Monday, February 27, 2017

À ơi..

.
(
Sáng trước lúc đưa cháu đi chữa bệnh)
Đã qua nửa thế kỉ rồi
Người về lẫm chẫm da mồi chiều hôm
Vết thương mẹ vết thương con
À ơi nhức nhối những đêm hòa bình

Vẫn còn đây vết thương ông
Cháu không lành lặn quặn lòng đêm đêm
Lưng còng cõng cháu đi tiêm
Có con cò lội trong miền à ơi

Đã qua nửa thế kỉ rồi
Chân ông bước, gió không thôi lạnh lùng
Còn bao nhức buốt trong ông
Xin trời hãy tránh rơi vùng à ơi
27/2/16

Hoa Cải vàng

Có nơi nào giống như phố này không?
Hoa cải hiền nép bên hè phố
Nơi này năm bẩy hai bom Mĩ thả
Vẫn không ngăn nổi tiếng nói VIỆT NAM.

Những nhà thơ to đi đâu hết rồi
Thơ vùi vào rượu và những tâm tình vụn vặt
Những bon chen mị mụ tính từ
Về quê mà hiểu mình và thơ

Họ giỏi thế cỏ xanh hoa vàng đẻ ra tiền như hoa cỏ
Đất nước mình giàu, cả nước có thơ
Một buổi sáng đưa cháu ra vườn cải
Hoa rất vàng và người rất thờ ơ

28/2/2017

Sunday, February 26, 2017

CHÚNG TÔI TỪNG CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ.


Cho đến tận bây giờ hai chúng tôi vẫn ở bên nhau như một duyên nợ. Đã gần năm mươi năm kể từ lúc cả hai vẫn còn trai trẻ, đều hăm hở với cuộc đời nhiều khát vọng và rất nhiều bâng khuâng với khoảng trống ở phía trước. Chúng tôi cùng vào đại học một năm, cái thủa sinh viên đi bộ hàng ngày đường cõng gạo kiếm củi và học bài bên bờ suối, nhớ nhà cùng ngồi khóc bên bờ suối… 
Quê chúng tôi ở xa nhau. Sỹ ở tận Sơn La còn tôi ở cuối Phú Thọ, ấy mà hai đứa gần như anh em ruột. Đời người chả nói trước được điều gì nhưng ước vọng thì chẳng ai cấm. Cứ ước mơ đi, cứ hy vọng đi, có hy vọng có dám ước mơ cũng đã là hạnh phúc rồi. Hồi xưa chúng tôi bảo nhau như thế. Rồi hai đứa ước mơ bâng lâng. Sỹ bảo : Tao sẽ về làm bác sỹ ở nông trường Mộc Châu. Tôi bảo: Tao sẽ về làm kỹ sư nhà máy chè Phú Thọ. Hai đứa bâng khuâng nhìn dòng suối La Hiên êm ru đầy những cánh hoa rừng trôi. Ấy là những ngày cuối thu 1970.
Bạn sẽ hỏi: hai đứa tôi không cùng trường, cùng nghề, sao thân nhau từ lúc mới vào trường? Sỹ học đại học Y khoa Việt Bắc ( bây giờ gọi là Y khoa Thái Nguyên) còn tôi học đại học Cơ Điện Bắc Thái nhưng tôi có bạn cùng học với Sỹ. Ngày xưa, thứ 7 đi bộ vài chục cây số lên thăm nhau là chuyện thường. Lên thăm bạn tận núi rừng Võ Nhai tôi được bạn gửi sang ngủ nhờ phòng của Sỹ thế là thân nhau . Nói vậy thôi, chứ không dễ. Hồi ấy hắn cũng gườm gườm nhìn tôi ngụ ý rằng: đã lên tán gái lớp bọn này lại còn tá túc, lắm chuyện. Nhưng thân nhau rồi thì chẳng có ai cắt nghĩa được là vì sao. Sau này lớn tuổi, hai thằng cùng kết luận là do cả hai đứa mình là đàn ông thế thôi. Đoạn đời trong veo là những năm sinh viên sơ tán. Rừng cũng đẹp, suối cũng đẹp. Con suối La Hiên có những khúc quanh chằng chịt dây rừng che kín như một cái kén tằm khổng lồ. Nghe bọn nam trường Y tả về những sáng chủ nhật tắm tiên của nữ sinh trường Y Việt Bắc mà cứ như được lên tiên vậy. Những ngày gặp nhau, Sỹ kể cho tôi nghe về sinh hóa, về giải phẫu, chẳng hiểu gì cả. Nhưng nghe nó nói về lời thề Hypograts thì hiểu. Và rồi hai đứa có nhiều dịp để nói về lời thề đó. Tôi chỉ có một cái quần xanh chéo và cái áo phin trắng chuyên dùng mặc khi đi đến trường khác, Sỹ bảo: Mày diện thế, nó cũng có một bộ như thế nhưng chẳng dám mặc phung phí như vậy, nó bảo chỉ Tết về mới diện thôi. Nó cũng mặc quần nâu gụ như tôi. Sao hồi ấy bọn tôi không mặc cảm với bạn gái nhỉ? thản nhiên yêu đời, yêu bạn bè cũng thật thản nhiên.

