Friday, April 29, 2016

Bây giờ họ ở đâu ?




http://vannghethainguyen.vn/Default.aspx?tabid=119&&LoaiHienThi=TinTuc&NhomTin=47&ItemId=3056
Ngày: 29/04/2016 


VNTN - Có lần bạn tôi là một nhà văn thân thiết và yêu quí bảo, thôi cho kí ức buồn nó đi qua đi mà sống vui hơn lên anh ạ. Tôi thấy bạn nói đều đúng mà vẫn cứ nhớ hoang nhớ hoải cái tháng ba tháng tư năm ấy. Thế mới biết thời gian rất chi là oái oăm, nó như đường như mật nó như dao như chông như gai vậy.

Hôm nay ngồi nhìn những dòng nhật kí ngắn ngủi về những ngày tháng ba năm 1975. Những ngày mà cách đây đã mấy chục năm vẫn cứ hiện về rõ mồn một. 

Cái ngày 28/3/1975 trong nhât kí có vẻn vẹn một dòng. Nhưng sự thật thì không phải. Nó dài lắm, dài đến tận bây giờ.

Tôi trích nhật kí "28/3/75. Hành quân tới ven một bãi lầy Phú Yên. Ở đây dọc sông Máng, bộ đội địa phương đánh một đoàn xe - hành quân đêm trên bờ máng đầu tiên. Nghỉ lại đây một ngày".

Gọi là hành quân thực ra chỉ có nhóm đi bám địch trước chúng tôi thôi, còn đơn vị vẫn ở đằng sau. Khi chúng tôi đánh địch trên Củng Sơn, Phú Túc thì có một đoàn xe đã vượt qua rồi. Về tới khúc sông Máng đường 5 này thì gặp bộ đội Phú Yên chặn đánh. Việc đó đã diễn ra ngày hôm trước. Phía xa, làng mạc miền Nam đầy những vườn dừa, những đồng lúa xanh ngút ngát, chiều nắng vàng sau lưng, chúng tôi hít căng lồng ngực cái hương đồng miền Nam mà xưa nay vẫn hát "... Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều...".

Không có quân địch, không thấy có súng nổ, chiều hôm ấy thật lạ. 5 thằng chúng tôi ngồi trên mép sông Máng, dưới chân là đồng lúa xanh mượt mà. Bỗng từ dưới ruộng có tiếng động. Nhỏm dậy! Bờ ruộng bùng nhùng. Thằng Luật người Phổ Yên, Thái Nguyên nổ mấy viên đạn lên trời. (May thế, nó không bắn xuống ruộng). Từ dưới bùn rùng rùng đứng dậy một chú lính Việt Nam cộng hòa người bê bết bùn nước, tay xách cái làn nhựa đỏ lót kín bằng những mảnh ni lông, run rẩy. Thưa ông, con xin các ông... 

Chúng tôi nhào xuống bờ ruộng chĩa súng. Nhìn vào cái làn đỏ trước tiên vì nghi đó là vũ khí. Không... Không có vũ khí nào hết mà là... một hài nhi. Hài nhi hai tay huơ huơ mắt ti hí... 

Người lính sụp xuống:

- Thưa các ông, con đưa vợ con chạy từ quân khu 2, vợ con ngang đường sổ dạ rồi chết luôn. Các ông có bắt con xin các ông làm phước cho con gửi đứa bé này... cho nó làm... làm... người.

Người lính Việt Nam cộng hòa  gục đầu nức nở. Năm đứa tôi nhìn nhau… rồi vội nhìn đi chỗ khác. Chả thằng nào muốn thằng kia nhìn thấy mắt mình có nước. Có tiếng đạn pháo vút qua đầu, người lính Việt Nam cộng hòa ôm chặt cái làn đỏ vào ngực: Ới con ơi!

Chúng tôi cũng sà xuống che người xung quanh cái làn nhựa loe hoe những mảnh vải vụng về, và tiếng cựa quậy của đứa trẻ lọt lòng. 

Thằng Luật là đứa cục cằn nhất,  lên tiếng:

-  Thằng Luân chữ đẹp viết một tờ giấy chứng nhận quân giải phóng đã đồng ý cho anh này gửi đứa bé vào địa phương đi. Làm nhanh kẻo du kích họ lại không tin thì khổ... Còn thằng nào có cái gì đưa ra. 

