Sunday, July 22, 2018

Quê hương mùa tu hú


Ta tìm nhau mùa ấy đẫm mồ hôi
nồng nã mùi rơm trên áo người vụng nhớ
Tú hú kêu trong vườn nhắc nhở
Hẹn nhau cuối xóm đầu đình

Vải chín thơm thơm cả xóm mình
tu hú cứ gọi hoài vườn nhau khắc khoải
Có một người ngồi ngoài đình bổi hổi
Mùa hè ơi vải chín có mươi ngày.....

Anh "ba lô lộn" lên tàu
Hòa bình ở những chuyến ngược xuôi Nam Bắc
Buôn vải khô vào nam thay vì hành quân đánh giặc

Biền biệt xa tú hú đã sang mùa
Em đi rồi vườn cũ hóa ngây thơ
Chim Tu hú cũng đi từ dạo ấy
Quê mình đã thành 3 vụ cấy
Người đã quên hai chữ Chiêm Mùa
NGười ta quên những vườn vải chua
Tu hú không ưa mùa vải ngọt
Ơi con chim dấu mình trong vòm xanh hút hắt
Chưa một lần thẽ thọt với nhân gian

Ta trở về, tìm thủa nhớ người dưng
Dùng dằng dắt trăng chạy vào vườn vải
Ta nhớ lại đêm Trường sơn thì thầm gọi
Một người con gái ngực có mùi rơm

Tu hú kêu chiều, tu hú kêu đêm
Em ở đâu có nhớ vườn nhiều đom đóm
Cha mẹ gọi thằng cu cái hĩm
Thắc thỏm vườn xưa
25/5/18

Chiến trường xưa


Nếu nói là đi về chiến trường xưa có lẽ tôi thuộc một trong những người đi nhiều nhất. Nhưng tôi không thích cụm từ này. Chiến trường nào nữa bây giờ? Khi mà những nơi đó là phố xá xóm làng tốt tươi. Đành rằng nơi đó có những người thơ thẩn như kẻ mất hồn đi tìm hài cốt và dấu tích người thân. Dù thế tôi vẫn không thích cuộc đi mang tên "Chiến trường xưa."
Có một đồng đội tôi ỏ Hà Nội kể lại cuộc đi vào Tây Nguyên rồi sang Lào, những người Tổ chức yêu cầu mặc quân phục. Thế là dặt những người lính như tôi, ra quân từ tháng 10/1975, chả anh nào có quân phục. HỌ kéo nhau ra đường Nam Bộ ( nay là đường Lê Duẩn) mua quân phục . Họ nói, ở đấy cứ như một kho quân nhu cấp quân khu vậy. Rằn ri có rằn ri. Tô châu có Tô Châu. Thích sĩ quan thì cho sĩ quan. Càng nhiều sao càng nhiều tiền. Tỉ dụ , quân hàm thiếu tá ít tiền hơn thượng úy đại úy. ...Thê là trên chuyến xe ô tô đi về phía nam toàn những là thiếu tá trung tá cấm có thằng nào Đại Úy hay Đại Tá. Tôi hỏi , không có thằng nào Hạ sĩ Trung sĩ hay sao? Nó bảo, tội méo gì mất tiền mà mua quân hàm trung sĩ Hạ sĩ. Thằng méo nào hỏi han giấy tờ cấp chức cái xe toàn thằng tóc bạc gẫy răng má lóp mặc quân phục hát om sòm những bài xưa như diễm? Tôi thấy nó nói đúng quá. Bồi hồi nhớ những kì đi Tây Nguyên. CHả hiểu sao họ cứ phải quân phục kè kè. Tôi sợ nhất là họ giới thiệu nhau. Này là thiếu tướng X nguyên thế này nguyên thế kia .. rồi Đại tá Y nguyên là thế ấy .. hì hì, nay là trưởng phó ban Liên lạc này nọ. Đến tôi thì rất khó giới thiệu … đành nói …à quên còn đồng chí Nguyễn Trọng Luân chiến binh của sư đoàn …. He he! người giới thiệu bật cười và người nghe cũng hì hì... cười. Chỉ có trung sĩ tôi là ngượng nghịu. Mịa! thiếu cái ra mẹ nó bên ngoài.
Hôm rồi vào Sa Thày tôi nhờ KHuất Duy Hoan bạn tôi ra Sư đoàn 10 kiếm cho cái mũ cối có quân hiệu và bộ quân hàm Trung sĩ. Sáng hôm sau chuẩn bị lên đỉnh 1015 cầu siêu mặc quân phục cài cầu vai trung sĩ thấy mặt mũi già câng rất vô lí . Bạn tôi bảo thôi chỉ cài 2 miếng tiết lại đẹp hơn. Nói rồi nó làm hộ cho tôi. Tôi soi gương thấy có lí.. 
Chiến tranh qua nửa thế kỉ rồi, cởi bỏ bộ quân phục ra tôi thấy người thanh thoát tao nhã bao nhiêu.


28/5/2018

Con trai giống Mẹ


Mẹ bảo:
- Mẹ thương con lắm Luân ạ. 
Con gái giống cha thì giàu ba họ, con giai giống mẹ thì khó ba đời. 
Lúc ấy con đi học cấp 2 rồi, con trả lời mẹ :
- Con chả cần, con chỉ cần con giống mẹ thôi. Mẹ khóc, mẹ ôm con vào lòng, mẹ bảo thằng cu ngoan lắm.

***
Nghỉ hè nào con cũng làm được khối công điểm HTX. Mẹ bảo, tính ra thằng cu đã tự làm lấy cái đổ vào miệng rồi. Con hãnh diện ra cái vẻ ta đã là một kẻ không ăn bám.
Nhà đông anh em, ăn độn sắn rồi ngô rồi khoai lang rồi cả hạt mít. Những năm 1965 1966 ăn toàn khoai nước ngứa móc họng. Các em khóc đòi mẹ ăn cơm. Mẹ cũng khóc.
Hôm ấy 31 tháng 5 năm 1966. Lúa chín vàng sập sệ cả đồng làng. Trời nắng rồi lại mưa cứ hầm hập. Máy bay Mỹ đánh rát quá , ai cũng sợ gặt ban ngày dính bom của Mỹ. Thế nên lúa chín đổ sập rồi vẫn chưa gặt xong. Con thi hết cấp 2 hôm 26/5. Nghỉ hè rồi, con đi gặt với mẹ từ 5 giờ sáng. 7 giờ sáng chưa kịp gánh lúa về thì máy bay Mỹ lên. Cả cánh đồng gọi nhau chúi vào bờ ruông lấy rơm lấy lúa gối lên đầu. Mẹ lo lắng bảo con, con bò ra chỗ xa mẹ đi nếu có chết thì một người chết thôi. Máy bay thả bom thị xã Yên Bái. Cứ đến làng tôi thì nó đẩng lên cao rồi cắt bom. Nhìn bom chui ra như chùm sung từ máy bay đen xì. Phía Yên Bái mây đen đóng lại một vùng. Nó thả bom từ sáng đến trưa. Trận bom kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Con nằm dưới nắng giương mắt thao láo xem pháo cao xạ ta bắn cháy tàu bay Mỹ. Hôm ấy là ngày giặc Mỹ hủy diệt thị xã Yên bái . Ngày 31/5/1966. Cũng ngày hôm ấy quân dân Yên Bái bắn rơi 5 phản lực Huê Kỳ.

*
**

Nửa thế kỉ trôi qua. Mỗi lần về quê ra thăm mộ mẹ, mẹ nằm trên cánh đồng mà mồ hôi cả đời mẹ đổ xuống nuôi các con. Con lại nhớ những lúc làm đồng mồ hôi nhễ nhại mẹ vục nước ruộng lên rửa mặt, cái nón của mẹ thâm tím nước ruộng mùa hè.

