Monday, September 17, 2018

CHUYỆN LÀNG


Bây giờ chả cứ gì mọi người ít tuổi mà ngay cả tôi nghe kể chuyện đánh đấm đùng đoàng cũng thấy nhàn nhạt rồi. Chuyện tình thì đã qua . Chuyện đầu tư kinh doanh thì bại trận, nói đến là sởn da gà. Chuyện chính trị thì có nghe có nói cũng là hóng hớt chém gió. Mấy anh về hưu đi bộ buổi sáng rồi rủ nhau ăn sáng rồi chém Gió chính trị, nuối tiếc oán than. Tôi dị ứng. Thế thì chỉ còn mỗi chuyện hồi nhỏ. Nói chuyện thời nhỏ cho nó trong sáng , he he, thánh thiện. 

Mà nói đến thời thò lò mũi thì phải nói đến làng, đến bạn mũi thò lò . Làng nào mà chả có ối chuyện hay . Có điều kể lại có lọt tai người nghe không mà thôi . Với lại kể với ai ? 
Thôi thì kể chuyện hồi nhỏ là phải kể với người nhiều tuổi . Đừng kể với lũ trẻ con mà dại .

1 Xóm Giữa làng .
Con đường tàu hỏa Hanoi - Laokay sẻ vào giữa làng tôi thành một đường kính. Ỏ tâm đường kính là giữa làng . Giữa làng thì đương nhiên có sự khác biệt ria làng rồi. Hàng bán nước mắm cá khô ở đó . Hàng Lò rèn , hàng nhuộm , hàng cúp tóc cũng ở đó và có một cái điếm để các nhà chức trách tuần phòng trị an . Tôi thích lám ó một anh thuong binh mở quán Chữa đèn pin. CHao ôi, ngày đó cái đèn pin là cả một khoản tài sản. Toi nhớ cho đến năm tôi học cấp 3 tôi vẫn ao ước một cái đèn pin mà chưa có.
Tựa vào quả đồi có trường tiểu học là một cây đa và bãi cỏ rõ thật mịn làm nơi mít tinh . Tôi nhớ xa xưa lắm có một cái sân khấu cột gỗ mái lá để diễn tuồng diễn chèo , là nơi thanh niên tập múa son mì ngày 2/9 , ngày trung thu . Thời ấy mới hòa bình vài năm . Những người tản cư từ dưới xuôi lên chưa mấy ai về , làng tôi còn đông vui lắm . Ông thợ giày cặm cụi ngồi ở gốc vông sửa những đôi giầy Giôn những đôi Bát kết . Ông thợ bạc có cái đèn xì ngọn lửa bé xíu xanh lè chuyên kéo những cái vòng trẻ con . Khoái nhất là ông kẹo kéo . Chúng tôi túm đen túm đỏ quanh ông nuốt nước bọt nghe ông rao : ké…éo đê ê ..ê . Hồi ấy chúng tôi mặc quần lá tọa . Cái quần lẽ ra phải luồn dải rút nhưng dải rút thì tút ra làm dây chơi quay còn thì lấy dây bẹ chuối buộc ngang quần kéo cạp lên thả xuống . Có những hôm mải chơi đứt đánh phựt dây quần tụt xuống mà vẫn mải mê quay với đáo . Thằng Vân bạn thân nhất của tôi bố nó đi Điện Biên Phủ về có dây dù làm dải rút quần trông nể quá . Thỉnh thoảng mượn nó một hôm . Hôm nào mượn được, mình cố tình để thò cái nút dây dù dài xuống . Oai phết . Một bữa đang ăn cơm tối, nó gọi ngoài ngõ trả dải rút cho tao đê…ê . Tức ói máu vội lao ra vườn tước cái bẹ chuối treo cái cạp quần hôi mù vào bụng rồi ném trả nó đoạn dây dù. Tức cả đêm .
Cái xóm giữa làng này được gọi là xóm Làng. Đứng đầu là ông trưởng xóm. Nay hòa bình rồi trưởng xóm thường là có chân chi bộ. Ông nội tôi không trong chi bộ nên thôi chức. Ông buồn. Bà nội thì bảo may quá, cứ làm trưởng xóm chỉ tổ đun nước họp với hành. Bờ rào nứa cũng tan hoang. Chả là mỗi đêm họp xóm ra về bà con dỡ rào vườn nhà tôi đốt làm đuốc đi về.

