Thursday, April 19, 2018

Những ngày tháng Tư 3/4/75


3/4/1975 

Hai ngày sau giải phóng Phú Yên. Lệnh hành quân. Tôi nhớ chúng tôi qua cầu Bàn Thạch rồi rẽ trái lên phía tây Tuy Hòa. Hành quân dọc sông máng . Mưa. Nghỉ lại ở một làng tôi nhớ trong nhật kí là Phú Thứ. Tiểu đội trinh sát của tôi đi tứ tán theo nhiều ngả, chỉ còn tôi và Minh với Nết răng vàng đi cùng hành quân với Tiểu đoàn. Ngang chiều tạt vào nhà dân nghỉ lại , Nết răng vàng được bà má cho lấy dừa. Nó trèo thoăn thoắt như con mèo ném xuống ngót chục quả dừa. Bà má Phú Yên nhìn chú giải phóng leo dừa mà nể. Chu cha con giỏi quá trời . Nết khoái lắm. Nó bảo vói tôi và Minh Bãi Cháy, Hoằng Hóa quê tao dừa nhiều kém gì Tuy Hòa . Rồi cười he he.
Chưa kịp bổ quả dừa thì lệnh hành quân. Anh Tuần gọi trinh sát lên đi , hôm nay rẽ vào đường rừng hành quân về vị trí đánh Củng sơn hôm 23/3. Mưa sập xuống lúc rẽ vào cánh rừng toàn những cây ô rô gai, mùi thối khắm bay khắp cả đêm. Những xác người sau hơn mười ngày đang rữa nát thối inh om. Tôi nhớ là suốt 2 ngày hành quân không thằng nào dám chui vào rừng mà đi ỉa . ỉa ngay ngoài mép đường. Vào sâu trong rừng là có xác người.
Chúng tôi vượt qua sông Ba lên phía bắc. Tôi lại nhớ chiều hôm 24/3/75 cùng với Dương phỉ trinh sát d9 vượt sông Ba về phía nam. Mười ngày qua đánh tới bờ biển Tuy Hòa. Mười ngày qua bao nhiêu chuyện diễn ra , bao nhiêu thằng đại đội tôi đã chết ở cái vùng biển ngời ngời lúa thì con gái ấy. Mười ngày qua được hít thở cái mùi đồng lúa và tắm cơn mưa rào đầu mùa. Nhớ mấy trận mưa đầu mùa mà sông Ba đã đầy nước. Lại nườm nượp những củi rều và rác rưởi trôi sông. Những nẫm mồ vùi bằng cát ven sông lại bị nước lũ cuốn trôi . Sông Ba ngập ngụa những dấu tích chết chóc bi thương cuốn về phía cửa Đà Rằng.
Chiều tối 6/4/75 chúng tôi dừng chân. Chỗ này là một khu rừng chắc chỉ cách Củng Sơn vài cây số. Rừng không rậm lắm nhưng không có dấu vết con người. Con suối nơi tiểu đội tôi trú quân rất trong và nước chỉ đến cổ chân. NHững bụi tre ven suối che kín mít . Chúng tôi cứ theo con suối, nó đổ vào một cái ao kho rừng rộng bằng nửa cái sân bóng đá đầy rong đuôi chó. Thằng Nết reo lên, ối giời ôi, nhiều cá quá chúng mày ơi. Tôi xuỵt . Nó gật gật. CHỉ thấy thắng Minh bãi cháy cười cười. Tôi chợt nhớ hai tấm lưới bóng 2 thằng tôi vớt trộm dân Tuy Hòa hôm mò lấy trứng vịt trên đầm Giục Kinh. Chúng tôi hẹn tối nay sẽ thả lưới bắt cá. 
...


4/4/2018 

Hoa xoan


Em bảo hoa xoan rụng khắp vườn
Mùa này trời cũng váng thiu luôn
Ô hay xuân cứ như màu mắm 
Tết đi rồi người quê buồn hơn

Em bảo sao người thích hoa xoan
Tím chỉ vài ngày rồi nát tươm
Em rón bàn chân từ xa lắm
Dẫm miền hoa tím đợi nắng lên

Anh đi xa rồi em cũng xa
Quê vẫn nghèo mùa xoan trổ hoa
Em bảo về quê thơm mùi khói
Bập bùng tím, tím như ngẩn ngơ

6/4/18

Tháng ba dở dở ương ương


Rét thì rét nốt đi thôi
Hoa xoan tím cũng để rơi bập bùng
Lập lòe hoa gạo bãi sông
chòng chành nón gió người không gọi đò

Quê ơi nghèo mãi đến giờ
Gái quê cũng phải sang đò về xuôi
cao tốc ngược cao tốc xuôi
phập phành áo ngắn ,mắt người lang mang.

Tôi về vòi vọi niềm thương
cái ngày cơm nắm lên đường xa quê
Cũng là dại rứa bờ tre
mà sao son sót như là thương ai

Ngày đi mẹ cũng thở dài
Xóm mình mãi chả thấy ai trở về
Tôi về tìm lại bờ tre
Đất chia lô với xây kè chia lô

Chiều nay hoa gạo đỏ cờ
cô đơn cả với chuyến đò sang ngang
tháng ba dở dở ương ương
rét thì rét nốt để đường nắng lên
10/4/2018

Những ngày tháng Tư ( 10/4/1975 )

Sau 5 ngày họp hành bình bầu khen thưởng rồi lấy gạo ở một cánh rừng gần Củng Sơn chiều tối 10/4 /75 chúng tôi lên đường. Không biết ở đâu ra mà nhiều xe ô tô đến thế, nườm nượp cả một rừng khét lẹt mùi xăng. Cán bộ nói đây là sư đoàn 471 với gần 500 xe đưa F ta đi chiến dịch phía nam. Tôi đi cùng với c7 bộ binh cũ của mình. Mỗi trung đội nhồi chặt một xe . Chúng tôi ngồi trên ba lô ngất ngư ngủ gật. Tôi nhoi ra đầu xe, chèo ra cái tấm phên làm giàn mướp . Cái giàn mướp cứng chắc , nằm lên đó nhìn giời. Sướng lê mê. Chạy được vài cây số lắc ghê quá lại phải vào thùng xe. Có thằng kêu lên, tao rơi mất quả US ra thùng xe rồi. Cả xe im tít. Thằng nào cũng sợ, chật chội thế này mà móc cái mỏ vịt vào thắt lưng nhau bật ra thì mờ đời. Thằng nào cũng quấn dây chun rồi mà chen chúc vẫn sợ. CHúng nó mò mẫm sờ nhẹ nhàng và tìm thấy quả US lên trói lại cho an toàn. Mới đầu tháng tư chưa đến mùa mưa, trời đầy sao và trong veo. Những cánh rừng ven đường 7 lặng ngắt mùi tử khí đến khiếp. Mỗi khi xe chạy chậm lại là thối inh. Chả ai muốn nhìn ra hai bên đường cứ ngửa cổ mà hít khí trời. Xe đến Cheo reo nửa đêm. Cả mấy trăm xe ùn lại giuwax sân bay rồi rẽ sang con đường mà hôm 17/3 chúng tôi đi tắt chèo núi ra đánh cầu Cây Sung. Đường gập ghềnh trong rừng khộp. Đến đây thì hết mùi người chết lính như thở căng lồng ngực. Hôm ngồi xe đi trên con đường này bên tôi còn thằng Độ thằng Đàm thằng Lượng thằng Mão …. Bây giờ đại đội vắng đến hai mươi đứa. Con đường đuổi địch ra tới biển Tuy Hòa trung đoàn 64 của tôi gửi lại 150 người với đường 7 với bãi biển Phú Yên. Đang ồn ào bỗng một thằng nắc tới mấy thằng hi sinh thế là cả xe im lặng. Tôi nghe thấy rất nhiều tiếng thở dài. Mãi về sau tôi ám ảnh tiếng thở dài của những người trai trẻ đến thế….
Chiều tối 11/4.
Xe đến Buôn Hồ. Có lệnh tôi rời xe c7 bộ binh sang xe mới đi với Tiểu đoàn trưởng, đi trước đội hình. Cái xe đón tôi và anh Tuần là con Zin khơ mới. Xe chỉ có tôi và 2 vận tải với anh TUần và NGô Thịnh. Trên xe rất nhiều gạo và rau cải khô và 2 con lợn choai. Xe đón NGô THịnh bổ sung vào trinh sát ngay ở gần thị trấn Buôn Hồ. Chúng tôi gặp nhau thật là mừng . Từ đây bên tôi có một thằng bạn cùng trường lại là một trinh sát cứng . Chiều tối khi mặt trời gần xuống núi xe lên đường. Lúc này hàng trăm xe ô tô bật đèn pha và cuộc hành quân như sự trở mình của rừng núi. Có lúc đi xuống dôc nhìn lại phía sau vệt đèn pha kéo dài hàng cây số. Trong lòng chúng tôi nôn nao đến thế. Tôi nghe trong đêm lính ta hát . Chưa bao giờ cúng tôi hát bài Tiến về Sài Gòn với khí thế và tâm hồn như lúc ấy. 
Khuya, xe vào thành phố Ban mê Thuột. Điện sáng, hàng quán nhộn nhịp, lẫn trong đông đảo sắc màu là áo lính. Lạ quá, một thành phố vừa mới được giải phóng mà đã gần gũi thân thương với chúng tôi đến thế. Ngàn bàn tay vẫy theo đoàn xe . Chúng tôi cũng hò reo vẫy lại, như để chia tay người thân. Anh nào anh nấy nhao ra nhìn con gái. Sao mà họ ăn mặc đẹp thế. Lại cả váy ngắn áo pun, ai nấy cứ nao nao cả người. Tạm biệt các em nhé, em gái Ban Mê . Bọn anh tặng các em thành phố vừa được giải phóng. Thành phố cao nguyên đẹp làm sao. Tuy vậy những dấu tích của chiến trận vẫn còn nguyên đó . Xác xe tăng , xe cơ giới nằm ngổn ngang . Nhiều dẫy nhà đổ nát. Sân bay Hoà Bình vẫn còn cháy âm ỉ . Những người không còn nhà cửa cắm lều lán nằm nhung nhúc ngoài vườn hoa, công viên và những công sở cũ. Chúng tôi biết rằng còn quá nhiều điều phải làm đối với một thành phố vừa qua một cơn binh lửa . Nhưng cuộc sống rồi sẽ hồi sinh. 
Khuya lắm, trên đường xuống Đức Lập xe ùn lại, chen nhau. Những đơn vị lính bắc mới vào dạt ra ưu tiên cho đoàn tôi tiến lên. Xa thành phố, trời vút lên cao đen thẫm. Gío lùa vào xe mát lạ thường. Tranh thủ ngủ mà không ngủ được. Nhìn lại phía sau, đèn pha vạch một đường đỏ quạch bụi đất. Đại bác vẫn nổ đì đùng xa xa. Chẳng hiểu đạn ta hay địch . Đêm nay là đêm thứ hai hành quân về phía nam. Tôi cứ có cảm giác những khu rừng già cứ lùi về phía sau, còn trước mặt cao nguyên dần thấp xuống. Bên cạnh tôi, anh Tuần ngủ rồi. Đầu ngoẹo vào vai tôi nặng chĩu. Trông lúc này anh ấy trẻ lại đúng với cái tuổi 26 của mình. Khuôn mặt thật hiền của chàng trai Kinh bắc chẳng giống như lúc nổ súng thoắt trở thành người tiểu đoàn trưởng già đanh lại . Chợt bật cười khi nhớ lại hình như tôi có đọc ở đâu đó một câu thơ nói rằng các anh đang trẻ lại cùng những chiến công. Bậy, người ta đang già đi qua mỗi chiến công thì có ! Chỉ có những người bạn của chúng tôi đã ngã xuống trên cao nguyên này là trẻ mãi. Họ không bao giờ già thêm được nữa

