Monday, November 30, 2015

Chiều đông

Em xa thế còn mùa đông gần thế
Gió bấc cứ cào xé ở sau lưng
Con bến vắng lạnh bờ dong giềng đỏ
Thắp ngọn nến buồn bãi lở chiều đông

Ta cứ ngược triền đê nứt nở
Những heo may bạc cả cánh đồng
Bỏ lại sau lưng trang thơ viết dở
Ta đi về tìm búp lửa bên sông

1/12/2015


Sunday, November 29, 2015

GỬI NỤ CƯỜI CHO ANH


"Em có khóc đâu
Là nụ cười tan ra đấy chứ"…st.

Thôi gửi lại nơi anh hoa với lá
Hoa chừng tươi và lá vẫn đang xanh
Rơi rơi những nụ cười nhân thế
Lên mắt nhau giọt ấm vai mình

Thôi gửi lại đêm nao màu của gió
Lùa mơn man tình thiên hạ sang nhau
Bao nhiêu ngọt anh em và anh nếm đủ 
Trước cuộc tình hoa cứ thấy mong manh


Em gửi lại với anh hoa lã tã 
Gió cũng rời đi nước mắt cũng xa rồi
Đừng thương hại vì em đâu có khóc
Chỉ nụ cười tan thành nước đấy thôi

30/11/2015

Sunday, November 15, 2015

LUẬN – nghĩ về chuyện người ta bỏ môn Lịch Sử

LUẬN – nghĩ về chuyện người ta bỏ môn Lịch Sử ( nói cho hay là : Tích hợp môn học này với các môn khác…)

Lịch sử là dân tộc. Lịch sử là niềm tự hào chính của dân tộc đó cho dù lúc thịnh lúc suy. 

Bỏ lịch sử tức là chối từ dân tộc, tức là đã tự nhổ vào mặt mình khi thấy mặt người khác đẹp hơn mặt mình. Lịch sử không phải là luân lí cho hiện tại mà nó trường tồn cho muôn đời. Lịch sử là môn học là khoa học nhưng cũng là phẩm chất chính trị cho con dân. Khước từ nó dù bằng cách hạ thấp nó là nguỵ biện cho đạo đức của kẻ có quyền làm giáo dục  hiện nay.
Thế hệ chúng tôi cầm súng đi chiến đấu với kẻ thù xâm lược, luôn tự hào về lịch sử dân tộc mình. Chúng tôi vượt qua khó khăn chết chóc vì chúng tôi những người lính ngày ấy rất yêu lịch sử Việt Nam chúng tôi.
Đã thấy những cái bất cập nhỡn tiền về cải cách giáo dục. Nay lại thấy một sự cải cách để xem nhẹ tổ tiên ông bà. Đó là tội.
Cái tội ấy cần phải cho đọc và hiểu câu nói của cha ông xưa. “ Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”

15/11/2015
Nguyễn Trọng Luân

Trích trong RỪNG ĐÓI- 5


5
Đã ba hôm nay, ăn tiêu chuẩn ba lạng gạo một ngày, mặt lính vàng ươn. Hôm qua đến chỗ trú quân. Vừa hạ ba lô xuống, đợi A trưởng đi hội ý về, mấy thằng đã nhòm ngó xung quanh tìm lá tìm rau. Chỗ trú quân đầy những cây bứa rừng, búp non bẻ ròn câng, tứa nhựa vàng thơm thơm. Thằng Chung địa chất nhóm lửa, đun gô lá bứa rồi nhón một nhúm ruốc khô to như hạt bưởi, thả vào húp xì xụp. Nó bảo, tỉnh người chúng mày ạ. Bếp đại đội gần suối, cách xa trung đội tôi đến hai trăm mét. Đã sắp vào mùa mưa nên đại trưởng bảo, ở xa địch lại mưa nên không đào hầm mà làm nhà mắc võng kiểu văng chuồng trâu. Cái nền nhà chuồng trâu đào thấp xuống chừng 30 phân giống cái hố phân trâu ở quê. Mỗi A hai cái nhà lợp bằng tăng buộc liền vào nhau. Hay thật. Võng này kề sít võng kia, đêm nằm nghe lá khô bay xuống đậu lên mái tăng thật là nhẹ. Thằng Lương Lợi người Hà Tây bảo, Trần Đăng Khoa không đi Trường Sơn mà nó cũng nghe thấy tiếng lá khô rơi chúng mày nhỉ. Trong đêm cả lũ cười trong khi bụng sôi èo èo. Lá khô thì ở đâu chả có, cứ gì phải Trường Sơn. Thế là chuyện về Trần Đăng Khoa ồn lên. Thằng thì thích con vàng của Khoa, thằng thì thích cua ngoi lên bờ, tôi thì thích nhất nước nóng chết cả cá cờ. Giá bây giờ có món cá cờ chết nắng của Khoa mà kho lá bứa nhỉ. Tôi nuốt nước bọt đánh ực.
Cán bộ dẫn bốn đại đội sinh viên đến một cánh rừng. Cứ nghĩ là sẽ thấy đồi sắn . Nhưng không hề thấy, chỉ thấy rừng đầy những cây màng tang và dâu đất cao đến nóc nhà. Đại trưởng Đường chỉ vào rừng rậm:
- Đấy nhé, sắn ở dưới tán rừng ấy, phải vạch cây ra mà tìm gốc sắn mà đào lên. Định mức khoán có rồi, cứ thế mà làm. Bộ đội ở bên nhà đang chờ sắn của của chúng ta từng ngày từng giờ. Các ông rõ chửa ?
- Rõ!
Hô to vậy thôi nhưng thằng nào cũng hoang mang. Sắn đâu mà đào cho đủ 25 kí một ngày, thái lát ra phơi khô. Hoang mang thật. Ai cũng hoang mang. Lần đầu tiên nhận mệnh lệnh mà hoang mang thế này thì đánh đấm sẽ ra sao? Nhưng chỉ ngày đầu tiên lớ ngớ trong rừng. Trưa hôm ấy thằng nào cũng tìm ra vô vàn là sắn. Những nương sắn bỏ hoang từ vài năm trước cây dại mọc lẫn vào chùm kín sắn. Chúng tôi chặt cây dại đi lộ ra những thân cây sắn to như cổ tay cổ chân. Hai ba thằng bu vào lay gốc sắn rồi dùng sẻng đào lên những củ sắn to như đầu gối, củ nào cũng có lõi. Đất ở đây đỏ ối, sắn tốt là phải. Chả biết những đơn vị trồng sắn này rồi họ đi đâu. Nghe cán bộ kể, những đơn vị đi B2 vào tận đồng bằng Cửu Long qua đây đều phải trồng sắn rồi đi tiếp. Năm này trồng , năm sau người khác lại trồng. Con đường giao liên cứ khoác tấm áo rừng sắn, chạy dài từ Quảng Bình tới đất Căm Pu Chia . Tôi ôm đống sắn, củ bê bết đất đỏ vào gốc cây sồi gai ngồi gọt. Dao găm bộ đội lưỡi dầy quá khiến gọt sắn mà như đẽo củ sắn. Đào , nhổ hì hục cả buổi sáng, gọt hết cả buổi trưa. Ngồi thở, ngồi thèm cơm. Bữa sáng lạng rưỡi gạo cơm bám vào sắn chưa kín, ăn rõ đầy bụng mà chỉ tiếng sau là đói. Mắt hoa lên chân tay ngúng ngoắng. Thằng Tứ cùng khoa Cơ Khí ngồi trong bụi chuối rừng khoét gốc chuối non ăn. Nó gọi:
- Luân ơi, ăn củ chuối đỡ khát nước lắm. Mà nó lại có chất ngọt. Tỉnh người. Nói rồi nó lẳng cho tôi một khúc nõn chuối. Ngọt thật nhưng chỉ một lúc sau thấy sôi bụng. Thằng Tứ lại gọi:
- Mày ơi, bụng sôi thế mà không đánh rắm được, khó chịu quá.
Cả lũ đang gọt sắn cười phá lên. Thằng Tứ nằm ra đất nhìn lên trời. Nó hát “ róc rách, róc rách ,nước luồn qua khóm trúc . Lá rơi lá rơi…”

