Friday, November 2, 2018

Thu đến



Em bỏ cái ô mùa hạ
gạch ngang lối rẽ vào thu
Bờ ao dùng dằng chuồn ớt
Lá sen lốm đốm thẹn thò

Anh đi tìm nâu nhuộm yếm
Cho nửa thế kỉ xa xôi
Em đi tìm trong thu biếc
Dấu chân trâu xéo ven đồi

Thu như là còn trẻ lắm
Hoa mua chỉ đứng ven đường
Ai bảo heo may màu tím
Là mùa thu lại lên hương

Có tiếng tàu nghe rất cũ 
Ngược lên biên giới sớm nay
những cô giáo còn rất trẻ
Mùa thu chỉ ướt trên tay

10/8/2018 

BÊN KIA SUỐI


Mưa dã man ! 
Mấy thằng lính ở chốt về vừa đi vừa chửi thề. 
Hôm nay thay chốt còn mấy nắm cơm từ hôm kia đã lên mùi tương rồi nhưng cũng phải để lại cho bọn lên thay. Thằng Phiến B phó bảo :
- Gọt vỏ ngoài đi mà khợp. Được tí nào hay tí ấy.
Bọn lên chốt cười gật gật, mặt mồm nhợt nhạt nước mưa. Phía Hàm Rồng pháo đề pa ong ong…rồi u ú qua đầu, rơi choang choác phía đường 19 cách chốt hai trăm mét mà nước mưa trên lá rừng rơi rào rào như đuôi trâu vẩy bùn. Cứ mỗi đận lên chốt là cả tháng trời có khi còn hơn, tóc tai cắt kéo cho nhau sạch ơn ởn mà đến khi bàn giao chốt cho thằng khác tóc đã cờm cợp nuốt nửa cái tai. Tóc dài ra mắt sâu xuống, rỉ mắt bám lẫn bụi đất sau những trận pháo của địch được nước mưa loang ra nâu xin xỉn. Thằng Quyết B phó B3 dẫn quân lên chốt hỏi thằng Phiến : 
- Cho tao xin mấy quả US đi. 
Quyết chui vào hầm với Phiến rồi chui lên chỉ cho nhau vật chuẩn chỉ hướng địch đã mò lên chốt và không quên bàn giao cả ôm rau khoai lang héo quắt chưa ăn đến. Quyết nhìn cái giá xoay có ống lồ ô cạo sạch vỏ xanh thành trang giấy xoay mà lính làm thơ dưới hầm hỏi Phiến:
- Thằng nào làm thơ đấy?
- Thằng Hoan. 
Đại bác địch lại bắn. Trời thum thủm những bọng nước dầm dề. Lá cây cứ dính vào nhau gỡ không ra. Quyết gọi :
- Hoan ơi, bọn tao sẽ làm nốt cho tròn hai ống thơ nhé. Chúng nó cười he he lúc pháo địch éo éo qua đầu.

****
Kể từ sau ngày nhà hòa hợp tan vỡ Dê 7 nhận nhiệm vụ chốt giữ vùng ven liên tù tì vài tháng rồi. Mấy ông cán bộ Dê lầu bầu, mẹ kiếp chả biết bao giờ các Cốp ( cấp trên) mới cho D khác vào cái hành hang Plei Dit này. Hoa thơm mỗi thằng ngửi một tí đi. Lính tráng thì rên rẩm, cách mạng là bằng nhau cả mà. Xay lúa khỏi hãm em. Mẹ, chỗ nào chả oánh nhau. Chỗ nào chả chết. Ngộ có chạy về tuyến sau may ra còn gáo . Mưa thối nát cỏ cây, người thì nửa bò nửa đi nửa ngồi nửa đứng trên chốt nghe ca cẩm có mà hết đêm. Lính lại cười với nhau hì hì. Đời thằng mục chỗ nào chả như chỗ nào. Ấy vậy mà cấm có thằng nào bỏ chốt. Kỉ luật nặng nhất ở chiến trường là mất chốt. Đại đội trưởng bảo thế. Lính ta cũng hiểu thế. Bên kia suối là lính VNCH bên này suối là quân ta. Lính tráng được quán triệt rõ ràng. Đất đai của ta thấm máu đồng chí đồng bào chúng ta phải giữ, phải sống chết với đất. Không được nhu nhơ nghe chưa? Nghe rồi ạ. Lính đồng thanh đáp.
Bê phó Phiến dẫn trung đội xuống chốt. Mười một thằng tóc như rễ tre râu ria không ra râu ria, loe hoe khắp mồm cau cáu mầu chì. Thằng Nhớn lầm lũi đi trước bỗng nó ngó lại :
- Anh Phiến ơi chỗ nào có nương cho kiếm quả bí quả mướp nắm rau làm vài gô canh ăn nhé. 
Phiến im im. Rồi tiếng ừ chầm chậm thoát ra thành ….hừ. Là lính đại học sư phạm Phiến đã từng ra nhà Hòa hợp hồi tháng 2 tháng 3. ở đấy Phiến và cán bộ từng nói chuyện với phía bên kia. Cùng hút thử thuốc lá của đối phương, cùng thăm hỏi quê quán tình hình vợ con rồi có cả lúc hát cho nhau nghe. Nhưng lính tráng thì đơn giản chứ cán bộ hai bên đối với nhau cứ sường sượng. Thế rồi lại oánh nhau. Con suối chảy dưới chân nhà hòa hợp nay thành ra con suối chạy phân chia hành lang Plei Dit. Nó chảy theo hướng đông về nam rồi quành sang tây thế là suối chảy cả phía bên địch rồi lại sang phía bên ta. Hôm mới lên chốt thằng Nhớn quấn lá ngụy trang quanh người bò xuống suối. Nó lội qua suối chặt được mươi quả bắp chuối cho vào bao cát chưa kịp quay về thì gặp địch. Thấy tiếng AR15 rèn rẹt lại thấy tiếng US Bê phó Phiến vội cho bắn mất vài quả cối 60 chặn đường cho Nhớn chạy về. Tối hôm ấy Nhớn bị kiểm thảo về tội “ xuýt chết vì miếng ăn”. Ở chốt là cấm được ca cóng. Tia khói le lói là ăn pháo ngay. Thế mà lính vẫn đun nấu được nồi rau khoai lang húp xì xụp. Đêm khuya chui vào hầm che kín hai đầu bắc hăng gô lên nhóm lửa bằng mấy mảnh lồ ô khô chẻ nhỏ. Khói cay xè mắt, bịt mồm ho hừ hự. Đợt chốt này trung đội Phiến ăn may. Không mất thằng nào lại diệt được địch, đánh lui 3 lần địch mò lên trận địa, thu hồi súng và triển khai thêm hệ thống giao thông hào liên kết. Ngụy trang tài tình khiến địch không phát hiện được trận địa của ta. Vừa đi Phiến vừa cười một mình. Một sáng thằng Đấu ló đầu lên khỏi hầm cảnh giới. Quái lạ, cách cửa hầm chỉ chừng chục mét xuất hiện rau khoai lang xanh mơn mởn. Đấu mừng trong bụng. Lại được bữa no đây. Nhưng chột dạ, chiều hôm qua làm gì có lùm rau kia. Rất nhanh nó nổ sún đoàng đoàng vào cái mớ rau khoai lang. Một tiếng rú lên và hai cái mớ rau khoai lang khác vùng chạy. Cả chốt nổ súng . Có ba thằng thám báo chết ngay một thằng, hai thằng chạy qua suối thì cũng trúng đạn. Phiến cho thu hồi ngay rau khoai lang của địch quấn quanh người vào hầm ăn dần.
Con suối chảy theo đường cắm cờ chỉ vài tiếng đi bộ thì nó lại quẹo về hướng sư đoàn X. Thế là cái giáp ranh ấy cắt ngang suối. Từ lúc ấy con suối " Y A " này thuộc về quân giải phóng. Một hôm thằng Đấu Thái Bình gày cóc kẹ hỏi Phiến:
- Bê phó ơi, ở nhà hòa hợp ta và địch làm gì? 
- Làm cái sự hòa hợp cứ làm gì. Mày không nghe chính trị viên quán triệt à? Cố đỉn thế!
Thằng Đấu lại hỏi: 
- Các anh đi công tác hòa hợp hay được hút thuốc Điện Biên bao bạc . Bọn em ở nhà thèm vêu mõm. 
Vừa lúc ấy gặp tổ tuần tra của tiểu đoàn đi ngược lại. Tổ tuần tra cho bọn trên chốt về nhúm thuốc rê của Miên. Phiến chọn một chỗ kín đáo cho nghỉ giải lao. Ngồi cuốn thuốc nhả khói mắt nhìn về mấy dẫy nương phía bên kia suối Phiến nhớ lại hồi đầu năm đi nhà hòa hợp. Cái nhà lợp tôn trắng của VNCH còn phần thân và tường do quân giải phóng làm đơn xơ nhưng đẹp. Chỉ tội mấy ngày đầu mùi phảng phất xú uế vẫn còn. Phía ta, cán bộ chính trị chọn một số chiến sĩ có văn hóa ra tiếp xúc với phía địch. Bên kia cũng vậy, họ chọn sĩ quan tâm lí chiến ra đối đáp. Cái sự đề phòng nhau ấy khiến cho những cuộc tiếp xúc hòa hợp cứ sường sượng gai góc. Chỉ có những thằng lính đi theo cán bộ thì vô tư. Lính ta được hút thuốc Ru by của VNCH còn lính bên kia thì hít hà cái mùi thuốc Điện Biên và chè gói Thanh Hương thơm ngát. Phiến bần thần nhớ tới thằng bạn tên Thuần ghẻ cùng ra nhà hòa hợp với mình bị kỉ luật cho đi tăng gia tít ngoài núi Chư Pờ Rông. Chuyện cứ như bịa. Một hôm trên nhà hòa hợp có người lính VNCH hỏi Thuần:
- Anh có biết ca không? 
Thuần ghẻ cười:
- Tưởng gì, ca ngon lành mà.
- Vậy anh ca tui nghe. 
Thuần sốt sắng:
- Anh thích bài gì bên tôi? Người lính nói khe khẽ;
- Bài chi có câu…Bác "dẫng còn nghe điệu hò dí dặm."
Thuần cười rất vui. À, bài hát "Trông cây lại nhớ tới người. "THế là mặc cho cán bộ hai bên đang chính trị chính em lẫn nhau mấy người lính túm vào nhau,nghe nhau hát. LÍnh VNCH thì hát cải lương còn quân giải phóng Thuần hát bài “ Trông cây lại nhớ tới Người”. Phải nói là lúc ấy sự việc diễn ra quá đột ngột ngoài kịch bản của Chính trị viên và mấy anh Địch vận trung đoàn. HỌ nín bặt. Bài diễn thuyết dở dang, họ nghe lính hát và chứng kiến nước mắt ngân ngấn của Thuần ghẻ và những người lính VNCH. Ngay chiều hôm ấy từ nhà hòa hợp về Thuần ghẻ được gọi lên ban chính trị kiểm điểm rồi hôm sau Thuần vác ba lô đi tăng gia. Người ta không cho những loại lính tráng yếu kém về ý thức chính trị ra phiá trước, nơi cọ sát cả về thể xác và tinh thần người cách mạng
Ngồi hút thuốc ven rừng, kể chuyện với đồng đội mình về nhà hòa hợp hồi đầu năm Phiến lại nhớ lúc ngồi ở nhà hòa hợp nhìn về phía đông, phía bên kia con suối. Phía ấy, Những mái nhà lợp tôn trắng lóe mắt, nghe ru ru động cơ bình bịch, cái thứ tiếng động rất quyến rũ mà xa lạ với lính mình. Ở đó cũng những bản làng có lùm chuối và những ngọn pơ lang chòi lên giữa xanh thẳm lồ ô. Phía trước phía sau hai bên con suối, cả hai phía đêm đêm vẫn pung ping tiếng tơ rưng thâm trầm vào đêm vắng. ….

