Sunday, May 28, 2017

Trưa sông cạn

Ta đầu bạc về quê trưa sông cạn
Nắng neo vào bờ cát dấu chân ai
Trưa ở bến ngày xưa người rũ tóc
Những chàng đi chân đất ngẩn ngơ hoài

Gió dàn dạt chạy như mây loang bãi
Con thuyền nằm nghiêng sóng cũng nghiêng nghiêng
Sông cũ đây mà người thì xa mãi
Con nước ngày xưa nay cũng đổi dòng

Ta ngơ ngẩn giữa vùng thân thuộc
Chẳng còn thời tắm ngụp ở hai phe
Đợi nắng khô áo quần rồi lên bãi
Ta đi rồi em len lén chạy lên đê

Tiếng đập chiếu đôi bờ vọng mãi
Tóc đuôi gà nắc nẻ ném thia lia
Em là vợ người nơi xứ tuyết
Sông ngày xưa cạn nước vắng đò

28/5/2017

Tuesday, May 23, 2017

CẦN LẮM “ RỪNG ĐÓI “ TRONG GIÁO TRÌNH CỦA NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM HIỆN NAY


Thân tặng tác giả và những người lính “RỪNG ĐÓI “ nói riêng và cả những người lính 30/4 nói chung nhân tháng 4 của các anh.

