Thursday, March 31, 2016

Mẹ tôi

Đêm mẹ đi mưa to lắm. Cơn mưa rào đầu mùa như trút nước. Khoảng nửa đêm, mối bay kín cả sân. Từ ngoài sân vườn chúng tràn vào nhà có tới hàng ngàn con. Thấy có điều rất lạ. Đúng lúc ấy mẹ đi. Hai con trai và hai cô con dâu đứng bế mẹ trên 8 cánh tay để mọi người bê cái giường của mẹ từ trong buồng ra giữa nhà rồi đặt mẹ nằm. Phải mất 30 phút mới lắp xong cái giường cho mẹ vì khung cửa nhỏ. Trời tạnh, mối cánh nằm chết kín nền nhà. Đứa em vội lấy chổi quét ra đến ki lô gam xác mối. 
Từ ấy cứ ngày giỗ mẹ là lại mưa. Mưa đêm rồi sáng ra lại tạnh ráo. Lại nhớ, trong những ngày nằm liệt trên giường chỉ sống bằng truyền dịch và cháo loãng. Môi mẹ khô mẹ bảo thích uống nước mưa. Nhưng những ngày ấy chưa mưa rào, vả lại không muốn cho mẹ uống nước lã sợ nhiễm trùng vết cắt dạ dầy bị ung thư. Một ngày tôi có việc về Hà Nội, đứa em gọi điện, Mẹ bảo anh mua chai nước Lavie lên cho mẹ uống. Tôi bảo, ở nhà cũng đầy ngoài quán sao không mua cho mẹ? Đứa em bảo, mẹ không uống đâu, mẹ bảo chỉ uống nước của anh thôi. Ấy vậy mà làm sao lúc lên lại quên không mua từ Hà Nội. Xe đến làng thì chợt nhớ. Nhảy vội xuống xe mua mấy chai về cho mẹ. Mẹ uống và bảo, nước con mua mẹ thấy ngon. Tôi ra đầu hè đứng khóc. 

Mẹ ơi, với cha mẹ, chúng con bao giờ cũng có nhiều lỗi lầm, bao giờ cũng muộn màng và bao giờ cũng được mẹ tha thứ.
1/4/2016

Monday, March 28, 2016

HỜI ƠI SÔNG.


( Lời một người vợ liệt sĩ ở quê tôi)
Hời sông ơi ! mùa nước cạn
Rau ngồng vàng bãi ngày xưa
Áo yếm giờ em nhuộm lại
Nâu non giở giấc chiêm mùa

Có chiều bồ nông dẫm bãi
Em giờ lầm lụi bước chân
Mía cứ trổ cờ chắt ruột
Ngọt lên búp lá mùa đông

Hời ơi con sông khuya khoắt
Chẳng nghe ai đó gọi đò
Thế mà em nghe rất thật
Anh về gọi nấc bờ kia

Giữa đêm em nhào ra bến
Dòng cạn lội ào ngang hông
Có bao nhiêu là đom đóm
Như là buổi anh tòng quân

Hời ơi là hời con nước
Nỡ sao nay đã đổi dòng
Cải ngồng muối dưa vẫn được
Nỗi niềm sông cứ nổi nênh

Em về thắt đêm vào yếm
Buộc tiếng gọi đò vào đêm
Giữa khuya em ra bãi vắng
Cắt ngồng vào ủ thành men

28/3/2016

Sunday, March 27, 2016

Cơm ở Viện


Tháng 7 năm 1973 sốt quá phải đi viện. Từ dẫy Chư Rông Rang Tây Po Lei Ku ra Đức Cơ chỉ chừng 25 cây số mà đi mất hai ngày. Bò lê lết, ngày đầu tiên về đến rừng mít Thánh Giáo. Ngủ lại đấy, ở trạm thông tin sớm hôm sau đi tiếp. Ra viện D24, gặp khối thằng cùng tiểu đoàn ngoài Bắc cũng đang gật gù ở đó. Người đầu tiên mình gặp là B phó Trần Nhật Tăng ở C1. Hắn sốt dã man, mọi người tưởng hắn chết đến nơi. Thế mà hắn sống. Bác sĩ bảo thằng này rồi sống dai đây. Nó sống dai thật, ba năm sau đánh Đồng Dù nó là Đại đội trưởng mở cửa nổi tiếng dũng cảm, bây giờ nghe đâu sống ở Lào Cai. 
Lán 5 thằng thì 3 thằng E 48, một thằng D 16 lính 12,7 và mình. Đói và sốt song hành. Hai thằng 48 bị thương nằm bắt kiến, còn 3 thằng sốt rét đều phải đội mưa vào rừng vào nương kiếm ăn. Kiếm được cái gì lụi hụi nấu. Thôi thì măng tre, quả mít xanh hay tươm tươm thì ôm rau khoai lang về nấu cả dây cả rễ, ình hình vẫn đói nên bàn nhau, 5 thằng báo 4 xuất cơm và một xuất cháy. Báo cháy thì anh nuôi họ vét cháy cho thêm nên chia nhau ăn cho no. Dần dà các lán khác cũng báo cháy thế là cháy cũng cũng không còn. Trong ba lô có cái gì mang đi đổi tất. Lúc đi viện thì ba lô còn căng. Lúc ra viện về đơn vị chiến đấu ba lô sẹp lép.
Trưa nay vợ và con trai mang cơm vào ngồi ăn với mình. Thịt gà ăn thì mắc răng, ăn miếng cá rán như ăn phải miếng bánh mì cháy. Chả muốn ăn gì. Bỗng nhớ nằm viện D24 ngày xưa, thế là ăn cố hết bát canh vợ con nấu. Ngoài trời loe nắng. Tháng ba Hà Nội hâm hấp dở hơi thế.
26/3/2016

