăn thoắt đi kiểu đo thước mét tới chân các cô học trò trắng như củ sắn mới bóc mà bu bám. Thằng Tiến đã mấy lần vào dốc Sồi gai lấy măng và nhặt trám nên nó biết sự vượt sồi gai đáng nể cỡ nào. Nhưng cả lớp ai cũng biết sồi gai rất hay có cướp. Nghe đồn có cả những thằng cướp táo tợn lột cả quần áo con gái. Nghe thế tụi học trò kinh là phải. 
Vài hôm sau, trong lúc vừa nghe thày Lý Đắc Tốn giảng địa lí Tiến viết mẩu giấy đẩy bằng tay phải sang phía cô gái phổng người. “ mày ở với ai bên Hùng Thanh?” . Có tờ giấy gửi lại bằng tay trái. “ Tao ở với thằng Hải em tao”. À thì ra nó là chị họ thằng Hải ngồi ở đằng sau. Nghĩa là nó hơn tuổi mình. Thằng Tiến vội rụt cái tay phải khuỳnh khuỳnh về. Liếc sang thấy con phổng người cười mủm mỉm. 
Một bữa đang giờ cô chủ nhiệm máy bay ù ù ném bom thị xã. Cả lớp chạy ra hầm trú ẩn. có hai giao thông hào chạy vào lớp ở trên đầu và cuối lớp. Học trò nhảy xuống rồi chạy ra các ngách hầm qui đinh tên từng tổ. Con bé phổng người nhảy xuống trước thằng Tiến nhảy sau. Ai dè Tiến nhảy lên lưng nó, nó cõng luôn Tiến chạy mấy bước mới gỡ khỏi nhau. Ngồi trong hầm hai đứa nhìn nhau ngượng ngượng là…Đạn nổ trên đầu choang choác. Vài phút sau những mảnh đạn cao xạ rơi chí chát xuống khu trường. Dưới chân đồi có cây Lụ cổ thụ, đàn vẹt ăn quả lụ chín kêu choè choẹt. Con Châu nắm tay thằng Tiến. Nó bảo, đếch chết được đâu Tiến ạ. Tiến run bắn người, bàn tay con Mộng Châu ấm thế.
Tháng sau trời rét. Cái Châu mặc cái áo bông cổ lông cừu Trung quốc to sù. Bây giờ thằng Tiến gọi nó là Mộng. Mộng ơi Mộng à, vì tên lót của nó là Mộng Châu. Cái Châu nghe hay hay, cười mủm mỉm. Tao gọi mày là Bùi nhé. Thằng Tiến giẫy nẩy. Thôi đừng. Ngộ nhỡ mày nói nhịu chữ bùi. Con Châu cười, cái cười nó hệt như suối reo.
Sang kì 2 lớp 8 . Lớp đã từng một lần đi chặt nứa lõng bè ra sông Thao bán lấy tiền gây quĩ. Tổ thằng Tiến may mà có Châu to con, chứ nếu không chả thể hòan thành kế hoạch mỗi đứa 40 cây nứa một ngày. Lại đóng mảng rồi tự lõng ra sông. Cái Châu làm thoăn thoắt. Nó kéo nứa trên rừng xuống, nó lội dưới suối cuốn mảng cứ như đàn ông. Cả tổ nhìn nó quần lụa dính chặt vào đùi, căng cớn. Tóc nó quấn ngược lên đầu rồi buộc khăn như người lớn. Thằng Tiến bì bõm bên cạnh nuốt nước bọt ừng ực. Sau đận ấy cả lớp mới biết con Châu quê tận trên Bạch Yên. Nhà nó ở Châu Phú Thượng sát bờ sông Hồng. Bố mẹ nó bảo phải xuống học trường thị xã mới giỏi giang lên được. Thế là nó phải đi xa nhà tới 5 chục cây số và một tháng mới về nhà một lần lấy gạo. Chuyện nó đi về cũng li kì không kém. Từ nhà nó xuống trường nó toàn đi bằng mảng nứa. Nó bảo mỗi tháng nó về nhà cho đầy sắn khoai rau dưa lên mảng nứa . Mỗi mảng 200 cây nứa xuôi sông. Chỉ nửa buổi về đến thị xã Yên bái. Nó bán ngay mảng tại bến Ô Tào lấy tiền tiêu pha còn đeo gạo đem rau về trường. Lần đi về thế nào nó cũng bỏ một ngày học đi bộ 50 cây số từ sáng thứ 7 đến đêm về đến nhà. Nó bảo, tay nó luôn cầm con dao quắm chả thằng nào dám bắt nạt. Thằng Tiến nghe, nuốt nước bọt đánh ực.

