Monday, September 17, 2018

VỢ NGƯỜI ANH HÙNG.


( VIết cho tháng 7 )

Anh và chị học cùng nhau hết cấp 2 thì anh nhập ngũ. Ngày ấy chả cứ quê tôi mà bất kì làng xóm nào trên miền bắc thanh niên học tới lớp 7 mười sáu mười bẩy tuổi là xung phong nhập ngũ vào nam đánh Mĩ. Họ chia tay nhau ở bụi tre ngay đầu bến đò. Tôi nghe kể, lần đầu tiên người quê tôi nhìn thấy trai gái hôn nhau chính là anh chị . 
Cái bụi tre bến đò ấy vào năm 1968 vỡ đê có đến tám người làng chết đuối. Nước sông Hồng quét sốc vào tận làng trong. Nửa tháng sau nước rút, cả cánh đồng làng tôi toàn một thứ cát càng khô phênh phếch. Chị ấy đứng ở chỗ vỡ đê khóc một mình. Chị khóc cho ngày chia li mối tình anh chị và lại cũng khóc những oan hồn của thiên tai. Chị tiếc lắm cái bụi tren nơi hai anh chị ôm nhau trước ngày anh đi bộ đội.
Nhưng lúc ấy họ chưa biết chị là gái góa. Anh nhập ngũ năm 1965 thì kì nghỉ phép đầu năm 66 anh về cưới chị . Cưới xong mươi ngày là đi. Anh nói anh lái xe vào Trường Sơn. Hồi ấy làng tôi chỉ có anh là người biết bẻ máy ô tô . Anh kể chuyện, lũ trẻ con chúng tôi sướng nhất là tiếng bim bim và dáng nghiêng người cua xe vòng quanh đồi. Nhìn anh kể chuyện chị nuốt nước bọt và mắt chị long lanh. Chị làm vợ có mươi ngày rồi là thành gái góa.
Anh vào Trường Sơn một hai năm thì thành Anh hùng. Chị bảo chị không biết cái ông Anh Hùng già hay trẻ. Đảng ủy quán triệt mãi chị mới hiểu. À thì ra Anh Hùng cũng giống như Chiến sĩ Diệt Dốt hồi năm 1959 mà bố chị được tặng cái giấy chứng nhận treo trên vách liếp mốc meo đến tận giờ. Oai lắm đấy. Hàng ngàn người mới có một người Anh Hùng. Chị sướng như được mùa. Nhưng khốn thay khi chị nhận giấy báo tử thì mới biêt chồng mình là anh hùng. Chị đeo tang trắng và súng k44 ra đồng sản xuất cùng thanh niên làng hết hai năm thì bỏ khăn. Sau lúc héo hon chị dần trở lại mỡ màng. Mới 24 tuổi đã làm gái góa. Vợ góa liệt sĩ người ta nể bao nhiêu thì lại sét nét bấy nhiêu. Khổ lắm. cái gương con cũng chỉ dám soi ở trong buồng. Má mà ửng đỏ ở chỗ đông người thì thật là khốn nạn. Lại có tiếng phỉ pheo, đấy chồng chết chửa đoạn tang đã nứng. Chị khóc nghẹn họng, chị cắn răng hàng đêm.

Truy điệu chồng chị to lắm. Có cả Huyện ủy về. Cả làng đau xót. Cả làng mừng. Từ bao lâu đến giờ làng tôi mới có sự kiện một người là Anh Hùng LLVT. Ông Bí thư Đảng ủy phát biểu cảm động như chính nhà ông ấy có người Anh Hùng. Chị chả nhớ được gì suốt ngày vật vã bên cái mộ giả úp cái thuyền thúng phủ lá cờ đỏ lên mà gọi anh. Gọị mãi cho đến lúc đêm thì ngủ thiếp đi. 
Anh về. 
Anh đến bên chị. Be bét những đất và máu. Một bàn tay ôm lấy bụng, một bàn tay vuốt má chị. Chị bảo, sao anh không ôm em bằng hai tay. Anh bảo, anh phải bịt tay vào chỗ thủng ở bụng kẻo ruột nó xổ ra. Mảnh bom thằng Mĩ văng trúng bụng anh em ạ. Mẹ cha nó, nó đánh bom suốt ngày đêm, đại đội anh đã mùa chiến dịch vận chuyển Thương nhớ Bác Hồ. Em biết không suốt từ Lùm Bùm đến Phu La Nhíc bọn anh không một ngày ngơi nghỉ….
Chị níu lấy tay anh. Anh lại vuốt má chị. Anh cười, cái bụi tre chúng mình ngay đầu bến đò sang làng Lâm ấy bây giờ vẫn đẹp như xưa hả em. Những đêm TRường Sơn xoay cung tăng chuyến anh chỉ hình dung ra cái bụi tre chúng mình hôn nhau là quên được bom và đạn hai mươi li của kẻ thù. 
Thằng Mĩ thua chúng mình là cái chắc em ạ. Ở Trường sơn anh gặp nhiều cô cũng tuổi em mà dũng cảm lắm nhé. Bom vùi bom cháy cả rừng mà các cô ấy vẫn cười vẫn sống trên mỗi cung đường anh qua. 
Anh nhăn nhó. Ruột anh lại lòi ra rồi em. Giúp anh ấn nó vào đi.
Anh lại cười khe khẽ, tay kia lại đặt lên vai chị. Lần này thì anh khóc. Anh bảo , em ơi trời chưa thương cho mình một đứa con , em còn trẻ em hãy đi lấy chồng và cố đẻ một đứa con. Nếu có con gái hay trai cũng cứ lấy tên làng mình mà đặt tên con. Để anh dễ nhận ra con em cũng là con mình. Tên làng mình em nhé. Làng Đan.
Chị bừng tỉnh. Xung quanh chị đông người quá. Ai cũng đang khóc. Có cả ông Bí thư đeo xà cột thở phào. Chị nghe thấy tiếng ông nói rõ to. May quá, thế là đồng chí ấy tỉnh rồi . May rồi. Không có gì phải quán triệt nữa. 
Ông ấy đi ra khỏi đám đông. Chị lại nhắm mắt, bên tai chị ồn ã có cả tiếng khóc của mẹ đẻ của chị và tiếng trống hộ đê. Năm ấy cũng mưa nhiều lắm.

***
Một năm sau khi chồng chị trở thành anh hùng thì chị được bầu là Bí thư Xã đoàn. Chị lao vào công việc để quên nỗi buồn nhớ anh, nhớ 10 ngày làm vợ. Đêm , chị quằn quại trên cái giường chỉ một thứ mùi đàn bà ngai ngái xanh xao. Đầu giường chị là những lá thư của anh trên Trường Sơn gửi về và những Công văn Nghị quyết triển khai công việc của đoàn thanh niên xã nhà. Những lá thư liệt sĩ lẫn lộn trong bộn bề cuộc sống làng quê những ngày cuối của cuộc kháng chiến như thể nó đan chéo vào nhau mà lại đồng điệu đến giản đơn. 
Cũng ở trên cái giường ngài quạt gỗ xoan tươi mà anh chị ở với nhau mười đêm ấy bao nhiêu ý tưởng phong trào đoàn xã ra đời. Nhưng phong trào đoàn càng đi lên bao nhiêu thì chị lại càng mình thấy mình tội lỗi bấy nhiêu, bởi má chị càng ngày càng đỏ, ngực chị càng ngày càng căng. Có những lúc đang cười nói rộn ràng chợt nhớ mình là vợ anh hùng mà ngưng bặt không dám đùa vui với bạn bè nữa. Cũng có lúc đi đào mương thủy lợi ngồi ăn mía bên bờ mương chợt vùi khúc mía xuống cát chụp cái nón lên đầu. Anh ơi, em giữ là giữ cho anh. Giữ cái anh hùng của anh. Cái vườn nhà mình lâu nay không trâu bò nhà ai dám lại vãng đến mà phá phách nữa. Cỏ vườn um tùm, lối vào nhà mình cũng xanh rì những rêu trơn. Em bỗng thấy hình như họ chỉ nhìn em từ sau bờ rào đầy những dây tơ hồng phủ kín cúc tần. 
Giời ôi, ra là chị cũng lại phải làm anh hùng thay cho chồng. Không những thế chị còn làm anh hùng cho cả nhà chồng cho nhà mình và cho chị. Sao đời chị nặng nề đến thế. Có lúc chị nghĩ dại, giá mà anh không phải là anh hùng có đỡ cho chị không....