Tổ “đổi công” ra đời vui thế . Bao nhiêu chuyện vui buồn trong nhà nay mang cả ra tổ đổi công mà chia sẻ. Con người mới đi lên phới phới. Hồi ấy chả cứ gì quê tôi , đâu đâu cũng văn nghệ, đâu đâu cũng làm sạch làng tốt ruộng, diệt muỗi diệt chuột ăn chín uống sôi. Lũ trẻ nhỏ chúng tôi cứ mỗi tuần vào chiều thứ 6 đi cổ động . Đi Cổ động là xếp hàng đội ngũ chỉnh tề. Trống Cà rình đi trước, người chỉ huy cầm cái loa bằng ống sắt tây giống như cái nơm úp cá ngủ mà hô to những câu khẩu hiệu. Tôi nhớ lắm và thích thú lắm những câu hô khẩu hiệu của anh Thêm Quỳnh kém mắt. Trong xóm tôi anh Quỳnh tuy kém mắt nhưng tốt tinhslaij năng nổ công tác nên ai ai cũng yêu quí. Anh cầm cái a lô ( hồi ấy chúng tôi gọi thế ) giọng sang sảng :
- Tích cực diệt muỗi diệt chuột là thiết thực bảo vệ cuộc sống của nhân dân ! 
Cả đoàn hơn trăm đứa trẻ hô to : Tích cực! tích cực! Anh Thêm Quỳnh lại hô: 
- Toàn dân Thi đua làm sạch xóm làng ! Chúng tôi lại hô theo : Thi đua thi đua ! Kết thúc bao giờ cũng phải có câu kết :
- Hồ Chủ tịch muôn năm . Muôn năm muôn năm 
Rồi là trống cà rình gõ dồn dập. Cứ thế đoàn cổ động đi quanh co hết xóm trong xóm ngoài . Vui đáo để . Chúng tôi đi cổ động nhìn lũ trẻ cởi truồng chưa đến tuổi được đi cổ động cũng vênh váo ra trò . Anh Thêm Quỳnh ngày ấy là thần tượng của tôi rồi. Cứ nhớ lại cái a lô bằng sắt tây là nhớ đến một thời xóm giữa làng của tôi thật hoành tráng. Cứ nhớ đến ngôi đình làng học vỡ lòng vói những cái cột lim to hai người ôm trên đó có những chữ cái A, O Ô, U, T, H....viết bằng vôi to như cái thùng gánh nước từ hồi bình dân học vụ hồi phong trào diệt dốt