Châu Mộng học không giỏi. Bù lại việc gì của lớp nó cũng tốt. Thầy giáo bảo, nó mà học giỏi nó làm lớp trưởng ngon. Thằng Tiến ngước mắt lên rồi cụp xuống rất nhanh. Nó nghĩ Mộng ơi, mày đừng làm lớp trưởng. 
Có một ngày thằng Tiến khóc. Ấy là ngày tổng kết năm học lớp 9 . Đầu năm ấy là cữ chiến thắng Mậu Thân, ta đang đánh dữ dội ở trong nam. Con Châu nói với Tiến, tao chán học lắm rồi tao muốn đi bộ đội vào nam cơ. Tiến tròn mắt nhìn Châu. Cái lúm đồng tiền phơn phớt lông tơ của con Châu động đậy. Rồi nó nói, tao không muốn học nữa. Nó lơ ngơ nhìn ra cửa lớp có bụi lau rất to và cây giàng giàng quả đỏ. Con suối dưới gốc lụ réo óc ách, nơi mỗi buổi nó sắn quần là khối thằng nhìn theo. Thằng Tiến viết cái thư trong lớp vo lại đẩy sang con Châu. Thư rằng
” Mộng ơi mày nghỉ học thì tao cũng đúp mất thôi. Đi học không có mày tao học không vào”. 
Quay sang thấy con Châu cười. Nụ cười như người lớn. Nó vo cái giấy cho vào miệng nhai nhai. Đúng lúc ấy thầy giáo dậy Nga văn gọi hai đứa đứng lên. Thày nói nhẹ nhưng gằn gằn: 
- “ Hai em đi ra khỏi lớp để tôi dạy những người khác đang cần học hành “ 
Châu đi ra trước, thằng Tiến ra sau. CHúng nó chèo qua dãy giao thông hào có một cây khế chua còng còng. Cái Châu không nói gì nó lấy cái cặp ba lá vạch vào thân cây khế dòng chữ “ 8/3/1968 CHÂU TIẾN ”. Thằng Tiến nói rằng cả cuộc đời chưa bao giờ có niềm hạnh phúc như lúc nhìn thấy dòng chữ ấy.

Mộng Châu đúp lại lớp 9 rồi năm học sau không thấy nó xuất hiện ở trường. Cái lớp học ở gốc lụ mái lá sau đợt hè xụp xuống. Năm lớp 10 trường chuyển qua dốc Sồi Gai sang Hùng Thanh. Thằng Tiến buồn lắm. Mộng ơi giá mà còn cậu nhỉ,…
Hôm dọn bàn ghế khiêng qua dốc Sồi Gai thằng Tiến ra gốc khế ở khu rừng trường cũ nhìn dòng chữ Mộng Châu đã khắc đầu năm 1968 . Nó lấy mũi đinh 5 phân vạch theo nét chữ của Châu. Nó đọc đi đọc lai cái dòng chữ đã đổ nhựa nâu hồng. “ “ 8/3/1968 Châu Tiến”.
Nó bảo, hạnh phúc đầu đời của nó là ở gốc khế.

