Monday, July 6, 2020

Hót cứt


Tôi không biết người ta qui định thời niên thiếu là tính từ lúc nào và đến bao nhiêu tuổi. Nếu tính đến ngày tôi bỏ khăn quàng đỏ năm 14 tuổi thì quá nửa thời niên thiếu của tôi là chăn trâu. Còn nếu tính từ 6 tuổi trở lên đến lúc vào đoàn TNLĐ thì cả đời niên thiếu tôi làm mục đồng. Tôi chăn trâu 8 năm trước khi bàn giao con trâu cho thằng em tôi lên 6 tuổi (mà sau này nó cũng làm đến Trưởng khoa ở một trường Đại học ở Thủ đô) .
Ngày ấy chế độ HTX NN toàn miền bắc phát triển vi vu lắm. Trẻ con như chúng tôi có việc trẻ con. Người trẻ có việc người trẻ, người già có việc người già. Tất cả phấn đấu cho sạch làng tốt ruộng cơm no áo ấm vì miền nam ruột thịt vì chủ nghĩa xã hội ….vân vân mây mây. Nhiều cái hay và vui tính lắm.
Tôi đi chăn trâu cả con. Nghĩa là con trâu đó nhà tôi nuôi tất không chung đụng với nhà khác. Trâu là tài sản của Hợp Tác Xã còn nhà mình thì chăn nó lấy công, lấy phân. Con trâu thì của sở hữu tập thể . Chỉ có cứt trâu thì của mình. còn thì tuốt tuột cái gì cũng của HTX hết . Công chăn trâu cộng với phân trâu bón ruộng gộp lại đủ nuôi một cá nhân. Chính vì thế mà chuyện thằng chăn trâu không thể xem thường. Chúng tôi hồi đó dù còn bé cũng đã tham gia chống Mỹ trực tiếp bởi chúng tôi làm ra vật chất giúp miền nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược chứ không như trẻ con ở phố chỉ chơi nhông không đâu. Bằng chứng là chúng tôi biết hót cứt trâu.

Ngày ấy người ta không có phân hóa học như bây giờ. Có nhẽ vì trình độ ngày ấy nó thế ( hơn nửa thế kỉ trước có kém hơn ) nên bón ruông hầu hết là phân hữu cơ. ( phân do người hay do súc vật ỉa ra) . Những cánh đồng lúa đại trà thì bón phân chuồng ( cứt trâu). Những ruộng mầu như Khoai, đỗ, rau thì bón phân bắc ( cứt người ) hay phân gà. Còn Phân Lợn chuyện bón cho khoai sọ. HE he . Hết ý.
Có một phong trào mà ngày nay không làm nổi như ngày xưa . Đó là phong trào SACH LÀNG TỐT RUỘNG. Bất kì người dân nào thấy đống phân động vật trên đường cũng đều hót về đổ vào chuồng phân trâu nhà mình để thêm trọng lượng cho đống phân. Hơn nữa đường làng nhờ thế là sạch sẽ phong quang.
Đám chăn trâu của tôi có đến 8 con trâu. Chúng tôi đi thành đoàn. Và tất nhiên lúc về trâu ăn no rất hay ỉa ngang đường. Thử tính làng tôi có tới hai trăm con trâu . Mỗi ngày 200 đống cứt to như cái mũ xe máy HON ĐA kín hàm bây giờ thì một ngày có tới hai tấn cứt trâu trên đường làng. Ở làng có những cụ già chỉ đi hót cứt trâu rồi gánh về nhà, mà cuối vụ cụ thu hoạch hơn một lao động loại khỏe.
HỒi ấy Bố mẹ tôi sắm cho con một bộ đồ hót cứt. Gồm đôi giành lót lá, hai cái thanh tre bèn bẹt to như bàn tay để làm thanh gắp cứt . Những ngày nghỉ học. Tôi gánh đôi quang giành hót cứt chuyên dùng đi khắp xóm để hót cứt trâu. Có hôm chỉ hai ba đống cứt là gánh bễ bãi mới về đến nhà. Có hôm chúng nó hót hết cả đành đi về không. Bực lắm. Ngày ấy mấy thằng hót cứt hay tụ tập gặp nhau ở giữa làng. Tất cả bỏ mấy gánh cứt sang ven đường rồi đánh đáo đến trưa. Có hôm thằng Vân chưa hót được đống nào vay của tôi một giành cứt hẹn hôm khác trả. Nó bảo tao xí được mấy đống rồi mày yên tâm.
Ngày ấy có cái que cắm vào đống cứt là người khác không dám hót nữa vì biết đã có người XÍ rồi. Ôi một thời con người không lấy của nhau đến một đống cứt. Thời xã hội tốt tươi đến thế.
Một lần tôi nghe nhà bên cách nhà tôi vài chục mét, bà Quì đang mắng con Thành. Mày không chịu học thì nay mai chỉ có đi hót cứt con ạ. Con Thành chạy ra gốc cọ vẫy vẫy tôi, ra hiệu nghe bà già chửi kia kìa.
Hôm sau trên đường đến lớp. Con Thành bảo lúc bà già chửi tao. Tao nhớ đến mày với thằng Vân thằng Lợi quá . Tao lại nhớ cái hôm mày cho thằng Vân vay cứt.

Hơn nửa thế kỉ đã qua. Tôi và con Thành 70 tuổi đầu bạc trắng, thằng Vân thành người thiên cổ. Còn thằng Lợi thì làm kĩ sư ở tận nhà máy giấy Bãi Bằng. Đất nước thì tiến lên nhưng chả phải tiến lên tất cả. Có những thứ nó đứng lại và đi xuống thậm tệ. Chỉ nguyên chuyện cứt thôi mà thấy đã kém đứt ngày xưa rồi. Tôi và bạn tôi Tiến Lợi ở Bãi Bằng và cái Thành Quì nhìn nhau mà chỉ mong giá mình lại được như ngày xưa. Cái khoảng đời hót cứt mà đẹp thế.
Hà nội
5/9/2019 

Tháng mưa

" Mưa tháng 7 gãy cành trám
Nắng tháng tám rám trái bưởi"

Tháng tám âm lịch nắng rõ là vàng. Vàng lắm. Tôi cứ nghĩ cái màu vàng nắng tháng tám ngày xưa nó nhuộm được lên làng quê và cả con người nữa. Một loại thuốc nhuộm không phai, chứ không như bây giờ, nắng chỉ tổ làm bốc mùi men và ảo giác, nắng nấp đằng sau những tính toan của kẻ có tiền quyền. Ngày nay nắng chả có chút tình gì. Tội nghiệp nỗi nhớ mùa nắng ngày xưa.
Nhà tôi có 3 cây bưởi. Một cây nấp cạnh một cây ổi và khuất tây một cây nhãn. Cây bưởi này phía tây quả bé như củ xu hào ăn he cả lưỡi. Về phía đông quả nó to gấp đôi mà ăn nửa chua nửa ngọt. Các bà quê tôi gọi là ăn rôn rốt chua. Ai cũng thích.
Nhưng có hai cây bưởi mép vườn gần bờ lúa. Hai cây gần nhau và chả vướng khuất gì hết. Nó mọc chòi lòi lên giữa một vườn dong giềng. Quả nào cũng như quả nào đều tăm tắp. Chỉ tội nó là bưởi chua. Tôi nhớ cứ dịp mùng 2 tháng chín là cả vệt cành phía tây quả bưởi nào cũng nâu một phía. Phía ấy là phía nắng tây. Bố bảo, đúng là nắng tháng tám rám trái bưởi. Mẹ thì tiếc. Mỗi lần chòi bưởi đi chợ bán là chừa những quả rám má lại cho các con ăn. Mùa thu cứ ươm vào trong tôi cái mùi bãi rau muống từ ruộng 5 % có những quả nhãn rụng xuống ngòn ngọt và mùi ổi mùi bưởi từ vườn xưa dưới hăng hăng mùi nắng.

Chỉ mới trước đó một tháng thôi quê tôi mưa thì thụt. Mưa đến nỗi nhà nông mà ngồi trong nhà lo hai bữa ăn mà thở dài. Mẹ giở đống quần áo tã tượi của các con ra ngồi vá. Thi thoảng nhìn ra ngoài hiên. Mưa rầm rĩ, có lúc sủi cả bong bóng. Trống hộ đê tung tung. Mẹ chọc kim vào ngón tay, đưa tay lên miệng mút chùn chụt đau đớn. Chúng tôi quẩn quanh với vài quyển truyện Kim đồng nát tươm và nồi hạt mít luộc lẫn khoai sọ chòng nhau chí chóe.
Mẹ bảo, mưa tháng bảy gãy cành trám đấy con ạ.
Bỗng thằng em reo lên.
Đúng rồi con thấy tiếng ầm ầm răng rắc trên cây trám nương cọ nhà ông Khóa Mạn. Anh em tôi đồng thanh, đi nhặt trám thôi. Thế là cởi trần hết, đứa lớn đứa bé mang rổ lên nương cọ có cây trám cổ thụ. Trong mưa, những chổ nước chảy từ trên gò xuống, trám sun lại cả đống dưới chân đồi. Cây trám có những cành gẫy là những cành sai chĩu chịt. gỗ trám ròn lắm, những cành sai chĩu quả gặp thêm mưa, gẫy là phải.

Có những buổi chăn trâu rủ cả bạn gái đi nhặt trám. Cởi áo ra gói trám mang về. Quần đùi trễ rốn cưỡi lưng trâu vẻ hiên ngang mãn nguyện. Hơn nửa thế kỉ biền biệt, những cơn mưa mang đi cả một trời thương mến.
Vài chục năm rồi, quê tôi không còn cảnh nhà nào cũng có cây trám trong nương cọ nương chè nhà mình nữa. Mọi thứ vào HTX và thành điền thổ quốc gia. Trám đen, trám trắng, trám chim giờ ra chợ mua cũng có. Nhưng tôi thèm cái mùi trám mưa tháng 7 khiến nó rụng xuống rồi dòng nước đưa nó xuống chân đồi. Trám quê tôi ngày xưa có mùi nắng mùi mưa mùi cỏ dại. Dù trong mưa nó vẫn thơm mùi nhựa. Nhựa trám hệt như mùi ông sao trong tiết trung thu của một vùng quê nghèo thuần Việt đã xa lăng lắc.
Hà nội một ngày mưa 10/9/2019

Trăng Trung thu


Lại sắp đến Rằm Trung thu. Ngày xưa nhà tôi ỏ giữa làng, nơi có con đường quan trèo qua đường tàu hỏa Hà nội Lao Kay. Ở chỗ ấy có hàng quán và một cái điếm canh. Nhà tôi nhà thằng Vân thằng Khoa thằng Thành thằng Cư và cái Thành Quì …gần nhau. Năm 1963 xã xây một cái sân kho HTX và cái nhà “Hội Trường Nhân Dân Xã “ to tướng. Chỗ ấy là trung tâm Văn Hóa làng tôi. Họ diễn kịch cải lương hay chiếu phim lưu động cũng ở đấy. Những đêm trăng lũ trẻ con có đến vài chục đứa như tôi nô đùa. Thời ấy chúng tôi sinh hoạt đội THIẾU NIÊN TP oách lắm. Mỗi tuần đều có báo công, diệt được bao nhiêu con ruồi con muỗi, con chuột. Đi chăn trâu có kì cọ trâu sạch sẽ không? Điểm học ở lớp có điểm mấy? có cãi lại bố mẹ lần nào không? Cứ thế mà tự giác khai với chị phụ trách. Cấm có đứa nào dám khai man.
Trăng lên. Chơi trận giả. Chơi trốn đi tìm, chơi u u. Chán rồi thì ra bờ tường trình đất thấp ở sân kho ngồi hát. Hát í ới những bài đâu đâu rồi ngửa mặt nhin trăng bơi như sương mù. Đã hơn nửa thế kỉ mà đồng dao ngày xưa tôi vẫn nhớ. Hát thế này :

