Thursday, December 14, 2017

Chém gió. ( loại gió phe phẩy)


Hồi xưa, chúng tôi vào học đại học cũng như bạn tôi vào công trường hay thanh niên trai tráng mới nhập ngũ ….đều có một tuần đầu học Chính trị. Thậm chí một trường cấp 3 khai giảng xong cũng là học chính trị. Đó là tình hình nhiệm vụ mới , đó là thụận lợi khó khăn của đất nước và tình hình đổ quân của Đế quốc Mỹ vào miền nam…tình hình hai phe, tình hình ta thắng địch thua…
Sự ấy cần thiết lắm. Không thế sống mà không hiểu chúng ta đang ở vị trínào trong cuộc KCCM của dân tộc và trách nhiệm của mình ra sao trước vận mệnh tổ quốc. Chúng tôi thấm thía lắm, trách nhiệm lắm và hăm hở lao vào cuộc sống của người trai trong lúc đất nước lâm nguy.
Ngày ấy vừa GP miền nam xong. Tình hình gay go lắm. Nhất là vấn đề tư tưởng chính trị, biết bao nhiêu vấn đề phức tạp nhiễu nhương …học chính trị rất là quan trọng. Làm gì có máy tính và phông chữ hiện đại như bây giờ. Cái máy chữ ngày xưa không có dấu gõ lọc cọc rồi in rô nê ô ra những bài học chính trị. Thế rồi tổ thảo luận chi bộ thảo luận cứ theo câu hỏi mà phát biểu mà mổ xẻ mà thấm nhuần.
Có câu hỏi. 
« Đong chi phan tich de hieu ro ban chat chu nghia de quoc la con de cua chu nghia tu ban. »
Tổ trưởng cầm tài liệu và đọc. Ngắc ngứ một hồi anh đọc :
Đồng chí phân tích …… chủ nghĩa đế quốc là con dê của chủ nghĩ tư bản.
Cả buổi sáng hôm ấy mọi người xoáy vào nói xấu con dê. Thôi thì đủ những tính xấu của dê được mang ra băm bổ.
- Đó là một loại động vật chuyên hủ hóa đồng loại, nó đứng ở cửa chuồng và điểm danh dê cái bằng một choác… ( he he) 
- Dê là loại râu ria khốn nạn. Nó chỉ thích X con cái giống như sự hãm hiếp của lính Mỹ với đồng bào ta …
- Dê là loài hôi hám là loại vật gớm giếc
- Dê là loài vật có tiếng kêu be be chua loen loét.
- Dê không có lợi gì cho chuyện cày bừa của con người
....thôi thì nhiều lắm. Ngày ấy họ ném đá hội đồng về cái xấu và kết tội cho con vật sung mãn mà đàn bà đời sau luôn yêu quí này.

Có một đồng chí trầm ngâm nghe mọi ý kiến nói về « con dê » rồi mới đến lượt mình. Kiến thức về Dê đã cạn thì đồng chí ấy chợt nhớ đến Dái Dê. 
Đồng chí nói :
- Không có loài vật nào mà có cái dái to như Dê. Oanh tạc như Dê. Reo rắc như Dê. Mồ hôi của nó cũng là một nỗi khổ cho người chăn nuôi. Bọn Đế Quốc Sài lang cũng như con Dê. Theo tôi cứ cắt phăng cái Của Quí của nó đi …là tiêu diệt mầm mống chủ nghĩa đế quốc.
Ai cũng cười. Chỉ có cán bộ cầm chịch thảo luận không cười. Anh gật gật gù gù.

Bốn mươi năm sau. Hễ cứ thấy anh Giáo sư nào lên Truyền hình mà xuất hiện dòng chữ GS Viện sĩ Chính trị là mình nhớ đến chuyện con dê của chủ nghĩa tư bản. Bố khỉ !
Ai tin thì tin không tin thì thôi. He he !

9/12/2017 

MUỐN CHÉM GIÓ MÀ ÉO CHÉM ĐƯỢC. BỐ KHỈ!


Mịa. đến bây giờ mấy thằng cấp đại tá đi họp BLL vẫn thơi thơi kể chuyện như đúng rồi, nào là tao chỉ huy đại đội trận ấy nào là tao lạ gì trận ấy cái thằng đại úy ấy bị bọn tao oánh toi ngay từ loạt đầu. Mình hỏi nó tên là gì? Nhớ thế éo nào được. Hỏi thế sao mày nhớ con bé tù binh đó. Thằng đại tá hay chém gió nhăn răng. Nhớ là vì nó là con gái. Mịa hồi đó thèm nhìn thấy gái bỏ mịa.
Đó là cái đận 1974 khi VNCH đổ quân lấn chiếm đường 5. CHúng đưa hẳn cả tiểu đoàn ra đóng quân tạo lập căn cứ kiên cố vào vùng quân ta. Chỗ đó chỉ cách thị xã Pờ lấy chừng 20 km. Thằng Đại úy Tiểu đoàn trưởng trẻ đẹp trai và có tài mới 26 tuổi học Đà lạt lại 5 năm chinh chiến nhiều bội tinh nên nhiều bóng hồng theo lắm. Có cô nữ sinh 12 ở Pờ Lây xinh như mộng là hôn thê. Hôm ấy cả mẹ con cô ta lên tiền đồn kêu đại úy xin thượng cấp về làm đám cưới cho được ngày đẹp hai nhà giao kết. Khốn nỗi tình hình căng thẳng vì thám sát cho biết e48 của sư thép 320 cộng quân đang chuyển quân vùng của đại úy án ngữ. Đại úy lễ phép, má và em về ngay thị xã thôi. Chiến sự sảy ra bất kể lúc nào con không thể nói là bảo đảm an toàn cho má và em. 
bà già vợ tương lai, rơm rớm nước mắt. Vậy má về, con bảo trọng hết nhiệm vụ này con về nha con. 
Đại úy : Dạ. 
Cô nữ sinh 12 : Thưa má con với ảnh đã đính hôn coi như vợ ảnh rồi. Con ở lại với ảnh . má về Pờ lây đi. Mai một yên hàn vợ chồng con về má à.
Bà má lên xe nước mắt lưng chòng. TRời Gia lai xanh eo éo chả có tiếng súng nào mà bà già ngồi trên xe cứ giật thon thót.

Má về lúc chiều. Đêm khuya pháo e48 nổ . Đánh công kiên thì cái thằng trung đoàn 48 này giỏi kinh. Loạt pháo đầu tương vào sở chỉ huy. Lúc Đại úy đang ôm ấp hôn thê của mình. Đại úy đạp vội người yêu quí xuống đất lao ra cửa hầm để chỉ huy tiểu đoàn. Cô nữ sinh khoác vội măng tô thất thanh :
- Đừng có lên anh ơi.
Đại úy trúng đạn ngay ngoài cửa hầm. Cô gái sau loạt pháo cũng lao lên tìm chồng. Đạn bắn ghê quá. Cô rúc vào bụi cây . Cô nằm chết giấc. 
Hơn một tiếng sau cả trận đia ngun ngút cháy và tiếng kêu khóc. Trong loáng thoáng bóng lửa, bộ đội ta thu chiến lợi phẩm bắt tù binh hối hả. Có tiếng thét: 
- Nhanh lên , thu được cái ba lô nào thì vác đi. Pháo nó bắn cho bỏ mẹ bây giờ. 
Một tiếng kêu to: tao vớ được một ba lô. Thì ra một chú sờ tay vào cái mông tròn tròn của cô gái chổng ra từ một bụi cây. Lại có tiếng kêu: 
- Ối! nong nóng. Giơ tay lên. Đéo phải ba lô, tao bắt được tù binh. Đi ngay. Đ mẹ thằng này ẻo lả quá. Đạp cho mày một phát giờ. Anh lính trẻ quát. 
Đêm tối, lửa cháy , đạn xì xọp. Loáng thoáng nguwoif chạy đi chạy xuống khiêng nhau rên rỉ chửi bới thì thầm. Có cả tiếng những chú lính nhai gạo sấy uống nước ừng ực. 
Người ta chỉ phát hiện ra tên tù binh này là con gái lúc qua suối. 
- con không đi được ạ. Các ông cho con bò . 
- Mẹ ! mày bò thì chúng tao chết với pháo của chúng mày à . 
- Bắn mẹ nó đi.
Có tiếng khóc tru lên thất thanh: 
: - ối các ông ơi con là con gái ạ không phải là lính 
Một thằng bật lửa lóe lên. Lập tức có tiếng chửi. Đ mẹ thằng nào bật lửa đấy! Có tiếng kêu to hơn:
- Con gái chúng mày ơi. Trong đêm mọi tiếng quát hét bỗng dịu ngay xuống. Thằng ban nãy lại tiếp;
- Mẹ , nó thơm quá mày ạ. 
Đêm đen thật là vui thật là mềm. Một lọat pháo địch bắn chặn đường. Đám tù binh nằm rạp xuống. Con tù binh này lao vào ôm chặt lính ta. Ngớt pháo. Cái thằng lính được tù binh ôm thì thầm, mẹ kiếp nó thơm thật.

