Friday, October 28, 2016

MÙA ĐÔNG VỀ


( viết cho em )

Rớt tàn hoa cúc họa mi sang mầu sương
Se mắt hồ Tây váy hoa con gái
Ta cố đi nhanh mà như chậm lại
Mùa ơi về nghèn nghẹn gót giầy


Lá buông ngỡ nhau vừa gọi
Ngoảnh má lạnh một phía gió lùa
Bạn ở góc đường cà phê phố
Tờ nhật trình hanh khô

Mùa thu gieo ở mặt hồ
Vỡ nứt chiều vàng dưới chân nhà hàng loang khăm khẳm
Chỗ ngày xưa chờ em cây liễu nay già lắm
Gió lạnh thành lược vò tóc thu

Cuc họa mi ngày xưa
Trắng một bên mái cặp tóc em ba lá
Môi tái đạp xe ngược lên Võng Thị
Anh đi theo vòng xe em từ sau chiến tranh
Hồ Tây rung rinh

Sương lạnh rơi trên vỉa hè xếp hàng phiếu vải
Mùa này em có áo khoác hay không?

Anh đi theo em qua cổng trường Chu Văn An về phía Bưởi
Gió lạnh nương vào gốc cây sà cừ gần trăm tuổi
Một mùa hoa Cúc run run
Mùa đông đã bốn mươi năm

29/10/2016

Thursday, October 27, 2016

Nghệ sĩ lính

Chiều qua hai thằng đi đám giỗ mẹ đứa bạn thân hồi còn cùng nhau đi chiến đấu ở miền nam. 
Bảo nó:
- Đơn thuốc mày cho, tao uống không khỏi. 
Nó :
- À thế à. Tao sợ cho thứ thuốc khác kia mày sẽ khản giọng không hát được.
Mình trố mắt nhìn nó. Hát cái gì ? Hát bao giờ mà hát? 40 năm nay quên hẳn cái chuyện hát rồi cơ mà. 
Nó à ờ nhỉ rồi tiếp :
- Tao cứ ngỡ vẫn còn như ngày xưa ở trong rừng nghe mày hát. Với chúng tao mày là thằng hát hay nhất. Lúc nào nhớ về mày là nhớ mày hát vang rừng khi hành quân trên Trường Sơn. Những lúc mệt tưởng như không leo dốc được thì là lúc nghe mày hát. Giời đất ạ, sao ngày ấy mày khỏe thế! Rồi giải phóng Sài Gòn, sinh viên văn khoa và kiến trúc vây quanh nghe mày hát và dậy hát những bài cách mạng. 
- Chuyện ấy xưa như chim sáo rồi mày ơi. Lao đầu vào học vào cơm áo rồi cựa quậy trong trong thị trường, con người chỉ lao đi kiếm tiền nó chai lì trở lại .
Nó cười he he! May mà mày không trở thành nhà thơ đấy. 
Nghĩ tức nó:
- Mày đéo biết đọc thơ. 
Nó nhướng mắt lên
- Mịa cứ tưởng mấy thằng mần thơ mới biết đọc thơ à? Thơ là văn vần chưng cất văn xuôi mà ra chứ đéo gì. Mà đã chưng cất thì giống y như thằng nấu rượu. Rượu cuốc lủi, rượu gạo rượu ngô rượu men lá men quả trăm loại rượu thậm chí rượu nấu bằng sắn bằng chuối nữa. Thơ cũng hệt như thế, những đứa mộng mị làm đĩ với ngôn từ là loại cồn công nghiệp pha hương liệu mua ở ngoài thị trường nội địa hoặc thị trường ngoại quốc. Loại này thơm ngửi thôi đừng uống. Uống chỉ tổ đi đái buốt. Thơ suốt ngày chửi bới là thứ rượu pha phân đạm, thơ kể lể tình ái là rượu hả hơi ắp thành dấm.... Thơ thật ít lắm. Cũng như rượu ngon ít lắm. Nó say mà éo biết say lúc nào. Người nấu rượu ngon éo bao giờ ngồi khoe cách nấu rượu cả. 
Rồi nó nói tiếp
- Mịa tao ghét nhất những thằng mần thơ uống rượu rồi đọc thơ khen nhau gọi huynh này tỉ kia trông rất hãm. 
- He he hãm là hãm thế nào, quân tử cả đấy mày ạ. Toàn những thằng coi thường vật chất đấy. he he, chúng nó sống bằng tình yêu … he he.
Chia tay nhau nó bảo, mày chuẩn bị nhé, tháng ba năm sau chúng mình đi vào Tây Nguyên nhé. Đi thắp hương cho chúng nó. Cố khỏe mày ạ, rồi vào trong đấy lại hát cho bọn nó nghe, đồng đội mình đéo quên mình đâu. 
Ối giời ạ. Thì ra thằng bạn mình nó mới là nghệ sĩ. Nghệ sĩ lính, đúng là nghệ sĩ lính.