11/4/2018 

Sa Pa


Mùa này triền mây quấn vào sông
Thờ thẫn trắng bên con sông màu lửa
Em đi về phía ngọn nguồn thơm hương thảo quả
Mù sương ướt váy thị thành

Tháng ba ngây ngấy kiến nở ra rừng
Mùa măng phất phơ đuôi én
Con sông hanh hao bùn bãi
Chiều nay về ngồi bãi đá cổ Sa pa

Tiếng còi xe về biên ải đằng sau kia
Tiếng gió tiếng mây buông thành sương thắm
Đêm nay lũ con gái nhảy theo khèn chợ tình ướt má
Nhà thờ đá bung biêng

Em đi về phía váy áo hoa văn nhàn nhạt chợ phiên
Mế già ngồi im lìm bên bậc đá
Mây tháng ba giăng sương mịt mùng khuất cả mùa hoa đỗ quyên già cỗi
Sa pa ơi, Sa pa !

12/4/2018

NHỮNG NGÀY THÁNG TƯ. 12/4/1975

NHỮNG NGÀY THÁNG TƯ..

............
... Nửa đêm ngày 10/4 năm ấy chúng tôi hành quân tới Đức Lập, một huyện lị phía nam Đak Lak. Xe dừng ở một bãi gỗ. Đèn xe, đèn nhà dân, hàng quán đỏ quạch như một nhà ga thời chiến ngoài Bắc. Tôi tìm được một của hàng tạp hoá hỏi mua một ít rượu trắng. Đưa một ngàn, ông chủ hỏi : Mua cả à ? Mua cả ! Đựng vào đâu ? Làm ơn kiếm dùm tôi cái gì đó ...Cô con gái đưa ra một cái can loại mười lít. Trời ơi! Ai uống hết ngần này rượu lúc hành quân? Cả chủ và khách đều cười ồ. Đêm ấy cả xe say ngất ngư. 
12 tháng 4, 
Xe tới một cánh rừng bằng phẳng toàn cây cổ thụ.
Những vạt rừng xanh ngắt như đốm vằn trên lưng hổ cao nguyên.
Trời nắng to. 
Đoàn xe ẩn mình dưới tán lá cao vút. Ve kêu râm ran. Có tới hàng ngàn con ve sầu từ trên cao buông những âm thanh như có dây có dợ quấn vào nhau rối mù trong nắng gió. Lũ ve hễ kêu là đái. Nằm ngửa trên võng lấm tấm hạt mưa giữa trưa nắng vàng, thứ mưa của sự bài tiết tí xíu của loài ve. Nằm đó mà không ngủ được, đầu óc cứ ong ong, nghĩ mông lung về chiến dịch xắp tới. Sẽ là những trận đánh nhớ đời, nhất định rồi, nhưng đã phải là những trận đánh cuối cùng chưa thì chưa ai dám chắc?
Chiều tối hôm đó chúng tôi dừng chân ở Bù Đốp. Đây còn gọi là Thủ đô của vùng giải phóng. Các cơ quan làm việc trong rừng nhưng chế độ giống như ngoài Bắc. Dân ở đây hầu hết là người dân tộc. Cũng có trường cấp 1,2 mà giáo viên toàn là thầy cô giáo dậy giỏi đưa từ ngoài Bắc vào. Thật không thể tưởng tượng, sống ở đó có một đêm mà quên mất mình đang trên đường chiến đấu. Tôi và Ngô Thịnh vào một lớp học, hai đứa thay nhau đứa làm trò đứa làm thầy ngồi trước bảng đen cho đỡ nhớ trường lớp sau bốn năm xa cách. 
Trưa hôm sau xe tới ngã ba Lộc Tấn. Một cánh rừng cao su rộng mênh mông chứa tới cả ngàn xe ô tô, pháo lớn , xe tăng tụ hội. Đây mới thật là thần thái của câu thơ “ đường ra trận vui như trẩy hội “ , của nhà thơ nào nhỉ? Không nhớ nữa, hoặc giả chẳng phải là một câu thơ cũng nên !
Mười giờ trưa có lệnh gọi tôi quay về C7 để làm lễ kết nạp đảng viên. Hôm ấy có bốn đứa được vào đảng . Cờ đảng bé tí xíu được cài vào thân cây cao su. Mọi người ngồi dưới cỏ, bí thư chi bộ và những người được tuyên bố kết nạp thì đứng. Lễ kết nạp chỉ diễn ra chừng hai mươi phút rồi ai lại vào việc nấy. Giờ phút thiêng liêng của đời người chiến sĩ Cộng sản chỉ có thế thôi sao? Đang trên đường vào trận, vẽ vời mà làm gì? Khi đứng trước Đảng kỳ, nhìn những người bạn cùng vào sinh ra tử đang sánh vai cùng mình, lại nghĩ về những đứa đã nằm lại đâu đó trên cao nguyên mà Đảng chưa kịp ghi tên họ vào đội ngũ, mặc dù họ rất xứng đáng là những đảng viên, tôi biết từ nay mình sẽ phải sống xứng đáng hơn với họ ...

Mờ sáng 15/4 /1975 
xe dừng trong một khu rừng rậm nhưng cây cối chỉ bốn, năm mét. Lệnh hành quân bộ khẩn cấp để xe ô tô quay lại trước khi trời sáng rõ. Bộ đội hành quân không kịp dàn đội hình, cứ bám nhau đi như ma đuổi. Tôi chạy vượt lên đầu để cùng tham mưu trưởng dẫn đường. Lúc 7 giờ sáng gặp một đơn vị pháo binh 130 li mới từ Bắc vào trông khí thế lắm, nhưng mất trật tự kinh khủng. Xe pháo chềnh ềnh giữa đường không thèm nguỵ trang. Lính tráng thì nằm ngồi ngổn ngang, lại còn lừng phừng đàn ghi ta nữa mới bỏ mẹ. Tôi túm lấy một tay trông có vẻ cán bộ nói : “ ông nguỵ trang cho pháo đi, và cho lính tản ra, L19 nó đang soi trên đầu kia kìa “ . Tay cán bộ khinh khỉnh nhìn mình. Kinh nghiệm cho hay phải tránh xa cái tụi lính ngố này ngay. Tôi vội bàn với anh Tuần ra lệnh : Tiểu đoàn 8 vận động ! Thế là cả tiểu đoàn chạy thục mạng. Mới được hơn cây số đã nghe tiếng sèo sèo bụp, chết bỏ mẹ rồi - đạn khói. Bộ đội dạt vào rừng , chỉ năm phút sau pháo địch cấp tập giót ngay vào khu rừng mới đi qua ... cánh pháo binh ăn đủ rồi. Đúng lúc ấy gặp thằng Viên và thằng Tiến Us đi trước ra đón. Ba thằng quăng ba lô lao vào rừng, chúi mặt trên đất. Đại bác nổ inh tai. Cành cây rơi đè lên người. Nằm không ngóc đầu lên được. Thằng nào cũng tưởng chết đến nơi. Nửa tiếng sau, chúng nó mới ngớt bắn.
Từ trong đám cây đổ nát đặc quánh khói đạn chui ra, cả khu rừng lúc trước xanh um bây giờ trơ trụi. Cây cối như bị cầm cưa mà cắt ngang lưng. Một vài chiếc xe kéo pháo cháy nghi ngút ... Cánh lính pháo binh bị thương khá nhiều. Tôi móc được ba lô xách súng nhằm phía rừng còn xanh mà chạy. Ra đến đoạn suối rộng thấy ngót một tiểu đội khoả thân chạy như bị trâu càn. Hoá ra tụi công binh 17 đến từ đêm, đào hầm cho Ebộ xong ra suối tắm thì gặp pháo kích . Không chú nào còn quần áo cứ thật thà mà chạy về đơn vị. May mắn nhất là anh chàng Hộ ( người Lâm Thao ) còn kịp nhặt cái xoong quân dụng úp vào bộ hạ chạy về tới kiềng vẫn líu cả lưỡi.
Ai bảo đường ra trận vui như trẩy hội nữa đi ? Coi thường địch bao nhiêu cũng phải trả giá thôi !
...............