888
Chiến tranh lại đưa chúng tôi gần nhau hơn. Mùa hè năm 1972 tôi nhập ngũ. Vào cái ngày cởi bỏ bộ áo sinh viên nhận bộ áo lính, hai thằng òa lên khi nhìn thấy nhau. Ở cái xóm cây thị xã Động Đạt huyện Phú Lương hôm ấy hai thằng nằm ngửa mặt nhìn trời cùng nhớ ngày hôm qua, một cuộc đời xa thẳm cái ngày hôm nay của hai đứa. Bạn bè tôi, bạn bè Sỹ đứng lặng ven rừng nhìn chúng tôi lên xe đi về phía trước. Hai thằng nhìn qua lớp bụi đỏ rưng rưng nhớ trường nuối tiếc thời trong trẻo đang lùi lại phía sau.
Những tháng ngày hành quân Trường Sơn là cái vạch ngang trí não của bất kỳ những người lính đánh Mỹ. Khổ cực đến tận cùng, vui cũng tận cùng mà lãng mạn cũng tận cùng. Sỹ bảo tôi, ở đây không có cái gì nửa vời mày ạ, nửa vời là chết là mình bị mất mình. Hai đứa chuồn đi bắn sóc trong rừng khiến binh trạm báo động náo loạn cả lên. Có một đêm, nó ngồi ngoài tảng đá bờ sông Xê Băng Hiêng lần giở ba lô kiểm đếm kỷ vật Miền Bắc mang theo vào chiến trường, rồi chẳng hiểu nó nghĩ gì mà trên đường leo dốc sáng hôm sau nó bảo: Tao viết bài thơ về trị thủy Sông Đà, để con đường đi lên Hòa Bình sẽ thơ mộng hơn. Khủng khiếp quá, hóa ra nó có ý tưởng lớn quá.
Vợ tôi thường tâm sự với vợ Sỹ, hai ông ấy Pê dê thì phải. Ở Thủ đô cách nhau vài dẫy phố mà hai tuần không gặp nhau là đã thấy lâu lắm, đi làm về mệt mỏi ấy thế mà có điện thoại là đi liền. Thật ra tôi với Sỹ đâu thích nhậu nhẹt, bao nhiêu bức xúc lo lắng con cái, hai thằng dốc cho nhau nghe . Rồi chuyện gia đình, chuyện ở quê, mồ mả ông cha. Chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện về cơ quan, nói về vai diễn cuộc đời mình.
Ở Tây Nguyên nó làm y tá đại đội hỏa lực, rồi y tá đại đội quân y. Mỗi năm tôi sốt rét nặng là gặp nhau ở viện. Trong bom pháo đì đùng hai đứa lại chúi đầu thì thầm mơ ước. Một chiều mùa mưa trong căn hầm tối om tôi và nó lại tổ chức kiểm nghiệm quân trang. Chiếc khăn mùi xoa có hai con chim, tập giấy Pơluya buộc bằng sợi chỉ mầu, những tấm ảnh bé như con tem mờ mờ. Những thứ của cải được bọc cẩn thận, hai đứa nâng niu nhẹ nhàng và mường tượng ngày trở về học tiếp đại học. Sỹ bảo: tao và mày đi sau chúng nó, sau trước có nghĩa lý gì đâu, miễn là đi tới đích. Trong cơn sốt rừng hầm hập nghe nó nói mà như thấy cắt cơn, tôi cho rằng nó động viên mình đó thôi. Rồi nó bảo lời thề Hypograts ở chiến trường luôn bộc lộ tự nhiên mày ạ. Chiến tranh là phép thử thông thường của cuộc đời , không cần thề bồi chi hết, con người thế nào nó phơi ra như thế, hai đứa nói với nhau như hai ông cụ non. Có chuyện hai thằng ít khi nhắc lại là cái đoạn đời cùng tá túc nhà vợ. Trở về sau 30 tháng 4 hai thằng lại vào đại học, ra trường cùng lấy vợ, hai cô vợ đều là người Hà Nội, hai thằng đều không có nhà. Tôi đi học tiếp trường nữa, nó cầy đầu học lên cao học. Dù ở nhà vợ, vẫn học hành ỉ eo đèn sách bao nhiêu phiền toái vợ lo hết. Nó bảo tôi, vốn liếng quái gì đâu ngoài cái sự chịu khố mà bố mẹ đẻ cho mình từ bé, chiến tranh dậy cho mình cái lý thuyết hoặc là mình chết hoặc là mình sống. Hai thằng cười như méo mồm hút chung nhau điếu thuốc giữa Thủ Đô những năm 80 vất vả.
Có lúc ngồi bần thần với nhau những ngày đói kém năm 80 ở thế kỉ trước tôi bảo: Hồi mày vừa tốt nghiệp ra trường đi Lạng Sơn với sư 3 Sao Vàng tao miên man nhớ mày. Khiếp hồi ấy mấy tháng không có tin mày vợ mày gần như phát điên. Sỹ cười, lại miên man là mổ là phẫu là pháo kích hệt như ngày xưa ở Tây Nguyên. Tôi nghĩ, thằng này mà xuống bộ binh chắc chết nhanh lắm. Nó máu đánh trận hơn là ở phẫu quân y. Mặc dù có phải ai cũng ở phẫu mà cứu thương binh được đâu?

