Friday, November 6, 2015

Ký sự Quản Bạ



Những người lính Sư đoàn Đồng Bằng ở bên kia Cổng Trời
Chuyện tôi lên với các bạn 320A Hà Giang cứ như một sự kiện đặc biệt gì đó khiến các đồng đội Hà Giang cũng phấp phỏng vui mừng. Chả là từ vài hôm trước hội trưởng lính 320 Tuyên Quang- Hà Giang là Cường gù đã điện lên cho tất cả anh em rằng cụ Khuất Duy Tiến cử Luân lên để gặp anh em. Cường còn nói phải chụp được ảnh tất cả chúng mày đấy nhé. Thế là những người lính Đồng Bằng ở phía bên kia Cổng Trời đã tụ tập để đón tôi.
Chả cứ riêng tôi đâu, hễ có bạn lính E64 hay E 48 nào lên Hà Giang cũng đều là ngày hội, là ngày ôn về Tây Nguyên. Những ngày ấy rượu ngô, thịt trâu nướng và những hồi ức lính lại đưa họ nhớ về một thời Gia Lai đường 7, về quá khứ huy hoàng đã lùi xa sau dãy núi dựng như thành lũy kia.
Xe tôi đang leo dốc Pắc Xum thì ồi ồi điện thoại. Hết đứa này đứa khác hỏi đến đâu rồi? Đợi đấy! chụp ảnh Cổng Trời đã rồi mới xuống đèo. Chúng nó cười he he. Đứng trên Cổng Trời đừng có đái vào mái nhà thằng Chu Minh Yên nhé. Ha ha ! À phải rồi nhà thằng Yên dựa lưng ngay vào vách đá Cổng Trời. Khách dừng lại chụp ảnh núi đôi là bao giờ cũng tranh thủ ghé vào bụi hoa mua tồ một cái cho khoan khoái. Tôi chợt nhớ ra thằng Chu Minh Yên lính D9 bị thương trên đường Lê Văn Duyệt sáng 30/4/75. Cái thằng thật thà hóm hỉnh đến nỗi ai cũng ngại cái thật thà của nó. Cách nay vài năm thằng Thành và thằng Tự Tuyên Quang tìm đến nhà nó. Sau vài chục năm xa cách mới gặp nhau, hai thằng hỏi mày có nhận ra chúng tao không? Nó nhìn hai thằng Tuyên Quang rồi bảo, nhận ra chứ, hai thằng mày ăn cắp bút máy Kim Tinh của tao hồi huấn luyện ở Phú Bình chứ gì. Thế là cả lũ cười phơ lớ. Vợ thằng Yên cũng cười. Tối ấy chúng nó uống rượu ngay vách núi cổng trời đến nỗi thằng Thành Ích ở Sài Gòn ra và cả vợ thằng Yên cứ ôm cột nhà sàn không đứng dậy nổi.
Xe xuống đèo. Thị trấn Tam Sơn đẹp như thiếu nữ mới ngủ dậy. Đẹp nhưng trễ nải, cẩu thả phô bầy nhưng e lệ. Thằng Ngọc Đình Việt đẹp trai ngồi hút thuốc trước cửa nhà. Thằng này với nó mọi chuyện chưa bao giờ có gì nghiêm trọng. Ngay cả khi ở chiến trường nó cũng vậy, đừng sợ bom đạn, đừng thấy nguy hiểm mà tháo chạy. Ngày xưa nó đã nói thế ,bây giờ nó ung dung hút thuốc ven đường đợi chúng tôi. Nó dắt chúng tôi lên gác nhà nó, đi qua những đồ đoàn chợ búa của vợ nó vừa leo cầu thang vừa giới thiệu, đấy là rượu đấy, là nước ngọt và đồ hàng quần áo …những thứ linh tinh này nuôi sống tao và cả nhà đấy. Lương hưu hiệu trưởng của tao đủ tiền uống rượu thôi.
Vương quốc riêng của lính ở trên tầng ba. Không giường chỉ có một bộ bàn ghế và 2 cái đệm dựng ép vào tường. Thằng Vừ Khuấy Sẩn đã ngồi ở đó từ bao giờ. Thằng họ Vừ lao đến nắm tay và nhìn vào mặt tôi. Mày có mệt không? Tao lên đến nhà chúng mày là hết mệt. Vừ khuấy Sẩn cười, có phải đi bộ đ. đâu mà mệt. Sẩn bỏ cái mũ nồi ra trông trẻ ra mấy tuổi. Rồi nó nói, thằng Yên bận chưa đến được, lát nữa sang nhà nó chửi nó một trận. Cả lũ cười ha ha khoanh chân xuống chiếu uống rượu.
Trong bữa ăn bao nhiêu là kí ức ùa về, bao nhiêu chuyện vui chuyện buồn và cả nỗi nhọc nhằn sau cuộc chiến rỉ rả theo hương ngọt nồng rượu ngô cao nguyên đá cũng được giãi bầy với nhau.
Sẩn bảo:
- Tao là dân tộc Ngái, dân tộc tao chỉ còn một ngàn người ở Việt nam thôi. Hiếm đấy! Tao học trung học dân tộc nội trú rồi bỏ về đi bộ đội. Ra quân tao đi học sư phạm về dạy học trên biên ải Nghĩa Thuận rồi lại phải di dời về Tuyên Quang trong những ngày chống Tàu. Tao biết là nhà nước lo sợ dân biên giới có quan hệ với Tàu. Tao vẫn sinh hoạt đảng dù biết họ cũng nghi ngờ.