Nơi đóng quân hôm nay là kiềng cũ của sư đoàn 9 chủ lực miền. Khi chiến dịch Tây nguyên nổ ra họ cũng đã lật cánh đâu về mạn miền Đông. Chắc họ bám trụ ở đây cũng lâu, vườn rau vẫn còn tươi tốt lắm. Cà ớt rau dền nhiều vô kể. Hầm hố còn kiên cố và sạch sẽ, nhưng nước nôi thì khan hiếm. Ở đây họ dùng nước giếng. Có những cái giếng sâu tới 4, 5 mét đào theo kiểu miền bắc, kéo bằng cần vọt.Tối đến pháo lại bắn dữ dội ngoài trảng rừng lúc sáng. Kệ mẹ nó, bây giờ thì tha hồ cho mày bắn. Họp tiểu đội xong mắc võng đánh một giấc, nhưng tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Tụi nó tán phét tới khuya thì mưa to. Đúng lúc ấy có lệnh đi lấy gạo. đường thì tối om lại không thuộc địa hình ngã lên ngã xuống tới gần sáng mới về, ướt như chuột lụt . Lính Tây Nguyên dù lâu nay không còn bị đói nữa nhưng thấy gạo mắt cứ sáng lấp lánh quên cả mệt. Lạ thay đêm đó tôi chỉ nằm mơ toàn thấy gạo là gạo ...
*
* *

Ngày 16/4 .
...Hôm đó trời nắng như lửa. Nắng lổ đổ những đốm sáng trong rừng. May mà lá rừng dầy đặc nên cũng đỡ. Lúc 2 giờ chiều tôi mò ra ngoài xa gặp một bãi cà pháo. Đang mê mải hái cà thì OV10 lượn vè vè trên đầu. Vơ vội cành lá úp lên đầu bò về. Lát sau 4 chiếc T28 tới ném bom. Hoá ra tụi nó ném bom vào chỗ lấy gạo đêm qua. Nhưng gạo thì lính đã khuân hết rồi. Thật uổng công, chúng chỉ đốt được mấy cái nhà kho trống rỗng. Thảo nào đêm qua tôi mơ thấy toàn gạo . Nhặt được trong hầm cũ một đôi giầy cao cổ Trung Quốc mới tinh. Chỉ có lính mới từ Bắc vào mới có hành động “ bất kính “ như thế này với giầy dép. Tôi lập tức quyết định thanh lí đôi giầy cũ nát của mình và cho phép đôi giầy mới này được hưởng vinh dự tham gia chiến dịch "nhớn" này và được nện gót trên đường phố Sài gòn trong những ngày mới giải phóng .
Nhưng chuyện lạ của ngày hôm nay lại chưa phải là đôi giầy mà là chuyện tôi bỗng nhận được một lá thư. Không thể hiểu vì sao cánh quân bưu lại vẫn nghĩ tới chuyện đưa những lá thư thế này đuổi theo bọn lính ra trận? Dĩ nhiên là lá thư cũng đến khá chậm. Đó là lá thư của một cô bạn từ miền Bắc. Bạn thôi, không phải người yêu người iếc gì. Cô ấy kể về nỗi vất vả của những ngày đi thực tập kĩ sư. Bạn bè cùng lớp họ đã ra trường và đi nhận công việc . Bất giác tôi thấy tủi thân. Bao giờ thì được về, liệu có sống sót mà về hay không , nếu có về thì học hành ra sao ...Đang miên man nghĩ ngợi thì chúng nó gọi sang giảng bản đồ địa hình cho mấy thằng lính mới. Tiểu đội trinh sát vừa được bổ xung hai chú lính Lào Cai và cũng chia tay hai thằng “ Hoà chọi “ , “ Nết răng vàng “ xuống bộ binh làm cán bộ trung đội tăng cường cho mũi chủ công.

Ngày 19/4 
Có lệnh nhận bản đồ mới. Mấy thằng tranh nhau tìm đường ngắn nhất vào Sài gòn. Sao có vẻ ngon lành quá vậy? Nhưng dẫu sao thì cũng chuẩn bị vào trận rồi. Lần này thì Sài Gòn sẽ là hướng chính diện . 
Tối hành quân . Mang khá nặng vì mới được phát thêm bộ quần ấo mới . Ai thiếu dép nhận dép , ai thiếu khăn nhận khăn . Thậm chí lại còn cả mũ cối mới bổ xung cho cán bộ. Súng đạn, vũ khí nhiều, có vẻ còn thừa thãi chẳng bù cho các chiến dịch trước đây?
.....Hôm ấy trăng sáng lắm Hành quân chừng 4, 5 tiếng thì tới sông Sài Gòn. Đội hình ùn lại tới 3 giờ sáng mới sang sông. Thuỷ triều đã rút ra xa, cầu phao tụt ra ngoài mép nước khiến bộ đội phải ì ạch lội bùn một đoạn khá dài mới có cầu. Người mệt lử , áo đẫm sương và mồ hôi . Chúng tôi vượt sông ở chỗ bến Súc. Mải miết đi tới sáng thì tới Bến Đình Củ Chi. Lúc sang sông chúng tôi thấy nhiều đơn vị ngủ la liệt ven đường. Họ ngủ ngay trên bùn ướt , thế mà cứ ngáy như sấm , hay thật. 
20/4
Trời sáng dần. Một vùng đồi hoang sỏi đá lau sậy cằn cỗi. Củ Chi đây ư? Nhìn xuống dưới chân chỉ toàn là mảnh đạn và cát tút . Khắp vùng là hố bom và xác xe tăng hoen rỉ . Tịnh không một bóng người, không một tiếng chim. Chao ôi ! vùng đất đất này không còn gì để gọi là làng mạc được nữa mà là tử địa. Ngày còn ở ngoài Bắc, tôi đã đọc nhiều bài viết về đất thép Củ Chi, được nghe nhiều bài hát ca ngợi con người nơi đây và cả những bài báo người nước ngoài viết về vùng tam giác sắt. Nhưng hôm nay, một sáng tháng tư đẹp trời , đứng trên đất Hố Bò Nhuận Đức tôi mới hiểu thế nào là mảnh đất sắt gang của những con người thép . Họ đã giữ mảnh đất đầu cầu này để cho những sư đoàn chủ lực đứng chân chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng. Cái giá trị của hàng ngàn ngày bám trụ mảnh đất này chính là ở chỗ đó.....

(còn tiếp.....)
16/4/2018 

NHỮNG NGÀY THÁNG TƯ- CỦ CHI 22/4/75

NHỮNG NGÀY THÁNG TƯ.
( TIẾP) .....................

CỦ CHI 22/4/75
Ở đây không có rừng , chỉ còn những chòm cao su xót lại. Đồi đất trọc lúp xúp những vạt cỏ lau. Đơn vị nằm dọc sông Sài gòn. Khoét hầm vào những bờ cỏ ven sông. Những vạt rừng thưa thớt đông nghịt người , ngồn ngộn vũ khí . Nhiều trung đội chui vào trong cỏ, dẹp ra từng cái ổ nằm xuống mà sinh hoạt họp hành. Quân đông như kiến, xen lẫn chủ lực là những đơn vị biệt động. Tưởng biệt động thành ra sao hoá ra toàn các cô cậu học sinh trẻ măng, mười tám đôi mươi. Họ hăm hở và nhiệt tình đến khó tin. Trong số ấy nhiều người từ bỏ cuộc sống vật chất sung sướng nơi phồn hoa đô thị mà dấn thân vào kháng chiến.
Trong lúc nằm lại khu vực Hố Bò, họp hành, đợi chờ giờ nổ súng thì các đơn vị pháo binh lại nhiều việc. Đào hầm pháo, tải đạn, trinh sát và bắn thăm dò . Từ ngày 24/4 pháo binh bắt đầu bắn cầm chừng vào Đồng Dù, Hóc Môn và Tân Sơn Nhất. Cứ sau mỗi loạt đạn của ta chừng 5 phút sau thì địch lại phản pháo. Suốt ngày đêm đại bác rít qua đầu buốt óc, thỉnh thoảng có loạt rơi gần chỗ trú quân mảnh văng sèo sèo trên đầu. Nhưng mệnh lệnh là tuyệt đối bí mật . Cấm khói lửa , nổ súng , đi lại và bơi ra sông. Dù lệnh trên là như vậy, nhưng 4 năm không được đằm nước bây giờ nằm ngay bờ sông Sài gòn , mấy thằng trinh sát đội lục bình trên đầu bơi ra sông tắm .
Trời ở đây thật kì lạ. Ngày nắng và nhiều gió nhưng chập tối là đổ mưa. Mưa ngắn mà to. Những cơn mưa không thèm doạ dẫm sấm chớp cũng chẳng cần dây dưa lâu la. Ngạc nhiên nhiều nhất khi thấy phụ nữ không thèm trú mưa . Kệ cho ướt, áo bà ba bó chặt thân người cong ỏng. ướt rồi lại khô, thật đơn giản . Gái Củ Chi cô nào cô nấy chắc như củ khoai sọ. Nước da nâu thật là duyên, tóc gọn gàng bằng cặp ba lá. Hỏi các cô có cần gì không thì các cô nói chỉ thích lựu đạn và dép đúc Trung Quốc. Cô nào cũng khoái dép đúc của chủ lực, vì dép của du kích thường bằng vỏ ô tô đi đau chân lắm. Còn lựu đạn dùng làm gì thì mấy anh rành quá rồi còn gì ?
Sáng 27/4 có lệnh : Tất cả cán bộ chiến sĩ đều phải khâu một miếng vải trắng trên ngực ghi vào đó phiên hiệu đơn vị. Mỗi chú một mảnh vải đỏ đeo vào tay áo như băng đội trưởng trong đấu bóng đá. Có một yêu cầu khá thú vị đặt ra : trận này tất cả phải mặc quần áo mới, phải quán triệt thái độ đối sử với đồng bào trong thành phố giải phóng . Chiều ấy trong cái nóng nực Củ Chi chúng tôi từng người đăng kí danh hiệu “ Dũng sĩ thành đô trên đất thành đông “. Trong phương án tác chiến mà trung đoàn phổ biến thì hướng của đơn vị tôi sẽ nhằm tới tận bộ chỉ huy đầu não của nguỵ quyền Sài Gìn. Cán bộ từ trung đội trở lên phải chuẩn bị cờ đỏ sao vàng để sẵn sàng cắm lên các cơ quan đầu não các công sở nguỵ quyền. Cả sáng hôm ấy chộn rộn, hối hả, tôi có cảm giác cứ ngứa râm ran cả người. Trưa , tôi quyết định xuống thăm lại đại đội 7. Đại đội cũ của tôi nay quá nửa là lính mới . Số lính cũ sứt mẻ sau hơn một tháng trời chiến đấu nhiều quá . Thằng Luật B trưởng lên C trưởng thay Kế lên làm tiểu đoàn trưởng . Thằng Chấn lên chính trị viên phó, chiến sĩ cũ hầu hết trở thành cán bộ cả . Trung đội của tôi nằm quanh mấy bụi tre cụt . Chúng nó đang cắt tóc cho nhau. Thấy tôi đến chúng nó reo lên : nhờ anh Luân giải quyết mấy cái đầu của bọn Cao bằng đi. Thì ra khi vào Chơn Thành có đợt tân binh Cao bằng bổ xung về trung đoàn . Tiểu đội trinh sát cũng có hai chú đó thôi. Cả hai đều là người dân tộc , rất ngoan , dễ thương , nhưng chậm lắm Tôi rất lo khi vào trận mấy chú này sẽ lớ ngớ hỏng việc hoặc lại phơi ngực hứng đạn thì khổ. Linh cảm ấy có phần đúng . Ba đứa người Cao Bằng được tôi cắt tóc cho hôm ấy chẳng có đứa nào trở về trong trận đánh hôm sau . 
Chiều xuống , tôi và Sỹ kêu anh Thuỷ chụp ảnh. Tuy không dám nói ra nhưng trong bụng đứa nào cũng nghĩ thầm : Nói dại nếu có chết ngày mai thì còn cái ảnh mà thờ .