Võ thị ánh Tuyết

Cuốn thiểu thuyết “RỪNG ĐÓI “ đã được các nhà phê bình văn học, cũng như đọc giả, phóng viên các kênh truyền hình đón nhận vui mừng. Riêng tôi thì đọc chậm và cũng ngấm chậm. Đọc đi đọc lại nhiều lần, để mỗi khi gấp sách lại, cứ thấy nao nao một thời tuổi trẻ của mình ,một thời mà Việt Nam là nốt son đỏ sáng chói trên bản đồ thế giới, trong bản trường ca hào hùng giải phóng dân tộc, đánh thắng một đế quốc to lớn nhất. Tôi chỉ muốn nói những suy nghĩ của mình trên góc độ của người công tác trong ngành giáo dục. Tương lai thanh thiếu nhi sẽ về đâu? Câu hỏi trách nhiệm đang đặt ra cho tất cả chúng ta. Và cần lắm “RỪNG ĐÓI “ trong giáo trình của nền giáo dục Việt Nam hiện nay bởi tính nhân văn của nó, tạo ra tính cách cốt lõi con người cho thế hệ trẻ.
Tính nhân văn của “RỪNG ĐÓI “ bình dị đến từng câu chữ, từng trang sách mà tác giả của lính, ông Nguyễn Trọng Luân đã mô tả, nó thật đến nỗi các nhân vật không phải trong tiểu thuyết bước ra mà là chính họ đã làm nên từng câu văn trong đó. Và cho đến bây giờ họ vẫn còn đâu đó trên dải đất Việt Nam Ở những trang cuối cùng, học có tên có tuổi,đều trưởng thành và là trụ cột trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng. Họ thật đến từng tấm ảnh chụp chung của những lính “ RỪNG ĐÓI “ trong ngày ra sách “ RỪNG ĐÓI “ vào ngày 20/12/2016
Tác giả “RỪNG ĐÓI “ đã viết về thân phận của gần 400 lính sinh viên, một tiểu đoàn đi mót sắn để gửi về đơn vị là sư đoàn 320 đang từng ngày đói lương thực để truy kích địch. Đã có ai đi xuất ngoại như những người lính này chưa ? Thường thì đi xuất ngoại hiện nay, ước mong “ qua bển “ mong để có cuộc sống ổn định hơn, ấm no hơn và hạnh phúc hơn. Những người lính này ra đi mà chẳng hẹn ngày về, chỉ mong được trở về quê hương chiến đấu “ Chúng tôi nằm nghĩ đến ngày mai, nằm hình dung ra vùng đất mà mình sẽ đến và nổ súng. Và bao giờ cũng thế,chúng tôi lại nhớ đến mẹ. “. ( tr.165). Họ không nói những câu giáo điều về tình yêu tổ quốc, bởi nó đã có trong máu lính rồi. Họ không nói đến lý tưởng siêu phàm gì đó mà chỉ mong ước điều bình dị nhất đó là sống và chiếu đấu hy sinh cho dân tộc mình. Đây chính là sự bình dị đến vĩ đại của Lính.
Tôi đã từng gặp hàng ngàn người đi đón một diva Hàn Quốc, kẻ đến muộn không gặp được thì sụt sùi khóc. Thật là thương hại cho những thanh niên như vậy.
Người lớn thường lên án thanh thiếu nhi hư hỏng nhưng lại không xem xét đến trách nhiệm giáo dục, quản lý của mình. Mỗi ngày trên các kênh của các truyền hình cả nước, đâu đâu cũng bắt gặp những bộ phim về lịch sử, nhân vật, sự kiện của Trung Quốc, phim tình cảm gia đình Hàn Quốc.... Hệ quả là trẻ em thích chưng diện, nói năng, đi đứng theo phong cách phim ảnh nước ngoài là điều tất yếu bởi “gần mực đèn gần đèn thì sáng”. Có những thanh thiếu niên không còn phương hướng để dẫn đến thích những thần tượng riêng của mình. Thần tượng của thanh thiếu niên ngày nay làm lệch lạc nhân cách của lớp trẻ.
Điều đáng buồn là các em học sinh không biết về lịch sử nước nhà. Rõ ràng là con cháu chúng ta ,đang sống trên lưng cha mẹ, ông bà mà không biết cái quí giá của ông bà mình là đã hy sinh xương máu để giành lấy hòa bình thống nhất tổ quốc hôm nay.
