Friday, November 2, 2018

Chúng tôi cùng tiểu đội


Cho đến tận bây giờ hai chúng tôi vẫn ở bên nhau như một duyên nợ. Đã 40 năm kể từ lúc cả hai vẫn còn trai trẻ, đều hăm hở với cuộc đời với nhiều khát vọng và rất nhiều bâng khuâng với khoảng trống ở phía trước. Chúng tôi cùng vào đại học một năm, cái thủa sinh viên đi bộ hàng ngày đường cõng gạo kiếm củi và học bài bên bờ suối, nhớ nhà cùng ngồi khóc bên bờ suối. Quê chúng tôi ở xa nhau. Sỹ ở tận Sơn La còn tôi ở cuối Phú Thọ, ấy mà hai đứa gần như anh em ruột. Đời người chả nói trước được điều gì nhưng ước vọng thì chẳng ai cấm. Cứ ước mơ đi, cứ hy vọng đi, có hy vọng dám ước mơ cũng đã là hạnh phúc rồi. Hồi xưa chúng tôi bảo nhau như thế. Rồi hai đứa ước mơ Sỹ bảo : Tao sẽ về làm bác sỹ ở nông trường Mộc Châu, tôi bảo: Tao sẽ về làm kỹ sư nhà máy chè Phú Thọ. Hai đứa bâng khuâng nhìn dòng suối La Hiên êm ru đầy những cánh hoa rừng trôi. ấy là những ngày cuối thu 1970.
Bạn sẽ hỏi: hai đứa tôi không cùng trường, cùng nghề, sao thân nhau từ lúc mới vào trường? Sỹ học y khoa Thái Nguyên còn tôi học cơ điện Thái Nguyên nhưng tôi có bạn cùng học với Sỹ. Ngày xưa thứ 7 đi bộ vài chục cây số lên thăm nhau là chuyện thường, lên thăm bạn tận núi rừng Võ Nhai tôi được bạn gửi sang ngủ nhờ Sỹ thế là thân nhau . Nói vậy thôi, chứ không dễ. Hồi ấy hắn cũng gườm gườm nhìn tôi ngụ ý rằng: đã lên tán gái lớp bọn này lại còn tá túc, lắm chuyện. Nhưng thân nhau rồi thì chẳng có ai cắt nghĩa được là vì sao. Sau này lớn tuổi, hai thằng cùng kết luận là do cả hai đứa mình là đàn ông thế thôi. Đoạn đời trong veo là những năm sinh viên sơ tán. Rừng cũng đẹp, suối cũng đẹp, con suối La Hiên có những khúc quanh chằng chịt dây rừng che kín như một cái kén tằm khổng lồ. Nghe bọn nam trường Y tả về những sáng chủ nhật tắm tiên của nữ sinh trường Y mà cứ như được lên tiên vậy. Những ngày gặp nhau, Sỹ kể cho tôi nghe về sinh hóa, về giải phẫu, chẳng hiểu gì cả. Nhưng nghe nó nói về lời thề Hypograts thì hiểu. Và rồi hai đứa có nhiều dịp để nói về lời thề đó. Tôi chỉ có một cái quần xanh chéo và cái áo phin trắng chuyên dùng mặc khi đi đến trường khác, Sỹ bảo: Mày diện thế, nó cũng có một bộ như thế nhưng chẳng dám mặc phung phí như vậy, nó bảo chỉ Tết về mới diện thôi. Nó cũng mặc quần nâu gụ như tôi. Sao hồi ấy bọn tôi không mặc cảm với bạn gái nhỉ? thản nhiên yêu đời, yêu bạn bè cũng thật thản nhiên.
