Friday, September 22, 2017

THỜI ĐẠI CHỌN THẾ HỆ ( tác giả : Lê Hương )- Bình luận về RỪNG ĐÓI

Tôi nhận ra điều ấy khi đọc cuốn tiểu thuyết “RỪNG ĐÓI” của tác giả Nguyễn Trọng Luân- một người lính, trong một ngày mưa sấm chớp ùng oàng của Hà Nội. Vâng! thời đại chọn thế hệ chứ mỗi thế hệ không được chọn thời đại. Trách nhiệm công dân, lý tưởng thời cuộc và hoàn cảnh lịch sử đã đem đến cho mỗi thế hệ một trọng trách khác nhau. Thời đại cuộc kháng chiến chống Mỹ đã giao nhiệm vụ cho thế hệ trẻ ( cả không còn trẻ) suốt 20 năm là cầm súng và chiến đấu.
Năm 1972, đó là năm khốc liệt nhất của cuộc chiến, cả đất nước huy động dốc toàn bộ lực lượng cho mặt trận phía Nam. Đến mức huy động cả lực lượng trí thức, sinh viên các trường đại học, lớp thanh niên ưu tú của đất nước, đều tham gia tòng quân lên đường đánh Mỹ. Nếu năm 1972 những người lính sinh viên các trường đại học ở Hà Nội hành quân đến thẳng trận chiến của Thành cổ Quảng Trị, thì một bộ phận những người lính sinh viên các trường đại học ở Thái Nguyên tham gia một cuộc chiến khác. Cuộc chiến mà không hề có trong sách vở, trong các bài báo, bài văn, bài phát biểu, bài tổng kết hay đánh giá… Nếu không có những người lính bước ra khỏi cuộc chiến ấy làm sao chúng tôi, những thế hệ không bị chiến tranh lựa chọn ấy hiểu được.
“ Cứ tưởng vào đến chiến trường đã được bàn giao về một sư đoàn chủ lực của mặt trận rồi là đi đánh nhau ngay. Ai dè nhiệm vụ của chúng tôi nghe mà nhột nhạt cả má cả tai. Họ bảo ở bên nhà, tức là ở sư đoàn ấy đang đói lắm. Anh em đánh nhau không có gạo nên 500 chú lính sinh viên này sẽ đi sang bên kia biên giới MÓT SẮN gửi về cho các đơn vị đang tác chiến ăn mà đánh nhau.” (trang 15).
Và cuộc chiến ấy không ai hình dung ra sự khốc liệt đến tận cùng của nó “ Chỉ biết là sẽ đói lắm. Đói mê mẩn đói bền bỉ. Đến rừng cũng đói”( trang 15)
Và cả tác phẩm ấy xoay quanh gần 3 tháng bên kia biên giới, đất Cămpuchia của cả đoàn quân đi mót sắn để làm lương thực gửi ra tiền tuyến. Câu chuyện tưởng như không có gì để nói ấy lại cả một thử thách khắc nghiệt, tàn nhẫn và nhiều lúc đẩy con người ta đến tận cùng bản năng tồn tại.
Tôi đọc và khóc và cười và lại khóc…để cuối cùng trào dâng một cảm giác thật lẫn lộn khó tả, đầy ám ảnh vừa xót xa vừa khâm phục vừa hoài nghi mọi thứ nhưng cũng lại tin tưởng tuyệt đối…vào nhân cách, lý trí và trái tim của con người. Nhất là những người lính sinh viên ấy.
Không muốn viết nhiều mà muốn mọi người hãy tìm đến và đọc tác phẩm, nó không chỉ cho ta biết thêm về sự thật chiến tranh mà nó còn cho ta thêm bản lĩnh về cuộc sống và lòng biết ơn, kể cả sự thở phào may mắn rằng ta đã không phải sinh ra để được lựa chọn như thế.
Đọc xong tác phẩm điều ám ảnh tôi là những chi tiết rất thực: hình ảnh những cán bộ từ chiến trường ra nhận quân gầy đen đủi, áo quần rách rưới…, “những bộ đội hành quân đi B2 mà đói. Họ bò không nổi…” ( trang 45) và họ “Sống ở ngay cái chết chứ đâu…” ( trang 17); chi tiết anh Thiện người Đại Từ ( đồng hương quê tôi) tỉnh bơ khi bị kiểm điểm: “ Bố tôi cho hẳn một đứa con trai đi theo quân đội đánh giặc chả tiếc mà quân đội lại tiếc bố tôi đôi dép”; rồi anh Quyết trả lời về vụ không mặc quần đùi; hay anh Tiến và Pơn dặn dò: “ đừng để cái đói nó làm tầm thường những sinh viên miền Bắc nghe mày…”(trang 154) Đó chính là tư chất của những người trí thức những chàng sinh viên đại học này.