...Đêm qua và cả sáng nay pháo binh ta bắn dữ dội. Hầu như các đơn vị pháo đều đã vượt sang phía nam sông sài gòn , để sẵn sàng cơ động vào sâu hơn . Kể từ ngày váo chiến trường , đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy pháo ta có vẻ dư dả đạn. Từng loạt đại bác rít soàn soạt qua đầu bộ binh, tiếng nổ trái phá ầm ầm từ phía Đồng Dù vọng lại. Pháo địch cũng bắn trả nhưng không mấy hiệu quả. Trung đoàn đã lệnh bộ binh gói buộc ba lô đợi giờ xuất kích. Suốt ngày 27/4 chú nào cũng chỉ chừa cái võng bê ngoài, còn thì nai nịt gọn gàn . Đêm 27/4 qua đi nặng nề. Vẫn chưa hành quân ...
Ngày 28/4 
Qua làn sóng đài BBC thấy quân ta đã chọc thủng Xuân Lộc đang tiến đánh Biên Hoà , Nước Trong . Cả trung đoàn bồn chồn sôi sục. 
5 giờ chiều , vào đúng lúc trung đoàn được lệnh lên đường thì phía Đồng Dù nổ dữ dội. Khói den bốc lê ngùn ngụt, rồi những tiếng nổ liên hoàn kéo theo. Cách xa 12 cây số mà vẫn thấy ngọn lửa vàng rực một góc trời. Sau này mới biết kho săng Đồng Dù bị pháo ta thiêu cháy. Bốn năm qua những cuộc hành quân xuất kích đối với chúng tôi không còn mới mẻ gì. Nhưng chiều nay bước chân bồi hồi đến lạ. Đội hình di sít lại nhau, mặt đứa đi sau gối vào ba lô đứa đi trước.
Bám sát vào nhau , hàng ngàn chiến sĩ lầm lũi tiến về phía Dài Gòn, nơi quầng sáng lung linh một góc trời. Trong lồng ngực có cái gì nghèn nghẹn. Cái cảm giác không giống bất kì một trận đánh nào mà tôi đã trải qua. Mũi tiểu đoàn 8 do tiểu đội tôi dẫn đường vòng phía đông quận lị Củ Chi, vượt qua đường 8 rồi men theo tỉnh lộ 15 vào chiếm lĩnh trận địa Tân Phú Trung. Nhiệm vụ được giao rất nặng nề. Phải đột kích tiêu diệt một tiểu đoàn ở ấp Chợ Tân phú Trung và Cầu Bông ( Bây giờ gọi là cầu An Hạ ). Lô cốt ấp Chợ cách cầu Bông gần km . Cây cầu dài ba chục mét có 2 đại đội cảnh sát và lính dù chiếm giữ. Điều cốt tử là đánh tan địch nhưng phải giữ được cầu, không cho địch nổ bộc phá để huỷ cầu. Nếu cầu Bông bị phá huỷ thì hướng tấn công tây bắc vào Sài gòn coi như thất bại . Đi cùng tiểu đội trinh sát chúng tôi là một cô biệt động còn rất trẻ , có cái tên khá đẹp - Mỹ Hạnh. Sở dĩ cô này được đi với chúng tôi vì cô ta quê Tân Phú Trung. Hạnh chừng 20 tuổi. Vóc người đậm , rắn chắc , da ngăm đen . Nghe gới thiệu cô ta rất giỏi võ. Võ thì chưa biết nhưng bơi lội thì tài. Lúc 9 giờ đêm khi đơn vị lội qua một con mương rộng chừng 15 mét nước quá đầu. Mấy chú tân binh vùng cao không biết bơi nhưng lại không dám kêu vì sợ lộ nên cứ giã gạo giữa dòng. Một mình Mỹ Hạnh lôi hai chú vào bờ lại còn mắng cho một trận làm bộ đội Bắc Việt vừa ngượng vừa khoái. Trung đoàn đã đi vượt qua căn cứ Đồng Dù rồi tiến sâu về phía Sài Gòn. Cả trung đoàn lội trên cánh đồng lúa đang kì trổ đòng. Bờ ruộng rất nhỏ. Lính ta ngã ì ụp, vì vậy tốt hơn cả là cứ giữa ruộng mà lội . Mỹ Hạnh luôn mồm than thở thương ruộng lúa nát nhừ vì hàng ngàn bàn chân dẫm đạp. Đêm ấy, những làng mạc vùng ven này không giống như mọi đêm khác. Tiếng lao xao í ới, tiếng chó sủa, tiếng động cơ xe máy xe ô tô chộn rộn . Mọi người đang hồi hộp chờ đợi một điều gì thật lớn lao xảy ra . Vào lúc 2 giờ sáng, trăng bỗng sáng hẳn lên. Chúng tôi dẫn bộ binh tới giữa cánh đồng cách chợ Tân phú Trung chừng 2 cây số. Bộ đội nằm lại ngoài đồng chờ trinh sát lên bám địch lại lần nữa ... 
29/4/75
Trời đã bàng bạc đằng đông , đúng lúc ấy phía Đồng Dù tấn công thì đồng loạt DKZ, cối 82 , cối 120 ở đồng Tân Phú phát hoả. Ngay loạt DK đầu tiên , 8 khẩu cùng bắn đồn cảnh sát cầu Bông sập hoàn toàn . Bộ binh D9 và đặc công 198 vận động dưới tầm pháo xông lên đánh cầu. Cho tới bẩy giờ sáng thì cầu Bông dã về tay quân giải phóng. Phía ấp Chợ các lô cốt kiên cố bắn trả dữ dội. Quân ta không tiến lên được. Bộ binh nằm trên đồng trống bị thương vong hơn hai mươi người. Tình hình trở nên căng thẳng . Tiểu đoàn lệnh trinh sát và thông tin xuất kích .Từ phía chợ thằng Thuận ( người Đông Lao ,Hoài Đức ) bị đạn thẳng vào cổ đang bò ra cánh đồng. Tôi châm điếu thuốc Rubi cài vào mồm cho nó rồi bò ra trận địa .Đạn từ ba lô cốt táng dữ dội vào trận địa 12,7 của C16 . Mấy thằng C16 dạt ra. Thằng Khuất Duy Hoan C7 chồm lên, ôm 12, 7 li vừa bắn vừa chửi. Được củng cố tinh thần, thằng Hoà người Cao Bang thị xã Phú Thọ bật dậy bắn liền 2 phát B41 rồi ôm khẩu trung liên từ tay một liệt sĩ bắn xối xả. Đúng lúc ấy nó trúng đạn gục xuống bên khẩu trung liên còn nóng bỏng. Đại dội 7 xung phong ra phía chợ, chui vào ngóc ngách nhà dân ném lựu đạn ra đường . Trận đánh giằng dai tới 11 giờ trưa thì có tiếng xe tăng chạy ầm ầm từ phía Củ Chi về Sài Gòn. Bộ binh quay ra bắn xe tăng , ba chiếc bốc cháy đâm sầm vào trường tiểu học Tân Phú. Đúng lúc ấy xe tăng quân ta đuổi tới nơi. Bộ binh ta thấy xe tăng cờ đỏ sướng quá rối rít chỉ lô cốt cho họ bắn. Thế là hàng chục thằng Nguỵ cố thủ trong ba lô cốt trở thành đống thịt nướng . Ngót trăm thằng từ trận địa bên kia đường bấy giờ mới kéo ra hàng . Lúc ấy là 12 giờ trưa ngày 29/4. Không còn đường nào chạy thoát, tàn quân địch chừng ba chục xe tăng thiết giáp không dám lên cầu Bông bổ nhào xuống đồng lúa Tân phú Trung ngay phía sở chỉ huy tiểu đoàn tôi Lập tức tiểu đoàn cho c9 đánh thẳng vào cụm xe tăng địch ( c9 hôm ấy đi phối thuộc với d8 ). Trên đường số 1, pháo ta hạ nòng bắn thẳng . Cả dồng lúa biến thành biển lửa . Sau này vào năm 1988 tôi có quay trở lại đi trên bờ ruộng lúa năm xưa lòng bồi hồi nhớ về vùng lửa khói ngày ấy, cái ngưỡng cửa bình minh của những người sống sót như tôi. Cứ điểm án ngữ cuối cùng của thành phố đã mở thông. Xe tăng , pháo binh, bộ binh của cả sư đoàn 10, e593, e232, e234 và rất nhiều đơn vị ào ào xông vào thành phố. Trời oi nồng vì nắng , vì bom , vì lửa. Tiểu đoàn phải để lại hơn ba chục tử sĩ và năm chục thương binh. Các mẹ các chị trong làng đổ ra lo khâm liệm và chôn cất những người hi sinh ngay phía trong chợ Tân Phú Trung . Cho tới đầu những năm 90 họ đã được quy tập về An Nhơn Tây. Trong số những người hi sinh có một người trúng đạn vào phút cuối cùng của trận đánh là trợ lí tham mưu tên Măng người Thái bình. Măng chết lúc đang giương khẩu chống tăng của địch để bắn xe tăng địch. Cũng ở trận địa này, trong Mậu Thân 1968 sư đoàn 9 đã hi sinh hàng chục người mà hồi đó người dân Củ Chi đã lập miếu thờ ven đường. Trong miếu thờ đó, ba chiến sĩ C6 của chúng tôi hôm nay cũng nằm lại.
Mười hai giờ khuya chúng tôi tạt vào làng Tân Sơn Nhì ngủ lại. Năm giờ sáng đang nấu cơm chưa kịp ăn thì có lệnh : Tất cả mọi đơn vị, bằng mọi giá , bằng mọi phương tiện, xốc thẳng vào Dinh Độc Lập. Thế là lao ra đường, chặn xe của dân, huy động cả xe lam, cả máy cầy , xe đò, mạnh đại đội nào đại đội nấy tìm đường tiến đánh vào Dinh . Vào giờ phút ấy, khắp các ngả đường làng mạc quanh Sài Gòn đâu cũng thấy quân giải phóng. Gương mặt người lính đi đánh trận mà dãn ra tươi như đi hội. Quân phục đã được thay mới, cờ giải phóng, phù hiệu giải phóng, băng tay xanh đỏ trùng trùng điệp điệp. Con đường vào thành phố đầy dẫy lô cốt ụ súng bằng bao cát, thùng phuy cửa kẽm gai ngăn ra từng đoạn. Tiểu đội tôi 5 thằng leo lên một cái xe lam. Người lái xe sợ xanh mắt. Kêu không biết đường vào dinh Độc lập. Tôi giở bản đồ nói , tôi dẫn đường. Thế là xe phải chạy. . Xe nhỏ luồn lách tốt nên vượt xa đội hình tiểu đoàn. Tới Bẩy Hiền , trong khói đạn đơn vị bạn đang thu thập tử sĩ, chúng tôi rẽ ra Lăng Cha Cả . Ở đây một trận đánh dữ dội đã diễn ra. Trung đoàn xe tăng của ta cháy mất 4 chiếc. Chúng tôi len lỏi trong xe cháy xe hỏng vượt cầu Trương Minh Giảng tiến tới đường Phan Đình Phùng thì bị chặn lại bằng hàng loạt đạn đại liên từ trên tháp nước bắn xuống. Cả tiểu đội lăn ào xuống đường dùng Ak bắn tới tấp về cái tháp nước có khẩu đại liên ( chỗ đó bây giờ là khách sạn Võ Văn Tần ). Bộ đội hạ cối 82 ngay trên đường phố bắn về phía Dinh Độc lập. Một chiếc xe dép kính vỡ toe toét chạy lên . Nhìn ra thì là anh Thuỷ. Cậu liên lạc từ trên xe hét lên rối rít : “ ĐỪng bắn nữa , đấm đít D9 rồi “ quãng hơn 11 giờ trưa nghe qua radio tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, cả khung trời vỡ oà tiếng reo hò. Hàng chục ngàn người nhẩy lên, ôm nhau trong nước mắt. Đường phố Sài Gòn dồn nén bao lâu bỗng nhiên ùa ra toàn những cờ đỏ sao vàng. Bỗng chốc thành phố là một bức tranh xanh đỏ. Những hàng phượng vĩ trổ hoa đầu mùa đỏ thắm, cờ đỏ thắm, dưới nền trời quân phục xanh. Một biển người mừng đến ngơ ngác. Bỗng chốc con người lơ mơ hụt hẫng giữa không gian mới lạ mới lạ ngay cả với người đã sống ở đây từ bao năm. Vào giờ phút ấy, lính nguỵ trong thành phố còn đông hơn cả dân ngoài đường . Họ trút bỏ hết quần áo lính mặc quần cụt ngồi la liệt vỉa hè, vườn hoa, bến cảng. Những cặp mắt thất thần nhìn quân giải phóng chiến thắng . Chẳng ai để ý đến họ , đội quân đã hết sức chiến đấu, không còn phiên hiệu tơi tả khắp đô thành. Đường phố ngổn ngang quân trang quân dụng mang nhãn hiệu Mỹ, xe pháo của Mỹ đứng bất động, chỉ có quân giải phóng là hân hoan, mắt nói miệng nói. Tự nhiên người tôi rũ ra mệt nhoài, không muốn cầm súng nữa .
Thời gian như ngừng trôi và không gian trở nên chật hẹp. Tôi có cảm giác mình đang sống trong mơ, một giấc mơ huy hoàng và kì vĩ. Bao ngày chiến đấu trên rừng núi cao nguyên, trong tâm trí chưa bao giờ dám nghĩ rằng có ngày mình nhìn thấy Sài Gòn. Vậy mà hôm nay tôi đã đứng giữa thành phố với tư thế của một người chiến thắng, thật cám ơn số phận ...

