Sunday, February 12, 2017

VỀ THÁI BÌNH VỚI SƯ ĐOÀN PHÓ TRẦN NGỌC CHUNG




Sáng, dậy ra đi từ 5 rưỡi. Lên phố Trần Phú vợ chồng Cụ Khuất Duy Tiến đã nấu xôi lạc, vài anh em ăn bát rồi đi. Hai cụ già lịch kịch hoa huệ, trái cây và vàng nhang.

Đến Hưng Hà lúc 8 giờ sáng.
Hôm nay cuộc đi thật lắm cảm xúc đặc biệt, không thể kể chốc lát mà hết. Các bạn CCB nhất là những ai đã chiến đấu ở K có thể biết. Ngày ấy sư đoàn 320 và quân đoàn 3 đã hi sinh một số cán bộ cấp cao. Thiếu tướng Kim Tuấn, Tư lệnh quân đoàn 3, Thượng tá phó tư lệnh đoàn 320 Trần Ngọc Chung. 
Lúc ấy Cụ Khuất Duy Tiến là sư đoàn trưởng còn cụ Trần Ngọc Chung, Sư đoàn phó. Hôm nay vợ chồng cụ Tiến về thắp hương cho người bạn của mình và thăm cụ bà tại Hưng Hà, Thái Bình.
Làng xóm đang mùa gặt, nắng thật vàng và Thái Bình thật là yên ả. Trong ngôi nhà gọn ghẽ, người phụ nữ nhỏ thó, tóc đã bạc đón chúng tôi. Vợ chồng cụ Khuất Duy Tiến thắp nhang. Tôi nghe người tướng già lầm rầm khấn bạn, nghe vợ Sư đoàn phó Chung khóc, nghe tiếng máy vò lúa ngoài đồng và cả tiếng chim hót trên cây khế đầu nhà.

Tôi nghe cụ Tiến khấn thế này:..." anh Chung ơi, tôi và anh quen nhau từ hồi chống Pháp, tôi và anh lại cùng một đại đội huấn luyện cán bộ của sư đoàn những ngày đầu hòa bình, tôi và anh lại cùng vào đánh Mỹ ở Quảng Trị một ngày. Tôi làm Tham mưu trưởng trung đoàn anh làm tiểu đoàn trưởng. Rồi tôi và anh lại cùng vào Tây Nguyên. Anh làm trung đoàn trưởng 48, tôi trung đoàn trưởng 64. Rồi mấy năm sau, thống nhất nước nhà tôi và anh lại sang K, tôi là Sư trưởng anh là Sư phó. Hôm anh hi sinh, sáng ra anh tắm rửa thay quần áo ăn sáng với tôi, anh còn làm chén rượu rồi anh xuống kiểm tra trung đoàn 48. Anh chào tôi. Anh bảo, chiều về ăn cơm với tôi. Thế mà bị địch phục bắn cháy xe anh...Tôi về đây thấy 2 con gái anh đều là cô giáo, rể của anh là sĩ quan là cán bộ lại thấy chị khỏe tôi mừng. Anh khôn thiêng...." tôi nghe mà thấy giọt nước mắt chảy trên má mình. Hai người già đang nói với nhau, tôi ngó sang thấy vợ sư phó Trần Ngọc Chung nắm chặt tay vợ Sư trưởng Khuất Duy Tiến hai mái đầu bạc của hai bà già 80 tuổi rung rung.

Chiến tranh nó in hằn lâu quá. Tôi sẽ kể về thượng tá Trần ngọc Chung sau, tôi đưa mấy tấm hình sáng nay lên để mọi người cùng cảm nhận tình đồng đội của những người lính già

