Tuesday, May 23, 2017

CẦN LẮM “ RỪNG ĐÓI “ TRONG GIÁO TRÌNH CỦA NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM HIỆN NAY


Thân tặng tác giả và những người lính “RỪNG ĐÓI “ nói riêng và cả những người lính 30/4 nói chung nhân tháng 4 của các anh.

Võ thị ánh Tuyết

Cuốn thiểu thuyết “RỪNG ĐÓI “ đã được các nhà phê bình văn học, cũng như đọc giả, phóng viên các kênh truyền hình đón nhận vui mừng. Riêng tôi thì đọc chậm và cũng ngấm chậm. Đọc đi đọc lại nhiều lần, để mỗi khi gấp sách lại, cứ thấy nao nao một thời tuổi trẻ của mình ,một thời mà Việt Nam là nốt son đỏ sáng chói trên bản đồ thế giới, trong bản trường ca hào hùng giải phóng dân tộc, đánh thắng một đế quốc to lớn nhất. Tôi chỉ muốn nói những suy nghĩ của mình trên góc độ của người công tác trong ngành giáo dục. Tương lai thanh thiếu nhi sẽ về đâu? Câu hỏi trách nhiệm đang đặt ra cho tất cả chúng ta. Và cần lắm “RỪNG ĐÓI “ trong giáo trình của nền giáo dục Việt Nam hiện nay bởi tính nhân văn của nó, tạo ra tính cách cốt lõi con người cho thế hệ trẻ.
Tính nhân văn của “RỪNG ĐÓI “ bình dị đến từng câu chữ, từng trang sách mà tác giả của lính, ông Nguyễn Trọng Luân đã mô tả, nó thật đến nỗi các nhân vật không phải trong tiểu thuyết bước ra mà là chính họ đã làm nên từng câu văn trong đó. Và cho đến bây giờ họ vẫn còn đâu đó trên dải đất Việt Nam Ở những trang cuối cùng, học có tên có tuổi,đều trưởng thành và là trụ cột trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng. Họ thật đến từng tấm ảnh chụp chung của những lính “ RỪNG ĐÓI “ trong ngày ra sách “ RỪNG ĐÓI “ vào ngày 20/12/2016
Tác giả “RỪNG ĐÓI “ đã viết về thân phận của gần 400 lính sinh viên, một tiểu đoàn đi mót sắn để gửi về đơn vị là sư đoàn 320 đang từng ngày đói lương thực để truy kích địch. Đã có ai đi xuất ngoại như những người lính này chưa ? Thường thì đi xuất ngoại hiện nay, ước mong “ qua bển “ mong để có cuộc sống ổn định hơn, ấm no hơn và hạnh phúc hơn. Những người lính này ra đi mà chẳng hẹn ngày về, chỉ mong được trở về quê hương chiến đấu “ Chúng tôi nằm nghĩ đến ngày mai, nằm hình dung ra vùng đất mà mình sẽ đến và nổ súng. Và bao giờ cũng thế,chúng tôi lại nhớ đến mẹ. “. ( tr.165). Họ không nói những câu giáo điều về tình yêu tổ quốc, bởi nó đã có trong máu lính rồi. Họ không nói đến lý tưởng siêu phàm gì đó mà chỉ mong ước điều bình dị nhất đó là sống và chiếu đấu hy sinh cho dân tộc mình. Đây chính là sự bình dị đến vĩ đại của Lính.
Tôi đã từng gặp hàng ngàn người đi đón một diva Hàn Quốc, kẻ đến muộn không gặp được thì sụt sùi khóc. Thật là thương hại cho những thanh niên như vậy.