Chúng tôi ngó vào trong làn nhựa ở đó có hai hộp sữa rồi, bây giờ chúng tôi mỗi đứa đưa ra một hộp nữa. Tôi có mấy tờ tiền Trần Hưng Đạo đưa ra cho người lính. Thế là chúng nó bắt chước moi hết tiền ra cho người cha tội nghiệp kia. 

Người lính Việt Nam cộng hòa  đờ đẫn cám ơn. Tôi giục: thôi đi ngay vào làng đi, anh không nuôi được cháu đâu, gửi dân họ nuôi thôi. Chúng tôi cảnh giới cho mà đi... Tôi nhìn người lính xách cái làn đi qua cánh đồng vào làng trong hoàng hôn, bước cao bước thấp cho tới khi người lính khuất sau vườn dừa yên ắng rồi chúng tôi mới hành quân.

Chiến tranh lùi lại phía sau còn kí ức thì lại nhao về phía trước mắt những người lính bây giờ già nua.

Bốn mươi mốt năm rồi. Người lính Việt Nam cộng hòa ấy còn sống ở đâu? Anh có tìm về một làng ven con sông Máng đường 5 Phú Yên tìm đứa con gái tội nghiệp của anh không?

Bốn mươi mốt năm rồi, cháu bé khốn khổ ấy còn sống ở đâu? Trong hàng đêm ngần ấy năm trời tôi luôn cầu mong cháu sống và làm người nhân hậu.

Tôi cũng đã già, cũng đã trở lại con đường máu lửa ngày ấy, tôi cũng đã từng ngồi khóc khi xem các chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Thu Uyên, bởi hơn ai hết chúng tôi là người chứng kiến tận mắt những mảnh đời bất hạnh vì chiến tranh.






Nguyễn Trọng Luân

NHỮNG NGƯỜI CỨU TRẺ


Mai Thanh Hải -PV báo Thanh Niên

Trong hồi ức cuộc chiến, ông luôn dùng cụm từ “người lính phía bên kia”. Ngồi vỉa hè Hà Nội chiều cuối tháng 4.2016, ông cười: “Người chiến thắng phải là người đại nghĩa. Huống chi cùng máu đỏ da vàng”.
Ông là Nguyễn Trọng Luân, cựu chiến binh Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 hiện đang nghỉ hưu tại Mỹ Đình, TP.Hà Nội.