Vài ngày sau khắp sư đoàn biết chuyện có một tù binh nữ xinh đẹp vợ sắp cưới của thằng tiểu đoàn trưởng BĐQ Biên Phòng 8x . Bọn tăng gia phía sau ngoài Đức Cơ chỉ tìm cách đi công tác để mò loáng quáng vào trại tù binh mà nhìn thấy cô tù bình là sướng. Chúng nó kể con bé ấy tên Ánh Tuyết. học tú tài Pờ Lây. 
Có một thằng kể.
Khi tù binh về e 48, thằng nào cũng xung phong gác tù binh để nhìn gái cho đã mắt mấy năm không thấy giống cái trong rừng. Một ngày, hai ngày, ba ngày tên tù binh không được tắm rửa bắt đầu bốc mùi. Thế là chả mấy thằng xung phong nữa. Ánh Tuyết đâm ra buồn ngồi dưới cái hố đến thắt lưng Tuyết khóc.

Chả ai đánh đấm tù binh Ánh Tuyết . Sư đoàn cũng không nhốt Tuyết như những thằng tù binh khác, mà cho Ánh Tuyết làm lặt vặt những việc sự vụ chỗ bọn vệ bịnh ngoài tuyến sau. Tuyết mặc bộ đồ bộ đội khâu lại trông ngồ ngộ xinh xinh như cô giao liên. Tuyết biết rửa rau, biêt làm rá đỗ , Tuyết dậy tiếng anh cho lính ta đọc mấy tờ họa báo Boy Boy gi đó.
Mấy thằng vệ binh kể, hay nhất là Tuyết rất thích làm thư kí cho lính ta đánh Tiến lên ăn thuốc lá. Những lúc ấy Ánh Tuyết cười như đứa em gái nhìn mấy anh trai nghịch ngợm trong vườn nhà.

Cuối năm 1974. Sư đoàn bí mật đi chiến dịch A ( Daklak) . Tù binh Ánh Tuyết chuyển về nhốt cùng trại tù binh nam. Chúng tôi hun hút đánh đến tận Sài gòn. Tháng 7 năm 1975 hội diễn văn nghệ Sư đoàn. Trong đội Văn nghệ có thằng vệ binh coi tù mới về sư đoàn sau 30/4 ở Đồng Dù. Một hôm ngồi ăn cơm ở đội văn nghệ nó nói : 
- Thông báo cho chúng mày biết , Ánh Tuyết về trại tù binh nam rất buồn và nay đã có chửa rồi. Chắc giờ cái thai cũng 6, 7 tháng 
Trừ những thằng lính mới bổ sung vào đầu năm 75 không biết gì, còn thì tất cả chúng tôi đều tự nhiên thấy buồn buồn. Chả hiểu vì sao mà buồn. Bố khỉ!

Hà nội ngày mưa rét. 12/12/17

Gửi tới vùng biên ải


Sương ở mèo vạc chưa bông thành tuyết
Mà tình lắng ở đá long lanh
Em bảo có một miền Nho Quế
Mã Pì lèng trong suốt đến miền anh

Hoa đào chợ phiên hiêng hiếng má
Cổ chân mầm sà cạp cũng cheo leo
Em bảo mang về xuôi anh nhé
Cho người kinh cũng thăm thẳm má đào

Mỗi năm một ngày Khâu Vai nức nở
Mà em thì chả muốn cứ tìm nhau
Sao trái núi con sông ở một vùng đá cổ
Lại cứ yêu dĩ vãng đến cồn cào

Nho Quế ơi Nho Quế
Mùa này buốt ướt câu thơ
Mùa này sang sông lên bản Phùng tê tái
Hẹn rồi đi. Xa Mèo Vạc đến bao giờ ?

Chỉ vài tiếng đi ngựa thôi Mèo Vạc chưa có tuyết
Mà một vùng băng đóng cứng bản Phùng ơi
CHờ đến bao giờ người dưới xuôi lên lần nữa
Những áo quần những sách cũ cháu em tôi.

Mèo vạc cuối tháng 10 / 2016

Bia đá của chúng mình


Sẻ đá núi Nhồi sẻ đá Hoa Lư
Người tạc những long li qui phượng
Những vô tri bỗng trở nên thần tượng
Nguy nga choáng ngợp lâu đài

Tháng này là tháng mười hai
Tháng Chiến Binh chúng tôi về nơi đồng đội
Đồng đội tôi thì nằm lại
Hóa đất rồi đá tạc đất làm chi

Ơi những xác thân hóa sóng nước nói gì ?
Ai tạc đá vào đáy sông Quảng trị ?
Ai vác núi lên Chư Mom Ray lên Vị Xuyên thêm hóa đá ?
Khói hương làng cha mẹ khuất đồng xa

Tháng này tháng mười hai của người xưa
Còn người nay chỉ lo mà thưởng tết
Ai thưởng cho người đã chết ?
Núi sông này hóa đá những là ai ?

Ơi tháng chiến binh đồng đội của tôi ơi
Nước mắt chảy suốt thời « nhắn tìm đồng đội »
Tôi cũng như bạn bè tôi từ tháng tư « hoa phượng cháy »
Gọi bao năm bè bạn chả thấy về

Con đê làng mưa tưới lạnh tái tê
Nhem nhép bước cựu chiến binh già đi dự hội
Trong tháng chạp rượu bia như nhang khói
Có đá nào tạc được khói nhang không ?

Ngày mai chúng tôi lên một không mười lăm
ở đó suốt tháng tư năm bẩy hai đá cháy
Chúng tôi cõng đá từ miền quê trở lại
Dựng bia cho cả đời mình
14/12/2017

Friday, December 8, 2017

Hàng cây cũ ở trường xưa




Về đi dưới hàng cây
Nắng mềm ở vòm lá 
Có bạn gọi ta là ông già ka chín a đấy hả
cười rung biếc má đầu đông

Con đường này chúng tôi trồng cây đã hơn bốn mươi năm
Cây không già mà chúng tôi vẫn khỏe
Người nhiều tuổi và cây thì cổ thụ
Đừng gọi chúng tôi và hàng cây ấy đã già

Sớm nay nhớ tên người bạn gái ở rất xa
Một thuở quây rào cây non loe loét đất
Bạn ve vuốt mềm mềm từ lấm bết
Cái dốc này mang tên một chi đoàn

Chúng tôi đói ăn
Bếp Sinh viên dọn vệ sinh rất chóng 
Bụng người lưng lửng
Múc nước tưới lên những gốc sà cừ
Nhặt cỏ dưới gốc phượng ưu tư
Cười vang cầu chinh bay đi bay lại
Kí túc xá bạn gái 
Đèn sáng thâu đêm

CHúng tôi về thăm 
Chả có cái gì lạ cả 
Nhưng tất cả mái trường xưa thì rất mới 
Mới như tôi chưa từng gặp bao giờ

Thầy Hiệu trưởng xưng em với chúng tôi những học trò xưa
Sao thấy cay cay khóe mắt
Tôi ngửa mặt nhìn lên hàng cây bốn mươi năm ươm vào đất
Một cõi nguyên Cơ Điện của tôi ơi.

Vòm lá xanh con dốc sỏi một thời
nương tôi vào gập ghềnh mơ ước
bạn có lan man miền phây búc
Muốn hiểu tôi
Hãy gõ vào tên trường đại học của tôi .
Hà nội 7/12/2017

Ta đi về lại chiến trường xưa




Đi bạn ơi mình đi dù có muộn
Thăm lại bạn bè một thủa đôi mươi
Ngày nhập ngũ ngơ ngác tìm bạn gái
Hẹn ngày về lời hẹn đã hoa râm

Đâu căn hầm xưa mình đã từng nằm
Đêm pháo kích lòng đất rung bần bật
Cánh rừng muỗi lịm vào cơn sốt
Nay có còn tán lá chở che không ?