Trận đánh cuối cùng của chúng tôi là trận Cầu Bông trên đường tiến vào Sài Gòn. Sáng 29/4/75 một quả cối nổ ngay phẫu trung đoàn, anh Bàn y tá người Quảng Ninh chắn đằng trước gục ngay. Sỹ đỡ anh ấy dậy, anh Bàn chết trên tay Sỹ. Trở về Sỹ lấy trong ba lô của anh cái áo Moontơghi cộc tay giữ làm kỷ niệm. Lúc còn ở Củ Chi hai đứa hay dở ra xem và nước mắt cứ tự nhiên ứa ra. Năm 78 khi tôi thi tốt nghiệp đại học, tôi bán hết cả dép đúc Tiền Phong cả tăng võng vẫn không đủ tiển trả nợ và thi cử. Sỹ đau lòng đưa tôi cái áo của anh Bàn, sau nhiều dằn vặt để tôi bán đi lấy tiền thi tốt nghiệp. Bao năm nay, tôi cứ nhớ cái khuôn mặt dại đi của nó khi tôi bán cái áo đó. Rồi tôi trở thành kỹ sư, quản đốc, rồi lên giám đốc. Cái áo của anh Bàn thi thoảng hiện lên, hiện lên rồi mờ đi sau bộn bề cuả đời, bộn bề cơm áo.
Nhưng chúng tôi không thể chịu đựng hợn được nữa. Một ngày cuối năm 2005 tôi và vợ tôi trở về Củ Chi. Sau vài ngày tìm kiếm, may mắn cho tôi, tôi tìm được mộ anh Bàn. Sỹ đang đi công tác ở Nhật Bản . Tôi gọi điện, Sỹ nghẹn ngào mếu máo: Mày ơi chúng mình có lỗi nhiều quá …… Hai tháng sau tôi và Sỹ vào thành phố Hồ Chí Minh và một đêm mắc võng trên Củ Chi, nằm nghe sông Sài Gòn thì thầm với lục bình trôi, cùng trò chuyện với anh Bàn và bao đồng đội của mình. Hai đứa cả ngày không nói với nhau lời nào. Chúng tôi đang trở lại với chính mình, với đoạn đời máu lửa và nhờ nó cả hai chúng tôi trưởng thành. Sỹ bảo rằng như thế mình sống lại đúng là mình. Có một lần, khi đã là giám đốc viện 74, phóng viên hỏi, Sỹ trả lời chỉ có 4 năm đời lính chiến thôi nhưng tôi học được cả cách làm người cho một đời. Thật là lãi lớn, tôi bảo nó.
Bố mẹ tôi làm nông dân, còn bố mẹ Sỹ làm nông trường tít trên Mộc Châu. Tôi bảo: nhà mày chỉ như nhà tôi tao thôi. Nông trường là nông dân ở tập thể chứ gì, nó cãi nông dân như nhà tao tiên tiến hơn, tôi cũng thấy có vẻ thế thật, nhưng hai đứa thân nhau nên sự hơn kém ấy không ảnh hưởng gì. Ba lô của nó có gì tôi biết hết. Từ cái album nhấp nháy, cái sợi dây len mầu của ai, nhật ký ghi về cô gái nào thậm chí nó còn bao nhiêu thuốc lá sợi tôi cũng biết. Sau giải phóng Miền Nam trở về, cái bật lửa Tổng thống VNCH là vật có vẻ là đáng giá nhất. Mà đáng giá thật vì đó là trận đánh cuối cùng của chúng tôi ở Sài Gòn, chỉ đơn vị tôi mới có. Một dạo, tôi ở nhờ nhà vợ trên Bưởi. Sỹ sinh đứa con trai đầu nhưng cũng không có nhà, hai vợ chồng ôm con lên ở nhờ nhà bà ngoại của vợ trong làng Trích Sài. Hai đứa lại gần nhau, tối tối tôi đi tắt làng theo những cái tàu seo giấy vào chơi. Tối om, muỗi tháng ba từ ngoài vườn hồng xiêm réo vi vu. Bên ngọn đèn dầu, nó đang học tiếng Pháp. cuốn từ điển Pháp Việt trên bàn là của thằng Tốt cùng đại đội cho Sỹ hồi tháng 5/75. Hai đứa chuyện với nhau chẳng có chuyện ngày xưa nữa, toàn nói về con nhỏ, về vất vả của vợ. Hút lóp má điếu thuốc cuốn Đình Bảng nghĩ về những ngày chiến trường nhiều mơ ước. Mới có vài năm mà xa lăng lắc.
Mồng 05/04/1975 cả dải đất Miền Trung đang như một cơn lũ quyét. Sư đoàn 320 đuổi địch chạy nhào ra biển Đông Tác Phú Yên, chưa kịp giặt khô bộ quần áo bùn đất và khói súng đã lộn về đường số 7 lên xe tiến vào Sài Gòn. Tôi và Sỹ gặp nhau trên đường nó đi lấy gạo. ôm nhau giữa rừng. Vậy là còn sống. Cứ biết đến hôm nay đã. Nó dành dụm từ hôm đánh Cheoreo tới giờ 8 bao thuốc lá cho tôi. Kịp dúi vào tay nhau những bao thuốc, hộp sữa con chim rồi hối hả chia tay. Chả biết lần sau gặp lại nữa không, hai thằng ngoái đầu nhìn nhau trong ngột ngạt nắng và gầm rú của máy bay trên đầu.
Ở gần nhau thật nhưng cái thời ấy làm gì có điện thoại viễn thông như bây giờ. Chỉ biết nó khổ mà tôi cũng khổ, toàn dân khổ. Tôi ra trường rồi đi làm nghề bán sắt, nó làm bác sỹ quân y. Cắm đầu vào học, vào làm. Rồi một hôm vợ Sỹ tìm đến tôi nói là mai Sỹ bảo vệ luận văn Phó tiến sỹ ở trong Học viện Quân y. Sáng hôm sau, tôi đi rất sớm, vào gặp nhau trước khi đi công tác Nam Định. Sỹ đang cùng các nhân viên hành chính bưng bê, xếp đặt bàn ghế cho hội trường. Dúi vào tay nó bao thuốc Dulhill đỏ và hai mươi nghìn rồi đi, hẹn nhau thi cho tốt. Hai đứa cùng ngân ngấn nước mắt, hóa ra bây giờ còn yếu đuối hơn lúc đánh giặc trong rừng. Ngày bảo vệ Tiến sỹ của nó chẳng có hoa, có thê tử bầu đoàn chớp ảnh gì cả. Lẳng lặng vào đời khoa học chẳng hứa hẹn tung hô như bây giờ. Tiến sỹ rồi vẫn thế. Đi và về với thứ bệnh tật của người nghèo. Có năm, một hội thảo tận Thành phố Sài Gòn, tiền vé máy bay mua cũng oải, tự mua mà đi. Cái nhà bé như chuồng chim đầy ắp lo lắng. Sách vở gắn trên tường, chuồng heo treo ngoài tường cứ nương tựa vào nhau mà đi lên, kỳ quái thật.
Thời gian hai đứa tôi hay gặp nhau nhiều ấy là lúc Sỹ lên làm viện trưởng K74. Cái bệnh viện nằm ở đây dễ vài chục năm rồi, cũ kỹ, hiền lành và rất khiêm tốn. Miền trung du cằn cỗi bình yên, bình yên đến mức tự ti, hiền lành đến mức bé lại trước bộn bề thời mở cửa. Chúng tôi nói chuyện nhiều về việc cơ quan mới của Sỹ. Nó nói về viện 74 như nói về quê hương của nó. Nó bảo, ở đây họ đánh thức tao về gia đình về quê hương nhiều lắm mày ạ. Rồi nó bảo, những chiều Trung du tuyệt đẹp. Những bông hoa súng tím cánh chuồn chuồn trên những đầm nước quanh bệnh viện làm con người tử tế và yêu cuộc sống hơn. Cốc bia hơi trên đường Láng bỗng như dìu dịu làm khô đi giọt mồ hôi cuối chiều hè Hà Nội. Rồi vài năm sau, viện 74 ngày càng khá hơn, là địa chỉ tin cậy cho những người mắc bệnh lao ở vùng phía bắc. Chẳng thể bảo ấy tất cả là công của Sỹ, nhưng những ngày vất vả đơn điệu tự ti lùi lại phía sau khi có một ông giám đốc nghiêm túc và yêu thương con người trên đó thì ai cũng tin. Ai cũng từng nhớ, giám đốc Sỹ từng không quên ngày sinh nhật của chị lao công cho tới các bác sỹ trong toàn bệnh viện. Bây giờ, hai đứa tôi xắp lên ông rồi. Nó cứ đi họp và đi công tác liên miên. Bực mình hỏi mày đi họp suốt ngày không chán à? Họp là việc đời, còn làm việc với các bộ phận chuyên môn, với các bác sỹ trẻ là việc đạo. Mày vào viện tao mà nhìn khuôn viên giữa lòng bệnh viện. Một bệnh viện lao to nhất nước mà sạch sẽ, trong lành thật khó hình dung. Vài năm nay, cái cung cách tác phong làm việc của thầy thuốc nơi này thật đổi khác. Tôi mừng cho Sỹ và cũng thương cho nó. Thị thành nó khắc nghiệt hơn nhiều, yêu thương chưa phải là tốt cho tất cả. Nhưng tất cả con người thì ở đâu cũng cần được yêu thương.
Hẹn hò bao nhiêu năm mà phải cho tới dịp 30/4/2008 vợ chồng Sỹ và vợ chồng tôi mới thực hiện được chuyến đi về chiến trường xưa. xe chạy theo kiểu ngày đi đêm ngủ, qua Quảng Trị, qua nghĩa trang đường chín, nghĩa trang Trường Sơn. vào KonTum, qua Play cần. Dăktô, nghĩa trang thị xã rồi về Gialai, vào Đức Cơ xuống Phú Bổn Cheoreo. Tám ngày trời hai cặp vợ chồng già thơ thẩn toàn nghĩa trang là nghĩa trang. Bao nhiêu hương nhang, bao nhiêu là hỏi thăm rồi bao nhiêu là nước mắt mừng tủi, mỗi khi đọc được một cái tên đồng đội. Trời cao nguyên xanh và nhiều mây như ngày còn trẻ, tôi và Sỹ sống những ngày đẹp nhất của đời mình ở đây. Nắng cao nguyên tháng tư, hai thằng lính già đi dọc những hàng bia mộ trắng nhức mắt Tây nguyên thơm hương hoa café và bạt ngàn xanh cao su, hồ tiêu. Chúng tôi khấn với đồng đội, rằng nhờ có các anh nằm lại mà chúng tôi mới được trở về, chúng t«i nên người và đùm bọc cho các con em chúng tôi cũng nên người. Những người làm giám đốc như chúng tôi đây, cũng chỉ là kẻ vay nợ các anh đó thôi. Thời gian càng lùi xa thì các nghĩa trang liệt sỹ lại càng ngào ngạt hương thơm trong cõi tâm linh con người. Năm nay, ngày 27 tháng 2 một nhóm những người lính già vào Viện Lao trung ương thăm Sỹ, lẵng hoa ghi dòng chữ : Bạn chiến đấu sư đoàn 320A chúc mừng. Người mang hoa là một ông già 80 tuổi, Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ông già ôm lấy Sỹ mà mừng về người lính trẻ dũng cảm ở chiến trường Tây Nguyên năm nào nay đã thành Phó giáo sư Tiến sỹ. Chúng tôi ngồi bên nhau, tất cả đã đầu bạc. Thời gian sàng lọc kỷ niệm để cho con người còn lại những ký ức mà ký ức nào cũng tốt đẹp khi đồng đội t×m đến với nhau. Sỹ cũng như tôi , lúc này bâng khuâng nhớ về căn nhà nhỏ ở quê. Ở đó kể từ ngày mẹ theo bố lên Nông trường Mộc Châu, để rồi bốn chục năm sau, đưa mẹ về yên nghỉ trên cánh đồng nhà, ngai ngái cái mùi men gốm Chu Đậu. Tôi hình dung ra, cái bóng của Sỹ bước thấp bước cao trên bờ ruộng lúa trong chiều ra thăm mẹ. Lúa mùa xanh ngăn ngắt trong khoảng xanh bình yên thăm thẳm.

