Sunday, June 26, 2016

Miền nắng


Người bay về miền nhiều nắng
Ở đây nắng cũng vô cùng
Ở đây chiều buồn cũng vắng
Bập bùng mây trắng nhớ nhung

Chuyến bay dập dừng lùi lại
Để buồn khắc khoải sân ga
Người về nắng vương ngày cũ
Người đi áo nắng chan hòa

Bồng bênh mây bồng bềnh nhớ
Đầm đìa mưa sau nắng vàng
Người mang buồn vào thành phố
Sau mưa nắng ló dịu dàng

Miền xa tóc thơm lên nắng
Người đi má hẹn môi chờ
Người hôn hoa râm vào nắng
Bâng khuâng là mây là thơ

26/6/2016

Thursday, June 23, 2016

NẮNG THÁNG SÁU.


Nắng cũng y hệt như bây giờ. Sân kho bốc mùi rơm nồng sực, và những đống thóc lửng lép sũng nước mưa từ hai hôm trước mùi khăm khẳm. Giữa trưa, thanh thiếu niên đến họp ở nhà kho. Kho HTX rộng mênh mang. Cái gì cũng mênh mang phơi phới. Tháng 6 gặt vẫn chưa xong vì những tràn ruộng sâu nóng rẫy và đầy nước. Nhãn đang chắc quả, mít thì có nhà đã chín bói. Mấy đứa mang cả chùm dâu da đến họp.

Đội sản xuất Tiền Phong của tôi chia tay 2 anh lên đường nhập ngũ. AnhDiệp đang học lớp 9 dưới huyện và anh Định làm bí thư đoàn. 
Anh Định thì mấy năm nay đã là phụ trách thiếu niên. Thiếu niên đi làm cỏ lúa đi hái chè anh đều đi cùng. Tối tối sinh hoạt ở sân kho anh dậy hát, dậy chơi cướp cờ kéo co. Anh có cái thú làm báo tường. Chúng tôi thích lắm. Anh bảo, làm thơ lục bát để ca ngợi cảnh đẹp quê mình, quê mình đẹp thế phải không các em? 
Anh Diệp thì con nhà giàu hơn. Cả làng có vài anh học đến cấp 3 thôi. Anh ít về làng, chúng tôi nhìn anh ngài ngại. Anh nói những cái gì khó hiểu bỏ mẹ.
Liên hoan chia tay các anh chị phụ trách đội thiếu niên, thay mặt đội tặng hai anh hai cuốn sổ tay. Hai anh vỗ tay và nói nhời cám ơn.
Bỗng con cái Thành, con ông thợ máy may chạy lên mếu máo:
- Em tặng anh Định cái khăn bố em may bằng vải Pô pô lin có thêu tên anh đấy ạ. 
Anh Định cảm động, anh Diệp ngỡ ngàng. Nắng ngoài sân kho tháng 6 chói chang và mùi rơm mùi lúa lép nồng thăm thẳm.

Anh Định chết mãi tận đồng bằng Cửu Long vào năm 1970. Hai mươi sáu tuổi anh là tiểu đoàn trưởng đặc công. Người ta kể bọn chi khu Rạch Giá treo thưởng đầu anh 50 ngàn đồng. 
Anh Diệp tuy không phải đi chiến đấu trong nam nhưng cũng lặn lội hết tỉnh này tỉnh nọ liên miên tới tận năm 90 mới về quê. Anh trung tá về quê lương to phết, anh mở quán bán cháo lòng bia chai. Khấm khá và viên mãn.
Một mùa hè chúng tôi về quê họp hội chăn trâu. Không còn sân kho HTX nữa khiến mọi thứ sinh hoạt cộng đồng thường hay ra quán. Chúng tôi lại ra đúng quán anh Diệp trung tá. Anh Diệp chủ quán sốt sắng phục vụ khách hàng người quê là lũ chúng tôi. Trong bữa liên hoan, con cái Thành đầu bạc phơ đứng lên phát biểu.
Nó bảo: Chúng mày có nhớ hôm liên hoan anh Diệp và anh Định ở kho Tiền Phong không? Nhớ ! nhớ chứ! 
Nó sụt sịt, lúc làm lễ truy điệu anh Định cũng ở sân kho năm 1976, họ mang di vật về tao thấy có cuốn sổ của đội thiếu niên bọn mình đã tặng anh. Tao sán vào xem, giở trang đầu thấy anh ấy viết…”các em chăn trâu của anh ơi, anh sẽ chiến đấu để xứng đáng với các em và quê hương”. Thế rồi nó òa khóc, nhiều đứa cũng lau nước mắt. Cả đội thiếu niên Tiền Phong chúng tôi năm ấy đầu đã bạc đều khóc. Trong nhà, anh Diệp trung tá lặng lẽ thẫn thờ. Con cái Thành nói tiếp, họ mang cả cuốn sổ và di vật của anh ấy chôn theo ngôi mộ giả dưới nghĩa trang huyện từ ngày ấy …


Ngoài trời vẫn nắng. Cái nắng quê tôi giống hệt ngày xưa. Tháng 6 nồng nã nắng, nồng nã mùi rơm rạ


24/6/2016

Chuyện kể ở bến phà Bãi Cháy


Ngày ấy chúng tôi vận chuyển thép ra làm TT Thương mại Móng Cái. Đến phà muộn, mấy xe thép đành nằm lại bên Bãi Cháy đợi sáng sớm qua phà. Biển đêm rập rình. Vài cái thuyền chài ghé vào kè. Cái thuyền thì bé và mui thuyền là tấm phên uốn cong gài kín bằng những miếng ni lông nhiều màu. 