Suỵt. Có hai người từ bên kia suối lội sang. Cả tổ chốt nép vào bụi cây. Thì ra đó là 2 cô gái đi nương về. Phiến thở phào còn thằng Đấu vui ra mặt. 
- Chào đồng bào cách mạng. 
Hai cô gái ngực căng như ngực chim ngói vì hai cái quai gùi thít chặt khiến cặp vú vênh lên, cười đỏ má. 
- Bộ đội đi công tác ? bộ đội ưng dưa, ưng bí của đồng bào à? 
Thằng Đấu làu bàu:
- Mẹ kiếp họ lại bảo bọn mình đi dưa đi bí của họ. Cái đồng bào giáp ranh này cứ nhơn nhơn cả bên này lẫn bên kia anh PHiến ạ. Rồi Nó hét to:
- Đồng bào nói chơi chơi. Bộ đội không quán triệt cái bí cái dưa của đồng bào đâu nhé. 
Hai cô gái cười. Hạ gùi đầy ngô mới bẻ trên nương xuống và cùng ngồi dưới lùm cây dẻ gai. Thằng Đấu nhìn bê phó Phiến nói nhỏ :
- Em còn cái cuộn chi đen.. anh cho em đổi mấy quả ngô nhé. Ngô của họ thơm lắm. Phiến ừ. Hai cô gái thấy cuộn chỉ của thằng Đấu thích lắm ưng ngay. Vừa lấy chục bắp ngô trong gùi đưa cho Đấu cô gái vừa nói;
- Ây dà, bộ đội ưng cái bắp của đồng bào nhiều nhiều. Cái lính quốc gia họ cũng vừa xin bắp mình. Mình cũng cho họ đấy mà.
Cả tổ chột dạ. Hỏi: 
- Đồng bào vừa cho lính quốc gia bắp hả? ở đâu?
- Bên kia suối kìa. 
Đúng lúc ấy súng nổ . Tiếng AR15 roen roét. Phiến và Đấu lăn vào bụi cây rồi bắn mỗi thằng nửa băng AK về bên kia suối. Cả hai bên cùng kéo nhau chạy . Thằng Nhớn sốc một cô thằng Đấu kéo một cô. Váy áo và gùi bắp tơi tả. Rừng im lặng. Cả tổ vô sự. Hai cô gái Tây Nguyên cũng vô sự, một cô bị rách váy đến tận mông phập phành mếu máo:
- ầy dà, cái bồ đội quốc gia nó xin bắp mình nó lại bắn mình chớ. Không tột không tốt . hu hu! Thằng Nhớn liếc cái vách rách phấp phới cười tủm tỉm. Phiến dẫn anh em đi về hướng tiểu đòan còn hai cô gái lẹo dẹo đeo gùi bắp về bản.

Thế mà tận ba năm sau đơn vị của Phiến mới sang được bên kia suối. Mùa xuân năm 1975 những nương bắp nương vừng nương cà phê hoa nở trắng ngần trong sương sớm. Phiến và trung đoàn tiến mãi ra tận bờ biển Tuy Hòa để lại sau lưng bao nhiêu là nấm mồ đồng đội và những câu chuyện ngây thơ vừa vui vừa buồn của đời trẻ trai bên những con suối trong rừng Tây Nguyên xanh thăm thẳm.
NTL 2018

Thu hoa râm


Đừng bất lực với mùa thu nhé
Ta vừa nghe tay vuột gió heo may
Sáng xao xuyến nhìn đầm sen tàn lá 
Mà hương mùa thu em vẫn đây

Đừng bất lực tháng 10 thơm nắng má
Ta và em mùa vẫn cốm thơm về
Sáng nay heo may rơi trên phố
Mùa thu mình hoa râm màu quê.

12/10/2018 

Chập chiều thu


Anh vừa thấy chút mùa thu
Ngoảnh nhìn cười với ngây ngô chập chiều
Đèn pha xe cũng liêu xiêu
Ven đường có biết bao nhiêu đợi người

Mùa thu nào đã đi rồi ?
Cốc bia vàng cả cuối trời heo may
Nào là xa xót bàn tay
Nào là vàng võ má ai cuối trời

Mùa thu ơi khéo khô môi
Để thèm chút ướt người thôi nhớ mình
Có con chuồn ớt xinh xinh
Giữa ồn ào cứ lặng thinh ở chiều

