Sunday, October 22, 2017

Của Cha Mẹ để lại

Cha mẹ nghèo, lại ở một vùng quê nghèo nên anh em tôi có tuổi thơ gieo neo nhưng đẹp. Chưa bao giờ 8 anh em tôi buồn phiền vì vất vả đói khát. 
Bố mất năm 1997. năm 2004 Mẹ cũng ra đi. Bố Mẹ đi rồi tài sản để lại không có gì ngoài ngôi nhà lá 3 gian và mấy cái giường gỗ thường. Chú thì xin anh cả ba tấm phản đã mọt, chú xin bộ cối giã chuối giã sắn. Hai chú ở Hà Nội xin cái túi của bố vẫn đeo đi làm và cái áo bông của bố. Đồ đạc của mẹ mỗi cô con dâu xin một thứ mang về xuôi. Phần tôi con cả tôi mang hai cái ống nứa dại trên gác bếp đen nhánh bồ hóng xuống. Trong đó là tất cả giấy khai sinh của các con, học bạ, huân huy chương của bố mẹ và mấy bộ tranh tứ quý mà nhà tôi chỉ được treo vào dịp tết. Tôi trả hết giấy khai sinh của em nào cho em nấy rồi đem hai cái ống ấy về xuôi.
Tôi nhớ một lần vào năm 1967 khi dọn nhà chạy sơ tán máy bay Mỹ. Tôi hỏi bố: Có mang cái ống này đi không? Bố bảo:
- mang chứ, tất cả hồn vía nhà mình trong đấy. Tuổi ống ấy bằng tuổi con. 
- Sao lại bằng tuổi con?
- Khi đẻ con ra bố đi rừng chặt về cưa làm hai ống này cho giấy tờ vào đấy để lên gác bếp. Con đi học được giấy khen bố cũng cuốn cả vào trong đấy.

Đã hai lần dọn nhà ở Hà nội. Tôi cũng chả có của quí của độc gì mà trương lên gian giữa nhà như người khác. Chỉ có mấy thứ kỉ niệm một thời chiến đấu ở Tây nguyên, , cái địa bàn cái ống nhòm cái đèn bão xa xưa và hai ống nứa nhọ nhem bồ hóng của Bố
12/10/2014

NHỮNG NGÀY MẸ ĐẤT KHÓC


Mẹ đất gồng mình nuôi đất nước
Nỡ nào người đất nước làm mẹ khốn cùng
Mẹ đất không thể oằn mình được nữa
Xương thịt mẹ tan ra .

NHững cơ thể mẹ bị băm nát thủy điện công trình
Lục lâm thảo khấu ngốn sành sanh áo quần trên thân mẹ đất
Nhân danh rừng làm sơn tinh vùng vẫy
Suốt đời thua tan nát thủy tinh

Mấy ngày nay trời khóc
Mấy ngày nay đất khóc
Mấy ngày nay dân nghèo hiền như khoai sắn khóc
Đất nước lại có nhiều người đi ban ơn
Mẹ đất buồn vì đất nước này băm nát cơ thể mẹ hiền.
Mẹ khóc ngầu bùn trong mắt.
12/10/2017

VỠ ĐÊ



Năm ấy đê sông Hồng quê tôi còn nhỏ lắm. Cứ vài năm lại có kì vỡ đê. Lúc tôi nhớn lên từng chứng kiến năm 1965 đê vỡ. năm 1968 vỡ đê. Năm 1971 cũng lại đê vỡ. 
Vỡ đê. Khủng khiếp lắm. Sự ấy chấn động mãi trong não những người ở ven sông. Ngày ấy không có thông tin truyền thông như bây giờ. Không có máy ảnh không có điện thoại không có “anh tẹc nét “ mà loan nhau rồi chém gió như bây giờ. Ngay báo chí cũng không bao giờ tả cảnh vỡ đê chết trôi chết chìm như bây giờ. Nói các bạn đừng ném đá , chứ trận vỡ đê Mậu Thân từ Yên bái – Phú Thọ - Vĩnh phúc- đến tận Thủ đô một chiều dài hai trăm ki lô met làng mạc chìm trong biển nước vàng thum thủm,. . mênh mang mênh mông là khóc lóc thở than…..chỉ vùng tôi, hai xã ven sông thôi mà cả chục người chết. Hàng trăm xã hàng mấy thị xã chìm trôi trong mưa lũ sẽ có biết bao nhiêu kẻ chết trôi. Không biết mà lại hay, không bi lụy, không đau thương, sau đợt lũ chết trôi ấy lại nườm nượp tòng quân lên đường vào Nam đánh Mĩ…
Tôi có kỉ niệm với 3 trận vỡ đê. Nhưng kì vỡ đê tháng 8 năm 1968 thì nhớ hơn cả vì tận mắt nhìn con đê lúc nõ VỠ.

