Sunday, April 7, 2019

TIếng còi tàu


Người đi chẳng hẹn ngày về
Đồng in dấu thị thành bên triền hoa giong riềng đỏ
Mưa sông Thao lâm nhâm ngứa
Suốt con đường mang đất đỏ về xuôi .

Có tiếng còi tàu sinh đôi.
Dọc dòng sông mùa cạn
Đêm phương nào có nhắc
Ngày xưa cua nổi đường bừa

Ai nhắc tôi trưa mùa hạ cá cờ
cua ngoi xôn xao gốc rạ
Em nhìn tay ta rồi buồn rượi
hoa tay của anh cua cắp mất rồi

Cuối năm này ai đi về quê tôi
Đường cao tốc ghé sát đường tàu cũ
Tiếng còi tàu gọi lên xa xăm thế
Hoa trinh nữ rung rinh
NTL tháng chạp Mậu tuất.
8/1/2019

Rau sếu


Không hiểu ở nơi khác có không , chứ mạn bãi sông Thao từ Phú thọ lên Yên bái rất nhiều loài rau này. 
Đó là loại rau cần dại mọc ở bãi ngô ven sông hay những con ngòi đổ ra sông Thao ẩm ướt.
Nó y hệt thứ rau cần bán đầy ỏ Hà nội nhưng cây cứng hơn và mùi hắc hơn. Nó mọc thành vạt dài ven ngòi , rễ nó chùm sâu xuống bùn, nhổ rất khó. Có chỗ rau mọc cao lên đến 30 phân, anh em tôi cắt bằng dao ôm về cả ôm to muối dưa như dưa cải. 
Hồi đó anh em tôi từ Phú Thọ lên học trọ ở Yên bái. Chúng tôi ăn rau này trừ bữa vào cỡ tháng 1 tháng 2 dương lịch hàng năm. Ở nơi tôi trọ học họ cũng biết thứ rau này nhưng họ không ăn. Hai anh em tôi ăn mải miết và lạ ghê chúng tôi chưa bao giờ thấy chán rau Sếu và canh chuối xanh. THật đấy ! đến tận bây giờ vẫn thế. Vại dưa muối bằng thứ rau dại này nước đen hơn nước cống , nhưng thơm. Rét co ro ngồi bếp có bát cơm độn sắn với tú hụ rau sếu hơ chân vào than củi rồi lo đến bài học ngày mai. Lo học tiếng Nga lại còn làm bài nâng cao để thi học sinh giỏi nữa chứ. Cái ngày ấy xa rồi mà cứ ăn vào tâm tưởng trẻ thơ nỗi lo học hành cho đến tận già mõ mà vẫn nhớ.

Tôi xa quê đi đại học được ba năm thì lại đi lính vào nam. Tết năm 1975 sư đoàn 320 lặng lẽ hành quân về Dak lak . Tháng 2 năm ấy chúng tôi áp sát đường 14 gần Buôn Hồ. CHỉ cách đường 14 chừng 1 cây số thôi nên bí mật ghê lắm. Đã hàng tháng trời không có một cọng rau. Một hôm, đến đóng quân ngay một con suối đất bạt ngàn thứ rau này. Tôi bảo với anh nuôi đây là rau sếu, ăn được . Anh nuôi người Thái Bình nói , tao chưa biết rau này. Tôi hái một nắm cho vào mồm nhai và nuốt. Chúng nó tròn mắt đợi hồi lâu không thấy tôi chết bèn vò ra ngửi và đồng thanh kêu lên mùi này như rau cần. Thế là chiều ấy nấu canh rau cần thịt hộp. Ngon lắm, tuy hơi sôi bụng một tí. Đoạn suối ngắn chừng vài trăm mét chỉ hai hôm là hết rau. Tôi nhớ chỗ ấy gần đồn Buôn Rừng. Bây giờ ai đi trên đoạn từ YA HLEO về Buôn Hồ gặp đoạn rừng thông đẹp , nhìn về phía tây chừng 1 km ấy là vùng tôi kể chuyện này. Nơi đó bạt ngạn cà phê xanh mướt mát và rất nhiều đồng đội tôi nằm lại trên những cánh rừng đất Ba zan xa lăng lắc..
tháng 1/2019 NTL

Về thôi tháng chạp


Nào em sắp sửa mà về
Con đê xưa, vẫn cứ bề bề rơm
Nào em tay nải tay đùm
Rổn rang kẹo bánh, những chùm lịch hoa

Lịch về treo cột trong nhà
Áo quần chưa khắp những là trẻ con
Chỉ là gói bánh cũng run
Tay con thắp nén hương lên tạ người

Này là tháng chạp mình ơi
Quê thì xa, tiếng à ơi thì gần
Mẹ cha khuất đã bao năm
Đường về cao tốc rõ gần mà xa

Tháng chạp gần tháng chạp xa
Áo cha sương muối mưa sa cha về
Mẹ buông tay cấy tái tê
Bao nhiêu chợ tết mẹ chia quà nghèo

Ta về níu tiếng còi tàu
Có con mương với sông Thao nhà mình
Hoa dong giềng cứ rung rinh
Thắp đèn suốt cuộc đời mình em ơi

1/2019

ĐẤT XẤU VẮT CHẲNG NÊN NỒI


Thuở bé, nghe mẹ nói mỗi khi tôi rong chơi không nghe lời mẹ chí thú học hành.
Mẹ bảo:
Đói cũng phải học con ạ. Rồi sau này mới mong có ích. Đất xấu vắt chẳng nên nồi đâu con ơi.
Cái đầu non nớt của tôi đâu có hiểu hết nhời mẹ. Nhưng lại rất nhớ.
Chừng năm 1962 có vài gia đình dưới xuôi lên họ ngụ ngay gò đền quê mình. Xưa nay nguười làng mình không ai dám ở đấy. Họ đắp một cái lò trông như tổ một con tò vò khổng lồ. Họ đào đất sét ( quê tôi gọi là đất thó) ngay chân đồi gò đền. Họ làm nồi đất.
Tuổi thơ tôi đã biết thế nào là nồi đất niêu đất. Tôi từng đi bán củi và nhìn thấy những gánh nồi đất úp như mụn rôm hồng hồng ở bãi chợ. Và, cũng may mắn là chúng tôi lại biết được cách người ta làm ra cái nồi đất. Ngày ấy mê lắm, Cái bàn xoay tít mù, đất thó mịn màng màu xám bạc như cái khăn lụa giăng giăng vô tận. Chỉ đến khi người thợ cắt ngừng mới thôi. Nồi lành , nồi méo tùy tay thợ, Nồi đã khó làm , nhưng cái vung nồi còn khó hơn. NHững va đập lúc nặn nồi hay lúc bê nồi sống vào lò khiến nồi méo mó. Sự nồi méo ấy chả ai mong muốn. Đó là tổn thất của nhà thợ làm nồi. Sau này tôi nghĩ sự không hoàn chỉnh khiếm khuyết của một đời người cũng là nỗi đau của tạo hóa.
Quê tôi rậm rịt vô vàn thứ lá cỏ tế ( có nơi gọi cỏ guột ) để đốt lò nung làm nồi đất. Chả hiểu sao ngàn đời xưa dân ta khôn thể , đốt thứ cỏ này nhiệt sinh vừa phải chín nồi đất. Đốt thứ khác nhiệt lượng quá lớn làm hỏng nồi. Nồi sắt lại đun lâu sôi mà có sôi nó không nổi tăm bong bóng như nồi khác. Thuở ấy tôi còn bé, không gánh nổi bó bổi bán cho lò nồi. NHưng tôi thích chơi trốn tìm trong đống cỏ tế màu nâu đỏ ối ở gò đền. Ở đấy , bên trên cái lò nồi như tổ tò vò là cả một trời cấu véo tuổi trẻ con .
Nồi lành úp vung lành, nồi méo úp vung méo .
Ngày xưa ngày nay người ta vẫn hay nói câu ví ấy. Tôi từng nhặt những cái nồi đất méo mó nhà NỒI vứt ra ven lò. Nhặt những cái vung cũng bị loại ra vì méo vì sống mang về. Mẹ ngồi chọn khớp cái này vào cái kia rồi bảo :
- Cái này để kho tép , cái này để rang lạc. Thôi thì nồi lành úp vung lành nồi méo úp vung méo.
Rồi mẹ cười trong lúc mẹ đổ nước lạnh vào từng cái nồi đất rồi bắc lên bếp đun sôi nhỏ lửa lâu lâu rồi bỏ xuống ngâm ở đó gọi là ỏm nồi . Nồi đất không ỏm mà đun nấu ngay là hỏng . Muốn dùng nồi nào nấu mặn thì khi ỏm cho thêm tí muối , nếu không nồi rất dễ nổ . Nồi đất mà dính đất xấu khi đun sẽ nổ . Vết nổ to như đồng xu , tiếng nổ to như tiếng vỗ tay đồng chí. Tôi từng gặp lại con ông chủ lò nồi ngày ấy bây giờ là một lão nông. Ông nhấp chén rượu chiều đông nhìn ra sông Hồng. - Bố tôi biết đất sét vùng ta cạn rồi , xấu rồi không làm nồi được nữa nên chấp nhận sang làm ruộng. Không có vùng đất tốt thì chỉ có mà làm nồi đểu, làm cái thứ nồi cơm niêu ở hà nội bây giờ thôi.
***
Cha Mẹ đã khuất nhiều năm. Cái lò nồi quê tôi cũng đã biến mất từ những năm 1970. Những tay nghề thủ công gia truyền ngày ấy chính quyền cho họ vào HTX Nông nghiệp . Bây giờ họ thành nông dân cày bừa rồi. Nhiều người cầy bừa kém nên họ lăn sang làm nghề mổ lợn và đi buôn nông thổ sản.
Bao nhiêu năm qua , cái bàn đạp nặn nồi đất cứ quay tít trong trí nhớ của thằng tôi. Tôi nhớ người đàn bà gốc Sơn Tây mặc yếm cởi trần béo nhễ nhại đạp cái bàn xoay tay uốn lượn vê mép nồi bóng nhẫy mồ hôi trong những trưa hè. Tôi nhớ những người đàn ông quần lá tọa ngực nở chuyển nồi vào trong cái tổ tò vò nằm nghiêng lên gò đền thờ thánh CAO SƠN làng tôi. Tôi nhớ làn khói đen chuyển sang khói xanh rồi dần sang khói trắng trong những ngày họ đốt lò. Và tôi nhớ mẹ tôi cười bên bếp lửa nhà mình.
Lại nhớ mẹ bảo, nồi lành vung lành nồi méo vung méo.
Hồi lâu, mẹ nhìn ngọn lửa nhảy nhót vui vui quanh cái niêu tôi nhặt về. Rồi khẽ nói:
- Có khi nồi méo úp vung méo lại càng chóng sôi
Tháng chạp Mậu Tuất / NTL
15/1/2019

