Saturday, January 20, 2018

Từ 1049 nhìn về 1015



Lác đác rừng thông vàng lá
Mùa khô hôi hổi nắng ba zan
Mồ hôi lổ loang bụi đỏ 
Chân trần lính già quắt queo.

Đứng ở nơi này nhìn sang nơi ấy
1015 ơi!
Vài cây số thôi mà đường vào chiến dịch
Nghẹn ngào ngày chia phôi

Họ gọi trận đia tôi là Den Ta
Chúng tôi nghe tù binh gọi bên anh Sạc li trấn ải
Họ hỏi sao các anh trẻ thế ?
Đã biết yêu gì chưa ?

Lúc chúng mình lên đây là mùa khô
Nước uống không có đủ 
Thương binh cõng nhau về khát khô cổ
Suối Rờ cơi máu đỏ quân mình

BỐn mấy năm những cỏ cháy bập bùng
Đá cũng cháý bởi Na pan hủy diệt
Ở nơi tôi một không bốn chín 
Nhìn sang anh thương lắm một không mười lăm

Ơi hai cái tên cao điểm cứ âm thầm 
Lìm lịm trong vài trang sử lính
Chỉ có chúng tôi những người cựu chiến binh cuối đời thì tự tìm về nơi ấy
Nhìn nhau qua cao điểm linh hồn

CHúng tôi góp tiền xây bia mộ cho nhau
Đỉnh cao vẫn là đỉnh cao hoang vắng
Chỉ có lính và những người dân Gia Rai chở nhau lên núi
Ngân sách vẫn ở lòng người đổ máu năm xưa

Từ chân núi nhìn lên nắng lóa như sương mù
Những linh hồn trai tân bốn mấy năm chờ một ngày có lư hương trú ngụ
Đỉnh Ngọc Rinh Rua sáng nay ì ạch những con xe nức nở 
Những ông già từng tiến đánh Sạc Li năm xưa

Những người lính già cõng bia lên non
Làm nơi trú ngụ cho lương tâm mình và đồng đội
Hoa lau bạc từ ngày chúng tôi nổ súng phá phòng tuyến tây Pô cô bây giờ vẫn thê
CHỉ có lòng người lính không bạc bẽo với nhau thôi

Ngày đi 1015 trở về 
21/1/2018

Thơ lính già 22/12


(
nhân đọc những lính @ nói về 22/12)

Thôi đừng cố để mà đau
Đừng mang cái lí đời sau vỗ về
Cái ngày mình bước chân đi
Con đê bãi mía bờ tre cũng gầy

Cái thời bom thả tối ngày
Cái đêm bao bạn bao thầy dính bom
Đường vào khu bốn tan hoang
Lá thư gửi mẹ cũng mang mùi bùn

Mình đi về phía đạn bom
Ở nơi ấy có tuổi xuân hẹn hò
Mình đi vịn với câu thơ
Tình yêu với một cơ đồ mai sau

Thôi đừng làm để mình đau
Tủi vong đồng đội rừng sâu chiến trường
Nhiễu nhương của lũ quan tham
Làm sao nhòa được nhang thơm đất trời

Bây giờ lại tháng mười hai
Bẩy ba năm lính xếp dài nước non
Những người chết trẻ Trường sơn
Chẳng ai về kể công ơn bao giờ

Bạn già tóc lính bạc phơ
Ngồi nghe con cháu hơn thua với đời
Đừng nhân danh lính cụ Hồ
Mà làm hổ thẹn cơ đồ nước non
22/12/2017

MÃI MAĨ TUỔI HAI MƯƠI.


( bài hát hay nhất về SV đi chiến đấu)

Chiều lạnh. Xuống đường mua thuốc đau bụng. Quay ra thì Quí Lăng đi vào. Hỏi : Mày mua thuốc gì vậy? lọ dầu cao và thuốc đau bao tử. HỎi Lăng: đi đâu mà ôm mũ xe máy. Nó bảo, tao vào viện. Bà xã ốm mươi ngày rồi. Hai thằng già bá vai nhau khiến mấy cháu nhìn ngơ ngơ. 
Vội thì vội, quán cóc trà chén nóng cái mày mày ơi. Nhìn nhau thằng nào cũng già cóc kẹ. Má lóp và tóc bạc xác xơ. Chợt nhớ 13 năm trước cái hôm ra mắt Quĩ “MÃI MÃI TUỔI HAI MƯƠI “ ở Văn Miếu mà hai thằng đều là thành viên đầu tiên. Hôm ấy mình cứ rưng rưng nước mắt khi Lăng và tốp ca hát MAĨ MÃI TUỔI HAI MƯƠI của nó. Hồi ấy mình đã viết trên blog. Đây là bài hát hay nhất về SINH VIÊN đi chiến đấu. Cùng năm đó nhiều bài viết về chủ đề này nhưng có nhẽ các nhạc sĩ không có tâm trạng như chúng tôi. Quí Lăng tài hoa từ khoa toán cơ ĐH Tổng hợp. Đá bóng giỏi, hát hay, sáng tác ca khúc giỏi. Rồi Lăng vào Thiết Giáp. Chúng tôi thì đi oánh nhau tận Quảng Trị Tây Nguyên. Tôi và Lăng có một thằng bạn chung là Trung “Yên Phong” . Gọi thế vì Trung học chuyên toán Yên Phong cùng Lăng. Trung học khóa 6 khoa Điện trường tôi. Tháng 9/71 nó nhập ngũ là lính e52 . Nó hi sinh ở Tây Nguyên năm 1972.

