Friday, November 17, 2017

BIỆT PHỦ SỒI GAI


Năm ấy 14 tuổi nhưng thằng Tiến còi như cây sậy. Vào lớp 8 được vài ngày nhìn bạn bè nhớ tên lõm bõm. Lớp học dưới gốc cây Lụ cổ thụ và con suối mọc những cây lau to như cây mía, lá lau chém vào nhau mỗi cơn gió loạt soạt nghe ghê răng. Mỗi bàn có 4 người nhưng bàn thằng Tiến mới có 2 đứa. Cuối tuần ấy có thêm một đứa vào lớp. Thế là Tiến có thêm một bạn ngồi kế bên. Tiến nhớ lắm, hôm ấy có đứa con gái lạ hoắc phổng người ôm cái túi quần áo sách vở to như tay nải người đi sơn tràng ngồi ở gốc lụ. Cô chủ nhiệm dẫn nó bước qua hào giao thông vào lớp, cô chỉ cho nó ngồi bàn thằng Tiến. Chả có giới thiệu gì hết. Thời buổi kháng chiến nó vậy. Con bé mới đến lấy giấy bút cặm cụi ghi bài. Cái kiểu ghi chép của nó rụt rè ngược lại với dáng vẻ to con khỏe khoắn của nó. NHững đứa ngồi sau nhìn cái lưng dài và cái vệt cooc xê của nó phát nể. Tiến nể lắm.
Tan học nó ôm đồ đi về phía dốc sồi gai. 
Lại nói dốc sồi gai, nó là cái tên nghe đã choáng với lũ học trò. Đó là một ngọn đồi cao và rậm rạp. Vượt qua nó sang xóm Hùng Thanh. Leo dốc sồi gai mệt nhưng thú lắm. Nước róc rách chảy thành đường, con đường đầy những tảng đá trơn nhẵn không bao giờ có nắng nhưng rất nhiều hoa chuối rừng và nhiều cây bứa quả chín vàng. Đặc sản của sồi gai là vắt. Vắt nhổm lên từ những phiến lá dong ngó nghiêng về phía có mùi người rồi thoăn thoắt đi kiểu đo thước mét tới chân các cô học trò trắng như củ sắn mới bóc mà bu bám. Thằng Tiến đã mấy lần vào dốc Sồi gai lấy măng và nhặt trám nên nó biết sự vượt sồi gai đáng nể cỡ nào. Nhưng cả lớp ai cũng biết sồi gai rất hay có cướp. Nghe đồn có cả những thằng cướp táo tợn lột cả quần áo con gái. Nghe thế tụi học trò kinh là phải. 
Vài hôm sau, trong lúc vừa nghe thày Lý Đắc Tốn giảng địa lí Tiến viết mẩu giấy đẩy bằng tay phải sang phía cô gái phổng người. “ mày ở với ai bên Hùng Thanh?” . Có tờ giấy gửi lại bằng tay trái. “ Tao ở với thằng Hải em tao”. À thì ra nó là chị họ thằng Hải ngồi ở đằng sau. Nghĩa là nó hơn tuổi mình. Thằng Tiến vội rụt cái tay phải khuỳnh khuỳnh về. Liếc sang thấy con phổng người cười mủm mỉm. 
Một bữa đang giờ cô chủ nhiệm máy bay ù ù ném bom thị xã. Cả lớp chạy ra hầm trú ẩn. có hai giao thông hào chạy vào lớp ở trên đầu và cuối lớp. Học trò nhảy xuống rồi chạy ra các ngách hầm qui đinh tên từng tổ. Con bé phổng người nhảy xuống trước thằng Tiến nhảy sau. Ai dè Tiến nhảy lên lưng nó, nó cõng luôn Tiến chạy mấy bước mới gỡ khỏi nhau. Ngồi trong hầm hai đứa nhìn nhau ngượng ngượng là…Đạn nổ trên đầu choang choác. Vài phút sau những mảnh đạn cao xạ rơi chí chát xuống khu trường. Dưới chân đồi có cây Lụ cổ thụ, đàn vẹt ăn quả lụ chín kêu choè choẹt. Con Châu nắm tay thằng Tiến. Nó bảo, đếch chết được đâu Tiến ạ. Tiến run bắn người, bàn tay con Mộng Châu ấm thế.
Tháng sau trời rét. Cái Châu mặc cái áo bông cổ lông cừu Trung quốc to sù. Bây giờ thằng Tiến gọi nó là Mộng. Mộng ơi Mộng à, vì tên lót của nó là Mộng Châu. Cái Châu nghe hay hay, cười mủm mỉm. Tao gọi mày là Bùi nhé. Thằng Tiến giẫy nẩy. Thôi đừng. Ngộ nhỡ mày nói nhịu chữ bùi. Con Châu cười, cái cười nó hệt như suối reo.
Sang kì 2 lớp 8 . Lớp đã từng một lần đi chặt nứa lõng bè ra sông Thao bán lấy tiền gây quĩ. Tổ thằng Tiến may mà có Châu to con, chứ nếu không chả thể hòan thành kế hoạch mỗi đứa 40 cây nứa một ngày. Lại đóng mảng rồi tự lõng ra sông. Cái Châu làm thoăn thoắt. Nó kéo nứa trên rừng xuống, nó lội dưới suối cuốn mảng cứ như đàn ông. Cả tổ nhìn nó quần lụa dính chặt vào đùi, căng cớn. Tóc nó quấn ngược lên đầu rồi buộc khăn như người lớn. Thằng Tiến bì bõm bên cạnh nuốt nước bọt ừng ực. Sau đận ấy cả lớp mới biết con Châu quê tận trên Bạch Yên. Nhà nó ở Châu Phú Thượng sát bờ sông Hồng. Bố mẹ nó bảo phải xuống học trường thị xã mới giỏi giang lên được. Thế là nó phải đi xa nhà tới 5 chục cây số và một tháng mới về nhà một lần lấy gạo. Chuyện nó đi về cũng li kì không kém. Từ nhà nó xuống trường nó toàn đi bằng mảng nứa. Nó bảo mỗi tháng nó về nhà cho đầy sắn khoai rau dưa lên mảng nứa . Mỗi mảng 200 cây nứa xuôi sông. Chỉ nửa buổi về đến thị xã Yên bái. Nó bán ngay mảng tại bến Ô Tào lấy tiền tiêu pha còn đeo gạo đem rau về trường. Lần đi về thế nào nó cũng bỏ một ngày học đi bộ 50 cây số từ sáng thứ 7 đến đêm về đến nhà. Nó bảo, tay nó luôn cầm con dao quắm chả thằng nào dám bắt nạt. Thằng Tiến nghe, nuốt nước bọt đánh ực.