15/10/2018

Chúng tôi cùng tiểu đội


Cho đến tận bây giờ hai chúng tôi vẫn ở bên nhau như một duyên nợ. Đã 40 năm kể từ lúc cả hai vẫn còn trai trẻ, đều hăm hở với cuộc đời với nhiều khát vọng và rất nhiều bâng khuâng với khoảng trống ở phía trước. Chúng tôi cùng vào đại học một năm, cái thủa sinh viên đi bộ hàng ngày đường cõng gạo kiếm củi và học bài bên bờ suối, nhớ nhà cùng ngồi khóc bên bờ suối. Quê chúng tôi ở xa nhau. Sỹ ở tận Sơn La còn tôi ở cuối Phú Thọ, ấy mà hai đứa gần như anh em ruột. Đời người chả nói trước được điều gì nhưng ước vọng thì chẳng ai cấm. Cứ ước mơ đi, cứ hy vọng đi, có hy vọng dám ước mơ cũng đã là hạnh phúc rồi. Hồi xưa chúng tôi bảo nhau như thế. Rồi hai đứa ước mơ Sỹ bảo : Tao sẽ về làm bác sỹ ở nông trường Mộc Châu, tôi bảo: Tao sẽ về làm kỹ sư nhà máy chè Phú Thọ. Hai đứa bâng khuâng nhìn dòng suối La Hiên êm ru đầy những cánh hoa rừng trôi. ấy là những ngày cuối thu 1970.
Bạn sẽ hỏi: hai đứa tôi không cùng trường, cùng nghề, sao thân nhau từ lúc mới vào trường? Sỹ học y khoa Thái Nguyên còn tôi học cơ điện Thái Nguyên nhưng tôi có bạn cùng học với Sỹ. Ngày xưa thứ 7 đi bộ vài chục cây số lên thăm nhau là chuyện thường, lên thăm bạn tận núi rừng Võ Nhai tôi được bạn gửi sang ngủ nhờ Sỹ thế là thân nhau . Nói vậy thôi, chứ không dễ. Hồi ấy hắn cũng gườm gườm nhìn tôi ngụ ý rằng: đã lên tán gái lớp bọn này lại còn tá túc, lắm chuyện. Nhưng thân nhau rồi thì chẳng có ai cắt nghĩa được là vì sao. Sau này lớn tuổi, hai thằng cùng kết luận là do cả hai đứa mình là đàn ông thế thôi. Đoạn đời trong veo là những năm sinh viên sơ tán. Rừng cũng đẹp, suối cũng đẹp, con suối La Hiên có những khúc quanh chằng chịt dây rừng che kín như một cái kén tằm khổng lồ. Nghe bọn nam trường Y tả về những sáng chủ nhật tắm tiên của nữ sinh trường Y mà cứ như được lên tiên vậy. Những ngày gặp nhau, Sỹ kể cho tôi nghe về sinh hóa, về giải phẫu, chẳng hiểu gì cả. Nhưng nghe nó nói về lời thề Hypograts thì hiểu. Và rồi hai đứa có nhiều dịp để nói về lời thề đó. Tôi chỉ có một cái quần xanh chéo và cái áo phin trắng chuyên dùng mặc khi đi đến trường khác, Sỹ bảo: Mày diện thế, nó cũng có một bộ như thế nhưng chẳng dám mặc phung phí như vậy, nó bảo chỉ Tết về mới diện thôi. Nó cũng mặc quần nâu gụ như tôi. Sao hồi ấy bọn tôi không mặc cảm với bạn gái nhỉ? thản nhiên yêu đời, yêu bạn bè cũng thật thản nhiên.
Chiến tranh lại đưa chúng tôi gần nhau hơn. Mùa hè năm 1972 tôi nhập ngũ. Vào cái ngày cởi bỏ bộ áo sinh viên nhận bộ áo lính, hai thằng òa lên khi nhìn thấy nhau, ở cái xóm cây thị Phú Lương hôm ấy hai thằng nằm ngửa mặt nhìn trời cùng nhớ ngày hôm qua là một cuộc đời xa thẳm cái ngày hôm nay của hai đứa. Bạn bè tôi, bạn bè Sỹ đứng lặng ven rừng nhìn chúng tôi lên xe đi về phía trước, hai thằng nhìn qua lớp bụi đỏ rưng rưng nhớ trường nuối tiếc thời trong trẻo đang lùi lại phía sau. Những tháng ngày hành quân Trường Sơn là cái vạch ngang trí não của bất kỳ những người lính đánh Mỹ. Khổ cực đến tận cùng, vui cũng tận cùng mà lãng mạn cũng tận cùng. Sỹ bảo tôi, ở đây không có cái gì nửa vời mày ạ, nửa vời là chết là mình bị mất mình. Hai đứa chuồn đi bắn sóc trong rừng khiến binh trạm báo động náo loạn cả lên. Có một đêm, nó ngồi ngoài tảng đá bờ sông Xê Băng Hiêng lần giở ba lô kiểm đếm kỷ vật Miền Bắc mang theo vào chiến trường, rồi chẳng hiểu nó nghĩ gì mà trên đường leo dốc sáng hôm sau nó bảo: Tao viết bài thơ về trị thủy Sông Đà, để con đường đi lên Hòa Bình sẽ thơ mộng hơn. Khủng khiếp quá, hóa ra nó có ý tưởng lớn quá.
Vợ tôi thường tâm sự với vợ Sỹ, hai ông ấy Pê dê thì phải. Ở Thủ đô cách nhau vài dẫy phố mà hai tuần không gặp nhau là đã thấy lâu lắm, đi làm về mệt mỏi ấy thế mà có điện thoại là đi liền. Thật ra tôi với Sỹ đâu thích nhậu nhẹt, bao nhiêu bức xúc lo lắng con cái, hai thằng dốc cho nhau nghe . Rồi chuyện gia đình, chuyện ở quê, mồ mả ông cha. Chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện về cơ quan, nói về vai diễn cuộc đời mình.
Ở Tây Nguyên nó làm y tá đại đội hỏa lực, rồi y tá đại đội quân y. Mỗi năm tôi sốt rét nặng là gặp nhau ở viện. Trong bom pháo đì đùng hai đứa lại chúi đầu thì thầm mơ ước. Một chiều mùa mưa trong căn hầm tối om tôi và nó lại tổ chức kiểm nghiệm quân trang. Chiếc khăn mùi xoa có hai con chim, tập giấy Pơluya buộc bằng sợi chỉ mầu, những tấm ảnh bé như con tem mờ mờ. Những thứ của cải được bọc cẩn thận, hai đứa nâng niu nhẹ nhàng và mường tượng ngày trở về học tiếp đại học. Sỹ bảo: tao và mày đi sau chúng nó, sau trước có nghĩa lý gì đâu, miễn là đi tới đích. Trong cơn sốt rừng hầm hập nghe nó nói mà như thấy cắt cơn, tôi cho rằng nó động viên mình đó thôi. Rồi nó bảo lời thề Hypograts ở chiến trường luôn bộc lộ tự nhiên mày ạ. Chiến tranh là phép thử thông thường của cuộc đời , không cần thề bồi chi hết, con người thế nào nó phơi ra như thế, hai đứa nói với nhau như hai ông cụ non. Có chuyện hai thằng ít khi nhắc lại là cái đoạn đời cùng tá túc nhà vợ. Trở về sau 30 tháng 4 hai thằng lại vào đại học, ra trường cùng lấy vợ, hai cô vợ đều là người Hà Nội, hai thằng đều không có nhà. Tôi đi học tiếp trường nữa, nó cầy đầu học lên cao học. Dù ở nhà vợ, vẫn học hành ỉ eo đèn sách bao nhiêu phiền toái vợ lo hết. Nó bảo tôi, vốn liếng quái gì đâu ngoài cái sự chịu khố mà bố mẹ đẻ cho mình từ bé, chiến tranh dậy cho mình cái lý thuyết hoặc là mình chết hoặc là mình sống. Hai thằng cười như méo mồm hút chung nhau điếu thuốc giữa Thủ Đô những năm 80 vất vả.
Trận đánh cuối cùng của chúng tôi là trận Cầu Bông trên đường tiến vào Sài Gòn. Sáng 29/4/75 một quả cối nổ ngay phẫu trung đoàn, anh Bàn y tá người Quảng Ninh chắn đằng trước gục ngay. Sỹ đỡ anh ấy dậy, anh Bàn chết trên tay Sỹ. Trở về Sỹ lấy trong ba lô của anh cái áo Moontơghi cộc tay giữ làm kỷ niệm. Lúc còn ở Củ Chi hai đứa hay dở ra xem và nước mắt cứ tự nhiên ứa ra. Năm 78 khi tôi thi tốt nghiệp đại học, tôi bán hết cả dép đúc Tiền Phong cả tăng võng vẫn không đủ tiển trả nợ và thi cử. Sỹ đau lòng đưa tôi cái áo của anh Bàn, sau nhiều dằn vặt để tôi bán đi lấy tiền thi tốt nghiệp. Bao năm nay, tôi cứ nhớ cái khuôn mặt dại đi của nó khi tôi bán cái áo đó. Rồi tôi trở thành kỹ sư, quản đốc, rồi lên giám đốc. Cái áo của anh Bàn thi thoảng hiện lên, hiện lên rồi mờ đi sau bộn bề cuả đời, bộn bề cơm áo.
Nhưng chúng tôi không thể chịu đựng hợn được nữa. Một ngày cuối năm 2005 tôi và vợ tôi trở về Củ Chi. Sau vài ngày tìm kiếm, may mắn cho tôi, tôi tìm được mộ anh Bàn. Sỹ đang đi công tác ở Nhật Bản . Tôi gọi điện, Sỹ nghẹn ngào mếu máo: Mày ơi chúng mình có lỗi nhiều quá …… Hai tháng sau tôi và Sỹ vào thành phố Hồ Chí Minh và một đêm mắc võng trên Củ Chi, nằm nghe sông Sài Gòn thì thầm với lục bình trôi, cùng trò chuyện với anh Bàn và bao đồng đội của mình. Hai đứa cả ngày không nói với nhau lời nào. Chúng tôi đang trở lại với chính mình, với đoạn đời máu lửa và nhờ nó cả hai chúng tôi trưởng thành. Sỹ bảo rằng như thế mình sống lại đúng là mình. Có một lần, khi đã là giám đốc viện 74, phóng viên hỏi, Sỹ trả lời chỉ có 4 năm đời lính chiến thôi nhưng tôi học được cả cách làm người cho một đời. Thật là lãi lớn, tôi bảo nó.
Bố mẹ tôi làm nông dân, còn bố mẹ Sỹ làm nông trường tít trên Mộc Châu. Tôi bảo: nhà mày chỉ như nhà tôi tao thôi. Nông trường là nông dân ở tập thể chứ gì, nó cãi nông dân như nhà tao tiên tiến hơn, tôi cũng thấy có vẻ thế thật, nhưng hai đứa thân nhau nên sự hơn kém ấy không ảnh hưởng gì. Ba lô của nó có gì tôi biết hết. Từ cái album nhấp nháy, cái sợi dây len mầu của ai, nhật ký ghi về cô gái nào thậm chí nó còn bao nhiêu thuốc lá sợi tôi cũng biết. Sau giải phóng Miền Nam trở về, cái bật lửa Tổng thống VNCH là vật có vẻ là đáng giá nhất. Mà đáng giá thật vì đó là trận đánh cuối cùng của chúng tôi ở Sài Gòn, chỉ đơn vị tôi mới có. Một dạo, tôi ở nhờ nhà vợ trên Bưởi. Sỹ sinh đứa con trai đầu nhưng cũng không có nhà, hai vợ chồng ôm con lên ở nhờ nhà bà ngoại của vợ trong làng Trích Sài. Hai đứa lại gần nhau, tối tối tôi đi tắt làng theo những cái tàu seo giấy vào chơi. Tối om, muỗi tháng ba từ ngoài vườn hồng xiêm réo vi vu. Bên ngọn đèn dầu, nó đang học tiếng Pháp. cuốn từ điển Pháp Việt trên bàn là của thằng Tốt cùng đại đội cho Sỹ hồi tháng 5/75. Hai đứa chuyện với nhau chẳng có chuyện ngày xưa nữa, toàn nói về con nhỏ, về vất vả của vợ. Hút lóp má điếu thuốc cuốn Đình Bảng nghĩ về những ngày chiến trường nhiều mơ ước. Mới có vài năm mà xa lăng lắc.
Mồng 05/04/1975 cả dải đất Miền Trung đang như một cơn lũ quyét. Sư đoàn 320 đuổi địch chạy nhào ra biển Đông Tác Phú Yên, chưa kịp giặt khô bộ quần áo bùn đất và khói súng đã lộn về đường số 7 lên xe tiến vào Sài Gòn. Tôi và Sỹ gặp nhau trên đường nó đi lấy gạo. ôm nhau giữa rừng. Vậy là còn sống. Cứ biết đến hôm nay đã. Nó dành dụm từ hôm đánh Cheoreo tới giờ 8 bao thuốc lá cho tôi. Kịp dúi vào tay nhau những bao thuốc, hộp sữa con chim rồi hối hả chia tay. Chả biết lần sau gặp lại nữa không, hai thằng ngoái đầu nhìn nhau trong ngột ngạt nắng và gầm rú của máy bay trên đầu.
Ở gần nhau thật nhưng cái thời ấy làm gì có điện thoại viễn thông như bây giờ. Chỉ biết nó khổ mà tôi cũng khổ, toàn dân khổ. Tôi ra trường rồi đi làm nghề bán sắt, nó làm bác sỹ quân y. Cắm đầu vào học, vào làm. Rồi một hôm vợ Sỹ tìm đến tôi nói là mai Sỹ bảo vệ luận văn Phó tiến sỹ ở trong Học viện Quân y. Sáng hôm sau, tôi đi rất sớm, vào gặp nhau trước khi đi công tác Nam Định. Sỹ đang cùng các nhân viên hành chính bưng bê, xếp đặt bàn ghế cho hội trường. Dúi vào tay nó bao thuốc Dulhill đỏ và hai mươi nghìn rồi đi, hẹn nhau thi cho tốt. Hai đứa cùng ngân ngấn nước mắt, hóa ra bây giờ còn yếu đuối hơn lúc đánh giặc trong rừng. Ngày bảo vệ Tiến sỹ của nó chẳng có hoa, có thê tử bầu đoàn chớp ảnh gì cả. Lẳng lặng vào đời khoa học chẳng hứa hẹn tung hô như bây giờ. Tiến sỹ rồi vẫn thế. Đi và về với thứ bệnh tật của người nghèo. Có năm, một hội thảo tận Thành phố Sài Gòn, tiền vé máy bay mua cũng oải, tự mua mà đi. Cái nhà bé như chuồng chim đầy ắp lo lắng. Sách vở gắn trên tường, chuồng heo treo ngoài tường cứ nương tựa vào nhau mà đi lên, kỳ quái thật.
Thời gian hai đứa tôi hay gặp nhau nhiều ấy là lúc Sỹ lên làm viện trưởng K74. Cái bệnh viện nằm ở đây dễ vài chục năm rồi, cũ kỹ, hiền lành và rất khiêm tốn. Miền trung du cằn cỗi bình yên, bình yên đến mức tự ti, hiền lành đến mức bé lại trước bộn bề thời mở cửa. Chúng tôi nói chuyện nhiều về việc cơ quan mới của Sỹ. Nó nói về viện 74 như nói về quê hương của nó. Nó bảo, ở đây họ đánh thức tao về gia đình về quê hương nhiều lắm mày ạ. Rồi nó bảo, những chiều Trung du tuyệt đẹp. Những bông hoa súng tím cánh chuồn chuồn trên những đầm nước quanh bệnh viện làm con người tử tế và yêu cuộc sống hơn. Cốc bia hơi trên đường Láng bỗng như dìu dịu làm khô đi giọt mồ hôi cuối chiều hè Hà Nội. Rồi vài năm sau, viện 74 ngày càng khá hơn, là địa chỉ tin cậy cho những người mắc bệnh lao ở vùng phía bắc. Chẳng thể bảo ấy tất cả là công của Sỹ, nhưng những ngày vất vả đơn điệu tự ti lùi lại phía sau khi có một ông giám đốc nghiêm túc và yêu thương con người trên đó thì ai cũng tin. Ai cũng từng nhớ, giám đốc Sỹ từng không quên ngày sinh nhật của chị lao công cho tới các bác sỹ trong toàn bệnh viện. Bây giờ, hai đứa tôi xắp lên ông rồi. Nó cứ đi họp và đi công tác liên miên. Bực mình hỏi mày đi họp suốt ngày không chán à? Họp là việc đời, còn làm việc với các bộ phận chuyên môn, với các bác sỹ trẻ là việc đạo. Mày vào viện tao mà nhìn khuôn viên giữa lòng bệnh viện. Một bệnh viện lao to nhất nước mà sạch sẽ, trong lành thật khó hình dung. Vài năm nay, cái cung cách tác phong làm việc của thầy thuốc nơi này thật đổi khác. Tôi mừng cho Sỹ và cũng thương cho nó. Thị thành nó khắc nghiệt hơn nhiều, yêu thương chưa phải là tốt cho tất cả. Nhưng tất cả con người thì ở đâu cũng cần được yêu thương.
Hẹn hò bao nhiêu năm mà phải cho tới dịp 30/4/2008 vợ chồng Sỹ và vợ chồng tôi mới thực hiện được chuyến đi về chiến trường xưa. xe chạy theo kiểu ngày đi đêm ngủ, qua Quảng Trị, qua nghĩa trang đường chín, nghĩa trang Trường Sơn. vào KonTum, qua Play cần. Dăktô, nghĩa trang thị xã rồi về Gialai, vào Đức Cơ xuống Phú Bổn Cheoreo. Tám ngày trời hai cặp vợ chồng già thơ thẩn toàn nghĩa trang là nghĩa trang. Bao nhiêu hương nhang, bao nhiêu là hỏi thăm rồi bao nhiêu là nước mắt mừng tủi, mỗi khi đọc được một cái tên đồng đội. Trời cao nguyên xanh và nhiều mây như ngày còn trẻ, tôi và Sỹ sống những ngày đẹp nhất của đời mình ở đây. Nắng cao nguyên tháng tư, hai thằng lính già đi dọc những hàng bia mộ trắng nhức mắt Tây nguyên thơm hương hoa café và bạt ngàn xanh cao su , hồ tiêu. Chúng tôi khấn với đồng đội, rằng nhờ có các anh nằm lại mà chúng tôi mới được trở về, chúng t«i nên người và đùm bọc cho các con em chúng tôi cũng nên người. Những người làm giám đốc như chúng tôi đây, cũng chỉ là kẻ vay nợ các anh đó thôi. Thời gian càng lùi xa thì các nghĩa trang liệt sỹ lại càng ngào ngạt hương thơm trong cõi tâm linh con người. Năm nay, ngày 27 tháng 2 một nhóm những người lính già vào Viện Lao trung ương thăm Sỹ, lẵng hoa ghi dòng chữ : Bạn chiến đấu sư đoàn 320A chúc mừng "Người mang hoa là một ông già 80 tuổi, Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ông già ôm lấy Sỹ mà mừng về người lính trẻ dũng cảm ở chiến trường Tây Nguyên năm nào nay đã thành Phó giáo sư Tiến sỹ. Chúng tôi ngồi bên nhau, tất cả đã đầu bạc. Thời gian sàng lọc kỷ niệm để cho con người còn lại những ký ức mà ký ức nào cũng tốt đẹp khi đồng đội t×ìm đến với nhau. Sỹ cũng như tôi , lúc này bâng khuâng nhớ về căn nhà nhỏ ở quê, ở đó kể từ ngày mẹ theo bố lên nông trường Mộc Châu, để rồi bốn chục năm sau, đưa mẹ về yên nghỉ trên cánh đồng nhà, ngai ngái cái mùi men gốm Chu Đậu. Tôi hình dung ra, cái bóng của Sỹ bước thấp bước cao trên bờ ruộng lúa trong chiều ra thăm mẹ. Lúa mùa xanh ngăn ngắt trong khoảng xanh bình yên thăm thẳm.