Hà Nội 2011

ĐI TÌM


Đi tìm anh
Suốt một đời con gái
Thấy anh khi đã thiếu phụ rồi
Triền ngô cứ trắng phau hương phấn
Bờ sông em luống cuống tiếng đò ơi

Đi tìm anh trong cả cơn mơ vỗ về con thơ khuya khoắt
Ngược đến ngọn sông nức nở nước lũ về
Nắng lóa nghiêng rừng cọ
Anh lấm láp mùa mang mùi đất quê đi

Sao anh chẳng về quê nữa
Để tim em thiếu phụ vẫn trinh nguyên
Lá vàng rơi vấp bàn chân không còn trẻ
Ai à ơi ở một cánh rừng buồn

Sao anh mãi chả về xóm cũ
Lối hút xa cha mẹ cũng đi rồi
Em cứ dọc con đê chiều đông hoa giong giềng thắp lửa
Ngọt mùa gió bấc đến mang đi
26/2/2017

Monday, February 20, 2017

CÓ MỘT ĐỒNG LỘC TRÊN VÙNG ĐÔNG BĂC.


Valentine xin chúc cho những tình nhân nhớ nhau gặp nhau và yêu nhau.Nhưng tháng 2 thì những người lính chúng tôi lại trở về với kí ức 1979. Ngày ấy chúng tôi mới trở về từ chiến trường chống Mỹ. Chúng tôi thuộc lứa may mắn được tiếp tục đi học và ra đời với tấm bằng kĩ sư. Đúng lúc chúng tôi tốt nghiệp đại học (1978) thì cũng là lúc đồng đội tôi lên đường sang BGTN và lên BGPB. Chiến tranh liên miên gần một thế kỉ hòa bình mới tính bằng vài trăm ngày thì trai gái đất Việt lại lên đường ra trận. Cha mẹ nào chả đau đớn tâm can. 
Khoảnh khắc tháng hai bẩy chín chỉ là sự bùng nổ còn mối thâm thù thì ngàn đời. Mãi mãi sẽ có những anh hùng nếu có những khoảnh khắc ấy phải xẩy ra. Người Việt là thế , không khác được dù ai nhìn bằng góc độ nào chăng nữa nhìn vào từng thời điểm chỉ thấy bụi cây mà không thấy rừng. 
Với tôi , tôi chợt nhận ra có một Đồng Lộc trên miền đông bắc . Hãy nghĩ về khoảnh khắc tháng hai bẩy chín với những người đàn bà Việt nam. Họ chiến đấu dũng cảm phi thường để ngôi mộ khiêm nhường mang tên con gái. Họ là những cô gái tự vệ lâm trường Hải Ninh bên cạnh đồn Pò hèn cùng cầm súng và chiến đấu tiêu diệt kẻ thù bắc phương rồi cùng hi sinh vào ngày 17/2/1979.
Chúng ta đã từng đọc những cái tên mà tuổi đời 18, 20 ở nghĩa trang Đồng Lộc nhưng có lẽ ít người để ý thấy rằng mười cô gái tuổi cao nhất là anh hùng Hoàng thị Hồng Chiêm 25 tuổi còn tất cả các chị mới mười bẩy và cao nhất là hai mươi tuổi . Chỉ duy nhất chị Chiêm có người yêu cùng hi sinh hôm ấy còn chưa ai có người yêu .
Tôi cứ đọc đi đọc lại tên các chị trên bia Pò hèn cứ hình dung ra từng khuôn mặt thật là hiền củ các cô gái Tiên lãng chịu thương chịu khó . Tôi cứ hình dung ra những khẩu CKC của các chị nhả đạn đến phút cuối cùng và tóc các chị bết mùi thuốc súng và bết màu đất Việt Nam
Mười cô gái Pò hèn . Mười bông hoa đông bắc . Mười cái tên rất Việt Nam . 
Còn chúng tôi biết bao giờ chúng tôi và người dân trên mọi miền đất nước lại mang tới cho các chị một trái bồ kết như đã từng mang đến Đồng Lộc . 
Vài ngày nữa giỗ các chị . Xin kính cẩn gọi tên các chị hôm nay .
59 – Hoàng thị Hồng Chiêm – 1954
64 – Đặng Thị Vượng - 1959
69 - Vũ thị Tới 1961
70 - Bùi thị Nguân 1960
74 – Phạm thị Ly 1956
78 - Hoàng Thị Nết 1959
80 - Nguyễn thị Ruỗi 1962
83 - Cao thị Lùng 1958 
84 - Vũ Thị Mười 1958
73 - Đỗ thị Mâu 1958
Còn biết bao những ngôi mộ các chị là bộ đội là tự vệ trên vùng biên giới phía bắc mà ta chưa biết tên chưa biết mộ . Vào những ngày này xin gửi tới nén nhang viếng các chị những con người đã lấy thân mình làm dậu phên che cho tổ quốc .

14/2/2017



MÙA THU VỚI CON TÀU


(Tặng các bạn tôi Lính Sinh Viên D76 - Ngày kỉ niệm 45 năm lên đường đi chiến đấu)

Có một mùa thu rất xa
Có một sân ga rất cũ
Ngày ấy chúng mình rất trẻ
Yêu như trái chín đầu mùa

Ga cũ con tàu cũng cũ
Còi tàu nức nức sương đêm
đêm ấy sương buông rất nhẹ
Anh đi về phía đạn bom

Sân ga buồn như tiểu thuyết
Người đi ướt cả trăng sao
Những người Sinh viên ra trận
Mang theo thổn thức con tàu

Có một đêm sương rất nhẹ
Ngái trông thăm thẳm người về
Tàu già, mùa thu thì trẻ
Em về đi! Con tàu đi

Người đi mang theo nước mắt
Mang theo hương tóc giảng đường
Mang vào chiến chinh hơi thở
Mùi sân ga thương, ôi thương

Ai về lại sân ga ấy?
Để tìm mùa thu xa xôi
Áo cơm che chùm nhung nhớ
Để dối vờ bao lâu rồi

Có một ga tàu rất cũ
Có một mùa thu rất xa
Bao nhiêu người không về nữa
Để hương tóc ở sân ga

(Tặng các bạn tôi Lính Sinh Viên D76 - Ngày kỉ niệm 45 năm lên đường đi chiến đấu)
18/2/2017

Chuyện sáng nay




Hôm nay 70 năm ngày thành lập Trung đoàn Thăng Long ( E 48 Sư đoàn 320). Chúng tôi gặp nhau người trẻ thì ngòi 60 người già thì 90 tuổi. Trời Hà Nội đẹp như mùa thu. Chúng tôi nhìn nhau nhớ nhớ quên quên. Chuyện gặp nhau hàng năm cũng giống như nhau thăm hỏi chuyện ốm đau sống chết thằng này thằng nọ. Nhưng sáng nay có điện thoại bạn tôi người Cao bằng tên VIỆT ANH :' Mày nhớ gặp tao có việc đấy.

Vào hội trường nhìn thấy nó lúc đang văn nghệ tưng bừng. Nó kéo mình ra ngoài, nó đưa cho mình hai kí miến dong Cao Bằng rồi bảo: 
- Mày mang về nấu bát miến thắp hương cho mẹ cho bố hộ tao. Mẹ chúng mình vĩ đại lắm ...
Nắng sớm ở đường Phạm Hùng nhảy nhập nhòe. Chúng tôi ôm nhau lại nhớ những ngày hành quân Trường Sơn nhớ những ngày Rừng đói. Nhớ một thời Sinh viên trên Việt bắc đầy những hoa sim và bom đạn Mĩ. 
Thì ra trên đời chả có gì quan trọng đến mức không tưởng. Thằng binh nhì thằng tướng thằng tá cũng chỉ là đứa con của một người mẹ nông dân mà thôi. Đó là câu nói của thằng Toản đại tá Thái bình SV khoa Lý lúc chụp tấm ảnh này với chúng tôi và vợ con Liệt Sĩ Sư đoàn phó Trần Ngọc Chung.
( từ trái sang : Việt Anh. - con gái , vợ LS Trần Ngọc Chung, Nguyễn Trọng- người mang quân hàm và hói đầu sau lưng vợ bác Chung là Đại Tá Trần Quốc Toản.

