Friday, January 4, 2019

HOA ĐÀO

HOA ĐÀO
Năm 1958 tôi đi học vỡ lòng rồi. Hai năm học vỡ lòng cơ chứ. 1957 mới 5 tuổi nhưng vì ở chung nhà với bác cả lại nghịch ngợm nên khi chị tôi đi học tôi phải đi theo ngồi bên chị. Chị học dốt hơn thằng em cởi truồng ngồi bên cạnh ( chả hiểu sao mình thích cởi truồng thế). Chị bị đúp lớp vỡ lòng mình vào học cùng chị chính thức luôn năm sau. Vì thế tuy học vỡ lòng thì năm 1958 tôi đã đọc thông viết thạo. 
Gần nhà có thằng bạn bố nó là thượng úy . Ngày ấy bố nó to nhất làng. Chỉ có nhà nó tết mới có nhiều pháo nhiều kẹo và bố nó từ QK Tả ngạn về mang cho mấy tập truyện tranh. Lần đầu tiên tôi được đọc truyện tranh quí giá ấy. gần sáu mươi năm sau bây giờ tôi vẫn nhớ vẫn ngửi thấy đâu đây mùi giấy mới hít hà thủa ấy. Cuốn truyện mang tên CHIẾN THẮNG MÙA HOA ĐÀO. Đến bây giờ vẫn nhớ con ngựa phi như điên mang cành hoa đào của Nguyễn Huệ về nam tặng công chúa Ngọc Hân. Cái tên họa sĩ Tạ Thúc Bình ăn vào trí nhớ tôi từ đó.
Lớn tí nữa lại tết về cây đào ngoài vườn nhà tôi nơi tôi hay treo cái bẫy chim chào mào non mơn mởn búp mà hoa thì thưa thớt. Đào quê tôi ít hoa lắm cánh phớt hồng và mong manh như hoa Lê( bố tôi gọi cây lê nhà tôi là mắc cooc) . Sau mùa xuân những quả đào bé như mầm giềng xanh như màu lá mạ. Cây đào rõ to chỉ độ mươi lăm quả . Bố tôi bảo , đào là giống quả quí. Chả biết quí thế nào tôi chỉ ưa cái mùi quả già chưa chín có vị chua và thơm một cách lạ lùng.
Lại tết, cây đào ngoài vườn lốm đốm hoa, chim sâu nhảy chon chót trên cành cây. Tôi sợ nó dẫm lên cánh hoa nên đuổi huây huây. Con chó con nhao ra gốc đào khiến lũ chim bay vù lên cành lê đứng ngó ngoáy. Chiều 29 tết bố tôi về từ trường cấp1. Ông cất cặp sách rồi cầm dao ra gốc đào. Tôi nín thở nhìn theo. Ông ngắm nghía rồi chặt một cành to đầy búp non và lác đác mươi nụ hoa. Chả có lọ có bình, bố tôi buộc cành đào vào cột nhà. Ông bảo ngày tết dưới xuôi người ta cắm hoa đào. Tôi ngó ra cửa chuyến tàu hỏa qua cửa nhà về xuôi kéo còi toe toe. 
Tôi buồn lắm, nghe bố gọi thằng cu đốt mảnh đóm thui nhựa cành hoa đào cho nó tươi lâu. Tôi châm đóm và thui lên gốc cành đào bố vừa chặt. Chả có tí nhựa nào chảy ra. Tôi bảo bố, không có nhựa đâu bố ạ. Ông im lặng không nói gì. Cành hoa đào nhuốm khói lam nham đến là thương .
Từ ấy kí ức hoa đào với tôi là truyện tranh ông lính cưỡi ngựa gò lưng phi trong mưa rét mang cành đào Thăng Long về Phú Xuân cho vợ Bắc bình vương Nguyễn Huệ. Là chú chim sâu nhảy lách chách trên cành, là khói đốt lam nham nơi gốc cành hoa. Nhưng càng lớn lên tôi ngẫm ra rằng, hầu những loài cây trút tinh túy tạo nên hoa đẹp thì nhựa của nó càng ít. Cây Mận cây Lê cây Cúc cây Hồng cây Lan cây Ly … cây Mộc miên… chẳng cây nào có nhựa nhiều. 
Tôi ngụ lại ở Hà nội lấy vợ ở xứ này lại đúng vào vùng đất hoa đào. Ấy vậy tôi vẫn không thể thích hoa đào Nhật Tân hay Quảng Bá hay Xuân Đỉnh vùng quê vợ tôi. Tôi vẫn cứ ngẩn ngơ nhớ cây đào trên mạn ngược quê tôi rất ít hoa và nhiều búp. 
Chiều qua vợ chồng đèo nhau về mạn hồ Tây thắp hương cho Bố U nhìn người ta chở hoa đào tây bắc về nghìn nghịt. Tôi thương thế những cành cây khô khốc nụ hoa bé tí hệt như người mẹ già cam chịu rét mướt ôm ấp những nụ con thơ đang li biệt xứ người

Giang Tiên


Nửa thế kỉ qua rồi mà chưa trở lại Giang Tiên. Bỗng cảm như mình là một thứ con trai phũ phàng với người con gái từng yêu quí mình. Giang Tiên hệt như một cô sơn nữ tốt nết và vô cùng thông mình. Nàng sơn nữ ấy có tiếng chứ chả phải ngồi mà bịa ra trong lúc phê rượu phê trà.
Tôi đi qua Giang Tiên lần đầu vào năm 1969. Cuối thu,, se lạnh. Ngồi trên cam - nhông đi ngược Bắc - cạn để chặt nứa chặt tre về dựng lớp học. Qua Bờ Đậu thấy có đứa bảo, sắp đến Giang Tiên. Bật nhớ những gì mình đã đọc của Trần Đăng, của Nam Cao ( ở rừng) của Thôi Hữu nhắc đến Giang Tiên. Họ viết ở Giang Tiên nhiều quán xá gái Hà Nội lắm. Họ bảo Cà phê Giang Tiên như một gốc cây ven hồ tây với khói thuốc ẩn khuất mặt cô chủ quán, với nụ cười ngạo mạn nơi những chàng Vệ quốc quân trên chiến địa Việt Bắc. Mình chưa biết cà phê là gì cũng đã thấy mơn man háo hức nhìn gái Giang Tiên. Và, Giang Tiên với tôi là một khúc đường hai bên ken dầy cây Phượng Vĩ. Khúc đường ấy chỉ dài chừng vài trăm mét thôi nhưng chui trong một vòm cong phượng vĩ trước khi vào Giang Tiên. Cuối thu, lá Phượng vĩ nham nhở vàng và bay bay như muối vừng rơi tả tơi trong nắng leo lét chiến khu. 
Lần qua Giang tiên nữa là 1 tháng sau, tháng 11/1969 khi đi chặt nứa về từ Chợ Mới Bach Thông về xuôi. Giang Tiên có mùi cốm . Xe dừng ở thị trấn. Một thị trấn vùng cao đặc mùi thị thành Thăng Long. Thấp thoáng những người phụ nữ đẹp, lặng thinh, tóc phi dê sau quầy hàng mà quầy hàng nào cũng thơm như va ni bánh kẹo. Họ là lớp người còn lại muộn mằn chưa về lại Thủ đô. Ở Giang Tiên người ta nhớ người THủ đô đến mãi tận bây giờ.
Tôi trở lại Giang Tiên nhiều lần sau đó 3 năm. Tháng 5 / 1972 trường đại học sơ tán về Đại từ ( xã Phục linh). Tôi về quê đưa tang ông nội khi đến trường mới biết trường đã lên Đại Từ. Tôi lọ mọ tìm đường lên PHục Linh. Họ bảo lên Giang Tiên rồi đi vào Phục Linh qua Hà Thượng. ÔI Giang Tiên lại hiện ra , thơm thảo bồn chồn. Tháng năm, nắng lắm mà Giang Tiên mát y như ngồi bụi tre ven suối. Ở đây lần đầu tiên tôi ngửi mùi thơm của phở Hà nội . Từ năm đi đại học tôi chưa bao giờ được ăn phở . Chỉ ngửi thôi. Mà ngửi phở Hà nội thì lại ngửi ở Giang Tiên trên Việt bắc. Sau này nghĩ là may. Mùi ấy mới là mùi phở Thủ đô. Cái mùi vị ẩm thực chỉ chính xác khi con người ta đói. 
Có con đường đá rẽ trái từ thị trấn đi vào mỏ than Làng Cẩm. Tôi nhớ cây cầu sắt từ thời Pháp qua suối Giang Tiên. Tôi nhớ cô gái 15 tuổi dẫn đường cho tôi vượt qua núi Pháo sang xã Phục Linh. Trưa hôm ấy nắng nhễ nhại. Cô gái học lớp 7 nhà trong khu công nhân mỏ dẫn đường cho tôi còn đi lên đỉnh đồi chỉ cho tôi vào nơi tôi sơ tán. Cô bảo , có một trường đại học vừa lên đây tuần trước, eo ôi toàn là người học giỏi và đẹp đẽ. 
Chỉ sau 3 tháng ở nơi sơ tán ấy là tôi lên đường đi chiến đấu. Con suối Giang Tiên lùi lại phía sau. Tôi lại đi qua núi Pháo qua nhà cô bé dẫn đường cho tôi dạo đầu hè. Giang Tiên từ ấy xa tít tắp. 
Cái ngọn núi Pháo mà gần đây cả nước biết tên ấy là sự bẩn thỉu của lợi ích nhóm này nhóm nọ mang tên các lãnh đạo tử tế. Thôi chả nói làm gì cho bẩn trang tản văn trong sáng. Cây cầu cũ qua suối Giang Tiên và hàng Phượng vĩ nơi thị trấn hơn nửa thế kỉ qua chứng kiến cuộc kháng chiến chống Pháp của cha ông mình rội lại chứng kiến lớp cháu con Việt Bắc ra đi đánh Mĩ. Giang Tiên vẫn kiêu sa vì các ngôi nhà quán hàng hiện giờ vẫn mang tên các thiếu nữ Hà Thành hơn nửa thế kỉ trước. 
Thế mới biết, Tên đất, tên rừng , tên làng, .... ở đâu cũng vậy , đều có linh hồn.


5/11/2018

Sáng ở chung cư


( viết trong lúc đợi xem kết quả bầu cử của Mẽo )
Sáng hanh hanh vạt hoa góc chung cư lốm đốm lá phượng vĩ lăn tăn lối ra đường những bàn chân lom dom đi bộ lúc cháu con còn chưa ngủ dây.

Một cái xe đạp đi cùng người đàn bà nhặt rác chùm kín ni - ja bật một tiếng chào rất hiền giống hệt như người làng mình chào nhau buổi sớm ra đồng
Mấy lão bụng phệ chém gió tình hình bầu cử Đô na Trăm bước đường hoàng lên luống hoa sang bên kia đường, kịp nhìn thấy vệt phân cách sâm sấp nụ hoa vàng trên cỏ xanh
Ngoài ngõ có những hàng hoa chở cả mùa thu đi vào rất quê mà rất phố. Cúc họa mi cưn rưn dưới bình nước phun lạnh sót sa cứ mỗi lần chị bán hoa dừng lại ngang đường
Tôi tính nhẩm 2 vòng đi từ nhà đến hàng cháo lòng là nửa cây đi bộ rồi nhẩm tiền lẻ có đủ không để khỏi bị con mẹ bán hàng cằn nhằn sớm ra mà đã ám , vẫn biết người Hà nội là thanh lịch lắm.
Hà Nội cuối thu hăng hăng hệt như mình bị đứa bạn ngày xưa bóp vỏ bưởi vào mũi. Ồi thì ra lúc sáng sớm chửa tan sương ô nhiễm choáng cả người
6/11/2018

“Muộn còn hơn không” – nhân đọc tiểu thuyết “Rừng đói”( tác giả: Trương cộng Hoà )

“Muộn còn hơn không” – nhân đọc tiểu thuyết “Rừng đói”

VOV.VN - Rừng chứng kiến nhũng cơn đói của lính và chứng kiến họ vươn lên “không kêu đói nữa”. Chỉ còn "rừng đói”.