Chiến tranh lại đưa chúng tôi gần nhau hơn. Mùa hè năm 1972 tôi nhập ngũ. Vào cái ngày cởi bỏ bộ áo sinh viên nhận bộ áo lính, hai thằng òa lên khi nhìn thấy nhau, ở cái xóm cây thị Phú Lương hôm ấy hai thằng nằm ngửa mặt nhìn trời cùng nhớ ngày hôm qua là một cuộc đời xa thẳm cái ngày hôm nay của hai đứa. Bạn bè tôi, bạn bè Sỹ đứng lặng ven rừng nhìn chúng tôi lên xe đi về phía trước, hai thằng nhìn qua lớp bụi đỏ rưng rưng nhớ trường nuối tiếc thời trong trẻo đang lùi lại phía sau. Những tháng ngày hành quân Trường Sơn là cái vạch ngang trí não của bất kỳ những người lính đánh Mỹ. Khổ cực đến tận cùng, vui cũng tận cùng mà lãng mạn cũng tận cùng. Sỹ bảo tôi, ở đây không có cái gì nửa vời mày ạ, nửa vời là chết là mình bị mất mình. Hai đứa chuồn đi bắn sóc trong rừng khiến binh trạm báo động náo loạn cả lên. Có một đêm, nó ngồi ngoài tảng đá bờ sông Xê Băng Hiêng lần giở ba lô kiểm đếm kỷ vật Miền Bắc mang theo vào chiến trường, rồi chẳng hiểu nó nghĩ gì mà trên đường leo dốc sáng hôm sau nó bảo: Tao viết bài thơ về trị thủy Sông Đà, để con đường đi lên Hòa Bình sẽ thơ mộng hơn. Khủng khiếp quá, hóa ra nó có ý tưởng lớn quá.
Vợ tôi thường tâm sự với vợ Sỹ, hai ông ấy Pê dê thì phải. Ở Thủ đô cách nhau vài dẫy phố mà hai tuần không gặp nhau là đã thấy lâu lắm, đi làm về mệt mỏi ấy thế mà có điện thoại là đi liền. Thật ra tôi với Sỹ đâu thích nhậu nhẹt, bao nhiêu bức xúc lo lắng con cái, hai thằng dốc cho nhau nghe . Rồi chuyện gia đình, chuyện ở quê, mồ mả ông cha. Chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện về cơ quan, nói về vai diễn cuộc đời mình.
Ở Tây Nguyên nó làm y tá đại đội hỏa lực, rồi y tá đại đội quân y. Mỗi năm tôi sốt rét nặng là gặp nhau ở viện. Trong bom pháo đì đùng hai đứa lại chúi đầu thì thầm mơ ước. Một chiều mùa mưa trong căn hầm tối om tôi và nó lại tổ chức kiểm nghiệm quân trang. Chiếc khăn mùi xoa có hai con chim, tập giấy Pơluya buộc bằng sợi chỉ mầu, những tấm ảnh bé như con tem mờ mờ. Những thứ của cải được bọc cẩn thận, hai đứa nâng niu nhẹ nhàng và mường tượng ngày trở về học tiếp đại học. Sỹ bảo: tao và mày đi sau chúng nó, sau trước có nghĩa lý gì đâu, miễn là đi tới đích. Trong cơn sốt rừng hầm hập nghe nó nói mà như thấy cắt cơn, tôi cho rằng nó động viên mình đó thôi. Rồi nó bảo lời thề Hypograts ở chiến trường luôn bộc lộ tự nhiên mày ạ. Chiến tranh là phép thử thông thường của cuộc đời , không cần thề bồi chi hết, con người thế nào nó phơi ra như thế, hai đứa nói với nhau như hai ông cụ non. Có chuyện hai thằng ít khi nhắc lại là cái đoạn đời cùng tá túc nhà vợ. Trở về sau 30 tháng 4 hai thằng lại vào đại học, ra trường cùng lấy vợ, hai cô vợ đều là người Hà Nội, hai thằng đều không có nhà. Tôi đi học tiếp trường nữa, nó cầy đầu học lên cao học. Dù ở nhà vợ, vẫn học hành ỉ eo đèn sách bao nhiêu phiền toái vợ lo hết. Nó bảo tôi, vốn liếng quái gì đâu ngoài cái sự chịu khố mà bố mẹ đẻ cho mình từ bé, chiến tranh dậy cho mình cái lý thuyết hoặc là mình chết hoặc là mình sống. Hai thằng cười như méo mồm hút chung nhau điếu thuốc giữa Thủ Đô những năm 80 vất vả.
