Tuesday, March 2, 2021

Bao giờ ta trở lại Vị Xuyên


Bao giờ trở lại hang làng lò
Có ai còn nhớ bờ rau dớn
Suối chảy âm ư hồn tử sĩ
Vòm Dơi bay khói bếp gạo nương .
Con suối chảy ngoài kia lõm bõm khiêng thương
Quán cóc cũng chỉ hơn một giờ đi bộ.
Sông Lô ơi sông Lô nước đục
Hoa mộc miên nhoi nhói cửa rừng.
Bao giờ ta về lại làng Pinh
Chiều ấy bếp nướng ngô chưa kịp chín
Pháo địch bắn trên đường vào 468.
Nước sông về ngai ngái máu bạn tôi.
Đỏ như môi em gái dưới Hàm Yên
Mộc miên ơi hẹn ngày về xuôi em chờ bên quán nhỏ
Những chuyến xe lên xe về không gặp nữa
Em vấn khăn đội đầu bạc gió vùng biên.
Có mối thù nào gươm cắm vào tim
Nhang khói cháy bốn mùa mồ liệt sĩ
Vị xuyên ơi người đợi chờ hóa núi
Đá chập chùng hồn đá biếc Hà Giang.
Có ngày nào trở lại Với Vị Xuyên
Sông và núi ấp ôm vùng biên ải
con sáo nhỏ hót ngoài cửa khẩu
Buồn chi mà ướt cả sương chiều
Hẹn nhau về với đồng đội thân yêu
Mộ chí gác trên lưng chừng núi
Mình níu tay nhau bên bờ suỗi
Ơi làng Lò ơi đá núi Vị Xuyên
13/7/2020

Biển


Ở cuối tin nhắn lúc đêm rời đi
Mặt trời nơi ấy ngái ngủ
Khi mặt trời khuất sau mùi thơm của trái đất
Nửa trái đất hương vị đàn bà.
Con thuyền vắng qua đêm bờ cát
Bờ cát duỗi chân về phía mặt trời
Biển mang hương thiếu phụ
Thủy triều vừa làm bạn với bóng đêm
19/7/2020

HOA DẺ


Em ở rừng , quê em nhiều hoa lắm
Tím là chị Mua chị Sim
Vàng mỡ màng như cái Mướp
Đỏ như chị Dâm bụt trắng như cô Nhài
Bác hoa Trẩu trắng mướt trên cao
Chú hoa Mỡ thơm ngọt ngào như mật
Thằng hoa Súng lập lòe bờ ruộng
Quê em đầy những đứa Bìm Bìm
Đừng ai nhầm em với chú “Móng rồng”.
Họ nhà em đấy, nhưng chú đi ở chùa lâu rồi ạ
Em ở ven rừng ở trên đồi làm bạn cùng lũ chăn trâu cắt cỏ
Thơm đến tận khi khô quắt đúa đen người.
Em ở trung du ở miền trung xa xôi
Em vào túi những chị xinh ơi là đẹp
Em nghe lén bao nhiêu tình yêu hò hẹn
người quê em yêu thắm thiết vẫn khiêm nhường
Bao nhiêu những loài hoa nhập ngoại chết tiền.
Cứ đần đẫn chả giống hoa quê em thầm kín
Em cũng biết phải khoe ra để nhân gian thèm muốn
Nhưng tên em là Dẻ mất rồi
Em chỉ thơm cho người yêu em thôi
buồn đến mấy em cứ là hoa Dẻ
Rồi một ngày về đô thành hoa lệ
Em cũng nở vụng về vài bông nép vào yêu
10/8/2020

Mưa tháng 8


Có những cơn mưa trôi mãi trong đầu
Trôi về ta và làm lũ
Chỉ có mẹ mới lau khô đầu con ướt gió
Tiếng cười tôi ướt nước mắt mẹ tôi
Những cơn mưa cá rô ngược dốc
Tháng tám vàng như trái bưởi chiều hôm
Lá khoai lúng liếng cườm
Mưa tháng tám thì thùng ngoài đê.
Người bảo cơn mưa đêm tháng tám.
Sao long lanh trên sân thượng mưa qua.
Có chuyến bay vào THăM thẳm
Cơn mưa ngày xưa
13/8/2020