Châu Mộng học không giỏi. Bù lại việc gì của lớp nó cũng tốt. Thầy giáo bảo, nó mà học giỏi nó làm lớp trưởng ngon. Thằng Tiến ngước mắt lên rồi cụp xuống rất nhanh. Nó nghĩ Mộng ơi, mày đừng làm lớp trưởng. 
Có một ngày thằng Tiến khóc. Ấy là ngày tổng kết năm học lớp 9 . Đầu năm ấy là cữ chiến thắng Mậu Thân, ta đang đánh dữ dội ở trong nam. Con Châu nói với Tiến, tao chán học lắm rồi tao muốn đi bộ đội vào nam cơ. Tiến tròn mắt nhìn Châu. Cái lúm đồng tiền phơn phớt lông tơ của con Châu động đậy. Rồi nó nói, tao không muốn học nữa. Nó lơ ngơ nhìn ra cửa lớp có bụi lau rất to và cây giàng giàng quả đỏ. Con suối dưới gốc lụ réo óc ách, nơi mỗi buổi nó sắn quần là khối thằng nhìn theo. Thằng Tiến viết cái thư trong lớp vo lại đẩy sang con Châu. Thư rằng
” Mộng ơi mày nghỉ học thì tao cũng đúp mất thôi. Đi học không có mày tao học không vào”. 
Quay sang thấy con Châu cười. Nụ cười như người lớn. Nó vo cái giấy cho vào miệng nhai nhai. Đúng lúc ấy thầy giáo dậy Nga văn gọi hai đứa đứng lên. Thày nói nhẹ nhưng gằn gằn: 
- “ Hai em đi ra khỏi lớp để tôi dạy những người khác đang cần học hành “ 
Châu đi ra trước, thằng Tiến ra sau. CHúng nó chèo qua dãy giao thông hào có một cây khế chua còng còng. Cái Châu không nói gì nó lấy cái cặp ba lá vạch vào thân cây khế dòng chữ “ 8/3/1968 CHÂU TIẾN ”. Thằng Tiến nói rằng cả cuộc đời chưa bao giờ có niềm hạnh phúc như lúc nhìn thấy dòng chữ ấy.

