Friday, November 2, 2018

Đường Chúng ta đi

Chúng tôi đã học thuộc lòng đoạn văn dài trong tùy bút "Đường Chúng ta đi "
Năm ấy là năm 1969. Sau tết, chúng tôi bước vào học để thi tốt nghiệp cấp 3. ( PTTH bây giờ ) Ngày ấy có nhiều bài giảng cập nhật thành Bài đoc thêm dù không trong giáo trình Trích giảng văn học. -Tôi nhớ vậy 
Lớp 10 của tôi ở trong rừng nứa. Mùa xuân nứa tôt um tùm. Muỗi bay u u . Sau những đợt mưa phùn ẩm ướt là mưa rào và rừng tinh khôi như áo mới. chúng tôi học say sưa mặc dù biết mình chỉ ngày mai có thể nhập ngũ. Những đứa bé như tôi thì còn an tâm chứ mấy thằng 18, 19 tuổi cao nhớn thì đằng sau những khuôn mặt tươi cười là bâng khuâng đến ngày ra trận.
Lúc ấy có một bài giảng mà cả thầy và trò đều thổn thức sững sờ. Bài tùy bút của một nhà văn mang tên Nguyễn Trung Thành. Thầy dậy văn tôi đọc không hay nhưng chúng tôi vẫn xúc động trào nước mắt. Sau nửa thế kỉ mà tôi vẫn hình dung ra khung cảnh lớp tôi hôm ấy. Rừng nứa lặng im , những con chim ngoài cành cây lớp học ngó nghiêng cũng lặng im. ….” ... 
....Ngày mai chúng tôi sẽ ra trận.... Dân tộc chúng ta sinh ra và lớn lên trên một mảnh đất mấy nghìn năm nay chưa giờ phút nào nguội tắt ngọn lửa chiến tranh. Từ trong đêm mờ xa xôi của lịnh sử, hình ảnh cha ông ta, hình ảnh con người Việt Nam suốt hàng trăm thế hệ nối tiếp bao giờ cũng là hình ảnh một con người cầm vũ khí đứng lên trong cuộc chiến đấu trường kỳ và dữ dội để giành và giữ lấy quyền sống của mình…”
Lúc ấy những trái tim trai gái tuổi 17, 18 rạo rực, ai cũng nghĩ mình sẽ làm gì đây cho tổ quốc mình. Rồi đến đoạn …”Giá như chúng ta minh họa lịch sử dân tộc thì có trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu? Máu thắm đượm rãnh cày ta gieo hạt giống, máu thấm đượm mảnh sân con ta nô đùa ngày bé, máu thắm đượm con đường nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi, máu thắm đượm bờ ao em ta ngồi giặt áo trên chiếc cầu nhỏ gập ghềnh..” thì chúng tôi nhìn nhau . Lũ con gái nhìn chúng tôi như hiểu ra , rồi chúng tôi sẽ xa nhau..
Thế ròi , ngay sau kì thi ấy một vài bạn đã lên đường . Còn tôi và nhiều bạn khác ra trận từ giảng đường đại học . Đêm Trường sơn chúng tôi nhớ bài Đường chúng ta đi, nhớ trường nhớ lớp và nhớ bao bạn bè và ai cũng có một cặp mắt thiếu nữ để mà tự nhớ mang theo. Hơn một trăm ngày trên Trường sơn bom đạn gian khổ chúng tôi vịn vaò những câu thơ của Phạm Tiến Duật, của những trang tiểu thuyết Nguyễn Minh Châu của Đỗ Chu, Hồ Phương và Nguyễn Trung Thành. Tôi mãi mãi không biết Nguyễn Trung Thành là Nguyên Ngọc tác giả Đất nước đứng lên và với Rừng Sà nu Nếu tôi đã hi sinh như nhiều bạn cùng lớp tôi.

Đường chúng ta đi- Tùy bút của Nguyễn Trung Thành với thế hệ thanh niên XHCN cầm súng ra trận có sức cảm hóa động viên đẹp đẽ và tác dụng chân thực lớn lao đến ngần nào. 
Tôi nhớ là thầy giáo cho chúng tôi học thuộc một đọan trong bài tùy bút ấy. . Đó là đoạn dưới đây. Tôi chắc các bạn cùng lớp tôi ở cấp 3A thị xã Yên Bái khóa 1966- 1969 cũng còn nhớ. .