***
Ngày thứ hai sắn vẫn nhiều.
Ngày thứ ba lại thấy nhiều sắn hơn.
Mươi ngày sau quân lính không còn ra hồn người nữa. Thằng nào cũng đi gù gù. Mắt lấm lét tìm thứ ăn được trong rừng. Mắt thằng nào cũng trắng dã. Những ngày đầu hăm hở đào thật nhiều củ, rồi gọt, rồi thái lát. Lúc đầu chặt lá chuối phát rừng, rải lá ra làm nong phơi. Sau thì chả còn lá làm bãi đất phẳng, rắc sắn ra đất. Hai hôm sau, thu sắn khô cho vào bao tải, những lát sắn màu hồng như những mảnh nồi đất nung dở đập ra. 
Trưa nắng, nằm trong gốc cây sồi gai cổ thụ nhìn ra rừng, thấy thằng Tuấn ở trường Trung cấp Giấy Hoàng Văn Thụ ngồi nhẫn nại lật từng miếng sắn trên đất. Nó cứ ngồi thế cả vài tiếng đồng hồ. Gọi, Tuấn ơi ngồi phơi nắng thế cho ốm à? Nó bảo thế này cho sắn chóng khô. 
Có tiếng máy bay L19 kêu ke ke trên giời. Thằng Tuấn bẻ vội cành lá che lên đầu, rồi lại ngồi gù gù cắm mặt xuống bãi phơi sắn. Lát sau có cái A37 từ đâu đến, nó bay vụt qua một lúc nghe bom nổ đánh oành cái rồi cút. Tiếng nổ nghe xa, cán bộ bảo nó chặn đánh ngoài ngầm đường xuống Ô Gia Tào.
Mấy thằng nằm ngổn ngang quanh gốc cây sồi. Lặng nhìn những con kiến to như con mối đang kéo hạt sồi bị bộ đội dẫm vỡ. Một thằng reo lên:
- Hạt dẻ , nướng thôi chúng mày ơi. 
Cả lũ nhỏm dậy. Ừ nhỉ ! những chùm gai trông như bông hoa mẫu đơn, đầy những hạt dẻ to như quả xoan. Thằng Hoan đốt ngay đống lửa, quẳng vào đấy những chùm quả khô. Chỉ một lát sau hạt dẻ nướng thơm phức. Ôi giá mà mỗi hạt dẻ to như quả trứng vịt nhỉ? Chúng nó lẩm bẩm rồi lại nằm vật ra nhìn những đám mây trắng sắp vào mùa mưa nặng bì bì trôi lừ đừ trên trời. Đúng lúc ấy, ông Chính trị viên đại đội tay ôm một bó búp sắn đi tới. Ông quát rõ to:
- Nằm ườn cả ra đấy à? Các anh không nhìn đồng chí Tuấn mà noi gương kia kìa. Ở phía trước bộ đội từng ngày từng giờ chờ sắn của chúng ta, mà ở đây đã không phải đánh chác nhở nhơ, lại còn kêu đói kêu ốm. 
Cả A ngồi bật dậy. Giữa trưa nắng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chính trị viên mặt tái ngoét ôm mớ rau sắn héo quắt vào bụng, nhìn lần lượt từng người. Chả hiểu mồ hôi ông ấy chẩy trên trán xuống mắt hay là ông ấy nói xúc động quá lên nên nước mắt chảy ra. Chúng tôi thằng nào thằng nấy lại chui lên rừng, hì hụi moi sắn từ những bãi cây rậm rì. Đêm hôm ấy, Bê trưởng đi hội ý về gọi A tôi ra họp. Anh thì thầm, chúng mày bị chính trị viên ghi tên trong sổ của ông ấy rồi. Có nhẽ dễ bị xuống binh nhì lắm đấy. Thằng Quyết hỏi, liệu có bị khai trừ đoàn không? Bê trưởng thở dài. Tao không biết. Nhưng ông ấy bảo, may là chúng mày không phải là đảng viên đấy, nếu không thì đã làm hỏng cả chi bộ. Sao đêm nay buồn thế. Có con chim kêu vít vít vít như con chim vịt quê mình ngoài Bắc não nề.


6

Tuesday, November 10, 2015

THẦY ĐẤU


Bây giờ thầy đã nghỉ hưu. Ngôi nhà của thầy cũng xây ba tầng nhưng thanh thoát bên bờ sông Thao. Thầy không đi dậy thêm, nhưng nhiều học trò vẫn tới nhà nhờ vả thầy mỗi kì thi đại học. Thù lao cũng thật đơn giản, cân chè, ống gạo nếp, vài cân đỗ lạc, hoặc nải chuối tiêu mang từ trong xóm.


Tôi là học trò của thầy từ cuối những năm 60. Nhưng tôi hay gọi thầy bằng chú vì thầy là chú họ của tôi. Nhưng có lẽ thầy coi tôi là bạn nhiều hơn bởi tôi là đồng đội của thầy. Viết lại những chuyện về thầy thật khó, bởi trong tôi thầy là người thầy kính trọng, người chú thân tình và lại là người đồng đội vào sống ra chết cùng nhau.