TỜ GIẤY CHỨNG NHẬN Ở PHÚ YÊN 


“Đứa bé ấy nếu còn sống, giờ đã 41 tuổi và tôi rất muốn gặp lại hai bố con”, ông Luân thầm thì như vậy với tôi, trước khi chầm chậm mở lại ký ức về ngày 28.3.1975 ở ven nhánh sông lấy nước từ sông Ba vào đập Đồng Cam (Phú Yên): Khoảng 5 giờ chiều, nhóm trinh sát của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, gồm 5 người do trung đội trưởng Luật (quê Phổ Yên, Thái Nguyên) đang ngồi nghỉ, bỗng khoảnh ruộng sát chân cựa quậy, cả nhóm chồm dậy chĩa súng. Tổ trưởng Luật giương súng AK bắn một loạt chỉ thiên, quát: “Ai!”. Từ ruộng rùng rùng đứng dậy người thanh niên khoảng 27 - 28 tuổi, lòng khòng trong bộ quần áo rằn ri lấm lem bùn đất và hai tay ôm chiếc làn nhựa màu đỏ, lót kín xung quanh bằng những mảnh ni lông màu xám, giọng run rẩy: “Thưa ông! Con xin các ông…”.
Trong mịt mù lửa đạn chiến tranh, chúng tôi ai cũng muốn bảo toàn mạng sống để về với gia đình người thân, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không ngoảnh mặt trước mạng sống con trẻ, người dân
Cả nhóm nhào xuống ruộng và cùng giật mình lùi lại: Trong làn một hài nhi rất bé, mắt vẫn còn chưa mở, tay chân cựa quậy, miệng ọ ẹ. Người thanh niên sụp xuống: “Thưa các ông! Con đưa vợ con chạy từ Quân khu 2 (thuộc VNCH, đóng quân và tác chiến tại Tây nguyên - PV) vợ con ngang đường bị xổ dạ rồi chết ngay. Các ông có bắt thì con xin chịu, nhưng xin gửi đứa bé, để nó được làm người”.
“Chúng tôi nhìn nhau rồi quay đi chỗ khác, không thằng nào muốn mọi người thấy mình ứa nước mắt”, ông Luân nghèn nghẹn và lắc đầu: “Tôi nhớ nhất là lúc đạn pháo vút qua đầu, người lính kia (chàng thanh niên - PV) ôm chặt chiếc làn đỏ vào ngực, bật lên tức tưởi: Ối con ơi”.
Kiểm tra đồ đạc, thấy toàn mảnh vải áo lính xé nhỏ lót thành chăn, gối, tã và 2 hộp sữa Con Chim. Trung đội trưởng Luật nổi tiếng là người cộc cằn, nhát gừng: “Thằng Luân chữ đẹp viết một tờ giấy chứng nhận quân giải phóng đã đồng ý cho anh này gửi đứa bé vào địa phương” và quát khẽ cả nhóm: “Thằng nào có cái gì thì đưa ra cho trẻ con”. Thực ra, không cần phải lệnh, những người lính đã mở ba lô, góp mỗi người hộp sữa, chiếc khăn, thêm vào “gia tài” của bố con đứa bé vốn chỉ 2 hộp sữa Con Chim và mớ vải áo xám xé vụn làm thành chăn, gối, tã... Ông Luân bây giờ vẫn nhớ rành rọt những chữ ông đã viết vào tờ giấy, đưa cho người lính VNCH: “Chúng tôi là Quân giải phóng Trung đoàn 64 xác nhận người lính này do chúng tôi thả và nhờ bà con địa phương nuôi dưỡng đứa bé”. Sau đó, ông Luân còn nhận nhiệm vụ dẫn hai bố con vào ấp dân cư trong rừng dừa cách đó gần 100 m.
“Lúc ấy mình chỉ nghĩ du kích trong đó thấy mình thì sẽ không bắn hai bố con. Nghĩ lại mới thấy liều vì nếu trong đó có tàn quân địch thì sao”, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân kể vậy và trầm giọng: “Hình ảnh người bố ôm đứa con trong làn nhựa, đờ đẫn bước trên ruộng lúa đến bây giờ vẫn còn nguyên trong tôi. Tôi cầu mong họ còn sống. Nếu còn, đứa bé ấy giờ đã 41 tuổi và người bố cũng gần 70”…
ĐỨA BÉ DƯỚI CHÂN ĐÈO CHEO REO
Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân sinh năm 1952 ở Phú Thọ. Năm 1972, khi đang là sinh viên năm thứ 3 Khoa Chế tạo máy, Đại học Cơ điện Bắc Thái (phân hiệu của Đại học Bách khoa Hà Nội), ông nhập ngũ và sau 3 tháng huấn luyện cấp tốc, hành quân vào nam chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Ngày 30.4.1975, ông cùng đồng đội giải phóng Sài Gòn và phục viên cuối năm 1975.
Bị thất bại ở Tây Nguyên, ngày 14.3.1975, Tổng thống VNCH khi ấy ra lệnh triệt thoái cao nguyên, rút quân về co cụm ở đồng bằng duyên hải, khiến số quân còn lại ở Tây nguyên lũ lượt chạy về Tuy Hòa qua Cheo Reo (nay thuộc TX.Ayun Pa, Gia Lai). Sáng 18.3.1975, Trung đoàn bộ binh 64, 48 thuộc Sư đoàn 320 hình thành thế bao vây TX.Cheo Reo và trưa 19.3.1975, Cheo Reo thất thủ, Ayun Pa được giải phóng.