Chia tay nhau nó đi vào viện tôi quay về gõ google nghe lại bài hát của nó . Một thời hào hùng trong veo của chúng tôi hiện lên. Cảm ơn Nguyễn Quí Lăng vì MÃI MÃI TUỔI HAI MƯƠI. Đó là bài hát của chúng mình Lăng nhỉ.
MỜi các bạn nghe bài hát dưới đây
24/12/2017

TI VI đen trắng


Thuở ấy cũng chả xa lắm đâu chỉ là con đường rẽ xuống dốc phụ nữ chưa mang tên đường Nguyễn Chí Thanh thôi. Họ gọi là đường phụ nữ. Mà con đường ấy nhựa chưa thông ra đến đường Láng ngoài bờ sông. Chúng tôi nhận được một cái hợp đồng của một gia đình trên làng Ngũ Xã làm một cái máy cán nhôm lá công xuất 45 kw.
Bấy giờ trục cán đến 200 là to. Chúng tôi tìm được phôi 45XM phi 250 nên quyết định làm trục 230. Giá HĐ tính bằng vàng. 3,7 cây vàng cho cái máy đó. Họ ứng 7 chỉ. Sau 4 tháng giao máy. Những năm 80 1 cây vàng là chói lọi lắm . Cầm mấy chỉ vàng trong tay 3 thằng run cầm cập. Cái quan trọng nhất là cặp trục có rồi, động cơ có rồi chỉ còn gia công nữa thôi nhưng run là bởi tôi chưa bao giờ cầm vàng trên tay về đưa cho vợ.
Ngày ấy con tôi cứ tối đến là chạy đi hàng xóm xem nhờ Ti Vi. Khu tập thể Bản đồ chỉ vài nhà có Ti Vi thôi. Vợ chồng mình thèm xem cũng đành bó gối nhìn nhau trong nhà tập thể chuột đùa rinh rích. Tôi quyết định mua cái ti vi cho cả nhà oách luôn với hàng xóm. Cái sam sung 14 inch ngoài intershop Giảng Võ phải mua bằng đô. Tôi nhờ người mua đô rồi mới bê về cái ti vi mà đến bây giờ nhắm mắt tôi vẫn nhớ màu vân gỗ của nó. KHỏi phải nói hôm đầu tiên có ti vi. Vợ tôi bảo, cái tiếng ti vi nhà mình nghe thấy nó trong trẻo tình cảm hơn ti vi nhà lão Biểu anh ạ. 
Tôi nghe vợ nói mà rơi nước mắt. 
Từ hôm ấy con tôi có thêm bao nhiêu là bạn thân. Nhà tôi là chỗ các hộ trong khu tập thể ghé đến sau những nỗi lo cơm cháo thường nhật. Tôi nhớ hồi đó có phim Tôn NGộ không rồi bóng đá Ze nhít, đội spactac Matcova, Dinamo Kiesp....rồi Ơ rô 88… vui như tết. Tôi nhớ giữa mùa đói gạo mà ai cũng no con mắt. Mỗi tối một chén cuốc lủi, 500 lạc rang, tôi cởi trần nhâm nhi khà khà coi ti vi thỉnh thoảng ngó vào xó nhà thấy vợ cười chỗ chậu rửa bát mà rêm rêm sướng.