Một người bạn của tôi, sĩ quan cấp tướng, đưa cho mượn cuốn tiểu thuyết “Rừng đói” của Nguyễn Trọng Luân (nhà xuất bản Hội nhà văn) có chữ ký nắn nót của một nhân vật trong truyện, đại tá Khuất Duy Hoan, trước khi nghỉ hưu là phó Tư lệnh Quân đoàn 3.
Tôi đã đọc một mạch hết cuốn sách dày hơn 170 trang khổ 13x19 in dòng thưa. Và THÍCH. Và tự trách mình sao không biết “Rừng đói” khi nó vừa xuất bản? Nhưng trách là trách thế thôi chứ làm sao biết hết được các đầu sách ra từ các nhà xuất bản, các nhà sách, các vùng miền. Nhất là cuốn sách chỉ in có 1.000 cuốn. Riêng biếu bạn bè đã hết một nửa rồi.
Vâng. 500 chàng sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng ở quân khu Việt Bắc đi lính, vào chiến trường Tây Nguyên bổ sung cho sư đoàn Đồng Bằng 320 năm 1972. Và 100 ngày đầu tiên là vượt biên giới Gia Lai-Kon Tum sang nước bạn Campuchia làm nhiệm vụ đào sắn, thái lát, phơi khô rồi chuyển về phía sau cho cả sư đoàn ăn mà đánh giặc. Những rừng sắn mà đơn vị bộ đội nào hành quân qua cũng phải trồng. Trồng cho người sau ăn.
Tác giả Nguyễn Trọng Luân nguyên A trưởng trinh sát, sinh viên năm cuối cùng khoa Cơ khí Đại học Cơ Điện Bắc Thái. Anh đã có hơn 10 đầu sách cả truyện, ký, thơ, đều viết về đời lính và bạn lính. Cuốn “Rừng đói” đề là “tiểu thuyết” nhưng tên nhân vật đều là tên thật. Như vậy là đồng đội anh chấp nhận để anh có thể “hư cấu” các chi tiết. Miễn làm sao nói đúng được cuộc sống của 500 chàng binh nhất trong 100 ngày chịu đói đi "mót sắn” nuôi quân.
Hãy đọc một đoạn tác giả kể chuyện cả đại đội đói quá, nắng quá bỏ không phơi sắn, bị chính trị viên đại đội quát: "Giữa trưa nắng mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chính trị viên mặt tái ngoét ôm mớ rau sắn héo quắt vào bụng, nhìn lần lượt từng người. Chả hiểu mồ hôi ông ấy chảy trên trán xuống mắt hay là ông ấy nói xúc động quá lên nên nước mắt chảy ra. Chúng tôi thằng nào thằng nấy lại chui lên rừng, hì hụi moi sắn từ những bãi cây rầm rì.
Thật may, giữa cái đói những người lính sinh viên gặp toàn người tốt. Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội tuy không thể giải thích cho lính “sen đầm quốc tế “ là gì, cũng như không biết “người chết đứng” là Từ Hải chứ không phải là Hồ Tôn Hiến, nhưng gương mẫu, thương lính và có cách giải thích “rất lính” cho lính hiểu. Kiểu như “người lính không được phức tạp hoá tình hình. Làm phức tạp tình hình là tình hình sẽ rất tình hình”. Kiểu như “đè cái chết để nhoi lên. Sống ở ngay cái chết ấy chứ đâu”.
Một người lính coi kho “cái lưng trần đen bóng gù gù ngồi nhổ cỏ”. “Thằng Sỹ mau miệng:  Đồng bào. Đồng bào làm cách mạng lúa cách mạng dưa. Bộ đội ưng đồng bào. Cái đầu bù xù ngó lên nhìn mấy thằng lính rồi lại cúi xuống nhổ cỏ tiếp. Anh mặc quần đùi. Rõ là quần đùi bộ đội, nó cáu bẩn vì đất đỏ. Cái lưng trần nâu bóng có những vệt mốc bờn bợt trắng. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn khẩu AK để dưới cỏ.
Thằng Hoan lại lên tiếng: Đồng bào có thuốc lá bộ đội xin. Cách mạng đoàn kết. Người đàn ông ngẩng lên… "Đồng bào cái con khỉ! Thuốc hả? Có đấy.”… Đó là anh Diện, vào đây từ cuối 1965 và một mình coi một cái kho cho đến hết năm 1972 mới được giao nhiệm vụ mới. “Thằng Sỹ gọi anh là anh Rô bin sơn”. Anh trợn mắt, tao không không giống Rô bin sơn. Tao biết tao sống một mình vì cái gì, tao biết bên tao còn đồng đội chứ, biết mục đích mình sống cô độc ở đây chứ…”. Được về đơn vị chiến đấu “Anh chào chúng tôi rồi còng lưng đeo ba lô đi về phía đông. Khẩu súng AK của anh mốc thếch nép bên sườn. Trên nắp ba lô cái ông bương bàn thờ Bác Hồ lấp ló.”
Và những cô gái xứ Quảng đi tải đạn, tải lương thực, tải thương binh… Đám lính Việt Bắc chỉ được một lần gặp trung đội gùi thồ ấy. Tác giả nhấn mạnh: Nhưng chỉ một lần thôi gặp họ mà chúng tôi thấy mình đổi khác. Chỉ từ hôm ấy không thằng nào kêu đói ra mồm nữa… Riêng tác giả lần đầu tiên được một cô gái ôm  “Sốt rét thì sẽ khỏi nhưng đói thì dai dẳng đến lúc hy sinh. Em sợ… cô gái ngẩng lên nói rõ gọn và dứt khoát. Anh mần em cái hun (hôn) đi anh… Tôi không nhớ cái hôn thế nào. Chỉ nhớ mùi cánh rừng chỗ nơi các cô trú lại một đêm bên cạnh đại đội tôi. Đêm ấy cuối mùa khô 1972. Một cô gái nói giọng Quảng Nam".
Một cái chết ám ảnh những người lính cho đến hôm nay. “Trung đội thằng Sỹ có thằng Khoái đẹp trai nhà ở thị xã Thái Nguyên nó gùi sắn đi như không. Thế mà thằng Khoái đổ ốm rồi. Nó nằm rên hừ hừ gọi anh Sỹ ơi, anh vặt cho em nắm lá bứa. Bẻ cành bứa để vào đầu võng cho nó rồi cả trung đội lại đi vào rừng. Thằng Khoái nằm ăn lá bứa ôm khẩu AK trên võng… Tiểu đội quyết định hôm nay nấu ba bát gạo thay vì hai bát như mọi hôm… Nhá nhem tối có con mang ra nương sắn… Sỹ nổ một phát trúng ngay. Thằng Dương lấy lá chuối rừng quần vào vác về. Sỹ bảo, chạy nhanh lên mổ nhanh nấu cho nó bát cháo tim.
Nhưng Khoái không kịp ăn bát cháo đồng đội nấu cho.
Những người lính không kêu đói nữa. Từ đó "đêm thùm thũm trên những mái tăng và sương ướt nhâm nhấp võng. Rừng èo ọt gió. Như thể là rừng đói".
Trong cánh rừng này những người lính vẫn gọi nhau mày tao "hệt như chúng tôi đang sống ở quê. Trong cánh rừng này chưa bao giờ chúng tôi rên rỉ vì đói vì buồn. Đói lính ta vẫn hát buồn lính ta cũng hát mà vui lính ta lại càng hát”
Đọc hết câu chuyện mới thấy “rừng” cũng là một nhân vật quan trọng. Rừng chứng kiến đủ cảnh lính tráng. Từ “có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác” nhìn những chàng lính trẻ “ngắt một đoá hoa rừng cài lên mũ ta đi” đến những cánh rừng lạnh sâu thăm thẳm, nơi cả một đội hình lính cời truồng vượt suối. Và rừng chứng kiến nhũng cơn đói của lính và chứng kiến họ vươn lên “không kêu đói nữa”. Chỉ còn "rừng đói”.
Lại nhớ câu ca vang vọng một thời “ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn. Đá mòn mà đôi gót không mòn”.
Đã có độ lùi thời gian để Nguyễn Trọng Luân tả rừng đẹp, cảnh đẹp trên đường ra trận của người lính mà không sợ bị phê là “tô hồng”. Người lính Cụ Hồ, anh bộ đội Cụ Hồ, tiểu đoàn lính sinh viên đã vượt qua cái đói để sống và chiến đấu. Anh có lối kể chuyện hóm hỉnh, câu văn ngắn gọn và không sợ dùng những cách nói đầy chất lính tráng. Kể cả những lúc lính văng tục. Tôi thích một đoạn văn anh tả “vết dây võng” (trang 164):
... “Nhìn vết dây võng trên thân cây mà hiểu được tâm tình đồng đội. Thằng nghịch ngợm cựa quậy đung đưa vết dây võng cứa lam nham. Thằng chỉn chu trầm lắng vết dây hằn lõm vào vỏ cây chỉ một vệt. Trên suốt dải Trường Sơn có hàng triệu vết võng cứa vào thân cây . Những vỏ cây Trường Sơn tứa nhựa. Thời gian sẽ làm mờ đi những dấu vết đó. Nhưng sẽ phải rất lâu".
Nói theo kiểu phê bình thì tiểu thuyết” Rừng đói” đã có những nhân vật điển hình trong những hoàn cảnh điển hình. Trong lời cuối chuyện, Nguyễn Trọng Luân  nói rất khiêm tốn: "Trong bao nhiêu sự dũng cảm của người lính, bao nhiêu trận đánh hào hùng ngày ấy chúng tôi từng trải qua, chúng tôi thấy mọi sự trở nên bình thường vì chúng tôi là lính”. Chuyện về một tiểu đoàn chưa giáp trận chỉ đi đào sắn cho đơn vị ăn mà đánh nhau… không có gì li kì cao siêu cả. Ấy vậy mà những người lính sinh viên thì nhớ mãi. Nó còn nhớ rõ rệt hơn những trận đánh sau này của đời lính trận chúng tôi. Trong cái tiểu đoàn mót sắn này có hai người trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang và hàng chục dũng sĩ ưu tú.
Là một sự tình cờ thú vị. Tôi - kẻ viết bài giới thiệu cuốn sách này, tháng 11/1975 ở hậu cứ của Quân đoàn 3 tại Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã gặp, trò chuyện và phỏng vấn, phát trên đài phát thanh Giải Phóng câu chuyện của một trong hai Anh hùng của Tiểu đoàn lính sinh viên mót sắn. Đó là Thượng sĩ Nguyễn Vi Hợi - người chiến sĩ nổi tiếng trong đợt truy kích địch khi chúng rút chạy từ Gia Lai về Cheo Reo – Phú Bổn.
Một trong những khẩu hiệu mà Hợi phát loa để lính địch nghe là “hàng thì sẽ có ăn”. Tôi gặp Nguyễn Vi Hợi tại Đại hội mừng công của Quân đoàn 3 cùng với Đoàn Sinh Hưởng, lính tăng, sau này cũng được tuyên đương Anh hùng. Còn có cô bé biệt động Sài Gòn Nguyễn Trung Kiên, nổi tiếng với bức ảnh chụp đang dẫn đoàn xe tăng Quân đoàn 3 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu nguỵ.
Một chi tiết nhỏ, có thể Hợi quên nhưng tôi thì nhớ, vì đó là bài học nghiệp vụ của người làm báo. Cùng gặp Hợi có nhà báo Thép Mới (báo Nhân Dân) và một cô phóng viên báo Giải phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng, môi còn thâm đen vì sốt rét. Bạn đồng nghiệp báo Giải phóng hỏi một câu theo tôi là “hơi thô” với một người lính sinh viên. Hợi đang cười vui, bỗng nghiêm nét mặt, trả lời… Tan cuộc, tôi rỉ tai bạn đồng nghiệp “lính có học” để cô bạn thông cảm.
Chiến tranh tháng 2/1979, tôi nghe nói Vi Văn Hợi cũng chỉ huy một đơn vị  chiến đấu ở biên giới phía Bắc nhưng không có dịp gặp lại. Hôm nay, biết thêm một góc sống rất quan trọng của người Anh hùng. Xin cảm ơn tác giả “Rừng đói” và xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một cuốn sách in đã hơi lâu, nhưng đáng đọc và nên đọc.
“Muộn còn hơn không”. Nhưng thực ra chẳng bao giờ là muộn cả. Việc ôn lại những phút giây “đời người chỉ sống có một lần” trong cuộc trường chinh vì Độc lập Tự do của Đất nước, của Dân tộc./.
Trương Cộng Hòa/VOV

BÀI THƠ TRÊN BÀN NHẬU




Nào uống chén này cho thằng Khoái
Chả kịp húp tí cháo rồi đi
Chén này mình uống cho thằng Lệ
Ở tận Tuyên Quang chả biết gì .