…..Mưa từ tháng 7 mưa triền miên sang tháng 8. Mẹ tôi bảo mưa chục ngày không ngớt lại vỡ đê mất thôi. Tôi nghỉ sắp hết hè để vào lớp 10 cứ bồn chồn hỏi, mẹ ơi đê mà vỡ thì con đi học làm sao? Mẹ chép miệng, nước nổi bèo nổi con ạ. Làng sống được thì mình sống được. Lo cũng chả lại với giời. Tôi khoác áo mưa đi hái chè. Ông Đội chè bảo, về đi! hái chè bỏ đấy làm gì có thuyền chở xuôi. Tôi về, đánh mấy cây chuối trồng thêm dưới vườn. Mưa thế này trồng chuối là dễ nhất. Lũ em không chạy đi chơi đâu được, chúng chòng nhau khóc í ói . Ngoài làng trống thùng thùng. Trống đánh từ nửa đêm đến sáng nghe thùm thụp trong ngực người lớn . Bố bảo, thằng Luân họ gọi đi đắp đê là phải đi đấy con ạ. Bố đôi mũ lá cọ đi ra xã chỉ đạo công việc của HTX. Tôi cắt đôi cái áo mưa mua tiêu chuẩn bán gà kế hoạch Nhà nước để dành mẹ một nửa còn một nửa gói vào với ruột tượng 3 bát gạo chuẩn bị tập trung đi hộ đê. 
Thùng thùng thùng. Trống đánh trong rì rầm mưa. Cái tiếng thùng thùng âm u đến chiều .
Chiều ấy hàng ngàn dân quân trai tráng học sinh 6 xã thượng huyện dải trên đoạn dài 2 km đê Hậu Bổng . Bạn đọc bấm vào google chỗ sông Hồng cong như cái đít trẻ con ngồi bô ấy chính là khúc đê chúng tôi dải quân hôm ấy. 
Huyện chia Mỗi xã một đoạn đê. Cứ đào đất trong đồi, gánh ra đắp con Chạch ngăn nước tràn qua đê. Gánh đất ruộng , đất đồi rồi thì sắn cả mép đê bên này đắp lên con chạch mép đê bên kia. Nước sông lạnh buốt đỏ như gạch cua đã bằng mặt đê, rồi cao hơn mặt đê. Nhiều người sợ không dám lên đê nữa chạy về trong làng trèo lên đồi. Từ tối hôm trước đến chiều hôm sau trên đê chỉ còn lũ thanh niên 16 , 17 tuổi và những lão nông tráng kiện chúng tôi hì hụi đắp con Chạch. 
Ông huyện ủy viến đeo xà cột chạy lên chạy xuống. Ông nói như gào khóc trong mưa… Bây giờ tôi chỉ nhớ ông nói rõ nhất là :…” các đồng chí ơi, bà con ơi..” Còn cái tiếng gì đằng sau cứ chìm vào mưa hết…
4 giờ chiều. Có tiếng kêu:
- Sắp vỡ rô ôi ôi. Cách xa 2 chục mét tôi nhìn thấy thằng bạn mình cùng lớp 9 tên Bùi Ngọc Quang đang kéo bó bổi rơm nhụt vào kẽ nứt trên mặt đê nước tràn lên như nồi canh cua sôi quá lửa.
Hàng trăm người dãn ra hai phía trên phía dưới khúc đê ấy. Mấy thanh niên làng vội chui lên từ kẽ nứt đê như con dế bị đổ nước vào hang chui ra lóp ngóp chạy. Tôi chạy về chân đồi cách xa trăm mét chèo lên đồi nhìn xuống. KHúc đê vỡ ra thành kẽ nước rộng 1 mét rồi một tiếng nổ như bom . Từng tảng đê như khúc giò dài 5 mét sâu 3 mét lăn lăn xuống ruộng. Dòng nước sông đổ ào ào đẩy khúc đê lăn tròn trên ruộng lúa. Rồi cứ nổ ùm ùm liên hoàn . Mỗi tiếng nổ ùm ùm là một khúc đê vỡ lăn nhào vào đồng. Dòng người vứt cuốc xẻng quang gánh chạy cào cuống lên đồi. Tôi kịp nhìn thằng Quang chạy về phía trên, tôi và anh Khánh tôi với thằng Vân cùng lớp 9 về phía dưới. Cho đến lúc ấy tôi mới nhìn thấy dòng sông quê tôi từ trên đồi cao. Ngoài xa là nhà cửa trâu bò lợn gà cây cối trôi băng băng. Tiếng gào khóc của những người bám trên mái nhà ngọn cây thảm thiết. Không có thuyền bè nào dám lao ra sông lúc này. Những bề gỗ thành mũi tên lao vun vút, những bè rác tràn vào cánh đồng đè sập cả nhà cửa. Trên nhũng bè rác là lợn gà rán rết cùng trú ngụ . Tôi nhìn thấy một cây đa trôi mà ngọn vẫn chổng lên giời. Trên cành cây đa là hàng chục người bậu như chim. Tiếng gào khóc xa dần cuốn theo dòng lũ về xã dưới. Đêm ấy , tôi co quắp ngủ góc hè một nhà dân mà chúng tôi chạy lên đồi. Đói , rét và sợ. Nửa đêm nghe khóc nghe xì xoạt. mở mắt ra thì thấy dân quân họ đưa về hai vợ chồng trôi từ mạn yên bái về may sao họ dạt vào ven đồi ở đây. Họ nói không ra tiếng , mắt họ toàn lòng trắng, dân quân đưa cho họ khúc sắn luộc mà họ không biết ăn….cứ cầm trên tay bóp bóp…

Sáng hôm sau mặt sông phẳng hơn vì đê đã vỡ nhiều nên nước tràn vào đồng rồi . chúng tôi nhìn vẫn thấy bè mảng trôi vẫn thấy trâu bò và thỉnh thoảng có người bám trên rều củi trôi băng băng trên đám bồi băng ngầu nát tanh tưởi. Con sông Thao quê tôi trông như một thằng ngáo đá bây giờ phè phưỡn mệt nhọc sau một cơn phê thuốc.
Tôi với anh tôi và hàng trăm dân thường ngồi đợi nước rút để tìm đườn về nhà. Ai cũng run rẩy vì đói môi mép người nào cũng thâm bẳn như con đỉa phơi 3 nắng. Chả ai nói với ai câu gì vì ai cũng từng chứng kiến hàng trăm người đồng bào trôi trên sông mà không tài gì cứu họ.

Một tháng sau, chúng tôi đi học lớp cuối cấp để vào đời. Thằng Vân thằng Bùi Quang cả anh Khánh tôi với tôi bám tay nhau đi dọc đường tàu hỏa lên Yên bái. Con sông Thao hiền từ chảy dọc theo con đường sắt Hà nội Laokay hiền từ. Dưới sông lác đác những mảng nứa và những người dân quê tôi lại cặm cụi mưu sinh cùng nó. Con sông đến bây giờ tôi vẫn yêu tha yêu thiết bởi nó là quê, là hình bóng mình, là hồn cốt bao đời người Việt. Sau trận vỡ đê ấy một năm chúng tôi vào đại học rồi lại đi bộ đội lại đi kháng chiến. Thằng Vân đã thành người thiên cổ, thằng Bùi Quang dậy cấp 3 Lâm Thao tít xa , tôi và anh Khánh tôi lặn lội bao năm mưu sinh nay ở Hà nội. Mỗi lần về quê chạy dọc bờ sông đến khúc vỡ đê năm nào là lại nghe thấy tiếng trống thùng thùng, thấy mưa rát mặt. Và dù cố quên thì những đám người bậu trên cây như chim và cái cây đa cứ hiện ra, tiếng kêu gào của họ chìm dần trên con sông Thao ngày ấy.
Nhớ lại sau 49 năm
Mùa lũ 2017
14/10/2017

CHẢ NHẼ LẠI QUÊN BẠN MÌNH SAO ?




