Sunday, February 28, 2016

Tháng Giêng

Tháng Giêng 1

Về quê đi anh
Gửi tóc bạc lại thị thành
Về với em rau vườn nhà mùa này mướt mướt
Chim chìa vôi tung tẩy mạ vừa lên

Về quê đi anh em ủ rượu vại sành
Ngồi đỏ lửa, nước rượu đầu nghiêng hai đứa
Cháu con say ngủ
Chúng mình nhìn nhau nghiêng ngả bếp tháng giêng
Má em hồng phải lửa hay không?
Rượu cất đêm nay, bếp quê nôn nao lửa
Mấy chục năm xa mẹ
Đêm tháng giêng như thể mẹ cũng về

Em nghe ngoài đê
Sông đầu năm đã lũ
Củi vớt một mùa đun hai năm vẫn đủ
Về đi! anh ấm cả bốn mùa
------------------------------------
Tháng Giêng 2

Rằng về đi hội tháng giêng
Mình ơi cái rét chân hiêng than hồng
Nhà em củi vẫn chất chồng
Ngoài đê em đánh rạ đồng mấy cây
Giong giềng loe búp hây hây
Có người năm ấy cầm tay xuống đò
Một câu buông vạn câu chờ
Mấy mươi con nước qua đò nhà em
Về đi xem hội tháng giêng
Trẻ con yếm đỏ làm em thẹn thùng
Về đi, anh có về không
Còn phiên chợ nữa cạn lòng sang hai
Tháng giêng Bính Thân

28/2/2016

Nhớ Mùa Mưa


Ta cuối đời thương nhớ thế mùa mưa
Trời sầm sập những là nước mắt
Nắm cơm thiu trong hầm nhớp nháp

Có người bạn nào hát khẽ điệu chầu văn

Pháo bắn trong mưa lẫn vào sấm ùng oàng
Đêm ấy chạm má ai mặn thế
“Quê nhà mẹ cấy mùa chưa hở mẹ?”
Đồng đội viết thư rồi lại thôi

Mùa mưa đi chậm như trèo núi trèo đồi
Đánh trận chẳng có mùa chôn bạn hi sinh cũng thế
Nấm mồ mùa khô bụi vàng cả gió
 
Mộ mùa mưa nước đỏ cả cỏ xanh

Ơi những đồng đội tôi đã về với ruộng đồng
Tháng sáu mưa rào đêm soi ếch
 
Chập choạng thân già sấm chớp 
Nhập nhoè nhớ mùa mưa rất xa

Bài thơ trong hầm ngày xửa ngày xưa
Bài thơ thủa đánh trận không hề tiếng súng
Người lính già nhớ về quê cũ
 
Làm thơ chỉ những vợ và con

…Có phút nào rảnh rỗi một chiều mưa
Vá tấm áo thương đời em vất vả
 
Rồi khẽ hát một bài ca dao cũ 
Thương em chín nắng mười mưa
Xa chồng vất vả sớm trưa tối ngày…*