Ở xóm Làng , hồi ấy tôi nể nhất thằng Cư . Nó hơn hai tuổi nhưng học cùng lớp tôi . Nhà nó ở dưới Nam định lên từ hồi 45 . Bố nó làm kiểm lâm trên laokay . Cái gì nó cũng biết cái gì ở làng nó bảo cũng là bình thường . Nhà nó ở sát luôn đường tàu hỏa . Mỗi tối nó nhặt đá đường tàu về xếp ô vườn hoa nhà nó . Nó trồng toàn hoa mười giờ . Nó bảo tôi khi nào hoa nhà tao nở tao ới sang nhà mày cho bầm mày nấu cơm . Tôi kể lại với mẹ . Mẹ cười buồn , giờ ấy bầm còn ở ngoài đồng con ạ . Hồi ấy ngày có vài chuyến tàu thôi nhưng rất đúng giờ . Vài năm mới đổi giờ tàu một lần . Đổi giờ tàu là cả một sự thay đổi lớn đối với xóm giữa làng . Sáng , chin giờ là tàu Hà nội lên ngược . Chiều, 2 giờ rưỡi là tàu xuôi . Đêm : 9 giờ tối tàu ngược rồi 2 rưỡi sáng lại có chuyến xuôi . Cứ thế năm này qua năm khác tàu qua nhà là biết mấy giờ . Chỉ đến khi chiến tranh phá hoại của Mỹ nổ ra những chuyến tàu xuôi ngược mới thất thường . Bao nhiêu năm tiếng còi tàu mặc định vào giấc ngủ trẻ con của tôi . Nhà cách đường tàu dăm chục mét tiếng chạy xập xuỳnh của tàu hỏa cứ như ru ngủ vậy . Lúc mới biết đọc chữ hàng ngày cứ đánh vần những chữ viết trên các tấm biển gỗ chôn cạnh đường tàu . ở ngay cửa nhà tôi có cái biển sơn trắng chữ đen không có dấu khiến dòng chữ trên đó thuộc từ bé mà mãi tới lớn mới hiểu . Cái dòng chữ thế này : DUONG VONG:…/ BANKINH :…/ TOCDO: …/ GIOIHAN:…Hóa ra là họ ghi bán kính cong , tốc độ chạy và giới hạn tốc độ . Rồi , cái toa tàu bố tôi bảo là Voa gông . Sao lại là voa gông ? ông trưởng ga ở ga nhà tôi họ gọi là Xếp . Chịu chả biết Xếp là gì những cũng gọi ông Viện làm trưởng ga là ông Xếp Viện . Những kỉ niệm con con ấy rũ mãi không ra khỏi trí nhớ .
2
NgưỜI ta bảo : một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Cái hàng phở , hàng bánh cuốn giữa xóm nhà tôi là nơi kiểm chứng và ghi danh những cá nhân có máu mặt ở làng. Thời bé tôi biết mấy thầy giáo cấp 1, mấy ông buôn nâu mây và mấy anh công khu mới vào hàng phở ( Công khu là thợ chèn đá đường tàu hỏa ) . Trông nể lắm. Khoan thai tự tin thả đít xuống cái ghế băng đen nhẻm ám mùi khói. Con gà luộc sẵn treo chổng ngược cạnh bó hành củ tươi, trắng xanh như đon mạ . Nước rùng trong veo thơm sang tận tràn ruộng giáp đường tàu. Anh Nghi Vừng dậy lớp vỡ lòng chúng tôi ngồi hàng phở thách đố với mấy ông Công Khu ăn hết một con gà và cả bộ gan gà. Thế là anh giáo Nghi mang cái tên Nghi Gan gà. Anh giáo nhập ngũ năm 1961 rồi phục viên năm 63. Được hai năm lại nhập ngũ vào B4 đánh A Sầu dính bom na pan cháy hết mặt mũi, cháy mất cả một bên tai về làng chả ai nhận ra. Chỉ khi nói tôi là Nghi VỪng xóm cầu tây đây thì người làng à lên : Anh Nghi gan gà, gan gà. Anh giáo Nghi cười. Như một người hành tinh khác đến thăm làng . NHững năm 1958 tôi học vỡ lòng anh giáo Tấn. Nhưng hôm nào anh giáo Tấn bận việc là anh giáo Nghi lại dậy thay. Đã nửa thế kỉ nay rồi tôi vẫn nhớ nét chữ thầy giáo Tấn thầy giáo Nghi đẹp lắm, và nhớ cả thầy Nghi dũng sĩ diệt Mĩ , thầy Tấn là đại đội truỏng đã hi sinh tít hút trong Bình Phuoc vào năm 1970.
Làng nào cũng có khúc đồng dao riêng của nó. Đồng dao cho trẻ con và cho cả người lớn. Chả cần lên gân lên cốt về quê hương giống như anh nhạc sĩ úp mặt vào sông. CỨ hát khúc đồng giao lên là thấy quê hương hiện ra mồn một .Đồng dao quê tôi nhẹ tưng tửng và thắm thiết. Đồng dao nào cũng là của chung cho các thằng người trong cái vùng quê ấy cả. Ấy thế mà trong vô khối những đồng dao đã thuộc lại cứ nhớ đau nhớ đớn cái khúc Đội gạo lên chùa
…khoan khoan tay chú
đổ thúng gạo tôi
Hôm nay ba mươi 
Mai là mùng một
đội gạo lên chùa cúng bụt 
Bụt ngoảnh mặt đi
Ông Thích ca mỉm miệng cười khì
của tam bảo để làm gì chả bóp.
Đến thế thì thôi! Bụt rồi Thích ca không mắng thằng tiểu nó dám bóp vú gái làng lại còn hùa vào còn làm ngơ. Lớn lên mới hiểu ra là ở trên cao cũng nhiều sự thối nát như dưới dân sinh. THậm chí càng trên cao càng thối nát bẩn thỉu hơn dưới làng quê của tôi.
Làng tôi có xóm Dậm. Xóm ấy ở ria đầm Hà. Họ ở trên đồi cọ cổ thụ soi mình xuống đầm nước mênh mông. Hồi bé ngồi nhìn những cây cọ cao vài chục mét in bong xuống đầm nước. Những cây cọ lộn ngược cao như thế mặt nước nông choèn choèn mà ngọn cây cọ không xuống đến đáy. Cây càng cao soi xuống nước thì lại càng thấy nước sâu thêm. Đi vào xóm ấy phải qua một cái đập bằng đất ruộng vật lên gọi là bờ đắp . Ngàn ngạt những bụi tre và nương cọ. Tre cũng rậm mà cọ thì cao. Một xóm nhà toàn những cái tên nổi đình đám lãng tử quê tôi. THời tôi trẻ con tôi đã biết xóm Dậm nhiều chị đẹp gái lắm. Trai làng nhòm ngó gái xóm Dậm mà chả lấy được đâm ra tức mà làm thơ viết ở đình làng . 
…Nhà ông Vang có bụi tre to 
Có cô Năng lớn chẳng cho lấy chồng 
Ai ai đến hỏi cũng không 
Có anh Ngoạn đến là bằng lòng ngay ..
Đến giờ tôi cũng không thấy họ về làng, chả biết anh Giáo Ngoạn đưa chị Năng đi phương trời nào.