Một năm hai năm rồi ba bốn năm năm. Ngôi nhà vợ người anh hùng xanh mướt mát những là rau ngót và lá mơ tam thể. Những đứa bạn chị đi lấy chồng hết cả. Lâu rồi chả thấy đứa nào sang mà hái rau mà vặt lá mơ về thịt chó. Vườn nhà chị sau mỗi trận mưa dẫm xèo bọt mùi tanh tanh. Chị đã hai khóa bí thư xã đoàn. Chị xin nghỉ mà chưa được , chưa có ai thay chị. Có mấy cô phó bí thư nay đi lấy chồng cả. Các đồng chí thấy chị son rỗi đoan trang nên động viên chị làm tiếp. Chị vạch ngực soi gương thấy đầu vú đã thâm thâm. Chị quay trước quay sau đấm đấm vào mông vuốt vuốt lên ngực rồi khóc. Ngôi nhà chị bí thư xã đoàn mùi ngai ngái giống như cái mùi tanh ngái từ vườn đưa vào.
****
Cũng lại một ngày mưa anh ấy đến. Anh tên Long. Chị biết anh vì anh cùng đi bộ đội với chồng chị. Nhưng anh ấy có học hơn nên được đi binh chủng thông tin còn chồng chị đi lái xe. Anh châm nhang thắp lên bát hương bố mẹ chồng chị trước rồi thắp nhang vào bát hương chồng chị. 
Anh khấn : Thiện ơi, tớ về thắp nhang cho cậu đây, tớ cũng ra quân rồi, sống khôn chết thiêng thì phù hộ cho vợ cậu. Cô ấy cũng khổ lắm Thiện ạ.
Lần đầu tiên chị thấy có luồng điện chạy rùng mình từ đầu xuống chân. Chị thấy que hương rung bằn bặt. Lần đầu tiên chị thấy như có người ôm chặt lấy chị, ghì ngực chị, nén cặp vú như hai cái vét si bóng khiến chị tức thở. Anh ấy thẫn thờ nắm tay chị rất nhanh rồi ra về cũng nhanh. Ngoài ngõ có người hàng xóm đứng hái búp cúc tần về đắp chân cho trâu bị cước chân nhòm vào.
Chị không rõ mình ít cười từ bao giờ, cũng không rõ mình nói không to như trước từ bao giờ. Lâu nay chị đã quen hễ mở mồm nói điều gì là nhớ ngay chồng mình là anh hùng. Đến nỗi đi chợ mua sắm cái gì là hôm sau cả làng biết vợ người anh hùng ăn món gì. Nhưng chị nhớ rất rõ mỗi kì giỗ bố mẹ chồng các đồng chí lãnh đạo xã nói gì với chị. Chị cảm động đến cứng người khi các đồng chí khen chị đoan trang xứng đáng người đảng viên vợ một người anh hùng. Bao giờ cũng thế đêm ấy là chị ôm cái gối thêu con chim bay con chim đậu cũ mèm mà khóc.
Tối ấy chị không khóc. Tự dưng chị thắp nhang cho bố mẹ chồng cho chồng mà lại nhớ đến anh Long lúc chiều. Người chị lại thấy có luồng điện nhoi nhói chạy qua. 
Năm sau anh Long hỏi cưới chị. Anh Long lên xã trình bày với Đảng ủy Ủy Ban, rồi xin phép họ hàng bên chồng cũ của chị. Đám cưới diễn ra thật đơn xơ, cũng trà thuốc và mươi mâm cơm hai họ. Nhưng ở làng thấy gường gượng. Các cơ quan đoàn thể như vừa mất đi cái gì mơ hồ nhưng cũng thở phào cởi bỏ một cái gì mơ hồ không kém. 
Ngay sau đám cưới anh chị về ở với nhau trên ngôi nhà của chị vì đất này là của mẹ đẻ chị cho chị khi xưa chị đi lấy chồng. Cũng năm ấy chị thôi công tác . Vợ chồng chị lại làm ruộng và hưởng trợ cấp thượng úy của anh Long. Bao nhiêu nỗi lòng của chị trong căn nhà ngai ngái mùi đàn bà ngày mưa nay biến mất. Chị hạnh phúc ngay trong căn nhà bất hạnh của mình khi tuổi cỡ ba mươi. Chiến tranh vừa mới qua được vài năm, những hân hoan đợi chờ vỡ òa, tiếng cười tiếng nhạc lẫn trong kèn trống của hết đám báo tử này đến báo tử khác. Chị thấy mình vừa đau đớn mà cũng vừa hạnh phúc hơn khối người. 
Một năm hai năm rồi ba bốn năm năm. Chị mơ hồ nhận ra nỗi buồn của chồng mình. Những nỗi niềm khe khắt dòm ngó của người đời ở một vùng nông thôn đối với chị khi trước thế nào thì nay lại chuyển sang chồng chị. Họ để ý xem anh ăn ở với vợ một người anh hùng ra sao. Họ cứ nghĩ rằng anh luôn núp dưới cái bóng tiếng tăm của vợ. Rằng cái thượng úy của anh chả là gì với danh xưng một liệt sĩ anh hùng. Quá lắm thì anh thượng úy về một cục vì sức khỏe yếu mà thôi. 
Gần bốn mươi mà chị vẫn không thấy có chửa. Chị cởi áo nhìn ngực mình thấy vú xẹp dần mà thâm bẳn. Nước mắt chứa chan. Anh đứng sau cũng dàn dụa nước mắt. Anh cho chị biết anh đi khám và biết mình vô sinh vì chất độc da cam từ chiến trường Tây Nguyên mang về. Đêm ấy anh bảo chị, em còn khả năng có thai thì nên đi lấy chồng hoặc thích ai thì cứ ăn nằm với người ta kiếm đứa con. 
Chị khóc nức nở. Chả gì em cũng đã là vợ một sĩ quan, vợ một anh hùng em sao có thể làm như thế. Em có trách nhiệm với anh cũng như trách nhiệm vợ một người anh hùng chứ anh ơi. Cả hai người cùng khóc. Hồi lâu anh bảo, Em khổ quá em ạ. Khổ với anh đã đành em khổ vì cái anh hùng của chồng em nữa, nỗi khổ ấy đeo nhũng nhẵng nhẹ nhàng mà quán nặng một đời em. Anh thương em lắm.
Sau lần ấy chị chủ động cùng anh đến từng nhà các cựu chiến binh trong làng tổ chức hội đồng ngũ, hội chăn trâu, hội cùng đơn vị và lấy nhà mình làm trụ sở sinh hoạt. Anh và chị lại đi tới nhiều xã trong huyện thăm hỏi các bạn bè cuả chồng cũ chồng mới. Vợ người anh hùng lại sống lại như một hồi chị làm bí thư xã đoàn.

***
Đoạn kết
Năm nay nước lại ngập lút đồng. Từ xóm làng chân đồi nhìn ra, nước e e như nồi canh cua lẫn rau rút lều phều. Nước sông Hồng lạnh như kem. Chị lội lõm bõm ra bãi soi. Nghĩa trang nổi cao hơn mặt nước chỉ cỡ một con dao phay thái chuối. Ngôi mộ Anh Hùng chồng chị đỏ chói lói vì vừa qua ngày 27/7 xã nhà cho sơn quét tinh tươm. Tấm ảnh anh đội mũ mềm có ngôi sao cũng mới làm khảm vào đá dưới Hà nội mang về. Người làm tấm bia có ảnh này chính là anh Long chồng chị bây giờ. Anh có tấm ảnh cất kĩ từ hai người hồi huấn luyện cùng nhau. Ngày mang tấm bia gắn ảnh của anh về chỉ mình chị là không biết . Chồng chị xách túi xi măng ra nghĩa trang lúi húi một buổi chiều. Tối ấy anh uống rượu một mình ngoài hè. Trăng lên, anh bảo chị tắt đèn đi để anh ngồi hóng gió một mình. Chị ngồi sau cửa nhìn ra, thấy anh như nhập nhoè in vào vườn chuối lặng phắc như cái chòi bù nhìn canh ngô ngoài bãi soi. Chị thương anh bao nhiêu chị thương mình bấy nhiêu. 
Chị đứng trước ngôi mộ giả của người chồng Anh Hùng bao lâu không nhớ nữa. Nước sông vẫn lên, mưa tạnh rồi mà lũ mạn ngược u ú kéo về , lại nghe nói cái bọn láng giềng nó xả lũ ngọn nguồn. Binh tình này quê mình khéo lại chìm mất bãi soi anh ơi. Anh lại chìm trong nước dơ dáy đến bao giờ hở anh. Có con thẫm giun lội rón rén cắm mỏ tìm mồi ngay lùm chuối cửa nghĩa trang thấy chị nó bay đánh vù, kêu kéc một tiếng. 
Cũng lúc ấy chị nghe trong xóm có tiếng đứa cháu gọi, cô ơi cô về ngay đi, chú Long khó thở quá. Về đưa chú đi viện cô ơi. 
Chị bừng tỉnh. Chị lạnh buốt thái dương. Hình ảnh người anh hùng đội mũ mềm sáng lên. Chị nghe như có tiếng anh trong tiếng ì õm của nước ngập xô trên đồng lúa. Em về đưa anh ấy đi viện đi em, anh ấy cũng khổ lắm, khổ còn hơn anh .

10 giờ 15 phút sáng 23/7/2018

CHUYỆN LÀNG


Bây giờ chả cứ gì mọi người ít tuổi mà ngay cả tôi nghe kể chuyện đánh đấm đùng đoàng cũng thấy nhàn nhạt rồi. Chuyện tình thì đã qua . Chuyện đầu tư kinh doanh thì bại trận, nói đến là sởn da gà. Chuyện chính trị thì có nghe có nói cũng là hóng hớt chém gió. Mấy anh về hưu đi bộ buổi sáng rồi rủ nhau ăn sáng rồi chém Gió chính trị, nuối tiếc oán than. Tôi dị ứng. Thế thì chỉ còn mỗi chuyện hồi nhỏ. Nói chuyện thời nhỏ cho nó trong sáng , he he, thánh thiện. 

Mà nói đến thời thò lò mũi thì phải nói đến làng, đến bạn mũi thò lò . Làng nào mà chả có ối chuyện hay . Có điều kể lại có lọt tai người nghe không mà thôi . Với lại kể với ai ? 
Thôi thì kể chuyện hồi nhỏ là phải kể với người nhiều tuổi . Đừng kể với lũ trẻ con mà dại .

1 Xóm Giữa làng .
Con đường tàu hỏa Hanoi - Laokay sẻ vào giữa làng tôi thành một đường kính. Ỏ tâm đường kính là giữa làng . Giữa làng thì đương nhiên có sự khác biệt ria làng rồi. Hàng bán nước mắm cá khô ở đó . Hàng Lò rèn , hàng nhuộm , hàng cúp tóc cũng ở đó và có một cái điếm để các nhà chức trách tuần phòng trị an . Tôi thích lám ó một anh thuong binh mở quán Chữa đèn pin. CHao ôi, ngày đó cái đèn pin là cả một khoản tài sản. Toi nhớ cho đến năm tôi học cấp 3 tôi vẫn ao ước một cái đèn pin mà chưa có.
Tựa vào quả đồi có trường tiểu học là một cây đa và bãi cỏ rõ thật mịn làm nơi mít tinh . Tôi nhớ xa xưa lắm có một cái sân khấu cột gỗ mái lá để diễn tuồng diễn chèo , là nơi thanh niên tập múa son mì ngày 2/9 , ngày trung thu . Thời ấy mới hòa bình vài năm . Những người tản cư từ dưới xuôi lên chưa mấy ai về , làng tôi còn đông vui lắm . Ông thợ giày cặm cụi ngồi ở gốc vông sửa những đôi giầy Giôn những đôi Bát kết . Ông thợ bạc có cái đèn xì ngọn lửa bé xíu xanh lè chuyên kéo những cái vòng trẻ con . Khoái nhất là ông kẹo kéo . Chúng tôi túm đen túm đỏ quanh ông nuốt nước bọt nghe ông rao : ké…éo đê ê ..ê . Hồi ấy chúng tôi mặc quần lá tọa . Cái quần lẽ ra phải luồn dải rút nhưng dải rút thì tút ra làm dây chơi quay còn thì lấy dây bẹ chuối buộc ngang quần kéo cạp lên thả xuống . Có những hôm mải chơi đứt đánh phựt dây quần tụt xuống mà vẫn mải mê quay với đáo . Thằng Vân bạn thân nhất của tôi bố nó đi Điện Biên Phủ về có dây dù làm dải rút quần trông nể quá . Thỉnh thoảng mượn nó một hôm . Hôm nào mượn được, mình cố tình để thò cái nút dây dù dài xuống . Oai phết . Một bữa đang ăn cơm tối, nó gọi ngoài ngõ trả dải rút cho tao đê…ê . Tức ói máu vội lao ra vườn tước cái bẹ chuối treo cái cạp quần hôi mù vào bụng rồi ném trả nó đoạn dây dù. Tức cả đêm .
Cái xóm giữa làng này được gọi là xóm Làng. Đứng đầu là ông trưởng xóm. Nay hòa bình rồi trưởng xóm thường là có chân chi bộ. Ông nội tôi không trong chi bộ nên thôi chức. Ông buồn. Bà nội thì bảo may quá, cứ làm trưởng xóm chỉ tổ đun nước họp với hành. Bờ rào nứa cũng tan hoang. Chả là mỗi đêm họp xóm ra về bà con dỡ rào vườn nhà tôi đốt làm đuốc đi về.