28/10/2016

Mùa chim di trú


Khi đàn chim tránh rét bay qua
Hoa cải vừa kịp nhú
Bãi sông làng mình như áo con thơ hanh vàng
Gánh nước trĩu nặng vai em

Em chân trần đường xuống bến bốn mươi năm
Gánh nước đợi anh cây gạo thành cổ thụ
Bãi sông Hồng không cổ xưa hơn nữa
Hoa cải vẫn tinh sương tiếng chim rớt gọi bầy

Chia tay nhau bến vắng bến lại đầy
Hòa bình trôi sông biền biệt
Người chẳng trở về bến sông thành li biệt
Ngày anh đi đàn sếu cũng qua làng

Ngày anh đi níu tiếng sếu giăng hàng
Chim di trú có ngày chim trở lại
Anh của em thì đi đi mãi
Nơi nào anh? di trú tận trời Nam?

Hoa cải bốn mươi năm hoa cải vẫn vàng
Chỉ có em bước chân dần ngắn lại
Chỉ nỗi nhớ anh là dài ra mãi
Trôi theo dòng lã tã gió hoa trôi

Ơi đàn chim di trú ở trên trời
Miên man những là thương về đất
Rồi sẽ đến ngày những người chờ chồng đi giữ nước
Nhẹ nhàng quên như hoa cải ở ven sông

27/10/16 

Sunday, October 23, 2016

MIỀN ĐÁ


Một chiều đứng trên miền đá
Nhấp nhô lưng bóng mặt trời
Cả gió cả hoa như thể 
Quay nhìn về phía miền xuôi

Người đi tìm tam giác mạch
Tôi ngẩn ngơ trước núi già
Ở đây hoa nhiều hơn cỏ
mọc từ trong đá mọc ra

Em bảo trời gieo hoa xuống
Vương vào tiếng ngựa rung reng
Thấy má gái mèo hồng đỏ
Hoa miền đá cũng hồng theo

Ta lên cột cờ Lũng Cú
Ô kìa biển ở dưới chân
Mấy triệu năm rồi em nhỉ
Biển xa miền đá bao năm?

Người lên với đá thì thầm
Đá cũng thầm thì từ núi
Đồng văn đã từng là biển
Lưng còng đá nhớ biển khơi.

Em bảo triều cường đang nổi
Ngày xưa từng ở Đồng Văn
Em bảo ngày xưa biển hỏi
Triệu năm sau ai ghé thăm?

Anh và em về miền đá
Thấy biển như biển bây giờ
Nép vào vai anh mà hỏi
Tình mình như đá hay thơ?

19/10/2016 Mã pì lèng

Thursday, October 20, 2016

ĐỪNG VỀ KHÂU VAI ANH NHÉ.


Em bảo không về Khâu Vai đâu
Nho Quế chẳng còn xanh nước
Bụi mù đường dốc 
Sườn ngô đỏ cả Mã Pì Lèng

Em hóa đá vào tiếng khèn rung
Anh cũng thế đá tựa lưng vào hai đứa
Em không thích chuyện tình mình đi tìm nhau lần nữa
Khâu vai Khâu vai mộng mị chuyện trên giời

Một lần một lần thôi
Xin anh đưa em lên Thượng Phùng anh nhé
Ơi cái bản đứng chênh vênh bên kia dòng Nho Quế
Có ai đủ lòng dũng cảm để lên không?
Có ai vượt qua Khâu Vai mà đến với điểm trường
Băng đóng cứng mấy tháng trời cứng phơ trang sách
Dưới kia nườm nượp tang tình…

Em chẳng về Khâu Vai đâu anh
Chẳng muốn mình những chuyện dang chuyện dở
Còn một phút nào thì hãy đốt nhau đi có thể
Rồi đi lên với chót vót tổ tiên mình

