Tuesday, September 3, 2019

Sáng cao nguyên




Những túm nắng bay lang thang cuối mùa
Ta tóc bạc vuốt lên mây trắng
Gío cuốn cao nguyên trôi ngược
Tìm đâu pơ lang hồng hoang.

Ba zan in lên nền thơ lang bang
Ta trở lại dấu người quên cao điểm
Gia lai khát, em tóc mướt mướt
Suối ngày xưa thức đến tận bây giờ
Sáng 8.4.19

Ngược chiều tháng tư

Ngược chiều tháng tư
Giữa tháng tư. Cao nguyên vần vũ những đám mây đùng đục nằng nặng trên trời. Hoa Pơ lang cũng đã rụng những cánh cuối cùng đỏ như cái buồm con quăn queo và tung lên giời những nhón bông mỏng tang theo gió. Đất và trời Tây Nguyên khan khát. Hệt như người mới sốt dậy thèm của chua, thèm cái sắp bùng lên sau nhiều tháng ngày kìm nén.
Trên xe ngoại trừ đại tá Vĩnh phó CN chính trị sư đoàn 320 còn trẻ , còn ba chúng tôi, ba thằng lính sư đoàn cộng tuổi vừa đủ 204 tuổi. Ngồi trên xe từ Gia Lai xuống Bình Định cười hưng hức trong sương mù lúc 5 giờ sáng . Chàng đại tá viện sử Quân đội Trần Tiến Hoạt bần thần..... Ngày ấy mới đầu tháng 3/75 mà “thằng 95 “ một mình nó chặn đứt con đường nàỳ phải nói là "liều" . Cười he he, liều theo cách khoa học đấy nhe. Ôi chao thì ra bọn mình đang đi ngược chiều kí ức. Phải rồi, tháng tư nào chả thế, người ta đi xuôi theo hướng hành quân thần tốc đến Sài Gòn. Còn chúng tôi hôm nay đang đi ngược lại về với những con đường , những trận đánh dọn cỗ cho chiến dich 1975 toàn thắng.

Con đường ngược chiều bao giờ cũng thấm thía đến đau đớn cho một con đường.
Bảy rưỡi sáng chúng tôi ăn phở gia truyền Nam Định ở An Khê. Sau lưng hàng phở này là con đường chạy đến Cheo Reo. Nơi hợp lưu của 2 con sông A jun và sông Pa để thánh dò ng sông Ba hùng vĩ đổ ra biển qua cửa Đà Rằng ở Phú Yên. Xe chúng tôi qua sông Côn, qua đập thủy điện rồi chạy giữa những cánh đồng lúa chớm gặt vụ chiêm. Hạ cửa kính ngửi hít mùi rơm thơm chợt nhớ cũng tháng tư năm 1975 đánh địch tràn ra cửa biển Tuy Hòa cũng từng ngửi mùi rơm thơm hệt như hôm nay. 
Xe chạy miệt mài, chúng tôi dù lãng mạn lắm cũng không kịp dừng để thăm chị Đặng Thùy Trâm ở Đức Phổ bởi trong chiều nay chúng tôi phải về tận trận địa Minh Long trên miền tây Quảng Ngãi, phải đên sân bay Minh Long và xem lại trận địa bố phòng quận lị cũ để rồi hiểu ra hướng đánh và tại sao trận đánh ấy có hiệu suất cao đến thế. Một trận đánh chỉ trong gần một ngày đã tiêu diệt và bắt sống 633 tên địch mà ta thì thương vong rất ít.
Lần nào cũng vậy khi vào đến Quảng Ngãi là tôi lại nhớ đến bài thơ khóc người yêu của bạn tôi, người lính Bắc Giang tên Nguyễn Sơn Lâm . Lâm khóc người yêu tên là Võ thị Thúy Vinh. Chuyện tình cuả cô giao liên Võ thị Thúy Vinh và Sơn Lâm tôi đã viết trên trang mạng này . Câu chuyện về người lính miền bắc 20 năm sau chiến tranh quay trở lại Quảng Ngãi tìm mộ người yêu. Và anh tìm được. Lần đầu tiên anh tặng người yêu món quà mua từ miền bắc là lọ nước hoa đặt bên mớ tóc dài còn nguyên dưới mộ và hàm răng trắng muốt của người con gái Quảng Ngaĩ rồi anh khóc . Em ơi lần đầu tiên anh có quà tặng em cũng là lần cuối cùng. Ngôi mộ chiến sĩ gái giao liên ấy bây giờ khiêm tốn trong nghía trang xã Tịnh Bình, Sơn Tinh.

Xe chúng tôi chạy ngược lên Ba Tơ . Giữa nắng oi ả tôi khấn, ...." chị Đặng Thùy Trậm ơi, em Võ Thúy Vinh ơi , tôi không thể đến thắp hương cho chị và em Vinh vì công việc trên xanh kia đang gọi. hẹn chị Trâm và em Vinh lần khác . Xin hai liệt nữ phù hộ cho anh em chúng tôi lên núi tìm về trận địa cũ ngày xưa để viết lại làm sống lại sự hi sinh của hàng mấy trăm, mấy ngàn anh em mình trên ấy .chúng tôi biết là chúng tôi có lỗi lắm lắm với các chị và các em…"
Quá trưa. Nắng như mọc rôm trong lưng trong bụng. Con xe cũ của Sư đoàn phó Khuất Duy Hoan ( Khuất Hoan) hai mươi năm trước chạy xoe xóe lên rừng. Hoan ngồi trên xe sờ lên từng nắm đấm, vuốt ve lên khung cửa con xe gắn bó với mình suốt thời chỉ huy sư đoàn 320 . Tôi nhìn bạn tôi mà rưng rưng. Đời người dễ gì để cho ai đó có được giây phút lần lần lại kỉ niệm của mình ? Kỉ niệm với đất, với người, kỉ niệm cả với đồ vật vô tri , với cả bầu trời, thời tiết ta đã từng qua. Thương nhớ kỉ niệm cũng là niềm hạnh phúc của con người. Con người thật vô phúc và bất hạnh khi chả có thứ kỉ niệm nào đáng giá để cho mình hay con cháu mình thổn thức nhớ và yêu. 
Chiều tối hôm ấy chúng tôi đã qua Minh Long , đã sờ lại những miệng hào bờ lô cốt còn lại trong rừng keo của đồng bào dân tộc. Chúng tôi đứng trên sân bay có đường băng dài 800 mét bây giờ là bãi cỏ dài đẹp như thung lũng một vùng bắc Âu. Chúng tôi qua cây cầu sông Vệ và bạt ngàn những cánh đồng mía để về Ba Tơ , nơi ấy có cả ngót một ngàn linh hồn đồng đội chúng tôi đang chờ.

*****
Lần thứ 2 tôi đến Ba Tơ. Tôi cứ băn khoăn tại sao họ nghĩ Ba Tơ heo hút lắm, kì bí lắm, xa xôi lắm, ma thiêng nước độc lắm.
Không phải đâu. Ba Tơ xanh, Ba Tơ sạch và Ba tơ yêu người vô cùng. Ba tơ xinh xắn trên hai con sông Liên và sông Rhe. Ba Tơ nằm trên vùng đất mà tên các xã các làng đều là chữ Ba ở đầu. …..: Ba Bích, Ba Chùa, Ba Cung, Ba Điền,Ba Dinh, Ba Động, Ba Giang, Ba Khâm, Ba Lế, Ba Liên, Ba Nam, Ba Ngạc, BaThành, Ba Tiêu, Ba Tô, Ba Trang, Ba Vì, Ba Vinh, Ba Xa.
Có thể Ba Tơ với chúng tôi không xa vì ở đó có đến hơn 600 đồng đội trung đoàn 52 của chúng tôi nằm lại đó và cả vài trăm anh em nằm rải rác các huyện khác trong đất Quảng Ngãi này. 
Lần thứ 2 tôi ngủ đêm ở Huyện đội Ba tơ. Cả hai lần tôi và đại tá Khuất Duy Hoan không ngủ được. Lần trước vào tháng tư năm 2017 sau trận nhậu cá liêng với rau rừng , uống rượu mật ong. Lần này thì nhậu thịt cầy nấu củ chuối và uống rượu men lá. Đêm , ra sân ngồi dưới cây phượng già nghe tắc kè kêu như gõ vào hồn. Nhìn lên ngọn Đông Ta nhìn về phía Tài Năng và ngọn Cao Muôn thấy ngàn ngàn con đom đóm bay từ dưới sông Liên lên chập chờn. Nơi chúng tôi ngủ đêm nay chính là căn cứ huấn luyện biệt kích Ba tơ ngày xưa. Đây chính là nơi mà quân ta vây ép suốt một tháng trời để tấn công tiêu diệt chi khu Ba tơ và chịu thương vong nặng nề . 
AI chưa đến Ba tơ, chưa nhìn thấy địa hình nơi đây, hơn nữa chưa hiểu tương quan ta và địch những năm 1972 về trước thì chưa thể hiểu nổi những sự hi sinh gian khổ của quân dân Ba tơ nói chúng và trung đoàn 52 của sư đoàn 320 như thế nào . Một ngọn đồi chạy dài bây giờ là một khu đất tuyệt đẹp của Huyện dội Ba tơ lại chính là nơi hàng trăm chiến sĩ e52 gửi xác lại trong những ngày từ 21/9 đến 30/10/ 1972. Nơi đây đứa bạn cùng lớp đại học Cơ Điện của tôi cũng nằm lại. Một sáng tháng tư 2017 tôi đã tìm được mộ nó . Chúng tôi ngồi bên nhau cùng nói chuyện về kỉ niệm thời cùng học ở khoa Chế tạo Máy đại học Cơ Điện Thái Nguyên. Ngày ấy đã xa nửa thế kỉ rồi. 
Sáng 10/4/2019 xe của thượng tá Huyện đội trưởng Ba tơ đưa chúng tôi lên đỉnh núi ở phía ấp Tài Năng nằm ở đông nam quận lị Ba Tơ cũ. . Lên đỉnh núi, chúng tôi trải bản đồ nhìn về thung lũng Ba tơ. Ba tơ đẹp hệt như Sa Pa trong sương vậy. Vài năm nay tôi có bộ sách ngót một nghìn liệt sĩ e52 ở Quảng Ngãi khiến những cái tên như Tài Năng 1, Tài năng 2, Tài năng 3, Cao Muôn , Đông Tà, phẫu ck200, cao điểm 370, 317, trại biệt kích … cứ lởn vở trong đầu. Không thể ngờ hôm nay tôi đứng trên cao điểm nhìn xuống ấp Tài Năng. Nơi ấy bao nhiêu người ở lại không về. Chúng tôi nhìn xuống cầu sông Liên, nhìn xuống đài tưởng niệm khởi nghĩa Ba tơ nhìn xuống nghĩa trang Ba tơ sẫm đỏ trong sáng sớm mà lòng rưng rưng thương nhớ hàng trăm hàng ngàn chiến sĩ trung đoàn 52 , một trung đoàn ra đời đã khổ, đánh địch ở đâu cũng khổ cũng hứng chịu những thiệt thòi vất vả mà vẫn anh hùng . Những người đồng đội e 52 của tôi hệt như những người nông dân nói ít làm nhiều. Sáng nay đứng trên núi đưa máy ảnh về thung lũng Ba Tơ sao tôi bỗng nhớ những người bạn tôi vắng mặt. Tôi nhớ thiếu tướng Nguyễn Nhật Kỉ , nhớ đại tá Trần văn Tích , nhớ đại tá Nguyễn Thế Tân…Trong tôi hiện lên những hình ảnh của các anh chỉ huy lẫy lừng một thời. Anh Hồ Hải Nam, anh Lương MInh Cao. Anh Phùng Căn, anh GIáo và những dũng sĩ trung đoàn 52 mang danh Ba Tơ còn mãi trong lòng đồng bào Quảng Ngãi.