Ở chung cư này mưa cũng chẳng hay
Chỉ thấy miên man mây bay qua khung cửa
 
Mùa mưa xưa ! Tây Nguyên ơi mưa nhiều thế
Để bây giờ thương thế tuổi trẻ ơi

28/2/2016


Tuesday, February 23, 2016

NGÀY ĐẦU ĐI ĐẠI HỌC



Tôi nhập trường ĐH CƠ ĐIỆN vào đúng những ngày Bác Hồ mất. Chúng tôi 5 đứa từ Yên Bái lần đầu tiên xa khỏi làng. Cứ theo chỉ dẫn trong giấy báo nhập học mà đi. Chiều 5 tháng 9 tới Đông Anh. Chập tối đến Lưu Xá. Hỏi đến xã Tích Lương rồi lại hoỉ thôn Cầu Thông. Có nắm cơm không dám ăn. Giữ khư khư trong túi. Xập tối, sao li ti trên chập chùng đồi bạch đàn. Cảm giác xa mẹ và vùi vụi trên một cánh rừng khiến đứa con gái bật khóc. Thằng Nhuận hơn tuổi bọn tôi nên cứng cáp hơn. Nó bảo chúng mày ngồi đây tao đi tìm chỗ nào có lửa đèn tao hỏi. Nó đi, chúng tôi ngồi ven đường đầy những bụi mưa bâng khuâng chênh chao. Thỉnh thoảng có chó sủa. Chó sủa hướng nào thì quay nhìn về bóng đêm hướng ấy. Hai tiếng sau có bóng đèn nhập nhoè. Hai người đi với một cây đèn bão. Thằng Nhuận đã về cùng với một người đàn ông cao lêu nghêu sách đèn bão nói giọng nam bộ. Người ấy vác ba lô hộ cái Hoan rồi nói. Các em mệt không , đi luôn nhé kẻo khuya rồi. 

Chúng tôi đi bộ chừng một tiếng đồng hồ hết đồi bạch đàn này sang đồi sắn khác. Chúng tôi vào một cái nhà lợp phên nứa tường trát đất có ngăn từng phòng bé tí xíu. Người đàn ông nam bộ bảo, đây là bộ môn toán của trường. Các em cứ nghỉ lại đây mai làm giấy tờ tính sau. Một vài thầy nghỉ hè chưa lên, đừng nghịch sách vở các thầy.
ôi thì ra chúng tôi được dẫn vào nơi các thầy dậy đại học. Đêm ấy mệt, ngủ ngon quá. Ngủ ngay bên cạnh những sách vở cao siêu toàn là tiếng tây. Hôm sau thầy nam bộ gọi chúng tôi…dậy đi các em . Phòng bên có tiếng đàn ghi ta. Một thầy đang hát bài hát về Bác Hồ trên tờ báo NHân Dân. 
Chúng tôi ở nhà bộ môn toán 3 hôm rồi về lớp và thi kiểm tra. Thằng Nhuận không đậu phải về quê. 4 đứa chúng tôi thì 3 đứa khoa Máy một đứa khoa điện. Ba thằng con trai chúng tôi đến năm thứ 2 đều đi bộ đội vào Nam chiến đấu và đều sống sót trở về. Cô bạn gái ra trường năm 74. Còn chúng tôi ra sau 5 năm. 
Gần nửa thế kỉ sau bỗng dưng nhớ . Thầy đánh đàn ghi ta một hôm mang một cái chậu giặt tôn hoa đưa cho cái Hoan và nói, em dùng cái này mà giặt đừng giặt bằng cái chậu men kia. 
Lúc ấy mới lớn chả biết gì. Cứ nghĩ thầy ưu tiên con gái có biết đâu là thầy biết nó phơi mấy miếng xô trắng ngoài gốc bạch đàn. Lại nhớ có thầy trẻ ơi là trẻ. Hỏi thầy bao nhiêu tuổi thầy bảo thầy 22. Thầy rủ, đi ăn cơm bếp sinh viên đói lắm, tối về đi ăn sắn luộc nhà bà Bút với thầy. Rồi thầy nói khẽ, Cái thầy cao lêu nghêu người Nam Bộ là tổ trưởng bộ môn đấy. Thầy ấy là bộ đội chiến đấu ra tập kết đấy.
Chúng tôi nhìn các thầy như những người hành tinh khác. Các thầy cũng khổ mà sao thầy nào cũng dễ gần. Các thầy nói với nhau bằng tiếng Nga. Chiều đến ngồi bên nhau chơi đàn và hát những bài hát Nga mê li.
Bây giờ tôi nhớ thầy trẻ nhất rủ chúng tôi đi ăn sắn luộc tên Hoàng Sỹ Lâm. Thầy chơi đàn là giáo sư toán học Nguyễn Trần Nhu. Người thầy đi bộ hai tiếng trong đêm tối đón chúng tôi lỡ đường đêm ấy tên là Nguyễn Cao Thăng. Tôi không biết các thầy giờ ở đâu có còn khoẻ không. Thưa các thầy, Chúng em vẫn nhớ các thầy. Nhớ lắm!