Mùa hè 1972
Năm ấy oi ả khác thường. Nước sông Hồng lên ù ù. Trời đầy những mây đùng đục vần vũ ngày đêm. Trống hộ đê, trống báo động tàu bay nghe cứ rối cả ruột. Chạy ra đắp đê, lại chạy vào xóm chui xuống hầm trú ẩn, ngày có tới vài chục lượt. Người bã ra như tàu chuối gặp lửa. Làng xóm cứ như cái chảo sao chè hầm hập nóng, mà cái nóng không chịu nguội dần, nó hâm hấp như nồi cám sôi. Đấy là những ngày chú Đấu và tôi cùng nhập ngũ.
Tôi đang là sinh viên năm thứ ba, còn chú là hiệu phó trường cấp ba huyện nhà. Chiến tranh thật lạ, nó đưa trai tráng, nông dân, công nhân, nhà khoa học, thầy giáo ... về trong một đội hình không phân biệt sang hèn, nhiều chữ hay ít chữ, bằng nhau tuốt tuột và cùng cầm lấy súng.
Ở quê tôi, nhiều thầy giáo nhập ngũ ngày ấy lắm. Tôi nhớ Thầy Lê Hoả - Hiệu phó cấp ba Hạ hoà, Thầy Hoài Thuỷ dạy văn trường cấp 3 Trần Phú, thầy Nguyễn Đức Vận, thầy Rồng, thầy Kế, cả thầy Hưng, con trai của vị lãnh đạo sở. Thầy Triệu Đấu năm ấy đã 32 tuổi. Cùng đơn vị, là những học trò của các thầy. Tập luyện, mang vác, mọi sinh hoạt thầy trò đều gắn bó san sẻ. Thầy trò chia nhau sợi rau, điếu thuốc. Mặt trận cần gấp quân chiến đấu, chúng tôi không hề có ngày nghỉ phép mà đi thẳng vào chiến trường . Những tháng ngày đó, lũ học trò chúng tôi đâu hiểu đựơc bụng dạ tâm tư của những người lớn tuổi. Những người có cả một đội tàu há mồm mong ngóng nơi quê nhà . Các thầy trầm tư, các thầy hí hoáy viết lách, trò chuyện với nhau, bọn tôi nghe câu được câu chăng . Nhưng đứa nào cũng thương các thầy giáo của mình . Trong ba lô căng phồng ngày xuất quân , thầy nào cũng có những quyển sách giáo khoa môn mình dậy . Hồi đó tôi không hiểu tại sao lại thế . Để hiểu sự mang sách giáo khoa đi chiến trường, tôi phải mất nhiều năm học tập sau này mới lí giải được .
Thầy có cậu học trò học cũng khá mà thầy rất quí . Nay lại về ở cùng một tiểu đội. Thế là suốt đường hành quân, hai thầy trò tha hồ mà giở lí, giở toán ra bù khú. Một hôm, trú quân ở rừng Khăm Muộn, câu chuyện hai thầy trò lan sang cả tiểu đội. Thanh, cậu học trò lúc nào cũng bắt đầu trước bằng những kỉ niệm ở trường. Thưa thầy, à anh .. à đồng chí. Thầy Đấu bật cười, cậu cứ ấp úng như tớ gọi cậu lên bảng ấy. Thanh cũng cười, vâng thì em cũng đang lên bảng đây. Thầy ạ, hôm đi bắn B40 em mới hiểu ra bài toán khi đạn ra khỏi nòng sẽ không bay đường thẳng nữa. Ông cụ non ! Chú Đấu lẩm bẩm, vậy nên tớ cho cậu kiểm tra hôm ấy 4 điểm là phải, làm đúng bài mà không hiểu bản chất. Đấy lại bản chất. Thanh làu bàu. Cả tiểu đội cười ồ.
Thanh khoẻ lắm. Những ngày ôn thi tốt nghiệp vừa rồi nó vẫn đi gặt chiêm cho mẹ nó. Nó gánh tới 70 cân lúa. Nó ăn cũng gớm. Thầy Đấu vẫn thường ưu tiên nó. Có cái bánh mì mua được ngoài quán cũng giành cho nó. Mỗi chủ nhật kiếm thêm mớ rau, con cá cải thiện, thầy làm đầu bếp còn lũ trẻ thì xông vào nếm náp và khen nhiều hơn chê. Hành quân qua cao nguyên Pô Lô Ven, cả đơn vị hễ dừng lại ở trạm giao liên là chia nhau đi vào làng bản đổi gà , đổi rau hoặc bất kì thứ thức ăn nào để ăn thêm. Mặt mũi ai cũng sạm đi sau những ngày chèo đèo lội suối. Trên đường Trường Sơn nhìn các thầy giáo còng lưng leo dốc, bặm môi nhẫn nại, mồ hôi lưng áo trắng như tấm mo nang. Học trò muốn san xẻ ba lô nhưng chẳng thầy nào chịu. Dọc đường, cả tiểu đội cứ nhìn vào cái lưng còng của thầy nghèn nghẹn, cảm xúc giống như nhìn lên tấm bảng ở lớp mới hôm nào. Chúng tôi đều coi các thầy như là chỉ huy của mình mặc dù tất cả các thầy cũng đều là binh nhì như chúng tôi. Lũ học trò đã đổi tất tật những gì mang theo từ miền Bắc. Lúc đầu thì là ảnh mấy cô diễn viên điện ảnh thời ấy mà chúng tôi mua ở những hàng sách báo dọc đường . Sau đó là đổi cả ảnh bạn gái , kim chỉ , giấy viết thư . Tuy chẳng bằng lòng nhưng thầy cũng đành chịu vì thương trò đói quá. Dọc đường thầy hay để ý vặt nắm lá bứa, bẻ vội ngọn măng rồi căm cụi ca cóng. Một đêm, ở trạm T78 ngã ba Đông Dương. Trạm này đẹp. Gần sông lại gần dân nên đổi được con gà, ca cóng xong lên võng. Máy bay địch thả pháo sáng bên kia sông . Thầy trò lại rì rầm . Ngày mai sẽ hành quân theo huớng đông, sẽ về mặt trận đường 19 Tây Nguyên. Lũ học trò thì chả cần biết . Ồi ! đi đâu chả là mặt trận . 
Hành quân vào tới vùng cao nguyên Kon Tum thì thằng Thanh đổ sốt. Chiều vừa dừng chân, thầy đã vào bản gần đó đổi trứng gà. Thầy gọi thằng Việt Anh đi cùng. Thầy có cái khăn mu soa thêu con chim rõ to màu đỏ. Cô gái người dân tộc thích quá. Nhưng thầy không biết ra hiệu quả trứng gà là thế nào. Thầy loay hoay. Ngay lập tức thằng Việt Anh để nắm tay vào đít, một tay vỗ mông phành phạch, mồm cục tác cục tác rồi đưa nắm tay lên xoay tròn một vòng. Cô gái đỏ mặt và hiểu ra là trứng gà. Hứng trí vì lập chiến công, thằng Việt Anh bất ngờ hôn vào má cô đồng bào một cái. Và thế là sinh chuyện to. Cô gái bắt đền quầy quậy : “Bồ đồi khồng tột chớ , khồng tột , bồ đồi ngừi mồm mình … đền lường khồ “ Chính thầy Đấu phải dứt ruột trả một bánh lương khô cho cô gái đồng bào để dắt thằng việt Anh ra khỏi bản. 
Đêm ấy thằng Thanh cắt cơn sốt, mồm lại nói như sáo. Đang đêm Thanh hỏi : 
Sao thầy lại tên là Đấu?
Mỗi cái tên nó có cội nguồn bản chất của nó. Thầy trả lời
Nó lại tiếp: em là Lương Thanh thì là gì?
Im lặng lúc lâu, thầy bảo : tâm hồn trong sạch. Cả tiểu đội ồ lên. Nó không trong sạch lắm đâu thầy ơi, nó nói dối con bà chủ ở ngoài Thái Nguyên là nó có vợ rồi làm cho con bé ấy khóc sưng cả mắt. 