Mang cây hoa nhổ trên Mã Pì Lèng
Hoa thơm mùi ngô mùi núi
Đêm đêm triều cường đẩy lục bình vào thành phố
Em nhớ mùa Tam giác mạch ở biên cương

21/10/2016

Wednesday, October 19, 2016

NGƯỜI Ở BÊN SÔNG


Một chiều ra sông đứng ngóng
Đò lên đò cũng không chồng
Chiều xưa từng ra sông đứng
Đò toàn góa phụ sang sông

Bến đỏ búp giong giềng lửa
Ngọt cho con bướm con ong
Rồi cuối mùa quăn gió bấc
Bến nhà tôi cũng lạnh lùng

Thế rồi mỗi chiều vẫn thấy
Có một người quảy nước sông
Thả cánh hoa tàn đứng lặng
Dòng trôi trôi cả hoa râm

Chị ơi về thôi chị ơi
Đã bốn chục năm rồi đấy
Chị gánh cả về chiều tối
Tưới đêm đêm lệch vai giường

Con sông ơi sông quê tôi
Chân trần séo vào mùa cũ
Chị tôi chéo khăn mỏ quạ
Gói chiều vào cả khói hương

19/10/2016

ÁO LÍNH BINH NHÌ


Một thời chúng tôi làm lính 
Áo chúng tôi xanh và tóc chúng tôi xanh
Một thời chúng tôi nhìn em là lính
Áo lính em thắt đáy lưng ong

Cả phần đời sau vẫn cứ yêu áo em
Một ngày nhìn người bạn gái binh nhì thủa xưa khoác áo sĩ quan
Tôi chẳng thể có em như thể tôi đã mất
Áo lính còn đâu dáng của em mềm

Tôi người đàn ông cứ chập chờn mơ về tấm áo
Những mùa chiến chinh áp khít ngực trinh nguyên
Áo em rách anh thèm đếm từng mũi chỉ
Lúc tỉnh lúc mê thời súng nổ cao nguyên

Nếu bây giờ giữa phố
Nếu bây giờ hội hè gặp gỡ
Có một thoáng áo sĩ quan lướt qua những người lính cũ
Là lúc lính chúng tôi đang nhớ về tấm áo lính ngày xưa
Áo em gái lính binh nhì

19/10/2016

Tuesday, October 18, 2016

ÔNG NẰM VÕNG CHÁU NẰM NÔI


Ông nằm võng cháu nằm nôi
Cũng à ơi cũng ru hời ... lời ru
Trường sơn mưa xối bom thù
Võng ông chao giữa khói mù đạn bom

À ơi cháu ngủ cho ngoan
Tiếng ông ru cháu nghe khàn rừng xưa
Bao nhiêu no ấm cho vừa
Bao nhiêu vinh nhục đến giờ còn đây

À ơi cháu ngủ cho say
Dẫu không xe xịn nhà tây du thuyền
Bao nhiêu thân phận lành hiền
Vẫn còn tấm võng Trường sơn bạc mầu

Mai sau à ơi mai sau
Một thời nhớ một thời đau nhân tình
À ơi cháu ngủ cho lành
Quan tham thời cũng tàn dân ơi à

Chẳng còn "con chuối con trê"
Chỉ còn phố xá bốn bề bê tông
Hết rồi hồ vũng ao đầm
Màu xanh xa lắm Việt nam ...ơi à

Đời ông cho chí đời cha
Ghé vai gánh vác san hà lâm nguy
Mai sau cháu có còn gì
À ơi nợ kiếp đầm đìa cháu ơi

Thôi thì cháu ngủ cho say
Có ai chọn được sinh ngày hay đêm
Có ai chọn được quê hương
Có ai chọn được họ hàng nhục vinh

"Cũng là thôi cũng là đành "*
Đừng chê cha mẹ của mình hàn vi
Cháu ơi cháu ngủ đi nghe
Võng Trường sơn rách còn nghe hồn người

Ông nằm võng cháu nằm nôi
Ngàn năm vẫn cứ à ơi cháu à
Tiếng nôi gần tiếng võng xa
Tổ tiên với tiếng ông bà à ơi

* thơ Nguyễn Bính
HN sáng trở gió 14/10/2016

Tình Đá


Chiều nay đá hỏi
Em để lại nắng cho ai?
Em cười. 
Đá đang buồn lắm
Mai xa miền đá miền anh

Đá hỏi bao giờ trở lại
Núi reo hồn đá vào lòng
Hoa từ trên trời gieo xuống
Mang về Đô thành được không ?