Tạm biệt Ba Tơ. Tạm biệt sông Liên, Đá Bàn, Tài Năng , tam biệt ngôi trường mẫu giáo trẻ thơ xinh tươi hi vọng, tạm biệt những người bạn lính ở Huyện đôi vùng sơn cước mà rất am hiểu văn chương. Tạm biệt vùng đất gối giữa 2 dòng nước giữa vòng núi suốt ngày mây trắng, tạm biệt vùng đất có đội du kích huyền thoại tổ chức ăn thề bên bờ sông Liên để làm nên cuộc khởi nghĩa lừng lẫy nước nhà. Tạm biệt những người bạn mới quen trên hành trình vòng tròn Tây Nguyên Bình Định Quảng Ngãi Tây Nguyên.. Lên đỉnh đèo Vi ô lak nhìn về hướng đông, Ba Tơ mờ như khói. VỚi tôi Ba Tơ là huyền thọại, Ba Tơ là đồng đội. Ba Tơ là bạn bè. Ba Tơ ơi vùng đất tôi thương nhớ cạn lòng.

12/4/2019 

Uống rượu ngày 30 tháng 4

THƠ THÁNG 4
Bài 5.

Tôi sẽ uống trong ngày 30 tháng 4
Nếu có say, xin đừng vội trách
Tôi uống cho đồng đội tôi không về được
Bơ vơ nằm khát giữa rừng

Thời chúng tôi rượu bia cứ dửng dưng
Chúng tôi liên hoan bằng nước rang cơm cháy
Chúng tôi uống lá chè rừng trên rẫy
Chúng tôi đêm đêm, khát khô họng áp đồn thù

Bạn tôi nằm trong hang đá mùa khô
Cơn sốt giật mồ hôi đầm áo lính
Lúc nhắm mắt thèm ngụm chè xứ Thái
Cái chết cũng khô khản tiếng tắc kè

Nào cho tôi thêm một vại bia
Nước tràn mép ướt cổ tôi rười rượi
Đồng đội ơi, những mùa mưa hành quân vội
Mồ hôi lùa khóe miệng chát… rưng rưng

Mấy mươi năm bạn nằm lại với rừng
Mưa vẫn tưới mà lòng vẫn khát
Người chết đã thành thơ thành nhạc
Những bài ca theo bia rượu cứ lên say

Tháng Tư này uống rượu ở đâu đây?
Hương hồn bạn đằng đẵng ngòai sương gió
Ai rót cho tôi thêm bia nữa
Tưới về miền đồng đội hư không

Ba mươi tháng Tư nào bia rượu cũng … rưng rưng.
15/4/2019 

Trả lại tháng tư


Trả lại tháng tư nửa thế kỉ sắp qua
Bao nhiêu những điều nửa đen nửa bạc
Những ghi công nhầm nhỡ 
Giá mà đừng có tháng tư

Chúng tôi những thằng lính ngu ngơ
Tháng tư lăm lăm tìm bạn
Tháng tư đứa còn đứa đứa mất
Tin về xóm mạc thành tang

Trả lại tháng tư còn đường đến Sài Gòn
Cao nguyên bộn bề ào ào quân phục
Trả lại cho tôi lá thư em đuổi theo trận mạc
Em ra trường mẹ bảo cưới chồng thôi

Tháng tư trời trong
Vượt sông đêm trăng sáng
Phía bên kia sông pháo kích như hoa . Sao lạ thế ?
Tiếng gọi em gọi má giữa pháo bầy.

Trả lại tháng tư cho em ở vùng ven
Nay bươn chải nơi nào em đã thành “ Nội” “ Ngoại “
Trả lại tháng tư trên mộ má
Chữ anh hùng đỏ nhoi nhói bát nhang

Trả lại tháng tư cho chúng tôi
Lời hứa về quê thăm nhau sau bốn mươi năm vật vã
Tiểu đội đã ra đi quá nửa
Con cái chúng mình cũng chỉ những bình dân

Tháng tư này nhà tưởng niệm Tây Nguyên
Nhà bia ở Vùng ven ta đánh địch
Bạn chẳng thể đi về miền chứng thương chiến dịch
Cơm áo nào cho chiến tích đã đi qua

Trả lại tháng tư cho chúng tôi mùa hoa
Dã quì tàn chúng tôi về Củ Chi ve ran ran trưa nắng
Trả lại cho tôi chói chang hoa Giấy
Ngày tiến vào Sài Gòn hoa cũng ngả nghiêng theo.

Trả lại tháng tư trời trong veo veo
Lá thư em gửi từ trường đại học
Đêm bám địch nghe con dế chân cầu ti tỉ khóc
Ngày về mình còn gặp nhau không?

Trả lại tháng tư nhặt cuốn sách lúc hừng đông
“ Những khuôn mặt văn chương “ chẳng hề chia miền Nam Bắc
Tôi có một tháng tư òa khóc
Được thưa thầy thưa cô giữa Thành Đô

Tháng tư hành quân hoa mua tím ven đồi
Trả lại chúng tôi mùa hoa sen miền tây nam bộ
Trả lại chúng tôi ô môi hưng hức đỏ
Lục bình lên tím cả trang thơ

Chúng tôi già rồi xin hãy trả lại tháng tư
Tháng tư, tháng thương tháng nhớ
Trong những nhiễu nhương đất này ái ố
Tháng tư về yêu lắm một trời tôi
18/4/19 Nguyễn Trọng Luân

CHUYỆN CU CÚN NHÀ QUÊ

CHUYỆN CU CÚN NHÀ QUÊ
( viết chuyện quê xem cho đỡ đau đầu )

Mưa ầm ào, gió rung cây ngằn ngặt. Hai đứa chạy rẽ nước dọc con đường đất sỏi nước reo roe roe. Chúng nó chạy sang tận cổng nhà ông Thẽm.
Con Cún gào lên;
- Anh cu ơi chờ em với. Quần của em đâu? 
- Tao ném ở bờ rào rồi . Tí nữa quay lại lấy. Nhanh lên trám trôi hết không có đâu mà nhặt.
Thì ra chúng nó đi nhăt trám nhà ông Thẽm nhân lúc mưa to gió giật.

Cây trám nhà ông Thẽm to hai người ôm cao vun vút. Chả ai chèo được chỉ chờ mưa gió trám rụng xuống à nhặt thôi. Mưa tháng 7 cuốn những quả trám vàng ươm trôi xuống chân đồi, thằng cu con cún thích lắm. Trong mưa nghe thấy bầm thằng Cu réo lên :
- Về nga…ay Cu ơi. Mày không thấy sấm đẹ à…à. Tiếng à của mẹ thằng Cu chìm vào trong mưa.
Mưa tạnh. Gió ngừng. Thằng Cu và con Cún ôm cái lá khoai ráy mỗi đứa chừng hai chục quả trám. Chúng nó hí hửng khoe nhau xem đứa nào được nhiều trám hơn. Bỗng có tiếng bầm thằng Cu réo :
- Về đi Cu ơi.
- Dạ. Thằng Cu dạ rõ là to
- mày mang dạ về đây!
Thằng Cu con Cún giật mình nhìn nhau trần truồng. Con Cún bật khóc . Anh Cu ơi em mất quần rồi. Thằng Cu tái mặt. Tao để quần của mày ở chỗ nì mừ…
Hai đứa ôm mớ trám đi vào ngõ. Bầm thằng Cu dẫm chân bình bịch trên sân còn loang nước. 
- Trám với chả sung. Trần như nhộng lột kén thế kia à? Nói rồi bà bẻ cành râm bụt làm roi huơ lên. Con Cún rúm người nấp sau thằng Cu. Cái đít thằng Cu đen nhẻm. Con Cún chun mũi.
Bầm thằng Cu bẻ chót lá chuối bảo con Cún che bụng mà về. Thằng Cu đứng tồng ngồng trong sân nhìn con Cún ép cái lá chuối vào đằng trước đi tom tóp trên đường sâm sấp nước mưa. Thằng Cu nhớ mãi cái thân hình con Cún nửa xanh lá chuối đằng trước nửa cong cớn trắng phau phía sau.