Lính “ RỪNG ĐÓI “, họ là những con người còn sống, họ là Khuất Duy Hoan, Đinh Ngọc Sỹ, Nguyễn văn Lệ, Đặng Quang Trung, Hoàng Minh Dương, Vũ Quyền … mà tôi chỉ mới biết tên. Chắc rằng ngoài đời hiện hữu các anh đang là những người cha nhân hậu, là những người ông hiền từ trên võng Trường Sơn năm nào, bây giờ đong đưa ru cháu ngủ.. Những cái tên như Lương Văn Lợi, Trần Văn Lịch, Nguyễn văn Huấn, Triệu Liên Hiệp đã mãi mãi không trở về, hồn họ đã hóa thân hai chữ đồng bào trên mọi miền đất nước
Họ kiên cường. Họ trải qua bao nhiêu trận bom, cơn sốt rét rừng, rừng đói, rừng buồn, rừng khóc “ Lính chúng tôi như thấy mình đã bước vào trang sách mới. Giản đơn, ít chữ,dễ hiểu và hiểu là bây giờ chúng tôi đang tiến tới đoạn có thể sắp chết, rất dễ chết .” ( tr.11). Biết là vậy, nhưng họ luôn lạc quan “ Trong cánh rừng này,chưa bao giờ chúng tôi rên rỉ vì đói, rên rỉ vì buồn. Đói lính ta vẫn hát, buồn lính ta cũng hát mà vui lính ta lại càng hát “ ( tr.165 ).
Trong sách giáo khoa nói rất nhiều từ mỹ miều rằng làm người thì phải biết đứng trên đôi chân của mình, nhưng đứng như thế nào cho kiên định của một người chân chính, thì hãy học cách đi, cách đứng của lính ““ RỪNG ĐÓI “. “ Chỉ mấy tháng trước đây, chúng tôi không nghĩ mình sẽ vào một chiến trường như thế. Một chiến trường nhìn thấy các người đi đánh trận chỉ mặc quần đùi và áo rách, những người lính gầy sắt đến nỗi cái bao se đeo lựu đạn trễ xuống mông, cái bụng bé thóp y hệt bụng con chẫu chuộc...” ( tr73). “ Cái mùi mồ hôi ươm vào sắn khô làm cho loại ngũ cốc này bốc mùi nồng nồng đến là thương mến. Cảm thấy như mỗi miếng sắn đếu có hồn có vía khi về đến mặt trận phía trước “ ( tr.740 )
Mỗi bước chân của lính ,là tình thương yêu đồng đội đang chiến đấu hy sinh ở quê hương và cố gắng làm sao để thu về nhiếu sắn nhất cho chiến trường.
Tình yêu người lính cũng giản dị như chính con người của lính, yêu quê hương, yêu cha, mẹ, yêu bạn gái dù chưa từng được hôn “ Thằng Sỹ còn moi trong ba lô ra cho mình xem một mớ tóc con gái. Nó ngửi, nó hít hít mớ tóc buộc bằng sợi len đỏ rồi bảo, mỗi thứ tóc có một mùi riêng, đó là mùi không thể quên.Đó gọi là mùi đặc trưng. “ ( tr.21). Đọc đến đoạn này, lần nào tôi cũng bật cười vì cái mê gái trẻ trung, ngây thơvà trong veo ấy. Ngày đó, trong chiến tranh, trong trái tim của các cô gái thường ấp ủ những chàng trai ra trận của mình, nếu là người yêu thì chỉ có một, nếu là bạn cùng lớp mến thương thì rất nhiều.Tóc con gái thời xưa toàn là để dài rồi bím tóc. Nếu biết các anh lính nâng niu bím tóc và vì bím tóc mà gìn giữ mạng sống của mình, để được trở về gặp chủ nhân bím tóc, thì hẳn là con gái chúng tôi sẽ đồng loạt cắt bím tóc tặng các chàng trai trong ngày tòng quân rồi. Và còn nữa là một , hai năm sau , tóc lại dài ra, thì lại cắt tặng cho chàng tân binh khác để mong anh ấy lại trở về với gia đình sau chiến tranh. Cái tình ấy, thật chân thành và cảm động biết bao.Cái bím tóc bình thường lại là vô giá trong chiến tranh, nó linh thiêng biết nhường nào. “Cô gái ngẩng lên nói rõ gọn và dứt khoát. Anh mần em cái hôn đi anh. Tôi im lặng. Và cô hôn tôi.Lần đầu tiên biết nụ hôn con gái là được hôn một nữ đồng chí ở chiến trường, đến bây giờ tôi không nhớ mặt...” ( tr.67 ). Nụ hôn đầu đời của người lính cũng bình dị và dễ thương, nó cũng tự nhiên lên hương như hương bưởi, hương cau quê nhà vậy.
“RỪNG ĐÓI” là cuốn tiểu thuyết phi hư cấu,tác giả đã đi đến tận cùng bản ngã của từng thân phận con người của lính sinh viên , lúc thì lạc quan cười ra nước mắt “ Chế tạo quang treo vú đàn bà ( tr.158 ) “ để đổi lấy gà nấu cháo cho đồng đội “ thằng Huấn nhìn đứa bạn mắt lõm sâu vào xương sọ và ngửi mùi võng hôi như ổ chuột vì mồ hôi sốt rét “( tr.155 ). Khi thì tinh nghịch thông minh “Tôi không ăn quần lót mà tôi ăn sắn và ăn rau bằng cách đổi quần lót cho dân bản đấy ạ. “” ( tr.108 ).