23/2/2016

Vợ đi xem thơ



Qua rằm rồi em ơi
Thơ cũng bay về trời đỏ những cái đèn lồng trong giá rét
Năm nào chả thế 
Thơ bay lên là gió bấc lại về

Túm tụm vỉa hè
Chụp ảnh nhờ sướng và tự sướng
Ông đồ anh đồ nộp tiền chỗ ngồi quyết thu đủ vốn
có những nhà máy thơ vốn liếng hao gầy
Các nhà thơ má đỏ hây hây
đổ về lòng chan chứa

Qua rằm rồi em ơi
Thơ lại về Yên tử
Tin nhắn nam mô giữa mây trời thiền tự
Binh bong em gọi về
cáp treo ghê ghê
Thơ bung biêng non nước

Saturday, February 20, 2016

Dịch từ nguyên bản " Tiếng Việt "


( Truyện ngắn ngắn giả tưởng)

29 Tháng 1năm 2016  lúc 23:39

Nàng học ở Nga Xô. Về nước đúng hồi Xô Liên sụp đổ. Thủa ấy nhà nàng nghèo, chỉ được cái thành phần gia đình tốt và nàng học giỏi nên được đi du học. Giữa hồi khốn khó, với cái bằng Ngữ Văn xin đâu ra việc. Trời còn thương. Nàng được làm chân văn phòng cho một trường tiểu học ở quê. Nàng âm thầm, chóng vánh, trọn vẹn vai công chức văn phòng. Người ta cũng gọi nàng là cô giáo dù nàng chỉ dậy trò mỗi dịp lễ tổng kết học kì hay thi thố văn thể của phòng Giáo Dục một vùng quê biển. 
Bao nhiêu thăng trầm đi lên đi xuống của cái trường dậy học trò này nàng biết cả. Đi bên cạnh sự đột phá giáo dục và đột phá kinh tế ở tỉnh
, nàng ngộ ra nhiều điều về thời thế. Chả giống như đám đàn ông chém gió khi nhậu. Nàng chả dám chửi ai, chả dám chửi chế độ nào. Nàng dậy trò hát những bài hát kháng chiến những bài hát về cây lúa, củ khoai còn những bài hát Nàng yêu thích đã từng hát bên bờ sông Von Ga, hay những bài thơ của puskin, On na Béc gôn …nàng chỉ hát chỉ lẩm nhẩm lúc một mình.
Nàng có người bạn vong niên là kĩ sư lại từng là lính thời chống Mĩ.
Người lính ấy cũng thích bài hát Nga và thích thơ Nga. Chỉ thế thôi là họ thân nhau. Người lính thích nàng để tóc búi, thích nàng hát trống cơm...Còn nàng thì thích những câu chuyện đánh trận khi xưa. 
Nàng bảo:
-
Em không muốn anh kể chuyện đánh chết bao nhiêu thằng giặc đối phương. Thích anh kể suy nghĩ của các anh trong từng trận đánh. Suy nghĩ lúc xông lên nổ súng.
Nàng già hơn cái vẻ mặt cô Tấm.
Có một mùa đông. Nàng hỏi người lính:
- Nếu ngày ấy bên ta thua trận thì sao nhỉ?
- Thì …anh di tản sang Nga Xô.
- Em cũng thế, em sẽ theo tàu di tản sang Nga. Thành phần nhà em cốt cán lắm chắc là phải đi thôi
Rồi họ trầm ngâm
Nàng :
- Biết đâu anh và em lại gặp nhau nơi xứ người.
Người kĩ sư thở dài :
- Anh và em ngồi bên bờ sông Von Ga và hát Đôi Bờ. Hát cả trong mùa đông lạnh giá. Đột nhiên nàng cất tiếng hát ...chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào...
Bỗng nàng ngừng hát. Nàng nói như từ xa xăm :
- Trí tưởng tượng như con ngựa hoang, nó đang lồng lên đấy. Lạnh quá. Phải vào nhà thôi. Bật lò sưởi lên. Áo choàng anh còn đầy tuyết. Và anh nhận ra em cũng run lên …vì lạnh. Phải không anh?
Hai kẻ di tản run run. Họ đang nhớ Việt Nam.