Tổ “đổi công” ra đời vui thế . Bao nhiêu chuyện vui buồn trong nhà nay mang cả ra tổ đổi công mà chia sẻ. Con người mới đi lên phới phới. Hồi ấy chả cứ gì quê tôi , đâu đâu cũng văn nghệ, đâu đâu cũng làm sạch làng tốt ruộng, diệt muỗi diệt chuột ăn chín uống sôi. Lũ trẻ nhỏ chúng tôi cứ mỗi tuần vào chiều thứ 6 đi cổ động . Đi Cổ động là xếp hàng đội ngũ chỉnh tề. Trống Cà rình đi trước, người chỉ huy cầm cái loa bằng ống sắt tây giống như cái nơm úp cá ngủ mà hô to những câu khẩu hiệu. Tôi nhớ lắm và thích thú lắm những câu hô khẩu hiệu của anh Thêm Quỳnh kém mắt. Trong xóm tôi anh Quỳnh tuy kém mắt nhưng tốt tinhslaij năng nổ công tác nên ai ai cũng yêu quí. Anh cầm cái a lô ( hồi ấy chúng tôi gọi thế ) giọng sang sảng :
- Tích cực diệt muỗi diệt chuột là thiết thực bảo vệ cuộc sống của nhân dân ! 
Cả đoàn hơn trăm đứa trẻ hô to : Tích cực! tích cực! Anh Thêm Quỳnh lại hô: 
- Toàn dân Thi đua làm sạch xóm làng ! Chúng tôi lại hô theo : Thi đua thi đua ! Kết thúc bao giờ cũng phải có câu kết :
- Hồ Chủ tịch muôn năm . Muôn năm muôn năm 
Rồi là trống cà rình gõ dồn dập. Cứ thế đoàn cổ động đi quanh co hết xóm trong xóm ngoài . Vui đáo để . Chúng tôi đi cổ động nhìn lũ trẻ cởi truồng chưa đến tuổi được đi cổ động cũng vênh váo ra trò . Anh Thêm Quỳnh ngày ấy là thần tượng của tôi rồi. Cứ nhớ lại cái a lô bằng sắt tây là nhớ đến một thời xóm giữa làng của tôi thật hoành tráng. Cứ nhớ đến ngôi đình làng học vỡ lòng vói những cái cột lim to hai người ôm trên đó có những chữ cái A, O Ô, U, T, H....viết bằng vôi to như cái thùng gánh nước từ hồi bình dân học vụ hồi phong trào diệt dốt

Ở xóm Làng , hồi ấy tôi nể nhất thằng Cư . Nó hơn hai tuổi nhưng học cùng lớp tôi . Nhà nó ở dưới Nam định lên từ hồi 45 . Bố nó làm kiểm lâm trên laokay . Cái gì nó cũng biết cái gì ở làng nó bảo cũng là bình thường . Nhà nó ở sát luôn đường tàu hỏa . Mỗi tối nó nhặt đá đường tàu về xếp ô vườn hoa nhà nó . Nó trồng toàn hoa mười giờ . Nó bảo tôi khi nào hoa nhà tao nở tao ới sang nhà mày cho bầm mày nấu cơm . Tôi kể lại với mẹ . Mẹ cười buồn , giờ ấy bầm còn ở ngoài đồng con ạ . Hồi ấy ngày có vài chuyến tàu thôi nhưng rất đúng giờ . Vài năm mới đổi giờ tàu một lần . Đổi giờ tàu là cả một sự thay đổi lớn đối với xóm giữa làng . Sáng , chin giờ là tàu Hà nội lên ngược . Chiều, 2 giờ rưỡi là tàu xuôi . Đêm : 9 giờ tối tàu ngược rồi 2 rưỡi sáng lại có chuyến xuôi . Cứ thế năm này qua năm khác tàu qua nhà là biết mấy giờ . Chỉ đến khi chiến tranh phá hoại của Mỹ nổ ra những chuyến tàu xuôi ngược mới thất thường . Bao nhiêu năm tiếng còi tàu mặc định vào giấc ngủ trẻ con của tôi . Nhà cách đường tàu dăm chục mét tiếng chạy xập xuỳnh của tàu hỏa cứ như ru ngủ vậy . Lúc mới biết đọc chữ hàng ngày cứ đánh vần những chữ viết trên các tấm biển gỗ chôn cạnh đường tàu . ở ngay cửa nhà tôi có cái biển sơn trắng chữ đen không có dấu khiến dòng chữ trên đó thuộc từ bé mà mãi tới lớn mới hiểu . Cái dòng chữ thế này : DUONG VONG:…/ BANKINH :…/ TOCDO: …/ GIOIHAN:…Hóa ra là họ ghi bán kính cong , tốc độ chạy và giới hạn tốc độ . Rồi , cái toa tàu bố tôi bảo là Voa gông . Sao lại là voa gông ? ông trưởng ga ở ga nhà tôi họ gọi là Xếp . Chịu chả biết Xếp là gì những cũng gọi ông Viện làm trưởng ga là ông Xếp Viện . Những kỉ niệm con con ấy rũ mãi không ra khỏi trí nhớ .
2
NgưỜI ta bảo : một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Cái hàng phở , hàng bánh cuốn giữa xóm nhà tôi là nơi kiểm chứng và ghi danh những cá nhân có máu mặt ở làng. Thời bé tôi biết mấy thầy giáo cấp 1, mấy ông buôn nâu mây và mấy anh công khu mới vào hàng phở ( Công khu là thợ chèn đá đường tàu hỏa ) . Trông nể lắm. Khoan thai tự tin thả đít xuống cái ghế băng đen nhẻm ám mùi khói. Con gà luộc sẵn treo chổng ngược cạnh bó hành củ tươi, trắng xanh như đon mạ . Nước rùng trong veo thơm sang tận tràn ruộng giáp đường tàu. Anh Nghi Vừng dậy lớp vỡ lòng chúng tôi ngồi hàng phở thách đố với mấy ông Công Khu ăn hết một con gà và cả bộ gan gà. Thế là anh giáo Nghi mang cái tên Nghi Gan gà. Anh giáo nhập ngũ năm 1961 rồi phục viên năm 63. Được hai năm lại nhập ngũ vào B4 đánh A Sầu dính bom na pan cháy hết mặt mũi, cháy mất cả một bên tai về làng chả ai nhận ra. Chỉ khi nói tôi là Nghi VỪng xóm cầu tây đây thì người làng à lên : Anh Nghi gan gà, gan gà. Anh giáo Nghi cười. Như một người hành tinh khác đến thăm làng . NHững năm 1958 tôi học vỡ lòng anh giáo Tấn. Nhưng hôm nào anh giáo Tấn bận việc là anh giáo Nghi lại dậy thay. Đã nửa thế kỉ nay rồi tôi vẫn nhớ nét chữ thầy giáo Tấn thầy giáo Nghi đẹp lắm, và nhớ cả thầy Nghi dũng sĩ diệt Mĩ , thầy Tấn là đại đội truỏng đã hi sinh tít hút trong Bình Phuoc vào năm 1970.
Làng nào cũng có khúc đồng dao riêng của nó. Đồng dao cho trẻ con và cho cả người lớn. Chả cần lên gân lên cốt về quê hương giống như anh nhạc sĩ úp mặt vào sông. CỨ hát khúc đồng giao lên là thấy quê hương hiện ra mồn một .Đồng dao quê tôi nhẹ tưng tửng và thắm thiết. Đồng dao nào cũng là của chung cho các thằng người trong cái vùng quê ấy cả. Ấy thế mà trong vô khối những đồng dao đã thuộc lại cứ nhớ đau nhớ đớn cái khúc Đội gạo lên chùa
…khoan khoan tay chú
đổ thúng gạo tôi
Hôm nay ba mươi 
Mai là mùng một
đội gạo lên chùa cúng bụt 
Bụt ngoảnh mặt đi
Ông Thích ca mỉm miệng cười khì
của tam bảo để làm gì chả bóp.
Đến thế thì thôi! Bụt rồi Thích ca không mắng thằng tiểu nó dám bóp vú gái làng lại còn hùa vào còn làm ngơ. Lớn lên mới hiểu ra là ở trên cao cũng nhiều sự thối nát như dưới dân sinh. THậm chí càng trên cao càng thối nát bẩn thỉu hơn dưới làng quê của tôi.
Làng tôi có xóm Dậm. Xóm ấy ở ria đầm Hà. Họ ở trên đồi cọ cổ thụ soi mình xuống đầm nước mênh mông. Hồi bé ngồi nhìn những cây cọ cao vài chục mét in bong xuống đầm nước. Những cây cọ lộn ngược cao như thế mặt nước nông choèn choèn mà ngọn cây cọ không xuống đến đáy. Cây càng cao soi xuống nước thì lại càng thấy nước sâu thêm. Đi vào xóm ấy phải qua một cái đập bằng đất ruộng vật lên gọi là bờ đắp . Ngàn ngạt những bụi tre và nương cọ. Tre cũng rậm mà cọ thì cao. Một xóm nhà toàn những cái tên nổi đình đám lãng tử quê tôi. THời tôi trẻ con tôi đã biết xóm Dậm nhiều chị đẹp gái lắm. Trai làng nhòm ngó gái xóm Dậm mà chả lấy được đâm ra tức mà làm thơ viết ở đình làng . 
…Nhà ông Vang có bụi tre to 
Có cô Năng lớn chẳng cho lấy chồng 
Ai ai đến hỏi cũng không 
Có anh Ngoạn đến là bằng lòng ngay ..
Đến giờ tôi cũng không thấy họ về làng, chả biết anh Giáo Ngoạn đưa chị Năng đi phương trời nào.

NGày xua cái sụ lấy chồng vọ cũng không nhiễu khê như bây giờ. Quê nghèo, nên con gái lớn lên thấy anh nào làm ra tiền thì ưng. Có mấy anh đóng cối dạo, anh hoạn lợn qua làng cũng cõng được mấy chị đi theo. Nhớn lên tôi biết mấy anh phó cối anh hoạn lợn anh hàn nồi qua làng tôi đều xuất thân từ dưới xuôi lên. Toàn dân Nam Định cả. Thế mới thấy dân Nam Định họ khôn ranh bôn ba và đạc biệt là họ chịu xê dịch . Cái sự xê dịch truyền thống của họ là tiền đề cho sự nghiệp của họ thăng tiến. Chứ cứ như người làng tôi thì chán chết. Khu khu điền dã như tôi đây đến vợ con nó cũng ngán ngẩm
Ngồi tè he ven đường đất đỏ thả trâu ăn dưới ruộng mới gặt. Lũ trẻ chơi đủ thứ trò . Cứ nhìn bọn con gái chơi Chuyền mà sốt ruột. Tay tung đến đâu mồm nó đưa đến đấy. Cái đầu chúng nó thì cúi xuống ngửa lên như con gật gù .. 
que mốt que mai /
cái trai cái hến 
Con nhện giăng tơ 
Quả mơ quả táo 
Cán gáo sang đôi 
Mồm chúng nó dẻo quẹo, mắt cứ sáng long sáng lanh
Đôi tôi đôi chị 
Đôi cành thị
đôi cành na
đôi lên ba 
Rồi mấy đứa đứng ngoài hô theo đứa trong cuộc 
Ba ta 
ba mày 
Ba cái cầy 
Một sang tư …Nhìn quả chuyền bằng quả bưởi non tung lên hạ xuống chóng cả mặt nghe đến cái đoạn 
Năm rau Răm
Năm lên sáu 
Thằng Vân đá tung cả bàn que chuyền . Tụi con gái chóe lên Địt mẹ Vân Quí nhá, Vân Quí nhá . Bà Quí mẹ thằng Vân đang đon rạ dưới ruộng kêu váng lên : ỐI Vân ơi là Vân ơi mày để cho chúng nó réo tên cái nhà mày ra kia kìa …Thằng Vân dứ quả đấm về phía con Thành Quì rồi chạy đi. 
Tàu khách về. Cả lũ quên phắt cái chuyện chửi nhau chạy ra áp đường tàu đố nhau tàu có mấy toa. Lũ trẻ reo hò khi toa cuối cùng vút qua. Thằng thắng cuộc được cõng một đoạn từ gốc đa ra tới hàng phở Bủ Nộm. Có hôm thằng Bùi Vượng thắt quần dải rút bằng dây chuối đang cõng thằng Cư đứt dải rút cái phựt. Vội buông tay kéo quần làm thằng Cư lăn ra đường. Lũ con gái he hé ré lên , ngặt nghẽo.
Khoái nhất là nghe tụi con gái chúng nó chửi nhau. Lũ con trai chúng tôi đứng ngoài xuỵt thêm vào thế là chúng nó chửi càng hăng . Đứa bên này bờ ruộng rẩu mỏ về đối phương bờ ruộng bên kia mà ra rả :
con đĩ đầu đanh / nấu canh củ tỏi / Mẹ chồng chưa hỏi / đã đòi làm dâu / Chồng chưa đi câu / đã đòi xách giỏ / Chồng chưa đi mò đã đòi rang tôm .
Hồi ấy chả hiểu mô tê gì mà chúng nó cứ tức tối cái bài chửi ấy thế. Nhớ nhất bà Quí mẹ thằng Vân chửi mất gà. Chao ôi bà ấy có giọng mới vang làm sao.Vang và chua. Mà chửi nhau thì cần nhất là giọng chua. Mấy nhà bên cạnh nghe mà ấm ức mà tức tối. Cứ chập tối là bà ấy tru lên: Mấy nhà bên cạnh nghe mà sôi máu tức gan. 
…" CHa năm đời mười đời thàng nào con nào ăn cáp gà nhà bà. mày lấy gà của bà mày hóc xương be mày đè xương cánh, mày cắm cờ xanh đầu ngõ mày cắm cờ đỏ đầu giường. Cha tiên sư bố mày, mày đi đằng xuôi mày chết đằng xuôi mày đi đằng ngược mày chết đằng ngược , con gà nó thành ma vương nó làm cho nhà mày tù đâm chết chém. …
Chửi đến nỗi chó trong xóm sủa ong óc mà bà ấy vẫn chửi. Thằng Vân kéo mẹ nó về mẹ nó vằng cho cái té ngửa .