Chuyện cái TI VI chỉ có thế. Đằng sau nó thì vợ tôi đến giờ cũng không biết. Cái máy đó bị lỗ vì chúng tôi nhiệt luyện trục cán tồi. Đi tìm phôi 250 không được. Lời ăn lỗ chịu. Nai lưng ra làm những cái máy khác bù lại chứ cấm mở mồm nói là cái sự TI VI kia không vẻ vang. 
Bây giờ già cóc kẹ nhìn thấy những là smak TIVI là Thông minh Ti vi ….to nhỏ hàng trăm loại chả thấy xúc động là mấy. Hỏi thằng con trai lớn, nó cũng nói vậy. Nó bảo chưa bao giờ con thấy cái ti vi nào đẹp bằng cái sam sung 14 inch đen trắng ngày xưa.
Rõ là bố con nhà mình hâm. Bố khỉ

25/12/2018 

Nghĩ ngơi linh tinh lúc ăn sáng


( không phải là thơ)
Chả biết là buồn hay là vui đây nữa
Mỗi sáng ra nghe tin bão đã xa rồi
Tôi nhớ lắm mỗi ngày xưa nghe chiến công trên báo Đảng
Mỗi một ngày diệt bao kẻ ngoại bang

Sương buốt dưới chân bụng đói đến trường
Chúng tôi hát những bài ca giải phóng quân anh dũng
Mong có nhiều cơm để mà chóng lớn
Để lên đường đánh MỸ ở miền nam

Tổ quốc chúng tôi nhìn bằng con tim
Nào có biết biển bờ dài đến thế
Thơ tôi viết cũng chỉ là đứa con trai nhỏ bé
Tổ quốc cũng như người mẹ của mình

Tấm bảng đen phấn trắng những phương trình
Trong veo ước mơ ngày kia làm tiến sĩ
Hoa phượng cháy rơi trên tóc chúng tôi ngày hè Quảng Trị
Pơ lang đốt đỏ đường mùa khô Tây nguyên

Chưa kịp làm kĩ sư trên những công trường
Lứa chúng tôi đã làm dũng sĩ
CHúng tôi đã làm người lớn
Lớp người gồng gánh giang sơn

Đất nước này mười nghìn ngày đạn với bom
Mười nghìn ngày chúng tôi hiểu ra mình đã lớn
Ôi cái lúc nhìn ra tổ quốc mình từ phía biển
Chân đã chai lì cháy đá ở Trường sơn

Vui thú nào bằng mỗi sáng mỗi dòng tin
Bao dự án bao con đường mới mở
Bao cánh rừng hoang nay xe bon tận cửa
Bãi biển mình tên tuổi đến trời Âu

Bạn tôi hi sinh chôn theo lá thư nát nhầu
Ngực áo có tấm hình những người thôn nữ
Những cô gái nay đã thành bà cụ
Hết ruộng rồi ở đợ cõi "Ô sin "

Mối sáng nghe một nguồn tin
Thằng Giám đốc này thằng chủ tịch kia tham nhũng
Có mùa đông nào buốt xé
NHư mùa này nhiều “đồng chí xấu” bị điểm danh

Tổ quốc linh thiêng tổ quốc chẳng ô danh
Dù có biết bao nhiêu kẻ nhân danh ĐỒNG CHÍ
Chúng tôi chỉ thương đồng đội tôi Liệt sĩ
Máu bạn bè thành biệt phủ lũ gian manh

CHúng tôi góp tiền tìm về nơi bè bạn đã hi sinh
Dựng một tấm bia thắp nhang cho đồng chí
Thì đất nước những là ngàn ngàn tỉ
Có chút nào thương khóc bạn bè tôi

MỖi sáng ra nghe lò đốt nhập "củi tươi "
Sau lúc hả hê laị buồn vì đất nước mình xấu tệ
Rồi lại thấy thương những nấm mồ vô danh, có danh, quá thể
Máu chúng mình thành nước lã rồi sao?

Tôi đã từng lên cột cờ biên ải vùng cao
Một màu đỏ mang tên Lũng Cú
Lá cờ đỏ hồng tới Hoàng Sa Trường Sa bão tố
Đỏ hồng tới tận Cà mâu

Ước chi tổ quốc trong veo
Để lính già mỗi sáng ra dễ thở
sáng 26/12/17

ĐÊM TRÊN CAO ĐIỂM 1015


( gửi Mạnh Hải và Thế Tân)
Chúng tôi đã sắp bẩy mươi
Ai đánh bóng gì thân mình từng nhàu nhĩ
Đạn bom đói khát thời trẻ
Nhuốm vào yêu thương đời sau

Vợ con chả muốn chúng tôi đi vào rừng sâu
Cháu ngóng ông mỗi chiều buông thành phố
Chúng tôi đi về phía ngày xưa đạn nổ
Ở đó làm gì lợi ích nhóm nào đâu?