Trận đánh cuối cùng của chúng tôi là trận Cầu Bông trên đường tiến vào Sài Gòn. Sáng 29/4/75 một quả cối nổ ngay phẫu trung đoàn, anh Bàn y tá người Quảng Ninh chắn đằng trước gục ngay. Sỹ đỡ anh ấy dậy, anh Bàn chết trên tay Sỹ. Trở về Sỹ lấy trong ba lô của anh cái áo Moontơghi cộc tay giữ làm kỷ niệm. Lúc còn ở Củ Chi hai đứa hay dở ra xem và nước mắt cứ tự nhiên ứa ra. Năm 78 khi tôi thi tốt nghiệp đại học, tôi bán hết cả dép đúc Tiền Phong cả tăng võng vẫn không đủ tiển trả nợ và thi cử. Sỹ đau lòng đưa tôi cái áo của anh Bàn, sau nhiều dằn vặt để tôi bán đi lấy tiền thi tốt nghiệp. Bao năm nay, tôi cứ nhớ cái khuôn mặt dại đi của nó khi tôi bán cái áo đó. Rồi tôi trở thành kỹ sư, quản đốc, rồi lên giám đốc. Cái áo của anh Bàn thi thoảng hiện lên, hiện lên rồi mờ đi sau bộn bề cuả đời, bộn bề cơm áo.
Nhưng chúng tôi không thể chịu đựng hợn được nữa. Một ngày cuối năm 2005 tôi và vợ tôi trở về Củ Chi. Sau vài ngày tìm kiếm, may mắn cho tôi, tôi tìm được mộ anh Bàn. Sỹ đang đi công tác ở Nhật Bản . Tôi gọi điện, Sỹ nghẹn ngào mếu máo: Mày ơi chúng mình có lỗi nhiều quá …… Hai tháng sau tôi và Sỹ vào thành phố Hồ Chí Minh và một đêm mắc võng trên Củ Chi, nằm nghe sông Sài Gòn thì thầm với lục bình trôi, cùng trò chuyện với anh Bàn và bao đồng đội của mình. Hai đứa cả ngày không nói với nhau lời nào. Chúng tôi đang trở lại với chính mình, với đoạn đời máu lửa và nhờ nó cả hai chúng tôi trưởng thành. Sỹ bảo rằng như thế mình sống lại đúng là mình. Có một lần, khi đã là giám đốc viện 74, phóng viên hỏi, Sỹ trả lời chỉ có 4 năm đời lính chiến thôi nhưng tôi học được cả cách làm người cho một đời. Thật là lãi lớn, tôi bảo nó.
Bố mẹ tôi làm nông dân, còn bố mẹ Sỹ làm nông trường tít trên Mộc Châu. Tôi bảo: nhà mày chỉ như nhà tôi tao thôi. Nông trường là nông dân ở tập thể chứ gì, nó cãi nông dân như nhà tao tiên tiến hơn, tôi cũng thấy có vẻ thế thật, nhưng hai đứa thân nhau nên sự hơn kém ấy không ảnh hưởng gì. Ba lô của nó có gì tôi biết hết. Từ cái album nhấp nháy, cái sợi dây len mầu của ai, nhật ký ghi về cô gái nào thậm chí nó còn bao nhiêu thuốc lá sợi tôi cũng biết. Sau giải phóng Miền Nam trở về, cái bật lửa Tổng thống VNCH là vật có vẻ là đáng giá nhất. Mà đáng giá thật vì đó là trận đánh cuối cùng của chúng tôi ở Sài Gòn, chỉ đơn vị tôi mới có. Một dạo, tôi ở nhờ nhà vợ trên Bưởi. Sỹ sinh đứa con trai đầu nhưng cũng không có nhà, hai vợ chồng ôm con lên ở nhờ nhà bà ngoại của vợ trong làng Trích Sài. Hai đứa lại gần nhau, tối tối tôi đi tắt làng theo những cái tàu seo giấy vào chơi. Tối om, muỗi tháng ba từ ngoài vườn hồng xiêm réo vi vu. Bên ngọn đèn dầu, nó đang học tiếng Pháp. cuốn từ điển Pháp Việt trên bàn là của thằng Tốt cùng đại đội cho Sỹ hồi tháng 5/75. Hai đứa chuyện với nhau chẳng có chuyện ngày xưa nữa, toàn nói về con nhỏ, về vất vả của vợ. Hút lóp má điếu thuốc cuốn Đình Bảng nghĩ về những ngày chiến trường nhiều mơ ước. Mới có vài năm mà xa lăng lắc.