Những tấm hình nhỏ chỉ tựa con tem
Theo mình đi biết bao mùa chiến dịch
Giữa cuộc hành quân chuyện người yêu rúc rích
Đêm Trường sơn thao thiết nhớ một người

Ta đi tìm nhật kí tuổi hai mươi
Nét xấu hổ gửi yêu vào trang giấy
Thư bạn gái ướt bao lần ngực áo
nghe như tim mình tim bạn rộn vào nhau

Đâu bản làng mình đốt lửa đêm thâu
Bám địch đói run hai mùa xuất kích
Đâu con suối chiều giao liên khúc khích
Lính trẻ ngồi tưởng tượng nhớ bâng quơ

Chúng mình đi tìm góc phố ngày xưa
Cờ đỏ một thời long lanh ánh mắt
Những người lính rừng về xuôi ngơ ngác
Em gái áo dài có thương sắc rừng xanh

Sao buốt lòng tìm bạn ở nghĩa trang
Cùng lớp cùng trường vẫn lang thang sương gió
Bia mộ trắng như một trang sách mở
Tóc bạc nghiêng đầu nước mắt nghẹn khói nhang

Bia bọt mãi lời hẹn hò day dứt
Những chiến binh canh cánh phía rừng già
Ta đi nhé dẫu rằng đi có muộn
Trả nghĩa với đời ta về lại trong ta
Tháng 7/10 NTL

Cúc họa mi không tuổi


Chỉ là người có tuổi thôi
Chỉ là núi biếc nói lời già nua
Chỉ là nắng chỉ là mưa
Mùa lên thành hạt gieo mùa thành hoa

Này là hát này là ca
Bao nhiêu sướng khổ thốt ra thành lời
Bao nhiêu tinh túy đất trời
Một ngày kia nở cho đời thành hoa

Những là miếng mẹ miếng cha
Những cao sang những lê la cõi thường
Người ta ví bởi yêu thương
Hoa nào cũng chỉ mùa màng nhân gian

Giàu hoa giàu cả lụi tàn
Chỉ em về tiết thu hàn heo may
Bãi sông hờ gió lắt lay
Họa Mi áo mỏng thân gầy mà thương

Những là heo hót bờ sương
Trắng vào cả những môi hường rau dưa
Người ơi ra bãi bây giờ
Để em theo với đi về trong đê

8/12/2017

Friday, December 1, 2017

Cầu Ngòi Sen và dốc Ót


( lại nhớ trường cấp 3A Yên Bái 50 năm về trước)
Ở chỗ tiếp giáp 2 tỉnh Yên Bái và Phú Thọ dọc theo sông Hồng có một ngọn núi cao nhòi ra sông. Để vượt qua nó là cái dốc cao dài đến hơn hai cây số có 3 vòng cua gọi là 3 quanh. Cái dốc 3 quanh này gọi là DỐC ÓT.
THời ấy dốc Ót đầy những cây hu bét lá xanh mặt trên trắng như phấn mặt dưới. Mỗi cơn gió thổi lá rừng lật lên trắng xóa, gió ngưng lá cụp xuống rừng lại xanh. Nhìn từ xa cánh rừng cứ xanh trắng đổi màu theo gió. Dốc Ót có bao nhiều chuyện rùng rợn li kì . Toàn là chuyện ma chuyện cướp đường. Với chúng tôi dốc ót là trọng điểm ném bom của tàu bay Mĩ những năm 66, 67 của thê kỉ trước. Là nơi dễ sợ mà cũng là nơi thật nhiều kì thú .
Ngay dưới chân dốc ót là cây cầu Ngòi Sen. Cầu này ở chỗ hiểm yếu dài chỉ chừng hai nhăm mét. Đứt cầu là đường sắt Lao kay Ha noi tê liệt ngay. Suốt mấy năm ấy phi công Hoa kì ném bom toàn vào dốc ót chứ không trúng cầu. Bom nhiều đến nỗi rừng lau trên dốc ót cháy vàng ươm. Cháy ngày này qua ngày khác. Bố mẹ chúng tôi nhìn ngọn đồi cháy mà thương các con đi học ở trường C3A thị xã YB ngày 2 lần qua đó. THương vậy thôi chứ các cụ vẫn phải ra đồng cày cấy còn chúng tôi vẫn chân đất ngày ngày chạy qua cầu ngòi Sen đến trường.
CHỉ có điều bố mẹ chúng tôi không biết rằng chúng tôi rất thích trong điểm ném bom này của thằng giặc Mĩ. Ngay dưới chân dốc ót kế bên cầu Ngòi Sen là một đồn điền quýt cam và bưởi. HTX quản lí và giao cho các ông bảo vệ HTX trông coi cái đồn điền dài đến hơn ngàn mét rộng đến bốn trăm mét rồ rộ quít cam. CHịu chả biết là từ bao giờ có cái vườn quít khổng lồ này. Về hỏi bố. Bố bảo, đấy là đồn điền Tanh Bua thời Pháp . Tanh Bua là ai? Bố bảo, học lên rồi thì biết. Chuyện dừng ở đó. Tanh gì thì tanh cứ hàng ngày có quít ăn có chỗ vui như công viên là thích rồi.
Cuối tháng 11 năm 1966. Rét. Lũ học trò đi cưn rưn. Chả đứa nào có dép. Chân chim tòe năm ngón trên đường tàu hỏa. Chúng tôi đi trên đường tàu hỏa cho gần nhất khỏi phải chèo dốc Ót. Chỉ khi nào hết đường sắt là dấu chân của chúng tôi lại dẫm bùn tòe năm ngón về phía ước mơ. Một ngày sau đận tết trung thu năm 1966 chúng tôi hẹn nhau đi sớm trước khi máy bay Mĩ đến. Sương ướt và lạnh. Cả lũ chui vào vườn quít hái thoải mái cho đầy các túi, cho cả vào ruột tượng đựng gạo . Giữa trời lành lạnh bóc quýt ăn giọt nước tràn mép chảy xuống cổ mát thon thót. Cuối năm ấy những cây bưởi quả vàng ươm . KHỉ nỗi chỗ nhiều vây bưởi quả to vàng lại là chỗ gần cầu Ngòi Sen túi bom. Sự lấy bưởi như một trận đánh ác hiểm. Đứa nào cũng hăm hở cũng thích . Chúng tôi hẹn 5 giờ chiều tắt nắng sẽ về ngang đồn điền Tanh Bua lấy bưởi . Chiều ấy cả lũ bê bưởi ra đường tàu hỏa bổ ngay trên trên đường và ăn luôn tại chỗ . Bưởi ngon đến tê mê. Làng tôi nhiều bưởi nhưng bưởi ngon thế này thì đây là lần đầu tiên chúng tôi được ăn. Mỗi đứa xơi hai ba quả rồi kéo nhau về. Trời tối con đường sắt chạy dọc theo sông Hồng hiền lành cóc cáy.
Năm 1967 là năm máy bay Mĩ tàn phá vùng tôi ác liệt nhất. Cái cây cầu Ngòi Sen gọi là tử địa là Cồn Cỏ là Vĩnh Linh. Chúng tôi không còn đi qua đồn điền Tanh Bua đến trường mà đi đường khác, đi xuyên trong rừng trong dộc đến trường. Đầu năm 1968 ngừng ném bom chúng tôi lại trở về con đường sắt qua dốc Ót. Lại một chiều sương lạnh chúng tôi nắm tay nhau đi đên khúc đường tàu hỏa kế bên cầu Ngòi Sen. Nơi chúng tôi ngồi bổ bưởi ăn năm trước giữa lòng đường sắt có hàng chục hàng trăm cây bưởi con cao như cái đũa mọc xanh thẫm chi chít từ đá đường tàu. Thì ra những hạt bươi chúng tôi nhả lên lòng đường đã nứt thành cây con. Những cây bưởi lớn lên nhưng không cao được vì tàu hỏa chạy trên đường không cho nó nhớn . Cả tùm cây bưởi con lá búp cứ nhọ nhem vì vết tàu chạy qua đè nó xuống. Cả lũ học trò thờ thẫn nhìn những cây bưởi non . Rồi chúng nó òa lên, ôi thằng Cư ăn nhiều nhất . Thằng Chương chỉ chỗ hàng chục cây bưởi non mọc thành một bụi. Nó bảo chỗ này là chỗ thằng Hiến và thằng Cư ngồi. Tôi và Chương cũng nhận ra chỗ ngồi của mình ở đó những cây bưởi non lạnh lùng xanh và cưn rưn trong gió lạnh . 
Cả lũ chúng tôi bỗng im lặng nhìn chỗ thằng Hiến thằng Cư ngồi nơi có nhiều túm cây non mơn mởn . THằng CƯ đã thôi học năm ngoái và năm ngoái cũng là năm Thằng Hiến lên đường nhập ngũ . Nghe đâu nó đã kịp vào đánh Mậu Thân trong Huế. 
Tròn năm mươi năm sau. Chúng tôi trở về cầu Ngòi Sen. Cái đồn điền Tanh bua tan hoang thành nhà máy gạch tuy- nen. Dốc ót vẫn hoang vu bàng bạc như cũ thấp thoáng những cái lều của người làm trại trên đồi. 
Tôi nghe nói giống bưởi ngọt ở đồn điền Tanh Bua bây giờ ở vùng này nhiều lắm.

6/11/2017 

BỐ TÔI LÀ THẦY GIÁO

Chuyện cuối ngày 20/11

Bố chỉ làm thày giáo cấp 1 có 9 năm. Từ 1958 tới 1967. THời tây bố học cấp 3 Hùng Vương khi trường tản cư lên Văn Bán Cẩm Khê. 
Ngày ấy ông nội bán cả gò cọ gò chè bố mới đi học được. 1953 đang học lớp 8 bố bỏ về đi Điện Biên phủ. Là dân công Điện Biên thôi nhưng bố tự hào lắm. Lúc còn bé nghe bố kể Mường Phăng, Cò Nòi, Lũng Lô, Hát Lót …nghe quen đến nỗi cứ như dốc Pha Đin ở ngay làng mình. Bố đi Sư phạm bố đánh bóng chuyền đội tỉnh. Bố hát Cải Lương hay. Bố đi tàu về Hà Nội thi vào Chuông Vàng . Thi xong, Lúc ở tàu ngược về nhà ông nội đón sẵn cầm đòn sóc vụt bố. Bố bỏ mộng làm văn công. Bố đi học Sư Phạm làm giáo học. Ông nội mừng lắm. 
KỈ niệm về ngày bố làm giáo học với tôi là những tối bố soạn bài, chấm bài và bố làm giáo cụ trực quan. Lương giáo học của bố 33 đồng. Cuộc sống sau ngày vào Hợp tác xã khốn khó. Công điểm HTX mẹ lo tất tần tật. Bố cứ như cái cây đứng giữa vườn cho chim cò đậu. NHững ngày máy bay máy bò giặc Mĩ càng túng quẫn. Bố thắt ruột nhìn đàn con nheo nhóc không đủ áo mặc đến trường không đủ tiền đóng học. Bố xin về làm nông nuôi anh em tôi. Kể từ năm 1967 cái cặp đi dậy học của bố đựng toàn những công văn Ban Quản trị HTX trong đó có một cuốn học bạ của bố thời xưa toàn chữ Pháp.