Thằng Tiến đi học ở nước ngoài. Tiến ghi trong nhật kí những mùa tuyết trắng châu Âu ‘ Tôi nhớ làm sao mùa măng đắng quê tôi cũng vào mùa vừa tan rét. Tôi nhớ những buổi đi lấy măng với Mộng Châu. Lúc Châu ngồi bờ suối kéo quần lên gỡ vắt. Cái bắp chân non có dòng máu hồng hồng chảy xuống suối có những con cối xay làm tình trên mặt nước.”
Học về, nó ở Thủ đô rồi ngang dọc tứ xứ. Đời nó chả biết khổ là mấy chỉ thăng tiến rồi ngao du. Đó người có số. Từ ngày có đường cao tốc lên biên giới với nướcTàu. Tiến đi Sa Pa có đến dăm lần. Lần đầu, lần hai không ấn tượng gì. Lần thứ 3 nó nhìn rõ cái biển đề Châu Phú Thượng lúc dừng xe ăn cá sông theo lời giới thiệu của mấy chú công an sở tại. Ông Tiến bỗng nghẹt tim nhớ về thuở học cấp 3 ở tỉnh này.
Bữa trưa ấy mặc mọi người đang say sưa với cá nhồng cá ngạnh ôngTiến ra bờ sông hỏi bà bán nước. Run rủi làm sao bà quán này là người hay chuyện và thạo chuyện. Bà bảo, ối giời ôi bác cũng biết bà Mộng Châu à? Bà ấy đẹp bao nhiêu lại tài bấy nhiêu bác ạ. Bà có chồng là tỉnh ủy đấy. Bà về Châu PHú Thượng này làm đồn điền ao chuồng xanh sạch đẹp lắm. Con cái toàn giàu có nứt nở bác ạ….Ông Tiến nghẹn nghẹn nơi cổ. Hỏi vội. Bà ấy còn sống ở đây không hở chị? Bà quán nước nhìn ra sông, thở dài. Người tốt thế mà chuân chuyên. Nghe đâu con rể buôn chổi đót bán dép tổ ong mà làm tới quan tỉnh. Cái khu sinh thái vườn ao chuồng của bà ấy có tên là “ Vườn thắm Sồi Gai” đứa con nó đổi tên thành ‘ BIỆT PHỦ SỒI GAI” . Từ hôm ấy bà Mộng Châu không về đấy nữa. Nghe đâu bà về dưới Phú Thọ mua cái nhà con con ven sông Hồng chỉ để buôn măng đắng mỗi năm một mùa thì phải.



Cuối tháng 11 năm ấy , ông Tiến đi xe con về trường cũ kỉ niệm 60 năm thành lập ngôi trường của ông. Ông đi về xóm gốc Lụ một mình. Con suối cũ nay bị lấp để xây dựng khu công nghiệp nam thành phố. Ông lẫm chẫm ngẩn ngơ cả buổi để xác định vị trí cái giao thông hào lớp ông ngày xưa để tìm ra gốc khế còng còng. 
Tháng 11 sương nhè nhẹ. Heo may nhè nhẹ. Những sơi mây trắng cũng nhè nhẹ bay qua sông Thao lên núi Hoàng Liên Sơn. Người đàn ông tuổi ngót thất tuần lặn lội trên đồi giống hệt những cựu chiến binh già đi tìm đồng đội.
Sáng hôm ấy, có một tốp công nhân đi làm đứng nhìn ông Tiến mò mẫm trên đồi. Họ ngạc nhiên lắm.

Yên Bái  tháng 10/ 2017

Nắng đầu đông

Nắng đầu đông
Đàn ong bay ở phía cuối rừng
Đi tìm nhau
Phách nhịp của rừng thắm lại

Lớp cũ bạn bè áo đỏ
Mình đang trẻ lại như nắng
rừng thì già từ ngày xưa
Áo người bạn thủa nghèo thơm thế
Rừng ơi
13/11/2017

THÀNH PHỐ NHIỀU MĂNG ĐẮNG.


