Thursday, July 20, 2017

THỜI TRAI TRẺ HOÀ HOA-Đỗ Tiến Thuỵ

Thời trai trẻ hào hoa

Bút ký. ĐỖ TIẾN THỤY
____________________  

Ba mươi lăm năm trước, ngày 15-9-1972, tại đồi Cây Thị, huyện Phú Lương, Bắc Thái, Tiểu đoàn 76-F304B đã làm lễ tuyên thệ chiến sĩ mới cho 500 chàng trai nguyên sinh viên các trường Đại học Y khoa Việt Bắc, Đại học Cơ điện Bắc Thái, Đại học Sư phạm Thái Nguyên...Chiến trường thúc giục, người người xung phong, nhiều người viết đơn bằng máu xin ra trận thì những chàng sinh viên khó có thể yên tâm ngồi trên ghế giảng đường. Chất hào hoa sinh viên được trui rèn qua lửa đạn nên những chàng trai ngày ấy bây giờ nhiều người thành đạt. Chuyện sẽ là bình thường nếu như không có một ngày, hai ông lính ngày xưa một là Đinh Ngọc Sỹ, giờ là Giáo sư tiến sĩ Giám đốc bệnh viện Lao Trung ương và một là Nguyễn Trọng Luân, giờ là Giám đốc xí nghiệp thép Công ty kim khí Hà Nội rủ nhau làm một chuyến vào Nam đến những nghĩa trang thắp hương cho những người bạn cũ. Bắt đầu từ nghĩa trang Hải Lăng, Quảng Trị, đến những nghĩa trang dọc các tỉnh nam Trung bộ, rồi cuối cùng dừng lại ở nghĩa trang huyện Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi nghĩa trang hai ông dừng lại một đêm. “Chúng tôi chẳng tài giỏi gì, chỉ là những người may mắn sống sót qua bom đạn. Chúng tôi vào đây cùng các bạn để ôn lại một thời trai trẻ!”. Khấn xong, hai ông mắc võng ngay trong nghĩa trang cạnh những ngôi mộ trò chuyện rầm rì. Những kỷ niệm buồn vui trong những cuộc hành quân, những trận đánh, những bữa ăn giấc ngủ…đã làm sống lại một quá khứ của một thế hệ sinh viên tòng quân cứu nước. Và thế là một câu hỏi bung ra sau những đêm nằm trong nghĩa trang hun hút gió lùa: Có bao nhiêu người trong Tiểu đoàn 76 đã nằm lại chiến trường và bao nhiêu người trở về? Câu hỏi đó đã thôi thúc một ý tưởng, và rồi một cuộc gặp mặt tại đồi Cây Thị đã được tổ chức.
Ba mươi hai năm trôi qua, cuộc sống xô đẩy mỗi người mỗi hướng, vậy mà chỉ cần một tín hiệu phát đi bằng tin nhắn, mấy chục con người rải rác từ Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Bắc Thái…đã bằng mọi cách tìm về. Thế mới biết, dẫu vật đổi sao dời nhưng tình cảm của những người đã cùng vào sinh ra tử không hề phai nhạt. Những mái đầu điểm bạc, những gương mặt phong sương còn hằn dấu ấn lo toan bất chợt sáng bừng bởi những giọt nước mắt trong veo tuôn trào cùng những nụ cười méo xẹo. Mấy chục ông già bỗng hóa thành trai trẻ. “Ôi thằng Dương! Mày còn nhớ tao không?”. “Nhớ chứ! Mày là cái thằng Luân ngày ở Tây Nguyên đã viết bài thơ đón huân chương của đơn vị chứ gì”. “Mày vẫn nhớ cơ à?”. “Tao không những nhớ mà còn thuộc nữa kia”. Nói rồi ông già hồn nhiên đọc ngay. Cả đoàn cựu chiến binh vỗ tay rào rào sau khi bài thơ kết thúc. Người đọc bài thơ kéo một người đến trước mặt Nguyễn Trọng Luân: “Mày có nhớ thằng này không? Thằng Nguyễn Văn Lệ đã cắm cờ ở căn cứ Đồng Dù và Củ Chi đấy. Còn thằng này là Trần Xuân Thiện, cái thằng đã bắn 3 phát B41 hạ 3 chiếc xe tăng trên đường 7 đây…
Qua những lời thoại hồ hởi, nghẹn ngào, cả một quá khứ được tái hiện.