19/2/2017





Viết vội tháng hai


Nỗi cô đơn chạy dọc
Hoan hỉ thì chạy ngang
Chỉ có niềm nuối tiếc 
Thì lại chạy song song

Tháng 2 chật hẹp thế
Chưa vui đã cạn ngày
Bạn vừa gặp lúc sáng
Chiều vương vào lá bay

Năm nay không mùa đông
Mùa xuân thì không thấy
Chỉ còn hai mùa thôi
Tóc người thì vắn lại

Người thì ở rất xa
Nhớ như là triền cát
Cơn mơ vấp vào đêm
Đêm tựa vào mí mắt

Tháng hai chật hẹp thế
Ngắn tiếng cười cuối đồng
Ngắn như là gặp mặt
Rồi đi rồi bâng khuâng

Sáng 20/2/17

Sunday, February 12, 2017

Đêm ấy ở Tuy Hoà. Thơ Nguyễn Trọng luân. Ngâm : trí Trọng Trí

Sắp đến ngày giỗ Bố




Sương mờ như khói trên đồng
Khói mờ như sương xóm ngõ
Con về quê làm giỗ bố
Khói sương nước mắt mờ mắt con

Ngô non như cánh gió
Mạ non nhú ruộng làm hoa lâm thâm bùn
Có đàn cò run rẩy
Mùa xuân quê giống như mùa xưa

Mùa xưa sau tết là mùa đói
Cưn rưn chân không dép đến trường
Bố đi bắt cá cóng
Bữa chiều nhà nức mùi tương

Con mang di ảnh bố về Hà Nội
Ngày giỗ khói nhang không thơm
Giỗ bố thành cuộc nhậu
Con mang ảnh bố về quê
Ríu rít tiếng cười cháu con họ mạc
Nén hương cong hoa cau trắng bung mùa

Bao nhiêu là hoa là rượu
Bố đâu có cần
Trong khói nhang bố bảo
Quê như chiếc áo
Mượn làm sao người ta hở con
(Sắp đến ngày 12/1 âm lịch)
4/2/2017

Một cái tết ở kiềng NHÀ LÁ.


Tết năm ấy im tiếng súng. Trời cứ xanh tít thật cao. Ấy vậy mà thi thoảng nhìn thấy những vệt khói xếp hàng ba trắng như sợi dây thừng trên giời bay về phía tây rồi hồi lâu lại thấy nó bay từ tây sang đông. Tết nhập nhòe nắng ngoài nương lúa đã tuốt xong chỉ còn những là mướp là bí sót lại những quả cuối mùa con queo nằm vụị dưới gốc rạ khô cong cóc.
Năm ấy tôi buồn lắm. Tôi ở lại những ngày tết ở E bộ. Chả biết ở đại đội tôi bạn bè đang làm gì. Bọn thằng Hoan đang ở tận chốt mắt ngỗng phía bắc đồn Tầm hay đã lên ngọn Chư Ga ra rồi. Tháng trước thằng Tuyên thằng Trung Ninh Bình thằng Lương Lợi đã bị rồi. THằng Trung thủng lòi ruột úp cái bát vào khiêng nửa ngày ra đến phẫu chả biết còn sống không? Còn hai thằng kia thì chôn ở bắc đường 19. Lính ta hi sinh thì nhiều nhưng mấy thằng đó cùng đại đội mình nên mình nhớ và cứ ray rả những câu nói chúng nó bên tai mình. 
Nắng ròn rã cả tiếng ve kêu. Tết mà nghe ve kêu thì thật là buồn. Đêm se se lạnh và ngày thì nắng, nắng buông thì thùng tiếng đại bác của địch từ phía đông. NHững vạt đồi chập chùng hoa xấu hổ tím như cai khuy áo chạy ngút mắt, những hầm chốt của quân ta dưới những lùm hoa xấu hổ bê bết đất đỏ, những vạt rừng hoa dã quì le lói. 
Cán bộ ở sở chỉ huy đi xuống các đơn vị hết cả chỉ còn trợ lí le ve và nửa quân sô ở nhà. Trung đoàn trưởng xuống D7 chốt làng Dịt còn dặn trưởng ban 5, cố mà đun bánh trưng cho mỗi người nửa cái nhé….Lão trưởng ban 5 nguyên là chủ nhiệm HTX ở Thái Bình rất có dáng cơm áo gạo tiền dạ vâng ạ thủ trưởng cứ yên tâm, tôi đã có đủ thực phảm tết rồi ạ.
Trung đoàn trưởng đi rồi trưởng ban 5 quay lại, dào ôi! Tết có gì đâu hả thủ trưởng ôi. Lão đi xuống suối ngó vào bếp E bộ hỏi, dưa tàu bay chua chưa ? mang ra thái nhỏ nhé trộn mắm kem với mì chính nhá! Lão Tịch quản lí chạy trong kho ra Vâng vâng, chua rồi vàng như rơm anh ạ.
Sở chỉ huy ở kiềng Nhà Lá vắng như ngày tác chiến. Không tác chiến cũng buồn buồn, mà tác chiến cũng lại buồn hơn. Ve kêu rối tinh rối mù mà dưới đất lính ta thì thèm ăn vì đói , thèm ăn vì tết đến. Ban 2 chèo qua một con suối là sang ban 5 rồi từ ban 5 đi xuống bếp E bộ. Tôi xách chùm ba cái gô đi lấy cơm. Ngang qua nhà y tá thấy thằng Quyết thằng Lý ngồi dưới gốc cây Kơ Nia gọi. Làm đéo gì đã có cơm mà đi sớm thế! Vào đây đã mày ơi. Tôi ngồi xuống rễ cây cổ thụ chềnh chàng nhìn con lợn đi ủn ỉn miệng hầm. Có tiếng pháo rú e e rồi oành oành phía ngoài Chư Bồ. Con lợn chạy tọt vào hầm rồi lại chui ra ủn ỉn. Thằng Quyết y tá nghiêm trang tuyên bố. Này, tao đố thằng nào phi dao găm trúng con lợn này tao mất một điếu thuốc miên. Tôi lắc đầu. Tao không có thuốc mà thách với mày. Thằng Quyết bĩu mồm, bọn ban 2 cố đỉn lắm. Con lợn ủn ỉn đi đi lại lại dường như nó sợ pháo nên cứ quanh quẩn cạnh hầm trú ẩn, cái đuôi lúc nào cũng chăm chỉ ngoay ngoáy. 
Thằng Lý là Y sĩ người Hà Tây vào hầm lấy ra con dao găm Liên xô rồi nói. Con lợn này của chính ủy MỸ. Lợn giống là do hội phụ nữ huyện 5 tặng đấy nhá. Rồi nó bặm môi, nào xem lợn của chính ủy khác lợn của lính thế nào. Thằng Quyết cười he he. Mày phi dao găm chuôi dao toàn đi trước mà cũng đòi phi à? 
Vừa lúc thằng Lý tay ném miệng hô này này. Con lơn éc éc khuỵp xuống. Ôi thôi con dao găm ngập già nửa lưỡi dao vào bụng lợn. Nó hộc hộc rồi đeo cả con dao găm chạy về cửa hầm Chính ủy Đinh Thế Mỹ thì gục xuống. Cũng lúc ấy cách 5 chục mét với hầm quân y nơi chúng tôi đứng có tiếng thằng Dưỡng công vụ kêu toáng lên ối giồi ôi thằng nào đâm chết lợn rồi.
Thằng Quyết cười cười mặt trắng tái tái. Biết đéo thằng nào mà sợ. Thằng Lý lắp bắp… đ mẹ nó đeo cả dao găm chay về. Chết mẹ tao rồi, chuôi dao tao khắc Trần Văn Lý quân y 64. Ba chúng tôi ngẩn ra. Tiếng ve bỗng bùng lên sốt ruột sốt gan. 
Chiều ấy chính ủy từ làng Dịt về. Thằng Dưỡng công vụ đưa cho ông con dao găm mang tên thằng y sĩ tên Lý. Ông hỏi lợn đâu. Thằng công vụ người Phù ninh bảo em cắt tiết cạo lông rồi để dưới hầm. Ông bảo gọi trưởng ban 5 lên mổ ăn tết luôn. Nhớ mang xuống chỉ huy 3 tiểu đoàn 3 kí nhé. Ôi dào lính nào mà chả nghịch như lính nào. Ông quay vào hầm nghe điện thoại . Ngoài sân thằng quân y sĩ tên Lý đứng đợi đến mười lăm phút. Ve Tây Nguyên kêu rối rít thằng Lý cũng rối tinh rối mù gan ruột , muỗi đốt dưới chân không dám đập. Hồi lâu ông Chính ủy quay ra thấy thằng Lý méo xệch lí nhí. Em xin chịu kỉ luật ạ. Ông cầm con dao găm đưa cho nó rồi bảo, chữ khắc cũng đẹp phết đấy! 
Ông bảo về đi. Hôm nay là ba mươi tết. Ngoài quê chắc là bố mẹ đang nhớ các cậu lắm đấy. Rồi ông cười. Tết có thịt lợn chính ủy nhưng công lao là của cậu đấy Lý ạ.
Tết năm ấy chúng tôi ăn dưa rau tàu bay chua với thịt lợn luộc. Con lợn mới được ba mươi kí ngon ơi là ngon 
( ai không tin có thể hỏi anh Lý sống ở quê vợ thị trấn Quỳnh Côi Thái Bình )
5/2/2017