Rau nào sâu ấy


Về già con người hiền lại, nó y hệt là thằng cu của mẹ ngày xưa. Chả thế bọn trẻ hay nói các cụ toàn chuyện ngày xưa. 
Thế là tốt chứ. Chứ già mà loay hoay chuyện chính trị kèn cựa thì khốn lắm. Khổ sang cả cho con cháu .
Lúc còn bé, nhà tôi nhà gỗ 5 gian ở giữa làng. UB Hành Chính Xã làm việc ngay ở nhà tôi nhiều năm. Ủy Ban chỉ làm việc buổi chiều vì các cán bộ UBHC cũng làm ruộng mà sống như mọi người. Vậy mà sự mẫn cán thật vô bờ. Tôi may mắn hơn chúng bạn ở chỗ UB họ ở nhà mình nên đọc vanh vách nào là Thông Tri, Thông Tư , Nghị Định, …. Mà thực ra là chả hiểu cái gì vào cái gì. 
Nhưng, những cái tên dưới những tờ giấy dán ở UBHC Xã ( tức ở vách nhà tôi ) thì nhớ đến tận bây giờ. Bao nhiêu là giấy khen bằng khen mà của Hội Phụ nữ tỉnh Phú Thọ là tôi nhớ cái tên Lê Thị Ngột kí ở dưới. Mẹ bảo, chị Ngột vẫn hay lên xã mình đấy. Rồi những cái tờ giấy Bằng khen Giấy khen kí tên Phạm Thuần, Đỗ Đức Khóa, Nguyên Thành Đô hay một cái tên rất dễ nhớ với tôi là Lê Huy Ấm ( bố của thằng bạn Lê Hồng Phong người xã Liên phương ) Hình ảnh cái Quốc huy ở giữa và mỗi bên là 3 lá cờ có cái mũi mác nhọn nhọn chĩa ra hai phía in sâu trong trí nhớ trẻ con của tôi đến bây giờ. Nhưng tôi nhớ nhất là cái tên Nguyễn Ngọc Thái Chủ tịch huyện nhà tôi. Sở dĩ tôi nhớ vì bố tôi có đến hơn chục cái giấy khen của ông này kí . Ông ấy kí dưới chữ Chủ tịch huyện Hạ Hòa . Tôi yêu quí và nể phục những cái tên ấy như những cái tên anh hùng trong truyện kiếm hiệp tôi đang đọc. Những cái tên dưới những tờ giấy xưa theo tôi mãi một đời. Tôi yêu quí vì bố tôi có rất nhiều giấy khen mà ở làng ấy ai được như thế. Những cái tên neo lại nơi thành tích của mỗi công dân là những cái tên xứng đáng để ngợi ca, noi theo cho những cuộc đời.

Những năm máy bay Mĩ đánh ra miền bắc tôi đi học cấp 3. Nhà dọn vào trong đồi xa tránh đường tàu. Vườn nhà trồng đỗ đũa nhiều bọ mạt khiếp lên được. Mẹ bảo lấy tro bếp quải thật nhiều. Vườn xu hào có những con sâu to như đầu đũa xanh lét ăn lá xu hào như tằm ăn lá sắn. Mẹ bảo, rau nào sâu ấy. Hỏi mẹ , thế là sao hở mẹ? Mẹ vừa bóc hạt mít luộc để độn cơm vừa trả lời :
- Học cố lên rồi đi thoát li mà tìm hiểu lấy con ạ. 
Rồi mẹ cười cười: 
- Chứ cứ ở làng đói kém thế này ăn cơm độn hạt mít…phải tội lắm

+++
Tôi ít bằng khen giấy khen lắm. Chỉ có 2 cái bằng dũng sĩ hồi bộ đội là của người chính ủy 
Mà tôi kính trọng kí. Đời đi làm của tôi chả mấy có bằng khen hay danh hiệu gì ghê gớm. Bỗng nhiên nhớ chuyện ngày xưa nhớ mẹ nói, rau nào sâu ấy. Nghĩ ái ngại cho những bạn mình có bằng khen do anh X anh Y nào đó kí mà mấy anh đó bây giờ vô Lò hay bị người đời nguyền rủa. Thằng con tôi có cái thẻ nhà báo do anh VAG kí cứ bần thần mân mê của nợ không bỏ được. Có nhiều thứ bỏ đi thì tiếc, treo lên thì …có mà muối vã vào mặt, chỉ vì chữ kí ở dưới...có mà để cho thiên hạ họ bỉu, rau nào sâu ấy. Khổ cả một thời , khổ cho cả Lịch sử.

Đời chả biết đằng nào mà lần.
17/1/2019 

NHỚ MÙA ĐÔNG


Em nhớ mùa đông lắm lắm
Để nói về anh ngày xưa
Bây giờ mình xa nhau quá
Bao nhiêu mùa đông cho vừa

Em có áo tơi lá cọ
Mở ra là thành cánh buồm
Rét gì mà rét đến thế
Em run anh còn run hơn

Chiều đông thổi nùn rơm ướt
Khói cay, má cũng kém hồng
Thấy anh buồn là em khóc
Ơi mùa đông quê, mùa đông.

Có tiếng aó tơi sột soạt
Tiếng đuôi trâu đập vào chiều
em yêu sao mà yêu thế
lửa hồng cái thời gieo neo

Nhón chân mình lội chiều quê
Dấu đàn trâu về chạng vạng
Em hỏi bài anh nhấm nhẳn
Bữa cơm độn mùi củi nương

Rét gì mà rét ghê thế
Mẹ thở dài trong ổ rơm
Anh nhớ chiều nay sương buốt
Anh đi tìm trâu cho em .
Tháng chạp năm Mậu Tuất