Khi thì xót xa mong mỏi “Chỉ hai tuần nữa là về được đến đất mình rồi. Bên nhà sắp đánh lớn thì phải, về mau để ra phía trước, cho bõ những ngày vừa đói , vừa mang tiếng lính mót sắn phía sau...” (tr.115)
Khi thì buồn đau vì đồng đội hy sinh “ Thằng Khoái chết....Thằng Sỹ nằm trên võng. Võng của nó không căng tăng, có con ve rừng đái lên mặt Sỹ. Nó nằm nguyên, giọt nước đái con ve sầu xây xẩm buồn trên má nó...” (tr.86)
Khi thì nhớ mẹ nhớ cha đến thắt lòng “Tôi nằm trên võng nghe hai thằng nói chuyện với nhau mà nhớ cha mẹ mình quá. Tháng này ngoài Bắc cũng đang đói giáp hạt...” ( tr.79 )
Những người lính sinh viên này , họ mang trong lòng trách nhiệm với non sông, họ gánh trên vai một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, họ đi vào cái chết nhẹ tênh. Nhưng trước hết họ là sinh viên, rời khỏi giảng đường của trường đại hoc, cầm súng ra chiến trường. Họ mang đầy đủ phẩm chất tốt đẹp thông minh của người sinh viên và dũng cảm của người lính. Lịch sử sẽ chẳng bao giờ có được một thế hệ sinh viên tinh hoa ra trận nữa, họ đã sống và chiến đấu , hy sinh cho tổ quốc Viêt Nam trường tồn.
“ RỪNG ĐÓI “ là một cuốn tiểu thuyết kể về chiến tranh mà không nói đến giết nhau nhưng vẫn thấy chiến tranh ở trên đầu lính, thấy cái ác liệt giữa cái sống và cái chết. Nó lạc quan yêu cuộc sống đến vô cùng của nhũng anh lính trẻ và đậm đặc mang tính vui nhộn dí dỏm hài hước, thông minh, tri thức của sinh viên.
Cái hay của “ RỪNG ĐÓI “ là nó nói lên cái hào hùng của cả một dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, nó lan tỏa cái dũng mãnh của người thanh niên trong tất cả các cuôc xung trận, dù là trận chiến hay trên bất cứ trận đánh nào. Đã đi là đến , vượt mọi khó khăn gian khổ chông gai và đã đánh là thắng. Cái ý chí của một thế hệ thanh niên ra trận nó chắc nịch mà bay bổng, bay cao trên trời, mà vén mây nhìn xuống đầu quân thù và chẳng có kẻ thù nào mà không khiếp nhược.
“RỪNG ĐÓI “ chỉ là một lát cắt trong cả khối sù sì to lớn của chiến tranh. Nó không phải là một sự thể hay biến cố vĩ đại trong cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc ta. Nó là sự sống trong cuộc chiến trần trụi thực tế mà tác giả chỉ khéo kể lại khái quát ,để người lính nào cũng thấy mình trong đó. Đã có vô vàn tác phẩm viết về chiến tranh của bao nhiêu tác giả nổi tiếng nhưng lại rất xa lạ với người lính. Đây là sự thành công lớn nhất mà người đọc , dù là lính hay chúng tôi, không phải là lính, nhận thấy rõ nhất..
“ RỪNG ĐÓI “ đi vào lòng người bởi nó chân thật và bình dị, những ai đã sống qua thời chiến tranh, hẳn sẽ thấy bóng dáng của mình, của người yêu mình và tự hào về một thời đại lịch sử mà mình đã sống. Đọc “ RỪNG ĐÓI “ chúng ta thấy thân thương những người dân Việt, họ đâu đó ta gặp trên đường, bước qua nhau mà không chào, họ không quen, nhưng bình dị và biết đâu họ là những anh hùng như những người lính “ Rừng đói “ , bởi giống như các anh Khuất Duy Hoan, Đinh Ngọc Sỹ, Nguyễn văn Lệ, Đặng Quang Trung, Hoàng Minh Dương, Vũ Quyền, sẽ chẳng bao giờ nói về mình, nếu tác giả không kể tên trong “ RỪNG ĐÓI “ và còn đến gần 400 lính sinh viên không được tác giả nhắc đến. Cảm ơn các anh , những người lính cụ Hồ đã đổ máu xương viết nên trang lịch sử sáng chói của Việt Nam.