Con gái giống cha thì giàu ba họ
Con giai giống mẹ thì khó ba đời

Khó ba đời con cũng chịu để được giống mẹ . Mẹ ơi.
29/5/18

Về Tây Nguyên

Về lại bên con suối cũ
Gần nửa thế kỉ đã qua
Tiếng chim cũng thưa vắng thế
Suối buồn nên kém ngân nga

Ngồi đây mà sao nhớ thế
Những thằng bạn mãi không về
Ngày xưa cởi truồng tắm suối
Pháo bầy bắn chạy ....hê hê!

Ngồi mà thở như lên dốc
Ôi ngày xưa chèo Chư mom ray
Hát vang rừng già ..nhớ Bác..
Hành quân chiến dịch qua đây

30/5/2018

Nước mắt thời đô thị hóa


Chuyện ngàn đời xưa
Chưa bao giờ thấy cha ông mình bán đất
Thưở ấy hồng hoang
Tổ tiên mình áo quần chưa kín đít
Chân lội bùn
khố đóng chửa đến mông
Đừng hòng
Kẻ nào mua một tấc
Núi sông

Mấy nghìn năm thằng giặc ở bên hông
Mấy nghìn năm lăm le lấn cõi
Những dấu tích trên thạp đồng chim lạc
Cây giáo ngẩng đầu
Chim Lạc ngẩng đầu
Mấy nghìn năm đuổi lũ chó về tàu

CÓ một hội nghị Diên hồng
Gầm lên sức già sức trẻ
Ta nhớ thế
Ta buồn thế
Nay những Diên Hồng
Ngủ gật hết thượng thư

Những đứa con quê tôi
Khóc than thời đô thị
Đất bán rồi con ra phố làm thuê
Chúng khóc
đừng bán đất cha ơi
Bán đất là cha bán tổ tiên rồi
31/5/2018

MÙA XƯA


Dấu đi bao mùa cũ
Mở mùa mới ra hong
Tiếng lá rơi rất khẽ
Như mùa xưa vừa xong

Nắng tràn vào tận cửa
Đọt chữ chừng ngủ quên
Thế là bừng lên nhớ
Nhớ như bao ưu phiền

Cứ như là mùa mới
Bước ra từ mùa xưa
Ta nghe chừng áo cũ
Mỏng như là niềm mơ

Mùa trăng sao ta đi
Bập bùng đêm em hát
Nửa thế kỉ ta về
Em đi đâu chả biết

Ơi cái mùa em đẹp
Là anh hành quân qua
Em ở miền mùa cũ
Mùa nơi em không già.
2/6/2018

Trưa ở nhà liệt sĩ AHLLVT Trần Ngọc Chung


Trưa nay 7/6/2018 chúng tôi về thôn Tiên La xã Đoan Hùng huyện Hưng Hà. Cũng giống như nhiều lần trước tôi đi thẳng ra nghĩa trang Liệt sĩ xã Đoan Hùng ngoài bãi đê sông Luốc thắp hương cho Thượng tá Sư đoàn phó Trần Ngọc Chung .rồi mới về nhà thăm bác gái. 
Nắng chói chang, nắng ươm vàng trên những cánh đồng gặt dở. Chúng tôi đi trên con đường thơm mùi rơm mới và những rặng vải năm nay được mùa. Chúng tôi lại được gặp bác Tuấn người vợ của thủ trưởng chúng tôi khi chồng hi sinh mới 35 tuổi ở vậy nuôi con trong gieo neo thờ chồng. 
Ba mươi chín năm sau ngày hi sinh, ngày 26/4/2018 Thượng tá Trần NGọc Chung được Nhà nước phong tặng DH AHLLVT. Khi nhận tin vui này bác Tuẫn nắm tay chúng tôi cười trong nước mắt.. Bác nắm tay tôi rõ lâu và chúng tôi như đang thấy bác Trần Ngọc Chung trở về trong căn nhà đầy đủ vợ con và các cháu ngoan của bác, 
Trong bữa cơm trưa, vợ của thủ trưởng tôi hầu như không ăn gì. Bác chống đũa nhìn con nhìn cháu và nhìn những người lính sư đoàn 320 . ánh mắt thật ân tình. 
Tôi kể cho đứa cháu ngoại của Thượng tá TRần Ngọc Chung về một cái giấy khen của ông ngoại nó . Cái giấy khen lời lẽ giản dị làm sao, chân thực và chính xác đến vô cùng. Lời lẽ của cái giấy khen của người lính ngày xưa sao mà vừa gần gũi vừa cao vòi vọi. Bây giờ làm sao tìm thấy trong cuộc sống cái giả nhiều hơn cái thật này. 
Thượng tá Trần NGọc Chung anh hùng một cách bình dị mà cao sang lắm
Xin mọi người đọc giấy khen của Liệt sĩ TRần Ngọc Chung cách nay 65 năm dưới đây:

…….. “Bình tĩnh gan dạ sử dụng trung liên kiềm chế được hỏa lực địch, ốm vẫn cố gắng vận động nhanh chóng động viện lãnh đạo được anh em trong tổ hăng hái chiến đấu trận đường 10. 
Trung đoàn bộ ngày 16/5/1953
Ban chỉ huy trung đoàn 
Chính ủy 
Văn Doãn “

ĐI TÌM NGƯỜI DŨNG SĨ ĐÂM LÊ QUÊ THÁI BÌNH.


Khi soạn tài liệu để viết bản báo cáo thành tích anh hùng LLVTND cho đồng chí thượng tá Trần Ngọc Chung quê Thái bình tôi gặp lại gương mặt người dũng sĩ này. 
Lần thứ nhất lúc ấy là tháng 10 năm 1973 tôi được triệu tập lên tuyên huấn trung đoàn 64 (lúc ấy đang ở phía nam Thánh Giáo đường 19 đi Đức Cơ.) để viết một bài diễn ca về truyền thống trung đoàn cho cuộc đón nhận Huân chương của Trung đoàn năm ấy. Ngày ấy tôi viết trong bản diễn ca LỚN LÊN VỚI TRUNG ĐOÀN có đoạn :
…Ta tự hào đời có những mùa xuân 
Như sáu tám* ta tung hoành Quảng Trị ( *1968) 
Trung đoàn ơi anh hùng bao thế hệ 
Bùi Đức Hậu kiên cường máu giặc đỏ đường lê….
Ngày ấy tôi chỉ nghe các anh lính cũ kể về Bùi Đức Hậu còn tôi không biết mặt anh. Anh đã bị thương rồi về quê làm nông dân Thái Bình.
Cuốn sử Trung đoàn 64 , NXB QDND 12- 2005 trang 180 viết :
Đêm 27 tháng 1 năm 1968
…” Lợi dụng đêm tối, trời mưa rét, hai tiểu đoàn 7 và 8 xuất kích. Sau nhiều giờ luồn rừng lội suối , lúc 4 giờ sáng tiểu đoàn 7 vào vị trí tạm dừng và tổ chức nắm địch. Riêng tiểu đoàn 8 gặp khó khăn nên đến chậm. Sau khi trực tiếp bò vào trận địa địch , thấy chúng bỏ dở công sự đang đào trên đỉnh đồi, căng bạt nằm ngủ ngổn ngang dưới khe , canh gác sơ sài . Tiểu đoàn trưởng Trần Ngọc Chung nhận thấy đây là thời cơ rất tốt để diệt địch , nếu chờ tiểu đoàn 8 sẽ mất thời cơ. Hội ý chớp nhoáng với chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn văn Đức , tiểu đoàn trưởng Chung ra lệnh cho các đại đội tiếp cận mục tiêu, triển khai đội hình tấn công. Đúng 5 giờ sáng ngày 27/1/1968 toàn tiểu đoàn nổ súng tiến công . Các loại hỏa lực B40, B41 , lựu đạn, thủ pháo ….đồng loạt đánh vào mục tiêu. Bị đánh bất ngờ nên quân Mỹ không kịp trở tay , bị chết phần lớn ngay từ lúc đầu. Bọn còn lại vội vơ súng chống cự liền bị các chiến sĩ tiểu đoàn 7 ào ào xông lên dùng Ak , lưỡi lê báng súng tiêu diệt. Trên hướng đại đội 3 chiến sĩ Bùi Đức Hậu tay giương tiểu liên lưỡi lê tuốt trần dẫn đầu đội hình lao vào quân Mỹ đâm gục nhiều tên, có tên mặc áo giáp nên Bùi Đức Hậu phải hạ thấp báng súng xoáy mạnh đường lê mới đâm thủng * ( * Lưỡi lê đó của Bùi Đức Hậu hiện nay được lưu giữ tại nhà truyền thống sư đoàn 320) . TRước sức tiến công dũng mãnh của ta hầu hết quân Mỹ ở điểm cao 105 bị tiêu diệt chỉ còn một số tên sống sót liều mạng chạy thoát quay súng bắn tứ tung. Sau 20 phút chiến đấu hơn 100 tên Mỹ phơi xác , âm mưu chốt điểm cao lập bàn đạp giải tỏa đường số 9 Quảng trị thất bại. Khi pháo địch bắn dồn dập vào điểm cao 105 thì tiểu đoàn 7 đã về đến vị trí an toàn.”