Má môi lạnh vào đá xám
Hoa Tam giác mạch thì hồng
Đồng Văn đêm nương vào đá
Nho Quế thở dài mông lung

Em sợ lắm mà em yêu lắm
Càng sợ em lại càng yêu
Ơi cao nguyên đá
Đồng Văn hóa đá vào em

Mèo Vạc 17/10/2016

Wednesday, October 12, 2016

KHÔNG CÒN MÙA THU


Anh níu mùa thu ở lại
Nắng rơi ở cuối muộn phiền
Đêm qua giở giời húng hắng
Mùa thu anh lại mùa thu em

Thu cứ mon men ngoài chung cư
Tránh xa hối hả
Thu không về trên những trang báo sáng nay trên phố
Mùa thu tránh xa nơi những vụ án quan tham

Sương rơi vu vơ ở chốn công đường
Không có màu của gió màu của nụ hôn
Mùa thu không về trên những công trường
Mang những cái tên đại gia này nọ
Những anh hùng thời mở của
Không bao giờ biết có mùa

Anh níu mùa thu ơi
Mùa lá đỏ góc Trường sơn lửa bom bỏng rẫy
Níu tóc em xanh ở bờ suối đạn khét mù
Mùa thu ở đấy
Không về đến Thủ đô

Sáng nay nghe lũ về chậm chạp
Mùa thu cũng níu vào vai em gái miền tây
Sáng nay nghe gió lạnh trên rừng hoa Tam giác mạch
Mùa thu vẫn hồng má em gái biên cương
Nơi anh
Cá hồ Tây chết trắng 
Không còn mùa thu

13/10/2016

Tuesday, October 11, 2016

THU CŨ


Thôi thì giở lại mùa thu
Của ngày xưa ấy để mà nhớ em
Sông thì cạn cả nỗi niềm
Đò không vào bến ngủ quên cuối ngày

Heo may mãi cứ heo may
Cánh chuồn lay mãi cứ lay cả chiều
Vàng vào hoa cải liêu xiêu
Gầy vào ngọn mía gió lao xao buồn

Ai về đi khuất hoàng hôn
Bỗng nghe tiếng lá quay tìm mùa thu

Đan Hà 11/10/ 2016

Chuyện được phong anh hùng thời đổi mới


Năm ấy vào 2006. Xí nghiệp tôi có khối lượng công nợ khó đòi lên đến 18 tỷ. Tất cả bên nợ đều là Doanh nghiệp Nhà nước mua thép của chúng tôi. Nói có bóng đèn điện chứng giám, chả có thằng doanh nghiệp chó nào đi tù chỉ vì nợ doanh nghiệp nhà nước khác. Chả thằng nào ngu mà đi nợ tư nhân. Thế mới biết cái “Nhà nước” nó bông phèng cỡ nào trong làm ăn kinh tế. Cứ dựa vào nhà nước mà mần ăn mà đục khoét mà lách luật.

Trong 18 tỉ ấy thì cái thằng Công ty cầu 12 nợ tới 4 tỉ 8 , còn lại là hơn chục doanh nghiệp khác trong hệ thống Vinaconex, Lilama, rồi các sen kô này sen ko nọ. Tóm lại là thằng Cầu 12 của Tổng 1 bộ GTVT là nhiều nhất. Nó mua thép làm cầu mà cầu xong từ 2 năm rồi 3 năm tiền vẫn đắp chiếu. Cực chẳng đã,