Thuyền tối om và nhấp nhổm theo nhịp sóng. Khuya lắm. Sao trên trời soi xuống vịnh lóng lánh. Những con tàu neo ngoài vịnh cũng tắt bớt đèn. Biển không ngủ. Nơi mấy anh em tôi bó gối trên bờ kè sát cái thuyền nghe óc ách nước va vào mạn thuyền. Chú lái xe thép bảo, cái thuyền này nó không ngủ “sếp” ạ. Nó đang “làm việc”. He he! Thằng này giỏi nhỉ, nó làm việc gì? Tôi hỏi . Chú lái xe cười phá lên. …Sếp chỉ đùa em, sếp biết thừa là cái thuyền này nó “ đóng gạch” Mấy thằng cùng cười. Cái thuyền bỗng dưng hết rập rình. Lạ thế, mà sóng vẫn rập rình. Người đàn ông trong thuyền chui ra bật lửa hút thuốc mắt nhìn như sâu vào đêm. Tôi hỏi: anh mấy con? 

- Một, nó bốn tuổi.
- Cũng ở thuyền
- Tất cả dưới thuyền.
- Anh làm ăn khá không?
- Người ta sống được tôi cũng sống được. Đêm nay dạt vào đây mai dạt chỗ khác.
- Có bao giờ anh đi xa không?
- Có chứ ra tận Vân Đồn, Quan Lạn.
Chú lái xe trêu:
- Này ban nãy “ đóng gạch” ghê thế! Thuyền nhấp nha nhấp nhổm
Người đàn ông thuyền chài cười hì. Thì chả biết làm gì hơn nữa.
Đêm mát rượi. Tôi tung cho anh bao thuốc lá. Rồi hỏi:
- Anh lấy vợ trên bờ à?
- Đâu có trên bờ. Vợ tôi cũng đi thuyền ngoài cửa Vạn. Hát đối với nhau rồi thích nhau. 
Tôi ngạc nhiên.
- Hát đối ? Hát giao duyên ? 
- Vâng, chúng tôi vẫn hát, hát cho thân phận thủy cư cho tình người sóng nước thôi…
Đúng lúc ấy người đàn bà chui ra, chị vẫn tóc và ngồi xuống bên chồng. Cái áo cánh như áo yếm phập phành gió. 
- Anh hát tôi nghe được không ? 
Người đàn ông lại cười hì. Người đàn bà cũng hì hì. Rồi họ hát thật. Người đàn ông hát rằng :
“Trên mây sa, dưới hòn Gà Chọi
Anh hát câu này anh gọi nàng ra
Những lời mình hát hôm qua
Hôm nay hát lại, mau ra hát cùng
Hát cho con gái bỏ chồng
Con trai bỏ vợ, nạ dòng bỏ con”

Người đàn bà nép vào chồng. Sao trên trời rập rình. Sóng đêm Hạ Long rập rình. 

Người đàn bà hát:
“Thuyền te mà lấy thuyền đăng
Đẻ ra con mối, thằng măng, cái dìa
Thuyền đăng mà lấy thuyền te/
Đẻ ra con mối, cái dìa, thằng măng”.

Đêm như sáng lên. Tiếng của họ như tiếng sóng , lời của họ như tiếng khua lanh canh mái chèo.
Rồi họ lại hát:
“Thuyền ai có lửa xanh xanh

Có giầu xin miếng hỡi anh lái thuyền”. Đến đấy thì người vợ béo vào vai anh chồng một cái. Hì hì
Người chồng như không để ý đến cái cấu véo của chị, anh hát như mơ màng thế này:
“Thuyền ai có lửa vàng vàng/ Có giầu xin miếng hỡi nàng trong mui”...
Mấy anh em tôi như không có mặt bên họ nữa. Lúc này chỉ có đêm có sóng, biển chỉ có họ với nhau. Thì ra đằng sau những con thuyền nhỏ bé te tua kia là sự sống là văn hóa là tình yêu. Nó thô mộc nó trong trẻo đến lạ thường. Nó không bụi bặm trên con đường mưu sinh, dù con đường mưu sinh nào cũng đầy lừa đảo ô nhiễm nhân gian.


Vài năm sau cây cầu dây văng lừng lững vắt qua eo biển nối Bãi Cháy với Hòn Gai. Mỗi lần đi qua cầu ngó nhìn xuống bến phà cũ, tôi lại nhớ đêm nằm lại chờ phà bên xe chở thép. Lại nhớ vợ chồng nhà thuyền chài và trong tôi lai văng vẳng lời họ hát trao nhau. Tôi lại nhìn ra vịnh Hạ Long và bâng khuâng, một vùng nước đầy bí ẩn mà mình chưa được mon men tới…


23/6/2016

Tuesday, June 21, 2016

Màu nắng

( Tặng em )

Xin tôi được tìm lại mầu nắng cũ
Mầu ngày xưa mồ hôi mẹ khóc ròng
Ngày khoác súng lên đường ngoái nhìn quê bom nổ
Nắng nhọc nhằn lên từ lũy tre xanh


Xin cho nắng lại tươi trên đồng bãi
Con cá cờ đuôi đỏ cả ban trưa
Em tóc bím chơi chuyền mỏng tiếng cười ngõ xóm
Con ve sầu trong túi cũng làm thơ

Màu nắng mùa thi mũ rơm thơm bàn ghế
Nộp bài rồi khắc vội tên em
Thế là nắng lên màu mực tím
Mấy mươi năm nắng cũng vẫn đi tìm

Ai nhớ nữa màu nắng mùa lửa đỏ
Tiếng súng xa như chưa gặp bao giờ
Thế mà nắng cứ ươm vào giấc ngủ
Ta già rồi màu nắng cứ ngu ngơ

Cho xin lại màu mẹ tôi quạt nón
Gốc đa trưa mẹ gánh nắng về nhà
Tôi chưa thấy bao giờ mẹ khóc
Chỉ một lần chia thóc ở sân kho

Mồ hôi mẹ khóc cho bao mùa nắng
Khóc ngày con thi đậu ở trường làng
Mẹ khóc ngày con lên đường đánh giặc
Thương mẹ tôi khóc với nắng mùa màng

Tôi trở lại với bao màu nắng cũ
Màu hoa Quì nắng lầm bụi Ba zan
Màu con sông bạn tôi gọi mẹ
Nắng trên tóc em ngày ấy tựu trường