****
Bao nhiêu năm trôi qua. Những người lính cũ thời chống Mỹ ở trung đoàn tôi ai cũng biết chuyện dũng sĩ đâm lê cong cả lưỡi lê là Bùi Đức Hậu. Nhưng chả ai biết anh giờ ở đâu sống chết thế nào. Nhiều năm dò hỏi tôi được người ta kể lại trong một dịp họp mặt e64 ở số 4 Lý Nam Đế Hà nội vào năm 2006 anh có đến . Tôi cố hỏi mà những CCB Thái Bình cũng lắc đầu. Buồn thế. 
Hôm nay tôi viết bài này , để nếu có ai biết anh Bùi Đức Hậu dũng sĩ đâm lê ở trung đoàn 64 thì mách cho tôi biết. Nhất là những ccb Thái bình. Các anh ccb Thái bình phải tự hào về Bùi Đức Hậu người dũng sĩ oai hùng đánh Mỹ trên chiến trường Quảng Trị năm xưa.

NTL 6/2018

XIN ĐỪNG CÓ ĐẶC KHU


Xin đừng để đất nước có đặc khu
Nghèo đến mấy cũng đừng bán danh bán giá
“ chưa đặc khu mà đặc tàu rồi đó”
Con cháu mình rồi lơ lớ tiếng ngoại bang

Đất của ta mà phải đứng ngoài đường
Nhìn biển cấm lằn ranh không qua nổi
Ôi cái nhục kiếm tiền “đắp đổi “
Trút vào đâu nghẹn đến cổ bây giờ

Yêu vô cùng đất tổ tự ngàn xưa
Dù đốt cháy Trường sơn để hi sinh gìn giữ
Nay đâu phải chỉ đặc khu mới làm nên no ấm
Bắt chước làm chi khi nhà họ khác nhà mình

Nếu chỉ vì nghèo đói mà hi sinh
Cả máu xương ngàn năm cha ông ta gìn giữ
Ta sẽ có tội tội với VIệt nam tiên tổ
Ta không cần phải có đặc khu đâu

Ơi những hương hồn vì nước quên thân
Chúng con đâu dám mang máu xương cha ông ra đánh đổi
Chẳng có đặc khu nào bằng bình yên bờ cõi
Nước non này mạnh bởi lòng dân
9/6/2018


NẮNG THÁNG SÁU.


Nắng cũng y hệt như bây giờ. Sân kho bốc mùi rơm nồng sực, và những đống thóc lửng lép sũng nước mưa từ hai hôm trước mùi khăm khẳm. 
Giữa trưa, thanh thiếu niên đến họp ở nhà kho. Kho HTX rộng mênh mang. Cái gì cũng mênh mang phơi phới. Tháng 6 gặt vẫn chưa xong vì những tràn ruộng sâu nóng rẫy và đầy nước. Nhãn đang chắc quả, mít thì có nhà đã chín bói. Mấy đứa mang cả chùm dâu da đến họp. Năm ấy 1964.

Đội sản xuất Tiền Phong của tôi chia tay 2 anh lên đường nhập ngũ. AnhDiệp đang học lớp 9 dưới huyện và anh Định làm bí thư đoàn. 
Anh Định thì mấy năm nay đã là phụ trách thiếu niên. Thiếu niên đi làm cỏ lúa đi hái chè anh đều đi cùng. Tối tối sinh hoạt ở sân kho anh dậy hát, dậy chơi cướp cờ, kéo co. Anh có cái thú làm báo tường. Đội thiếu niên làm báo tường dán ở kho HTX cho các bác nông dân trong làng đọc vui lắm. Chúng tôi thích lắm. Anh bảo, làm thơ lục bát để ca ngợi cảnh đẹp quê mình, quê mình đẹp thế phải không các em? 
Anh Diệp học cáp 3, anh là con nhà giàu hơn. Cả làng có vài anh học đến cấp 3 thôi. Anh ít về làng, chúng tôi nhìn anh ngài ngại. Anh nói những cái gì khó hiểu bỏ mẹ.
Liên hoan chia tay các anh chị phụ trách đội thiếu niên, thay mặt đội tặng hai anh hai cuốn sổ tay. Hai anh vỗ tay và nói nhời cám ơn.
Bỗng con cái Thành, con ông thợ máy may chạy lên mếu máo:
- Em tặng anh Định cái khăn bố em may bằng vải Pô pô lin có thêu tên anh đấy ạ. 
Anh Định cảm động, anh Diệp ngỡ ngàng. Nắng ngoài sân kho tháng 6 chói chang và mùi rơm mùi lúa lép nồng thăm thẳm.

Anh Định chết mãi tận đồng bằng Cửu Long vào năm 1970. Hai mươi sáu tuổi anh là tiểu đoàn trưởng đặc công. Người ta kể bọn chi khu Rạch Giá treo thưởng đầu anh 50 ngàn đồng. 
Anh Diệp tuy không phải đi chiến đấu trong nam nhưng cũng lặn lội hết tỉnh này tỉnh nọ liên miên tới tận năm 90 mới về quê. Anh trung tá về quê lương to phết, anh mở quán bán cháo lòng bia chai. Khấm khá và viên mãn.
Một mùa hè chúng tôi về quê họp hội chăn trâu. Không còn sân kho HTX nữa khiến mọi thứ sinh hoạt cộng đồng thường hay ra quán. Chúng tôi lại ra đúng quán anh Diệp trung tá. Anh Diệp chủ quán sốt sắng phục vụ khách hàng người quê là lũ chúng tôi. Trong bữa liên hoan, con cái Thành đầu bạc phơ đứng lên phát biểu.
Nó bảo: Chúng mày có nhớ hôm liên hoan anh Diệp và anh Định ở kho Tiền Phong không? Nhớ ! nhớ chứ! 
Nó sụt sịt, lúc làm lễ truy điệu anh Định cũng ở sân kho năm 1976, họ mang di vật về tao thấy có cuốn sổ của đội thiếu niên bọn mình đã tặng anh. Tao sán vào xem, giở trang đầu thấy anh ấy viết…”các em chăn trâu của anh ơi, anh sẽ chiến đấu để xứng đáng với các em và quê hương”. Thế rồi nó òa khóc, nhiều đứa cũng lau nước mắt. Cả đội thiếu niên Tiền Phong chúng tôi năm ấy đầu đã bạc đều khóc. Trong nhà, anh Diệp trung tá lặng lẽ thẫn thờ. Con cái Thành nói tiếp, họ mang cả cuốn sổ và di vật của anh ấy chôn theo ngôi mộ giả dưới nghĩa trang huyện từ ngày ấy …

Ngoài trời vẫn nắng. Cái nắng quê tôi giống hệt ngày xưa. Tháng 6 nồng nã nắng, nồng nã mùi rơm rạ

10/6/2018

Bài thơ Buổi sáng


Sao đến nỗi “dân” bỗng thành “gian” thế
Tranh đấu gì đâu mà phá phách ngang tàng
Ta nhìn thấy những kẻ mang lốt thú
Sống bằng tiền bố thí của ngoại bang