Thursday, March 24, 2016

GỬI MÙA THU


Anh chen chúc trong dòng người sương mềm sáng tóc thu Hà nội
Em ở đâu, thương nhớ lung liêng mắt lá vàng
Mùa thu dửng dưng leo từng lâm thâm ô cửa sổ
Biết rằng không có em mà thu cứ vội vàng


Mùa thu tím cả cánh chuồn trên mặt ruộng
Lại sắp mùa chim tránh rét bay qua
Tiếng lạc bạn rớt xuống mùa thu cũ
Manh vó kéo tôm thôi khuấy gió mắt ai chờ

Ngây ngô quá mùa thu sao trở lại
Dẫu bây giờ gió vẫn cứ heo may
Em dìu con mưa cuối mùa day dả
Tít trời xa thu có kịp úa cánh vàng

Gửi gió chở thu về miền xa lắc
Chút heo may vừa đủ ngực thơm mềm
Tà áo mỏng khói rơm đồng đất cũ
Sớm thu này Hà Nội nhớ về em

2011

Wednesday, March 23, 2016

VIẾT Ở BỆNH VIỆN.


(Chả biết có nên gọi là thơ không?)

Quanh mình toàn là lính
Tuổi đều ngoài sáu mươi
Căn phòng toàn màu trắng
Nhìn nhau ông và tôi

Người ở dưới quê lên
Người ở ngay thành phố
Người quê con cháu theo
Người phố ngồi vò võ

Chuyện rì rầm to nhỏ
Cơn đau nguôi lúc nào
Là lúc ấy lại nhớ
Chuyện đạn bom rừng sâu

Người phố nhiều khách thăm
Ào ào rồi về mất
Cam chia nhau đều khắp
Mưa ngoài trời lâm thâm

Chỉ thương người dưới quê
Đi chăm nom bố ốm
Trải chiếu nằm bên thềm
Suốt cả ngày lo lắng

Một đời bon chen mãi
Rồi cũng vào viện nằm
Hóa ra toàn lính cũ
Cứ rì rầm hành quân
24/3/2016

Monday, March 21, 2016

Tháng ba mùa giỗ Ngạt

Tháng ba mưa nhiều trời như thiu. Ấy vậy mà hoa xoan nở bập bùng. Cứ như thể loại hoa này nó ưa mưa phùn, càng mưa nó càng tím như khói. Chỉ đợi nắng lên là nó rơi ngằn ngặt xuống đất. 
Lúc nhỏ tháng này đói nên trẻ con như tôi hay đi bẻ măng Sặt, măng Anh, và giỗ Ngạt. Quê tôi gọi loài kiến đen làm tổ to như quả mít trên cây đít cong tớn là con kiến Ngạt. Kiến Ngạt đông quân đốt đến đau và ngứa. Chúng rất thích làm tổ trên cây cao. Tổ ngạt trên cây xoan đập vỡ ra mùi hăng hơn các tổ trên cây khác. Tổ của nó làm bằng lá khô mục và phân trâu nên rất bền chắc. Tôi đoán chừng đông quân quá nên người ta gọi là Ngạt. Đông ngàn ngạt mà lị. 
Đi lấy trứng kiến vào tháng 3 này gọi là đi giỗ ngạt. Mấy đứa con gái mang theo cái nia. Lũ con trai tìm trong rừng hễ có tổ kiến trên cây cao hay trong bụi nứa thì chặt về cho lũ con gái. Chúng nó chém tổ kiến ra từng miếng rồi cắm cây nứa nhọn vào rồi gõ con dao vào thân cây nứa làm trứng kiến và cả con kiến rơi xuống nia. Chúng tôi bẻ thật nhiều bông chit hay cành lá vất lên cái nia cho kiến bò lên rồi nhặt vứt ra ngoài. Vứt gần quá kiến lại bò vào và bò lên chân mình. Phải làm nhiều lần như thế hàng vạn con kiến mới ra hết cái nia để trơ lại những trứng kiến trắng nhe nhởn. Có khi cả buổi chiều kiến đốt xưng chân cũng chỉ được một bát con trứng. Trứng kiến trắng thơm lắm. Lũ con trai bốc ăn sống. Lũ con gái kêu choe chóe giằng lại để tối mang về làm nhân bánh sắn. Bánh sắn nhân bằng kiến ngạt trộn lá kiệu băm ăn ngon lắm. Vài chục năm nay tôi vẫn nhớ mùi thơm của nó. Mùi thơm trinh nguyên của thiên nhiên xa xăm mà có tả cũng chả có giấy bút nào tả nổi.
Bao nhiêu tháng ba đi qua, về quê vẫn thấy hoa xoan bập bùng và những tổ kiến đen chũi như quả mít trên cây xoan bụi nứa. Hỏi con trẻ có biết đi giỗ ngạt về làm nhân bánh không? Chúng nó lắc đầu nhìn mình như người lạ.
21/3/2016