Vài chục năm sau.
Con Cún đi học đại học rồi cư ngụ ở Sài Gòn. Thằng Cu đi lính rồi về lăn lộn ở nhà quê phía bắc. Con Cún bây giờ người ta gọi là bà Thanh Nga. Nhà có ô tô có cửa hiệu bán toàn đồ phụ tùng đàn bà có chữ TRIUMPH. Thằng Cu đi tìm mộ đồng đội ở K cầm cái địa chỉ trên tay đi tìm con Cún.
Bà Cún Thanh Nga một lần về quê không gặp ông Cu nhưng để lại cái danh thiếp và dặn bủ già lẫm cẫm mẹ thằng Cu là ;
- Bá cứ đưa cho anh ấy cái nì. Vô đó hỏi Thanh Nga “Tre ầm” là được bá nà.
Ông Cu đến con phố sầm uất hỏi thăm. Khốn khổ thân Cu, cái tên Thanh Nga thì quên phắt , cứ tre ầm mà hỏi. Tre vầu gì thì cũng dễ nhớ. Nhìn bộ dạng ông già người bắc đi tìm “tre ầm “ họ căng mắt rồi căng mồm cười hô hố. CU phẩy tay vào lũ người bất lịch sự mà bỏ đi.
Ông Cu tìm thấy bà Cún. TRước mắt ông Cu là người đàn bà ngoại ngũ tuần đẹp nần nẫn. Người bà Cún thơm như mùi nhựa trám ngày xưa. Cún nói, muốn dẫn Cu đi thăm Sè gòong. Nhưng Cu baỏ, thôi tao đi sang Căm đây. Tau đi tìm hài cốt đồng đội. Vừa nói ông Cu vừa lấm lét nhìn những con “ Canh” mặc su chiêng đứng phơi phơi trong tủ kính. Mưa tháng 7 nhà quê hiện về, lại hiện về con Cún trần truồng ép lá chuối hở đằng sau, cặp mông đít cong cớn. Bà Cún thấy ông Cu nhìn con Canh đơ đơ người bèn đập vào vai . Bố khỉ !

***
Năm trước ông Cu đi tìm mộ đồng đội tận CPC gặp được bà Cún ở “Sè gòn” thì năm sau bà Cún từ “Sè gòn” về quê.
Cữ này trăng sáng lắm. Gần đến rằm trung thu vườn đồi nhà ai cũng thơm thơm. Con đường làng chỉ những mùi nước đái mùi phân trâu cũng bỗng trở nên dễ ngửi. Hồng và bưởi ngoài chợ thì ê hề thế mà bưởi và hồng trong vườn nhà Cu vẫn chưa chín. Quả hồng treo như cái bánh sắn vụ đói cứng ngăng ngắc và trái bưởi thì đợi mãi chả rám má. Cu ra vườn rồi trở vào lẩm bẩm. Mẹ kiếp ngày xưa với ngày nay thế chó nào mà nó lại khác nhau? Bố ai chịu được.
Cún về làng chả còn ai ở làng, người nhà Cún ra tỉnh hết rồi. Cún sang nhà Cu ăn cơm, Cún ngủ ỏ nhà Cu một tối, mai Cún xuôi về Thủ đô.
Tháng tám trời trong. Cún nhớ là một bài học ngày xưa dậy thế. 
Gọi:
- Anh Cu ơi, liệu có mưa không? Trăng có sáng không? 
Cu đang kho nồi trám dưới bếp ngỏng đầu lên:
- Chịu chả thể biết, mưa nắng bây giờ không còn là mưa nắng ngày xưa nữa. 
Thằng con trai ông Cu đang quét sân bảo:
- Cô ơi bây giờ ô nhiễm môi trường , lại còn ô nhiễm cả thể chế thì làm sao mà giống ngày cô và bố cháu hát bài ‘ “ Tùng rinh rinh “ nữa.
- Sư bố nhà anh. Ai bảo là thể chế ô nhiễm. Các anh ăn cho lắm vào mà rửng mỡ mà nói xấu chúng tôi.
Trăng lên thật. Trăng chỉ ló sau ngọn mít nhà Cu mà Cún đã kêu lên:
- Anh Cu ơi! trăng kìa. 
Cu bê thức ăn ra hè cười khẩy: 
- Tưởng gì, trăng thì vẫn thế có gì mới đâu Cún à. Cún rưng rưng, anh ơi mấy chục năm nay em có nhìn thấy trăng đâu. 
- Thế cô nhìn thấy cái gì mỗi tối hả Cún? Cún im lặng . Ngoài vườn con “ nhanh nhanh” kêu . Tiếng kêu của nó cứ rối tít bòng bong.

Ngồi ở hiên nhà ăn cơm tối nhưng Cu chỉ bật một bóng đèn soắn ruột gà loại tiết kiệm điện. Ánh sáng chỉ hơn đèn dầu ngày xưa tí chút. Cún bảo, anh ơi ngày xưa có trăng là nhà ai cũng tắt đèn để khỏi mất tiền mua dầu anh nhỉ. Ông Cu sới cơm cho bà Cún. Giục, ăn đi ăn cho nóng. Cu gắp thịt chó nhựa mận cho Cún. Bà giãy lên, anh Cu ơi em không ăn được món nì. Em bị tiểu đường. Cu sững lại. Cún bị … gì hở Cún? Cún nói kiểu xưa, em đái đường mà Cu. 
Cu giật thót người. À nhớ rồi, nhớ rồi. Cái bệnh đái đến đâu ruồi bâu đến đấy. Ông Cu nhớ lại ngày xưa bố mẹ kể chuyện các bà vợ quan Huyện quan Tỉnh hay bị bệnh này. Bệnh nhà giàu. Chợt Cu nhớ hôm đi lấy mộ đồng đội, vào nhà Cún trong Sè gòn. Cún giàu lắm . Người cứ phôm phôm pháp pháp ăn uống toàn cao lương mĩ vị, rắm đánh thối um vậy nên mắc bệnh này là phải. Cu gắp trám kho cá diếc cho Cún. Bà Cún cười :
- Anh Cu nì, trám là kho với cá diếc mới ngon hỉ ?
- Đúng quá Cún à. Cái gì cũng có đôi của nó . Âm thì dương mà dương thì âm . hì hì
Bên đồi trẻ nhà ai hát ríu ran
« … ông trăng xuống chơi với thày.
.thì thày cho mõ
Xuống chơi với chõ

Thì chõ cho xôi/ xuống chơi hàng nồi
hàng nồi cho vung/

….Rồi đến cái đoạn :
.. xuống chơi đàn ông 
đàn ông cho vợ
xuống chơi với chợ 
thì chợ cho vua 
xuống chơi với chùa
thì chùa cho phật … thì bà Cún đặt cơm xuống. Bà ngước lên nhìn ông Cu cóc cáy. 
- Anh Cu ơi sao mà người ta cứ cho hết cái người ta không thể thiếu … thể anh nhỉ. Về quê em mới thấy cái chuyện này. Ở thành phố chả ai dạy con mình thế đâu anh Cu à ?
Ông CU nhìn trăng mon men đến ngọn cây trám đầu ngõ. Tâm trí Cu sáng láng ra. Cu bảo. Cún nghe mà không nhớ đoạn cuối của bài hát ngày xưa của chúng mình này ư Cún ? đó đó, chúng nó hát đến đó … đó.
Tiếng lũ trẻ nhà bên réo rắt :
« … giả phật cho chùa 
giả vua kẻ chợ…
giả vợ đàn ông ,
giả chồng con gái, 
giả trái cây cà,
giả hoa cây bưởi…
.giả lưỡi cần câu….
Giả bầu chợ Giác 
Giả bạc bà quan 
Giả loan con ngựa
giả nhựa cây sung 
………
giả mõ ông thày … 
ba hồi chín cốc mà bay lên giời » 
Ông Cu bảo bà Cún :
- Con người ta yêu nhau đến nỗi không tiếc nhau cả thứ quí nhất trên đời. Nhưng không ai nỡ lại lấy đi cái quí ấy nên họ đều mang giả lại đó Cún ơi . Giả lại rồi vui quá sướng quá yêu quá lại bay về giời. Ông trăng yêu nhà quê mình là thế Cún nà.