Chúng ta trân trọng các anh vì các anh là nhân chứng lịch sử , sự trân trọng đó bao gồm cả tình thương yêu, kính trọng và ngưỡng mộ. Cuộc đời các anh là những bài học lớn cho thế hệ hôm nay và cho thế hê con cháu mai sau. Và chính vì vậy mà để tạo ra nhân cách thanh thiếu niên mang hồn Việt và bảo vệ tổ quốc khi biển đông luôn có sóng dữ , thì cần lắm “ RỪNG ĐÓI “ có trong giáo trình của nền giáo dục nước nhà hiện nay, để chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc rằng đã không dạy con cháu mình, và luôn tự hào về thế hệ mai sau, lớp kế thừa truyền thống giữ gìn bờ cõi giang sơn, tổ quốc, biết sống có nhân cách và yêu thương tổ tiên, ông cha mình.Đây chính là gốc rễ vững chắc của hiền tài, nguyên khí một quốc gia thịnh vượng.
2/4/2017

Wednesday, May 17, 2017

Đi về sông cũ


Anh đi ngược về dòng sông màu lửa
G
iữa mùa mưa sao cạn thế sông ơi
Hoa vẫn tím duỗi chân buông bờ bãi
Mùa váy không phơi triền vụng dại đâu rồi


Ơi con sông thơm hương quế hương hồi
Thơm cả hoa mua trôi tím lũ
Cao tốc dửng dưng ai dừng bên rừng cũ
Hoa trẩu trắng rừng buồn trắng nắng tiếng gà trưa

Em đi từ dạo ấy đến giờ
Theo chồng về bên kia Ô Qui Hồ hiu hắt
Giáo trình rơi vào mưa phùn se sắt
Lưng đèo sương mỏng bờ vai

Sông vẫn con sông hoa tím ngắt chiều
Nước vụng về mang màu của lửa
Cô gái Hơ mông xuống phố
Gửi gì lên phía ấy những tập văn

Anh ngước nhìn mấy quấn Phan si pang
Biết Đỗ quyên cứ nở hồng sương lạnh
Con sông màu lửa
Chảy vào cả giấc chiêm bao


Đi Lào Cai rồi về trong ngày 6/5/2017

BẰNG LĂNG


Dậy sớm. Nhìn hàng Bằng lăng hoa tím đã nhạt màu. Thương thế.
Sau 365 ngày, hàng cây khô khốc vô duyên chỉ đợi non nửa tháng đầu hè bung hoa tím mát, khẳng định thân xác mình có ích với đời. Rồi đứng đó, rụng lá và chổng ngược lên trời những chùm quả khô nứt nẻ lặng câm. 
Bằng Lăng chỉ nửa tháng mang hoa tím trời. Thế mà nó cứ nhoi nhói cái tên Bằng Lăng. Trong tôi, tôi yêu bằng Lăng đến mê mẩn vì kỉ niệm. Tôi lại càng hiểu tâm hồn bố tôi đã mất 20 năm nay, cụ yêu hoa Ban tây bắc là vì sao.

Trước ngày nổ súng đánh trận cuối cùng 29/4/75 chúng tôi đã bò trinh sát cánh đồng Tân Phú Trung và cầu Bông. Trên bản đồ những cái tên ấp Bầu trâm, bầu Tre, Bằng Lăng lạ hoắc. Đêm đêm những hàng cây trên đồng lúa , rau, dưa, đứng như con “ nhép” trong cỗ bài Tu Lơ khơ. Tôi chưa hề biết đến hai chữ Bằng lăng. Tôi sờ thân cây to như đầu gối gập sù sì. Tôi với lá nó trong đêm to như lá cây hồng mà dầy cứng. Chỉ có hoa là tôi không thẻ biết vì cứ đêm đêm chúng tôi mới bò vào mà gặp bằng lăng.
29/4/75 trước bình minh chúng tôi nổ súng đánh Tân Phú Trung và Cầu Bông. Trận địa đặt 5 khẩu DKZ trên mương và hai bờ mương là dẫy bằng lăng mướt mát. Đạn. Bom. Khói. Và tiếng nổ rung chuyển cánh đồng. Tôi bỗng nhìn thấy một cơn mưa cánh hoa màu tím. Cứ sau mỗi loạt 5 khẩu DK bắn thì lại hàng trăm cánh bướm mầu tím rơi. Dưới bom pháo và tiếng thét tiêng la những cánh hoa te túa. Sở chỉ huy nằm ngoài cánh đồng và phẫu quân y dưới một lùm có những cây bằng lăng xum xuê. Họ đưa về những đồng đội tôi đã chết và những người còn gọi được tên tôi.
Lúc ấy tôi không biết tên loài hoa này.
Lúc ấy tôi vội vã theo trung đoàn tiến vào Sài gòn trong một chiều hừng hực nắng và cả một trận mưa rào...

