Monday, September 17, 2018

Một Nhà Báo- Nhà Văn CHẾT TRONG TƯ THẾ NGƯỜI ANH HÙNG ( viết về BÙI NGUYÊN KHIẾT)

Một Nhà Báo- Nhà Văn 
CHẾT TRONG TƯ THẾ NGƯỜI ANH HÙNG 
( viết về BÙI NGUYÊN KHIẾT)

Người đó là anh Bùi Nguyên Khiết nhà báo của báo Hoàng Liên Sơn ( tỉnh cũ gồm Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ) . 
Bùi Nguyên Khiết xuất thân là giáo viên cấp 2.. Anh lên dậy học trên Lào Cai rồi nghiệp văn chương của người thày giáo tài hoa ấy đưa anh tới nghề báo. Trong gia tài văn chương của anh hồi ấy là những truyện ngắn ấn tượng về vùng núi cao về cuộc sống khó khăn của vùng biên ải về tình người trong những năm cả nước khó khăn mà trong trẻo ấy. Chỉ nhìn vào những bút danh anh Khiết đã mang trong các bài báo các tác phẩm văn chương đủ thấy anh lăn lộn đến chừng nào. Anh xông xáo trong một khoảng thời gian nóng bỏng sự kiện với những cái tên : " Mạc Điềm, Hoàng Huy, Bạch Thiếu Minh, Nguyễn Huy Hoàng , Lưu Thanh , Phong Sơn, Hoàng Nguyên , Ngũ Hồng, …cho tới lúc anh trở thành bức tượng trên chiến hào Lao Páo Chải, xã Tà Ngải Chồ - Huyện Mường Khương anh mới được truy kết nạp đảng viên , kết nạp Hội viên hội NVVN , Hội viên hội Nhà báo VN " (Mã A Lềnh - Bùi NGuyên Khiết Văn Chương và cuộc đời trang 20.- NXB HNV 2014)…

Thôi, tôi không muốn nói về sự Hội viên và văn tài của anh nữa mà tôi muốn nói về sự hi sinh của anh. 
Trước khi xẩy ra cuộc tấn công xâm lược của quân Trung Quốc vào ngày 17/2/1979 thì sự việc vùng biên ải đã nóng lên. Lúc ấy các nhà báo nhiều người xung phong ra biên giới và anh Khiết là người thỏa mãn vì được xung phong lên Mường Khương Lao Cai. Việc anh Khiết lên với Mường Khương không phải là sự tình cờ mà là anh Khiết đã tiên liệu trước nguy hiểm hi sinh mà vẫn quyết tâm xin lên Mường Khương. Nơi anh đến là đồn biên phòng Pha Long nóng bỏng , là mũi tiền tiêu luôn bị quân Trung Quốc quấy phá đe dọa tấn công. 
Dưới đây tôi trích trong điếu văn của Báo Hoàng Liên Sơn trong lễ Truy điệu Liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết hai tháng sau ngày anh hi sinh

“… Ngày 5/2/1079 anh em phóng viên thường trú ở Lào cai chia tay nhau, tỏa đi các huyện biên giới công tác. Người đi Si ma kai, người đi Bát xát, Mường Khương. Đồng chí Bùi Nguyên Khiêt chọn điểm Pha Long Mường Khương, nơi mà tình hình biên giới đang diễn ra căng thẳng nhất: giặc Trung quốc thường lẻn sang tập kích bắn lén. Biết rằng nơi đó rất gian khổ và nguy hiểm , nhưng đồng chí vẫn chọn mảnh đất và con người Pha Long làm đề tài của mình trong chuyến đi viết này. 
Trước buổi lên đường anh tâm sự với bạn bè : “ chính những điểm nóng bỏng đó ta càng phải đến . Mình hi vọng trong chuyến đi này sẽ có nhiều kí và phóng sự thật sống động đánh vỗ mặt thằng Tàu” 
Ngày 9/ 2/1979 anh viết thư về tòa soạn với khí phách hiên ngang. Ý chí quyết tâm diệt giặc tàu , bảo vệ biên cương tổ quốc. Anh viết : “ Làm phóng viên lúc này mà không lao vào đây thì mình thấy không chịu nổi . Đánh địch bằng mồm quả dễ hơn đánh địch dưới tầm hỏa lực của nó. Chết mình cũng đi. Chết mình cũng phải viết được một cái gì về những ngày này !" *
"Trước ngày 17/2 năm 1979 các chiến sĩ tiểu đoàn 3 đã linh cảm một điều gì thật dữ dội, tình hình rất căng thẳng chỉ chờ nổ súng. Giặc đã ùn ùn kéo sát biên giới . Họ khuyên anh Khiết trở về hậu cứ. NHưng anh Khiết nói với anh Trần Như Nhâm đại đội trưởng đại đội 1 “ Các anh cứ cho tôi ở lại , nếu chiến sự xảy ra , cho tôi cùng chiến đấu với các anh. “ 
Và ngày 15- 16/2 anh xách khẩu k63 cùng ngòi bút, quyển sổ, chiến máy ảnh lên chốt cùng các đồng chí Nguyễn Văn Kim , Mai Thanh Hiệu phục kích, bắn tỉa những thằng thám báo Tàu vượt biên sang dò xét gây rối vùng biên.