Đừng nghe kẻ xúc xui đi hò hét
Dân tộc này thừa hiểu thực hư
Ai yêu nước ai hút bòn của nước
Ai làm thân tôi tớ phỉnh phờ

Dân trăm triệu đợi minh quân dẫn lối
Vẫn trung thành vì độc lập tự do
Tổ quốc ngàn năm máu xương che bờ cõi
Lẽ nào ngu đem phá chỉ một giờ

Ta đấu tranh vì lương tâm yêu nước
Dẫu biểu tình để lẽ phải được tôn vinh
Trên hết cả là tình yêu tổ quốc
Đừng ngu si tay chém phải tay mình

Dù có kẻ bá quyền ngay bờ cõi
Đất nước này không để nó phong vương
nó Hoàng đế ta cũng thừa Hoàng đế
Thiên triều ư ? bao tan tác trận tiền

Đừng dại dột nghe theo phường ăn xin vặt
Ta cùng nhau giữ bờ cõi muôn năm
Hãy sát vai nhau vạch mặt quân bán nước
Những ngày này càng yêu lắm VIệt Nam.
11/6/2018 NTL

LẨN THẨN


Có cuốn giáo trình rất cũ
Mở ra là thấy tiếng cười
Tiếng guốc em đằm sâu ngày tháng
Ngày xưa ơi

Có con đường xanh rất mê
Những bước cần lao bối rối
Có đàn ve sầu rất duyên
Lặng im cho người ta hôn nhau

Có tháng ngày lương tiền sít sao
Nụ hôn bên hồ chợt tắt
Xếp hàng mua một miếng vải
Vợ chờ cơm đi ra đi vào

Ngày ấy chỉ nghe tiếng súng
Tít trên biên giới mù sương
Em xếp ba lô đã cũ
Thở dài trong đêm không ngủ
Một thời sống rất cần thơ

Vợ đi lĩnh lương về buồn
Chung cư nhoang nhoáng như mưa
Đường phố nhòe nhoẹt phấn sáp
Không còn tiếng rao báo ơ

Vẫn là con đường rất cũ
Mà sao thấy rất mơ hồ
Ta ra hồ tây em nhé
Ước Hà nội như ngày xưa
16/6/2018

Thoáng vui lại buồn rồi đấy

Thoáng vui lại buồn rồi đấy
Đời như một mớ bòng bong
Để người suốt ngày gỡ rối
Sợi nào rối cả hư không

Về hưu rồi không đồng chí
Không mũ cao chẳng áo dài
Hớp gió ngày xưa mà nhớ
Tuổi đạn bom lại đương trai

Chỉ thiêng liêng là con cháu
Dù biết con cháu bây giờ
Yêu ông bà hơn cha mẹ
Ông bà chiều hơn mẹ cha

Ôi bao nhiêu là phức tạp
Cái thuở lên ngựa xuống xe
Chả bằng một ngày vợ giận
Ông đi đâu mãi không về

Bao nhiêu là gay là cấn
Chỉ là một chút nhỏ nhoi
Dẫu làm bộ thượng bộ hạ
Cũng là gỡ rối mà thôi

Người gieo cho đời nhiều hạt
Thì gỡ rối nhiều mùa màng
Tôi lười mà không gỡ nổi
Vui buồn sớm tối lan man.

Ăn sáng 19.6.18

RUỘNG LẦY


(Truyện ngắn. NTL)

Đời chả biết sao mà lần. Ngày ấy hai nhà ghét nhau, cắm cẳn nhìn nhau như chó ăn vã mắm. Sự ghét nhau như trò trẻ con. Hồi cải cách cả hai nhà đều bần nông. Yên ổn mà sống nghèo, chả rễ chả chuỗi gì hết. Hòa bình lập lại con cháu lóc nhóc đến trường thân nhau ra phết. Tối lửa tắt đèn có nồi quả cọ om thơm tháng chạp cũng cho nhau. Mớ tép phơi khô chưng với quả dọc cũng ới nhau làm chén rượu. Ấy thế mà rồi chọng chọe nhau từ cái thời ông Thưởng lên làm cán bộ xã. Nhà ông Hàn vắng hẳn khách. Khách đến nhà ông Thưởng, chó nhà ông Hàn cắn ong óc. Lâu rồi, bà vợ ông Hàn bực, vác chổi đập con chó. 
- Chó nhà người ta, người ta không cắn thì thôi mày cắn làm gì?
Bên kia rào bà Thưởng nghe mà điên tiết. Bà đập con chó nhà mình đang cúm rúm nằm chân cối xay đánh ẳng một cái. Bà cũng đay lại:
- Này này, người ta đang bảo mày là chó kia kìa, đồ ăn hại. 
Chuyện đến tai hai ông chủ nhà. Hai ông thở dài rồi nhìn vợ rồi ngán ngẩm cái nỗi đàn bà. Hai ông cứ đi làm việc đàn ông. Mặc kệ đàn bà, chả hơi đâu. Nhưng rồi các cuộc chén chú chén anh thưa dần, hai nhà có lối sang nhau cỏ gà nhỏm lên ngơn ngởn

***
Chuyện chỉ có thế thì chả nói làm gì. Khối láng giềng cứ cãi chửi nhau rồi lại xí xóa như chưa hề có chuyện khúc mắc bao giờ. Ai cũng thấm cái câu, bán anh em xa mua láng giềng gần. Ừ mà láng giềng thế nào thì mới mua chứ. Ông Thưởng bảo vợ thế. Con gái ông Thưởng tên là cái Tần thập thò nghe bố bầm chì chiết nhau mà rấm rứt khóc. 
Từ ngày hai nhà không qua lại nhau như trước cái Tần với thằng Sỹ con ông Hàn không đi học cùng nhau nữa. Gặp nhau ở lớp chúng nó cắm mặt xuống chân. Thằng Sỹ ngó lơ chỗ khác , chỉ khi xếp hàng vào lớp nó nhìn cái đuôi tóc con Tần và cái vạt tam giác khăn quàng đỏ dưới cái cặp ba lá.
Từ ấy thằng Sỹ cứ đi về sau cái Tần suốt đoạn đường từ trường về nhà. Bây giờ chúng nó đã học cấp 2 bố cái Tần nay là Chủ tịch xã còn bố thằng Sỹ làm thợ mộc ở tổ nông cụ HTX. Thằng Sỹ bảo với mẹ nó : 
- Bầm xích con chó nhà mình lại sau nhà đừng để nó sủa rinh rom làng xóm nữa .
Bà Hàn vừa dắt chó ra sau nhà vừa ngoảy cái mặt về phía nhà ông Thưởng, bảo kệ nó. Cho nó sủa. Con của nó biết gì, chỉ con người cứ vận thân chó vào mình rồi cãi nhau. 
Đùng cái thằng Mỹ mang máy bay ném bom ra miền bắc. Mùa hè năm ấy ngột ngạt nắng và khói bom. Ông Thưởng và ông Hàn tối ấy ra bờ rào rào ngồi tới khuya. Ông Hàn xung vào tổ trực chiến dân quân ra gò cao gần ga bắn máy bay. Ông Thưởng suốt ngày mũ lá sắc cốt chạy cánh đồng này tới kho đội khác để động viên bà con yên tâm sản xuất đánh Mỹ.
Kì thi tốt nghiệp cấp 2 năm ấy sao mà khổ thế. Cái Tần và thằng Sỹ vừa khiêng vác đồ đoàn cho cả nhà sơ tán vào rừng vừa ôn thi. Chả hiểu 2 ông chủ nhà tính toán thế nào mà hai nhà lại sơ tán làm lán ở 2 chân đồi chác nhau một thửa ruộng chừng bốn chục mét. Chỉ một thửa ruộng thôi nhưng là ruộng lầy không thể lội qua được. Họ bảo trâu lội xuống còn không lên được. Người ta đi cấy đều dùng đà bằng 2 ống nứa dại dài 3 mét làm đà .Hai nhà Hàng ngày nhìn thấy nhau, nhà này ngửi thấy mùi cá kho của nhà bên kia, tiếng is ới mắng mỏ con cái trong đêm là nhà kia cũng nghe được hết. Gần thế thôi mà muốn đến nhà nhau phải đi ngược lên ngọn thung lũng rồi vòng xuống dễ đến gần cây số. Từ ngày máy bay Mĩ đánh phá, hai nhà đối diện nhau qua thửa ruộng mà không giáp mặt nhau thì con cái Tần và thằng Sỹ cứ chiều đến là đợi nhau. Lạ một cái là thằng Sỹ ngồi thái chuối lợn mặt quay sang nhà con Tần cũng đúng lúc cái Tần đứng giã sắn cho lợn. Thằng Sỹ mải nhìn cái Tần nhấp nhổm giã cối chầy tay mớ tóc lắc ngang lắc dọc mà thái dao vào tay kêu đánh ối. Bên kia , cái Tần ngừng tay giã cối sắn bần thần nước mắt ngân ngấn nhìn qua ruộng lúa loi thoi những cây rau đùi ếch.