12 BÀI THƠ VỀ MÙA THU TRÊN PHÂY BÚC (Nhìn lại không thấy trùng lắp) .

12 BÀI THƠ VỀ MÙA THU TRÊN PHÂY BÚC
(Nhìn lại không thấy trùng lắp) .
1/ Lập thu 2
Lập thu rồi đấy mình ơi
Về nghe chim ngói say mồi tìm nhau
Bãi sông rỡ lạc làm rau
Sen tàn râm bụt đỏ au bờ hè
Mặt trời chầm chậm sang đê
Con cò lạc mẹ bay về bên sông
Có người rửa gánh khoai giong
Có người lẩn thẩn ngồi trông hết chiều
Bao nhiêu mùa mía lao xao
Bao lần hoa cải vàng vào trang thư
Mình ơi giời đã vào thu
Vào hoa râm cả đợi chờ nhớ mong
2/ GỌI THU
Thu đã ở cuối trời em nhỉ
Thu mang mắt anh tới phía em rồi
Vạt nắng nơi em hanh bùn lên hoa súng
Ở nơi này thu sót lại sương rơi
Như chiều muộn em vừa ra khỏi ngõ
Gọi dấu yêu thảng thốt tóc ai cười
Đông chạng vạng đâu đây mùi thu cũ
mùa thu ơi mùa thu xa xôi
Cúc họa mi nhỏ như nàng chân đất
Chạy lên đê chạy ở phía heo may
Hớn hở như màu tinh khiết trắng
Chạy vào đông ngủ đợ cõi yêu này
Gọi thu gọi em Ô môi leo lét lửa
Lũ không về mặn chéo vạt bà ba
Có một chiều ở vòng cung châu thổ
Em thấy đàn chim tránh rét ngang qua
3 Chập chiều thu
Anh vừa thấy chút mùa thu
Ngoảnh nhìn cười với ngây ngô chập chiều
Đèn pha xe cũng liêu xiêu
Ven đường có biết bao nhiêu đợi người
Mùa thu nào đã đi rồi ?
Cốc bia vàng cả cuối trời heo may
Nào là xa xót bàn tay
Nào là vàng võ má hây hây người.
Mùa thu ơi khéo khô môi
Để thèm chút ướt người thôi nhớ mình
Có con chuồn ớt xinh xinh
Giữa ồn ào cứ lặng thinh cả chiều
15/10/2018
4 thu vắng
Thu ở phía mẹ cha nằm đồng vắng
Tiếng vạc tiếng cò chiều sẩm lẻ loi
Thu ở phía chân trời nhiều gió bấc
Em đi xa thu biếng gọi ơi ời
Màu của gió khiến thu như còn trẻ
Mơn man mình mơn man nắng sang sông
Mắt chim ngói trong veo không vạt khói
Thế mà thu giăng mãi ở cánh đồng
Có mùi đất quê mùa giăng bẫy
Nắng cây rơm vun thơm ngõ nhà mình
Má em rám màu như là của phấn
quê cứ nghèo màu thu cứ rung rinh.
5 Màu thu
Này thu ở lại đừng đi
Dễ gì hứng lá đêm khuya xuống thềm
Này thu ướt mắt mi em
Đừng đi để giọt sương đêm mặn mòi
Màu thu ở phía không tôi
Mùi thu ở tóc người phơi đầu nguồn
Đừng đi mây trắng sẽ buồn
Gió thu rồi cũng cô đơn cuối trời
6 Một nửa mùa thu.
Heo may quá sớm như mùa mưa ướt
Thu đã đi một nửa thu rồi
Một nửa thu vàng mắt lá
Một nửa còn xanh nửa bàn tay
Tròn xoe mắt trái thị nhìn xa lạ
Sớm mùa nay người cũ ở quê mình
Người cũ không về thu một nửa
Một nửa tìm xa ngái ở xa xanh
Ngô vườn mẹ có hai màu thu nhuốm
Hoa xác xơ mà trái bắp căng tròn
Một nửa em nhớ anh cựa mật
Một nửa chốn tìm như thể hoàng hôn
Anh ngó lên làn mây trắng mỏng
Thu trôi trôi khúc khích tiếng ai về
Anh xòe đếm trên bàn tay người lính
Còn nửa mùa thu thèn thẹn đam mê
sáng thu 9/9/17
7 Võ vàng Thu
Để thu ở mãi ven sông
Cái ngày em mặc áo hồng dẫn dâu
Gió quê mình lấm buồng cau
tàn sen lá ám màu nâu màu bùn
Thơm từ mo rụng chiều hôm
Đêm đêm cau ngát sang vườn nhà em
Em đi rồi ngõ còn thơm
dối dăng cứ níu rạ rơm mà về
Người ta nhắn nhủ mùa đi
Đừng ra khỏi chốn nằm mơ thấy làng
Sớm nay thu võ thu vàng
Bờ sông lại thấy bóng nàng đưa dâu .
8 TÌM VỀ MÙA THU
Anh ngập ngừng tìm về phố cũ
Mùa Thu rơi trên hoa râm
Con phố vẫn từ xưa cũ
Lá vàng đổ xuống rêu phong
Có hương gì thơm như tóc
Guốc ai như trái sấu lăn
Ngõ nhỏ lựng thơm hương cốm
Chân trần người giờ nơi đâu
Nắng loang cánh diều ngoài bãi
Em níu chiều vào triền đê
Nhặt cỏ may gấu quần con gái
Ngỡ ngàng anh thấy thu về
Rồi có một ngày thu chớm
Nhặt gió chiều vàng hồ Tây
Rồi có một chiều thu muộn
Áo em ướt cả Tây hồ
Ngày anh đi xa bối rối
Mùa thu rơi trên sân ga
Em về guốc buồn thổn thức
Ôi mùa thu, mùa thu xưa
Tìm về phố thu xao xác
Mưa bùi ngùi những bước chân
Tiếng chuông nhà thờ Cửa Bắc
Lang thang đi tìm mùa em
Tìm về phố thu năm ấy
Góc đường ngày tiễn anh đi
Trái sấu lăn trên phố vắng
Nghe như bước chân em về
8/ 2014
9 MÙA THU XA XÔI.
Ta bất lực với em rồi mùa thu ơi
Vàng đến nỗi gió cũng không xanh nữa
Ta bất lực mùi thơm đồng lúa cũ
Sườn đê em chỉ thơm lúc thu về?
Nước giếng làng trong ngẩn trong ngơ
Ta thờ thẫn buổi khai trường năm mươi năm trước
Cặp mắt sáng con đường khăn quàng đỏ
Ngọn gió thu đi từ ấy lại thơm về
Ta bất lực nhìn con chuồn trên đê
Thu cứ ở đằng sau mỏng tang áo cánh
Thu cứ ở sau tiếng cười rơi lanh lảnh
cố ngoảnh về triền vụng dại ngày xưa
Ta bất lực với em rồi mùa thu
Không đủ mát để mát lùa vào tóc
Không đủ thơm để em thơm cánh đồng đang gặt
Mùa thu ơi mùa thu xa xôi.
10- Tạm biệt mùa thu
Vuột khỏi bàn tay thu muộn
Chiều đi tai tái mây nghèo
Có đàn sếu ra rồi đấy
Qua triền sông hoa liêu xiêu
Vàng suộm 2 vai thùng nước
Chị tôi gánh xéo chiêm mùa
Sương giãi lên màu hoa cải
Cuối thu sông buồn lơ ngơ
Chiều tan vào sương vào khói
Cải ngồng nồng bếp vại dưa
Bếp cũ nghiêng người dạo cũ
Mùa đông đến thật hay vờ
11 THU HOA RÂM
Thu rớt hoa râm giọt nắng
Thu vấp bàn chân lá vàng
Phố thu se se ngõ vắng
Người đi hút hắt đường xưa
Chiều rơi xuống bên kia hồ
Bên này mắt nhau hối hả
Có một ai ngồi đếm gió
Hồ Tây có là hồ xưa
Còn ai tặng ai quai nón
Chòng chành thu rơi rơi...rơi
Sóng nước nghiêng bờ Trúc bạch
Người mang tiếng guốc đi rồi
12 THU SÁNG.
Sao vàng thế sáng nay vàng thế
Gió cũng xun xoăn trên từng cánh lá gầy
Ta bất lực ngước nhìn chim di trú
Nhặt được lời thu ở bàn tay.
Hoa mua bắc cầu từ mùa hạ
Lối sang mùa em, liếp cỏ sương
Ta bước về phía ga tàu cũ
Ngày đi, thu vàng ở bên đường
Sao nhẹ thế ! Sáng nay sương nhẹ thế .
Cần lao về quê, Hà Nội phố bần thần
Ta thấy Hồ Tây không bao giờ trẻ,
Thấy mùa thu bất lực với thi nhân.
1/9/2017

XEM PHIM BÃI Ở LÀNG. ( trích trong " Chuyện làng " )