Mùa rau Cải Mèo




Cô giáo ấy trẻ và xinh. Chồng công tác tận tít MK. Vời vợi thế nhưng nhoằng cái là về với vợ con nhờ đường cao tốc HN-LC mới mở.
Năm nay rét đậm vào cữ Tết. Đào phai mướt như nhung hồng. Cái màu hoa đào núi mỏng đến như sương. Sương phớt hồng và rất lạnh. Chồng về tết, 2 đứa trẻ nhào ra đón bố. Anh chồng tay sách nách mang ùa gió bấc vào nhà. Chả có cành đào phai vác vai giống Tết năm ngoái. Anh đặt cái bịch một bao tải xuống nền nhà. Cải Mèo đấy em ạ. Cô giáo vừa hỏi thế nào là cải mèo, vừa cởi cái bao tải. Nhẽ phải đến hơn yến rau cải xanh mướt dài như đon lúa. Có mấy ngọn rau có ngồng phớt vàng. Ôi thích quá. Mùa hoa cải anh ạ.
Người chồng nhìn vợ ấu yếm. Biết ngay mà! lại nhớ "mùa hoa cải bên sông" của cái anh nhà văn mặt xấu râu rậm. He he! Anh chồng cười.
- Đừng coi thường rau của anh nhé cô giáo. Bó cải này là rau ở tận xã Tà Ngải Chồ . Ngay cái nơi anh Bùi Nguyên Khiết ngã xuống ngày 17/2/79.
Ôi vậy hả anh. Là nhà giáo nên chúng em đều biết tên anh Bùi Nguyên Khiết. Ôi vậy rau này ăn sao đây? Thương lắm...
- Chả sao cả. Khắp miền biên giới chỗ nào chả có máu cha ông mình. Ở đấy hoa đào người ta cũng chặt bán về Thủ đô. Bây giờ người Hà Nội phượt lên vùng cao , đi đến đâu cũng hỏi lợn Mán, rau cải Mèo, nếp Thái. Vào quán hàng là lợn cắp nách nhé! Cải mèo nhé! Người ta còn hỏi có rau sống Mèo, hành Mèo không? người vùng cao bảo, trên này không có hành Mèo chỉ có hành Kinh các anh Hà Nội có ăn không?
Cô giáo không để ý câu nói chuyện vui của chồng . Cô đang nghĩ về một bao rau cải. Nó dài thẳng và xanh ngắt. Cô hái mấy nụ ngồng xoè trên tay. Có mùi hương ngai ngái hiền dịu lan lan trên tay cô. Ngoài đường trời rét ngọt nườm nượp những người đi sắm tết. Lâu rồi hôm nay chồng về má cô lại đỏ.
18/2/2016


Tuesday, February 16, 2016

Chuyện sáng nay của hai thằng trong ảnh

Chuyện sáng nay của hai thằng trong ảnh
Sáng sớm Bạn lính gọi lúc mình vừa ngồi ăn.
- Mày ở nhà hả? Biết hôm nay ngày gì không? Mình nói ngay
- Hôm nay là ngày thằng Trung Quốc xua quân đánh biên giới phía bắc

