Friday, September 22, 2017

Đừng cạn nữa sông Tiền ơi

Đừng cạn nữa sông Tiền ơi
Mùa này lũ về rồi đấy
Giận Mê Kông ai xẻ khúc cắt dòng
9 nhánh phù sa vú mẹ
Châu thổ lên thơm mùi khói đốt đồng

Sớm ni ai về quê trên xe thổ mộ
Mù u treo tiếng gọi chuông chùa
Chiều ni hoàng hôn vàng mo cau vườn mẹ
Ai chèo ghe Điên Điển sóng vàng

Ai về Long Giang
Mồ mả mẹ cha lấm mùa xanh lá
Tiếng súng vòng cung xác ngâm đường 4
Đêm đêm mẹ thức với mùi bùn
Châu thổ là đạn bom là ba với má
Khăn rằn buộc bụng mấy chục năm trôi
Cửa đước cửa bần lục địa miền Tây ơi
Sông nhớ người, nhớ đồng mười thương câu lí

Người đan nắng trong vườn cau bóng mẹ
Thành tấm khăn choàng suốt một đời
Tôi dệt nắng sông Tiền thắm lại
Rắc bông vàng Điên Điển để cho tôi


18/9/2017

THỜI ĐẠI CHỌN THẾ HỆ ( tác giả : Lê Hương )- Bình luận về RỪNG ĐÓI

Tôi nhận ra điều ấy khi đọc cuốn tiểu thuyết “RỪNG ĐÓI” của tác giả Nguyễn Trọng Luân- một người lính, trong một ngày mưa sấm chớp ùng oàng của Hà Nội. Vâng! thời đại chọn thế hệ chứ mỗi thế hệ không được chọn thời đại. Trách nhiệm công dân, lý tưởng thời cuộc và hoàn cảnh lịch sử đã đem đến cho mỗi thế hệ một trọng trách khác nhau. Thời đại cuộc kháng chiến chống Mỹ đã giao nhiệm vụ cho thế hệ trẻ ( cả không còn trẻ) suốt 20 năm là cầm súng và chiến đấu.
Năm 1972, đó là năm khốc liệt nhất của cuộc chiến, cả đất nước huy động dốc toàn bộ lực lượng cho mặt trận phía Nam. Đến mức huy động cả lực lượng trí thức, sinh viên các trường đại học, lớp thanh niên ưu tú của đất nước, đều tham gia tòng quân lên đường đánh Mỹ. Nếu năm 1972 những người lính sinh viên các trường đại học ở Hà Nội hành quân đến thẳng trận chiến của Thành cổ Quảng Trị, thì một bộ phận những người lính sinh viên các trường đại học ở Thái Nguyên tham gia một cuộc chiến khác. Cuộc chiến mà không hề có trong sách vở, trong các bài báo, bài văn, bài phát biểu, bài tổng kết hay đánh giá… Nếu không có những người lính bước ra khỏi cuộc chiến ấy làm sao chúng tôi, những thế hệ không bị chiến tranh lựa chọn ấy hiểu được.
“ Cứ tưởng vào đến chiến trường đã được bàn giao về một sư đoàn chủ lực của mặt trận rồi là đi đánh nhau ngay. Ai dè nhiệm vụ của chúng tôi nghe mà nhột nhạt cả má cả tai. Họ bảo ở bên nhà, tức là ở sư đoàn ấy đang đói lắm. Anh em đánh nhau không có gạo nên 500 chú lính sinh viên này sẽ đi sang bên kia biên giới MÓT SẮN gửi về cho các đơn vị đang tác chiến ăn mà đánh nhau.” (trang 15).
Và cuộc chiến ấy không ai hình dung ra sự khốc liệt đến tận cùng của nó “ Chỉ biết là sẽ đói lắm. Đói mê mẩn đói bền bỉ. Đến rừng cũng đói”( trang 15)
Và cả tác phẩm ấy xoay quanh gần 3 tháng bên kia biên giới, đất Cămpuchia của cả đoàn quân đi mót sắn để làm lương thực gửi ra tiền tuyến. Câu chuyện tưởng như không có gì để nói ấy lại cả một thử thách khắc nghiệt, tàn nhẫn và nhiều lúc đẩy con người ta đến tận cùng bản năng tồn tại.
Tôi đọc và khóc và cười và lại khóc…để cuối cùng trào dâng một cảm giác thật lẫn lộn khó tả, đầy ám ảnh vừa xót xa vừa khâm phục vừa hoài nghi mọi thứ nhưng cũng lại tin tưởng tuyệt đối…vào nhân cách, lý trí và trái tim của con người. Nhất là những người lính sinh viên ấy.
Không muốn viết nhiều mà muốn mọi người hãy tìm đến và đọc tác phẩm, nó không chỉ cho ta biết thêm về sự thật chiến tranh mà nó còn cho ta thêm bản lĩnh về cuộc sống và lòng biết ơn, kể cả sự thở phào may mắn rằng ta đã không phải sinh ra để được lựa chọn như thế.
Đọc xong tác phẩm điều ám ảnh tôi là những chi tiết rất thực: hình ảnh những cán bộ từ chiến trường ra nhận quân gầy đen đủi, áo quần rách rưới…, “những bộ đội hành quân đi B2 mà đói. Họ bò không nổi…” ( trang 45) và họ “Sống ở ngay cái chết chứ đâu…” ( trang 17); chi tiết anh Thiện người Đại Từ ( đồng hương quê tôi) tỉnh bơ khi bị kiểm điểm: “ Bố tôi cho hẳn một đứa con trai đi theo quân đội đánh giặc chả tiếc mà quân đội lại tiếc bố tôi đôi dép”; rồi anh Quyết trả lời về vụ không mặc quần đùi; hay anh Tiến và Pơn dặn dò: “ đừng để cái đói nó làm tầm thường những sinh viên miền Bắc nghe mày…”(trang 154) Đó chính là tư chất của những người trí thức những chàng sinh viên đại học này.