Tính theo dọc đường tàu về phía ga có hai xóm. Đấy là xóm « Cầu Đất » và xóm « Cầu Tây ». Cái tên nó đã chỉ chính xác tình hình địa lí giao thông rồi. Xóm Cầu Đất có cây cầu lát bằng thân cây cọ rồi đổ đất lên. Còn xóm Cầu Tây là xóm ở gần cây cầu trên đường tàu hỏa. Cầu này Pháp xây dựng đường tàu hỏa mà có cầu. Đích thị là cái cầu thằng Tây làm.
Người hai xóm tính tình khác nhau rõ rệt. Xóm Cầu Đất rặt những nhà chuyên đơm đo đánh dậm. Mùa đông thì soi cá ngủ cá cóng. Mùa hè thì be bờ lại đơm đo. Chuyện đo đơm là cả một thú vui mà khoa học đáo để. Sẽ viết sau.
Thời ấy những ruông sâu chỉ cấy một vụ mùa. Từ tháng 11 dương trở đi bỏ trắng. Cá tôm nhiều lắm, đỉa cũng nhiều như cá. Sang mùa hè nắng oi ruộng rạ đã thối ai muốn be cái ruộng nào chỉ cắm cây nêu lên đó sí phần. Sí phần rồi là không ai xâm chiếm nữa. Chuyện này thành lệ từ hàng trăm năm. Thường thì tháng tư tháng năm ngập nước, bốc bùn be bờ cho cao, rồi mở 4 cái chổ bốn góc chừng một mét. Rang thính bằng cám gạo cho thơm, chập tối trộn với đất khô ném xuống ruộng. Mà quải thính cũng phải nhẹ nhàng đừng có ùm ùm động nước là cá đi hết. ( Bây giờ lũ trẻ gọi là thả thính) Cá theo bốn cái cửa vào ăn rất nhiều. Nửa đêm bịt bốn cửa lại đặt cái đó ở đấy. Cá tôm muốn chuồn ra là chui vào đó. Đúng là đơm đó.
Đơm đó có cái thú vui là ngủ ngoài bờ ruộng mà trông đó. Đêm khuya đừng có mà ngủ quên. Ngủ quên rất dễ bị người khác đi đổ đó của họ tiện thể họ đổ luôn của mình. Hồi tôi lên chín lên mười tuổi đã có ruộng đo đơm riêng rồi. Mẹ tôi không cho đi ngủ đêm trông đó, nhưng tôi thích đi theo các anh lớn ra ngoài đình đầm Hà. Đêm, trải mấy tầu lá cọ trên bờ đầm nghe các giai làng tán phét, nghe lõm tõm cá quẫy vui đáo để. Đi ngủ ngoài đồng trông đó chỉ để nghe các anh lớn nói chuyện đàn bà, chuyện tiếu lâm. Có nhiều chuyện tôi nhớ đến tận bây giờ. Có những chuyện nghe mãi đến lớn mới hiểu.
Người Xóm Cầu Đất hiền hơn xóm Cầu Tây. Bố tôi bảo, xóm Cầu Tây là xóm ngụ cư tứ chiếng. Họ dưới xuôi lên, quen chạ người nên họ khôn. Hỏi chạ người là thế nào? bố tôi bảo là đông người thì phải va chạm nhiều mà va chạm nhiều thì phải chống chọi nhiều nên khôn. Ra thế, sau này về Hà Nội thấy đúng. Hà Nội chạ người nên họ khôn thật. Càng chạ người, người càng khôn. Giống như người hàng chợ mà nhất là chợ to như Bắc Qua Đồng Xuân thì họ khôn dã man. Khi bố tôi còn sống có lần bố bảo tôi, may mà “thằng cu” ra Hà Nội sống chứ không thì đen đủi cóc cáy như thế này sao mà mở mặt ra được.
Hòa bình mới lập lại vài năm là dân quê tôi được xem phim. Điện ảnh của Đảng đi về tận vùng sâu vùng xa. Tôi nhớ lắm. Lần đầu tiên tôi được xem chiếu phim ( quê tôi gọi là chớp bóng ) là năm 1958. Bộ phim đầu tiên tôi được xem là phim Liên - Xô. "Ngọn lửa không bao giờ bị dập tắt". Từ vài hôm trước họ loa loa váng cả xóm làng. Tôi nhớ như in giọng anh chớp bóng đi phát thanh các xóm …"A lô a lô. Thưa toàn thể đồng bào. ( ngừng lại) Đội chiếu bóng lưu động số 20 chúng tôi về đây phục vụ đồng bào hai bộ phim.( lại ngừng lại) . Bộ phim thứ nhất : Ánh bình minh. Bộ phim thứ hai Ngọn lửa không bao giờ bị dập tắt. Phim chiến đấu của Liên xô. Giá vé người lớn một hào, trẻ em năm xu. A lô a lô."
Thế là hôm sau thanh niên làng cử người đi khiêng máy nổ. Chao ôi, máy nổ nó nặng còn hơn con trâu cà nhà tôi. Khi nổ máy, nó chạy xình xịch, phả khói mùi khen khét thích thế. Mấy ngày đó làng xóm chộn rộn nôn nao, chỉ mong chóng đến tối. Hôm chiếu phim, các ngả đường làng trên xóm dưới người gìa trẻ em tấp nập. Họ đến sớm lắm. Trẻ con mang cả đóm nứa đã dập sẵn để lúc về soi đường. Người lớn mang cả chai nước cho con, lại còn lôi cả tàu lá cọ kê đít ngồi. Nhà tôi giữa làng gàn ngay đường tàu chả phải đi xa. Nhìn lũ bạn xóm xa cũng thấy tự hào. Tự hào vì nhà ở gần bãi chớp bóng. Khi máy nổ xình xịch được một lúc rồi đèn bật lóe sáng. Lúc đèn lóe lên là cùng với tiếng òa lên của dân làng. Ánh sáng điện bùng lên như sức sống mới lạ lẫm vô chừng. Người nhà Phim họ căng dây khoanh bãi đễ soát vé. Một vé năm xu. Để có 5 xu phải mất một giỏ cua