Nó cười . Điệu cười buồn buồn.
- Thế mà tao hỏi mấy thằng từ sáng chúng nó toàn bảo hôm nay ngày 10 âm lịch vài hôm nữa rằm. Có thằng lại nói, mày hỏi để đi hội Thơ Văn Miếu à? Buồn đ. chịu được.
Rồi nó nói tiếp.
- Ba mươi bẩy năm trước tao vừa ra trường Quân Y, tao đi Lạng Sơn theo sư đoàn Sao Vàng. Giờ này tao ở Lạng Sơn 
Mình trả lời:
- Tao nhớ mà , dạo ấy hai tháng trời nhà mày không có tin mày về...tưởng mày chết

Nó bảo :
- Tao không chết nhưng bao nhiêu bạn mình chết. Mày nhớ Thằng Thành lấy cái Túc lớp y2 Việt Bắc của tao không? Nó về Bệnh viện Bát Xát. Hôm nay giỗ nó đấy. Nó đánh nhau với bọn Trung Quốc và cũng hi sinh ngày 17/2/79 . Rồi máy nó tắt ngấm.

Tôi nhớ. Thằng Thành cũng đen như tôi. Chúng nó gọi là Thành đen. Chả biết bây giờ vợ nó lấy chồng nữa không, vì lúc ấy cái Túc cũng mới có 26 tuổi.
17/2/2016

Sunday, February 7, 2016

CHUYẾN XE TRONG SƯƠNG MÙ


Chiếc xe xà tới từ đầu cầu. Sương mù kín mặt sông kín rừng khiến đèn pha đỏ quạch. Đã gần 6 giờ sáng mà vắng lặng như nửa đêm. Điểm đỗ xe Yên Bái- Mỹ Đình có một quán hàng nhưng hôm nay là 30 tết chỉ có mấy chú chó óc ách sủa còn chủ nhà thì biến hết. Trong sương sớm, chỉ có một thanh niên và tôi đứng chờ. Xe dừng. Cái giọng tài xế xe ba mươi chỗ nghe rất khó chịu:
- Đi không? Nhanh lên ! Ba mươi tết con mẹ nó rồi đéo ai chạy nữa đâu. 
Người thanh niên vội vã:
- Em không đi, em gửi đồ. Cây số 13 anh nhớ nhé.
- Đứa nào trả cước? Mày hay con bé đó?
- Em trả , đây 20 ngàn anh nhé. Mọi lần vẫn thế
Tiếng nhà xe làu bàu. Mẹ kiếp ba mươi tết mà vẫn gửi…
Rét liên miên. Chiều qua bỗng nắng lên. Nắng mà vẫn rét, sương mù quánh cả mặt đường. Thấy sương mù nhiều là sự ấm áp sắp đến. Ngồi trên xe nhìn đường cao tốc hun hút như chui vào bồng lai. Vắng lắm, hầu như xe chạy xuôi không có . Chỉ có những chuyến xe ngược vội vã thưa người. Tài xế nói chuyện như nói một mình…
- Cái thằng đàn ông rõ ngu, con người yêu làm ca ve mà cứ mươi ngày nó lại gửi quà cho con ấy. Mẹ kiếp tiếp viên khách sạn đ. gì. Nói là Ca ve mẹ nó cho xong. Mà cũng tội thằng ấy. Nó cứ ra đầu cầu Sông Hồng này và chọn đúng xe mình mà gửi. Còn cái con bé đó lần nào nhận quà xong cũng thấy nó khóc. Tết nhất không về còn ở lại làm gì…hừm mỗi nhà mỗi cảnh.
Qua cầu sông Lô sương mù dày thêm . xe chạy lừ lừ. Sốt ruột.
Qua núi Đanh nhìn cái biển đề km 15. Tôi chợt nhớ cậu thanh niên trên cầu Văn phú gửi đồ. “ cây số 13 anh nhé”. Tôi ngó ra cửa. Đồng trống vắng và nắng loe loe.
Xe phanh lại trên cao tốc. Cô gái mặc áo phao đỏ tóc xoã có sọc vàng. Tài xế giọng chua loét:
- Này quà! Bồ mày gửi.
- Em cám ơn anh ạ.