Xương cốt đồng đội dưới đất nâu
Đã xanh mòn mỏi vào rừng nguyên liệu giấy
Ôi những trang viết trắng tinh đời nay có máu chúng tôi ngày xưa ấy
Đêm Kon tum nghe tiếng khóc mẹ ơi hời

Đêm nay lên điểm cao
Đứng giữa cồn cào gió 
Tôi nhìn về DakTo êm lành quá
Trong đêm buốt hồn nghe tiếng thét xung phong

Ơi mùa khô Tây Nguyên
Bụi đỏ mù lên đêm thức dậy
Pô cô thổn thức chảy
Chảy vào nước mắt ứa ra

Bia đá nặng bao nhiêu cũng chẳng thể bằng ba lô ngày xưa
Tháng tư ấy khói bom đốt Ngọc Rinh Rua hừng hực
Chiều nay ở chân 1015 có ngọn khói đốt nương cháy ngược
Khói vào tim nhau

Giữa khuya mà nước mắt nghẹn ngào
Tiếng hô xung phong một sư đoàn chúng tôi nghe trời sáng
Chúng tôi tựa vào bia đá lạnh 
Bỗng hồn ấm gặp bạn bè tôi

đêm 14/12/2017 NTL

MÀU CỎ


Cỏ nào mà cỏ chả xanh
Gió qua ngọn cỏ chả thành gì đâu
Chỉ là nông chỉ là sâu
Cỏ màu chi rứa cũng màu nước non

Nào ai gọi cỏ nước non
Có ai gọi cỏ Trường sơn bao giờ
Cỏ là cứ mọc triền đê
Dẫn yêu với cỏ bùa mê cõi đồng

Rau thì cứ mọc bờ sông
Cỏ hoa thì cứ ở lòng nhà quê
NGười đi lấp loáng kinh kì
Ước ao trồng cỏ để về làm dân
…..
Tôi lên « một không mười lăm »
CỎ ngày xưa đốt âm thầm tới nay
Gió thì vẫn gió lung lay
Gió pô cô thổi qua đây bốn mùa
Thế mà cỏ vẫn cỏ khô
Bốn lăm năm cỏ vẫn chưa đổi màu

NGười ở đâu gió ở đâu?
Ba lô chìm xuống nát nhầu câu thơ
Bi đông vơi nước bây giờ
Cỏ xưa thì khát cỏ giờ thì mong

Rằng ai đi tây về đông
Rằng non nước gọi là rồng là tiên
một vùng cỏ cháy đạn bom
Người xưa cũng thấu nỗi buồn hôm nay

Bao nhiêu máu với xương dầy
Chất thành đất để cỏ này lên xanh
Thế mà qua cõi trường chinh
Ở đâu xương cốt đấy thành cỏ khô

Đinh cao 1015 ( Charlie )
tháng 3/ 2015

Thơ chỉ để cho vợ chồng mình thôi.


Thôi khép lại một năm nhiều biến cố
Những công trình ngàn tỉ hóa mồ hoang
Thôi khép lại nỗi nhục bao đồng chí 
Biệt phủ xây trên xương máu chiến trường

Đừng đong đếm bao tài nguyên mất hút
Thêm buồn cho con cháu rồng tiên
Ngu thì chịu, chứ kêu ai được nữa
Hương hỏa lại giao cho lũ ác giả hiền

Sao buốt giá sáng nay trời đẹp quá
Những cân đai hóa củi để đốt lò
Cần lao về quê thành phố sao buồn thế
Lại khối xe lên lầm lũi đưa quà

Tôi đứng đợi bạn già ngày đánh giặc
Để đi thăm một góa phụ chờ chồng
Chúng tôi mang bốn mươi năm đằng đẵng
Thành một dòng mộ chí cõi vô danh

Những người vợ của bạn tôi cười móm mém
Sáng xuân nay hai không mười tám lạnh lùng
Trong hương khói bạn tôi hiền như đất
Nước nhiều Dầu mà đun củi có buồn không?

KHép tờ lịch một năm ra vào trong nớ
Bạn tôi ơi nằm ở chốn rừng già
Bia tưởng niệm lạnh tái tê tháng chạp
Charlie buồn xa mà chẳng là xa

Tôi nghe nói năm nay nhiều vui lắm
Những con đường tàu hỏa chạy trên cao
Phố nhà tôi có đường nhiều ngàn ti
Vào Sài gòn bia sẽ uống ở đâu
Thôi nghĩ ngợi làm chi buồn nữa
Sáng hôm nay tiền lương tính lại rồi
Vợ tôi bảo lương hưu mình thêm được hai kí thịt
Bỗng sáng bừng thành phố mến yêu ơi

HN 8 giờ 31 phút sáng 1/1/2018

Chợ Bưởi mùa đông năm ấy


( treo lại cho có không khí tết)