*****
Tôi trở về cuối năm ấy. Tôi biết tên loài hoa Bằng Lăng cũng vào năm ấy khi tôi đóng quân ở Gia Định.
*****
2 năm sau ngày trở về, tôi và người yêu đi trên đường Thanh niên. Tôi bỗng nhìn thấy những bông hoa tím trên dẫy bằng lăng nhỏ. Em hỏi tôi hoa ấy hoa gì? Tôi bảo hoa Bằng Lăng.
Chúng tôi ngồi bên nhau trong một chiều hè nhìn về phía làng Xuân Đỉnh. Hô Tây nhấp nhô sóng. Hoàng hôn tím ngắt trên những bông Bằng Lăng đầu hè. Tôi viết bài thơ tặng em mà chả bao giờ dám khoe. Bài thơ cứ nằm im trong sổ rồi tận năm 2001 cô nhân viên văn phòng làm máy tính gõ hộ tôi, tôi in ra làm một cuốn thơ tự xuất bản, Cất đi. Bài thơ viết trước ngày chúng tôi cưới nhau một năm. Bây giờ, hoa bằng lăng đang rộ hoa. Chỉ mươi ngày nữa là nhạt màu. Gặp mưa rào cánh hoa tã ra rơi xuống và màu tím bằng lăng đi vào luyến tiếc. Lại đợi đến năm sau.
Với tôi, hoa Bằng lăng luôn làm tôi nhớ về trận đánh cuối cùng đời lính và những đứa bạn không về.

sáng 11/5/2017

Sinh nhật cháu


Mừng sinh nhật của cháu
Lại nghĩ bố nó thôi
Ôi cái ngày khốn khó 
Có gì cho con tôi?

Dán ni lông, nuôi lợn
Đưa thuốc cuốn thuốc lào
Chỉ nổi một quả chuối
Mà mừng như chiêm bao

Bố về từ chiến trận
Quân phục hai bộ nhàu
Tăng ni lông võng bạt
Đổi tã lót đời sau

Giữa phố phường còi cọc
Vợ quần "phíp" tả tơi
Ơi cái ngày phấn đấu
Cháo rau ngày xưa ôi

Nhìn cháu con hỉ hả
Hát ngô nghê tiếng người
Chạnh lòng già buồn thế
« Hép pa đầy tú diu «

11/5/17 SN cháu Mon

CẦM CU CHO THẰNG KHÁC ĐÁI


Tôi làm giám đốc một đơn vị kinh doanh thép bé như ngón tay ( chúng bạn bảo chứcc của mày bé như cái cu). 
Nghề Thép thì luôn làm bạn với mấy thằng xây dựng. Thằng kĩ sư XD làm giám đốc ở cái Công Ty XD thủ đô cũng gần nhà tôi. Hai thằng ngoài làm ăn còn là bạn uống bia. Một hôm nó bảo, sắp về hưu rồi bác về luôn chứ? Mình ừ về luôn. Nó bảo thế là phải. Mẹ kiếp! có khối thằng xin ở lại làm trợ lí cho giám đốc mới. Lại có thằng tiến sĩ phó giáo sư hẳn hoi cũng xin ở lại làm cố vấn chuyên môn. Ở cái đất nước này, chuyên môn cái mả mẹ gì, ở lại tổ vướng chân các bố. Bố mày có cái nhiệm kì bé như âm hộ mà cứ bu vào mà ám. Có mà ở lại cầm chim cho thằng giám đốc mới nó đái. 
Câu nói ấy cứ ám ảnh tôi mãi.