Tôi cũng không kể về những sự hy sinh mất mát mà tôi đã khóc mỗi khi đọc lại, tôi chỉ muốn viết về tình đồng đội của những người lính. Không phải viết về tình đồng đội của những người cùng A, cùng B vì họ sát cánh bên nhau trong ranh giới mong manh của cái sống và cái chết thì tình đồng đội ấy vô cùng thiêng liêng. Mà tôi muốn nói về tình đồng đội chung của những người lính đang sống và chiến đấu ở mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng khốc liệt này, họ không hề biết nhau: Đó là anh Diện, người lính gần 10 năm trông kho, thương mấy chú lính mới, khi chuyển đi chỉ mang theo chiếc ống bương bàn thờ Bác Hồ; đó là người lính già B3 cũ da tái ngoét gầy hốc hác phục kích đội trộm sắn nhưng rồi lại chia cho mấy anh lính trộm sắn điếu thuốc rê ( trang 93); đó là hai mấm mộ chôn cái ba lô và cái ăng gô có cành hoa Dã quỳ đã khô của những người lính đã hy sinh nằm lại đâu đó dưới dòng sông kẽ đá ( trang 113); đó là sự cảm nhận đồng đội qua dòng chữ khắc trên thân cây sắn “ Kim Động Hải Hưng – Nhớ mẹ”….( trang 123)
Nhưng đọc hết tác phẩm tôi lại không còn cảm giác bi lụy, nỗi buồn chiến tranh là đương nhiên, sự phi lý của chiến tranh cũng là đương nhiên nhưng sự phi thường của con người mới là điều kinh ngạc. Cái cao thượng có, cái tầm thường có, cái đau đớn phẫn uất có…nhưng vượt qua tất cả điều đó những người lính sinh viên này đã sống, đã chiến đấu và trở về. Có thể họ trở về nguyên vẹn, có thể họ chỉ trở về trong ký ức của đồng đội, nhưng họ vẫn sống.
Và điều khiến họ vượt qua có rất nhiều thứ, nhưng có lẽ mạnh mẽ nhất là những giấc mơ gọi mẹ, tình yêu đất nước với cảm giác thiêng liêng đến tận cùng khi đứng bên này sông nhìn sang bên kia sông: đó là biên giới của Tổ quốc mà chỉ một dòng sông thôi họ có thể sờ thấy bờ… đó là những lý do xác đáng nhất đã nâng bước họ, bao bọc ôm ấp họ (khi cả lúc họ chỉ có mặc áo mà không quần…hihi)
….Tác phẩm giống như một cuốn hồi ký, các nhân vật không có diện mạo rõ nét, không có phát triển tâm lý đỉnh điểm…như tiểu thuyết bình thường, bởi vì tác giả không sáng tạo ra nhân vật mà các nhân vật rất đời ấy đã tạo ra tính cách điển hình của mình. Giọng văn vừa hài hước vừa tưng tửng nhưng rất sâu sắc và nhoi nhói trong cái trần trụi sự thật. Cả thiên nhiên với rừng đói cùng quều qoài cành lá “ rừng èo ọt gió”, những vết lõm của thân cây treo võng, tiếng chim kêu khắc khoải và cả tiếng hát “ Hời Pa cô ơi…” cứ mênh mang trong rừng đói…
P/S: Tôi đọc một mạch tác phẩm và cũng viết một mạch cảm xúc của mình. Không phải là phân tích hay bình luận vì chưa đủ thời gian để nghiên cứu và cắt nghĩa mà chỉ viết trong sự run rẩy của trái tim khi nghĩ về các anh, nghĩ về một thời khói lửa. Có thể lịch sử và thời đại nhiều vấn đề cho chúng ta cảm nhận, nhưng có một điều không bao giờ được phép lãng quên đó là xương máu của bao người đã đổ vì trách nhiệm công dân, vì lý tưởng của một thời đại, vì nhân phẩm của con người! Có một câu nói tôi nghe được đâu đấy là chỉ những người không tham gia chiến đấu mới tung hô chiến thắng, tôi không hiểu lắm về ý nghĩa này, nhưng tôi cũng nghĩ với các anh, những người lính qua bao thế hệ, họ đã THẮNG trong cuộc chiến, và tôi cũng run rẩy khi nói từ Chiến Thắng!
Viết tặng tác giả Nguyễn Trọng Luân đúng ngày sinh nhật anh, có gì chưa đúng chưa đủ thì đó là do em chưa thể thấm hết hiểu hết những gì các anh đã trải qua…( à và em đang thắc mắc, những người đã hy sinh như anh Khoát đã đưa được hài cốt về Việt Nam chưa ạ?)
22/9/2017

