Monday, November 2, 2015

Có những điều kì diệu mà thế hệ sau khó hiểu


Ngày 7/11 /15 tức thứ 7 tuần này BLL CCB Sư đoàn 320 chúng tôi sẽ lên Lâm Thao, Phú Thọ. Đây là chuyến đi dự lễ Vinh danh AHLLVT cho liệt sĩ Nguyễn Như Trang, thuộc trung đoàn 52 của Sư đoàn. Vinh dự cho chúng tôi, những người trong BLL tham gia viết bản đề nghị thành tích chiến đấu của ông để gửi Sư đoàn 320 và QD3 làm tài liệu đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT . Ngày 21/10/2014 Chủ tịch nước đã kí truy tặng danh hiệu AHLLVT cho ông. Đó cũng là một niềm vui khôn tả không chỉ của gia đình mà của tất cả chúng tôi những người lính Sư đoàn 320. 

Nhưng, điều thật bất ngờ cho chúng tôi khi viết về ông như sau:
Khi đi học phổ thông, khi tìm hiểu về bài thơ Tây Tiến chúng tôi được nghe tới bài “Tiếng cồng quân y”. Tiếng cồng ai oán đau thương báo tin có liệt sĩ. Có điều bài hát tiếng cồng quân y là do ai viết thì chúng tôi không hề biết. 
Điều ngạc nhiên thứ nữa là tôi vẫn nghĩ rằng Tổ khúc Tiếng hát Biên Thuỳ của Tô Hải là bài ca đầu tiên về các chiến sĩ Biên Phòng Việt Nam. Nhưng khi tìm hiểu về liệt sĩ Nguyễn Như Trang để viết về ông thì hoá ra trước khi Hợp xướng Tiếng Hát người chiến sĩ Biên Thuỳ ra đời 11 năm ( 1959) thì bài hát Trấn Biên Cương của Nguyễn Như Trang đã vang lên trong trung đoàn 52 Tây Tiến cùng với bài “Hành khúc đoàn quân miền tây”.
Điều ngạc nhiên nữa là trường hợp hi sinh của ông. Tháng 12/1947, ông Nguyễn Như Trang được bổ nhiệm là tiểu đoàn phó tiểu đoàn 150, trung đoàn 52 Tây Tiến. Tháng 11/1948, tiểu đoàn phó Nguyễn Như Trang cùng một bộ phận trinh sát của tiểu đoàn đi trinh sát thực địa, để xây dựng kế hoạch tác chiến của đơn vị tại làng Mu, thôn Ngọc Lâu, châu Lạc Sơn (nay là xã Tự Do - huyện Lạc Sơn - tỉnh Hòa Bình). Do bị bọn Mường gian mật báo, đơn vị trính sát của ông bị một đại đội địch trong đó có một trung đội lính Âu - Phi bao vây tấn công. Cuộc chiến không cân sức, địch đóng đông quân gấp 10 lần. Nhưng cán bộ và bộ phận trinh sát vẫn bình tĩnh, tổ chức chiến đấu ngoan cường. Tiểu đoàn phó Nguyễn Như Trang và người đại đội trưởng đơn vị trinh sát đã tìm mọi cách thu hút địch về phía mình, để bộ phận trinh sát thoát khỏi vòng vây. Khi đồng chí đại đội trưởng hy sinh, chỉ còn lại một mình, tiểu đoàn phó Nguyễn Như Trang vẫn dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt hơn 10 tên lính lê dương. Địch gọi hàng, nhưng ông vẫn quyết tâm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và đã anh dũng hy sinh vào giữa trưa ngày 19/11/1948, khi tuổi đời vừa mới bước sang tuổi 22. Sau khi ông Nguyễn Như Trang hy sinh, viên trung úy người Pháp chỉ huy trận tập kích này, đã phải thốt lên “Tôi cúi đầu chào thán phục trước cái chết anh hùng của người chiến sỹ quan trẻ tuổi này...” và “chính từ quyết tâm chiến đấu và chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ đồng đội của liệt sỹ Nguyễn Như Trang đã cảm hóa Grand Wath Wath – người lính Âu Phi đã tham gia cuộc tập kích vào làng Mu hôm đó chạy sang hàng ngũ Việt Minh và tham gia chiến đấu cùng bộ đội ta đến ngày chiến dịch Điện Biên toàn thắng”

Người sĩ quan tài hoa đó được sinh ra từ dòng tộc Nguyễn Như, làng Cao Xá, L,âm Thao Phú Thọ. Cha của ông là nhà giáo, mẹ của ông là một nữ sĩ tiếng tăm thời trước cách mạng tháng 8. Ông sinh ngày 27/7/1927 và hi sinh ngày 19/11/1948. 

Hai mươi hai tuổi ông đã là một cán bộ tiểu đoàn can trường, một thanh niên hát hay đàn giỏi, một thanh niên viết nhạc, làm thơ hay. 
Nguyễn Như Trang một con người kì diệu của một thế hệ kì diệu

Xin mời các bạn nghe bài hát TRẤN BIÊN CƯƠNG theo đường link dưới đây 


2/11/2015




No comments:

Post a Comment