Chiều 19.3.1975, chiến sĩ Nguyễn Trọng Luân (lúc này là Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64) cùng đơn vị đóng quân ở đầu cầu Cây Sung (cách TX.Ayun Pa khoảng 3 km) và được cử xuống sông Bờ lấy nước nấu cơm. Vừa xuống mặt sông, chiến sĩ Luân nghe tiếng trẻ con khóc trong thùng xe chở quân dưới lòng sông nên lao đến, bới trong đống đổ nát tìm thấy bé gái khoảng hơn 1 tuổi, chỉ mặc một chiếc áo, trên người đầy máu và vết bỏng. Bế xốc đứa bé lên điểm trú quân, cả đơn vị bỏ việc nấu nướng, xúm lại chữa trị.
“Tôi vẫn nhớ cảnh anh Nguyễn Quang Chới (quê Chương Mỹ, Hà Tây) vừa khóc vừa lấy bông băng lau từng vết bỏng, đốm máu cho đứa bé”, chiến sĩ Nguyễn Trọng Luân, giờ đã 64 tuổi, nặng nhọc hồi tưởng và rít hơi thuốc: “Anh Chới khi ấy hơn 30 tuổi, có vợ con nhưng năm 1967 vẫn phải đi bộ đội. Đánh nhau gần 10 năm nên gan lì, cộc cằn, chẳng bao giờ bộc lộ cảm xúc. Chỉ lúc ấy, chúng tôi mới nhận ra anh là người tình cảm”.
Ông Luân kể tiếp: Khi vừa lau rửa xong cho cháu bé thì chúng tôi được lệnh hành quân. Do không thể đưa theo hoặc tìm người dân để gửi nên chúng tôi yêu cầu một tù binh là đại úy tâm lý chiến bế đứa bé đi vào khu vực hậu cứ của Trung đoàn 64, nằm cách đó không xa, trao cho bộ đội hoặc những người dân tản cư cũng trú nhờ trong đó. Cẩn thận, anh Chới cử một chiến sĩ bí mật theo sau quan sát động tĩnh và y rằng, phát hiện tên đại úy vứt em bé xuống đường, định bỏ trốn. Bộ đội ta nghe tiếng quát, ùa đến định đánh tên tù binh cho hả giận nhưng anh Chới ngăn lại: “Con đồng đội họ mà họ nỡ vứt thì họ không phải lính, chúng ta đừng chấp” và dẫn tù binh, bế em bé về hậu cứ.
“Tôi không chắc bé gái đó có tìm được cha mẹ, người thân hay không, nhưng tôi chắc chắn em bé đó sẽ được bộ đội cứu sống. Trong mịt mù lửa đạn chiến tranh, chúng tôi ai cũng muốn bảo toàn mạng sống để về với gia đình người thân, nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không ngoảnh mặt trước mạng sống con trẻ, người dân” - cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân rành rọt vậy và nghiêm nghị: “Chúng tôi là những người lính
”.
Ông Lê Chi
Thanh, cựu chiến binh Sư đoàn 320, hiện đang nghỉ hưu tại TP.Cao Bằng, kể: Tối 19.3.1975, ta làm chủ Cheo Reo. Anh Đinh Hữu Tấn, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) được giao Trưởng ban Quân quản thị xã. Vừa nhận nhiệm vụ, bỗng anh Tấn thấy một người đàn ông mặc quân phục VNCH dắt tay một phụ nữ chạy đến trước mặt vái lạy: “Trăm lạy các ông sĩ quan giải phóng, vợ tôi sắp sanh, xin hãy cứu vợ, con tôi!”. Lập tức, anh Tấn nhờ đến sự hỗ trợ của nữ y sĩ Lan (người Bắc Ninh), cán bộ đoàn công tác của Khu ủy Gia Lai - Kon Tum cùng tiếp quản Cheo Reo. Sáng 21.3, người lính VNCH quay lại cám ơn bộ đội đã giúp mẹ tròn con vuông và cho biết tên là Nguyễn Hữu Nghĩa, mới đi quân dịch, làm lái xe. Anh Nghĩa cũng xin phép được đặt tên con là Nguyễn Giải Phóng. Tiếp quản Cheo Reo được 3 ngày, trung đoàn lại hành quân theo đường 7 giải phóng Củng Sơn, thấy bộ đội giải phóng thiếu lái xe, anh Nghĩa mặc nguyên quần áo lính VNCH tình nguyện lái xe Jeep cho Chính ủy trung đoàn và người cần vụ Nguyễn Văn Niên (sau này là tiến sĩ luật, Chủ tịch HĐQT Trung tâm thương mại Sông Hồng tại Moscow, Nga), cho đến ngày giải phóng Củng Sơn (1.4.1975).
Mấy ngày ở Cheo Reo, biết có nhiều trẻ em thất lạc đang đói khát, bệnh tật, anh Tấn lệnh cho bộ đội mang cơm nắm, bình nước vào rừng cứu trẻ và đưa các em lên xe GMC chiến lợi phẩm về giao cho anh Ama Thương (Khu ủy viên Gia Lai - Kon Tum, người sau đó thay anh Tấn làm Trưởng ban Quân quản). Hàng trăm em đã được cứu thoát.