Miếng trám bùi trong miệng bà Cún như đọng lại keo lại cả chùm nhời bài hát lũ trẻ con nhà quê ngấm màu trăng rất cũ. Bà Cún ngước lên ngọn cây ngoài vườn . Mặt trăng vàng múm mím. Ô hay, trăng ở quê không toe toét anh Cu nhể. Từ ngày xưa vẫn thế. Đến lúc này bà mới ngửi thấy mùi nhựa trám đốt thay nến của những chiếc đèn ông sao vụng về từ sân có lũ trẻ nhà bên đưa lại .
****
Bà cún rời quê một ngày, bà ở Thủ đô một ngày nữa rồi bà bay đi Sè Gòn. Mấy nhà buôn đồ “tre ầm” cùng ngạch với bà giữ mấy bà cũng không ở. Ở lại bà nhớ cửa hàng nhà bà với những con Canh trần trụi cô đơn. ở lại bà ngửi thấy mùi mùa thu Hà Nội giống mùi bà nhớ bà thương từ nảo nào tới giờ. Người già, người cô đơn sợ nhất là dư âm. Mà dư âm của bà thì toàn là mùi vườn mùi ruộng và có cả anh Cu nữa. Sao mà cái khíu giác người già nó tồn tại lâu hơn thính giác thị giác nhể? Mắt mờ, tai điếc mà mũi vẫn ngửi tốt . Rõ là con người ta già cục bộ.
Bà lên xe ra sân bay. Con đường nắng hanh hanh mùi rơm rạ . Bà bảo chú Grab hạ cửa kính. Gió lùa vào xe cả mạt rơm. Bà bỏ kiếng mát, bà dòm ra xa. Ngay ỏ nách thủ đô mà bà vẫn nhìn thấy đàn bò hiền như bò quê . bà chợt nhớ anh Cu vẫn đi chăn bò. Hôm kia hôm kìa bà về quê thấy anh Cu mặc quần đùi đuổi bò về tay mắm một nắm sỏi cuội trắng. Bà hỏi, Cu làm gì mà nhặt sỏi về thế hở anh? Cu bảo, nhặt về cho Cún mang đi Sè gòn mà chơi ô ăn quan. Lúc Cu đuổi bò vào chuồng ngoái lại còn nói:
- Cún ơi, có nhớ ngày xưa mình hay nói “ hết quan hoàn dân, thu quân kéo về “ không? 
Bà Cún giật mình. Bà quên từ lâu rồi, bà quên hết mình từng là con gái nhà quê, bà quên nhiều thứ lắm, bà quên cả những cái mụn trên bắp chân mình mà anh Cu đã từng nhá lá cỏ đắp lên cho bà. Cái bọng chân trắng nhễ trắng nhại vẫn còn vết mờ hồng hào như hột quả hồng mùa thu. Đó đó… đó đó …bà nhớ ra rồi. Và bất giác bà nhớ bài que mốt que mai. 
Bà cún cất tiếng như hát bô lê rô:
- « Que mốt que mai
Cái Chai cái hến 
Con nhện giăng tơ
Quả mơ quả táo
Cán gáo lên bàn đôi. »
Bà lau mắt rồi hát tiếp :
- « đôi tôi đôi chị
đôi cành thị đôi cành na
đôi lên ba.
Ba ta ba mày
Ba lưỡi cày
Một sang tư »
Bà Cún nức nở. Anh tài xế Grab vội hỏi, bà ơi bà có cần dừng lại không ? Không không ! anh chạy nhanh cho tôi đến sân bay…

Chuyến bay lúc gần trưa nắng cũng như mật trên đồng nhà bà ngày xưa. Bà biết bà sẽ chả bao giờ trở về làng cũ nữa. Nơi chốn ấy đầy những là kỉ niệm mà từ ngày bà đi lấy chồng bà đã quên lịm nó rồi. Bà nhìn qua cửa sổ lúc tàu bay lăn bánh trên đường băng thứ nắng vàng mùa thu mà phương nam không có. Bà nhớ mùa chim ngói . Nhớ trái trám những cữ mưa rào. Bà thương ơi là thương những đứa cháu bà bây giờ không có tuổi thơ như bà và ông Cu ngày xưa. Bà nhớ cửa hàng « tre ầm « của bà và những đứa cháu vùi đầu vào ai phôn máy tính. Thương chúng nó nứt mắt ra đã làm người lớn. 
Tiếng cô tiếp viên làm bà giật mình :
- Bác uống gì ạ ? 
Bà nhớ tối hôm nọ ở quê anh Cu bảo Cún ơi mày uống nước Vối không ? 
Bà lắc đầu với cô tiếp viên lông mi cong bôi keo nhọ nồi. Cô tiếp viên nhìn bà cứ nghĩ bà già đang khóc.

Hà nội 2017 NTL

THÀNH PHỐ MÙA MĂNG ĐẮNG

THÀNH PHỐ MÙA MĂNG ĐẮNG
( Bỗng một chiều ta nhớ trường xưa 
Vại bia cỏ cũng say tung áo cánh
Ta bỗng nhớ một thời tay mang dao quắm 
một thời yêu những măng tre)

---Tặng bạn học C3A YB của tôi .
Nắng đầu đông thơm như mật, sương không muốn tan trên rừng quế rừng vầu, quảng trường nơi ngày xưa chúng tôi đợi xe về xuôi vào đại học bạn gái ở nơi nào có về kịp không?
Có những ông già ở rất xa ngó nghiêng lấp ló mặt trời lên từ phía trường cũ Thanh Hùng, Tiếng còi xe giật thót cả mình cười hớ hớ ở chỗ có nhiều cây sấu như cổ thụ. Có chiếc xe giường nằm xuôi Mỹ Đình chú lơ xe thò cổ, mấy bác già kia có đi không?

Có một bà già cười móm cả răng, khúc khích ở chỗ ngày xưa bịn rịn, rồi ngấn ngấn đi tìm con suối soi hình trao nhau cái khăn mùi xoa thèn thẹn, bạn về xuôi đừng quên bọn chúng mình, bạn đừng quên mùa măng đắng quê mình , bỗng vỡ òa tiếng cao xạ bắn tàu bay Mĩ
Có một cái đền rất hoang ngày xưa mà bây giờ có tấm biển đề rất rõ. Có một ông già rất chi là lọ mọ tìm về nơi đèn đóm một mùa thi, bài vở tàn đêm nát nhau sợ ma, bạn ôm chầm nhau chạy trong rừng tối. Ông già ấy từ miền nam về mà vẫn nhớ mùi tóc rối, nơi ngày thi hết cấp để xa nhau.
Cây sâu già ở đâu? cây cầu soi gương ở đâu? Hoa mua núi tím ở bài thi biền biệt. Có người đứng ở chân rừng vầu khản gọi người vác súng đi xa tít , có người ra ga đêm lạnh sông Hồng đón chuyến tàu về ăn tết, mùa măng đắng quê mình ngai ngái áo hôn nhau.
Thị xã lên đèn hóa ra Thành phố, rừng nứa rừng tre thành những tên đường, có một chuyến xe Hà Nôi lên đứng ở dốc Nam Cường ngẩn ngơ đi tìm sân trường cũ. Có một ông già nắm tay bà già buồn khôn tả hỏi nhau hồ Nguyễn Thái Học ở đâu? Có một dải mây trắng qua đầu, mây vẫn bay như hồi xưa cũ
Nắng đầu đông nắng quê mình thơm thế? đi tìm nhau chân lẫm chẫm qua đường. Có một bà già ở tận Sài Gòn ôm một ông già về hưu Yên bái, ước gì mùa măng trở lại, em nướng cả chiều Yên Bái vào đêm, em lật cả những vùi lấp bề bộn lãng quên, moi lên dòng suối có tên trường năm mươi năm của một vùng măng đắng.
Những là cờ với hoa những là liên hoan bên bờ sông hoa tím, những tà áo rất chi lạ lẫm với chúng mình, có một người tay bóp tay mình nhìn xuống chân ông bạn già đi giày rất đẹp, rồi òa khóc có một thời người yêu tôi không có dép, anh ấy đi mãi mãi chẳng trở về.
Bài học làm người ở những măng tre, rừng mọc lên lớp lớp mùa măng đắng, rừng cứ như thể cội nguồn họ mạc những đứa con Yên Bái ở đâu về. Dẫu tướng sĩ nông thương vẫn chỉ một bóng che là cái bóng của rừng của một vùng thành phố, Thành phố chỉ là những tên cây số . Những con số xếp hàng đi mãi tới tương lai. Ơi những người nửa thể kỉ bạn của tôi, nhà các bạn ở cây số mấy? Tìm về đây với trường xưa yêu dấu rồi đi tìm nhà nhau ở bãi sông Hồng . 
.
Thơ NTL 2017