Tôi chưa từng biết một lần Hiến Chương nhà giáo nào với bố. Bởi có nhẽ ngày xưa không phải là bây giờ. Nhưng tôi nhớ đời, bà con các xã lân cận gọi tôi là con thầy giáo Dụng ở Đan Hà.
Ngày tôi đi đánh Mĩ hành quân qua Trường sơn, một hôm đến binh trạm 12 nghe nói trạm này có người Hạ Hòa PHú Thọ tôi mò vào trạm hỏi thăm. Thì ra anh ấy là y tá ở xã bên kia sông quê tôi. Tôi kể, em người Đan Hà . Anh y tá hỏi , thế mày có biết thày giáo Dụng Đan Hà không. Tôi không dám kể với anh ấy là tôi là con thầy giáo Dụng. Anh ấy cho dúm đường và tí mì chính dặn đi đứng cẩn thận lo sức khỏe chiến đấu rồi mà về em nhé. Chia tay anh ấy rồi. Ra suối. Tôi òa khóc. Trong một chiều Trường sơn, ngồi gục bờ suối vắng lặng. Tôi gọi bố ơi .

Cuối ngày 20/11/2017

Những xúc động vụn vặt

Những xúc động vụn vặt
( tên sách)

Làm sao ta sánh với giang hồ
Bữa nào ta cũng nhớ ngày xưa
Ta đi chân cũng lầm bụi đỏ
Gió cao nguyên lồng lên ngẩn ngơ

Ta ra khỏi cửa vợ nhìn theo
Đêm khướt ta lưng chừng núi đèo
Quờ cả vào eo chai rượu núi
Có tiếng người xa tiếng rất yêu

Sông thế thôi mà mây cũng thế
Tay nải nào có những gì đâu
Nghe tiếng súng xưa trong mơ tưới
Bật mồm hát khúc dạ phiêu diêu

Oanh liệt cách chi buồn vụn vặt
Thời nay gái bảo thủa a còng
Ta bảo ngày xưa giang hồ vặt
Vợ cũng buồn gái cũng chả mong
21/11/17

VỀ VỚI NHAU Ở TẤM BIA NÀY ĐỒNG ĐỘI ƠI


Về đi các anh ơi
Gọi nhau khản tiếng rồi
Cha mẹ không đợi được nữa
Sao dùng dằng mãi ? hay rong chơi trên Ngọc Rinh Rua thông non nức nở
Dưới kia Pô cô hết cạn lại đầy

Sác li, Đen ta đốt cháy cuộn trời
Trai tráng sư đoàn không xuống núi
Em ở Rờ kơi đợi nhau mấy chục năm không trở lại
Ngọn Sa Thầy lốm đốm lửa Pơ lang

Lính sư đoàn về thăm
Ngơ ngẩn dưới chân 1015 đàn gà bới đất
Bới lên bi đông có con chim xinh đang khóc
Tên một sư đoàn

Đừng đếm số người nằm lại cuối mùa hoa pơ lang
Đừng đếm xác đối phương tháng Tư năm ấy
Rừng thông cũng đã già từ độ ấy
Miếu thiêng khô khốc đỉnh trời
Ơi 1015 ơi
Ơi 1049 và bao nhiêu cái tên cứ nổi lên chìm xuống
Giống như mùa khô mùa mưa
Giống như màu hoa dại Dã quì
Vàng rồi tàn lụi.
Sông Pô cô đầy vào những bức tường thủy điện
Nước hùa ngâu ngấu lạnh hồn nhau
Bạn bè nằm đâu nằm đâu
Súng nát mà hoa vàng đến thế
Mùa này Chư mom ray bụi cũng mù lên mắt đỏ.

Tên một sư đoàn
Tên của nhiều sư đoàn
Khoác áo rừng hoang
Dã Quì dệt bằng linh hồn trai tráng
Rừng xanh không tĩnh lặng
Chỉ những người bạn tôi nổ súng rồi lặng im
Ngắm nhìn mùa nương có những cô gái ngực cong nâu trỉa lúa
Ngắm nhìn mẹ địu con lên núi lúc mặt trời chưa kịp lên
Bốn phía là những cái tên cao điểm
Lãng quên.

Ngày mai chúng tôi bám nhau cõng bia lên núi
Lưng chúng tôi già bia liệt sĩ thì mới
Cõng lời khóc ướt mùa khô
Các anh ơi hãy về
Tựa vào tấm đá này nóng ấm
Tên một sư đoàn
Tên một vùng đồng đội
Tựa vào nhau kể chuyện quê hương đổi mới
Kể chuyện làng cũ trường xưa
Kể chuyện đứa nào lên ngựa lên xe
Giữa một vùng đỉnh cao hoang vắng

Các anh ơi hãy về
Ta tựa vào đồng đội
Mặt trời cũng về
Tựa vào dáng núi
Sáng 23/11/2017

Ở dưới chân núi Quyết


Xe chúng tôi rời Hà nội lúc chạng vạng sáng. Con xe mang biển số Quân đoàn 3 có 8 người gồm hai tướng còn lại là đại tá. Nhõn mình là trung sĩ ngồi cuối xe.
Dọc đường nhiều chuyện lắm. 
Chuyện thời sự chính trị chuyện thời sự địa lí thời tiết. Chuyện anh tướng này tướng kia thất sủng, thăng tiến. Chuyện những toàn là rất chi to tát nhưng rất vô bổ. Ngồi cuối xe mình nghe rồi ngẫm các quan càng to khi về hưu các quan càng nhỏ và rất chi nhỏ so với dân thường.
Chuyến đi này để thắp hương nhập hồn các tấm bia mang vào Tây Nguyên mà tịnh không thấy một anh nào nói về bia. Họ già rồi, cũng cũng thương họ . Đi 700 km trong ngày đâu có dễ. 
11 giờ trưa đến Vinh, chúng tôi theo người dẫn đường chạy đến chân núi Quyết. Ngọn núi như ở trong dĩ vãng. Ngọn núi mà cả thành phố Vinh dựa vào nó mà sống những năm máy bay Mĩ mò ra đánh phá miền bắc nước ta. Bây giờ nó khiêm nhường dung dị. Bao nhiêu chung cư cao tầng bao nhiêu dự án bao nhiêu biến thiên nhiệm kì khiến núi Quyết như nhỏ lại nhưng núi Quyết vẫn đó vẫn lắng nghe thành phố đi lên hay chững lại lại hay rẽ ngang chập chữn.

NGười NGhệ giỏi. Người ta biết tìm lối đi lên và núi Quyết dòng Lam thì vẫn thế. Giống như một câu hát “ giận thì thế thôi mà thương nhau vô kể”
Các đồng đội tôi chọn nơi này để thắp hương nhập hồn cho những tấm bia CHư Bồ- 1015- 1049 và ngay trong chiều tối nay chuyến xe sẽ khởi hành. Những người chịu trách nhiệm đi cùng chuyến xe là : 
Nguyễn Mạnh Hải lính D25.NGười thành phố Vinh. 
Là Nguyễn Thế Tân đại tá nguyên Sư đoàn trưởng 320.
Là Phạm Sỹ Độ đại tá nguyên lính trung đoàn 48.

Núi Quyết hiền như khói mơ. Con đường vào núi Quyết không nhiều xe nhiều người. Tôi thắp nhang và nhìn lên ngọn núi cây xanh vẫn hoang như ngày xưa. Từ đây lớp lớp người Vinh tuyên thệ để lên đường đánh Mĩ. Tôi muốn tìm lại ngọn khói len lỏi rừng cây của những nhà máy công xưởng người NGhệ đưa thành Vinh vào núi Quyết ngày xưa mà Không tháy.
Khói nhang bay mờ trưa nay ở chân núi Quyết. Khói nhang của hơn một trăm đồng đội lính 320 người NGhệ An tập trung về đây tiến những tấm bia vào Tây Nguyên.
Cám ơn người Nghệ An. Cám ơn Nguyễn Mạnh Hải. Cám ơn núi Quyết trong một sáng mai này đầy ân nghĩa. Chiều. Chúng tôi bịn rịn nắm tay những chiến binh già đi theo đoàn xe vào Tây Nguyên. Chúng tôi chia tay các ccb Nghệ An và ngước nhìn lên núi Quyết. Mây bay thật hiền .