Nắng đầu đông thơm như mật, sương không muốn tan trên rừng quế rừng vầu, quảng trường nơi ngày xưa chúng tôi đợi xe về xuôi vào đại học, bạn gái ở nơi nào có về kịp không?
Có những ông già ở rất xa ngó nghiêng lấp ló, mặt trời lên từ phía trường cũ Thanh Hùng, Tiếng còi xe giật thót cả mình, cười hớ hớ ở chỗ có nhiều cây sấu như cổ thụ. Có chiếc xe giường nằm xuôi Mỹ Đình chú lơ xe thò cổ, mấy bác già kia có đi không?
Có một bà già cười móm cả răng, khúc khích ở chỗ ngày xưa bịn rịn, rồi ngấn ngấn đi tìm con suối soi hình trao nhau cái khăn mùi xoa thèn thẹn, bạn về xuôi đừng quên bọn chúng mình, bạn đừng quên mùa măng đắng quê mình, bỗng vỡ òa tiếng cao xạ bắn tàu bay Mĩ
Có một cái đền rất hoang ngày xưa mà bây giờ có tấm biển đề rất rõ. Có một ông già rất chi là lọ mọ tìm về nơi đèn đóm một mùa thi, bài vở tàn đêm nát nhau sợ ma, bạn ôm chầm nhau chạy trong rừng tối. Ông già ấy từ miền nam về mà vẫn nhớ mùi tóc rối, nơi ngày thi hết cấp để xa nhau.
Cây sâu già ở đâu? cây cầu soi gương ở đâu? Hoa mua núi tím ở bài thi biền biệt. Có người đứng ở chân rừng vầu khản gọi người vác súng đi xa tít , có người ra ga đêm lạnh sông Hồng đón chuyến tàu về ăn tết, mùa măng đắng quê mình ngai ngái áo hôn nhau.
THị xã lên đèn hóa ra Thành phố, rừng nứa rừng tre thành những tên đường, có một chuyến xe từ Hà nôi lên, đứng ở dốc Nam Cường ngẩn ngơ đi tìm sân trường cũ. Có một ông già nắm tay bà già buồn khôn tả, hỏi nhau cái hồ Nguyễn Thái Học ở đâu? một dải mây trắng qua đầu, mây vẫn bay như hồi xưa cũ
Nắng đầu đông nắng quê mình thơm thế? đi tìm nhau chân lẫm chẫm qua đường. Có một bà già ở tận Sài gòn ôm một ông già về hưu Yên bái. ước gì mùa măng trở lại, em nướng cả chiều Yên bái vào đêm, em lật cả những vùi lấp bề bộn lãng quên, em sẽ moi lên dòng suối. Dòng suối có tên trường năm mươi năm quên lãng..
NHững là cờ với hoa những là liên hoan bên bờ sông chiều tím, những tà áo rất chi lạ lẫm với chúng mình. Có một người tay bóp tay mình nhìn xuống chân ông bạn già đi giày rất đẹp, rồi òa khóc, khóc một thời người yêu tôi không có dép, anh ấy đi mãi mãi chả trở về.
Bài học làm người ở những măng tre, rừng mọc lên lớp lớp mùa măng đắng, rừng cứ như thể cội nguồn họ mạc những đứa con Yên bái ở đâu về. Dẫu tướng sĩ nông thương vẫn chỉ một bóng che là cái bóng của rừng của một vùng thành phố, THành phố chỉ là những tên cây số . Những con số xếp hàng đi mãi tới tương lai. Ơi những người nửa thể kỉ bạn của tôi, nhà các bạn ở cây số mấy? Tìm về đây với trường xưa yêu dấu rồi tôi đi tìm lại nhà người yêu ở dưới cánh rừng vầu.
Yên Bái 13/11/2017

KỈ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO Ở TRONG RỪNG TÂY NGUYÊN


Tôi được ở với các anh thầy giáo tròn 2 tháng. 
Ấy là vào cuối mùa mưa năm 1973. Tháng 10 tôi được gọi lên trung đoàn viết bài để đón Huân chương. Viết xong thì cũng đã cuối tháng 11. 
Một tối ở dưới nhà hầm , các anh Hỏa , Thủy, Vận ( là thày giáo cấp 3 nhập ngũ ) và Hữu Thảnh rì rầm. Tôi ghé vào nghe lỏm. Anh Hỏa nói:
- Tớ còn một bò lạc dấu từ hôm sang bắc đường ( đường 19).
Anh Phạm Hoài Thủy nói ngay : 
- Tớ còn 2 lạng đường đấy. 
- Xong rồi. Tôi nấu kẹo cho các anh.
Anh Thảnh và tôi chầu rìa cười kiểu cười thu hoạch. Chúng em canh gác cho nhé...

Tối hôm ấy, 19/11/1973 chúng tôi ngồi chờ anh Vận nấu kẹo lạc. Chớm đầu mùa khô, nhất là vừa bị mất Chư Nghé hồi tháng 9 nên đêm nào pháo địch cũng bắn. Lúc đầu bọn Hàm Rồng bắn, sau đó thì pháo Thanh An, pháo từ chốt Mỹ đồn Tầm bắn ùa theo. Đêm mùa khô trời trong veo vỡ ra rồi lại lành trở lại sau mỗi trận pháo.
Kẹo lạc lam nham trên miếng vải mưa cắt ra từ túi đựng gạo thơm hôi hổi. Chúng tôi nhường anh Hỏa anh Thủy nếm trước . Giữa lúc ấy pháo lại giã bong bong
.Anh Thảnh kêu thét lên ối giời ôi! 
Tiếng pháo ngớt, mọi người xô vào Thảnh.
Mày Bị à ? Mày sao không Thảnh ơi. 
Hữu Thảnh vẫn nhai kẹo :
- Ôi giời ôi , ngon quá. 
Hóa ra là Thảnh kêu lên vì kẹo ngon quá chứ không phải vì trúng đạn pháo. Trong đêm mùa khô, Tây Nguyên ngọt ngào đến thế. Ngoài cửa nhà hầm vẫn có tiếng tắc lè. Và trên cao những giọt sao vẫn rơi trên nương rẫy trong veo, tĩnh lặng.
Có tiếng hỏi từ ngoài cửa hầm:
- Các anh tuyên huấn làm cái trò gì vậy? Các anh không phân tán để chết cả nút à? Làm cái gì? Cái gì?
Tiếng đại úy Nguyễn văn Đác gắt gỏng. Đại úy vừa dứt anh Hỏa nói ngay:
- Báo cáo Chủ nhiệm. Anh em chúng tôi kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam ạ. Xin Thủ trưởng cho phép.