Mai Thanh Hải

Ảnh 1: Ông Nguyễn Trọng Luân kể lại hồi ức về những ngày tháng 4.1975 Ảnh: Mai Thanh Hải 

Ảnh 2: Nhóm trinh sát của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, ông Luân là người đầu tiên bên phải Ảnh: Khuất Quang Thụy








Tuesday, April 26, 2016

THƯƠNG LẮM MIỀN TRUNG


Sao thương thế khúc ruột miền T,rung ơi thương thế
Mấy ngày nay cá chết trắng ngập bờ
Em gái đón xe trên đèo Ngang lộn mửa
Gió cũng ngập ngừng không dám ghé Hoành Sơn


Sao bỗng nẩy nhọt giữa “vòng eo 56”
Sao bỗng mọc lên miếu mạo nhà Thờ
Có bao giờ vườn nhà mình có kẻ
Thắp hương thờ mồ tổ họ hay chưa?

Hoa sim tím câu thơ xưa thấm đẫm
Giọt mồ hôi của tổ tiên mình
Đất yên lành và đồng xanh vời vợi
Đánh đổi gì tiền bạc hở cao xanh

Sóng cứ vỗ mang mặn mòi mùi cá
Những người dân ra bãi ngóng thuyền về
Một chân trên rừng một chân dưới bể
Dải đất này đầm thấm máu ông cha

Thương lắm miền Trung muôn đời nghèo khó
Đâu phải nghèo mà nghĩ quẩn làm quanh
Hái hoa sim đèo ngang buông xuống biển
Gọi tổ tiên về cứu lấy biển quê mình
26/4/2016

Sunday, April 24, 2016

THÁNG TƯ Ở NGỌN SÔNG HỒNG.

(Chạnh lòng ...con gái quê tôi)

Tháng tư mang váy áo ra hong
Thơm thơm cả triền vụng dại
Có đàn ong về ngọn sông
Tháng này hoa trẩu trắng vườn trắng núi


Em nghỉ Ô sin dưới thủ đô về
Mùa này họp lớp
Sắn lên xanh đầu gối
Mẹ đau khớp ngồi bóp chân

Tháng tư tin nhắn chấp chới những bạn thân
Lang bang dọc con sông nghiêng màu lửa
Có một chiều qua cổng trường cũ
Lá bàng hết đỏ lại xanh

Em hong váy áo lên mùa em còn bên mẹ
Thút thít nhìn nắng ngập ngừng
Ngày mai họp lớp
Còn bao tháng tư nữa
Em về
Với tháng tư ở ngọn sông
23/4/2016

Một người bạn lính



Tháng 4 năm 2014.Tôi trở lại Cheo Reo.

Lần này đi cùng tôi có cả Sư đoàn trưởng 320 Nguyễn Trung Hán và phó chính ủy Nguyễn Kiên Lợi. Mấy anh em chúng tôi rất quí nhau. Cũng là cái tình cùng lính Sư đoàn Đồng Bằng, lại vừa thích nhau ở tính nết nên mỗi khi ra Hà Nội hay vào Tây Nguyên là lại ới nhau.
Lần này chúng tôi về Cheo Reo để thăm một người bạn khá đặc biệt. Nghe tôi kể về anh bạn dân tộc ấy cả Sư đoàn trưởng và phó chính ủy đều phá lên cười.
- Ôi tưởng là ai, nếu là Ka Son Chư thì các bác đi theo chúng em. Hóa ra khi còn là tiểu đoàn trưởng Sư trưởng Hán và chính trị viên Lợi đã chỉ huy quân của mình làm nhà tình nghĩa cho bạn tôi. Trên xe lúc chạy qua sân bay Cheo Reo cũ, Lợi nói:
- Không phải là Ka Son Chư mà viết ra là K Sor Chư mới đúng. Rồi hỏi tôi:
- Anh Luân cùng D với anh Chư à?