Xe lại lừ lừ chạy. Tôi không kịp lấy máy điện thoại chụp cái ảnh. Cô gái tóc vàng ôm bọc quà lên ngực. Khóc nấc bên đường trong một sáng Ba mươi tết vương vất sương mù. Chỗ ấy, bên dưới cao tốc HN- LC là vòng xoay đường lên Tam Đảo.
( Xe chạy trong sương mù sáng nay ba mươi tết)
7/2/2016








Friday, February 5, 2016

BÁNH CHƯNG SẮN



Tết năm ấy không rét.
Tháng 7 máy bay Mĩ đánh ầm ầm vào làng, rồi vỡ đê sông Hồng. Đói cả vùng. Được cái mùa sắn năm ấy lại tốt bời bời. Sắn tốt vì toàn rừng già đốn hạ cây, rồi đốt nương để trồng sắn theo chủ trương ở trên. Lúc đốt nương, ông Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) đích thân châm lửa, cả vài quả đồi cháy rần rật. Ngọn lửa bốc cao chục mét. Chim chóc, gà rừng, cầy, cáo bay nhảy loạn xạ. Nứa tre nổ như súng trận, tàn than bay hơn cây số phấp phới như chuồn chuồn cơn mưa. Thỉnh thoảng có mảnh thân bương cháy bay ngược lên vài chục mét rồi hạ dần xuống như con diều hâu. Thế rồi sắn lên, búp to như ngón chân. Quê tôi bát ngát màu xanh loài lá năm ngón.
Hồi ấy giá có được mùa thì cả nhà cũng chỉ được vài ba chục cân lúa nếp. Chả ai ăn đời gạo nếp nên HTX chỉ qui định cấy rất hạn chế. Nhà khá giả gói yến gạo bánh chưng, còn nhà nghèo chỉ vài đấu cho con đỡ phải tội. Bố mẹ tôi thở ngắn thở dài, thương đàn con lốc nhốc cũng chỉ dám gói đến dăm cân nếp. Nhà đông người dứt khoát phải có nhiều bánh chưng. Sự nhiều bánh tết là tự hào. Cũng chả biết từ bao giờ, quê tôi biết làm bánh chưng bằng sắn. Có nhẽ bánh chưng sắn ra đời lúc HTX nông nghiệp vào hồi cấp cao.
Mẹ tôi duôi sắn tươi ra nong rồi đánh tơi lên cho se nước. Chọn những củ thật nạc và tươi để bánh ngon. Cứ 2 phần sắn 1 phần gạo. Nhà tôi gói 15 kí bánh thơm ngát.
Bánh chưng sắn không ưa nhiều nhân thịt. Nhiều thịt thiu nhanh lắm. Bánh chỉ ăn trong một tuần là chua loét. Nói phải tội, ăn bánh chưng sắn thơm lúc mới luộc thôi, chứ ăn nhiều nóng bụng lắm và lại hay đánh…rắm thối khiếp lên được. Sau tết đi làm cỏ lúa HTX, đi gần với con bé tên Khanh ngang tuổi mình. Nó bịt mũi chống cào quay sang mình hỏi giọng nghèn nghẹt:
- Nhà mày gói bánh chưng sắn hả? Khiếp ! thối kinh !
Đã 50 năm nay tôi chưa gặp lại nó. Nghe đâu nó làm nhà máy chè trên Tuyên Quang và cũng khá giả lắm.
4/2/2016




GHI CHéP CủA LíNH 20 ( 3)