Ông Giẳng ông giăng
Xuống chơi ông Chánh
,
Ông Chánh cho mõ,
Xuống chơi nồi chõ,
Nồi chõ cho vung,
Xuống chơi cây sung,
Cây sung cho nhựa,
Xuống chơi con ngựa,
Con ngựa cho loan,
Xuống chơi bà quan,
Bà quan cho bạc,
Xuống chơi thợ Giác,
Thợ giác cho bầu,
Xuống chơi cần câu,
Cần câu cho lưỡi,
Xuống chơi cây bưởi,
Cây bưởi cho hoa,
Xuống chơi vườn cà,
Vườn cà cho trái,
Xuống chơi con gái,
Con gái cho chồng,
Xuống chơi đàn ông,
Đàn ông cho vợ,
Xuống chơi với chợ,
Kẻ chợ cho vôi,
Xuống chơi cây sòi,
Cây sòi cho lá,
Xuống chơi con cá,
Con cá cho vây,
Xuống chơi ông thầy,
Ông thầy cho sách,
Xuống chơi thợ ngạch,
Thợ ngạch cho dao,
Xuống chơi thợ rào,
Thợ rào cho búa,

Trả búa thợ rào,
Trả dao thợ ngạch,
Trả sách ông thầy,
Trả vây con cá,
Trả lá cây sòi,
Trả vôi kẻ chợ,
Trả vợ đàn ông,
Trả chồng cô gái,
Trả trái cây cà,
Trả hoa cây bưởi,
Trả lưỡi cần câu,
Trả bầu chợ giác,
Trả bạc bà quan,
Trả loan con ngựa,
Trả nhựa cây sung,
Trả vung nồi chõ,
Trả mõ ông Chánh.
Ba hồi chín cốc
Mà bay lên giời

Chúng tôi chơi vui trong cảnh quê thanh bình đến hè năm 1965 thì chấm dứt. Chiến tranh lan đến cả vùng quê khốn khó của tôi. Tuổi thơ tôi và những đứa bạn tuổi thìn , tỵ , ngọ không trọn vẹn. Chúng tôi làm người sớm ngay khi chúng tôi 13 , 14 tuổi.. Đến bây giờ trăng trung thu của chúng tôi thật trong thật đẹp và thơm mùi trái cây vườn nhà. Những đứa trẻ đồng dao cùng tôi ngày ấy có đứa đã về với tiên tổ có đứa tha phương. Còn tôi thì lẫn cẫn nhớ lâu nhớ mới cái ngày xưa heo hút.
MỘt lần. ( khi bố tôi còn sống, tôi đã là Kĩ sư rồi) . Bố tôi bảo, ngày xưa con hay hát ở ngoài sân kho cái bài ông Giăng xuống chơi ấy. Bài ấy đã có một bài hát của ông Phạm Duy hay lắm nhưng bố không dám dậy con hát. Vì ngày đó họ cấm . Hát bài của Ông Phạm Duy thích lắm nhưng sợ vi phạm, sợ hữu khuynh nên bố không kể với con.
Cũng như tôi bây giờ chả ai hát lại bài hát ấy cho con cháu nghe. Chả phải vì bị cấm hát bài của ông Phạm Duy mà là con cái bây giờ nó không thích loại nhạc xa xưa ấy nữa. Già rồi ngửa cổ nhìn trăng gầy heo hắt ngang qua chung cư Hà Nội mà thương.

Bạn của tôi, những ai tuổi như tôi hãy nghe lại baì hát này nhé:

11/9/2019 NTL

THU

Thu
Có một mùa thu tôi đi cùng bạn mình về chiến trường K. Tôi không am hiểu K lắm chỉ thấy nắng và khô rồi chợt oi nồng là mưa.
Chiều tối vượt qua biên giới về Việt Nam là thấy thu. Trên đường từ Lộc Ninh về thành phố gió se se mơn man. Bạn tôi hạ cửa kính để hít khí trời quê nhà khi xe chạy qua vun vút những rừng cà phê cao su. Phía thành phố Sài Gòn ưng ửng hồng. Mùa thu mới chỉ mơ hồ nôn nao miền đất nhiều nắng. Nhưng tôi thấy mùa thu vì đó là nước mình,
Mười giờ đêm về tới thành phố. Mát. Trời vẫn có ngàn vạn ngôi sao li ti mà vẫn mưa. Tôi chắc chỉ Sài gòn mới thế. Tôi đã từng ở Sài gòn từ tháng 5 đến tận tháng 11 mới về miền Bắc. Ngày ấy Sài Gòn Gia Định vẫn còn trong lành lắm. Mưa chập chiều và bao giờ về đêm cũng xanh veo veo. Bây giờ đêm cũng xanh nhưng đã pha màu mực. Hương vẫn thơm nhưng đã nhiều mùi ẩm thực pha trộn khiến cứ thấy mình ngan ngán như đã ăn no. Đêm khuya có những chuyến bay vút qua sông Sài gòn rồi đi đâu mất hút trong gió và ánh sao in vào môi má người ngửa mặt trên tầng thượng cao ốc dõi tìm người đi. Thu ỏ Sài gòn phải về đêm thật khuya mới thấy. Mơn man mơn man chút hương nội đồng từ phía cảng Cát - Lái đưa về. Từ trên cao không thấy Sài Gòn quần quật nữa , nó thở rất dài lịm vào đêm.
Hôm sau tôi về Hà nội. Chiều sắp tắt nắng tôi xuống tàu bay. Con đường về thành phố dăng dăng màu vàng rơm. Mùi của cỏ của lúa sắp chín của ngô khoai ươm ươm vào nón lá những thôn nữ ngoại ô Hà nội trên đồng. Nhìn cánh đồng để tự thấy mùi thu trên mắt trên tóc mình.
Có chuyến bay vượt qua đầu cánh máy bay ong óng màu cuối chiều. Tôi nghĩ cánh bay mang thu vào trong ấy.

20/9/2019 

thu vắng


Thu ở phía mẹ cha nằm đồng vắng
Tiếng vạc tiếng cò chiều sẩm lẻ loi
Thu ở phía chân trời nhiều gió bấc
Em đi xa thu biếng gọi ơi ời

Màu của gió khiến thu như còn trẻ
Mơn man mình mơn man nắng sang sông
Mắt chim ngói trong veo không vạt khói
Thế mà thu giăng mãi ở cánh đồng

Có mùi đất quê mùa giăng bẫy
Nắng cây rơm vun thơm ngõ nhà mình
Má em rám màu như là của phấn
quê cứ nghèo màu thu cứ rung rinh.

23/9/2019

THƠ THẨN


Chạy trốn ta vì ta đã mệt rồi
Dâu bể vẫn cứ màu vần vũ
Nghe gió thoảng hỉ nộ ái ố
Em cũng buông trăng khuyết xuống lưng còng

Chạy trốn làm sao cơm áo gạo tiền
Những hạnh phúc ở bên ngoài cổng chợ
Những cao đạo không bao giờ vào đến cửa
Những vần thơ khoác áo tu hành.

Rồi trở về nơi vứt bỏ hư danh
Hít thở mùi rạ rơm thân như ngọn cỏ
Thiên thần là ta thời trẻ nhỏ
Chơi ô quan đầu ngõ với bạn bè

Trái đất này như quả bưởi quả lê
Sâu đục chỗ này ong châm chỗ nọ
Chả có vùng đất nào thiêng liêng bằng quê mẹ
Chạy trốn làm sao khỏi mồ mả mẹ cha mình

sáng mùa thu HN .

25/9/2019 

50 NĂM VỀ VỚI NHAU (1)

50 NĂM VỀ VỚI NHAU.
( viết vì mong đến ngày về trường cũ kỉ niệm 50 năm ra trường)
Rồi có một ngày về đứng cổng trường xưa
Ta thành ông già xa lạ
Hàng cây cổ thụ khi ra trường chưa hề có
Lá rơi hờ hững sáng thu
Thầy cô ta cũng đi tự bao giờ
Bạn ta nữa cũng thành ông bà già lẫm chẫm
Giá có một lần về Thanh Hùng Văn Tiến
Nhất định chúng mình sẽ nắm tay nhau
Ta sẽ rủ nhau về dốc " Sồi Gai"
Tìm lấy một bông lau trắng
Ước gì về bên bờ suối
Ngày xưa mắng đắng mọc ven đường
Ngày xưa tiễn bạn lên đường
Năm ấy Mậu Thân cả chiến trường hậu phương súng nổ
Bạn gái cởi khăn quàng đỏ
Làm đoàn viên thanh niên
Chúng tôi yêu trường yêu lớp yêu quê hương
Nguyện học giỏi lấy điểm 5 làm dũng sĩ
Lứa chúng tôi làm người lớn
Khi tuổi đời mới mười bốn mười lăm
Chúng tôi là lao động chính trên những cánh đồng
Đất nước tôi một thời như thế
Có những phương trình tôi nhớ
Đến tận bây giờ
Bài kiểm tra dở chừng chạy ra hầm trú ẩn
Lứa chúng tôi chưa biết yêu đã biết chặt tre chặt nứa
Làm nhà làm lớp học dưới đạn bom
bạn tôi má lúm đồng tiền
Mồ hôi ươm mấy chục năm vẫn nhớ
Con suối ven rừng bóng em qua đó
Rửa chân soi tóc đầu đông
Kẻng vào lớp rồi bâng khuâng
Hẹn nhau trưa về đi nhặt trám.
Ta trở về tìm những lá thư cánh bướm
Má môi thèn thẹn trao nhau
Những mảnh giấy vo viên làm ấm cả ngăn bàn
Ngoài kia súng phòng không bắn tàu bay Mĩ
Vừa tròn nửa thế kỉ
Bạn và tôi nhăn nhúm má hồng
Ngày gặp nhau không chia bên nam bên nữ
Chúng mình ngồi xích lại nhau
Rưng rưng tóc sương trên đầu
Bao vất vả nhớ nhung dồn lại
Nắm tay nhau ấm mãi
Tiếng thầy cô bên rừng nứa rừng vầu .
Năm mươi năm về với nhau
Tiền bạc công danh không có chỗ
Trong lớp mình ta gọi xửa xưa ơi
Ta lại đi tìm chỗ ta ngồi
Thầy giáo xếp cho mình từ 50 năm kí ức
Chỗ của mình là học trò cấp 3A thuở trước.
Là con của mẹ cha
với bạn bè thân thuộc
Thầy cô lên lớp
Tiếng vọng về từ nửa thế kỉ xa xăm
Bát cơm độn khoai sắn thơm
Bài học lớn lên trong rừng trong bom trong đạn
Mắt sáng cười môi cười má
Ta gọi cấp 3A Thị Xã
Một thời Yên Bái
Chúng ta yêu.
50 năm về với nhau
Tiệc gặp mặt trên bến đò Âu Lâu rạo rực
Hoàng hôn sông Hồng yêu thế
Cái thời chúng ta qua đò tóc xanh
Mang mùi thơm rừng quế rừng vầu về xuôi vào trường đại học
Con sông dào dạt đợi chờ
Bạn tôi về đã từ mấy ngày qua
Nắng thu vàng những cột cây số xếp thành hàng dọc.
Xếp tên cột cây số làm nên thành phố.
Yên Bái của ta ơi
Thương nhau thì nhớ
Nhớ nhau thì yêu
Yêu lấy ngày xưa chúng mình bên nhau
Yêu lấy rung rinh đầu bạc
2.10.2019

