Thursday, July 20, 2017

THỜI TRAI TRẺ HÀO HOA-Anh hùng


Sáng sớm chưa dậy nổi vì cơn đau đêm qua khiến thao thức khuya lắm mới chợp mắt, lại thấy chuông điện thoại réo ầm ầm. Mở máy thấy “Thiện Phú Lương “ . 
Hỏi : Gọi anh có việc gì sớm thế? đầu kia nói lẫn cả tiếng còi xe ô tô Em Thiện đây ! Biết rồi anh nhận ra rồi. Nó nói vội, anh ơi anh đưa em lên nhà cụ Khuất Duy Tiến với, em lấy Kỉ niệm chương cho CCB 320 trên tỉnh em. Ôi sao mày đi sớm thế? Nó bảo Cụ Tiến 8 giờ phải đi họp, dặn phải đến trước 7 rưỡi. Thế là dù ốm cũng phải dậy nhìn đồng hồ 6 giờ. Ra đường mới 6 rưỡi ngồi lùa bát mì lòng lợn ngóng ra đường đợi nó đến.
Chợt nhớ lại ngày xưa lúc còn huấn luyện trên Thái nguyên cùng D76F304B. Nó là lính của huyện Phú Lương toàn dân tộc và học trò cấp 2 nhập ngũ bổ sung ghép vào tiểu đoàn lính Sinh Viên. Vào đơn vị tôi, rặt những sinh viên cứng tuổi, chúng nó rất quí nể mấy anh nhất là chuyện tán gái thì bọn nó bái cả hai tay. Ở C4 ngày ấy là SV trường Y Việt Bắc và mấy trường cao đẳng kĩ thuật. Vào Tây Nguyên lại về e64 cùng bọn tôi. Rong ruổi mấy năm đánh đấm đến ngày hòa bình E64 có hai anh hùng thì đều rơi vào C4 huấn luyện của D76. Thật là tự hào. Một đại đội tân binh đi chiến đấu có 2 thằng anh hùng. Hiếm có hiếm có ! ai cũng bảo thế. Trong hai thằng anh hùng đó có một thằng mà tôi đang ngồi chờ đây. Lại nhớ năm 2007 chúng tôi tổ chức gặp nhau nhân 35 năm ngày nhập ngũ. Nó nhận đăng cai tổ chức ở huyện Phú Lương. Lên đến nơi thấy huyện đội tỉnh đội chu đáo đón tiếp quá bèn hỏi, Có đặt tiền trước không mà họ nhiệt tình thế ? Thiện cười bí hiểm. Ở đây họ quí chú Thiện mà bác. Ra thế, cái thằng anh hùng ở địa phương nói cũng nặng cân hơn thằng không anh hùng. Tôi bảo Thiện ơi đời mày khổ, từ giờ đến lúc chết giữ được cái anh hùng mới khó, khổ nhất là suốt đời cứ phải anh hùng. Nó cười buồn, cũng khổ thật đấy anh ạ
Chuyện Trần Xuân Thiện và Nguyễn Vi Hợi ở D76 chúng tôi anh hùng thì thiên hạ còn lạ gì. Không biết thì gõ cái tên ấy lên cụ Gúc là rõ ngay. Nguyễn Vy Hợi thì bây giờ làm ông lang bốc thuốc trên quê Phú Thọ nhà tôi. Sống thanh tao với cây ghi ta trong một ngôi nhà hiền lành ở thành phố Vĩnh Yên. Còn thằng Thiện vẫn khỏe như beo con. Làm cũng khỏe, đi cũng khỏe, uống cũng khỏe. Được cái nó ham công tác đoàn thể nên vẫn trẻ và mỗi lần gặp bọn tôi lại hát rất say sưa bài hát “Đại đoàn Đồng Bằng trên đường chiến thắng”. Nó hát “ Lễ đâm trâu mừng chiến thắng “ mắt mơ màng nhớ Tây nguyên. Có lúc hứng chí còn hát cả Đôi bờ nhạc Nga. Giỏi thật .
Xong việc ở nhà cụ Khuất Duy Tiến hai anh em kéo nhau ra đường Trần Phú cho nó ăn sáng. Nó nài tôi uống chén rượu. Ừ thì uống. Trước mặt tôi là một anh hùng bắn cháy bốn xe tăng trong ngày 18/3/75 giải nguy cho sở chỉ huy trung đoàn. Một mình nó trói gần hai chục thằng tù binh làm một dây dẫn giải vào khe núi. Bọn tù binh rất ngạc nhiên mỗi lần ông giải phóng quát một tiếng là thấy chớp lóe vàng trong miệng. Đến bây giờ nó vẫn còn cái răng vàng ấy. Công nhận vàng thật thì nó sáng mãi mãi .
Ngồi nhìn nó ăn bát phở mà thấy ngon. NÓ ngước lên nhìn tôi mà rằng, bây giờ nhìn các anh thấy thân thiết thế. Ngày xưa cứ ngài ngại. Ô hay, chúng tao ngại mày thì có. Nó buồn buồn. Chả có nhiều chữ, từ Căm Pu Chia về huyện đội lên đến Đại úy là phục viên củng cố hậu phương. Giời thương có nhà cửa vợ con đề huề lại có sức khỏe. Thế là phúc bằng cái đình anh ạ. Chẳng dám lấn đất nương rẫy, chả dám đi buôn đánh quả săn bắn động vật quí hiếm. Hai vợ chồng đến bây giờ vẫn vắt mũi bỏ miệng. Con cái nó ngoan là tốt lắm rồi. Một bước đi cũng giữ, khổ lắm. 
Nó nói tiếp…Kể từ lúc được phong Anh hùng em thành thằng người sường sượng. Ra đường, lên nương, đi đâu họ cũng nhìn thằng Anh hùng… chỉ có nhõn vợ em thì nó không coi Anh hùng là gì. Mình cười phá lên, mày khổ không khác gì mấy con bé Hoa Hậu. Nó méo mó, được như hoa hậu thì đã tốt. Hoa hậu nó nhiều vốn liếng hơn bọn Anh hùng quân đội chúng em. 
Chợt nhớ cái chuyện đang hot trên mạng mấy ngày nay về người Thanh niên Trần Hữu Hiệp cởi áo phao nhường cho một người phụ nữ có thai trên vụ đắm tàu ngoài biển Cần Giờ. Tôi hỏi. Cái cháu Hiệp nó cởi áo nhường cho người khác vào lúc sắp chết đuối giữa mênh mông sóng gió ấy có Anh hùng không ? Có đấu tranh tư tưởng không ? có giống cái sự đấu tranh lúc mày xông ra bắn xe tăng không ? Thiện lặng ngắt. Ngoài đường xe máy toe toe, một con bé váy ngắn quá kéo ghế ngồi bên cạnh Thiện gióng lanh lảnh : bát tái gầu nhé. Nước hoa cô này xịn thế. Cánh mũi Thiện phập phồng. Già rồi mà khíu giác nó vẫn tốt thật. Bỗng nó ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi. Nói rất chậm và khẽ. Đấy chính là Anh hùng