Chúng tôi kiện ra tòa Kinh tế tòa án Hà Nội. Rất nhiều lần làm việc, gọi là hòa giải. Chả mảy may động tới chân lông con nợ. Giám đốc nó cử toàn phó phòng lên tòa. Một lần Tòa tức quá đánh giấy đích danh Giám đốc Công Ty lên làm việc. Giám đốc họ Cấn bận công tác nên tay Phó Giám đốc lên. 
Tòa nói , cùng là DN nhà nước đừng để phải ra công đường. Các anh chiếm dụng vốn của người ta 3, 4 năm nay không trả , người ta sống làm sao khi cứ mỗi sáng ra đã thấy mất đi cả triệu lãi vay quá hạn. 
Tay con nợ Cầu 12 trả lời. Thì chúng tôi có mang tiền về nhà tôi đâu. Nó vẫn nằm ở Nhà nước nó vẫn ở Công trình đấy thôi. Chúng tôi ti tỉ công trình trọng điểm dở dang kia kìa.
Tòa nói, này anh anh nói vậy là không được. các anh là đơn vị anh hùng, đã 3 lần anh hùng không thể cùn.
Tay con nợ 12 nói lạnh tanh
- Nếu các anh kiện tiếp thêm lần nữa công ty tôi sẽ thêm một lần anh hùng nữa cho mà xem.


Và đâu sau đó một hai năm nó anh hùng thêm lần nữa thật. Mãi tới 2007 chúng tôi cũng thu hết nợ bằng con đường kiện cầu 12 phá sản. 

Từ ấy tôi rất ghét bài hát của Trần Tiến có câu…” Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu”…Cũng lâu rồi cứ cái cụm từ nào có kèm thêm danh từ Nhà nước là tôi chán. Chán hẳn. Bố khỉ! 

11/10/2016

Sunday, October 9, 2016

Quê hương ở trên phây búc


Chú em trai tôi năm nay ngoài năm mươi kể.
Khoảng những năm chín mươi gì đó chú đi dậy một lớp bồi dưỡng cho công an tỉnh biên giới. Lúc ấy đi lại khó khăn, viễn thông manh nha nên việc liên lạc về nhà cũng vất vả. Một hôm chú ra Bưu điện tỉnh Cao Bằng gọi điện về quê. Lúc ấy gọi điện trong ca bin và người nhân viên bưu điện phải quay số cho khách hàng. Hỏi, anh gọi về đâu? Về xã ĐH huyện Hạ Hòa Phú thọ. Cô nhân viên ( theo em tôi kể) rất xinh giật mình đánh thót. Gọi về xã để nhắn cho bố mẹ là con đang ở biên giới xong xuôi chú em trả tiền. Cô nhân viên BĐ hỏi anh ơi anh ở ĐH anh con nhà ai. Em cũng ở ĐH đây . Thế rồi nhận ra nhau , chồng cô ấy đến công an tỉnh đón người làng về nhà mời cơm.
Chuyện đã ba chục năm, biên giới xa mù với chú em tôi. Kỉ niệm là những chuyến xe cực khổ với màn sương mờ và chuyện người con gái cùng quê lấy chồng người Tày tít hút ngoài biên thùy hàng chục năm mới về thăm quê một lần.

Bây giờ có phây. Tôi viết Chuyện Làng, chuyện lính chuyện yêu đương tình tang thủa còn trai trẻ. Có người thích có người không . Nhưng chuyện tôi viết toàn là chuyện thật không văn chương nên cũng dễ đọc nhưng khó “lai”. 
Một hôm có một người phây hình đại điện là một phụ nữ đẹp mặn mà kết bạn. Người này còm trong CHUYỆN LÀNG của tôi. Đại ý là đấy cũng là quê em. Thế rồi bạn phây ấy inbox cho tôi rằng em là con ông bà ấy ở xóm ấy. Chà bố mẹ bạn ấy thì tôi biết. Ngày xưa mẹ bạn ấy đóng vai hoàng hậu còn bố tôi đóng vai Vua trong những vở Cải lương ở quê những năm đầu 60. Ra thế. Người làng tôi chơi phây búc tứ tán mọi nơi. 
Bạn ấy kể, 
Em ở CB em về hưu rồi. Em đã có cháu và con em thành đạt chỉ hiềm nỗi xa quê biền biệt. Anh ơi gái xuất giá là mất quê. Từ ngày đi lấy chồng xa bố mẹ cứ là nước mắt, quê hương cứ như là chiêm bao mà thôi. Mấy hôm nay đọc được Chuyện Làng của anh thế là đêm nào em cũng thấy quê mình, thấy bao nhiêu là bạn bè thấy cả tiếng hát của bố mẹ em xa xưa thấy cả đàm nước đồng ngòi đầy tiếng cuốc kêu. Quê hương cứ hiện lên trong Phây Búc . Quê hương rất xa nay rất gần ….Chưa bao giờ em thấy quê hương gần đến thế. Anh có lên Trùng Khánh không anh? Mùa này đang hạt Dẻ đấy. Những người bạn anh kể ở CB này em đều biết họ cũng nghi hưu cả rồi. Anh viết nữa về quê mình đi anh nhé. Chả cần viết oai làm gì, quê mình thì có oai oách gì đâu, quê mình chỉ thanh bình và yêu thương nhau là tốt lắm rồi anh nhỉ.