ĐÁNH ĐÁO TẾT


Đã Vài chục năm nay, kể từ cái lúc thằng MỸ ném bom ra miền bắc nước ta thì chúng tôi mới quên mất trò chơi đáo tết. Rồi cũng chỉ đôi ba năm sau những thằng đánh đáo trên đường làng lại tòng quân đánh Mỹ. Tôi cam đoan rằng lúc ấy tất cả những đứa đi đánh Mỹ ở làng tôi đứa nào cũng vẫn nhớ trò đánh đáo. Mà vui nhât đời là đánh đáo vào ngày tết.
Những năm 1960 khi xuân về làng tôi vui lắm, nhiều trò chơi lắm. Người già thì tổ tôm điếm, cờ người. Thanh niên chơi chọi gà, cướp cờ kéo co. Còn trẻ con chúng tôi thì chơi đáo, chơi quay , chơi bi. Chỉ thương tụi con gái chả có trò gì ngoài trò que mốt que mai và nhảy lò cò và ô ăn quan buồn bỏ mẹ.
Ngày ấy tôi chơi đáo không giỏi nên thường chầu rìa. NHưng khác với những đứa cùng tuổi tôi hay nghĩ lan can về những đồng xu đánh đáo. Tôi có thể nhớ vanh vách từng loại đồng đáo đến tận bây giờ. 
Trước hết là đồng Cộ. Tôi không hiểu sao chúng nó gọi đồng tiền to màu trắng có hình ông cụ là đồng cộ. Nó nhẹ nhưng to dùng làm CÁI đánh đáo. THông thường chả thằng nào tích trữ loại tiền này , chỉ cần 1, 2 đồng làm CÁI mà thôi. Vì làm CÁI nên cái đồng này sứt ghẻ móp mép đến khiếp. 
Đồng Xu đồng. Loại tiền đồng này bằng đồng đỏ, tôi thích lắm . nó không bị sét xanh bao giờ. Lũ chăn trâu trong túi lúc nào cũng mươi đồng khoe của tao nhiều hơn của mày đều căn cứ vào loại xu đồng này . Loại đồng này đánh đáo thích nhất. Nó lì và tiếng kêu cũng thâm trầm như một nốt nhạc đĩnh đạc trong giàn âm thanh ngày tết làng quê. 
Có một loại đồng tiền mang tên ngoại bang là đồng “ xanh căng” . Đứa nào cũng gọi tên thế thôi chứ chả đứa nào hiểu gì. Mãi lớn rồi đi học đại học mới nghe người ta nói đấy là tiếng Pháp . Là năm xu. Ô, thì ra đó là tienf từ thời pháp. Đồng này trăng trắng dạng hợp kim nhôm vì thấy nó cũng nằng nặng . LOại tiền này chúng tôi chuyên trị để đánh đáo cháy. 
Một đồng nữa là đồng Bảo Đại. Loại xu này bé và nhẹ, không giống đồng Bảo Đại bằng bạc mà mẹ tôi cất đi làm đồng đánh gió . Tôi chỉ phân biệt là Bảo Đại nhẹ và Bảo Đại nặng mà thôi. Cái đồng xu này với dân đánh đáo mệnh giá của nó thấp lắm. 2 Bảo đại mới đổi được 1 đồng xanh căng. 
Những đồng xu cuối cùng là đồng chinh. Đây là loại xu đánh đáo thông dụng nhất . Có hai loại chinh , một là chinh đồng thau , một là chinh kẽm. Loại đồng kẽm rỉ xanh chúng tôi không chơi. CHỉ chơi loại chinh đồng thôi. Loại này mỏng bằng đồng thau lỗ vuông, có 4 chữ nho . Trong bọn tôi đứa nào cũng có một xâu tiền chinh. . Độ oai càng cao khi cái xâu giải rút có chùm đồng chinh ấy càng dài. 
Từ bao giờ chả biết , cái qui ước đồng này ăn mấy đồng kia nó cứ tự nhiên in vào chúng tôi. LỚn lên thì hiểu , chả phải ngẫu nhiên chút nào mà nó có căn cớ nguyên nhân của nó bởi từ người lớn. Chả thế mà cái đồng Cộ có hình ông cụ cứ phải gọi là đồng CÁI.

Tết ở quê hay mưa phùn. Mưa thì đánh đáo ven hè, vào cả nền điếm hay thậm chí kéo lên trường học mái lá vắng lặng mà đánh. Có năm chúng nó đánh ngay cả dưới trời mưa phùn đồng đáo cứ dính chặt xuống đất không tài nao móc lên được. Chỗ thì đánh đáo bật tường. Chỗ đánh bật bay. Chỗ chơi chọi , chỗ đánh đáo mù. Tết cứ râm ran tiếng cười đùa những mái đầu lâm tấm mưa và môi trẻ con lúc đỏ lúc tái và đì đùng pháo trong xóm hắt ra khói thơm quyện với mùi nhang vương vất.
Chửa kịp quên những ngày đánh đáo chơi quay chơi bi ở sân đình, ven đường , dưới gốc đa làng …. Những đứa bạn làng tôi vác súng vào nam đánh Mĩ. Bao nhiêu chúng nó không về. Cả tôi nữa , rồi cũng đến ngày may mắn tôi trở về. Nhưng tết với những trò chơi đánh quay đánh đáo thì không còn nữa. Những đứa chơi đáo chơi bi giỏi làng tôi chúng nó nằm lại hết trên Trường sơn , nằm lại ở vùng sông nước cửu Long. Có đứa năm 1965 còn đánh đáo với tôi năm 68 nó đã hi sinh mất xác trên đường phố Sè gòn. Ôi thằng ấy đánh đáo giỏi lắm. Nó mà đánh đáo ở Sè gòn thì chỉ có mà tuyệt cú mèo. 
Vài chục năm nay , tuyệt nhiên những trò chơi tết xưa không còn. Tôi nhớ những chơi đu, chơi leo cây mỡ , bịt mắt bắt dê, chơi cướp cờ , kéo co, chạy tiếp sức. Tôi nhớ sân đánh cờ người, sân tổ tôm điếm làng tôi tom tom tiếng trống bỏi không ai nhớ nữa mà cứ thấy buồn buồn . Về quê , qua xóm giữa làng , nơi xưa có cây đa và cái điếm gạch bây giờ thành quán ka ra ô kê nhà ai đó. Nhớ bần thần lũ bạn chơi đánh đáo ngày xưa nay lên nằm tất cả trên đài liệt sĩ . Tôi lại ra thắp nhang nơi đài Liệt sĩ quê nhà. Trong nhang khói và mùi hanh hanh bùn ruộng đầu xuân tôi lại thấy ngày tết năm xưa hiện lên và những thằng bạn đánh đáo hiện về từ Trường Sơn xa lắc

sắp tết Kỉ Hợi ( 2019) NTL

Cánh đồng ngày áp tết


Muộn về với gió với mưa
Với quê hương cánh đồng xưa tím chiều
Có người ném mạ liêu xiêu
Chít khăn ngó một con tàu chạy qua

Nhớ gì như thể hôm qua
Tiễn đưa người ấy đi ra chiến trường
Ba lô mang cả bánh chưng
Cái ga tàu cũ lá bàng cũng run

Tết này rét lại rét hơn
Mỏ khăn chít gió trường sơn bạc mầu
Cánh đồng có bèo hoa dâu
Bây giờ chả thấy cái mầu ngày xưa
27 tết Hợi 
1/2/2019

Con về thắp hương ngày tết

Con về thắp hương ngày tết
Lại có con tàu chạy qua
Tiếng còi như là gà gáy
Cánh đồng là những sương sa.

Dấu chân người thơm mùi nước
Sương reo thơm buốt ngó cần
bùn quê mình mịn màng lắm
Con mang lên tàu đi xa
29 tết Kỷ hợi ở quê.
3/2/2019

NĂM HỢI NÓI CHUYỆN LƠN.

Lợn là Hợi nên chuyện lợn gọi là chuyện hợi
Hợi 1 :
Ngày 14/1/1975 Sư đoàn 320 hành quân rời Gia Lai đi về phía nam. Thực ra, Chúng tôi không biết đi mục tiêu hành quân cũng như hướng hành quân khi nhận lệnh xuất phát. Chỉ biết đi là đi. Nắng lên, lính thấy mắt trời bên má trái. Thôi , thế là đi sâu vào hướng Nam rồi. 
NHững năm 72, 73, 74 ở Sư đoàn tôi đều có bộ phận tăng gia dưới đại đội. Họ gôm những chiến sĩ yếu đau bệnh tật hoặc thương binh về đó mà trồng rau nuôi lợn. Hồi đó tôi thích cái kiềng tăng gia lắm. Vì mỗi lần ra đó là như về hậu phương. Đợt hành quân này thì chả ai thích cái anh tăng gia. Lí do rất đơn giản , là lính phải mang theo những sản phẩm tăng gia. Là rau khô, là sắn khô và lợn. Tiểu đội tôi phải mang một con lợn chừng 12 kí. Tôi phân công lần lượt mỗi ngày một thằng đeo lợn. Ngày đầu thằng Tuân nguười Thanh Ba đeo. Nó nhờ một thằng bạn cùng Thanh Ba tên là Thuần Vác hộ khẩu súng còn nó quấn ni lông quanh cái rọ lợn đeo trước ngực. Nó bảo ba lô đằng sau 20 kí con lợn đàng trước 12 kí vậy là cân bằng. Nghe có lí. Đi nửa buổi mùi lợn sộc lên mũi, cái rọ lợn lại bị động đậy khiến nó lúc đầu còn ủn ỉn sau đó thì kêu éc éc. Nắng lên mùi lợn không chịu được nữa Tuân phải đổi hướng cho lợn lên nóc ba lô gò lưng lên dốc. Ngày hôm sau đến lượt thằng NHớn Thái Bình. Thằng này lót ni lông nửa rọ thôi và đeo lên nóc ba lô. Nó bảo để thoáng thế cho lợn đỡ nóng đỡ kêu. NHưng không may cho Nhớn. Vì hành quân mệt với lại chả có cơm thừa mà cho lợn. Chúng nó vê nửa miếng lương khô hòa nước cho lợn uống cả đêm . He he . Sáng sau con lợn đái réo rắt, và nước đái dột xuống ướt hết ba lô. Tối hôm ấy nằm trên võng tôi nghe nó lèm bèm rất lâu. Đ. Mẹ lợn . Đ mẹ lơn.