bán ở chợ Đan Thượng mới xong. Đứa nào không bắt cua thì một gánh củi. Dậm dịch kiếm tiền từ hôm trước. Tôi nhớ cái ánh đèn điện ở cổng soát vé bãi chiếu bóng làng tôi thủa xưa như một sự khai sáng. Nó khai phá những cái đầu u mê của mình, nó bắt đầu cho sự ước mơ thèm khát ra đi của tôi và các em tôi. Thú thật nhờ có cái đội chớp bóng nên mới bé tôi đã thuộc những bài hát thuộc loại « đi cùng năm tháng ». Từ lúc còn ban chiều họ đã mở thật to những bài hát trên 2 cái loa to như cái thùng gánh nước treo trên lưng chừng một cây tre. Nào là « Chiếc khăn Piêu », rồi « Buổi sáng trên nông trường », lại cả « Bên ven bờ Hiền lương » « Tình trong lá thiếp ». Mấy năm sau có bài «Tình ca » của Hoàng Việt. Cả làng tôi thuộc Tình Ca. Mấy chị thanh nữ đi cấy ruộng, đít chổng lên trời í ửn hát ... qua núi biếc chạp chùng xa xa ... rồi hát "Tình trong lá thiếp", hát chiếc khăn piêu. Các chị hát rằng « ….cầm lá thiếp này lòng hướng vô Nam… ». Tôi nhớ những câu .. hò ơi thuyền ơi có nhớ bến chăng bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền ...sao mà trẻ con như tôi cũng thấy man mác. Trông mấy chị nhấp nhổm cấy lúa theo nhịp hát mà si mê. Sau này lớn lên mới hiểu về chuyện tập kết của cán bộ chiến sĩ miền nam. Nhớ lại những bài hát nghe từ thửa trẻ con lại càng hiểu nỗi lòng "ngày Bắc đêm Nam" của những người tập kết.
Cũng nhờ có chiếu phim mà chúng tôi biết được đàn ông đàn bà họ hôn nhau thế nào. Chính xác là năm ấy tám tuổi, nhìn họ hôn nhau trên màn ảnh cũng đần cả mặt. Lạ thế !
Cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao quê mình có truyền thống hát Xoan mà mình chả biết tí Xoan ghẹo nào cả. Chả nhẽ Xoan nó chỉ đến Hưng Hóa là hết đường đi ngược? Nhưng mười tuổi tôi đã biết hát chèo. Hát chèo chả riêng cho một tỉnh nào, nó sống với sự phát triển của lúa nước đồng bằng Bắc bộ lâu lắm rồi nên người quê tôi biết cũng là dễ hiểu. Nhưng, cho tới năm 1962 khi có chủ trương đưa người vùng xuôi lên khai hoang miền ngược thì chèo mới rộ lên ở quê tôi. Thế rồi hát chèo như tự thân trong mỗi con người làm ruộng miền Bắc phải có. Ngày ấy đồng bào huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam di dân lên quê tôi đông lắm. Đảng và Nhà nước đưa họ đi chứ không phải họ tự đi. Người người lớp lớp bồng bế đìu díu đến là thương. Nhưng sự khổ ải với họ không lâu. Họ lao vào làm đồi rừng, làm ruộng với quyết tâm phi thường. Dân quê tôi từ ngạc nhiên đến dần dần bị cuốn hút theo cái tính chịu khó của họ mà làm ăn. Những bà con dưới xuôi lên dần thành khá giả cả. Khai hoang thật là sáng suốt.
Dù vất vả lam lũ đến mấy, tối tối các bác các chị các anh người Duy Tiên Hà Nam lại tập trung ra sân kho HTX để hát chèo, tập diễn những vở chèo cổ mang từ dưới xuôi lên. Cơm nuốt vừa xong bát đũa còn bỏ đấy họ đã ra sân kho, lên dây nhị dây líu, so tiếng sáo cứ ò e véo von vui lắm.
Lần đầu tiên quê tôi được ngồi xem Trương Chi, xem “Lưu Bình Dương lễ” xem “Cây đa bến Cốc” xem Súy Vân giả dại … Nước mắt tôi cứ dàn dụa. Chả cứ gì tôi, cả sân kho xịt xoạt khóc. Những chị những bà ban ngày làm đồng làm nương hóa thân vào vai diễn cảm động đến thế. Lũ trẻ con chúng tôi bây giờ cũng võ vẽ hát theo. Tôi dần dần cũng biết hát điệu: Gà rừng, hát Sẩm soan. Tụi con gái thì thích mấy điệu lới lơ, Đào liễu, Sắp qua cầu …Buồn buồn thì hát Sa lệch chênh hát Xắp dựng hay điệu Sử dầu… Lớn lên đi bộ đội trên đường Trường Sơn cứ nghe hát chèo đêm khuya là nhớ quê đến nao lòng. Lúc ấy hình ảnh các chị áo cánh nâu ngực căng thấm mồ hôi mê mải diễn chèo cả trong lúc máy bay Mĩ gầm gào trên đầu. Lúc ấy mới thấy quê mình thiêng liêng trìu mến biết bao. Chả biết những người đi tận bên trời Tây sống biền biệt có nhớ về làng giống như tôi không? Với tôi, chuyện làng như một liều thuốc bổ cho người lính vượt Trường Sơn đầy những bom đạn ngày xưa và cả đến bây giờ khi tôi cư ngụ ở nơi phố thị. Những câu chuyện làng như một sợi dây vô hình níu người xa xứ với nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Ai không có câu chuyện làng nào đích thị là người đã hết quê.