16 /10/2018

Tháng mười


Ta nghe vàng lúa đuôi chim ngói
Ấy chút sương sa xuống vỉa làng
Ta thấy bếp nhà leo heo khói
Mẹ bảo hết tháng mười rồi con.

Ta thèm cái áo mới vào đông
Mẹ nhón chân chim lội xuống đồng
Có một đàn cò co ro lắm
Đường bừa chân rạ buốt rưng rưng

Có trái hồng sót lại trên cây
Con dấu vào đùm áo rách đây
Chân mẹ nứt theo mùa sương muối
Mùi lúa tháng mười thơm như bay

Sao cứ nào hoa với tháng 10
Mẹ đi bao mùa lúa xa rồi
Chả được một lần con tặng mẹ
Một nhánh hoa nào tháng mười ơi

sáng 19/10/18

Bia hơi tháng mười




Heo may ở phố môi cong lên rợp chiều
Nắng vàng ở phố vàng cả tóc tai người dưng
Người phố nheo nheo mắt nhìn người lung linh
Bia hơi phố sóng sánh nụ cười nửa chừng tắt

Bốn mươi năm uống bia vỉa hè 
Chỉ tháng mười là ta ngon nhất
Có hôm hoa sấu đường Hoàng Hoa Thám nhảy dù vào mắt bia
Mùa thu dâng lên đến sáng
Có tiếng người bạn xưa đi guốc trên hè

Tháng mười xoa xoa chân mốc 
Hồ Tây khói như mắt biếc
Người đàn bà cào hến mua một cốc bia ra ngồi gốc cây sà cừ 
Chợ Bưởi chiều ấy buồn như dưa
Có cây đề lá buông nắng yếu phía hàng bia Mậu Dịch

Hôm nay 20 tháng 10 ta uống bia nhạt thếch
Không còn bia Mậu Dịch nữa rồi
Uống với dĩ vãng 
Những người đàn bà lam lũ tháng mười 
lênh loang 
Bia hơi Hà nội
20/10/ 2018

MÙA ĐÔNG HỌC TRÒ

Năm ấy rét lắm. Tháng 12 là nhổ sắn HTX. Làng tôi có đến vài chục quả đồi toàn là sắn. Thu hoạch tập trung về kho HTX rồi chia cho các gia đình theo công điểm. Chỉ ba năm trước rừng gò quê tôi bạt ngạt những mây, song , tre nứa , và biết bao nhiêu là cây lấy gỗ. Nhóm 1 nhóm 2 cũng có , bét hạng là anh bồ đề ngút ngát cả rừng trong gò ngoài. Ấy thê mà bây giờ HTX triệt hạ hết rừng để trồng sắn trồng chè theo lệnh trên. Hồi ấy thấy người ta phá rừng đốt rừng cháy như tang tóc hỏa hoạn. Chim muông hươu cáo gà rừng chạy nhảy , bay loạn xạ. Chúng đưa đàn con dạt về tận xóm tôi. Mỗi lần đốt nương tàn lửa bay xa hàng cây số. Nứa , tre cây cối nổ đôm đốp nghe như một trận đánh nhau với kẻ địch sau này tôi ở chiến trường.
Học lớp 8 coi như đã lớn. Chả như lớp 8 bây giờ bố mẹ còn đưa đi đón về giục giã mặc áo quần, ăn này uống nọ. Ngày ấy bạn cùng lớp vô khối đứa nhập ngũ ra trận khi chưa kịp vào lớp 8 như chúng tôi. Gần hết kì 1, cô giáo chủ nhiệm tính phải làm lao động để có quĩ lớp, mua thêm bút sách và ủng hộ mấy bạn nghèo. Lớp trưởng Hoàng Đình Thưởng hiến kế. Đi chặt nứa bán cho Lâm Nghiệp Ngòi Sen. Gọi là Lâm Nghiệp Ngòi Sen bởi vì cái trạm ấy ở chỗ Ngòi Sen nơi bờ sông Hồng “biên giới” hai tỉnh Yên Bái Phú Thọ bây giờ. Cô Chủ nhiệm đắn đo rồi sau khi đi tiền trạm vào một địa phương tên Văn Lãng nhiều nứa. Lãnh đạo địa phương đồng ý giúp đỡ . Thế là lớp tôi 40 đứa học trò một sáng cuối tháng 11 năm 1966 lên đường. Sau 1 ngày chặt nứa đóng mảng về đến chỗ đắp phai đã là ngày thứ 2. Để mảng nứa đợi ở đó . Lớp lại học bình thường . Sang ngày thứ 2 Phai đầy nước . Các mảng nứa xếp hàng bổ phai là lao vun vút . Nghĩ lại , lũ học trò chúng tôi to gan thật. Cô chủ nhiệm do không biết độ nguy hiểm nên mới dám để trò đi mảng nứa xuống phai. Phía trước tôi mảng của con Thành Quì lao như điên. Nó chống mảng khéo lắm. Nhưng tóc nó dài và bất thần cuốn tóc vào cành tre thế là mảng của nó đâm sầm vào bờ quay ngang . Mảng nứa của tôi húc vào mảng của nó làm tôi ngã chúi xuống, đầu gối cắm vào đầu nứa máu lênh loáng. Lúc ấy các mảng sau vôi cám sào ùn lại . Mấy thằng lớn chạy lên đẩy mảng ùn ứ đi tiếp. Tôi bò lên bờ chân đầy máu. Đứa đi mảng sau cũng nhảy lên cởi cái khăn bông bay buộc cho mình. Vụ chèo mảng ra sông Hồng và đến trạm Lâm Nghiệp Ngòi Sen đến 10 giờ đêm hôm ấy mới kết thúc. 
Đêm ấy rét. Chúng nó đốt lửa trên bãi cát bờ sông. Bẻ mía thui ăn cho đỡ đói. NHững đứa học trò 14 , 15 tuổi nửa đêm mới về đến xóm trọ để ngày hôm sau lại đi học bình thường. Tôi giặt cái khăn bông bay của cô bạn rồi mang trả lại sau đấy hai hôm. Ngượng bỏ mẹ đi, chả nói cám ơn như bây giờ. Này tao giả cái khăn . Thế thôi, nghĩ lại nửa thế kỉ sau vẫn ân hận. Mà cũng chả thấy nó giận. Nó cầm cái khăn về. Mùa đông ấy tôi không thấy nó quàng khăn. Nhưng năm sau tôi lại thấy nó quàng. Tôi nhớ nó có cái ảnh con con khi chia tay các bạn hồi lớp 10 đi đại học nó tặng cho mấy thằng lớn lớn nó vẫn quàng cái khăn ấy. Còn mình hồi ấy bé tí teo, chả đứa con gái nào tặng cái gì.

Hơn năm mươi năm rồi . Nay có đường cao tốc Hà Nôi Lào Cai tôi về quê theo đường xuống IC 12 rồi đi dọc sông Hồng. Cái trạm Lâm Nghiệp Ngòi sen chỉ còn trong cổ tích. Một bãi ngô xanh mướt mát ra tận mép sông lúc nào cũng có gió thơm hăng hắc mùi cỏ mật và rau rền dại và rau sam rau sếu. Trong lòng nao nao nhớ chuyện xưa, lại nhớ các bạn cùng lớp cấp 3 biền biệt xa cách, nay thành ông bủ bà bủ nơi nào.
Tháng 12 sắp về , lại sương xuống và cái nắng mùa đông hanh hanh, những vết sẹo, vết thương chiến trường lại râm ran ngứa. Sau cái nhoi nhói buốt của vết sẹo ở chiên trường là những cái vết sẹo thời chăn trâu thời học trò nhâm nhẩm . Buồn buồn, tê tê, êm dịu.
Mùa đông 2018
22/10/2018

Tạm biệt mùa thu


Vuột khỏi bàn tay thu muộn
Chiều đi tai tái mây chiều
Có đàn sếu ra rồi đấy
Qua triền sông hoa liêu xiêu

Vàng suộm 2 vai thùng nước
Chị tôi gánh xéo chiêm mùa
Sương giãi lên màu hoa cải
Cuối thu sông buồn lơ ngơ

Chiều tan vào sương vào khói
Cải ngồng nồng bếp vại dưa
Bếp cũ nghiêng người dạo cũ
Mùa đông đến thật hay vờ

10/18

Cái Cooc xê màu tím


Thuở ấy nhiều người viết đơn bằng máu ra trận lắm nhưng tôi thì không. 
Học hết năm thứ nhất đại học tháng 8/1970 vừa 18 tuổi tôi đi khám bộ đội. Trượt vì hắc lào. Tháng 8/1971 lại khám nữa. Lần này vừa hết năm thứ 2. Cũng lại B1. Đợt ấy loại B là không lấy. Đợt tháng 12/1971 căng lắm. Thằng Hoàng Kim Tới người Vinh cùng lớp bảo tôi, mày làm ngụm nước điếu là tim đập loạn xạ đ. phải đi đâu. Tôi không dám uống nước điếu vì sợ lắm. Hồi bé ở quê đi đánh dậm bị rắn cắn chạy về nhà kêu ông nội. Ông cho uống nước điếu bát, say nôn thốc nôn tháo, mắt đỏ ngầu cả buổi chiều. Tới chê, ” đồ dưới sú bà Trầm “ . Nói vậy chứ nó cũng không uống nước điếu mà nó uống 2 viên As pi rin. Thế mà nó vẫn không thoát.
Sáng ấy trời se lạnh. Các cô y tá và y sĩ về lập phòng khám ngay khu đồi bạch đàn trong trường. Mỗi ô khám chỉ căng bạt quây xung quanh và vài cái bộ bàn ghế gỗ. Phòng khám súng ống căng ni lông kín có mấy cô y sĩ tay đeo găng cao su nâng nâng khẩu pháo rồi gật gù. Oách đới! Thằng nào cũng oách hết. 
Sang phòng khám mắt . Cô y sĩ này xinh. Cái áo bờ lu trắng khoác hờ còn sơ mi cổ hơi rộng nên mỗi khi cô cúi cúi là thấy cái cooc xê màu tím. Cô ta cho đeo cái kính màu tối rồi cầm một mảnh bìa ghi chữ bé tí xíu đưa lại gần rồi lại đưa xa mắt tôi miệng hỏi …thấy gì không? Thấy gì không. Tôi bảo , có có. Thấy cái áo mầu tím hoa cà. Xoạch! Cô ta vứt miếng bìa có ghi chữ ABCFE xuống bàn. Giằng cái kính trên mắt tôi ra. Rồi nói rất chua. Anh sang phòng khác khám. Năm ấy tôi trúng tuyển. Nhưng đến lúc cuối thì lại hoãn. Nếu không hoãn thì đợt đó tôi vô Quảng trị tháng 7/1972. Tôi đi lính sau đợt ấy và mang 1000 ngày chiến đấu quay về trường tháng 10/1975. Từ ấy cứ mỗi lần nhớ đến đời lính của mình tôi lại nhớ vụ đi khám tuyển nhìn thấy cái cooc xê màu tím hoa cà.