Chén này thằng Quyết moi ra hết
Ảnh của những Minh Đức Thu Nga 
Cả anhr Ái Vân đem đổi hết
Bao diễn viên lấy một con gà

Nửa thế kỉ chiến chinh lọan lạc
Thế mà nay nhang nhác nụ cười
Tôi ghé bạn như là tôi hỏi bạn
Kiếp chúng mình bấy nhiêu nợ mà thôi

Rừng đói ngày nào èo ọt gió
THế mà nay làm chỗ gọi nhau về
Ơi những đứa sinh viên cùng nhập ngũ 
Cứ ngậm ngùi nhớ đến mùa thi
13/11/2018

DAY DỨT. ..KHÔN NGUÔI (tác giả : Trương Cộng Hoà )



DAY DỨT. ..KHÔN NGUÔI
( bài chép từ trang của nhà báo Trương Cộng Hòa- cám ơn nhà báo )

Tối qua, gặp mặt mấy cựu lính tiểu đoàn sinh viên quân khu Việt Bắc nhập ngũ năm 1972, đi Nam trong đội hình sư đoàn 320 -các nhân vật chính trong tiểu thuyết "Rừng đói" của anh Nguyễn Trọng Luân.
Nguyễn Trọng Luân tặng mình hai cuốn sách xuất bản năm 2017 (nxb Hội nhà văn). Tập truyện ngắn "Bóng đổ nhà mồ" và tập hồi ức lính trận d 76 sư đoàn 304 B nhan đề " Thời trai trẻ hào hoa".
Chiều nay đọc được mấy truyện ngắn : Bãi Giữa-Bóng đổ nhà mồ-Chiều cuối năm- Chuyện trong ngày họp mặt trung đoàn- Chuyện ở nhà thằng Sơn C20- Đêm ở Sài Gòn không ngủ- Chuyến tàu cuối năm- Bông hoa Pơ lang- Cựu chiến binh".
Trừ truyện ngắn "Đêm ở Sài Gòn không ngủ" viết theo dạng "liêu trai" còn đều viết theo dạng "tả chân", Câu chữ ngắn gọn nhưng không kém phần "văn".
Mình không muốn dùng hai từ 'ám ảnh" hay "hội chứng " nhưng quả thật day dứt khôn nguôi. Không đợi đọc hết cả hai tập mà muốn bộc bạch tâm trạng của mình.
Nguyễn Trọng Luân thật yêu quê hương. Những câu chữ của anh nói về con sông thở than, bãi giữa đón nhận tiếng vọng của cuộc sống đôi bờ dòng sông, một cái ga xép chứa chan bao kỷ niệm,, những mùa hoa cải vàng hoa cải trắng..
.Chúng ta ra đi để bảo vệ làng quê đồng đất quê ta như một điều tất nhiên.
Và số phận những người lính. Những người cha người me người vợ người con NGƯỜI LÍNH.
Vẫn phải viết thôi, anh Luân ạ. Các anh không kể,làm sao con cháu ta biết được tổ tiên ông bà cha mẹ, những bậc "tiên hiền" đã sống và chiến đấu như thế nào. Trong chiến tranh và cả thời hậu chiến. Và cả trong cái thời hiện nay gọi bóng bẩy là " manh nha nền kinh tế thị trường' còn ngôn ngữ của kinh tế học chính trị gọi là thời kỳ "tích tụ tư bản" mà thời kỳ này theo như các học giả là thời kỳ "lỗ chân lông nào cũng ứa máu".
Cũng đã dài rồi nhỉ. Nhưng phải trích ra đây một đoạn trong truyện ngắn "Bông hoa Pơ lang" - ký ức của một nữ chiến sĩ quân y:
...THƯƠNG BINH CHẾT TRÊN TAY CHÚNG TÔI...Con gái chân yếu tay mềm chúng tôi chỉ biết khóc, chỉ biết vuốt ve nắm chân tay các anh muốn truyền hơi ấm yêu thương của đồng đội tới nhau để thêm chút hy vọng sống. Các anh cũng biết, có người tắt thở rồi vẫn nhìn chúng tôi như níu kéo, bàn tay bấu chặt vào tay tôi như muốn chào tạm biệt, muốn nhắn gửi một nhời gì đó về quê với mẹ với người thân...

Anh có một nhận xét rất hay về cây hoa Pơ lang ở Tây Nguyên mà miền Bắc gọi là 'hoa gạo" vùng Việt Bắc có nơi gọi là 'mộc miên":
"...Đầu mùa mưa, cuối mùa khô hoa Pơ lang sót lại lốm đốm đỏ. Đội điều trị ở một cánh rừng có mấy cây gạo to. Nó cao vượt lên hẳn những ngọn lồ ô xanh mướt mát. Là thì ít mà hoa thì nhiều. Sao cái loài cây này nó không sống cho nó, nó cứ sống cho thiên nhiên nhiều hơn. Ngay cả vào mùa mưa lá nó cũng ít, dường như nó hút tinh tuý cao nguyên chỉ để vắt kiệt máu mình vào màu đỏ của hoa, vào những cánh hoa mỡ màng dầy dạn như những cánh diều hồng như máu? Còn chính thân nó thì khẳng khiu khô khốc những gai nhọn mốc thếch giữa nắng và gió..."

Gửi tặng anh bức ảnh cây gạo = hoa gạo trên đường HCM đoạn Đắc Tô khi tôi đi từ Xê-ca-mản (Nam Lào) về Việt Nam
15/11/2018

CUỘN DÂY DÉP


( chuyện xưa của lính)

Thằng Tiến bổ sung vào đơn vị giữa lúc đánh nhau với quân e53 giải tỏa đường 21. Lúc ấy chập vào mùa mưa. Tháng 5 trời rất nhiều mây những đám mây quánh lại với nhau trôi lừ lừ giữa nền xanh thẫm. Thế rồi bất thình lình mưa rơi xuống như vãi mạ . lát rồi ngừng rồi lại vãi nước xuống . Đám mưa ấy trôi qua, nắng ói lên, người vừa ướt lại bốc khói khiến lưng chiến sĩ cứ như mọc rôm. Lính chửi, mẹ cha nó mưa thì như mưa rào như ngoài ta rồi tạnh mẹ nó cho xong. Đằng này dở ông dở thằng . Bố ai mà chịu được. Cán bộ bảo, ăn thua gì, chúng tao chịu năm sáu mùa mưa rồi. Bùn đất bẩn thỉu, gãi sứt sẹo đến lông chân không mọc được mà vẫn sống đến giờ đó thôi. Lính mới im . Dạ, các anh là lính cũ bì thế nào được. Tất cả tiểu đội lại cười hí hí. Pháo Pờ lây cu lại bắn xoe xóe qua đầu. Tiếng nổ ở xa vài trăm mét cũng đủ làm cho nước mưa trên rừng cây rơi rào rào.
Đêm đầu tiên ở đơn vị mới Tiến hỏi anh Nhớn:
- Anh ơi sao vừa mới về đơn vị đã lên chốt? em không thể hình dung đơn vị mới là mấy cái hầm đầy mùi giun chết này. Sao cấp trên không để cho người ta thở à?
Thằng Nhớn cũng chỉ hơn Tiến “nhõn 2 tuổi” nhưng là lính cũ. nó nheo mắt : 
- Thế mày tưởng đi bộ đội để làm tướng chắc? này nhé, đánh đấm và hi sinh là nhiệm vụ của chúng ta hiểu chưa? Rồi như thấy mình quá lời, Nhớn hạ giọng.
- Nói thì vậy thôi , giống như đảng viên họ quán triêt ấy mà , là người chiến sĩ thì phải hi sinh cho tổ quốc. Tao cũng không rõ hi sinh kiểu gì và bằng cách nào nhưng đại loại là ngoẻo không về với mẹ nữa. 
Thằng Tiến há mồm xuýt nữa chảy nhãi. Nó kịp lấy tay lau mồm. Nhìn anh Nhớn như người anh hùng. Ngày đầu tiên lên chốt yên ả.

Tiến ngủ ngon thế. Nó gối đầu bằng hai cái dép cao su. Từ bé nó đã rất thích cái mùi quai dép cao su. Nó hắc hắc ngai ngái không giống bất kì thứ mùi lá cây hay hoa quả nào ở quê nó. Mùi cao su rất là thành thị. Các anh học lớp 10 trường nó bảo thế. Nó cũng thấy thế. Bằng chứng là cả lớp nó chỉ có hai ba đứa có dép cao su còn thì toàn đi chân đất. Nó kể với anh Nhớn. Em đỗ vào lớp 8, mẹ em bán mấy gánh sắn mới mua được cho em đôi dép. Em không dám đi cả ngày anh ạ. Ở trường về là em tháo ra rửa sạch cất vào gầm giường. Thê mà nó vẫn hay tụt quai . Bố em bảo mẹ em mua phải đôi dép đểu. Mẹ cãi, đểu là đểu thế nào? Ba gánh sắn của người ta chứ ít à. Em thương mẹ quá . Từ hôm ấy tụt quai em cũng không dám nói là tụt. Trong túi sách đi học luôn có cái mảnh tre rút dép.
Có đêm thò cổ dưới hầm lên cảnh giới nó thì thào, anh Nhớn ơi, trung đội trưởng mình là sinh viên à? Thằng Nhớn bảo ừ. Mày học lớp 9 rồi muốn so chữ với B trưởng à? Đâu có thế! Em hỏi là vì em thấy anh ấy dặn bọn bắn cối cứ như thầy giáo dạy lượng giác ở nhà. Nhớn cười he he. Mày lúc nào cũng chỉ thích quai dép biết chó gì bắn pháo cối với chả móc chê. Hai anh em nó cùng cười he he.
Mưa rì rụp hai ngày nay. Hầm chốt nào cũng khoét cái lỗ đọng nước to bằng cái mũ cối cứ vài phút lại đầy nước. Lại lấy cái mũ lính ngụy múc đổ ra ngoài. Vách hầm nước rỉ ra theo rễ cây loang lổ mùi khắm lặm. Anh nuôi mang cơm lên bê bết đất đỏ. Nắm cơm nào may không ướt thì còn màu trắng đục còn thì cơm cũng mầu gạch cua, chỉ một đêm là lên mùi tương Bần. 
Sáng chưa rõ, pháo giặc đã bắn phầm phập vào rừng chuối trước mặt .rồi chuyển làn lên vọt sau trận địa chốt. Thằng Giặc kém thế . Anh Nhớn bảo Tiến thế. Bắn dọn đường mò lên đấy mà. Chuẩn bị đánh đấy. Thằng Tiến nghẹt thở . Bụng căng như muốn đái . Anh Nhớn bảo mày đừng đái ra quần. Kìa nó lên. Anh ấn cái đầu Tiến thấp xuống vừa lúc súng B trưởng rồ lên. Đoành đoành đoành. Anh Nhớn ném liền 2 quả lựu đạn và gằn giọng : 
- Tiến bằn bên trái kìa . 
Thằng Tiến kéo liền một loạt AK. Đầu ruồi súng nấc lên. Có tiếng gào lên ối ôi . u oa . Khẩu B40 của thằng Đàm vạch một cụm lửa da cam thui mấy thằng co cụm phía chân đồi . Chúng nó chạy bỏ lại súng và cả mấy caí ba lô 2 cóc. Mấy cái xác lính lôi nhau xuống chân đồi be bét những lá chuối đầm nước mưa. B trưởng quát, lấy lá ngụy trang hầm đi. Tranh thủ mưa mà chặt cành cho tươi về phủ lại hầm. Thằng Tiến thở hí hóp. Thì ra trận đầu tiên của nó rất đơn giản và nhẹ nhàng. Anh Nhớn bảo, mày không đái ra quần là được. Mẹ kiếp hôm nay mà đánh như kiểu đánh xe tăng địch trên Kon Tum năm ngoái thì đái thật đấy. Đời thằng mục đái ùng ục. he he.
Thằng Tiến cứ ngẫm nghĩ không hiểu sao các anh lính cũ hay cười thế. Nói chuyện tiếu lâm cười đã đành. Pháo bắn xong rồi cũng cười. Nắm cơm thiu gọt vỏ rồi chia nhau cũng cười. Đêm chui rúc trong hầm nằm úp thìa vào nhau lại cũng cười. Ấy thế mà có anh nào kể chuyện người yêu thì há hốc mồm ra nuốt từng lời mà không cười.