*****
25/7/2018

Vườn xưa



Ơi là lục bát nhà quê
Đáy nghiêng cả mắt người đi bến chiều
Em đem gột đất cầu ao
Bao nhiêu té nước lại trào sang nhau

ếch uôm tháng bẩy mưa rào
Nõn chiều lóe nắng thầm thào hương sen
Cắm sào cất vó nửa đêm
Mấy tàn đom đóm tắt vườn nhà em

Người đi xa hút nỗi niềm
Tìm đâu lục bát với mìền ca dao
Tôi nghe chiều ấy mưa rào
Có như tiếng ếch gọi vào vườn xưa
7/2018

Cây khế ven đường


Có một cây khế già
Đứng bên đường đến lớp
Hoa tím vào trang sách
Dửng dưng chúng mình qua

Đến một ngày về lại
Hội lớp rồi hội trường
chẳng ai người đến đó
Hoa tím vương vào sương

Có hai người lẫm chẫm
Đến ngồi bên suối buồn
Trường xưa về thành phố
Tình xưa thì rừng hoang

Có một cây khế già
Bao nhiêu là thổn thức
Bao nhiêu là chia li
Bốn mùa hoa tím biếc

3/8/2018

EM ĐI VỀ PHÍA TRAI TRẺ ĐỜI ANH


Em đi về phía trai trẻ đời anh
Mùa mưa đỏ dầm chân trắng
Tuổi chúng mình đâu còn dấm dẳn
Mà yêu thương cũng cứ khiến bùi ngùi

Mưa Tây Nguyên cứ gõ liên hồi
Suối cạn thế nay bỗng gầm như xé
Anh bảo ngày xưa còn hơn thế
Bao đứa bạn anh lũ cuốn không về

Tháng này tháng ngâu nát nhoét đường đi
Cơm nắm chua loét đường bám địch
Muỗi đốt qua cả làn pháo kích
Thế mà nhật kí vẫn tên em

Mùa mưa Tây Nguyên cởi trần hành quân
Đồng bào đóng khố còn chúng anh quần cụt
NGớt pháo kích bên suối cười rinh rích
Quân với dân cách mạng bằng nhau

Nửa thế kỉ sắp qua bạc trắng mái đầu
Em lên bà lại đi về vùng anh thời trai trẻ
Ơi những dòng sông rẫy nương đêm trú quân nghe hơi thở
Tiếng đồng quê thơm như cốm hẹn về.

Mùa này không có hoa cà phê
Cúc Quì vẫn nằm im chờ sương xuống
Em có về không Cheo Reo rừng muỗm
Thơm cả miền nức nở dọc sông Ba

Ơi Tây Nguyên tuổi trẻ chúng anh qua
Gửi ở đấy những là mơ là ước
Sau cơn đói nhớ về trường về lớp
Là nước mắt mình tưới ướt tóc của nhau

Phía trai trẻ lính Tây Nguyên chẳng thể quên đâu
Phía ấy Ba zan anh đằm như mật
Ơi tiếng đàn tơ rưng tưởng như đã mất
Mà trong em đăm đắm cứ hiện về
Tháng 8/2018

Lập Thu


Em bảo lập thu rồi đó
Mà mưa mưa vẫn xụt xùi
Anh mang hong trang nhật kí
Lên mùi mùa thu xa xôi

Bước nhau qua miền kí ức
Phong phanh áo mỏng bờ vai
Ơi cái mùa thu dấm dứt
Còi tàu những ngược những xuôi

Bọn anh đi về phía ấy
Có những lá cờ rộn ràng
Có những yêu như phơi phới
Có bao nhịp tim xốn xang

Lập thu như thể là xanh
Tiết thu như màu vàng thắm
Cái thời chúng anh hành quân
Bom rơi vào màu thăm thẳm

Người đi mang những mùa về
Bao nhiêu nói cười thơ nhạc
Những người lính không làm thơ
Mùa nào cũng là dĩ vãng
8/8/18

Kí ức


Có anh lính già rồi. Chả giàu có gì như lớp buôn chổi đót sau này nhưng chịu khó học, chịu khó đọc. Cái khốn nạn nhất cho thằng lính chiến là chịu khó đọc. Mà lại đọc đa phần về tình yêu lí tưởng cách mạng về kinh tế XHCN về vị nhân sinh và về lí tưởng theo cái lí tưởng đã qua.
Quá vãng rồi. Lính già tụ tập nhau họp CCB bó gối nhìn trăng trôi ngoài lũy tre kí ức về đời mình. Quái lạ! Đời anh lính nào chả là chết chóc và bi thương. Ấy thế mà họ cứ nhớ về thủa ấy cứ như không có những ngày bùm đoàng ấy thì họ không sống nổi,không còn chuyện gì để nói. 
Vợ bảo , hâm !
Hàng xóm bảo, mấy ông này giời đày!
Ấy thế mà chỉ có Sơn Tinh đóng đô trên Trường sơn thì bảo, đấy là THẰNG NGƯỜI.

Ở vùng đất chữ S này có đến vài triệu “ thằng người “ ấy, chết gần hết rồi mà vẫn hay kí ức lính. 
Chuyện rằng. 
Ngày ấy trên Trường sơn có chú lính cứ đêm tối mắc võng là hát “ Bạn thanh niên hớ hơ ơi. Ta cùng nhau lên đường…”
Rồi lại hát “ Xe ta ơi lên đường ra hỏa tuyến. Trăng mọc chậm mắt thần ta đã luyện..” 
Ngửa mặt lên nhìn trăng trôi khuất vòm lá rừng u u tiếng máy bay giặc Mỹ. Mơ ngày mai đến tận Huế đến tận Sài gòn. 
Cõi này cõi tạm mà họ chen chúc nhau đánh vã vào nhau để kiếm miếng sống để cho con ra nước ngoài trú ngụ. Sự du học thực ra là chạy trốn cõi mình . Bao nhiêu thiêng liêng đều không có cốt lõi chỉ mỗi sự đê hèn lại là cốt lõi của chính cha mẹ tổ tiên con người đó.
Anh lính già ấy một tối bó gối nhìn trăng trôi qua làng mình, thổ lộ. Anh ta yêu từ hồi trên Trường sơn. Hỏi yêu ai? Anh ta đếch biết. Rồi anh bảo, mình yêu cái sự cũng rất già. Đó là cái Thằng Người ngày xưa. 
Ô hay . Người ngày xưa với người bây giờ khác nhau ư? Đúng là ông lính này hâm /

11/8/2018

Mưa ngày cũ


Ngày ấy anh đánh dậm trời mưa
Đồng làng mình nước dâng tràn leo lẻo
Ơi những ngày mưa cua ngoi lên bờ bãi
Cả những bầy cà cuống ngụp bờ ao

Em đội lá khoai đứng nép cầu ao
Đợi anh về xin anh con muồm muỗm
Anh biết thế lẳn gấu quần cả những con cà cuống
Em bảo đêm về vẫn thấy mắt mình cay

Đồng lấp hết rồi ngày Hợp Tác Xã dựng xây
Những là Thủy nông những tăng điền thổ
Rồi lại đến cái thời chia lô bán thửa
Cua ốc nào chịu nổi thuốc trừ sâu

Chúng mình đi nay cũng đã bạc đầu
Thèm cái ốc cái cua thì ra chợ
Ơi nước mắt nhớ quê than thở
Có cà cuống nào chẳng cà cuống thủ đô

Có lúc nào ta về cánh đồng xưa
Cởi bỏ hết bao nhiệm kì áo tuồng kí ức
Em xách rỏ cho anh chạy mưa vuốt mặt
Anh lại tặng mình con cà cuống mồng cay
15/8/18 NTL

Giã bạn


Mai tiễn em rồi mưa sẽ khóc* 
Ướt nửa vòng tay với trung du
Mình anh ngược về triền vụng dại
Sông gối nghiêng chiều tím hoa mua

Biết còn gặp lại mùi ổi chín
Thu chớm vào tóc rối hồ tây
Rồi nắng xôn xao lòng trong ấy
Trung du này! trung du mầu mây

Mai tiễn em rồi mưa lại khóc
Vòng tay vuột mất gió triền đồi
Mộ cha mẹ tím quê hoang hoải
Một con tàu cũng đi vội qua tôi.

Đan Hà tháng 8
* ý thơ Thanh Long

Một Nhà Báo- Nhà Văn CHẾT TRONG TƯ THẾ NGƯỜI ANH HÙNG ( viết về BÙI NGUYÊN KHIẾT)

Một Nhà Báo- Nhà Văn 
CHẾT TRONG TƯ THẾ NGƯỜI ANH HÙNG 
( viết về BÙI NGUYÊN KHIẾT)

Người đó là anh Bùi Nguyên Khiết nhà báo của báo Hoàng Liên Sơn ( tỉnh cũ gồm Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ) . 
Bùi Nguyên Khiết xuất thân là giáo viên cấp 2.. Anh lên dậy học trên Lào Cai rồi nghiệp văn chương của người thày giáo tài hoa ấy đưa anh tới nghề báo. Trong gia tài văn chương của anh hồi ấy là những truyện ngắn ấn tượng về vùng núi cao về cuộc sống khó khăn của vùng biên ải về tình người trong những năm cả nước khó khăn mà trong trẻo ấy. Chỉ nhìn vào những bút danh anh Khiết đã mang trong các bài báo các tác phẩm văn chương đủ thấy anh lăn lộn đến chừng nào. Anh xông xáo trong một khoảng thời gian nóng bỏng sự kiện với những cái tên : " Mạc Điềm, Hoàng Huy, Bạch Thiếu Minh, Nguyễn Huy Hoàng , Lưu Thanh , Phong Sơn, Hoàng Nguyên , Ngũ Hồng, …cho tới lúc anh trở thành bức tượng trên chiến hào Lao Páo Chải, xã Tà Ngải Chồ - Huyện Mường Khương anh mới được truy kết nạp đảng viên , kết nạp Hội viên hội NVVN , Hội viên hội Nhà báo VN " (Mã A Lềnh - Bùi NGuyên Khiết Văn Chương và cuộc đời trang 20.- NXB HNV 2014)…