Mộng Châu đúp lại lớp 9 rồi năm học sau không thấy nó xuất hiện ở trường. Cái lớp học ở gốc lụ mái lá sau đợt hè xụp xuống. Năm lớp 10 trường chuyển qua dốc Sồi Gai sang Hùng Thanh. Thằng Tiến buồn lắm. Mộng ơi giá mà còn cậu nhỉ,…
Hôm dọn bàn ghế khiêng qua dốc Sồi Gai thằng Tiến ra gốc khế ở khu rừng trường cũ nhìn dòng chữ Mộng Châu đã khắc đầu năm 1968 . Nó lấy mũi đinh 5 phân vạch theo nét chữ của Châu. Nó đọc đi đọc lai cái dòng chữ đã đổ nhựa nâu hồng. “ “ 8/3/1968 Châu Tiến”.
Nó bảo, hạnh phúc đầu đời của nó là ở gốc khế.

Thằng Tiến đi học ở nước ngoài. Tiến ghi trong nhật kí những mùa tuyết trắng châu Âu ‘ Tôi nhớ làm sao mùa măng đắng quê tôi cũng vào mùa vừa tan rét. Tôi nhớ những buổi đi lấy măng với Mộng Châu. Lúc Châu ngồi bờ suối kéo quần lên gỡ vắt. Cái bắp chân non có dòng máu hồng hồng chảy xuống suối có những con cối xay làm tình trên mặt nước.”
Học về, nó ở Thủ đô rồi ngang dọc tứ xứ. Đời nó chả biết khổ là mấy chỉ thăng tiến rồi ngao du. Đó người có số. Từ ngày có đường cao tốc lên biên giới với nướcTàu. Tiến đi Sa Pa có đến dăm lần. Lần đầu, lần hai không ấn tượng gì. Lần thứ 3 nó nhìn rõ cái biển đề Châu Phú Thượng lúc dừng xe ăn cá sông theo lời giới thiệu của mấy chú công an sở tại. Ông Tiến bỗng nghẹt tim nhớ về thuở học cấp 3 ở tỉnh này.
Bữa trưa ấy mặc mọi người đang say sưa với cá nhồng cá ngạnh ôngTiến ra bờ sông hỏi bà bán nước. Run rủi làm sao bà quán này là người hay chuyện và thạo chuyện. Bà bảo, ối giời ôi bác cũng biết bà Mộng Châu à? Bà ấy đẹp bao nhiêu lại tài bấy nhiêu bác ạ. Bà có chồng là tỉnh ủy đấy. Bà về Châu PHú Thượng này làm đồn điền ao chuồng xanh sạch đẹp lắm. Con cái toàn giàu có nứt nở bác ạ….Ông Tiến nghẹn nghẹn nơi cổ. Hỏi vội. Bà ấy còn sống ở đây không hở chị? Bà quán nước nhìn ra sông, thở dài. Người tốt thế mà chuân chuyên. Nghe đâu con rể buôn chổi đót bán dép tổ ong mà làm tới quan tỉnh. Cái khu sinh thái vườn ao chuồng của bà ấy có tên là “ Vườn thắm Sồi Gai” đứa con nó đổi tên thành ‘ BIỆT PHỦ SỒI GAI” . Từ hôm ấy bà Mộng Châu không về đấy nữa. Nghe đâu bà về dưới Phú Thọ mua cái nhà con con ven sông Hồng chỉ để buôn măng đắng mỗi năm một mùa thì phải.



Cuối tháng 11 năm ấy , ông Tiến đi xe con về trường cũ kỉ niệm 60 năm thành lập ngôi trường của ông. Ông đi về xóm gốc Lụ một mình. Con suối cũ nay bị lấp để xây dựng khu công nghiệp nam thành phố. Ông lẫm chẫm ngẩn ngơ cả buổi để xác định vị trí cái giao thông hào lớp ông ngày xưa để tìm ra gốc khế còng còng. 
Tháng 11 sương nhè nhẹ. Heo may nhè nhẹ. Những sơi mây trắng cũng nhè nhẹ bay qua sông Thao lên núi Hoàng Liên Sơn. Người đàn ông tuổi ngót thất tuần lặn lội trên đồi giống hệt những cựu chiến binh già đi tìm đồng đội.
Sáng hôm ấy, có một tốp công nhân đi làm đứng nhìn ông Tiến mò mẫm trên đồi. Họ ngạc nhiên lắm.

Yên Bái  tháng 10/ 2017

No comments:

Post a Comment