CÓ MỘT TẠNG NHÀ VĂN NHƯ THẾ

Đỗ Tiến Thụy
CÓ MỘT TẠNG NHÀ VĂN NHƯ THẾ
Qua hơn chục năm làm biên tập, nhà cháu đã được tiếp xúc bản thảo của nhiều nhà văn: người điêu luyện trong sử dụng chữ nghĩa, người giỏi xử lí chi tiết, người mạnh về ý tưởng, người tài hoa trong bố cục... Mỗi tạng nhà văn đều có cái hay riêng. Nhưng trường hợp Nguyễn Trọng Luân (Nguyễn Trọng) là một ca đặc biệt.
Hôm nay lướt facebook bắt gặp bức ảnh Nguyễn Trọng Luân đang hóa cuốn tạp chí VNQĐ số 915 có in bài kí Những ngày tháng 4 của anh trước mộ đồng đội ở nghĩa trang An Nhơn Tây, nhà cháu lại thấy xúc động. Và thêm một lần khẳng định, đối với mỗi tác phẩm văn chương, năng khiếu bẩm sinh, kĩ năng nghề nghiệp, kiến văn... mới chỉ là những điều kiện cần. Để lay động được tâm hồn độc giả, nhà văn phải có thêm điều kiện đủ: sự rung động thành thực. Xin kính mời bà con chia sẻ những cảm nhận của nhà cháu về tạng văn Nguyễn Trọng Luân, một trong những nhà văn cựu chiến binh viết muộn giống như Trung Sy nhưng đã tạo được dấu ấn rất riêng.
NHỮNG VẺ ĐẸP NGUYÊN KHỐI
ĐỖ TIẾN THỤY
Nguyễn Trọng Luân là người đã có những tháng năm sống và chiến đấu ở Mặt trận B3, nơi đồng bào Tây Nguyên có văn hóa nhà mồ với những bức tượng độc đáo. Độc đáo bởi không phải ai cũng làm được loại tượng này. Và có học cũng không làm được. Người đẽo tượng nhà mồ vốn là những trai làng bình thường, sống và nếm trải mọi buồn vui trong cộng đồng. Đến một ngày nào đó, vào một khoảnh khắc nào đó, họ bỗng có cảm hứng xuất thần. Chỉ từ một súc gỗ rừng nguyên khối và một chiếc rìu đơn sơ, nhưng nhờ trạng thái thăng hoa, chỉ cần một vài nhát đẽo là họ đã cho ra đời một tác phẩm. Những bức tượng nhà mồ mang đủ sắc thái nhân sinh rất có hồn khiến các nhà điêu khắc chuyên nghiệp cũng phải trầm trồ thán phục.
Những câu chuyện trong những tập sách của Nguyễn Trọng Luân cũng thế. Cái quá khứ chiến tranh thời trai trẻ của anh đã không thể ngủ yên, không thể nguôi quên. Trở về đời thường, trải qua mấy chục năm vật lộn mưu sinh, càng sống, càng hiểu lẽ đời thì những kí ức ấy càng cựa quậy, đòi hỏi được bung ra. Và chỉ cần một cái cớ...
Nhìn cây bàng trên phố anh nhớ đến rừng khộp thời chiến tranh (Lá khộp). Ngắm hai cây me tại chiến trường xưa nhớ lại cả một trận đánh khốc liệt với nhiều tính huống trên đường 7 tháng 3/1975 (Hai cây me vẫn xanh màu lá). Nhìn những đọt măng vầu bán trên đường phố Hà Nội nhớ những câu chuyện về măng lồ ô ở Tây Nguyên (Măng lồ ô). Thăm lại chiến trường xưa, những cuộc gặp gỡ chủ ý hoặc tình cờ, từ một lời hỏi thăm, một câu gợi nhắc… là những khuôn mặt bè bạn với những nét tính cách rất riêng thông qua những giai thoại thời chiến lập tức ùa về (Ba người bạn lính, Chiều cuối năm, Chuyện trong ngày họp mặt trung đoàn, Chuyện ở nhà thằng Sơn rồ C20, Trung úy Thúng, Quán Hai Bền, Trở về Củ Chi…)
Hầu như trong mọi truyện Nguyễn Trọng Luân đều vừa là tác giả vừa là nhân vật tham gia chứng kiến sự việc nên những trang văn của anh tươi ròng chất sống. Nó là những biểu hiện rất đời của những người lính trong hoàn cảnh bom đạn khốc liệt ngày trước và cả những thử thách cam go của cuộc sống sau này. Dù nhân vật là người còn sống hay đã hi sinh, đã thành đạt hay còn nhọc nhằn vất vả, đều được Nguyễn Trọng Luân dành cho một tình cảm yêu thương nặng trĩu.
Nguyễn Trọng Luân được xếp vào dạng nhà văn chống Mỹ “đánh nhau xong rồi mới viết”. Vốn tri thức của một sinh viên đại học giúp anh khi vào chiến trường có một nhãn quan khác người, một lối tư duy khác người. Hiện thực chiến tranh được anh lưu giữ mấy chục năm đã không uổng phí. Cái hay của sự viết muộn là thời gian đã làm phôi pha bớt những “tạp chất”, cái gì còn đọng lại trong kí ức hẳn là điều đáng kể. Tình đồng chí, nghĩa đồng bào, ái tình, lí tưởng, cái cao cả, cái đớn hèn…, tất cả đều được chắt lọc và tái hiện bằng một giọng văn khỏe khoắn mà trữ tình, khi tếu táo lúc ngậm ngùi xa xót của một cựu chiến binh tài hoa giàu hoài niệm, sinh động và chân thực đến nao lòng.
Dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết, nhưng dễ nhận thấy Nguyễn Trọng Luân rất ít hư cấu. Bởi những câu chuyện tự thân nó đã mang đầy ý nghĩa, chả cần hư cấu đã đủ hay rồi. Như những bức tượng nhà mồ, dù thô phác nhưng lại có sức cuốn hút kì lạ.
Ps: Nguyễn Trọng Luân đã có gần chục đầu sách, cả thơ, kí, truyện ngắn, tiểu thuyết và tập ca khúc. Trong đó tập truyện ngắn Bóng đổ nhà mồ và tiểu thuyết Rừng đói đã nhận được những đánh giá tích cực của các nhà phê bình và độc giả.
25/4/2019 

Chiều hạ ở Củ Chi.


Về lại Củ Chi chiều hạ.
Ruộng xưa lúa mẹ gặt rồi
Nương dưa ngoài bưng xa ngái
Tóc em đêm nào sương rơi

Tìm em bây giờ ở đâu
Gió sương đã trải mái đầu
Lối cũ mình về địa đạo
Bây giờ trai gái dìu nhau.

Tôi lội dọc kinh thuở nào
Tiếng ve quấn đầy hoa tím
Tôi lội ngược dòng kỉ niệm
Bà ba nồng mồ hôi em.

Bà ba áo em nâu hồng
Bà ba áo má bùn đen
Khăn rằn suốt thời trận mạc.
Bây giờ khăn vắt ngoài hiên

Hoàng hôn Củ Chi vẫn thế.
Núi bà đen sẫm vào đêm
Cuốc kêu bàu xa đơn độc
Tôi đứng giữa đồng nhớ em.
Củ chi 6. 2001
NTL 

HÀNH TRÌNH THÁNG TƯ


Đêm đầu tiên chúng tôi dừng chân ở Quảng Trị. Nhà khách Tỉnh đội vừa nguội nắng, anh bác sĩ già nhất đoàn bước xuống xe quay nhìn về phá thành cổ, phía ấy ráng chiều vẫn hồng hồng. Anh nói khẽ, thế mà đã gần nửa thế kỉ…chúng tôi nhìn anh không ai nói thêm gì. Tôi biết anh đang nhớ một thời làm bác sĩ quân y nơi tuyến lửa. Tất cả chúng tôi đây gần hai mươi bác sĩ đã về hưu ai cũng có một cuộc đời làm lính, một cuộc đời gắn bó với thương bệnh binh và núi rừng chiến trận. Bây giờ là giữa tháng tư. Chúng tôi đang đi tìm lại tuổi trẻ của đời mình. Nơi chúng tôi đến là chiến trường Tây Nguyên ngày xưa , nơi mà rất nhiều bác sĩ chúng tôi đây đã sống thời trẻ trai và trưởng thành. Chúng tôi đi về vùng đất đã từng lửa khói đạ bom, chúng tôi về đây tìm lại chính mình, một hành trình tháng tư 1975.
Để có cuộc hành quân toàn thày thuốc áo xanh này chúng tôi phải chuẩn bị tới nửa năm. Từ nguyện vọng tâm tưởng của những người chiến sĩ quân y khóa 67 chúng tôi đến hiên thực phải mất 6 tháng trời. Chúng tôi đã từng gặp xin ý kiến thủ trưởng cũ của chúng tôi là trung tướng Khuất Duy Tiến . Chúng tôi từng trình bày và được BTL Quân đoàn 3 chấp nhận kế hoạch. Chúng tôi từng bàn đi bàn lại với BTL Sư đoàn 320 về thứ tự triển khai như một trận đánh lớn. Bạn của chúng tôi thời trai trẻ chiến trận là Đại Tá Khuất Duy Hoan đã gíup chúng tôi triển khai phương án ban đầu và theo suốt quá trình “ thực hành tác chiến.” 
Đêm ở Quảng Trị khó ngủ quá. Chúng tôi thức và hát với nhau khe khẽ những bài hát năm xưa chúng tôi từng hát lúc lên đường vào chiến trường chiến đấu. Có những bài hát lâu lắm bây giờ mới hát. “ Miền nam kêu gọi ta vượt Trường sơn bay vọng ra ôi tiếng quê hương như thúc dục lòng chúng ta…” . Nhóm các bác sĩ nữ thì hát “ ..trăng đã về khuya sao buông lấp lánh..”. Bỗng có một giọng nữ Quảng Trị cất lên “ Hai mươi sáu năm rồi… Quảng Trị ơi , đẹp lắm hôm nay đẹp lắm , cờ đỏ tung trời . Mẹ ơi đồn giặc đã tan bốt Đông Hà- La Vang - Quảng Trị không còn bóng giặc chúng con đã về đây….” Chúng tôi quay lại, thì ra bác sĩ Nguyễn Bich Hà đang hát. Nước mắt chị ngân ngẫn. Tất cả im lặng để nghe chị hát. Hà hát mà như khóc , chị đang gọi về nơi mẹ chị sinh ra chị , nơi ấy Triệu Phong một vùng đất anh hùng.