Thầy dịu dàng, nó tốt đấy. Tên thầy là do ngày mẹ đẻ thầy, nhà nghèo phải đi vay hàng xóm đấu gạo … nhà đói lắm 
Lát sau thầy kể, ở làng thầy có người cũng tên là Đấu nhưng là vì đẻ ra giữa năm cải cách, lúc ông bố bị lôi ra đấu tố vì tội có những ba con trâu. Người chồng thì đang bị đấu tố trong khi người vợ thì đau đẻ. Nên cũng đặt tên là Đấu .
Cả tiểu đội lao nhao, sao lại bị đấu tố vì có ba con trâu, mà đấu tố là gì. Thầy lăn mình trên võng, thôi bao giờ trở về đi học nữa bọn em sẽ biết thế nào là cải cách ruộng đất , là đấu tố. Cái gì cũng có bản chất của nó, mà bản chất nó đơn giản thôi nó nấp sau những thứ ba lăng nhăng lằng nhằng gọi là hiện tượng. Thầy ngủ đây. Đêm Kon Tum hun hút đen. Những chú lính chìm trong giấc ngủ có tiếng súng đì đùm xa gần với nhiều điều háo hức vời vợi. Nhưng có một cái võng mắc ở gốc cây săng lẻ trong cùng , một đứa không ngủ. Ấy là thằng Hóa. Nó ít nói ngay từ khi vào lính. Nó học cùng lớp Thanh nhưng dốt hơn. Nhà nó nghèo kiết, bố nó bỏ hai mẹ con lên làm ăn trên Nghĩa Lộ rồi tịt không về . Hóa cứ đơm đo cua ốc mà đi học , không có tiền gạo đi ở trọ , nó cứ chân đất đi về gần mười cây số . Tính nó cục . Một lần kiểm tra viết môn Vật Lí của thầy Đấu. Khi trả bài nó bị điểm hai. Mặt nó gằm tím lại. Ra khỏi lớp nó xé bài kiểm tra làm tư rồi cho vào túi sách. Vụ việc này khiến nó bị kỉ luật. Từ ấy nó lại càng ít nói . Hôm vào bộ đội thầy Đấu bảo, bây giờ Hóa đừng mặc cảm làm gì, thầy trò là đồng đội là bạn bè rồi. Nhưng nó chỉ cười bẽn lẽn. Nó vẫn buồn. Đêm nay nó không ngủ, nó đang nhớ mẹ , mẹ nó một thân một mình quanh năm lam lũ ăn củ khoai, củ dáy sòi cả bọt mép . Nó chỉ ước ao làm ra tiền mua cho mẹ nó cái quần vải láng Nam Định, thay cho cái quần chân què chằng đụp của mẹ mà chưa kịp làm thì đã đi bộ đội . Nó lại cũng đang nghĩ về thầy Đấu, thầy cũng khổ mà thầy vẫn yêu quí chúng nó ... 
Một chiều. Dừng chân ở trạm, mà trạm này gần ngay con sông Pô Cô. Tính đến nay đã tròn trăm ngày hành quân. Ai cũng hốc hác, mắt thì lồi to ra, trắng rã. Môi thì xám lại. Các thầy giáo của chúng tôi trông càng thảm hại hơn. Mắc võng, đào hầm rồi khiêng nước về nấu cơm mà ai cũng bải hoải. Nhìn thằng Hóa, thằng Thanh buồn xiu, thầy Đấu tán vui. Trông hết khí thế rồi à? Tớ chuẩn bị sẵn nắm lá bứa rồi kiếm cái gì làm mồi nấu canh chua cho tỉnh táo. Thằng Hóa rụt dè đề nghị, bắn đạn AK lấy mấy con cá con thôi thầy ạ. Lần đầu tiên thày tán đồng chuyện bắn cá dưới suối. Thế là mấy thày trò kéo nhau đi. Con suối nông chừng bắp chân nhưng phải đi xa một chút, sợ cán bộ chỉ huy phát hiện. Vừa nổ hai phát vớt được dăm con cá to như ngón tay trỏ thì có tiếng quát : Đứng lại, lính C nào kia. Thầy trò nhìn ra là chính trị viên đại đội và cậu liên lạc chạy tới. Chính trị viên mặt đỏ rần lên, nhưng nhìn thấy thầy giáo cấp 3 nên nỗi giận hóa ngập ngừng …
Vô kỉ luật …lính tráng vô.. vô văn hóa. Rồi ông ấy quát 
Đi về họp, làm kiểm điểm. Khi Chính trị viên bỏ đi rồi, thầy Đấu vẫn lặng im . Thằng Hóa mặt đanh lại, sao ông ấy nói thầy trò mình như thế, không có tôn trọng đồng chí ... trên dưới gì hết. Đói bỏ mẹ ..
Thầy nói khẽ, ông ấy nói đúng đấy. Văn hóa không phải từ thứ bậc cấp chức mà ra đâu các em ạ. Thầy trò dốc ngược nòng súng đi về bãi trú quân. Nồi canh chua ngon quá mà thầy thì cứ ắng lặng chả nói gì.
Đầu năm 73. Thầy Đấu được điều về trung đoàn 48 sư đoàn Đồng Bằng. Còn Thanh lại về trung đoàn 64. Từ ấy bặt tin nhau. Ở chiến trường thư gửi làm sao được , cách nhau hai ngày đi bộ thôi nhưng lính tráng có bao giờ biết ngày nghỉ là gì , chiến trường không có khái niệm chủ nhật để mà đi thăm nhau. Cũng chỉ nghe vậy, chứ thầy đi rồi , bịn rịn lúc ấy, còn sau đó chúi mũi vào chiến dịch này, chiến dịch nọ. 
Một năm sau. Một năm ở chiến trường, nó làm con người đổi khác nhanh chóng. Bây giờ Thanh đã là A trưởng C11 chủ công của tiếu đoàn 9 anh hùng. Mà anh hùng từ ngày đánh Nam - Lào kia đấy. Có điều, nó ngót đi đến dăm bẩy cân. Bạn bè bảo , ồi dào cứ gì mày mới ngót, chúng tao bây giờ cũng chỉ còn hơn bốn chục kí thôi, mày mà cứ giữ kỉ lục sáu lăm kí thì khi bị thuơng chúng tao khiêng sao được. Một hôm Thanh đi công tác lên trung đoàn bộ về khoe nhận được thư tay thầy Đấu đọc cho tiểu đội nghe.Thầy bảo thầy được điều về C16 bắn 12,7 li. Thầy Nghĩa, thầy Hưng xuống DKZ , thầy Hỏa về C17 công binh…Thầy dặn học trò của thầy đừng tụt tạt nhé, phải chiến đấu cho xứng danh học sinh Xã hội Chủ nghĩa. Giữ vững bản chất của học sinh Hạ Hòa nghe không? Đấy, lại bản chất. Rồi nó chùng giọng. Thằng Hóa hi sinh rồi chúng mày ơi. Thầy Đấu bảo đánh Chư Nghé nó lên cửa mở đánh bộc phá bị đạn thẳng thấu phổi máu và bọt sùi ra đầy lưng . Nó ôm lấy thầy , trước khi tắt thở nó xin lỗi thầy về việc đã xé bài kiểm tra ngày trước. Thầu Đấu ôm trò của mình khóc như trẻ nhỏ. Thư của thầy nhòa quá chúng mày ạ. Nó tiếp :
Này nghe thôi nhé, thầy buồn lắm vì chuyện gia đình ngoài kia, ở nhà làm sao ấy. Thầy bảo đừng nhắc tới chuyện vợ …. Khổ các thầy quá nhỉ , già hơn cả mấy ông lãnh đạo trung đoàn , đánh nhau vận động mang vác ở chiến trường thì theo sao nổi bọn trẻ…. Đêm ấy nằm bên thằng Hưởng nó bảo, tao cứ nhớ mãi bài vật lí đạn ra khỏi nòng đi cầu vồng của thầy Đấu. Nhưng lúc hành quân trên Trường Sơn, thầy có tâm sự với tao , chỉ có con đường đi thẳng nhất là từ trái tim mình đến tim kẻ thù, thế là thế nào nhỉ? Thầy cứ làm tao khó hiểu bỏ mẹ. Mấy cái võng, toàn học trò cấp ba cùng một trường huyện không đung đưa nữa. Chúng nó im thin thít .