Tôi vuốt tóc em trong trưa nắng
Hoa râm cả nụ em cười
Sao như thể mẹ tôi cười ngày ấy
Mong cho con hạnh phúc ở trên đời

Xin cho tôi về với màu nắng cũ
Màu chứa chan Hà Nội những ngày này
Tay vuốt tóc em, nắng cũng về thủ thỉ
Em là mùa nắng cũ về tôi

22/6/2016

NÚi BÀI THƠ


Đôi vợ chồng già quay về Hạ Long. Nơi ấy bốn mươi năm trước họ đã đưa nhau tới. Họ đi tìm bãi phi lao có rất nhiều những hòn đá lô nhô như đàn cừu trên đồng cỏ. Không thấy.
Họ lẫm chẫm đi tìm cái kè vách bến phà. Chỗ ấy một tập đoàn liên danh nước ngoài vây kín tôn để thi công cái gì đó. Họ gọi Taxi. Chú taxi hỏi :
- Ông bà đi đâu?
- Cho chúng tôi sang Bến Đoan? Người lái taxi ngơ ngác. Ông già nói luôn: 
- Chú biết dốc Bồ Hòn chứ?
- Vâng , cháu sẽ đưa ông bà đến chân núi Bài Thơ.

Từ lâu lắm rồi đỉnh núi Bài Thơ luôn có một lá cờ đỏ. Tất nhiên núi Bài Thơ không phải là biên cương hay quảng trường. Và ngày nay núi cũng không phải đốt đèn chỉ đường co tàu thuyền xứ Đông bắc nữa. Núi Bài Thơ chỉ là ngọn núi bên bờ vịnh Hạ Long trong xanh cũ kĩ kì bí. Ông bà già lẩm bẩm, lá cờ đỏ người ta đã cắm lên trên đó từ năm 1930 . Gần một thế kỉ nay nó cứ bay lồng lộng hồng hào, soi xuống nước Hạ Long như thế. Chả có ai viết về lá cờ này xem sự tốn kém, người treo cờ, người may cờ hay có người nào… tài trợ gì không? Và nói dại nếu một ngày người Hòn Gai không thấy lá cờ trên đỉnh núi thì ấy là sự đột biến và họ sẽ đau buồn đến thế nào. 
Xưa, làm gì có con đường xe chạy bon bon quanh núi soi hình xuống biển. Chỉ có nhũng cái cầu cheo leo mà dân chài bám vào núi mà sống. Ông bà già đứng trên cầu nhìn vào phía bến tàu cũ bâng khuâng nhớ 40 năm trước tiếng còi tàu thủy tu tu cập bến. Chuyện tình yêu của họ cũng cũ kĩ như bụi than ngày ấy ám vào những con đường phố nhỏ tin hin mang cái tên Dốc Học, Bồ Hòn, Rạp Hát….

Bà già hỏi ông lão lập cập đang húng hắng ho vì gió lạnh bên mình:
Bài thơ gì gì của ông Vua gì gì ấy nhỉ ? 
Ông già vuốt tay lên ngực. Ông nhìn ra vịnh. Ông lẩm nhẩm hai câu cuối bài thơ trên vách đá của Lê Thánh Tông…” Thiên nam vạn cổ sơn hà tại/ chính thị tu văn yển vũ niên” .Bên tai ông là còi xe và rộn rã tiếng cười của trai gái Hạ Long. Trước mắt ông ngàn ngạt những tàu du lịch sặc sỡ. Ông nhớ nao lòng những cánh buồm ngày xưa mỗi sáng sớm hồng hào cả Hạ Long. Ôi những cánh buồm dưới chân núi Bài Thơ. Mỗi cánh buồm là một bài thơ tình bí ẩn mà người đời quên lãng.


21/6/2016


Monday, June 20, 2016

Về đi các anh ơi


Về đi các anh ơi
Đất nước cần các anh
Biển lạnh và nước mắt đồng bào nóng hổi
Những ngày này thương như thể đất lầy tang

Cơm nhà bếp mấy bữa nay đồng đội biếng ăn
Vợ con mẹ già khóc chờ đầm nắng hạ
Có lẽ nào đất nươc này thêm nhiều mộ gió
Hoa có thơm cho khắp cả đại dương

Về đi các anh về với quê hương
Lúa và người xếp hàng ven biển
Gọi các anh xanh lên trời mây trắng
Về đi các anh
17/6/2016

NÉN NHANG VIẾNG ANH


( Kính viếng hương hồn anh Trần Quang Khải và chia buồn với vợ con gia đình anh)

Thôi về với mẹ mình thôi
Gửi bầu trời lại với người dương gian
Gửi mây trắng lại cho em
Khăn tang thiếu phụ Lạng Giang em về

Vòm xanh chưa trọn lời thề
Rong chơi nước mắt đầm đìa nước non
Mai này có dậy cháu con
Em đừng nhắc lại nỗi buồn trời xanh

Thôi anh về với quê mình
Hiển vinh cũng chẳng lung linh muôn đời
Chỉ là con của mẹ thôi
Chỉ là phận của một đời làm trai

20.6.16

Wednesday, June 15, 2016

LÊN TUYÊN


Đi với tôi không bạn ơi
Tháng sáu về Tuyên Quang Chiêm Hóa
Sông Lô chưa lũ
Chè xanh xanh đến mịn lòng
xanh trời Sơn dương
Soi xanh vào câu thơ cũ
Nhức nhói lời hát cũ
Lô Giang


Bụi đỏ ngầu ngã ba sông
Tượng đài nắng trưa nhễ nhại
Sông Chảy cạn nước
Bưởi Đoan Hùng bán “ lúa non”
Sông Lô trôi khói bếp cũng xa rồi

Tháng sáu ai đi cùng tôi
Trên ấy hồn bạn buồn như nước
Ơi thằng bạn thủa trong rừng đánh giặc
Tiếng kinh chưa sõi lúc xung phong

Ơi thằng bạn kể chuyện nhà dấu cán bộ Việt Minh
Áo trấn thủ cuộn vào ống bương gác bếp
Tuyên Quang mùa này ong mật
Vẩn vơ trên bến Bình Ca

Ai lên cùng ta tắm suối khoáng Mỹ Lâm
Một lần thôi rồi ăn cơm lam chiều tối
Tuyên Quang ơi bạn tôi nằm ở Tây Nguyên bốn chục năm rồi đấy
Hồn neo về cầu Nông Tiến được hay không?