CHUYỆN KỂ VỀ LIỆT SĨ THƯỢNG TÁ SƯ ĐOÀN PHÓ TRẦN NGỌC CHUNG

1 / Trận đầu tiên đánh Mỹ của sư đoàn 320.
Kể từ khi Mỹ đổ quân vào miền nam VN sư đoàn 320 cũng như nhiều sư đoàn khác đã chủ động huấn luyện kĩ lưỡng và đưa từng trung đoàn của mình vào chiến đấu ở chiến trường. Nhưng đi chiến đấu hoàn chỉnh cả đội hình Sư đoàn thì mãi tới cuối 1967 Sư đoàn 320 mới bắt đầu thực hiện. Ngày 25/11/1967 Sư đoàn 320 làm lễ xuất quân đi chiến đấu tại khu rừng Cúc Phương. Nơi sư đoàn đến là măt trận Đường 9- bắc Quảng Trị ( gọi tắt là B5) . Sau 40 ngày hành quân trèo đèo lội suối, giữa tháng 1/68 toàn Sư đoàn vào vị trí tập kết sẵn sàng chiến đấu. Nhiệm vụ của sư đoàn là cắt đường số 9 để mặt trận tiêu diệt địch ở Khe Sanh Hướng Hóa. BTL Sư đoàn sử dụng trung đoàn 64 lập trận địa chốt cắt đường giao thông số 9 ở Động Mã và tổ chức trận địa đánh địch giải tỏa ở đông nam Cù Đinh (182). ( Hai địa danh này đã đi vào bài hát Tiếng hát trên đường quê hương và Tiếng đàn Ta lư). Riêng e 48 chuẩn bị đánh Cam Lộ và đường 76.
Chỉ có một tuần vừa hành quân đến vị trí chiến đấu, trinh sát, bố trí trận địa, liên hệ với địa bàn tải đạn gạo và hầm phẫu quân y, hầm chỉ huy, xây dựng một hệ thống trận địa chốt trên dẫy đồi Động Mã ( dẫy Động Mã, chứ không phải chỉ một đồi Động Chi ) nằm sát đường số 9. Tạo ra một bức tường án ngữ ở phía bắc khống chế và chia cắt con đường số 9 này.
Đến lúc này 320 chưa từng đánh trận nào với quân Mỹ. 
Trung tướng Khuất Duy Tiến kể:
…Lúc ấy tôi là trung đoàn phó tham mưu trưởng, tôi được anh Trịnh Ngọc Thái Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ đi với hướng tiểu đoàn 7 của anh Chung đánh địch trên hướng Động Mã vì đâu là trận đầu đánh với Mỹ. Tôi xuống tiểu đoàn 7, gặp anh Trần Ngọc Chung tiểu đoàn trưởng nói ý định của trung đoàn với anh Chung. Sáng hôm sau đi chuẩn bị địa hình với cán bộ từ đại đội trở lên. Tôi và anh Chung thống nhất được phương án tác chiến và dẫn các cán bộ đại đội vào thực địa. Nhìn anh em cán bộ chiến sĩ hồ hởi chờ đánh trận đầu với Mỹ tôi và anh Chung thấy thật an tâm trở về sở chỉ huy. 
5 giờ 30 sáng 24/1/68 máy bay L19 bay tới lượn vòng quanh Thiện Xuân
8 giờ một trung đội Mỹ từ ca rol (241) ra dò mìn 
11 giờ Sư đoàn thông báo có một đoàn xe lính Mỹ từ Đông Hà ra
Nhận tin tôi điện báo cho anh Chung cho bộ đội sẵn sàng Chiến đấu. Bỗng từng loạt pháo từ Đầu Mầu Bái sơn bắn dọc đường 9 ta bị một số thương vong. Tôi gọi anh Chung: Động viên bộ đội bình tĩnh, kiên trì giữ bí mật đến cùng