NHưng chiến tranh nó đau khổ bao nhiêu thì nó lại càng kéo mọi mảnh đời lại gần nhau bấy nhiêu. Trước đây dù có không ưa nhau điều gì thì nay trước sự sống chết con người yêu thương nhau thê. Bao nhiêu lỗi lầm gì trong đạn bom bỗng đều bé tí.
Chúng nó thi tốt nghiệp cấp 2 vào chập chiều tối. Lâu nay lớp hoc sơ tán trong gò cọ. Lớp nào cũng đào giao thông hào vào tận lớp. LŨ học trò tranh thủ máy bay Mỹ phải chạy ra hầm là được dịp chí chóe. Cái Tần và thằng Sỹ tranh thủ hỏi nhau dưới hầm về chuyện bố mẹ nhau, chuyện lúa nhà nhau còn hay hết , kể chuyện ăn độn khoai ăn độn chuối xanh cho nhau nghe. Có một lần giữa lúc máy bay ném bom ngoài ga hầm trú ẩn của lớp rung bàn bật. hai đứa nắm chặt tay nhau . Cái Tần bảo, có chết thì mình chết cùng nhau. Thằng Sỹ thấy lạnh sau gáy còn cái Tần thì má ửng hồng lên đẹp thế. 
Hồi ấy tuổi mười lăm mười sáu mà yêu nhau là khủng khiếp lắm. Thế mà chúng nó thích nhau nhưng cứ cấm khẩu trong mồm không dám nói ra. Chúng nó yêu nhau chỉ biết khóc. Họ bảo nước mắt là thước đo vui, buồn, hờn , giận , yêu, ghét. Nước mắt là tinh chất của tâm hồn một động vật cấp cao. Động vật bình thường chúng cũng yêu nhau tha thiết cũng ghen tuông đau đớn nhưng làm gì có nước mắt. Ai bảo nước mắt là xấu chính là con người tệ bạc nhất với con người. 
Một ngày, nắng như lửa trận địa trực chiến của dân quân xã có một khẩu trung liên và 6 khẩu k44 bị bom. Hai giờ chiều máy bay chúi đầu ném bom vào ga tàu hỏa. Tiếng đạn trung liên nghe lốp đốp kéo dài, tiềng k44 đĩnh đạc bong bong lũ trẻ con trong xã reo lên súng xã mình súng xã mình. Người lớn người già người trẻ thấy lồng ngực nở ra niềm tự hào đâu chỉ riêng ai. Các bà các cô bõng chốc thấy các ông chồng mình đều là phi thường đáng yêu vô cùng. Bom nổ, khói đen nghi ngút. Tiếng súng im bặt . Rồi thì tiếng trống của xã đổ dồn . Sau tiểng trống là tiểng kẻng các thôn rung lên . Hàng trăm người đổ ra trận địa trực chiến. Họ bới lên những người bị vùi lấp vì bom . Họ khâm liệm những người hi sinh. Một buổi chiều lửa và khói bom và hoàng hôn màu máu.

Đêm ấy ông Thưởng ngồi bên ông Hàn. Ông Hàn bị sức ép máu ra tai. Khi moi lên, ông thở hắt ra, mắt thao láo không nói không cười. Từ ấy ông nghễnh ngãng, ông ba ngơ, ông nhìn chim sẻbay qua cũng cười, ông nghe bìm bịp kêu cũng khóc nghe sấm mùa hè là lên giường đắp chăn.
Khuya, cái Tần mang bát cháo đun bằng dải khoai nước với đỗ xanh đi vòng lên ngọn dộc sang cho bác Hàn. Bà Hàn khóc. Bà bảo, Ông ơi cháu cái Tần nó sang cho ông ăn cháo này. Ông Hàn ngơ ngơ, tai ông vẫn rỉ nước hồng hồng . Ông nhìn con bé Tần chẳng hề một xúc động mảy may. Tay ông huơ huơ ra hiệu máy bay đến. Cái Tần òa lên khóc. Ông Thưởng đứng dậy sốc xà cột đi ra xã lo chôn cất những người hi sinh.

*****
Cái tràn ruộng lầy sao mà đáng ghét đến thế. Bà Thưởng cầm cái đèn hoa kì tay kia cầm con dao phát rừng sang thăm ông Hàn. Gọi nhau thì được nhưng sang nhà nhau thì khó. Ước gì ruộng không lầy để đắp một cái bờ nối hai sườn đồi với nhau cho sớm tối lửa đèn. Có hôm bà Hàn gọi chó êu êu, thì thấy con lu chạy lồng bên vườn nhà bà Thưởng mãi mươi lăm phút sau nó mới chạy về, Trên lưng nó đầy nhũng hoa ké và lá cây. Không biết ở cái làng này ruộng lầy có từ bao đời. Ruộng lầy chỉ ở các thung lũng mà hai bên là đồi rừng rậm. Mặt ruộng cứ lùng bùng những cỏ và rau đùi ếch. Người nào dẫm mãi một chỗ sẽ thụt sâu xuống đến bụng đến ngực . Bùn ruộng lõng bõng như cháo sắn. Mùi bùn thói như mùi trứng gà ung. Mỗi năm ruộng lầy chỉ cáy một vụ còn một vụ bỏ hoang cho rau tróc rau đùi ếch mọc xanh rầm rĩ. Con đường chạy vòng lên ngọn dộc sang nhà nhau bắt đầu từ đàn chó hai nhà đi thành chổ. Con đường ấy cái Tần và Thằng Sỹ dẫm nát cả những ngày mưa hỏi bài nhau ngoài đồi.. Từ ngày ông Hàn bị bom vùi ngoài trận địa gò cao nó trở thành con đường chính thức sang nhà nhau bởi ông bà Thưởng mỗi lần đi sang nhà ông Hàn tay cầm dao phát cây cỏ cho đường rộng ra thêm . 
Khi con đường rộng ra thêm thì thằng Sỹ và cái Tần lại ít đi con đường ấy nữa. Ruộng lầy vẫn cứ hun hút những có hoang và rau đùi ếch. Đêm mùa đông ở những tràn ruộng lầy có tiếng con hiu hiu kêu triền miên. Con hiu hiu giống y như con nhái nhưng nó đen. Người ta bảo bắt hiu hiu kho với măng là thành món ăn nhái ôm măng. Nghe vậy thôi nhưng những người dân ở bên ruộng lầy làng thằng Sỹ cái Tần không bao giờ họ ăn món ăn đó. Cái thú bắt cá chèo đồi ngày mưa rào ở những ngọn rừng gần ruộng lầy luôn là thích thú của Sỹ và cái Tần. Hai đứa từng đội mưa chạy ngược lên ngọn rừng theo những lạch nước chảy xuôi để rình bắt những con cá chèo đồi không may mắc kẹt lại trong đám cỏ cây. Chỉ có những khe suối trong những cánh ruộng lầy mới có giống cá chèo đồi, Nó to như con cá chuối nhưng khỏe hơn nhiều. Cứ mưa rào là nó nhảy kên bờ rạch ngược lên đồi cao theo những luồng nước mưa chảy xuống. Đến một đoạn rừng nào đó nó nhảy lăn ra đám cỏ lá nằm im đó fđể côn trùng kiến mối ngửi mùi tanh của nó mà bu vào. Cá chèo đồi tiết ra một thứ keo dính mà côn trùng bám vào không ra được. Chừng biết mưa gần tạnh là chúng lại nhảy sang luồng nước chảy để tụt xuống ruộng lầy. Xuống đó chúng bắt đầu sơi món côn trùng vừa kiếm được. Những trận mưa bắt cá chèo đồi nhìn áo cánh dính chặt vào ngực cái Tần. Thằng Sỹ luống cuống còn cái Tần thì môi đang xám ngoét vì nước mưa bỗng ửng lên . Chúng nó thở hổn hển xuống đồi. 
Cái Tần đi học cáp 3 dưới huyện. Thằng Sỹ thì ở nhà làm ruộng trông ông bố mới gần 40 tuổi mà đã ba ngơ. Mối chiều thứ 7 thằng Sỹ ngồi thái chuối lợn nhìn sang nhà cái Tần. Bà Hàn gọi :
-Sỹ ơi sao mày thái chuối kiểu gì mà thắng 5 một nhát tháng mười một nhát thế hả con?
Thằng Sỹ cãi :
- đâu mà con vẫn thái đều đấy chứ. 
Bà Hàn
-Bầm có nghe thấy soèn soẹt đâu? Nghe nói tuần này con cái Tần không về. Bầm nó bảo nó phải đi đào trận địa cho huyện. 
Thằng Sỹ im lặng.