Rừng im lặng . Không có tiếng pháo. Bỗng bật lên tiếng nấc của tắc kè, tắc kè. Trong hầm chúng tôi nắm lấy tay nhau không ai nhai kẹo nữa. 
Ông đại úy đi về hầm mình. 
Anh Thủy lên tiếng, thằng Luân hát bài " Tan hội anh về " đi em.
Tôi hát khe khẽ.
Hát rằng :
“ – Thôn em cách một dòng sông,
Sang chơi qua một con đò
Bên em ruộng lúa bờ tre
Thôn anh ruộng màu tươi tốt… »

Lại có tiếng tắc kè . Rừng hiền thế, nó xanh đen lại và không có tiếng pháo kích.
Ai cũng ngậm miếng kẹo lạc trong mồm không dám nuốt. Để cái vị ngọt nồng ấy kéo dài trong mùa đói.
Tôi hát tiếp :
« ..Bao đêm trăng hẹn hò bên sông , bao đêm trăng hẹn hò bên sông.. »
Đến lúc ấy thì hai anh HỎa và THủy bật lên. Các anh hát :
…_ ’ Thách thức thôn chàng thôn em / thách thức thôn chàng thôn em
Trồng nhiều ngô lúa khoai tươi tốt
Bên em thua..em thành người làng bên
Bên anh thua…xin đừng qua sông.. »

Khuya lắm, đến đoạn kết của bài hát quê mùa trung du thì các thày giáo trong hầm cũng thổn thức. 
« ..tan hội em về chàng ơi/ tan hội anh về ơi nàng ơi.
Nhìn chuyến đò ngang
Trăm nhớ ngàn thương… »

Hôm ấy là 19/11 năm 1973. 
Hôm nay 16/11/2017 . Tức là sau 44 năm. Anh Lê Hỏa , anh Hoài Thủy , anh Đức Vận là ba thày giáo cấp 3 ở Vĩnh Phú nhập ngũ năm 1972 đã thành người thiên cổ. Chỉ còn tôi và Họa sĩ Hữu Thảnh ở Bộ Công An còn sống. 
Các anh ơi các thày của em ơi, những người đồng đội của em ơi. Em có nhời chúc mừng 20/11 tới các anh. Dù các anh ở tận suối vàng thì em gưi theo khói hương các anh nhé.

Lời chú : các thày giáo hôm ấy 
- Anh Lê Hỏa sau khi ra quân về làm Hiệu trưởng PTTH Hạ Hòa Phú Thọ
- Anh Phạm Hoài THủy về dậy ở PTTH TRần Phú Vĩnh yên rồi về Bộ GD
- Anh Đức Vận . về dậy trường CĐ SP Phú Thọ .

16/11/2017

TẾT XƯA TẾT NAY


( tôi đã viết bài này về cô giáo cũ của tôi. Mới đây tối 12/11/2017 nhân về dự hội trường 60 năm anh em tôi và bạn tôi từ SG ra đến thăm cô. Cô yếu quá không đến dự với lớp tôi được. Thương cô tôi lại treo lại bài này và Kính Chúc cô mạnh khỏe)


Lúc bé đi học, lứa chúng tôi đều được dạy Mồng một tết Cha mồng hai tết mẹ mồng ba tết Thầy 
Lễ tết cứ tuần tự, bên nội bên ngoại, rồi thầy giáo, rồi đến những người thân thứ tự cứ thế mà làm không làm được thì cứ thế mà nhớ. Tôi có cô giáo tên là Hà thị Trịnh dậy cấp 3 thị xã Yên bái từ năm 1960. Cô là người cùng làng và cũng là người thầy đỡ đầu để xin cho anh em tôi vào học muộn ở trường cấp 3A thị xã Yên bái. Bố tôi bảo, không có cô giáo Trịnh con chả xin được về học ở cấp 3A YB. Đi học trường cũ qua sông qua đò con sẽ vất vả mà bố mẹ cũng vất vả hơn.