Năm ấy 1983. Tôi nhớ rõ là vì tôi vừa ra trường đi làm. Tết đến, cả nước đói, súng nổ đì đùng ngoài biên giới cả phía nam và phía bắc. Ra chợ dặt những bộ áo đại cán nhuộm màu xám hoặc những bộ quân phục cũ trên những thân người có khuôn mặt vừa náo nức vừa lo âu. Năm ấy mưa và rét thế . U tôi đi về xuýt xoa, gớm thôi người ta về tết khuân bánh mì đến khiếp. Biết thế sáng nay lấy thêm trăm bánh nữa cũng hết. Rồi U tôi kể rét đến thế mà họ chịu khó vác những cành hoa đào đến to, toàn những là bộ đội là bộ đội. Ngồi im nghe mẹ vợ nói tôi biết đó là những chú lính từ biên giới về tết. May mà còn về được sớm đấy, chứ năm ngoái tôi chứng kiến đêm ba mươi vẫn còn la liệt lính ôm ba lô vác cành hoa đào ngồi chờ xe trong lúc giao thừa vắng teo teo. Tết đến trên đầu mà họ buồn rười rượi.
Chiều ba mươi năm nay, lại một năm vì con còn nhỏ và cũng kẹt tiền nên đành ăn tết Hà nội. Mà ăn tết ở Hà nội với tôi là cực hình. Vợ sai ra chợ mua mấy cành Violet về cắm lẫn mấy bông thược dược cho có tết. Mưa lép nhép. Chợ Bưởi bẩn phè phẹt những lá bánh và lá bắp cải già vương vãi. Người cầm bó lạt giang tước sẵn, người vài bông hoa thược dược, xấp bánh đa nem vài mảnh bóng bì xâu bằng cái lạt lủng lẳng. Mấy cô gái dưới Thụy ( làng Thụy Khuê ) vừa nhai bỏng ngô vừa ríu rít chuyện gẫu trên tay xách đôi guốc cao gót sơn mài. Mùa xuân đến trên tóc họ trắng như rắc muối những hạt mưa li ti .
Chợ vẫn còn người nhưng thưa thớt. Phiên 29 hôm qua thì ngàn ngạt những người là người. Hôm nay ai lo về nhà nấy để nền chợ rộng hẳn ra. Dưới gốc đề ngã ba mấy ông già cúp tóc đang chia nhau mấy cút rượu áng chừng nhờ vài mẹ “phe” mua hộ trong mậu dịch. Gió dào dạt, những lá đề lá sà cừ bay ào ạt xuống đường. Thằng “ rồ Cổ Nhuế “đứng co ro nhìn mấy chai rượu của mấy ông cúp tóc. Nó cũng nuốt nước bọt ừng ực !

Tôi ngược lên đầu dốc. Đường trơn lắm. Người ta phải xuống xe mà dắt bộ . Ở đấy có hai cái xe cam nhông quân đội đứng chình ình. Từ xa thấy xe GMC tôi đã thấy thân thuộc như hồi còn ở trong nam liền ghé lại. Hai chú lái xe áo K82 ngồi xổm hút thuốc. Bốn cô gái cũng mang quân phục đứng nép dưới cây sà cừ môi thâm bẳn. Mắt hoe hoe lo lắng. Tôi hỏi xe đi đâu hả các bạn ?
Chúng em trên Lai Châu đơn vị cho cắt lá dong về bán lấy thêm tiền cải thiện cho đơn vị. Mấy cô gái lính trả lời nghèn ngẹn.Thì ra hai xe đầy ắp lá dong bán được non nửa. Hàng còn nhiều quá mà chiều ba mươi tết rồi ai người ta mua? Nước này đổ đi là chắc. Mấy cô gái nói như sắp khóc, không bán hết thì chết thôi, không hoàn thành nhiệm vụ, chở về cũng khổ vứt đi cũng chết với thủ trưởng, tết lại chẳng được về. Đêm nay chắc chúng em ăn tết ở dốc Cun Hòa bình rồi …
Gió lại ào ào rít. Lá vàng trên mấy cây sà cừ cổ thụ đầu dốc Bưởi vô tư sà xuống mấy xe lá dong mang nhãn hiệu nhà binh, vương cả trên mũ cối của mấy cô lính lấp ló cái cổ áo thun đỏ co ro vì lạnh. 
Tôi nhặt mấy cành hoa Violet của gánh hoa muộn rồi ra về. Hai cái xe lá dong vẫn đứng đấy. Mấy người lính ngồi tụm sau gốc cây. Chả biết họ trò chuyện gì, đã có cái gì bỏ vào bụng chưa? mưa rét là đói nhanh lắm. Đi rồi tôi chợt ngoái lại chỗ mấy người lính Lai châu bán lá dong thấy thằng rồ Cổ nhuế đứng dưới cái biển MDQD BA ĐÌNH- quầy Chợ Bưởi nhìn chăm chăm mấy người lính. Chiều ba mươi tết năm ấy rét thế. Thế mà thằng rồ chợ Bưởi nó không rét .