Chiến tranh lắm chuyện tình cờ. Tháng 4 năm 1974 trung đoàn tôi tổ chức đánh cứ điểm Lệ Ngọc. Trận ấy có đại đội 12,7 li của E48 đi phối thuộc tăng cường. Đêm chiếm lĩnh trận địa tình cờ thầy trò gặp nhau. Gặp nhau vào cái lúc áp sát đồn giặc, hừng hực, hồi hộp, phấp phỏng …Trong đêm, Thanh bò tới hầm pháo của chú Đấu. Bộ râu quai nón lởm chởm của thày kì sát vào má nó thật ấm áp. Thầy Đấu nói gì nó chả nhớ chỉ thấy như bên mình một người ruột thịt, mà bỗng dưng được gặp ở giữa cái nơi sống chết khiến nó thấy tin cậy, yên lành. Chợt, nó lục cóc ba lô đưa tặng thầy cái bàn cạo cụp xòe của lính Mỹ. Tặng rồi, nó mới nhớ ai đó nói tặng dao là xui lắm . Nó xin lại . Thầy Đấu cười : bàn cạo còn cách xa dao, lo gì. Mà em tặng bàn cạo đấy chứ. Bản chất vật lí không phải như thế đâu ông cụ non ạ


Gần sáng nổ súng. Sau một hồi hỏa lực bắn áp chế, bộ binh vụt lên đánh bộc phá mở cửa. Đã vào sát tường đất. Bị chững lại. Sau cơn choáng váng bất ngờ vì pháo của ta, hỏa lực của giặc hoàn hồn bắt đầu nã đạn về hướng quân ta đang lao lên đánh bộc phá. Mũi của Thanh nằm sát cửa mở. Không ai ngóc lên được. Chớp lằng nhằng với đủ loại đạn phun về phía Thanh và đồng đội. Nghe tiếng quát: Hoả lực điều lên ngay ... Đột nhiên tiếng 12,7 li chát chúa liên hồi bắn thẳng vào đột phá khẩu, rồi DK bắn vào lô cốt đầu cầu. Chỉ chờ có vậy, mũi xung kích vọt lên. Ầm ..Ầm . Bộc phá liên hoàn nổ rung cả óc. Thanh cùng với tiểu đội vụt qua cửa mở mù mịt khói . Lửa đạn vun vút vạch ngang vạch dọc trên đầu dưới chân. Mặc. Bộ đội lao lên như xé toác căn cứ địch. Trận đánh xong lúc 7 giờ sáng. Các đơn vị rút ra ngoài.Thanh chen lấn những cáng thương chạy lên tìm chú Đấu. Họ bảo, có ông thầy giáo bị thương nặng chuyển ra phía sau rồi. Ông ấy bị mảnh pháo lòi cả ruột. Ngồi bệt xuống bờ suối, nước mắt nó trào ra. 

Nó gọi : 
- Thầy ơi !. 
Thanh biết. Luồng lửa của đạn 12.7 li bắn thẳng vào cửa mở là của khẩu đội thầy Đấu . Nó chạy dưới làn đạn bắn thẳng của thầy. Phía sau lưng, thầy đứng thẳng lên tì vai vào súng nghiến răng bắn mở đường cho học trò của mình, máu chẩy dọc hai chân quần ướt đẫm. Chỉ chờ có thế, đơn vị ào lên, mở được đột phá khẩu và giải quyết dứt điểm trận đánh.
Bây giờ thì Thanh hiểu. Đường đạn ngắn nhất mà bay thẳng là thế, là từ trái tim mình tới trái tim kẻ thù

Bây giờ thầy đã nghỉ hưu. Ngôi nhà của thầy cũng xây ba tầng nhưng thanh thoát bên bờ sông Thao. Thầy không đi dậy thêm, nhưng nhiều học trò vẫn tới nhà nhờ vả thầy mỗi kì thi đại học. Thù lao cũng thật đơn giản, cân chè, ống gạo nếp, vài cân đỗ lạc, hoặc nải chuối tiêu mang từ trong xóm.