Sunday, March 20, 2016

Uống rượu với sông Hàn


( với một người bạn lính )

Mấy mươi năm giờ ngồi với sông Hàn 
Sóng vẫn cũ và chúng tôi rất cũ 
Bạn tôi cũng dường như hiểu thế 
Uống miết mà màu mắt cứ cổ xưa

Đà nẵng chiều nay lại mưa 
Sao tôi nhớ một mùa mưa vừa giải phóng 
Hòa Khánh Hòa Vinh rợp áo xanh của lính 
Tôi đi tìm thành phố có bạn tôi

Ơi Hải Vân ngút ngát mưa rơi 
Thương miền trung mùa mưa là mùa lạnh?
Lên đèo rồi ngoái nhìn trong ảo ảnh 
Vũng Thùng nơi nao ? Điện Ngọc nơi nào ?

Tôi già rồi về lại chốn năm nao 
Một trưa đứng bần thần bên hai khẩu thần công ngạo nghễ 
Nó đâu rồi? Ôi sao tôi vô lễ thế 
Súng thần công mang tuổi tổ tiên mình

Chuyện đạo chuyện đời chỉ mới mấy mươi năm 
Thành phố thì có mấy trăm năm trước 
Chúng tôi sống cũng như muôn hạt cát 
Dòng sông reo cát trắng cứ vô bờ

Rượu rót bâng khuâng ngó hướng Sơn Trà 
Lung linh sáng một cõi rừng Linh Ứng 
Biển ở phía muối mồ hôi áo lính 
Sóng Gạc Ma máu đồng đội nhuộm về

Gió dạt dào lật lại những ước mơ 
Tôi với bạn rấm rứt hoài nỗi nhớ 
Sóng với nước thì cứ là muôn thuở 
Bạn và tôi hạt cát bến sông Hàn

Uống chén này ta nhìn phía Hải Vân 
Mây và gió đời này qua đời nữa 
Vẫn vần vũ qua muôn trùng dâu bể 
Nhớ trưa nào dựng súng Hải Vân Quan

Rằm tháng 5/ 2013


MẸ TẢO TẦN TRONG CẢ GIẤC MƠ CON


Mẹ tảo tần trong cả giấc mơ con
Giấc mơ con cũng nghèo như đời mẹ
Những điều mẹ dậy chỉ quanh bếp lửa
Những chật chội ước ao đốt lên từ củi khô

Mẹ quét lá vàng suốt tháng năm con đi xa
Vun thành hình trái núi
Mỗi chiều một trái núi lụi đi
Bập bùng màu lửa
Con mẹ ở màu lửa cuối chân trời

Trái đất với mẹ bé chỉ như quả cau
Đêm khuya mẹ tựa cửa bổ cau nhớ những đứa con ngoài hòn tên mũi đạn
Người nhón từng đắng chát
Nuốt vào lòng biệt xa

Giấc mơ con nhoi nhói ở cuối con đường
Manh áo tấm quần bùn thâm tay mẹ
Tảo tần hờn dỗi
Tảo tần nước mắt
tảo tần cơn đói chúng con đi

Lá trầu xanh và quả cau có gì ?
Mà đất nước tổ tiên cứ tạc vào bóng mẹ
Mẹ bảo quả cau giống như quả đất
Tảo tần ruột chát vỏ xanh

Sắp đến ngày giỗ mẹ. HN 20/3/2016
..........................................

Mẹ _ một năm sau mẹ đi





Friday, March 18, 2016

Tháng ba ngày tám


Lúc bé, cứ nghe mẹ ca cẩm tháng ba ngày tám đến nơi rồi. Lo cho con miếng ăn thế nào đây? Dần dần thì hiểu tháng ba là hết gạo, cữ ấy sắn khoai đều chưa có nhà tôi chỉ ăn măng và rau rừng . Ăn cố cho chặt bụng mà theo công điểm Hợp Tác Xã. Măng tháng này là măng vầu cả đắng lẫn măng ngọt. Từ bé tôi ăn măng đắng nên quen. Đến già vẫn thích măng đắng. Có đận học cấp 3 đi ở trọ. Rau thì kiếm ở bờ suối. Những là rau Dớn, rau Rệu, rau Sam, rau Sếu. Tháng ba trời vẫn rét. Học về muộn nấu nồi măng rồi hái ngải cứu luộc chấm muối. Ngải đắng măng đắng ăn rồi đêm cả mấy anh em tôi ai cũng mất giọng nói khều khào. 