THOÁNG MÙA XUÂN ĐÃ 40 NĂM -Nghệ sĩ Bích Tuyển ngâm

MÂY TRÊN TRỜI QUẢNG TRỊ-Nghệ sĩ Bích Tuyển ngâm

ĐÊM CUỐI CÙNG MẸ RU CON-Nghệ sĩ Bích Tuyển ngâm

Ngỡ là yêu-Nghĩa trang dưới lòng sông ( Nghệ sĩ Bích Tuyển ngâm )

Saturday, September 16, 2017

TRONG GIẤC MƠ CON MẸ CŨNG TẢO TẦN




 Trong giấc mơ con mẹ cũng tảo tần
Mẹ về đấy mẹ thương con mẹ đói
Mẹ khiêm nhường cả trong làn hương khói
Ngày mẹ đi con cái chẳng dư dả gì

Chẳng cáo phó ngoài đường, chẳng tin buồn trên vô tuyến
Vòng hoa là hoa của quê hương 
Hoa tết bằng tay của bà con chòm xóm
Mẹ đi trên vai của trai tráng trong làng

Hương khói mẹ dập dờn đồng lúa
Có đàn cò trầm tĩnh lội xung quanh
Hôm con về xuôi ngô non cựa giấc
Mộ mẹ nằm gối mát dòng kênh

Năm này rồi lại sang năm khác
Mồ mả làng mình muôn năm cũ mẹ ơi
Hồng phúc cho làng mình chưa có đô thị mới 
mồ mẹ nằm còn được thảnh thơi

Tần tảo cho đến ngày giã biệt
Nay trong giấc mơ con mẹ vẫn cứ tảo tần
Đừng có đua đòi quên mẹ nghèo mà đập đầu theo thần tượng
Lí tưởng nào thần tượng được bao lâu?

Thèm thiêng liêng ư? thì hãy về với mẹ
Đứng trước mồ cha mồ mẹ vấn lại mình
Áo mũ có xênh xang hề quan trượng!
Cũng chỉ là hư ảo nhục vinh

7/9/2017

Bản nhạc " MÃI GỌI TÊN SƯ ĐOÀN "




Bài hát này tôi viết từ lúc còn ở Đồng Dù CỦ CHI. Lúc ấy được phân công viết bài hát về Truyền thống sư đoàn. Cuối tháng 9 viết xong thì cũng là lúc sinh viên được về . Chưa kịp dàn dựng hát thử lần nào và tôi cũng mang bản nhạc về và quên không bo giờ nhớ lại.
Cuộc sống mưu sinh sắt thép với phế liệu kim khí khiến chả bao giờ nghĩ một ngày mình lại sờ tới văn thơ âm nhạc. Năm 2010 tôi về hưu. Hưu rồi bần thần giở đống sách cũ khai quật được khối bài thơ bài hát viết từ khi còn ở chiến trường. Trong đó có bài này. Lúc đầu bài này có tên ĐỒNG BẰNG HÁT VANG KHÚC ANH HÙNG CA. nhưng năm 2011 tôi đã xem lại và sửa lại thành "Mãi gọi tên Sư đoàn"
Bài hát được tốp nam Đại học NGhệ thuật QĐ hát lần đầu. Cuối năm 2011 tôi mang vào tặng Sư đoàn 320 QĐ 3 cả bản nhạc cả đĩa thu.
Một lần vào năm 2015 tôi có dịp công tác ở Tây Nguyên, một hôm ngồi trà nước với cán bộ Sư đoàn. Tôi hỏi: Sư đoàn nổi tiếng vậy mà không có bài hát truyền thống nào a? Lập tức Phó chính ủy trả lời :
- có chứ , chúng em có bài Mãi gọi tên Sư đoàn. Họ vẫn hát đấy anh không nghe thấy à?
- Bài của ai thế hả phó chính ủy?
- Bài của ông Nguyễn Thành Luân. Tất cả mọi người không hề biết tác giả ngồi bên cạnh họ.
Tôi cũng im lặng,
năm 2016 nhạc sĩ Đinh Ngọc Toán đến đưa cho tôi cuốn NHững bài hát của quân đoàn 3 trong đó có bài MÃI GỌI TÊN SƯ ĐOÀN . Tác giả là Nguyễn Thành Luân. Và lời bài hát thì sai lung tung. Đinh Ngọc Toán bảo, anh mắng cho họ một trận đi anh ạ. 
Bây giờ mỗi kì đón huân chương hay kỉ niệm ngày thành Lập Sư đoàn họ đều dựng bài hát này. Mãi năm ngoái Đại tá Khuất Duy Hoan nguyên TL phó Quân đoàn vào dự ngày thành lập trung đoàn 48 khi nghe bài này mới cải chính rằng đó là Nguyễn Trọng Luân.
Chuyện vừa buồn cười vừa buồn...

11/9/2017

 

Ăn sáng ở bờ hồ Hoàng Cầu.


Từ ngày nghỉ hưu mình đâm ra hay nhìn người rồi đoán người này đã nghỉ hưu hay chưa.
Một sáng, ngồi ăn bún cua . Thấy hai thực khách quần sooc trắng . Trong hai ông có một ông áo phông cá sấu bụng bự bước vào. Mình lại đoán. LOại này nghỉ hưu rồi.

