Friday, November 17, 2017

KỈ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO Ở TRONG RỪNG TÂY NGUYÊN


Tôi được ở với các anh thầy giáo tròn 2 tháng. 
Ấy là vào cuối mùa mưa năm 1973. Tháng 10 tôi được gọi lên trung đoàn viết bài để đón Huân chương. Viết xong thì cũng đã cuối tháng 11. 
Một tối ở dưới nhà hầm , các anh Hỏa , Thủy, Vận ( là thày giáo cấp 3 nhập ngũ ) và Hữu Thảnh rì rầm. Tôi ghé vào nghe lỏm. Anh Hỏa nói:
- Tớ còn một bò lạc dấu từ hôm sang bắc đường ( đường 19).
Anh Phạm Hoài Thủy nói ngay : 
- Tớ còn 2 lạng đường đấy. 
- Xong rồi. Tôi nấu kẹo cho các anh.
Anh Thảnh và tôi chầu rìa cười kiểu cười thu hoạch. Chúng em canh gác cho nhé...

Tối hôm ấy, 19/11/1973 chúng tôi ngồi chờ anh Vận nấu kẹo lạc. Chớm đầu mùa khô, nhất là vừa bị mất Chư Nghé hồi tháng 9 nên đêm nào pháo địch cũng bắn. Lúc đầu bọn Hàm Rồng bắn, sau đó thì pháo Thanh An, pháo từ chốt Mỹ đồn Tầm bắn ùa theo. Đêm mùa khô trời trong veo vỡ ra rồi lại lành trở lại sau mỗi trận pháo.
Kẹo lạc lam nham trên miếng vải mưa cắt ra từ túi đựng gạo thơm hôi hổi. Chúng tôi nhường anh Hỏa anh Thủy nếm trước . Giữa lúc ấy pháo lại giã bong bong
.Anh Thảnh kêu thét lên ối giời ôi! 
Tiếng pháo ngớt, mọi người xô vào Thảnh.
Mày Bị à ? Mày sao không Thảnh ơi. 
Hữu Thảnh vẫn nhai kẹo :
- Ôi giời ôi , ngon quá. 
Hóa ra là Thảnh kêu lên vì kẹo ngon quá chứ không phải vì trúng đạn pháo. Trong đêm mùa khô, Tây Nguyên ngọt ngào đến thế. Ngoài cửa nhà hầm vẫn có tiếng tắc lè. Và trên cao những giọt sao vẫn rơi trên nương rẫy trong veo, tĩnh lặng.
Có tiếng hỏi từ ngoài cửa hầm:
- Các anh tuyên huấn làm cái trò gì vậy? Các anh không phân tán để chết cả nút à? Làm cái gì? Cái gì?
Tiếng đại úy Nguyễn văn Đác gắt gỏng. Đại úy vừa dứt anh Hỏa nói ngay:
- Báo cáo Chủ nhiệm. Anh em chúng tôi kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam ạ. Xin Thủ trưởng cho phép.

Rừng im lặng . Không có tiếng pháo. Bỗng bật lên tiếng nấc của tắc kè, tắc kè. Trong hầm chúng tôi nắm lấy tay nhau không ai nhai kẹo nữa. 
Ông đại úy đi về hầm mình. 
Anh Thủy lên tiếng, thằng Luân hát bài " Tan hội anh về " đi em.
Tôi hát khe khẽ.
Hát rằng :
“ – Thôn em cách một dòng sông,
Sang chơi qua một con đò
Bên em ruộng lúa bờ tre
Thôn anh ruộng màu tươi tốt… »

Lại có tiếng tắc kè . Rừng hiền thế, nó xanh đen lại và không có tiếng pháo kích.
Ai cũng ngậm miếng kẹo lạc trong mồm không dám nuốt. Để cái vị ngọt nồng ấy kéo dài trong mùa đói.
Tôi hát tiếp :
« ..Bao đêm trăng hẹn hò bên sông , bao đêm trăng hẹn hò bên sông.. »
Đến lúc ấy thì hai anh HỎa và THủy bật lên. Các anh hát :
…_ ’ Thách thức thôn chàng thôn em / thách thức thôn chàng thôn em
Trồng nhiều ngô lúa khoai tươi tốt
Bên em thua..em thành người làng bên
Bên anh thua…xin đừng qua sông.. »

Khuya lắm, đến đoạn kết của bài hát quê mùa trung du thì các thày giáo trong hầm cũng thổn thức. 
« ..tan hội em về chàng ơi/ tan hội anh về ơi nàng ơi.
Nhìn chuyến đò ngang
Trăm nhớ ngàn thương… »

Hôm ấy là 19/11 năm 1973. 
Hôm nay 16/11/2017 . Tức là sau 44 năm. Anh Lê Hỏa , anh Hoài Thủy , anh Đức Vận là ba thày giáo cấp 3 ở Vĩnh Phú nhập ngũ năm 1972 đã thành người thiên cổ. Chỉ còn tôi và Họa sĩ Hữu Thảnh ở Bộ Công An còn sống. 
Các anh ơi các thày của em ơi, những người đồng đội của em ơi. Em có nhời chúc mừng 20/11 tới các anh. Dù các anh ở tận suối vàng thì em gưi theo khói hương các anh nhé.

Lời chú : các thày giáo hôm ấy 
- Anh Lê Hỏa sau khi ra quân về làm Hiệu trưởng PTTH Hạ Hòa Phú Thọ
- Anh Phạm Hoài THủy về dậy ở PTTH TRần Phú Vĩnh yên rồi về Bộ GD
- Anh Đức Vận . về dậy trường CĐ SP Phú Thọ .

16/11/2017

No comments:

Post a Comment