Lên Tuyên, lên Tuyên nghe đã nghẹn lòng
Tháng sáu nắng xanh đường Chiêm Hóa
Chúng tôi đi về những ngôi nhà quạnh quẽ
Khói nhang bay thương nhớ cả bốn mùa

Tháng 6/2016 

Monday, June 13, 2016

TRONG TUYẾT RƠI CÓ SÓNG.


Trong tuyết rơi có gió không em?
Thương cái lạnh thương miền không có sóng
Sóng không từ biển sóng trong lòng buốt giá
Sóng À ơi ru trắng tuyết miền xa

Ơi sông Lam con sông trẻ không già
Chở rú xanh về căng buồm cửa Hội
Em đội lá sen tan trường để bạn bè bối rối
Thủa đạn bom rơi cái tuổi tình tang

Em hát rằng dòng sông ngày càng rộng
Hát rằng đi mãi vẫn gừng cay
Miền tuyết rụng trắng tóc người gánh nước
Tiếng hò sông lên tuổi dậy thì

Chia cho nhau những con dế bờ đê
Tiếng nhoi nhói kêu trong trời trắng tuyết
Sông ơi sông mồ hôi hòa nước
Mùi sông mùi cỏ ngát chiều quê

Giữa đầy trời màu tuyết cũng hoa râm
Bờ sông vẫn cỏ may găm vào bài ôn thi dạo trước
Ai chống chèo dòng Lam đi ngược
Người về hát với dòng sông

13/6/2016

Vài năm trước ( quãng 2008, 2009 ) tôi có nghe được bài hát Sông và Anh. Tôi ngạc nhiên và thích thú vô cùng. Cái tên Lê An Tuyên khiến tôi lần tìm... Hóa ra là một người phụ nữ. Tôi lại càng ngạc nhiên khi biết chị đang sinh sống ở nước ngoài và hàng ngaỳ làm công việc chả dính gì đến âm nhạc. Nghe những bài hát của chị lúc nào cũng thấy nôn nao yêu miền quê và yêu người nước Việt. Chị là nhạc sĩ mà nhiều bài hát được các thí sinh mang đi thi Sao Mai. Chị cũng là người viết nhạc ngay trong quầy hàng của mình ở nước Đức. Bài hát luôn ngắt quãng vì khách khứa ra vào. Ấy vậy mà bài nào cũng hay đến nao lòng. Tôi viết bài thơ này từ những ý trong vài bài hát của chị.

Sunday, June 12, 2016

Chuyện ở chung cư

Vợ cằn nhằn. 
Khối ông về hưu mà không chịu nhận là mình già. Sáng sáng tung tăng ngoài hồ máy ảnh, điện thoại dư dứ trên tay hễ có con mẹ nào đít to ngực to mặc áo ba lỗ đi qua là bấm nhoay nhoáy…. Đằng này chồng mình đêm thức đằng đêm, ngày thức đằng ngày, viết viết lách lách, vợ “ ho” một tiếng là giật nẩy người…chỉ được cái nay sinh hoạt CCB, mai dân phòng. Tù và hàng tổng thì ít mà CCB nhà ông tranh nhau vác. 
Chồng bực quá. 
Này tôi hỏi bà? Bà thích tôi như mấy ông to TƯ về hưu không? Bà có biết vì sao tôi về hưu mà vẫn sẵn sàng làm vệ sinh môi trường, làm dân phòng không? Vì sao tôi vẫn CCB không?
Vợ đay lại. Ông hâm chứ sao nữa. Rồi mụ vợ cười he he.
Chồng tiếp:
Chúng tôi về hưu là còn tiếp tục sống. Tiếp tục cống hiến. Bằng chứng là chúng tôi đang sống ở chỗ chúng tôi đang làm cái anh vác tù và, anh gác cổng và sáng ra tối vào chúng tôi có hàng xóm bạn bè. Còn các ông to làm đến TƯ nghỉ hưu là hết. Không thò mặt ra ngoài không bạn bè( vì lúc đương chức không chơi với hàng xóm, bạn bè tránh xa) . Từ ngày nghỉ hưu, hè nhà các ông to mọc rêu cứ như ở quê mình, nhà đông con gái sáng ra ngồi xếp hàng tồ ra cửa khiến rêu mọc xanh lè.
Vợ liếc séo chồng. 
Chả cần biết. Họ nhiều tiền, về hưu họ vẫn đóng thùng com lê ca vát ra đứng ven đường ngó ngược ngó xuôi. Vài tháng sau mới thôi. Ông ra chợ Thái Hà mà xem. Vợ các ông to, đít bà nào cũng thây lẩy, vú cứ nần nẫn … nhìn vợ ông xem có quá bà bủ trên quê ông không?
Chồng thở dài.
Nhưng chồng bà về hưu thì vẫn sống với bà với con cháu và đồng đội. Vẫn có ích tổ dân phố…Làm to quá , cao quá về hưu ngày nào là chết từ ngày đó bà ạ. Đấy bà xem mấy ông TƯ nghỉ hưu là người ta quên tịt . Quên như đã chết. 
Có nhiều ông TƯ về hưu 20 năm sau mới qui tiên . Khi đài báo đưa tin, dân ồ lên: Ô hay ông này sống đến tận bây giờ kia à… đau lắm bà ơi. 
Vợ vừa thái rau muối dưa vừa quệt nước mắt nhìn chồng: 
-Ừ em chỉ mong ông sống với bà cháu nhà em thôi, chả cần làm to làm gì. Nhưng đừng quên … em ...à thôi .
Rồi vợ gật gù. 
Ừ phải rồi. Làm quan to quá về hưu ngày nào là chết từ ngày ấy

13/6/2016


TÓC BẠC LÚC GIAO THỪA

Friday, June 10, 2016

ĐÊM ẤY Ở TUY HÒA.