Người ta lại cuốc ruộng lầy và cấy lúa . Đận ấy đang là mùa hè. Cuốc dẫm ruộng lầy trong nắng ngột ngạt lại ngửi mùi thối bùn dộc ai cũng mệt. vài ngày sau lúa nhoi nhoi thưa huếch hoác Con cái Tần về nghỉ hè nhìn mấy con cuốc lom khom đi trên ruộng lầy . Con cuốc cắp con hiu hiu lên vườn nhà thằng Sỹ đứng ngoai ngoái nuốt mồi. Bà Thưởng trong nhà bước ra nhìn con gái :
-Nghe đâu thằng Sỹ đi khám bộ đội con ạ. Ồì tội quá, nhà bên ấy chỉ có nó là lao động chính, ông Hàn cũng khá hơn rồi nhưng hay khóc mỗi khi thấy bố mày sang chơi.
Đêm hôm ấy, có con cuốc kêu cuốc cuốc.. Trời vắng sao và vắng gió . Cái Tần đi vòng ngọn tràn ruộng lầy sang nhà Sỹ. Hai đứa ngồi tít trên ngọn tràn lầy, hai con chó hai nhà theo chân chủ cũng loạt soạt theo nhau đi bắt chuột. Cái Tần nói, nó được đi thi học sinh giỏi. Thằng Sỹ khoe, nó sắp tòng quân. Hai đứa ôm nhau, mồ hôi hôm ấy đầm đìa. Có tiếng kêu cuốc cuốc dưới ruộng lầy. Thằng Sỹ bảo, bao giờ về anh sẽ bắt con cuốc này cho hết kêu não nề để hai nhà không buồn nữa. Cái Tần hít cái mùi mồ hôi thằng Sỹ :-em chỉ mong hết ruộng lầy để hai nhà đắp con đường sang nhau. Hì hì , nó cười….để dẫn dâu cho gần. Thằng Sỹ ngạc nhiên nhìn cái Tần, ngực nó phập phồng , Hai đứa cắn vào môi nhau. Hai con chó hai nhà ngồi hai bên lè lưỡi thở ..

****
Mùa hè năm ấy nhiều bom thế. Thằng Mỹ dường như muốn đổ hết bom trong kho nhà nó vào miền bắc nước ta. Trai tráng lên đường kìn kìn. Khắp nơi là khẩu hiệu thúc dục nhân dân quyết tâm đánh Mỹ. Trên các áp phích, nhà kho, tường đình, đâu đâu cũng là dòng chữ QUYẾT TÂM ĐÁNH THẮNG GIẶC MỸ XÂM LƯỢC. 
Cái Tần đi đại học cũng là lúc nhà bà Hàn nhận thư của thằng Sỹ. Trong thư có kèm theo thư cho cái Tần. Thư viết : « Tần ơi, em cố học cho cả anh với nhé. Bọn anh đang vào đợt 2 Mậu Thân . Mùa hè ở Củ Chi này cũng lại nghe tiếng cuốc kêu. Tiếng cuốc kêu ở ven sông Sài gòn này không khàn khàn như tiếng cuốc quê mình. Anh nhớ con cuốc cô đơn ở ruộng lầy ngăn hai nhà chúng mình, tiếng kêu nó buồn lắm…..Chờ ngày anh về sẽ đắp con đường qua ruộng lầy sang nhà nhau . Lúc ấy sẽ không còn ruộng lầy nữa em nhé. » 
Đó là lá thư duy nhất cái Tần nay là bà Ba Dũng ở Sài gòn giữ đến tận bây giờ. Thằng Sỹ hi sinh trên Củ Chi vào cuối đợt 2 Mậu Thân. Chả tìm thấy xác Sỹ , chỉ thấy có tên trên Đền Bến Dược. 
Bà Tần về quê thấy con đường nối hai nhà qua tràn ruộng trồng toàn hoa râm bụt . Cái ruộng lầy nay thành cái ao chung hai nhà chỉ ngăn một tấm phên giữa ao thôi. Họ bảo có thể cá nhà này sang ao nhà kia là thường. 
Hai ngôi nhà lá quay mặt vào nhau nay đều xây và lớp ngói. Họ bảo hai nhà ấy treo hai cái huy chương kháng chiến y hệt như nhau có hai tấm ảnh ở góc trên tường. Ở nhà ông Hàn là tấm ảnh cô gái tóc bím đuôi sam 17 tuổi . Còn bên ông Thưởng có ảnh chú tân binh đeo binh nhì nghiêm nghị . 
Lại nghe nói , bây giờ không còn ruộng lầy nữa vì chủ trương của cấp trên một thời đốt rừng trồng sắn trồng chè cho hợp tác xã khiến rừng biến mất nên đất đồi sói mòn xuống ruộng. Ruộng lầy nay thành khô cứng. 
Một mùa hè bà Tần về quê. Các bậc bố mẹ đã qui tiên cả. Một tối, bà ngồi ở cửa nhà nhìn sang ngôi nhà đối diện. Bỗng bà nghe thấy tiếng cuốc kêu. Bà lắng nghiêng đầu. Ơ nhỉ, tiếng cuốc kêu ở miền bắc nghe khàn khàn hơn tiếng cuốc kêu miền nam. .