Họ rôm rả . Nghe là biết từng làm cán bộ khá. Mà khu này toàn là cán bộ to cả thôi. 
Một ông ca cẩm vợ son tô cả ra mép đi nhảy ngoài gò Đống Đa chỗ ông Nguyễn Huệ đứng. Ông kia thở dài :
- nhưng mà bà ấy không mè nheo cắc cớ là được rồi. Kệ ông ạ. Đàn bà ngoài 60 nhảy gì cũng vô hại.
Đỡ bát bún thơm phừn phựt . Ông áo cá sấu vừa lau đũa vừa nói:
- con mẹ nhà tôi nó bắt tôi đi tiểu cũng phải ngồi bồn cầu. Nó đứng ngoài cửa kiểm tra hẳn hoi. Mịa . Có đau không hả ông.

Vừa lúc mình xong bát bún. May quá. Bất giác nhìn xuống mũi dép tổ ong của mình

12/9/2017

Bão vào miền Trung


Thương lắm miền Trung áo mỏng
Bão giông còng thân tảo tần
Hoa Muống quê mình hiền lắm
Tím chiều dập bão mù khơi

Em gánh chiều qua bãi cát
Gánh cả chân trần cá tôm
Chiều nay oằn mình giông bão
Em gánh bão trên lưng ong

Thương lắm miền trung áo mỏng
Thương lắm bãi hiền trắng phau
Cát đỡ loang loang hoa tím
Bão về Muống biển cũng đau

( nghe tin bão đổ vào miền Trung)
14/9/2017

Tây Nguyên-Nguyễn Trọng Luân trình bày

Thời Trai Trẻ Hào Hoa - Nói Lời Đồng Đội (15/9/2017 )

D 76

Ngày ấy má như căng sữa
Mắt như vừa mừng vừa lo
Bây giờ đã thành đen bạc
Đời như vai diễn tấn trò

Chỉ còn dưới con mắt mình
Yêu thương với những chiến binh
Ngày ta chia cơm sẻ máu
Nào ai phiền đến công danh

Thương cho những ai nổi tiếng
Chém gió trên những nhục vinh
Tiền nhiều nhưng mà ít bạn
Làm sao bằng được chúng mình

Vợ mình không lên mặt báo
Chỉ cười khóc theo mình thôi
Ai cũng nói " DÊ BẢY SÁU" ( d76)
Là tiểu đoàn của chồng tôi.

sáng 16/9/17

Kính gửi hương hồn các liệt sĩ (15/9/2017 ) tiểu đoàn D76

Friday, September 8, 2017

MỘT NỬA MÙA THU


Heo may quá sớm như mùa mưa ướt
Thu đã đi một nửa thu rồi
Một nửa thu vàng mắt lá
Một nửa còn xanh nửa bàn tay


Tròn xoe mắt trái thị nhìn xa lạ
Sớm mùa nay người cũ ở quê mình
Người cũ không về thu một nửa
Một nửa tìm xa ngái ở xa xanh

Ngô vườn mẹ có hai màu thu nhuốm
Hoa xác xơ mà trái bắp căng tròn
Một nửa em nhớ anh cựa mật
Một nửa chốn tìm như thể hoàng hôn

Anh ngó lên làn mây trắng mỏng
Thu trôi trôi khúc khích tiếng ai về
Anh xòe đếm trên bàn tay người lính
Còn nửa mùa thu thèn thẹn đam mê

sáng thu 9/9/17

Sunday, September 3, 2017

NHỚ ĐỒNG ĐỘI



Cười cười đấy nhưng nỗi lòng vẫn nhớ
Bao đứa nằm đâu không biết ngụm bia nào
Khôn thiêng hãy về cùng ngồi nhậu
Bốn lăm năm rồi hương khói ở đâu

2/9/2017

KHÔNG ĐỀ


Nào gửi nhớ gửi thương ngày đi vắng
Tháng 9 ư ? Trái bưởi rám má gầy
Em tít tắp ở nơi kêu xa lắm 
Em đã mùa anh, thu chớm vòng tay

3/9/2017

Lễ Kỷ niệm 45 năm ngày nhập ngũ

Hôm nay sao trào nước mắt
Ngồi vẽ những là phông màn
Rồi mai mít tinh tay vỗ
Chúng mày chẳng về hân hoan


Rượu uống những thương những nhớ
Những mùa mưa sốt trọc đầu 
Những hài cốt không lời hứa
Những mặc niệm như cứa nhau


Tao ngồi vẽ phông kỉ niệm
Vẽ sao hết nỗi đoạn trường
Nụ cười đôi mươi tươi rói
Sót xa suốt trời quê hương


Trưa 3.9.17.
Xuân Đỉnh.

Saturday, September 2, 2017

THU SÁNG


Sao vàng thế sáng nay màu gió
Cũng xun xoăn trên từng cánh lá gầy
Ta bất lực ngước lên mùa di trú
Nhặt được lời thu ở bàn tay

Hoa mua bắc cầu từ mùa hạ
Lối sang mùa em liếp cỏ sương
Ta bước về phía ga tàu cũ
Ngày ra đi thu vàng ở bên đường

Sao nhẹ thế sáng nay sương nhẹ thế
Cần lao về quê, Hà Nội phố bần thần
Ta thấy Hồ Tây không bao giờ trẻ,
Thấy mùa Thu bất lực với thi nhân.