9/2018

Đường Chúng ta đi

Chúng tôi đã học thuộc lòng đoạn văn dài trong tùy bút "Đường Chúng ta đi "
Năm ấy là năm 1969. Sau tết, chúng tôi bước vào học để thi tốt nghiệp cấp 3. ( PTTH bây giờ ) Ngày ấy có nhiều bài giảng cập nhật thành Bài đoc thêm dù không trong giáo trình Trích giảng văn học. -Tôi nhớ vậy 
Lớp 10 của tôi ở trong rừng nứa. Mùa xuân nứa tôt um tùm. Muỗi bay u u . Sau những đợt mưa phùn ẩm ướt là mưa rào và rừng tinh khôi như áo mới. chúng tôi học say sưa mặc dù biết mình chỉ ngày mai có thể nhập ngũ. Những đứa bé như tôi thì còn an tâm chứ mấy thằng 18, 19 tuổi cao nhớn thì đằng sau những khuôn mặt tươi cười là bâng khuâng đến ngày ra trận.
Lúc ấy có một bài giảng mà cả thầy và trò đều thổn thức sững sờ. Bài tùy bút của một nhà văn mang tên Nguyễn Trung Thành. Thầy dậy văn tôi đọc không hay nhưng chúng tôi vẫn xúc động trào nước mắt. Sau nửa thế kỉ mà tôi vẫn hình dung ra khung cảnh lớp tôi hôm ấy. Rừng nứa lặng im , những con chim ngoài cành cây lớp học ngó nghiêng cũng lặng im. ….” ... 
....Ngày mai chúng tôi sẽ ra trận.... Dân tộc chúng ta sinh ra và lớn lên trên một mảnh đất mấy nghìn năm nay chưa giờ phút nào nguội tắt ngọn lửa chiến tranh. Từ trong đêm mờ xa xôi của lịnh sử, hình ảnh cha ông ta, hình ảnh con người Việt Nam suốt hàng trăm thế hệ nối tiếp bao giờ cũng là hình ảnh một con người cầm vũ khí đứng lên trong cuộc chiến đấu trường kỳ và dữ dội để giành và giữ lấy quyền sống của mình…”
Lúc ấy những trái tim trai gái tuổi 17, 18 rạo rực, ai cũng nghĩ mình sẽ làm gì đây cho tổ quốc mình. Rồi đến đoạn …”Giá như chúng ta minh họa lịch sử dân tộc thì có trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu? Máu thắm đượm rãnh cày ta gieo hạt giống, máu thấm đượm mảnh sân con ta nô đùa ngày bé, máu thắm đượm con đường nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi, máu thắm đượm bờ ao em ta ngồi giặt áo trên chiếc cầu nhỏ gập ghềnh..” thì chúng tôi nhìn nhau . Lũ con gái nhìn chúng tôi như hiểu ra , rồi chúng tôi sẽ xa nhau..
Thế ròi , ngay sau kì thi ấy một vài bạn đã lên đường . Còn tôi và nhiều bạn khác ra trận từ giảng đường đại học . Đêm Trường sơn chúng tôi nhớ bài Đường chúng ta đi, nhớ trường nhớ lớp và nhớ bao bạn bè và ai cũng có một cặp mắt thiếu nữ để mà tự nhớ mang theo. Hơn một trăm ngày trên Trường sơn bom đạn gian khổ chúng tôi vịn vaò những câu thơ của Phạm Tiến Duật, của những trang tiểu thuyết Nguyễn Minh Châu của Đỗ Chu, Hồ Phương và Nguyễn Trung Thành. Tôi mãi mãi không biết Nguyễn Trung Thành là Nguyên Ngọc tác giả Đất nước đứng lên và với Rừng Sà nu Nếu tôi đã hi sinh như nhiều bạn cùng lớp tôi.

Đường chúng ta đi- Tùy bút của Nguyễn Trung Thành với thế hệ thanh niên XHCN cầm súng ra trận có sức cảm hóa động viên đẹp đẽ và tác dụng chân thực lớn lao đến ngần nào. 
Tôi nhớ là thầy giáo cho chúng tôi học thuộc một đọan trong bài tùy bút ấy. . Đó là đoạn dưới đây. Tôi chắc các bạn cùng lớp tôi ở cấp 3A thị xã Yên Bái khóa 1966- 1969 cũng còn nhớ. .

“ ….thường vẫn vậy đấy, bắt đầu hầu như chẳng có gì cả. Chỉ là một giọng hát. Đội trưởng chúng tôi vừa tắt đài. Trên đài, một người con gái nào đó vừa hát một bản dân ca của đất nước trong đêm khuya. Bây giờ tất cả im lặng rồi, giọt sao ngoài khung cửa đọng lại, đứng im, không nháy nữa, đêm đã đi vào chiều sâu, mà vẫn còn nghe âm vang mãi giọng hát của người con gái lúc nãy. Một giọng hát dân ca, ngân nga bát ngát như cánh cò trên đồng lúa miền Nam chạy tới chân trời, có lúc rụt rè, e thẹn như khóe mắt người yêu mới gặp, có lúc tinh nghịch, duyên dáng như những đôi chân nhỏ thoăn thoắt gánh lúa chạy trên những con đường làng trộn lẫn bóng tre và bóng nắng... Có lẽ không phải là một người con gái đã hát trên đài. Đó chính là quê hương ta đang lên tiếng hát. Tiếng ngân nga dội lên từ lòng đất, ở đó trong một góc vườn có đôi cây sầu đông và một giàn bầu đong đưa quả nặng, một ngày đã xa mẹ ta đã chôn nhúm nhau của ta thuở ta mới lọt lòng. Đó là tiếng ngân của mặt đất, của dòng sông, của những xóm làng và những cánh đồng sau một ngày lao động và chiến đấu.
Không biết các bạn có bao giờ nghĩ như vậy không. Riêng tôi cứ mỗi lần nghe vọng lên tiếng hát đậm đà, uyển chuyển của những bản dân ca Việt Nam, lòng tôi bỗng dưng xao xuyến lạ thường, tôi bỗng đứng lại như sửng sốt, như kinh ngạc, và bàng hoàng tự hỏi: Đất nước ta, con người Việt Nam ta vẫn còn giữ được tiếng hát ấy ư? Kỳ diệu biết bao nhiêu! Kỳ diệu biết bao nhiêu, tiếng hát và tấm lòng Việt Nam chúng ta!
Dân tộc chúng ta sinh ra và lớn lên trên một mảnh đất mấy nghìn năm nay chưa giờ phút nào nguội tắt ngọn lửa chiến tranh. Từ trong đêm mờ xa xôi của lịnh sử, hình ảnh cha ông ta, hình ảnh con người Việt Nam suốt hàng trăm thế hệ nối tiếp bao giờ cũng là hình ảnh một con người cầm vũ khí đứng lên trong cuộc chiến đấu trường kỳ và dữ dội để giành và giữ lấy quyền sống của mình. Không biết có nơi nào nữa trên trái đất, quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến vậy không? Giá như chúng ta minh họa lịch sử dân tộc thì có trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu? Máu thắm đượm rãnh cày ta gieo hạt giống, máu thấm đượm mảnh sân con ta nô đùa ngày bé, máu thắm đượm con đường nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi, máu thắm đượm bờ ao em ta ngồi giặt áo trên chiếc cầu nhỏ gập ghềnh... Ôi dân tộc ta từ trong máu lửa mà sinh ra, mà lớn lên. Từ trong máu lửa bốn nghìn năm chúng ta đứng dậy và cất tiếng nói. Từ trong máu lửa đỏ cháy cả không gian và thời gian như vậy, tưởng như chỉ có thể là tiếng kêu rú căm hờn, dân tộc ta chỉ có thể nấc lên tiếng khóc xé ruột, xé lòng... Thế nhưng lạ lùng thay, từ trong máu lửa cháy đỏ cả lịch sử, chúng ta lên tiếng nói, và tiếng nói ấy lại là tiếng hát trữ tình, điềm đạm, trong sáng, duyên dáng và say sưa như một cuộc hẹn hò, xao xuyến như buổi gặp gỡ ban đầu. Một dân tộc đánh giặc bốn nghìn năm mà tiếng hát vẫn êm dịu, uyển chuyển như vậy, dân tộc ấy mãnh liệt và bình tĩnh biết chừng nào.
Cám ơn chị, người con gái hát trên đài đêm nay, cám ơn chị đã hát lên lòng tự tin và sức sống không gì dập tắt nổi của dân tộc ta….”

NTL 30/10/2018

Tháng mười

Đã lâu không về với quê
Tháng mười còn có ngồi mơ bánh dầy
Người đi đi hút chân mây
Mấy ai trở lại mùa này rạ rơm
Có bao giờ trữ rơm chiêm
bao giờ gốc rạ làm nên tiệc tùng
Là quê là nhớ là mong
Mà nay sa sắt chợ đông bến tàu

Tìm đâu để có cầu ao
Tìm đâu áo cánh nhuộm vào mắt trai
Tháng mười chim ngói trên giời
Khôn không qua nổi lưới người trần gian

Trầu không vàng cả chân giàn
Cau già bán ở ngoài làng ai mua
Có con cò lội đường bừa
Bao giờ thấy tiếng hò lơ cuối đồng ?

Hò lơ ! ….
ai về đứng ở bờ sông
Hỏi thăm ngưỡi cũ mãi không thấy về
Hò lơ , lơ ớ… hò… lơ
Làng tôi có tự bao giờ …..hò ơi.

Tôi đi mấy chục tháng mười
Vẫn không qua nổi một nhời nhà quê
Đi đâu thì nhớ mà về
Tháng mười chín quýt Đan Hà mình ơi

Tháng mười 2018

Monday, September 17, 2018

VỢ NGƯỜI ANH HÙNG.