Ra là các nhà văn nhà báo cũng chỉ mong là mình có thành công trong tác phẩm. Anh nghệ sĩ nào mà chả thích có nhiều “phan”. “ Phan” càng cuồng càng tốt, càng đánh bóng cho tên người viết. Mình chả phải người nhà Văn chương. Viết phây búc cho vui tuổi già mà làm vui được cho người đàn bà lấy chồng tận ngoài biên ải. Làm cho người phụ nữ ấy thấy quê hương gần lại, thấy yêu đời thấy chăm đọc hơn. Tôi cũng vui quá đi chứ. Tôi vui nhất là người đàn bà ngoài biên thùy ấy nói rằng
- Quê hương ở trên phây búc anh ạ 
- Ừ phải. tôi bảo
- Quê của em cũng là của anh em nhỉ


10/10/2016

Thursday, October 6, 2016

VỀ HỒ TÂY MÌNH ƠI


Mình lại về hồ Tây em nhé
Bố U mất cả rồi hồ buồn thế
Sương buông líu ríu tháng mười
Trích Sài hết mạch nha, Võng Thị hết hồng xiêm rồi
Mùa thu đi đến hồ Tây rấm dứt
Sương thì vẫn rơi

Ngày anh đứng chờ em cây phượng còng sóng xô Quán La dàn dạt
Anh dấu giáo trình triết học trong bụng đói cồn cào
Em ùa đến như cơn gió mát
Từ phía Trúc Bạch thổi lên

Em khúc khích cười, bánh mì U bán còn thừa em mang cho anh
Ôi sao nhớ nắm cơm trên trận địa của bạn anh đến thế
Chiến tranh vừa đi qua con sốt rừng vẫn trong cơ thể
Thơ phú gì sóng nước đẫm văn chương

Anh ở trên rừng về yêu em nên thương
Quần lụa mỏng mùa đông hồ Tây rin rít gió
Ơi cái thủa phiếu tem thước đo công dân và tình yêu già trẻ
Vật vờ sâm cầm vào bóng heo may

Ta trở lại chẳng còn đâu dốc Võng
Chẳng còn đâu dốc Sở, xóm Nhật Tân
Thì vẫn đấy Tảo Sách chùa ngày càng rộng mở
Bên tây hồ cong cóc khói và nhang

Sinh nhật em anh đạp xe lên Quảng Bá
Trăng rất trong hôm ấy đêm rằm
Giữa vườn hồng anh lựa mười bông trắng
Tặng em rồi mai nhịn mấy ngày ăn

Hồ Tây xanh như mùa xa xăm
Sóng chẳng đổi hướng cứ xô vào Xuân La Võng Thị
Làng cứ lở và thơ thì ngày càng hay hơn xưa em nhỉ
Chỉ có chúng mình già bên mộ Bố và U

Chẳng có anh thi sĩ nào viết thơ từ xưa
Nhắc đến hồ Tây trong ngày sương muối
Anh và em thì quên làm sao ngày ấy
Hun hút em, tê tái em gầy

7/10/2016

Wednesday, October 5, 2016

Làng


Xa mãi
Rồi một ngày kia cũng phải về
Quê rất cũ 
Bùn vẫn không thể mới

Đon rơm mỗi làng một thói
Bó mạ làng thẳng làng nghiêng
Kén nước ngả tương
Yếm nâu cũng non cũng đậm

Dấu người trên bùn
Ngón bấm còng bàn chân nhao về phia trước
Hát ngoài đình
mềm đêm lá bưởi tóc ướt xẩm xoan
Không ngọng líu ngọng lo
Chẳng có sờ nặng sờ nhẹ
Từ xửa từ xưa
Phân vân một đời chuyện tôm chuyện tép

Ở một góc chợ Hà Nội bây giờ
Tôi gặp măng tươi buộc bằng lạt nứa
Tôi nhận ra làng mình
nhận ra dấu cài nút lạt

Người quét chợ lom khom vun mớ rác vào thùng
Tôi nhìn theo bâng khuâng
Chiều nay
Tôi ra cầu Thăng Long
nhìn hút ngược sông Hồng.