Nhời quê


....Này là những nhớ những thương
Này là tháng chạp những sương lạnh lùng
Nào người về có ra sông
Sương buông thì lạnh bến không còn đò

Vườn em khơ khấc cành mơ
hoa dong giềng đỏ nhói bờ sông quê
Này là sương muối rặng tre
Buông trâu nhúm lửa nướng bờ nón mê

Người ôi ra tỉnh thì về
Tre nay thì ít người đi thì nhiều
Về mà tìm lại nhời yêu
Cái ngày xưa thắt lưng chèo sẩm soan

Làng mình đông cháu nhiều con
Đông người làm thợ ít hồn văn thơ
Người đi từ bấy đến giờ
Áo bông tháng chạp khâu hờ lại thôi

Ôi con sông ôi quê tôi
Dại hoa đến nỗi thành người tha hương
Sáng nay hoa cải loe vàng
sông như dệt lại áo chàng áo em

(mai ta về quê)
6/2/2017

Hoa Mua

Em cứ đứng mãi ven đồi
Chẳng thể ra nơi thành phố
Đời nhiều người yêu màu tím
Tên em khắp chốn cùng quê


Ngàn năm cho đến bây giờ
Rồi cả mai sau cũng thế
Em là người quê anh nhỉ
Chỉ là cái tên hoa Mua

Người ta yêu Lan yêu Li
thơ cứ mang em lên giấy
Em ở ven rừng hoang dại
Chẳng ai chăm bẵm tháng ngày

làm bạn với ong với bướm
Với trẻ chăn trâu nhà nghèo
Có người ngày mai ra trận
Có chùm hoa Mua mang theo

Có nhiều loài hoa sẽ mất
hoa nào cũng tính bằng tiền
Chỉ có chúng em tím mãi
Khắp đất nước này có em
9/2/2017

VỀ THÁI BÌNH VỚI SƯ ĐOÀN PHÓ TRẦN NGỌC CHUNG




Sáng, dậy ra đi từ 5 rưỡi. Lên phố Trần Phú vợ chồng Cụ Khuất Duy Tiến đã nấu xôi lạc, vài anh em ăn bát rồi đi. Hai cụ già lịch kịch hoa huệ, trái cây và vàng nhang.

Đến Hưng Hà lúc 8 giờ sáng.
Hôm nay cuộc đi thật lắm cảm xúc đặc biệt, không thể kể chốc lát mà hết. Các bạn CCB nhất là những ai đã chiến đấu ở K có thể biết. Ngày ấy sư đoàn 320 và quân đoàn 3 đã hi sinh một số cán bộ cấp cao. Thiếu tướng Kim Tuấn, Tư lệnh quân đoàn 3, Thượng tá phó tư lệnh đoàn 320 Trần Ngọc Chung. 
Lúc ấy Cụ Khuất Duy Tiến là sư đoàn trưởng còn cụ Trần Ngọc Chung, Sư đoàn phó. Hôm nay vợ chồng cụ Tiến về thắp hương cho người bạn của mình và thăm cụ bà tại Hưng Hà, Thái Bình.
Làng xóm đang mùa gặt, nắng thật vàng và Thái Bình thật là yên ả. Trong ngôi nhà gọn ghẽ, người phụ nữ nhỏ thó, tóc đã bạc đón chúng tôi. Vợ chồng cụ Khuất Duy Tiến thắp nhang. Tôi nghe người tướng già lầm rầm khấn bạn, nghe vợ Sư đoàn phó Chung khóc, nghe tiếng máy vò lúa ngoài đồng và cả tiếng chim hót trên cây khế đầu nhà.

Tôi nghe cụ Tiến khấn thế này:..." anh Chung ơi, tôi và anh quen nhau từ hồi chống Pháp, tôi và anh lại cùng một đại đội huấn luyện cán bộ của sư đoàn những ngày đầu hòa bình, tôi và anh lại cùng vào đánh Mỹ ở Quảng Trị một ngày. Tôi làm Tham mưu trưởng trung đoàn anh làm tiểu đoàn trưởng. Rồi tôi và anh lại cùng vào Tây Nguyên. Anh làm trung đoàn trưởng 48, tôi trung đoàn trưởng 64. Rồi mấy năm sau, thống nhất nước nhà tôi và anh lại sang K, tôi là Sư trưởng anh là Sư phó. Hôm anh hi sinh, sáng ra anh tắm rửa thay quần áo ăn sáng với tôi, anh còn làm chén rượu rồi anh xuống kiểm tra trung đoàn 48. Anh chào tôi. Anh bảo, chiều về ăn cơm với tôi. Thế mà bị địch phục bắn cháy xe anh...Tôi về đây thấy 2 con gái anh đều là cô giáo, rể của anh là sĩ quan là cán bộ lại thấy chị khỏe tôi mừng. Anh khôn thiêng...." tôi nghe mà thấy giọt nước mắt chảy trên má mình. Hai người già đang nói với nhau, tôi ngó sang thấy vợ sư phó Trần Ngọc Chung nắm chặt tay vợ Sư trưởng Khuất Duy Tiến hai mái đầu bạc của hai bà già 80 tuổi rung rung.