..."Gần sáng 17/2/1979 Pháo kích giặc Trung quốc xé toác không gian . Trần Như Nhâm thét lên : Pháo địch đang bắn cấp tập để bộ binh nó xông lên . Tiến lên bảo vệ chốt. Bảo vệ tổ quốc thân yêu của chúng ta. “ Anh Khiết xách súng lao ra chốt. Đồng chí Bùi Ngọc Vụ chính trị viên thấy tình hình nguy hiểm khuyên Khiết nên quay lại hậu cứ . Bùi Nguyên Khiết nói : “ Lúc này, không phân biệt nhà báo hay chiến sĩ. Tất cả chúng ta đều có quyền bảo vệ Tổ quốc. Tôi sẽ lên chốt vừa chiến đấu vừa làm nhiệm vụ của người làm báo. Đề nghị các động chí cho tôi lên.” Rồi anh nói thật dứt khoát :” Tôi có chết thì cũng chết ở chiến hào!” *..
..." Bùi Nguyên Khiết lao lên mỏm tiền tiêu của điểm cao 1378 cùng đồng chí Kim, Tiến, Mạnh của trung đội 1. Pháo địch chuyển làn quân giặc bò lên nhung nhúc . Trung đội trưởng Kim thét : Bắn! 
Xác giặc chồng lên nhau nhưng chúng vẫn nhung nhúc bò lên. Khiết đặt khẩu k63 xuống và bật máy ảnh ghi lại những hình ảnh chiến sĩ ta chiến đấu trong xạm xụa khói đạn . Địch đông quá , Khiết và đồng đội ném lựu đạn và không để ý phía ssuwownf trái . hai tên Trung quốc lao lên cách anh chỉ vài mét. Chúng lao vào bắt sống anh nhưng quả lựu đạn Khiết đã rút chốt từ trước đã làm hai tên chết không kịp kêu. Đạn địch găm nát chiến hào , cả chốt còn lại 8 đồng chí trong đó có 2 người đã bị thương, Đạn cũng không còn nhiều mà địch ngày cagf hung hăng xông lên quyết chiếm điểm cao 1378 của ta. . 
Lúc này Bùi Nguyên Khiết và Nguyễn Bá Mạnh chiếm giữ một vị trí trọng yếu trên chốt. Khiết chỉ còn 3 quả lựu đạn. Anh đợi cho quân Tàu lên đến gần anh mới quăng lựu đạn , nhiều tên la hét giãy rụa. Dù vậy quân Trung quốc vẫn điên cuồng lao lên. Địch gần quá anh Nguyễn bá Mạnh không bán cối được nữa, anh xach khẩu cối 60 còn Khiết ôm hòm đạn cối luồn lên chiến hào 3 . Bấy giờ đã gần 10 giờ trưa, trên chốt Lao Páo Chải cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc diễn ra quyết liệt. Đồng chí cắt liều cho anh Mạnh bắn cối đã hi sinh. Khiết nhảy vào thay. KHẩu cối của anh Mạnh và Khiết đánh trúng đội hình kẻ thù khiến lũ giặc Tàu gục ngã la liệt trên chốt của ta. Trong trận này Nguyễn Bá Mạnh và Bùi Nguyên Khiết đã bắn 77 quả đạn cối tiêu diệt nhiều tên giặc xâm lược biên cương ta. Trưa hôm ấy 17/2/1979 một luồng đạn thẳng của kẻ thù đã bắn trúng Bùi Nguyên Khiết. Anh nằm xuống trận địa chốt 1378 với khẩu K63 và chiếc máy ảnh đẫm máu. 
Anh Khiết hi sinh lúc 10 giờ 30 phút 17/2/79. Ngày đầu tiên quân Trung quốc xâm lược biên cương Việt nam ta. Bùi Nguyên Khiết Hi sinh sau khi đã tiêu diệt 50 tên Trung quốc xâm lược góp phần cùng bộ đội dân quân chốt Lao Páo Chải xã Tà Ngải Chồ tiêu diệt gần ba trăm tên giặc và bị thương hàng trăm tên khác. Anh hùng thay Bùi Nguyên Khiết. Trong chiến công góp phần cùng tiểu đoàn 3 Mường Khương tiêu diệt quân xâm lược trên chốt Lao Páo Chải Bùi Nguyên Khiết được tiểu đoàn đề nghị chính phủ truy tặng huân chương chiến công hạng nhất.." *