LỚp chúng tôi khóa 67 quân y ngày ấy nay tuổi xêm xêm bảy mươi. Chúng tôi và những người bạn chung một tâm nguyện làm một việc gì đó tri ân đồng bào vùng kháng chiến xưa kia thì gom lại với nhau dưới mái nhà chung “Quân Y và những người” bạn. Sáng nay xe rời Đông Hà lên đường . Qua cầu Dak rông qua A Sầu A Lưới để vào Tây Nguyên. Chúng tôi nhớ một năm trước tại nơi này chúng tôi đã 2 ngày đêm ở cùng với đồng bào Vân Kiều . Khám bệnh cho họ, phát thuốc cho những ông già bà già và cả những thiếu nữ mắt trong như nước suối. Mà sao chúng tôi cứ quặn thắt trong lòng. Trước mắt chúng tôi là những thiếu nữ Vân Kiều gùi đạn gùi gạo ra chiến trường , là những bản làng nhường củ sắn , mớ rau cho bộ đội đánh Mĩ. Ngồi khám bệnh cho họ thấy đồng bào và mình khác nhau quá. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ mà đồng bào cách mạng vẫn khổ thế này ư? 
Chúng tôi thấy có lỗi . Chúng tôi tự nhủ lòng phải đi nữa , đi đến khi nào không đi được nữa thì mới thôi. Đi để tri ân. Đi để trả nơ đồng bào. Cả đòan chúng tôi không một người nào thích dùng chữ từ thiện. BỞi tất cả chúng tôi là người lính đã được đồng bào cưu mang chia sẻ hiểm nguy bằng máu của đồng bào. Chúng tôi, bằng những chuyến đi như thế này là làm trong sạch lại đời mình. Chúng tôi hiểu rằng trả ơn nhân dân không bao giờ trả nổi. Không có thể chế nào trả ơn được cuộc cách mạng quần chúng đã xây nên thể chế. Chúng tôi đi để tri ân đồng bào của tôi. Làm nghề Y chúng tôi hiểu, biết tri ân sẽ làm lòng mình trong sáng lên.
Chiều ngày thứ 2 chúng tôi đến Tây Nguyên. Từ lúc qua đèo Lò so lòng ai cũng bâng khuâng. Sắp qua Đắc Pet, qua Pờ lây Cần qua ngã ba ra cửa khẩu Bờ Y mà khi xưa chúng tôi gọi là Ngã ba Đông Dương. Nắng bỗng xanh lên vì nương rẫy lên xanh. Xe đưa chúng tôi qua Dak To Tân Cảnh lúc chiều buông . Một bác sĩ trong đoàn kêu lên, Các bạn ơi nhìn bên tay phải kìa, nhìn đồi Charlie và Den Ta kìa. Cả xe quay nhìn dãy núi có những mỏm đầu bạc trắng. Trong tôi hiện về mùa khô 1972 ác liệt. Chúng tôi đã phá toang phòng tuyến tây sông Pô cô để quân ta đánh vào Kon Tum làm nên chiến thắng cao nguyên mùa hè đỏ lửa . Tôi thầm nhớ , thầm gọi những cái tên đồng đội . Thầm nhớ những tên làng ở chốn Sa Thày có những cây Pơ lang cổ thụ dưới chân Chư Mom ray. Bất giác tôi lâm nhẩm hát ..” đường lên chư mom ray gặp mây bay con nhớ tóc bác, Đường cắt rừng khuya nhìn sao sáng con thấy bác cười. Bác Hồ ơi” Ngày ấy đơn vị tôi ai cũng thuộc bài hát này. Bài hát “ Nhớ Bác trên đường đi chiếm lĩnh” . Có tiếng chuông điện thoại reo, thì ra bạn tôi Khuất Duy Hoan nguyên phó tư lệnh quân đoàn 3 cũng là phó đoàn của chúng tôi đi tiền trạm đang ở sư đoàn 320 gọi . Hoan cho biết xe thuốc , xe chở hơn 2 tấn quà và đồ thiết bị khám bệnh đã tới an toàn. Bạn tôi nói trong tiếng cười : “ Chỉ lo các cụ bác sĩ khỏe mạnh để còn đuổi cái ma cho buôn làng " . Hoan cười, tiếng cười của một chỉ huy dạn dĩ chiến trận mà hiền như nước chảy.

Chúng tôi đến Pơ Lây Cu lúc hoàng hôn buông sau dãy núi Chư rông ràng, mặt trời chìm về phía Đức Cơ. Đêm nay tôi ngủ ở nhà khách sư đoàn. Ngay cổng vào là nhà tưởng niệm liệt sĩ sư đoàn. Bốn bức tường đá lanh ghi 14 ngàn cái tên liệt sĩ của sư đoàn 320 .. Đâu là tên anh họ tôi? Đâu là tên bạn tôi ? Chiến tranh lùi xa quá rồi mà đất nước tôi nhiều những vết thương lên da non cứ lâm nhâm ngứa. Ngứa mãi. Tôi không ngủ. Tôi ngồi rà lại kế hoạch mà đồng chí phó CN Chính trị Sư đoàn trao đổi với tôi kĩ càng. Đồng chí Bác sĩ CN quân Y cứ như một trưởng dự án y học của tôi ở Hà Nội . Anh kĩ lưỡng chi li tới từng chuyến xe từng bàn khám bệnh. Các anh đã đi tiền trạm dưới buôn làng lo cho đoàn nơi nghỉ trưa trong cái nóng mùa khô Tây nguyên. Ngày mai tôi sẽ trở về nơi tôi có 3 năm trời chiến đấu . Ngày mai tôi sẽ gặp lại những đồng bào đã cưu mang tôi những ngày đói cơm thiếu thuốc . Ngày mai tôi sẽ đi tìm mảnh nương cà đắng, tìm con suối làng Dịt thân thương ngày nào. Ngày mai tôi sẽ tới vùng đất mà bạn tôi những sinh viên Y Khoa Việt Bắc nằm lại không về.

****

14/4/ 2019
Trời chưa sáng. Các bác sĩ đã dậy. Tiếng ve Tây Nguyên bùng lên như báo thức lúc 5 giờ sáng. Kì lạ quá . Đúng hôm nay của 44 năm trước chúng tôi cùng đại quân sau mười ngày hành quân từ Cheo Reo đã về đén Chơn Thành. Từ đây chúng tôi vào trận cuối ở hướng tây bắc Sài Gòn. Hôm nay tôi và bạn tôi trở về vùng đất ngày ấy đã ra đi. 
Xe rẽ về Đức Cơ . Ở ngã ba Hàm rồng còn sót lại những bông hoa Dã Quì cuối mùa . Tôi cố tìm một ngôi nhà sàn mà không thấy. Tôi cố tìm một già làng đóng khố như người dẫn đường cho chúng tôi ngày xưa mà chỉ là dĩ vãng. Chỉ còn đây những cánh rừng cao su và rừng cà phê xanh hun hút. Tôi không còn thấy lồ ô hay rừng già mà vẫn thấy những cánh rừng khộp từ phía Chư bồ chạy ra cửa khẩu Lệ Thanh. Ngày đầu tiên chúng tôi khám bệnh cho đồng bào làng K” La . Khi chúng tôi đến những bàn khám bệnh mà các đồng chí quân y sư đoàn và địa phương đã chuẩn bị kĩ lưỡng . Bỗng dưng cảm thấy mình như có lỗi . Chúng tôi đi trả ơn cơ mà . Thế mà chúng tôi lại được đón tiếp như khách. Tôi thấy sống mũi mình cay cay. Bác sĩ Bằng Đình già nhất đòan là người có bệnh nhân ngồi sớm nhất . Tôi nhìn sang người đàn anh kính trọng của mình thấy khóe mắt rung rung . Anh đang hỏi bệnh cho một phế binh VNCH. Hai người đàn ông đều già nhìn nhau thì thầm trao đổi cách chữa bệnh đau bao tử của người lính chế độ cũ. Người đàn ông ấy quay trở ra rồi mà bác sĩ Bằng Đình vẫn bâng khuâng . 
Các bạn tôi không ở chiến trường này như tôi nên không biết nơi chúng tôi khám bệnh cho đồng bào đây chính là kề ngay sở chỉ huy cũ của Sư đoàn tôi năm 1972 – 1973 . Trưa hôm ấy trong bữa cơm tại hiện trường Khuất Duy Hoan ghé tai tôi . Mày ơi chỗ này chính là chỗ ngày xưa tao và thằng Trọng Luân tham gia hội diễn Văn Nghệ Sư đoàn 320 mày ạ. Tao nhớ ra rồi , hôm ấy bọn tao còn được nhà thơ sư đoàn Khuất Quang Thụy cho một nhúm thuốc đồng bào. Tôi ngước ra ngoài rừng cà phê . Nắng vàng ươm, nắng hắt màu xanh lên giời có những túm mây tròn như cái nón trắng bông treo lơ lửng trên trời Đức Cơ .

Trong những bệnh nhân những đồng bào K” La đến khám bệnh và nhận quà của đoàn hôm nay gồm 252 người. Đồng bào không còn đóng khố cởi trần như ngày xưa khi tôi ở đây nữa. NHưng nhìn những bàn chân đen đúa và bàn tay sứt sẹo của họ , nhìn khuôn mặt hốc hác vì bệnh dạ dày bệnh phổi vì bụi đất bệnh lị vì nước nôi thiểu thốn, những đứa trẻ suy dinh dưỡng mà đau lòng. Chiến tranh lùi xa quá rồi maf nỗi thèm cái chữ, thèm cái hát múa trong ti vi vẫn hiện hữu thường trực buôn làng . Chúng tôi trao túi quà cho họ mà tay mình cũng run run . Chúng tôi run run vì thấy mình có lỗi , thấy mình nhỏ bé quá trong bể đời yêu thương đồng loại. 
Ngày xưa, đồng bào khổ lắm. Sinh con ra rồi con chết bệnh cũng chỉ biết nói Giàng nó bắt đi chứ. Giàng bảo đi là đi thôi. Không có cái thuốc chỉ có con ma . Con ma đi khắp bản này bản khác bắt cái đồng bào. Những năm bộ đội về đánh Mĩ đồng bào Tây Nguyên mới biết là chỉ có cái bác sĩ mới diệt được ma thôi. Nhưng bác sĩ ít ít , lâu lâu mới về… còn ma thì nhiều hơn bác sĩ .
Đêm ấy chúng tôi ngủ lại ở Chư Ty. Tôi và Khuất Duy Hoan không ngủ. chúng tôi đi bộ râ nhà bia Chư Bồ . Nơi đây đồng đội tôi Nén nhang lặng lẽ đỏ, và trong đêm chúng tôi lại nghe thấy tiếng ve bùng lên trong rừng cao su hệt như hơn bốn mươi nắm trước. Đứng ở đây tôi nói với Hoan, mày ơi đã hơn bốn mươi năm rồi mà đồng bào Tây Nguyên vẫn khổ mày ạ . Cả hai chúng tôi đều im lặng. Đêm Đức Cơ nhiều ngôi sao màu ba zan quá.