Sáng 20/6/2018 NTL

Có một người bạn ít tuổi hơn nhưng lớn hơn tôi


Là người Nghệ. Bạn học giỏi nhưng đi bộ đội sớm khi sắp thi tốt nghiệp cấp 3. Sau năm 1975 là người lính e66 Tây Nguyên đi học sĩ quan thông tin. Rồi, chiến tranh biên giới Tây Nam cuốn bạn đi với hàm sĩ quan TT cho đến một ngày chiếc trực thăng xấu số rớt ở vùng Niếc Lương. Bạn là người duy nhất sống sót với hàng chục vết thương trên người. Mất xương sọ, chân gẫy làm vài khúc , gẫy sườn vỡ xương vai… 
Mất đôi năm nằm đủ các loại bệnh viện rồi về quê với thẻ thương binh 91 %. Thế là hết một đời trai. ( có lúc ban nghĩ thế , và người đời cũng nghĩ thế) . Về Hưng Lộc chống nạng đi buôn phế liệu kiếm ăn. Tuổi còn trẻ và khát vọng văn chương làm chỗ dựa cho bạn. Nhưng những năm 80 khốn khó với cả nước VN này. Người tàn tật càng khốn nạn hơn trong cuộc mưu sinh. 
Đến một ngày, một thân một mình vô nam kiếm sống. Tàn tật thì dấu diếm cho kĩ, khoe chả ai thương.Dấu cả thẻ thương binh . Ngủ sân ga , ngủ trên tàu VÍT , bán bóng bay, bán quà vặt, nhục nhằn với hàng ngàn người du thủ du thực nơi bến tàu nhà ga.... đoạn đời không khác gì trong truyện của ông Nguyên Hồng...Ba năm sau kiếm được tiền thi vào đại học Xây Dựng. Rồi vừa lăn lộn chống gậy cà nhắc kiếm ăn vừa học. Khi có bát ăn rồi lại đi học Luật. Cái bằng Cử nhân Luật là bằng đại học thứ 3. 
Trời chả lấy hết của bạn tôi mọi thứ. Đời bạn Hạnh phúc nhất là có người vợ yêu thương trân trong cái body may vá của bạn. NHà nghèo mà vẫn đầy ắp tiếng hát và văn thơ đó mới là nguồn sống tử tế cho con người. 
Bạn bảo, tôi Nghệ nhưng rất không ham đánh bóng cá nhân. Tôi cận kề cái chết và đúng ra là tôi đã chết rồi thượng đế đẩy tôi trở lại trần gian gánh nốt sự tử tế ở đời với đồng đội và những người con gái yêu thương tôi. 
Chiều nay, Hà Nội nóng như nung. Xe Nghệ An chạy gần tới Thành phố bạn gọi tôi. Chúng tôi gặp nhau quán bia Bà Đạt vỉa hè gần ngã tư sở. Ngồi nhìn nhau, nhìn đứa con trai bé của bạn, nó chỉ muốn đi để gặp đồng đội của ba nó . Nhìn dòng người đông nêm trên đường sáng đèn. Ngã tư sở đèn xanh đỏ nhập nhằng chóng mặt. Tôi bỗng nhớ bài thơ “Hà Nội chiều đông” của bạn viết lâu lắm rồi. Một bài thơ rất cảm động mà bạn viết cho một người bạn gái chết vì bom mỹ cuối năm 1972. 
Bạn tôi , một người kĩ sư ,một luật sư một người lính mất 91% sức khỏe , một Tổng Giám đốc, một mình điều khiển 3 công ty , đã làm nhiều nhà tình nghĩa và giúp đỡ đồng đội. Bạn tôi bảo, em chỉ thích làm việc bé mà ý nghĩa lớn thôi không muốn đao to búa lớn mà chả ý nghĩa gì. Bạn bảo, em chống nạng thế này thôi nhưng anh vô Sài gòn em sẽ lái xe đưa anh đi Củ Chi, sẽ tháp tùng anh lên biên giới Tây Ninh . 
Chúng tôi uống bia hơi vỉa hè Hà nội trong cơn gió ngột ngạt . Đứa con trai út của bạn bảo, Ba ơi Hà Nội cũng có gió Lào Ba hè

Ngã tư sở 21/6/2018

Người đội khăn mỏ quạ cuối cùng


Giữa chiều nắng chị trùm khăn mỏ quạ
Ngồi bên sông nơi anh xuống đò
Chị đợi anh trở về 
Dù nơi này không còn đò ngang nữa

Ngày anh đi rét lắm
Chiến trường giục giã hành quân
Chỉ đủ tiền mua tấm khăn thâm
Trùm lên tóc người yêu, anh đi mãi

Thế rồi cứ đến ngày hai bẩy tháng bẩy
Người ta mang quà cáp đến nhà
Bố mẹ ra đồng nằm hết cả
Quà là cân đường mua ở quán người ta

Có cây cầu mới xây
Bến đò thành mồ côi kỉ niệm
Chị là người đàn bà cuối cùng
Đội khăn mỏ quạ bên sông

Lại sắp đến ngày 27/7.