Hai năm sau, vào một ngày mưa như trút tôi, thằng Hoan, thằng Tiêu, thằng Thịnh lên thăm nó vì nghe tin nó ngã xe máy gẫy chân. Gớm, con đường vào nhà nó đẹp như đi du lịch mạo hiểm. Có cái ngầm nước cuồn cuộn. Xe chúng tôi đợi nửa tiếng nước rút mới dò dẫm qua. Cái xã Phấn Mễ nhôm nhoam những gò đồi chỗ san ủi chỗ trồng cây. Nhà nó nép dưới cây muỗm to gộc. Đang bữa cơm lại mưa lại sấm chớp. Vùng này quặng sắt nhiều, sấm sét đánh loe lóe kinh người. Tâm sự như hét vào tai nhau. Cái chân bó bột của nó được ưu tiên gác lên đùi thằng Ngô Thịnh. Rượu ngon, cá ao nhà ngon, chám kho thơm và măng mai ngọt lừ. Nó bảo:
- Thôi các anh đừng gọi em là Anh hùng. Trở thành Anh hùng thì ai cũng có thể. Nhưng ai mà rắp tâm cố trở thành anh hùng thì dứt khoát không phải là anh hùng. Như anh Tiêu anh Thịnh anh Hoan đây, nhiều chiến công mang ra mà phân tích thì anh hùng quá đi chứ. Phải không anh Luân?
- Phải phải. Tôi gật gù tán thưởng
Mấy thằng lại nhắc tới thằng Nguyễn Vi Hợi trên Vĩnh Yên. Thằng Thiện nói như nói một mình. 
“ anh Hợi anh ấy bắn 6, 7 xe tăng một ngày rồi dắt tân binh thui cháy vài cái nữa, có bao giờ anh ấy nghĩ là làm vậy để lấy thành tích đâu?”
Tôi bảo;
- Tiểu đoàn 76 mình có hai thằng chúng mày là của quí của chúng tao Thiện ơi. 
Thiện quay sang vợ:
- Mẹ mày nhỉ, giữ được cái tên này khó lắm. Trở thành Anh hùng thì nhiều nhưng làm người anh hùng thì khó lắm. Kể cả tướng lĩnh phải không bà nó?
Người vợ gầy gò khắc khổ gật gật mái đầu tóc nửa bạc chống đũa nhìn chồng. Ngoài vườn mưa sối sả. Lùm hoa giấy nhà nó rung nghiêng rung ngả.

20/7/2017


No comments:

Post a Comment