Hợi 2 :
Năm 1989 nhà bạn tôi tên là Dinh Ngoc cũng là lính 320 được phân nhà tầng 4 ở Nam Đồng. Nhà bé tí nhưng cũng có công trình phụ riêng. Cũng bé tí teo. Cái quí nhất của nhà bạn là có cái cửa sổ ở bếp . Một hôm nó goi tôi, lúc ấy tôi đang làm quản đốc một phân xưởng Cơ Khí đến nhà mà rằng. Mày đo rồi tính làm cho tao cái chuồng lợn treo ngoài cửa sổ . Tôi về cho công nhân hàn một cái chuồng treo conson về phía sau bếp có miếng ton che mái hẳn hoi. Thế là nó nuôi lợn trên không trung. Vài tháng sau nó bảo, bán lợn rồi. Hỏi , được mấy chục kí. Nó buồn rầu. Mịa cha nó , thiên hạ ghen ăn tức ở hay sao mà họ chê là phân thối , lợn kêu . Tao bán vội có hơn ba mươi kí. Tiệc hùi hùi , Mịa kiếp nó đang lớn. Một lúc sau nó cười như mếu. Công nhận nó đái rớt xuống dưới thật, khai éo chịu được. Hai thằng nhìn nhau rồi cùng cười he he .
5/2/2019 

CÔ GIÁO HÀ THị TRỊNH của chúng tôi


Ở làng chả mấy người biết cô. Cô đi học xa nhà từ những năm sau sửa sai sửa đúng gì đấy cho bố cô. Cũng giống như người anh cả của cô trong những năm mù sương của cộng sản làng, đã bỏ làng đi theo đoàn thể rồi sang học tận bên Trung quốc. Những năm ấy bố cô bị đấu tố và qui thành phần, CCRĐ đã làm cho của cải ruộng nương nhà cô chia tứ tung cho có nông cho dân chuỗi dân rễ. Tôi nhớ căn nhà ngói 5 gian của cô trên đỉnh đồi gần nhà tôi có một gian trái, chính quyền để lại cho người chị dâu cả ở ( vì anh cả đi làm cách mạng ) . Cái bếp bên phải là mẹ cô ở . Còn 3 gian giữa chia cho một cố nông ăn xin xiêu bạt lên vùng này. Thế rồi những mảnh đời lắt lay ăn xin ấy lại tìm về quê họ sau hòa bình. Lại thêm sửa sai nữa nên mặc dù ruộng nương đồ đoàn đã bị bần cố nông tẩu tán hết thì gia đình cô còn lại đúng một ngôi nhà. Dù thế ba gian giữa vắng lạnh như xa lạ. VỚi tôi thằng bé ở gần nhà cô thì nhớ nhất cây nhãn cổ thụ nhà cô quả to như quả móc thép thế mà từ ngày cải cách cây nhãn sai chi chít những chùm quả nhãn to như quả soan. Bố tôi bảo cây trái có linh hồn , cây cối trong vườn nó cũng buồn phiền biến dạng đến vậy sau cải cách.
Anh cả của cô là một cây bút của tạp chí Sự Thật rồi sau này về TCXDĐ. Ông chưa bao giờ kêu ca ra mồm điều gì, nhưng có lẽ trong bụng ông đau đớn lắm. Ông về hưu với cái chuyên viên cáp cao ở dốc Ngọc Hà. MỘt con người có sức chịu đựng mực thước phi thường. Một người gọi là Cộng sản đúng nghĩa.
Cô giáo tôi học xong đại học Sư Phạm Hà nội về dậy ở Yên bái từ năm 1961. Cô dậy môn Sinh vật. Lúc bé tôi chỉ nhìn thấy cô mỗi khi tết đến , cô đi lên dốc nhà cô có những bậc đá ong thật đẹp giữa những hàng tóc tiên xanh rì. Tóc cô dài và mượt. cô hỏi chúng tôi, cháu con nhà ai? Cô thật hiền. Thế rồi năm 1966 tôi lại được học cô ở cấp 3 A Yên bái. Hồi ấy máy bay ném bom quê tôi dữ lắm. Chúng tôi đi học qua sông Hồng rồi đi bộ hơn chục cây số vào chân núi . Cũng lúc ấy trường cấp 3A yên bái của cô lại sơ tán về gần quê tôi. Bố tôi nhờ cô xin cho anh em tôi chuyển về trường ngoại tỉnh. Cô là người bảo lãnh cho anh em tôi nhập học. Cô hiền đến mức cô không noi nặng lời được với ai. Hồi học cấp 3 tôi cứ nghĩ, cô không mắng ai được vì cô yếu sức khỏe nên không quát to được. Lớn lên thì tôi biết không phải như thế. Cô yêu học trò cô tha lỗi cho những sai sót của chúng tôi cũng như nhà cô , bố cô, anh cả cô tha thứ cho sai sót của chính quyền những năm cái cách ruộng đất khiến gia đình cô lụn bại. . Hôm nay khi tết Kỷ hợi đã tàn, tôi lại treo bài tôi viết về cô những năm trước. Tôi biết cô đã yếu rồi , tôi biết ơn cô và cầu mong cô mạnh khỏe bình an trong năm mới

Đây là bài viết cũ về cô:
TẾT XƯA TẾT NAY

Lúc bé đi học, lứa chúng tôi đều được dạy Mồng một tết Cha mồng hai tết mẹ mồng ba tết Thầy 
Lễ tết cứ tuần tự, bên nội bên ngoại, rồi thầy giáo, rồi đến những người thân thứ tự cứ thế mà làm không làm được thì cứ thế mà nhớ. Tôi có cô giáo tên là Hà thị Trịnh dậy cấp 3 thị xã Yên bái từ năm 1960. Cô là người cùng làng và cũng là người thầy đỡ đầu để xin cho anh em tôi vào học muộn ở trường cấp 3A thị xã Yên bái. Bố tôi bảo, không có cô giáo Trịnh con chả xin được về học ở cấp 3A YB. Đi học trường cũ qua sông qua đò con sẽ vất vả mà bố mẹ cũng vất vả hơn.

Tết năm 1966 sang 1967. Mồng ba tết anh em tôi đến lễ tết cô. Nhà cô gần đường sắt nên thường sơ tán máy bay. Tết ngừng bắn vài ngày cô lại về nhà cũ. Hai anh em tôi có một cầu bánh gai ( 5 chiếc) lúm thúm gói bằng lá chuối tươi hơ lửa mang biếu cô. Cô cười hiền. Hỏi, nhà Khánh( anh họ tôi) gói hay nhà Luân gói bánh gai thế? Anh Khánh tôi bảo nhà Luân. Tôi bảo nhà anh Khánh. Cô cười tươi hơn. Cô lấy bao thuốc lá Tam Đảo đưa cho tôi bảo, em mang về, cô biếu bố em, cô biết bố em nghiện thuốc. Rồi cô lấy riêng cho anh Khánh một miếng chè lam. Khen Khánh học kì một học giỏi nhất lớp.
Khỏi phaỉ kể 3 năm chúng tôi học và 3 cái tết anh em tôi đều đặn đến lễ tết đúng ngày mồng 3. Bố tôi cấm, việc đến tết Thày không thể đến trước tết cho xong việc.Càng không phải là việc bố mẹ. Mỗi cái tết thấy cô già thêm. Mỗi cái tết cô càng coi chúng tôi là người lớn thêm.
Anh tôi đi học Tiệp Khắc còn tôi đi học ĐH Cơ Điện. Những năm 69. 70, 71 trước khi tôi đi bộ đội chỉ mình tôi đến thăm cô. Cô vui vui lại buồn buồn. Cô bảo tôi là người lớn rồi nhỉ. Cố mà học em ạ, bố bầm nhà em khổ lắm đấy.
Tôi đi bộ đội về cuối năm 75, anh tôi cũng ở nước ngoài về làm ở Viện Khoa học VN. Cô lấy chồng ở xa quê. Tết nào chúng tôi cũng đến nhà cô chỉ có cụ già ngoài 80 tuổi mẹ cô lom khom nhận cầu bánh gai đồng bánh chưng anh em chúng tôi biếu đặt lên bàn thờ.

Cách nay vài năm anh em tôi về thị xã Yên bái thăm cô. Tóc cô bạc phơ người cô dúm dó. Chồng cô mất vì bạo bệnh. Các con cũng đứa gần đứa xa chả có ai làm ăn buôn bán ra tiền. Cô bảo anh em tôi, các em giúp được cha mẹ đỡ đần các em nên người cô vui lắm. Rồi cô tươi hẳn lên nói chuyện hai đứa học trò học giỏi nhất làng cô yêu mến từ xa xưa.
Cô đã tám mươi tuổi còn anh em tôi cũng hơn 60 mươi. Tết đến gần mà những cái tết xưa lại xa nhanh thế. Bây giờ người ta hay dặn dò nhau. Cái câu cũng từ xưa, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Bố mẹ học trò yêu bằng phong bì còn học trò đâu có biết câu chúc câu thăm hỏi thầy cô nữa đâu. 
Thế gian càng hiện đại thì giá trị cốt lõi con người càng dần dần tuột ra khỏi lệ ước nhân quần. Tôi cứ buồn buồn, lẩn thẩn nghĩ. Con người chinh phục cả thế giới những lại là thứ động vật ngu xuẩn nhất ... càng tiến bộ bao nhiêu thì nó lại càng lệ thuộc chính vào những cái điều nó nghĩ ra về khoa học và dần bỏ mất những gì thân ái máu xương trên dưới thâm tình tự nghìn năm cũ.
11/2/2019

Xuân ở quê


Đường về qua dốc mai
Hương xưa vọng mùa sau lá
Cánh đồng cũ rong rêu cánh cò lõm bõm
Xuân hanh hanh sắc nắng vêu vao

Ta dừng chân bên quán giữa làng
Làng ta không có quán từ xưa
Có bóng một thiếu phụ áo hoa buồn như vườn giải tỏa
Mùa xuân loe loét mùi trái cây thị thành mang về .
Kỷ hợi 2019