( Tặng một người con gái Tuy Hòa 1975)

Nhà em còn đó không ? dưới chân Nhạn Tháp
Đêm ấy rất xa em lội ruộng dẫn đường
Đêm tối quá chỉ biết em là út
Sao trời hôn lên nòng súng ướt sương

Lúa con gái thơm mồ hôi con gái
Biển ngoài kia thì thẫm đến vô tình
Trăng lấp ló để mắt em yêu quá
Đêm bồn chồn đâu chỉ mình anh

Pháo đich rót từ cầu Bàn Thạch
Bụm tay cười hắn hù đó "Nẫu" ui
Ôi cái tiếng em cười thơm như lúa
BIển rì rầm thơm nức cả mồ hôi .

Trăng bừng sáng lúc quân sang đường Một
Anh thấy út cười như thể màu trăng
Em... nói khẽ lúc chỉ huy truyền lệnh
Thắng trận rồi " Nẫu" nhớ ghé Hòa Xuân

Anh đi miết hòa bình không trở lại
Lúa Tuy Hòa đã mấy chục mùa xanh.
Ai chờ ai tím cả chiều đèo Cả
Thuyền ai chèo gõ cá dưới Giục Kinh

Anh mang nắng hoa râm về Nhạn Tháp
Biết tìm đâu cô du kích Tuy Hòa
Anh xuống tàu một chiều như rất cũ
Thẫn thờ buồn li nước mía sân ga.

Anh gọi "út" chuyến bay về Hà Nội
Đông Tác ơi biển kể chuyện ngày nào
Cô du kich Tuy Hòa đêm trăng ấy
Bốn chục năm rồi chẳng biết Út ở đâu?

9/6/2016.
" Nẫu " tức là Anh. (Tiếng người Phú Yên)


Gần đây trên trang nhà tôi có nhiều bạn gợi lại tấm ảnh tôi đứng cạnh lô cốt cầu Bàn Thạch ( Tuy Hòa ) . Kỉ niệm đêm 30/3/75 tổ trinh sát của tôi có du kích Tuy Hòa cùng đi dẫn mũi D8 e64f320 đánh chặn đèo Cả. Trong tổ ấy có một cô du kich (tên chi chả biết) gọi là Út. Sau nhiệm vụ dẫn đường Út trở lại Hòa Xuân ngay trong đêm. Còn chúng tôi đánh xong Phú Yên đi biền biệt tới tận bây giờ... Liệu có bà Út nào ngoài 60 tuổi bây giờ ở Hòa Xuân Tuy Hòa đọc được bài này của tôi không? Tôi đã quay lại Tuy Hòa và đến bên cầu Bàn Thạch. Đã đến ga tàu Thạch Tuân quê cô du kích ấy. Nhưng chỉ là để đứng nhìn đồng lúa ngời ngợi màu xanh ngày xưa. Tôi từng đến đó ngước nhìn lên Nhạn Tháp nơi mà ngày giải phóng Phú Yên những người lính bàng hoàng lạ lẫm trước một công trình kì vĩ người xưa. Tôi viết bài thơ này nếu bà Út nào đó đọc được thì là kì ngộ lớn lao. Bằng không một người phụ nữ Tuy Hòa nào đọc được và thích cũng là Hạnh Phúc cho người lính già này lắm lắm.

NHỮNG NẤM MỘ LIỆT SĨ NƠI BIÊN CƯƠNG-Thơ Nguyễn Trọng Luân- Ngâm : Trí Trọng Trí

TÓC BẠC LÚC GIAO THỪA-Thơ Nguyễn Trọng Luân-Ngâm : Trí Trong Trí

Đã từng... tháng 12- Thơ: Nguyễn Trọng Luân. Ngâm : Trí Trọng Trí

BAN MÊ ƠI-Thơ: Nguyễn Trọng Luân -Ngâm: Trí Trọng Trí

BÀI THƠ THÁNG TƯ-THƠ Nguyễn Trọng Luân-Ngâm : Trí Trọng Trí

Lẩn thẩn chiều đông-Thơ Nguyễn Trong Luân-Ngâm Trí Trọng Trí

Wednesday, June 8, 2016

GIÓ HOANG


( Lời một cô giáo quê tôi )

Chiều nay nắng rớt mật mắt người quê câu thơ vần vũ
Lá trầu cay hương đêm qua hàng xóm tiếng ai nỉ non về ai
Em mở áo gió lùa xạc xào gọi rừng cọ
cứ nhớ một bờ ao hư vô lung liêng cánh chuồn

Cửa lớp ngằn ngặt những lá và dấm dứt màu rừng
Người yêu mang màu rừng đi cháo rau gầy mắt mẹ
Đêm ở quê mình màu xanh lên tiếng thổn thức gió hoang
Thiếu phụ neo yêu vào làng quê và mái trường toàn là nụ cười rất trẻ
Yêu như gió trong miền cỏ xanh

7/6/2016

Sunday, June 5, 2016

Thằng đánh dậm và con bé cũng đánh dậm ngày xưa


Ngày xưa đánh dậm cởi truồng
Mưa rào thâm cả nõn nường em ta
Bây giờ mình đã về già
Ước gì có dậm để mà lại thâm

Xa nhau đà mấy mươi năm
Cái dậm thì rách cái chân thời gầy
Ta về tìm lấy mình ơi
Hoa râm mát cả góc trời nhà quê

6/6/2016

Hà Nội trước cơn giông


Nắng oằn đường vành đai hoa mắt những đốm hoa cà hoa cải
Váy ngắn và áo hở ngực được ngụy trang toàn những vải hoa sặc sỡ
Những chuyến xe đi xa chạy quẩn quanh những khẩu hiệu cấm dừng
Chiều cuối tuần Hà Nội tháo nút áo chật hẹp làm thành nhà quê.