Lên biên giới tìm Sèn Vạn Vần

QĐND - Có một chiến sĩ người dân tộc Nùng, quê Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc, năm xưa cùng đồng đội vào Tây Nguyên đánh Mỹ. Anh là một trong những cán bộ, chiến sĩ có nhiều thành tích nhất của Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) giai đoạn 1973-1975.
Sau chiến tranh, anh trở về quê hương, mang trong mình thương tật và chất độc da cam/dioxin, nhưng hơn 40 năm qua vẫn chưa được hưởng chính sách gì. Cho đến nay, một số cơ quan và đồng đội vẫn tìm mọi cách giúp đỡ anh…
Chuyến đi Hà Giang 6 ngày của tôi về với đồng đội là một hành trình hai vòng tròn. Vòng đầu tiên là thành phố Hà Giang đến các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc rồi quay về Yên Minh. Vòng thứ hai là từ thành phố Hà Giang xuống Bắc Quang, qua Hoàng Su Phì lên Xín Mần rồi xuôi qua Đèo Gió sang huyện Quang Bình vòng về Bắc Quang.
-  Anh à, anh đi vào ủy ban đi, “tao” đang bắt con ngan!Hoàng Su Phì với tôi là những tấm ảnh ruộng bậc thang kỳ thú và cái tên nghe rất xa vời. Bây giờ, con đường nhỏ chạy vào Hoàng Su Phì uốn lượn qua những rừng trẩu, rừng vầu giống như mạn Yên Bái, Lào Cai. Ở vùng này chắc mưa nhiều hơn trên phía bắc nên các con thác cứ trắng túa hai bên đường. Sương mù ở đây ít hơn mạn Đồng Văn và chim muông cũng véo vót hơn. Qua Hoàng Su Phì đến địa phận huyện Xín Mần, chúng tôi cảm thấy như sắp gặp lại thằng bạn Sèn Vạn Vần hơn 40 năm trước đến nơi. Ấy thế mà cứ cặm cụi leo hết dốc cua này sang mỏm núi khác, hỏi vẫn thấy “xã Thèn Phàng ở đằng trước lớ”! 11 giờ trưa đã ngó thấy thị trấn Cốc Pài, huyện lỵ Xín Mần, chúng tôi rẽ tay phải leo lên đường ra mốc 5. Có lúc tôi giả vờ xuống đi bộ chụp ảnh để tránh những khúc đường chênh vênh sạt lở có thể lăn xuống vực bất cứ lúc nào. Mặt trời như xuống thấp hơn, nóng và bụi khiến tôi nhìn những máng nước bên vách núi sao mà quý hóa thế. Một giờ leo núi từ huyện lỵ tưởng lên đến đỉnh hóa ra mới đến xã Thèn Phàng của Vần, đi quanh co trên ngọn núi lôm côm đá cuội to như cái chum, gọi điện thoại cho Vần thấy anh bảo:
Ngôi nhà Vần đây rồi! Tôi reo lên bởi nhìn thấy một thanh niên y hệt chiến sĩ Vần bắn B41 ngày xưa. Mở cửa xe hỏi nó, nó xoa xoa cái bụng cởi trần rồi bảo: “Cháu là con trai bố Sèn Vạn Vần”. Nhìn đồng hồ vừa 12 giờ trưa. Một trăm cây số xe “2 chấm 7” đi hết 5 tiếng đồng hồ! Cười với nhau, cũng đáng đồng tiền bát gạo đi tìm bạn. 15 phút sau, một cái xe máy đưa Vần về. Bụi đỏ nhuộm mái tóc lơ phơ của Vần. Vần nhận ra 3 thằng bạn cùng huấn luyện, còn tôi, anh lom lom ngó rồi bảo: “Không nhận được lố”. Tự-bạn của Vần bảo, đây là Nguyễn Trọng Luân. Vần à lên: “Anh Luân viết bài thơ “Lớn lên với trung đoàn” đây hà? Ồi, đầu óc kém quá rồi, không nhận ra anh Luân rồi”. Vần hỏi: “Anh Luân cũng ở Hà Giang à?”- “Không, tớ ở Hà Nội”-Vần giật mình, cặp mắt bỗng ngấn nước: “Ầy à, từ Hà Nội lên thăm em à. Em ở xa quá à”. Sèn Vạn Vần cứ đứng ngay đơ nhìn hết bạn này sang bạn khác. Nắng vàng từ trên ngọn núi Xín Mần hắt xuống và một cái ô tô leo lên đồn biên phòng loe loét còi.
- Vần ơi, mày được mấy con?
- Em có 7 đứa, nó lấy chồng, lấy vợ cả rồi.
- Vợ mày đâu? 
Vần chỉ một người đàn bà địu đứa trẻ con nép sau căn lều chứa rơm khô:
- Đấy, vợ đấy, nó trông cháu nội. Ngày em đi bộ đội vừa cưới nó mấy ngày, nó đợi em mấy năm lớ!
Bàn chân vợ Vần to phè, mấy thằng con nó cũng thế, chân ngắn nhưng lầm lẫm, nhìn bố lại nhìn bạn của bố rồi cười cười. Tôi hỏi:
- Vần này, tao nợ mày về việc năm 1974 không viết được bài hát về mày khi mày diệt 38 thằng địch một trận ở Plei Me (Gia Lai).
- Ầy à, anh Luân nhớ thế! Em là Chiến sĩ thi đua mà! Đêm trước Đại hội chiến sĩ thi đua trung đoàn, bọn em đánh nhau. Em có thành tích, thế là ngay trong đêm, trinh sát trung đoàn xuống trận địa đón em, mấy thằng đi suốt đêm tới sáng hôm sau vào đại hội đang họp. Ông Mỹ, Chính ủy trung đoàn, cho em là chiến sĩ thi đua luôn, không cần bầu ở tiểu đoàn nữa.
Vần cười, cái cười hiền như đất. Rồi ngó vào bếp giục vợ mổ ngan nhanh lên. Lát sau, Sèn Vạn Vần mang ra một cái túi ni-lông giấy tờ và một hộp nhựa đầy huân chương. Tôi bảo, mình không xem huân chương, cho coi lại giấy chứng nhận các loại đi. Vần đưa ra chục tờ bé như bàn tay nhưng được bọc khá cẩn thận. Nhìn những mảnh giấy giống như của tôi ở nhà, thấy bạn mình thân thiết như ngày nào ở Tây Nguyên. Chúng tôi cùng ngó vào, đọc cho nhau nghe. Sèn Vạn Vần được hai bằng dũng sĩ năm 1974, một cấp ưu tú, một cấp hai; hai bằng dũng sĩ năm 1975 đều cấp ưu tú; một bằng dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú; một Huân chương Chiến công hạng Ba, một Huân chương Chiến công hạng Hai. Còn bằng khen thì chúng tôi không đếm.
Trong lúc mấy thằng bạn ngồi hút điếu ục, Vần đứng lên khập khiễng cái chân viêm khớp kéo tôi ra ngoài. Anh chỉ lên ngọn núi giăng ngang trên đầu, bảo:
- Anh ở lại với em đi, mai lên chợ biên giới Trung Quốc kia kìa, ở trên mốc 5 ấy.
- Anh về thôi, mày chân đau thế, ai đưa tao đi.
- Con em đưa đi.
Tôi ngước lên ngọn Xín Mần cao hơn 1.600m như bức tường thành chắn sừng sững. Trên ấy có chốt đá và còn dãy lô cốt từ thời quân Tưởng sợ Nhật tràn sang. Cột ăng ten cao vút in vào trời thăm thẳm sườn núi, chỗ vàng chỗ xám, lại có chỗ trắng hồng. Vần bảo, đấy là nương tam giác mạch, đẹp lắm. Con đường qua nhà Vần lên ngọn chốt đá xã Xín Mần là con đường mà tổ chức “Áo ấm cho em” vẫn đi. Họ là những thanh niên, nhà doanh nghiệp leo lên đây mang áo ấm, sách vở cho trẻ em hai xã Xín Mần, Thèn Phàng này. Nhìn hốc đá leo heo những đọn bí, đọn su su và đàn gà nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác, mắt tôi hoa lên chập chờn nắng vùng biên ải.
Bữa ăn có mấy thằng lính trung đoàn hơn 40 năm mới gặp lại, rượu ngô nhà Vần thơm lắm. Hai bát canh đậu ván và hai đĩa ngan luộc với muối ớt, thế mà cũng hết hơn lít rượu. Vợ Vần ngồi bâng khuâng nhìn xuống núi hun hút những bậc thang màu nâu xỉn của rạ đánh đống và từng tầng lũy tre cong mái đầu về xuôi.
Chúng tôi về. Sèn Vạn Vần rơm rớm nước mắt. Một ông già Nùng đầy người chiến tích nay khập khiễng đi từ đứa bạn này sang đứa bạn khác để ôm nhau, để dặn dò mong ngày trở lại. Nó gọi với theo:
- Anh ơi, anh cố giúp em làm sao em có cái chất độc da cam, anh nhé!
Tiếng gọi như cứa vào từng triền ruộng bậc thang một nỗi đau. Nỗi đau, nỗi khổ như đá xếp tầng tầng lớp lớp lên những người dân biên ải.
Ở Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 của tôi những năm từ 1973 đến 1975, ít người có nhiều thành tích chiến đấu như Sèn Vạn Vần. Con người củ mỉ cù mì ít nói, hay cười và nói tiếng Kinh lơ lớ nghe vui tai hiền như đất. Vần hay hát và hát cũng hay nhưng chỉ dám hát ở đại đội thôi. Chiến tranh đã kéo tất cả thanh niên trai tráng ít chữ, nhiều chữ từ miền ngược, miền xuôi về một đội ngũ. Cái đội ngũ cùng đi đánh giặc ngày ấy không phân biệt sang hèn, giàu nghèo khiến Vần thích thú và thương nhớ họ mấy chục năm không quên nổi. Tháng 7-2015, Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã làm phóng sự “Lính Đồng Bằng” về Sèn Vạn Vần. Năm ấy, các phóng viên đã đưa Sèn Vạn Vần trở lại Tây Nguyên, trở lại Sư đoàn 320 ở Gia Lai, những mong sẽ giúp Vần thông qua đơn vị cũ để làm được chế độ thương binh và chất độc da cam/dioxin cho anh.
Chúng tôi là Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 320, lên gặp Ban CHQS huyện Xín Mần, gặp Bộ CHQS tỉnh Hà Giang nhờ phối hợp giúp đỡ. Nhưng đã 3 năm nay sự việc cũng vẫn chỉ là động viên tinh thần đồng đội của mình. Tháng 5-2018 vừa rồi, tôi trở lại Sư đoàn 320 gặp đồng chí Đồng, trợ lý chính sách sư đoàn. Sau khi tra soát, tìm kiếm sổ sách ghi chép từ hơn 40 năm trước đã tìm được sổ ghi chép chứng nhận đồng chí Sèn Vạn Vần bị thương ở đồi Mắt Ngỗng tháng 3-1973.
Tôi gọi điện hỏi Vần, Vần kể:
- Mùa rét vừa rồi vết thương ở đầu gối đau buốt, không đi được, cứ đi kiểu đi bằng đít-Vừa nói, Vần vừa cười khùng khục-Giống như mình hành quân mùa mưa xuống dốc ấy mà… Cái mảnh đạn vào đuôi mắt bên trái nó làm mắt em mờ không nhìn thấy đâu. Chiều chiều ngồi nhìn xuống thị trấn Cốc Pài mà thấy toàn là khói trắng thôi anh Luân à!
Vần ơi! Chắc không lâu nữa đâu, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang sẽ nhận được thủ tục để giúp Vần làm giám định thương tật. Dù muộn còn hơn không, Nhà nước sẽ đánh giá đúng công lao xương máu của Vần vì dân, vì nước. Yên tâm nhé, Sèn Vạn Vần-dũng sĩ của Trung đoàn 64 anh hùng!
NGUYỄN TRỌNG LUÂN
 16/7/2018