Chiều 30 tháng tư
....Buổi chiều, dân Sài Gòn kéo ra đường, vây kín khu vực Dinh Độc Lập. Họ đi xem quân giải phóng, họ đi tìm chồng, tìm con ở cả hai phía. Cái sự tìm người thân ấy còn kéo dài cho tới vài chục năm sau, nhưng nó bắt đầu từ chiều hôm nay. Tôi cũng không hiểu nổi làm sao dân Sài Gòn chuẩn bị cờ đỏ sao vàng nhanh và nhiều đến thế. Cờ ở trên ban công, trên cánh cửa, nơi công sở và cả trên tay trai gái trên đường. Đêm đầu tiên giải phóng Sài Gòn điện vẫn lung linh sáng và người ta vẫn đi dạo phía vườn hoa.
Mười một giờ đêm, tôi đứng trên sân thượng nhà cố vấn Mỹ góc đường Phan Đình Phùng( bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiểu) nhìn ra phía cảng. Tiếng còi tàu tu tu. Bình yên quá. Trời đầy sao, gió từ cửa sông thổi vào mát rượi, thành phố tinh khôi trong màn đêm lung linh như chưa hề có chiến tranh. Trong tôi kí ức về ngày hôm qua còn nóng hổi , nhưng bàn chân thì vẫn râm ran ngứa vì những vết nứt nẻ hành quân. Chúng tôi về thành phố để lại sau lưng bao đồng đội đang lạnh lẽo nơi rừng sâu, nơi đồng vắng. Để lại hàng ngàn ngày đói cơm thiếu thuốc trên cao nguyên. Bỏ lại những cơn sốt rừng tê tái gặm nhấm đời trẻ trai. Để lại những cánh rừng nương rẫy mình đã chai tay vun trồng nên khoai nên sắn. Phút giây huy hoàng này có ai nhớ không những bản làng xa xăm chốn Sa Thầy Pô Cô có những già làng đóng khố nhịn cơm đưa đường năm trước. Ai còn nhớ tới lời hò hẹn quay về nơi đã cưu mang mình, đã vực dậy trong lòng chiến sĩ niềm tin?
Ngày mai, một ngày mới của tháng 5 năm 1975. Và dĩ nhiên đêm nay lại thêm một trong hàng ngàn đêm chúng tôi không ngủ. Nhưng là một đêm không ngủ hạnh phúc nhất trong cuộc đời.
17/4/2018

Những ngày tháng tư 1975-Mưa Củ Chi

Những ngày tháng tư 1975
Nơi chúng tôi ém quân ở Bến Đình ( Nhuận Đức Củ Chi) có một đơn vị giao bưu . Tôi nhớ chỗ đó nhiều cây ổi lắm. Ổi xùm xòa xuống sông . Những cành ổi gác che mái nhà cho cái trạm giao bưu này nhiều mùa mưa nắng. Trưa nóng, tôi mắc võng sát mặt nước. Nằm nhìn lục bình trôi xuôi dòng và những con cối xay lan lan chạy trên mặt nước. Nhớ nhà. Nhớ ngày bé con của mình. Cách chừng 10 mét có một cái võng, một cô gái tuổi cỡ tuổi tôi ngồi thõng chân nhìn bất động ra sông. Mấy ngày nay bộ đội chủ lực về đây đông nghìn nghịt kín cả triền cỏ dọc sông Sài gòn. Bộ đội đông đến nỗi con chim sâu cũng vui. Nó nhảy nhót trên vòm lá mâm xôi ven bờ sông thủy triều lên xuống kêu như tiếng hát của lũ trẻ tí hon trong cổ tích. Cô gái giao bưu nhớ gì mà cô im lặng đến hàng giờ. Cô chỉ nhìn vào đám lục bình trôi ngoài sông Sài gòn. Trưa nắng, có cả tiếng bìm bịp kêu. Sông Sài gòn lên hơi như khói. 
Không biết người con gái ấy nhớ ai ? không biết có điều chi uẩn khúc. Gương mặt đẹp , mái tóc kẹp cặp ba lá , ngực căng bà bà đen. Chỉ có con mắt là buồn tê tái. Tê tái ngay cả lúc trưa nắng và đầy con trai bên bờ sông im tiếng súng.

Sau giải phóng 30/4. Tôi lại gặp người con gái này ở Bưu Điện huyện Củ Chi khi đi gửi thư về nhà. Cô ấy ngồi trong quầy gửi thư và điện tín. Tưởng cô nhận ra mình nhưng cô nhìn tôi rồi trượt cái nhìn qua đầu ra sân đầy nắng mùa hè. Vẫn buồn vẫn im lặng, vẫn đẹp. Chiến tranh 10 ngàn ngày vừa đi qua cuộc đời chúng tôi, những thanh niên cần yêu và khao khát yêu vô cùng.
Tôi viết bài thơ MƯA CỦ CHI là từ đó.


Mưa Củ Chi

Tôi nhớ mưa Củ Chi
Cứ ồn ào bất chợt
Tôi nhớ chiều trú quân
Bờ sông mưa áo ướt

Cô du kích về thôn
Áo căng lằn súng đạn
Em cười rơi hạt nước
Trên vai mềm mắt nai

Phía Đồng Dù pháo nổ
Em lại vội vàng đi
Áo khô rồi lại ướt
Ôi cơn mưa Củ Chi !

Mặt sông loang trắng nước
Đạn đùng đòang trong mưa
Trắng trời đằng Nhuận Đức
Bao giờ em tôi về?

Má khêu đèn hạt đỗ
Miếng trầu nhạt rồi cay
Con bìm bịp lại thức
…”Thằng Bắc nào nhớ bay…”

…Chẳng kịp gặp em nữa
Đêm nay đánh Cầu Bông
Hành quân rồi vẫn nhớ
Mưa Củ Chi trắng đồng
18/4/2018

1975-ĐÊM CHIẾM LĨNH CUỐI CÙNG



Chúng tôi đã nằm ở bờ sông Sài gòn 7 ngày rồi . Nói là nằm thật là đúng nghĩa . Bởi những ngày cuối tháng tư 1975 này quân ta áp sát Sài gòn thật khủng khiếp về cả số lượng và binh khí . Vùng đất Củ Chi đã trơ trọi bao lâu rồi , ven sông là những vạt cây lúp xúp , cỏ lau phơ phất . Trong khi mấy trung đoàn dải quân từ bến Dược trở xuôi. CHúng tôi đào hầm qua loa , vén lá lau sậy ra làm ổ , chui vào gầm tán những cây ổi ven nước mà nằm mà họp mà chuẩn bị cho trận đánh xắp tới . D bộ ở sát ngay một cái chòi lấn ra sông dưới tán những cây găng rậm rịt . Một tổ giao thông bưu điện Củ Chi . Ở đó luôn thấy một người phụ nữ còn trẻ mắt cứ nhìn đăm đắm ra sông . Mặt sông lốm đốm những đám lục bình trôi . Mấy chùm hoa tím chĩa lên trời . Sóng sông lòm tom như cá quẫy . Chưa bao giờ tôi thấy chị nói , chị nhìn đoàn quân ào ã trẻ trung mà cứ như kẻ mộng du, rồi lại nhìn ra sông. Cứ thế người đàn bà ở bến Đình Củ Chi như một hòn Vọng phu búi tóc .