Tôi là học trò của thầy từ cuối những năm 60. Nhưng tôi hay gọi thầy bằng chú vì thầy là chú họ của tôi. Nhưng có lẽ thầy coi tôi là bạn nhiều hơn bởi tôi là đồng đội của thầy. Viết lại những chuyện về thầy thật khó, bởi trong tôi thầy là người thầy kính trọng, người chú thân tình và lại là người đồng đội vào sống ra chết cùng nhau.

Mùa hè 1972
Năm ấy oi ả khác thường. Nước sông Hồng lên ù ù. Trời đầy những mây đùng đục vần vũ ngày đêm. Trống hộ đê, trống báo động tàu bay nghe cứ rối cả ruột. Chạy ra đắp đê, lại chạy vào xóm chui xuống hầm trú ẩn, ngày có tới vài chục lượt. Người bã ra như tàu chuối gặp lửa. Làng xóm cứ như cái chảo sao chè hầm hập nóng, mà cái nóng không chịu nguội dần, nó hâm hấp như nồi cám sôi. Đấy là những ngày chú Đấu và tôi cùng nhập ngũ.
Tôi đang là sinh viên năm thứ ba, còn chú là hiệu phó trường cấp ba huyện nhà. Chiến tranh thật lạ, nó đưa trai tráng, nông dân, công nhân, nhà khoa học, thầy giáo ... về trong một đội hình không phân biệt sang hèn, nhiều chữ hay ít chữ, bằng nhau tuốt tuột và cùng cầm lấy súng.
Ở quê tôi, nhiều thầy giáo nhập ngũ ngày ấy lắm. Tôi nhớ Thầy Lê Hoả - Hiệu phó cấp ba Hạ hoà, Thầy Hoài Thuỷ dạy văn trường cấp 3 Trần Phú, thầy Nguyễn Đức Vận, thầy Rồng, thầy Kế, cả thầy Hưng, con trai của vị lãnh đạo sở. Thầy Triệu Đấu năm ấy đã 32 tuổi. Cùng đơn vị, là những học trò của các thầy. Tập luyện, mang vác, mọi sinh hoạt thầy trò đều gắn bó san sẻ. Thầy trò chia nhau sợi rau, điếu thuốc. Mặt trận cần gấp quân chiến đấu, chúng tôi không hề có ngày nghỉ phép mà đi thẳng vào chiến trường . Những tháng ngày đó, lũ học trò chúng tôi đâu hiểu đựơc bụng dạ tâm tư của những người lớn tuổi. Những người có cả một đội tàu há mồm mong ngóng nơi quê nhà . Các thầy trầm tư, các thầy hí hoáy viết lách, trò chuyện với nhau, bọn tôi nghe câu được câu chăng . Nhưng đứa nào cũng thương các thầy giáo của mình . Trong ba lô căng phồng ngày xuất quân , thầy nào cũng có những quyển sách giáo khoa môn mình dậy . Hồi đó tôi không hiểu tại sao lại thế . Để hiểu sự mang sách giáo khoa đi chiến trường, tôi phải mất nhiều năm học tập sau này mới lí giải được .
Thầy có cậu học trò học cũng khá mà thầy rất quí . Nay lại về ở cùng một tiểu đội. Thế là suốt đường hành quân, hai thầy trò tha hồ mà giở lí, giở toán ra bù khú. Một hôm, trú quân ở rừng Khăm Muộn, câu chuyện hai thầy trò lan sang cả tiểu đội. Thanh, cậu học trò lúc nào cũng bắt đầu trước bằng những kỉ niệm ở trường. Thưa thầy, à anh .. à đồng chí. Thầy Đấu bật cười, cậu cứ ấp úng như tớ gọi cậu lên bảng ấy. Thanh cũng cười, vâng thì em cũng đang lên bảng đây. Thầy ạ, hôm đi bắn B40 em mới hiểu ra bài toán khi đạn ra khỏi nòng sẽ không bay đường thẳng nữa. Ông cụ non ! Chú Đấu lẩm bẩm, vậy nên tớ cho cậu kiểm tra hôm ấy 4 điểm là phải, làm đúng bài mà không hiểu bản chất. Đấy lại bản chất. Thanh làu bàu. Cả tiểu đội cười ồ.
Thanh khoẻ lắm. Những ngày ôn thi tốt nghiệp vừa rồi nó vẫn đi gặt chiêm cho mẹ nó. Nó gánh tới 70 cân lúa. Nó ăn cũng gớm. Thầy Đấu vẫn thường ưu tiên nó. Có cái bánh mì mua được ngoài quán cũng giành cho nó. Mỗi chủ nhật kiếm thêm mớ rau, con cá cải thiện, thầy làm đầu bếp còn lũ trẻ thì xông vào nếm náp và khen nhiều hơn chê. Hành quân qua cao nguyên Pô Lô Ven, cả đơn vị hễ dừng lại ở trạm giao liên là chia nhau đi vào làng bản đổi gà , đổi rau hoặc bất kì thứ thức ăn nào để ăn thêm. Mặt mũi ai cũng sạm đi sau những ngày chèo đèo lội suối. Trên đường Trường Sơn nhìn các thầy giáo còng lưng leo dốc, bặm môi nhẫn nại, mồ hôi lưng áo trắng như tấm mo nang. Học trò muốn san xẻ ba lô nhưng chẳng thầy nào chịu. Dọc đường, cả tiểu đội cứ nhìn vào cái lưng còng của thầy nghèn nghẹn, cảm xúc giống như nhìn lên tấm bảng ở lớp mới hôm nào. Chúng tôi đều coi các thầy như là chỉ huy của mình mặc dù tất cả các thầy cũng đều là binh nhì như chúng tôi. Lũ học trò đã đổi tất tật những gì mang theo từ miền Bắc. Lúc đầu thì là ảnh mấy cô diễn viên điện ảnh thời ấy mà chúng tôi mua ở những hàng sách báo dọc đường . Sau đó là đổi cả ảnh bạn gái , kim chỉ , giấy viết thư . Tuy chẳng bằng lòng nhưng thầy cũng đành chịu vì thương trò đói quá. Dọc đường thầy hay để ý vặt nắm lá bứa, bẻ vội ngọn măng rồi căm cụi ca cóng. Một đêm, ở trạm T78 ngã ba Đông Dương. Trạm này đẹp. Gần sông lại gần dân nên đổi được con gà, ca cóng xong lên võng. Máy bay địch thả pháo sáng bên kia sông . Thầy trò lại rì rầm . Ngày mai sẽ hành quân theo huớng đông, sẽ về mặt trận đường 19 Tây Nguyên. Lũ học trò thì chả cần biết . Ồi ! đi đâu chả là mặt trận . 
Hành quân vào tới vùng cao nguyên Kon Tum thì thằng Thanh đổ sốt. Chiều vừa dừng chân, thầy đã vào bản gần đó đổi trứng gà. Thầy gọi thằng Việt Anh đi cùng. Thầy có cái khăn mu soa thêu con chim rõ to màu đỏ. Cô gái người dân tộc thích quá. Nhưng thầy không biết ra hiệu quả trứng gà là thế nào. Thầy loay hoay. Ngay lập tức thằng Việt Anh để nắm tay vào đít, một tay vỗ mông phành phạch, mồm cục tác cục tác rồi đưa nắm tay lên xoay tròn một vòng. Cô gái đỏ mặt và hiểu ra là trứng gà. Hứng trí vì lập chiến công, thằng Việt Anh bất ngờ hôn vào má cô đồng bào một cái. Và thế là sinh chuyện to. Cô gái bắt đền quầy quậy : “Bồ đồi khồng tột chớ , khồng tột , bồ đồi ngừi mồm mình … đền lường khồ “ Chính thầy Đấu phải dứt ruột trả một bánh lương khô cho cô gái đồng bào để dắt thằng việt Anh ra khỏi bản. 
Đêm ấy thằng Thanh cắt cơn sốt, mồm lại nói như sáo. Đang đêm Thanh hỏi : 
Sao thầy lại tên là Đấu?
Mỗi cái tên nó có cội nguồn bản chất của nó. Thầy trả lời
Nó lại tiếp: em là Lương Thanh thì là gì?