Đã gần 60 ngày kể từ ngày bước lên Trường Sơn


Nắng quằn quại rang lá cây rừng vàng khè nổi từng mụn đỏ kệch. Tiếng vo ve của con ong lấy nước mặn làm tôi tỉnh giấc. Vươn tay kéo tấm vỏ chăn trùm lên mái tang, che ánh nắng xiên vào trong võng. Mồ hôi loang trên tấm võng ni lon từng vạt trắng . Tôi không buồn làm giá ba lô nữa, mà kê vài hòn đá ngay đầu võng, đặt chiếc ba lô méo mó nặng chịch lên đó. Chiếc ba lô như biết tội của mình nên đặt đâu nằm đấy không cưỡng lại. Nắp ba lô bỏ tung, cuốn nhật kí lật trang bẩn nhoe nhoét mồ hôi và đất nằm trên cùng. Hai tháng hành quân. Mới xa miền bắc 2 tháng thôi, tất cả đã lùi về sau xa xôi hàng thế kỉ. Rừng già và núi đá nuốt màu da và mái tóc lớp người chúng tôi. Cho tới hôm nay đơn vị đã sút đi gần 20 người. Họ có còn sống không?Chẳng ai biết. Vì những người đang còn lại đây không hề muốn nghĩ tới điều ấy. Họ đang chống chọi với hiện tại của mình. Biết đâu một lúc nào đấy họ cũng nằm trong số phận rớt lại trên đường giao liên…..
Trong những đêm trú quân, ít người còn hò hát được nữa. Võng liền võng, những mẩu chuyện cười giờ hoá nhạt nhẽo vô duyên. Bây giờ chỉ có rau, có sắn là vui. Được ăn một bữa rau lúc này thì sướng biết bao nhiêu. Hôm qua hành quân , cậu Chung nói với mình:
- Tớ không có ước ao gì hơn là khi hành quân đến trạm được một cốc nước đường, uống xong được 1 điếu thuốc lá dài như cây nứa tép vắt lên cành cây, nằm trên võng hút thuốc thì có địch đến là đánh không mỏi tay.
Tôi và Chung chia nhau điếu thuốc cuối bên bờ sông Xê Băng Hiêng. Tối đó tôi nằm với Chung dưới đất , nép vào một thân cây gỗ đổ vì bom B52. Chuyện trò đến khuya. Chung ngồi dậy , cậu ta dỡ tất cả ba lô ra móc 1 gói ni lon nhỏ trong chiếc túi đựng ảnh kỉ niệm ra. Vẻn vẹn còn chừng 3 điếu thuốc rê. Vấn thuốc nằm hút mắt mơ màng nhìn trời sao li ti, chẳng hiểu vì sao hay tại khói thuốc tràn vào mắt , nước mắt tôi trào ra đắng nghét.
Ước muốn giản đơn vậy thôi, sự việc tầm thường nhất giản đơn nhất nhưng cứ suy nghĩ làm cho con người hoá tầm thường . Giờ phút này chả ai mong muốn gì hơn , cao xa hơn nữa, ai cũng nhủ lòng nén lòng hơn nữa. Đời chúng mình đây là 100 đời khác nhau của người con trai. Việc làm hiện tại đây thuộc về cuộc sống bắt buộc….
Họ đã phải vất đi nhiều thứ,cuốc ,xẻng, áo rét, chăn và đến cả những thứ kỉ niệm của người thân. Hôm ở trạm 41 tôi đã ném đi mặt nạ phòng hoá thấy nhục nhã quá. Suốt chặng hành quân hôm ấy tôi đã đeo hai bao gạo cho cả Thọ và Quyết. Khẩu AK siết trên cổ đau buốt như lấy dao rạch vào thịt. Ném những thứ đó đi để có thể đi được xa hơn. Ta từ bỏ một cái gì hôm nay để giành lấy cái lớn hơn ngày mai. Tôi cứ tự lí giải cho mình như thế. Nhưng bây giờ tôi thấy thằng tôi chia làm 2. Một là tôi hôm qua và 1 là tôi bây giờ. 2 kẻ đang diễu nhau, phỉ nhổ vào mặt nhau. Kẻ nào thắng! Kẻ nào là cái thằng tuổi 20 này đi chiến đấu. Tôi nằm đó , Nắng Lào nhễ nhại trên mặt, trên cổ tôi. Mồ hôi ngấm qua áo, xuống võng lớp nhớp. Chiều trên đất Hạ Lào ê chề những tiếng ve. Tiếng khua leng keng xoong nồi của mấy anh nuôi dưới suối………..