Lan man lúc sắp đổ mưa

Lan man lúc sắp đổ mưa
Hà nội mưa buổi sáng
Sài gòn mưa vào chiều
Mẹ gánh hai thùng nước
Suốt cuộc đời gieo neo
Hai đứa con đều cực
Thằng lớn ở Hà Thành
Nắng đến nổ chấy rận
Mưa thì lụt đầm sông
Thằng bé ở trong ấy
Tưởng tránh rét tránh ngâu
Thế mà giờ chiều đến
phố cũng thành sông sâu
Cha bảo đừng chạy trốn
Sống cùng lũ thôi con
Sống cùng mùa gió bấc
Yêu quê càng yêu hơn
Nhưng mà thương trong ấy
Chẳng có rét mà khoe
Bao nhiêu là áo mới
Bao nhiêu mùa đông đi
22/8/2020

Mùa thu quê


Rõ là đang ngâu đấy chứ
mà hôm nay nắng đỏ đồng
Mưa cũng theo giời lên cạn
Sông dưới mây buồn lông nhông
Bây giờ em hay đi chợ
Vì em đã lên tuổi bà
Chợ quê chỗ tìm tuổi nhỏ
Đong đưa cả tóc đuôi gà
Mùa thu có chừng ba tháng
Nhưng gối đầu cả sang đông
Mùa thu sao yêu yêu thế
Cả ngâu cả hạ đi cùng
Sen tàn nhưng mà còn yếm
Nõn nường cả lúc hoàng hôn
Hông ngâm hay là thị hái
Vằng vặc cho trăng đi cùng
Anh bảo rằng mùa thu trước
Cũng lại như mùa thu này
Nắng như ông giời rây mật
Vào má vào bồng bềnh mây
26/8/ 2020