Tôi kể K Sor Chư nhập ngũ từ Đại học Nông nghiệp Việt Bắc cùng tôi và bổ sung về E48. Trong Trận đánh vào Thị xã Cheo Reo đêm 18/3 lửa đỏ rực trời, hắn mò về nhà gõ cửa. Bom đạn mù trời khiến người nhà mãi mới ló ra nhìn anh giải phóng rồi òa khóc. Chỉ kịp ôm lấy mẹ rồi Chư lại chạy về trận địa. Giải phóng chúng tôi ở Sài Gòn lập đội văn nghệ sư đoàn, Ka Son Chư được gọi lên đội. Suốt vài tháng Chư chỉ có mỗi nhiệm vụ gõ đàn tơ rưng và chỉ gõ và hát đúng một bài ‘’ Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao…” còn thì cung cúc nấu nướng, nước nôi phục vụ anh em. Chiều chiều ra ngồi chân cột cờ ở Tổng hành dinh cũ sư đoàn 25 VNCH nhìn ngược về núi Bà Đen, Ka Son Chư thì thầm kể về những ngày tháng vượt Trường Sơn ra Bắc đi học.
- MÌnh là mình học lớp 6 ở Cheo Reo rồi mới đi chứ. Mậu Thân ra Bắc. học hết lớp 10 chỉ mất có 2 năm vì mình lớn tuổi mà. Mình xung phong mãi mới được đi bộ đội. Được biết đơn vị về Tây Nguyên mừng hết biết. Ôi chao bây giờ chỉ muốn về buôn làng thôi. Hết chiến tranh rồi nhớ cái rẫy và rừng núi quá. Nhớ rừng muỗm Cheo Reo quá thôi.
Tròn 40 năm gặp nhau. Chư há mồm nhìn chúng tôi rồi hú lên. Nhớ rồi nhớ rồi. Thế là uống rượu cần trong nhà Chư nóng ngột ngạt. Rượu vào Chư hát “ Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao…” Rồi Chư chỉ sang tôi và hát…
‘ Kìa ngọn Chư Pông mờ xa rừng chập chùng núi non huy hoàng trong chiều êm vầng trăng lên…” Chư bảo. Tao nhớ cái thằng Luân này lắm . Mỗi lần uống rượu, rồi nằm võng dưới gốc soài hát bài của mày…nhớ quá nhớ quá
Trưa tháng Tư, nóng ở Cheo Reo khô như rang. Chúng tôi ngồi hát với nhau những bài hát xưa cũ. Mồ hôi lăn trên má , mồ hôi đầm đìa trên trán lơ phơ những sợi tóc bạc.

Ảnh 1 : Đại tá Trần Tiến Hoạt e48- Đại tá Nguyễn Kiên Lợi Phó chính ủy - K Sor Chư - Đại tá Sư trưởng Nguyễn Trung Hán.
Ảnh 2

Luân và K Sor Chư . ( ảnh chụp ở vườn nhà Chư)



Friday, April 22, 2016

Ngày tôi trở về trường cũ


Ngày tôi trở về trường cũ
Bạn xưa đi tự bao giờ
Tự dưng mân mê quai mũ
Đứng nhìn vòm cây lá xanh

Bỗng một cánh lá vừa rơi
Một con chim xà mái ngói
Bỗng nhớ hôm nào trên chốt
Nhớ trường …lại hát “ Bầm ơi “

Hạ ba lô ngồi cửa lớp
Nhìn bước chân qua ngỡ ngàng
Mắt người rất quen mà lạ
Tóc thề nắng cũng buông nghiêng

Ngày tôi trở về trường cũ
Niềm vui soi mắt bạn bè
Quân phục vẫn mùi chiến trận
Để hồn lạ lẫm em mê

Giáo trình cũ lại mở ra
Nhập nhòe thấy toàn súng nổ
Bao đứa hi sinh hiện rõ
Nhìn tôi nhấm nháy cười cười

Mày đừng mê nữa mày ơi
Học cả phần tao với chứ !
Lại : “ Lên ba lô “ ! lần nữa
Ba lô nặng gấp mấy lần

Trường cũ bây giờ rộng hơn
Thư viện ồn ào sách vở
Mang tên chúng mày vào đó
Dẫu biết ai người nhớ nhung ?

Lại cắm đầu vào đồ án
Đêm khuya cơn đói lùng bùng
Lại những mùa thi dấm dứt
Lo nhiều giống đêm hành quân …

Chúng tôi trở về trường cũ
Để tìm lại mình ngày nào
Chúng tôi mang theo nỗi nhớ
Một thời lửa khói xôn xao

Mùa đông Bắc Thái 1976

Rừng đá cũ ( viết về tấm ảnh BÌA )


Xe đổ chúng tôi xuống chiều chạng vạng
Đại bác nghe toang toác ở trên đầu
Bốn bề khói súng loang rừng thẳm
Chúng tôi nhìn nhau, đi đâu?