Người Trung du


Xòa cả mái tóc em hanh vàng rừng cọ
nắng cuối thu cũng hóa xôn xao
Bờ sông Lô lam nham tàu cát
Rắc hoang ngút ngát một triền sông

Em bảo những người thiếu nữ ngồi bên nương ngô khát chờ mong
Bàn chân họ cát ăn lổ đổ cả tuổi chưa chồng
Gái trung du xuất giá
Mang màu rừng ruộng đi ra

Nào ai không trung du về làm dâu gội xuống đò sang Hồng Hà
Rau nương rau bãi
Xòe tay bấm ngồng cải gieo bờ sông vắng mẹ chồng
Đất này nắng xanh cả sông
2/1/2018

ĐIỂM CAO NÀY CÒN BÚNG BÁNG HAY KHÔNG?


Tháng này Ngọc Rinh Rua còn Búng Báng không?
Mùa khô ở Tây Nguyên đỏ lòm đất
Búng báng dìu dịu cơn khát
Đêm tiếp cận 1015 đỏ rực hỏa châu

Chỉ huy trung đoàn Búng Báng hấp thay cơm
Bản đồ tác chiến lấm loe loe đất
Bê năm hai trần mấy lượt
Phía Chư mom ray pháo lấy phần tử xong rồi

Con suối Rờ cơi chẳng kịp vục mặt người
Bi đông vội đến quên vặn nắp
Bộ binh vừa chạy vừa khát
Bình độ 1000 có Búng Báng không?

Ơi một không mười lăm
Ta vượt qua lằn ranh vào Kon Tum mùa phượng đỏ
Chúng tôi thì thầm ta là người “bóc vỏ”
Phía bên kia sông , trắng nưc nở hoa Cà phê

Phía chúng tôi sẽ đi là phía địch tuyên thề
Không có kẻ nào đến được
Ba lô chúng tôi có bao nhiêu là đạn dược
Chúng tôi gùi cả thơ Trường Sơn

Tháng tư này là đã bốn sáu năm
Đất thì đỏ cốt hồn người xưa vẫn đỏ
Trung đoàn tôi vùi thân trong ba zan màu lửa
Một cánh rừng Búng Báng với Lồ ô.

Sương lạnh mùa khô, khô tóc lính già
Ngày trở lại dựng bia trên điểm cao hoang vắng
Chúng tôi đi tìm Búng Báng
Cồn cào khát cả tiếng ve kêu

Đứng trên đỉnh cao gọi những cái tên yêu
Anh Hiệp* anh The* anh Hải *…..
Nghĩa trang Kon Tum chờ mãi
Đủ đầy làm sao ! ngày ấy đói quặn lòng

Tháng tư này đứng ở « một không mười lăm »
Nhìn Pô cô hiền như sông Hồng sông Tích
Ngày chúng tôi dựng bia ghi những chiến công hiển hách
Ước gì còn Búng Báng gửi cho nhau

Sáng 3/1/2018
* tên các anh chỉ huy đã hi sinh ở 1015( CHARLIE)

Cho tao xin một khói


Bây giờ. Ngồi đâu đó hút thuốc quả là sự khó chịu với đồng loại. Đúng quá! ảnh hưởng ghê gớm cho môi sinh chứ chả thể đùa.
Khói thuốc là kẻ thù là sự chết chóc vô biên chứ chả chơi.
Lớp người hút thuốc gọi là công dân hạng hai là ghép cho nhiều tính từ mà tính từ nào cũng xấu.

Thế mà cứ lẩn thẩn nhớ về khói thuốc.
Năm ấy đi trên Trường Sơn một thằng trong tiểu đội tôi tên Trung người Ninh Bình có câu nói tuyệt vời khiến thằng nào cũng thích. Một chiều đến trạm giao liên mắc võng xong rồi nó bảo:
- Ước gì bây giờ có điếu thuốc dài như cây nứa tép gác lên cây rồi nằm võng mà hút…thì Trường sơn đẹp biết bao.
Chúng tôi đứa nào cũng mê mẩn ừ nhỉ giá có điếu thuốc thật dài hút mãi không hết.