Đêm HN 24/11/207

Mùa đông quê


Xin lỗi em yêu mùa đông
Bỗng dưng quên em nhớ mẹ
Ước chi mẹ sống thêm qua thời khốn khó
Áo ấm đi bên ngoài ước mong

tận cuối cuộc đời chân nứt nẻ
Mẹ mang bùn khô thơm đến tận bây giờ
Những cuộc nhậu thị thành có bóng người đàn bà ngang qua ngoài cửa
Chờ lượm lon bia
Thông thốc gió lùa trên phố

Mùa đông lạnh đến bao nhiêu không nhớ nữa
Chỉ nhớ anh em tranh nhau ôm mẹ cả đêm
Tiếng con trâu rét dậm chân
Mẹ xoay ngược xoay xuôi để công bằng bốn phía
Sương muối ngoài mái lá
Dệt những chân chim
Lên đời mẹ

Mùa đông gặm lam nham ô cửa
Mùa đông tím bèo ao cũ nhà ta
Mộ mẹ cha xa xót cuối đồng
Có những con cò so chân lội trong bùn thẫm
Mùa đông quê có hồn hơn ngoài phố
Rét ở phố phường gầy xác xơ
26/11/2017

Mùa chim tránh rét


Ngày ấy chân đứa nào cũng đóng ghét cổ trâu cổ bò cởi truồng tồng ngồng chạy như muốn đuổi theo đàn sếu bay về hướng nam. Chúng tôi vừa chạy vùa reo:
- Sếu ra rồi chúng mày ơi
Rồi hát véo von:
- Sếu ra thì nắng sếu vào thì mưa. 
Cuối thu trời trong veo. Mùa này gặt xong rồi, có tết bánh dầy, đồng quê tôi thơm như cốm rang. Mẹ bảo, không lo học đi cứ sếu với cò. Tối đến trời se lạnh. Mẹ giục đi rửa chân. Lò dò ra chum nước dội gáo nước vào chân rồi ù té vào bếp lửa, hiêng hai bàn chân đầy ghét lam nham lên bếp gio. Cái đèn dầu tù mù, mẹ vừa gạt hoa đèn lại tối, khói nghi ngút. Xoay cái ghế con vào chân giường làm bài tập. Nhoáng cái là xong. Chùi hai chân vào chổi rơm quét bếp lăn vào ổ lá chuối. Bụng sôi èo èo. Nhớ lúc chiều đàn sếu bay qua làng có những con sếu rớt lại kêu két két . Tiếng kêu của nó như nỗi thất vọng lạc bầy. Thế là ngủ. Trong mơ tiếng sếu kêu lạc bầy két… két 
Vài năm sau tôi lên học cấp 2. Trường học ven bờ sông Hồng nhìn sang bên kia là đền thờ bà Âu Cơ. Bãi cát mùa cạn bên đền bà Âu Cơ dài tít tắp . Mùa sếu ra năm nào tôi cũng nhớ. Doi cát sông Hồng quê tôi là chỗ nghỉ chân của hàng ngàn con sếu bay từ phương bắc về. Nó sà xuống lúc cuối chiều. Hoàng hôn quê tôi hiền lắm. Người ta gánh nước sông về tưới rau cải trên vườn chả ai đánh đuổi gì lũ sếu kia. Khi ở trên giời sếu bé thế mà khi nó sà xuống cát lại to cao lênh khênh gấp ba lần con cò giang vẫn lội trong ruộng làng. Đứng bên này sông nhìn những con sếu uống nước, bứi tìm thức ăn , cọ cổ vào nhau an ủi vỗ về. Đêm xuống, bãi sông ì oạp sóng sương buông như khói trên mặt nước , bãi sông mềm như nhung và hàng ngàn con sếu ngủ im lìm. Sớm mai khi bình minh lên tất cả đàn sếu lên đường. Lúc đàn sếu đồng loạt cất cánh cả bãi sông rùng mình, tiếng kêu két két đánh thức những bãi mía sào sạc trổ cờ vào đông và lôm đốm hoa cải vàng. 
NGười làng bên Âu Cơ bảo, có những hôm ra bãi sông nhặt được những con sếu chết . Họ mổ ruột phơi khô rồi cắm cọc dang cánh nó trên đồng ngô làm bù nhìn đuổi lũ chim xuống phá quấy. Nhìn cái xác con sếu to lớn lũ chim cà cương sáo sậu móc ngô giống con nào cũng hãi.

Tết xong , nắng ấm dần. Bãi sông quê tôi xanh mươn mướt. Nước sông đầy lên ong óng vàng dưới mặt trời. Lại có tiếng kiu kíu trên giời. Lũ trẻ kêu váng lên 
: - Sếu vào thì nắng chúng mày ơi.
Sếu lại bay ngược về phương bắc. Lần này chúng bay chậm chạp hơn. Đàn sếu bay về không còn đông như lúc chúng bay về phương nam, có vẻ chúng nó buồn ....

Nhiều năm sau dâu bể. Tôi mới hiểu đó là đàn chim tránh rét. Chúng bay từ bên kia dãy Hi ma lay a xuống tận Mã Lai , In đô. Con sông Hồng là đường bay của lũ sếu vĩ đại đó. Tôi sinh ra ở bên sông nhờ đó mà nhìn thấy và nghe thấy tiếng bầy chim di cư ấy kêu .thê thảm thế nào.
Tôi cứ băn khoăn, cái chỗ trống của đàn sếu bay qua làng tôi ngày xưa có giống gì với chỗ trống trong đàn sếu bay ở bài hát Nga thời chiến tranh vệ quốc của họ không? Bài hát Đàn Sếu (Журавли) của Yan Frenkel Cứ thấy buồn buồn. Buồn mà hay mê mẩn. Tôi nhớ lắm đội hình bay của đàn chim di cư ấy luôn luôn là hình chữ V lộn ngược . Bây giờ con cháu tôi chúng không hề biết câu “ Sếu ra thì nắng sếu vào thì mưa" như tôi nữa. Đúng hơn là chúng không cần biết .