NGày xua cái sụ lấy chồng vọ cũng không nhiễu khê như bây giờ. Quê nghèo, nên con gái lớn lên thấy anh nào làm ra tiền thì ưng. Có mấy anh đóng cối dạo, anh hoạn lợn qua làng cũng cõng được mấy chị đi theo. Nhớn lên tôi biết mấy anh phó cối anh hoạn lợn anh hàn nồi qua làng tôi đều xuất thân từ dưới xuôi lên. Toàn dân Nam Định cả. Thế mới thấy dân Nam Định họ khôn ranh bôn ba và đạc biệt là họ chịu xê dịch . Cái sự xê dịch truyền thống của họ là tiền đề cho sự nghiệp của họ thăng tiến. Chứ cứ như người làng tôi thì chán chết. Khu khu điền dã như tôi đây đến vợ con nó cũng ngán ngẩm
Ngồi tè he ven đường đất đỏ thả trâu ăn dưới ruộng mới gặt. Lũ trẻ chơi đủ thứ trò . Cứ nhìn bọn con gái chơi Chuyền mà sốt ruột. Tay tung đến đâu mồm nó đưa đến đấy. Cái đầu chúng nó thì cúi xuống ngửa lên như con gật gù .. 
que mốt que mai /
cái trai cái hến 
Con nhện giăng tơ 
Quả mơ quả táo 
Cán gáo sang đôi 
Mồm chúng nó dẻo quẹo, mắt cứ sáng long sáng lanh
Đôi tôi đôi chị 
Đôi cành thị
đôi cành na
đôi lên ba 
Rồi mấy đứa đứng ngoài hô theo đứa trong cuộc 
Ba ta 
ba mày 
Ba cái cầy 
Một sang tư …Nhìn quả chuyền bằng quả bưởi non tung lên hạ xuống chóng cả mặt nghe đến cái đoạn 
Năm rau Răm
Năm lên sáu 
Thằng Vân đá tung cả bàn que chuyền . Tụi con gái chóe lên Địt mẹ Vân Quí nhá, Vân Quí nhá . Bà Quí mẹ thằng Vân đang đon rạ dưới ruộng kêu váng lên : ỐI Vân ơi là Vân ơi mày để cho chúng nó réo tên cái nhà mày ra kia kìa …Thằng Vân dứ quả đấm về phía con Thành Quì rồi chạy đi. 
Tàu khách về. Cả lũ quên phắt cái chuyện chửi nhau chạy ra áp đường tàu đố nhau tàu có mấy toa. Lũ trẻ reo hò khi toa cuối cùng vút qua. Thằng thắng cuộc được cõng một đoạn từ gốc đa ra tới hàng phở Bủ Nộm. Có hôm thằng Bùi Vượng thắt quần dải rút bằng dây chuối đang cõng thằng Cư đứt dải rút cái phựt. Vội buông tay kéo quần làm thằng Cư lăn ra đường. Lũ con gái he hé ré lên , ngặt nghẽo.
Khoái nhất là nghe tụi con gái chúng nó chửi nhau. Lũ con trai chúng tôi đứng ngoài xuỵt thêm vào thế là chúng nó chửi càng hăng . Đứa bên này bờ ruộng rẩu mỏ về đối phương bờ ruộng bên kia mà ra rả :
con đĩ đầu đanh / nấu canh củ tỏi / Mẹ chồng chưa hỏi / đã đòi làm dâu / Chồng chưa đi câu / đã đòi xách giỏ / Chồng chưa đi mò đã đòi rang tôm .
Hồi ấy chả hiểu mô tê gì mà chúng nó cứ tức tối cái bài chửi ấy thế. Nhớ nhất bà Quí mẹ thằng Vân chửi mất gà. Chao ôi bà ấy có giọng mới vang làm sao.Vang và chua. Mà chửi nhau thì cần nhất là giọng chua. Mấy nhà bên cạnh nghe mà ấm ức mà tức tối. Cứ chập tối là bà ấy tru lên: Mấy nhà bên cạnh nghe mà sôi máu tức gan. 
…" CHa năm đời mười đời thàng nào con nào ăn cáp gà nhà bà. mày lấy gà của bà mày hóc xương be mày đè xương cánh, mày cắm cờ xanh đầu ngõ mày cắm cờ đỏ đầu giường. Cha tiên sư bố mày, mày đi đằng xuôi mày chết đằng xuôi mày đi đằng ngược mày chết đằng ngược , con gà nó thành ma vương nó làm cho nhà mày tù đâm chết chém. …
Chửi đến nỗi chó trong xóm sủa ong óc mà bà ấy vẫn chửi. Thằng Vân kéo mẹ nó về mẹ nó vằng cho cái té ngửa .

*****
25/7/2018

No comments:

Post a Comment