1/9/17

CHUYỆN PHÁ ĐÌNH ( trích )



( TRÍCH- Chuyện phá đình )
Tân binh mùa thu 
1
Đã hết mùa thu. Những rừng bạch đàn trên vùng trung du lá đã lấm tấm vàng. Chỉ vài hôm khi cánh lá chuyển sang vàng hươm hươm là nó rời cành rơi quay quay xuống cỏ. Những cái lá nhỏ dài như cái cặp ba lá của con gái rải một tấm thảm màu nâu trên cỏ. Cả mặt đồi thơm như một thứ dầu thơm sức trên tóc những bụi hoa sim lốm đốm màu tím. Ve cũng không còn kêu, đàn bò cũng đã ngoe nguẩy cái đuôi đi xuống chân đồi. Ở đó cỏ vẫn nhiều và lẫn những bụi hoa lìu đìu tím như quả vối chín. Bò mẹ bò con ngển cổ kéo những ngọn lá đùm đũm, có những núm gai như răng cưa mềm mềm vị ngọt. Chỉ ở chân đồi đàn sáo bạc má mới lại gần trâu bò, chúng nhẩy trên lưng trâu, lưng bò mà rỉa những con rận bám chắc ở vai, ở chân lông trâu, thỉnh thoảng lại bay ré lên vì tiếng súng Ak từ trường bắn gần đó nổ bôm bốp vọng lại.
Thường bó gối ngồi chờ đến lượt mình vào bắn. Thế mà đã hai tháng trở thành người lính. Mới hai tháng trước cứ sáng ra lại đi tìm sách vở để lên lớp. Vội vàng đến quên cả ăn sáng. Mà làm gì có mà ăn. Vậy mà bây giờ những bữa cơm ngô lúc trời còn tối đất ăn vào vẫn thấy nhễnh nhãng như lúc còn ở trường nhịn ăn sáng quanh năm. Ngón tay chai ở mặt trong ngón thứ ba vì cầm bút bây giờ thấy ngưa ngứa.Thì ra những mụn chai ấy nay đang mềm trở lại, nó mềm lại thì nó sinh ra ngứa. Ngứa như mọc da non một vết sứt sẹo nào đó. Thường lấy búp sim kì sát lên chỗ ấy, nhựa sim thâm thâm lên ngón tay giống hệt như bàn tay người quê sao chè búp. Thế là đỡ ngứa. Hóa ra những thứ nhựa đắng chát lại có ích, càng chát càng đắng, nó càng làm dịu những cơn ngứa hoặc những chỗ nhiễm trùng trên thân thể động vật.Mặt trời lên, sương cũng đã tan hoảnh. Đứa thì rúc vào bụi sim đứa ngồi dựa gốc bạch đàn, sườn đồi trường bắn heo heo khói đạn màu lam và tan đi rất nhanh. Cả đại đội toàn những chú lính sinh viên mùa thu. Thường bật cười, chỉ một câu thơ trong lá thư tình của cô bạn trường Sư phạm nào đó viết ngoài phong bì : Gửi anh, lính mùa thu Phạm Thường. Thế mà phiên hiệu của đơn vị này thành cái tên nghe rất chi là văn học. Lính mùa thu. Đang mải mê nghĩ ngợi thì B trưởng gọi tên mình. Thường bật dậy xách súng vào bệ.Trước mặt là màu rừng và hình đen thẫm của tấm bia như đang muốn chìm vào hoa cỏ.Anh đưa súng lên, bỗng như trước đầu ruồi mọi thứ sáng lên. Thường nhìn rõ sau tấm bia là một bụi sim rất nhiều chấm li ti tim tím. Màu tím nhập nhòe như vạt rừng mua trên bờ đầm nước quê anh hôm nào… Khẩu lệnh của cán bộ phát ra khô lạnh. Ngón tay giữa đang ngứa của Thường cọ vào vòng cò khẩu tiểu liên. Thường cảm thấy thật đỡ ngứa, thấy vết chai học trò biến mất ngay khi viên đạn vừa ra khỏi nòng.
Đời người đặt một dấu chấm than ở đúng cái lúc bóp cò súng. Viên đạn bắn ra đầu tiên của Thường dù chỉ bắn vào hình nộm trong khoảng không những hoa mua hoa sim cũng để người con trai xúc động. Đúng khi tiếng nổ đoành xé tai cũng là lúc mắt Thường thấy màu hoa tím trên đồi rách toạc. Có một con cò dưới đồng lúa bay lên hấp hoảng nó muốn sà xuống lúa xanh, mỗi lần sà xuống nó lại giật mình vút lên rồi nó mải miết bay đi khuất. Khẩu lệnh tháo đạn đứng dậy rơi vào không trung. Anh B trưởng tưởng Thường sợ quá nằm cứng người không dậy nổi bèn lại gần kéo Thường đứng lên. Thường như mộng du đi về vị trí thu dung phía sau.
Bữa ăn hôm bắn đạn thật của đơn vị có tí chất tươi. Sáu người một mâm hôm nay có thêm đĩa thịt lợn luộc. Cái đĩa sắt tráng men Hải Phòng dải những miếng thịt mỡ mỏng tang . Ngồi bên Thường, anh Ngoạn A phó cười và đọc câu thơ
“Lạng thịt mỡ thái được trăm miếng thịt
Gắp một thì thèm chịu nhục gắp năm .”
Ở cái đại đội toàn lính sinh viên đại học này lọt vào mấy anh giáo viên cấp 2. Thảo nào Thường thấy các anh ấy già hơn và phát ngôn cũng tằn tiện hơn. Cứ nhìn vào độ nể của cán bộ trung đội đại đội thì biết.Anh Ngoạn cũng ba mươi tuổi. Anh quê Nam Định khỏe như lão nông. Anh bảo vớiThường, chúng mày là học trò yếu chả có gì đáng trách. Nhưng đã là sinh viên rồi mà không biết lịch sử nước mình thì đáng ghét. Những hôm ở thao trường, ngoài lúc tập tành ra là thấy anh ghi ghi chép chép. Anh khoái nhất là nghe các bá các cô ở vùng Hà Bắc gọi bộ đội, chú chú trỗi mà ăn con củ. Lúc đầu lính ta ngơ ngác, sau thì mới biết là dân họ quí bộ đội họ gọi các chú, dậy mà ăn khoai lang luộc. Anh Ngoạn bảo với Thường về quê mình mà mời bố ơi ăn con củ này thì chắc dính đòn no.