Nửa thế kỉ trôi qua, măng đắng thành ra hiếm. Ngải cứu thì Hà Nội nhiều nhưng không giống ngải cứu quê tôi. Đầu tuần rồi, 6 giờ sáng có điện thoại. Ra là chú em thứ tư gọi. “ anh xuống nhà đi em mang cho anh mươi ngọn măng đắng Sơn La”. Ồi tốt quá tốt quá. Xách túi măng nhìn em quay đầu xe đi làm trong sương mù. Đường Hà Nội vẫn vắng. 
Cuối tuần thấy chú em thứ 5 gọi, anh ở nhà em lên nhé. Ừ lên đây tao cũng đang nhớ chúng mày. Em lên xách cho anh một túi ngải cứu non mỡn. Nó bảo, anh luộc cái ngải này ăn cho sướng anh ạ.


Hai bữa nay, sào măng đắng và luộc ngải cứu. Ngồi ăn thấy mẹ lại hiện về. Mẹ bảo, tháng ba ngày tám Hà Nội cũng đói kém thế ư con?
Hình ảnh : Măng và rau của 2 chú

14/3/2016

Kí ức BUỒN

( Có lần bạn tôi là nhà văn xe tăng bảo, thôi đừng viết về đường 7 nữa. Cũng có lần Sương Nguyệt Minh, nhà văn thân thiết và yêu quí của tôi bảo, thôi cho kí ức buồn nó đi qua đi mà sống vui hơn lên anh ạ. Tôi thấy bạn nói đều đúng mà vẫn cứ nhớ hoang nhớ hoải cái tháng 3 tháng tư năm ấy. Thế mới biết thời gian rất chi là oái oăm, nó như đường như mật, nó như dao, như chông, như gai, rồi nó lại như thuốc chữa bệnh, cũng bất ngờ nó lại là thuốc độc )

Kí ức BUỒN

Hôm nay ngồi nhìn những dòng nhật kí ngắn ngủi về những ngày tháng ba năm 1975. Những ngày mà cách đây đã 38 năm , thế mà nó cứ hiện về rõ mồn một . Muốn viết thật vui thật hóm hỉnh về chuyện sống chết mà lại cứ đưa mình về cái mạch xuy nghĩ khác , tệ thế . Mình đa cảm ngay từ xưa bé nhỏ , cái gì nhớ thì day dứt , cái gì yêu thì đến đớn đau . Mới ngẫm lời xưa kẻ đa đoan thì đừng kêu ca sướng khổ . Muốn thăng tiến thì đừng đa đoan , biết dẫm đạp cũng là sự tích cực của đời . 
Mà thôi , mình kể chuyện ở đây là với bạn bè chiến đấu thôi cơ mà . Xin kể :
Cái ngày 28/3/75 trong nhât kí có vẻn vẹn một dòng . Nhưng sự thật thì không phải . Nó dài lắm , dài đến tận bây giờ .

Tôi trích nhật kí " 28/3/75 . hành quân tới ven một bãi lầy Phú yên . ở đây dọc sông máng , bộ đội địa phương đánh một đoàn xe - hành quân đêm trên bờ máng đầu tiên . nghỉ lại đây một ngày ."
Gọi là hành quân thực ra chỉ có nhóm đi bám địch trước chúng tôi thôi , còn đơn vị vẫn ở đằng sau . Khi chúng tôi đánh địch trên Củng Sơn Phú Túc thì có một đoàn xe đã vượt qua rồi . Về tới khúc sông máng , đường 5 này thì gặp bộ đội Phú Yên chặn đánh . Việc đó đã diến ra ngày hôm trước . Phía xa , làng mạc miền nam đầy những vườn dừa , những đồng lúa xanh ngút ngát , chiều nắng vàng sau lưng , chúng tôi hít căng lồng ngực cái hương đồng miền nam mà xưa nay vẫn hát "...Miền nam em dừa nhiều , miền nam em dứa nhiều .."
Không có quân địch , không thấy có súng nổ , chiều hôm ấy thật lạ . 5 thằng chúng tôi ngồi trên mép sông máng , dưới chân là đồng lúa xanh mượt mà . Bỗng từ dưới ruộng có tiếng động. Nhỏm dậy ! bờ ruộng bùng nhùng. Thằng Luật nổ mấy viên đạn lên trời. ( may thế , nó không bắn xuống ruộng ) Từ dưới bùn rùng rùng đứng dậy một chú lính VNCH người bê bết bùn nước, tay xách cái làn nhựa đỏ lót kín bằng những mảnh ni lông, run rẩy. Thưa ông , con xin các ông ... 
Chúng tôi nhào xuống bờ ruộng chĩa súng. NHìn vào cái làn đỏ trước tiên vì nghi đó là vũ khí. Không .. Không có vũ khí nào hết mà là.. một hài nhi. Hài nhi hai tay hươ hươ mắt ti hí ... Người lính xụp xuống ..THưa các ông con đưa vợ con chạy từ quân khu 2 , vợ con ngang đường sổ dạ rồi chết luôn. Các ông có bắt con xin các ông làm phước cho con gửi đứa bé này ...cho nó làm... làm ...người .