Im lặng lúc lâu, thầy bảo : tâm hồn trong sạch. Cả tiểu đội ồ lên. Nó không trong sạch lắm đâu thầy ơi, nó nói dối con bà chủ ở ngoài Thái Nguyên là nó có vợ rồi làm cho con bé ấy khóc sưng cả mắt. 
Thầy dịu dàng, nó tốt đấy. Tên thầy là do ngày mẹ đẻ thầy, nhà nghèo phải đi vay hàng xóm đấu gạo … nhà đói lắm 
Lát sau thầy kể, ở làng thầy có người cũng tên là Đấu nhưng là vì đẻ ra giữa năm cải cách, lúc ông bố bị lôi ra đấu tố vì tội có những ba con trâu. Người chồng thì đang bị đấu tố trong khi người vợ thì đau đẻ. Nên cũng đặt tên là Đấu .
Cả tiểu đội lao nhao, sao lại bị đấu tố vì có ba con trâu, mà đấu tố là gì. Thầy lăn mình trên võng, thôi bao giờ trở về đi học nữa bọn em sẽ biết thế nào là cải cách ruộng đất , là đấu tố. Cái gì cũng có bản chất của nó, mà bản chất nó đơn giản thôi nó nấp sau những thứ ba lăng nhăng lằng nhằng gọi là hiện tượng. Thầy ngủ đây. Đêm Kon Tum hun hút đen. Những chú lính chìm trong giấc ngủ có tiếng súng đì đùm xa gần với nhiều điều háo hức vời vợi. Nhưng có một cái võng mắc ở gốc cây săng lẻ trong cùng , một đứa không ngủ. Ấy là thằng Hóa. Nó ít nói ngay từ khi vào lính. Nó học cùng lớp Thanh nhưng dốt hơn. Nhà nó nghèo kiết, bố nó bỏ hai mẹ con lên làm ăn trên Nghĩa Lộ rồi tịt không về . Hóa cứ đơm đo cua ốc mà đi học , không có tiền gạo đi ở trọ , nó cứ chân đất đi về gần mười cây số . Tính nó cục . Một lần kiểm tra viết môn Vật Lí của thầy Đấu. Khi trả bài nó bị điểm hai. Mặt nó gằm tím lại. Ra khỏi lớp nó xé bài kiểm tra làm tư rồi cho vào túi sách. Vụ việc này khiến nó bị kỉ luật. Từ ấy nó lại càng ít nói . Hôm vào bộ đội thầy Đấu bảo, bây giờ Hóa đừng mặc cảm làm gì, thầy trò là đồng đội là bạn bè rồi. Nhưng nó chỉ cười bẽn lẽn. Nó vẫn buồn. Đêm nay nó không ngủ, nó đang nhớ mẹ , mẹ nó một thân một mình quanh năm lam lũ ăn củ khoai, củ dáy sòi cả bọt mép . Nó chỉ ước ao làm ra tiền mua cho mẹ nó cái quần vải láng Nam Định, thay cho cái quần chân què chằng đụp của mẹ mà chưa kịp làm thì đã đi bộ đội . Nó lại cũng đang nghĩ về thầy Đấu, thầy cũng khổ mà thầy vẫn yêu quí chúng nó ... 
Một chiều. Dừng chân ở trạm, mà trạm này gần ngay con sông Pô Cô. Tính đến nay đã tròn trăm ngày hành quân. Ai cũng hốc hác, mắt thì lồi to ra, trắng rã. Môi thì xám lại. Các thầy giáo của chúng tôi trông càng thảm hại hơn. Mắc võng, đào hầm rồi khiêng nước về nấu cơm mà ai cũng bải hoải. Nhìn thằng Hóa, thằng Thanh buồn xiu, thầy Đấu tán vui. Trông hết khí thế rồi à? Tớ chuẩn bị sẵn nắm lá bứa rồi kiếm cái gì làm mồi nấu canh chua cho tỉnh táo. Thằng Hóa rụt dè đề nghị, bắn đạn AK lấy mấy con cá con thôi thầy ạ. Lần đầu tiên thày tán đồng chuyện bắn cá dưới suối. Thế là mấy thày trò kéo nhau đi. Con suối nông chừng bắp chân nhưng phải đi xa một chút, sợ cán bộ chỉ huy phát hiện. Vừa nổ hai phát vớt được dăm con cá to như ngón tay trỏ thì có tiếng quát : Đứng lại, lính C nào kia. Thầy trò nhìn ra là chính trị viên đại đội và cậu liên lạc chạy tới. Chính trị viên mặt đỏ rần lên, nhưng nhìn thấy thầy giáo cấp 3 nên nỗi giận hóa ngập ngừng …
Vô kỉ luật …lính tráng vô.. vô văn hóa. Rồi ông ấy quát 
Đi về họp, làm kiểm điểm. Khi Chính trị viên bỏ đi rồi, thầy Đấu vẫn lặng im . Thằng Hóa mặt đanh lại, sao ông ấy nói thầy trò mình như thế, không có tôn trọng đồng chí ... trên dưới gì hết. Đói bỏ mẹ ..
Thầy nói khẽ, ông ấy nói đúng đấy. Văn hóa không phải từ thứ bậc cấp chức mà ra đâu các em ạ. Thầy trò dốc ngược nòng súng đi về bãi trú quân. Nồi canh chua ngon quá mà thầy thì cứ ắng lặng chả nói gì.
Đầu năm 73. Thầy Đấu được điều về trung đoàn 48 sư đoàn Đồng Bằng. Còn Thanh lại về trung đoàn 64. Từ ấy bặt tin nhau. Ở chiến trường thư gửi làm sao được , cách nhau hai ngày đi bộ thôi nhưng lính tráng có bao giờ biết ngày nghỉ là gì , chiến trường không có khái niệm chủ nhật để mà đi thăm nhau. Cũng chỉ nghe vậy, chứ thầy đi rồi , bịn rịn lúc ấy, còn sau đó chúi mũi vào chiến dịch này, chiến dịch nọ. 
Một năm sau. Một năm ở chiến trường, nó làm con người đổi khác nhanh chóng. Bây giờ Thanh đã là A trưởng C11 chủ công của tiếu đoàn 9 anh hùng. Mà anh hùng từ ngày đánh Nam - Lào kia đấy. Có điều, nó ngót đi đến dăm bẩy cân. Bạn bè bảo , ồi dào cứ gì mày mới ngót, chúng tao bây giờ cũng chỉ còn hơn bốn chục kí thôi, mày mà cứ giữ kỉ lục sáu lăm kí thì khi bị thuơng chúng tao khiêng sao được. Một hôm Thanh đi công tác lên trung đoàn bộ về khoe nhận được thư tay thầy Đấu đọc cho tiểu đội nghe.Thầy bảo thầy được điều về C16 bắn 12,7 li. Thầy Nghĩa, thầy Hưng xuống DKZ , thầy Hỏa về C17 công binh…Thầy dặn học trò của thầy đừng tụt tạt nhé, phải chiến đấu cho xứng danh học sinh Xã hội Chủ nghĩa. Giữ vững bản chất của học sinh Hạ Hòa nghe không? Đấy, lại bản chất. Rồi nó chùng giọng. Thằng Hóa hi sinh rồi chúng mày ơi. Thầy Đấu bảo đánh Chư Nghé nó lên cửa mở đánh bộc phá bị đạn thẳng thấu phổi máu và bọt sùi ra đầy lưng . Nó ôm lấy thầy , trước khi tắt thở nó xin lỗi thầy về việc đã xé bài kiểm tra ngày trước. Thầu Đấu ôm trò của mình khóc như trẻ nhỏ. Thư của thầy nhòa quá chúng mày ạ. Nó tiếp :
Này nghe thôi nhé, thầy buồn lắm vì chuyện gia đình ngoài kia, ở nhà làm sao ấy. Thầy bảo đừng nhắc tới chuyện vợ …. Khổ các thầy quá nhỉ , già hơn cả mấy ông lãnh đạo trung đoàn , đánh nhau vận động mang vác ở chiến trường thì theo sao nổi bọn trẻ…. Đêm ấy nằm bên thằng Hưởng nó bảo, tao cứ nhớ mãi bài vật lí đạn ra khỏi nòng đi cầu vồng của thầy Đấu. Nhưng lúc hành quân trên Trường Sơn, thầy có tâm sự với tao , chỉ có con đường đi thẳng nhất là từ trái tim mình đến tim kẻ thù, thế là thế nào nhỉ? Thầy cứ làm tao khó hiểu bỏ mẹ. Mấy cái võng, toàn học trò cấp ba cùng một trường huyện không đung đưa nữa. Chúng nó im thin thít .