Anh Ngoạn được cấp trên giao nhiệm vụ là A phó. Cánh lính sinh viên ngoại ngữ về tiểu đội của anh còn sinh viên Tổng hợp và Mỏ thì ở B khác. Ở vùng đất bán sơn địa này sao mà ruồi nhiều thế, nhà nào cũng như nhà nào rổ khoai luộc phải đậy điệm bằng cả cái nón lá lên chốc, ấy vậy mà khi mở cái nón ra ruồi lao vào như kẻ chết đói.
Chiều hôm ấy đi thao trường về thấy cô con gái nhà chủ vác cái gầu sòng để đầu trần, anh Ngoạn hỏi:
- Nón của em đâu mà không đội thế hả Cún?
Cún cười:
- Em mất cái úp chốc rồi. Cún lại cười hí hí.
Thì ra cái nón của cô Cún đậy rổ khoai luộc phần cho tiểu đội Ngoạn khiến Cún đi làm không dám lấy cái nón ra mà đội. Tối ấy anh Ngoạn hí hoáy ghi chép. Thường lân la lại gần ngó vào, thấy anh viết :…” em à, dân ở đây gọi khoai lang là con củ,cũng giống như quê em gọi cụ già là bủ, nói một lát là một dơn. Mỗi vùng anh qua là một vùng mới mẻ mà nếu ta cứ ru rú ở một xó nhà thì đâu có biết đất nước mình phong phú đến thế…”. Ôi tiểu đội phó Ngoạn viết nhật kí như nhà văn vậy,Thường bắt đầu thấy A phó của mình đầy bí hiểm.
Bây giờ thì ai cũng đã quen với tác phong bất di bất dịch của lính thời chiến. Thường cũng thấy chẳng đến nỗi như người ta kể, rèn quân đi B đến khô xác cả người. Bằng chứng là vào bộ đội hai tháng anh đã lên hai ki lô.Khi xưa ở nhà gánh hai thùng nước đã thở như trâu kéo gỗ thì nay mỗi tuần hành quân bộ 10 cây số, đeo hai mươi lăm ki lô gạch vẫn thấy bình thường. Chả có cái gì con người không thể làm được, chỉ có sợ quá mà không dám làm thôi. Chiến đấu cần những người dám đánh giặc chứ không cần những người đợi phải biết đánh giặc mới ra trận. Hay thật, ông chính trị viên người dân tộc mà nói hay thế
***
Thường nhận được thư của Ngũ. Ngũ nói đang đi thực tập công nghệ ở xưởng trường 4 tuần. Ngũ kể về làng quê đang lâm vào đói kém sau mùa lũ, kể những vui vui háo hức của đời sinh viên lần đâu tiên bước vào xưởng trường với đầy những máy móc thiết bị hiện đại. Chiều ăn cơm xong cả tiểu đội vội về nghỉ ngơi để tối nay sinh hoạt văn nghệ với trường cấp 2 của xã nhân ngày 20/11. Thường lững thững một mình đi lên đồi bạch đàn rìa làng. Anh vun một đống lá bạch đàn khô làm một cái nệm ngồi xuống nhìn ra tràn đồng cày vỡ những hàng cày xoắn vỏ đỗ đất nâu sám trong chiều chớm đông.Heo may! Thường bỗng nghĩ thầm là gió lạnh sắp về. Bỗng dưng buồn. Những hôm hành quân đêm, qua nơi trường cũ của mình sơ tán cũng thấy buồn như hôm nay, khi thấy bạn mình đang khấp khởi với ngưỡng cửa kỹ sư hiện ra. Còn mình, mình sắp đi đến một chỗ không xác định ngày về. Trong thư không thấy Ngũ kể về An, dù lúc ở nhà, Ngũ cũng đã biết Thường và An ríu rít với nhau. Lâu nay, phần do suốt ngày lăn lê bò toài, phần cũng tặc lưỡi thôi dấn vào yêu biết đâu làm khổ người ta khiến anh cũng muốn quên An đi. Nhưng hôm nay bỗng anh nhớ An thế, nhớ mùi mồ hôi người con gái quê mình dưới một đêm trăng. Anh tự hỏi, nếu không có chiến tranh liệu mình có lấy cô ấy không nhỉ? Thường đọc đâu đó những câu chuyện chính chuyên của con gái yêu bộ đội rồi, những anh bộ đội nặng thề với người yêu nơi quê nhà mà cũng vẫn không tự tin với mình. Sự yêu có khi người ta thấy không rõ ràng nhưng mùi của tình yêu thì rõ lắm. Thường biết, những chú lính mới như mình cũng nhiều người có tâm sự như mình nhưng chả ai nói ra, chiến tranh là cái cớ để trai gái vội vã yêu nhau, vội vã xa nhau chả có lỗi gì. Chiến tranh cũng lại là nguyên nhân nẩy sinh nhiều mối tình cao đẹp lung linh chói lọi trong sách trong báo. Mấy ông nhà văn có khi tình yêu của họ cũng be bét lắm nên các ông ấy hay mơ về một tình yêu đẹp, mà vì thế nhà văn tả tình yêu rất đẹp. Người ta viết nó đẹp đến nỗi người đọc cứ ước gì nhân vật trong truyện ấy là mình nhỉ, mặc dù cái nhân vật ấy sẽ chết. Dù sao thì cũng phải cám ơn các nhà văn, cái giá của cuộc sống, của tình yêu trắc trở, của nhà văn cũng quí hóa thật. Thường bật cười một mình, chả dại gì mà làm nhà văn rồi duỗi chân thẳng ra ngả mình nằm xuống cỏ.
Trời trung du xám dần vào tối khiến Thường nhìn thấy rõ hơn một ngôi sao mọc rất sớm phía chân trời.Chợt nghe tiếng bìm bịp ngoài bờ ao. Mùa đông tới rồi,chả biết mẹ có nhớ trước ngày đi, anh mua biếu mẹ miếng vải chéo go để mẹ may cái áo bông đã kịp may chưa. Thường ngửi mùi lá bạch đàn thơm ong ong chợt nghĩ nhớ tới cái mùi cỏ vòi voi hôm nằm nhìn trăng với An. Mới hai tháng thôi mà đã xa vời vợi.