Tôi và nó học cùng nhau từ lớp vỡ lòng. Nhưng ngày ấy thấy nó khôn như rận. Thằng ấy trắng nhễ nhại, bụng như ông Tam Đa chỉ tội mũi cứ quệt ngang trông rõ chán. Lúc học cấp 1 đi chăn trâu nó đi với bọn khác. Trâu nhà mình đánh trâu nhà nó chạy vung tàn tán. Nó chửi . Chửi dã man. Hôm sau đến lớp mặt nó lại như không. 
Bố tôi thích nghe nhạc. Làng tôi thâm sơn cùng cốc lấy đâu ra âm nhạc. Ấy thế mà chỉ một nhà có kèn hát là nhà nó. Vào những năm cuối thập niên 50 đầu 60 ở thế kỉ trước cái máy hát quay đĩa than khuếch âm bằng cái loa như cái kèn đồng trông giống con ốc sên nên người ta gọi là KÈN HÁT . CHỉ vì cái kèn hát ấy mà ông nó bị qui địa chủ. Chuyện ấy cứ như nhũng câu chuyện ma ỏ làng. Nhiều lần tôi đi với bố đến mượn ông nội nó cái máy hát và ngồi lau những cái kim với dầu hỏa cho bố để bố mở máy. Tôi nằm ngoài sân, ông nội quạt cái quạt lá cọ phành phạch nghe Cải lương. Tôi biết Tống Trân Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Tam anh chiến Lã Bố, từ lúc còn cởi truồng là nhờ cái kèn hát nhà nó . Tôi biết cái tên Bùi Kiệm Bùi Ông trong vở Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên cũng từ ấy…. mỗi lúc mải nghe hết cót các giọng ca ọt ẹt mệt mỏi như tiếng rên là bố lại vùng dậy quay quay lên cót … hi hi ..
Những năm lao vào HTX Nông Nghiệp xóm làng như cơn say. Bao nhiêu hoạt động đoàn thể như lên đồng. Chúng tôi đi học về là giúp bố mẹ, là sinh hoạt sạch làng tốt ruộng là nghìn việc tốt là phong trào con ngoan trò giỏi là tưng bừng đi lên cuộc sống mới. Mọi sự chỉ chững lại vào năm 1964 khi Mĩ bắt đầu mang bom thả xuống miền Bắc nước ta. Chúng tôi vào học cấp 2 với đèn dầu và mũ rơm. Tôi và nó học 2 trường cấp 2 khác nhau nhưng mỗi mùa hè lại đi làm cùng nhau. Nó trắng mập mạp và rất bướng . Nó chửi tất cả những ai đã từng là cán bộ xã ngày xưa, nó chỉ mặt những ai từng đấu tố ông nội nó. Người ta bảo nó hư. Với chúng tôi nó vẫn cười hềnh hệch những buổi chăn trâu bơi lội trên đầm. NHững chiều mùa đông áp tết đi lấy chuối rừng, tôi luôn gặp nó và mẹ đi bán ống nứa đựng mắm tôm cho kẻ chọ ngoài ga tàu hỏa.
Cả tôi và nó chưa kịp làm thanh niên thì đã lớn. Nó đi Bộ đội năm 1968 khi mới tốt nghiệp lớp 7 được một năm. Tôi đi học lớp 9 ở trên Yên bái về nghe nói nó đi rồi. Ôi chao cái thằng chưa có đứa nào muốn yêu nó thì nó đã đi. Lũ chúng tôi chỉ nhớ nó rất hay chửi mấy ông cán bộ xã cũ và vác chuối rừng rất khỏe. Riêng tôi thì nhớ mỗi lần đến nhà nó mượn kèn hát nó xăng xái chạy đi tìm kim tìm đĩa cho tôi mang về.

Cái làng tôi bị đứt long mạch nên đầm nước cạn khô, làng quýt mà chả còn cây quýt nào , trai làng thông mình tráng kiện ra ngoài không thấy về. Nó cũng chết trận trong nam như hơn trăm người trai khác. 
Nhoáng cái tôi đã già. Cuộc đời đưa đẩy đến nỗi tôi cũng giúp được khối người tìm mộ liệt sĩ. Sự giúp của tôi cũng chỉ là nhờ quen biết mà tìm thấy danh sách hoặc tọa độ mộ chí họ đã để mốc thếch bao nhiêu năm qua. Thế mà nhiều thằng bạn tôi từ thuở chăn trâu thì tôi chưa một lần tìm kiếm. Con người nó cứ thế. Cứ nhơn nhơn ta đây với thiên hạ với những ai chả biết gốc gác nhà mình. Con người chả thể vĩ nhân với những hầu phòng chả thể oai phong với người thân người ruột thịt là vậy.

Chiều qua, đứa cháu ở quê gọi:
Bác ơi cháu tìm hết rồi , giấy báo tử mất rồi chỉ còn cái thư của Tỉnh đội VĨnh Phú chia sẻ ..đồng chí xyz mất đi gia đình mất một người con hiểu thảo đơn vị mất một chiến sĩ tài năng dũng cảm…. thôi bác ạ.
Nghe mà điếng lòng. Bỗng nhiên hiện ra thằng bạn ngày xưa đưa cho tôi mấy cái đĩa than cải lương quệt mũi Cười sụt sịt. 
Thằng cháu gọi tiếp,:
- Cháu vừa gọi điện cho một bác ở Quảng Ninh người cùng đơn vị với bác ấy . Thông tin thế này 
Tạ Đình Chức c16 e66 . hi sinh ngày 24/8/1972 ở Đắc Tô bác ạ.
Tai tôi ù đi. Tháng 8 mùa mưa năm ấy sau những ngày chiến thằng mùa hè đỏ lửa là chuỗi ngày khốn đốn thương vong của lính Tây nguyên trên chiến trường. Bạn tôi chết lúc ấy lúc mưa gió đói khát bùn đất be bét lắm. Chả nhẽ tôi Quên bạn mình.

sáng 23/10/17

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU VỀ CUỐN TIỂU THUYẾT “RỪNG ĐÓI”…( Trần Văn Ẩm )