Vài tháng sau chúng tôi một tiểu đoàn sinh viên đi đào sắn bên đất Miên. Mặt xanh xao, bụng lép kẹp. Chúng tôi thái lá sắn nhỏ như thuốc lào. Phơi tai tái rồi làm điếu cầy hút. HÚt khói khai khai đắng đắng. Thế mà nhe răng cười. Gọi là thuốc Lào Miên. He he. Cười cay đắng.
Vài tháng sau về đánh nhau ở Tây Nguyên, chỉ mong đến kì phát “ nhu yếu phẩm”. Đến bây giờ tôi chả quan tâm nhớ nhu yếu phẩm có gì vì tôi chỉ nhớ miếng thuốc ép khô của Miên to bằng cái kẹo lạc. LÍnh 15 gam. Sĩ quan 25 gam. Thê thôi . Đếch cần gì hơn. Chúng tôi hút phát là nấc đánh hự. Mẹ kiếp thuốc Miên nặng dã man. Để nguyên thế vê thành thuốc Lào hút cũng phê.
Gần tết 1975 ( trước khi đánh Ban Mê Thuộc) Mỗi người được 10 điếu thuốc lá. Mỗi trung đội được 1 gói thuốc Lào AN THÁI loại 20 gam gói bằng giấy gấp bốn góc. Bê trưởng bảo, thằng Luân là cảm tình đảng , mày giữ gói thuốc Lào cho cả B đúng giao thừa mới được hút. Từ hôm có thuốc lào chúng tôi làm điếu cầy . Mấy lần. Thử điếu và cuối cùng chấp nhận điếu thằng Nhớn Thái Bình được trúng thầu. NHớn vinh dự vô biên. Vinh dự còn hơn làm cán bộ bây giờ. 
Giao thừa năm ấy chúng tôi hút thuốc Lào trong nhà hầm. Bê tôi 29 thằng đến ngày 30/4 còn 16 thằng. Ngày hút thuốc đầu lọc ở Sài gòn thương thế.

TRận đánh 29/4/1975 ở Cầu Bông. Thằng Thuận người Đông Lao Hoài Đức bị thương vào cổ . Đại đội cho tự bò về phía sau. Tôi là Trinh sát đang ở sở chỉ huy thấy nó bò nhấp nhô trên ruộng dưa leo. Tôi bò ra, nó ngoẹo đầu bảo :
- Mày cho tao xin một khói. 
Tôi cắm cho nó điếu capstan vào mồm. Nó bò tiếp về phía sau.

************
Cho tao xin một khói!
Cho tao khói!
Còn khói không?

Chuyện hút điếu thuốc Lào ở chiến trường không dám hít mạnh sợ hết khói trong điếu, nhỡ có thằng đồng đội xin hít lại thì tội, cứ ám ảnh đến tận bây giờ.
Mỗi lần ngồi uống bia với bạn tôi - PGS Đinh Ngoc, tôi và nó là hay hút chung một điếu thuốc. Lần nào cũng thế, nó lại bảo tôi:
- Tao xin một khói.
Chúng tôi nhìn nhau giữa lòng Hà nội chả có nhiễu nhương nào xen vào, chỉ có con mắt đồng đội đang nhìn nhau.

5/1/2018 

Mưa mùa đông


Ở  hai đầu thành phố sớm nay mưa
Buốt giá bàn tay quờ vào gió
Em bảo tuổi xuân mình búp tay thô ráp thế
Mà bây giờ mưa chuốt ngón măng xưa


Có những cơn mưa ướt cả ba lô
Dọc sông Son con sông nhiều trinh nữ
Cả những cánh rừng hoa tím bầm bom Mỹ
Khúc ngầm nào tên cũng gái nhà quê


Đường hai mươi đường mười hai ngày xưa
Rồi lại những cái tên quen quen chọ chọe
Lại những nấm mồ xanh ven đường toàn lính trẻ
Những hang vòm rúc rích gái trinh


Nước suối hành quân anh uống tiếng bom gầm
Nồi cơm sôi trạm giao liên đêm lên thơm tiếng gái
Bốn mấy năm hoa râm ở hai đầu thành phố
Lời hẹn rồi thương buốt nhói tuổi già


Sao ngày xưa tay thô ráp anh hè
Lanh lảnh hát rồi lại long lanh khóc
Ơ cơn mưa rất trong mà khó nhọc 
Nối hai đầu thương nhớ tới Trường sơn


9/1/2017

Bếp của mẹ




Nhớn lên đi ra thiên hạ làm dân làm quan, cuối năm lại quay về với quê. 
Lâu dần. F1 sang F2 xuống F3 ...quê biến đi từ từ. Anh nào Làm quan càng to quê mất càng nhanh. Mấy anh lãnh đạo nhớ quê hay làm từ thiện. Người ở quê thừa biết anh làm to làng mình làm từ thiện chỗ khác còn nhiều hơn quê. Có anh thiếu tướng công an về làng oai lắm nhưng mấy cụ già vẫn biết cái thằng ấy ngày xưa ăn cắp cá ăn cắp sen của HTX giỏi lắm. Oai oách nỗi gi đâu khi về đến làng mình.