Người lớn thường lên án thanh thiếu nhi hư hỏng nhưng lại không xem xét đến trách nhiệm giáo dục, quản lý của mình. Mỗi ngày trên các kênh của các truyền hình cả nước, đâu đâu cũng bắt gặp những bộ phim về lịch sử, nhân vật, sự kiện của Trung Quốc, phim tình cảm gia đình Hàn Quốc.... Hệ quả là trẻ em thích chưng diện, nói năng, đi đứng theo phong cách phim ảnh nước ngoài là điều tất yếu bởi “gần mực đèn gần đèn thì sáng”. Có những thanh thiếu niên không còn phương hướng để dẫn đến thích những thần tượng riêng của mình. Thần tượng của thanh thiếu niên ngày nay làm lệch lạc nhân cách của lớp trẻ.
Điều đáng buồn là các em học sinh không biết về lịch sử nước nhà. Rõ ràng là con cháu chúng ta ,đang sống trên lưng cha mẹ, ông bà mà không biết cái quí giá của ông bà mình là đã hy sinh xương máu để giành lấy hòa bình thống nhất tổ quốc hôm nay.
Lính “ RỪNG ĐÓI “, họ là những con người còn sống, họ là Khuất Duy Hoan, Đinh Ngọc Sỹ, Nguyễn văn Lệ, Đặng Quang Trung, Hoàng Minh Dương, Vũ Quyền … mà tôi chỉ mới biết tên. Chắc rằng ngoài đời hiện hữu các anh đang là những người cha nhân hậu, là những người ông hiền từ trên võng Trường Sơn năm nào, bây giờ đong đưa ru cháu ngủ.. Những cái tên như Lương Văn Lợi, Trần Văn Lịch, Nguyễn văn Huấn, Triệu Liên Hiệp đã mãi mãi không trở về, hồn họ đã hóa thân hai chữ đồng bào trên mọi miền đất nước
Họ kiên cường. Họ trải qua bao nhiêu trận bom, cơn sốt rét rừng, rừng đói, rừng buồn, rừng khóc “ Lính chúng tôi như thấy mình đã bước vào trang sách mới. Giản đơn, ít chữ,dễ hiểu và hiểu là bây giờ chúng tôi đang tiến tới đoạn có thể sắp chết, rất dễ chết .” ( tr.11). Biết là vậy, nhưng họ luôn lạc quan “ Trong cánh rừng này,chưa bao giờ chúng tôi rên rỉ vì đói, rên rỉ vì buồn. Đói lính ta vẫn hát, buồn lính ta cũng hát mà vui lính ta lại càng hát “ ( tr.165 ).
Trong sách giáo khoa nói rất nhiều từ mỹ miều rằng làm người thì phải biết đứng trên đôi chân của mình, nhưng đứng như thế nào cho kiên định của một người chân chính, thì hãy học cách đi, cách đứng của lính ““ RỪNG ĐÓI “. “ Chỉ mấy tháng trước đây, chúng tôi không nghĩ mình sẽ vào một chiến trường như thế. Một chiến trường nhìn thấy các người đi đánh trận chỉ mặc quần đùi và áo rách, những người lính gầy sắt đến nỗi cái bao se đeo lựu đạn trễ xuống mông, cái bụng bé thóp y hệt bụng con chẫu chuộc...” ( tr73). “ Cái mùi mồ hôi ươm vào sắn khô làm cho loại ngũ cốc này bốc mùi nồng nồng đến là thương mến. Cảm thấy như mỗi miếng sắn đếu có hồn có vía khi về đến mặt trận phía trước “ ( tr.740 )
Mỗi bước chân của lính ,là tình thương yêu đồng đội đang chiến đấu hy sinh ở quê hương và cố gắng làm sao để thu về nhiếu sắn nhất cho chiến trường.