Hồi tháng 9/2017, mình về Ninh Bình dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đơn vị - Trung đoàn 9A, F 968. Tại đây, anh Vũ Công Chiến - tác giả của "Hồi ức lính" đã chuyển cho 02 cuốn sách viết về chiến tranh, trong đó có tiểu thuyết “Rừng đói’ của nhà văn - chiến sỹ Nguyễn Trọng Luân (NTL) gửi tặng. 
“Rừng đói” là cuốn tiểu thuyết viết về những năm tháng chiến tranh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Không gian được mô tả trong cuốn sách là chiến trường Tây Nguyên (B3) và câu chuyện về Tiểu đoàn sinh viên từ miền Bắc, tăng cường cho Sư đoàn 320A ở B3 trong những năm 1970-1972. 
Tác giả cuốn tiểu thuyết là SV mặc áo lính thuộc thế hệ của Nguyễn Văn Thạc, ra trận trong tâm thế của những người trí thức, sẵn sàng “Xếp bút nghiên theo việc đao cung” như các tráng sỹ xa xưa. 
Tháng 02/1974, đơn vị mình từ Lào về chiến trường B3 và nhập vào đơn vị F 320A với tác giả. Anh Trọng Luân ở Trung đoàn 64; còn mình thuộc Trung đoàn 9 và sau này cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh cho tới ngày Toàn thắng.
Qua tác phẩm "Rừng đói", độc giả được biết thêm: Tiểu đoàn này với đa số là SV các trường đại học như ĐH Cơ điên BắcThái, ĐH Mỏ địa chất, ĐH Sư phạm Việt Bắc…Họ cùng nhập ngũ một đợt, cùng đi chiến trường một ngày và cùng đối mặt với mọi hiểm nguy tiềm ẩn. Tuy là lính “công tử” song cách xưng hô, ứng xử của họ với đồng chí, đồng đội và người dân nơi đóng quân (Tây Nguyên) rất chỉn chu và nhân văn. Với nhiệm vụ chính của tiểu đoàn này là vượt qua biên giới, sang nước bạn mót sắn (củ Mì) rồi chế biến thành sắn khô và vận chuyển về đơn vị, giải quyết tình trạng thiếu đói, giúp “bộ đội ăn no mà đánh thắng giặc Mỹ”.
Câu chuyện về mót sắn của Tiểu đoàn SV chỉ gói gọn trong vòng hơn 02 tháng, không hề tẻ nhạt, đơn điệu. Qua ngòi bút của NTL, độc giả có thể bao quát toàn bộ tâm tư, tình cảm cũng như lý tưởng, hoài bão của cả một thế hệ cầm súng đánh Mỹ, vô cùng phong phú và sinh động. Đặc biệt là tinh thần dâng hiến, xả thân vì Tổ quốc cũng như tình đoàn kết, đồng cam cộng khổ của những người lính tuổi đôi mươi, thật rõ nét. 
Hiếm có tác phẩm nào thể hiện tình trạng thiếu đói đến nghiệt ngã như tác phẩm “Rừng đói”. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, nhiệm vụ tiếp tế cho các mặt trận gặp rất nhiều khó khăn. Tình hình đó khiến cho tiêu chuẩn của CB, chiến sỹ ở B3 chỉ có 02 lạng gạo mỗi ngày. Do vậy, thiếu đói là chuyện đương nhiên và người lính phải chấp nhận ăn cả hạt dẻ, củ chuối rừng,… để tồn tại và đánh giặc. Trong bối cảnh ấy, lời nói của Dương - người lính quê Cao Bằng, như một tuyên ngôn: “Chuyện gì cũng chẳng bằng ăn cho khỏi chết đói. Con người ta không tồn tại thì làm sao mà phát triển, chứ còn yêu ót cái nỗi gì. Tóm lại, không có ăn thì oánh nhau thế nào được”. 
Không chí có người lính đói, trong tác phẩm của mình, NTL đã không ít lần nhắc đến “rừng cũng đang đói” (trang 56 và 85), Đó cũng là cái tên mà tác giả đặt cho cuốn tiểu thuyết này.
Trong cái khó lại ló cái khôn. Với những người lính SV, họ không đầu hàng hoàn cảnh. Tác giả cho thấy, họ luôn nghĩ ra đủ chiêu trò, không ngoài mục đích là nhét cho chặt cái dạ dày rỗng không, luôn sôi réo sùng sục. Từ chuyện nổ mìn bắt cá ở dưới suối đến việc đem quần áo lót, thậm chí mang cả ảnh các diễn viên như Ái Vân, Thanh Loan…để đổi cho dân lấy lon gạo, quả bí, họ cũng sẵn sàng.
Vượt lên những khó khăn, thiếu đói triền miên đó, tiểu thuyết “Rừng đói” là bản anh hùng ca, phản ánh đầy đủ và sâu sắc tình thương yêu đồng chí, đồng đội của những người lính ở chiến trường B3. Câu chuyện về hai người lính là Sỹ và Dương đi săn được con Mang đem về nấu cháo cho một đồng đội đang đói lả, thật cảm động. Tuy nhiên, chiến sỹ Khoái đã ra đi vĩnh viễn, dù nồi cháo thịt đã chín. Sự hy sinh của đồng đội khiến “Cả tiểu đội òa khóc. Sỹ gọi toáng lên Khoái ơi, tao bắn được con mang tưởng là mày được miếng thịt rồi hãy chết… thế mà giời chẳng thương mày” (trang 85). Đây là những chi tiết chân thực, xúc động nhất được thể hiện trong “Rừng đói”, khiến người đọc khó cầm được nước mắt. 
Với bút pháp trào lộng vốn có của tác giả, người đọc không thể nhịn cười trước những pha đối đáp cù nhầy của những người lính SV này. Ở trang 92, tác giả thuật lại chuyện đi “ăn trộm” sắn về cho đơn vị, bị bắt quả tang thật là khôi hài. Người vi phạm, đã không nhận lỗi lại còn giở lý sự “cùn” rằng: “Tôi lấy sắn ăn để làm cách mạng đó chứ, có mang về quê cho nhà được đâu mà xấu hổ. Mà cần gì xấu hổ ?”. Những chuyện kiểu hài hước như thế, bạn đọc có thể gặp rất nhiều trong “Rừng đói”.
Điêù đặc biệt là: Tác phẩm “Rừng đói” tuy không dày dặn (xung quanh 170 trang) nhưng được NTL phản ánh một cách chân thật như nó vốn có ngoài đời. Anh không hề hư cấu – dù là thể loại tiểu thuyết. Kết thúc tác phẩm “Rừng đói” là một bản thống kê đầy đủ, chi tiết về 31 cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn SV, có mặt trong cuốn sách. Ngoài 08 liệt sỹ ra, số còn lại trở về sau chiến tranh, tiếp tục học tập, sản xuất và công tác, xây dựng quê hương, đất nước. Tiêu biểu là Vy Hợi quê Phú Thọ – Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân; Đại tá Khuất Duy Hoan – Nguyên Phó Tư lênh Quân đoàn III. Bản thân tác giả - cây bút không chuyên Nguyễn Trọng Luân, sau ngày 30/4/1975, đã trở lại giảng đường của Trường ĐH Cơ điện Bắc Thái rồi làm GĐ một cơ sở của ngành Thép ở Hà Nội. (hiện đã nghỉ hưu).
***
Gấp lại trang cuối cùng của cuốn “Rừng đói”, bỗng thấy tâm trạng mông lung, trăn trở. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ và rừng không còn “đói” nữa. Đất nước đã trở lại thanh bình và cuộc sống đang thay da đổi thịt từng ngày. Tuy nhiên, rừng đã bị hủy hoại và đang kêu cứu, bởi lòng tham vô đáy của con người. Thảm họa xảy ra do lũ ống lũ quét ở Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La trong những ngày qua là quả báo nhãn tiền đó thôi !
Ai sẽ viết tiếp những cuốn sách về RỪNG của Thế kỷ 21 đây ???


21/10/2017

GỬI PHƯƠNG TRỜI BẮC


Chả nhẽ ta lỡ với nhau nhiều thế
Khèn môi bếp lửa rượu lên hơi
Chả nhẽ quên rồi nghiêng bóng em vào lửa
Mèo vạc đêm cất rượu tiếng em cười

Nho Quế rì rầm khoét đêm vào núi
Người dưới xuôi cứ gọi Mã pí Lèng
Em gái bản Pả vi cười lúm má
Mã Pì không Mã Pí đâu anh.