KỈ MÙI

KỈ MÙI
17 tháng hai
Tết vẫn chưa tan
Nườm nượp những người miền xuôi lên biên giới 
Nơi họ đến
Là những nghĩa trang có thanh gươm chổng ngược cắm vào lòng đất
Dân tộc này uất hận nuốt vào lòng.
Người làng tôi thì nói
Cái năm Kỉ Mùi
Trai làng ra biên giới
Làng vẫn đói, bánh chưng không nhiều
Các anh đi hoa mận trắng liêu xiêu
Nụ cười tết lanh canh đầu ngõ
Những tràn ruộng tái tê
Nghe đài báo quân Trung quốc đánh dọc miền biên giới
Làng sôi sục
Những lớp người muốn khoác súng lần thứ hai
Làng lại gói bánh để tiễn đưa cháu con ra trận
Ơi con sông quê tôi
Chả thể nào ngăn lại
Vì nó chảy về từ phía kẻ thù
Yêu da diết sắc hồng của nước
Nước mắt chiến chinh đâu phải chỉ bây giờ.
Tôi muốn ngăn cháu con tôi đi lễ chùa
Những ngôi chùa tích tàu viết bằng chữ tượng hình
Không phải chữ viết của dân tộc tôi
nghèn nghẹn.
Xin đi theo dòng người lam lũ ngược xuôi
Lên vùng biên ải
Đến quì lạy dưới thanh gươm cắm vào lòng đất Việt
Nhớ rằng
Không chỉ có một ngày 17 tháng hai năm bảy chín
Sáng 12/2/2019

Mẹ

MẸ
Con chỉ có một nơi để làm chỗ dựa
Là tấm lưng của mẹ gầy còm
Con chỉ có một nơi về trú ngụ
Lòng mẹ bao dung những lúc vui buồn

Nay cả lúc tóc con đã bạc
Mẹ đã đi xa vắng những mùa vàng
Thì mồ mẹ vẫn là nơi con đến tựa
Mẹ vẫn cùng con đi trong yêu thương
sáng 13/2/19

THƠ THÁNG GIÊNG

THƠ THÁNG GIÊNG'
*****************
THÁNG GIÊNG 1'
Về quê đi anh
Gửi tóc bạc lại thị thành
Về với em rau vườn nhà mùa này mướt mướt
Chim chìa vôi tung tẩy mạ vừa lên
Con sông qua nhà em
anh đi vào gọi em mở ngõ
Về quê đi anh em ủ rượu vại sành
Ngồi đỏ lửa, nước rượu đầu nghiêng hai đứa
Cháu con say ngủ
Mấy chục năm thủ thỉ
Chúng mình nhìn nhau nghiêng ngả bếp tháng giêng
Má em hồng phải lửa hay không?
Rượu cất đêm nay, bếp quê nôn nao lửa
Mấy chục năm xa mẹ
Đêm tháng giêng như thể mẹ cũng về
Em nghe ngoài đê
Sông đầu năm đã lũ
Củi vớt một mùa đun hai năm vẫn đủ
Về đi! anh ấm cả bốn mùa
------------------------------------
Tháng Giêng 2
Rằng về đi hội tháng giêng
Mình ơi cái rét chân hiêng than hồng
Nhà em củi vẫn chất chồng
Ngoài đê em đánh rạ đồng mấy cây
Giong giềng loe búp hây hây
Có người năm ấy cầm tay xuống đò
Một câu buông vạn câu chờ
Mấy mươi con nước qua đò nhà em
Về đi xem hội tháng giêng
Trẻ con yếm đỏ làm em thẹn thùng
Về đi, anh có về không
Còn phiên chợ nữa cạn lòng sang hai
___________________

THÁNG GIÊNG 3 .
Em khăn choàng mờ sương tháng giêng
Khói hương dâng cõi mây trôi nghiêng
Tiếng gió tiếng mưa loang như tiếng mõ
Gió, lễ , thinh không, nam mô , nam mô
Hoa nhãn rắc tơ hương thơm đêm chùa
Đừng mưa đừng mưa nắng lên như tơ
Chòng chành chòng chành ong quê làm thơ
Như ngày anh đi - em về ngẩn ngơ
Tháng giêng tháng giêng em đi lễ chùa
Anh đi về phía rừng xưa thay lá
Hoa lau trên 1015 trắng quá
Em đến chùa nào gửi nam mô nam mô
Bốn mấy năm hoa cỏ chúng sinh
Bốn mấy năm tiệu độ thiền linh
Tháng giêng tháng giêng hoa lau trắng quá
Anh đi về miền hoa lau bạn anh …hi sinh.
12/3/2018

Với dòng sông Biên ải


Ôi Đất nước thê lương vì “ tín ngưỡng”
Những là “sao” là “ hạn “ chiếu tứ tung
Ôi miếu mạo chùa chiền biến tướng
Tiền của dân đốt ở túi không cùng

Này em hỡi tháng giêng đi lễ
Hãy chắp tay thành kính với tiền nhân
Chẳng có thánh thần nào đâu em ạ.
Bớt đi chùa mà đến những nghĩa trang

Ta cùng đến thắp hương cho đồng đội
Cho cha anh ngã xuống ở trận tiền
Đặt ở đấy bông hoa đồng nội
Dậy cháu con yêu đất nước Hòa Bình

Ôi đất nước, Nguyên Tiêu thơ đỏ thắm
Sắc hồng xuân đến biên giới hay không?
Ôi giá được hóa thành thơ Lý Thường Kiệt
Sáng rằm nay in sông nước Kỳ Cùng
19 /2/2019

Thơ tháng hai

CÓ gì đấy không mà vội 
Sáng nay lành lạnh gió về
Thành phố không có chim hót 
Cười như ka ra ô kê

Dẫu là rét tê rét tái
Ngực trẻ vẫn lên môi cười
Có chuyến xe về trên ấy
Ngọn sông lửa bếp hây hây

Tết xong bao nhiêu là hẹn
Tháng hai chật hẹp lắm rồi
Chỉ nguyên những là kí ức
Cũng đang rạo rực thơ tôi
22/2/2019

Mưa phùn


Bỏ quê đi quá nửa đời
Ngày về đầu bạc như vôi cuối bình
Mưa phùn lá cũng rung rinh
Giọt như ngấm lạnh từ mình đến ai

Người đi cơm gạo đàng ngoài
Người về măng tép như hồi trẻ thơ
Có con nghé đứng ngấn ngơ
Liếm mưa gọi mẹ à ơ mưa phùn
26/2/19

Mùa ăn măng


Ở quê tôi mùa mưa phùn đầu xuân là mùa đi đào măng. Quê tôi gọi là đi ăn măng. Nhớn lên ra thiên hạ chả thấy ai nói thế . Cứ ngẫm mãi chắc chuyện đào măng quê mình để mưu sinh, để ăn cho no, nên chuyện đào măng để sống chứ không phải để vui, nên gọi là ‘ ăn măng” . Mà đúng là ăn măng thật. Tôi đi đào măng, ăn củ măng ngay ở trong rừng. Ăn cho đỡ đói, cho đỡ khát nước. Ăn cho có sức để mà đì hết gò này gò kia , chiều về gánh hai, ba chục cân măng đi 15 cây số về nhà. 
Ngày ấy làng tôi không có măng vì không có nhiều rừng vầu. Chúng tôi phải lên đất Yên Bái kiếm măng. Ai chưa biết Yên Bái , hay đúng hơn là biết thành phố Yên Bái ngày nay thì tôi nói luôn rằng THành phố Yên Bái là một khu rừng măng ngày xưa. Măng nứa , măng vầu , măng anh, măng chìa vôi , măng sặt , măng đắng , măng ngọt, măng nứa … kéo dai từ đầu xã Tân Thịnh cho đến xã Thịnh Hưng ( Yên Bình cũ) có đến 13 km toàn là rừng vầu. Măng ở vùng Nam cường, Cường Thịnh cũng nhiều . Cho tới những năm người ta phá đất làm sân bay Yên Bái mà măng vẫn miên man cả trong đồi cọ xen lẫn vầu lẫn nứa. 
Bây giờ tôi lạc hậu, chả biết tên phố tên phường ở TP Yên Bái. Nhưng mỗi lần tôi trở lại TP này đi đến đoạn nào thì tôi nhớ rừng măng ngày xưa ở chỗ ấy. Tôi nhớ chỗ Cầu Dài ngày xưa nhiều măng nứa. Tôi nhớ xóm Tân Thịnh xóm Thanh Hùng măng ngọt, Tôi nhớ xóm Lem Thanh Hùng miệt mài những là măng đắng . Triền rừng kéo dài đến PHú Thịnh đến Thịnh Hưng trong nhà máy Z1 xưa kia chao ơi là măng to như con lợn cắp nách ngày nay.
tôi nhớ mùa mưa phùn sau tết là mùa ăn măng. CHúng tôi chỉ mong tan học là về đi vào trong Thanh Hùng để đào măng rừng LEM. Tôi nhớ có một thời lũ con gái lớp tôi trọ học trong xóm dóc bên kia dốc Sồi Gai . Chúng nó bảo măng DÓC ngon hơn măng LEM. 
Anh em tôi thích măng Lem hơn . Rừng Lem ở phía bên kia dốc Sồi Gai . Bên ấy có hai chị em con Châu và thằng Hải trọ học ở đấy, chúng nó dẫn bọn tôi đi đào những ngọn măng mọc trong tổ mối to như bắp chân con gái dậy thì. Những ngọn măng vàng sẫm . Những ngọn măng nằm chìm trong lòng đất, tai nó chưa nhú lên không khí nên trắng ởn, đào lên nó hồng hào dưới nắng. Chúng tôi gọi là măng tai trắng. Hồi ấy tôi biết anh tôi rất thân với con Châu . Chị em nó ở tận trên Hưng Khánh về Yên Bái học cấp 3….
Chả hiểu sao , nhớ về mùa mưa xuân là nhớ về mùa măng. Nhớ về Yên Bái là nhớ măng đắng. Khỉ thế.! Hễ nhớ đến mùa măng là nhớ những đứa bạn cả giai cả gái đã xa tít tắp chả bao giờ gặp lại. Mà cứ nghĩ đến chúng nó là thấy nôn nao vui buồn nhớ cả những tiếng cười tiếng gọi nhau í ới rinh rích trong rừng vầu ẩm ướt ngày xưa. Nơi ấy chúng tôi yêu tuổi học trò và nhiều mơ ước. Chả biết có đứa nào nhớ tôi không? Tôi thì nhớ chúng nó lắm.