Tết năm 1966 sang 1967. Mồng ba tết anh em tôi đến lễ tết cô. Nhà cô gần đường sắt nên thường sơ tán máy bay. Tết ngừng bắn vài ngày cô lại về nhà cũ. Hai anh em tôi có một cầu bánh gai ( 5 chiếc) lúm thúm gói bằng lá chuối tươi hơ lửa mang biếu cô. Cô cười hiền. Hỏi, nhà Khánh( anh họ tôi) gói hay nhà Luân gói bánh gai thế? Anh Khánh tôi bảo nhà Luân. Tôi bảo nhà anh Khánh. Cô cười tươi hơn. Cô lấy bao thuốc lá Tam Đảo đưa cho tôi bảo, em mang về, cô biếu bố em, cô biết bố em nghiện thuốc. Rồi cô lấy riêng cho anh Khánh một miếng chè lam. Khen Khánh học kì một học giỏi nhất lớp.
Khỏi phaỉ kể 3 năm chúng tôi học và 3 cái tết anh em tôi đều đặn đến lễ tết đúng ngày mồng 3. Bố tôi cấm, việc đến tết Thày không thể đến trước tết cho xong việc.Càng không phải là việc bố mẹ. Mỗi cái tết thấy cô già thêm. Mỗi cái tết cô càng coi chúng tôi là người lớn thêm.
Anh tôi đi học Tiệp Khắc còn tôi đi học ĐH Cơ Điện. Những năm 69. 70, 71 trước khi tôi đi bộ đội chỉ mình tôi đến thăm cô. Cô vui vui lại buồn buồn. Cô bảo tôi là người lớn rồi nhỉ. Cố mà học em ạ, bố bầm nhà em khổ lắm đấy.
Tôi đi bộ đội về cuối năm 75, anh tôi cũng ở nước ngoài về làm ở Viện Khoa học VN. Cô lấy chồng ở xa quê. Tết nào chúng tôi cũng đến nhà cô chỉ có cụ già ngoài 80 tuổi mẹ cô lom khom nhận cầu bánh gai đồng bánh chưng anh em chúng tôi biếu đặt lên bàn thờ.

Cách nay vài năm anh em tôi về thị xã Yên bái thăm cô. Tóc cô bạc phơ người cô dúm dó. Chồng cô mất vì bạo bệnh. Các con cũng đứa gần đứa xa chả có ai làm ăn buôn bán ra tiền. Cô bảo anh em tôi, các em giúp được cha mẹ đỡ đần các em nên người cô vui lắm. Rồi cô tươi hẳn lên nói chuyện hai đứa học trò học giỏi nhất làng cô yêu mến từ xa xưa.
Cô đã gần tám mươi tuổi còn anh em tôi cũng hơn 60 mươi. Tết đến gần mà những cái tết xưa lại xa nhanh thế. Bây giờ người ta hay dặn dò nhau. Cái câu cũng từ xưa, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Bố mẹ học trò yêu bằng phong bì còn học trò đâu có biết câu chúc câu thăm hỏi thầy cô nữa đâu. 
Thế gian càng hiện đại thì giá trị cốt lõi con người càng dần dần tuột ra khỏi lệ ước nhân quần. Tôi cứ buồn buồn, lẩn thẩn nghĩ. Con người chinh phục cả thế giới những lại là thứ động vật ngu xuẩn nhất ... càng tiến bộ bao nhiêu thì nó lại càng lệ thuộc chính vào những cái điều nó nghĩ ra về khoa học và dần bỏ mất những gì thân ái máu xương trên dưới thâm tình tự nghìn năm cũ.