Anh Ngoạn hối hả từ xê bộ về, tay vẫn cầm cuốn sách VNQĐ. Nhào vào nhà gọi :
- Thường ơi
Thường chạy ra :
- Việc gì hả anh? Hành quân hay báo động?
- Hành gì đâu, tối nay có liên hoan thịt lợn,ăn xong họp ngay. Mỗi Bê một hai bài hát, A mình mày phải hát thôi.
- Sao lại thế?
- 22/12 mà. Hôm nay mới là 20 nhưng như thế có nghĩa là ngày 22 có vấn đề…
Thường nhẩm tính, ừ nhỉ còn ba ngày nữa là 22/12. Mấy hôm nay lính tráng cứ kháo nhau mong cho đến ngày đó để có liên hoan để được miếng thịt. Mỗi lần có sự vụ gì mà được mổ lợn Thường thấy như ăn tết ở nhà. Lính ta gọi những bữa có thịt là bữa ăn hạnh phúc. Bữa ăn hôm đó nhìn nhau đáng yêu hơn, từ lính đến sĩ quan sao mà vui hơn hớn, những lá thư đến vào ngày có thịt cũng thấy vui hơn.
Nghĩ vậy mà Thường lại chợt buồn ngay, sao cuộc sống bỗng dưng mong manh thô thiển đến thế nhỉ? Rồi rất nhanh chóng, anh quên ngay chuyện lí giải về miếng thịt và gọi thằng Chung, thằng Mát đi ăn cơm. Anh Ngoạn dẫn đầu tiểu đội áo quần chỉnh tề mang theo vũ khí đi hàng một xuống nhà ăn ở chân đồi. Các tiểu đội khác cũng xếp hàng, còi thổi toe toe bước chân rậm rịch. Đã gần tháng nay chả hiểu sao đơn vị không được ở trong nhà dân mà di chuyển ra rừng bạch đàn làm lán dã chiến để ở và tập luyện. Thôi thì đủ kiểu phỏng đoán, nào là sẽ đi đánh thành phố, nào là đây là nhiệm vụ luồn sâu vào tít tận Sài gòn. Nhiệm vụ đâu chả biết, chỉ biết mùa đông tới rồi, lán trại phong phanh, nước nôi khó khăn, lính đã khổ nay càng thêm khổ.
Chưa xuống tới nhà ăn, thấy cậu liên lạc chạy vội tới : A phó Ngoạn ơi, anh lên ngay C bộ có việc. Anh Ngoạn rúi vào tay Thường tờ đăng kí bài hát của A mình rồi chạy theo liên lạc,tay vẫn ngúc ngoắc cái bát B52.
Anh Ngoạn bước qua cái cửa liếp tre vào nhà chỉ huy, sững người lại. Vợ anh ngước lên nhìn anh, đôi mắt lăn ra hai giọt nước. Hai vợ chồng nhìn nhau như quên hết mọi người xung quanh,thay vì giơ tay nắm tay chồng thì chị lại nắm chặt chén nước gạo rang trên bàn.Bàn tay rung lên sóng sánh đổ ra bàn những giọt nước màu vàng thơm mùi cơmcháy.
- Mình lên đấy à, bu có khỏe không? Sao biết tôi ở đây mà lặn lội cho khổ thân mình.
Đến lúc này thì chị Năng bật khóc. Chỉ cách có một nhảng chân thôi mà chị không dám nhao lên ôm lấy chồng.Anh Ngoạn cũng thế, bỗng chốc bao nhiêu điều cần nói thì cứ bư bứ trong họng phải đợi đến lúc anh Đại đội phó nhắc khéo, thôi nào vợ lên mà không cho vợ ăn cơ à? Ngoạn mới chợt nhớ ra chắc vợ anh đói lắm rồi đi từ Nam Định lên mất cả một ngày trời thời buổi chiến tranh lấy gì mà ăn đường.
Đại đội phó bảo Ngoạn:
- Anh lấy cơm về lán A mình ăn cùng với vợ.Anh nhìn Ngoạn ái ngại, tối nay ngủ nghê dưới A tự bố trí thôi, đơn vị không có nhà tiếp khách vì sắp …hành quân. Anh hạ giọng… Phải chuẩn bị tinh thần đấy Ngoạn ạ, chiến tranh là chia li mà.