Người chỉ huy mặt bầm bụi đất 
Chỉ lên vách đá pháo vừa rơi
“Đêm nay vượt núi ra trận địa”
Suối lặng im đá núi dựng lên trời

Chúng tôi bám nhau chèo lên đá
Đêm buông lạnh đạn cối vai người
Đá sám và đêm đen sám
Suối lặng rồi chỉ thấy lính thở thôi

Chân bật máu đêm đen không nhìn thấy 
Chỉ thấy mùi nước mắt và mồ hôi
Tai ù đi bởi gió và đêm hun hút thổi 
Lửa rực trời bồn chồn thế bạn ơi

Chúng tôi chèo qua đá
Chúng tôi khiêng cối qua rừng
Chúng tôi không thể khóc vì mệt quá 
Chúng tôi chỉ muốn gọi mẹ ơi.

Cả trung đoàn đã đi qua đêm ấy
Đốt dây dép cao su khi tụt xuống vực sâu
Leo lét lửa đủ chúng tôi nhìn thấy
Mắt của nhau yêu thương đến nhường nào

Cả trung đoàn đi qua đêm ấy 
Kịp sáng mai chặn địch đánh Cheo reo
Đêm của chúng tôi chìm sâu vào lịch sử 
Đến bây giờ chúng tôi nhìn nhau

Nay trở lại rừng đá xưa lặng lẽ
Con suối mùa khô bướm trắng cứ rập rờn
Có một người lính già dẫn vợ
Đến ngồi dưới cây muỗm già cô đơn

 4/2015

 

Thursday, April 21, 2016

Rừng đói -12



Trích trong RỪNG ĐÓI

12
................
Từ ngày tiểu đoàn sinh viên được bàn giao cho đơn vị ở mặt trận, rồi cứ nguyên si đội hình này vượt biên giới đi mót sắn đã gần hai tháng. Được cái kể từ ngày ấy, ít phải hội họp sinh hoạt. Gọi là đơn vị mới vào chiến trường nhưng mỗi đại đội chỉ có ba cán bộ từ Sư đoàn cử về làm khung chỉ huy mà thôi. Đại đội tôi có hai cấp trưởng mới về. Anh Đường xuống làm đại đội phó. Một hôm anh Đường xuống họp với trung đội tôi, anh nói:
-Xê trưởng là thiếu úy Nhất, người Hà Bắc ,còn chính trị viên tên Hợp, người Thanh Hóa.
Chúng tôi hỏi:
- Anh ơi, thế thì chỉ huy đại đội toàn là người đánh nhau hả?
- Chỉ nhõn tao đang đánh nhau ở gần Po Lây Cu bị gọi về ra đây đón chúng mày thôi, còn mấy ông ấy ở D huấn luyện quân phía sau. Quát thì oách lắm nhưng đánh chác thì chưa chắc.
Chả đứa nào hỏi thêm gì nữa. Nghĩ bụng chắc họ oánh nhau giỏi lắm mới lên đại trưởng. 
Anh Đường kè kè khẩu báng gấp, còn ông Xê trưởng đeo súng lục mặt gườm gườm gớm chết. Chỉ có anh Hợp, chính trị viên, hay cười và mang súng Ak dài như chúng tôi. 
Lâu nay chỉ sinh hoạt trung đội ,ít khi tập trung đại đội. Ấy thế mà một hôm trời quang đãng chừng 6 giờ chiều có lệnh họp đại đội. Trời nhập nhoạng, nhiều thằng vẫn đang cố gặm củ sắn dở bữa. Bãi tập trung có nhiều cây to. Lá khô trải mấp mô trên thoải đất nghiêng. 
- Nghiêm! 
Cả bãi im phắc. Nghe rõ tắc kè kêu. Đại đội trưởng hô rõ đanh, hồi lâu không nói gì. Ông nghiêng ngó bên này sang bên kia. Có thằng nào đó ở B4 nõi khẽ:
- Mẹ nó tắc kè kêu có 4 tiếng. Mai lại mưa. Khốn rồi. 
- Đồng chí nào? Bê nào? Kè kè cái gì?
Im lặng. 
Đại trưởng lên tiếng:
- Anh nào là anh Huấn B4 đứng nguyên còn tất cả đại đội ngồi xuống.
Ồn ào rồi sột soạt rồi im lặng. Thằng Huấn ngó trước ngó sau, một mình đứng ngượng nhịu. Nó lầm bầm câu gì đó không rõ. Trời tối nhập nhoạng khiến chúng tôi không rõ nét mặt nó. Lại có tiếng tắc kè. Lần này thì nó kêu năm tiếng. Có tiếng cười ri rí. He he nắng rồi. 
- Các đồng chí nghe đây, tôi hỏi đồng chí Huấn, tại sao túi cóc ba lô của đồng chí có truyền đơn của Ngụy? Có biết đó là viên đạn bọc đường nó đang xuyên vào tim đồng chí không? 
Thằng Huấn đứng ngây người, không kịp nói câu gì. Đại đội trưởng lại tiếp:
- Sao? Nói đi chứ? Hả ? Đồng chí bảo là dùng để chùi đít khi đi ỉa à?  