Về quê có cái bếp là cốt hồn y như thuở cũ. Mẹ mất rồi bếp lạnh lẽo vô cùng mặc dù mình đang đốt lửa. NHững dấu chữ các cháu ngày xưa về quê ăn tết với bà vẽ nguệch ngoạc trên tường âu yếm thế. Mẹ tôi bảo, mẹ cứ nhìn những chữ viết bằng than lên bếp kia là mẹ vui lắm. Mẹ mất rồi tôi thấy nhời mẹ cũng là nhời nhắc nhủ chúng tôi.
Bây giờ cái bếp quê tôi tiến bộ lắm, họ cũng "đun đứng " như người phố. Ấy vậy mà tôi về quê vẫn thích đun củi. Đun củi là đun ngồi. Mùi khói ai ai trên tóc, khói len lỏi ngoài vườn mơ bãi chè. Tết cứ như đứng thập thò cửa bếp. Mưa phùn giăng giăng. Lại thấy mẹ về đứng ngoài hiên môi thâm tím. Mẹ run run chia quà cho các cháu ở Hà nội về. Mẹ cười. Chân quệt quệt bùn vào cái chổi rơm góc hè.
10/1/2018

SÔNG CHẢY


Ba năm trước, tôi có chút tiền bán sách lọ mọ đi tìm bạn lính trên Xín Mần. Về hưu rồi, nên kẹt phết. Đi đến đâu tính đến đó. Con đường từ Hà Giang vào Xín mần qua Hoàng Su Phì lốc cốc mõ trâu và hoa chuối rừng với ruộng bậc thang đẹp lắm. Vậy mà nôn nao say xe. Đang lúc người quay liêng biêng thì thằng bạn tôi bảo, sông Chảy kìa ! Tôi ngó ra thấy một thung lũng chập chùng đá. Đá to như những con bê nằm nối nhau về xuôi. Thị trấn Vinh Quang của Hoàng Su Phì chỉ một vài con đường ngắn mà đã thấy vài loại trang phục khác nhau. Ở đây cứ vài chục mét trên phố là có một thùng rác công cộng. Chả bù cho nơi tôi sống, rất gần Lăng Bác Hồ mà tìm thùng rác công cộng hơi bị khó chứ đừng nói đến nhà vệ sinh. Hóa ra, càng lên núi non đời sống của con người càng đơn giản và nó thanh tao hơn dưới thấp. Ôi vui thế, đúng là lên trên vùng cao. Chứ chả ai nói lên vùng thấp.
Sông toàn đá mà gọi là Sông Chảy. NÓ bám theo Tây Côn Lĩnh sang Lao kay rồi lại quặt về xuôi theo kiểu chạy đua với sông Thao. NHưng nó bị ngăn lại ở Yên Bái thành cái hồ Thác Bà. Đoạn cuối sau hồ Thác Bà nó chảy buồn rầu về nhập với Sông Lô cách Thác Bà chỉ đôi chục ki lô mét. Thế là hết một con sông. 
Hỏi hồ Thác Bà hình thành là ngăn sông nào? Tôi cam đoan người nay mấy ai biết là sông Chảy. Họ không thèm để ý mà thôi. Còn chúng tôi lứa học sinh XHCN trước năm 1970 ai cũng biết vì hồi ấy chúng tôi học kĩ lắm. 
Mỗi lần qua Hiên. Mối lần qua cầu Đoan Hùng. Nhìn dòng sông Chảy cạn lững lờ. Bãi giữa nổi lên những cát vàng và đá đen như đàn bê nằm quay về xuôi hình dung ra ngọn nguồn con sông lau dại kín bờ hăm hở chui qua núi chồm qua đá về với sông chị sông anh. Tôi chợt thấy thương những người quê tôi bên một dòng sông quên lãng.

12/1/2018

Ơi hoa pơ lang



Ơi hoa pơ lang
Dak glei chiều nay về
Con gái nhà ai e thẹn
Vội đi qua mấy bác già

Mùa khô trời trong
Bồng bênh mây loe loe nắng
Bỗng như ta còn trẻ lắm
Giống hoa pơ lang không già.

5 giờ chiều Ngọc Hồi Kon Tum 15/1/2018