Người lính VNCH gục đầu nức nở. Năm đứa tôi nhìn nhau… rồi vội nhìn đi chỗ khác. Chả thằng nào muốn thằng kia nhìn thấy mắt mình có nước. Có tiếng đạn pháo vút qua đầu, người lính VNCH ôm chặt cái làn đỏ vào ngực : Ới con ơi !
Chúng tôi cũng sà xuống che người xung quanh cái làn nhựa loe hoe những mảnh vải vụng về, và tiếng cựa quậy của đứa trẻ lọt lòng. 
Thằng Luật là đứa cục cằn nhất lên tiếng. Thằng Luân chữ đẹp viết một tờ giấy chứng nhận quân giải phóng đã đồng ý cho anh này gửi đứa bé vào địa phương đi. Làm nhanh kẻo du kích họ lại không tin thì khổ... Còn thằng nào có cái gì đưa ra . 
Chúng tôi ngó vào trong làn nhựa ở đó có hai hộp sữa rồi, bây giờ chúng tôi mỗi đứa đưa ra một hộp nữa. Tôi có mấy tờ tiền Trần Hưng Đạo đưa ra cho người lính. Thế là chúng nó bắt chước moi hết tiền ra cho người cha tội nghiệp kia . 
NGười lính VNCH đờ đẫn cám ơn. Tôi giục : thôi đi ngay vào làng đi, anh không nuôi được cháu đâu, gửi dân họ nuôi thôi. Chúng tôi cảnh giới cho mà đi ... Tôi nhìn người lính xách cái làn đi qua cánh đồng vào làng trong hoàng hôn, bước cao bước thấp cho tới khi người lính khuất sau vườn dừa yên ắng rồi chúng tôi mới hành quân .
CHiến tranh lùi lại phía sau còn kí ức thì lại nhao về phía trước mắt những người lính bây giờ già nua.


Ba mươi tám năm rồi. Người lính VNCH ấy còn sống ở đâu ? anh có tìm về một làng ven con sông máng đường 5 Phú Yên tìm đứa con gái tội nghiệp của anh không ?

Ba mươi tám năm rồi, cháu bé khốn khổ ấy còn sống ở đâu? Trong hàng đêm ngần ấy năm trời tôi luôn cầu mong cháu sống và làm người nhân hậu .
Tôi cũng đã già, cũng đã trở lại con đường máu lửa ngày ấy, tôi cũng đã từng ngồi khóc khi xem chương trình kí ức đường 7 của Thu Uyên, bởi hơn ai hết chúng tôi là người chứng kiến tận mắt những mảnh đời bất hạnh vì chiến tranh .

Không phải là giấc mơ


Hai tuần nữa là đến giỗ mẹ. Nhẽ đến hơn tuần nay đêm nào cũng ngủ mơ thấy mẹ về. Mẹ gầy quắt queo. Mẹ cười như lá trầu héo ngày xưa. Mẹ hỏi con có vui không? Cháu có ngoan không? Con hỏi mẹ, Mẹ ơi ở dưới ấy mẹ thiếu gì không? 

Chúng con luôn khấn tới mẹ phù hộ cho cháu con may mắn. Mẹ ừ, mẹ lúc nào cũng theo bước con cháu. Rồi mẹ nói giống như ngày xưa mẹ sống bên con. Cha bố nhà anh, mẹ chỉ thiếu quần mặc đi làm. Con giật mình. Thưa mẹ ngày tết ngày rằm ngày giỗ cháu con luôn gửi biếu mẹ áo quần vòng xuyến kim ngân cả hộp cau giầu tràng hạt nữa cơ mà. 
Mẹ ừ. Mẹ nhận được hết. Nhưng các con gửi cho mẹ toàn áo dài gấm nhung vòng xuyến. Áo dài quần trắng mẹ không mặc đi làm ruộng được. Mà đồng đất quê mình toàn ruộng thụt ruộng lầy. Con cho mẹ xin đôi quần vải láng Nam Định may chân què con nhé. 


Mẹ biến mất. con chưa kịp hỏi thêm câu nữa. Ngoài đường vành đai có tiếng hầm hập của xe đầu kéo chạy khuya. Con ngẩn ngơ trong đêm nhà chung cư rỗng hoác .

18/3/2016

GIỖ THÁNG BA

Ngày 18/3/1975 và cả ngày hôm sau 19/3 nữa. Ngày giỗ cho biết bao nhiêu người trong trận đánh Cheo Reo năm ấy...

Giỗ tháng ba

Sau gần nửa thế kỉ
Chẳng còn chia bên nào
Ngày giỗ vào mười tám
Tháng ba trận Cheo reo

Cha mẹ đã già lắm
Vợ cũng đi lấy chồng
Con cái cũng phiêu bạt
Cỗ bàn ai cúng vong

Tôi nhiều đêm mất ngủ
Nhớ dọc đường sông Ba
Bạn tôi nằm lại đó
Rừng Khộp vàng sót sa

Hoa rừng không thắm nữa
Người chết là đồng bào
Ngày này còn nức nở
Trong cả từng chiêm bao

Xin nén hương mềm lại
Thơm từ rừng ra sông
Thơm cho bao người nữa
Ôi tháng Ba bẩy lăm

18/3/2016
( Tấm ảnh chụp trận địa đánh ngày 24/3 của tiểu đoàn 8 e64 . Trận đánh có Luân và Hoan Khuất tham gia)