Hết họp hành rồi hạ quyết tâm tiểu đoàn, đại đội, quyết tâm trung đội , quyết tâm tiểu đôi . Từ đầu chiến dịch tới giờ đây là những ngày nhàn nhã nhất . Không phải đi lấy gạo, vác đạn , ngoại trừ A trinh sát chúng tôi hai ngày bò Tân Phú Trung rồi trở về vẽ sơ đồ với cán bộ tiểu đoàn . Sa bàn cũng không đắp, chỉ theo bản vẽ tay , rồi bản đồ địa hình mà họp mà hạ quyết tâm. Rõ là thế của kẻ mạnh . 
Nắng cả ngày rồi chiều thì mưa . Cơn mưa chiều nào ở đây cũng to và thật nhanh. Một tuần nay chúng tôi đã quen như thế . Ba lô cứ gói buộc sẵn sàng chỉ để tấm ni lông lên trên cùng. Súng cứ lau đi lau lại, dép cứ nắn đi nắn lại từng quai, vuốt ve cái dây ba lô mòn bóng nhem nhẻm mồ hôi. Tựa lưng vào ba lô mà trò chuyện. Có anh đọc đi đọc lại lá thư nhà mà giao liên đưa đuổi theo ở Chơn thành. Ngắm nhìn những khuôn mặt đồng đội trước lúc vào trận sao mà thấy ai cũng trẻ, khuôn mặt nào cũng bâng khuâng, cũng hiền đến lạ. Đã bao lần trước lúc vào tiếp cận tôi đâu có để ý như bây giờ . Có lẽ bởi những trận đánh ở Tây nguyên bất thình lình và rừng rú, đêm tối hay những lúc mùa mưa thâm xám trời đất chả có thời gian đâu mà để ý. Chỉ biết gập mình dò dẫm , bò tườn trong đêm. Còn bây giờ , giữa vùng bình địa gần sát Đô Thành này mọi khuôn mặt vào trận nó mới sáng trưng ra dưới hàng ngàn đồng đội. 
Suốt cả mấy ngày nay pháo ta và địch bắn đối nhau ầm ầm. Cái thứ tiếng xèo xèo bay ngược chiều nhau nghe chán quá. Pháo từ Đồng Dù bắn ra, từ thành Quan năm, từ Ngã ba Tân Qui đồng loạt nã về. Trái phá nổ trên ngọn đồi có cửa hầm địa đạo, nổ dưới sông, nổ phía bên kia sông. Cột nước tóe trắng hắt ngược những cụm lục bình lên trời, hoa lục bình tím bay lả tả hòa vào mặt sông .

Chiều nay 28/4. Mặt trời thật vàng, trôi thật chậm. Tiểu đoàn ắng lặng. Chúng tôi ngồi ôm cái ba lô đã mấy tiếng đồng hồ. Lính cũ thì gà gật , lính mới thì phấp phỏng cứ nhìn các đàn anh như dò hỏi : thế nào là thế nào rồi hở anh ? 

4 giờ , thấy đơn vị biệt động thành hành quân qua. Trẻ quá , nhiều con gái quá. Lại xinh nữa, lại lung liếng mắt nhìn các anh chủ lực đang há mồm nhìn theo những bắp chân trắng cứa đỏ bởi dây dép cao su . 
Mặt trời khuất hẳn , lệnh hành quân .

Cả ngàn người bám vào nhau . Chưa có cuộc chiếm lĩnh nào chúng tôi bám xít nhau như thế . Một cuộc hành quân chiếm lĩnh rộn rực trong lòng đến vậy . Hơi thở người đằng sau phả vào gáy người đi trước. Tôi vượt lên đầu tiểu đoàn để nhận một nữ biệt động dẫn đường. Chúng tôi trao đổi ngắn gọn về hướng hành quân và chỉ kịp nhận ra cô còn trẻ nhưng chắc lẳn với cái tên Mỹ Hạnh .

Phía đông nam là một quầng sáng lung linh. Phía tây cột lửa đỏ bốc cao ngùn ngụt . Kho xăng Đồng dù bị pháo kích lúc chập chiều đang ù ù cháy. Nóng , ngột ngạt những mồ hôi và thì thầm của lính. Pháo bất thần nổ. Đội hình phía sau tôi ùn lại, một chiến sĩ trinh sát quay lại rồi chạy lên . D7 hi sinh 3 bị thương 4 . Trung đoàn lệnh hành quân khẩn trương . Một con mương sâu rộng chừng 15 mét . Bộ đội ào xuống , phì phò ì ọp khúc khích cười . Rồi có tiếng : chết đuối rồi ! chết thằng Dìn rồi . Mỹ Hạnh quay ngoắt lại trong mập mờ đêm , nhoáng cái lôi chàng Dìn vào bờ . Chúng nó hỏi mày không biết bơi à ? em không biết. Hinh hích hinh hích lính ta cười . Mỹ Hạnh càu nhàu, đồng đội chết ỉm đến cổ còn húm vào cười. Lính ta chả ai nói gì .
Vượt qua đường 8 đoạn Phước Vĩnh An. Cái đồn địch bắn đạn 12,8 đỏ lừ lừ. Cành cành cành . Chó sủa râm ran. Mặc , chúng tôi cứ nhắm Cầu Bông mà lội tới . Thở ì ạch. Ho tắc nghẽn. Mùi bùn, mùi lúa con gái ngai ngái trong đêm. Mùi mồ hôi và cả mùi đạn pháo thoang thoảng. Lính hỏa lực ì ọp ngã lên ngã xuống. Bờ ruộng thì nhỏ bùn lại trơn. Tôi bảo Mỹ Hạnh, tôi chiếu bản đồ Hạnh dẫn bộ đội lội trên lúa. Hạnh cự , nát lúa uổng lắm. Tôi gắt , không thể để chậm giờ vào chiếm lĩnh. Tôi dứt khoát. Truyền lại: lội ruộng theo trinh sát . Thế là hàng mấy trăm người bì bõm dưới ruộng , rồi leo lên ruộng cạn rồi lại xuống nước . Cứ thế chúng tôi vòng qua cánh đồng rìa làng Tân Thông Hội , xuống Tân Phú Trung .

Một giờ sáng , trăng bất thần nhú ra. Cả đội hình đến cánh đồng trồng dưa của dân Tân Phú. Nghỉ. Bàn nhau, làm mấy quả đi. Lập tức bị Mỹ Hạnh phản ứng : đi làm cách mạng mà ăn trộm của dân à ? 

Tôi đưa cho Hạnh gói lương khô . Mỹ Hạnh mừng quá. Cô kêu em thích lắm rồi ăn, vừa ăn vừa nói lương khô chủ lực ngon quá trời. Tôi bảo mỗi trận đánh chỉ được một gói thôi. Hạnh ăn rồi anh phải ăn dưa thôi . Cô biệt động kêu trời, rằng bộ đội lừa nhân dân. Chúng tôi cười khoái trá và bổ dưa ăn .

Đội hình lên đủ. Cán bộ đại đội cho bộ đội tập hợp lực lượng ngoài đồng . Chúng tôi bò vào trận địa với tham mưu trưởng trung đoàn lần nữa. Trăng sáng mới chết chứ. Cánh đồng gần Ấp Chợ đầy rau mùi và hành. Nhắc nhau cẩn thận đừng dẵm lên luống mùi và hành sực mùi lên bọn lính gác nó phát hiện. Lúc bò qua một vườn cam và chanh, sờ thấy có quả nhưng không dám ngắt định bụng quay ra vặt mấy quả. Đêm chiếm lĩnh một trận địa ven đô, bồi hồi lạ lắm . Mùi của cánh đồng lúa đang kì trổ đòng, mùi bùn ruộng lẫn trong mùi phân của trâu bò. Mùi mồ hôi của lính và lại là lần đầu tiên đi cùng một cô gái, rất gần rất nhẹ nhàng là hương tóc con gái cứ phảng phất đâu đây. Đêm chiếm lĩnh , lội đồng rồi chui lên vườn tược ngửi thấy , cảm nhận thấy những mùi vị có tên chung , nhưng cũng có mùi mang cái tên riêng chỉ người cảm nhận nó đặt tên được . Chúng tôi nhìn về Tân Sơn Nhất đèn đỏ nhấp nháy trên cao, chịu chả biết là gì. Những cái máy bay bay đêm lên xuống, đại bác 130 của ta vẫn cầm canh bắn vào phía ấy . BÒ sát đường nhựa thấy có cái gì to và lóa lóa trắng , mò lại gần thấy thằng tây đen nhe răng trắng ởn vẽ trên tấm bảng to như cái sân phơi lúa. Bảo nhau lùi thôi ẹ biết là gì , lát nữa bảo DKZ phang vào đấy vài phát. Thằng Minh thì thầm đéo phải hỏa điểm gì đâu , thuốc đánh răng đấy . Đưa các đại đội vào chiếm lĩnh xong xuôi , không gian nén lại , thời gian trôi thật chậm . Sở chỉ huy ở ngoài đồng trên một con mương ken dầy những cây bằng lăng. Nhìn lên đường số một từ hướng Tây Ninh về sài gòn thỉnh thoáng có vệt đèn xe hon da . Tiếng động cơ xèn xẹt thành vệt dài rồi chìm vào đêm . Trận địa im lặng. Nghe thấy cả tiếng ếch nhái. Mắt đăm đăm dõi về hướng mấy cái lô cốt ngoài ấp Chợ, rồi lại lom lom ngó cái đồn và lô cốt đầu cầu Bông . Quay lại về hướng bắc , Đồng Dù vẫn sáng , vẫn hồng hồng cái thứ ánh sáng của trận đốt kho xăng lúc chiều qua . Một vùng phía Bắc Sài Gòn nín thở trước giờ phút bùng nổ trận công phá cuối cùng . Mấy thằng lính thông tin dải dây vào các đại đội trở về ngồi trên bờ ruộng thay nhau dúi đầu xuống mương hút thuốc . Trung đoàn trưởng lừ lừ đi tới. Tiểu đoàn trưởng đứng lên . Tôi biết cái giờ nổ súng bắt đầu .
…. Vậy là đêm 28/4/75 trở thành cái đêm cuối cùng của đời tôi hành quân chiếm lĩnh, cũng là cái đêm tôi được bì bõm trên đồng ruộng vùng ven Sài gòn. Từ hôm đó cho tới nay đã về già không bao giờ mình bước xuống cánh đồng thơm ngái hương bùn và bâng lâng phóng đãng như tình người nam bộ. Có ai đó nhớ về trận chiến chỉ nhớ đến tiếng súng nổ tiếng thét tiêng kêu la mà có thể quên những mùi hương của không gian trận địa . Riêng tôi thì tôi nhớ, nhớ mãi màu sắc, tiếng động, hương vị trước giờ nổ súng. Đêm Củ Chi. Trận đánh cuối cùng. Đêm chiếm lĩnh cuối cùng có mùi hương rất quyến rũ của cánh đồng ven Sài Gòn
17/4/2018