Chả nhẽ chỉ một lần rồi đi mãi
Rượu ngô đêm sương ai thở cả lên đèo
Đường đẹp đấy dắt cả bò về nhà ngoại
Vợ chồng mèo say khướt cả sớm mai

Những vì sao lặn xuống dưới chân đèo
Mấy người Kinh lên ngăn sông Nho quế
Ơi những mùa ngô rất xa mế chia tay bố
Mấy chục năm rồi bố kể chuyện miền nam

Chả nhẽ không thể naò trở lại cùng em
Mí mắt ướt sương quán phở Tráng Kìm
Ai đọc sử bức tường thành Cắn Tỉ
Lũ giặc Tàu đánh núi Bạc Yên Minh

Giận cái tuổi già trì chuỗn bấp bênh
Mà cứ nhớ cái thời đi đánh giặc
Ta gọi. em ơi mình về phương bắc
Để nhìn triền Tam giác mạch rưng rưng

Chả nhẽ chỉ đến rồi đi sao ơi Mèo vạc Yên Minh
Đất tổ quốc đá cũng mềm trong máu
Ta ước một lần trở lại
Đứng dưới cờ Lũng Cú ngắm về xuôi
21/10/2017

THƠ CỦA CON GỬI MẸ NGÀY 20 THÁNG 10


Mẹ nằm trên cánh đồng ngô
Mấy mươi năm mấy lần về với quê
Cái cò lặn lội dưới khuya
Bây giờ vẫn lội quanh mồ mẹ tôi

Ơi à , ơi những à ơi
Áo nâu quần đụp là nơi tôi về
Cây rơm ấm ở đầu hè
Cái quang đòn gánh nép về ngày xưa

Ngày xưa ơi nắng lại mưa
Mùi bùn vương mảnh chiếu thưa con nằm
Mẹ chưa chợp mắt tháng năm
Mẹ không kịp tắm đêm nằm rạ rơm

Tháng mười nhóm bếp ăn cơm
Vét nồi mẹ giục chúng con học bài
Tháng mười ơi tháng của ai
Bàn chân nứt nẻ sương mai đến trường

Hoa nào dâng để nên hương
Tháng mười mồ mẹ sương buông lạnh lùng
À ơi…
Con cò con vạc con nông
Ba con ấy mới thương lòng mẹ thôi
À ơi… 

20/10/2017

Sunday, October 8, 2017

ỚT




 
Lúc mẹ còn sống, một lần con đưa vợ từ Hà nội về, mẹ kể vui với con dâu trong bữa ăn
- “ Nó hay ăn ớt ăn cà nuối là tại bố mẹ đấy con ạ.
Mẹ kể:
Ngày xưa nó biết xúc cơm lấy ăn là nó đã thích ăn cà pháo. Bố không cho nó ăn, nó cứ ăn. Bố bảo lấy ớt dằm ra bôi vào cà. Bôi ớt vào mà nó vẫn ăn được. Thế là từ đó nó thích ăn luôn cả ớt.

Vậy là mình biết vì sao mình ăn ớt.
Năm 1969 đi đại học. Chả có tiền mang theo đâu nhưng mình vẫn có ớt chỉ thiên ở quê ăn dần. Tháng 12 năm 1969 bố gửi thằng LỢi cùng làng cùng khoa Cơ khí cho mình 2 đấu ớt hái ở vườn nhà. Mùa đông, mượn cái chảo nhà bếp mang ra đồi đốt lửa sấy ớt cho khô để ăn dần. Ớt tươi nướng trên chảo thơm lừng, mình hắt hơi sù sụ. Mùi ớt thơm bay khắp cánh rừng bạch đàn sơ tán của khoa mình trên Thái Nguyên.

Ớt với mình không có khái niệm cay. Chỉ có khái niệm nhớ. Cái năm nghe bài thơ của anh Nguyễn Khoa Điềm nói “ biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi” mình giận anh Điềm. Mình ăn ớt không phải để đánh lừa lưỡi mình. Lưỡi mình thèm ớt , không có ớt là nó biết nó vô duyên nó cần ớt. Chả phải đánh lừa ai cả. ớt là bạn của sự lam lũ . Ớt hiện thân của trần trụi sự đời. Ớt mà không cay, ớt chỉ làm đẹp trên mâm thức ăn là sự xúc phạm đến ớt.
Vác súng vào Tây Nguyên thấy ớt nằm trên nương, trên vạt rừng nơi đồng bào đóng khố xanh lét thơm như mùi quê. Chả biết có phải do sốt rét thèm ớt hay là nhớ quê mà thằng lính nào cũng thèm ăn ớt . NGâm ớt với muối bằng cái ống lồ ô cắm trên mặt đất. Mưa, nắng gió sương ớt vẫn thơm. Hình như tinh chất của nó có sức đề kháng đến ngạc nhiên. Ớt ngâm muối chả bao giờ có bọ có váng. Lại nhớ ở quê ớt giã ra với bồ hóng làm chất sát trùng khi bị đỉa cắn…
Tôi có hai thằng bạn lính tên Hoan Khuất và Dinh Ngọc đến giờ vẫn sống với nhau ở Hà nội. Ngày xưa chúng nó đi đâu về thế nào cũng có quà cho tôi đó là vài quả ớt xanh của đồng bào. Kiếm vài quả ớt đồng bào đâu có dễ. Chết như chơi. Liều mạng ra nương rất dễ gặp pháo kích và biệt kích thám báo. Nửa thế kỉ qua rồi ngồi nhậu ở đâu chúng nó cũng ưu tiên gọi thêm ớt cho mình. Lần nào cũng thế cắn quả ớt mà thấy nước mắt cay cay khóe mắt. Ớt không cay chỉ có nước mắt là cay.
Bố mất đã từ lâu. Kể từ ngày bố mất hàng tháng chả còn có quà bố gửi từ quê về Hà nội cho mình là gói ớt chỉ thiên nữa. Bố mất con mồ côi quà. Kể từ ngày mồ côi quà của bố, vợ mình mới hay ra chợ tìm mua ớt chỉ thiên. Hà Nội ót ít chỉ thiên lắm. Toàn là chỉ ngang. Vợ bảo thế. Già khú rồi uống chến rượu không có quả ớt phí rượu. Cuối thu vào đông mấy thằng lính già ngồi với nhau trái ớt Hà nội cứ như từ Tây Nguyên mang về vậy. Anh Trung Trung Đỉnh có lần cho mấy quả cà đắng mang ra quán bia Thu Hằng nhâm nhi trào nước mắt. 
Một hôm ngồi xem TIVI cái chương trình gì có “ hót gơn” Lại Văn Sâm. Anh ta hỏi trước khi đi chơi với người yêu nên ăn cái gì có hiệu quả nhất cho nụ hôn. Đáp án
1. Sô cô la
2. Quả nho
3. Quả ớt.
Chả có đứa mẹ nào nói đúng. Mình thì đoán đúng ngay là QUẢ ỚT.
Bố khỉ!

7/10/2017

Cuối Thu




 
Người ơi mang lấy mùa thu
Mang đi lảng bảng sương mù về xa
Tháng mười gần tháng mười qua
Những heo may lại những hoa cuối mùa

Chiều ơi chiều cả biên khu
Chút thôi cũng cả ngày xưa người về
Nào là vàng nắng hoa mua
Nào là rơm rạ khói lùa sang sông

Nào là rượu cất đêm đông
Hoa tam giác mạch ngủ trong thẹn thùng
Mùa thu cạn chén môi nồng
Đêm quê sông cũng lạnh lùng heo may

Người đi với chuyến đò đầy
Đóng thuyền đò dọc, chút này đò ngang
Có con đò chở miền sương
Người đi mang cả võ vàng mùa thu
9/10/2017

Thursday, October 5, 2017

Chiều đông




Em xa thế còn mùa đông gần thế
Gió bấc cứ cào xé ở sau lưng
Con bến vắng lạnh bờ dong giềng đỏ
Thắp ngọn nến buồn bãi lở chiều đông