( VIết cho tháng 7 )

Anh và chị học cùng nhau hết cấp 2 thì anh nhập ngũ. Ngày ấy chả cứ quê tôi mà bất kì làng xóm nào trên miền bắc thanh niên học tới lớp 7 mười sáu mười bẩy tuổi là xung phong nhập ngũ vào nam đánh Mĩ. Họ chia tay nhau ở bụi tre ngay đầu bến đò. Tôi nghe kể, lần đầu tiên người quê tôi nhìn thấy trai gái hôn nhau chính là anh chị . 
Cái bụi tre bến đò ấy vào năm 1968 vỡ đê có đến tám người làng chết đuối. Nước sông Hồng quét sốc vào tận làng trong. Nửa tháng sau nước rút, cả cánh đồng làng tôi toàn một thứ cát càng khô phênh phếch. Chị ấy đứng ở chỗ vỡ đê khóc một mình. Chị khóc cho ngày chia li mối tình anh chị và lại cũng khóc những oan hồn của thiên tai. Chị tiếc lắm cái bụi tren nơi hai anh chị ôm nhau trước ngày anh đi bộ đội.
Nhưng lúc ấy họ chưa biết chị là gái góa. Anh nhập ngũ năm 1965 thì kì nghỉ phép đầu năm 66 anh về cưới chị . Cưới xong mươi ngày là đi. Anh nói anh lái xe vào Trường Sơn. Hồi ấy làng tôi chỉ có anh là người biết bẻ máy ô tô . Anh kể chuyện, lũ trẻ con chúng tôi sướng nhất là tiếng bim bim và dáng nghiêng người cua xe vòng quanh đồi. Nhìn anh kể chuyện chị nuốt nước bọt và mắt chị long lanh. Chị làm vợ có mươi ngày rồi là thành gái góa.
Anh vào Trường Sơn một hai năm thì thành Anh hùng. Chị bảo chị không biết cái ông Anh Hùng già hay trẻ. Đảng ủy quán triệt mãi chị mới hiểu. À thì ra Anh Hùng cũng giống như Chiến sĩ Diệt Dốt hồi năm 1959 mà bố chị được tặng cái giấy chứng nhận treo trên vách liếp mốc meo đến tận giờ. Oai lắm đấy. Hàng ngàn người mới có một người Anh Hùng. Chị sướng như được mùa. Nhưng khốn thay khi chị nhận giấy báo tử thì mới biêt chồng mình là anh hùng. Chị đeo tang trắng và súng k44 ra đồng sản xuất cùng thanh niên làng hết hai năm thì bỏ khăn. Sau lúc héo hon chị dần trở lại mỡ màng. Mới 24 tuổi đã làm gái góa. Vợ góa liệt sĩ người ta nể bao nhiêu thì lại sét nét bấy nhiêu. Khổ lắm. cái gương con cũng chỉ dám soi ở trong buồng. Má mà ửng đỏ ở chỗ đông người thì thật là khốn nạn. Lại có tiếng phỉ pheo, đấy chồng chết chửa đoạn tang đã nứng. Chị khóc nghẹn họng, chị cắn răng hàng đêm.

Truy điệu chồng chị to lắm. Có cả Huyện ủy về. Cả làng đau xót. Cả làng mừng. Từ bao lâu đến giờ làng tôi mới có sự kiện một người là Anh Hùng LLVT. Ông Bí thư Đảng ủy phát biểu cảm động như chính nhà ông ấy có người Anh Hùng. Chị chả nhớ được gì suốt ngày vật vã bên cái mộ giả úp cái thuyền thúng phủ lá cờ đỏ lên mà gọi anh. Gọị mãi cho đến lúc đêm thì ngủ thiếp đi. 
Anh về. 
Anh đến bên chị. Be bét những đất và máu. Một bàn tay ôm lấy bụng, một bàn tay vuốt má chị. Chị bảo, sao anh không ôm em bằng hai tay. Anh bảo, anh phải bịt tay vào chỗ thủng ở bụng kẻo ruột nó xổ ra. Mảnh bom thằng Mĩ văng trúng bụng anh em ạ. Mẹ cha nó, nó đánh bom suốt ngày đêm, đại đội anh đã mùa chiến dịch vận chuyển Thương nhớ Bác Hồ. Em biết không suốt từ Lùm Bùm đến Phu La Nhíc bọn anh không một ngày ngơi nghỉ….
Chị níu lấy tay anh. Anh lại vuốt má chị. Anh cười, cái bụi tre chúng mình ngay đầu bến đò sang làng Lâm ấy bây giờ vẫn đẹp như xưa hả em. Những đêm TRường Sơn xoay cung tăng chuyến anh chỉ hình dung ra cái bụi tre chúng mình hôn nhau là quên được bom và đạn hai mươi li của kẻ thù. 
Thằng Mĩ thua chúng mình là cái chắc em ạ. Ở Trường sơn anh gặp nhiều cô cũng tuổi em mà dũng cảm lắm nhé. Bom vùi bom cháy cả rừng mà các cô ấy vẫn cười vẫn sống trên mỗi cung đường anh qua. 
Anh nhăn nhó. Ruột anh lại lòi ra rồi em. Giúp anh ấn nó vào đi.
Anh lại cười khe khẽ, tay kia lại đặt lên vai chị. Lần này thì anh khóc. Anh bảo , em ơi trời chưa thương cho mình một đứa con , em còn trẻ em hãy đi lấy chồng và cố đẻ một đứa con. Nếu có con gái hay trai cũng cứ lấy tên làng mình mà đặt tên con. Để anh dễ nhận ra con em cũng là con mình. Tên làng mình em nhé. Làng Đan.
Chị bừng tỉnh. Xung quanh chị đông người quá. Ai cũng đang khóc. Có cả ông Bí thư đeo xà cột thở phào. Chị nghe thấy tiếng ông nói rõ to. May quá, thế là đồng chí ấy tỉnh rồi . May rồi. Không có gì phải quán triệt nữa. 
Ông ấy đi ra khỏi đám đông. Chị lại nhắm mắt, bên tai chị ồn ã có cả tiếng khóc của mẹ đẻ của chị và tiếng trống hộ đê. Năm ấy cũng mưa nhiều lắm.

***
Một năm sau khi chồng chị trở thành anh hùng thì chị được bầu là Bí thư Xã đoàn. Chị lao vào công việc để quên nỗi buồn nhớ anh, nhớ 10 ngày làm vợ. Đêm , chị quằn quại trên cái giường chỉ một thứ mùi đàn bà ngai ngái xanh xao. Đầu giường chị là những lá thư của anh trên Trường Sơn gửi về và những Công văn Nghị quyết triển khai công việc của đoàn thanh niên xã nhà. Những lá thư liệt sĩ lẫn lộn trong bộn bề cuộc sống làng quê những ngày cuối của cuộc kháng chiến như thể nó đan chéo vào nhau mà lại đồng điệu đến giản đơn. 
Cũng ở trên cái giường ngài quạt gỗ xoan tươi mà anh chị ở với nhau mười đêm ấy bao nhiêu ý tưởng phong trào đoàn xã ra đời. Nhưng phong trào đoàn càng đi lên bao nhiêu thì chị lại càng mình thấy mình tội lỗi bấy nhiêu, bởi má chị càng ngày càng đỏ, ngực chị càng ngày càng căng. Có những lúc đang cười nói rộn ràng chợt nhớ mình là vợ anh hùng mà ngưng bặt không dám đùa vui với bạn bè nữa. Cũng có lúc đi đào mương thủy lợi ngồi ăn mía bên bờ mương chợt vùi khúc mía xuống cát chụp cái nón lên đầu. Anh ơi, em giữ là giữ cho anh. Giữ cái anh hùng của anh. Cái vườn nhà mình lâu nay không trâu bò nhà ai dám lại vãng đến mà phá phách nữa. Cỏ vườn um tùm, lối vào nhà mình cũng xanh rì những rêu trơn. Em bỗng thấy hình như họ chỉ nhìn em từ sau bờ rào đầy những dây tơ hồng phủ kín cúc tần. 
Giời ôi, ra là chị cũng lại phải làm anh hùng thay cho chồng. Không những thế chị còn làm anh hùng cho cả nhà chồng cho nhà mình và cho chị. Sao đời chị nặng nề đến thế. Có lúc chị nghĩ dại, giá mà anh không phải là anh hùng có đỡ cho chị không....

Một năm hai năm rồi ba bốn năm năm. Ngôi nhà vợ người anh hùng xanh mướt mát những là rau ngót và lá mơ tam thể. Những đứa bạn chị đi lấy chồng hết cả. Lâu rồi chả thấy đứa nào sang mà hái rau mà vặt lá mơ về thịt chó. Vườn nhà chị sau mỗi trận mưa dẫm xèo bọt mùi tanh tanh. Chị đã hai khóa bí thư xã đoàn. Chị xin nghỉ mà chưa được , chưa có ai thay chị. Có mấy cô phó bí thư nay đi lấy chồng cả. Các đồng chí thấy chị son rỗi đoan trang nên động viên chị làm tiếp. Chị vạch ngực soi gương thấy đầu vú đã thâm thâm. Chị quay trước quay sau đấm đấm vào mông vuốt vuốt lên ngực rồi khóc. Ngôi nhà chị bí thư xã đoàn mùi ngai ngái giống như cái mùi tanh ngái từ vườn đưa vào.
****
Cũng lại một ngày mưa anh ấy đến. Anh tên Long. Chị biết anh vì anh cùng đi bộ đội với chồng chị. Nhưng anh ấy có học hơn nên được đi binh chủng thông tin còn chồng chị đi lái xe. Anh châm nhang thắp lên bát hương bố mẹ chồng chị trước rồi thắp nhang vào bát hương chồng chị. 
Anh khấn : Thiện ơi, tớ về thắp nhang cho cậu đây, tớ cũng ra quân rồi, sống khôn chết thiêng thì phù hộ cho vợ cậu. Cô ấy cũng khổ lắm Thiện ạ.
Lần đầu tiên chị thấy có luồng điện chạy rùng mình từ đầu xuống chân. Chị thấy que hương rung bằn bặt. Lần đầu tiên chị thấy như có người ôm chặt lấy chị, ghì ngực chị, nén cặp vú như hai cái vét si bóng khiến chị tức thở. Anh ấy thẫn thờ nắm tay chị rất nhanh rồi ra về cũng nhanh. Ngoài ngõ có người hàng xóm đứng hái búp cúc tần về đắp chân cho trâu bị cước chân nhòm vào.
Chị không rõ mình ít cười từ bao giờ, cũng không rõ mình nói không to như trước từ bao giờ. Lâu nay chị đã quen hễ mở mồm nói điều gì là nhớ ngay chồng mình là anh hùng. Đến nỗi đi chợ mua sắm cái gì là hôm sau cả làng biết vợ người anh hùng ăn món gì. Nhưng chị nhớ rất rõ mỗi kì giỗ bố mẹ chồng các đồng chí lãnh đạo xã nói gì với chị. Chị cảm động đến cứng người khi các đồng chí khen chị đoan trang xứng đáng người đảng viên vợ một người anh hùng. Bao giờ cũng thế đêm ấy là chị ôm cái gối thêu con chim bay con chim đậu cũ mèm mà khóc.
Tối ấy chị không khóc. Tự dưng chị thắp nhang cho bố mẹ chồng cho chồng mà lại nhớ đến anh Long lúc chiều. Người chị lại thấy có luồng điện nhoi nhói chạy qua. 
Năm sau anh Long hỏi cưới chị. Anh Long lên xã trình bày với Đảng ủy Ủy Ban, rồi xin phép họ hàng bên chồng cũ của chị. Đám cưới diễn ra thật đơn xơ, cũng trà thuốc và mươi mâm cơm hai họ. Nhưng ở làng thấy gường gượng. Các cơ quan đoàn thể như vừa mất đi cái gì mơ hồ nhưng cũng thở phào cởi bỏ một cái gì mơ hồ không kém. 
Ngay sau đám cưới anh chị về ở với nhau trên ngôi nhà của chị vì đất này là của mẹ đẻ chị cho chị khi xưa chị đi lấy chồng. Cũng năm ấy chị thôi công tác . Vợ chồng chị lại làm ruộng và hưởng trợ cấp thượng úy của anh Long. Bao nhiêu nỗi lòng của chị trong căn nhà ngai ngái mùi đàn bà ngày mưa nay biến mất. Chị hạnh phúc ngay trong căn nhà bất hạnh của mình khi tuổi cỡ ba mươi. Chiến tranh vừa mới qua được vài năm, những hân hoan đợi chờ vỡ òa, tiếng cười tiếng nhạc lẫn trong kèn trống của hết đám báo tử này đến báo tử khác. Chị thấy mình vừa đau đớn mà cũng vừa hạnh phúc hơn khối người. 
Một năm hai năm rồi ba bốn năm năm. Chị mơ hồ nhận ra nỗi buồn của chồng mình. Những nỗi niềm khe khắt dòm ngó của người đời ở một vùng nông thôn đối với chị khi trước thế nào thì nay lại chuyển sang chồng chị. Họ để ý xem anh ăn ở với vợ một người anh hùng ra sao. Họ cứ nghĩ rằng anh luôn núp dưới cái bóng tiếng tăm của vợ. Rằng cái thượng úy của anh chả là gì với danh xưng một liệt sĩ anh hùng. Quá lắm thì anh thượng úy về một cục vì sức khỏe yếu mà thôi. 
Gần bốn mươi mà chị vẫn không thấy có chửa. Chị cởi áo nhìn ngực mình thấy vú xẹp dần mà thâm bẳn. Nước mắt chứa chan. Anh đứng sau cũng dàn dụa nước mắt. Anh cho chị biết anh đi khám và biết mình vô sinh vì chất độc da cam từ chiến trường Tây Nguyên mang về. Đêm ấy anh bảo chị, em còn khả năng có thai thì nên đi lấy chồng hoặc thích ai thì cứ ăn nằm với người ta kiếm đứa con. 
Chị khóc nức nở. Chả gì em cũng đã là vợ một sĩ quan, vợ một anh hùng em sao có thể làm như thế. Em có trách nhiệm với anh cũng như trách nhiệm vợ một người anh hùng chứ anh ơi. Cả hai người cùng khóc. Hồi lâu anh bảo, Em khổ quá em ạ. Khổ với anh đã đành em khổ vì cái anh hùng của chồng em nữa, nỗi khổ ấy đeo nhũng nhẵng nhẹ nhàng mà quán nặng một đời em. Anh thương em lắm.
Sau lần ấy chị chủ động cùng anh đến từng nhà các cựu chiến binh trong làng tổ chức hội đồng ngũ, hội chăn trâu, hội cùng đơn vị và lấy nhà mình làm trụ sở sinh hoạt. Anh và chị lại đi tới nhiều xã trong huyện thăm hỏi các bạn bè cuả chồng cũ chồng mới. Vợ người anh hùng lại sống lại như một hồi chị làm bí thư xã đoàn.