Sẩn buồn buồn xoay xoay chén rượu. Tôi nhìn Sẩn nhớ ngày xưa ở Gia Lai nó từng 2 năm liền chiến sĩ thi đua, ngày xưa nó vào Đảng rất sớm khi vừa về đơn vị tham gia chiến đấu. Nó bảo con nó bây giờ trưởng thành hết rồi, chả lo gì chỉ nhớ đồng đội và nhớ những cô bạn cũ nay cũng đã rất già ở đâu đó dưới Tuyên Quang hay tận bên Bắc Thái.
Bữa ăn chỉ chừng hai tiếng mà bao nhiêu câu chuyện bao nhiêu khuôn mặt đồng đội hiện về. Chúng nó kể những thằng c25 , c24, c17 c15 và cả những cái tên nổi danh một thời dưới các tiểu đoàn bộ binh. Thằng Việt gọi điện cho anh Lương Văn Khoa tiểu đoàn trưởng D8 ở trong Đà Lạt, rồi lại gọi điện cho thằng Thành ở Sài Gòn cứ như hôm nay là ngày hội quân ở Cổng Trời vậy. Ngày xưa khi chiến đấu tôi ở trinh sát có nguy hiểm thật, có chứng kiến đồng đội hi sinh, nhưng có lẽ chứng kiến lính ta hi sinh nhiều nhất phải là bọn C25 vận tải. Trong câu chuyện của chúng nó, tôi thấy hiện lên bao cái chết xót sa đau đớn của đồng đội mình. Hơn ai hết lũ bạn tôi ở Hà Giang, Tuyên Quang làm lính vận tải nhìn thấy mặt thật của cuộc chiến là Hi Sinh là MÁU của đồng đội mình. Những đồng đội ngồi trước mặt tôi đây đã hàng chục lần chôn đồng đội, hàng chục lần vuốt mắt những người lính bị thương không kịp cứu chữa trong rừng sâu Tây Nguyên. Họ bình thản trầm ngâm bên chén rượu ngày gặp mặt nhưng đằng sau khuôn mặt kia là đau đớn day dứt một đời.
Chiều hôm ấy mưa lay phay, chúng tôi kéo sang nhà thằng Chu Minh Yên ở bản Nà Khoang thị trấn Tam Sơn. Ngửa mặt nhìn lên là vách đá Cổng Trời, xoay lưng nhìn ra cánh đồng là núi đôi nổi tiếng. Tôi bảo nhà mày ở ngay một danh thắng ai cũng ngưỡng mộ là cái cặp vú thiên nhiên kia, sướng thật. Yên cười, mày ra tận nơi mà xem vú đôi, toàn một thứ cỏ lau và đá đéo trồng được cây gì, nên nó cứ xanh lại vàng như thế. Ha ha cười gọi vợ ra rót rượu. Vợ nó người đàn bà khỏe khoắn, bê ra một rổ lạc luộc rồi mời 5 thằng tôi mỗi người một chén rượu. Chúng tôi mỗi người một chén còn vợ nó thì 5 chén. Vợ nó cười phơ phơ, các con em đều làm giáo viên cả rồi. Anh Yên có tiền thương binh lại cả da cam nữa cũng đỡ rồi. Thằng Tự quay sang Yên:
- Mày bị mất hột sao mà đẻ được?
- Tao mất có một hột thôi, giống như gà thiến sót ấy, dà khỏe lắm lố. Vợ Yên cười phá lên:
- Ấy dà khỏe lớ khỏe lớ ! Cả lũ cười vang nhà.
Thằng Tự nãy giờ mới thở phào, may quá nó không nhắc lại chuyện ăn cắp bút Kim Tinh của nó 42 năm về trước. Nhìn Yên hiền thế, vậy mà chiến đấu dũng cảm thế. Hai lần bị thương. Lần đầu ở Chư Groong Ràng, lần sau là 30/4 ở Sài Gòn. Nó bảo, tao là người đặc biệt đấy nhé! Là người bị thương cuối cùng của E64 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Lại là người bị thương mất nửa của quí mà vẫn đẻ rầm rầm. He he
Gió hun hút lùa qua Cổng Trời, hàng Sa Mộc ngoài vườn nhà Yên kêu vi vu. Yên bảo :
- Tao nhớ trung đoàn lắm, nhớ ông Khản chính trị viên D9, nhớ anh Thuần, nhớ Đàm Việt Hùng, nhớ Sèn Vạn Vần, nhớ bao nhiêu thằng chết trận cuối ở Cầu Bông chứ. Giá tao không bị thương thì còn biết Sài Gòn như chúng mày. Đằng này bị thương vào viện Cộng Hòa, ôm bộ hạ mấy tháng rồi ra Bắc, chả biết đến bàn tay con gái Sài Gòn nóng hay lạnh nữa. Nó cười, mắt đăm đắm nhìn ra trước nhà, nơi cặp núi đôi căng căng cong như cặp vú người đàn bà đang nung sữa.
Đêm ấy, chúng tôi tụ tập đủ hết những thằng lính Quản Bạ ở Công an huyện để liên hoan và hát Karaoke. Chúng tôi tựa vào nhau, nắm chặt lấy tay nhau mà hát, mà soi vào mắt nhau, mà cười. Hát bao nhiêu bài, bao nhiêu cung bậc cảm xúc. Nhưng cuối cùng thì mấy thằng lính Đồng Bằng ở bên kia Cổng Trời với mấy thằng lính dưới xuôi nắm chặt tay nhau mà hát. Lời bài hát thế này …” ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đội gót không mòn…”
Quản Bạ đêm 28/10/2014
NTL
- Xuống hết Cổng trời vào thị trấn Tam sơn
- Vợ chồng Chu Minh Yên và những thằng lính Mèo, Quản Bạ




No comments:

Post a Comment