Đây là anh chàng Hoàng Minh Dương sôi nổi đến nhiệt cuồng, trước ngày đi B đã “tự thưởng phép” để về thăm người yêu, khi làm bản kiểm điểm đã rất uyển ngữ, chỉ nhận mình là… “đi chơi quá thời gian qui định” chứ không phải đào ngũ! Và cũng chính Dương, khi vào mặt trận đã chiến đấu cực kỳ thông minh dũng cảm, trở thành dũng sĩ và được kết nạp Đảng đầu tiên trong bạn bè cùng lứa. Sau giải phóng, cấp trên muốn giữ Hoàng Minh Dương để phát triển cán bộ nguồn nhưng Dương đã khăng khăng đòi về: “Trước khi đi tôi đã hứa giải phóng xong miền Nam là về học tiếp. Tôi phải giữ lời hứa ấy”. Để thể hiện quyết tâm, Dương xung phong nhận…chăn một đàn bò, chờ ngày xuất ngũ! Và Dương đã toại nguyện, được trở về trường học tiếp, trở thành Giám đốc Nhà máy cơ khí Cao Bằng, rồi Phó Giám đốc Nhà máy Giày xuất khẩu Thái Nguyên. Giờ Hoàng Minh Dương đã nghỉ hưu nhưng tâm tính vẫn như những ngày đầu nhập ngũ. Với gương mặt phong trần có phần bụi bặm, ông luôn luôn phản biện lại tất cả những gì anh em đưa ra khiến cho người lần đầu tiếp xúc rất khó chịu. Nhưng ai đã từng sống với ông sẽ hiểu, bên trong vẻ bỗ bã ngang ngạnh của ông là một tấm lòng ấm nóng đôn hậu vô cùng. Cứ nhìn vào cặp mắt rân rấn nước của ông khi nghe nhắc đến bạn bè thì đủ biết.
Và kia là anh lính Đỗ Minh người Hà Nội, sinh viên y khoa nhưng say mê âm nhạc đến nỗi mất ăn mất ngủ, tự mầy mò đục đẽo để làm được một cây đàn guitar giữa chiến trường. Lính ta rất khoái chiếc đàn được làm bằng gỗ thùng đựng đạn và dây phanh xe đạp, có âm thanh “lừng phừng khác đời” ấy, nên cổ vũ rất mạnh. Chiếc đàn ấy chơi được tất cả các giai điệu, từ nhạc hành khúc, nhạc trữ tình cho đến cả…chèo! Không hiểu sao những chàng lính sinh viên ngày ấy lại mê chèo đến thế? Một thống kê bất chợt đã cho thấy rằng: Những tay trở thành dũng sĩ của đơn vị đa phần hát chèo rất hay. Mỗi mùa mưa đến, lính ta bắt đầu tập chèo để tham gia hội diễn. Tập rất công phu, mời “thầy chèo” xuống dạy đàng hoàng. “Thầy chèo” là một anh lính trẻ măng đeo quân hàm trung sĩ nhưng được rất nhiều người nể phục bởi đa tài, bởi ở chiến trường Tây Nguyên ngày ấy anh là một cái tên rất nổi, không chỉ về thơ, truyện, bút ký…mà còn nổi tiếng về dàn dựng các tiết mục sân khấu hội diễn. Người ấy chính là nhà văn Khuất Quang Thụy bây giờ. Bài chèo đầu tiên Khuất Quang Thụy dạy cánh lính sinh viên là điệu Đường trường thu không trong vở Trần Quốc Toản ra quân. Nào, ai còn nhớ thì hát lên! Một câu xướng bắt nhịp, mấy chục cựu chiến binh đồng  thanh hát theo: Bóng ơi, bóng ngả/ Tiếng trống đã thu không/ Ông nguyệt lặn/ Tiếng trống đã thu không/ Nghe hiu hiu gió thổi non bồng / Lâng lâng…