….Hơn hai tháng sau kể từ ngày hành quân bộ.
Đại đội ngày càng thưa đi.
Đây đã là vùng cuối đất Lào. Những dẫy núi có vẻ thấp hơn. Cao nguyên Pô Lô Van đã lùi lại sau lưng chúng tôi. Có hôm đột nhiên trời rộng ra oà vào những vườn soài của một nhà chùa ven đường. Hơn hai tháng đi trên đất Chăm Pa được uống nước những dòng sông Lào, ăn sôi trong giỏ của người Lum. Miền quê rừng này sự sống như rễ cây rừng già . Đời họ khảm khắc màu sắc và âm thanh núi rừng. Cái hôm ở trạm 68 đến trạm 70 cả buổi sáng đi trên đồng lúa đã gặt của dân, xa xa những ngôi nhà sàn bờn bợt màu gỗ mốc . Khói dịu dàng trong các căn nhà và vườn cây mới thanh bình làm sao. …Hôm ấy mình rộn ràng khi nhìn những cô gái Lào đội nước. Họ đi từng đoàn dưới rặng dừa như những tiên nữ vùng A ráp bia. Những lọ nước trên đầu đứng im như trong cổ tích. Cánh tay để trần mầu nâu đưa ve vẩy. Họ đi – im lặng – im lặng như nơi này không hề có sự hiểm nguy nào biết đến. Họ đi từ làng ra, họ về trong làng lặng lẽ. Con mắt họ sống động hơn cả, nó liếc ngang đoàn quân. Có gì tưới mắt trên mặt trên cổ trên thân người hầm hập mồ hôi chúng tôi. Những chú chó cũng thật hiền chạy quấn lấy chân chủ, rúc sột soạt vào những bụi cây bên đường...

3/2/2016


Rượu sâm Trường Sơn



Sáng lạnh tái tê. Nhìn sang Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia như ảo ảnh. Bạn gọi, còn ở Hà Nội không?
- Còn. mai mới về quê .
- Tao bận quá, bà nó lại ốm , cháu xụt xịt quấy. mày sang được tao hay bảo đứa con nào đến đi. Tao đợi
- Con nào nó cũng kêu bận, tao sang bây giờ.
Co ro lên taxi đến nhà bạn. Tư lệnh phó tay áo sắn lên khuỷu đang dọn dẹp. Bếp núc đầy phè những rau những củ những chai này lọ kia...
Bạn :
- Tao ngâm bình rượu sâm hai năm, giờ gọi mày giao cho mày uống. Uống để nhớ sâm Trường Sơn. Ôi chao , gần nửa thế kỉ tôi lại nhìn thấy những củ sâm Pa Kha này. Loại sâm chúng tôi đi trên Trường Sơn là luôn để ý để đào lấy rễ lấy củ, tối đến đốt lửa sao vàng lên, đun nước cho vào bi đông hành quân. Người ta gọi là sâm Nam. Nhưng chúng tôi gọi là sâm Pa kha- sâm cau vì cây nó gống cây cau nhỏ xíu mọc trên núi cao Trường Sơn. Ngày ấy tôi nhớ cứ ở những bình độ 800 trở lên từ KVăm Muộn trở vào suốt Xa Va Ka Khet có loại này.
Bê bình rượu ra cầu thang nghe bạn gọi,:
- Này , không hẹn trước được đâu. Ông già trên nhà gay lắm mày ạ. Thôi về đi mà giúp vợ sắp xếp. Có về Phú Thọ thắp nén hương cho các cụ giúp tao.
Trong gió đông ào ạt, mắt thấy cay cay. .
Chúng tôi chơi với nhau nửa thế kỉ rồi. Từ lúc tôi và Hoan Khuất cùng nhập ngũ một ngày
5/2/20`6