“ ….thường vẫn vậy đấy, bắt đầu hầu như chẳng có gì cả. Chỉ là một giọng hát. Đội trưởng chúng tôi vừa tắt đài. Trên đài, một người con gái nào đó vừa hát một bản dân ca của đất nước trong đêm khuya. Bây giờ tất cả im lặng rồi, giọt sao ngoài khung cửa đọng lại, đứng im, không nháy nữa, đêm đã đi vào chiều sâu, mà vẫn còn nghe âm vang mãi giọng hát của người con gái lúc nãy. Một giọng hát dân ca, ngân nga bát ngát như cánh cò trên đồng lúa miền Nam chạy tới chân trời, có lúc rụt rè, e thẹn như khóe mắt người yêu mới gặp, có lúc tinh nghịch, duyên dáng như những đôi chân nhỏ thoăn thoắt gánh lúa chạy trên những con đường làng trộn lẫn bóng tre và bóng nắng... Có lẽ không phải là một người con gái đã hát trên đài. Đó chính là quê hương ta đang lên tiếng hát. Tiếng ngân nga dội lên từ lòng đất, ở đó trong một góc vườn có đôi cây sầu đông và một giàn bầu đong đưa quả nặng, một ngày đã xa mẹ ta đã chôn nhúm nhau của ta thuở ta mới lọt lòng. Đó là tiếng ngân của mặt đất, của dòng sông, của những xóm làng và những cánh đồng sau một ngày lao động và chiến đấu.
Không biết các bạn có bao giờ nghĩ như vậy không. Riêng tôi cứ mỗi lần nghe vọng lên tiếng hát đậm đà, uyển chuyển của những bản dân ca Việt Nam, lòng tôi bỗng dưng xao xuyến lạ thường, tôi bỗng đứng lại như sửng sốt, như kinh ngạc, và bàng hoàng tự hỏi: Đất nước ta, con người Việt Nam ta vẫn còn giữ được tiếng hát ấy ư? Kỳ diệu biết bao nhiêu! Kỳ diệu biết bao nhiêu, tiếng hát và tấm lòng Việt Nam chúng ta!
Dân tộc chúng ta sinh ra và lớn lên trên một mảnh đất mấy nghìn năm nay chưa giờ phút nào nguội tắt ngọn lửa chiến tranh. Từ trong đêm mờ xa xôi của lịnh sử, hình ảnh cha ông ta, hình ảnh con người Việt Nam suốt hàng trăm thế hệ nối tiếp bao giờ cũng là hình ảnh một con người cầm vũ khí đứng lên trong cuộc chiến đấu trường kỳ và dữ dội để giành và giữ lấy quyền sống của mình. Không biết có nơi nào nữa trên trái đất, quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến vậy không? Giá như chúng ta minh họa lịch sử dân tộc thì có trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu? Máu thắm đượm rãnh cày ta gieo hạt giống, máu thấm đượm mảnh sân con ta nô đùa ngày bé, máu thắm đượm con đường nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi, máu thắm đượm bờ ao em ta ngồi giặt áo trên chiếc cầu nhỏ gập ghềnh... Ôi dân tộc ta từ trong máu lửa mà sinh ra, mà lớn lên. Từ trong máu lửa bốn nghìn năm chúng ta đứng dậy và cất tiếng nói. Từ trong máu lửa đỏ cháy cả không gian và thời gian như vậy, tưởng như chỉ có thể là tiếng kêu rú căm hờn, dân tộc ta chỉ có thể nấc lên tiếng khóc xé ruột, xé lòng... Thế nhưng lạ lùng thay, từ trong máu lửa cháy đỏ cả lịch sử, chúng ta lên tiếng nói, và tiếng nói ấy lại là tiếng hát trữ tình, điềm đạm, trong sáng, duyên dáng và say sưa như một cuộc hẹn hò, xao xuyến như buổi gặp gỡ ban đầu. Một dân tộc đánh giặc bốn nghìn năm mà tiếng hát vẫn êm dịu, uyển chuyển như vậy, dân tộc ấy mãnh liệt và bình tĩnh biết chừng nào.
Cám ơn chị, người con gái hát trên đài đêm nay, cám ơn chị đã hát lên lòng tự tin và sức sống không gì dập tắt nổi của dân tộc ta….”

NTL 30/10/2018

No comments:

Post a Comment