Ngày ấy xa rồi,


Thật ra ngày ấy mà tôi kể trong chuyện này mới cách đây 50 năm thôi. Ấy là những năm 60 của thế kỉ trước. Lúc ấy thằng Đế quốc Mỹ mang tàu bay đến ném bom vào miền Bắc nước mình. Thằng Mỹ cứ nhè đường xá cầu cống mà táng bom xuống. Có nhiều đận nó quăng cả vào trường học vào bệnh viện. Đểu hơn nữa là nó thả bom vào những chỗ đê hiểm yếu khiến đê vỡ mà dân ta chết lụt. Những năm ấy doc đường tàu quê tôi cứ cách độ vài trăm mét là có một chỗ xếp chồng kiểu chuồng lợn những phiến gỗ tà vẹt đỏ au và cả những bó thanh ray cỡ đôi chục thanh ở ngay ven đường. Họ làm thế để đề phòng máy bay đánh hỏng đường tàu thì có ngay vật liệu mà thay vào.
Những đêm trăng, lũ trẻ chúng tôi tụ tập ngồi trên đống tà vẹt thơm mùi gỗ đợi những chuyến tàu khách chạy qua để chỉ chỏ và reo hò. Chúng tôi nhìn những đoàn tàu qua làng thèm thuồng, mơ một ngày nào đó đi xa. Vài tháng sau có những người công nhân xách những thùng hắc ín đen xì đến, họ vơ cỏ và cành cây khô đốt lửa đun cái thùng ấy rồi lấy chổi chít quét lên những thân tà vẹt. Những chỗ ngồi tụm năm tụm bẩy của chúng tôi bỗng chốc thành cái bẫy chuồn chuồn. Những phiến gỗ nghiến, gỗ lim qúi hóa khoác một lớp nhựa đường đen kỉn. Quê tôi vùng rừng. Người quê tôi sành về gỗ lắm. Ai cũng biết những chồng tà vẹt kia là gỗ quí vậy mà suốt 7, 8 năm chiến tranh dọc đường tàu hỏa qua làng không hề mất một thanh tà vẹt.
Có một chuyện tôi nhớ đến giờ. Vaò năm 1967 tàu hơi nước thiếu than nên phải đốt kèm củi gộc. Nhìn trên đầu máy thấy xếp củi như chuồng củi tết làng tôi. Một hôm tàu dừng lại cổng nhà anh Định ụt. Anh Định ụt nhà nghèo và lại ngọng líu lô. Hai tài xế tàu hỏa nhảy xuống ì ạch khuân phiến gỗ lên tàu làm củi . Họ thích loại củi này vì có dầu hắc ín nên dễ cháy. than lại đượm , nhiệt lượng lại cao. Anh “Định ụt” lao ra ngăn lại. Anh nói : “ Pá hoại , ông ược pá loại. “ ( phá hoại, không được phá hoai) và kiên quyết giữ những phiến gỗ tà vẹt lại. Nhà anh Định nghèo lắm. Anh Mồ côi cha mẹ lại nuôi các em ăn học tử tế. Anh đi đơm đo hàng đêm bán lươn bán cá nuôi thằng Hưởng bạn tôi học hết cấp 3. Năm 1970 nó đi học công an rồi về Việt trì làm trưởng đến phường.
Ngày ấy xa rồi. Những người nông dân quê tôi như anh Định ụt đến giờ vẫn nghèo. Mỗi lần về quê nhìn người làng thấy thương bao nhiêu thì kính trọng bấy nhiêu. Chả biết các bạn thế nào chứ cạn nghĩ như tôi, bây giờ tôi thấy nông dân chân lấm tay bùn họ thánh thiện hơn cán bộ đảng viên nhiều lắm. Cái ngày cán bộ đảng viên đi trước gương mẫu với nhân dân xa rồi. Xa lắm rồi.
3/10/2019 

Chân đất

Mò mẫm trong những đêm mất ngủ
Ta bỗng về ngày quê vỡ đê
Mặt mẹ cha bạc nước
Bưởi trôi bập bênh mảng vầu.

Cập kênh chân quần trên đường không dép
Năm ngón xòe như lá sắn
Ngày biết nhìn trộm nhau
Áo phin để dành mặc ra thị xã
Thị xã dọc theo cột cây số.
Cây số nào cũng có bạn tôi.

Từ nhà ra phố.
Chúng tôi đi bằng chân đất
Đi đến tận bây giờ.
5/10/2019 

Bạn học cấp 3A Yên Bái


Vân chết vào một buổi chiều đi làm phu hồ về. Những năm đói kém đến mê muội cuả làng quê bước vào kì đôỉ mới. Thế mà bữa cơm hôm ấy toàn những là của rừng của quê mà cũng toàn những thứ ngon đặc sản bây giờ. Cũng chả phải đi mua đi xin gì mà là vợ nó kiếm lấy ở đồng làng. Cá trê kho quả dọc với tương, nộm hoa chuối với vừng, bát canh chuối nấu cá quả. Mớ rau sống tập tàng những là rau má rau tía tô búp đinh lăng mùi tàu và cả mấy cọng non của búp đu đủ trắng ngơn ngớn. Thế mà nó chết lúc khề khà chén rượu và đang nói chuyện đi học trên đường tàu hỏa ngày xưa. Bữa ăn cuối cùng hôm ấy, Vân ngồi kể chuyện với vợ và đứa con út đang còn đi học cấp 3. Nó kể ngày ấy nó đi với thằng Luân trên đường tàu và có hôm đi sớm quá rẽ xuống bãi sông Hồng nhổ hai cây bắp cải xiên vào đầu cái cây nứa vác lủng lẳng đến nhà trọ. Anh chị chủ nhà trọ hỏi sao mà cây bắp cải có cả rễ thế kia ? Nó bảo vặt cả rễ cho tươi ăn dần đến cuối tuần. Thế là cả tuần ấy cây băp cải cứ để nguyên gốc rễ chỉ bóc dần bẹ rau mà luộc. Nó cười hớ hớ . Bỗng dung nó ngã ngửa ra sàn nhà. Nó đi mà chén rượu vẫn cầm tay.
Cũng chả hiểu sao mà phải hai tuần sau người ta mới nhắn về cho thằng Luân là thằng Vân chết. Rồi lúc thằng Luân về, bà mẹ thằng Vân còng lưng ngồi gù cửa bếp khóc váng lên. Ối cháu ơi mày về mày thắp cho nó nén nhang. Nó còn mấy đứa con chưa yên bề. Bá thì già quá rồi… cũng đi theo nó thôi. Ối con ơi lá vàng còn ở trên cây , lá xanh rụng xuống trời ơi là trời. Hôm ấy thằng Luân ngồi mãi ở bếp với mẹ thằng Vân. Lúc nó ra về có con tàu trên Lao Cai về rít còi ở quãng đường cong cổng nhà nó nghe như từ mấy chục năm trước . Tiếng còi tàu nghèn nghẹn.
Ngày ấy nhà hai đứa chỉ cách nhau có một tràn ruộng dé. Nhà thằng Vân 5 anh em thì nhà thằng Luân cũng 5 anh em. Nhà Vân chỉ cách đường tàu hỏa chừng 15 mét. Còn nhà thằng Luân cách 100 mét. Tối tối chúng nó có cái thú rủ nhau ra đường tàu ngồi ỉa. Hai thằng ngồi đối diện trên đường ray thò đít ra bên ngoài vừa mát đít vừa nhìn mặt nhau nói chuyện đến là vui. Có đận tàu huyet còi từ xa hai đứa ôn quần chạy rẽ mỗi thằng một phía. Thằng Vân cái gì cũng giỏi hơn thẳng thằng Luân trừ mỗi học là kém hơn. Cây nhãn cổ thụ nhà thằng Luân chỉ Vân là trèo lên đến ngọn. Thằng Luân ngồi cành dưới ngửa cổ xin thằng Vân thả cho vài chùm. Năm ấy vào quáng tháng 8 năm 1966 cả xóm đi sơ tan triệt để vì máy bay Mỹ hay ném bom đường tàu hỏa. Hai thằng mò về vườn ăn nhãn. Đang trên cây bẻ nhãn thì máy bay tới . Bom nổ oành oành phía ga tàu. Thằng Luân kêu lên . Vân ôi xuống thôi bom oánh chết bây giờ. Có tiếng thằng Vân la lên. Ong bò vẽ mày ôi. Rồi nó hét nó kêu trong tiếng máy bay phản lực xoe xóe. Thằng Luân ngửa cổ lên nhìn Vẫn vùng vẫy rồi nó rơi xuống. Luân nhắm mắt lại rồi mở mắt ra thấy thằng Vân ôm được cành dưới ngay cạnh mình. Ong bay vù vù trên cao mà không xà xuống thấp. Hai thằng xuống khỏi cây nhãn chạy vào vườn ngắt qủa chanh sát vào vết ong đốt của Vân. Chiều tối hôm ấy mẹ thằng Vân sang nói chuyện với mẹ thằng Luân là hai đứa nó đi bắt cua trưa nắng về nên thằng Vân bị cảm rên hừ hừ.
Bố thằng Vân cũng đi dân công Điện Biên Phủ như bố thằng Luân nhưng có mấy đoạn dây dù mang về còn bố thằng Luân thì không có. Thằng Vân được thừa hưởng một đọan làm dải rút. Cái rải rút quần bằng dù mới oai làm sao. Nó thò lò một đoạn chừng 1 gang tay mà hấp dẫn lũ con trai lạ lùng. Ngày ấy dây rút lũ trẻ ở quê toàn bằng bẹ chuối. Thắt quần lá tọa. Họa hoằn mới có đứa có quần đùi dây rút tử tế. Cho đến những năm 1960 mua được mét chun quần màu trắng trắng là hết mẹ nó nửa gánh sắn. Thằng Vân cho thằng Luân mượn cái dải rút để diện cho oai. Đến chiều 30 tết thằng Vân đến cổng réo đòi rải rút. Thằng Luân cởi quần trả dải rút mà ức lắm. Hôm sau sáng mồng 1 thằng Vân đã réo ngoài cổng rủ đi đánh đáo. Thằng Luân chạy ra , tao éo đi. Thằng Vân cởi dải rút đưa cho thằng Luân. Thế là hai đứa lại vui vẻ đi chơi suốt mấy ngày tết. Cho đến chiều mồng 3 cả hai đứa chợt nhớ ra là đi thả trâu. Hai đứa cưỡi trâu ra tràn ruộng một vụ gốc rạ đang trổ những mầm lúa xanh rì. Con Dòng nhà Luân và con Cái nhà thằng Vân soắn vào nhau nó ngưỉ nó hít đít nhau còn hai đứa lại lên đường cái ngồi đánh đáo.
Thằng Vân bảo với thằng Luân. Con Cái nhà tao nó yêu con Dòng nhà mày . Sao lại biết? thằng Luân hỏi lại. Thằng Vân nheo mắt. Mày không thấy no ngửi đít nhau à? Thế là nó phải lòng nhau đấy. Mày không nghe người lớn họ nói à? Phải lòng nhau là thích ngửi mùi của nhau mày hiểu chưa? Thằng Luân cười, kinh bỏ mẹ. Thế mà rồi chả ai nói mà cả xóm ai cũng biết là hai con Cái con Dòng này nó thích nhau.
Thằng Vân hơn thằng Luân một tuổi. Nó khỏe hơn và cũng trượng phu hơn. He he đấy là thằng Vân bảo thế. Cả lũ đi học cùng nhau đều xem chung mấy bộ kiếm hiệp của nhà thằng Luân. Thằng Vân thích nhất lão tướng Hồ Hán Thăng. Nó còn so sánh Hồ Hán Thăng trong LONG HÌNH QUÁI KHACH với lão tướng Hoàng Trung ở Tam Quốc. Đi làm cỏ lúa HTX những năm sáu mươi hai đứa thay nhau kể chuyện kiếm hiệp trên đồng. Đến nỗi có hôm ông đội phó phải đồng ý cho hai đứa chúng nó thêm nửa công để chúng nó kể nốt trận Xích BIch khi kẻng hết giờ làm đồng đã vang lên từ trong xóm.