15/4 
Ngày thứ 2 đoàn chúng tôi về xã Y A Lang. Từ lúc xe rẽ vào xã , tôi đã bồi hồi. Ya Lang với tôi không có xa lạ gì. Chỉ là lâu quá không về đây thôi. Tôi bảo với các bác sĩ trong đoàn đây là Làng Dịt. Nói đến làng Dịt người lính B3 ai mà chả nhớ một thời chiến sự Làng Dịt sau cắm cờ hiệp định 1973. Ngày ấy nơi đây đã từng có nhà Hòa Hợp . Nới hai bên Quân GP và quân lực VNCH lạp nên mái nhà chung để gặp gỡ trao đổi với nhau về biện pháp thực hiện hòa bình. THế rồi chuyện Hòa Hợp không thành , làng Dịt trở thành tuyến đầu của sư đoàn 320 suốt những năm 1973 – 1975.
Hôm nay các bàn khám bệnh của đoàn tôi hồi hộp chờ xem có ai nhận ra đoàn trưởng Đinh Ngọc không? Các bạn gái cùng lớp 67 ngày xưa nhấm nháy với vợ tôi – Bác sĩ Kim Minh ngồi bàn bên rằng, để ý xem có đồng bào nào giống "bác sĩ chồng" không? Nắng lổ đổ trên những lô cao su lô cà phê . Các bác sĩ D24 của sư đoàn rất quen với khám bệnh cho đồng bào hướng dẫn bà con vào từng bàn. Có điều gì đó thật khác hôm nay trong lồng ngực tôi . Như thể có tiếng gọi. Đồng đội tôi gọi tôi, rằng mày hãy nhớ mà nắm lấy bàn tay đen đúa của bà con làng Dịt nhé . Tôi như nghe tiếng thằng Hà lớp Y 2A của tôi rằng, ..." Tao chết ở Bàu Cạn được đưa về với bà con Y A Lang đấy mày ạ . Tao đã nằm đây gần hai mươi năm trước khi được vào Nghiã Trang.." 
HÔm nay chúng tôi khám bệnh phát thuốc và biếu quà với 258 người của YA lang. Tôi cứ tiếc, giá mà chúng tôi có được nhiều tiền hơn nữa, giá mà chúng tôi có thêm thuốc thêm đường thêm muối thêm sữa để lòng chúng tôi thêm vui. Nhưng chúng tôi cũng hài lòng với chình mình khi thấy các đòng chí chỉ huy sư đoàn 320 theo dõi giúp đỡ và chỉ đạo sít sao . Giữa trưa Khuất duy Hoan mang cho tôi ca nước trà đun bằng lá chè rừng làng Dịt. Trưa ấy tôi và vợ tôi ra gốc cây Ko nia chụp một kiểu ảnh . Đứng dưới gốc cây mà lấm tấm những hạt nước mưa ve Tây Nguyên tặng lên má thấy xốn xang thời trai trẻ của mình.
Tây nguyên ai một lần qua đó
Suốt cuộc đời nghĩ lại vẫn thương nhau. 
Tôi lặng lẽ nhìn những người dân YA lang cầm túi thuốc bệnh ra về với cặp mắt tràn trề hi vọng rồi sẽ đẩy lùi cơn bệnh mà thậy rưng rưng . Cuộc đời chúng tôi ba bốn mươi năm khám chữa bệnh nhưng mấy khi nhìn thật lâu phía sau lưng người bệnh ra về ? Cuộc sống bộn bề nơi thị thành và các bệnh viện lớn làm chúng tôi chai lì cảm xúc rồi chăng? Chưa bao giờ tôi nhìn rõ gót chân người bệnh bước trên đất đỏ có những vết nứt chân chim giống mẹ tôi ngày xưa tảo tần nơi quê nghèo miền bắc để nuôi tôi. Khi chúng tôi kê đơn gói thuốc cho họ, họ run run đỡ bằng hai tay. Chúng tôi đang là người ban ơn với chính những người mà người lính chiến chúng tôi phải trả ơn họ. Tây Nguyên ơi, chúng tôi nợ đồng bào cả một thời trai trẻ của tôi. 
Chiều 15/4
Khi chúng tôi thu dọn đồ đạc để lên xe trở về Pơ lây cu thì nhìn thấy có những bà mẹ già đến đặt vào tay chúng tôi bắp ngô luộc còn nóng hổi . Có đứa trẻ gầy guộc buộc con chim sâu trên cổ tay đem tặng cho tôi. Tôi bảo bé, hãy để con chim sống với rừng Tây Nguyên sống với Giàng với Dịt Le, Dịt zông Dịt Phàng em ạ. Nó cười . Rồi chay đi. Xe ra đường 14 tôi ngước lên đỉnh Chư Ga Ra ngày nào tôi còn là y tá dưới c9 d9 của sư đoàn 320 chốt trên ngọn núi kia.
Đêm chia tay ở Tây Nguyên chúng tôi uống rượu cần. Chúng tôi hát bên các chiến sĩ đại đoàn Đồng Bằng. Chúng tôi nhận được lời thăm hỏi của tư lệnh quân đoàn 3. Tôi được sống với sư đoàn cũ của tôi trong chuyến tri ân về với đồng bào nơi tôi từng chiến đấu. Xe lại qua Kon Tum ngược về phía bắc. Một tuần qua chúng tôi những người lính quân y 67 và những người bạn ở bên nhau. Những người bác sĩ đã già. Tôi yêu các bạn, tôi cảm phục anh Bằng Đình, tôi nhớ Quang Hải Dương, Tiến 198, Bích Hà Triệu Phong, nhớ bác sĩ Trang , bác sĩ Minh Thìn, bác sĩ Thanh Hương , bác sĩ Hồng Lê, Bác sĩ Thủy và Kim Minh, nhớ các anh các chị các em Kĩ thuật viên tận tình đẹp người đẹp nết, nhớ hai em lái xe chu đáo nhiệt tình, cả những người đã đón tiếp và yêu quí chúng tôi trên dọc đường hành quân bắc nam vất vả. Nhớ bạn tôi Khuất Duy Hoan, nhớ thượng tá Vĩnh, nhớ bác sĩ chủ nhiệm quân y sư đoàn 320 tên Nam nhớ những chiến sĩ sư đoàn đã giúp đỡ chúng tôi suốt những ngày về với Đức Cơ . Và trên hết tôi nhớ, tôi biết ơn đồng bào Tây nguyên yêu quí .

Gia Lai 16/4/-- Hà nội 29/4 / 2019
Đinh Trọng.

VIẾT CHO MÌNH NGÀY 30 THÁNG TƯ.