Quán nước mía còng cọc ngọt nhóa mắt những cái li chưa kịp rửa
Nhễ nhại mồ hôi chảy thành giọt khe ngực chị khe ngực em
Chị bảo chiều nay nghe đài nói giông lốc tố về
Em thở dài ngực phập phồng vuốt tóc mai nghĩ cuộc hẹn đêm nay vỡ tan

4/6/2016

Bạn bè thủa mày tao

Bạn bè thủa mày tao
Bốn mấy năm gặp lại
Đứa ở Hà nội lên
Đứa trời nam bươn trải

Ôm nhau mà vẫn ngượng
Nghĩ như ngày đến trường
Tuổi dậy thì má ửng
Lớp học mùi gạo nương

Con suối ngoài cửa lớp
Rúc rích lúc tan trường
Có cây cầu rất bé
Chân trần ai chả thương

Kể toàn chuyện chăn trâu
Chuyện ngày xưa nhìn trộm
Chuyện đứa nào thích nhau
Cười như là nuối tiếc

Chuyện quên cả trời khuya
Đêm ở quê ngừng lại
Tiếng gà quê rất trẻ
Gọi nhau về ngày xưa

Mai lại về Hà nội
Rồi nhớ đến nao lòng
Bạn gái thành bà Bủ
Móm mém cười .... yêu không?

Tối 4.6.2016
Ở quê với toàn bạn hồi bé

Cây Mít vườn xưa

Cây mít đầu nhà cũ
Ngày bố đi cúi đầu
Bao năm buồn ít qu
Gió cũng buồn lao xao
Người trồng cây đã khuất.
Quả trên cây ngọt ngào
Con về nghe gió hát
Lời cha mẹ ngày nao
Trưa vắng , vườn lặng gió
Con nghe từ thinh không
Tiếng của thời xưa cũ
Tiếng mẹ cha dậy lòng
Đếm làm sao được quả
Đo làm sao ngọt bùi
Cha mẹ nghèo để lại
Hồn xưa vườn nhà tôi

5/6/2016

Thursday, June 2, 2016

GỬI NGƯỜI BẠN GÁI TRƯỜNG XƯA


( Nhớ trường cấp 3A YB của tôi)

Ước đưa nhau về khoảng rừng xưa
Nơi chúng mình một thời đến lớp
Sương muối nứt bàn chân không dép
Hoa Mua rung rinh tím ở chân cầu


Anh xa rồi em vẫn ở lớp sau
Đồi mua dẫu đổi mùa vẫn tím
Ngày ríu rít hòa bình may áo trắng
Nhớ vu vơ suối nước Thanh Hùng*

Chưa biết tỏ tình chỉ nhớ với mong
Những buổi mùa đông tan lớp
Đường xa đốt đuốc
Má em đỏ suốt đường rừng

Yên Bái ơi ta gọi tên trường
Thổn thức những đêm chao cánh võng
Nhớ em gái cùng trường trên đường ra trận
Măng đắng quê mình ai rải suốt Trường Sơn ?

Ngày trở về anh đi tìm em
Mỗi năm lại một mùa măng đắng
Thị xã có những bến đò bạc đầu lau trắng
Một chiều buồn thuyền đứng bến Âu Lâu

Mấy chục mùa măng đắng tìm nhau
Rồi một sớm bên sông Hồng lặng lẽ
Em mang về đây hoa Mua thời trẻ
Để đôi bờ hoa tím lại lung lay

Yêu trường cũ nên nhớ xưa nhớ nay
Em của bốn mươi năm tóc buông trước ngực
Anh của bốn mươi năm chân đi đất
Ôm hoàng hôn chiều ấy biếc hoa râm

Cái đòn gánh dài bốn mươi năm
Gánh nhớ gánh thương gánh mùa thi trĩu nặng
Em và anh ở hai đầu thăm thẳm
Tuổi học trò ước muốn cứ trong nhau.

Làm sao trong mơ ta về thủa ban đầu
Suối cũ rừng xưa ngực em thơm như mật
Chỉ có mình thôi, chúng mình đi chân đất
Về lại cánh rừng, nhặt lại nắng mùa thi

HN 2012

Wednesday, June 1, 2016

RỪNG ĐÓI 22


Sáng mai chúng tôi sẽ hành quân về chiến trường Tây Nguyên. Mấy hôm nay mọi việc ở kho sắn đã xong hoàn toàn. Hai tháng trời, cả tiểu đoàn đã mót sắn tươi rồi chế biến thành sắn khô, gửi về sư đoàn được bao nhiêu chả rõ. Nghe cán bộ Tiểu đoàn nói cũng được vài chục xe ô tô. Bên nhà, anh em ăn bánh sắn đuổi địch đến tận ngã tư Phú Nhơn. Chả biết Phú Nhơn là chỗ nào nhưng lính ta khoái lắm. Anh Đường, đại đội phó chộn rộn ngồi vót chục đôi đũa về làm quà cho lính bên nhà. Ngó sang tôi, anh bảo :
- Giá có cái gì mà liên hoan tối nay nhỉ ? Tôi và thằng Hoan cùng nhìn nhau bần thần. 
Thằng Hoan reo lên :
- Đi đổi gà !
- Còn cái gì mà đổi nữa ? Tôi nhìn Hoan. Nó thì thầm :
- Mày ơi, ảnh Ái Vân đổi trúng lắm. Tao gặp bọn thằng Sỹ thằng Thiện Phú Lương đổi hai Ái Vân, một con to.
Nhưng bọn mình hết Ái Vân, hết cả Thu Hiền từ trạm 66 rồi cơ mà ? Thằng Hoan rỉ tai tôi : 
- Thằng Quyết vẫn giữ được 2 Ái Vân tao biết mà. Nhưng bây giờ phải rủ nó đánh Tu lơ khơ ăn ảnh thôi. Bọn mình tập trung khoét nó.
- -Ha ha. Hoan sướng quá cười phá lên. Anh Đường cũng cười, anh liền đứng dậy về võng lấy bộ Tu lơ khơ lên đưa cho Hoan. Trong lúc cả tiểu đội xúm vào rủ nhau đánh bài thì tôi chạy sang B1 gặp thằng Ngô Thịnh. Tôi bảo nó :
- Cho tao vay một cái Ái Vân.