Lên cấp ba chúng nó đi học cùng nhiều bạn nữa. Thằng Vân cười tít mắt nói sơi sơi lúc cuối tuần về. Nó bảo cách 200 mét trên dọc đường đê là tao có một buồng chuối. Thì ra đầu tuần đi lên trường nó chặt chuối dấu trong bui ven đường, Cuối tuần về cứ lôi ra mà kiếm buồng chín mà ăn. Hồi lớp chin đi đào măng thằng Luân cứ đi sau nó mà nhặt măng tai xanh còn thằng Vân thì chỉ lấy măng tai đỏ. Cứ đi đào măng là rồng rắn lũ con gái đi theo sau thằng Vân. Lúc ấy thằng Vân thật là hấp dẫn đứa nào cũng thấy Vân như một anh hùng.
Giữa hồi Mậu Thân đỏ lửa bè bạn khối thằng nghỉ học đi bộ đội. Thằng Vân ít nói hẳn. Một hôm nó bảo với thằng Luân, tao tính xin đi bô đội mày ạ. Thằng Luân thì bảo cứ để thi tốt nghiệp xong xem sao. Thằng Luân đi đại học rồi thì thằng Vân đi bộ đội. Hai năm sau thằng LUân cũng lại nhập ngũ tình cờ cái tiểu đoàn sinh viên của thằng Luân có Hà Ngọc Vân là trung sĩ y tá tiểu đoàn. Thế là chúng nó lại lên đường đi chiến trường cùng nhau.
Có một đêm trên Trường sơn thằng Vân xuống đại đội thằng Luân nằm kể chuyện làng.
Chuyện của thằng Vân :
Này tao hỏi thật mày nhé, mày đã yêu con nào chưa? Tao thì chỉ thích thôi chứ chưa dám yêu con nào. Nhưng mày có công nhận là hồi tao với mày ở nhà đi thả trâu thấy trâu nó yêu nhau không? Ừ thì nó là con vật , nhưng tao cứ nghĩ mình liệu có yêu được bằng con trâu nó yêu nhau không? Nó thủy chung quá mày ạ. Tao nghe nói trước lúc bọn mình lên đường là con Dòng nhà mày với con Cái nhà tao cũng sắp lên thớt rồi. Buồn không thể chịu nổi. Họ cứ bảo là kiếp luân hồi. Luân hồi đéo gì mà buồn thế .
Thằng Luân gạt đi. Thôi đéo nói chuyện ấy nữa . Mình đang đi vào chỗ chết mà chuyện toàn vớ vẩn. Hai thằng nó bâng khuâng nhớ về cái làng Đan Hà nghèo trong vắt trong veo của chúng nó.

Thế rồi trời thương. Hai thằng nó đều về quê sau chiến tranh. Thằng Luân đi học đại học còn Vân thì về làm kiểm Lâm ở huyện. Cái thằng rứt khoát không thèm ăn chặn gỗ lạt của người dân nghèo rồi thì bất đồng quan điểm mươi mười lăm năm bỏ về nhà cho thoáng cái đầu cho khỏi nhìn thấy những thằng nhân danh người của đảng mà bòn mót miếng ăn của dân nghèo. Thằng Vân về làm ruộng và làm đủ mọi việc ở quê. Bạn bè ở xa về. Nó mừng lắm nó gọi đó là những ngày tươi đẹp. Một lần thằng Luân đưa con về làng. Tối ấy nó mang một túi ổi cho thằng bé lên ba nhà Luân. Nó bảo, ngày xưa bác và bố cháu lê la khắp mọi cây ổi ở vườn nhà cháu đến nỗi bây giờ vẫn nằm mơ thấy ổi nhãn nhà bố Luân cháu đấy cháu ạ.
Hôm ấy hai người bạn ra sau nhà. Ở đấy ông bố của thằng Luân có giữ lại bộ sừng con Dòng.
Chuyện hai con trâu nhà thằng Vân và Luân lại được kể lại.
….. Sau ngày con Dòng nhà Luân bị giết thịt, con Cái nhà thằng Vân đi qua nơi người ta phanh bụng con Dòng. Ở đấy còn sót lại những tàu lá cọ đầy phân và máu con Dòng. Nó ngửi nó hít, nó òng õng nước mắt. Hít mãi cái đống phân con Dòng nó ngửa cổ nhe răng lên trời đứng bất động. Em trai thằng Vân kéo đứt dây chạc mà nó cứ gằm đầu xuống không chịu đi, bốn chân con Cái run lên bần bật. Những ngày sau đó nó không ăn, cầy bừa thì lúc đi nhanh lúc thì ghì bừa đứng lại. Rồi vài tháng sau nó gầy xơ xác . Hợp tác xã lại mổ con Cái. Thế là Cặp trâu tài sắc một thời của làng biến mất nhẹ nhàng mà day dứt giống hệt người ta phá cái bờ ruộng con có tự bao đời để làm bờ vùng bờ thửa….

Thằng Vân và thằng Luân nhìn nhau. Hai đứa lại bỗng như mình bé lại và đang trở về lúc chăn trâu cắt cỏ ngày xưa. Phút chốc mọi vất vả khó khăn mưu sinh biến mất. Chỉ còn tiếng gọi nhau í ới đi học cấp 3 ngày nào và một con đường sắt qua làng có những chuyến tàu bui bậm và tiếng còi rất chi là réo rắt .
NTL ngày 12/10/2019
Nghĩ đến ngày về lớp cũ

Thơ 20/10


Đâu chỉ có 20 tháng 10 để ta nhớ mẹ
Để nhớ em lặn lội tảo tần
Đâu phải để người đời nhắc nhở
Mới nghĩ về người phụ n ữ ta yêu

Quê hương đâu chỉ là chùm khế ngọt
Mà cả bữa ta ăn quán sá nhà hàng
Ta vẫn nhớ về quê còn đang khói bếp
Em ta quây quần nồi tương nức tép rang

Ngày mẹ sống chẳng có 20 nào cả
Mẹ chỉ lo 20 tháng chạp đến rồi
Mai ông táo lên giời nhà không khói
những manh quần con trẻ vẫn tả tơi

Hoa dù đắt mẹ chả còn lo nữa
Mồ mả tổ tiến xa ngái tự bao giờ
Hoa đường phố chả rưng rưng được nữa
Chỉ thấy ồn ào huyên náo những là thơ

Con lẩn thẩn ngày nào cũng là ngày của mẹ
Ngày nào cũng là ngày phụ nữ vất vả thôi
Con lơ đễnh cái ngày 20 tháng này mẹ ạ
Con lại về thắp nhang mẹ mẹ ơi

19/10/2019 

Này thu ở lại đừng đi

Này thu ở lại đừng đi
Dễ gì hứng lá đêm khuya xuống thềm
Này thu ướt mắt mi em
Đừng đi để giọt sương đêm mặn mòi

Màu thu ở phía không tôi
Mùi thu ở tóc người phơi đầu nguồn
Đừng đi mây trắng sẽ buồn
Gió thu rồi cũng cô đơn cuối trời
24/10/2019 

50 NĂM VỀ VỚI NHAU.


50 năm chúng mình về với nhau
Thời gian tính bằng giờ bằng phút
nén khóc nén cười để không gian đừng trôi mất
Bạn và tôi mắt nhòa nắng cổng trường
Bạn bè cũ ai còn ai mất
Ai nổi danh tài lộc vinh thành
Tôi chỉ một nỗi niềm da diết
Trở về đây để tìm lại chính mình.
Cô giáo cũ chân không đi được nữa
Cô hiệu phó bây giờ khóc như thể đứa con
Ơi cái nắng đầu đông Yên Bái
Thơm lên mùi tóc thuở đang son
Có một nơi không chừa chỗ đứng
Cho quyền tiền là lớp cũ ngày xưa
Nơi ấy chỉ mày tao mãi mãi
Và thưa rằng, em ở lớp thầy cô
Đời chỉ có 1 lần 50 năm bạn ạ
Ai trót quên đành chịu 2 lần rồi.
Lần gặp này cho ta thêm hiểu
Chúng mình cũng là kẻ vay nợ thôi.
Ta vay nợ thầy cô ta nhiều lắm
Ta nợ bạn bè những đứa đã hi sinh
Ta nợ cả ánh mắt dòng lưu bút
Hết đời này biết trả được hay không.
50 năm về với nhau rồi xa nhé
Lúc chia tay chẳng ôm hết bạn bè
Ta ngửa mặt giữa trưa Yên Bái
Thành phố này ta chân đất ngây thơ
Tạm biệt nhé dòng sông Thao rất cũ
Tóc người thân thơm hương quế hương hồi
Ta về với chuyến tàu xuôi nức nở
Bạn ở lại rừng có dấu của chân tôi
Tạm biệt nhé ngày suối reo trắng nước
Ngày em ta con cón tóc đuôi gà
Xin tạm biệt mái trường tên thì mới
Hồn vẫn là trường cũ CẤP 3 A
Nguyễn Trọng Luân.
28/10/2019 

NHỚ MÙA ĐÔNG


Em nhớ mùa đông lắm lắm
Để nói về anh ngày xưa
Bây giờ mình xa nhau quá
Bao nhiêu mùa đông cho vừa
Em có áo tơi lá cọ
Mở ra là thành cánh buồm
Rét gì mà rét đến thế
Em run anh còn run hơn
Chiều đông thổi nùn rơm ướt
Khói cay, má cũng kém hồng
Thấy anh buồn là em khóc
Ơi mùa đông quê, mùa đông.
Có tiếng aó tơi sột soạt
Tiếng đuôi trâu đập vào chiều
em bảo sao mà yêu thế
lửa hồng vách bếp gieo neo
Nhón chân rón bước theo nhau
đàn trâu lùa vào chạng vạng
Em hỏi bài anh nhấm nhẳn
Bữa cơm độn mùi củi nương
Rét gì mà rét ghê thế!
Mẹ thở dài trong ổ rơm
Nhớ chiều nay trong sương buốt
Anh đi tìm trâu cho em .
Tháng chạp năm Mậu Tuất

Của Người


Dạo ấy sau ngày thống nhất vài tháng, lòng người say sưa lâng lâng đến khiếp. Cả nước là một bãi phế liệu, là một kho vật tư chiến tranh hiện đại nhất thế giới tính đến lúc ấy. Là anh lính trẻ tôi chỉ một nỗi duy nhất là mong ngay bây giờ về với quê hương. Ai là lính lúc ấy cũng thế. Chả ước mơ gì, chả có suy tính thiệt hơn nữa chỉ mơ ngày về với mẹ mà thôi.
Đóng quân trong Đồng Dù Củ Chi rộng như một khu gang thép Thái nguyên lúc mới xây dựng. ( 8 km2) chúng tôi khao khát sẽ có ngày rời xa cái căn cứ 15 lớp hàng rào kẽm gai này mà về bắc. Hàng chiều tối hay chủ nhật chúng tôi mấy thằng lính SV tụ tạp ở nhà thằng Phan Duy Lân sinh viên năm 4 trường tôi bên E48. ở đó thường trực có thằng Cận Cơ Điện, thằng Quyền SP Lý người Lạng Sơn. Ngay đầu tháng 5 /75 khi vừa về đóng lại khu gia binh này thằng Cận quét nhà nhặt được một cái ốp vòng tay trẻ em bằng vàng. Cả mấy thằng cùng im lặng chả đứa nào nói gì. Lính chiến đấu kị nhất là nhặt vàng. Rồi thằng Lân lấy tlấy giấy cuộn chặt cái miếng vàng ấy cài sau tấm gương treo trên tường . Chuyện ấy chúng nó quên đi. Tôi sang chơi với chúng nó hôm ấy thì tôi lại nhớ.
Bốn tháng ở lại Củ Chi sau ngày 30/4/75 bao nhiêu là chuyện vui, bao nhiêu là ước mơ bao nhiêu là mong chờ. Ngày 20/10/75 có quyết định tụi sinh viên chúng tôi được về học đại học. Trời Sài Gòn – Gia Định xanh như mơ. Mây trắng và những cơn mưa chiều Sài Gòn ngọt ngào với con trai miền Bắc đến thế.
Một tuần trước ngày ra Bắc chúng tôi nhìn người SG và trời mây SG thân thương bịn rịn hẳn lên. Chúng tôi đến đây, đích đến của cả dân tộc mấy chục năm đổ máu rồi ra về không mảy may tìm kiếm cái gì cho bản thân mình ở nơi bộn bề là của cải vật chất ê hề. Tiền cửa rừng của mỗi người lính là 16 đồng ( mới đổi ngày 22/9/1975) cũng phải khó khăn lắm mới xin ra cổng đến chợ thị trấn Củ Chi mua miếng vải đen cho mẹ và một cái áo len cho em trai là vừa hết. Thằng Hoan cho một an bum nhấp nháy, thằng Thuận cho cái đồng hồ Seiko 5 và thằng Minh cho cái túi phòng hóa của Mỹ làm túi sách đi học. Thế cũng thành một gia tài.