Trận địa chốt kéo căng ngang “đồi mắt ngỗng” . Tiến cố tình để ý xem nó giống mắt ngỗng ở chỗ nào. Nhưng từ hôm lên chốt đến nay đã một tháng mà vẫn không thấy mắt ngỗng giống cái gì? Vì sao mà họ bảo đây là mắt ngỗng. HỎi anh Nhớn , anh bảo mày hỏi tao hỏi ai? 
Có một thằng tên Chương bánh sắn ở hầm bên cạnh cùng B trưởng thỉnh thoảng nheo mắt cười với Tiến. Hai hầm cách nhau chỉ hai chục mét nhưng Tiến ít khi sang bên đó. Có hôm Chương bánh sắn bò sang hầm Tiến xin giấy pơ luya cuốn thuốc rê. Nó hỏi:
- Mày đi B bao giờ? 
- Em đi tháng 12 anh ạ. 
Chương bánh sắn nhìn Tiến bảo, may cho mày đi vào mùa khô chứ không thì mờ đời trên Trường sơn. Thằng Tiến cười cười tỏ vẻ đồng ý. Thằng Chương bánh sắn cộc cằn: 
- Lại còn cười, sướng thì cứ bảo là may mắn nên em sướng . Mẹ kiếp bọn tao đi mùa mưa chết sốt rét không kém gì dính bom. Đúng là đời thằng mục.
Tối hôm ấy Tiến hỏi anh Nhớn. Tại sao lại gọi là Chương bánh sắn? Anh Nhớn kể chuyện thì thầm. Mùa mưa năm ngoái cả đơn vị mỗi ngày một người 1 lạng gạo . Còn thì toàn là sắn. Họ giã lát sắn khô đầy bụi đất. Nghe đâu có một bộ phận đào sắn bên kia biên giới rồi chế biến phơi khô chở về cho đơn vị ăn thay gạo. Mỗi chiều tối một thằng một nắm bánh sắn màu nâu non to bằng quả cam sành. Tiểu đội lấy bánh sắn về lúc thằng Chương đang sốt rét. Y tá chui ra khỏi hầm gặm bánh sắn, chắc là y tá đang đói. Thằng Chương cầm cái cặp nhiệt độ mắt đỏ vằn cà thừ, cắm vào cái bánh sắn mồm lảm nhảm:
- Mẹ kiếp xem mày có sốt giống bố mày không nào?
Bóp ! cái cặp nhiệt độ vỡ tung. Thằng Y tá há hốc mồm, miếng bánh sắn rớt nhoét ra đất. Kêu lên: 
- Mày giết tao ròi. Cả đại đội có mỗi cái này đấy mày ơi. 
Đêm hôm đó chính trị viên sộc xuống kiểm điểm thằng Chương. Thằng Chương lúc này hết sốt. Chả biết nó sợ qúa mà hết sốt hay là tại thuốc. Thằng Chương thuật lại tình hình cho cán bộ nghe. Nó bảo:
- Khi tôi sốt tôi sờ vào cái gì cũng cảm thấy nó đang sốt. Báo cáo thủ trưởng tôi cầm cái dép cũng thấy cái dép đang sốt. Tôi sờ vào báng súng cũng thấy súng nó sốt. Tôi nghĩ thử xem cái bánh sắn nó sốt thế nào. Tôi nhìn cái vạch thủy ngân chay vùn vụt rồi bóp một phát. Nó lau nước mắt nói tiếp:
- Đi làm cách mạng nhưng tôi làm hại cách mạng . Thủ trưởng phạt tôi thế nào cũng được. Đuổi tôi về miền bắc tôi cũng chịu. 
Cán bộ vừa tức vừa buồn cười. Cuối cùng là thằng Chương bị khai trừ Đoàn TNLĐVN . 
Thằng Tiến toát mồ hôi. ÔI chao khai trừ đoàn thì tội to lắm. Anh Nhớn bảo , chứ lại chả to. Cả một đại đội có một cái cặp sốt mà nổ mất rồi thì cặp sốt bằng rút dép à? 
Đêm ấy thằng Tiến thao thức không ngủ. Nó thấy thương anh Chương, bất giác tay nó nắm phải cây rút dép trong túi .

****
Trời mùa mưa Tây Nguyên lúc nào cũng xin xỉn màu nước rau khoai lang. Tiến nhận ra điều này từ hôm lên chốt. Mỗi ngày một người bò đi tìm thức ăn. Chủ yếu là hoa chuối và rau khoai lang trên các rẫy bỏ hoang vì bom đạn. Khiếp, có một cái ăng gô nước rửa đến vài kí rau khiến nước rửa rau đặc quánh như dầu ma dút. Ấy vậy mà luộc lên thơm ngát mũi. Nước rau đục lờ lờ hệt màu trời mưa Tây Nguyên. Một hôm anh “Chương bánh sắn” sang hầm Tiến. Anh Chương xin quai dép của Tiến. Thằng Tiến mở cóc ba lô lấy cuộn dây dép còn nguyên dây buộc bằng sợi dây chỉ dù tẩm cao su. Chương bảo, quí lắm đấy nha mày . Dép tao đi lâu năm nên quai hết bom bê dễ tụt lắm . Thằng Tiến cắt một đoạn dây đưa cho anh Chương, Chương bánh sắn rút cái quai dép bèn bẹt nhão nhoét ra rồi mặm môi thay quai mới. Cái quai cũ Chương đút cẩn thận vào túi. Ròi Chương kể, có một đêm địch lên tập kích. Một thằng trong bê mình bị thương đưa vào hầm tối om không biết vết thương ở đâu mà băng. Chỉ thấy máu chảy đầm đìa. Chương lật dép , cắt khúc thừa dưới đế một quai dép chừng ba phân, rồi đốt lên tìm vết thương mà băng bó cho đồng đội trong lúc mấy thằng khác lấy ni lông che kín cửa hầm không cho ánh sáng thoát ra. Đêm ấy thằng Tiến lại ngửi thấy mùi quai dép thơm kiểu thành thị , Trời dậm dựt mưa, hết ca cảnh giới chui vò hầm nhóp nhép mà nó chả ngủ được. Nó mong ngày nào về quê nó sẽ có một đôi dép cao su thật oách tặng cho bố nó , Nó sờ sờ caí bật lửa tàu trong túi và nghĩ, cả cái bật lửa này nữa để cho bố đi cày mà hút thuốc lào.
Hôm sau thằng Tiến lật cái dép cao su lên. Ừ nhỉ cái phần dây cao su thừa dưới đế dép dài đến 3, 4 xăng ti met. Ôi thì ra cái để cứu sống một con người nếu không băng cầm máu lại đơn giản không tưởng đến thế ư? Là nhờ cái đoạn 3 xăng ti dây dép đốt lên để tìm chỗ băng vết thương. Chuyện cái dép cao su không còn là cái dép nữa rồi. Thảo nào bộ đôi ta yêu dép đến thế. 
Một năm sau. Thằng Tiến lên A phó. Bây giờ chốt mắt ngỗng giao cho đơn vị khác. Tiểu đoàn của Tiến quay về tác chiến mạn đường 15. Lúc ấy cũng lại mùa mưa. Địch hành quân bằng ô tô còn bộ đội ta thì đi chân đất. Bùn ba zan đến cổ chân. May mà dép cao su của ta tuyệt vời và nhất là lứa quân mới một năm chiến trường dép không bị tụt quai . Nhiều hôm hành quân qua suối ngồi nghỉ là Tiến lại kì cọ đôi dép của mình . Và sau khi lớp bùn đất đỏ tuột đi là cái mùi thành thị lại thơm nức lên .Tiến nghĩ sao lại thế nhỉ? Bố khỉ.
***
Trận đánh đồi Củ Lạc của d8 hôm ấy diệt được cả xe tăng. Bọn lính e53 bỏ lại vài chục cái xác và một tên lính bị bắt sống. Thằng lính này khai, em là lao công đào binh. Tiến nhìn nó có dễ đến ngoài ba mươi. Anh Nhớn hô : Tiến trói tên này lại. Xử lí khẩn trương lên để rút kẻo máy bay nó đến đốt trận địa bây giờ .
Tiến vội quýnh lên. Chợt nghĩ cuộn dây dép dàì hơn mét trong cóc ba lô. Tháo ra troí chân tên tù binh. Trói xong rồi nó khóc , Ông ơi ông nới cho tôi, tôi sắp chết rồi . chân tôi tụ máu …. ừ nhỉ dây cao su xiết chặt đến nỗi tên tù bình thở khò khè . TIến tìm quanh quẩn kiếm dây rừng. Người tù binh bảo ông ơi trong bao đồ của tôi có dây dù ông lấy ông trói hộ tôi.. Tiến vội móc bao đồ tên lính có đoạn dây võng liền trói tay nó và tháo dây cao su ở chân nó ra. Lính ta kêu , anh Tiến rút thôi. Người lính nhìn Tiến như cầu khẩn tuyệt vọng. Xử lí tên tù binh này thế nào? Bắn à? Hay thả. Thả nó mình lại bị kỉ luật. Người lính VNCH mặt đờ dại gần như mê muội. Tiến đến gần tên lính hỏi: 
Chân hết tụ máu chưa? Chạy được không? Tên tù binh gật gật. dạ dạ. 
Tiến khẽ nói, vậy tôi trói tay anh và anh chạy về phía bên kia đường khi chúng tôi đã đi rồi nghe chưa. Nói rồi Tiền chỏng AK lên giời bắn đoàng đoàng. Tên tù binh nhắm mắt lại gục đầu xuống. Rồi nó mở mắt nhìn Tiến nước mắt ứa ra.. 
Tiến vác khẩu AR15 và cái ba lô lính VNCH lên vai rời khỏi trận địa. Lúc ấy một cơn mưa ập tới . May . Thế là không có chiếc tàu bay nào tới thả bom. Pháo địch ì ùng nổ ở trận địa vừa xong. Tiến nghĩ giờ này tên tù binh đó cũng chạy thoát rồi.

Năm sau nữa thì giải phóng. Trung sĩ Tiến ra quân về đi học cấp 3 để đi thi đại học. May mắn nhất là cuộn dây dép chỉ mất một đoạn cho hai quai dép thôi. Cái bật lửa tàu thì sứt sẹo nhưng bánh xe vẫn rất tốt. Bật một phát là ra lửa xanh lè. Cho đến bây giờ ông “Tiến thép” vẫn có thú đi dép cao su. Nhiều lần ông vẫn kể với nhân viên là mùi dép cao su là mùi rất chi công nghiệp. Đêm đêm ông vẫn hú hồn cái vụ thả tù binh không ai biết. Nếu biết dễ chừng ông lại bị khai trừ khỏi đoàn TNLĐ VN vì lúc ấy ông chưa vào đảng .
16/11/2018

ĐÔI MẮT


Người ta bảo có đôi mắt đẹp thích thật đấy, nhưng khổ.
Người ta lại bảo đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Vui buồn sướng khổ gì nó cũng hiện lên đôi mắt.
Người ta gọi là con mắt. Nghĩa là người ta coi đôi mắt là một thực thể sống riêng biệt. Chả ai gọi con tay hay con chân hay con mũi…
Con mắt. Mà cũng chả ai gọi là thằng mắt, cái mắt. Hay thật.