TÔI ĐI HỌC CẤP 2 Ở LÀNG


(Trích trong "Chuyện làng")
.
Những năm từ 1963- 1966 tôi học cấp 2 ngoài Minh Đức. Minh Đức là làng Đan Thượng, còn tôi thì ỏ làng Đan Hà. Từ nhà đến trường, tôi phải đi qua Đầm Hà, leo qua gò Đền ra bờ sông là đến trường. Lúc ấy trường cấp 2 Minh Đức là có số má ở huyện Hạ Hòa. Trường tôi nằm ở bãi sông bằng phẳng, xung quanh là những cánh đồng trồng mía và rau màu của làng Đan Thượng. Tôi nhớ trường có 8 lớp học xếp trên cạnh hình vuông mỗi cạnh hình vuông khoảng 100m. Sân trường trọn vẹn là một sân bóng đá, có đẹp mịn màng. Trước cửa lớp nào cũng có ba cây Phượng vĩ xanh mướt mát. Có điều, trong hai năm học ở đây tôi chưa nhìn thấy hoa phượng. Hoa nở thì chúng tôi bắt đầu nghỉ hè. Ba tháng sau chúng tôi tựu trường thì hoa đã tàn hết. Có lần nhớ trường quá đi bộ ra bờ sông chỗ bến nhà ông Ba Kẹo nhìn vào trường. Hoa phượng đỏ lấp ló đằng xa lúc ấy nhớ bạn bè thế. Năm cuối cùng cấp 2 tức là năm 1965 chúng tôi bắt đầu sơ tán lên gò. Vừa sơ tán xong thì bị một trận bom vào trường thế là sơ tán lần nữa.
Hơn nửa thế kỉ sau tôi luôn mơ về ngôi trường cũ ở bến sông làng Đan Thượng sang làng Động Lâm. Con đê quê tôi hiền như dải lụa. Con đê ngày ấy cũng đẹp và mong manh như người con gái. Hễ cứ vào mùa nước là cả triền đê cứ rung rinh. Rung rinh dưới sóng sông lũ bồi băng đầy những cây cối củi mục tràn về ướt át màu gạch cua.
Tuổi thơ tôi học ở ngôi trường đẹp thế làm sao tôi không nhớ. Mùa đông, tôi nhìn qua cửa sổ thấy các bà các chị khoác áo tơi cọ trên đồng. Quê tôi cũng lợp áo tơi bán đầy ngoài chợ. Tôi nhớ cái áo tơi có thể banh ra rộng như một phiến ni lông đi mưa. Chỉ hai cái áo tơi và 4 cái cọc bằng cây sắn là được một cái lều mùa đông, cời đống củi nướng sắn. Chúng tôi nhìn nhau má ửng hồng vì lửa lúc mưa phùn. Mùa xuân, con đường từ trường về qua cả một cánh đồng trồng toàn là su hào bắp cải và ngô. Tôi nhớ khi thu hoạch ngô là lúc chúng tôi sắp nghỉ hè. Cả cánh đồng ngô ngoài cửa lớp bắt đầu chặt xuống khiến không gian rộng ra. Mùi thân cây ngô, mùi râu ngô ngọt ngào bay vào lớp. Thê là từ nay những buổi tan trường về, hết trêu nhau bằng cách rung cho phấn ngô rơi đầy tóc nhau. Sáu mươi năm sau tôi vẫn nhớ má cô bạn cùng lớp khác làng đầy phấn ngô thơm man thơm mác.
Các thày cô dạy chúng tôi lúc đó hầu như là người quê tôi cả. Duy có thày Hiệu trưởng năm tôi học lớp 6 là Vũ Duy Công thì không người quê tôi. Thày Công là con trai của thày Vũ Duy Tốn là Hiệu trưởng cấp 1 làng tôi. Cả nhà thày đều làm nghề dạy học. Chả biết quê thày ở đâu, nhưng lớn lên tôi biết người con gái cả của thày là Vũ Thị Việt từng là HT trường SP Ngoại ngữ Hà Nội thời những năm 1975/ 1980.
Ngày xưa làng Đan Thượng Đan Hà chung nhau cái đền Nghè. Tan học về, lũ trẻ Đan Hà đến Cửa Đền là ngồi dưới gốc cây Lụ cổ thụ mà nhìn ra sông Hồng. Con sông như một vệt bùn màu hồng chám vào cánh đồng làng. Gò đền cao lắm chứ không như bây giờ. Bây giờ họ ủi gò làm đường ô tô khiến cái gò đền cũ thấp xuống hơn chục mét và ngôi đền cao chênh vênh khấp khiểng. Chỉ riêng chuyện xẻ gò đền đã làm mất long mạch của hai làng. Con đường bây giờ trông như vết dao cắt vào thắt lưng quê tôi mang tên Đan Thượng.
Cách vài năm trước khi tôi ra học ở đây. Trường cấp 2 quê tôi mang tên trường cấp 2 Đức Sơn. Lúc ấy các liền anh liền chị tôi học ở ngay trong ngôi đền Nghè. Có chuyện các anh chị học ở đó và gặp những con rắn có mào quanh quẩn trông đền. Li kì lắm mà cũng chả biết thực hư ra sao. Chỉ đến khi tôi vào lớp 5 ( 1963) thì trường đã về dưói bãi sông được 3 , 4 năm và thày Hiệu trưởng của tôi là Nguyễn Vĩnh.
Năm 1963 vào ngày kỉ niệm Hiến Chương nhà giáo 20/11 trường tôi tổ chức văn nghệ. Các anh các chị lớp 7 ( tuổi 15 đến 17 tuổi) diễn đồng ca hay lăm. Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy lần đầu tiên nghe một dàn đồng ca hai lớp 7 gần 80 người quần xanh áo trắng đẹp mê li hát hay khiến chúng tôi thổn thức đến thế. Thày giáo dạy văn Nguyễn Đình Lư người xã Động Lâm dàn dựng và chỉ huy. Thầy Văn Chinh lĩnh xướng nam.chị Bính làng Hậu Bổng lĩnh xướng nữ. Trong đêm mùa đông vài trăm học sinh và cả nhân dân ngồi lặng im trong sương lạnh mà nghe các anh các chị hát…Họ hát ...”Chiếp chiếp, có con chim đang bay tìm đàn đêm đến đậu bên bếp lửa nhà sàn… “ … và đến cái đọan nghe thật mơn man ..” Chiều chiều dừng chân sườn non đỉnh núi, ngó trông xa xa tận phía chân trời…nơi quê hương đó bao người chờ mong.” ....Các bạn có nhớ bài hát gì đó không? Hợp xướng TIẾNG HÁT BIÊN THÙY đấy! Tôi là thằng bé hơn mười tuổi ở nhà quê đã thuộc một bài hát như thế vào khi tôi đến lớp không hề có dép. Các bạn sẽ thấy ngôi trường tôi học đáng nể đáng yêu biết chừng nào?
Bao năm nay, ngôi trường này như trôi vào lãng quên vì sự mở thêm nhiều trường, rồi tách chia sát nhập lùm sùm. Dù đã bao nhiêu năm tôi vẫn nhớ các anh các chị các bạn trường tôi đi muôn phương và thành danh trên đường đời. Tôi nhớ những cái tên các anh chị lớp trước nay thành Giáo Sư thành cán bộ cấp cao, thành doanh nhân đâu đó vẫn đi về lên xuống cái ga sép Đoan Thượng ở làng tôi. Tôi vẫn hay đi về gặp những đứa bạn học cùng khi xưa nay đã thành ông bủ lão nông ở quê. Ngồi bên cháu con kể cho nhau nghe về trường cấp 2 Minh Đức của mình mà long lanh cặp mắt già nua. Lúc ấy bãi sông Đan Thượng quê tôi hiện về ngào ngạt vào mùa ngô mùa mía.
Chúng tôi rời xa ngôi trường khi bom Mỹ gieo vào quê tôi những tang tóc, rồi tôi đi học xa, rồi biền biệt chiến trường. Ngày trở về ngôi trường cấp 2 ấy nay đã thành mấy trường. Làng nào cũng có trường cấp 2 của mình số lượng học trò đông gấp mấy lần trường cũ. Mỗi lần về quê , ở đúng nơi cổng trường khi xưa bây giờ là ngã 3 rẽ về làng tôi. Ở chỗ ven hàng cây phượng vĩ bên dãy lớp các anh chị trên tôi một lớp bây giờ là Nghĩa trang Liệt sĩ làng Đan Thượng. Tôi xuống xe vào nghĩa trang. Tôi nhận ra những đứa bạn tôi cùng lớp và cả lớp bên. CHúng nó nằm đây hay chỉ là mộ gió. Thắp nén hương cho các bạn rồi nhìn ra phía bờ sông chỗ bến nhà ông Ba Kẹo ngày xưa, bỗng nhớ những đứa bạn không trở về và cả những đứa bạn gái đã đi lấy chồng xa tít tắp. Tôi bỗng lại thấy mùi phấn ngô và mùi mật mía làng mình thơm bình dị từ những cái lò mật bãi sông bay về.