NTL 26/2/019

Mèo Vạc bính bong


Thương lắm hoa đào ngậm sương
em chờ anh ngoài máng nước
Suối nói róc rách
Hoa đào không nói gì chỉ hồng lên

Níu níu bàn tay vào đêm
Đường về Khâu Vai lạnh quá
Nho Quế từ đây đổi dòng
Bính bong nhạc ngựa qua sông.

Em khát rượu ngô Mèo Vạc
Có tiếng người vợ nhà bên hát
…”Cái vòng cổ năm xưa
Mùi ngô nướng váy hoa say ngất ngư “
Anh bảo… mai về xuôi, sông Hồng rực lên
Hoa đào Mèo Vạc không giống như hoa trong thơ
Em bảo
Người Kinh khôn lắm
Anh bảo
anh yêu lắm
Yêu thứ hoa đào uống sương dại khờ
Bính bong bính bong nhạc ngựa vào thơ .
27 /2/2019

Nhớ Bèo Hoa dâu

Nhớ Bèo Hoa dâu
Lâu lắm rồi không nhìn thấy bèo hoa dâu ở đâu nữa. Nhiều khi thấy nhớ nhớ. Quả thật thứ bèo này hiền lành và đẹp. Nó chỉ có ích chứ chả có hại. Chả biết khoa học nghiên cứu vè nó có gì khác không mà lâu nay nó coi như là tuyệt chủng. 
Sở dĩ tôi nhớ bèo hoa dâu vào tháng này vì ngày xưa đi làm cỏ lúa sau tết là bèo nổi loang lổ trong ruộng lúa rồi. Đến hồi làm cỏ đợt hai nước rút gần cạn là bèo nở kín chân lúa . Khi lúa làm đòng bèo cạn trên mặt bùn rồi tiêu vào đất ấy là lúc lúa ngậm hạt. 
Đi làm cỏ lúa bèo hoa dâu bám vào bụng chân . Cánh bèo to nhỏ khác nhau ấy là do con người chăm bón bèo khác nhau. Có ruộng bèo xanh ngát như màu mạ. Cánh bèo to như hạt bưởi. . Có ruộng bèo tím co tím quắt . cánh bèo bé như hạt đậu tương. Bao nhiêu là loại bèo thì rễ bèo nao cũng là chõ xấu nhất. Ấy thề mà rễ bèo hoa dâu vẫn xinh xinh , nó không đen sì mà hồng nhạt và mềm mại. Hay đáo để . 
Bèo hoa dâu nhân giống toàn vào lúc rét. Những ruộng bèo phẳng lì, nước phải yên ả bởi những ô ngăn bằng thân cây nứa nổi . Họ làm thế để bèo không loang ra không trôi nổi theo dòng nước . Thức ăn của bèo hoa dâu chỉ thấy là những gio bếp. Gio bếp đều phải giần cho thật mịn. Những sáng tinh sương đi học, rét con ron bàn chân trên liếp cỏ, đã nhìn thấy các chị thanh nữ quải gio bếp cho bèo . Bụi gio bếp bay trong sương mai đùng đục. NHìn các chị buộc cái khăn mùi soa làm khẩu trang, quấn cái khăn mỏ quạ lên mái tóc dài, trong màn gio bếp mắt người con gái quê tôi long lanh. NHững cô gái bèo dâu tóc dài nhanh nhánh trên ruộng bèo đọng sương li ti , những đốm sáng long lanh trên mặt ruộng. Tôi nhớ mãi đến bây giờ. Tôi nhớ những năm máy bay đánh bom quê tôi, ấy là những năm bèo hoa dâu tươi ngơn ngởn. Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn sao ngày xưa đói kém chiến tranh giặc giã đến thế mà đàn bà họ đẹp thế. Hiền thế . Đáng yêu thế. Rõ là giữa thời kì hội nhập nói ra lại càng chứng tỏ mình lẩm cẩm. Mà chả nói ra thì lại bảo mình phũ phàng với thời mình đã sống.
Tôi nhớ vô cùng những chiều sẩm tối đi bộ về từ trường xa hơn chục cây số. Đồng làng đã sám sẹt màu mắm tôm , chỉ có những ruộng bèo hoa dâu thì ánh lên nhấp nhóa. Tôi từng vò nắm bèo khi đi làm cỏ lúa đợt hai lúc tháng 3. Nó mềm mại nó kêu lép tép trên bàn tay .Cánh bèo hoa dâu lam nham êm như mớ lá mạ phơi khô vò nát để làm túm bông kì chân của lũ con gái. Giữa vô vàn các loài bèo như bèo tấm, bèo cám, bèo ong, bèo cái, bèo lục bình thì bèo hoa dâu hiền hậu và xinh xắn hơn cả. Tôi cứ bần thần nghe người đời hới mưng cho là một thời anh PT mang bèo lên vũ trụ để lâu nay nó khuất bóng ở quê mình. Tôi chả tin là nó tuyệt chủng. Vẫn nghĩ rằng nó có ích làm mầu cho đất . Tôi nhớ cái cánh bèo như một loài hoa. Loài hoa cho một thứ quả ngon tuyệt vời. Ngâm rượu cũng tuyệt vời. - Quả Dâu .

NTL 2019 - tháng 2.

Cửa rừng


Ngày anh đi sân ga buồn thê thắt
Em về rồi sương đá sám heo may.
Phía cánh rừng có nhiều tóc thắm
Suối La Hiên lá biếc buông mây

Người đi mãi rồi một xuân uể oải.
Dừng bên đường ngày trước xốn xang nhau
Có cô gái trong thôn như đợi sẵn
Mẹ cháu ngày xưa đợi ở cửa rừng này...

La Hiên
ngày đi Lạng sơn

Tháng 3.2018

VỢ NGƯỜI ANH HÙNG.




( Cho ngày 8 tháng 3 )

Anh và chị học cùng nhau hết cấp 2 thì anh nhập ngũ. Ngày ấy chả cứ quê tôi mà bất kì làng xóm nào trên miền bắc thanh niên học tới lớp 7 mười sáu mười bẩy tuổi là xung phong nhập ngũ vào nam đánh Mĩ. Họ chia tay nhau ở bụi tre ngay đầu bến đò. Tôi nghe kể, lần đầu tiên người quê tôi nhìn thấy trai gái hôn nhau chính là anh chị . 
Cái bụi tre bến đò ấy vào năm 1968 vỡ đê có đến tám người làng chết đuối. Nước sông Hồng quét sốc vào tận làng trong. Nửa tháng sau nước rút, cả cánh đồng làng tôi toàn một thứ cát càng khô phênh phếch. Chị ấy đứng ở chỗ vỡ đê khóc một mình. Chị khóc cho ngày chia li mối tình anh chị và lại cũng khóc những oan hồn của thiên tai. Chị tiếc lắm cái bụi tre nơi hai anh chị ôm nhau trước ngày anh đi bộ đội.
Nhưng lúc ấy họ chưa biết chị là gái góa. Anh nhập ngũ năm 1965 thì kì nghỉ phép đầu năm 66 anh về cưới chị . Cưới xong mươi ngày là đi. Anh nói anh lái xe vào Trường Sơn. Hồi ấy làng tôi chỉ có anh là người biết bẻ máy ô tô . Anh kể chuyện, lũ trẻ con chúng tôi sướng nhất là tiếng bim bim và dáng nghiêng người cua xe vòng quanh đồi. Nhìn anh kể chuyện chị nuốt nước bọt và mắt chị long lanh. Chị làm vợ có mươi ngày rồi là thành gái góa.
Anh vào Trường Sơn một hai năm thì thành Anh hùng. Chị bảo chị không biết cái ông Anh Hùng già hay trẻ. Đảng ủy quán triệt mãi chị mới hiểu. À thì ra Anh Hùng cũng giống như Chiến sĩ Diệt Dốt hồi năm 1959 mà bố chị được tặng cái giấy chứng nhận treo trên vách liếp mốc meo đến tận giờ. Oai lắm đấy. Hàng ngàn người mới có một người Anh Hùng. Chị sướng như được mùa. Nhưng khốn thay khi chị nhận giấy báo tử thì mới biêt chồng mình là anh hùng. Chị đeo tang trắng và súng k44 ra đồng sản xuất cùng thanh niên làng hết hai năm thì bỏ khăn. Sau lúc héo hon chị dần trở lại mỡ màng. Mới 24 tuổi đã làm gái góa. Vợ góa liệt sĩ người ta nể bao nhiêu thì lại sét nét bấy nhiêu. Khổ lắm. cái gương con cũng chỉ dám soi ở trong buồng. Má mà ửng đỏ ở chỗ đông người thì thật là khốn nạn. Lại có tiếng phỉ pheo, đấy chồng chết chửa đoạn tang đã nứng. Chị khóc nghẹn họng, chị cắn răng hàng đêm.