Ngày ấy lâu rồi. Hồi cả nước vừa ra khỏi chiến tranh rồi đến đận hồ hởi đổi mới. Đổi mới kinh tế ,đổi mới sáng tạo, cởi trói cho các nghệ sĩ. Nhưng có lẽ cái sự đổi mới được hân hoan hồ hởi là đổi mới làm ăn kinh tế. Nhưng cũng lắm hoài nghi đổi mới. Cái sự hoài nghi ấy kéo dài đến tận bây giờ ,lằng nhằng bí bách bậc nhất là anh đổi mới giáo dục.
Cô học trò có đôi mắt tuyệt đẹp tên Thúy. Con nhà nông dân nên chân lấm tay bùn giúp đỡ cha mẹ khiến cô cứng cáp khỏe mạnh. Thôi thì tan học là ra đồng . Nhổ mạ, gánh phân, tát nước ,cái gì cô cũng thạo. Lao động khiến mọi cơ quan đoàn thể con người cô cứ đẹp phơi phới chả cần Yoga dưỡng sinh gì sất.
Thúy học khá, xinh mặn mà. Con gái nhà quê môi đỏ như hoa dâm bụt. Mẹ chắt bóp mãi mới đủ tiền mua cho Thúy bộ áo dài. Mỗi khi chào cờ hoặc hội hè, Thúy mặc áo dài là như Thúy biến mất chỉ còn lại cô nữ sinh tươi tắn ngoan hiền. Chả ai có thể tin đôi mắt Thúy đang nhìn lên lá cờ nó trong veo, nó thăm thẳm kia lại là mắt đứa trò chân lấm tay bùn.
Áo quần, khăn mũ chả làm thay đổi được Thúy. Vẫn ngày đến lớp, chiều tối vẫn vớt bèo nấu cám. Đêm học bài . Ngày mai lại thế. Người ta bảo con cái Thúy này tồ tồ nhớn thế mà chả biết làm dáng. Lên lớp 12 mọi sự bắt đầu đổi khác. Cái khác đầu tiên là ở trường có một thầy giáo dậy Sử từ trường xa chuyển về làm bí thư đoàn trường. Nghe đâu thầy về đây là vì để gần người yêu mình là một cô giáo dây Anh văn. Cái khác thứ hai là thằng bạn thân từ bé đến giờ người cùng làng cứ tránh mặt Thúy. Thúy hỏi nó, Công ơi sao mày không đi cùng tao? Thằng Công im lặng. Công ơi sao lội qua suối mày không nắm tay tao nữa? Nó bảo, người ta cười. Ơ bao nhiêu năm nó cõng mình qua suối có thấy ai cười? Lúc nào nó cũng nhìn vào mắt Thúy và khen, mắt mày đẹp thế. Thúy thích lắm. Vậy mà lên lớp 12 nó không nhìn vào mắt Thúy, nó nhìn chênh chếch đi qua mớ tóc mai bết mồ hôi của Thúy. Thúy biết giờ ra chơi nó vẫn đứng xa ở góc sân nhìn Thúy.
Chưa bao giờ Thúy tự nhìn thấy mắt mình đẹp. Mọi cái đẹp của người chỉ mỗi khi được người khác phản ánh lại mà thôi. Đẹp là sự khen tặng thích thú của chúng bạn chứ tự Thúy đâu có đẹp được. Thúy nghĩ thế. Lớn rồi, Thúy nghe trộm các thầy cô giáo bàn luận về cái đẹp của thân thể. Thầy dậy Sử mới về nói rằng, ông Rô bin sơn có thể đẹp trai nhất thế giới mà người ta không biết. Bởi vì có ai nhìn ông đâu mà cũng có ai nhận xét gì về cái body của ông ta đâu. Cô giáo tiếng Anh lườm thầy một cái rõ dài. 
Dần dần có một điều Thúy nhận thấy rất rõ là thầy dậy Sử hay gọi Thúy lên bảng. Thầy hỏi bài rõ là lâu và Thúy cũng vô tư trả lời tự tin nhìn vào thầy mỗi khi trả lời. Ở dưới lớp có một cặp mắt nhìn Thúy buồn buồn. Ra chơi hỏi, Công ơi hôm nay mày sao th ế? Nó lảng đi chỗ khác. Thúy cũng buồn .
Chỉ có tụi con gái là thì thầm mỗi khi thầy dậy Sử gọi Thúy lên bảng. Chúng nó nhấm nháy chỉ trỏ rồi khinh khích cười. Cũng từ ấy nhiều đứa nhìn Thúy vẻ ghen ghét. Một chiều đi học về, thằng Công bảo với Thúy. Mày cẩn thận môn Anh văn đấy. Thúy ngạc nhiên nhìn nó đi hút vào lối rẽ.
Thầy rất hay vừa đi lên, đi xuống vừa giảng bài nhưng thầy cứ đứng trước mặt Thúy và Thúy thì cứ ngước mắt lên nhìn thầy. Có hôm thầy nói về cuộc kháng chiến Chống Mỹ cứu nước, thầy nhắc tới vở kịch Đôi mắt của bác sĩ Vũ Dũng Minh . Nhưng Thúy lại thấy thầy nói về chúa . Chúa nói về đôi mắt. Thầy bảo, mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt con tốt thì cả thân thể con sẽ đầy ánh sáng, nhưng nếu mắt con bị hỏng thì cả thân thể con sẽ là bóng tối. Vậy, nếu ánh sáng trong con chỉ là bóng tối thì bóng tối ấy sẽ lớn là dường nào. Thúy thấy thầy nói những lời đâu đâu nhưng cũng hay hay.
Một lần giữa giờ ra chơi, thầy ngồi bên Thúy và thầy khen mắt Thúy đẹp. Cô đỏ bừng mặt. Thầy cũng nói giống như thằng Công. Nhưng khi nói thầy nhìn vào mắt cô và mắt thầy hiền dịu lại chả giống như lúc thầy kiểm tra bài. Thầy hạ giọng, Thúy đừng nhìn vào mắt tôi nữa làm tôi bối rối. Giật mình bừng tỉnh, ôi thế là mình có lỗi. Mắt mình gây ra lỗi. 
Một ngày cô giáo Anh Văn gọi Thúy ra vườn trường hỏi chuyện. Lúc Thúy vào lớp thằng Công nhìn Thúy lo âu. Cả lớp chả ai biết chuyện gì xảy ra với Thúy. Thế rồi ấy lại là điều may. May hơn nữa là thầy dậy Sử không dậy lớp Thúy nữa mà chuyển dậy khối khác. Nghe đâu cô tiếng Anh đề nghị gì đó với thầy hiệu trưởng.
Năm sau Thúy ra Hà Nội học đại học. Thật tình cờ cô lại học sư phạm Sử . Chuỗi ngày ở Thủ đô là chuỗi ngày khó khăn nhất với cô. Vừa học vừa làm gia sư tuần 3 buổi. Tằn tiện và học quên ăn để vượt qua 4 năm chữ nghĩa. Biên giới lại đánh nhau, đất nước vào hồi khốn khó nhất . Thằng Công đi bộ đội khi vừa thi xong tốt nghiệp. Nó lên biên giới Hà Giang và từ ấy cũng bặt tin.

Mười năm sau. Cô giáo Thúy lại về dậy sử ở đúng ngôi trường mình đã học. Thầy dậy sử lấy cô tiếng Anh rồi cả hai lên sở làm chuyên viên. Còn cô Thúy lấy chồng Ngân hàng và đã có con trai lên 5. Một ngày, cô giáo Thúy gọi một trò lên bảng. Hỏi trò, Pháp nổ súng chiếm nước ta năm nào? Nó trả lời, Điện Biên Phủ. Cả lớp bụm miệng phì phì. Cô hỏi, em biết giặc Trung quốc nổ súng đánh biên giới phía bắc nước ta năm nào không?
Nó nhích lên một bước gần cô giáo nói khẽ, cô ơi mắt cô đẹp quá em quên tịt mất bài lịch sử rồi ạ. Cô Thúy nuốt nước bọt ực vào cổ mặt đỏ dần lên tận tóc mai. Đúng lúc ấy ngoài cửa có anh bộ đội chống gậy đeo kính đen dò dẫm theo bác bảo vệ dẫn vào. Thưa , tôi gặp cô giáo Thúy. Cô Thúy quay ra:
- Trời ơi! Công.

Anh bộ đội bị thương mù hai mắt ngượng nghịu giơ hai tay về phía trước. Thúy tiến sát đến anh. Hai tay người thương binh sờ lên mặt Thúy lần lần đến đôi mắt. Anh nói:
- Mắt Thúy vẫn đẹp. Mình biết mắt Thúy vẫn đẹp.
Cả lớp học im phăng phắc. Nhìn cô giáo dắt anh bộ đội mù bước xuống sân. Có đôi chim sẻ nhẩy chập chững trên mấy chiếc lá bàng tím đỏ.

Thật bất ngờ, anh bộ đội Công bảo:
- Thúy ơi, ngày xưa thầy dậy sử đã nói với Thúy về đôi mắt. Hôm ấy mình nghe trộm. Nhưng thầy chưa nói hết. Phần sau của câu nói ấy thế này:
Là con dân Chúa, sống giữa thế giới đầy tội lỗi gọi mời, trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, luôn luôn chúng ta cần nhớ mình là ánh sáng cho trần gian, nếu mắt chúng ta bị hỏng thì cả thân thể chỉ còn là bóng tối. Chúa cũng dạy chỉ nhìn mà động lòng tham muốn là đã phạm tội chứ không đợi đến khi hành động.
19/4/2016 Nguyễn Trọng Luân

Chuyện làng Đan ( trích )

Trích trong 
" Chuyện làng Đan " 
TT của Nguyễn Trọng Luân 
.................................

chương 3
Trong vòng năm năm mà làng Đan chịu tới ba lần ngập lụt. Năm 66 vỡ đê toàn là phù sa ùa về. Năm 68 vỡ đê toàn là cát càng phủ kín ruộng đồng. Năm nay lại vỡ nữa nước mênh mang cả một tháng trời, vườn khoai vườn rau thối nhung nhủng. Những rặng bưởi ổi ven đồi vàng ênh rồi rụng lá. Nước rút cạn, đứng trong nhà nhìn ra đồng cứ như nồi canh cua, vang váng mỡ. Người người ngao ngán ngửa cổ nhìn giời . Sau lụt lại lo nắng. Tháng tám âm lịch mà nắng như tháng sáu sờ vào những quả bưởi cành la bỏng như sờ vào tích nước chè. Nhà nhà đã ăn khoai nước. Ăn sắn non còn khoai sọ cố để tháng mười âm mới dỡ. 
Bà Hiếu ngồi tước mớ ngó khoai nước để chiều lại nấu canh với quả dọc. Ngó khoai nước qua vụ lụt to mầm mẫm. Mấy hôm rồi chỉ có canh ngó khoai. Ngứa nhâm nhẩm trong họng. Bà Hiếu cứ khậm khoạc như muốn ho. Nhà có hai mẹ con, niêu cơm độn sắn và nồi canh đặt tròn trõn giữa mâm. Bưa cơm trưa mồ hôi rỏ cả xuống cái mâm mộc. Bà nhìn con gái má rừng rực đỏ loáng mồ hôi. 
- Rau muống ở ruộng 5 phần trăm con cắt hết đi lấy phân chuồng với gio bếp đổ xuống một lượt cho nó nẩy lên để lấy cái mà ăn.
- Vâng, con làm rồi mẹ không phải lo
Bà Hiếu lườm con gái. 
- Tôi không nhắc dễ chị biết đường mà làm, à mà ổ trứng mười hai quả sao còn có hai? Cô lấy bán đi à?
- Vâng con xin chục trứng mua áo.
Bà Hiếu vằng lên :
- Xin, nay xin mai xin lại cooc hả ? nay cooc mai cooc. Bà nhìn vào bộ ngực thây lẩy của An ngưng giọng lại, nuốt đánh ực cục nước bọt đang ứ trên cổ. Hừ, bây giờ cứ cooc xê cooc sít, ra vẻ kín đáo giữ gìn mà quá là mời người ta xơi. Đàn bà con gái gì mà vú vê cứ vênh vênh lên, cooc xê nhọn hoắt cứ muốn chọc vào mắt ta, cứ gọi là chêu ngươi đàn ông.
An cười khinh khích. Không chêu thì ai nó lấy hả mẹ? Mà thời bây giờ nó khác thời ngày xưa. Không mặc thì đi cấy ruộng sâu cúi lên cúi xuống nó cứ tì tõm ai mà chịu được. Bà Hiếu xùy xùy mấy con gà nhao vào tận mâm cơm, nguýt.
- Liệu đấy có thân thì giữ.
Nhìn đứa con gái đang kì phổng lên bà Hiếu lại nhớ ngày xưa bà cũng ở tuổi ấy bà làm lẽ ông lí Phi. Ông lí Phi hơn bà những hai chục tuổi nhà giàu mà nghiêm khắc. Về làm dâu, bà hơn hớn thịt da mặt mũi mà bị kìm hãm vì bà cả. Bà rừng rực, người như có lửa trong ngực có lửa cháy từ bụng dưới lên tận cổ. Bà xay lúa giật đứt cả giằng cối. Ông lí Phi phải làm cái nhà riêng cho mẹ con bà bà mới chịu. Ngoài năm mươi rồi thân hình sổn sề nhưng bà vẫn khỏe. Đám con chồng, lớn lên đi kháng chiến đi công tác thoát li hết. Họ gọi bà là dì béo. Ông lí Phi từ chỗ làm phó lí rồi làm kháng chiến rồi làm phó bí thư chi bộ. Chuyện hai vợ chả ảnh hưởng gì tới chi bộ. Tập trung cho kháng chiến con người hóa ra gần nhau, thân thiện với nhau hơn. Hòa bình vài năm ông nghỉ chức vụ. Ông nghỉ vì nhẽ ông hai vợ và vì đã từng là phó lí. Hòa bình rồi bao nhiêu cái xấu cái hủ hóa của con người được mang ra xem lại. Người ta bỗng dưng thấy mình có lỗi trong cái ánh sáng hòa bình thời mới. Ông chả buồn làm mấy, người có chữ nho có quốc ngữ từng chỉ huy cả du kích dậy con đến nơi đến chốn ở làng này được mấy ai. Ông loanh quanh vườn sau ao trước thỉnh thoảng cầm cái quạt lá cọ chiều tối lên với bà. Bà âu yếm lắm với chồng, cút rượu và gắp cá nướng , đấu lạc lúc nào bà cũng để sẵn đợi ông lên. 
Chập tối bà ngồi ngoài gốc mít dội nước ào ào bằng cái gáo ống tre nói với vào:
- Mẹ quên mất. Con Năng nhà ông Vang nó về, nó nhắn mày sang nhà nó đấy.
Chập tối An sang nhà chị Năng đứng ngoài ngõ gọi khe khẽ. Năng im thin thít đi ra kéo tay An lên gò sơn. Năng trải cái áo mưa lên gò, hai chị em ngồi bên nhau nghe chó sủa ong óc dưới xóm nhà. An nghe mùi lá bưởi và bồ kết từ tóc Năng ngát sang cổ áo Năng vẫn ướt ngân ngấn có mồ hôi. 
Năng kéo tay bảo An:
- Mày xem ngực chị có cứng không? An ngạc nhiên thấy bàn tay Năng kéo tay mình đặt lên bầu vú đã phanh trần từ lúc nào.
- Eo ơi chị này.
- Mày sờ xem nào, đấy nắn xem có cưng cứng không? An lần mần bóp lên ngực Năng, bầu vú ấm nóng như quả bưởi nướng có cục cưng cứng nơi đầu núm 
- Ờ ờ cứng, mà ti chị to khiếp lên được.
Năng bảo:
- Của quí nhất của chị em mình đấy mày ạ. Thằng đàn ông nào chả thích ngực to. Nhưng chúng nó sợ không cứng tức là nhẽo tức là bị nhiều người khác sờ mó. Đàn ông họ tinh lắm. Cẩn thận em ạ, họ mà chê thì tiếng lan ra ngoài khổ cho mình. Vừa nói chị Năng vừa mân mê đầu ti của An. Có dòng điện chạy giật lên gáy An ưỡn người lên:
- Khiếp nhà cái chị này. Năng cươi hí hí. Đời con gái ngắn lắm cô ơi, sáng nở tối tàn ấy mà, chả ai thương mình cả đâu, mẹ già lại càng không thích nhìn con cái phởn phơ. Tự thương lấy mình thôi em nhá. Nhá nhá!
Lần đầu tiên An được nghe có người nói như vậy. An nể chị Năng quá. Chị mới đi có vài tháng mà khôn thế chả trách các anh ấy đi học tận Hà nội đã khôn lại khéo. An nhớ bàn tay Thường hôm nào trên ngực mình. Ngực An hôm ấy cũng cứng ngắc.
- Chị gọi mày ra đây để nói với mày ngày mai chị về dưới xuôi ở với anh Ngoạn. Anh không đi đóng cối nữa đâu, anh đưa chị về mở hàng bán bánh rán cầu Vòi. Đừng hỏi chị, Cầu Vòi ở tận Nam Định cơ, nhớ nhé bao giờ xong xuôi chị gửi thư cho em. Tao nói nhỏ cho mày biết thôi, tao về quê anh ấy mới biết anh ấy dậy học cấp hai đấy. Không phải anh ấy là thợ đóng cối đâu. 
- Ơ sao mà lại đi đóng cối?
- Anh ấy đang viết cái gì ấy gọi là ….về phong tục tập quán dân miền sông Thao cho cái … công trình gì ấy nên mới đi đóng cối để vào trong dân mình cho dễ bề tìm hiểu.
- Chị không sợ họ nói chị theo giai à? An ngước lên nhìn Năng trong bóng loang lổ rừng sơn dưới trăng
- Đời con gái nào chả phải theo giai hả mày? Lấy chồng tức là theo giai đấy. Khi em lấy chồng là ngay tắp lự em mất tên, mất quê. Mày chả biết quái gì. Thôi chị nói cho mà nghe, nhằm thằng nào nó có tiền hay là có khả năng làm ra tiền mà lấy em ạ. Mát mặt lúc nào hay lúc ấy, chứ ở quê mình cả đời theo đít trâu, cả đời ngâm chân xuống ruộng lầy, ăn măng ăn sắn rồi lại đẻ lũ con cũng lại đơm đo cua ốc. Ngừng một lát Năng nói khẽ vào tai An;
- Mày là đứa phát dục sớm đấy, cẩn thận em nhá. Nhưng đánh thằng nào phải cho kì đổ nhé. Rồi chị Năng kéo An nằm ngửa ra, trời đầy những ngôi sao và ánh trăng lăn tăn trên lá rừng. Hơi thở chị Năng nóng thế phả vào tai An. An bảo với chị Năng, Khiếp! đúng là một đàn bà bằng ba đống nhấm.