Đi học cấp 1.


Trường cấp 1 Đan Hà của tôi có từ năm 1955. Trước đó, lớp cha anh phải học tư thục Minh Đức hoặc phải về Ấm Thượng cách 10km. Ngọn đồi kề đường tàu hỏa rợp những cây xoan và cây nhội rất to. Tôi leo lên cái dốc đến là dài đầy sỏi, nhiều bụi về mùa hè và mùa đông thì đôi bàn chân đi đất đau thon thót vì những hòn sỏi ấy. Thầy hiệu trưởng già nói tiếng Pháp xen lẫn tiếng Việt với đồng nghiệp mỗi lúc hứng thú một điều gì đấy. Mùa đông thầy mặc áo ba đơ xuy và mũ nồi . Cả nhà thầy đều là giáo học và con cái đều đi xa hết cả. Tiếng gõ thước kẻ lên bảng, tiếng học trò ê a đọc bài và tiếng trống tùng … tùng ra chơi sao mà nhớ lâu đến thế. Ngày ấy cứ mỗi lần ngồi trong lớp nhìn chuyến tàu ngược Ha Nội lên là xốn xang những ước muốn rồi một ngày nào đó đi xa. Suốt đời tôi đi học từ cấp 1 đến lúc đi đại học chưa bao giờ tôi được học trong căn nhà xây. Trường cấp 1 làng tôi cũng có 1 lớp lợp ngói cột gỗ lim dỡ từ hai cái miếu ông miếu bà dưới xóm cầu Tây về dựng lên. Hình như tôi chỉ được học vài buổi ở trong cái lớp xây ngói này còn thì chỉ biết đến lớp học lá cọ với những cái bàn lung lay rây đầy mực tím. Chúng tôi gọi lớp này là trường ngói. Trường ngói tồn tại đến khoảng năm 1965 khi máy bay bắn phá họ lại dỡ xuống để lấy cột kèo đóng cày bừa cho HTX. Khi học lớp 3 tôi vẫn nhớ những dòng chữ mà ai đó viết trên mặt bàn bằng thứ chữ cứng cáp. Tôi đoán là của các anh lớp 4 đã vài năm trước, một bài thơ thế này :
Em là con gái Minh Sơn
Bóng em thấp thoáng sớm hôm trên đồi
Nhanh tay hát búp chè tươi
Gió đưa thoang thoảng ngát mùi hương bay
Nhựa chè đen nhuộm bàn tay
Ửng hồng đôi má em say hương chè.
Những năm ấy xã tôi Đan Hà được đổi thành xã Minh Sơn. Phải đến năm 1964 mới đổi lại là Đan Hà như thời xưa cũ. Không biết bài thơ ấy của ai, các anh chị lớn học từ ai? chỉ biết đọc rồi nhớ rồi thấy mình yêu làng mình quá. Yêu đến nỗi lấy cái đinh 5 phân vạch dưới bài thơ ấy tên mình Nguyễn Trọng Luân ước ao một ngày nào đó cũng làm được một bài thơ về làng mình như vậy. Ao ước ấy suốt đời đến giờ vẫn không làm nổi.
Thủa ấy mỗi tuần học đều có một ngày thứ 5 có giờ lao động buổi chiều. Từ lớp bé đến lớn đều phải lao động. Bé thì lau chùi quét lớp quét sân. Lớn thì sới cỏ trồng hoa, trồng cây. Con đường từ cổng trường lên lớp học có những cây soan cây nhãn cây bưởi đã khá cao, mỗi cây đều có tên. Ấy là tên của các anh chị đã trồng lên nó. Hơn nửa thế kỉ sau tôi vẫn nhớ cây Soan anh Phú Mèo. Cây Bưởi chị Nhung. Ở ngay mép sân trường có cây soan cao to nhất đó là cây soan anh Long Bích. Anh Long sau này hi sinh ở chiến trường miền nam trong trận Mậu Thân 1968. Tôi như hình dung ra mỗi buổi tập trung ở sân trường hay nhìn lên lũ chim chào mào trên cây son mang tên các anh các chị ở làng.
Gò trường học ở giữa làng. Tôi nhớ là ông nội tôi gọi là gò Miễu. Mai sau này tôi không thấy ai gọi thế nữa. Bây giờ về làng hỏi các cụ trên 80 tuổi các cụ gật gù, ừ phải gò trường học xưa gọi là gò Miễu. Lâu nay tôi cứ để ý xem có cái miễu nào ở chỗ nào trên cái gò ấy mà không thể biết. Nhưng có chuyện này thì tôi nhớ. Đó là dưới lưng chừng gò có một tràn ruộng đồng ốc. Trên đó có những ngôi mả của những người là nạn nhân vụ cháy tàu quân sự năm 1947 ngay cửa nhà tôi. Cô tôi kể, đó là vụ đốt tàu quân sự cháy cả thuốc súng của những thằng việt gian. Có nhiều chiến sĩ hi sinh. Người ta chôn họ trên lưng chừng đồi. Do vậy mà lúc bé chúng tôi đứa nào cũng sợ cái sườn đồi vườn nhà ông Đào Điệp rất nhiều bình vôi lăn lóc và những lời đồn đêm đêm có tiếng khóc của những con ma. NGồi học trong lớp cứ nghe thấy tiếng còi tàu ngược 9 giờ là sắp có tiếng trống ra chơi. Có hôm ra chơi sớm hơn thấy tàu ngược là ra mép sân trường đứng vẫy tàu. Chả biết sao ngày bé lũ trẻ con làng tôi đứa nào cũng thích vẫy tay chào những người hành khách trên tàu thế. Nhìn lũ trẻ con chúng tôi áo quần cũn cớn hớn hở mà khách đi tàu ai cũng vẫy lại. Có lần, có một chị đầu phi dê vừa vẫy vẫy tay cười với chúng tôi. Tàu chạy rồi đứa nào cũng tranh nhau, chị ấy cười với tao, với tao chứ. Một thời sao mà con người thân thiện với nhau đến lạ.
Sau này đi xa quê, mỗi khi nhớ về quê là nhớ tới trường cấp 1 làng mình. Nhớ cái ngọn đồi giữa làng có cây cột cờ bằng thân cây tre treo lá cờ đỏ sao vàng mà mỗi sáng sớm thứ 2 chúng tôi đứng chào cờ. Sau cột cờ là cây soan rất cao được dựng một cái chòi trên 4 cây tre rất to và dài. Chúng tôi gọi là chòi phát thanh. Cứ thứ 2 và thứ 7 một thày giáo trèo lên đấy dùng cáo a lô đọc những bài văn được điểm cao hay những tin bạn nào đánh nhau, bị kỉ luật bị “lập chính” ( bị đứng lên trên bảng cho học sinh cả lớp ồ ồ). Tôi nhớ lắm những lần phát thanh nghe được những cái tên ca ngợi như thằng Nguyễn Thiện Ngữ con bác Phi Vượng, thằng Nguyễn Tiến Thường con bác Luân Vượng, cái Ngô Minh con ông Phú Tường… Còn hay bị nêu tên nghịch ngợm là thằng Đỏ con ông Giai Hạng, thằng Nguyễn Tường Cư con ông Hạnh. Thằng Dương Thịnh con bác Chiêu Đậu...…Những cái tên mà đến tận già nhớ lại vẫn thây thân yêu đến lạ. Bao nhiêu những chuyện cao siêu trong đời tôi chả nhớ là mấy, nhưng tôi nhớ tên nhớ tâm tính các thày cô từ vỡ lòng lên cấp 1. Nhớ những đứa bạn con nhà nghèo chân đất áo vá như mình. Nhớ giọng nói thày Vũ Duy Tốn hay cho học trò chơi trò chơi bịt mắt bắt dê, chơi cướp cờ. Nhớ cô giáo Cử tóc dài là em ông Chính Quyền xóm Dậm. Nhớ mùi sách giáo khoa thơm phức ngày tựu trường. Nhớ lúc tan trường mỗi đứa rẽ về một ngõ xóm hẹn nhau í ói đợi nhau cùng đi chăn trâu. Cho đến tận già tôi cứ ngửi mùi sách mới là tôi nhớ mùi quả thị chín vàng. Những ngày tháng 9 ngày xưa đi học thế nào cũng chui xuống vườn nhà Bủ Nộm có cây thị mà lấy trộm quả chín rồi mới vào lớp học.
Nhớ về quê là nhớ con đường tàu hỏa chạy qua trường. Tiếng còi tàu như hẹn hò như quyến rũ lũ trẻ mơ ước ròi sẽ đi xa. Tiếng còi tàu cũng là tiếng gọi trở về. Trở về với cội nguồn của mình. Dẫu bây giờ đi bằng ô tô của riêng mình. Dù nay có đường cao tốc êm ru sao mà tôi vẫn yêu thắt ruột tiếng còi tàu từ đầu máy hơi nước, yêu cái sân ga khốn khổ của bao người dân quê tôi. Nhớ ngọn đồi rất nhiều bóng cây có lá cờ đỏ và ở đó vang lên những tiếng hát vào giữa buổi. Những bài hát chúng tôi thì nhớ nhưng nửa thế kỉ nay không thấy nữa. Lũ trẻ hát thế này : ..kết đoàn chúng ta là sức manh. ( manh chứ không phải mạnh) ..Lũ trẻ hát : Gió bát ngát cuộn sóng tung ngời sáng tinh biển khơi…’ Lũ trẻ hát; Em yêu bác Hồ, muôn đời tre mãi , em yêu bác hồ em nhớ lời bác dân ( Hồi ất tôi không biết là TRẺ MÃI và không biết là BÁC DĂN ) , Và có một bài hát theo tôi đi chiến trường miền nam đó là ; Miền name m dừa nhiều miền name m dứa nhiều…
Tôi yêu quê hương cũng từ những bài hát ấy từ những dấu chân xòe năm ngón về phía tương lai là thế.
31/8/2020

SINH NHẬT BẠN LÍNH ( với Đinh Ngoc Sỹ)


Hôm nay là sinh nhật Nó.
Trưa qua chỉ có ba thằng.
rượu uống chỉ chừng 1 lít.
Chuyện kể dài 68 năm.
Ôm nhau như thằng "lại cái"
Cười rung cả tóc phơ phơ
Một nghìn ngày trong chiến trận.
Bao nhiêu thằng chẳng trở về
Những là Giáo sư giáo xiếc.
Làm thằng chồng tốt khó hơn
Làm thằng bạn lại càng khó.
Áo cơm đâu chỉ bằng tiền
Hôm nay là sinh nhật Nó
Mà như sinh nhật của mình.
Nhớ ngày ở trong " Rừng đói"
Nó xinh trai mình cũng xinh.
Ôm nhau mà như trai trẻ
Cõng nhau trên đường Trường Sơn.
Ngoài kia Hà nội vàng quá.
Mùa thu nắng như thơm hơn.
6/9/2020

ĐÁNH DẬM CHUỒNG ( Chuyện Làng).