Thôi, tôi không muốn nói về sự Hội viên và văn tài của anh nữa mà tôi muốn nói về sự hi sinh của anh. 
Trước khi xẩy ra cuộc tấn công xâm lược của quân Trung Quốc vào ngày 17/2/1979 thì sự việc vùng biên ải đã nóng lên. Lúc ấy các nhà báo nhiều người xung phong ra biên giới và anh Khiết là người thỏa mãn vì được xung phong lên Mường Khương Lao Cai. Việc anh Khiết lên với Mường Khương không phải là sự tình cờ mà là anh Khiết đã tiên liệu trước nguy hiểm hi sinh mà vẫn quyết tâm xin lên Mường Khương. Nơi anh đến là đồn biên phòng Pha Long nóng bỏng , là mũi tiền tiêu luôn bị quân Trung Quốc quấy phá đe dọa tấn công. 
Dưới đây tôi trích trong điếu văn của Báo Hoàng Liên Sơn trong lễ Truy điệu Liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết hai tháng sau ngày anh hi sinh

“… Ngày 5/2/1079 anh em phóng viên thường trú ở Lào cai chia tay nhau, tỏa đi các huyện biên giới công tác. Người đi Si ma kai, người đi Bát xát, Mường Khương. Đồng chí Bùi Nguyên Khiêt chọn điểm Pha Long Mường Khương, nơi mà tình hình biên giới đang diễn ra căng thẳng nhất: giặc Trung quốc thường lẻn sang tập kích bắn lén. Biết rằng nơi đó rất gian khổ và nguy hiểm , nhưng đồng chí vẫn chọn mảnh đất và con người Pha Long làm đề tài của mình trong chuyến đi viết này. 
Trước buổi lên đường anh tâm sự với bạn bè : “ chính những điểm nóng bỏng đó ta càng phải đến . Mình hi vọng trong chuyến đi này sẽ có nhiều kí và phóng sự thật sống động đánh vỗ mặt thằng Tàu” 
Ngày 9/ 2/1979 anh viết thư về tòa soạn với khí phách hiên ngang. Ý chí quyết tâm diệt giặc tàu , bảo vệ biên cương tổ quốc. Anh viết : “ Làm phóng viên lúc này mà không lao vào đây thì mình thấy không chịu nổi . Đánh địch bằng mồm quả dễ hơn đánh địch dưới tầm hỏa lực của nó. Chết mình cũng đi. Chết mình cũng phải viết được một cái gì về những ngày này !" *
"Trước ngày 17/2 năm 1979 các chiến sĩ tiểu đoàn 3 đã linh cảm một điều gì thật dữ dội, tình hình rất căng thẳng chỉ chờ nổ súng. Giặc đã ùn ùn kéo sát biên giới . Họ khuyên anh Khiết trở về hậu cứ. NHưng anh Khiết nói với anh Trần Như Nhâm đại đội trưởng đại đội 1 “ Các anh cứ cho tôi ở lại , nếu chiến sự xảy ra , cho tôi cùng chiến đấu với các anh. “ 
Và ngày 15- 16/2 anh xách khẩu k63 cùng ngòi bút, quyển sổ, chiến máy ảnh lên chốt cùng các đồng chí Nguyễn Văn Kim , Mai Thanh Hiệu phục kích, bắn tỉa những thằng thám báo Tàu vượt biên sang dò xét gây rối vùng biên.

..."Gần sáng 17/2/1979 Pháo kích giặc Trung quốc xé toác không gian . Trần Như Nhâm thét lên : Pháo địch đang bắn cấp tập để bộ binh nó xông lên . Tiến lên bảo vệ chốt. Bảo vệ tổ quốc thân yêu của chúng ta. “ Anh Khiết xách súng lao ra chốt. Đồng chí Bùi Ngọc Vụ chính trị viên thấy tình hình nguy hiểm khuyên Khiết nên quay lại hậu cứ . Bùi Nguyên Khiết nói : “ Lúc này, không phân biệt nhà báo hay chiến sĩ. Tất cả chúng ta đều có quyền bảo vệ Tổ quốc. Tôi sẽ lên chốt vừa chiến đấu vừa làm nhiệm vụ của người làm báo. Đề nghị các động chí cho tôi lên.” Rồi anh nói thật dứt khoát :” Tôi có chết thì cũng chết ở chiến hào!” *..
..." Bùi Nguyên Khiết lao lên mỏm tiền tiêu của điểm cao 1378 cùng đồng chí Kim, Tiến, Mạnh của trung đội 1. Pháo địch chuyển làn quân giặc bò lên nhung nhúc . Trung đội trưởng Kim thét : Bắn! 
Xác giặc chồng lên nhau nhưng chúng vẫn nhung nhúc bò lên. Khiết đặt khẩu k63 xuống và bật máy ảnh ghi lại những hình ảnh chiến sĩ ta chiến đấu trong xạm xụa khói đạn . Địch đông quá , Khiết và đồng đội ném lựu đạn và không để ý phía ssuwownf trái . hai tên Trung quốc lao lên cách anh chỉ vài mét. Chúng lao vào bắt sống anh nhưng quả lựu đạn Khiết đã rút chốt từ trước đã làm hai tên chết không kịp kêu. Đạn địch găm nát chiến hào , cả chốt còn lại 8 đồng chí trong đó có 2 người đã bị thương, Đạn cũng không còn nhiều mà địch ngày cagf hung hăng xông lên quyết chiếm điểm cao 1378 của ta. . 
Lúc này Bùi Nguyên Khiết và Nguyễn Bá Mạnh chiếm giữ một vị trí trọng yếu trên chốt. Khiết chỉ còn 3 quả lựu đạn. Anh đợi cho quân Tàu lên đến gần anh mới quăng lựu đạn , nhiều tên la hét giãy rụa. Dù vậy quân Trung quốc vẫn điên cuồng lao lên. Địch gần quá anh Nguyễn bá Mạnh không bán cối được nữa, anh xach khẩu cối 60 còn Khiết ôm hòm đạn cối luồn lên chiến hào 3 . Bấy giờ đã gần 10 giờ trưa, trên chốt Lao Páo Chải cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc diễn ra quyết liệt. Đồng chí cắt liều cho anh Mạnh bắn cối đã hi sinh. Khiết nhảy vào thay. KHẩu cối của anh Mạnh và Khiết đánh trúng đội hình kẻ thù khiến lũ giặc Tàu gục ngã la liệt trên chốt của ta. Trong trận này Nguyễn Bá Mạnh và Bùi Nguyên Khiết đã bắn 77 quả đạn cối tiêu diệt nhiều tên giặc xâm lược biên cương ta. Trưa hôm ấy 17/2/1979 một luồng đạn thẳng của kẻ thù đã bắn trúng Bùi Nguyên Khiết. Anh nằm xuống trận địa chốt 1378 với khẩu K63 và chiếc máy ảnh đẫm máu. 
Anh Khiết hi sinh lúc 10 giờ 30 phút 17/2/79. Ngày đầu tiên quân Trung quốc xâm lược biên cương Việt nam ta. Bùi Nguyên Khiết Hi sinh sau khi đã tiêu diệt 50 tên Trung quốc xâm lược góp phần cùng bộ đội dân quân chốt Lao Páo Chải xã Tà Ngải Chồ tiêu diệt gần ba trăm tên giặc và bị thương hàng trăm tên khác. Anh hùng thay Bùi Nguyên Khiết. Trong chiến công góp phần cùng tiểu đoàn 3 Mường Khương tiêu diệt quân xâm lược trên chốt Lao Páo Chải Bùi Nguyên Khiết được tiểu đoàn đề nghị chính phủ truy tặng huân chương chiến công hạng nhất.." *

Nhớ anh Bùi Nguyên Khiết là ta nhớ tới một dũng sĩ tiêu diệt kẻ thù xâm lược biên cương. 
Hình ảnh của anh là hình ảnh lẫm liệt của một dũng sĩ kiên cường. Một ý chí gan dạ dược hình thành ngay khi chưa giáp trận. 
Sự tích anh hùng của Bùi Nguyên Khiết không phải hoàn cảnh xảy ra rồi đặt anh vào tình thế buộc phải chiến đấu anh hùng. Bùi Nguyên Khiết là một chiến sĩ tự giác đi vào chỗ hi sinh và chiến đấu với tư thế anh hùng cho đến lúc chết. 
Truyền thống nghề báo Việt Nam tự hào có những tấm gương bao nhà báo dũng cảm trong kháng chiến chống Pháp chống Mĩ và tiếp tục là thế hệ nhà báo anh hùng trong chiến tranh bảo về tổ quốc như anh Khiết. 
Báo Hoàng Liên Sơn và nay là báo Lào Cai, báo Yên Bái tự hào có Bùi Nguyên Khiết. Chúng tôi hi vọng những người làm báo Việt Nam hôm nay và hai tờ báo Lào Cai và Yên Bái hãy làm công việc đề nghị Nhà Nước vinh danh Anh Hùng LLVTND cho Liệt sĩ nhà báo nhà văn Bùi Nguyên Khiết .

*************
Anh Bùi Nguyên Khiết ơi. Kể từ ngày anh hi sinh đến nay đã 39 năm . Mộ anh vẫn đang gửi nhờ nơi không phải quê mình. Con cháu và anh em thương nhớ anh bao nhiêu thì bạn văn bạn nghề giáo và hai tờ báo Lào Cai , Yên Bái thương nhớ anh bấy nhiêu. 
Nay nơi biên ải Lao Cai có một con đường mang tên anh. Có một quĩ học bổng cho trẻ em nghèo Mường Khương cũng mang tên anh. Với chúng tôi anh là người đi trước, những trang viết của anh được đăng kiểm bằng máu của đời anh. Anh là hình ảnh lẫm liệt của một nhà báo nhà văn trong trận tuyến yêu nước và bảo vệ tổ quốc. 
KÍnh cẩn trước hương hồn anh và nhớ lời anh trước khi anh lên chốt Mường Khương rằng : “ đánh địch bằng mồm quả dễ hơn đánh địch dưới tầm hỏa lực của nó”

Hà nội tháng 8/2018 NTL
Nguồn  * ) Những chi tiết về chiến đấu được trích lại nguyên xi theo ĐIếu văn trong lễ truy điệu Liệt sĩ Bùi Nguyên KHiết ngày 17/4/1979 do ông Vũ Văn Thu TBT Kiêm bí thư chi bộ báo Hoàng Liên Sơn đọc

Nhớ người

Có người mang nắng mùa đông
Đắp vào thổn thức bập bùng gió mây
Có người uống gió heo may
Nướng đêm lạnh hóa ra ngày đợi nhau
Mùa đông 2017.

Nhãn rụng sân nhà số 4 Lý Nam Đế


Có môt ngày tôi đến nơi này.
Nhặt những trái nhãn rụng trên sân rất vắng
Hoa đại vượng đầy kiến
Cửa sổ đi qua những cuộc tiễn đưa.

Lại như trẻ thơ.
Nhặt nhãn rụng cắn vào không gian văn chương cũ
Thời gian trơ nguyên như thân cây tảo tần
Nơi này bóng dáng văn nhân.
Sáng 21. 8. 2018

Xả lũ

Ta dọc con sông ngầu bụi đất
Dấu ngày xưa cờ đỏ ngược biên thùy
Ơi một thủa cha mẹ ta hứng khởi
Đòn xóc liềm dao gặt hái màu cờ.