Chiều tối hôm sau, trong bữa cơm bà Hiếu bảo :
- Cô Năng nhà ông Vang mang đồ đoàn đi ra tàu rồi. 
An cắm cúi ăn không nói gì chỉ vâng với mẹ. Chị Năng đã hai mươi bốn tuổi lại xinh đẹp, An biết chị ấy không chịu lúi sùi ở mãi cái làng bán sơn địa này ngước mắt lên thấy lá cọ, nhìn xuống thấy ruộng đầy săn sắt rô ron và đỉa , ngước đằng đông vướng gò ngó đằng tây vướng sông. An thích con người chị Năng cứ hừng hực yêu cứ hừng hực sống mà lại rất khôn nữa là đằng khác. Thế mà người trong làng chả hiểu gì về chị, cứ bảo có hồi chị ấy đã là phó bí thư chi đoàn chị ta phải sống gương mẫu. An đã từng nghe chị Năng bảo, gưỡng mẫu à? Ai sống thay đời của mình? Chã nhẽ chi đoàn hay chi bộ làm thay cái tên làm đàn bà làm thay cái tên làm mẹ cho tao hay sao? Chi đoàn có làm chồng tao không? Nghe mà sợ, An chỉ thấy chị ấy đẹp, thấy thích chị ấy. 
Cơm xong con gái đi họp chi đoàn, bà Hiếu một mình phẩy cái quạt lá cọ ra chum cởi áo ngồi thụp xuống dội ào ào. Bà lấy cái cuống quạt kì kì sau lưng. Đã quá, cả ngày ngứa ngáy giờ mới phanh trần ra mà kì cọ. Bà nhớ ngày xưa cũng những đận mùa hè gặt hái lè phè rơm rạ mà ông lí Phi cứ chừng mười giờ đêm là ông lên nhà . Nửa đêm ông lại về đằng bà cả. Bà nằm một mình trăng chui cả vào giường lõm bõm sáng lõm bõm tối. Cái thời vừa mới hòa bình bà mới thấy thêm khổ vì thân làm lẽ. Nếp sống mới là cái của nỡm gì mà làm bà khổ, bà chịu đựng, chuyện chồng vợ bà làm hại đến ai đâu mà bà phải khổ, bà thèm vào cái sự xấu hổ ở cái buổi sồn sồn. Ai cũng được dịp phê phán ông chồng bà đa thê. Đa thê thì hại đến xã đến huyện à? Bà lẩn thẩn ngẫm ngợi bà chỉ thấy cái chịu đựng của người đàn bà là khổ. Bây giờ thì bà lại nghĩ cho con An. Đời con gái nay chi đoàn mai xã đoàn rồi có cái cọc nào mà neo lại đời con gái? Bà chỉ mong nó yên hàn mà cũng đừng làm lẽ như bà mà thôi. Bà biết nó hồng nhan, nó còn đẹp hơn bà nhiều.
........
( còn nữa)

HN 2014 .- NTL

Tôi kể chuyện nhà tôi


Con đưa mẹ cha ra phố
Những mong cha mẹ vui
Những người những xe hội họp
Ngược xuôi bề bộn nói cười
Giữa đêm cha ra hiên hút thuốc
Nửa đêm mẹ ra ban công nhai trầu
Con cũng theo ra lặng lẽ
Tưởng cha mẹ mình ngắm phố Thủ Đô
Thì ra cha khóc trong khói thuốc
Thì ra mẹ nuốt nước mắt quết trầu
Mẹ bảo
"mai về quê thôi con ạ
Phố phường không sống được đâu"
"Mai con đưa mẹ cha về với ruộng
Về với họ mạc con trâu
Quê mình bờ xôi ruộng mật
Ngàn đời yêu nước yêu nhau"
..."Ở đây phố to nhà cao
ở đây gần trung ương gần phường hát
Thích lắm !
Nhưng không gần ruộng gần vườn
Cha mẹ không còn là nông dân"
22/4/2017
( thương nhớ mẹ cha khi còn sống ra HN với con)

TRỞ VỀ CỦ CHI


Bút Kí
(Bốn mươi tư năm sau, chúng tôi - những người lính Sư đoàn 320 ( Đại đoàn Đồng Bằng ) lại trở về Đồng Dù lần nữa. Lần này chúng tôi về đây để xây dựng nhà bia tưởng niệm những người lính đã hi sinh trong những trận đánh vaò căn cứ Đồng Dù và những đồng đội chúng tôi đã hi sinh ở trận cuối cùng 29.4.1975. Chúng tôi sẽ gặp lại bạn bè tôi mãi mãi tuổi 20 trên cửa mở đồng Dù. Tôi treo bài viết từ năm 2013 lên để thêm một lần trở lại với CỦ CHI YÊU DẤU.

**********
Chúng tôi trở lại Đồng Dù vào ngày 10/5/1975. Thực ra chỉ có trung đoàn tôi trở lại đây muộn như thế còn các E 48, E9, E54, trung đoàn công binh 7 và các đơn vị trực thuộc cùng sư đoàn bộ đã ở đó ngay từ ngày đầu tiên giải phóng. Vì đi phối thuộc với Sư đoàn 10 đánh vào Bộ TTM VNCH nên Trung đoàn tôi mới có cơ may đánh tới dinh Độc Lập rồi ở đó tới ngày 6/5 thì kéo về đội hình ở Củ Chi cách Đô Thành 30 km. Chiều 6/5 đến Tân Phú Trung thì dừng lại tổ chức trận tập kích truy diệt bọn tàn binh chừng trăm tên trong ấp bàu Trâm .
Khi về tới Đồng Dù phải qua ba bốn lần chuyển quân trong 2 ngày trời mới điều chỉnh xong vị trí. Khiếp , căn cứ cũ của sư 25 "Tia chớp Nhiệt đới " rộng quá. Những 8 ki lô mét vuông bằng đúng khu gang thép Thái nguyên thời ấy. Điện nước trường trạm đủ... tận răng. Vườn hoa cây cảnh xanh ngời. Các con đường trong căn cứ trải nhựa như phố xá. Tôi lại thấy ở đây rất nhiều những lùm hoa Giấy thứ hoa cánh nhỏ mong manh đỏ rực dưới nắng. Ở rừng mới về, sống trong một khu lính Mỹ cũ nhìn cái gì cũng lạ cũng thích cứ như mình đang sống ở nước ngoài vậy. Mãi về sau này càng nghĩ càng thấy mình ấu trĩ vô cùng. Chả cứ gì lính, đến mấy ông cán bộ cũng tò te trước các trang thiết bị quân sự hiện đại, trước tiện nghi dân sự tân kì. Việc làm được đáng “ nể “ nhất của lính là phá phách những đồ dùng sang trọng mà không phù hợp với đời sống chiến đấu , sau nữa là vất bớt tủ giường sa lông .. thậm chí cả quạt điện cũng không được dùng riêng . Thu gom lại cả hàng đống quạt bàn nộp lên E , những đồ lấy được trong kho quân tiếp vụ cũng ùn ùn nộp E . Chúng tôi bắt đầu làm lấy giường nằm theo gu của lính . Dỡ trần nhà lấy ván ép làm giường để rồi tự mình chịu cái nóng Củ Chi hầm hập … Buồn cười thế, chả cái dại nào giống cái dại nào. Bao lâu nay đói, bây giờ được ăn uống đầy đủ tôi lên cân vù vù . Chỉ sau hai tháng lên được 6 kí. Cái thằng da nhẻm như tôi mà nước da sau 2 tháng cũng ưng ửng lên. Tôi chả mơ ước gì lúc này tôi chỉ nhớ mẹ, nhớ ruộng đồng, nhớ sách học trò và chỉ muốn ra quân. Ước mong được ra quân cháy bỏng ruột gan .
Chuyện trở về Củ Chi không phải là để kể chuyện phá phách trong căn cứ Đồng Dù. Kể chuyện đó biết bao giờ hết cười hết buồn.Tôi muốn kể về con người Củ Chi về những ngày tháng sống với đồng bào Nam bộ, về những suy nghĩ của mình với tuổi trẻ với đất Củ Chi củ miền Nam mới giải phóng .
Lần đầu tiên trong đời tôi nghe tới cụm từ ‘Gia binh“. Tất nhiên là tôi hiểu ngay gia binh là gì. Nơi chúng tôi tiếp quản từng vị trí cấp C, đều là trong gia binh.còn bếp ăn và khu D bộ ở nhà vòm của lính cũ. Đây đó ngổn ngang bát đĩa áo quần nồi niêu, ngổn ngang tủ giường đồ dùng gia đình. 
Đêm 10/5/75 tôi dọn dẹp nơi ở của mình, dọn dẹp thì ít mà ngồi xem sách vở giấy tờ thì nhiều. Trở về đây tôi ngợp trong sách vở mà 4 năm qua thiếu đói. Tôi đọc ngốn ngấu như kẻ ốm dậy ăn giả bữa. Hầu như mỗi ngày tôi đọc một cuốn sách. Lần đầu tiên tôi đọc những cuốn sách giáo khoa miền Nam. Lần đầu tiên tôi được xem những bài viết của học sinh trung học ở chế độ VNCH. Cứ ngồi lặng đi đọc các bài luận của học trò. Cũng vẫn là những bài dậy cho trò lòng yêu nước, hiếu đễ với mẹ cha. Cũng là những bài ca ngợi tổ quốc ta tươi đẹp. Cũng vẫn là những bài máu đỏ da vàng. Ngạc nhiên hơn cả là trong cuốn " Mười Khuôn Mặt Văn Chương " của Tạ Tỵ thì viết hầu hết về các nhà văn miền Bắc. Ngạc nhiên nữa là bài thơ Đồng chí của Chính Hữu cũng có trong chương trình văn khoa. Đêm ấy cứ bâng khuâng, đêm ấy cứ nhìn nét chữ của đứa trò nào đấy con của binh sĩ VNCH trong cuốn tập và nghĩ bây giờ nó đang ở đâu? liệu nó có được đi học lại không?