ĐÁNH DẬM CHUỒNG
( Chuyện Làng).
Bây giờ làng hết đầm rồi, nên vĩnh viễn không còn thấy cảnh đánh dậm chuồng, hay úp Nơm úp Rập cả làng rộn rã vào tháng 5 tháng 6 âm lịch nữa. Đầm Hà quê tôi thành nhà chia lô thành ruộng cạn hết cả rồi, sinh thái làng hoàn toàn biến đổi đến là tiếc nuối.
Ngày xưa, chắc từ lâu lắm rồi người làng Đan Hà hay đánh dậm. Ngoài Đan Thương hay làng Trà, Hậu Bổng họ cũng đánh dậm nhưng đánh dậm chuồng thì chỉ có làng Đan Hà thôi. Sau gặt lúa vụ Chiêm tháng 5 chừng 1 tháng, các cuống rạ mềm ra gục dưới nước, ấy là lúc có thể đánh dậm úp nơm bắt cá cua dưới đồng Đầm Hà, đầm Đồng Gianh hay đầm Cả. Chỉ riêng đầm Hà thôi đánh dậm chuồng thì có mà hàng vài chục chuồng. Hết lượt đi rồi lượt quay về cua cá lại nhiều như cũ, thích thế. Làng tôi có lệ không biết từ bao giờ. Trưa, vừa ăn cơm xong còn đang tăm răng súc miệng đã nghe tiếng hú từ một nhà lão nông có uy tín nào đó. Ông nội tôi thường là người khơi mào các trận đánh dậm chuồng úp rập hoặc đi săn lợn rừng. Tôi thấy ông ra cổng bắc tay làm loa hú dài qua xóm dậm. Chỉ sau 1 đôi phút là có những tiếng hú đáp lại. Tiếng hú lan sang các xóm khác, nó lan lên gò lem, lan sang xóm hàng, xuống xóm cầu đất … và chỉ 30 phút sau ngót trăm người vác dậm vác nơm ra bờ đầm Hà. Họ thắt lại dây giỏ , buộc lại cái hom hay cài lại bàn dẵm. Tôi đã từng bắt chước ông nội hú mà không hú to được. Tiếng hú của tôi như tiếng con chích chòe chua loét nhỏ xíu bay chưa ra đến cổng . Tiếng hú của các ông nông dân quê tôi âm âm và vang xa, nó gọi nhau thắm thiết và có hồn người lan đi trong đó. Tiếng hú lúc đi rừng, hú gọi nhau đi săn , hú gọi nhau họp xóm ,,,,
Việc đầu tiên là chọn chuồng. Chuồng là khoảng đồng mà đoàn người sẽ quây tròn lại bằng đánh dậm vây cá trong vòng tròn đó. Bắt đầu họ đi thành vòng rộng. Đường kính vòng tròn có nhẽ đến 3, 4 chục mét tùy theo số dậm hôm đó nhiều hay ít. Dàn đỗ chuồng xong bắt đầu đánh dậm theo vòng tròn ngược kim đồng hồ. Những người đánh dậm đánh theo chiều xoáy trôn ốc để thít dần vòng chuồng hẹp lại. Cho đến khi dậm người này xít vào dậm người kia thì người ta đặt dậm đo cửa dậm vào phía trong chuồng. Lúc này bao nhiêu cá nằm trong cái chuồng hẹp ấy mà phía ngoài là mấy chục cái dậm quay tròn đo hứng sẵn. Bây giờ đến giai đoạn phá chuồng. Phá chuồng là hơn chục thằng trẻ con úp nơm như bọn tôi lội vào trong chuồng mà úp mà nô đùa. Cá bắt đầu chạy loạn xạ. Các dậm thấy cá vào là vội nhác dậm lên . Chỗ này được cá gáy chỗ kia cá chuối ầm ĩ náo loạn hỉ hả. Lũ trẻ con phá chuồng hò hét bắt cá trong nơm. Sau một hồi, người được kẻ không nhưng ai cũng hớn hở lại tiếp tục đi quây chuồng khác.
Lúc bé nhấc cái dậm rõ là vất vả nhưng mà thích lắm. Qua mỗi đỗ chuồng tôi dần khôn ra. Tôi tránh đi gần những người nôn nóng hay rung cán dậm. Phải thật nhẹ nhàng lặng im khi đợi phá chuồng cá mới đi vào dậm mình. Bố tôi dặn, thấy cá vào dậm thì lật ngửa ngay dậm lên cho nhanh cá mới không kịp chạy ra. Những lúc lật dậm ngửa ra rồi nhấc lên có con cá trắng bụng nhảy lóc đóc trong dậm mình sao mà sướng thế. Tiếng reo hò xung quanh khiến mình cũng vui lây kể cả khi con cá của mình bé bằng ngón chân cái. Có hôm một đôi vịt le bị quay lại trong chuồng , bọ trẻ con lao vào bắt hò reo náo động. Bỗng một con lặn rúc vào quần đùi một thằng úp nơm nó vội tụt quần ra kêu oái oái hở hết cả chim cò. Cả đồng nước phá lên cười. Ngày ấy sao mà thích thế.
Người đi đánh dậm chuồng thường là đeo hai cái giỏ. Một giỏ đựng cua, một giỏ đựng cá. Tôi vì người bé nên chỉ đeo nổi một cái giỏ thôi, Có hôm về đến nhà những con các diếc bị cua móc hết cả mắt, cụt cả đuôi. Đi đánh dậm chuồng đầm Hà tôi thích nhất là bắt được con thừng mực. Con thừng mực hệt như con cánh cam nhưng nó bơi và sống cả dưới nước và cũng bay vù vù trên mặt đầm. Có vài con thừng mực vặn cánh cứng đi rồi đun với tương cùng quả dọc ăn ngon không kém gì cà cuống. Cánh đồng rạ sau vụ gặt chỉ vài trận dánh dậm chuồng là ra đã nát. Những ngày sau đánh nhẹ nhàng hơn. Mặt đầm trông phẳng ra. Có hôm xuống đánh ở cửa đình làng là chuồng đầu tiên thì chuồng cuối cùng để lên bờ ra về tận xóm gần ga. Cả đoàn vác dậm đi ra cống bà Bảy rồi đi về làng. Mấy thằng úp nơm nắm tay nhau đi trên đường ray tàu hỏa. Những vết bùn như hoa 5 cánh in trên mặt ray. Những cánh hoa đất của người làng tôi in nỗi nhọc nhằn theo về trong xóm.
7/9/2020