Ông cựu  chiến  binh Đỗ Minh giờ không còn chiếc đàn guitar tự chế, nhưng tình yêu âm nhạc thì đã ngấm vào máu rồi nên ông vẫn đầu lắc lư, tay vỗ bàn đệm cho các bạn. Ngày trước ở chiến trường lính trong đơn vị kháo nhau: Giải phóng về thằng Minh sẽ đi học Nhạc viện, trở thành nhạc sĩ viết nhạc giao hưởng! Chính Đỗ Minh cũng nghĩ mình sẽ bỏ ngành y để theo đuổi ngành âm nhạc. Nhưng rồi anh đã trở về trường y học tiếp, để bây giờ trở thành Phó trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. Cái quyết tâm theo đuổi ngành y của anh lính Đỗ Minh có lẽ được củng cố từ cái buổi chiều cách đây ba mươi hai năm, lúc mà quân đội Việt Nam Cộng hòa bỏ cao nguyên Trung phần rút về duyên hải miền Trung tạo  nên một cuộc tháo chạy hỗn loạn trên đường số 7 kéo theo cảnh loạn ly tang thương của gia đình binh sỹ ngụy quân ngụy quyền. Vợ chồng con cái lạc nhau gào thét khản giọng trong tiếng súng tơi bời. Những người đàn bà bụng mang dạ chửa đã kiệt sức trong cơn binh lửa chỉ nằm chờ chết bên vệ đường đoạn Cheo Reo- Phú Bổn. Những đứa trẻ sơ sinh bị vùi lấp trong đống xác chết kinh người…Trên đường truy kích địch, những người lính giải phóng nhìn những cảnh ấy mà ứa nước mắt. Xếp súng sang một bên, những người lính vốn là sinh viên Đại học Y khoa xắn tay áo cứu người. Một nồi quân dụng to được dùng nấu nước. Những chiếc dao găm được mài sắc. Bông băng cá nhân được tập trung lại…Những người lính chiến thoắt trở thành những thầy thuốc. Hai bác sĩ Đỗ Minh và Đinh Ngọc Sỹ  bồi hồi nhớ lại cái cảm giác rất lạ khi các ông cùng đồng đội đỡ đẻ cho hơn chục ca sản phụ là vợ con binh sỹ ngụy. Trước mắt Đỗ Minh và Đinh Ngọc Sỹ lúc ấy chỉ còn là những cơn đau sản phụ và những sinh linh đang đòi được làm người. Bất chấp hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu thốn phương tiện y tế, bằng những kiến thức y khoa đã học ở trường, những người lính Bắc Việt đã trở thành những bà mụ mát tay cho những đứa trẻ chào đời ngay nơi ngổn ngang chết chóc. Cả đơn vị tíu tít xúm vào làm một thứ công việc ngòai dự kiến một cách tự nguyện. Chính trong buổi chiều ngày 18-3-1975 trên đường 7 mịt mù khói súng ấy, khi xuống suối múc nước về nấu phục vụ cho đồng đội đỡ đẻ, chàng lính sinh viên Nguyễn Văn Chới quê Chương Mỹ, Hà Tây nghe tiếng kêu cứu trong bụi rậm. Anh điếng người nhìn thấy một người mẹ ôm đứa con mới mấy tháng tuổi bị thương máu ướt đầm đìa. Anh cuống quít cởi áo nhúng nước lau máu cho cháu bé rồi ôm thốc về tuyến sau cấp cứu. Đứa bé đã được cứu sống nhưng Nguyễn Văn Chớc thì bây giờ không ai nghe tin tức. Chớc còn sống hay đã hy sinh?