Nhìn những nồi niêu vung vãi nhìn những bộ áo quần chưa kịp gói ghém chạy loạn mà lũ chúng tôi cứ bần thần. Tôi có cảm giác buồn buồn có lỗi. Lạ thế. Hồi ấy tôi rất kiêng kị dùng một thứ đồ gì trong vô vàn đồ dùng ở khu gia binh. Đêm, nằm trong căn cứ, khuya lắm vẫn nghe tiếng Hon da è è ngoài xa và khi bình minh ưng ửng là tiếng xe bên ngoài hàng rào rộn rã. Gần bốn mươi năm nay cứ khi nào nghĩ tới miền Nam là tôi lại nghe bên tai tiếng xe máy lúc trời sắp sáng bên ngoài căn cứ Đồng Dù Củ Chi .
***
Chúng tôi lao vào ổn định chỗ ở, ổn định tư tưởng được mươi ngày thì có lệnh hành quân di chuyển. Lại tất cả trang bị vũ khí và cơ sở vật chất chuyển đi. Nơi chúng tôi đến là xã Phú Hòa Đông và Nhuận Đức . Thì ra để đề phòng Mỹ sẽ có thể đánh quay trở lại nên các căn cứ cũ đều phải cách li bố trí thế trận của mình. Chúng tôi đóng quân ở bờ sông Sài Gòn cả ở nhà dân và làm lán lợp mái tôn trong rẫy hoặc ngoài đồng. Mới gần một tháng thôi mà nay quay về với cuộc sống cũ lính đã thấy khổ, thấy chán nản thế . Quen với gian khổ thì lâu nhưng quen với an nhàn sung sướng thì nhanh thế.
Bốn năm nay mang tiếng đi chiến đấu ở miền Nam đã bao giờ tôi ở cùng với dân Nam bộ một ngày. Chúng tôi cứ lặn lội trên rừng trên cứ. Bây giờ, tận mắt thấy cuộc sống của họ. Người Củ Chi chịu đựng gian khổ đến phi thường. Cố hình dung cố tưởng tượng cũng không thể hiểu nổi, làm sao mà họ vượt qua được những ngày Mỹ càn quét với đủ quân binh chủng với hàng chục hàng trăm ngàn lính. Suốt một dải Phú Hòa Đông lên Nhuận Đức, Phú Mĩ Hưng, An Nhơn Tây... không thấy một ngôi nhà cho ra cái nhà. Chỉ thấy cỏ hoang lau lách và lục bình hoang tím. Mươi ngày nay bà con đang lục tục kéo về làng cũ . Chúng tôi mắc võng ngoài vườn một gia đình nông dân hai vợ chồng chừng bốn mươi tuổi. Trong căn nhà tuyênh toang lợp lá dừa ấy có một cái giường độc nhất cho người vợ ốm nặng còn người cha và hai đứa con mắc võng vào những cây cột chôn xuống đất. Tôi mắc võng vào hai cây trứng gà nằm nhìn những con ong bu lên những trái cây rơi dập vỡ vàng ươm dưới đất. Nghe tiếng rên của người đàn bà ốm não nề. Sao giống người dân quê mình đến vậy ? Rồi tôi hỏi, trẻ con ở đây không có trạm xá à ? Lũ trẻ không hiểu trạm xá là gì, tôi giải thích mãi chúng à à .. nhà thương. Lấy đâu tiền đi nhà thương hả ông Giải phóng ? Chiều mưa. Tôi vẫn nằm võng ngoài vườn. Nước tom tom trên mái tăng. Ngó mấy con gà gầy sơ sác trú mưa dưới gầm võng buồn ghê. Tôi nhớ nhà muốn bay về ngay miền Bắc. Chợt có tiếng rên rẩm. " Thằng Hai kêu mấy ông vô nhà nằm, nằm ngoải mắc ốm quá." Thì ra người đàn bà ốm đau đang thương chúng tôi ngoài mưa . Mưa cứ ầm ầm, tiếng người đàn bà chìm vào sấm chớp .
Hôm sau, đến giờ nghỉ trưa tôi chạy bộ ngược lên phía đằng bờ sông Sài gòn. Tìm bạn tôi là y tá C24 vốn trước khi đi bộ đội là sinh viên năm 3 y khoa. Tôi bảo Đinh Ngọc Sỹ, mày có thuốc bổ không mày xuống tiêm cho bà chủ nhà tao mũi, nhà ấy không hề có viên thuốc nào. Đinh Ngọc Sỹ cũng gói kim tiêm rồi giữa trưa nắng chạy theo tôi. Tôi cũng không ngờ gia đình nhà chủ tôi lại xúc động đến thế. Sỹ tiêm cho chị ấy ống B12 “nước rau dền”rồi kéo tôi ra. Tao về đây. Nó ngoái đầu vào, chị ơi chị cố ăn cho chóng khỏe, em về. Ra đường nó bảo tôi, bà ấy chả sống được đâu, gan cổ chướng đấy. Rồi nó đi như chạy sợ về muộn đơn vị lại cho là mò vào nhà dân tụt tạt. Cũng hôm ấy tôi thấy người đàn bà bệnh tật ấy ngồi dậy mà nói, cả đời tôi bây giờ tôi mới được chích mũi thuốc, thấy người khỏe liền. Trưa ấy nắng lắm. Tôi nằm võng nghe trái trứng gà chín nũm rơi bình bịch. Mấy đứa trẻ ngồi gốc cây ngó tôi thật lạ. Chiều tối nghe hai vợ chồng nói chuyện với nhau, người vợ bảo hổng biết ông giải phóng chích thuốc chi mà tui thấy khỏe lẹ vậy ông à. Lại nhớ lời thằng Sỹ nói hồi trưa… chả sống được đâu . Thấy buồn quá. Bao nhiêu người dân hi sinh hết cho cách mạng không tính đếm cả thân xác mình đến lúc sắp chết vẫn không hề biết viên thuốc mũi tiêm. Ấy vậy mà bao nhiêu thuốc men gom được đều ủng hộ hết cho quân giải phóng ngoài căn cứ cách mạng
***
Hai tuần sau chúng tôi lại kéo quân về Đồng Dù. Lại bắt đầu ngày thao trường tối hội họp bình xét. Nhóm đi tập duyệt binh, nhóm đi quay lại Tây Nguyên tìm hài cốt qui tập đồng đội, có cả nhóm đi quay lại Tây nguyên đóng phim hai tháng trời, lại có cả bọn đi tăng gia ......Lính thì bận kiểu lính cán bộ bận kiểu cán bộ . Căn cứ Đồng Dù ngoài Sư đoàn tôi còn thêm cả E công Binh 7 cả D xe cơ giới quân đoàn và một E pháo binh 1 e pháo phòng không quân đoàn nữa . Đông nghịt người và đêm đêm đèn điện sáng như phố phường . Khu gia binh giờ phá hết những dãy bếp những mảnh vườn chỉ để trụi thùi lụi những ngôi nhà ở đập thông tường nối với nhau dài dằng dặc . Tháng 6/75 đội văn nghệ Sư đoàn được thành lập. Tôi cũng được gọi lên đó tập tành gấp rút trong nửa tháng để rồi đi biểu diễn với bà con trong huyện Củ Chi. Lúc này nhạc cụ lấy được của đoàn quân nhạc trong Đồng Dù nhiều lắm. Chả có trình độ mà chơi những loại nhạc cụ cao siêu, lính chỉ lấy ghi ta, trống và chũm chọe lùng bùng lèng phèng suốt ngày. Mới giải phóng nên đội Văn nghệ được cưng lắm. Diễn viên toàn lính cũ dưới đơn vị hồi trên Tây Nguyên . Qua chiến dịch đã hi sinh mất vài đứa, lại gọi bổ sung dưới đơn vị lên. Một tối chúng tôi đi diễn dưới Tân Qui . Đang lúc hợp ca hát "Bác cùng chúng cháu hành quân" nghe cái bịch trên sàn gỗ sân khấu . Bà con la ré lên chúng tôi nằm bẹp ngay xuống sàn. Quả lựu đạn không nổ. Lí do thật đơn giản lựu đạn chưa rút chốt . Đêm ấy cuộc diễn vẫn không dừng lại. Du kích dàn hàng ngang đứng kín sân khấu còn các má thì bảo các con không sợ các má có chết cũng bao bọc được các con . Tới tiết mục của tôi , tôi hát bài " Mẹ vẫn đào hầm" mà nước mắt cứ đầm đìa . Các mạ thấy chúng tôi khóc cũng khóc. Quanh tôi , cả dưới bãi cỏ kia chỉ thấy toàn cụ già , trẻ nhỏ và du kích . Thanh niên đâu không thấy ? Chúng tôi hát trên mảnh đất mà chỉ hơn một tháng trước là khu dày đặc những lính CH những bom và pháo, xa vài năm trước dày đặc những là lính Mỹ , chúng tôi hát trên một vùng du kích nhiều bao nhiêu thì ác ôn của địch cũng nhiều bấy nhiêu . Chúng tôi hát trên vùng đất trắng bạc đất và lá cây khô rang mà giặc Mỹ đã càn quét bằng đủ quân binh chủng có tới vài chục ngàn quân hàng tháng liền, đốt sạch phá sạch. Hồi ấy tôi có cảm tưởng chỉ cần một đốm lửa là có thể đốt cháy cả Củ CHi . Củ chi hoang mạc đến độ úa vàng. Thế mà người Củ Chi vẫn sống , vẫn chiến đấu vẫn yêu tiếng hát . NGười Củ Chi chiến đấu thật kiên cường và sống thật mãnh liệt , sống vô cùng nhân hậu.
Mùa mưa miền Nam lại đến . Những trận mưa gõ trên mái nhà tôn ầm ầm , mưa rất to và nhanh . Ngồi trong nhà nhìn ra sân , bong bóng phập phồng trôi ào ạt rồi ùa xuống những giao thông hào cũ . Trong Đồng Dù đâu cũng thấy vườn hoa cây cảnh thật là đẹp . Có một thứ hoa vàng gọi là hoa đai vàng mùa mưa lá xanh mướt . Những vòm hoa giấy rực đỏ đến sáng cả con đường vào từng doanh trại cũ . Mưa chỉ vào buổi chiều tựa hồ đó là trận tắm rửa cho một ngày bụi bặm . Chúng tôi thích những trận mưa như thế , chúng tôi gọi là mưa miền Nam .
Ở Đồng Dù có nhiều cổng ra vào. Cổng chính đối diện với con lộ 15 đi tắt xuống Tân Phú Trung về hướng Sài gòn. một cổng phía ngoài Phú Hòa Đông và một cổng nhỏ đi ra rừng cao su Tân an Hội bây giờ. Nhưng có hai cổng nữa mà ít ai dám đi qua là hai cửa mở quân ta đánh vào hôm 29/4. Cửa mở của E9 phía Trung Lập xuống ngay trong tháng 6 đã rào lấp lại còn cổng cửa mở e48 thì vẫn để nguyên mà chả ai dám đi qua. Mấy chiếc xe tăng cháy nằm đấy, bao nhiêu là mũ cối quân trang của bộ đội bê bết ướt nhèm ở đấy. Mìn của địch vẫn dày đặc lại thêm vọng gác của E7 công binh ở những lô cốt đầu cầu nên chúng tôi không bao giờ ra ngoài bằng lối đó. Thế mà lính ta vẫn ra ngoài căn cứ được . Bắt đầu là mấy thằng công binh 17 , chúng nó dò gỡ mìn theo lối gần nhất ra ấp Bắc Hà. Các hàng rào thép gai dược chống lên một lỗ to bằng cái thúng . Ra vào đều phải ngụy trang để cán bộ không phát hiện ra. Cửa bên trong giáp với đơn vị chúng nó lăn một cái thùng phuy bẩn ép vào lỗ thủng chỉ cần lăn cái thùng ra một tí là chui vào lối ấy bò theo cỏ tranh mà ra ngoài ấp. Lối đi ấy hình tròn đường kính bằng cái thùng phuy, quân ta ra vào bò như một đàn thằn lắn. Bao nhiêu cuộc tình , bao nhiêu sự làm quen và gắn bó cho lính và đồng bào Củ Chi bắt đầu từ đó. Năm 1993 tôi và Nguyễn Công Thành bạn tôi trở về Củ Chi. Sau một hồi trình bày với anh em vệ binh Sư đoàn 9 ( phải đưa cả thẻ nhà báo của Thành ) mới được họ cho vào. Đến cái chỗ có lối chui ra ngoài bây giờ là một vườn keo rất đẹp Thành bảo tôi, Chỉ có cái lỗ chui như của chuột mà tao cõng được cả một cái lu đựng nước ra tặng bà già người yêu ngoài ấp Bắc Hà. . Nó cười xa xăm nhìn ra chóp nhà thờ Bắc Hà ló trên ngọn keo xanh mướt mát. Hồi ấy vợ nó là một cô bé ngoài Bắc Hà mới 16 tuổi bán nước mía ngoài đường Tám. Chúng nó yêu nhau rồi bây giờ thành ông nội bà nội ở Sài gòn. Đồng Dù điểm kết thúc cuối cùng cuộc chiến của tôi nhưng lại là điểm bắt đầu nhiều cuộc hạnh phúc trăm năm của bao người lính bạn tôi. Củ Chi như một ân tình bất ngờ mà thượng đế ban xuống đầu những chú lính 320A ngày ấy .