Mồng 05/04/1975 cả dải đất Miền Trung đang như một cơn lũ quyét. Sư đoàn 320 đuổi địch chạy nhào ra biển Đông Tác Phú Yên, chưa kịp giặt khô bộ quần áo bùn đất và khói súng đã lộn về đường số 7 lên xe tiến vào Sài Gòn. Tôi và Sỹ gặp nhau trên đường nó đi lấy gạo. ôm nhau giữa rừng. Vậy là còn sống. Cứ biết đến hôm nay đã. Nó dành dụm từ hôm đánh Cheoreo tới giờ 8 bao thuốc lá cho tôi. Kịp dúi vào tay nhau những bao thuốc, hộp sữa con chim rồi hối hả chia tay. Chả biết lần sau gặp lại nữa không, hai thằng ngoái đầu nhìn nhau trong ngột ngạt nắng và gầm rú của máy bay trên đầu.
Ở gần nhau thật nhưng cái thời ấy làm gì có điện thoại viễn thông như bây giờ. Chỉ biết nó khổ mà tôi cũng khổ, toàn dân khổ. Tôi ra trường rồi đi làm nghề bán sắt, nó làm bác sỹ quân y. Cắm đầu vào học, vào làm. Rồi một hôm vợ Sỹ tìm đến tôi nói là mai Sỹ bảo vệ luận văn Phó tiến sỹ ở trong Học viện Quân y. Sáng hôm sau, tôi đi rất sớm, vào gặp nhau trước khi đi công tác Nam Định. Sỹ đang cùng các nhân viên hành chính bưng bê, xếp đặt bàn ghế cho hội trường. Dúi vào tay nó bao thuốc Dulhill đỏ và hai mươi nghìn rồi đi, hẹn nhau thi cho tốt. Hai đứa cùng ngân ngấn nước mắt, hóa ra bây giờ còn yếu đuối hơn lúc đánh giặc trong rừng. Ngày bảo vệ Tiến sỹ của nó chẳng có hoa, có thê tử bầu đoàn chớp ảnh gì cả. Lẳng lặng vào đời khoa học chẳng hứa hẹn tung hô như bây giờ. Tiến sỹ rồi vẫn thế. Đi và về với thứ bệnh tật của người nghèo. Có năm, một hội thảo tận Thành phố Sài Gòn, tiền vé máy bay mua cũng oải, tự mua mà đi. Cái nhà bé như chuồng chim đầy ắp lo lắng. Sách vở gắn trên tường, chuồng heo treo ngoài tường cứ nương tựa vào nhau mà đi lên, kỳ quái thật.
Thời gian hai đứa tôi hay gặp nhau nhiều ấy là lúc Sỹ lên làm viện trưởng K74. Cái bệnh viện nằm ở đây dễ vài chục năm rồi, cũ kỹ, hiền lành và rất khiêm tốn. Miền trung du cằn cỗi bình yên, bình yên đến mức tự ti, hiền lành đến mức bé lại trước bộn bề thời mở cửa. Chúng tôi nói chuyện nhiều về việc cơ quan mới của Sỹ. Nó nói về viện 74 như nói về quê hương của nó. Nó bảo, ở đây họ đánh thức tao về gia đình về quê hương nhiều lắm mày ạ. Rồi nó bảo, những chiều Trung du tuyệt đẹp. Những bông hoa súng tím cánh chuồn chuồn trên những đầm nước quanh bệnh viện làm con người tử tế và yêu cuộc sống hơn. Cốc bia hơi trên đường Láng bỗng như dìu dịu làm khô đi giọt mồ hôi cuối chiều hè Hà Nội. Rồi vài năm sau, viện 74 ngày càng khá hơn, là địa chỉ tin cậy cho những người mắc bệnh lao ở vùng phía bắc. Chẳng thể bảo ấy tất cả là công của Sỹ, nhưng những ngày vất vả đơn điệu tự ti lùi lại phía sau khi có một ông giám đốc nghiêm túc và yêu thương con người trên đó thì ai cũng tin. Ai cũng từng nhớ, giám đốc Sỹ từng không quên ngày sinh nhật của chị lao công cho tới các bác sỹ trong toàn bệnh viện. Bây giờ, hai đứa tôi xắp lên ông rồi. Nó cứ đi họp và đi công tác liên miên. Bực mình hỏi mày đi họp suốt ngày không chán à? Họp là việc đời, còn làm việc với các bộ phận chuyên môn, với các bác sỹ trẻ là việc đạo. Mày vào viện tao mà nhìn khuôn viên giữa lòng bệnh viện. Một bệnh viện lao to nhất nước mà sạch sẽ, trong lành thật khó hình dung. Vài năm nay, cái cung cách tác phong làm việc của thầy thuốc nơi này thật đổi khác. Tôi mừng cho Sỹ và cũng thương cho nó. Thị thành nó khắc nghiệt hơn nhiều, yêu thương chưa phải là tốt cho tất cả. Nhưng tất cả con người thì ở đâu cũng cần được yêu thương.