Sunday, March 13, 2016

KHÔNG NGỦ


Ngủ đi ta ơi đêm vô duyên thế sao
Tay gầy gối thời gian nhạt thếch
Đêm có mùi khói đốt giấy
Phố cũng trằn trọc tiếng đóng cọc vào đầu

Ước được nghe tiếng còi tàu
Mà chung cư đã xa hút
Ta hưu trí cả tiếng xập xình già nua từ bao giờ nhỉ
Gối ta và em rơi những sợi bạc nát nhàu

14/3/2016

Friday, March 11, 2016

ĐỌC TỰ KHÚC NGƯỜI XA


Gửi tự khúc về với sông Hồng mùa này đang cạn
Lau già phơ phếch bến xưa
phố cổ thèm ngọn gió bãi cát cháy lưng
ngoại ô bằng lăng cõng khói

Câu lí ơi giá mùa này rơi ngoài bến vắng
Gánh hàng rong buồn hiu những phố chợ người
Có cửa ô nào còn hây hẩy gió ?
Chung cư cao gầy lòng cát phau phau

Ở đâu cuối trời em gửi về tự khúc hôm nay
Còn tự khúc ngày xưa vắt hờ trên bậu cũ
Anh biết gửi chi về trong nớ
Mùa này sộng cạn lắm mình ơi

Bão dập dình ngoài cửa biển mù khơi
Sông quằn mình thèm con nước
Châu thổ lên màu trắng bạc
Lí lơi … nghèn ngẹn bến chiều
22/7/10

Thơ viết cho mùa Thu

Thơ viết cho mùa thu

Đây là tập thơ thứ 2 của nhà thơ cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân, một cây bút làm thơ và viết bút kí khá quen thuộc với bạn đọc của Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong những năm gần đây…
Nếu như ở tập thơ đầu tay (Trăng tháng Chạp – Nxb Hội Nhà văn 2009), bạn yêu thơ nhớ đến Nguyễn Trọng Luân bởi những bài thơ nặng về kí ức chiến tranh, ấm ấp tình đồng đội thì trong tập thơ thứ hai này Nguyễn Trọng Luân có vẻ như đã “nhập thế” hơn, mộng mị hơn:
                           Sao anh không về với em
                           Đêm thiếu phụ em khỏa thân vào mộng
                           Thu úa cả sươngđầu mùa giăng men kẻ si tình em xa lắc
                           Chỉ có đêm em thoát về anh
                                               (Đêm thiếu phụ)

Hoặc tỉnh táo hơn:
                           Về đón con đi em
                           Thơ ở phía con nằm mơ ngây ngô nụ cười trở giấc
                           Cội nguồn thơ là bến đậu bình yên
                           Ta mải miết chở hồn già nua qua miền cơm áo
                           Rồi lãng du mộng mị chuốc ưu phiền…
                                               (Về đón con đi em)
Nhưng suy cho cùng anh vẫn chưa làm sao thoát được cái lốt của một người lính từng có quá nhiều kỉ niệm, ẩn ức mang từ cuộc chiến trở về. Thế cho nên dẫu có mộng mơ phút trước: bâng khuâng ngồi trên cát/ biển ngời ngời mà em biền biệt đâu… thì phút sau đã lại tự hỏi mình: Bến ngày xưa đêm xuất kích chỗ nào?/ Nhìn ai cũng thấy quen trưa nay bờ Tùng Luật?
Bài thơ “Uống rượu ngày 30/4” in trong tập thơ này một điển hình cho tâm trạng “lưỡng phân” ấy của những  người lính, với họ chẳng có sự hưởng thụ nào là trọn vẹn nếu không nhớ về những người đồng đội đã nằm lại trên những nẻo đường ra trận:
             Tôi sẽ uống trong ngày 30/4
             Nếu có say xin đừng vội trách
             Tôi uống cho đồng đội tôi không về được
             Bơ vơ nằm khát giữa rừng…
Thế cho nên mấy anh em cựu chiến binh Tây Nguyên sau khi nghe Nguyễn Trọng Luân đọc thơ đều bảo: “Ông viết cái quái gì rồi cũng lại quay về với cái thời ăn măng rừng đi dép lốp” mà thôi… Thì đó: Hoa cải bãi sông Hồng vàng suốt Trường sơn!
Mặc dù trong tập thơ mới này Luân đã có nhiều  bài khá hay về cái miền thơ thứ hai của mình, đó là Mẹ - Quê hương, nhưng cuối cùng thì những gì khiến người đọc có thể thổn thức và ngạc nhiên khi đọc thơ anh vẫn là những khám phá về quá khứ về một tình yêu lớn nhất mà anh đã từng có – tình đồng đội son sắt thủy chung...
Dưới đây là một số bài thơ trong tập thơ “Thơ viết cho mùa thu” của Nguyễn Trọng Luân:

Gửi mùa thu
Anh chen chúc trong dòng người sương mềm sáng tóc thu Hà Nội
Em ở đâu, thương nhớ lung liêng mắt lá vàng
Mùa thu dửng dưng leo từng lâm thâm ô cửa sổ
Biết rằng không có em mà thu cứ vội vàng