Nhớ anh Bùi Nguyên Khiết là ta nhớ tới một dũng sĩ tiêu diệt kẻ thù xâm lược biên cương. 
Hình ảnh của anh là hình ảnh lẫm liệt của một dũng sĩ kiên cường. Một ý chí gan dạ dược hình thành ngay khi chưa giáp trận. 
Sự tích anh hùng của Bùi Nguyên Khiết không phải hoàn cảnh xảy ra rồi đặt anh vào tình thế buộc phải chiến đấu anh hùng. Bùi Nguyên Khiết là một chiến sĩ tự giác đi vào chỗ hi sinh và chiến đấu với tư thế anh hùng cho đến lúc chết. 
Truyền thống nghề báo Việt Nam tự hào có những tấm gương bao nhà báo dũng cảm trong kháng chiến chống Pháp chống Mĩ và tiếp tục là thế hệ nhà báo anh hùng trong chiến tranh bảo về tổ quốc như anh Khiết. 
Báo Hoàng Liên Sơn và nay là báo Lào Cai, báo Yên Bái tự hào có Bùi Nguyên Khiết. Chúng tôi hi vọng những người làm báo Việt Nam hôm nay và hai tờ báo Lào Cai và Yên Bái hãy làm công việc đề nghị Nhà Nước vinh danh Anh Hùng LLVTND cho Liệt sĩ nhà báo nhà văn Bùi Nguyên Khiết .

*************
Anh Bùi Nguyên Khiết ơi. Kể từ ngày anh hi sinh đến nay đã 39 năm . Mộ anh vẫn đang gửi nhờ nơi không phải quê mình. Con cháu và anh em thương nhớ anh bao nhiêu thì bạn văn bạn nghề giáo và hai tờ báo Lào Cai , Yên Bái thương nhớ anh bấy nhiêu. 
Nay nơi biên ải Lao Cai có một con đường mang tên anh. Có một quĩ học bổng cho trẻ em nghèo Mường Khương cũng mang tên anh. Với chúng tôi anh là người đi trước, những trang viết của anh được đăng kiểm bằng máu của đời anh. Anh là hình ảnh lẫm liệt của một nhà báo nhà văn trong trận tuyến yêu nước và bảo vệ tổ quốc. 
KÍnh cẩn trước hương hồn anh và nhớ lời anh trước khi anh lên chốt Mường Khương rằng : “ đánh địch bằng mồm quả dễ hơn đánh địch dưới tầm hỏa lực của nó”

Hà nội tháng 8/2018 NTL
Nguồn  * ) Những chi tiết về chiến đấu được trích lại nguyên xi theo ĐIếu văn trong lễ truy điệu Liệt sĩ Bùi Nguyên KHiết ngày 17/4/1979 do ông Vũ Văn Thu TBT Kiêm bí thư chi bộ báo Hoàng Liên Sơn đọc

No comments:

Post a Comment