Chiến tranh nó in hằn lâu quá. Tôi sẽ kể về thượng tá Trần ngọc Chung sau, tôi đưa mấy tấm hình sáng nay lên để mọi người cùng cảm nhận tình đồng đội của những người lính già

CHUYỆN KỂ VỀ LIỆT SĨ THƯỢNG TÁ SƯ ĐOÀN PHÓ TRẦN NGỌC CHUNG

1 / Trận đầu tiên đánh Mỹ của sư đoàn 320.
Kể từ khi Mỹ đổ quân vào miền nam VN sư đoàn 320 cũng như nhiều sư đoàn khác đã chủ động huấn luyện kĩ lưỡng và đưa từng trung đoàn của mình vào chiến đấu ở chiến trường. Nhưng đi chiến đấu hoàn chỉnh cả đội hình Sư đoàn thì mãi tới cuối 1967 Sư đoàn 320 mới bắt đầu thực hiện. Ngày 25/11/1967 Sư đoàn 320 làm lễ xuất quân đi chiến đấu tại khu rừng Cúc Phương. Nơi sư đoàn đến là măt trận Đường 9- bắc Quảng Trị ( gọi tắt là B5) . Sau 40 ngày hành quân trèo đèo lội suối, giữa tháng 1/68 toàn Sư đoàn vào vị trí tập kết sẵn sàng chiến đấu. Nhiệm vụ của sư đoàn là cắt đường số 9 để mặt trận tiêu diệt địch ở Khe Sanh Hướng Hóa. BTL Sư đoàn sử dụng trung đoàn 64 lập trận địa chốt cắt đường giao thông số 9 ở Động Mã và tổ chức trận địa đánh địch giải tỏa ở đông nam Cù Đinh (182). ( Hai địa danh này đã đi vào bài hát Tiếng hát trên đường quê hương và Tiếng đàn Ta lư). Riêng e 48 chuẩn bị đánh Cam Lộ và đường 76.
Chỉ có một tuần vừa hành quân đến vị trí chiến đấu, trinh sát, bố trí trận địa, liên hệ với địa bàn tải đạn gạo và hầm phẫu quân y, hầm chỉ huy, xây dựng một hệ thống trận địa chốt trên dẫy đồi Động Mã ( dẫy Động Mã, chứ không phải chỉ một đồi Động Chi ) nằm sát đường số 9. Tạo ra một bức tường án ngữ ở phía bắc khống chế và chia cắt con đường số 9 này.
Đến lúc này 320 chưa từng đánh trận nào với quân Mỹ. 
Trung tướng Khuất Duy Tiến kể:
…Lúc ấy tôi là trung đoàn phó tham mưu trưởng, tôi được anh Trịnh Ngọc Thái Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ đi với hướng tiểu đoàn 7 của anh Chung đánh địch trên hướng Động Mã vì đâu là trận đầu đánh với Mỹ. Tôi xuống tiểu đoàn 7, gặp anh Trần Ngọc Chung tiểu đoàn trưởng nói ý định của trung đoàn với anh Chung. Sáng hôm sau đi chuẩn bị địa hình với cán bộ từ đại đội trở lên. Tôi và anh Chung thống nhất được phương án tác chiến và dẫn các cán bộ đại đội vào thực địa. Nhìn anh em cán bộ chiến sĩ hồ hởi chờ đánh trận đầu với Mỹ tôi và anh Chung thấy thật an tâm trở về sở chỉ huy. 
5 giờ 30 sáng 24/1/68 máy bay L19 bay tới lượn vòng quanh Thiện Xuân
8 giờ một trung đội Mỹ từ ca rol (241) ra dò mìn 
11 giờ Sư đoàn thông báo có một đoàn xe lính Mỹ từ Đông Hà ra
Nhận tin tôi điện báo cho anh Chung cho bộ đội sẵn sàng Chiến đấu. Bỗng từng loạt pháo từ Đầu Mầu Bái sơn bắn dọc đường 9 ta bị một số thương vong. Tôi gọi anh Chung: Động viên bộ đội bình tĩnh, kiên trì giữ bí mật đến cùng

14 giờ 30 . 

Đoàn xe Mỹ 8 cái bắt đầu dãn cự li đi vào đoạn đường mà c1 tiểu đoàn 7 chốt chặn. Động cơ xe ầm ĩ . chờ địch vào đúng cự li ba phát AK lệnh từ đồi Động Mã. Xạ thủ B40 Thắng nổ phát đầu tiên lửa bùng lên chiếc xe bắt đầu bộ đội lao lên bắn cháy đến xe thứ 4 ở hướng B2 lại bắn cháy 3 xe nữa . Quân Mỹ bất ngờ nhảy ào xuống đường chống cự và lui về dần Ca Rol 241. Hơn hai chục lính Mỹ sống soyts co cụm chống trả quyết liệt Tổ trung liên của đồng chí tên Hoan được điều lên bắn yểm hộ cho bộ đội xung phong. Đang nổ súng , thấy A trưởng tên Sỹ bị thương lòi ruột Hoan giao sũng cho đồng chí khác đỡ lấy Sỹ. Đang băng bó cho Sỹ Một tên Mỹ cao lênh khênh vừa chạy vừa bắn súng ngắn về phía anh. Đoán là tên chỉ huy anh Hoan giao người bị thương cho anh Quỳ rồi lao thoe thằng Mỹ. Làm động tác giả Hoan ném hòn đá, tên Mỹ tưởng Lựu đạn lắn quay ra tránh. Hoan tung người đè sấp tên Mỹ nhưng nó to quá anh bóp cổ nó mà không ăn thua anh cắn vào cổ nó . Tên Mỹ rời con dao găm ra, Hoan chộp lấy đâm vào ngực nó. Lúc này cả tiểu đội lao đến nơi nhìn thằng Mỹ mắt mở trừng trừng.
Trên đường hơn ba chục xác Mỹ nằm ngổn ngang. Anh Chung xốc lại đội hình tiểu đoàn đưa C1 lên giáp mũi Kiếm đón đánh địch giải tỏa , c3 bám vị trí sẵn sàng đánh vận động. Đúng như dự kiến , trong khi bộ đội ta đang cơ động theo lệnh thì pháo binh Mỹ từ các căn cứ bắn ồ ạt vào khu vừa nổ súng. Pháo bắn chừng hai mươi phút là 5 máy bay A37 lao vào ném bom. Chúng ném bom phát quang, bom cháy. Cả cánh rừng dài bỗng chốc thành bình địa cháy đen nhẻm. 
Gần tối hôm đó (24/1/68) địch nghĩ là quân ta đã chết hết sau trận bom pháo hoặc còn sống cũng dãn ra xa. Chúng cho 1 đại đội Mỹ có 2 xe tăng tiến ra từ căn cứ 241. Nhưng ở đây ta bố trí một trận địa DKZ 75 bắn cháy cả 2 xe tăng. Anh Trần Ngọc Chung lệnh C1 khóa đuôi, C3 vận động lên đường lao vào quân Mỹ. Tiểu đoàn 7 chia cắt đội hình lính Mỹ mà tiêu diệt. Cả đại đội MỸ tan tác số còn lại chạy thục mạng về 241
NHư vậy ngày 24/`1/1968 ngày đầu tiên nổ súng chiến đấu với quân Mỹ của E64. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Trần ngọc Chung tiểu đoàn 7 đã tiêu diệt 8 xe quân sự , 2 xe tăng , tiêu diệt hơn một trăm tên lính Mỹ. Đây là một trận đánh chốt kết hợp vận động tấn công trong tầm bom pháo dày đặc của quân Mỹ. Trận đánh có tác dụng động viên vô cùng lớn lao với bộ đội sư đoàn 320 rằng : quân Mỹ không phải là bất khả chiến mà bộ đội ta quyết đánh là đánh được và đã đánh thắng.