14 giờ 30 . 

Đoàn xe Mỹ 8 cái bắt đầu dãn cự li đi vào đoạn đường mà c1 tiểu đoàn 7 chốt chặn. Động cơ xe ầm ĩ . chờ địch vào đúng cự li ba phát AK lệnh từ đồi Động Mã. Xạ thủ B40 Thắng nổ phát đầu tiên lửa bùng lên chiếc xe bắt đầu bộ đội lao lên bắn cháy đến xe thứ 4 ở hướng B2 lại bắn cháy 3 xe nữa . Quân Mỹ bất ngờ nhảy ào xuống đường chống cự và lui về dần Ca Rol 241. Hơn hai chục lính Mỹ sống soyts co cụm chống trả quyết liệt Tổ trung liên của đồng chí tên Hoan được điều lên bắn yểm hộ cho bộ đội xung phong. Đang nổ súng , thấy A trưởng tên Sỹ bị thương lòi ruột Hoan giao sũng cho đồng chí khác đỡ lấy Sỹ. Đang băng bó cho Sỹ Một tên Mỹ cao lênh khênh vừa chạy vừa bắn súng ngắn về phía anh. Đoán là tên chỉ huy anh Hoan giao người bị thương cho anh Quỳ rồi lao thoe thằng Mỹ. Làm động tác giả Hoan ném hòn đá, tên Mỹ tưởng Lựu đạn lắn quay ra tránh. Hoan tung người đè sấp tên Mỹ nhưng nó to quá anh bóp cổ nó mà không ăn thua anh cắn vào cổ nó . Tên Mỹ rời con dao găm ra, Hoan chộp lấy đâm vào ngực nó. Lúc này cả tiểu đội lao đến nơi nhìn thằng Mỹ mắt mở trừng trừng.
Trên đường hơn ba chục xác Mỹ nằm ngổn ngang. Anh Chung xốc lại đội hình tiểu đoàn đưa C1 lên giáp mũi Kiếm đón đánh địch giải tỏa , c3 bám vị trí sẵn sàng đánh vận động. Đúng như dự kiến , trong khi bộ đội ta đang cơ động theo lệnh thì pháo binh Mỹ từ các căn cứ bắn ồ ạt vào khu vừa nổ súng. Pháo bắn chừng hai mươi phút là 5 máy bay A37 lao vào ném bom. Chúng ném bom phát quang, bom cháy. Cả cánh rừng dài bỗng chốc thành bình địa cháy đen nhẻm. 
Gần tối hôm đó (24/1/68) địch nghĩ là quân ta đã chết hết sau trận bom pháo hoặc còn sống cũng dãn ra xa. Chúng cho 1 đại đội Mỹ có 2 xe tăng tiến ra từ căn cứ 241. Nhưng ở đây ta bố trí một trận địa DKZ 75 bắn cháy cả 2 xe tăng. Anh Trần Ngọc Chung lệnh C1 khóa đuôi, C3 vận động lên đường lao vào quân Mỹ. Tiểu đoàn 7 chia cắt đội hình lính Mỹ mà tiêu diệt. Cả đại đội MỸ tan tác số còn lại chạy thục mạng về 241
NHư vậy ngày 24/`1/1968 ngày đầu tiên nổ súng chiến đấu với quân Mỹ của E64. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Trần ngọc Chung tiểu đoàn 7 đã tiêu diệt 8 xe quân sự , 2 xe tăng , tiêu diệt hơn một trăm tên lính Mỹ. Đây là một trận đánh chốt kết hợp vận động tấn công trong tầm bom pháo dày đặc của quân Mỹ. Trận đánh có tác dụng động viên vô cùng lớn lao với bộ đội sư đoàn 320 rằng : quân Mỹ không phải là bất khả chiến mà bộ đội ta quyết đánh là đánh được và đã đánh thắng.