Buổi gặp mặt không có chương trình nghị sự chính trị, chỉ có những câu chuỵên thời quá khứ với những chi tiết sinh động vô cùng, chỉ người lính chiến mới có, thách đố tất cả những tưởng tượng. Dọc đường hành quân gian nan có bao nhiêu hiểm nguy rình rập nhưng cũng có biết bao thú vị đón chờ. Trước đói khát và bệnh tật, những chàng lính sinh viên đã có những sáng tạo độc đáo đến không ngờ. Chuyện kể rằng, phụ nữ Tây Nguyên rất thích…cooc-xê! Họ sẵn sàng đổi một cái cooc-xê bằng những sản vật quí hiếm. Nhưng giữa rừng xanh núi đỏ thì đào đâu ra những thứ đồ xa xỉ ấy? Nhưng chả lẽ lính ta chịu đói trong khi các bộ ngực trần của phụ nữ Tây Nguyên đang khát khao với vật tri âm? Tình thế đã gợi ý, những chàng lính sinh viên tức thì trở thành những nhà thiết kế cooc-xê trác tuyệt. Chỉ với ít nguyên liệu là vải diềm vỏ chăn và diềm mũ tai bèo, những bàn tay vốn cầm bút cầm súng quay sang cầm kim khâu rất dẻo. Những cái cooc-xê xanh xanh màu sự sống được những chàng lính sinh viên mang vào làng “tiếp thị”. Những cô gái Tây Nguyên thật thà như đếm, họ hồn nhiên ướm thử và định giá tức thì những mẫu bộ đội chào hàng: “Ô, cái này to, đẹp, mình đổi cho một con gà hết lớn. Cái này bé quá, mình đổi cho một con gà bé bằng con quạ thôi!”. Nghe vậy, cả dân và lính cười vang một góc rừng…Ít ai nghĩ trong chiến tranh ác liệt lại có những khoảnh khắc thanh bình đến thế.
 Trong buổi gặp mặt này có một người được anh em rất kính nể. Đó là ông Vũ Xuân Diệu, nguyên Chính trị viên đầu tiên của một đại đội thuộc Tiểu đoàn 76. Trước cuộc gặp này, mọi người ráo riết tìm cho bằng được người cán bộ cũ của mình. Ông Diệu nghỉ hưu đã lâu, nhà ở cạnh Hồ Tây. Sợ ông tuổi cao sức yếu ngại đường xa, Hoàng Minh Dương điện thoại về khích tướng: “Bác lên đây, em và bác vật nhau như ngày xưa ở Trường Sơn!”. Nghe thế, ông già 70 tuổi nhưng lưng rất thẳng, mắt rất sáng cười vang: “Tôi còn khỏe chán, vật nhau sợ cậu thua thôi!”.
Ngày xưa ông Diệu đã rất phập phồng lo lắng khi lĩnh trách nhiệm quản lý “mấy ông tướng” sinh viên. Nhiều người nói, lính sinh viên có tri thức, có nhiều tài lẻ nên hay tự cao tự đại, cán bộ không “cứng” là họ bẻ lại ngay. Ông Diệu lắng nghe hết những thông tin ấy và chủ động hòa nhập tìm hiểu. Và cú “vấp” đầu tiên giữa cánh lính sinh viên với cán bộ đơn vị đã khiến ông Diệu suy nghĩ rất nhiều. Ở một chặng dừng chân trên đường Trường Sơn, một nhóm chiến sĩ đã rủ nhau ra suối dùng lựu đạn đánh cá. Không may một mảnh đá đã văng trúng mặt một người. Đơn vị lập tức tập hợp sinh hoạt kiểm điểm. Buổi sinh hoạt kéo dài cả đêm với những quan điểm được nâng lên tột cấp. Bây giờ, sau hơn ba mươi năm, ai cũng tránh nhắc đến những từ ngữ mà cán bộ chính trị đã nói hôm đó, nhưng ai cũng nhớ cái không khí lặng phắc ngột ngạt chứa đựng sự phản ứng ngầm khủng khiếp của những người giàu lòng tự trọng. Đối với những những người lính sinh viên, chỉ một lời nói nhẹ nhàng đã khiến họ day dứt khổ sở lắm rồi. Đằng này… Sau sự kiện đó, không khí toàn đơn vị như có một đám tang u ám.