***
Đoạn kết
Năm nay nước lại ngập lút đồng. Từ xóm làng chân đồi nhìn ra, nước e e như nồi canh cua lẫn rau rút lều phều. Nước sông Hồng lạnh như kem. Chị lội lõm bõm ra bãi soi. Nghĩa trang nổi cao hơn mặt nước chỉ cỡ một con dao phay thái chuối. Ngôi mộ Anh Hùng chồng chị đỏ chói lói vì vừa qua ngày 27/7 xã nhà cho sơn quét tinh tươm. Tấm ảnh anh đội mũ mềm có ngôi sao cũng mới làm khảm vào đá dưới Hà nội mang về. Người làm tấm bia có ảnh này chính là anh Long chồng chị bây giờ. Anh có tấm ảnh cất kĩ từ hai người hồi huấn luyện cùng nhau. Ngày mang tấm bia gắn ảnh của anh về chỉ mình chị là không biết . Chồng chị xách túi xi măng ra nghĩa trang lúi húi một buổi chiều. Tối ấy anh uống rượu một mình ngoài hè. Trăng lên, anh bảo chị tắt đèn đi để anh ngồi hóng gió một mình. Chị ngồi sau cửa nhìn ra, thấy anh như nhập nhoè in vào vườn chuối lặng phắc như cái chòi bù nhìn canh ngô ngoài bãi soi. Chị thương anh bao nhiêu chị thương mình bấy nhiêu. 
Chị đứng trước ngôi mộ giả của người chồng Anh Hùng bao lâu không nhớ nữa. Nước sông vẫn lên, mưa tạnh rồi mà lũ mạn ngược u ú kéo về , lại nghe nói cái bọn láng giềng nó xả lũ ngọn nguồn. Binh tình này quê mình khéo lại chìm mất bãi soi anh ơi. Anh lại chìm trong nước dơ dáy đến bao giờ hở anh. Có con thẫm giun lội rón rén cắm mỏ tìm mồi ngay lùm chuối cửa nghĩa trang thấy chị nó bay đánh vù, kêu kéc một tiếng. 
Cũng lúc ấy chị nghe trong xóm có tiếng đứa cháu gọi, cô ơi cô về ngay đi, chú Long khó thở quá. Về đưa chú đi viện cô ơi. 
Chị bừng tỉnh. Chị lạnh buốt thái dương. Hình ảnh người anh hùng đội mũ mềm sáng lên. Chị nghe như có tiếng anh trong tiếng ì õm của nước ngập xô trên đồng lúa. Em về đưa anh ấy đi viện đi em, anh ấy cũng khổ lắm, khổ còn hơn anh .

10 giờ 15 phút sáng 23/7/2018

CHUYỆN LÀNG


Bây giờ chả cứ gì mọi người ít tuổi mà ngay cả tôi nghe kể chuyện đánh đấm đùng đoàng cũng thấy nhàn nhạt rồi. Chuyện tình thì đã qua . Chuyện đầu tư kinh doanh thì bại trận, nói đến là sởn da gà. Chuyện chính trị thì có nghe có nói cũng là hóng hớt chém gió. Mấy anh về hưu đi bộ buổi sáng rồi rủ nhau ăn sáng rồi chém Gió chính trị, nuối tiếc oán than. Tôi dị ứng. Thế thì chỉ còn mỗi chuyện hồi nhỏ. Nói chuyện thời nhỏ cho nó trong sáng , he he, thánh thiện. 

Mà nói đến thời thò lò mũi thì phải nói đến làng, đến bạn mũi thò lò . Làng nào mà chả có ối chuyện hay . Có điều kể lại có lọt tai người nghe không mà thôi . Với lại kể với ai ? 
Thôi thì kể chuyện hồi nhỏ là phải kể với người nhiều tuổi . Đừng kể với lũ trẻ con mà dại .

1 Xóm Giữa làng .
Con đường tàu hỏa Hanoi - Laokay sẻ vào giữa làng tôi thành một đường kính. Ỏ tâm đường kính là giữa làng . Giữa làng thì đương nhiên có sự khác biệt ria làng rồi. Hàng bán nước mắm cá khô ở đó . Hàng Lò rèn , hàng nhuộm , hàng cúp tóc cũng ở đó và có một cái điếm để các nhà chức trách tuần phòng trị an . Tôi thích lám ó một anh thuong binh mở quán Chữa đèn pin. CHao ôi, ngày đó cái đèn pin là cả một khoản tài sản. Toi nhớ cho đến năm tôi học cấp 3 tôi vẫn ao ước một cái đèn pin mà chưa có.
Tựa vào quả đồi có trường tiểu học là một cây đa và bãi cỏ rõ thật mịn làm nơi mít tinh . Tôi nhớ xa xưa lắm có một cái sân khấu cột gỗ mái lá để diễn tuồng diễn chèo , là nơi thanh niên tập múa son mì ngày 2/9 , ngày trung thu . Thời ấy mới hòa bình vài năm . Những người tản cư từ dưới xuôi lên chưa mấy ai về , làng tôi còn đông vui lắm . Ông thợ giày cặm cụi ngồi ở gốc vông sửa những đôi giầy Giôn những đôi Bát kết . Ông thợ bạc có cái đèn xì ngọn lửa bé xíu xanh lè chuyên kéo những cái vòng trẻ con . Khoái nhất là ông kẹo kéo . Chúng tôi túm đen túm đỏ quanh ông nuốt nước bọt nghe ông rao : ké…éo đê ê ..ê . Hồi ấy chúng tôi mặc quần lá tọa . Cái quần lẽ ra phải luồn dải rút nhưng dải rút thì tút ra làm dây chơi quay còn thì lấy dây bẹ chuối buộc ngang quần kéo cạp lên thả xuống . Có những hôm mải chơi đứt đánh phựt dây quần tụt xuống mà vẫn mải mê quay với đáo . Thằng Vân bạn thân nhất của tôi bố nó đi Điện Biên Phủ về có dây dù làm dải rút quần trông nể quá . Thỉnh thoảng mượn nó một hôm . Hôm nào mượn được, mình cố tình để thò cái nút dây dù dài xuống . Oai phết . Một bữa đang ăn cơm tối, nó gọi ngoài ngõ trả dải rút cho tao đê…ê . Tức ói máu vội lao ra vườn tước cái bẹ chuối treo cái cạp quần hôi mù vào bụng rồi ném trả nó đoạn dây dù. Tức cả đêm .
Cái xóm giữa làng này được gọi là xóm Làng. Đứng đầu là ông trưởng xóm. Nay hòa bình rồi trưởng xóm thường là có chân chi bộ. Ông nội tôi không trong chi bộ nên thôi chức. Ông buồn. Bà nội thì bảo may quá, cứ làm trưởng xóm chỉ tổ đun nước họp với hành. Bờ rào nứa cũng tan hoang. Chả là mỗi đêm họp xóm ra về bà con dỡ rào vườn nhà tôi đốt làm đuốc đi về.

Tổ “đổi công” ra đời vui thế . Bao nhiêu chuyện vui buồn trong nhà nay mang cả ra tổ đổi công mà chia sẻ. Con người mới đi lên phới phới. Hồi ấy chả cứ gì quê tôi , đâu đâu cũng văn nghệ, đâu đâu cũng làm sạch làng tốt ruộng, diệt muỗi diệt chuột ăn chín uống sôi. Lũ trẻ nhỏ chúng tôi cứ mỗi tuần vào chiều thứ 6 đi cổ động . Đi Cổ động là xếp hàng đội ngũ chỉnh tề. Trống Cà rình đi trước, người chỉ huy cầm cái loa bằng ống sắt tây giống như cái nơm úp cá ngủ mà hô to những câu khẩu hiệu. Tôi nhớ lắm và thích thú lắm những câu hô khẩu hiệu của anh Thêm Quỳnh kém mắt. Trong xóm tôi anh Quỳnh tuy kém mắt nhưng tốt tinhslaij năng nổ công tác nên ai ai cũng yêu quí. Anh cầm cái a lô ( hồi ấy chúng tôi gọi thế ) giọng sang sảng :
- Tích cực diệt muỗi diệt chuột là thiết thực bảo vệ cuộc sống của nhân dân ! 
Cả đoàn hơn trăm đứa trẻ hô to : Tích cực! tích cực! Anh Thêm Quỳnh lại hô: 
- Toàn dân Thi đua làm sạch xóm làng ! Chúng tôi lại hô theo : Thi đua thi đua ! Kết thúc bao giờ cũng phải có câu kết :
- Hồ Chủ tịch muôn năm . Muôn năm muôn năm 
Rồi là trống cà rình gõ dồn dập. Cứ thế đoàn cổ động đi quanh co hết xóm trong xóm ngoài . Vui đáo để . Chúng tôi đi cổ động nhìn lũ trẻ cởi truồng chưa đến tuổi được đi cổ động cũng vênh váo ra trò . Anh Thêm Quỳnh ngày ấy là thần tượng của tôi rồi. Cứ nhớ lại cái a lô bằng sắt tây là nhớ đến một thời xóm giữa làng của tôi thật hoành tráng. Cứ nhớ đến ngôi đình làng học vỡ lòng vói những cái cột lim to hai người ôm trên đó có những chữ cái A, O Ô, U, T, H....viết bằng vôi to như cái thùng gánh nước từ hồi bình dân học vụ hồi phong trào diệt dốt