Tôi không biết cái anh đến tuổi nghỉ hưu vẫn ở lại cầm cu cho ai và cầm như thế nào nhưng tôi thì tôi đã cầm cu cho thằng khác đái rồi. Tôi vừa cầm chim nó, nó đái , tôi khóc và thằng được cầm chim để đái cũng khóc.
Chúng tôi là lính D 76 toàn sinh viên và công nhân kĩ thuật. ( nên nhớ ngày xưa làm công nhân đều phải học ở trường CNKT hoặc trung cấp ra mới được làm nhé). Gần đến ngày đi B có một lứa bổ sung xuống . Đó gồm các anh khóa trước “ đúp” khóa sau. Họ đúp lại do bị ốm , do đi phép lên trễ mà đơn vị đã đi vào nam rồi. đành đợi đi sau theo khóa sau. Lứa này có Nguyễn Vi Hợi sau này trở thành AHLLVT. Có một thằng tên Thiệu người Tam Nông xuống C tôi làm anh nuôi. Thằng này vui tính, đầu cua trông rất ngầu. Thực ra nó thật hiền. Nó quê làng Gia Dụ, cười hềnh hệch và rất thích đồng hương. Hồi ấy đói, nhiều lần nó gói cho tôi miếng cháy to và và ba miếng thịt vào lá chuối rồi chờ lúc nhá nhem gọi :
- Đồng hương ơi cầm lấy này. Nói rồi nó quay đi luôn
Trên Trường sơn, nó ì ạch đeo cả nồi soong đến thương. Cười hềnh hệch:
- Thế đéo nào đồng hương khỏe thế. Leo dốc lòi tĩ mà vẫn hát được. Rồi nó lại cười, cái môi loe ra rất chi là anh nuôi.
Chúng tôi về cùng tiểu đoàn 8 e64 F320. Hôm đánh Lệ Ngọc xong D8 để lại một bộ phận đánh giải tỏa còn thì rút về. Bộ phận giải tỏa gặp cả xe tăng từ Pờ Lay Cu theo đường 21 ra . Thiệu bị thương nát bàn tay và mảnh lựu đạn vào má. Ở Lệ Ngọc về, hôm sau tôi đi công tác sang tăng gia sư đoàn ở mạn đồn Me lấy lúa giống. Mấy thằng gặp bọn c25 khiêng thương binh đi ra D24 phía Đức Cơ. Nhìn màu võng dù khiêng thương tôi biết ngay là lính D76 vội hỏi :
- Thằng nào đấy?
. Hai thằng 25 vừa hạ cáng xuống đất vừa nói :
- Thằng Thiệu d8. 
- Ôi là mày Thiệu ơi. Mặt nó hup híp đen sám thuốc súng. ( ai từng đánh trận thì biết cái màu vết thương còn ám khói và thuốc súng). Một mắt nó híp tịt còn một mắt tí hí he hé. Nó nhận ra tôi. Nó bảo:
- Luân ơi mày kéo cu ra cho tao đái. 
Tay nó cuốn băng máu be bét quần áo nó cũng đầy máu khô cứng . Loay hoay mãi tôi cũng lôi được chim nó ra. Nó nằm nghiêng, cái võng nhàu nhĩ dưới đám lá khô và bụi đất. Bảo nó, cứ đái ra đất ra võng cũng được. Tôi cầm chim nó cho những dòng nước đái ri rỉ ra võng. Nước mắt nó chảy ra còn nhanh hơn nước đái. Tôi cũng thế, Hai đứa cùng khóc. 
Rồi hai thằng c25 khiêng nó đi. Nó chào, tao đi nhé…
Từ ấy nó không về đơn vị nữa. Nó đi ra phía sau rồi người ta đưa nó về Bắc.Tôi và bạn bè D76 lại theo hút chiến tranh đến ngày giải phóng. Nghe nói nó về làm ruộng với bàn tay phải còn 2 ngón và cái đầu nghiêng nghiêng một phía.
CHợt nhớ cái thằng Giám đốc Xây Dưng ở một Cty Thủ Đô nói 
- Cầm cu cho thằng khác nó đái. Không đề phòng nó còn vẩy vẩy vào mặt mình.
Tôi đây đã từng cầm cu cho thằng Thiệu Tam nông đái. Thằng Thiệu bạn tôi nó không vẩy vẩy, nó nhìn tôi trìu mến. Trìu mến đến nỗi hai thằng tôi cùng khóc trong một ngày bom pháo ở Tây Nguyên ngày xa xưa.