Đông 2017 NTL

Friday, November 17, 2017

Laị một mùa hoa Dã quì




Trở lại Kon tum sau 44 năm tất cả chúng tôi đã già. Tất cả những dấu xưa không còn nữa chỉ có cái nắng cái gió thì vẫn như xưa. Chỉ có màu vàng của hoa Dã quì thì vẫn vàng. Vàng đến rưng rưng cả chiều Tây nguyên. 
Xe dừng lại ở Rờ kơi. Con suối nay yên bình trong nắng. Chúng tôi để lại các bà vợ đi theo ở đây, còn những ông chồng lính cũ 320 thì lên xe đi tiếp. Từ đây chú lái xe còn trẻ không được cầm lái. LÍnh già “Hải bọ” cười hơ hơ, đây mới là việc của lính vận tải 25, mời các chú “ cố đỉn ‘lên ba lô. Qua suối, chạy chừng 2 km lại lội con suối nước bùn rồi lên nương. Nắng hắt từ phía Chư Mom Ray nóng cả lưng. Đất đỏ ngầu bụi, lên cái nương có cây kow nia cô đơn lại vẫn thấy cái lều nương và một người đàn bà cho con bú trên nương. Càng lên cao đỉnh 1015 càng thấy bàng bạc. Mùa mưa làm những con đường lên núi sẻ thành nhiều cái rãnh sâu cả mét. Xe căn tránh những cái vạch phân thủy nặng nề lật xật. Chúng tôi ngồi trên xe căng cứng đầu óc. Chỉ một cú xa bánh xuống rãnh con xe nặng hơn hai tấn này sẽ thành buồng ngủ của chúng tôi đêm nay trên Ngọc Rinh Rua. Tôi bấm Nguyễn Duy Việt, xuống xe đi bộ ông ạ. Việt cười tươi. Chúng tôi xuống, chui qua những vòm cây đót bông khô trắng vạch những cành le chùm xuống đường. Xe còn lại Hải và Thế Tân sư trưởng 320 ì ạch leo lên. Đến bình độ 500 , Tân xuống nốt chỉ còn Hải quyết tâm cho con Langcruse 4.5 dốc ngược chui rúc qua những cành cây lên tiếp. Chỉ sợ xe lật, gọi Hải, Hải ơi thôi bỏ xe lại đi. Leo bộ. Hải ló cô ra cười, ăn thua gì ngày xưa. Tôi và Việt chụp ảnh con xe của Hải rồi kéo nhau leo dốc thở hí hóp. Đến bình độ 800 thì một cây gỗ chắn ngang đường to như cái nồi áp xuất. Hải bọ chửi, Mẹ cái loại cây chối tỉ. Đổ ra chỗ nào không đổ lại chắn ngang đường. 
Bỏ xe lại đó chúng tôi leo bộ tiếp chừng 500 mét. NHận thấy không thể lên bằng xe nữa cả mấy thằng đứng nhìn về Chu Mom ray dãy núi mờ như sương chìm vào nắng chiều. Việt bảo tôi, chả hiểu sao mà ngày xưa quân mình tiếp cận một đêm mà vào đến nơi nhỉ? Hải bọ mắt sáng lên khi chỉ tay về phía ngày xưa đã nằm trong bãi cỏ tranh bắn chặn bọn thám báo đang mò tìm kho A3 của quân mình. Hải la toáng lên, đó đó tôi đã nhìn thấy vị trí kho A3 rồi. Nguyên Sư trưởng Nguyễn Thế Tân đứng lặng le nhìn lên đỉnh 1015. Tân quay lại hỏi tôi, nhiều mỏm thế kia mỏm nào là sở chỉ huy của quân dù? Tôi chỉ cái mỏm tròn như cái bình vôi cao nhất đó. Tân lẩm bẩm, về mặt quân sự thì đây là căn cứ tuyệt vời chặn toàn bộ quân ta từ phía tây muốn tiến vào Dak To Tân Cảnh. 
Một đôi vợ chồng người Ê đê gùi sắn đi xuống. Ầy dà cái xe ô tô là không đi được đâu. Cái cán bộ đi về thôi , cái cán bộ không ngủ được trên Sạc li mà. Không có cái nước cái cơm đâu. 
CHúng tôi quay về, tôi và Nguyễn Duy Việt phải thỉnh thoảng nắm tay nhau những chôc xuống dốc quá. Có lúc túm ngọn cây rừng mà xuống. Con 4.5 sau một hồi xoay sở nát vài chục hốc mì cũng quay đầu lê xuống núi. Hoàng hôn buông sau ngonj Chư Mom ray. VIệt buồn buồn.
- không lên được đỉnh để mà cắm nén hương xuống mảnh đất mấy trăm đồng đội chết tháng tư năm ấy, buồn quá Luân ơi.
Bên cạnh tôi không phải là một ông chủ tịch tỉnh nữa. Nguyên si là một thằng lính đi tìm đồng đội. Năm 1974 Việt đã từng là một đại đội trưởng trong trận làng Siu. Đại đội của Việt đã tấn công diệt nhiều địch và thu một khẩu pháo 155 li kéo về cho Sư đoàn. Bây giờ khẩu pháo đó ở khu tưởng niệm Sư đoàn. Mọi người vẫn gọi khẩu pháo ông Việt. Bao năm chiến đấu , rồi bao năm lăn lộn với đời thường không lúc nào những người lính chúng tôi nguôi nhớ về đồng đội , nguôi nhớ về một thời chia nhau miếng sắn mà xuất kích một thời mà máu và sắn luộc trộn lẫn trong mùa hoa Dã quì vàng nức nở.
Việt gọi tôi, rồi chỉ sang vạt rừng phía cao điểm 1049
- Luân ơi hoa Quì đẹp thế mày nhỉ. 
Tôi nhìn theo tay Việt. Khoảng rừng vệt sáng vệt tối trong hoàng hôn le lói vàng. TRên dãy Ngọc Rinh rua này biết bao cái tên cao điểm mà gõ vào Google là ra ti tỉ bài viết về nó. Đó là Charlie, đó là Denta …và với chúng tôi đó là 1015, 1049 là phòng tuyến Pô Cô …
Nguyễn Duy Việt nói như nói một mình:
- Vậy là đã hơn bốn mươi mùa hoa mày nhỉ. 
Tôi lặng im bám vào tay Việt để tụt xuống dốc. Ừ phải mày ơi. THế mà những người bạn mình nằm lại đây chỉ có mỗi mùa hoa năm 1972 thôi. 
Lại một mùa hoa Dã quì nữa sau lần đi ấy. Tôi nghe điện thoại của bạn tôi, mày ơi sắp đến ngày chúng mình sẽ dựng bia trên 1015, trên Chư Bồ, Làng Siu rồi mày ạ. Tôi nghe thấy nhịp tim mình vui rộn rã. Lại nhớ cái hôm tôi và Nguyễn Duy Việt vừa leo núi vừa ước ao sẽ có ngày trở lại 1015 thăp nhang bên bia tưởng niệm đồng đội của mình.

Giấu lạnh vào đông


Cỏ lụi xanh mùa vào đất
Tiếng chim giấu nhau vào sương
Hoa súng giấu vào mặt ruộng
Mùa đông ửng má môi hường

Con tàu mang niềm khắc khoải
Trôi về một phía hoang vu
Hoa tím như là cúc áo
Giấu nhau đi khỏi mùa thu

Có triền rau cải
Đem mùa đông về bên sông
Hoa vàng giấu không nổi gió
Lạnh nhiều nên cứ lung liêng

Mặt trời lăn về xa lắm
Giấu sao cho kín mùa đông
Em bảo giấu anh vào ngực
Để mùa nhau không lạnh lùng
30/10/2017

BIỆT PHỦ SỒI GAI


Năm ấy 14 tuổi nhưng thằng Tiến còi như cây sậy. Vào lớp 8 được vài ngày nhìn bạn bè nhớ tên lõm bõm. Lớp học dưới gốc cây Lụ cổ thụ và con suối mọc những cây lau to như cây mía, lá lau chém vào nhau mỗi cơn gió loạt soạt nghe ghê răng. Mỗi bàn có 4 người nhưng bàn thằng Tiến mới có 2 đứa. Cuối tuần ấy có thêm một đứa vào lớp. Thế là Tiến có thêm một bạn ngồi kế bên. Tiến nhớ lắm, hôm ấy có đứa con gái lạ hoắc phổng người ôm cái túi quần áo sách vở to như tay nải người đi sơn tràng ngồi ở gốc lụ. Cô chủ nhiệm dẫn nó bước qua hào giao thông vào lớp, cô chỉ cho nó ngồi bàn thằng Tiến. Chả có giới thiệu gì hết. Thời buổi kháng chiến nó vậy. Con bé mới đến lấy giấy bút cặm cụi ghi bài. Cái kiểu ghi chép của nó rụt rè ngược lại với dáng vẻ to con khỏe khoắn của nó. NHững đứa ngồi sau nhìn cái lưng dài và cái vệt cooc xê của nó phát nể. Tiến nể lắm.
Tan học nó ôm đồ đi về phía dốc sồi gai. 
Lại nói dốc sồi gai, nó là cái tên nghe đã choáng với lũ học trò. Đó là một ngọn đồi cao và rậm rạp. Vượt qua nó sang xóm Hùng Thanh. Leo dốc sồi gai mệt nhưng thú lắm. Nước róc rách chảy thành đường, con đường đầy những tảng đá trơn nhẵn không bao giờ có nắng nhưng rất nhiều hoa chuối rừng và nhiều cây bứa quả chín vàng. Đặc sản của sồi gai là vắt. Vắt nhổm lên từ những phiến lá dong ngó nghiêng về phía có mùi người rồi thoăn thoắt đi kiểu đo thước mét tới chân các cô học trò trắng như củ sắn mới bóc mà bu bám. Thằng Tiến đã mấy lần vào dốc Sồi gai lấy măng và nhặt trám nên nó biết sự vượt sồi gai đáng nể cỡ nào. Nhưng cả lớp ai cũng biết sồi gai rất hay có cướp. Nghe đồn có cả những thằng cướp táo tợn lột cả quần áo con gái. Nghe thế tụi học trò kinh là phải. 
Vài hôm sau, trong lúc vừa nghe thày Lý Đắc Tốn giảng địa lí Tiến viết mẩu giấy đẩy bằng tay phải sang phía cô gái phổng người. “ mày ở với ai bên Hùng Thanh?” . Có tờ giấy gửi lại bằng tay trái. “ Tao ở với thằng Hải em tao”. À thì ra nó là chị họ thằng Hải ngồi ở đằng sau. Nghĩa là nó hơn tuổi mình. Thằng Tiến vội rụt cái tay phải khuỳnh khuỳnh về. Liếc sang thấy con phổng người cười mủm mỉm. 
Một bữa đang giờ cô chủ nhiệm máy bay ù ù ném bom thị xã. Cả lớp chạy ra hầm trú ẩn. có hai giao thông hào chạy vào lớp ở trên đầu và cuối lớp. Học trò nhảy xuống rồi chạy ra các ngách hầm qui đinh tên từng tổ. Con bé phổng người nhảy xuống trước thằng Tiến nhảy sau. Ai dè Tiến nhảy lên lưng nó, nó cõng luôn Tiến chạy mấy bước mới gỡ khỏi nhau. Ngồi trong hầm hai đứa nhìn nhau ngượng ngượng là…Đạn nổ trên đầu choang choác. Vài phút sau những mảnh đạn cao xạ rơi chí chát xuống khu trường. Dưới chân đồi có cây Lụ cổ thụ, đàn vẹt ăn quả lụ chín kêu choè choẹt. Con Châu nắm tay thằng Tiến. Nó bảo, đếch chết được đâu Tiến ạ. Tiến run bắn người, bàn tay con Mộng Châu ấm thế.
Tháng sau trời rét. Cái Châu mặc cái áo bông cổ lông cừu Trung quốc to sù. Bây giờ thằng Tiến gọi nó là Mộng. Mộng ơi Mộng à, vì tên lót của nó là Mộng Châu. Cái Châu nghe hay hay, cười mủm mỉm. Tao gọi mày là Bùi nhé. Thằng Tiến giẫy nẩy. Thôi đừng. Ngộ nhỡ mày nói nhịu chữ bùi. Con Châu cười, cái cười nó hệt như suối reo.
Sang kì 2 lớp 8 . Lớp đã từng một lần đi chặt nứa lõng bè ra sông Thao bán lấy tiền gây quĩ. Tổ thằng Tiến may mà có Châu to con, chứ nếu không chả thể hòan thành kế hoạch mỗi đứa 40 cây nứa một ngày. Lại đóng mảng rồi tự lõng ra sông. Cái Châu làm thoăn thoắt. Nó kéo nứa trên rừng xuống, nó lội dưới suối cuốn mảng cứ như đàn ông. Cả tổ nhìn nó quần lụa dính chặt vào đùi, căng cớn. Tóc nó quấn ngược lên đầu rồi buộc khăn như người lớn. Thằng Tiến bì bõm bên cạnh nuốt nước bọt ừng ực. Sau đận ấy cả lớp mới biết con Châu quê tận trên Bạch Yên. Nhà nó ở Châu Phú Thượng sát bờ sông Hồng. Bố mẹ nó bảo phải xuống học trường thị xã mới giỏi giang lên được. Thế là nó phải đi xa nhà tới 5 chục cây số và một tháng mới về nhà một lần lấy gạo. Chuyện nó đi về cũng li kì không kém. Từ nhà nó xuống trường nó toàn đi bằng mảng nứa. Nó bảo mỗi tháng nó về nhà cho đầy sắn khoai rau dưa lên mảng nứa . Mỗi mảng 200 cây nứa xuôi sông. Chỉ nửa buổi về đến thị xã Yên bái. Nó bán ngay mảng tại bến Ô Tào lấy tiền tiêu pha còn đeo gạo đem rau về trường. Lần đi về thế nào nó cũng bỏ một ngày học đi bộ 50 cây số từ sáng thứ 7 đến đêm về đến nhà. Nó bảo, tay nó luôn cầm con dao quắm chả thằng nào dám bắt nạt. Thằng Tiến nghe, nuốt nước bọt đánh ực.