Nửa thế kỉ trị thủy và trị quốc
Đê bịt rồi nước lũ cuốn rừng xanh
Ta đi giữa sáng nay thu dáng
Yêu cha mẹ mình Hợp tác xã văn minh

Sông vẫn thế chỉ gồng mình quặn thắt
Lũ xả cao trình thủy điện xuống lương dân
Ôi ta thấy nước ngầu lên bụi đỏ
Những ngày này tết độc lập muôn năm
1/9/2018

Màu cờ xưa

Gọi hồn thơ cũ về đây
Trống tuênh đầu gió mưa ray góc vườn
Ngày xưa cờ đỏ đường thôn
Ngày thu ấy cũng nước lên ngập bờ

Đêm qua sấm chớp lóa đò
Bờ sông bỗng có người về thăm quê
người ra đứng ở ven đê
Tìm trong vơ vẩn màu cờ đã xa
2/9/2018

Chuyện của chúng tôi trước khi đi bộ đội- Dưới sú bà Trầm


1 Dưới sú bà Trầm
Đào Bá Văn học cùng với tôi từ 9/1970, ấy là khi Văn nhuận từ lớp K4K (luyện kim) xuống.
Văn nhiều tài lẻ và đặc biệt là chất lãng tử. Quái lạ , hắn không lăng nhăng gái mú. Mà xưa nay những anh văn hoá nghệ thuật lại hay có máu này (!) Hắn cứ hát, cứ đá bóng, đánh bóng chuyền, và ... chuyện kẻ vẽ chữ nghĩa cũng rất tài. Văn để đầu chim sẻ . Nghĩa là vuốt xoáy lại để trước trán có chùm tóc xoăn xoăn .

Hồi mới về lớp tôi, hắn có một định lí rất hay. Ai kém ai cái gì thì gọi là “ dưới sú “ . Thằng này dưới sú thằng nọ thằng kia ... Chẳng nhớ “ dưới sú ’ là cái gì nữa nhưng cái câu nói ấy thì nhớ tới bây giờ . 
Trong lớp tôi có chị Trầm. Chị là TNXP chống Mỹ về học. Lúc ấy chị khoảng 27 , 28 tuổi. Trước khi vàoTrường Sơn từ 1966 tới 1968, chị đã làm ở công trường 130 xây dựng sân bay Yên bái . Chiến tranh khốc liệt , tuổi tác rồi học hành vất vả khiến chị mệt mỏi, thua thiệt nhiều, kém phần mầu mỡ so với những người con gái khác. Tuy vậy chị rất yêu thương lũ tôi. Dù nhan sắc chị khiêm tốn, cái sự nhan sắc ai mà định nghĩa đo đếm cho chính xác được nhưng có lẽ chị hiền và bao dung nên lũ trẻ hay nhờn . 
Một hôm , chúng nó đá cầu chinh. Thằng Danh Thơm ( bây giờ làm ở Cơ Khí Hòn gai – cũng hưu rồi ) đá với Văn. Văn vừa đá vừa nói rất to : mày đá sao được với tao. Này thì tâng , này thì móc , này ...này móc này ...
Thơm xút sang Văn. Quả cầu bay đến tầm ngang mặt Văn ưỡn lên giữ cầu trên ngực rồi thả xuống gẩy mạnh vào mặt Thơm . Mồm hét to : Mày thấy chưa ! mày .. mày dưới sú Bà Trầm. 
Từ ấy cái mệnh đề Dưới Sú Bà Trầm lan ra . Nó được dùng cho thằng nào kém cỏi về một vấn đề nào đó. Vào thi bị điểm 2 ra đến cửa lầu bầu…mẹ kiếp hôm nay dưới sú bà Trầm. Bị thua bóng đá lớp khác cũng lèm bèm mẹ kiếp lớp mình dưới sú … đàn bà lớp nó. 
Nghĩ mà thương chị Trầm . Rồi những ngày sau đó trong sinh hoạt , học hành ai gặp cái gì xui xẻo không vừa lòng cũng lẩm bẩm : Mẹ kiếp mình dưới Sú bà Trầm . Chị Trầm biết , chị lặng im . Tôi thấy chị buồn. Chị bảo chúng mày nghịch quá, nghịch quá .

Rồi chúng tôi đi bộ đội. Lớp K5ME ( chế tạo máy ) chúng tôi đi ngót nửa lớp ( từ 8/70 tới hết năm 72 là 33 người ra đi chiến đấu ) . Những thằng nghịch ngợm đi hết cả . Văn cũng đi , tôi cũng đi . Lớp vắng hoe hoe . Các chị lại buồn . Ngày chúng tôi đi , tịnh không có quà tặng của bạn gái cùng tuổi . Chỉ có quà các chị già mà thôi (!) Chị nào cũng lo cho ít giấy viết thư , mươi con tem một hào hai xu , cái khăn mu soa , mấy viên thuốc cảm. Các chị TNXP tuổi hai tám ba mươi vỗ về bịn rịn mấy thằng con trai hai mươi hai mốt tuổi như em ruột của mình. Chị TRầm đứng khóc ở lối ra bếp K5 đợi đưa cho Văn gói giấy có 2 bao thuốc Tam Thanh. Các chị đứng khóc ở góc đường đầy bụi trên rừng bạch đàn Thái Nguyên thủa chiến tranh mịt mù xa ngái .
Viết đến đây tôi bỗng thấy hiện lên hình ảnh mấy chị TNXP cặm cụi học suốt đêm ngày , quên ăn quên ngủ . Bên ngoài một lũ con trai nghịch ngợm hò hét tếu táo ở một vùng chiến khu xưa lăng lắc .
2 Bữa lòng lợn và giấc ngủ ở cối giã gạo
Mùa đông năm 1971 lớp K5Me có một nửa ở quả đồi có con đường ra sân bóng . Tôi và Đào Bá Văn thì ở trong khu k5 , nhưng hay tụ tập ra ngoài ấy vì nó gần nhà bếp , xa trung tâm và lại tránh sự kiểm tra nội vụ của lớp . Hò hát , chơi đàn , rảnh thì đá cầu và thuận đường ra quán xá . Một hôm thằng Chi răng vàng ( người Yên bái ) đi học ngoài đồi về tay khoe khoe cuốn sách cuộn tròn vừa đi vừa tán phét sôi nổi với hai người đàn ông . Không hiểu nó lôi ở đâu về hai nhân vật lạ hoắc . Đến cửa lớp nó reo lên :

- A, đây rồi Văn ôi , có hai ông này hỏi mày . 
Mặt Đào Bá Văn đơ đơ nhìn hai người đàn ông ... thế là thế nào ? các anh ở ngoài ga à ? Văn thoáng nghĩ không nhẽ nó làm cái vụ mình hay trốn vé ...
- May quá ! chúng tôi ở ngay xóm trên ...là... người dân ở đây thôi . Chả là nhà tôi có đám cưới ... ông bà tôi cho chúng tôi vào mời anh Vãn , à quên anh Văn .
( Văn lẩm bẩm cha mẹ thằng nào lại khai tên cúng cơm của mình rồi . Hắn tên là Vãn nhưng khi đi ĐH đổ tên là Văn cho đẹp ) . Mời các anh ra dự cưới và giúp cho cái khoản văn nghệ gọi là nhạc sống .
Hơ hơ ! Văn cười . Đi luôn hả ? mấy người kia vội vàng : Vâng đi luôn . Chiều nay là đám rước dâu về ạ . Văn kêu tôi , mày đi với tao . Nói rồi đi thẳng vào khu K5 gọi thêm Nông Hồng Quân và Mai văn Bốn . Tôi thấy đội hình toàn thằng cao to . Lượng sức mình không kham nổi nên cáo từ . Vãn lừ mắt . Cho mày nhịn . Thế là mấy thằng nó đi .

Suốt buổi chiều cứ mong canh cánh chúng nó về . Ít nhất cũng có điếu thuốc Nhị Thanh Tam Thanh . Mãi chúng nó không về , mấy thằng đâm ra nhớ Văn quá . Chạy ra chạy vô phấp phỏng . Thằng Chi răng vàng chốc lại ra đầu lớp ngóng . Chúng tôi học bài co ro đến chín giờ đêm thì thằng Quân dìu Văn về lớp . Nó thả Văn vào trong nhà rồi cũng chuồn về lớp k5Mc . Văn ngắc ngư cái đầu , móc túi ra mấy viên kẹo nuga và vài điếu thuốc gẫy cong queo vứt lên giường rồi rúc vào cái chăn màu cứt ngựa ngáy ò ò .
Hôm sau , ngồi trong lớp nó bảo mình : Mày đéo đi thiệt nhé, oánh chén no say hát mấy bài, chả có chỗ nào ngủ tao ra cối giã gạo đầu nhà khò mấy tiếng liền. Cha mẹ ơi rượu ở đây nặng quá .

Mình bảo rét thế ngủ sao đựơc ? Văn bảo, chủ nhà nó đậy cho tao cái nong ... đấy đấy mày nghe thấy trong xóm lại có lợn kêu không ? hôm nay nhà nó vẫn oánh chén ... Văn bần thần, lâu quá mới được ăn lòng lợn .
Sáu tháng sau ( 5/1972) Cả thằng Chi răng vàng và Đào Bá Văn cùng lên đường đi oánh giặc một đợt . Chắc thế nào trên đường Trường Sơn Chi răng vàng chả kể công với Văn, nhờ tao ghép mối mà mày được bữa lòng lợn rồi ngáy o o ở cối giã gạo nhà người ta .

2/9/2018

CHUYỆN LỚP TÔI K5ME ĐH CƠ ĐIỆN


Lá thư cuối cùng của Nguyễn văn Luyện lớp k5me

Tôi và Luyện Thao Tuyên quang, Nghiêm Tuấn Nghệ an, Hà Thanh Liêm Nam Định, Đồng Quang Đăng Quảng Ninh và Nguyễn danh Thơm Hà bắc trúng tuyển đợt nhập ngũ tháng 1. 72. Lần ấy đúng đợt thi Cơ lí thuyết kì 2. Luyện là cán sự Cơ lí thuyết. Mặc dù biết là đi lính rồi mà nó vẫn vào thi. Nó làm vội vàng lấy 4 điểm rồi ra kéo nhau đi chơi người nhà thằng Lương Hồng Thao trên thị xã Thái Nguyên. Chập tối hôm đó cả lũ đến dốc đường tàu cắt quốc lộ 3 thì gặp một vụ tai nạn chết người. Người đàn bà chết ngay cái nón úp lên mặt. Thằng Luyện rền rĩ. Toi rồi , điềm gở rồi. Chúng tôi quay về không đi nữa mà đi ngồi quán chè đến khi sương lạnh mới về. Hồi ấy tôi và Luyện nằm chung chăn . Nó rên hư hư. Mẹ kiếp . Đã bảo ở nhà rồi cứ đi. Máu me kinh người. 
Đến hôm nhập ngũ tôi và thằng Thơm được hoãn. Chúng nó huấn luyện dưới xã ĐẠI HÓA huyên Tân Yên rồi đi Bê giữa lúc Quảng trị đang gay cấn.
Tôi lên đường sau chúng nó. Thằng Luyện hi sinh cuối tháng 8. 1972. Trong đội hình d8 e66f304 tại cao điểm 31 Hải Lăng. 
Đây là lá thư cuối cùng của bạn tôi. Đọc thư nhìn chữ đây mà 46 năm nay đã tìm được hài cốt Luyện đâu. Cầu mong bạn tôi nằm trong những nấm mồ vô danh chứ đừng bị quân VNCH đốt xác rồi đổ xuống sông .