Truy điệu chồng chị to lắm. Có cả Huyện ủy về. Cả làng đau xót. Cả làng mừng. Từ bao lâu đến giờ làng tôi mới có sự kiện một người là Anh Hùng LLVT. Ông Bí thư Đảng ủy phát biểu cảm động như chính nhà ông ấy có người Anh Hùng. Chị chả nhớ được gì suốt ngày vật vã bên cái mộ giả úp cái thuyền thúng phủ lá cờ đỏ lên mà gọi anh. Gọị mãi cho đến lúc đêm thì ngủ thiếp đi. 
Anh về. 
Anh đến bên chị. Be bét những đất và máu. Một bàn tay ôm lấy bụng, một bàn tay vuốt má chị. Chị bảo, sao anh không ôm em bằng hai tay. Anh bảo, anh phải bịt tay vào chỗ thủng ở bụng kẻo ruột nó xổ ra. Mảnh bom thằng Mĩ văng trúng bụng anh em ạ. Mẹ cha nó, nó đánh bom suốt ngày đêm, đại đội anh đã mùa chiến dịch vận chuyển Thương nhớ Bác Hồ. Em biết không suốt từ Lùm Bùm đến Phu La Nhíc bọn anh không một ngày ngơi nghỉ….
Chị níu lấy tay anh. Anh lại vuốt má chị. Anh cười, cái bụi tre chúng mình ngay đầu bến đò sang làng Lâm ấy bây giờ vẫn đẹp như xưa hả em. Những đêm TRường Sơn xoay cung tăng chuyến anh chỉ hình dung ra cái bụi tre chúng mình hôn nhau là quên được bom và đạn hai mươi li của kẻ thù. 
Thằng Mĩ thua chúng mình là cái chắc em ạ. Ở Trường sơn anh gặp nhiều cô cũng tuổi em mà dũng cảm lắm nhé. Bom vùi bom cháy cả rừng mà các cô ấy vẫn cười vẫn sống trên mỗi cung đường anh qua. 
Anh nhăn nhó. Ruột anh lại lòi ra rồi em. Giúp anh ấn nó vào đi.
Anh lại cười khe khẽ, tay kia lại đặt lên vai chị. Lần này thì anh khóc. Anh bảo , em ơi trời chưa thương cho mình một đứa con , em còn trẻ em hãy đi lấy chồng và cố đẻ một đứa con. Nếu có con gái hay trai cũng cứ lấy tên làng mình mà đặt tên con. Để anh dễ nhận ra con em cũng là con mình. Tên làng mình em nhé. Làng Đan.
Chị bừng tỉnh. Xung quanh chị đông người quá. Ai cũng đang khóc. Có cả ông Bí thư đeo xà cột thở phào. Chị nghe thấy tiếng ông nói rõ to. May quá, thế là đồng chí ấy tỉnh rồi . May rồi. Không có gì phải quán triệt nữa. 
Ông ấy đi ra khỏi đám đông. Chị lại nhắm mắt, bên tai chị ồn ã có cả tiếng khóc của mẹ đẻ của chị và tiếng trống hộ đê. Năm ấy cũng mưa nhiều lắm.

***
Một năm sau khi chồng chị trở thành anh hùng thì chị được bầu là Bí thư Xã đoàn. Chị lao vào công việc để quên nỗi buồn nhớ anh, nhớ 10 ngày làm vợ. Đêm , chị quằn quại trên cái giường chỉ một thứ mùi đàn bà ngai ngái xanh xao. Đầu giường chị là những lá thư của anh trên Trường Sơn gửi về và những Công văn Nghị quyết triển khai công việc của đoàn thanh niên xã nhà. Những lá thư liệt sĩ lẫn lộn trong bộn bề cuộc sống làng quê những ngày cuối của cuộc kháng chiến như thể nó đan chéo vào nhau mà lại đồng điệu đến giản đơn. 
Cũng ở trên cái giường ngài quạt gỗ xoan tươi mà anh chị ở với nhau mười đêm ấy bao nhiêu ý tưởng phong trào đoàn xã ra đời. Nhưng phong trào đoàn càng đi lên bao nhiêu thì chị lại càng mình thấy mình tội lỗi bấy nhiêu, bởi má chị càng ngày càng đỏ, ngực chị càng ngày càng căng. Có những lúc đang cười nói rộn ràng chợt nhớ mình là vợ anh hùng mà ngưng bặt không dám đùa vui với bạn bè nữa. Cũng có lúc đi đào mương thủy lợi ngồi ăn mía bên bờ mương chợt vùi khúc mía xuống cát chụp cái nón lên đầu. Anh ơi, em giữ là giữ cho anh. Giữ cái anh hùng của anh. Cái vườn nhà mình lâu nay không trâu bò nhà ai dám lại vãng đến mà phá phách nữa. Cỏ vườn um tùm, lối vào nhà mình cũng xanh rì những rêu trơn. Em bỗng thấy hình như họ chỉ nhìn em từ sau bờ rào đầy những dây tơ hồng phủ kín cúc tần. 
Giời ôi, ra là chị cũng lại phải làm anh hùng thay cho chồng. Không những thế chị còn làm anh hùng cho cả nhà chồng cho nhà mình và cho chị. Sao đời chị nặng nề đến thế. Có lúc chị nghĩ dại, giá mà anh không phải là anh hùng có đỡ cho chị không....

Một năm hai năm rồi ba bốn năm năm. Ngôi nhà vợ người anh hùng xanh mướt mát những là rau ngót và lá mơ tam thể. Những đứa bạn chị đi lấy chồng hết cả. Lâu rồi chả thấy đứa nào sang mà hái rau mà vặt lá mơ về thịt chó. Vườn nhà chị sau mỗi trận mưa dẫm xèo bọt mùi tanh tanh. Chị đã hai khóa bí thư xã đoàn. Chị xin nghỉ mà chưa được , chưa có ai thay chị. Có mấy cô phó bí thư nay đi lấy chồng cả. Các đồng chí thấy chị son rỗi đoan trang nên động viên chị làm tiếp. Chị vạch ngực soi gương thấy đầu vú đã thâm thâm. Chị quay trước quay sau đấm đấm vào mông vuốt vuốt lên ngực rồi khóc. Ngôi nhà chị bí thư xã đoàn mùi ngai ngái giống như cái mùi tanh ngái từ vườn đưa vào.
****
Cũng lại một ngày mưa anh ấy đến. Anh tên Long. Chị biết anh vì anh cùng đi bộ đội với chồng chị. Nhưng anh ấy có học hơn nên được đi binh chủng thông tin còn chồng chị đi lái xe. Anh châm nhang thắp lên bát hương bố mẹ chồng chị trước rồi thắp nhang vào bát hương chồng chị. 
Anh khấn : Thiện ơi, tớ về thắp nhang cho cậu đây, tớ cũng ra quân rồi, sống khôn chết thiêng thì phù hộ cho vợ cậu. Cô ấy cũng khổ lắm Thiện ạ.
Lần đầu tiên chị thấy có luồng điện chạy rùng mình từ đầu xuống chân. Chị thấy que hương rung bằn bặt. Lần đầu tiên chị thấy như có người ôm chặt lấy chị, ghì ngực chị, nén cặp vú như hai cái vét si bóng khiến chị tức thở. Anh ấy thẫn thờ nắm tay chị rất nhanh rồi ra về cũng nhanh. Ngoài ngõ có người hàng xóm đứng hái búp cúc tần về đắp chân cho trâu bị cước chân nhòm vào.
Chị không rõ mình ít cười từ bao giờ, cũng không rõ mình nói không to như trước từ bao giờ. Lâu nay chị đã quen hễ mở mồm nói điều gì là nhớ ngay chồng mình là Anh hùng. Đến nỗi đi chợ mua sắm cái gì là hôm sau cả làng biết vợ người Anh hùng ăn món gì. Nhưng chị nhớ rất rõ mỗi kì giỗ bố mẹ chồng các đồng chí lãnh đạo xã nói gì với chị. Chị cảm động đến cứng người khi các đồng chí khen chị đoan trang xứng đáng người đảng viên vợ một người anh hùng. Bao giờ cũng thế đêm ấy là chị ôm cái gối thêu con chim bay con chim đậu cũ mèm mà khóc.
Chả hiểu sao , bao lâu nay có thế đâu ấy vậy mà kể từ buổi sáng anh Long đến thắp hương cho chồng chị chị thấy mình khác quá. Đêm ấy, chị thấy người nửa nóng nửa lạnh. Chị nằm sấp xuống chiếu cọ cựa cái bụng . Chị ôm chặt cái gối, chị bổ ra sân rồi lại bổ vào giường.. Có con thạch sùng tặc lưỡi . Sao người đời lại hay nói cái câu "thôi thì tặc lưỡi". Chị ôm ghì cái gối có con chim bay chim đậu mà thở hổn hển , hưng hức khóc . Khóc cho đến sáng. Lúc gà gáy chị dậy thắp nhang cho bố mẹ chồng cho chồng chị nhớ đến anh Long lúc chiều. Người chị lại thấy có luồng điện nhoi nhói chạy qua.