Ta cứ ngược triền đê nứt nở
Những heo may bạc cả cánh đồng
Bỏ lại sau lưng trang thơ viết dở
Ta đi về tìm búp lửa bên sông
24/9/2017

Cà phê mùa thu




 
Lời thu rỏ từng giọt
Người ngồi nghe một mình
Tiếng mùa thu dễ vỡ
Áo mùa thu rịn thơm

Khói thuốc từ dĩ vãng 
Bay qua ngõ vắng anh
Thu cứ rơi tí tách
mùa thu buồn cũng xinh

Chai không mắt lạnh lẽo
Chén không môi giận hờn
Li cà phê có tuổi
Có vui buồn nhân gian

Trong thu mưa có nhạc
Trong thu mùa có trái 
Thu hoa râm ở lại
va vào lá vàng rơi
24/9/2017

BẠN CŨ




Ngày ấy tôi đi chân đất đến trường. Lần đầu tiên thấy bạn bè nhìn tôi ngờ vực cũng tức. Rồi sau biết họ nhìn mình đi chân đất lại càng tức. Vào lớp 8 ( lớp 10 bây giừ) con gái đã phổng phao còn mình vẫn cóc cáy. Xóm trọ của chúng tôi đầy những bộ đội Trung quốc sang làm đường sắt và trực chiến tàu bay Mỹ. Có một nhóm 3 thằng xã Cường Thịnh nói tiếng Trung nhoay nhoách với người Trung quốc đâm nể. Trong số đó có một bạn tên Tùng. Nghe nói bố nó làm trong ban chỉ huy công trường 130 lại càng nể. Học với nhau chừng ba tháng thấy anh em tôi học cũng được mọi người bớt cười cợt chuyện chân đất chân chim. Chúng tôi ngày ngày đi về qua một cánh rừng đầy măng và đôi khi gặp cả những đàn hươu nhở nhơ gặm cỏ. Tùng trắng và nói nhẹ nhàng. Đặc biệt là không bao giờ nói tục. Nó đá bóng rất giỏi và biết đánh bóng bàn. 
Đã nhiều lần, chủ nhật anh em tôi không về nhà mà đi theo Tùng lên Cường Thịnh, nơi ấy họ đang xây dựng sân bay Yên bái. Chúng tôi đi vào rừng lấy rễ ăn trầu về bán . Mỗi chủ nhật cũng được 8 hào đến một đồng. Nhờ thế mà biết nhà Tùng. Bố mẹ nó rất thương chúng tôi vì đã phải đi rừng kiếm tiền ăn học. Trong món quà ông bà cho tôi có viên pha ra làm nước chấm . Tôi chỉ nhớ cái hộp đó đề chữ KoSky . và cứ gọi là viên cốt ki. Hồi ấy có cô bạn Tên HP học giỏi văn rất thích Tùng. Tùng bẽn lẽn sợ, cứ nhìn nhau là Tùng lắp bắp. Càng thế chúng tôi càng trêu già. Tùng cáu. 
Đầu năm 1968 khi sân bay hoàn thành bố mẹ Tùng về hà nội nhưng Tùng vẫn học nốt lớp 10 ở YB để đi đại học. NHững lá thư có địa chỉ B2 F39 khu TT kim Liên mà bọn tôi được xem của bố mẹ Tùng làm tôi nhớ mãi. Nhớ vì một cái tên lạ lẫm Hà nội mà chưa bao giờ mình được tới. Mùa hè năm 1969 chia táy nhau . Tôi nhận thư Tùng là đã nhập ngũ và huán luyện ở Ninh Bình rồi đi B. Hóa ra bạn có giấy báo đại học SP HN cùng với giấy báo nhập ngũ. Chúng tôi xa nhau từ đấy. Tôi viết thư cho Tùng qua địa chỉ anh Thanh là anh cả của Tùng làm ở nhà máy gỗ Cầu Đuống. Năm 1972 trên đường đi B hành quân qua Cầu Đuống tôi chạy vào cửa bảo về hỏi anh Thanh. Tôi chào anh và lên đường. Anh cho một bao thuốc Tam Đảo . 
Nửa thế kỉ trôi qua , vùn vụt những mưu sinh vật vã. Một ngày tôi đọc trên phây búc người bạn Vị Xuyên thấy nhắc cái tên Cường và B2 F39 Kim Liên tôi nhớ đến Tùng. THê là chỉ sau một ngày tôi nhận ra Cường là em bạn tôi. Tôi biết được Tùng đã nghỉ hưu từ năm 2005 sau khi dậy học ở TP HCM. Suốt đêm qua bao nhiêu hình ảnh từ hơn nửa thế kỉ trước hiện về. Tùng từng giúp đỡ anh em tôi lúc khốn khó. Bạn tôi giờ ở tận Nhà Bè TP HCM . Tôi mong ngày hội trường 3A cuối năm nay chúng tôi lại trở về YB nơi mà hơn nửa thế kỉ trước chúng tôi đã sống bên nhau.

( Tùng đứng bìa trái hàng trên cùng)

26/9/2017

BÀ CÚN VỀ QUÊ.


Năm trước ông Cu đi tìm mộ đồng đội tận CPC gặp được bà Cún ở “Sè gòn” thì năm sau bà Cún từ “Sè gòn” về quê.
Cữ này giăng sáng lắm. Gần đến rằm trung thu vườn đồi nhà ai cũng thơm thơm. Con đường làng chỉ những mùi nước đái trâu, mùi phân trâu cũng bỗng trở nên dễ ngửi.
Hồng và bưởi ngoài chợ thì ê hề thế mà bưởi và hồng trong vườn nhà Cu vẫn chưa chín. Quả hồng treo như cái bánh sắn vụ đói cứng ngăng ngắc và trái bưởi thì đợi mãi chả thấy rám má. Cu ra vườn rồi trở vào lẩm bẩm. Mẹ kiếp ngày xưa với ngày nay thế chó nào mà nó lại khác nhau? Bố ai chịu được.
Cún về làng, nhà Cún chả còn ai ở làng. Người nhà Cún ra tỉnh hết rồi. Cún sang nhà Cu ăn cơm, Cún ngủ ở nhà Cu một tối, mai Cún xuôi về Thủ đô.

***
Tháng tám trời trong. Cún nhớ là một bài học ngày xưa dậy thế. 
Cún gọi:
- Anh Cu ơi, liệu có mưa không? Giăng có sáng không? 
Cu đang kho nồi chám dưới bếp ngỏng lên:
- Chịu chả thể biết, mưa nắng bây giờ không còn là mưa nắng ngày xưa nữa. 
Thằng con trai ông Cu đang quét sân bảo:
- Cô ơi bây giờ ô nhiễm môi trường , lại còn ô nhiễm cả thể chế thì làm sao mà giống ngày cô và bố cháu hát bài chú cuội chơi giăng nữa. 
- Sư bố nhà anh. Ai bảo là thể chế ô nhiễm. Các anh ăn cho lắm vào mà rửng mỡ mà nói xấu chúng tôi , nói xấu chế độ. 
Giăng lên thật. Mặt giăng chỉ ló sau ngọn cau nhà Cu mà Cún đã kêu lên:
- Anh Cu ơi giăng kìa!
Cu bê thức ăn ra hè cười khẩy: 
- Tưởng gì, giăng thì vẫn thế có gì mới đâu Cún à. 
Cún rưng rưng.
- anh ơi mấy chục năm nay em có nhìn thấy ông giăng đâu mừ. Ôi em nhớ ngày nớ anh hát ông giẳng ông giăng ông giằng búi tóc quá anh Cu ơi.
- Thế cô nhìn thấy cái gì mỗi tối hả Cún? 
Ngoài vườn con “ nhanh nhanh” đã kêu . Tiếng kêu của nó cứ rối tít bòng bong.