Châu Mộng học không giỏi. Bù lại việc gì của lớp nó cũng tốt. Thầy giáo bảo, nó mà học giỏi nó làm lớp trưởng ngon. Thằng Tiến ngước mắt lên rồi cụp xuống rất nhanh. Nó nghĩ Mộng ơi, mày đừng làm lớp trưởng. 
Có một ngày thằng Tiến khóc. Ấy là ngày tổng kết năm học lớp 9 . Đầu năm ấy là cữ chiến thắng Mậu Thân, ta đang đánh dữ dội ở trong nam. Con Châu nói với Tiến, tao chán học lắm rồi tao muốn đi bộ đội vào nam cơ. Tiến tròn mắt nhìn Châu. Cái lúm đồng tiền phơn phớt lông tơ của con Châu động đậy. Rồi nó nói, tao không muốn học nữa. Nó lơ ngơ nhìn ra cửa lớp có bụi lau rất to và cây giàng giàng quả đỏ. Con suối dưới gốc lụ réo óc ách, nơi mỗi buổi nó sắn quần là khối thằng nhìn theo. Thằng Tiến viết cái thư trong lớp vo lại đẩy sang con Châu. Thư rằng
” Mộng ơi mày nghỉ học thì tao cũng đúp mất thôi. Đi học không có mày tao học không vào”. 
Quay sang thấy con Châu cười. Nụ cười như người lớn. Nó vo cái giấy cho vào miệng nhai nhai. Đúng lúc ấy thầy giáo dậy Nga văn gọi hai đứa đứng lên. Thày nói nhẹ nhưng gằn gằn: 
- “ Hai em đi ra khỏi lớp để tôi dạy những người khác đang cần học hành “ 
Châu đi ra trước, thằng Tiến ra sau. CHúng nó chèo qua dãy giao thông hào có một cây khế chua còng còng. Cái Châu không nói gì nó lấy cái cặp ba lá vạch vào thân cây khế dòng chữ “ 8/3/1968 CHÂU TIẾN ”. Thằng Tiến nói rằng cả cuộc đời chưa bao giờ có niềm hạnh phúc như lúc nhìn thấy dòng chữ ấy.

Mộng Châu đúp lại lớp 9 rồi năm học sau không thấy nó xuất hiện ở trường. Cái lớp học ở gốc lụ mái lá sau đợt hè xụp xuống. Năm lớp 10 trường chuyển qua dốc Sồi Gai sang Hùng Thanh. Thằng Tiến buồn lắm. Mộng ơi giá mà còn cậu nhỉ,…
Hôm dọn bàn ghế khiêng qua dốc Sồi Gai thằng Tiến ra gốc khế ở khu rừng trường cũ nhìn dòng chữ Mộng Châu đã khắc đầu năm 1968 . Nó lấy mũi đinh 5 phân vạch theo nét chữ của Châu. Nó đọc đi đọc lai cái dòng chữ đã đổ nhựa nâu hồng. “ “ 8/3/1968 Châu Tiến”.
Nó bảo, hạnh phúc đầu đời của nó là ở gốc khế.

Thằng Tiến đi học ở nước ngoài. Tiến ghi trong nhật kí những mùa tuyết trắng châu Âu ‘ Tôi nhớ làm sao mùa măng đắng quê tôi cũng vào mùa vừa tan rét. Tôi nhớ những buổi đi lấy măng với Mộng Châu. Lúc Châu ngồi bờ suối kéo quần lên gỡ vắt. Cái bắp chân non có dòng máu hồng hồng chảy xuống suối có những con cối xay làm tình trên mặt nước.”
Học về, nó ở Thủ đô rồi ngang dọc tứ xứ. Đời nó chả biết khổ là mấy chỉ thăng tiến rồi ngao du. Đó người có số. Từ ngày có đường cao tốc lên biên giới với nướcTàu. Tiến đi Sa Pa có đến dăm lần. Lần đầu, lần hai không ấn tượng gì. Lần thứ 3 nó nhìn rõ cái biển đề Châu Phú Thượng lúc dừng xe ăn cá sông theo lời giới thiệu của mấy chú công an sở tại. Ông Tiến bỗng nghẹt tim nhớ về thuở học cấp 3 ở tỉnh này.
Bữa trưa ấy mặc mọi người đang say sưa với cá nhồng cá ngạnh ôngTiến ra bờ sông hỏi bà bán nước. Run rủi làm sao bà quán này là người hay chuyện và thạo chuyện. Bà bảo, ối giời ôi bác cũng biết bà Mộng Châu à? Bà ấy đẹp bao nhiêu lại tài bấy nhiêu bác ạ. Bà có chồng là tỉnh ủy đấy. Bà về Châu PHú Thượng này làm đồn điền ao chuồng xanh sạch đẹp lắm. Con cái toàn giàu có nứt nở bác ạ….Ông Tiến nghẹn nghẹn nơi cổ. Hỏi vội. Bà ấy còn sống ở đây không hở chị? Bà quán nước nhìn ra sông, thở dài. Người tốt thế mà chuân chuyên. Nghe đâu con rể buôn chổi đót bán dép tổ ong mà làm tới quan tỉnh. Cái khu sinh thái vườn ao chuồng của bà ấy có tên là “ Vườn thắm Sồi Gai” đứa con nó đổi tên thành ‘ BIỆT PHỦ SỒI GAI” . Từ hôm ấy bà Mộng Châu không về đấy nữa. Nghe đâu bà về dưới Phú Thọ mua cái nhà con con ven sông Hồng chỉ để buôn măng đắng mỗi năm một mùa thì phải.



Cuối tháng 11 năm ấy , ông Tiến đi xe con về trường cũ kỉ niệm 60 năm thành lập ngôi trường của ông. Ông đi về xóm gốc Lụ một mình. Con suối cũ nay bị lấp để xây dựng khu công nghiệp nam thành phố. Ông lẫm chẫm ngẩn ngơ cả buổi để xác định vị trí cái giao thông hào lớp ông ngày xưa để tìm ra gốc khế còng còng. 
Tháng 11 sương nhè nhẹ. Heo may nhè nhẹ. Những sơi mây trắng cũng nhè nhẹ bay qua sông Thao lên núi Hoàng Liên Sơn. Người đàn ông tuổi ngót thất tuần lặn lội trên đồi giống hệt những cựu chiến binh già đi tìm đồng đội.
Sáng hôm ấy, có một tốp công nhân đi làm đứng nhìn ông Tiến mò mẫm trên đồi. Họ ngạc nhiên lắm.

Yên Bái  tháng 10/ 2017

Nắng đầu đông

Nắng đầu đông
Đàn ong bay ở phía cuối rừng
Đi tìm nhau
Phách nhịp của rừng thắm lại

Lớp cũ bạn bè áo đỏ
Mình đang trẻ lại như nắng
rừng thì già từ ngày xưa
Áo người bạn thủa nghèo thơm thế
Rừng ơi
13/11/2017

THÀNH PHỐ NHIỀU MĂNG ĐẮNG.