16/11/2017

THẦY PHẢI RA THẦY, TRÒ PHẢI RA TRÒ



Ngày xưa tôi đã nghe câu nói
THÀY PHẢI RA THÀY TRÒ PHẢI RA TRÒ

 
Có một dạo, khoảng mùa mưa năm 1974 ở Trung đoàn 64 của tôi có một lớp “ tập huấn “ thật đặc biệt . Gọi là lớp tập huấn chứ thực ra đó là lớp học ngắn ngày chừng 2 tháng cho những chiến sĩ không biết chữ của các đơn vị. Lớp này do ban Tuyên huấn E quản lí và thực hiện . Cũng thời gian ấy tôi được điều lên chép sử cho Tuyên huấn một tháng. Tôi được ở cùng với các anh phụ trách lớp . Đó là những giáo viên Cấp 3 nhập ngũ tháng 9/72 . Anh Lê Hoả dậy toán nguyên là hiệu phó C3 Hạ hoà . Anh Phạm Hoài Thuỷ dậy văn nguyên là giáo viên C3 Trần Phú Vĩnh yên. Anh Nguyễn Đức Vận dậy địa lí của Cao đẳng SP Phú thọ. HỌ gọi các anh ấy là “ mấy anh văn hóa “. Tôi hay xuống chỗ lớp học chơi với các anh và vì đại đội tôi có 2 người là học viên tham gia lớp ấy. Nghĩ cũng tài thật, đánh nhau thí cố mà các chỉ huy vẫn nghĩ ra cái việc dậy chữ cho bộ đội ta trong rừng. Về sau mình cứ hay lẩn thẩn nghĩ, sao mà các ông ấy có tầm nhìn xa đến vậy.
Kể về hai người đơn vị tôi được đi tập huấn hồi ấy.
Một là anh Vũ Xuân Canh người Quốc Oai. Anh ấy nhập ngũ 3/67 , đang là Bê phó . Ở C7 của tôi, hàng ngũ cán bộ B thì Canh là loại cứng
Thứ nhất, anh rất dũng cảm và rất khỏe . 
Thứ nhì anh ấy thương yêu lính và luôn nhận phần khó về mình và cái mà tôi nể anh ấy nhất là anh ấy luôn khiêm tốn trước lính. Đánh trận thì khỏi nói. Trong tác chiến anh ấy thông minh , xông xáo nhưng không liều lĩnh. Mãi ở cáí chân Bê phó vì anh ấy không biết chữ (?).
Mẹ kiếp chỉ có quân đội ta ngày ấy mới thế. 
Người thứ hai cùng trang lứa tôi tên là Lượng. Nó người Vĩnh Bảo. Tên là Lượng mà nó lại không hiểu trọng lượng là gì. Những lúc rảnh rỗi tán phét chúng nó bảo: sao không đi học ? Nó buồn . Nhà tao nghèo quá, bố mẹ tao cũng muốn cho tao đi học lắm chứ nhưng đông con lo ăn chả đủ ... chắc chỉ thèm muốn cho tao đi học nên đặt tên tao là Học. Bọn cùng xóm đi học về qua ngõ nhà tao réo lên thằng Học mà không đi học. Tao khóc bắt bố tao đổi tên.BỐ tao đổi ra thằng Lượng. Mẹ kiếp khổ thật. Có thằng hỏi không biết chữ thế mà mày lại đi bộ đội? Thì tao cũng nói tao không biết chữ đấy chứ mà Huyện vẫn cho đi. Đi thì đi, chúng mày đi được tao cũng đi được chứ sao. Ở Đại đội chả mấy ai nhớ cái chuyện thằng nào nhiều chữ thằng nào ít chữ làm gì. Bằng nhau tuốt, chiến trường nó công bằng cho mọi người khi cầm súng cả thôi. Thằng Lượng bảo nhiều hay ít chữ cứ vào trận khắc biết ...
Một lần các anh Văn Hoá phụ trách lớp bảo tôi : hôm nay Anh Vận sốt rét nhờ Luân dậy hộ mấy buổi đi. Trong lúc tôi rỗi việc và lại cũng khoai khoái lớp học này tôi đồng ý liền. Tôi vào lớp. Cái lớp học dưới một hội trường nửa chìm của C26 ( C ăn dưỡng cho lính ốm yếu đi viện về - ở gần làng Ngo lê ) rộng đến 40 mét vuông. Hai chục học viên đứng lên chào như một lớp học ngoài bắc. Lần đầu tiên tôi thấy xúc động đến vậy. Anh Canh, rồi thằng Lượng há hốc mồm nhìn thằng lính cùng đại đội đang làm thầy ...là tôi. Tôi dậy cả toán lớp ba cả văn cả chính tả. Không biết các anh ấy soạn chương trình kiểu gì mà mới gần hai tháng ai cũng viết chữ rất tốt, làm toán rất cừ. Và đặc biệt ai cũng thích học văn học. Mùa mưa, rừng Tây Nguyên cứ rỉ rả . Thỉnh thoảng pháo u ú. Tôi đọc bài thơ Bầm ơi rồi giải thích những là tình thương yêu của con trai nào là tình yêu cha mẹ biến thành tình yêu tổ quốc đồng loại. Những khuôn mặt khắc khổ dạn dầy khói súng ngồi im thin thít mặc cho thỉnh thoảng đại bác địch lại vú qua đầu. Vèo cái đã hết chiều. Tối ấy tôi ăn cơm với các anh giáo viên và ngủ ở lớp C26. Thấy anh Canh ngó vào nhà giáo viên: 
- Thưa thầy cho em gặp anh ..à thầy Luân.
Tôi chui ra, anh kéo tôi : thầy ra đây tôi bảo. Tôi ngượng quá, anh ấy cứ lôi sềnh sêch tôi về nhà hầm của anh. Hoá ra chiều ấy các anh kiếm được cái hoa chuối, dành dụm từ đời nảo nào hộp thịt lấy đuợc của địch, nấu nồi canh thơm phức. Anh bảo về đây ăn cùng với Tiểu đoàn 8 mình. Anh gọi tôi là thầy, thằng Lượng lúc thì mày tao lúc thì thầy bà. Tôi bảo anh, đừng gọi thế nghe kinh bỏ mẹ. Anh Canh cười, thầy phải ra thầy trò phải ra trò chứ. Chú dậy chữ anh thì rõ ràng chú là thầy rồi. Tôi sững người nhìn anh. Nhớ mãi, nhớ mãi cái câu anh nói trong rừng Tây nguyên mùa mưa cái năm còn chiến tranh ấy. Mãi sau này thấy thiên hạ hay nhắc câu.Thầy ra thầy trò ra trò. Lại nhớ tới lời anh trung đội phó Canh. ÔI anh Canh ơi, ôí Lượng ôi. Câu nói của người bạn ít chữ năm xưa cứ như nói riêng cho chúng tôi vậy, nói cho những nguời còn sống đến bây giờ .