*******
Ngồi ở hiên nhà ăn cơm tối nhưng Cu chỉ bật một bóng đèn soắn ruột gà loại tiết kiệm điện. Ánh sáng chỉ hơn đèn dầu ngày xưa tí chút. Cún bảo, anh ơi ngày xưa có giăng là nhà ai cũng tắt đèn để khỏi mất tiền mua dầu anh nhỉ. Ông Cu sới cơm cho bà Cún. Giục, ăn đi ăn cho nóng. CU gắp thịt chó nhựa mận cho Cún. Bà giãy lên, anh Cu ơi em không ăn được món nì. Em bị tiểu đường.
Cu sững lại. Cún bị … gì hở Cún?
Cún nói kiểu xưa, em bị đái đường mà Cu. 
Cu giật thót người. À nhớ rồi, nhớ rồi. Cái bệnh "đái đến đâu ruồi bâu đến đấy" . Ông Cu nhớ lại ngày xưa bố mẹ kể chuyện các bà vợ quan Huyện quan Tỉnh hay bị bệnh này. Bệnh nhà giàu. Chợt Cu nhớ hôm đi lấy mộ đồng đội, vào nhà Cún trong sè gòn. Cún giàu lắm. Nhìn Cún phôm phôm pháp pháp ăn uống toàn cao lương mĩ vị . Nhà kín, đánh phát rắm thối um cả nhà , vậy nên mắc bệnh này là phải. Tự nhiên Cu bật ra nói một mình.
Bố khỉ!. Lúc ấy khóe mắt Cu có một giọt nước rị ra đọng lại. 
Cu gắp chám kho cá diếc cho Cún. Bà Cún cười :
- Anh Cu nì, chám là kho với cá diếc mới ngon hỉ ?
- Đúng quá Cún à. Cái gì cũng có đôi của nó . Âm thì dương mà dương thì âm . hì hì
Bên đồi trẻ nhà ai hát ríu ran
« … ông giăng xuống chơi với thày.
.thì thày cho mõ
Xuống chơi với chõ
thì chõ cho xôi

xuống chơi hàng nồi
hàng nồi cho vung
………………
….Đến cái đoạn :
.. xuống chơi đàn ông 
đàn ông cho vợ
xuống chơi với chợ
thì chợ cho vua 
xuống chơi với chùa 
thì chùa cho phật … 
thì bà Cún đặt cơm xuống. Bà ngước lên nhìn ông Cu cóc cáy. 
- Anh Cu ơi sao mà người ta cứ cho hết cái người ta không thể thiếu … thể anh nhỉ. Về quê em mới thấy cái chuyện này. Ở thành phố chả ai dạy con mình thế đâu anh Cu à ?

Ông CU nhìn mặt giăng mon men đến ngọn cây chám trong vườn. Tâm trí Cu sáng láng ra. Cu bảo;
- Cún không nghe không nhớ đoạn cuối của bài hát trẻ con này ư Cún ? đó ...đó chúng nó hát đến đó … đó.

Tiếng lũ trẻ nhà bên réo rắt :
« … giả phật cho chùa 
giả vua kẻ chợ…
giả vợ đàn ông ,
giả chồng con gái, 
giả trái cây cà,
giả hoa cây bưởi…
.giả lưỡi cần câu….
………
giả mõ ông thày … 
ba hồi chín cốc mà bay lên giời » 
Ông Cu bảo bà Cún :
- Con người ta yêu nhau đến nỗi không tiếc nhau cả thứ quí nhất trên đời. Nhưng không ai nỡ lại lấy đi cái quí ấy nên họ đều mang giả lại đó Cún ơi . Giả lại rồi, vui quá sướng quá, yêu quá mà bay về giời. Bay về giời lại nhìn xuống mà yêu mà thương mà nhớ cái trần gian đầy nhiễu nhương thương nhớ . Ông Cu nói như phê rượu cuốc lủi:

- Ông giăng yêu nhà quê mình là thế Cún nờ.
*****


Miếng chám bùi trong miệng bà Cún như đọng lại keo lại cả chùm nhời bài hát lũ trẻ con nhà quê ngấm màu trăng rất cũ. Bà Cún ngước lên ngọn cây ngoài vườn. Mặt trăng vàng múm mím. Ô hay, trăng ở quê không toe toét anh Cu nhể. Từ ngày xưa vẫn thế. Đến lúc này bà mới ngửi thấy mùi nhựa chám đốt thay nến của những chiếc đèn ông sao vụng về từ sân có lũ trẻ nhà bên đưa lại .
 3/10/2017

TRUNG THU TUỔI HAI MƯƠI.