Tôi cũng không kể về những sự hy sinh mất mát mà tôi đã khóc mỗi khi đọc lại, tôi chỉ muốn viết về tình đồng đội của những người lính. Không phải viết về tình đồng đội của những người cùng A, cùng B vì họ sát cánh bên nhau trong ranh giới mong manh của cái sống và cái chết thì tình đồng đội ấy vô cùng thiêng liêng. Mà tôi muốn nói về tình đồng đội chung của những người lính đang sống và chiến đấu ở mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng khốc liệt này, họ không hề biết nhau: Đó là anh Diện, người lính gần 10 năm trông kho, thương mấy chú lính mới, khi chuyển đi chỉ mang theo chiếc ống bương bàn thờ Bác Hồ; đó là người lính già B3 cũ da tái ngoét gầy hốc hác phục kích đội trộm sắn nhưng rồi lại chia cho mấy anh lính trộm sắn điếu thuốc rê ( trang 93); đó là hai mấm mộ chôn cái ba lô và cái ăng gô có cành hoa Dã quỳ đã khô của những người lính đã hy sinh nằm lại đâu đó dưới dòng sông kẽ đá ( trang 113); đó là sự cảm nhận đồng đội qua dòng chữ khắc trên thân cây sắn “ Kim Động Hải Hưng – Nhớ mẹ”….( trang 123)
Nhưng đọc hết tác phẩm tôi lại không còn cảm giác bi lụy, nỗi buồn chiến tranh là đương nhiên, sự phi lý của chiến tranh cũng là đương nhiên nhưng sự phi thường của con người mới là điều kinh ngạc. Cái cao thượng có, cái tầm thường có, cái đau đớn phẫn uất có…nhưng vượt qua tất cả điều đó những người lính sinh viên này đã sống, đã chiến đấu và trở về. Có thể họ trở về nguyên vẹn, có thể họ chỉ trở về trong ký ức của đồng đội, nhưng họ vẫn sống.
Và điều khiến họ vượt qua có rất nhiều thứ, nhưng có lẽ mạnh mẽ nhất là những giấc mơ gọi mẹ, tình yêu đất nước với cảm giác thiêng liêng đến tận cùng khi đứng bên này sông nhìn sang bên kia sông: đó là biên giới của Tổ quốc mà chỉ một dòng sông thôi họ có thể sờ thấy bờ… đó là những lý do xác đáng nhất đã nâng bước họ, bao bọc ôm ấp họ (khi cả lúc họ chỉ có mặc áo mà không quần…hihi)
….Tác phẩm giống như một cuốn hồi ký, các nhân vật không có diện mạo rõ nét, không có phát triển tâm lý đỉnh điểm…như tiểu thuyết bình thường, bởi vì tác giả không sáng tạo ra nhân vật mà các nhân vật rất đời ấy đã tạo ra tính cách điển hình của mình. Giọng văn vừa hài hước vừa tưng tửng nhưng rất sâu sắc và nhoi nhói trong cái trần trụi sự thật. Cả thiên nhiên với rừng đói cùng quều qoài cành lá “ rừng èo ọt gió”, những vết lõm của thân cây treo võng, tiếng chim kêu khắc khoải và cả tiếng hát “ Hời Pa cô ơi…” cứ mênh mang trong rừng đói…
P/S: Tôi đọc một mạch tác phẩm và cũng viết một mạch cảm xúc của mình. Không phải là phân tích hay bình luận vì chưa đủ thời gian để nghiên cứu và cắt nghĩa mà chỉ viết trong sự run rẩy của trái tim khi nghĩ về các anh, nghĩ về một thời khói lửa. Có thể lịch sử và thời đại nhiều vấn đề cho chúng ta cảm nhận, nhưng có một điều không bao giờ được phép lãng quên đó là xương máu của bao người đã đổ vì trách nhiệm công dân, vì lý tưởng của một thời đại, vì nhân phẩm của con người! Có một câu nói tôi nghe được đâu đấy là chỉ những người không tham gia chiến đấu mới tung hô chiến thắng, tôi không hiểu lắm về ý nghĩa này, nhưng tôi cũng nghĩ với các anh, những người lính qua bao thế hệ, họ đã THẮNG trong cuộc chiến, và tôi cũng run rẩy khi nói từ Chiến Thắng!
Viết tặng tác giả Nguyễn Trọng Luân đúng ngày sinh nhật anh, có gì chưa đúng chưa đủ thì đó là do em chưa thể thấm hết hiểu hết những gì các anh đã trải qua…( à và em đang thắc mắc, những người đã hy sinh như anh Khoát đã đưa được hài cốt về Việt Nam chưa ạ?)
22/9/2017

No comments:

Post a Comment