6/10/2014

Tuesday, October 4, 2016

HAI LÚA


Rằng anh chỉ là anh Hai Lúa
Em yêu mùi của ruộng đồng
Giữa ồn ào nhậu nhũa
Yêu mà ngó lơ như không


Giữa đám đông nên em thời thượng
Cũng dzô dzô rồi tít mắt cười
Thế mà liếc xéo vào mắt
Anh nhìn ai em biết ngay thôi

Cái thời trẻ trai ra trận
Biết yêu với hờn là chi
Ôm ba lô mơ toàn thấy gái
Trường Sơn miền nhớ miền thương miền ước mơ

Ồn ức nhức nhối thị thành
Mà em bảo yêu Hai Lúa
Ô hay người anh yêu cũng như dơ dở
Dở người thế nên anh yêu

Em bảo đừng yêu cái thằng môi mép
Đừng yêu thằng mã Dẻ cùi
Anh là mã gì mình nhỉ
He he. Hai lúa mình ơi

Hà Nội 5/10/2015

Monday, October 3, 2016

Người khách hàng lập dị

Chừng năm 1997, lúc ấy tôi làm quản đốc một xưởng vừa sản xuất vừa kinh doanh mua bán hàng phế liệu kim khí. Thời gian ấy, những năm 90 ai cũng khổ cũng phải làm cả những việc không phải nghề hay sở thích của mình. Một lần tôi có một ông khách tóc dài và gầy cao lêu nghêu cặp mắt sáng khác thường. Tôi không nhớ rõ anh ấy đến giới thiệu cho tôi một điểm phế liệu sắt thép gì đó. Lan man từ chuyện hàng họ sang văn thơ lúc nào không hay. Ông khách nói chuyện với tôi rất lâu và quên mất chuyện sắt thép lúc đầu. Cuối giờ chiều anh ấy mời tôi về nhà. Thấy cũng tiện đường tôi nhận lời. Nhà anh trong đê Tô Hoàng. Căn nhà cũng khác thường. Nhà sàn trống tênh và rất nhiều đồ dân tộc đồ nước ngoài treo lơ lửng trên cột trên lan can cầu thang. Mọi thứ trang bầy nhà anh khó hiểu , lạ lẫm . Anh ấy nói say sưa về dịch thơ từ tiếng Anh. Anh đọc thơ tuyệt vời nhất là đọc thơ tiếng Anh. Rồi anh ấy tặng tôi cuốn sách mỏng dịch thơ tiếng Anh ấy . Tôi nhìn trên bìa thấy tên Đắc Lê , Giật mình. Ra là người dịch “ Hoa dai” và “ hãy để ngày ấy lụi tàn “ .
Anh sống giản dị đến mức khó tin …. Tôi kém tiếng Anh nên quan tâm đến phần văn học trong bản dịch của anh ấy. Tự thấy mình không phải là tầm của anh và lúc ấy mình là anh buôn phế liệu nên không dám mở miệng nói đến văn chương . 
Hai mươi năm nay không biết anh ở đâu. Hôm nay đọc lại cuốn sách của anh lại thấy nhớ anh. Không biết anh có khỏe không. CHúc anh luôn khỏe và sáng tạo nhiều cho đời

Toi trích một đoạn thơ mà anh Đắc Lê dịch trong bài 

A woman’s looks

A woman ‘s looks
Are barbed hooks
That catch by art
The strongest he art
When yet they spend no breath

But let them speak
And sighing break
Forth into tears
Their words are spears
That wound our souls to death….
Anh Đắc Lê dịch đoạn này như sau
Ánh mắt của đàn bà
Là lưỡi câu có ngạnh
Câu được thật tài ba
Trái tim đầy sức mạnh

Còn khi nói thành lời
thở dài thành lệ rơi
Lời nói của ánh mắt
Là lưỡi gươm đấy chứ
Làm cho ta bị thương
Những vết thương chí tử.

1/10/2016

Cuốn sách Đắc Lê tặng tôi