Là một chính trị viên, ông Diệu có trách nhiệm phải tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của anh em. Sau một thời gian gần gũi, ông mới phát hiện ra rằng, bên trong lớp áo chiến binh của những chiến sĩ do ông quản lý là những tâm hồn cực kỳ phong phú và nhạy cảm. Họ cần được chia sẻ bằng sự đồng cảm thay vì những mệnh lệnh cứng nhắc khô khan. Hiểu được điều đó, ông bắt đầu thay đổi. Ông chủ động xóa bỏ khoảng cách bằng việc cùng họ đọc chung một cuốn sách, bình một bài thơ, cùng họ đi hái rau rừng…và khi nóng thì tất cả cùng ào xuống suối thực hiện bài “tắm tiên” vui vẻ. Ông trân trọng họ bởi dù trong hoàn cảnh chiến trường nhưng tình yêu chữ nghĩa của những người lính sinh viên không một phút nguôi quên. Họ tận dụng tất cả từ giấy gói lương khô, vỏ bao thuốc lá, giấy gói thuốc nổ…để viết. Bí quá thì họ chặt ống lồ ô, lột bỏ phần cật, còn lại phần trắng, xỏ một chiếc que qua ống thế là có một cuốn “vở xoay” cắm ngay chỗ ngủ dưới hầm. Tất cả những sáng tác thơ văn nhạc họa của họ đều được viết trên những cuốn “vở xoay” độc đáo như thế. Khi vào đến Tây Nguyên, ông Diệu bàn giao những chàng lính sinh viên cho đơn vị mới, và trong hành trang quay ra Bắc của ông có một tập hợp thơ của lính sinh viên viết các loại giấy được ông trân trọng lưu lại suốt ngàn dặm hành quân. Tập thơ ấy trở thành một sự kiện ở Quân khu và ông Diệu bỗng trở nên nổi tiếng. Tập thơ được những cán bộ tuyển quân và những tân binh đang rèn luyện chờ ngày đi B chuyền nhau đọc. Và có những bài thơ vẫn được mọi người thuộc đến bây giờ:

Ta lại gặp những chàng trai chân đất
Một nắm rau khoai, một đùm cơm vắt
vẫn săn gân trong những chiều xuất kích
mắt vẫn sáng trong đêm đuổi địch
miệng vẫn cười sau mỗi ván ù mo
và hầm kèo vẫn đầy ắp tiếng thơ...

“Ngày ấy các cậu cũng hoắng lắm!”, ông Diệu cười rung cả mái đầu bạc trắng của mình. “Tôi nhớ, đơn vị hành quân vào đến Binh trạm 46, một khu rừng thuộc tỉnh Quảng Nam thì gặp “Cây đại học”…
Nghe nhắc đến “Cây đại học”, mấy chục ông già đang sôi nổi bỗng chùng giọng gãi đầu bẽn lẽn. Số là trong một chặng dừng chân, có chiến sĩ bất chợt nhìn lên thân cổ thụ ven đường, trên vỏ cây sần sùi trăm năm, ai đó đã dùng dao găm khắc một dòng chữ đầy ngạo nghễ: “Nguyễn Văn T- sinh viên Đại học Kinh tế kế hoạch”. Không nói không rằng, chàng lính sinh viên của Tiểu đoàn 76 đứng lên rút dao găm khắc tiếp lên trên dòng chữ “Trần Khắc B - sinh viên Đại học Y khoa Việt Bắc”. Ô, ông khắc được còn tôi không biết khắc chắc? Thế là từng người, từng người công kênh nhau lên. Những dòng chữ nối tiếp nhau. “…Sinh viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên”, “…Sinh viên Đại học Cơ điện Bắc Thái”…và còn nhiều tên sinh viên của nhiều trường đại học nữa trên miền Bắc được tạc vào thân cổ thụ như một biểu tượng hào hoa trên dải Trường Sơn. Bây giờ ngẫm lại hành động hồn nhiên thời trai trẻ, ai cũng thấy ngượng ngùng. Nhưng nếu được trở lại thời ấy ắt hẳn mọi người vẫn sẽ hành động không thể khác.