Chả kịp để cho Huấn lên tiếng, đại đội trưởng nói tiếp: 
- Lúc ngồi ỉa thế nào mà chả đọc, thế là nó ngấm dần vào đồng chí đấy.
Cả đại đội hinh hích cười, có thằng nào đó nói khẽ. Huấn ơi mày chết rồi, mày chùi đít bằng truyền đơn nó ngấm từ lỗ đít vào người mày rồi. Lại rinh rich cười. Cười ngả nghiêng. Cười ràn rạt. Huấn vẫn đứng trong bóng tối. Dáng nó cao lừng lững quay trước quay sau, chả biết nó có cười hay mếu.
- Nghiêm! Trật tự. Đồng chí Huấn không trả lời tôi à? Sao cứ đứng trời trồng như Hồ Tôn Hiến thế hả?
Hàng quân phía dưới cười phá lên. Đại đội trưởng quát to:
- Vô văn hóa. Lính tráng vô kỉ luật. Chỉ huy nói mà cười nói như chỗ không người thế à.
Đúng lúc đó thằng Tiêu, lính trường Cơ Điện đứng dậy;
- Báo cáo đại trưởng, chúng tôi cười là …Hồ Tôn Hiến không đứng như trời trồng đâu ạ. Từ Hải mới chết đứng chứ ạ. 
- Không dài dòng. Từ Hải hay Hồ Tôn Hiến thì cũng là thằng vô kỉ luật.

Hí hí ở dưới lại cười. Thằng Huấn cũng cười. Chính trị viên Hợp và đại phó Đường cũng cũng cười. 
- Nghiêm! Nghe đây tôi hỏi đồng chí. Nếu tôi hô “Xung phong” đồng chí có lao lên không? 
- Dạ có. Thằng Tiêu nói rõ to.
- Dù chúng tôi có xung phong, chúng tôi vẫn nói là đại đội trưởng nói sai giữa Từ Hải và Hồ Tôn Hiến đấy ạ. 
Đến lúc này thì cuộc họp bỗng vui lên như tết. Thằng Huấn cứ đứng trơ trơ. Chả ai còn nhớ cái vụ chùi đít bằng truyền đơn nữa mà chuyển sang đề tài Truyện Kiều. Giữa rừng sâu Tắc kè lại kêu. Mẹ cái giống tắc kè! Có mỗi việc kêu mà kêu cũng huyên thiên, chả biết đâu mà lần. Đêm mùa mưa mà trên giời lại có sao li ti mới lạ. Đại trưởng Nhất giao lại cho chính trị viên Hợp điều khiển tiếp cuộc họp rồi đi về Xê bộ ,trên cái võng giữa bốn gốc cây Kơ nia cổ thụ ngồi hút thuốc. Anh Hợp nhắc nhở vài câu về kỉ luật đun nấu khói lửa rồi cho hát một bài tập thể. Thằng Tiêu quản ca đại đội cho hát bài …Ôi xương tan …rồi giải tán. Đêm ấy thằng Huấn mò sang võng thằng Tiêu, mời Tiêu điếu thuốc để dành mùi đã gần như mốc.
Tôi nằm trên võng thấy buồn cười, rồi lại thấy buồn thật. Đúng lúc ấy anh Hợp, chính trị viên xuống tiểu đội, anh kê dép ngồi dưới võng chúng tôi. Anh bảo:
- Các ông cũng thông cảm. Chúng tôi 18 tuổi là đi bộ đội, chả kịp học hành gì. Tôi cũng chỉ mong hết chiến tranh để được đi học như các ông thôi. Biết đâu lúc ấy chả còn đủ chân tay nữa mà lê đến cổng trường đại học ấy chứ. 
Trong đêm chúng tôi cảm thấy anh ấy nghẹn ngào. Có tiếng thằng nào trở mình trên võng sột soạt. 
Rừng cũng đang buồn buồn.


21/4/2016