Năm sau anh Long hỏi cưới chị. Anh Long lên xã trình bày với Đảng ủy Ủy Ban, rồi xin phép họ hàng bên chồng cũ của chị. Đám cưới diễn ra thật đơn xơ, cũng trà thuốc và mươi mâm cơm hai họ. Nhưng ở làng thấy gường gượng. Các cơ quan đoàn thể như vừa mất đi cái gì mơ hồ nhưng cũng thở phào cởi bỏ một cái gì mơ hồ không kém. 
Ngay sau đám cưới anh chị về ở với nhau trên ngôi nhà của chị vì đất này là của mẹ đẻ chị cho chị khi xưa chị đi lấy chồng. Cũng năm ấy chị thôi công tác . Vợ chồng chị lại làm ruộng và hưởng trợ cấp thượng úy của anh Long. Bao nhiêu nỗi lòng của chị trong căn nhà ngai ngái mùi đàn bà ngày mưa nay biến mất. Chị hạnh phúc ngay trong căn nhà bất hạnh của mình khi tuổi cỡ ngoài ba mươi. Chiến tranh vừa mới qua được vài năm, những hân hoan đợi chờ vỡ òa, tiếng cười tiếng nhạc lẫn trong kèn trống của hết đám báo tử này đến báo tử khác. Chị thấy mình vừa đau đớn mà cũng vừa hạnh phúc, hạnh phúc hơn khối người. 
Năm ấy, lần đầu tiên chị được chồng tặng hoa vào ngày 8/3. Chị òa khóc. Thế là cũng có lúc chị được hạnh phúc như người đời. Suốt những năm chị làm Xã đoàn làm Chấp hành Phụ nữ chỉ lo tổ chức tặng hoa ngày lễ ngày mít tinh 2/9 , mồng 8/ 3 . 20/11, 30/4 ...cho người khác. Cứ như thể việc ấy đương nhiên họ được hưởng và chị đương nhiên phải đi tặng họ. Cũng hôm ấy chị ôm lấy chồng mà khóc mà nói rằng.:
- ...anh ơi , mồng 8 tháng 3 sao em không thấy họ mang hoa vào nghĩa trang tặng những nấm mồ mang tên con gái hả anh? 
Anh Long đớ người ra. Anh nhìn chị, ngượng ngùng trước một người đàn bà là vợ mình. Tự dưng anh Long nhớ anh là đảng viên và thấy mình như là người có lỗi với những người phụ nữ đã hiến tuổi xanh của mình ở ngoài mặt trận.

Một năm hai năm rồi ba bốn năm năm. Chị mơ hồ nhận ra nỗi buồn của chồng mình. Những nỗi niềm khe khắt dòm ngó của người đời ở một vùng nông thôn đối với chị khi trước thế nào thì nay lại chuyển sang chồng chị. Họ để ý xem anh ăn ở với vợ một người anh hùng ra sao. Họ cứ nghĩ rằng anh luôn núp dưới cái bóng tiếng tăm của vợ. Rằng cái thượng úy của anh chả là gì với danh xưng một liệt sĩ anh hùng. Quá lắm thì anh thượng úy về một cục vì sức khỏe yếu mà thôi. 
Gần bốn mươi mà chị vẫn không thấy có chửa. Chị cởi áo nhìn ngực mình thấy vú xẹp dần mà thâm bẳn. Nước mắt chứa chan. Anh đứng sau cũng dàn dụa nước mắt. Anh cho chị biết anh đi khám và biết mình vô sinh vì chất độc da cam từ chiến trường Tây Nguyên mang về. Đêm ấy anh bảo chị, em còn khả năng có thai thì nên đi lấy chồng hoặc thích ai thì cứ ăn nằm với người ta kiếm đứa con. 
Chị khóc nức nở. Chả gì em cũng đã là vợ một sĩ quan, vợ một anh hùng em sao có thể làm như thế. Em có trách nhiệm với anh cũng như trách nhiệm vợ một người anh hùng chứ anh ơi. Cả hai người cùng khóc. Hồi lâu anh bảo, Em khổ quá em ạ. Khổ với anh đã đành em khổ vì cái anh hùng của chồng em nữa, nỗi khổ ấy đeo nhũng nhẵng nhẹ nhàng mà quán nặng một đời em. Anh thương em lắm.
Sau lần ấy chị chủ động cùng anh đến từng nhà các cựu chiến binh trong làng tổ chức hội đồng ngũ, hội chăn trâu, hội cùng đơn vị và lấy nhà mình làm trụ sở sinh hoạt. Anh và chị lại đi tới nhiều xã trong huyện thăm hỏi các bạn bè cuả chồng cũ chồng mới. Vợ người anh hùng lại sống lại như một hồi chị làm bí thư xã đoàn.

***
Đoạn kết
Năm nay nước lại ngập lút đồng. Từ xóm làng chân đồi nhìn ra, nước e e như nồi canh cua lẫn rau rút lều phều. Nước sông Hồng lạnh như kem. Chị lội lõm bõm ra bãi soi. Nghĩa trang nổi cao hơn mặt nước chỉ cỡ một con dao phay thái chuối. Ngôi mộ Anh Hùng chồng chị đỏ chói lói vì vừa qua ngày 27/7 xã nhà cho sơn quét tinh tươm. Tấm ảnh anh đội mũ mềm có ngôi sao cũng mới làm khảm vào đá dưới Hà nội mang về. Người làm tấm bia có ảnh này chính là anh Long chồng chị bây giờ. Anh có tấm ảnh cất kĩ từ hai người hồi huấn luyện cùng nhau. Ngày mang tấm bia gắn ảnh của anh về chỉ mình chị là không biết . Chồng chị xách túi xi măng ra nghĩa trang lúi húi một buổi chiều. Tối ấy anh uống rượu một mình ngoài hè. Trăng lên, anh bảo chị tắt đèn đi để anh ngồi hóng gió một mình. Chị ngồi sau cửa nhìn ra, thấy anh như nhập nhoè in vào vườn chuối lặng phắc như cái chòi bù nhìn canh ngô ngoài bãi soi. Chị thương anh bao nhiêu chị thương mình bấy nhiêu. 
Chị đứng trước ngôi mộ giả của người chồng Anh Hùng bao lâu không nhớ nữa. Nước sông vẫn lên, mưa tạnh rồi mà lũ mạn ngược u ú kéo về , lại nghe nói cái bọn láng giềng nó xả lũ ngọn nguồn. Binh tình này quê mình khéo lại chìm mất bãi soi anh ơi. Anh lại chìm trong nước dơ dáy đến bao giờ hở anh. Có con thẫm giun lội rón rén cắm mỏ tìm mồi ngay lùm chuối cửa nghĩa trang thấy chị nó bay đánh vù, kêu kéc một tiếng. 
Cũng lúc ấy chị nghe trong xóm có tiếng đứa cháu gọi, cô ơi cô về ngay đi, chú Long khó thở quá. Về đưa chú đi viện cô ơi. 
Chị bừng tỉnh. Chị lạnh buốt thái dương. Hình ảnh người chồng Anh Hùng LLVT đội mũ mềm sáng lên. Chị nghe như có tiếng anh trong tiếng ì õm của nước ngập xô dạt trên đồng lúa. 
.. " ..Em về đưa anh ấy đi viện đi em, anh ấy cũng khổ lắm, khổ còn hơn anh ..."

NTL 3/3/2019

Tháng Ba

Tháng Ba
Phố mưa phùn áo phong phanh dở lạnh dở nồm
Ngày ỡm ờ nửa làm việc nửa chơi nhông
Hoa rồ rộ ven đường đúng vào ngày hôm nay bạn tôi giỗ trận 
Ở Ban Mê
Tóc tai bạc màu rễ cây 138
Ngày này có bao cựu chiến binh nhớ hoa Pơ lang

Đưa cháu đến trường
Ngày mai lớp cháu đi pích ních
Tiền góp cho ban phụ huynh
Cháu mè nheo ba lô không đẹp
Cô giáo diện ngất trời phủ áo măng tô màu mận chín
Nụ cười cô nụ cười cháu dễ thương

Ở phố này nhiều cây soài hoa đung đưa
Những chùm hoa trắng ngà vươn ra hè phố
Biệt thư nào cũng đóng cửa
Ong bay chập chờn
nức nở thơm.
ở phố này đẹp về đêm
Mùi ngô nướng
Có ông già khập khiễng nhớ cao nguyên
8/3/2019