Khúc 1 :RA ĐI
Chúng mình đi theo cuộc chiến chinh
Cha ông mình đằng đẵng
Bỏ laị sau lưng cánh diều bờ bãi
Mẹ cha căm cụi nương đồi
Bỏ đêm thâu đèn sách một thời
Niu níu bàn tay thôn nữ
Từ giã khoảng trời thắt lưng buộc bụng
Ngón chân choãi cong tím phù sa
Đi qua tháng năm miền miệt tiếng gà
Tiếng mùa màng xơ xác
Hướng về nam chúng mình đi đánh giặc
Mang trên vai tuổi 18 đôi mươi
Hơi ấm ổ rơm vị canh mẹ nấu
Chia tay em đầu làng trước đêm ra trận
Mắt nhau đau đáu ngày về
Một thời lặn lội rừng sâu
Đường Chín, khe Sanh, Đông Hà, Cửa Việt
Ngã tư Sòng, Thiện Xuân, Tích Tường, Đại Độ
Và Cam Lộ
Hố xương chung nằm mãi ngã ba này
Khúc 2 : MÁU LỬA
CHúng mình đi qua Sê Pôn
Những đêm sao trời nén căng hơi thở
Chiến trận cuốn chân như lũ
Thư người yêu theo tận cuối con đường
Người cõng nhau tiếng nấc nghẹn giữa rừng
Bao hò hẹn đứng ngang hồn đồng đội
Đường chín nam lào sốt rừng trôi suối
Máu xương trai trẻ nao lòng
Đã từng mắc võng ven sông
Mùa lũ hoa rừng trôi như lũ
Đêm mùa mưa dìu đồng đội qua sông
Nước mắt trôi thác pô cô gầm rú
Chôn bạn chiều Kon Tum
CÚc quì 1015 nức nở
Đôm đốm hoa Pơ lang
NGân ngấn máu bạn bè thắp lửa
Đã cùng nhịn đói mùa khô
Nhịn sang mùa mưa sốt rét
Đêm đêm bám địch
Mắt hoa pháo sáng lùng bùng
Miệt mài ăn sắn ăn măng
Sụt sùi bám dân giữ đất
Người ra đi chỉ còn nhúm muối
Gửi lại đồng bào
Đêm trên điểm cao
Nghe tiếng giã gạo dưới làng
Hưng hức khóc nhớ quê xa ngái
Một thời để lại
Mồ hôi máu lẫn câu thề
Tơ rưng tan vào tàn lửa
Hát chèo giữa vùng rừng không dân
Chúng mình ngơ ngẩn ngậm ngùi
Tượng nhà mồ ai tạc ?
Rồi mình lại đi lại đi
Cuối rừng là đồng là bãi
Dép cao su tràn ra cửa bể
Những con sông mê mải
Khảm chiến công vào lịch sử
Chúng mình tan vào máu
Làm mực viết khúc khải hoàn
Ơi Chóp Chài ơi Đèo cả Cầu Bông
Ơi là Sài gòn
Ơi là Củ Chi , Tân Phú
Đồng Dù
Bạn bè tôi đông quá thể
Xếp hàng trước sáng tháng 5
Bạn bè ai ai cũng trẻ
Quân phục tươi màu đứng lại nơi đây
Bình minh… chút thôi…Ngưỡng cửa
Sài gòn xa thế tầm tay….
Khúc 3 - Giải phóng
Sáng nay
Người cuồn cuộn
Cờ hoa cuồn cuộn
Sài gòn thức không có đêm
Thành phố vừa lạ vừa quen
tiếng Nam tiếng Bắc
tràn trề nôn nao
Cười trong tức tưởi
Người đi tìm người, gọi tên nhau nghẹn trào nước mắt
Đồng đội tôi hiền từ
Ngẩn ngơ
Thành phố...
Sáng nay chợt nhớ quê hương
Sáng nay chợt nhớ mẹ cha vẫn khoai sắn thay cơm
Sáng nay
Sau đêm 30/4 chúng mình như bé lại
Những thằng cu của mẹ ngày nào
Hoa phượng rơi đỏ cánh mũ tai bèo
Góc đường Pastơ bạn tôi đứng gác
Nét da xanh của một thời sốt rét
Bâng khuâng trước dinh Độc Lập
Mắt cay cay sa sót nhớ cánh rừng
Những ngọn suối khúc sông
Sa Thầy, Đức Cơ, Đắc Tô , Tân Cảnh...
Cam lộ, Ba Tơ... Tích Tường Như Lệ
Thượng Đức Bình Long ...
Tên những chiến khu hào phóng chở che
Sáng nay bỗng nhớ
....Rưng rưng đêm rượu ăn thề .
Chúng mình đi từ quê hương
Đến cuối con đường -
Con đường chúng mình đã chôn bao nhiêu đồng đội
Trên đầu là hoa là cờ đỏ
Hân hoan nghèn nghẹn sững sờ
Những bản làng heo hút chốn Pô cô
Hoa Pơ lang đỏ sang mùa hoa phượng
Em gái Tây nguyên ngóng bộ đội về nơi hoang vu tĩnh lặng
Chiều chiều ra thăm
Những nấm mồ xanh lạnh lẽo góc rừng
Khói thuốc già làng trầm ngâm
Bay nghiêng qua mùa đói
Bao giờ ?
Ai trở lại Tây nguyên ?
Chiều qua
Đắp mộ cho người bạn cuối cùng
Có con bướm đậu hoa bằng lăng ngan ngát gió
Chôn cho bạn tập thơ tình
Nhặt trên đường Tân Phú
Sài gòn sáng nay vui thế
Chúng mình cứ ngước về
Đồng Dù, Củ Chi
Cứ nhìn về lửa đỏ trời Tân phú Trung , Cầu Bông , Cầu Sáng...
Bao gương mặt vắng trong ngày giải phóng
Thấp thoáng trong dáng cờ hoa
Những người bạn chúng mình
Nằm lại nơi này
Thơm lúa đồng vàng
Nhớ nắng mùa thi
Đồng đội ơi !
Chúng mình sẽ về
Với mẹ
Sài gòn ơi !
Chúng tôi đi bao nhiêu năm mới tới
Để sớm nay giữa Đô Thành oà gọi
Tiếng gọi sung sướng nhất cuộc đời
Mẹ ơi !
Khúc 4 - Trở về
Chúng mình trở về niềm vui lẫn nỗi thương đau
Bè bạn người còn người mất
Lời nhắn gửi mang về đắng ngắt
Làng quê rớm máu hồi sinh
Đêm đêm tiếng hát sân đình
Vắng bao trai làng nằm đâu không về mở hội
Đồng đội ơi
Thời của chúng mình đàn bà sống là chờ đợi
Thời đàn bà không có tuổi
Suốt đời cứ thanh xuân
Thanh xuân se sắt
Tiếng pháo nổ sau vòm tre ngăn ngắt
Mẹ già đổ bóng cầu ao
Ngước qua rào
Hỏi nhà ai làm đám cưới ?
Đám cưới ai ? Ai khóc ở sau vườn
Gói kỉ vật gửi cho mẹ đẻ
Cắp nón đi tìm hài cốt người yêu
Con sông quê trôi mùa lũ ầm ào
Hoa phượng học trò tan theo nỗi nhớ
Những mùa hoa sau chiến tranh
- Sao mà hoa đỏ thế ?
Một thời bom đạn có nhau
Nay nỡ quên làm sao được
Những Người Ba mươi tháng tư năm trước
Bây giờ ở đâu?
Lời hò hẹn năm nao
Cuốn vùn vụt với mưu sinh vật vã
Bát cơm chan mồ hôi bết trên trán vợ
Mảnh đạn trong người cũng lên ruộng cạn xuống đồng sâu
Ơi bạn nằm đâu?
Ơi bạn về đâu?
Thoáng đã sợi đen sợi bạc
Vẫn nhớ
Những người Ba mươi tháng tư năm trước
Bây giờ ở đâu?

Người lính năm xưa da sạm bạc đầu
Ngân ngấn khóc trước màn hình “ Nhắn tìm đồng đội “

Ba mươi tháng tư lại tháng tư
Phượng lại đỏ nắng cứ vàng cứ gió
Kỉ niệm cứ đan dầy hoa đỏ
Thêm mỗi mùa hoa thêm sợi bạc trên đầu
Thêm thương thời rau cháo bên nhau
Nhớ khuôn mặt mình ngây ngô ngày Sài gòn giải phóng
Con búp bê váy hồng
- Bây giờ
.... bạn có còn không ?
Ơi người em Tân Phú Trung
Sáng ấy ta gặp em
lấy tay em lau nước mắt
Ta gọi mẹ em là má
Uống dừa nước mắt quê hương.
Những bước chân lấm đường trên phố
Gọi trong tiếng khóc đồng bào.
Khúc 5 – Tâm sự
Chúng mình đã từng nhịn đói
để người bạn ốm cầm hơi
Chúng mình đã từng hút đạn
Cho nhau thoát phút hiểm nghèo
Chúng mình đã từng trao nhau
Tên người yêu và địa chỉ
Những bạn bè mình năm nao
Nay sao bỗng dưng không nhớ ?
Chúng mình tìm mình năm cũ
Đồng đội ơi ! đồng đội ơi !
Nếu một ngày không nhớ nữa
Thì mình biết mình là ai?
Hà nội 30/4 năm 2009
NTL

Pơ lang khát




Pơ lang mùa khô
Màu đỏ khát
Những tấm váy phơi bên sông 
Nắng rát 
Khát một dòng sông .

Chúng tôi hành quân 
Mùa khô 
Pơ lang hưng hức 
Em Gia rai. 
Căng áo gùi đạn dân công
Cánh hoa mọng như cánh buồm con 
Bặm môi trên đất.

Tôi về quê 
Mấy chục năm vết thương nhức nhớ
Cây gạo bờ sông ướt mưa tháng ba triền ngô vẫy cờ 
Thả thính bằng chùm râu dấp dính
Pơ lang không khát
Pơ lang tỏ tình , gió rung rinh

Thương mùa tôi đi qua 
Vùng ba zan mồ hôi trai tráng 
Pơ lang 
Đỏ khát
3/5/2019 

Tháng năm của lính


Ta về mấy chục tháng năm
Bao nhiêu nỗi nhớ xa xăm cả rồi
Tháng năm đỏ, tháng năm ơi
Mồ hôi là những bời bời tiếng ve

Bao nhiêu hồn mất có về
Bờ sông nhức mắt màu quê phượng hồng
Nghĩa trang tới tận chót cùng
Cuối Hà Tiên lại chập chùng nghĩa trang .

Chạm vào đâu cũng là thương
Tháng năm đỏ suốt con đường vào ra
Vuốt tay lên trán đã già
Ngày qua Bến Hải tiếng gà dưới bom

Tháng năm ơi lại tháng năm
Tiếng cười bạn gái xa xăm sân trường
Chạm vào đâu những yêu thường
Cũng lên màu đỏ con đường mình đi
4/5/2019 

Lập Hạ




Em bảo hôm nay lập hạ
Xuân đi đã vuột tầm tay
Ơ hay tháng này 
Kỉ niệm
Mùa xuân Trường sơn

Soi qua trăm ngàn dòng suối
Mình hơn khối là người đời
Ngủ trong hàng trăm hang đá 
Mùa xuân mùa hạ đều vui

ấy là cái vui quên chết
chứ mùa nào cũng đau thương
Bom làm Trường sơn lở loét
Em tóc xanh rụng xuống dọc đường.

Hôm nay lại là lập hạ 
Gửi về đâu hả anh
hoa mua rất cũ 
Bạn mình 
Lính cung đường đi hết 
Trường sơn thì lên da non
Lập hạ 
Hoa những mùa hoang
6/5/ 2019 NTL