Ba mươi lăm năm, những người lính trở về đúng nơi mình xuất phát. Họ đứng lặng ngắm đồi Cây Thị vẫn xanh tươi cây lá bằng một tâm thế suy ngẫm. Một tiểu đoàn sinh viên gần 500 người ra đi, giờ gặp lại chưa đủ một phần mười. Trong số người trở về có những người đã mang danh hiệu Anh hùng, hàng chục người trở thành giáo sư tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nhà văn, doanh nhân..., đáng tự hào lắm chứ! Thế nhưng ai cũng cố tránh nói về mình. Già cả rồi, về hưu cả rồi, công danh sự nghiệp còn ý nghĩa gì đâu. Cái đáng nói là thời trai trẻ hào hoa trong cuộc trường chinh cùng đất nước. Và cái đáng nhắc, đáng ghi nhớ là những người đã vĩnh viễn chẳng trở về. Con số đó là bao nhiêu? Câu hỏi này ong ong trong đầu mỗi người nhưng không ai muốn trả lời cụ thể. Đó là lí do vì sao bữa cơm thân mật mà Huyện đội Phú Lương dành chiêu đãi các cựu chiến binh đã trầm lắng hơn dự kiến. Trước mâm cỗ ê hề thịt cá, những người lính sinh viên năm xưa lại lén quay đi lau mắt. Thời gian khổ đói ăn thiếu mặc tưởng đã lùi vào dĩ vãng xa xăm ngờ đâu lại trở về trong khung cảnh này. “Nào, chúng ta cùng nâng ly tưởng nhớ những người không về!”. Sau tiếng cụng ly chộn rộn là cả một quãng lắng lê thê không tiếng động. “Có ai nhớ thằng Khoái không?”. Mấy chục cặp mắt vừa nghe nhắc đến cái tên ấy bỗng bất ngờ rấn nước. Và tất cả cùng buông đũa thở dài. Ba mươi mấy năm trước, chàng lính sinh viên tên Khoái sốt rét ở một khu rừng Hạ Lào. Trời mùa khô nhức nhối. Giặc vây bốn phía. Cạn lương, cạn thuốc. Anh cứ nằm đó vật vã với từng cơn nóng lạnh suốt mấy tuần liền thì kiệt sức. Vào cái ngày cuối cùng thê lương ấy, anh chợt tỉnh táo. Anh nói rằng anh thèm ăn một tô cháo thịt để rồi chết khỏi trở thành ma đói. Trước đề nghị cháy lòng của anh, đơn vị đã vét những hạt gạo cuối cùng ra nấu cháo. Một tổ được cử đi săn đã mang về một con nai khá lớn. Nhưng nồi cháo thịt vừa chín thì cũng là lúc anh tắt thở. Đơn vị đã cáng anh đi ròng rã nửa ngày mới tìm được một vạt rừng có nhiều cây môn thục. “Khoái ơi, chúng tao đặt mày nằm chỗ này có rau môn thục để mày ăn thay cơm, khỏi lo đói nữa!”. Đặt anh xuống huyệt, lấp đất rồi, những người lính sinh viên còn chặt rất nhiều hoa quì dại đắp lên mộ bạn. Ngôi mộ hoa quì vàng rực như nắng ánh lên giữa rừng chiều mùa khô rợn lạnh.
Ngày ấy cách đây ba mươi mấy năm rồi…



Đ.T.T       

1 comment:


  1. khúc ca bi tráng .Tự hào người lính sinh viên
    GV

    ReplyDelete