Mùa thu tím cả cánh chuồn trên mặt ruộng
Lại sắp mùa chim tránh rét bay qua
Tiếng lạc bạn rớt xuống mùa thu cũ
Manh vó kéo tôm thôi khuấy gió mắt ai chờ

Ngây ngô quá mùa thu sao trở lại
Dẫu bây giờ gió vẫn cứ heo may
Em dìu con qua mưa cuối mùa day rả
Tít trời xa thu có kịp úa cánh vàng

Gửi gió chở thu về miền xa lắc
Chút heo may vừa đủ ấm ngực thơm mềm
Tà áo mỏng khói rơm đồng đất mũi
Sớm thu này Hà Nội nhớ về em

Thu Hà Nội

Đêm thiếu phụ
Sao anh không về với em?
Đêm thiếu phụ em khỏa thân vào mộng
Thu úa cả sương đầu mùa giăng men kẻ si tình em xa lắc
Chỉ có đêm, em thoát về anh

Em ở cuối nguồn anh ở ngọn sông
Em cứ uống như khát con nước nơi anh day dứt nhớ
Kẻ dâm đãng trinh nguyên người tình thiếu phụ
Cuối nguồn em, nhựa ứa sóng vào đêm

Sao anh không một lần ghì chặt núi ngực em
Sao không thể một lần anh thô bạo
Thánh thiện thế để đời thành hư ảo
Hư ảo làm sao có nổi cuộc tình

Thơ cũng chỉ là hư ảo đó mà anh
Chỉ có đêm, đêm trút xiêm y cho thánh thiện
Em khước từ lời yêu thương bằng thơ phiền muộn
Em là em thiếu phụ của đời trần


Đôi dép bạn tôi
Bốn chục năm chẳng quên nụ cười nhau
Giữa trận pháo trong hầm kèo mưa thối đất
Vẫn cãi nhau con Tôm con Tép
Rồi… lao xao bịa chuyện người yêu

Bom đánh vào kiềng đồng đội khiêng nhau
Chôn bạn rồi xin người hi sinh đôi dép
Nức nở hành quân đi về phía trước
Mưa rơi, mưa rơi trắng đất trắng trời

Quê bạn quê tôi cách khúc sông thôi
Bên lở bên bồi mấy nông sâu mòn mỏi
Phía bên bồi cháu con nội ngoại
Bên lở bạn đi hồn vẫn trinh nguyên

Bờ bãi vẫn như xưa xanh lúa xanh khoai
Chờ con mãi không về mẹ đi mùa lũ lụt
Ngày chúng mình lên đường
                            vỡ đê mẹ chèo thuyền sang huyện
Mái chèo ngày xưa mẹ vẫn gác đầu thềm

Chiều nay tôi lại đi thuyền
Sang sông giỗ bạn
Mang đôi dép cao su chĩu nặng
Con thuyền chở cả bốn chục năm

Tháng 7/2010

Cơn giông chiều
Hạ cháy rực con đường xưa mình vẫn đi
Cây cầu ngoại ô chở mệt nhoài lo âu và hò hẹn
bụi ngầu trôi mong ngóng
Ngày xưa vừa qua đã ngái xa

Cánh lá vàng như lửa rơi tàn cuống cuồng cơn giông
Những chiều anh và em đứng nhìn cuồng phong như thế
quấn vào cơn khát em khát cả cơn khát của anh
Thị thành ngầu lên vội vàng như con tim đập gấp

Hạ lại cháy chiều nay em về uể oải
Anh và em xa tàn lá lại rơi đầy
Cơn giông chiều cuồn cuộn lá vàng bay tàn lửa 
Em đội nắng đứng  trên cầu ngoại ô ngoái về ngày xa

Quê Ngoại
Chưa một lần nói lời yêu
Mấy mươi năm vẫn về quê em như về quê ngoại
Trưa miền Trung nắng cháy
Chè vằng thơm ngọt lịm đường về

Những cánh đồng đất trắng, còng rạp áo tơi
 thắt ruột để xanh khoai, hoa cà tím biếc 
Mắt con gái mi dài che gió cát
 đi tìm em trong kí ức của cha

Gió biêng biếc ngát chiều cửa Nhượng
Bàng bac hoa lau nghiêng xuống lưng đèo
Nước giếng chắt từ Trường Sơn tóc gái quê mươn mướt
Xốn xang con sóng Thiên Cầm

Bao giờ về thăm
sông La em nhé
Ngực thiếu nữ soi vào chiều thiếu phụ
... vào xa xăm
Ngó núi biếc hoa râm
Long lanh mắt trẻ
Một thời trai trẻ của anh...
Đi cùng em ngô khoai nâu mịn thịt da mình
Ngực em thơm khoai quê mình ứa mật
Cát níu chân người tuột dép
Ngập ngừng... tay nắm tay nhau

Trưa Đồng Lộc xanh, xanh nắng trên đầu
Ta nép vào nhau dưới tán cây bồ kết
Đồi hoa sim lá biếc
Rưng rưng em nói điều chi ?