Chiến tranh lắm chuyện tình cờ. Tháng 4 năm 1974 trung đoàn tôi tổ chức đánh cứ điểm Lệ Ngọc. Trận ấy có đại đội 12,7 li của E48 đi phối thuộc tăng cường. Đêm chiếm lĩnh trận địa tình cờ thầy trò gặp nhau. Gặp nhau vào cái lúc áp sát đồn giặc, hừng hực, hồi hộp, phấp phỏng …Trong đêm, Thanh bò tới hầm pháo của chú Đấu. Bộ râu quai nón lởm chởm của thày kì sát vào má nó thật ấm áp. Thầy Đấu nói gì nó chả nhớ chỉ thấy như bên mình một người ruột thịt, mà bỗng dưng được gặp ở giữa cái nơi sống chết khiến nó thấy tin cậy, yên lành. Chợt, nó lục cóc ba lô đưa tặng thầy cái bàn cạo cụp xòe của lính Mỹ. Tặng rồi, nó mới nhớ ai đó nói tặng dao là xui lắm . Nó xin lại . Thầy Đấu cười : bàn cạo còn cách xa dao, lo gì. Mà em tặng bàn cạo đấy chứ. Bản chất vật lí không phải như thế đâu ông cụ non ạ


Gần sáng nổ súng. Sau một hồi hỏa lực bắn áp chế, bộ binh vụt lên đánh bộc phá mở cửa. Đã vào sát tường đất. Bị chững lại. Sau cơn choáng váng bất ngờ vì pháo của ta, hỏa lực của giặc hoàn hồn bắt đầu nã đạn về hướng quân ta đang lao lên đánh bộc phá. Mũi của Thanh nằm sát cửa mở. Không ai ngóc lên được. Chớp lằng nhằng với đủ loại đạn phun về phía Thanh và đồng đội. Nghe tiếng quát: Hoả lực điều lên ngay ... Đột nhiên tiếng 12,7 li chát chúa liên hồi bắn thẳng vào đột phá khẩu, rồi DK bắn vào lô cốt đầu cầu. Chỉ chờ có vậy, mũi xung kích vọt lên. Ầm ..Ầm . Bộc phá liên hoàn nổ rung cả óc. Thanh cùng với tiểu đội vụt qua cửa mở mù mịt khói . Lửa đạn vun vút vạch ngang vạch dọc trên đầu dưới chân. Mặc. Bộ đội lao lên như xé toác căn cứ địch. Trận đánh xong lúc 7 giờ sáng. Các đơn vị rút ra ngoài.Thanh chen lấn những cáng thương chạy lên tìm chú Đấu. Họ bảo, có ông thầy giáo bị thương nặng chuyển ra phía sau rồi. Ông ấy bị mảnh pháo lòi cả ruột. Ngồi bệt xuống bờ suối, nước mắt nó trào ra. 

Nó gọi : 
- Thầy ơi !. 
Thanh biết. Luồng lửa của đạn 12.7 li bắn thẳng vào cửa mở là của khẩu đội thầy Đấu . Nó chạy dưới làn đạn bắn thẳng của thầy. Phía sau lưng, thầy đứng thẳng lên tì vai vào súng nghiến răng bắn mở đường cho học trò của mình, máu chẩy dọc hai chân quần ướt đẫm. Chỉ chờ có thế, đơn vị ào lên, mở được đột phá khẩu và giải quyết dứt điểm trận đánh.
Bây giờ thì Thanh hiểu. Đường đạn ngắn nhất mà bay thẳng là thế, là từ trái tim mình tới trái tim kẻ thù