Riêng tôi, dấu được chục cuốn sách và cây đàn ghi ta mua ở chợ Củ Chi. ( Cây đàn này trong ngày tập trung lên xe ở trạm Hòa Vinh Đà Nẵng bị mưa ướt , về trường không kêu nữa - tiếc tê tái) Tôi nhớ đó là những cuốn “ Mười khuôn mặt văn chương” của Tạ Tỵ. Cuốn "Thi nhân tiền chiến". Cuốn Truyện ngắn của Lâm Ngữ Đường , cuốn Tình sử Napoleon, Thơ MInh Đức Hoài Trinh, mấy tập nhạc của Phạm Duy -Tạ Thiên Thu....
Sáng hôm lên đường tôi đeo ba lô sang e48. Bọn thằng Lân thằng Cận thằng Quyền đeo ba lô lên vai rồi còn lấy chổi quét nhà. Tôi nhìn vào gương xem mình có đàng hoàng chưa và chợt nhớ miếng vàng hôm nào thằng Lân nhét sau tấm gương. Tôi sờ tay thấy cuộn giấy vẫn nguyên. Tôi sợ, nhưng vẫn cầm lấy miếng vàng ấy và nhét vào cóc ba lô thằng Cận mà im lặng không nói gì. Thằng Cận không hề biết.
Chúng tôi về Bắc. Xe chạy Củ Chi sang Bình Dương rồi lên Trảng bom ngủ lại. Thằng Lân thằng Quyền ở đoàn khác chỉ tôi và Cận cùng đoàn với nhau. Ở Trảng Bom 2 ngày. Lần đàu tiên tôi được vào nhà thờ xem họ nghe giảng kinh, lần đàu tiên nghe họ hát thánh ca có đàn dương cầm. Tôi cứ mê mẩn người. THú thật lần đầu tiên tôi biêt đến công giáo là những tiếng hát thánh thót trong một sáng nhà thờ vừa qua binh lửa. Rồi sau này tôi đọc về tôn giáo này nhiều hơn, nhưng kí ức tôi với họ là sự trong trẻo khó có gì thay thế nổi.
Ngày thứ 2 xe đến Phan Rang ngủ lại ngày nữa và ngày thứ 3 đến Đà nẵng. Lúc ấy là tháng 11/75. Bao giờ cũng vậy cữ tháng 11 là mưa lũ miền trung. 7 ngày không đi được. bộ đội đông ùn lại hơn cả dân. Tôi ở Hòa Khánh đúng vào những ngày thi đại học lần đầu cho học sinh miền nam. Ăn đói , không có tiền bộ đôi bán cả những thứ vặt vãnh như ni lông, tăng võng. Chúng tôi quyết không bán thứ gì. Lúc này tôi bảo thằng Cận. Cận ơi tao nhét miếng vàng ở cóc ba lô mày. Nó gầm lên, mày là đồ tồi. Của thiên đấy mày lấy làm gì? Tôi bảo, Tao tưởng chúng mày quên. Quên thế đéo nào được . Chúng tao bỏ lại đấy!
Tôi xấu hổ quá. Nhưng trót rồi. Đành bảo, thôi đem ra phố bán đi mày ạ. Hai thằng tôi đi qua ngã ba Huế, cứ đi mãi đến một khu chợ có hàng vàng và bán được 41 đồng. Thằng Cận bảo quyết không mua cái gì bằng số tiền này mà sẽ ăn cho kì hết hôm nay. Tìm đến một con phố nhỏ có tên Tôn Thất Thuyết với một nhà hàng kính thưa các loại bánh mà chúng tôi chưa ăn bao giờ, chúng tôi gọi tất cả mỗi thứ một ít … Tôi không hề nhớ là mình đã ăn cái gì và mùi vị nó ra sao chỉ biết là vài tiếng sau chúng tôi vẫn chưa hết tiền liền mua mấy bao thuốc lá cho hết.
Ba ngày sau chúng tôi lên xe trong một sáng mưa tầm tã. Lên đèo Hải Vân nhìn biển đục như nồi cơm sôi. Sang bên kia Lăng Cô trời lại sáng nhểnh ra. Có một xe đi trước bị tai nạn chết mất thằng Ánh Y khoa VB.
Chúng tôi về, trong chúng tôi không có tí gì của người ta nữa. Vậy mà tôi vẫn nghĩ là mình đã lấy mấy cuốn sách của người ta. Nhưng rồi bụng bảo dạ, sách là tài sản của nhân loại
nên là của chung thì chả sợ. Nỗi buồn lo ấy cũng tan đi vì lo học hành trhi cử. Chúng tôi cặm cụi vào học và của cải mang về là kí ức một thời chiến trận mà thôi. Thằng Cận ra trường làm ở Thái Nguyên vừa làm kĩ sư vừa đào ao thả cá và khai hoang đất rừng. Bây giờ nghe đâu cũng khá lắm . Thằng Lân thì sống ở Hà Nội, vợ nó cô SV học đại học tài chính kế toán ngày xưa. Tiếc là Lân đã mất vài năm nay vì bệnh hiểm nghèo. Thằng Quyền về học Sư Phạm rồi về Lạng Sơn dậy học. Nay lại là một doanh nhân khá phết. Thi thoảng gặp nhau cười he he , may mà chúng mình không lấy cái gì của người .

Hẹn với chiều đông


Hẹn với mùa, se gió heo may
Hẹn với em, tóc sương mai gày
Hẹn với cười, dấu trong khóe mắt
Hẹn với trời, xanh mây đang bay.

Hẹn với trời, chim bay sang sông
Hẹn với đồng, mẹ cha chờ trông
Hẹn vơi chiều, có em trở lại
Thắp nén hương mẹ cha chiều đông.
8/11/2019

Truyện rất ngắn mà không ngắn


Dạo ấy vừa ra khỏi chiến tranh ai cũng hăm hở lao vào cuộc sống mới. Đói kém thiếu thốn méo mồm mà vẫn phơi phới. Bằng chứng là cuộc họp nào, một buổi tập trung đông người nào, là cũng vỗ tay hát váng lên “ Như có …đại thắng” hay là “ Vì nhân dân… quên mình”. Chúng tôi từ các chiến trường về học tập ở mọi trường lớp và ngành nghề để bước vào xây dựng cuộc đời mình và dựng xây XHCN. Tôi học ở một trường tập trung, chiều lên lớp , sáng thảo luận tại tổ.
Một sáng, thảo luận ở tổ bài “ Chủ nghĩa đến quốc là con đẻ của chủ nghĩa Tư bản”. Tài liệu in Rô nê ô bằng thứ giấy sù sì những câu hỏi đen nhẻm không có dấu ( vì đánh máy )
1 / đ.c hay phan tich chu nghia de quoc la con de cua chu nghia tu ban.
Thằng cha tổ trưởng nguyên là TNXP tuổi ngoài ba mươi đọc rõ là to, chủ nghĩa đế quốc là con dê của chủ nghĩa tư bản. Bọn tôi mủm mỉm cười mà nó không cười.
Rồi hắn chỉ định luôn người phát biểu. Theo tổ trưởng thì thằng nào cũng phải “phát” một lần trong buổi sáng. Hắn luôn mồm, đồng chí này “ phát đi” đồng chí kia “ phát đi”

- Thằng bộ đội pháo binh “phát” trước. Nó bảo, con dê là dâm lắm. Mỗi buổi sáng dê đực đứng ở cửa chuồng, dê cái bước ra đều bị dê đực “hút một điếu” rồi mới được ra. Lần lượt cả chuồng dê cái xếp hàng cho dê xồm hút hết điếu này sang điếu khác. Cả tổ chậc chậc. Khiếp khiếp. Xấu quá thôi mất.
- Thằng bộ đôi thiết giáp thì phát: Giống dê bẩn thiu tanh hôi lắm. Người ta mổ dê là phải lấy roi quất thật lực để nó kêu be be vật vã lên, toát mồ hôi tanh tưởi của nó rồi mới mổ thịt. Có thế mới ăn thịt được. Ai cũng khen giỏi giỏi thảo nào tiết canh dê ngon thế....
Đến lượt sau cùng là thằng bộ đội B3 Tây nguyên. Thằng này Gãi đầu gãi tai mãi vì bao nhiêu cái xấu của con dê thằng trước “phát “ hết rồi. Nó lúng búng mãi. Thưa các đồng chí giống dê thậm xấu xa, cứ nhìn bộ râu của nó thì biết. Anh nào có bộ râu dê là nhìn chán lắm. (Hắn lẩm bẩm rất khẽ, nhưng mà sao đàn bà lại thích nhỉ) . NGừng một lát hắn nói tiếp. Râu đã xấu mà dái cũng xấu. Cứ thằng lẵng ra. Khiếp. Ngay giống cà dái dê người ta cũng ghét. Đúng là Dê cụ.
Cả tổ 10 thằng cười như điên. Cười cho tới lúc vác bát đi ăn cơm. Bữa cơm hôm đó ngon thật. Cứ nghĩ đến dái dê là cười, húp canh rau muống nước đen như nước cống mà ngọt lử củ tỉ.

Bốn mấy năm sau họp lớp ở nhà hàng LẨU DÊ DŨNG RÂU. Cái lớp đào tạo ra những cán bộ cơ sở rồi cũng có thằng làm cấp vụ cấp sở hẳn hoi. Gặp thằng bộ đội B3 Tây Nguyên phát biểu về Dái Dê. Thằng nào cũng nhớ chuyện xưa cười móm má. He he! hôm nay nhậu tái dê vói rượu Ngọc Dương nhá. Rồi cả lũ đầu bạc cười he he. Thằng B3 Tây Nguyên bèn phát:
- Chúng mày đừng cười tao. Bây giờ tao đố chúng mày hỏi các ĐBQH câu hỏi : Tại sao gọi Đế quốc Mỹ là tên sen đầm quốc tế đấy? Có bao nhiêu người trả lời được nào?
Cả lớp cũ tôi nhìn nhau. Ừ nhỉ. Chắc chỉ vài đại biểu trả lời đúng.
Rồi phá lên cười. He he.