NHững ngày tháng 6,tháng 7 năm 1975 Khi ở đội Văn Nghệ Sư đoàn chúng tôi được ăn ở trong Tổng Hành Dinh của Lý Tòng Bá . Một điều rất dễ nhận thấy là ở đây rất nhiều hoa Sứ và các lư hương khổng lồ bằng đá, rất nhiều những tấm bia xây rất đẹp có biểu tượng tia chớp giống y như tia chớp ở các bảng điện trạm điện bây giờ . Lí Tòng Bá có hồi làm Sư đoàn trưởng sư đoàn 23 trên Cao Nguyên . Ông ta có một cô vợ người Tây Nguyên . Và vì thế trong tổng Hành Dinh Bá giành riêng một vùng làm nhà sàn và cây cối Tây nguyên. Hồi ấy những đàn sóc , tắc kè và cả cầy hương cũng nuôi trong khoảnh vườn thật là đẹp ấy .Kề khu vườn có cái máng cỏ chúa sinh ra đời mà đèn nến khung cảnh huyền diệu ấy là khu ở của đại đội lính trinh sát mà Bá rất cưng chiều. Chúng tôi ở trong khu nhf cũ của đại đội trinh sát đó. Hàng ngày ngắm nhà Cao nguyên của tướng Bá mà cũng thấy nhớ Tây Nguyên thật . Chiều chiều chúng tôi ra ngồi chân cột cờ ba vòng tam cấp rất cao nhìn về phía tây bắc . Ngọn núi Bà Đen phía Tây Ninh xanh sám tít xa . Những lúc ấy tôi cứ nghĩ tới ngọn Ba vì ngoài Bắc khi tôi ngồi trên tàu hỏa về quê mỗi kì nghỉ hè . Chúng tôi ngồi đó mơ ngày về , mơ rằng cuộc đời sẽ thật lương thiện và ấm êm .
Đồng Dù sau hai tháng biết bao nhiêu đổi thay . Quân đi quân về liên tục . Khách viếng thăm cũng nhiều vô kể . Hết đoàn Văn công này Nghệ thuật kia vào biểu diễn cho chúng tôi xem . Bao nhiêu tán dương bao nhiêu là khen tặng ngập tràn hân hoan và địa chỉ trao nhau . Tất cả mọi thứ đó tan nhanh lắm . Chả ai người ta nhớ đến những người lính nhỏ nhoi như mình mãi được . Chả người lính nào mà lại chiếm được phần lớn con tim của những người ngoài cuộc đang rạo rực ban phát xúc động cho lính . 
Xúc động của lính chỉ người lính có .
Dẫu yêu thương người lính đến mấy cũng không thể có suy nghĩ của lính . Chỉ còn chúng tôi hát cho nhau nghe , diễn lại những trận đánh mình đã qua . Diễn : thực ra chỉ làm nguyên si những gì mình đã làm trong chiến đấu vậy mà ngồi xem với nhau cũng khóc . Khán giả khóc . Diễn viên khóc , lính khóc cán bộ khóc . Thì ra trên đời chả ai nói thay được cho mình chỉ mình nói cho mình thôi , chỉ mình mới biết mình trung thực đến ngần nào thôi với đời , mà trước hết là phải trung thực với chính mình .

Đã qua ba tháng sau Giải phóng. Đã có một đợt quân mới nhập ngũ tháng 4/75 bổ sung về đơn vị , đã có một số anh em có văn hóa lớp 10 đi học Sĩ quan ngoài Bắc . Đồng Dù vẫn nhộn nhịp một cuốc sống lấp lánh chiến công . NHưng tôi biết đã bao nhiêu là nước mắt của đồng đội tôi sau nhiều năm bây giờ mới nhận thư gia đình . Nhiều oái oăm tình cảm bắt đầu xuất hiện trong lính . Mấy anh lính già 67, 68 khóc vì vợ đã phụ mình. Nhiều anh khóc vì được tin mẹ cha đã mất . Còn tôi , tôi chả có gì mất. Tôi lại đang sống nhàn nhã hơn anh em chỉ viết lách và múa hát. Mỗi lần về lại A trinh sát của mình cứ thấy như mình có lỗi bởi thấy anh em đen cháy lại sau nhiều ngày bám địa bàn ngoài dân, thấy chúng nó thở dài mong ngày ra quân mà vẫn mịt mù .
Một tối chúng tôi diễn cho đồng bào Tân An Hội . Đây là thị trấn Củ Chi nên khán giả rất đông , rất nhiều học sinh đại học và trung học xem . Đêm ấy , chúng tôi không thành công . Mấy hôm sau tôi ra thị trấn, họ nhận ra tôi và cũng hôm ấy tôi được mấy thanh niên Thị trấn mời về nhà . Họ chỉ cho tôi xem bộ nhạc cụ trong nhà , nào là ghi ta điện , dàn trống hiện đại . Thấy tôi bần thần đăm chiêu một cậu bảo tôi, anh hát đi . Hát gì bây giờ ? chả nhẽ lại Bác cùng chúng cháu hành quân , lại Đêm trường sơn .. . mà hát nhạc vàng thì không dám vả lại cũng không biết nhiều . Thời đi học đại học chúng tôi hay hát những bài hát Nga và châu Âu, thế là hát . Tôi hát trở về Su ri en tô rồi hát Pa lô ma. Từ lúc ấy họ nhìn tôi rất khác. Bộ đội mà cũng biết hát những bài này à? Tôi bảo các bạn chơi bài Sóng sông Đa nuýp đi ! họ tròn mắt . Thì ra bấy lâu nay thanh niên miền Nam cho rằng lính miền bắc đâu có hát được những bài hát châu Âu ấy. Còn tôi. Bấy lâu nay tôi cứ tưởng họ cũng chỉ biết hát nhạc vàng rên rỉ mà thôi.
Chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên rồi chợt hiểu ra con người hai miền vẫn chỉ là một, chỉ có điều họ và tôi đang sống trong hai hoàn cảnh khác nhau mà thôi . ..

Tôi quen với Thái và Tùng ở ấp Đông Tân An Hội từ ấy . Chúng tôi cứ tìm thời cơ để ra Củ Chi bù khú với nhau . Rồi chúng tôi quên mất chuyện tôi là lính còn Thái và Tùng đang là học trò chưa hết tú tài . Hồi ấy chưa biết uống bia ( lade) hay rượu . Thế mà lần nào tụ tập với nhau cũng phê . Tùng mới cỡ 15 tuổi mà đã bảo tôi , chừng nào anh về Bắc em chạy honda theo xe các anh ra Bắc chơi . Tôi cười , coi sự chú này nói là không tưởng . Rồi tôi về Bắc , ngày rời Đồng Dù Thái và Tùng không biết . Tôi có thư cho Tùng năm 76 , 77 và cũng nhận được thư em . Rồi cuối năm 77 không thấy thư từ gì nữa . tháng 3/78 tôi nhận được lá thư có tấm ảnh Tùng là bộ đội đi K rồi biệt đến bây giờ . Đã nhiều lần qua thị trấn Củ Chi toàn ngồi trên xe , toàn là du hí rồi vội vã quay về Sài gòn nhậu nhẹt . Củ Chi thật gần mà thật xa . Mình đã thành kẻ vô tình từ bao giờ vậy ? Viết đến đây bỗng tự thấy mình xấu hổ .
Mỗi lần trở về Củ Chi là " rạo rực nhớ tà áo trắng sân trường" . Cái câu nói này với tôi, tôi chỉ thấy ở Củ Chi. Bởi lần đầu tiên vào tháng cuối 9/1975 tôi được dự khai giảng của trường Trung Học Củ Chi. ( Buổi khai giảng hôm ấy lần đầu tiên tôi nhìn thấy thứ trưởng bộ Giáo Dục Võ Thuần Nho đến Củ Chi dự buổi khai trường) 
Suốt buổi hôm ấy tôi nhìn các bạn học sinh kém tôi ba bốn tuổi mặc áo dài trắng phơi phới sân trường. Sau này cảnh ấy thật nhiều nhưng không còn xúc động với tôi như lúc còn ở Củ Chi nữa. Lúc ấy tôi cứ nghĩ, trong rừng người trong sáng kia cái xấu làm sao len lỏi vào được (!) . Hôm ấy tiếng trống trường khai giảng ở Củ Chi âm âm. Nó âm âm gọi hồn tôi tới bây giờ.

Trở lại Củ Chi mỗi lần là lại ngửi thấy mùi bánh tráng và nhìn khói bếp trong xóm lên hơi . Dẫu đi từ Bắc vô Nam cứ đến Củ Chi lại mua dưa leo để ăn . Lại muốn mang về Bắc lọ bột tôm vàng óng chấm sắn luộc vào đêm mùa đông.
Trở lại Củ Chi là lại đứng trên cầu An Hạ nhìn cánh đồng lúa thăm thẳm để bừng lên lửa khói của trận đánh xe tăng trưa 29/4 và cái đồn Cảnh sát đầu cầu vắt oài ượt những xác lính trong trận mưa chiều hôm ấy . Sao mà Củ Chi nhiều hoa lục bình đến thế ? đến bây giờ vẫn nhiều, cứ tím cả cánh cào cào làm sôn sao cả nắng hè .
Trở lại Củ Chi để đi giữa hoa. Sao mà Củ Chi nhiều hoa giấy thế ? con đường xuyên Á gọi là đường Hoa Giấy đi thôi Củ Chi ơi. Tôi đi trong miên man hoa giấy mà nhớ bạn tôi gục xuống hôm nào. Ngày ấy hoa giấy cũng rực rỡ như hôm nay .
Trở về Củ Chi để thấy mình đã lớn, đã sống tốt với đời. Những người tôi gặp hôm nay chả ai biết đến tôi . Tôi ghé vào cổng Đồng Dù , phía sau cổng gác xanh ngát như ngày xưa , người lính gác nhìn tôi vô cảm như thấy một lão nông thất thường tính nết thấy lạ thì há mồm nhìn ngắm . Tôi chợt nhớ cái khẩu pháo 175 nằm ngay cổng tan hoang ngày 29/4 đã xa . Tôi tin các bạn tôi ngã xuống ở Đồng Dù vẫn nhớ tôi. Dụi mắt nhìn dòng chữ Doanh trại Quân Đội Nhân Dân Việt Nam thấy chập chờn các bạn lính e48 e9 và cả đứa bạn chăn trâu của tôi ở D16 đang cười .
Trở về Củ Chi để hi vọng gặp những đứa trẻ đã nghe chúng tôi hát ngày xưa, hi vọng gặp các bạn Thái Tùng ở ấp đông Tân An Hội lại ngồi hát như mùa hè năm 1975 rợp hoa và cờ đỏ.
Trở về Củ chi là trở về với đơn vị của mình bởi tất cả đồng đội vẫn đủ biên chế đội hình trên nghĩa trang An Nhơn Tây. Củ Chi ơi ! Tôi trở về đây. Trở về Củ Chi là tôi về với tuổi trẻ đời mình
Hà nội 2012 NTL