Tình yêu người lính cũng giản dị như chính con người của lính, yêu quê hương, yêu cha, mẹ, yêu bạn gái dù chưa từng được hôn “ Thằng Sỹ còn moi trong ba lô ra cho mình xem một mớ tóc con gái. Nó ngửi, nó hít hít mớ tóc buộc bằng sợi len đỏ rồi bảo, mỗi thứ tóc có một mùi riêng, đó là mùi không thể quên.Đó gọi là mùi đặc trưng. “ ( tr.21). Đọc đến đoạn này, lần nào tôi cũng bật cười vì cái mê gái trẻ trung, ngây thơvà trong veo ấy. Ngày đó, trong chiến tranh, trong trái tim của các cô gái thường ấp ủ những chàng trai ra trận của mình, nếu là người yêu thì chỉ có một, nếu là bạn cùng lớp mến thương thì rất nhiều.Tóc con gái thời xưa toàn là để dài rồi bím tóc. Nếu biết các anh lính nâng niu bím tóc và vì bím tóc mà gìn giữ mạng sống của mình, để được trở về gặp chủ nhân bím tóc, thì hẳn là con gái chúng tôi sẽ đồng loạt cắt bím tóc tặng các chàng trai trong ngày tòng quân rồi. Và còn nữa là một , hai năm sau , tóc lại dài ra, thì lại cắt tặng cho chàng tân binh khác để mong anh ấy lại trở về với gia đình sau chiến tranh. Cái tình ấy, thật chân thành và cảm động biết bao.Cái bím tóc bình thường lại là vô giá trong chiến tranh, nó linh thiêng biết nhường nào. “Cô gái ngẩng lên nói rõ gọn và dứt khoát. Anh mần em cái hôn đi anh. Tôi im lặng. Và cô hôn tôi.Lần đầu tiên biết nụ hôn con gái là được hôn một nữ đồng chí ở chiến trường, đến bây giờ tôi không nhớ mặt...” ( tr.67 ). Nụ hôn đầu đời của người lính cũng bình dị và dễ thương, nó cũng tự nhiên lên hương như hương bưởi, hương cau quê nhà vậy.
“RỪNG ĐÓI” là cuốn tiểu thuyết phi hư cấu,tác giả đã đi đến tận cùng bản ngã của từng thân phận con người của lính sinh viên , lúc thì lạc quan cười ra nước mắt “ Chế tạo quang treo vú đàn bà ( tr.158 ) “ để đổi lấy gà nấu cháo cho đồng đội “ thằng Huấn nhìn đứa bạn mắt lõm sâu vào xương sọ và ngửi mùi võng hôi như ổ chuột vì mồ hôi sốt rét “( tr.155 ). Khi thì tinh nghịch thông minh “Tôi không ăn quần lót mà tôi ăn sắn và ăn rau bằng cách đổi quần lót cho dân bản đấy ạ. “” ( tr.108 ).
Khi thì xót xa mong mỏi “Chỉ hai tuần nữa là về được đến đất mình rồi. Bên nhà sắp đánh lớn thì phải, về mau để ra phía trước, cho bõ những ngày vừa đói , vừa mang tiếng lính mót sắn phía sau...” (tr.115)
Khi thì buồn đau vì đồng đội hy sinh “ Thằng Khoái chết....Thằng Sỹ nằm trên võng. Võng của nó không căng tăng, có con ve rừng đái lên mặt Sỹ. Nó nằm nguyên, giọt nước đái con ve sầu xây xẩm buồn trên má nó...” (tr.86)
Khi thì nhớ mẹ nhớ cha đến thắt lòng “Tôi nằm trên võng nghe hai thằng nói chuyện với nhau mà nhớ cha mẹ mình quá. Tháng này ngoài Bắc cũng đang đói giáp hạt...” ( tr.79 )
Những người lính sinh viên này , họ mang trong lòng trách nhiệm với non sông, họ gánh trên vai một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, họ đi vào cái chết nhẹ tênh. Nhưng trước hết họ là sinh viên, rời khỏi giảng đường của trường đại hoc, cầm súng ra chiến trường. Họ mang đầy đủ phẩm chất tốt đẹp thông minh của người sinh viên và dũng cảm của người lính. Lịch sử sẽ chẳng bao giờ có được một thế hệ sinh viên tinh hoa ra trận nữa, họ đã sống và chiến đấu , hy sinh cho tổ quốc Viêt Nam trường tồn.