9/11/2019

Ngày 20 tháng 11 Nhớ một người thày không may mắn

Ngày 20 tháng 11
Nhớ một người thày không may mắn

Bốn mươi mấy năm trước có một ngày 20 tháng 11 tôi vừa ở chiến trường về học tiếp. Anh Đỗ Văn Đạo gọi tôi ra ngoài cửa lóp lúc nghỉ giữa giờ. Anh nói khẽ. Tối nay đi quán nhé ! Tôi vâng. Anh quay vào lớp giảng tiết thứ 2. Cả lớp chả ai biết tôi và anh cùng quê, cùng lớn lên chân lấm tay bùn như nhau. Bây giờ anh là thày giáo còn tôi là học trò.
Năm 1972. Khóa 5 đại học Cơ Điện sơ tán ở xã Phục Linh Đại Từ. Anh Đạo đang dậy lớp tôi phần bài tập vì anh mới về bộ môn Điện. Người dạy Lí thuyết Điện Đại cương chúng tôi là thày Từ Thiên người Quảng Bình. Hôm thi “Kĩ thuật điện Đại Cương” tàu bay Mỹ gầm rú trên đầu. Phòng thi là một cái nhà kho HTX. Đang mùa gặt lúa má đầy sân, bà con chạy ra hầm trú ẩn cả. Đang thi gay cấn nên cả thày và trò không ra hầm mà vẫn thi bình thường. Hôm ấy tôi đã biết mình có lệnh nhập ngũ nên chỉ vào thi cho có lệ. Bài tập làm sai. Lí thuyết không học. Anh Đạo phê không đạt. Thày Từ Thiên khoanh tròn chữ không đạt . Chính vì thế mà sau 4 năm ở chiến trường về, tôi vẫn phải học lại và thi môn của anh Đạo làng tôi.
Tối ấy anh đèo bằng xe đạp cái hòm gỗ anh đóng bằng gỗ thông lấy ở một hòm đựng máy móc nào đó đã sơn xanh rất mới xuống quán nước chè ngoài ngã ba đường ra ga Lưu Xá. Anh bảo, mày mang về mà đựng đồ và làm bàn học luôn. Ngồi dựa lưng vào gốc mít quán ông già hút thuốc lá nhấm nháp chén trà anh em ôn lại những ngày xa nhau vì chiến tranh giặc giã vừa mới hôm qua.
Rồi thi thoảng những ngày học tiếp sau hôm nào đói quá tôi mò lên chỗ anh. Anh có quả cà chua hay nắm hành củ sắn anh cho mang về nấu bát mì mà ăn. Chưa bao giờ anh và tôi nói chuyện với nhau ở trên lớp.
…..Anh Đạo học hết cấp 3 thì tôi mới vào lớp 8. Ở làng, anh Đạo học giỏi và chăn trâu kiếm củi rất tài. Nhà anh gần ga tàu hỏa, gần đầm ao úp cá, lại gần sông Hồng. Bố anh Đạo là cán bộ xã từ hồi chống Pháp đến thời Hòa Bình ông vẫn làm UB, ông là bậc quí nể trong làng. Tôi học trước thằng Phức em anh Đạo một lớp. Thằng Phức giống như anh Đạo, nó học giỏi lắm. Người ở quê giỏi là giỏi chứ không do nhồi nhét sự học. Anh Đạo rất ít học. Nhưng chịu đọc. Anh khéo chân khéo tay và hầu như chân tay mồm miệng anh không lúc nào để yên. Ngày tôi đi bộ đội anh tiễn tôi hết làng Phục Linh lên đỉnh ngọn núi Pháo thì dừng lại. Chúng tôi chia tay nhau và nỗi tự hào ở làng mình có tới tận 3 thằng là Kĩ sư Cơ Điện đã vuột ra khỏi tầm tay. Thằng Trần Tiến Lợi cũng đã đi chiến trường trước tôi ba tháng giờ chỉ còn anh Đạo ở trường. Giảng đường đại học lùi lại sau tiếng bom đạn chiến trường với chúng tôi.
Anh Đạo học giỏi ở k11 Bách Khoa. Bằng chứng là anh được chọn vào lớp để đào tạo Giảng viên cho các trường đại học Kĩ thuật. Đợt ấy ở BK về làm cán bộ giảng dạy ĐH CĐ có anh Lâm anh Long anh Đạo anh Phấn đều ở bộ môn điện thì anh Lâm anh Long nhập ngũ đi chiến đấu cùng tôi. Những ngày chúng tôi huấn luyện để đi chiến đấu ở Phú BÌnh Thái Nguyên đôi lần anh Đạo xuống thăm chúng tôi. Những lần ấy sao mà thân thương thế. Chúng tôi ngồi bên nhau suốt đêm ở trong bếp nhà bà chủ nơi chúng tôi đóng quân. Chúng tôi cùng hát những bài hát Nga mà cả anh và tôi đều thích. Bốn năm ở chiến trường các ngày tết anh đều đến nhà tôi biếu bố tôi bao thuốc tiêu chuẩn quí giá.
Năm 1978 tôi ra trường về Hà Nội học tiếp 4 năm ở trường Tuyên giáo Trung ương. Đất nước gian lao đất nước lại chiến tranh, lại giặc giã biên giới đằng trước đằng sau, rồi đói kém suy thoái đến tột cùng. MỘt thời vừa ra khỏi chiến tranh “thần thánh”thì lại rơi vào cuộc chiến với áo cơm và nước mắt. Khi tôi nghe tin anh bị "về quê " thì là lúc anh tránh mặt chúng tôi. Tôi chỉ nghe nói anh vay tiền để đi buôn và vỡ nợ. Nhà anh nghèo lắm. Khi anh lấy vợ và có hai đứa con anh làm nhà lá ở riêng một góc vườn nhà bố mẹ. Vợ anh là cô giáo Thành, dạy ở trung tâm bồi dưỡng lí luận của huyện. Bố anh bán nhà để anh trả nợ. Cơ ngơi bố mẹ không còn gì. Anh trở về xác xơ. Cái thời đói kém ấy như một cơn ác mộng với toàn dân tộc đã qua. Ở làng tôi có một ông Kĩ sư điện ốm đau bệnh tật tuổi 60 mà đã qua đời. Anh Đạo ơi, cũng chả trách ai được. Có chăng thì chỉ trách mình sinh nhầm thế kỉ anh nhỉ. Ngày 20 tháng 11 giá mà anh còn bọn em sẽ về với anh. Từ ngày anh mất đi cũng chỉ biết thắp nhang vái anh ngoài cánh đồng lấm láp ven sông hồng nghèo khó. Nhớ anh cũng chỉ nhớ hình ảnh cái trường Đại Học Cơ Điện cũng vất vả như cuộc đời các thày giáo ở trường bên con đường số 3 vật vã còi xe và đất Thái Nguyên luôn mang sắc màu cỏ úa.

20 tháng 11 với các thày giáo cô giáo đang làm nghề vùng thấp vùng cao, đã mất hay đã nghỉ hưu đâu đó. Bao nhiêu thày cô khốn khó rủi ro trong đời, bao nhiêu mảnh đời thày cô nhọc nhằn đến thương tâm trên vùng cao rét buốt. Hoa nào đến với những thày cô nơi biên cương heo hút hải đảo xa xôi.? Hoa nào đến với thày cô không may số phận về với đời thường?
"Em lại nhớ đến anh. Nhớ những bài toán rất khó mà anh cười phơ phơ giải nó ngon lành. THì ra trên đời chữ Thày không chỉ đứng ở chỗ lớp học. Chữ Thày ở chỗ mà các cô gái quên tuổi xuân cõng chữ đến lũ trẻ tô hô ngày rét. Chữ Thày phải ở trong tâm tưởng lòng biết ơn của người đời. Anh Đạo ơi, nhớ anh và lấy vài chữ này vái anh, anh nhé.

Hà nội sáng 20 tháng 11 năm 2019

BÊN KIA SUỐI


( Truyện ngắn- Nguyễn Trọng Luân)

Mưa dã man !
Mấy thằng lính ở chốt về vừa đi vừa chửi thề.
Hôm nay thay chốt còn mấy nắm cơm từ hôm kia đã lên mùi tương rồi nhưng cũng phải để lại cho bọn lên thay. Thằng Phiến B phó bảo :
- Gọt vỏ ngoài đi mà khợp. Được tí nào hay tí ấy. Nói xong câu ấy Phiến chợt nhớ hồi năm ngoái lúc còn đánh trên thị xã Kon Tum. Hai ngày liền ác liệt quá không đưa được cơm ra trận địa. Lúc chôn đồng đội xin lại nắm cơm thiu của tử sĩ mà nước mắt cứ mặn đắng ở mồm.
Bọn lên chốt cười gật gật, mặt mồm nhợt nhạt nước mưa. Phía Hàm Rồng pháo đề- pa ong ong…rồi u ú qua đầu, rơi choang choác phía đường 19. Đạn nổ cách chốt hai trăm mét mà nước mưa trên lá rừng rơi rào rào như đuôi trâu vẩy bùn. Cứ mỗi đận lên chốt là cả tháng trời (có khi còn hơn ) tóc tai cắt kéo cho nhau sạch ơn ởn mà đến khi bàn giao chốt cho thằng khác tóc đã cờm cợp nuốt nửa cái tai. Tóc dài ra mắt sâu xuống, rỉ mắt bám lẫn bụi đất sau những trận pháo của địch được nước mưa loang ra nâu xin xỉn. Thằng Quyết B phó B3 dẫn quân lên chốt hỏi thằng Phiến :
- Cho tao xin mấy quả US đi.
Quyết chui vào hầm với Phiến rồi chui lên chỉ cho nhau vật chuẩn chỉ hướng địch đã mò lên chốt và không quên bàn giao cả ôm rau khoai lang héo quắt chưa ăn đến. Quyết nhìn cái giá xoay có ống lồ ô cạo sạch vỏ xanh thành trang giấy xoay mà lính làm thơ dưới hầm hỏi Phiến:
- Thằng nào làm thơ đấy?
- Thằng Hoan.
Đại bác địch lại bắn. Trên trời thum thủm những bọng nước dầm dề. Lá cây cứ dính vào nhau gỡ không ra. Quyết gọi :
- Hoan ơi, bọn tao sẽ làm nốt cho tròn hai ống thơ nhé. Chúng nó cười he he lúc pháo địch éo éo qua đầu. Thằng Hoan thắt lại dây lưng, lấy chun móc quả US lại rồi cười :
- Mày nói thế người ta lại tưởng chúng tao đựng thơ vào ống. Mẹ kiếp nói ra éo ai tin chúng mình làm thơ trên chốt.

Ở chốt, buồn tê buồn tái. Nhiều lúc oánh nhau sợ xám mặt mày nhưng hết đánh nhau chúng nó lại tán phét, lại làm thơ viết vào ống lồ ô ở trong hầm. Bao nhiêu cõi lòng cõi mề lính ta viết vào ống lồ ô rồi xoay xoay cái ống nứa trong hầm mà đọc. B trưởng Phiến có hôm kể với lính mình rằng ngày xưa ông Lê Lợi sai quân viết bằng mỡ lợn lên lá cây để kiến ăn mỡ khiến lá cây bị đục thủng có dòng chữ “ Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần “ . Lá cây thả trôi sông suối về tận hạ lưu khiến toàn dân trong cõi đều dấy lên tinh thần chống giặc Minh. Thằng Nhớn người Thái Bình cục cằn nhất trung đội, nó bảo em chả cần gì ai làm vua ai làm quân lính em chỉ cần xong nghĩa vụ về với u em thôi. Mẹ kiếp toàn là bịa ra mà cũng gọi là chính trị tư tưởng. B trưởng Phiến bịt ngay mồm thằng Nhớn. Phỉ phui cái mồm. Thằng Nhớn phì cười. Anh yên tâm, em không bỏ chốt đâu mà lo. Đánh nhau với giặc không được bịa đặt dối trá. Rồi nó cười he he. Nó hát:
“Ta là con của bố ta mẹ ta, nhớ nhà là ta té ta về…” Tiếng hát ê a trong mùa mưa dính vào lá rừng.