Chuyện kể về Sư đoàn phó Trần ngọc Chung ( tiếp)
2/ Chỉ có một tiểu đoàn mà cắt đứt đường số 9 .

Tôi viết cái tiêu đề trên xin người đọc bình tĩnh đừng vội phân vân. Sự thể như sau:
Sau một ngày chiến đấu liên tục, tiểu đoàn trưởng Trần ngọc Chung đã chỉ huy tiểu đoàn 7 E64 lập công suất sắc tiêu diệt 8 xe quân sự 2 xe tăng và diệt hơn một trăm tên Mỹ. Ngay tối hôm đó 24/1/68 Sư đoàn trưởng Sùng Lãm điện chỉ thị trung đoàn 64: Tiếp tục cho tiểu đoàn 7 củng cố trận địa, cùng với lực lượng của trung đoàn sắn sàng đánh quân giải tỏa. Đồng thời cho D15 công binh đánh mìn phá cầu Thiện Xuân, phải thực hiện bằng được cắt đường số 9, tiêu diệt quân giải tỏa , cô lập lực lượng quân địch ở Khe sanh để chủ lực mặt trận tiêu diệt chúng.
Trung tướng Khuất Duy Tiến kể.
Ngay khi nhận lệnh của Sư trưởng Sùng Lãm, chúng tôi lên kế hoạch đánh cắt giao thông đường 9 cho tiểu đoàn anh Chung đoạn cầu Thiện Xuân-Động Mã. Vậy là trong ngày 25/1 ta phá cầu Thiện Xuân và cắt đường 9. Buổi chiều, Cốt xman tư lệnh lính thủy đánh bộ Mỹ đi cùng Uy-liêm Giôn tư lệnh sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ là lực lượng bảo vệ đường 9 vội bay ra quan sát đường 9. Thấy quang cảnh đường 9 tan hoang đoạn cầu Thiện Xuân xe địch còn cháy ngổn ngang nằm trên đường chúng hiểu đây là chủ lực chính quy Bắc Việt. Ngay lập tức Uy liêm Giôn điều tiểu đoàn 3 lữ 4 lính thủy đánh bộ từ Đông hà ra Cam lộ và đưa tiểu đoàn 2 lữ đoàn 4 lính thủy đánh bộ từ Dốc miếu về gần căn cứ 241 thực hiện ý đồ phải chiếm được cao điểm 105 để rồi tấn công dẫy chốt Động Mã của tiểu đoàn7 đẩy quân ta ra xa và cùng với quân ở 241 giữ đoạn đường này. 
Nắm được tình hình địch, tôi điện gọi anh Trần Ngọc Chung:
- Hiện nay thằng tiểu đoàn 2 lữ 4 đang vào 105. Nó mới đến chưa xong trận địa kiên cố. trung đoàn dùng tiểu đoàn của anh và tiểu đoàn 8 của anh Cẩn tập kích bọn Mỹ này ngay trong đêm. Anh cho bộ đội chuẩn bị, tổ chức vừa hành quân vừa trinh sát nắm địch.
Ở đầu máy bên kia anh Chung trả lời:
- Anh báo cáo với chỉ huy trung đoàn là chúng tôi chấp hành ngay.
Quay sang máy cho anh Cẩn tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 tôi cũng truyền đạt mệnh lệnh như anh Chung. Anh Cẩn cũng nói chấp hành ngay. 
Anh Chung chỉ huy bộ đội hành quân ngay trong đêm tối. mặc dù hai ngày qua D7 đánh địch liên tục nhiều trận. 4 giờ sáng anh Chung báo đơn vị đã đến vị trí tạm dừng. Tôi nói anh tổ chức nắm địch và chiếm lĩnh trận địa và báo ngay về sở chỉ huy.Lát sau anh Chung cho biết : trinh sát thấy công sự chúng đào dở ba lô hòm đạn còn trong hố, có thế lính Mỹ ẩn nấp đâu đây. Tôi bảo anh cho bộ đội lùi lại và cho người lên nắm lại xem sao? Anh Chung bò lên 50 mét thì phát hiện quân Mỹ căng bạt nằm ngủ súng ống ngả ngớn. Lúc này chỉ có một tiểu đoàn 7 của anh Chung tiếp cận địch còn tiểu đoàn 8 chưa bắt được liên lạc. Trần ngọc chung hội ý với chính trị viên và quyết định nổ sung không đợi cánh quân của anh Cẩn nữa.
Đúng 5 giờ sáng 27/1 tiêu đoàn trưởng Trần Ngọc Chung hạ lệnh nổ súng. B40, B41, cối 60, coois82 lựu đạn đồng loạt trút vào quân Mỹ. Ngay từ phút đầu địch bị diệt phần lớn. Tiểu đoàn 7 xông lên dùng Ak và lưỡi lê vừa bắn vừa đâm. Một mũi nhọn của c3 là Bùi Đức Hậu liên tục tay đâm chân đạp không biết đến tên thứ mấy tay chồn tê dại. Trận đánh diễn ra có 20 phút toàn bộ quân Mỹ ra 105 bị tiêu diệt số ít còn lại chạy về 241. Thê slaf ý định ra chiếm 105 của Mỹ thất bại. Dù không có D8 nhưng tiểu đoàn 7 dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Trần ngọc Chung đã không bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch và vẫn cắt đứt được đường 9. Ngày nay khẩu súng Ak lắp lưỡi lê của Bùi Đức Hậu còn ở trong nhà bảo tàng quân đoàn 3 ở Gia Lai. 
 Chuyện về Sư đoàn phó Trần Ngọc Chung của chúng tôi còn nhiều nữa. Cũng như Sư trưởng Khuất Duy Tiến Liệt sĩ Trần Ngọc Chung chỉ huy hàng trăm trận đánh trên cượng vị Tiểu đoàn trưởng ở Quảng Trị năm 1968, trên cương vị Trung đoàn phó ở Đường 9 nam Lào, trên cương vị Trung đoàn trưởng ở Tây Nguyên từ 1972-1975 và cuối cùng là xuống trực tiếp chỉ huy E48 đánh Đồng Dù ngày 29/4/75. 
Năm 1977 sang Căm Pu chia với cương vị Tham mưu phó Sư đoàn rồi Tham mưu trưởng rồi Sư đoàn phó Tham mưu trưởng. Ông là một chỉ huy gan dạ cơ mưu.

Thượng tá Trần Ngọc Chung hi sinh năm 49 tuổi. Ông chỉ có hai cô con gái. Khi ông chết ở chiến trường hai đứa con gái còn bé đang đi học phổ thông. Ngần ấy năm sau chiến tranh chúng tôi trở về thắp hương cho ông. Ông nằm trên cánh đồng bãi ven sông Luộc thật yên ả. Quanh ông là lúa vàng và mùa này vườn ổi nhà ai thơm lừng. Tấm ảnh ông bình thản, ngôi mộ của ông nằm cùng với những ngôi mộ những người du kích thôn thời chống pháp, bên cạnh những người lính chống Mỹ và tôi thấy có cả những ngôi mộ hi sinh năm 79 đưa về từ phía bắc. Quanh ông là một đơn vị đủ mọi thế hệ. Ông bình thản nhìn chúng tôi, chắc ông cũng nhận ra chúng tôi những người đồng đội sư đoàn 320 một thời của ông
10/2/2017


Ảnh con gái cả của liệt sĩ Trần Ngọc Chung thắp hương tại nghĩa trang làng Tiên La- Đoan Hùng - Hưng Hà