Nắng đầu đông thơm như mật, sương không muốn tan trên rừng quế rừng vầu, quảng trường nơi ngày xưa chúng tôi đợi xe về xuôi vào đại học, bạn gái ở nơi nào có về kịp không?
Có những ông già ở rất xa ngó nghiêng lấp ló, mặt trời lên từ phía trường cũ Thanh Hùng, Tiếng còi xe giật thót cả mình, cười hớ hớ ở chỗ có nhiều cây sấu như cổ thụ. Có chiếc xe giường nằm xuôi Mỹ Đình chú lơ xe thò cổ, mấy bác già kia có đi không?
Có một bà già cười móm cả răng, khúc khích ở chỗ ngày xưa bịn rịn, rồi ngấn ngấn đi tìm con suối soi hình trao nhau cái khăn mùi xoa thèn thẹn, bạn về xuôi đừng quên bọn chúng mình, bạn đừng quên mùa măng đắng quê mình, bỗng vỡ òa tiếng cao xạ bắn tàu bay Mĩ
Có một cái đền rất hoang ngày xưa mà bây giờ có tấm biển đề rất rõ. Có một ông già rất chi là lọ mọ tìm về nơi đèn đóm một mùa thi, bài vở tàn đêm nát nhau sợ ma, bạn ôm chầm nhau chạy trong rừng tối. Ông già ấy từ miền nam về mà vẫn nhớ mùi tóc rối, nơi ngày thi hết cấp để xa nhau.
Cây sâu già ở đâu? cây cầu soi gương ở đâu? Hoa mua núi tím ở bài thi biền biệt. Có người đứng ở chân rừng vầu khản gọi người vác súng đi xa tít , có người ra ga đêm lạnh sông Hồng đón chuyến tàu về ăn tết, mùa măng đắng quê mình ngai ngái áo hôn nhau.
THị xã lên đèn hóa ra Thành phố, rừng nứa rừng tre thành những tên đường, có một chuyến xe từ Hà nôi lên, đứng ở dốc Nam Cường ngẩn ngơ đi tìm sân trường cũ. Có một ông già nắm tay bà già buồn khôn tả, hỏi nhau cái hồ Nguyễn Thái Học ở đâu? một dải mây trắng qua đầu, mây vẫn bay như hồi xưa cũ
Nắng đầu đông nắng quê mình thơm thế? đi tìm nhau chân lẫm chẫm qua đường. Có một bà già ở tận Sài gòn ôm một ông già về hưu Yên bái. ước gì mùa măng trở lại, em nướng cả chiều Yên bái vào đêm, em lật cả những vùi lấp bề bộn lãng quên, em sẽ moi lên dòng suối. Dòng suối có tên trường năm mươi năm quên lãng..
NHững là cờ với hoa những là liên hoan bên bờ sông chiều tím, những tà áo rất chi lạ lẫm với chúng mình. Có một người tay bóp tay mình nhìn xuống chân ông bạn già đi giày rất đẹp, rồi òa khóc, khóc một thời người yêu tôi không có dép, anh ấy đi mãi mãi chả trở về.
Bài học làm người ở những măng tre, rừng mọc lên lớp lớp mùa măng đắng, rừng cứ như thể cội nguồn họ mạc những đứa con Yên bái ở đâu về. Dẫu tướng sĩ nông thương vẫn chỉ một bóng che là cái bóng của rừng của một vùng thành phố, THành phố chỉ là những tên cây số . Những con số xếp hàng đi mãi tới tương lai. Ơi những người nửa thể kỉ bạn của tôi, nhà các bạn ở cây số mấy? Tìm về đây với trường xưa yêu dấu rồi tôi đi tìm lại nhà người yêu ở dưới cánh rừng vầu.
Yên Bái 13/11/2017

KỈ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO Ở TRONG RỪNG TÂY NGUYÊN


Tôi được ở với các anh thầy giáo tròn 2 tháng. 
Ấy là vào cuối mùa mưa năm 1973. Tháng 10 tôi được gọi lên trung đoàn viết bài để đón Huân chương. Viết xong thì cũng đã cuối tháng 11. 
Một tối ở dưới nhà hầm , các anh Hỏa , Thủy, Vận ( là thày giáo cấp 3 nhập ngũ ) và Hữu Thảnh rì rầm. Tôi ghé vào nghe lỏm. Anh Hỏa nói:
- Tớ còn một bò lạc dấu từ hôm sang bắc đường ( đường 19).
Anh Phạm Hoài Thủy nói ngay : 
- Tớ còn 2 lạng đường đấy. 
- Xong rồi. Tôi nấu kẹo cho các anh.
Anh Thảnh và tôi chầu rìa cười kiểu cười thu hoạch. Chúng em canh gác cho nhé...

Tối hôm ấy, 19/11/1973 chúng tôi ngồi chờ anh Vận nấu kẹo lạc. Chớm đầu mùa khô, nhất là vừa bị mất Chư Nghé hồi tháng 9 nên đêm nào pháo địch cũng bắn. Lúc đầu bọn Hàm Rồng bắn, sau đó thì pháo Thanh An, pháo từ chốt Mỹ đồn Tầm bắn ùa theo. Đêm mùa khô trời trong veo vỡ ra rồi lại lành trở lại sau mỗi trận pháo.
Kẹo lạc lam nham trên miếng vải mưa cắt ra từ túi đựng gạo thơm hôi hổi. Chúng tôi nhường anh Hỏa anh Thủy nếm trước . Giữa lúc ấy pháo lại giã bong bong
.Anh Thảnh kêu thét lên ối giời ôi! 
Tiếng pháo ngớt, mọi người xô vào Thảnh.
Mày Bị à ? Mày sao không Thảnh ơi. 
Hữu Thảnh vẫn nhai kẹo :
- Ôi giời ôi , ngon quá. 
Hóa ra là Thảnh kêu lên vì kẹo ngon quá chứ không phải vì trúng đạn pháo. Trong đêm mùa khô, Tây Nguyên ngọt ngào đến thế. Ngoài cửa nhà hầm vẫn có tiếng tắc lè. Và trên cao những giọt sao vẫn rơi trên nương rẫy trong veo, tĩnh lặng.
Có tiếng hỏi từ ngoài cửa hầm:
- Các anh tuyên huấn làm cái trò gì vậy? Các anh không phân tán để chết cả nút à? Làm cái gì? Cái gì?
Tiếng đại úy Nguyễn văn Đác gắt gỏng. Đại úy vừa dứt anh Hỏa nói ngay:
- Báo cáo Chủ nhiệm. Anh em chúng tôi kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam ạ. Xin Thủ trưởng cho phép.

Rừng im lặng . Không có tiếng pháo. Bỗng bật lên tiếng nấc của tắc kè, tắc kè. Trong hầm chúng tôi nắm lấy tay nhau không ai nhai kẹo nữa. 
Ông đại úy đi về hầm mình. 
Anh Thủy lên tiếng, thằng Luân hát bài " Tan hội anh về " đi em.
Tôi hát khe khẽ.
Hát rằng :
“ – Thôn em cách một dòng sông,
Sang chơi qua một con đò
Bên em ruộng lúa bờ tre
Thôn anh ruộng màu tươi tốt… »

Lại có tiếng tắc kè . Rừng hiền thế, nó xanh đen lại và không có tiếng pháo kích.
Ai cũng ngậm miếng kẹo lạc trong mồm không dám nuốt. Để cái vị ngọt nồng ấy kéo dài trong mùa đói.
Tôi hát tiếp :
« ..Bao đêm trăng hẹn hò bên sông , bao đêm trăng hẹn hò bên sông.. »
Đến lúc ấy thì hai anh HỎa và THủy bật lên. Các anh hát :
…_ ’ Thách thức thôn chàng thôn em / thách thức thôn chàng thôn em
Trồng nhiều ngô lúa khoai tươi tốt
Bên em thua..em thành người làng bên
Bên anh thua…xin đừng qua sông.. »

Khuya lắm, đến đoạn kết của bài hát quê mùa trung du thì các thày giáo trong hầm cũng thổn thức. 
« ..tan hội em về chàng ơi/ tan hội anh về ơi nàng ơi.
Nhìn chuyến đò ngang
Trăm nhớ ngàn thương… »

Hôm ấy là 19/11 năm 1973. 
Hôm nay 16/11/2017 . Tức là sau 44 năm. Anh Lê Hỏa , anh Hoài Thủy , anh Đức Vận là ba thày giáo cấp 3 ở Vĩnh Phú nhập ngũ năm 1972 đã thành người thiên cổ. Chỉ còn tôi và Họa sĩ Hữu Thảnh ở Bộ Công An còn sống. 
Các anh ơi các thày của em ơi, những người đồng đội của em ơi. Em có nhời chúc mừng 20/11 tới các anh. Dù các anh ở tận suối vàng thì em gưi theo khói hương các anh nhé.

Lời chú : các thày giáo hôm ấy 
- Anh Lê Hỏa sau khi ra quân về làm Hiệu trưởng PTTH Hạ Hòa Phú Thọ
- Anh Phạm Hoài THủy về dậy ở PTTH TRần Phú Vĩnh yên rồi về Bộ GD
- Anh Đức Vận . về dậy trường CĐ SP Phú Thọ .

16/11/2017