Thằng Thịnh ngó tôi:
-Vay rồi trả bằng gì ?
Tôi bảo ;
- Cùng lắm là tao giả mày bằng đạn Ak. Nó đồng ý ngay. Thằng này chuyên trị thích bắn cá suối bằng Ak. 
Tôi mang tấm ảnh cô Ái Vân môi đỏ áo cổ thuyền hở ngực chạy về. Chả biết bằng cách nào mà chúng nó tán được thằng Quyết khoa điện ngồi đánh bài. Tôi sòe “Ái Vân “ ra cho thằng Hoan làm vốn. Quyết bị chúng nó quây hội đồng. Chỉ một lúc Quyết ta bị mất hai Ái Vân. Mặt nó buồn thiu. Nó gãi gãi cổ rồi đứng lên. Nó không đánh nữa . Nó nhất quyết bảo toàn một Thu Hiền và một Thanh Loan trong túi áo. Trả lại cho thằng Ngô Thịnh một Ái Vân.  Chúng tôi kéo nhau vào bản. Thằng Quyết hiểu ra chạy theo. Tao đi với, tao phải chứng kiến tài sản của tao được chuyển hóa thế nào chứ ?
Tối ấy, có hai con gà. Tiểu đội cử Thằng Hoan giải quyết tình cảm với anh Thịnh quản lí đại đội vì chỉ anh Thịnh mới có muối. Mà anh Thịnh thì chỉ có Hoan mới xin được vì bố thằng Hoan làm cùng nhà máy với anh ấy. Bữa liên hoan dưới tán lá rừng hôm ấy nhớ đời. Anh Đường có lọ cồn pha nước làm rượu cho mỗi thằng nhấp một tí. Ngồi dưới đất vỗ muỗi đen đét, nghe anh kể về những trận đánh đã qua của anh, thằng nào cũng im lặng nghĩ về những trận đánh sắp tới của mình. Anh Hợp và anh Nhất nhắc đến những thằng đã phải gửi ra ĐT 17 vì sốt rét. Các anh ấy bảo, rồi chúng nó sẽ về sư đoàn thôi nhưng có về trung đoàn chiến đấu hay không thì chịu. Tôi nhớ đến thằng 4 thằng sinh viên trường tôi đã phải khiêng đi gửi. Thằng Bùi Tiến thằng Thái Hà khoa điện, anh Đoàn và thằng Triệu Bình khoa cơ khí. Nghĩ thầm, cố về vói bọn tao chúng mày nhé.
Anh Hợp khẽ nói :
- Về đâu chả là lính, về đâu chả đánh nhau. Chỉ thương chúng nó không được đi cùng với trường với lớp như chúng mày thôi.
Đêm ấy đêm cuối cùng chúng tôi ngủ trên đất bạn. Cái võng mắc lâu ngày một chỗ thít lõm vào thân cây.
Nhìn vết dây võng trên thân cây mà hiểu được tâm tính đồng đội. Thằng nghịch ngợm cựa quậy đung đưa vết dây cứa lam nham. Thằng chỉn chu trầm lắng vết dây hằn chỉ sâu một vệt. Trên suốt dải Trường Sơn đã có hàng triệu thân cây hằn in dấu dây võng cứa vào. Những thân cây Trường Sơn tứa nhựa vì dấu võng của chúng tôi. Thời gian sẽ làm mờ đi vết mắc võng của người lính chúng tôi, những sẽ phải rất lâu. Những ngày đã qua Chúng tôi chưa giáp trận nhưng đã cùng nhau chịu bom chịu pháo, chia nhau miếng sắn cùng ăn lá cây rừng. Chúng tôi đã từng ôm nhau trong cơn sốt rét để truyền cho nhau hơi ấm. Nước mắt bạn bè rơi sang má nhau trong những cơn sốt rừng ai oán. Trong cánh rừng này không ai có thể phân biệt người sinh viên và những người công nhân hay nông dân, không phân biệt ai nhiều chữ hay ít chữ. Tất cả đều là người cầm súng ra trận mà thôi.
Trong cánh rừng này lính chúng tôi vẫn gọi nhau mày tao hệt như chúng tôi đang sống ở quê. 
Trong cánh rừng này chưa bao giờ chúng tôi rên rỉ vì đói rên rỉ vì buồn.


Nửa năm nay, từ ngày rời miền bắc mỗi thằng chúng tôi đã sút đi dăm kí. Ba lô chúng tôi nhẹ tênh. Rất ít thằng còn đủ áo quần. Chúng tôi chưa biết mình sẽ ở tiểu đoàn nào, trung đoàn nào. Chỉ biết chúng tôi sẽ về chiến đấu ở sư đoàn Đồng Bằng. Đêm khuya lắm, chả thằng nào ngủ nổi. Giống y hệt như đêm trước ngày lên đường đi B. Nằm nghĩ đến ngày mai, nằm hình dung ra vùng đất mà mình sẽ đến chiến đấu và bao giờ cũng thế, chúng tôi lại nhớ tới mẹ. Đứa nào cũng mong rồi khi nào có địa chỉ sẽ viết thư ngay về cho mẹ, cho người yêu. Chắc chắn sẽ chả có đứa nào viết để kể về chuyện đói, kể về những tháng ngày khốn khổ đã qua của những người lính sinh viên trong cánh rừng đói này.