Ở xóm Làng , hồi ấy tôi nể nhất thằng Cư . Nó hơn hai tuổi nhưng học cùng lớp tôi . Nhà nó ở dưới Nam định lên từ hồi 45 . Bố nó làm kiểm lâm trên laokay . Cái gì nó cũng biết cái gì ở làng nó bảo cũng là bình thường . Nhà nó ở sát luôn đường tàu hỏa . Mỗi tối nó nhặt đá đường tàu về xếp ô vườn hoa nhà nó . Nó trồng toàn hoa mười giờ . Nó bảo tôi khi nào hoa nhà tao nở tao ới sang nhà mày cho bầm mày nấu cơm . Tôi kể lại với mẹ . Mẹ cười buồn , giờ ấy bầm còn ở ngoài đồng con ạ . Hồi ấy ngày có vài chuyến tàu thôi nhưng rất đúng giờ . Vài năm mới đổi giờ tàu một lần . Đổi giờ tàu là cả một sự thay đổi lớn đối với xóm giữa làng . Sáng , chin giờ là tàu Hà nội lên ngược . Chiều, 2 giờ rưỡi là tàu xuôi . Đêm : 9 giờ tối tàu ngược rồi 2 rưỡi sáng lại có chuyến xuôi . Cứ thế năm này qua năm khác tàu qua nhà là biết mấy giờ . Chỉ đến khi chiến tranh phá hoại của Mỹ nổ ra những chuyến tàu xuôi ngược mới thất thường . Bao nhiêu năm tiếng còi tàu mặc định vào giấc ngủ trẻ con của tôi . Nhà cách đường tàu dăm chục mét tiếng chạy xập xuỳnh của tàu hỏa cứ như ru ngủ vậy . Lúc mới biết đọc chữ hàng ngày cứ đánh vần những chữ viết trên các tấm biển gỗ chôn cạnh đường tàu . ở ngay cửa nhà tôi có cái biển sơn trắng chữ đen không có dấu khiến dòng chữ trên đó thuộc từ bé mà mãi tới lớn mới hiểu . Cái dòng chữ thế này : DUONG VONG:…/ BANKINH :…/ TOCDO: …/ GIOIHAN:…Hóa ra là họ ghi bán kính cong , tốc độ chạy và giới hạn tốc độ . Rồi , cái toa tàu bố tôi bảo là Voa gông . Sao lại là voa gông ? ông trưởng ga ở ga nhà tôi họ gọi là Xếp . Chịu chả biết Xếp là gì những cũng gọi ông Viện làm trưởng ga là ông Xếp Viện . Những kỉ niệm con con ấy rũ mãi không ra khỏi trí nhớ .
2
NgưỜI ta bảo : một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Cái hàng phở , hàng bánh cuốn giữa xóm nhà tôi là nơi kiểm chứng và ghi danh những cá nhân có máu mặt ở làng. Thời bé tôi biết mấy thầy giáo cấp 1, mấy ông buôn nâu mây và mấy anh công khu mới vào hàng phở ( Công khu là thợ chèn đá đường tàu hỏa ) . Trông nể lắm. Khoan thai tự tin thả đít xuống cái ghế băng đen nhẻm ám mùi khói. Con gà luộc sẵn treo chổng ngược cạnh bó hành củ tươi, trắng xanh như đon mạ . Nước rùng trong veo thơm sang tận tràn ruộng giáp đường tàu. Anh Nghi Vừng dậy lớp vỡ lòng chúng tôi ngồi hàng phở thách đố với mấy ông Công Khu ăn hết một con gà và cả bộ gan gà. Thế là anh giáo Nghi mang cái tên Nghi Gan gà. Anh giáo nhập ngũ năm 1961 rồi phục viên năm 63. Được hai năm lại nhập ngũ vào B4 đánh A Sầu dính bom na pan cháy hết mặt mũi, cháy mất cả một bên tai về làng chả ai nhận ra. Chỉ khi nói tôi là Nghi VỪng xóm cầu tây đây thì người làng à lên : Anh Nghi gan gà, gan gà. Anh giáo Nghi cười. Như một người hành tinh khác đến thăm làng . NHững năm 1958 tôi học vỡ lòng anh giáo Tấn. Nhưng hôm nào anh giáo Tấn bận việc là anh giáo Nghi lại dậy thay. Đã nửa thế kỉ nay rồi tôi vẫn nhớ nét chữ thầy giáo Tấn thầy giáo Nghi đẹp lắm, và nhớ cả thầy Nghi dũng sĩ diệt Mĩ , thầy Tấn là đại đội truỏng đã hi sinh tít hút trong Bình Phuoc vào năm 1970.
Làng nào cũng có khúc đồng dao riêng của nó. Đồng dao cho trẻ con và cho cả người lớn. Chả cần lên gân lên cốt về quê hương giống như anh nhạc sĩ úp mặt vào sông. CỨ hát khúc đồng giao lên là thấy quê hương hiện ra mồn một .Đồng dao quê tôi nhẹ tưng tửng và thắm thiết. Đồng dao nào cũng là của chung cho các thằng người trong cái vùng quê ấy cả. Ấy thế mà trong vô khối những đồng dao đã thuộc lại cứ nhớ đau nhớ đớn cái khúc Đội gạo lên chùa
…khoan khoan tay chú
đổ thúng gạo tôi
Hôm nay ba mươi 
Mai là mùng một
đội gạo lên chùa cúng bụt 
Bụt ngoảnh mặt đi
Ông Thích ca mỉm miệng cười khì
của tam bảo để làm gì chả bóp.
Đến thế thì thôi! Bụt rồi Thích ca không mắng thằng tiểu nó dám bóp vú gái làng lại còn hùa vào còn làm ngơ. Lớn lên mới hiểu ra là ở trên cao cũng nhiều sự thối nát như dưới dân sinh. THậm chí càng trên cao càng thối nát bẩn thỉu hơn dưới làng quê của tôi.
Làng tôi có xóm Dậm. Xóm ấy ở ria đầm Hà. Họ ở trên đồi cọ cổ thụ soi mình xuống đầm nước mênh mông. Hồi bé ngồi nhìn những cây cọ cao vài chục mét in bong xuống đầm nước. Những cây cọ lộn ngược cao như thế mặt nước nông choèn choèn mà ngọn cây cọ không xuống đến đáy. Cây càng cao soi xuống nước thì lại càng thấy nước sâu thêm. Đi vào xóm ấy phải qua một cái đập bằng đất ruộng vật lên gọi là bờ đắp . Ngàn ngạt những bụi tre và nương cọ. Tre cũng rậm mà cọ thì cao. Một xóm nhà toàn những cái tên nổi đình đám lãng tử quê tôi. THời tôi trẻ con tôi đã biết xóm Dậm nhiều chị đẹp gái lắm. Trai làng nhòm ngó gái xóm Dậm mà chả lấy được đâm ra tức mà làm thơ viết ở đình làng . 
…Nhà ông Vang có bụi tre to 
Có cô Năng lớn chẳng cho lấy chồng 
Ai ai đến hỏi cũng không 
Có anh Ngoạn đến là bằng lòng ngay ..
Đến giờ tôi cũng không thấy họ về làng, chả biết anh Giáo Ngoạn đưa chị Năng đi phương trời nào.

NGày xua cái sụ lấy chồng vọ cũng không nhiễu khê như bây giờ. Quê nghèo, nên con gái lớn lên thấy anh nào làm ra tiền thì ưng. Có mấy anh đóng cối dạo, anh hoạn lợn qua làng cũng cõng được mấy chị đi theo. Nhớn lên tôi biết mấy anh phó cối anh hoạn lợn anh hàn nồi qua làng tôi đều xuất thân từ dưới xuôi lên. Toàn dân Nam Định cả. Thế mới thấy dân Nam Định họ khôn ranh bôn ba và đạc biệt là họ chịu xê dịch . Cái sự xê dịch truyền thống của họ là tiền đề cho sự nghiệp của họ thăng tiến. Chứ cứ như người làng tôi thì chán chết. Khu khu điền dã như tôi đây đến vợ con nó cũng ngán ngẩm
Ngồi tè he ven đường đất đỏ thả trâu ăn dưới ruộng mới gặt. Lũ trẻ chơi đủ thứ trò . Cứ nhìn bọn con gái chơi Chuyền mà sốt ruột. Tay tung đến đâu mồm nó đưa đến đấy. Cái đầu chúng nó thì cúi xuống ngửa lên như con gật gù .. 
que mốt que mai /
cái trai cái hến 
Con nhện giăng tơ 
Quả mơ quả táo 
Cán gáo sang đôi 
Mồm chúng nó dẻo quẹo, mắt cứ sáng long sáng lanh
Đôi tôi đôi chị 
Đôi cành thị
đôi cành na
đôi lên ba 
Rồi mấy đứa đứng ngoài hô theo đứa trong cuộc 
Ba ta 
ba mày 
Ba cái cầy 
Một sang tư …Nhìn quả chuyền bằng quả bưởi non tung lên hạ xuống chóng cả mặt nghe đến cái đoạn 
Năm rau Răm
Năm lên sáu 
Thằng Vân đá tung cả bàn que chuyền . Tụi con gái chóe lên Địt mẹ Vân Quí nhá, Vân Quí nhá . Bà Quí mẹ thằng Vân đang đon rạ dưới ruộng kêu váng lên : ỐI Vân ơi là Vân ơi mày để cho chúng nó réo tên cái nhà mày ra kia kìa …Thằng Vân dứ quả đấm về phía con Thành Quì rồi chạy đi. 
Tàu khách về. Cả lũ quên phắt cái chuyện chửi nhau chạy ra áp đường tàu đố nhau tàu có mấy toa. Lũ trẻ reo hò khi toa cuối cùng vút qua. Thằng thắng cuộc được cõng một đoạn từ gốc đa ra tới hàng phở Bủ Nộm. Có hôm thằng Bùi Vượng thắt quần dải rút bằng dây chuối đang cõng thằng Cư đứt dải rút cái phựt. Vội buông tay kéo quần làm thằng Cư lăn ra đường. Lũ con gái he hé ré lên , ngặt nghẽo.
Khoái nhất là nghe tụi con gái chúng nó chửi nhau. Lũ con trai chúng tôi đứng ngoài xuỵt thêm vào thế là chúng nó chửi càng hăng . Đứa bên này bờ ruộng rẩu mỏ về đối phương bờ ruộng bên kia mà ra rả :
con đĩ đầu đanh / nấu canh củ tỏi / Mẹ chồng chưa hỏi / đã đòi làm dâu / Chồng chưa đi câu / đã đòi xách giỏ / Chồng chưa đi mò đã đòi rang tôm .
Hồi ấy chả hiểu mô tê gì mà chúng nó cứ tức tối cái bài chửi ấy thế. Nhớ nhất bà Quí mẹ thằng Vân chửi mất gà. Chao ôi bà ấy có giọng mới vang làm sao.Vang và chua. Mà chửi nhau thì cần nhất là giọng chua. Mấy nhà bên cạnh nghe mà ấm ức mà tức tối. Cứ chập tối là bà ấy tru lên: Mấy nhà bên cạnh nghe mà sôi máu tức gan. 
…" CHa năm đời mười đời thàng nào con nào ăn cáp gà nhà bà. mày lấy gà của bà mày hóc xương be mày đè xương cánh, mày cắm cờ xanh đầu ngõ mày cắm cờ đỏ đầu giường. Cha tiên sư bố mày, mày đi đằng xuôi mày chết đằng xuôi mày đi đằng ngược mày chết đằng ngược , con gà nó thành ma vương nó làm cho nhà mày tù đâm chết chém. …
Chửi đến nỗi chó trong xóm sủa ong óc mà bà ấy vẫn chửi. Thằng Vân kéo mẹ nó về mẹ nó vằng cho cái té ngửa .

*****
25/7/2018

Vườn xưa



Ơi là lục bát nhà quê
Đáy nghiêng cả mắt người đi bến chiều
Em đem gột đất cầu ao
Bao nhiêu té nước lại trào sang nhau

ếch uôm tháng bẩy mưa rào
Nõn chiều lóe nắng thầm thào hương sen
Cắm sào cất vó nửa đêm
Mấy tàn đom đóm tắt vườn nhà em

Người đi xa hút nỗi niềm
Tìm đâu lục bát với mìền ca dao
Tôi nghe chiều ấy mưa rào
Có như tiếng ếch gọi vào vườn xưa
7/2018