Chuyện kể về Sư đoàn phó Trần ngọc Chung ( tiếp)
2/ Chỉ có một tiểu đoàn mà cắt đứt đường số 9 .

Tôi viết cái tiêu đề trên xin người đọc bình tĩnh đừng vội phân vân. Sự thể như sau:
Sau một ngày chiến đấu liên tục, tiểu đoàn trưởng Trần ngọc Chung đã chỉ huy tiểu đoàn 7 E64 lập công suất sắc tiêu diệt 8 xe quân sự 2 xe tăng và diệt hơn một trăm tên Mỹ. Ngay tối hôm đó 24/1/68 Sư đoàn trưởng Sùng Lãm điện chỉ thị trung đoàn 64: Tiếp tục cho tiểu đoàn 7 củng cố trận địa, cùng với lực lượng của trung đoàn sắn sàng đánh quân giải tỏa. Đồng thời cho D15 công binh đánh mìn phá cầu Thiện Xuân, phải thực hiện bằng được cắt đường số 9, tiêu diệt quân giải tỏa , cô lập lực lượng quân địch ở Khe sanh để chủ lực mặt trận tiêu diệt chúng.
Trung tướng Khuất Duy Tiến kể.
Ngay khi nhận lệnh của Sư trưởng Sùng Lãm, chúng tôi lên kế hoạch đánh cắt giao thông đường 9 cho tiểu đoàn anh Chung đoạn cầu Thiện Xuân-Động Mã. Vậy là trong ngày 25/1 ta phá cầu Thiện Xuân và cắt đường 9. Buổi chiều, Cốt xman tư lệnh lính thủy đánh bộ Mỹ đi cùng Uy-liêm Giôn tư lệnh sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ là lực lượng bảo vệ đường 9 vội bay ra quan sát đường 9. Thấy quang cảnh đường 9 tan hoang đoạn cầu Thiện Xuân xe địch còn cháy ngổn ngang nằm trên đường chúng hiểu đây là chủ lực chính quy Bắc Việt. Ngay lập tức Uy liêm Giôn điều tiểu đoàn 3 lữ 4 lính thủy đánh bộ từ Đông hà ra Cam lộ và đưa tiểu đoàn 2 lữ đoàn 4 lính thủy đánh bộ từ Dốc miếu về gần căn cứ 241 thực hiện ý đồ phải chiếm được cao điểm 105 để rồi tấn công dẫy chốt Động Mã của tiểu đoàn7 đẩy quân ta ra xa và cùng với quân ở 241 giữ đoạn đường này. 
Nắm được tình hình địch, tôi điện gọi anh Trần Ngọc Chung:
- Hiện nay thằng tiểu đoàn 2 lữ 4 đang vào 105. Nó mới đến chưa xong trận địa kiên cố. trung đoàn dùng tiểu đoàn của anh và tiểu đoàn 8 của anh Cẩn tập kích bọn Mỹ này ngay trong đêm. Anh cho bộ đội chuẩn bị, tổ chức vừa hành quân vừa trinh sát nắm địch.
Ở đầu máy bên kia anh Chung trả lời:
- Anh báo cáo với chỉ huy trung đoàn là chúng tôi chấp hành ngay.
Quay sang máy cho anh Cẩn tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 tôi cũng truyền đạt mệnh lệnh như anh Chung. Anh Cẩn cũng nói chấp hành ngay. 
Anh Chung chỉ huy bộ đội hành quân ngay trong đêm tối. mặc dù hai ngày qua D7 đánh địch liên tục nhiều trận. 4 giờ sáng anh Chung báo đơn vị đã đến vị trí tạm dừng. Tôi nói anh tổ chức nắm địch và chiếm lĩnh trận địa và báo ngay về sở chỉ huy.Lát sau anh Chung cho biết : trinh sát thấy công sự chúng đào dở ba lô hòm đạn còn trong hố, có thế lính Mỹ ẩn nấp đâu đây. Tôi bảo anh cho bộ đội lùi lại và cho người lên nắm lại xem sao? Anh Chung bò lên 50 mét thì phát hiện quân Mỹ căng bạt nằm ngủ súng ống ngả ngớn. Lúc này chỉ có một tiểu đoàn 7 của anh Chung tiếp cận địch còn tiểu đoàn 8 chưa bắt được liên lạc. Trần ngọc chung hội ý với chính trị viên và quyết định nổ sung không đợi cánh quân của anh Cẩn nữa.
Đúng 5 giờ sáng 27/1 tiêu đoàn trưởng Trần Ngọc Chung hạ lệnh nổ súng. B40, B41, cối 60, coois82 lựu đạn đồng loạt trút vào quân Mỹ. Ngay từ phút đầu địch bị diệt phần lớn. Tiểu đoàn 7 xông lên dùng Ak và lưỡi lê vừa bắn vừa đâm. Một mũi nhọn của c3 là Bùi Đức Hậu liên tục tay đâm chân đạp không biết đến tên thứ mấy tay chồn tê dại. Trận đánh diễn ra có 20 phút toàn bộ quân Mỹ ra 105 bị tiêu diệt số ít còn lại chạy về 241. Thê slaf ý định ra chiếm 105 của Mỹ thất bại. Dù không có D8 nhưng tiểu đoàn 7 dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Trần ngọc Chung đã không bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch và vẫn cắt đứt được đường 9. Ngày nay khẩu súng Ak lắp lưỡi lê của Bùi Đức Hậu còn ở trong nhà bảo tàng quân đoàn 3 ở Gia Lai. 
 Chuyện về Sư đoàn phó Trần Ngọc Chung của chúng tôi còn nhiều nữa. Cũng như Sư trưởng Khuất Duy Tiến Liệt sĩ Trần Ngọc Chung chỉ huy hàng trăm trận đánh trên cượng vị Tiểu đoàn trưởng ở Quảng Trị năm 1968, trên cương vị Trung đoàn phó ở Đường 9 nam Lào, trên cương vị Trung đoàn trưởng ở Tây Nguyên từ 1972-1975 và cuối cùng là xuống trực tiếp chỉ huy E48 đánh Đồng Dù ngày 29/4/75. 
Năm 1977 sang Căm Pu chia với cương vị Tham mưu phó Sư đoàn rồi Tham mưu trưởng rồi Sư đoàn phó Tham mưu trưởng. Ông là một chỉ huy gan dạ cơ mưu.

Thượng tá Trần Ngọc Chung hi sinh năm 49 tuổi. Ông chỉ có hai cô con gái. Khi ông chết ở chiến trường hai đứa con gái còn bé đang đi học phổ thông. Ngần ấy năm sau chiến tranh chúng tôi trở về thắp hương cho ông. Ông nằm trên cánh đồng bãi ven sông Luộc thật yên ả. Quanh ông là lúa vàng và mùa này vườn ổi nhà ai thơm lừng. Tấm ảnh ông bình thản, ngôi mộ của ông nằm cùng với những ngôi mộ những người du kích thôn thời chống pháp, bên cạnh những người lính chống Mỹ và tôi thấy có cả những ngôi mộ hi sinh năm 79 đưa về từ phía bắc. Quanh ông là một đơn vị đủ mọi thế hệ. Ông bình thản nhìn chúng tôi, chắc ông cũng nhận ra chúng tôi những người đồng đội sư đoàn 320 một thời của ông
10/2/2017


Ảnh con gái cả của liệt sĩ Trần Ngọc Chung thắp hương tại nghĩa trang làng Tiên La- Đoan Hùng - Hưng Hà


No comments:

Post a Comment