Monday, September 17, 2018

Nhớ người Thầy đầu tiên


Tôi đi học ở đình làng năm 1958. Đình làng tôi đẹp lắm. Nó nổi lên hệt như cái tháp rùa Hà nội giữa một cái đầm nước mênh mông. Nói là mênh mông vì nó rộng lắm. Dài hơn cây số rộng nửa cây số. Hoa súng hoa trang nổi trắng nổi hồng lẫn hàng đàn vịt le, vịt nhà nô đùa . Lớn lên về Hà Nội mới biết thiên hạ gọi chim Sâm Cầm đẹp và hay như tiểu thuyết. Ôi dào ôi , hóa ra nó là thứ vịt le lặn chổng đít moi củ súng củ trang ở đầm Hà quê tôi mà tôi quen từ bé. Đuổi nó, nó bay vù vù như chim rớt lại vạt nước trắng xóa dưới nắng. Hay đáo để. 
Tôi ghét loại Sâm cầm này lắm. Lí do là bố tôi đánh cá lưới bóng, một con vịt le – sâm cầm – mà mắc lưới thì thôi xong. Nó phá toang tấm lưới gia sản nhà tôi. THế là tôi thâm thù cái giống chim “ tiến vua” từ bé. Mẹ kiếp! Những thằng nhà văn nghe hơi nồi chõ tả chim Sâm Cầm ăn không tanh ăn bổ như nhân sâm…. Loài nào sinh sống dưới nước mà ăn không tanh họa có là tiên cá trong cổ tích. 
Thôi. Tôi lại lan man rồi. Nhưng viết về người thầy tôi, nên cứ hiện lên một cái đầm nước rất nhiều hoa súng và những đàn vịt le Sâm Cầm. Nhà Thầy tôi ở ven đầm nước ấy và chúng tôi mỗi ngày đi học đến ngồi cửa đình chờ thày giáo đến. Nhìn bóng thày đi trên bờ đầm in xuống nước có những con vịt le bơi ngất ngưởng từ xa là chạy ùa vào lớp. Ngồi im đến khi thày bước lên bậc tam cấp đình làng thì hô rõ to: học sinh đứng nghiêm! THầy cười cho chúng tôi ngồi xuống . Lũ chim sẻ đậu trên thượng lương mái đình ngó nghiêng, thỉnh thoảng ỉa một bãi phân tí xíu rớt vào sách học trò. 
Làng tôi có tới 3 lớp vỡ lòng như lớp tôi. Một lớp là thầy Nghi vừng dậy trên trường chính mới làm từ cột kèo dỡ từ 2 ngôi miếu gọi là miếu ông và miếu bà về. Một lớp thầy giáo Vu dậy ở một nhà mái lá cũng trên đồi cao. Chỉ có lớp tôi học ở đình làng. Tôi thích lớp này vì học ở đây dễ tắm đầm, dễ chạy về nhà và nhất là theo bọn thằng Vượng thằng Vân tát vũng bắt đòng đong cân cấn. 
Chữ thầy đẹp lắm. Sao ngày xưa người ta viết chữ đẹp thế. Nghe đâu thầy cũng học có lớp tư lớp năm thôi. Thầy tôi sáng đi làm ruộng chiều đi dậy. Tối tối thầy đi tập văn nghệ với thanh niên. Những năm vừa mới hòa bình làng quê tôi trong trẻo thế. Đã sáu chục năm qua tôi cứ ngỡ như làng mình ngày ấy không phải là đất nước này, no ở đâu xa lắm , thiêng liêng lắm. Một hôm thằng Vượng bị gọi lên bảng. Thầy lấy thước kẻ bắt nó xòe tay ra và hỏi. Tai sao hôm qua em hỗn với bố em? Em nghịch ngợm bố em mắng em nói: Kệ ta. Bây giờ thầy đánh vào đâu? Nó bảo đánh vào tay. THầy nói, tay không nói mồm nói. Rồi thầy bảo đánh vào mồm. Nó tu lên khóc, thầy ơi đừng đánh vào mồm em. Đau lắm. Nó khó rũ rượi . Khiếp cái thằng nghịch nhất lớp tôi mà cũng khóc. Thầy dắt nó ra đầm nước rửa mặt cho nó. Chúng tôi nhìn theo, ôi cái đầm quê tôi loe hoe hoa súng và lấp loáng lũ vịt le vạch những đường sóng nước bàng bạc. 
Tôi đi xa khỏi làng từ năm 1969. nửa thế kỉ qua khi nhớ về làng là nhớ ngôi đình lớp học đầu tiên. Tiếng đọc chữ lại vang lên và tiếng thầy gõ thước kẻ xuống bàn nhấn sâu vào tâm trí mình những đường vạch ngang nhân sinh. Tiếng gõ thước kẻ của thầy có nhẽ là thứ âm thanh ám ảnh nhất một đời,..

Thầy chia lớp ra 4 tổ. Chăm. Ngoan. Vui . Khỏe.
Tôi ở tổ khỏe. Tôi không thích. Xin thầy sang tổ Chăm. Thầy bảo tổ nào cũng cần khỏe mới làm được việc. Không khỏe không học được chăm, không khỏe muốn ngoan muốn giúp đỡ cha mẹ cũng không giúp được. Không khỏe muốn ngoan cũng vô tác dụng. Tôi ấm ức lắm. Mãi về già mới thấy thầy đúng. Không khỏe thì chả làm được cái gì ngoài sự bất lực. 
Làng tôi bán sơn địa nên vừa làm ruộng vừa sơn tràng vừa đo đơm cá mú. Đi kiếm củi chặt gỗ thầy tôi vác khỏe nhất làng. Hồi đó thầy vác 40 cây nứa tươi to như cổ tay. Thầy gánh 4 bó cọ tươi nặng có đến chín chục kí. Chúng tôi tự hào về thầy mình. Đứa nào cũng mong lớn mà khỏe như thầy mình đẹp như thày mình. 
Năm 1959 tôi vào lớp 1. Cũng năm đấy thầy đi bộ đội . Ba năm sau thầy phục viên. Thầy về xã làm xã đội phó hai năm rồi tái ngũ năm 1964. Tôi gặp thầy lần cuối khi học lớp 6 nhin thấy thầy về phép rồi đi chiến đấu. Thầy đi mãi mãi không về nữa. 
Ba thầy dậy vỡ lòng thì hai thầy đi chiến đấu ở miền nam. Thầy Nghi Vừng bị thương ở A Sầu năm 1966. Thầy Tấn hi sinh ở Bình Phước năm 1970 . Giấy báo tử ghi thầy là Đại đội trưởng. 
Những người thầy giáo đầu tiên của tôi là nông dân mà sao cao vời vợi đến thế. Đời tôi đi học tới 3 lần đại học, nuôi con qua hàng chục mùa khai trường nay lại đưa cháu đi học hết đứa này đứa khác mà mỗi ngày khai trường đứng nơi cổng trường cờ hoa lại nhớ mái đình làng mình ngày xưa. Nhớ tiếng đánh vần i, o loang loang trên đầm nước rất nhiều hoa súng và sâm cầm. Nhớ thầy giáo là nông dân gánh cọ, úp cá rất tài, nhớ một vùng quê không ô nhiễm dậy chúng tôi nên người.

Hà nội ngày khai trường 2018 3/9/2018

No comments:

Post a Comment