Lớp học kết thúc. Học sinh tuốt tuột được lên lớp bằng cái chứng chỉ : “ Về đơn vị chiến đấu “. Khi đi học về anh Canh được đề bạt B trưởng. Hai tháng sau, tháng 12/1974 đánh giải toả gần làng De Chí ( bây giờ thuộc huyện Đức Cơ ) anh Canh hi sinh. Mũi của anh đang đột phá thì một chiến sĩ vướng một quả US. Anh Canh nhào tới chụp quả lựu đạn ném đi nhưng chưa kịp. Một mình anh hứng chọn quả lựu đạn tái ác. Chiều ấy đưa xác anh về cả lồng ngực bay mất, thằng Lượng khóc hu hu chúng tôi ai cũng nghẹn tắc cổ họng nhìn thi thể đồng đội chỗ còn chỗ mất.
Cũng không lâu sau đấy thằng Lượng hi sinh hôm đánh Tuy Hoà 31/3/75. Lúc hi sinh rồi ba lô vẫn còn lá thư nó viết nắn nót cho bố mẹ trên đường 7 mà chưa kịp gửi. Mộ của Lượng bây giờ ở nghĩa trang Phú Lâm, cái nghĩa trang ấy sao mà nhiều hoa cỏ may đến thế!

Bốn chục năm sau. Cái lớp học rất đặc biệt ở phía nam đường 19 Gia Lai ấy có còn ai nhớ lại? còn những ai đang sống ở đâu đó? Trong lớp học ấy có bao nhiêu người đã hi sinh? chẳng ai dụng công tìm kiếm thống kê làm chi. Sự học ở lính không chỉ ở nguyên cái chữ , ở câu thơ , bài tập đọc hay sự hoạt ngôn hoặc con tính nhẩm. Sự học của người chiến sĩ ở đạo làm người đức hi sinh lòng dũng cảm và chí khí chiến đấu. Như tôi đây, được học nhiều hơn anh Canh mà câu nói của anh năm ấy tôi đâu có nghĩ được và đâu có làm được như anh ấy. Nghe anh nói mà mình cứ tưởng mình mới là học trò của anh.
Tôi cũng chỉ là kẻ ăn may và vay nợ các anh, vay nợ những người đã hi sinh đó thôi .
HN 2012