Khỏi phải nói cả tiểu đội mừng thế nào trong bữa ăn hôm ấy. Thằng Chung, thằng Mát thì lo bê cơm về cònThường chạy vội về dẹp cái sạp nứa gọn gàng để tiếp khách. Lúc anh Ngoạn đưa vợ về tiểu đội vừa bước vào lán vợ anh Ngoạn kêu lên:
- Ôi chú Thường . Anh Ngoạn ơi, chú này người làng mình. Thường ngẩn người nhận ra chị Năng con ông Vang bên xóm Đầm. Tuy chị hơn tuổi và Thường cũng đi học xa nhà nhưng chị là người con gái đẹp nổi tiếng của làng nên ai cũng biết chị.
Anh Ngoạn sau phút ngạc nhiên rồi cười phá lên, thảo nào nó nói cái thang là cái đừng thế mà anh nghĩ ra là nó quê Phú thọ. Ha Ha! Trai Phú Thọ được đấy ha ha. Bữa cơm tối vui thế nhưng cũng không được lâu. Ngoài kia đại đội đang văn nghệ tại chỗ, riêng A anh Ngoạn được ưu tiên văn nghệ ở nhà.Chị Năng tíu tít kể chuyện về nhận được thư của An ở quê gửi xuống nói chuyện anh Thường bạn thân của em cũng đi bộ đội, chị bảo An kể bây giờ đi đâu nó cũng nhớ đến anh Thường. Thường ngồi ngây ngô bẽn lẽn, ngần ấy thời gian anh mới viết một lần thư cho cô ấy khi mới tập trung ở Mễ Trì. Còn từ bấy đến nay có hòm thư rồi anh cũng chả viết thêm lá thư nào, anh thấy mình tệ bạc quá. Chị Năng nói với chồng, chú này học giỏi lắm anh ạ, bố chú ấy làm ở Ban Chủ nhiệm hợp tác xã đấy. Có anh có em thế này em vui quá, em sẽbáo tin cho con cái An biết.
Ăn xong, thằng thì mang trả nhà bếp xoong nồi, thằng vào nhà dân xin ngủ nhờ cho vợ chồng anh Ngoạn.Nhìn vẻ mặt thẫn thờ của Ngoạn mọi người hiểu anh đang lo chỗ ngủ cho vợ đêmnay. Thằng Mát từ trong xóm về mặt buồn hiu, nó bảo dân ở đây người ta kiêng không cho vợ chồng trẻ ngủ nhờ trong nhà họ. Anh Ngoạn bảo không sao chỉ cần có chỗ cho chị Năng thôi. Cả Thường và thằng Mát cũng đồng thanh không nhất trí để chị Năng đêm nay ở một mình. Nhìn vợ mặt thẫn thờ nhìn xuống sạp nứa anh Ngoạn càng rối ruột. Bỗng có tiếng thằng Chung Ninh Bình chạy về nó reo lên :
- Xong rồi xong rồi, buồng hạnh phúc tuyệt trần nhé. Chuyến này cứ gọi là đẻ con trai hí hí.
Mọi người rục rã nói đi, nhờ được nhà ai mà đã vui thế? Nó bảo :
- Thằng Mát, thằng Thường theo tao tháo cái rơmooc công nông ở kho HTX kéo về gần lán mình quây áo mưa và vỏ chăn lên hai anh chị chịu khó nằm co một tí cũng được nhá. He he. Mọi người ồ lên và chỉ sau ba mươi phút cái buồng hạnh phúc quái dị ấy đã xong xuôi. Nhìn anh Ngoạn ôm chăn màn và cái đèn pin sang phòng ngủ mọi người trong tiểu đội đều vui đến tràn trề.

Đêm ấy đến phiên gác của Thường, sương buông lạnh, phía cái rơ mooc thì thầm, tiếng côn trùng, tiếng rung rinh mấy mảnh áo mưa sột soạt làm rơi những giọt sương đêm trên thảm lá bạch đàn khô. Thường ngồi nhìn về phía Tam Đảo những chòm sao mùa đông sáng lên vắt vẻo trên bầu trời khô khốc.
( .........)

2/9/2017