Quê ngoại đấy ư ?
Mấy mươi năm thăm thẳm
Soi hai mái hoa râm giếng quê tĩnh lặng
Múc gầu nước vườn nhà anh gội tóc cho em

2010

Đêm Tây nguyên
Đêm
Chập chờn vật vờ những thoáng qua áo trắng
những hình hài chưa đặt tên
một đêm rất xa
cỏ dại loang một vùng lửa đạn
Ngày ấy ai đã gọi tên em

Đêm chiến trinh
đỏ tàn lửa một ngôi làng tây nguyên xa lắc
Tôi không biết tên em
Như một loài cỏ dại
Khói đạn lúc chiều và hương cỏ mật
em đưa tôi vào cuộc đời đàn ông

Đã rất xa từ đêm cao nguyên ấy
em hiện về chập chờn
không có tên
khoác trên mình tấm váy mùi cỏ dại

Nhớ tây nguyên 2010

Em đi Yên tử
Đi chùa ...em cứ nhớ anh
Mây thẳm ướt vào mắt thẳm
Đường núi cheo leo lá thắm
Tháng giêng lúng liếng môi cười

Núi cao mờ mây mờ gió
tiếng chuông lặn trong thinh không
Tin nhắn lên chùa cùng gió
Nammô ! em nhớ  ! em trông !

Lên cao mây quấn vào vai
Tưởng người hôn vào mái tóc
Nhìn mây vờn núi lả lơi
Nammô! a di đà phật

Tháng giêng


Gửi người con gái cuối phương trời
Em ở cuối phương trời biển lùa mặn vào giấc mơ con gái
Mẹ à ơi gió thơm ngọn đước ngọn bần
Bông súng xòe trắng trong lòng mình với nắng
Mịn cánh chuồn giản dị nghiêng xuống chiều hôm

Câu lí rơi mỗi nhịp cầu lắt lẻo
Ầu ơ đêm đom đóm hao thức miệt vườn
Vọng cổ ướt áo khăn dậy thì con gió chướng
Câu Kiều bay theo cánh sếu rớt mùa vàng

Từng chiều chiều rơm rạ hong nhánh tóc
Gót chân thon hồng mặt ruộng phù xa
Chái bếp ươm nhọc nhằn niềm khát vọng
Khát vọng đến ngạt ngào hương của chín dòng sông

Làm sao gửi đến nơi em được
Câu ca dao mẹ hát ngọn sông Hồng
Con tàu qua nhà anh còi hét căng lồng ngực
Đến bao giờ tàu chạy tới Cửu Long?

Gió nén cong ngực ra phía biển
Sau lưng em xanh lúa thủa Âu Cơ
Thân con gái trùng trùng lo mẹ thở dài mùa lũ
Cuối trời ơi gió ngát đến bao giờ?

Gửi cho được về miền em long đong lá đước
Hóa bùn thơm ngái đất mỗi bình minh
Nơi có những cơn mưa, nồng nồng châu thổ
Những chiều ơi
Thương em vin câu vọng cổ ướt ngực áo mình

Kí ức quê
Ở cuối trời em làm sao thưa được với sông Hồng
Chỉ mơ mặc áo bà ba quấn khăn rằn hát cho mẹ nghe mười thương điệu lí
Giàn trầu cay ngước mùa dắt dâu em đi xa mẹ
Về tới nhà chồng đâu chỉ có mười thương

Câu vọng cổ buồn từ thủa người đi mở đất
Nước mắt xuống sề mằn mặn khúc ầu... ơ
Thềm lục địa thấm mồ hôi sóng dan dan lá đước
Gửi tới miệt vườn ngan ngát tóc em tôi

Thương nhiều đến thế
Ơi nỗi lòng điệu lí
Chín đợi mười chờ khắc khảm tiếng chim quyên
Em đội tóc nắng trưa, qua cầu lắt lẻo
Cầu soi em nghiêng con cá cũng bồn chồn

Vun kí ức đốt lá vàng vườn mẹ
Áo thị thành sao khóc buổi về quê ?
Lãng đãng bùn níu chân con, em dùng dằng khói quê cay mắt trẻ
Qua cầu rồi ai bỗng gọi tên em

Hà Nội 2009

Nắng Bằng lăng
Ngã vào lòng nhau sáng nao nắng lên hương tím
Vụ lợi chi, ai lí trí với cuộc tình
Em trong sáng anh hóa thành ngây dại
Gục trên gò hoang loang mồ hôi cuồng say

Con đường nhiều gió, nắng trôi như vô cùng
Màu bằng lăng quên cả thời gian tan vào thẳm không
Mình phơi mình cồn cào vào cơn khát
Uống ngụm ngọt ngào em mùa hạ ngoại ô

Ta bò lên đỉnh núi tình yêu
Hổn hển nhặt từng trái mồ hôi biết nói
Em dướn mình ào qua cái nút chặn mấy ngàn ngày tức tưởi
Giọt thơm ứa nhựa máu linh hồn

Ta yêu mùa hạ này em với ngoại ô nắng vàng ơi
Ta cứ mang nhau men theo màu gió
Rồi nhặt nắng ươm lên con đường bụi đỏ
Để được nếm mồ hôi căng trên ngọn ngực người yêu

28/4
Văn học nghệ thuật YÊN BÁI