Các bạn thân mến. 
Các bạn hãy đọc lá thư của bạn Luyện.
Thời điểm viết thư là tháng 29/ 7/1972 đó là lúc chiến dịch bảo về Thành Cổ đang ác liệt vô cùng. Các đợt quân SV bố sung vào hầu hết bổ sung cho thành cổ . Lúc ấy SV về f325, f308, f304. 
Trường Cơ Điện bổ sung về cả F308 và F304. Sở dĩ như vậy vì đợt quân ấy trường ta đi chia làm 2 tiểu đoàn. Tiểu đoàn 54 và tiểu đoàn 57.
Khi Luyện viết lá thư này là đã ở Quảng Trị rồi , thế mà bạn ấy viết .." Con ở trong này vẫn khỏe, cuộc sống khẩn trương nhưng luôn vui..." Tuy trong lửa đạn Thành cổ như thế mà chỉ lo ở ngoài miền bawscca mẹ và các em vất vả và lo máy bay Mĩ đánh phá ác liệt. 
" Chỉ thương mẹ và các em con ở nhà vất vả lại trong tình trạng chiến tranh đánh phá ác liệt, các em con phải đi sơ tán liệu sức khỏe có đảm bảo không?..."
Đọc kĩ thì ta thấy chỉ có một dòng bạn ấy viết
" Con...chỉ ghi vội vài dòng vì đầu óc căng thẳng" THì ta hiểu Luyện viết trong điều kiện chiến đấu ac liệt. Mà ác liệt quá đi chứ đó là ngày 27/7/72 Khi Chiến dịch Thành cổ đã được vừa 1 tháng. đang vô cùng tổn thất. NGười lính chiến là thế. Không bao giờ kể lể về ùng oàng hi sinh chết chóc của chính mình. CHỉ lo cho cha mẹ các em và quê hương miền bắc khổ đau. 
Chiến tranh lùi xa 43 năm. Bạn tôi hi sinh 46 năm mà những dòng chữ còn lại bình thường mà cao vòi vọi. 
Không chỉ có mình Luyện hi sinh ở Quảng Trị mùa hè năm 1972. Còn các anh khóa 3 sắp đến ngày tốt nghiệp mà cũng ra trận năm ấy. Anh Khính hi sinh ở cao điểm 105, anh HÙng trắng K3mA cũng hi sinh đợt ấy, rồi Phước lớp k5mA, và một bạn k5mB người Hà Tĩnh tôi quên tên cũng nằm lại QT hè năm ấy.

Các bạn Cơ Điện thân mến. Chúng ta đang nợ bạn ta một lời cám ơn . Đất nước này nợ các bạn ấy một lời xin lỗi vì những giar ttrá tham lam sai trái bây giờ . Trường Đại HỌc KĨ Thuật Công Nghiệp Thái nguyên nợ các anh ấy và chúng ta một tượng đài.
Tôi tin Trường ĐH Kĩ THuật CN THái NGuyên sẽ đọc bài viết này của chúng tôi

3/9/2018

Nhớ người Thầy đầu tiên


Tôi đi học ở đình làng năm 1958. Đình làng tôi đẹp lắm. Nó nổi lên hệt như cái tháp rùa Hà nội giữa một cái đầm nước mênh mông. Nói là mênh mông vì nó rộng lắm. Dài hơn cây số rộng nửa cây số. Hoa súng hoa trang nổi trắng nổi hồng lẫn hàng đàn vịt le, vịt nhà nô đùa . Lớn lên về Hà Nội mới biết thiên hạ gọi chim Sâm Cầm đẹp và hay như tiểu thuyết. Ôi dào ôi , hóa ra nó là thứ vịt le lặn chổng đít moi củ súng củ trang ở đầm Hà quê tôi mà tôi quen từ bé. Đuổi nó, nó bay vù vù như chim rớt lại vạt nước trắng xóa dưới nắng. Hay đáo để. 
Tôi ghét loại Sâm cầm này lắm. Lí do là bố tôi đánh cá lưới bóng, một con vịt le – sâm cầm – mà mắc lưới thì thôi xong. Nó phá toang tấm lưới gia sản nhà tôi. THế là tôi thâm thù cái giống chim “ tiến vua” từ bé. Mẹ kiếp! Những thằng nhà văn nghe hơi nồi chõ tả chim Sâm Cầm ăn không tanh ăn bổ như nhân sâm…. Loài nào sinh sống dưới nước mà ăn không tanh họa có là tiên cá trong cổ tích. 
Thôi. Tôi lại lan man rồi. Nhưng viết về người thầy tôi, nên cứ hiện lên một cái đầm nước rất nhiều hoa súng và những đàn vịt le Sâm Cầm. Nhà Thầy tôi ở ven đầm nước ấy và chúng tôi mỗi ngày đi học đến ngồi cửa đình chờ thày giáo đến. Nhìn bóng thày đi trên bờ đầm in xuống nước có những con vịt le bơi ngất ngưởng từ xa là chạy ùa vào lớp. Ngồi im đến khi thày bước lên bậc tam cấp đình làng thì hô rõ to: học sinh đứng nghiêm! THầy cười cho chúng tôi ngồi xuống . Lũ chim sẻ đậu trên thượng lương mái đình ngó nghiêng, thỉnh thoảng ỉa một bãi phân tí xíu rớt vào sách học trò. 
Làng tôi có tới 3 lớp vỡ lòng như lớp tôi. Một lớp là thầy Nghi vừng dậy trên trường chính mới làm từ cột kèo dỡ từ 2 ngôi miếu gọi là miếu ông và miếu bà về. Một lớp thầy giáo Vu dậy ở một nhà mái lá cũng trên đồi cao. Chỉ có lớp tôi học ở đình làng. Tôi thích lớp này vì học ở đây dễ tắm đầm, dễ chạy về nhà và nhất là theo bọn thằng Vượng thằng Vân tát vũng bắt đòng đong cân cấn. 
Chữ thầy đẹp lắm. Sao ngày xưa người ta viết chữ đẹp thế. Nghe đâu thầy cũng học có lớp tư lớp năm thôi. Thầy tôi sáng đi làm ruộng chiều đi dậy. Tối tối thầy đi tập văn nghệ với thanh niên. Những năm vừa mới hòa bình làng quê tôi trong trẻo thế. Đã sáu chục năm qua tôi cứ ngỡ như làng mình ngày ấy không phải là đất nước này, no ở đâu xa lắm , thiêng liêng lắm. Một hôm thằng Vượng bị gọi lên bảng. Thầy lấy thước kẻ bắt nó xòe tay ra và hỏi. Tai sao hôm qua em hỗn với bố em? Em nghịch ngợm bố em mắng em nói: Kệ ta. Bây giờ thầy đánh vào đâu? Nó bảo đánh vào tay. THầy nói, tay không nói mồm nói. Rồi thầy bảo đánh vào mồm. Nó tu lên khóc, thầy ơi đừng đánh vào mồm em. Đau lắm. Nó khó rũ rượi . Khiếp cái thằng nghịch nhất lớp tôi mà cũng khóc. Thầy dắt nó ra đầm nước rửa mặt cho nó. Chúng tôi nhìn theo, ôi cái đầm quê tôi loe hoe hoa súng và lấp loáng lũ vịt le vạch những đường sóng nước bàng bạc. 
Tôi đi xa khỏi làng từ năm 1969. nửa thế kỉ qua khi nhớ về làng là nhớ ngôi đình lớp học đầu tiên. Tiếng đọc chữ lại vang lên và tiếng thầy gõ thước kẻ xuống bàn nhấn sâu vào tâm trí mình những đường vạch ngang nhân sinh. Tiếng gõ thước kẻ của thầy có nhẽ là thứ âm thanh ám ảnh nhất một đời,..

Thầy chia lớp ra 4 tổ. Chăm. Ngoan. Vui . Khỏe.
Tôi ở tổ khỏe. Tôi không thích. Xin thầy sang tổ Chăm. Thầy bảo tổ nào cũng cần khỏe mới làm được việc. Không khỏe không học được chăm, không khỏe muốn ngoan muốn giúp đỡ cha mẹ cũng không giúp được. Không khỏe muốn ngoan cũng vô tác dụng. Tôi ấm ức lắm. Mãi về già mới thấy thầy đúng. Không khỏe thì chả làm được cái gì ngoài sự bất lực. 
Làng tôi bán sơn địa nên vừa làm ruộng vừa sơn tràng vừa đo đơm cá mú. Đi kiếm củi chặt gỗ thầy tôi vác khỏe nhất làng. Hồi đó thầy vác 40 cây nứa tươi to như cổ tay. Thầy gánh 4 bó cọ tươi nặng có đến chín chục kí. Chúng tôi tự hào về thầy mình. Đứa nào cũng mong lớn mà khỏe như thầy mình đẹp như thày mình. 
Năm 1959 tôi vào lớp 1. Cũng năm đấy thầy đi bộ đội . Ba năm sau thầy phục viên. Thầy về xã làm xã đội phó hai năm rồi tái ngũ năm 1964. Tôi gặp thầy lần cuối khi học lớp 6 nhin thấy thầy về phép rồi đi chiến đấu. Thầy đi mãi mãi không về nữa. 
Ba thầy dậy vỡ lòng thì hai thầy đi chiến đấu ở miền nam. Thầy Nghi Vừng bị thương ở A Sầu năm 1966. Thầy Tấn hi sinh ở Bình Phước năm 1970 . Giấy báo tử ghi thầy là Đại đội trưởng. 
Những người thầy giáo đầu tiên của tôi là nông dân mà sao cao vời vợi đến thế. Đời tôi đi học tới 3 lần đại học, nuôi con qua hàng chục mùa khai trường nay lại đưa cháu đi học hết đứa này đứa khác mà mỗi ngày khai trường đứng nơi cổng trường cờ hoa lại nhớ mái đình làng mình ngày xưa. Nhớ tiếng đánh vần i, o loang loang trên đầm nước rất nhiều hoa súng và sâm cầm. Nhớ thầy giáo là nông dân gánh cọ, úp cá rất tài, nhớ một vùng quê không ô nhiễm dậy chúng tôi nên người.

Hà nội ngày khai trường 2018 3/9/2018

Viết cho cháu tôi ngày khai trường


Sáng mai cháu khai giảng rồi
Đêm nay ông cũng đứng ngồi không yên
Nào là sách nặng mấy cân 
Nào là bút thước hộp ngăn trong ngoài

Bà lo tiền lớp xong rồi
Còn đây vẫn quĩ trong ngoài phụ huynh
Tiền giáo trình học tiếng anh
Tiền sinh nhật tiền linh tinh hội hè

Ba lô cháu nặng thế ư?
Cháu cười bảo giống ông đi chiến trường
Bộ Dục ôi xin hãy thương
Đừng mang công nghệ vào trường cháu tôi
sáng 5/9/18

CÂY ĐẠI HỌC


Lần thứ 2 Nguyễn Kháng quay lại Trường Sơn, năm ấy đã là năm 71. 
Mùa khô khiến Trường Sơn đẹp hơn rất nhiều so với lần đi vào tháng 8 năm 66, đi trong mưa. 
Nguyễn Kháng quay ra học kĩ thuật đường ống khi đang là B phó 12 li 7 bảo về đường dây 559. Chàng trai Quảng Bá Hà Nội chưa kịp thực hiện ước mơ của cha mẹ là cưới vợ lại quay vào Trường Sơn. Cái mác lính sinh viên gắn vào anh chuyến hành quân lần thứ 2 ấy.

Tối đầu tiên khi về đơn vị của mình ở gần trạm 47 là mùa khô. Đơn vị mới, lính mới cán bộ mới mọi sự hoạt động đều dựa vào đường dây 559. Lúc còn ở miền bắc Nguyễn Kháng cũng về thực tập ở trạm đường ống Bãi Cháy . Ở đó Kháng thực sự ngạc nhiên về những cô gái đường ống xăng dầu vừa xinh xắn vừa dũng cảm. Chiến tranh giặc giã khiến con gái cũng ra trận , lăn lóc cả với những nghề da chì rụng tóc. Nguyễn Kháng không dám nói ra mồm nhưng cứ nghĩ , sao nhà nước lại mang các cô gái này nhúng họ vào xăng dầu cái nghề dễ bề tịt đẻ . Ngày ấy những đêm đông bắc nghe các học sinh Trung cấp Vật tư hò đêm , Kháng cũng hơn một lần đi hò. 
- Ơi em cô gái xăng dầu
Có về Hà nội làm dâu thì về.
Anh chỉ đùa thế thôi, lập tức có cô gái đáp lại giọng lờ và nờ lẫn lộn. Đáp lại răng: 
- Bao giờ Mỹ cút Ngụy thua
Em về anh có đón đưa không nào?
Đừng chê má thắm mùi dầu
Tóc thơm lá xả xăng nào thơm hơn....