Tuesday, April 3, 2018

Những mùa xuân để nhớ




Sao ta nhớ những mùa xuân xa đến thế
Những mùa xuân súng nổ cả giao thừa
Quà Tết có gì đâu mà chia chẳng hết
Bao bạn bè ngã xuống trước sang canh

Ta trở lại thị thành cơm với áo
Lo bon chen đen bạc với đời
Xuân cứ đến vô tư khi Tết đến
Chốn rừng xưa xao xác lá rừng rơi

Rót chén rượu vào hư vô để nhớ
Phút giao thừa ta bạn khóc ôm nhau
Lau nước mắt rồi lao lên trận địa
Biết mùa xuân ngan ngát ở trên đầu

Vẫn vẹn nguyên những mùa xuân xưa cũ
Đồng đội bò lên chúc Tết chốt điểm cao
Trong súng nổ miệng cười như thắm lửa
Chén xuân xưa tôi lại uống nhớ người
15/2/2018

Ba mươi tết trên đỉnh Trường Sơn


Bốn ngày trong mưa, ngày thứ năm trời nắng mà lại nắng rất vàng. Giao liên bảo đây là trạm 5, ngày mai các ông sang đất Khăm Muộn rồi. Thì ra là bốn ngày hành quân lên đến đỉnh núi xuống bên kia núi sẽ là đất Lào. Hôm ấy là 29 tết hôm ấy chúng tôi ngủ trong tâm trạng phấn khích.Thằng nào cũng nói chuyện tết ở quê. Trạm này to, có lẽ vào loại to hàng đầu trên đường dây 559. Ngày hôm sau 30 tết vẫn nghỉ ở đây. Thích lắm. Bãi khách đẹp bởi rừng cây cổ thụ nguyên sinh, suối đẹp và quân thì đông như hội. Thích nhất là gặp một đại đội gái hành quân lẻ. Nghe giao liên bảo toàn là cấp úy toàn là dũng sỹ miền nam ra học lục quân một năm nay trở lại chiến trường. Thảo nào mấy thím ấy khỏe thế, đi cứ phăm phăm ngực cứ như ngực chim cu gáy mà toàn là đeo k59. Chúng tôi đi lấy hàng tết ở trạm .. Mỗi A cử 2 người đi dọc suối. Ối giời đất ơi may cho lũ đi lấy hàng gặp đại đội nữ sĩ quan tắm. Hơn hai chục tiên nữ trắng lốp láp đang quẫy đạp dưới suối . Họ quát rõ to. Đề nghị các đồng chí không được “ hữu khuynh”. Lũ lính sinh viên cười phá lên. Rứt khoát chúng tôi không hữu khuynh, các đồng chí cứ yên tâm công tác thân thể. Đồng chí nào không quán triệt cánh mạng mọi nơi mọi chỗ là có khuyết điểm với đảng với nhân dân . Rồi lại cười phá lên tay úp cái cành cây bẻ làm lá ngụy trang vào mặt ra điều ta đứng đắn. Các sĩ quan gái cũng cười ré lên. Chúng tôi sẽ quán triệt cách mạng từ đồng bằng đến miền núi cả vùng sâu rậm rạp nữa . Ôi chao , một buổi sáng trên đường Trường sơn tôi nhớ mãi, con đường ra trận vui thế. 
.....

........Đêm ấy 30 tết. Đêm chia tay với cán bộ cấp trưởng dẫn quân để họ ra bắc . Từ đây cán bộ cấp phó lên làm trưởng và hành quân theo chúng tôi tới chiến trường. Khuya , trung đội trưởng Đinh Văn Bệ người tày đến bên võng tôi. Anh ấy 24 tuổi đã chiến đấu ở sư đoàn 312 rồi về làm cán bộ huấn luyện . Anh nói tiếng kinh lơ lớ và rất thân với tôi. Anh nói rất khẽ, mai Luân và mình tạm bịt, mình tặng Luân quyển sổ tay để Luân ghi nhật kí . Rồi anh ngồi lên võng mình nắm tay mình rõ lâu. Anh bảo , chín trừng ác lịt lắm lố. Luân cẩn thện nhé. Hôm sau cuốn sổ tay của anh tôi mở ra có bài thơ anh viết tặng tôi. Lần đầu tiên trong đời có người tặng thơ nên tôi nhớ lắm.
Nghẹn ngào giờ phút chia tay 
Biết sao nói được lúc này hỡi Luân 
Ghi được vài dòng phân vân 
Chúc Luân khỏe mạnh ân cần mai sau 
Giờ đây đôi bạn chia tay 
Mỗi người một ngả lập nhiều chiến công

30 tết trạm 5 trường sơn Đinh văn Bệ .
Sáng mồng một tết, chúng tôi hành quân. Đội hình đến bên bờ suối rộng, cây cầu là một thân cây cổ thụ to đường kính cỡ hơn một mét vắt ngang qua suối. Từng người lên cầu nhận một cái bánh chưng. Họ làm thế để không sót một ai không có bánh. Qua cầu nhìn lại các cán bộ cấp trưởng đứng bên kia suối vẫy tay. Chúng tôi hành quân trong nắng len lỏi lá rừng. Mùa xuân thật đẹp ở Trường sơn nườm nượp quân đi vào. Đại đội nữ lại vượt lên, hôm nay họ mặc quân phục mới họ chen lên một đội hình rất thơm mùi nước lá gội đầu.
Nay đã già, trung đội trưởng Đinh văn Bệ về đâu chả biết.Nếu anh còn sống anh cũng phải ngót tám mươi. Trong đội hình mấy chục sĩ quan gái tắm suối hôm ấy ở trạm 5 nay đã thành bà già ngót bẩy mươi ai còn ai mất. Chiến tranh cho những người xa lạ xích lại gần nhau, nắm lấy tay nhau gọi nhau đồng chí, rồi lại xa nhau, thoáng sống đấy rồi lại chết đấy, vừa gặp nhau quen nhau đã chết, li biệt gặp gỡ cứ thành điệp khúc, hợp tan. Chỉ có màu tết, màu nắng ở Trường sơn thì mãi mãi còn, tiếng cười trai trẻ từng đêm khua vào kí ức những người lính năm xưa, khua rấm rứt trong chúng tôi những người đem tuổi trẻ của mình gửi ở chiến trường .


15/2/2018

Ăn sáng ở quê .


ăn sáng ở quê nghe thấy cả sương rơi
Nghe thấy cả tiếng mẹ cho gà ăn thuở trước
Nghe thấy mình gọi nhau đến lớp
thời đạn bom rơm khâu mũ đường xa

ăn sáng ở quê ngồi bệt trước hiên nhà
Con chim sâu nhảy chập chòi lên cành ớt
Níu hái quả cành chân chim đắng đót
Mắt già cười lên cay cay

ăn sáng với quê sáng nay
Mấy chục năm cứ long dong mũ áo
trước mái hiên ta chả còn thị thành huyên ảo
ai gọi tên nghe cũ ở ngoài đường

Thuở xanh xao khoai ráy giữa mùa màng
sáng nay khoai thơm vào tiếng con chim khách
Ơ ta hóa xa lạ sao? giữa thềm nhà vại nước
Có nước mắt mình ngày ra đi

Nay tháng năm lam lũ dắt ta về
Ngồi bậu cửa đợi mẹ ta không về lại
Quê thừa đất thừa bao dung đủ lòng nhân ái
Bên bờ ao ta soi mặt vào quê
20/2/2018 NTL

Còn lại mùa xuân


Sau những sô bồ phồn thực sô bồ tinh thần rất mùa xuân
Ta còn lại một tí teo lúc khuya khoắt Hà Thành ngáp ngủ
Ta thấy mình rất là nhiều khuyết điểm
Không giống ta ngày xưa đi làm về muộn kẽo kẹt giữa đêm xuân

Chiếc xe đạp ướt má
Xuân lạnh tung teng cái cạp lồng
Mặt môi âm ấm
Ngày mai nhớ dặn vợ xếp hàng mua phiếu đậu
Bếp chiều thơm ngây ngây

Một mình ra đường cái đêm Thần tài.
Ngày xưa nghe tiếng chổi tre tiếng rao hiền như hàng sấu
Mùa xuân này Hà nội không có thế nữa đâu
Mùa xuân về thế giới phẳng
Phẳng nôn nao

Ta đi mùa xuân cũ
Khói sương
26/2/2018

Xin lỗi mùa đông


Xin lỗi em yêu mùa đông
Bỗng dưng quên em nhớ mẹ
Ước chi mẹ sống thêm qua thời khốn khó
Áo ấm đi bên ngoài ước mong

Đến tận cuối cuộc đời chân nứt nẻ
Mẹ mang bùn khô thơm đến tận bây giờ
Những cuộc nhậu thị thành có bóng người đàn bà ngang qua ngoài cửa
Chờ lượm lon bia
Thông thốc gió lùa trên phố
Thời của mẹ gió mùa nào cũng rách

Mùa đông lạnh đến bao nhiêu không nhớ nữa
Chúng con tranh nhau được ôm mẹ suốt đêm
Tiếng con trâu rét dậm chân
Mẹ xoay ngược xoay xuôi để công bằng bốn phía
Sương muối ngoài mái lá
Dệt những chân chim

Mùa đông gặm lam nham ô cửa
Mùa đông tím bèo ao cũ nhà ta
Mộ mẹ cha xa xót cuối đồng
Có những con cò so chân lội trong bùn thẫm
Mùa đông quê có hồn hơn ngoài phố
Rét ở phố phường gầy xác xơ
5/3/2018 

LỄ CHÙA THÁNG GIÊNG.