****
Kể từ sau ngày nhà Hòa Hợp tan vỡ, Dê 7 nhận nhiệm vụ chốt giữ vùng ven liên tù tì vài tháng rồi. Mấy ông cán bộ Dê lầu bầu, mẹ kiếp chả biết bao giờ các Cốp (cấp trên) mới cho Dê khác vào cái hành hang Plei Dit này. Hoa thơm mỗi thằng ngửi một tí đi. Lính tráng thì rên rẩm, cách mạng là bằng nhau cả mà. Xay lúa khỏi hãm em. Chỗ nào chả oánh nhau. Chỗ nào chả chết. Ngộ có chạy về tuyến sau may ra còn gáo. Mưa thối nát cỏ cây, người thì nửa bò nửa đi nửa ngồi nửa đứng, lên trên chốt mà nghe ca cẩm có mà hết đêm. Lính lại cười với nhau hì hì. Đời thằng mục chỗ nào chả như chỗ nào. Ấy vậy mà cấm có thằng nào bỏ chốt. Kỉ luật nặng nhất ở chiến trường là kỉ luật mất chốt. Đại đội trưởng bảo thế. Lính ta cũng hiểu thế. Mất chốt là mất đất, là thêm bằng xương máu không tính được. Bên kia suối là lính VNCH bên này suối là quân ta. Lính tráng được quán triệt rõ ràng. Đất đai của ta thấm máu đồng chí đồng bào. Chúng ta phải giữ, phải sống chết với đất. Không được nhu nhơ nghe chưa? Nghe rồi ạ. Lính đồng thanh đáp.
Bê phó Phiến dẫn trung đội xuống chốt. Mười một thằng tóc như rễ tre râu ria không ra râu ria, loe hoe khắp mồm cau cáu mầu chì. Thằng Nhớn lầm lũi đi trước bỗng nó ngó lại :
- Anh Phiến ơi chỗ nào có nương cho kiếm quả bí quả mướp nắm rau làm vài “gô” canh ăn nhé.
Phiến im im. Rồi tiếng ừ chầm chậm thoát ra thành ….hừ. Là lính Đại học Sư Phạm Phiến đã từng ra nhà Hòa Hợp hồi tháng 2 tháng 3. Ở đấy Phiến và cán bộ từng nói chuyện với phía bên kia. Cùng hút thử thuốc lá của đối phương, cùng thăm hỏi quê quán tình hình vợ con rồi có cả lúc khoe thư của vợ con cha mẹ mình và còn hát cho nhau nghe. Nhưng lính tráng thì đơn giản thế, chứ cán bộ hai bên đối với nhau cứ sường sượng. Thế rồi lại oánh nhau. Con suối chảy dưới chân nhà hòa hợp nay thành ra con suối chạy phân chia hành lang Plei Dit. Nó chảy theo hướng đông về nam rồi quành sang tây thế là suối chảy cả phía bên địch rồi lại sang phía bên ta. Hôm mới lên chốt thằng Nhớn quấn lá ngụy trang quanh người bò xuống suối. Nó lội qua suối chặt được mươi quả bắp chuối cho vào bao cát chưa kịp quay về thì gặp địch. Thấy tiếng AR15 rèn rẹt lại thấy tiếng lựu đạn US. Bê phó Phiến vội cho bắn mất vài quả cối 60 chặn đường cho Nhớn chạy về. Tối hôm ấy Nhớn bị kiểm thảo về tội “ xuýt chết vì miếng ăn”. Ở chốt là cấm được ca cóng. Tia khói le lói là ăn pháo ngay. Thế mà lính vẫn đun nấu được nồi rau khoai lang húp xì xụp. Đêm khuya chui vào hầm che kín hai đầu bắc hăng gô lên nhóm lửa bằng mấy mảnh lồ ô khô chẻ nhỏ. Khói cay xè mắt, bịt mồm ho hừ hự. Đợt chốt này trung đội Phiến ăn may. Không mất thằng nào lại diệt được địch, đánh lui 3 lần địch mò lên trận địa, thu hồi súng và triển khai thêm hệ thống giao thông hào liên kết, ngụy trang tài tình khiến địch không phát hiện được trận địa của ta.
Vừa đi Phiến vừa cười một mình. Một sáng thằng Đấu ló đầu lên khỏi hầm cảnh giới. Quái lạ, cách cửa hầm chỉ chừng chục mét xuất hiện rau khoai lang xanh mơn mởn. Đấu mừng trong bụng. Lại được bữa no đây. Nhưng chột dạ, chiều hôm qua làm gì có lùm rau kia. Rất nhanh nó nổ súng đoàng đoàng vào cái mớ rau khoai lang. Một tiếng rú lên và hai cái mớ rau khoai lang khác vùng chạy. Cả chốt nổ súng. Có ba thằng thám báo chết ngay một thằng, hai thằng chạy qua suối thì cũng trúng đạn. Phiến cho thu hồi ngay rau khoai lang của địch quấn quanh người vào hầm ăn dần.
Con suối chảy theo đường cắm cờ chỉ vài tiếng đi bộ thì nó lại quẹo về hướng sư đoàn X. Thế là cái giáp ranh ấy cắt ngang suối. Từ lúc ấy con suối " Ya.. " này thuộc về quân giải phóng. Một hôm thằng Đấu Thái Bình gày cóc kẹ hỏi Phiến:
- Bê phó ơi, ở nhà Hòa Hợp ta và địch làm gì?
- Làm cái sự hòa hợp cứ làm gì. Mày không nghe chính trị viên quán triệt à? Cố đỉn thế!
Thằng Đấu lại hỏi:
- Các anh đi “công tác hòa hợp “ hay được hút thuốc Điện Biên bao bạc . Bọn em ở nhà thèm vêu mõm.
Vừa lúc ấy gặp tổ tuần tra của tiểu đoàn đi ngược lại. Tổ tuần tra cho bọn trên chốt về nhúm thuốc rê của Miên. Phiến chọn một chỗ kín đáo cho nghỉ giải lao. Ngồi cuốn thuốc nhả khói mắt nhìn về mấy dẫy nương phía bên kia suối Phiến nhớ lại hồi đầu năm đi nhà hòa hợp. Cái nhà lợp tôn trắng của VNCH còn phần thân và tường do quân giải phóng làm đơn xơ nhưng đẹp. Chỉ tội mấy ngày đầu mùi phảng phất xú uế vẫn còn. Phía ta, cán bộ chính trị chọn một số chiến sĩ có văn hóa ra tiếp xúc với phía địch. Bên kia cũng vậy, họ chọn sĩ quan tâm lí chiến ra đối đáp. Cái sự đề phòng nhau ấy khiến cho những cuộc tiếp xúc hòa hợp cứ sàn sạn gai góc. Chỉ có những thằng lính đi theo cán bộ thì vô tư. Lính ta được hút thuốc Ru by của VNCH còn lính bên kia thì hít hà cái mùi thuốc Điện Biên và chè gói Thanh Hương thơm ngát. Phiến bần thần nhớ tới thằng bạn tên Thuần ghẻ cùng ra nhà Hòa Hợp với mình bị kỉ luật cho đi tăng gia tít ngoài núi Chư Pờ Rông.
Chuyện cứ như bịa.
Một hôm trên nhà Hòa Hợp có người lính VNCH hỏi Thuần:
- Anh có biết ca không?
- Ca là gì?
- Là anh hát đó.
Thuần ghẻ cười:
- Tưởng gì, ca ngon lành mà.
- Vậy anh ca tui nghe.
Thuần sốt sắng:
- Anh thích bài gì bên tôi? Người lính nói khe khẽ;
- Bài chi có câu…” Bác dẫng còn nghe điệu hò dí dặm."
Thuần cười rất vui. À, bài hát "Trông cây lại nhớ tới Người. ". Thế là mặc cho cán bộ hai bên đang chính trị chính em với nhau, mấy người lính túm vào nhau nghe nhau hát. Lính VNCH thì hát cải lương còn quân giải phóng Thuần hát bài “ Trông cây lại nhớ tới Người”. Phải nói là lúc ấy sự việc diễn ra quá đột ngột ngoài kịch bản của Chính trị viên và mấy anh Địch vận trung đoàn. Họ nín bặt. Bài diễn thuyết dở dang, mọi sự diễn thuyết ú tim bỗng nhạt hoét. Họ nghe lính hát và chứng kiến nước mắt ngân ngấn của Thuần ghẻ và những người lính VNCH. Những con người xa quê hương nghe cải lương hoặc nghe hát chèo là thích lắm. Cả quân giải phóng và lính VNCH đều thế. Ai cũng nhớ cha nhớ mẹ nhớ vườn nhớ ruộng…giống nư nhau mà thôi.
Ngay chiều hôm ấy từ nhà Hòa hợp về, Thuần ghẻ được gọi lên ban chính trị kiểm điểm. Hôm sau Thuần vác ba lô đi tăng gia. Coi như bị cho là không đủ sức chiến đấu. Người ta không cho những loại lính tráng yếu kém về ý thức chính trị ra phiá trước, nơi cọ sát cả về thể xác và tinh thần người cách mạng
Ngồi hút thuốc ven rừng, kể chuyện với đồng đội mình về nhà hòa hợp hồi đầu năm Phiến lại nhớ lúc ngồi ở nhà hòa hợp nhìn về phía đông, phía bên kia con suối. Phía ấy, Những mái nhà lợp tôn trắng lóe mắt, nghe ru ru động cơ bình bịch, cái thứ tiếng động rất quyến rũ mà xa lạ với lính mình. Ở đó cũng những bản làng có lùm chuối và những ngọn pơ lang chòi lên giữa xanh thẳm lồ ô. Phía trước phía sau hai bên con suối, cả hai phía đêm đêm vẫn pung ping tiếng tơ rưng thâm trầm vào đêm vắng. ….
Suỵt. Có hai người từ bên kia suối lội sang. Cả tổ chốt nép vào bụi cây. Thì ra đó là 2 cô gái đi nương về. Phiến thở phào còn thằng Đấu vui ra mặt.
- Chào đồng bào cách mạng.
Hai cô gái ngực căng như ngực chim ngói vì hai cái quai gùi thít chặt khiến cặp vú vênh lên, cười đỏ má.
- Bộ đội đi công tác ? bộ đội ưng dưa, ưng bí của đồng bào à?
Thằng Đấu làu bàu:
- Mẹ kiếp họ lại bảo bọn mình đi dưa đi bí của họ. Cái đồng bào vùng giáp ranh này cứ nhơn nhơn cả bên này lẫn bên kia anh Phiến ạ. Rồi nó hét to:
- Đồng bào nói chơi chơi. Bộ đội không quán triệt cái bí cái dưa của đồng bào đâu hà.
Hai cô gái cười. Hạ gùi đầy ngô mới bẻ trên nương xuống kéo vạt váy ngồi dưới lùm cây dẻ gai. Thằng Đấu nhìn bê phó Phiến hỏi nhỏ :
- Em còn cái cuộn chỉ đen, anh cho em đổi mấy quả ngô nhé. Ngô của họ thơm lắm. Phiến hỏi, thế thì vá quần áo bằng gì? Đấu bảo đến đâu lo đến đấy anh ạ. Phiến ừ.. Hai cô gái thấy cuộn chỉ của thằng Đấu thích lắm, ưng ngay. Vừa lấy chục bắp ngô trong gùi đưa cho Đấu cô gái vừa nói;
- Ây dà, bộ đội ưng cái bắp của đồng bào nhiều nhiều. Cái lính quốc gia họ cũng vừa xin bắp mình. Mình cũng cho họ đấy mà.
Cả tổ chột dạ. Hỏi:
- Đồng bào vừa cho lính quốc gia bắp hả? ở đâu?
- Bên kia suối kìa.
Đúng lúc ấy súng nổ. Tiếng AR15 roen roét. Phiến và Đấu lăn vào bụi cây rồi bắn mỗi thằng nửa băng AK về bên kia suối. Cả hai bên cùng kéo nhau chạy. Thằng Nhớn sốc một cô thằng Đấu kéo một cô. Váy áo và gùi bắp tơi tả. Rừng im lặng. Cả tổ vô sự. Hai cô gái Tây Nguyên cũng vô sự, một cô bị rách váy đến tận mông phập phành mếu máo:
- Cái bồ đội quốc gia nó xin bắp mình nó lại bắn mình chớ. Không tột không tốt. hu hu! Thằng Nhớn liếc cái váy rách phấp phới cười tủm tỉm. Phiến dẫn anh em đi về hướng tiểu đòan còn hai cô gái lẹo dẹo đeo gùi bắp về bản.
Thế mà tận ba năm sau đơn vị của Phiến mới sang được bên kia suối.
NHững cánh rừng làng bản bên này suối hay bên kia cũng đều thắp loe lói những chùm pơ lang cho dù đạn bom hết ngày này qua ngày khác. Cái vạch ngăn cách hai chiến tuyến lẫn lộn vào màu xanh của mùa mưa mùa khô. Có những con đường mòn len lỏi trong hiểm hóc, len lỏi trong sự cảnh giới của cả hai bên. Con đường mòn đó vẫn là đường mang chai mắm gùi muối mảnh vải từ dưới biển lên rừng và những búp chè gùi măng thịt thú rừng …lại vẫn mang về xuôi. Chiến tranh là sự bất bình thường của đời sống xã hội. Nhưng chiến tranh không thể làm ngưng đi sự sống tất yếu, bản năng tồn tại của con người. Chiến tranh chỉ làm phong phú thêm phương thức sinh tồn và tình yêu nhân loại. Mỗi một mùa xuân hay mùa đông ở cái vạch ngăn chia đôi bên con suối ấy đều có những cái chết tức tưởi của những người dân vì bom mìn. Những cái chết không có giấy chứng nhật liệt sĩ, nó gặm nhấm vào mùa màng nương rẫy vào cánh rừng con suối hiền lành.
Mùa xuân năm 1975 những nương bắp, nương vừng, nương cà phê hoa nở trắng ngần trong sương sớm. Phiến cùng trung đoàn tiến mãi ra tận bờ biển Tuy Hòa, để lại sau lưng bao nhiêu nấm mồ đồng đội và những câu chuyện vừa vui vừa buồn của một đời trẻ trai bên những con suối rừng Tây Nguyên xanh thăm thẳm.