Lúc còn bé, trung thu là niềm ước ao mong chờ đến mất ăn mất ngủ. Nhớ cái nắng từ lúc màu trắng rừng rực chuyển dần sang nắng vàng mầu mật, từ lúc cá chết nắng đến khi đồng làng ngoi lên loe hoe hoa súng và lũ vịt le ( sâm cầm) bay à à về đầm nước làng tôi. Cây bưởi đã lốm đốm những quả sém nâu hứng nắng phía tây và chim ngói lác đác bay trên đồng ấy là lúc trung thu tới. Chúng tôi chân đất chạy vù vù quanh gốc đa đốt những cây nến xâu bằng hạt bưởi phơi khô thơm ngầy ngậy. Chúng tôi xúm xít ở sân đình để anh phụ trách gọi đến tên giơ tay nhận quả chuối và quả hồng. Không có đèn ông sao, chúng tôi đốt đuốc đi quanh đầm nước hô to khẩu hiệu Bác Hồ muôn năm. Quê tôi hẻo lánh, quà trung thu là bố mẹ chúng tôi góp từ vườn nhà, thế mà đứa nào cũng nghĩ đó là Bác Hồ gửi quà lên từ Hà Nội. Trung thu man mác và vời vợi xa như sương đầu mùa.
Chưa kịp nhớ là mình nhớn lúc nào và chưa biết là có bạn gái nào thích mình hay không thì đã vào lính. Hai mươi tuổi tôi vào lính với toàn những thằng cũng hai mươi tuổi như tôi. Nhập ngũ sau mười ngày là trung thu. Chúng tôi súng sính áo tô châu, mũ mềm có sao năm cánh đi khắp đường thôn nơi trú quân vang tiếng trống cà rình. Trăng lên trên lũy tre. Phải nói là cái năm ấy trăng sáng thế. Các cụ bảo sau lụt trăng bao giờ cũng sáng.
Đại đôi tập trung hết ở sân kho hát múa tổ chức tết cho trẻ con nơi đóng quân. Sân khấu cắm bằng những cây tre ngoài bãi cỏ treo những cánh gà bằng võng bộ đội. Múa , hát , độc tấu và ngâm thơ. Tôi nhìn xuống từ trên sân khấu thấy vài chục trẻ con đứa có quần, đứa không có quần rạng tè he ngồi chăm chú nghe bộ đội hát. Quanh sân các ông, các bà các cô thôn nữ phe phẩy cái quạt lá cọ mắt ánh lên niềm vui.
Có nhẽ cữ đến tết trung thu, niềm vui người nhớn còn lớn hơn con trẻ bởi họ hạnh phúc vì chứng kiến cháu con mình đang hạnh phúc. 
Tôi ngó sang thấy thằng bạn Ngô Thịnh đang thì thầm gi đó với cô Tĩnh A trưởng anh nuôi. Thấy thằng Tiêu năm thứ tư khoa Cơ khí đang bần thần ngắm khuôn mặt cô A trưởng anh nuôi buồn thiu thiu. Dưới trăng tôi kịp ngắm cô lính mặc áo sơ mi trắng ngực căng như ngực chim gâu lúng liếng cười bên thằng Thịnh.
Trăng sáng quá , trăng đẹp quá. Đêm trung thu nào cũng có sương. Càng khuya càng thấy sương rơi. Sương rơi nhè nhẹ và cái lạnh cũng rất nhẹ. Lần đầu tiên trong đời, tôi đứng giữa trời đêm trung thu mà ngắm trăng và hứng sương rơi như thế.
Khuya, cuộc vui tan. Xóm làng lặng lẽ và trăng đã lên trên đầu. Những chú lính thu dọn sân khấu dưới trăng sương. Tôi nhìn thằng bạn Ngô Thịnh trường tôi, tình tang khiêng cái thang tre nặng 6 kg với cô A trưởng anh nuôi đi trả cho dân. Thằng Tiêu buồn rười rượi, gấp mấy cái ni lông rải nền sân khấu ôm đi về sau lũy tre. Lũy tre đang thiu thiu ngủ.

Vài tháng sau, chúng tôi rời vùng quê trung du này đi chiến đấu. Mấy cái trung thu trong rừng không đứa nào còn nhớ và nhận ra trung thu nữa. Gần nửa số chúng tôi có mặt đêm trung thu ngoài sân kho hát múa vỗ tay ấy không về. Đó là trung thu tuổi hai mươi của tôi. Tôi nhớ đêm trăng ấy sương rơi rất nhẹ và trăng rất mềm. Tôi lại nghĩ chả biết mấy chục thằng còn trở về như tôi có nhớ tới trung thu hơn bốn mươi năm trước ở lính không? Vì ngày mai đã lại trung thu rồi
13/9/2016

BÀ CÚN ĐI SÈ GÒN




( viết tiếp cho Mưa tháng bảy và Bà Cún về quê)
Bà cún rời quê xuống Hà nội. Bà ở thủ đô một ngày nữa rồi bà bay đi Sè Gòn. Mấy nhà buôn đồ “tre ầm” cùng ngạch với bà giữ mấy bà cũng không ở. Ở lại bà nhớ cửa hàng nhà bà với những con Canh trùi trụi cô đơn. Ở lại bà ngửi thấy mùi mùa thu Hà Nội giống mùi bà nhớ bà thương từ nảo nào tới giờ. Người già sợ nhất là dư âm. Mà dư âm của bà thì toàn là anh Cu với mùi vườn mùi ruộng. Sao mà cái khíu giác người già nó tồn tại lâu hơn thính giác thị giác nhể? Rõ là con người ta già cục bộ.
Bà lên xe ra sân bay. Con đường nắng hanh hanh mùi rơm rạ. Bà bảo chú Grab hạ cửa kính. Gió lùa vào xe có cả mạt rơm. Bà bỏ kiếng mát bà dòm ra xa. Ngay ở nách Thủ đô mà bà vẫn nhìn thấy đàn bò hiền như bò quê. Bà chợt nhớ anh Cu vẫn đi chăn bò. Hôm kia hôm kìa bà về quê thấy anh Cu mặc quần đùi đuổi bò về tay mắm một nắm sỏi cuội trắng. Bà hỏi:
- Cu làm gì mà nhặt sỏi về thế hở anh? Cu bảo, nhặt về cho Cún mang đi Sè gòn mà chơi ô ăn quan. Lúc Cu đuổi bò vào chuồng ngoái lại còn nói:
- Cún ơi, có nhớ ngày xưa mình hay nói “ hết quan hoàn dân, thu quân kéo về “ không? 
Bà Cún giật mình. Giời ôi! 
Bà quên từ lâu rồi, bà quên mất mình từng là con gái nhà quê. Bà quên nhiều thứ lắm. Bà quên cả những cái mụn đỉa cắn trên bắp chân mình mà anh Cu đã từng nhá lá cỏ đắp lên cho bà. Cái bọng chân trắng nhễ trắng nhại vẫn còn vết mờ hồng hào như hột quả hồng mùa thu. Đó đó, đó đó! bà nhớ ra rồi. Và bất giác bà nhớ bài lúc vẫn chơi " que mốt que mai. "

Bà cún cất tiếng như hát bô lê rô:
- « Que mốt que mai
Cái Chai cái hến 
Con nhện giăng tơ
Quả mơ quả táo
Cán gáo lên bàn đôi. »
Bà lau mắt rồi hát tiếp :
- « đôi tôi đôi chị
đôi cành thị đôi cành na
đôi lên ba.
Ba ta ba mày
Ba lưỡi cày
Một sang tư »
Bà Cún nức nở. Anh tài xế Grab vội hỏi, bà ơi bà có cần dừng lại không ? Không không ! anh chạy nhanh cho tôi đến sân bay…

Chuyến bay lúc gần trưa nắng cũng như mật trên đồng nhà bà ngày xưa. Bà biết, bà sẽ chả bao giờ trở về làng cũ nữa. Nơi chốn đầy những là kỉ niệm mà từ ngày bà đi lấy chồng bà đã quên lịm nó rồi. Bà nhìn qua cửa máy bay nắng vàng mùa thu mà phương nam không có. Bà nhớ mùa chim ngói, nhớ trái trám rừng những cữ mưa rào. Bà thương ơi là thương những đứa cháu bà bây giờ không có tuổi thơ như bà và ông Cu ngày xưa. Bà nhớ cửa hàng "tre ầm" của bà và những đứa cháu vùi đầu vào "ai bát" nứt mắt ra đã làm người lớn. 
Tiếng cô tiếp viên làm bà giật mình :
- Bác uống gì ạ ? 
Bà thấy rõ tiếng anh Cu tối hôm nọ ở quê.
- Cún ơi mày uống nước Vối không ? 
Bà lắc đầu với cô tiếp viên lông mi cong bôi keo nhọ nồi.
Cô tiếp viên ái ngại nhìn bà. Cô ấy cứ nghĩ bà đang khóc.

16/8 âm lịch
4/10/2017