“ RỪNG ĐÓI “ là một cuốn tiểu thuyết kể về chiến tranh mà không nói đến giết nhau nhưng vẫn thấy chiến tranh ở trên đầu lính, thấy cái ác liệt giữa cái sống và cái chết. Nó lạc quan yêu cuộc sống đến vô cùng của nhũng anh lính trẻ và đậm đặc mang tính vui nhộn dí dỏm hài hước, thông minh, tri thức của sinh viên.
Cái hay của “ RỪNG ĐÓI “ là nó nói lên cái hào hùng của cả một dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, nó lan tỏa cái dũng mãnh của người thanh niên trong tất cả các cuôc xung trận, dù là trận chiến hay trên bất cứ trận đánh nào. Đã đi là đến , vượt mọi khó khăn gian khổ chông gai và đã đánh là thắng. Cái ý chí của một thế hệ thanh niên ra trận nó chắc nịch mà bay bổng, bay cao trên trời, mà vén mây nhìn xuống đầu quân thù và chẳng có kẻ thù nào mà không khiếp nhược.
“RỪNG ĐÓI “ chỉ là một lát cắt trong cả khối sù sì to lớn của chiến tranh. Nó không phải là một sự thể hay biến cố vĩ đại trong cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc ta. Nó là sự sống trong cuộc chiến trần trụi thực tế mà tác giả chỉ khéo kể lại khái quát ,để người lính nào cũng thấy mình trong đó. Đã có vô vàn tác phẩm viết về chiến tranh của bao nhiêu tác giả nổi tiếng nhưng lại rất xa lạ với người lính. Đây là sự thành công lớn nhất mà người đọc , dù là lính hay chúng tôi, không phải là lính, nhận thấy rõ nhất..
“ RỪNG ĐÓI “ đi vào lòng người bởi nó chân thật và bình dị, những ai đã sống qua thời chiến tranh, hẳn sẽ thấy bóng dáng của mình, của người yêu mình và tự hào về một thời đại lịch sử mà mình đã sống. Đọc “ RỪNG ĐÓI “ chúng ta thấy thân thương những người dân Việt, họ đâu đó ta gặp trên đường, bước qua nhau mà không chào, họ không quen, nhưng bình dị và biết đâu họ là những anh hùng như những người lính “ Rừng đói “ , bởi giống như các anh Khuất Duy Hoan, Đinh Ngọc Sỹ, Nguyễn văn Lệ, Đặng Quang Trung, Hoàng Minh Dương, Vũ Quyền, sẽ chẳng bao giờ nói về mình, nếu tác giả không kể tên trong “ RỪNG ĐÓI “ và còn đến gần 400 lính sinh viên không được tác giả nhắc đến. Cảm ơn các anh , những người lính cụ Hồ đã đổ máu xương viết nên trang lịch sử sáng chói của Việt Nam.

Chúng ta trân trọng các anh vì các anh là nhân chứng lịch sử , sự trân trọng đó bao gồm cả tình thương yêu, kính trọng và ngưỡng mộ. Cuộc đời các anh là những bài học lớn cho thế hệ hôm nay và cho thế hê con cháu mai sau. Và chính vì vậy mà để tạo ra nhân cách thanh thiếu niên mang hồn Việt và bảo vệ tổ quốc khi biển đông luôn có sóng dữ , thì cần lắm “ RỪNG ĐÓI “ có trong giáo trình của nền giáo dục nước nhà hiện nay, để chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc rằng đã không dạy con cháu mình, và luôn tự hào về thế hệ mai sau, lớp kế thừa truyền thống giữ gìn bờ cõi giang sơn, tổ quốc, biết sống có nhân cách và yêu thương tổ tiên, ông cha mình.Đây chính là gốc rễ vững chắc của hiền tài, nguyên khí một quốc gia thịnh vượng.
2/4/2017

No comments:

Post a Comment