Hẹn hò bao nhiêu năm mà phải cho tới dịp 30/4/2008 vợ chồng Sỹ và vợ chồng tôi mới thực hiện được chuyến đi về chiến trường xưa. xe chạy theo kiểu ngày đi đêm ngủ, qua Quảng Trị, qua nghĩa trang đường chín, nghĩa trang Trường Sơn. vào KonTum, qua Play cần. Dăktô, nghĩa trang thị xã rồi về Gialai, vào Đức Cơ xuống Phú Bổn Cheoreo. Tám ngày trời hai cặp vợ chồng già thơ thẩn toàn nghĩa trang là nghĩa trang. Bao nhiêu hương nhang, bao nhiêu là hỏi thăm rồi bao nhiêu là nước mắt mừng tủi, mỗi khi đọc được một cái tên đồng đội. Trời cao nguyên xanh và nhiều mây như ngày còn trẻ, tôi và Sỹ sống những ngày đẹp nhất của đời mình ở đây. Nắng cao nguyên tháng tư, hai thằng lính già đi dọc những hàng bia mộ trắng nhức mắt Tây nguyên thơm hương hoa café và bạt ngàn xanh cao su , hồ tiêu. Chúng tôi khấn với đồng đội, rằng nhờ có các anh nằm lại mà chúng tôi mới được trở về, chúng t«i nên người và đùm bọc cho các con em chúng tôi cũng nên người. Những người làm giám đốc như chúng tôi đây, cũng chỉ là kẻ vay nợ các anh đó thôi. Thời gian càng lùi xa thì các nghĩa trang liệt sỹ lại càng ngào ngạt hương thơm trong cõi tâm linh con người. Năm nay, ngày 27 tháng 2 một nhóm những người lính già vào Viện Lao trung ương thăm Sỹ, lẵng hoa ghi dòng chữ : Bạn chiến đấu sư đoàn 320A chúc mừng "Người mang hoa là một ông già 80 tuổi, Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ông già ôm lấy Sỹ mà mừng về người lính trẻ dũng cảm ở chiến trường Tây Nguyên năm nào nay đã thành Phó giáo sư Tiến sỹ. Chúng tôi ngồi bên nhau, tất cả đã đầu bạc. Thời gian sàng lọc kỷ niệm để cho con người còn lại những ký ức mà ký ức nào cũng tốt đẹp khi đồng đội t×ìm đến với nhau. Sỹ cũng như tôi , lúc này bâng khuâng nhớ về căn nhà nhỏ ở quê, ở đó kể từ ngày mẹ theo bố lên nông trường Mộc Châu, để rồi bốn chục năm sau, đưa mẹ về yên nghỉ trên cánh đồng nhà, ngai ngái cái mùi men gốm Chu Đậu. Tôi hình dung ra, cái bóng của Sỹ bước thấp bước cao trên bờ ruộng lúa trong chiều ra thăm mẹ. Lúa mùa xanh ngăn ngắt trong khoảng xanh bình yên thăm thẳm.

16 /10/2018

No comments:

Post a Comment