Hôm nay trên đường đi trinh sát tuyến ống. Nguyễn Kháng lại nhớ đến những cô gái đường ống ấy. Ngoài kia đường ống đã vươn gần hết đất Trị Thiên cấp trên nóng lòng đặt trạm đẩy cho lối ngã ba về Quảng Nam của Nguyễn Kháng. Cán bộ binh trạm cùng đi với Kháng nói :
- Không có cách nào khác là tuyến trạm này phải cho ống leo qua chỗ cây Đại Học anh Kháng ạ. 
Kháng ngạc nhiên. 
--- Cây Đại Học ? chỗ nào? 
- Chỗ suối đá, tắt lên trạm đó. Dốc , nhưng tránh qua vực sâu. Chỗ ấy bộ đội chỉ hành quân mùa khô thôi. Mùa mưa lại tránh, đi đường khác.
Nguyễn Kháng cùng bộ phận trinh sát tuyến đến suối đá cây Đại Học. Hôm ấy mùa khô. Sáng trời trong veo veo. Cái suối đá là một khe lõm đầy đá tảng ngược lên núi. Đây chính là đoạn đường hành quân của bộ đội đi vào. Bao giờ đến đây họ cũng nghỉ giải lao để vượt dốc. Chính chỗ bộ đội hay ngồi nghỉ khiến những phiến đấ nhẵn bóng ấy có một cây cao mọc từ giữa suối vươn lên trời . Cây gì chả biết, vì nhìn nguớc lên mệt lắm. Lần đầu tiên thấy một cây cổ thụ giữa rừng nguyên sinh đầy những vết khảm vào thân cây tên người tên trường khiến Nguyễn Kháng lạnh toát người. Kháng sờ tay lên những dòng chữ trên thân cây sám nâu túa nhựa thâm đen lại. Đã hai lần đi Trường sơn Kháng không lạ gì những tên người tên quê hương khắc vào thân cây trên đường. Nhưng hôm nay Nguyễn Kháng chỉ thấy tên người và tên trường đại học trên gốc cây này. Những dòng tên cao lên đến 2 mét thì dừng lại . Chắc những người lính vì vội hành quân không thể cồng kênh nhau lên cao nữa mà ghi tên mình. Theo ngày tháng khắc trên thân cây Nguyễn Kháng tìm ra một chi tiết, đó là cái tên khắc sớm nhât là “ Trần Khắc X…Đại họ Kinh tế Kế hoạch.” Kháng nhận ra hầu hết các trường đại học miền bắc đều có tên ở đây. Tay anh dừng lại ở cái tên “ Quóc Y…Đại học Quân Sự.” Đây rồi, trường của mình đây rồi. Nước mắt trào ra hệt như ngày trở về từ Trường sơn lần trước khi anh xuống ga Hà nội.

Đêm hôm ấy anh trở lại suối đá có cây Đại Học. Quì xuống gốc cây anh nói một mình.
- Các bạn ơi! các anh ơi! Những cái tên này liệu ai còn trên mặt đất , ai đã nằm trong lòng đất. Hãy chứng giám cho tôi. Tôi có nên đăt đường ống leo qua dốc đá này không? Nếu đồng ý cho tôi tắc kè chẵn. Không đồng ý thì cho nó kêu lẻ. Tôi Nguyễn Kháng đại học Quân sự đây các anh ơi.
Đúng lúc ấy rừng như im gió có tiếng tắc kè khô khốc vang lên. Nó kêu đến 6 tiếng thì dừng lại. Nguyễn Kháng ngửa mặt lên giời, những chòm sao li ti màu tim tím. Lần đầu tiên Nguyễn Kháng nhận ra những vì sao và cả ánh trăng nữa ở Trường Sơn có mầu tím.

*
* *

Mùa mưa. Trạm xăng dầu đóng trên đỉnh núi nhìn xung quanh như biển. Chi thấy mù mẫm những sương như mây sám. Hôm nào loe nắng lên là bồng bềnh mây, mây bở ra như nồi cơm sôi. Chỉ có Phong Lan là nở hoa chả cần mùa mưa hay mùa khô. Nó cứ nở theo bản năng của nó tinh khiết và chân thành. Bom hay đạn chả làm nó thay đỏi đơm nụ khoe hoa. Trường sơn có nhẽ triệu triệu năm mới thấy tiếng nổ và khói lửa. Bản thân Trường Sơn không có khói không có nổ chỉ có hoa và bướm và suối đẹp hoang đẹp hoải vậy thôi. 
Khi đường ống lúc chìm lúc nổi lúc chui qua suối lúc chìm vào rừng cây vươn qua dốc cây Đại Học thì cũng là lúc đường hành quân của bộ đội phải đi lối khác. Đã qua một mùa mưa dòng suối tóe tung bọt đập vào cây Đại học reo vu vu suốt mấy tháng trời. Sang mùa khô con suối lại trơ ra trắng phơ phơ đầy những bướm vàng bay. Nguyễn Kháng vẫn qua lại đây kiểm tra đướng ống mặc dù đường ống cách cây Đại Học cả trăm mét ẩn mình dưới rừng già. Mùa khô năm 1972 địch đánh dữ dội đêm ngày . Chúng quyết tâm đánh nát đường cung cấp xăng dầu từ bắc vào đến Bù Gia Mập của quân ta. Lúc ấy trạm của Kháng bổ sung hai cô gái lắp đặt và sửa cơ khí ở hậu phương vào. Một cô tên Phượng một cô tên Dịu đều là dân Nam Hà. Khỏi phải nói cả trạm thích thú như thế nào. Chỉ có Nguyễn Kháng là lo . Chịu chả thể nói anh lo về cái gì.

Một chiều. May bay đánh vào suối cây đại học. Bốn chiếc f105 quăng đủ 16 quả bom phá xuống đoạn suối đá này. CHúng tưởng là đánh tung đường ống leo lên núi ở đây. Nhưng không quân Huê Kỳ nhầm. Đường ống đâu có đi dọc suối. Chỉ có đá vỡ xô ầm ầm xuống chân núi. Ngớt bom Nguyễn Kháng dẫn hai chiến sĩ đến kiểm tra đường ống. Trong nhập nhoạng dáng chiều khét lẹt thuốc bom Kháng thất thần khi nhìn thấy cây Đại Học đổ gẫy gập cành lá tung tóe tan tành. Gốc cây Đại Học tước ra từng mảnh. Nguyễn Kháng bới một mảnh thân cây vỡ ra như cái mảnh thuyền đập lúa vẫn đầy những cái tên trường đại học mang về. Anh vác cái mảnh thân cây ấy trong một đêm mùi khói bom và mùi lá rừng ngai ngái ngược dốc lên trạm. Đêm ấy những vì sao trên đỉnh núi cũng lơ thơ tim tím. 
**
*
Cái cô gái tên Phượng người cầu tõm rất hay tọc mạch hỏi Nguyễn Kháng.:

- Anh Kháng ơi! Trường đại học Mỏ là cái gì sao đại học lại có mỏ? Kháng cười nhưng tưng tức. 
- Anh Kháng ơi , đây lại có cả cái trường Công Nghiệp Nhẹ? Vậy là trường này kém trường Công Nghiệp nặng hả anh? Anh Kháng học nặng hay nhẹ ? Nói rồi hai cô Phượng và Dịu ôm nhau cười. 
Mảnh thân cây Đại Học đặt dựng đứng như cái bảng đen gần chỗ bàn ăn cơm trên cửa hầm của trạm. Cái trạm đẩy tiếp cho đường ống treo đầy hoa Phong lan từ ngày có hai cô gái miền bắc vào. Quái lạ , có nhiều chùm Phong Lan không chịu nở hoa vài năm rồi bỗng ra hoa kể từ ngày trạm có 2 cô gái. Cô Dịu khoác lên cái mảnh cây vỡ ấy một dò Phong Lan đuôi chồn. Một hôm cô để ý thấy Nguyễn Kháng ngồi thẫn thờ rất lâu bên mảnh thân cây có những cái tên trường đại học này. Dịu hỏi:
- Trung trưởng ơi. Bao giờ hết oánh nhau, trung trưởng cho em mang cái mảnh cây này ra bắc nhé. Em sẽ nhớ anh chị em trạm của mình lắm đấy.
Dừng lại hồi lâu Dịu nói tiếp. 
- trung trưởng khắc tiếp tên trạm mình vào mảnh thân cây này đi . Mình không đại học rồi cũng cố mà học trung trưởng nhể. Em sẽ lại treo hoa Phong lan vào mảnh cây này cho nó bám rễ lên những cái tên kia. Bám lên tên mình anh nhé.

Dịu cười bẽn lẽn. Rồi tiếp:
- Em mà có con em sẽ cho con em học lên đại học dù ăn đói ăn rau khoai nước, đánh dậm mò cua em cũng sẽ cố cho con em đi học đại học như các anh.. ..

Lần đầu tiên từ hôm cây đại học gẫy nát vì bom Mỹ Nguyễn Kháng rơm rớm nước mắt vì tâm sự của một đồng đội gái của trạm mình.
Mùa khô năm ấy lúc quân ta chuẩn bị mở màn đánh lớn vào Tây Nguyên. Máy bay quần thảo dọc tuyến xăng dầu dữ dội. Các trạm tiếp sức đều bị bom phá bom bi bom cháy. Hôm ấy Nguyễn Kháng không có nhà. Anh đi kiểm tra tuyến ống mình phụ trách. Trạm anh dính bom. Đường ống gẫy gục xuống nhưng chưa vỡ.. Phượng và Dịu cùng các chiến sĩ lao vào sửa chữa . 
- Phượng ơi, chị vác cho em hòn đá kê ống lên để em khóa cô li ê.

Không thấy Phượng trả lời. Dịu quay lại thấy Phượng ôm mảnh gỗ đại học kích ống lên. Máu dàn dụa trên thân gỗ, Dịu vội ôm Phương ra giằng tấm gỗ ghé vai kê kích ống dầu . Một nắm tóc của Phượng bám vào mảnh gỗ đầy những máu dứt soàn soạt. Khi Nguyễn Kháng chạy về đến trạm thì Phượng đã chết và Dịu thì khóc ngất đi bên mảnh cây đại học đầy máu. Trạm vẫn thông . Săng dầu vẫn chảy. 
Cho đến ngày Nguyễn Kháng rời đi đơn vị khác khi chiến dịch năm 1975 bắt đầu. Anh vẫn cho để tấm gỗ vỡ từ thân cây Đại Học kê dưới đường ống nơi cái Phượng nằm chết . Cả những sợi tóc của cái Phượng mắc vào vỏ gỗ mọi người trong trạm cũng cứ để nguyên đó không ai nỡ rứt những sợi tóc gái trinh nhuộm máu trên cái vỏ cây mốc thếch. Cái Dịu bảo Nguyễn Kháng:
- Anh ơi em mang chùm Phong Lan này để vào chỗ tóc cái Phượng được không anh? 
Nguyễn Kháng quay mặt đi chỗ khác. Anh khóc.

6-9-18
Sáng thu Hà nội sau 46 năm