Lời cuối truyện
Cũng hiếm có một tiểu đoàn nào như chúng tôi. Vào đến chiến trường đi mót sắn để rồi mang sắn khô ấy về ăn mà đi đánh nhau. Chuyện đánh nhau thì khỏi phải kể, khỏi phải những đùng đoàng những xung phong và những kể lể hi sinh. Chuyện ấy nhiều người viết lắm rồi. Và trong bao nhiêu sự tích dũng cảm của người lính với những trận đánh hào hùng ngày xưa chúng tôi từng trải qua, chúng tôi thấy mọi sự bình thường bởi vì chúng tôi là lính. Chuyện gian lao nguy hiểm của người lính chiến trường, chả có gì lạ lẫm đến nỗi không tưởng đâu, thưa bạn đọc kính mến. Vì thế gian nan thiếu thốn của chúng tôi cũng là sự bình thường như những người lính khác. Chúng tôi may mắn hơn bao nhiêu đồng đội của mình là được trở về và sống đến bây giờ. Những cái tên tôi kể trong cuốn truyện này đó là tên thật của cả những đồng đội đã hi sinh và những người còn sống. 
Tôi cũng liệt kê lại tên nhân vật dưới đây thay cho nén nhang với người đã hi sinh và lời thăm hỏi với những bạn còn sống. Đó là:

- Khuất Duy Hoan – hai lần bị thương, Sinh viên Cao đẳng Cơ Điện chiến đấu tới ngày 30/4/75 rồi lại chiến đấu ở biên giới Tây Nam trở thành Đại Tá Tư lệnh phó Quân Đoàn 3 đã nghỉ hưu ở hà nội
- Tứ râu – Bùi Xuân Tứ sinh viên khoa cơ khí ĐH Cơ Điện Bắc Thái, sau giải phóng về học tiếp ĐH Cơ Điện. Công tác ở nhà máy kính Đáp Cầu đã nghỉ hưu sống ở Phả Lại
- Ngô Thịnh hai lần bị thương, sinh viên khoa điện ĐH Cơ Điện sau giải phóng về học tiếp ĐH Cơ Điện, cán bộ Tổ chức ĐH Thái Nguyên, nay nghỉ hưu sống ở TP Thái Nguyên
- Nguyễn Mạnh Tiêu : sinh viên khoa cơ khí ĐH Cơ Điện bị thương ở đường 7 về học tiếp ĐH Cơ Điện, trước khi nghỉ hưu là Giám đốc sở Công nghiệp Thái Nguyên. 
- Thọ Văn Giang , sinh viên cao đẳng Cơ Điện về học tiếp và công tác ở nhà máy kính Đáp Cầu , nay sống ở Phả Lại
- Lương Lợi sinh viên khoa cơ khí ĐH Cơ Điện quê Đốc Tín Mỹ Đức Hà Tây, hi sinh tháng 10/1973 ở Tây Pơ Lây Ku
- Phạm Văn Huấn sinh viên cao đẳng Cơ Điện hi sinh ở Tây Pơ Lây Ku năm 1974 
- A trưởng Hoàng Tuyến Lan người Bình Gia Lạng Sơn sinh viên khoa điện ĐH Cơ Điện bị thương về học lại năm 1974, nay nghỉ hưu ở Lạng Sơn
- Trung Ninh Bình- Đặng Quang Trung quê Gia Viễn, Ninh Bình cán bộ kĩ thuật địa chất đoàn 12 bị thương nặng tháng 10/1973, nay sống ở TP Hồ Chí Minh
- Quyết Hà Giang- Vũ Đình Quyết sinh viên khoa điện ĐH Cơ Điện giảng viên trường Đảng tỉnh Tuyên Quang, nghỉ hưu ở Hà Giang
- Sỹ y khoa – Đinh Ngọc Sỹ sinh viên trường ĐH Y Khoa Việt Bắc sau 30/4 /75 về học ĐH Quân Y. Phó GS TS Viện trưởng Viện Phổi TW, nay nghỉ hưu ở Hà nội
- Hà y khoa , sinh viên ĐH Y khoa Việt Bắc hi sinh ở Bàu Cạn Gia Lai
- Khoái Thái nguyên , công nhân công ty MD ăn uống Thái Nguyên hi sinh bên đất Miên
- Thiện Đại Từ- Vũ văn Thiện sinh viên Cao đẳng Cơ Điện nay sống ở Đại Từ Thái nguyên
- Thiện Phú Lương – Trần Xuân Thiện đại úy. Người xã Động Đạt Phú Lương trở thành AHLLVT 1978
- Vy Hợi phú thọ- Nguyễn Vy Hơi Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang 1976
- Lệ Phù Ninh – Nguyễn văn Lệ sinh viên khoa toán ĐH Sư Phạm Việt Bắc. Bị thương hai lần trở về học tiếp đại học Sư phạm trước khi nghỉ hưu là Chánh Thanh tra Sở Giáo dục Tuyên Quang
- Lịch khoa toán- Trần văn Lịch sinh viên khoa toán Sư phạm Việt Bắc hi sinh ở 601 Gia Lai 1974
- Hiệp Tuyên Quang, sinh viên ĐH Nông Nghiệp Việt Bắc hi sinh ở đường 5 Gia Lai 1974
- Dương phỉ Cao bằng- Hoàng Minh Dương sinh viên khoa Cơ khí ĐH Cơ Điện hai lần bị thương, sau giải phóng về học tiếp là Giám đốc XN CK Cao Bằng, trước khi nghỉ hưu là Phó GĐ công ty SX Giày XK Thái Nguyên
- Anh Đường đại đội phó – Đỗ Danh Đường. Trung tá phục viên về làm Chủ Tịch xã ở huyện Quốc Oai nay đã mất
- Anh Hợp chính trị viên sau giải phóng là cán bộ Viện KS thành phố Thái Nguyên, đã nghỉ hưu
- Việt Anh- Mai Việt Anh sinh viên khoa toán ĐH Sư Phạm Việt Bắc . Sau này anh là Hiệu trưởng trường PTTH TP Cao Bằng
- Đại đội trưởng Nhất kể từ tháng 5 /1973 chúng tôi không gặp lại 
- Tác giả Nguyễn Trọng Luân sinh viên khoa Cơ khí ĐH Cơ Điện sau 30/4/1975 về học tiếp rồi công tác trong ngành Thép VN, nay đã nghỉ hưu tại Hà nội.

1/ 6/2016