14/5/2017

Saturday, May 6, 2017

THÁNG NĂM

Tháng năm
( viết mà không sửa)

Tháng năm em đi đâu?
Hoa đỏ rưng rưng bờ Thạch hãn
Trường Sơn ngủ vùi quên lãng
Hoa nào cũng nhức nhối trắng xanh

Tháng năm lên màu tìm nhau
Rượu bia hân hoan bàn phím
Đồng đội nhìn nhau
Lên màu đỏ

Tháng năm em đi đâu
Áo váy mùi hương hai thế kỉ
Một mùa dung dị
Một mùa con cháu lãng quên

Em tìm anh ở cả nỗi niềm cơn mê lục địa
Hoa muống biển làm tình bờ cát
Tím chiều sang đêm
Tiếng bom rền nhưng nhức ngực non

Mùa nắng rách bươm nhật kí
Nụ hôn ở tít thinh không
Tháng năm hai mươi tuổi trời trong
Heo heo màu khăn tay có đôi chim lìa tổ

Tháng năm này tìm nhau tìm nhớ
cuối đường em cuối đường tóc bạc đỏ hoa
Bỗng bừng lên câu hát
Chất ngất Trường sơn từng qua

Sáng 5/5/2017 NTL

Wednesday, May 3, 2017

Ba mươi tháng tư về quê

Ba mươi tháng tư về quê
Ba mươi tháng tư này ta đi về quê
Đã qua sợ cá chết biển thưa người xuống tắm
đi về với đồi chè xanh thắm 
Với đồng đội tôi

Nghèo vẫn nghèo nhưng cười cứ tươi
Ôm đồng đội kể nhau nghe chuyện cũ
Chỉ thương những người vợ không còn trẻ
Bẽn lẽn sau liếp cửa nhìn chồng

Tuổi sáu mươi chúng nó kể như không
Mày tao với những chén yêu chén nhớ
nước mắt lăn với chén thương bạn cũ
Và nụ cười chén này để cho con

Đứa nằm xuống cửa ngõ Sài Gòn
Đứa tức tưởi chết trong rừng Thốt nốt
Ba mươi tháng tư căng ngang sợi bạc
Trên đầu nhau thương bốn phía những hương hồn.

Tháng tư phố tháng tư vui buồn
Nén nhang đất nước mình tỏa thơm bờ cõi
người của nước chết để dựng hồn sông núi
dựng thành hải phận phía biển Đông

Chạm vào đâu cũng lên máu cha ông
Chả thể lấy một ngày mà vin làm lịch sử
Lịch sử ở phía máu sương tổ tiên đã đổ
4 nghìn năm không hòa tộc bắc phương

Ba mươi tháng tư này tôi trở lại quê hương
Những người bạn tôi vẫn lam vẫn lũ
Chả ai nhắc đến thằng “Ngụy” nào cả
Chỉ nhắc đến kẻ thù ngoại bang

Bữa cơm quê con cháu liên hoan
Điềm tĩnh nói chuyện Trường Sa và Biên giới
Những đứa con sau ba mươi tháng tư rắn giỏi
Nghiến răng nhìn trời bắc mây đen


NHỚ TIỂU ĐỘI ngày 30/4




Giờ này tao nhớ quá
Tiến Minh Viên Thịnh ơi
Cái xe lam len lỏi 
Sắp tới Bẩy Hiền rồi

Khói mịt mù phía trước
Tiểu đoàn còn phía sau
Mấy thằng lính trinh sát
Chúng mình nhoi lên đầu

Pháo vẫn thì thùng nổ
Giót vào phía phi trường
Xe tăng mình thì cháy
Sư 10 đang khiêng thương

Chúng mình chen vượt lên
Rẽ ra Lăng Cha cả
Chỉ có đoạn ngắn thôi
Quân mình bị nhiều quá

Chen qua ba cái tăng
Cháy đùng đùng trên phố
Người lái chiếc xe lam
Mặt xanh như tàu lá

Đạn bắn từ đâu đến
Nghe toang toác trên đầu
Mình vẫn chen qua cầu
Hoa phượng sao đỏ thế

….Bây giờ chúng mày đâu
Tao tìm mà chả thấy
Thằng Minh thì ốm đau
Thằng Dũng về Cẩm phả …

Ai cũng có kỉ niệm
Về đời lính của mình
Chúng mình thì nhớ mãi
Cưỡi xe lam vào Dinh

Hà nội 6g30 30/4/2013