Em khăn choàng mờ sương tháng giêng
Khói hương dâng cõi mây trôi nghiêng
Tiếng gió tiếng mưa mơ như tiếng mõ
Gió lễ thinh không nam mô nam mô

Hoa nhãn rắc tơ hương thơm đêm chùa
Đừng mưa đừng mưa nắng lên như tơ
Chòng chành chòng chành ong quê làm thơ
Như ngày anh đi em về ngẩn ngơ

Tháng giêng tháng giêng em đi lễ chùa
Anh đi về phía rừng xưa thay lá
Hoa lau trên 1015 trắng quá
Em đến chùa nào gửi nam mô nam mô

Bốn mấy năm hoa cỏ chúng sinh
Bốn mấy năm tiệu độ thiền linh
Tháng giêng tháng giêng hoa lau trắng quá
Anh về miền hoa cỏ bạn anh …hi sinh.
12/3/2018

VIẾT LẠI TỪ CUỐN NHẬT KÍ NÁT NHẦU


Thông thường sau bao nhiêu năm tháng chiến trinh lính cũ gặp nhau hay “chém gió”. Cũng dễ thông cảm cho các lính vì chúng ta chỉ “chém” với chúng ta thôi mà. Tỉ như chỉ có một trận đánh, một cái xe tăng mà vài chục anh kể về nó đến nỗi nghe đến nó người trong cuộc thấy lạ hoắc.
Hồi kí đừng lấy tư tưởng hiện đại mà viết. Viết thế là vứt. Là áp đặt. Chuyện áp đặt cứ nghe mấy ông CCB kể chuyện là thấy. Các ông ấy cứ mang cái hiểu biết bây giờ áp đặt vào ngày xưa thế là thành ra CHÉM GIÓ. Chứ nếu các ông ấy cứ đàng hoàng ta là lính thì ta kể chuyện lính có nhẽ từ CHÉM GIÓ không len đến chân CCB

CHUYỆN TRÊN ĐƯỜNG 7 
26/3/75
« « ………………… » »

Đêm qua là đêm 25/3/1975 . Một đêm hoảng loạn, gần như bủn rủn với tôi. Tôi ghi nhật kí chỉ vài chữ cho nhanh. Rừng chỗ này toàn cỏ tranh và cây khộp. Nóng rang lên, nắng hầm hập mùi khói đạn khói bom, nắng phả hơi bom đạn khiến cỏ khiến cỏ tranh còng rạp xuống. 
Chiều qua lúc chuẩn bị vượt sông Ba. Bãi sông hàng ngàn xe ô tô và hàng ngàn lính địch chen chúc lẫn dân thường. Chỉ có một tiểu đoàn 8 của tôi bao vây đầu cầu ngầm phía bắc. qua sông. Quân ta giá 4 khẩu 12,7 li ở đầu ngầm, vừa chặn địch vừa ngăn dân không cho họ qua sông. NHưng làm sao mà ngăn lại được dòng người hàng chục ngàn dân cuống cuống chen nhau qua sông trên cái cầu ngầm lải chàn rộng vài mét. Hai máy bay địch vụt qua rồi quay lại ném bom vào quân ta. Quân ta dùng hàng trăm khẩu AK và 12,7 li bắn máy bay. 2 cái máy bay bay thấp tẹt xuống lòng sông biến mất . Thế là cảnh hỗn loạn diễn ra, ngay lập tức xuất hiện sắc phục lính VNCH hàng trăm tên vượt qua ngầm. Dân chạy theo, họ gào lên họ rú lên, họ rơi xuống sông họ khóc. ….12, 7 li của c8 bắn ầm ầm xuống nước tôi nhìn dòng sông tóe nước thành vạch dài hệt như chúng tôi ném nắm sỏi ở đầm quê tôi ngày xưa. Súng im bặt. chỉ có tiếng la hét và tiếng khóc. Dòng người tan ra vì rơi xuống sông vì dừng lại và không gian ắng lại. Dòng sông Ba đầy những nổi chìm….

Mặt trời xuống ở phía bờ bên kia. Tôi gặp thằng Dương Cao Bằng cùng khoa Chế tạo Máy với tôi , nó làm A trưởng trinh sát d9. Hai thằng đứng dưới bãi sông . Thằng Dương móc cái túi cát lên có những lá vàng KIM THÀNH rơi ra. Nó lấy chân vùi lại. Nó bảo mày muốn chết thì lấy…Tôi đưa cho Dương 2 cây thuốc CAPSTAN. Dúng lúc tiểu đoàn trưởng Phạm Xuân Hùng của nó chạy tới. D trưởng Hùng bắn hai phát súng ngắn lên giời , hô to :: Tiểu đoàn 9 theo tôi. 
THế là cả tôi và Dương cùng bộ đội cả d9 và d8 lao xuống sông. Chúng tôi lội dưới sông nước đến ngực đến cổ còn cây cầu ngầm thì dân tình chen nhau đi sang sông. Đến bây giờ tôi chỉ nhớ, cây cầu ngầm qua khúc sông Ba cách Củng Sơn vài cây về phía nam là cây cầu chỉ có dân và lính VNCH đi qua để chạy về nam. Tất cả bộ đội của e64 hôm đó đều qua sông bằng bơi và lội. 
Tôi nhớ lắm. Khi chúng tôi qua sông có nhiều xác người trôi qua trước mặt chúng tôi. Chúng tôi gùi sau lưng cả súng đạn , chúng tôi đang cố để không chết, chúng tôi bất lực. Một dòng sông đau thương và bất lực...

Đêm. Tiểu đoàn 8 hạ trại cách bờ sông Ba phía nam không xa. Tôi và một thằng trong tiểu đội đeo súng quay lại bờ sông. Hai bờ sông chỉ thấy nến và những nhang cháy rợn người. Tiếng khóc tiếng gọi cha gọi mẹ gọi con rền rĩ . Chúng tôi hoảng quá chạy quay về. Đêm ấy nặng nề . Mặc dù trăng sáng rãi trên thảm rừng cỏ tranh và rừng khộp. 
Sáng hôm sau, 
tức là 26/3/75 Nắng lắm . Nắng chói chang. Chỉ có tiếng vò vè mấy cái L19 đang hoảng sợ nên mon men rồi im tịt. Tôi giở lô ảnh và thư của lính mà tôi thu được mấy hôm nay ra hong. Chiều qua lội sông cái gì cũng ướt hết , ướt cả đường cà fee và thuốc lá. Tiếc nhất là những tấm ảnh và thư tình của lính VNCH. Sao mà gái miền nam viết thư hay thế. Mình ép một bãi cỏ tranh rạp xuống rồi rải ảnh và thư của họ ra phơi nắng....đúng lúc ấy có một thằng lính VNCH xộc vào . hai thằng cùng hét lên , nó chạy ...

Bây giờ Ngồi viết lại những dòng này tôi bỗng nhớ anh Kiều Thế người Thái Nguyên. Thiếu úy Kiều Thế bị thương ở 1015. Lúc ấy anh là C viên phó c6 d8. Tôi quen anh vì tôi có thời gian lên viết lách ở e bộ với anh. Lúc trưa qua ở bờ sông phía bắc ngầm CỦng Sơn anh gặp tôi trong bìa rừng. Anh túm lấy tôi, này thằng Khuất Quang Thụy nó chụp ảnh cho bọn mày rồi hả. Tao vội sang sông để chụp ảnh quân mình vượt sông đây. Này Luân ơi , bọn mình được vào quân đoàn 3 rồi đấy. Thế rồi anh ấy gói ba lô lội bì bọp qua sông trong khi chúng tôi vẫn ở bên này. Ngày nay cái bức không ảnh hàng ngàn xe ô tô rút chạy qua cầu ngầm CỦNG SƠN mà ai cũng biết đó chính là nơi d8 chúng tôi tiếp cận từ tối 24 và cả ngày 25/3/75. Và bức ảnh bộ đội ta vượt sông Ba trong cuốn ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975 của Đại tướng Văn Tiến Dũng là tấm ảnh anh Kiều Thế tuyên huấn e64 chụp. NHiều năm sau tôi cứ thầm nghĩ , việc mình biết có sự thành lập Quân đoàn 3 lúc ấy chả quan trọng gì. Chỉ một điều là mình được biết sớm hơn mọi người nhờ anh Kiều Thế ở ban CHÍNH TRỊ trung đoàn mà thôi. Có thành lập Quân đoàn hay thành lập Tập đoàn với tôi lúc ấy cũng bình thường chả gì đặc biệt. Chúng tôi chỉ cần thắng trận để được về với mẹ chúng tôi .
Tôi viết những dòng này bởi những người tôi viết tên vào đây có người còn người mất. Nhưng tôi cam đoan không phải chém gió. Chuyện đại tá Khuất Duy Hoan chỉ huy 8 người ở lại bờ sông trong đám xe bờ bắc trong hình ảnh dưới đây, ở đó các anh đã cứu thoát hàng trăm người dân khỏi đám cháy xe chiều tối hôm ấy . anh Khuất Duy Hoan ( Hoan Khuất) vẫn còn ở HN. 
Cũng trong những ngày này một người bạn tôi gói trong ba lô 8 bao thuốc chỉ để gặp tôi trên đường 7 để cho tôi kèm theo thỏi cao để tôi đủ sức đi bám địch. Bạn tôi là Đinh Ngọc Sĩ ( Dinh Ngoc) Chuyện tôi và Hoàng Minh Dương đứng bên bờ sông Ba thì anh Phạm Xuân Hùng khi làm đến Tướng Tư lệnh quân đoàn vẫn nhắc lại. Anh từng nói : Tao nhớ hai thằng mày moi lên rất nhiều vàng bên sông Ba nhưng không lấy, mà bơi qua sông cùng tao. KHá ! 
Tôi còn trang nhật kí nát nhầu và còn những hương hồn bè bạn tôi hi sinh trên đường 7. Họ sáng trong veo veo. Chúng tôi không bao giờ chém gió cũng như không bao giờ ăn theo những kẻ vay mượn kí ức mà chém gió .

Tôi đã quay về đường số 7 đi một mình từ Cheo Reo qua Phú Túc xuống Củng Sơn về Tuy Hòa. Tôi buồn ngút ngát trên con đường đầy lâm tặc và bụi đỏ. Tôi đứng bên cầu Lệ Bắc gọi Tên Minh Bãi Cháy. Tôi ra bãi Đông Tác, gọi tên Đàm Việt Hùng Cao Bằng. Tôi vào cửa hầm Đèo Cả gọi tên thằng Độ thằng Đàm. Gọi tên anh VÕ Liệu và thằng Bế Thanh Bình Trà lĩnh Cao Bằng chết ngay trên đường 1....
Với họ , những người đã hi sinh chúng tôi thật bé tí.

26/3/2018

Sài Gòn tháng Tư


Bây giờ lại đến tháng Tư
Đầu ta thì bạc lời thơ thì buồn
Trắng như thể đóa loa kèn
Long dong suốt cả phố phường thủ đô

Ta về tìm lại giấc mơ
Cái ngày xưa ấy làm thơ yêu người
Người giờ tuổi đã sáu mươi
Người đi mang đến cuối trời ngày xưa

Tháng tư đội súng qua đò
Hỏa châu rơi sáng phía nhà của em
Tháng tư bắc tháng tư nam
Lòng yêu, yêu đóa loa kèn phố đông

Người ơi trắng những lạnh lùng
Nắng hồng ấm nhụy nỗi lòng mùa xa
Sài gòn ơi , Sài gòn xưa
Dòng sông tím những bài thơ đâu rồi

2/4/2018