NTL 2018

LỚN LÊN VỚI TRUNG ĐOÀN

Trích đoạn LỚN LÊN VỚI TRUNG ĐOÀN - Gia Lai 11/1973
Hôm nay minh viết cái "tợt " Lỡ hẹn với Dã Quỳ. bạn Khuat Duy Hoan lại nhắc đến bài thơ viết ở chiến trường. Đó là một bài Diễn Ca mà tôi hồi đó được ban Chinh trị Trung đoàn giao cho viết để mừng công. Đợt ấy Trung đoàn 64 được nhận Huân Chương Chiến Công hạng nhất.
Cuốn nhật kí của tôi còn bài thơ ấy nhưng nhòe nhoẹt vì thời gian và con nhỏ vẽ bẩn.
Hôm nay treo trích đoạn để lính Trung đoàn đọc lại nhớ một thời gian lao.
Trích đoạn mà lính nhớ nhất :
"....Đuổi địch chạy dài trên nương rẫy Gia Lai
Đêm lại nghe tiếng Tơ rưng dịu ngọt
Đâu tiếng thét xung phong đó là nơi kẻ thù giáp mặt
Ta lại gặp những chàng trai chân đất
Những anh hùng bốn mùa say đánh giặc
Không kể thời gian không tính tháng ngày.
Một nắm rau khoai một đùm cơm vắt
Vẫn săn gân trong những chiều xuất kích
mắt vẫn sáng trong đêm đuổi địch
Miệng vẫn cười trong ván Ù MO
Và hầm kèo đầy ắp tiếng thơ .
Gan goc kiên cường trên 784
Như đồi Ba Mươi hôm nào rực lửa
Đường 19 biến thành giông tố
Cờ bay trên trận địa Chư Bồ..."
Thật kì lạ cho tuổi trẻ của lính ta thời ấy.

Tạm biệt mùa thu.


Tạm biệt nhé mùa thu
Nửa già nửa trẻ
Vào đông tóc khói da mồi
Đêm biên ải ta lừa dối mình còn khỏe
khói bếp lên mùi cơm sôi
Có con nai cô đơn trên núi
Chiều ra uống nước sông Bằng *
Tác tiếng tháng đầu xuân
Tràn trề tinh huyết
Dòng sông soi bóng già nua vội như khép cửa
Vào đông .
Tạm biệt nhé mùa thu. Cây bàng góc phố
Lá đỏ hồng lên phiến máu sân trường.
Những cuộc ghé thăm ngày hội lớp
Cũng chỉ là những cuộc chia li.
29/11/2019
Đêm ở Lạc Sơn
Hòa Bình.
p/s:

CHUYỆN XỬA CHUYỆN XƯA.


Tôi nhập trường ĐH CƠ ĐIỆN vào đúng những ngày Bác Hồ vừa mất. Chúng tôi 5 đứa từ Yên Bái lần đầu tiên xa khỏi làng. Cứ theo chỉ dẫn trong giấy báo nhập học mà đi. Chiều 5 tháng 9 tới Đông Anh. Chập tối xuống ga Lưu Xá. Hỏi đến xã Tích Lương huyện Đồng Hỷ ( nay là phường Tích Lương) , rồi lại hoỉ xóm Cầu Thông. Trong chiều nhập nhoạng xóm Cầu Thông với tôi in trong trí nhớ tới tận bây giờ. Đó là một xóm làng nhiều dặng tre và nối nhau bằng những ruộng khoai có nhiều ao cá dưới chân đồi. Tôi có nắm cơm nắm mẹ tôi nắm cho mà không dám ăn giữ khư khư trong túi. Trời sập tối, sao li ti trên chập chùng đồi bạch đàn. Cảm giác xa mẹ ngày đầu tiên và vùi vụi trên môt vùng làng đồi xa lạ khiến đứa con gái sụt sịt khóc. Thằng Nhuận hơn tuổi bọn tôi nên cứng cáp hơn. Nó bảo chúng mày ngồi đây tao đi tìm chỗ nào có lửa đèn tao hỏi.
Nó đi, chúng tôi ngồi ven đường đầy những bụi mua và những bụi cây lá nham nháp như loài cây lìu dìu quê tôi. Thỉnh thoảng có chó sủa. Chó sủa hướng nào thì quay nhìn về bóng đêm hướng ấy. Hai tiếng sau có bóng đèn nhập nhoè. Hai người đi với một cây đèn bão. Thằng Nhuận đã về cùng với một người đàn ông cao lêu nghêu sách đèn bão nói giọng Nam bộ. Người ấy vác ba lô hộ cái Hoan và nói. Các em mệt không, đi luôn nhé kẻo khuya rồi.
Chúng tôi đi bộ chừng một tiếng đồng hồ hết đồi bạch đàn này sang đồi sắn khác. Con đường chúng tôi đi là đường vệt hai bánh ô tô chạy lâu ngày trên đồi đất mà thành. Chúng tôi vào một cái nhà lợp phên nứa tường trát đất có ngăn từng phòng bé tí xíu. Người đàn ông Nam bộ bảo, đây là bộ môn toán của trường. Các em cứ nghỉ lại đây mai làm giấy tờ ta sẽ tính sau. các thầy nghỉ hè chưa lên, đừng nghịch sách vở của các thầy.
Ôi thì ra chúng tôi được dẫn vào nơi các thầy dậy đại học Cơ Điên. Đêm ấy mệt, ngủ ngon quá. Ngủ ngay bên cạnh những chồng sách vở cao ngất ngưởng và cao siêu toàn là tiếng tây. Hôm sau thầy nam bộ gọi chúng tôi…dậy đi các em. Phòng bên có tiếng đàn ghi- ta. Một thầy đang hát bài hát về Bác Hồ trên tờ báo Nhân Dân. ( nhũng ngày này các bài hát về Bác Hồ in nhiều trên báo)
Chúng tôi ở nhà bộ môn toán 3 hôm rồi làm giấy tờ về các phân khu tạm thời để thi đầu vào. Thi lần đầu, 3 đứa tôi Nguyễn Trọng Luân, Nguyễn Đức Hạnh, Trần Tiến Lợi đậu vào trường còn Nhuận và Hoan không đậu. Họ cho 2 bạn ấy thi lại. Ngay sau đó chúng tôi đi lên huyện Chợ Mới Bắc - kan chặt nứa cắt tranh để làm nhà ở. Gần 2 tháng sau chúng tôi về trường thì chỉ thấy cái Hoan còn thằng Nhuận thi lại không được đã về quê. Bốn đứa chúng tôi thì 3 đứa vào khoa Chế tạo máy một đứa khoa Điện. Ba thằng con trai chỉ học được 1, 2 năm đều đi bộ đội vào nam chiến đấu và đều sống sót trở về. Cô bạn gái tên Hoan ra trường năm 74. Còn chúng tôi ra sau 4 năm.
Gần nửa thế kỉ sau bỗng dưng nhớ. Thầy đánh đàn ghi ta một hôm mang một cái chậu giặt tôn hoa đưa cho cái Hoan và nói, em dùng cái này mà giặt đừng giặt bằng cái chậu men kia.
Lúc ấy mới lớn chả biết gì. Cứ nghĩ thầy ưu tiên con gái có biết đâu là thầy biết nó phơi mấy miếng xô trắng ngoài gốc bạch đàn. Lại nhớ có thầy trẻ ơi là trẻ. Hỏi thầy bao nhiêu tuổi thầy bảo thầy 22 tuổi. Thầy rủ, ăn cơm bếp sinh viên đói lắm, tối về đi ăn sắn luộc quán nhà bà Bút với thầy. Rồi thầy nói khẽ. Cái thầy cao lêu nghêu người Nam bộ là tổ trưởng bộ môn đấy. Thầy ấy là bộ đội chiến đấu ra tập kết 1954.
Chúng tôi nhìn các thầy như những người hành tinh khác. Các thầy cũng khổ mà sao thầy nào cũng dễ gần. Có lúc, các thầy nói với nhau bằng tiếng Nga. Chiều đến các thày ngồi bên nhau chơi đàn và hát những bài hát Nga mê li.
Vài chục năm sau .
Tôi nhớ thầy trẻ nhất rủ chúng tôi đi ăn sắn luộc tên là Hoàng Sỹ Lâm. Thầy chơi đàn ghi ta là Giáo sư toán học Nguyễn Trần Nhu. Thầy nói tiếng Nam bộ đi hai tiếng trong đêm tối đón chúng tôi lỡ đường đêm ấy tên là Dương Cao Thăng. Khi tôi học năm thứ hai thì thày về làm Công đoàn tỉnh Bắc Thái. THầy Nguyễn Trần Nhu đi nghiên cứu sinh rồi về Viện Toán. Còn các thày khác tôi không biết các thầy giờ ở đâu có còn khoẻ không. Thưa các thầy, Chúng em vẫn nhớ các thầy. Nhớ lắm!

NTL